Từ
phố đi bộ đường Nam Kinh, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đi lên thêm 5
phút là đến một khu dân cư cũ kỹ bị quy hoạch bỏ quên. Diện tích trung
bình của một hộ gia đình ở đây chỉ khoảng 15m2, nhà nào 40m2 đã được coi
là một "hộ giàu". Nhà cửa xuống cấp, xập xệ nhưng chưa có kế hoạch sửa
chữa là tình cảnh chung của nhiều người dân quận Vô Tích.
Một người dân trong quận Vô Tích, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đang phơi quần áo trong đường hành lang chung chật hẹp
Cách
đây không lâu, khảo sát khu đất cũ cần được cải tạo trên đường Phúc
Kiến, quận Hoàng Phố, và gồm cả cư dân của quận Vô Tích đạt tỷ lệ đồng ý
cao tới 99,72%.
Đằng sau vẻ "bình lặng" và muốn thoát khỏi cảnh
sống tạm bợ ấy, chính là những sự lo lắng, bất an của nhiều cư dân sống
tại đó. Trên thực tế, dù mong muốn cải thiện môi trường sống, nhưng khi
đối mặt với những cải cách thì họ lại lo nhiều hơn mừng. Thêm vào đó,
công tác quy hoạch chưa kèm theo bồi thường thiết thực về mặt kinh tế
khiến cho cư dân ở đây "im hơi lặng tiếng" chịu đựng cảnh sống khốn khổ,
chật chội trong chính tổ ấm của mình.
Cửa sổ nhỏ hẹp nhìn ra thế giới bên ngoài của căn nhà chỉ vỏn vẹn 20m2
"Nhà tôi có hai phòng rộng gần 40m2, một là phòng ngủ và một là phòng khách." - Bà Anh Tử có phần "tự hào" khi kể về ngôi nhà.
Xét về tình hình chung, nhà của bà Anh Tử được đánh giá là "hộ giàu" tại nơi đây. Nhà bà
rộng rãi hơn nhiều so với những gia đình ba người sống chen chúc trong
những ngôi nhà chỉ khoảng 10m2. Mãi hai năm trước, khu vực bà ở mới được
cấp phép làm nhà vệ sinh riêng.
"Vào ngày nhận được thông báo tiền thuế tăng, chúng tôi đã lo lắng đến mức không ngủ nổi." - Bà Anh Tử thở dài.
Bà Anh Tử cho biết khi nghe tin quy hoạch đã rất hoảng sợ
Mọi
người đều nói rằng nhà bà Anh Tử "có điều kiện", nhưng bà chỉ khiêm tốn
miêu tả nhà mình "thấp bé chứa những người cao lớn", nhìn chung cũng đã
rất xập xệ.
"Bây giờ chúng tôi không cần đi vệ sinh công cộng,
nhưng vẫn không có nhà tắm riêng. Nhà vệ sinh được lắp ngay trong
phòng, quay mặt vào trong rất bất tiện. Bếp chung dành cho năm hộ gia
đình, không thể dùng lâu được vì còn phải để cho nhà khác nấu. Nhà quá
cũ, nền phòng ngủ bị nghiêng, không sửa được." - Bà Anh Tử "nói xấu" ngôi nhà của mình.
Toilet trong phòng ngủ
Điều
bà mong mỏi nhất là được sống trong một ngôi nhà có thang máy. Bà Anh
Tử năm nay đã 70 tuổi, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật chiến đấu với
căn bệnh ung thư, không thể nâng một cánh tay lên được. Chồng bà 80
tuổi, có bệnh về xương cốt, đi lại khó khăn, phải dùng xe lăn để di
chuyển.
Bà Anh Tử bày tỏ mình đã sống cả đời ở quận Vô Tích và
hiếm khi đi du lịch đến những nơi khác, cũng không hiểu các thủ tục mua
hay thuê nhà hiện giờ. Vợ chồng bà không có con, trong số các anh chị em
ruột của bà, người nhỏ nhất cũng đã 65 tuổi.
"Tôi nghe nói mua hay thuê nhà bây giờ phải qua trung gian, phải đặt cọc, tôi không biết phải làm như thế nào." - Bà buồn bã nói.
Bà Đường (gần 80 tuổi) đang nấu súp khoai tây trong "ngôi nhà siêu mỏng" của mình
"Ngôi
nhà siêu mỏng" cao 4 tầng, có hình chữ L. Bức tường hẹp nhất chỉ rộng
chừng 20cm, trông giống như một tờ giấy, bởi vậy nhiều người còn gọi nó
là "ngôi nhà giấy". Tương truyền rằng kiến trúc kỳ lạ ấy đã được xây
dựng cách đây cả trăm năm, nhằm mục đích tận dụng hết đất đai nên nó mới
mỏng dính như vậy.
Năm xưa ngôi nhà "mỏng tang như tờ giấy" được
thiết kế để cho thuê làm văn phòng, nên không có nhà bếp và phòng tắm
riêng biệt. Sau đó, hơn 40 gia đình lần lượt dọn đến sống trong tòa nhà.
Nhiều năm sau đã hình thành nên việc dùng nhà vệ sinh chung và nấu ăn ở
hành lang công cộng. Vì không lắp được máy khử mùi nên vào giờ cao điểm
nấu ăn, luôn có một "biển khói" lớn thoát ra ở khu vực hành lang.
Do điều kiện sống khó khăn, loại hình nhà chật hẹp không đủ chất lượng trên cũng đã được đưa vào diện quy hoạch.
Gia đình bà Đường sống trên tầng 4, là nơi có điều kiện sống tồi tệ nhất ở đây
Nhà
của bà Đường không có cửa, người ta phải chui vào bằng "một cái lỗ".
Đây là một căn phòng áp mái, bởi vì mái xéo, một nửa số phòng đều thấp
đến mức người ta không thể đứng thẳng được. Trong phòng chỉ có một cửa
sổ hướng ra bên ngoài nên khả năng chiếu sáng và lưu thông không khí rất
kém. Tất cả các hoạt động sinh hoạt như ngủ, đi vệ sinh, nấu nướng, ăn
uống của bà Đường và con trai đều ở trên căn gác xép bé tí tẹo ấy.
Vì
không gian quá chật chội nên không có tủ đựng đồ trong nhà, ban ngày đồ
đạc chất đống trên giường, ban đêm gia chủ lại phải bê ra khỏi giường
rồi đặt dưới đất để lấy chỗ ngủ.
Con trai của bà Đường đã ngoài 40
tuổi và chưa kết hôn. Bà cho biết, khi con trai còn trẻ cũng có người
quen mai mối nhưng cô gái không thích anh.
"Với môi trường sống như nhà tôi, cô gái nào bằng lòng lấy nó chứ?" - Bà Đường nghẹn ngào.
Cư
dân ở quận Vô Tích chủ yếu là người già, trong đó, hơn 80% là người cao
tuổi và người cao tuổi sống một mình hoặc không có người thân giúp đỡ.
Thế nên khi họ phải đối mặt với những thay đổi to lớn như quy hoạch nhà
đất sẽ dẫn đến một số áp lực tâm lý nhất định.
Để đối phó với một
số người cao tuổi hoàn toàn không biết gì về tình hình thị trường nhà ở
hiện nay, ông Lăng - Giám đốc ủy ban khu phố - đã tổ chức thu thập, phân
loại tình hình nhà ở và thông tin giá cả của các nhóm khu vực khả thi.
"Làm
như thế không phải để họ mua, mà để họ có một khái niệm: nếu nhận được
tiền đền bù, họ có thể mua được loại nhà nào. Điều này làm giảm sự lo
lắng của người dân." - Ông Lăng cho biết.
Nguồn: 163