Quán Bên Đường
Trở Lại Vùng Phi Quân Sự (1967) - Trương Dưỡng.
Khi về Sài gòn thì Tiểu đoàn xả trại 1 tuần lễ, riêng các sĩ quan trong đó có Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo, Đại úy Mễ,...(vừa được thăng cấp đặc cách mặt trận trong cuộc hành quân Lam Sơn 60 vừa rồi) được Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng mời đi ăn tiệc ở nhà hàng Bồng Lai nằm trên đường Lê Lợi, gần chợ Bến Thành. Tại đây có ban tam ca Sao Băng, và ai nấy đều thích thú khi nghe giọng trầm ấm trong các bài hát về lính của ca sĩ Thanh Phong .
Sau khi hết phép, các đại đội lo báo cáo phúc trình tổn thất và được bổ sung kịp thời, để chuẩn bị cho cuộc hành quân tới. Lúc nầy tôi được chuyển qua làm trung đội trưởng ở Đại đội 92, dưới quyền của Trung uý Nguyễn Văn Thành.
Lợi dụng mấy ngày rảnh rỗi, tôi tập họp binh sĩ để huấn luyện bổ túc về cá nhân chiến đấu, và phản ứng cấp thời khi bị địch tấn công hay phục kích bất ngờ. Tôi cũng đem những lý thuyết học tại quân trường và kinh nghiệm đã học hỏi hơn một năm rưởi ở tiểu đoàn, chỉ cho các hạ sĩ quan và khinh binh thêm về bản đồ, kỷ thuật hành quân cấp tiểu đội, trung đội. Một tháng trôi qua thật nhanh, chúng tôi lại được bốc ra Huế và đóng quân tạm tại làng An Hoà để chờ nhận tiếp tế lương thực. Sau đó tiểu đoàn được đưa vào khu vực hành quân tại quận Quảng Điền, còn được gọi là Sịa (nhứt Huế nhì Sịa). Quận nầy ở gần biển và rất trù phú, nhưng du kích địa phương ưa gài mìn ở dưới ruộng nước, nếu không may đạp nhầm thì nhẹ nhất cũng bị cưa chân.
Mục đích của cuộc hành quân là làm chỗ an toàn cho bãi nhảy dù dã chiến. Vì mỗi năm ai cũng phải nhảy dù bồi dưỡng đủ 4 “Sô” mới được tiếp tục ăn lương không vụ (tương đương tiền bay của phi công bên không quân). Vì đa số ai cũng bận đi hành quân triền miên, nên sư đoàn chở dù ra để giúp cho những người còn thiếu Saut được nhảy dù bổ túc từ trên phi cơ trực thăng, vì bãi nhảy hơi chật hẹp.
Khoảng hai tuần sau, xe GMC chở tiểu đoàn đến Đông Hà, một quận nằm phía Nam Gio Linh, ở gần cực Bắc tỉnh Quảng Trị, để chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn cấp chiến đoàn, vào vùng Phi Quân Sự một lần nữa!
Chúng tôi vừa tới chỗ đóng quân vào lúc trời mờ tối, thì được địch pháo hỏa tiễn 122 ly chào đón. Có lẽ bọn nằm vùng thấy chuyển quân rầm rộ quá, nên gọi pháo kích cảnh cáo. Vì ở đây cũng gần sông Bến Hải, có thể trong tầm của loại pháo binh nòng dài. Mặc dù trời đã tối, chưa kịp tắm rửa, nấu nướng, ai cũng lo ưu tiên đào hố chiến đấu, để có nơi trú ẩn vì địch thường pháo khuấy rối để mọi người bị mất ngủ.
Cuộc hành quân kỳ nầy cũng nhằm yểm trợ cho việc thiết lập hàng rào Mac Namara về phía Đông của Quốc Lộ 1. Đây là vùng trống trải, toàn động cát và đám rừng thông già trồng dọc theo bờ biển, do đó địch ở bên kia bờ sông Bến Hải, có thể nhìn thấy cuộc tiến quân một cách dễ dàng.
Tiểu đoàn định lừa địch, bằng cách chọn điểm xuất phát từ chợ Đông Hà, thay vì đi bờ Bắc, chúng tôi đi dọc theo bờ Nam của sông Đông Hà, để vào căn cứ hải quân ở Cửa Việt.
Đúng 1 giờ khuya (phải đi trong bóng đêm để tránh đài quan sát và pháo binh địch), chúng tôi được tàu lội nước của hải quân Mỹ (gọi là M. Track) đưa qua bờ Bắc của Cửa Việt.
Vậy mà cũng không dấu được hành tung, địch vẫn rải pháo đều đều, làm cuộc tiến quân thỉnh thoảng phải dừng lại, mỗi khi nghe tiếng pháo đề ba (départ) từ bên kia bờ Bắc.
Dù bị pháo liên tục vào đội hình, nhưng đơn vị vẫn cố gắng tiếp tục tiến tới bờ sông Bến Hải để yểm trợ cho nhân viên gài các dụng cụ khám phá địch bằng các cơ phận điện tử.
Tôi thấy các anh Phan Nhật Nam, Lê Văn Mễ, và đa số anh em binh sĩ, mỗi khi dừng quân 5, 10 phút là vội lấy nón sắt ra đào cát lên để ngồi trốn đạn pháo. Còn tôi thì nhờ đi theo hàng cây thông, nên khi nào nghe pháo thì nhảy vô gốc cây núp, nếu đạn pháo trúng ngọn cây sẽ nổ tung ra nhiều mảnh, tôi có nón sắt và áo giáp hy vọng sẽ bớt phần nào nguy hiểm! Thà đánh bằng đạn thẳng ít sợ hơn, chứ pháo rải rác kiểu nầy hoài thì khó mà tránh, đúng là trời bảo ai nấy dạ!
Khoảng 7 giờ sáng thì chúng tôi đã thấy bờ sông Bến Hải, nhìn về hướng Mục tiêu 4, là cái đồi cát cao nhất trong vùng (Căn cứ A1 sau nầy và còn có tên là Ocean view), tôi thấy các bóng đen của binh sĩ Tiểu Đoàn 6 Dù, mỗi lần bị pháo kích là họ vội nằm xuống; Rồi lo đào vội hố cá nhân. Cử động của họ hấp tấp vội vàng dưới làng mưa pháo của địch quân, họ lúc ấy thật tội nghiệp, như những con thú bị săn đuổi!
Sau khi dứt tiếng pháo họ lại đứng lên và tiếp tục tiến về hướng sông Bến Hải. Hình bóng họ hiện rõ trên đồi cát, di động giống như xem cinéma sống thực vậy!
Nghe giọng nói của Trung úy Tèo trong máy:
__ Bây giờ nó đã vượt lằn ranh khu phi quân sự, trình Sơn Thủy tôi bị ...(Xếp bấm chặt combiné im lặng)..Tèo hiểu ý nói tiếp :
__ Trình đích thân, nó ném đá trước mặt tôi 3 thước .
Có lẽ Việt Cộng đang theo dõi máy nên tưởng là trúng đích; và từ đó trở đi đạn đại bác từ bờ Bắc cứ nả đều trước mặt đoàn quân khoảng 3 cây số (mà Tèo đã ngụy tạo là 3 thước).
Vì tiểu đoàn đi sát bờ biển, nên tôi thấy có một chiếc phản lực quây lảo đảo như bị trúng đạn phòng không, nó từ miền Bắc bay trở về và rớt đâm đầu xuống biển. Cuộc hành quân nầy nhờ hải pháo từ các tuần dương hạm yểm trợ mạnh mẽ vào các ổ pháo địch; nếu không, có thể chúng tôi phải bị tổn thất rất nhiều. Sau khi xong nhiệm vụ, mọi đơn vị vội vã rút nhanh về hướng Nam, càng xa càng đỡ thiệt hại!
Khi về tới Đông Hà, tiểu đoàn được xe chở tới đóng quân tại bờ sông Thạch Hản, gần thị xã Quảng Trị. Trong mấy ngày nghỉ quân chờ bổ sung và tiếp tế lương thực, tôi đi thăm phố và cổ thành Đinh Công Tráng, ở ngay cạnh chợ. Cổ thành nầy rất kiên cố, xung quanh có hào sâu bao bọc, các bờ thành cao chừng 5 thước, dầy 5 thước, được xây bằng gạch rất kiên cố. Diện tích của thành nầy thì nhỏ bằng Hoàng cung Đại Nội ở Huế (hình vuông mỗi cạnh khoảng 500 thước).
Mấy ngày sau, tiểu đoàn được lệnh đi lục soát tìm và tiêu diệt địch (nếu có), ở dọc theo bờ biển phía Đông của thành phố. Sau 4 ngày lại được nghỉ quân 3 hôm, rồi tiếp tục cuộc hành quân kế tiếp, vào khu rừng núi, nằm phía Tây của thị trấn Quảng Trị. Khi đã càn quét xong 4 hướng trong đó có các quận Triều Phong, Hải Lăng của tỉnh lỵ Quảng Trị, đơn vị lại được điều động đi xuống phía Nam, ranh giới giữa 2 thành phố Huế và Quảng Trị.
Chúng tôi cứ đi dọc theo sông Mỹ Chánh về hướng Tây, vào sâu trong dãy Trường sơn, trèo đèo vượt suối, đủ 4 ngày ra lãnh lương thực, rồi trực thăng vận trở vô và tiếp tục leo những ngọn núi khác để tìm và diệt địch.
Sau đó tiểu đoàn trở về An Lỗ chờ tiếp tế và coi như được nghỉ dưỡng quân 4 ngày. Tại đây đại uý Mễ đã gọi các sĩ quan cấp đại đội trưởng và trung đội trưởng tới nhậu lai rai, rồi nghe anh ngâm bài thơ ruột tựa đề là Mòn Mỏi, như tôi đã kể ở phần trước.
Hôm sau trung đội tôi được chỉ định mở cuộc đột kích đêm, tại một làng xôi đậu, nằm trong khu vực xa xôi, ngoài tầm kiểm soát của địa phương quân. Ngôi làng ở về hướng Đông Bắc, cách chỗ tiểu đoàn đóng quân khoảng 5 cây số.
Chiều hôm đó tôi chỉ rõ cho binh sỉ trung đội về các chi tiết của cuộc hành quân đột kích đêm, và phân phối nhiệm vụ cho từng tổ một. Đúng 4 giờ khuya, trung đội bắt đầu xuất phát. Chúng tôi lặng lẽ và thận trọng đi xuyên qua đồng ruộng trống trải, dưới ánh trăng mờ ảo. Dạ hành mãi tới gần 5 giờ mới thấy ngôi làng hiện ra phía trước (tôi chọn giờ nầy vì đó là lúc gần hết phiên gác của địch, nếu có, và lúc ai cũng đang say sưa chập chờn trong giấc ngủ).
Đến cách bờ làng chừng 100 thước, trung đội dàn ngang theo bờ ruộng để yểm trợ cho 3 khinh binh, chạy zít zắt theo đội hình chân vạc, tiến vào bờ làng làm đầu cầu. Khi thấy các khinh binh vô được bờ làng, cả trung đội cùng tiến vào một cách lặng lẽ. Mọi người nhẹ nhàng đi qua từng căn nhà, xem có động tịnh gì không? Rồi trung đội tiếp tục lần lượt lục soát hết ngôi làng. Nhưng chúng tôi không thấy dấu vết gì về địch, nên lặng lẽ rút lui, trả lại sự yên tỉnh cho thôn xóm. Họ vẫn tiếp tục say sưa trong giấc điệp, để rồi sáng ra, không ngờ trong đêm có một đoàn quân Dù đã từng rình mò từng căn nhà của họ. Sau vụ đột kích đêm, Tiểu đoàn trưởng thưởng cho chai rượu Black & White, tôi tập họp trung đội và chia cho mỗi người uống một nắp, để thưởng công vất vả, và để họ được nếm mùi rượu ngoại quốc tuy thơm ngon, nhưng không đậm đà bằng rượu đế mà họ quen dùng. Riêng các khinh binh thì được uống gấp đôi, vì họ vừa cực khổ vừa lãnh phần nguy hiểm hơn đồng đội.
Có lần trung đội được lệnh đi đầu mở đường cho đoàn quân hơn 500 người, trong dãy Trường sơn, đầy những cây rừng rậm rạp cản đường tiến quân. Lúc đó tôi phải đích thân lên đi đầu để vừa đôn đốc các khinh binh Quảng, Cứ,.. phá đường vượt rừng băng suối, vừa để định đúng hướng mục tiêu bằng bản đồ và địa bàn. Đây là một trách nhiệm nặng nề, vì nếu tính sai tọa độ, pháo binh có thể bắn lầm lên đầu quân bạn. Tôi thấy các khinh binh người nào cũng mồ hôi chảy ướt đẫm cả áo, tay chân và cổ họ bị những gai và lá sậy sắc bén khứa đứt nhiều lằng rướm máu, nhìn họ mà tôi ứa nước mắt.
Khinh binh Cứ ngồi bẹp xuống và nói:
- Mệt quá Thiếu uý ơi, cho em nghỉ một chút đi!
Tôi quay ra sau quẹt vội nước mắt, sợ họ thấy rồi làm nư, sẽ làm chậm bước tiến của đoàn quân:
- Ráng chút nữa đi, tiểu đoàn đang trông cậy vào chúng ta đó.
Cứ và các khinh binh cũng ý thức trách nhiệm nặng nề, nên đứng lên tiếp tục dùng dao đi rừng dẹp các chướng ngại vật. Tôi rất thương mến họ, nên thường dành mọi ưu tiên về thăng cấp, huy chương, và đi phép thăm nhà cho họ (các khinh binh: Cứ, Quảng, Võ, Học,... quí mến của tôi)
Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (các Tiểu đoàn Dù khi tăng phái thường được đặt dưới quyền điều động của vị Tư lênh Sư đoàn địa phương) thấy chúng tôi leo núi đã chán, lại điều động tiểu đoàn xuống hành quân tìm địch trong vùng bờ biển nổi tiếng nhiều du kích, thuộc huyện Phú Thứ, nằm ở phía Nam thành phố Huế. Tại đây tiểu đoàn chạm địch nhiều phen và bắt được một số du kích.
Xong miệt đồng bằng lại đổi qua vùng đồi hoa sim Nam Hoà, nơi đây tiểu đoàn lần đầu tiên tổ chức hành quân đột kích đêm với sự tham chiến của toàn đơn vị. Lúc ấy là đêm trăng rằm, toàn bộ tiểu đoàn chia quân làm hai cánh. Thiếu tá Bảo chỉ huy 2 đại đội đi theo đường đất đỏ tiến sâu vào hướng Tây chừng 3 cây số, rồi rải hàng ngang, bọc về hướng Nam chừng 1 cây số, làm tuyến án ngữ trong một làng thuộc quận Nam Hoà.
Tiểu đoàn trừ do Thiếu tá Nhã chỉ huy, cho hai đại đội dàn quân xuất phát từ chân núi Ngự Bình, tiến dọc về hướng Tây, thẳng vào các ngọn đồi trọc, nơi có tin tức tình báo là địch sẽ về đây tiếp thu lúa ruộng do các du kích địa phương từ các thôn xóm đưa ra. Khoảng một giờ khuya, các du kích địch như những con chuột, bắt đầu ló mặt ra, chúng không ngờ, toán quân Dù đã phục sẵn, cứ nghênh ngang đi giữa đường nên bị bắt gọn. Một số chạy ra hướng khu đồi trọc, định báo động cho toán bên ngoài. Nhưng ở đây chúng bị cùng chung số phận, vì đại đội của trung uý Tèo đã tóm sạch hết. Giữa đêm khuya tiếng nói của Tèo vang rền trong quảng không vô tận:
- Trình Sơn Thủy (mật hiệu truyền tin của tiểu đoàn trưởng), tôi tóm được khá nhiều chuột.
Thiếu tá Nhã nói giọng hớn hỡ:
- Anh giỏi lắm, bên Bắc Bình (Thiếu tá Bảo) cũng thu hoạch khá lắm.
- Tư Tưởng đây Thành Thái(Thành, Đại đội trưởng ĐĐ92).
- Tư Tưởng (Tèo, đại đội trưởng Đại Đội 93) tôi nghe!
- Có vài con chạy về hướng của bạn đó, trả lời.
- Tôi sẽ ân cần tiếp đón chúng nó, trả lời.
(ước hiệu truyền tin của Tướng Đống là Bạch Long, Trưởng Phòng Ba là Hắc Long, Đại tá Nguyễn Khoa Nam là 601,...)
Sáng hôm sau, chúng tôi vào nghỉ quân tại các xóm gần dốc Nam Giao, cạnh chùa Từ Đàm, để chuẩn bị đợi máy bay đưa về Sàigòn. Chuyến ra Vùng I kỳ nầy thiệt là vô cùng cực khổ! Vì mọi người đã đi gần hết các nơi rừng núi đồng lầy: từ miền giới tuyến ở khu Phi Quân Sự, tới các khu vực xung quanh hai thị xã Quảng Trị và Huế.
Thấm thoát đã hơn 3 tháng rồi, mà vẫn chưa được gặp mặt vợ con. Do đó ai cũng mong ngày về Sàigòn, mọi người đều chuẩn bị mua sắm quà xứ Huế cho thân nhân. Tôi có mua mấy nón lá bài thơ, mè xửng, và kẹo gương để đem về Vĩnh Bình cho Nhi và bà con hai họ. Khi ra phi trường Phú Bài, có binh sĩ vì mua quà nhiều quá, nên đập bỏ hết các nồi niêu, son chảo để có chỗ chứa trong ba lô. Họ mừng quá vì sắp gặp được thân nhân, cần phải đem quà về thật nhiều cho vợ con, để bù đắp lại chuyến hành quân kỳ nầy quá lâu.
Mỗi lần đi xa về, tôi thường hát khẻ bên tai cho Nhi nghe bài “Sau Ngày Hành Quân” như để vuốt ve an ủi và như để xin lỗi vì bắt nàng phải đợi chờ quá lâu:
* Sau ngày hành quân, anh về mang theo chiến thắng....
* Súng còn đeo vai, đã viết thư cho người yêu!
*... Hay thôi anh đền em,..đền em anh dũng bội tinh, hay
anh đền em, bằng chữ yêu....... Mình....
Chiếc C-130 (loại bán phản lực, chở trên 100 người) bay được gần nửa giờ, thì đáp xuống phi trường, đa số binh sĩ đều tưởng đã tới SàiGòn nên hớn hở chờ cửa hậu mở để nhanh chân đi ra, tôi đang thắc mắc tại sao kỳ nầy bay mau quá vậy?
Nhưng khi ra khỏi máy bay thì ai cũng bật ngửa! Vì đây không phải là Thủ đô yêu dấu, mà là phi trường Phượng Hoàng ở Tân Cảnh, thuộc quận Dakto, tỉnh Kontum. Nhìn xung quanh toàn núi cao bao bọc.
Thì ra Tổng Tham Mưu vừa nhận được công điện khẩn của Quân Khu II, báo cáo Sư đoàn Chính qui (Công trường 320 ?) địch vừa xuất hiện đêm qua trong vùng núi Ngọc Long (Ngok Wan hay đỉnh cao nhứt vùng 1416) và dự định tấn công vào Dakto, Tân Cảnh, và tỉnh lỵ Kontum. Trong khi chờ đợi các Tiểu đoàn Dù ra nghênh chiến, chúng tôi được lệnh đáp xuống đây để kịp thời ngăn chặn ý đồ xâm lược của địch.
Đêm đó cả tiểu đoàn tạm trú quân trên đồi cao trong phi trường Tân Cảnh. Thấy các quân nhân tức giận vì bị lừa dối, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng bảo Đại uý Mễ tập hợp binh sĩ giải thích và nói rõ là chỉ hành quân 1 tuần rồi sẽ về Sàigòn.
Sáng hôm sau, tiểu đoàn xuất phát từ quận Dakto, chia quân làm hai cánh, tiến vào lục soát các đỉnh núi cao. Đây là khu rừng rậm, đầy muỗi và đỉa vắt cựa quậy giống như đỉa trâu, trông thật là kinh khiếp! Tôi vừa làm rớt địa bàn và lượm lên thì thấy mấy con vắt ngọ ngoậy đeo dính trên địa bàn, làm sợ hết hồn!
Tôi vội lấy lọ thuốc muỗi ra, thoa khắp tay chân và đầu cổ. Vì chỗ nào có da thịt, vắt sẽ bám vào để hút máu! Ở nơi rừng thiên nước độc nầy chẳng những có nhiều muỗi, vắt, mà còn lạnh kinh khủng, lạnh nhất là trên đỉnh núi Ngọc Long, cao 1416 thước. Đêm đó mọi người phải đốt lửa ở dưới hố cá nhân để sưởi, mà cũng không thể chợp mắt được, vì trên đỉnh cao thấu mây xanh nầy có nhiều sương mù lạnh lẽo bao phủ!
Chúng tôi đi vòng vòng tìm địch trong các khu rừng rậm, núi non trùng điệp được 1 tuần thì rút về Tân Cảnh, đợi sáng mai phi cơ đưa các tiểu đoàn khác ra thay thế.
Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, anh Nhật, anh Phan Nhật Nam, Nguyễn Đức Tâm, Đỗ Ngọc Nuôi, Nguyễn Tống Hiến và tôi cùng rủ nhau đi xin tiền ông quận trưởng Dakto để mua rượu nhậu. Lúc đó tình hình tuy hơi căng thẳng, nhưng địch chắc chưa chuẩn bị đầy đủ, nên không động tĩnh gì.
Anh Tâm làm tài xế lái xe Jeep, các người còn lại thì súng AR-15 lên đạn cầm tay sẵn sàng tư thế chiến đấu. Tâm nhấn hết ga, khoảng 20 phút thì đến quận đường. Chúng tôi vào gặp vị Quận trưởng khoá đàn anh (khoá 10 ĐL), và ca bài “Con cá sống nhờ nước”. Anh Quận trưởng thấy mấy thằng đàn em nầy quá gan lỳ, dám xách xe chạy cà rỡn trên đoạn đường đầy nguy hiểm, chỉ vì ham vui. Anh vội móc túi đưa 10 ngàn và hối chúng tôi ra về sớm, kẻo trời tối, địch phát giác rồi phục binh chận đường, thì thập phần nguy hiểm.
Có tiền rồi, mọi người hớn hở chạy một mạch từ Dakto về tới Tân Cảnh, nhìn lại đồng hồ thì đã quá 7 giờ rưởi tối. Tất cả vội tìm một quán bar, rồi gọi rượu thịt ra nhậu tới hết tiền thì trời cũng đã khuya. Tôi và mọi người ra về, nhưng chỉ có Nhật vì đã nhậu quá say nên muốn ở lại lê la “Làm thơ con cóc”. Sáng hôm sau trong khi ai nấy đều chuẩn bị ra phi trường thì Nhật mới lót tót leo dốc về, thấy anh thở hổn hển, mặt mày xanh lét vì “Trèo đèo leo dốc”, Tâm và Mễ ôm bụng cười lăn lóc!
Trước khi lên phi cơ, Thiếu tá Nhã tổ chức lễ gắn cấp bậc Trung úy đặc cách cho Nuôi, Hiến, Miên,....và tôi ngay tại phi đạo. Chiếc C-130 chở tôi vừa cất cánh, thì địch bắt đầu khai chiến, chúng pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly (để chào mừng mấy Trung úy vừa tân thăng chăng?) vào phi trường, khiến một số binh sĩ, chưa lên kịp máy bay, bị trúng mảnh đạn rocket. Thiếu tá Nhã cũng bị một mảnh xuyên qua gan, phải giải phẫu cấp tốc mới bảo tồn được sinh mạng, lúc đó Thiếu tá Phạm Hy Mai về tạm thay thế. Mấy ngày sau cả chiến đoàn Dù đều đụng trận ác liệt tại đỉnh 1416 (có bài ca nói về trận nổi tiếng nầy), hai bên đều tổn thất rất nhiều!
Về tới Sàigòn, sau khi dự tiệc ở nhà hàng Bồng Lai xong, tôi vội cấp tốc ra bến xe đò Miền Tây, mua vé về Vĩnh Bình thăm vợ con, vì kỳ nầy đi quá lâu nên tôi sốt ruột, nóng lòng ước chi mình có cánh, để bay mau về gặp Nhi. Ở Vĩnh Bình 4 ngày, tôi đi thăm mấy thằng bạn học cũ. Chiến tổ chức tiệc mời tôi, Lộc, Chánh, và Hiền tới nhậu vui vẻ. Anh em lâu ngày gặp nhau nên uống thật nhiều vì “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, uống rượu với những thằng bạn tốt nầy thì:
Đồ ăn ngon
Người ngồi ăn ngon
Chỗ ngồi ăn ngon
.....................Ngon!
(Tản Đà)
Sau khi Tiểu đoàn nghỉ dưỡng quân 1 tháng, chúng tôi lại chuẩn bị khăn gói lên 5 chiếc C-130 ra Huế, để bảo vệ cho đồng bào ăn tết Mậu Thân. Lúc đó tôi được thăng cấp Trung uý đặc cách mặt trận, nhân dịp lễ Quốc Khánh 1 tháng 11 năm 1967. Và vẫn là Trung đội Trưởng Trung đội 1, Đại đội 92, của Trung uý Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành (Khoá19).
Trương Dưỡng
Tân Sơn Hòa chuyển
Trở Lại Vùng Phi Quân Sự (1967) - Trương Dưỡng.
Khi về Sài gòn thì Tiểu đoàn xả trại 1 tuần lễ, riêng các sĩ quan trong đó có Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo, Đại úy Mễ,...(vừa được thăng cấp đặc cách mặt trận trong cuộc hành quân Lam Sơn 60 vừa rồi) được Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng mời đi ăn tiệc ở nhà hàng Bồng Lai nằm trên đường Lê Lợi, gần chợ Bến Thành. Tại đây có ban tam ca Sao Băng, và ai nấy đều thích thú khi nghe giọng trầm ấm trong các bài hát về lính của ca sĩ Thanh Phong .
Sau khi hết phép, các đại đội lo báo cáo phúc trình tổn thất và được bổ sung kịp thời, để chuẩn bị cho cuộc hành quân tới. Lúc nầy tôi được chuyển qua làm trung đội trưởng ở Đại đội 92, dưới quyền của Trung uý Nguyễn Văn Thành.
Lợi dụng mấy ngày rảnh rỗi, tôi tập họp binh sĩ để huấn luyện bổ túc về cá nhân chiến đấu, và phản ứng cấp thời khi bị địch tấn công hay phục kích bất ngờ. Tôi cũng đem những lý thuyết học tại quân trường và kinh nghiệm đã học hỏi hơn một năm rưởi ở tiểu đoàn, chỉ cho các hạ sĩ quan và khinh binh thêm về bản đồ, kỷ thuật hành quân cấp tiểu đội, trung đội. Một tháng trôi qua thật nhanh, chúng tôi lại được bốc ra Huế và đóng quân tạm tại làng An Hoà để chờ nhận tiếp tế lương thực. Sau đó tiểu đoàn được đưa vào khu vực hành quân tại quận Quảng Điền, còn được gọi là Sịa (nhứt Huế nhì Sịa). Quận nầy ở gần biển và rất trù phú, nhưng du kích địa phương ưa gài mìn ở dưới ruộng nước, nếu không may đạp nhầm thì nhẹ nhất cũng bị cưa chân.
Mục đích của cuộc hành quân là làm chỗ an toàn cho bãi nhảy dù dã chiến. Vì mỗi năm ai cũng phải nhảy dù bồi dưỡng đủ 4 “Sô” mới được tiếp tục ăn lương không vụ (tương đương tiền bay của phi công bên không quân). Vì đa số ai cũng bận đi hành quân triền miên, nên sư đoàn chở dù ra để giúp cho những người còn thiếu Saut được nhảy dù bổ túc từ trên phi cơ trực thăng, vì bãi nhảy hơi chật hẹp.
Khoảng hai tuần sau, xe GMC chở tiểu đoàn đến Đông Hà, một quận nằm phía Nam Gio Linh, ở gần cực Bắc tỉnh Quảng Trị, để chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn cấp chiến đoàn, vào vùng Phi Quân Sự một lần nữa!
Chúng tôi vừa tới chỗ đóng quân vào lúc trời mờ tối, thì được địch pháo hỏa tiễn 122 ly chào đón. Có lẽ bọn nằm vùng thấy chuyển quân rầm rộ quá, nên gọi pháo kích cảnh cáo. Vì ở đây cũng gần sông Bến Hải, có thể trong tầm của loại pháo binh nòng dài. Mặc dù trời đã tối, chưa kịp tắm rửa, nấu nướng, ai cũng lo ưu tiên đào hố chiến đấu, để có nơi trú ẩn vì địch thường pháo khuấy rối để mọi người bị mất ngủ.
Cuộc hành quân kỳ nầy cũng nhằm yểm trợ cho việc thiết lập hàng rào Mac Namara về phía Đông của Quốc Lộ 1. Đây là vùng trống trải, toàn động cát và đám rừng thông già trồng dọc theo bờ biển, do đó địch ở bên kia bờ sông Bến Hải, có thể nhìn thấy cuộc tiến quân một cách dễ dàng.
Tiểu đoàn định lừa địch, bằng cách chọn điểm xuất phát từ chợ Đông Hà, thay vì đi bờ Bắc, chúng tôi đi dọc theo bờ Nam của sông Đông Hà, để vào căn cứ hải quân ở Cửa Việt.
Đúng 1 giờ khuya (phải đi trong bóng đêm để tránh đài quan sát và pháo binh địch), chúng tôi được tàu lội nước của hải quân Mỹ (gọi là M. Track) đưa qua bờ Bắc của Cửa Việt.
Vậy mà cũng không dấu được hành tung, địch vẫn rải pháo đều đều, làm cuộc tiến quân thỉnh thoảng phải dừng lại, mỗi khi nghe tiếng pháo đề ba (départ) từ bên kia bờ Bắc.
Dù bị pháo liên tục vào đội hình, nhưng đơn vị vẫn cố gắng tiếp tục tiến tới bờ sông Bến Hải để yểm trợ cho nhân viên gài các dụng cụ khám phá địch bằng các cơ phận điện tử.
Tôi thấy các anh Phan Nhật Nam, Lê Văn Mễ, và đa số anh em binh sĩ, mỗi khi dừng quân 5, 10 phút là vội lấy nón sắt ra đào cát lên để ngồi trốn đạn pháo. Còn tôi thì nhờ đi theo hàng cây thông, nên khi nào nghe pháo thì nhảy vô gốc cây núp, nếu đạn pháo trúng ngọn cây sẽ nổ tung ra nhiều mảnh, tôi có nón sắt và áo giáp hy vọng sẽ bớt phần nào nguy hiểm! Thà đánh bằng đạn thẳng ít sợ hơn, chứ pháo rải rác kiểu nầy hoài thì khó mà tránh, đúng là trời bảo ai nấy dạ!
Khoảng 7 giờ sáng thì chúng tôi đã thấy bờ sông Bến Hải, nhìn về hướng Mục tiêu 4, là cái đồi cát cao nhất trong vùng (Căn cứ A1 sau nầy và còn có tên là Ocean view), tôi thấy các bóng đen của binh sĩ Tiểu Đoàn 6 Dù, mỗi lần bị pháo kích là họ vội nằm xuống; Rồi lo đào vội hố cá nhân. Cử động của họ hấp tấp vội vàng dưới làng mưa pháo của địch quân, họ lúc ấy thật tội nghiệp, như những con thú bị săn đuổi!
Sau khi dứt tiếng pháo họ lại đứng lên và tiếp tục tiến về hướng sông Bến Hải. Hình bóng họ hiện rõ trên đồi cát, di động giống như xem cinéma sống thực vậy!
Nghe giọng nói của Trung úy Tèo trong máy:
__ Bây giờ nó đã vượt lằn ranh khu phi quân sự, trình Sơn Thủy tôi bị ...(Xếp bấm chặt combiné im lặng)..Tèo hiểu ý nói tiếp :
__ Trình đích thân, nó ném đá trước mặt tôi 3 thước .
Có lẽ Việt Cộng đang theo dõi máy nên tưởng là trúng đích; và từ đó trở đi đạn đại bác từ bờ Bắc cứ nả đều trước mặt đoàn quân khoảng 3 cây số (mà Tèo đã ngụy tạo là 3 thước).
Vì tiểu đoàn đi sát bờ biển, nên tôi thấy có một chiếc phản lực quây lảo đảo như bị trúng đạn phòng không, nó từ miền Bắc bay trở về và rớt đâm đầu xuống biển. Cuộc hành quân nầy nhờ hải pháo từ các tuần dương hạm yểm trợ mạnh mẽ vào các ổ pháo địch; nếu không, có thể chúng tôi phải bị tổn thất rất nhiều. Sau khi xong nhiệm vụ, mọi đơn vị vội vã rút nhanh về hướng Nam, càng xa càng đỡ thiệt hại!
Khi về tới Đông Hà, tiểu đoàn được xe chở tới đóng quân tại bờ sông Thạch Hản, gần thị xã Quảng Trị. Trong mấy ngày nghỉ quân chờ bổ sung và tiếp tế lương thực, tôi đi thăm phố và cổ thành Đinh Công Tráng, ở ngay cạnh chợ. Cổ thành nầy rất kiên cố, xung quanh có hào sâu bao bọc, các bờ thành cao chừng 5 thước, dầy 5 thước, được xây bằng gạch rất kiên cố. Diện tích của thành nầy thì nhỏ bằng Hoàng cung Đại Nội ở Huế (hình vuông mỗi cạnh khoảng 500 thước).
Mấy ngày sau, tiểu đoàn được lệnh đi lục soát tìm và tiêu diệt địch (nếu có), ở dọc theo bờ biển phía Đông của thành phố. Sau 4 ngày lại được nghỉ quân 3 hôm, rồi tiếp tục cuộc hành quân kế tiếp, vào khu rừng núi, nằm phía Tây của thị trấn Quảng Trị. Khi đã càn quét xong 4 hướng trong đó có các quận Triều Phong, Hải Lăng của tỉnh lỵ Quảng Trị, đơn vị lại được điều động đi xuống phía Nam, ranh giới giữa 2 thành phố Huế và Quảng Trị.
Chúng tôi cứ đi dọc theo sông Mỹ Chánh về hướng Tây, vào sâu trong dãy Trường sơn, trèo đèo vượt suối, đủ 4 ngày ra lãnh lương thực, rồi trực thăng vận trở vô và tiếp tục leo những ngọn núi khác để tìm và diệt địch.
Sau đó tiểu đoàn trở về An Lỗ chờ tiếp tế và coi như được nghỉ dưỡng quân 4 ngày. Tại đây đại uý Mễ đã gọi các sĩ quan cấp đại đội trưởng và trung đội trưởng tới nhậu lai rai, rồi nghe anh ngâm bài thơ ruột tựa đề là Mòn Mỏi, như tôi đã kể ở phần trước.
Hôm sau trung đội tôi được chỉ định mở cuộc đột kích đêm, tại một làng xôi đậu, nằm trong khu vực xa xôi, ngoài tầm kiểm soát của địa phương quân. Ngôi làng ở về hướng Đông Bắc, cách chỗ tiểu đoàn đóng quân khoảng 5 cây số.
Chiều hôm đó tôi chỉ rõ cho binh sỉ trung đội về các chi tiết của cuộc hành quân đột kích đêm, và phân phối nhiệm vụ cho từng tổ một. Đúng 4 giờ khuya, trung đội bắt đầu xuất phát. Chúng tôi lặng lẽ và thận trọng đi xuyên qua đồng ruộng trống trải, dưới ánh trăng mờ ảo. Dạ hành mãi tới gần 5 giờ mới thấy ngôi làng hiện ra phía trước (tôi chọn giờ nầy vì đó là lúc gần hết phiên gác của địch, nếu có, và lúc ai cũng đang say sưa chập chờn trong giấc ngủ).
Đến cách bờ làng chừng 100 thước, trung đội dàn ngang theo bờ ruộng để yểm trợ cho 3 khinh binh, chạy zít zắt theo đội hình chân vạc, tiến vào bờ làng làm đầu cầu. Khi thấy các khinh binh vô được bờ làng, cả trung đội cùng tiến vào một cách lặng lẽ. Mọi người nhẹ nhàng đi qua từng căn nhà, xem có động tịnh gì không? Rồi trung đội tiếp tục lần lượt lục soát hết ngôi làng. Nhưng chúng tôi không thấy dấu vết gì về địch, nên lặng lẽ rút lui, trả lại sự yên tỉnh cho thôn xóm. Họ vẫn tiếp tục say sưa trong giấc điệp, để rồi sáng ra, không ngờ trong đêm có một đoàn quân Dù đã từng rình mò từng căn nhà của họ. Sau vụ đột kích đêm, Tiểu đoàn trưởng thưởng cho chai rượu Black & White, tôi tập họp trung đội và chia cho mỗi người uống một nắp, để thưởng công vất vả, và để họ được nếm mùi rượu ngoại quốc tuy thơm ngon, nhưng không đậm đà bằng rượu đế mà họ quen dùng. Riêng các khinh binh thì được uống gấp đôi, vì họ vừa cực khổ vừa lãnh phần nguy hiểm hơn đồng đội.
Có lần trung đội được lệnh đi đầu mở đường cho đoàn quân hơn 500 người, trong dãy Trường sơn, đầy những cây rừng rậm rạp cản đường tiến quân. Lúc đó tôi phải đích thân lên đi đầu để vừa đôn đốc các khinh binh Quảng, Cứ,.. phá đường vượt rừng băng suối, vừa để định đúng hướng mục tiêu bằng bản đồ và địa bàn. Đây là một trách nhiệm nặng nề, vì nếu tính sai tọa độ, pháo binh có thể bắn lầm lên đầu quân bạn. Tôi thấy các khinh binh người nào cũng mồ hôi chảy ướt đẫm cả áo, tay chân và cổ họ bị những gai và lá sậy sắc bén khứa đứt nhiều lằng rướm máu, nhìn họ mà tôi ứa nước mắt.
Khinh binh Cứ ngồi bẹp xuống và nói:
- Mệt quá Thiếu uý ơi, cho em nghỉ một chút đi!
Tôi quay ra sau quẹt vội nước mắt, sợ họ thấy rồi làm nư, sẽ làm chậm bước tiến của đoàn quân:
- Ráng chút nữa đi, tiểu đoàn đang trông cậy vào chúng ta đó.
Cứ và các khinh binh cũng ý thức trách nhiệm nặng nề, nên đứng lên tiếp tục dùng dao đi rừng dẹp các chướng ngại vật. Tôi rất thương mến họ, nên thường dành mọi ưu tiên về thăng cấp, huy chương, và đi phép thăm nhà cho họ (các khinh binh: Cứ, Quảng, Võ, Học,... quí mến của tôi)
Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh (các Tiểu đoàn Dù khi tăng phái thường được đặt dưới quyền điều động của vị Tư lênh Sư đoàn địa phương) thấy chúng tôi leo núi đã chán, lại điều động tiểu đoàn xuống hành quân tìm địch trong vùng bờ biển nổi tiếng nhiều du kích, thuộc huyện Phú Thứ, nằm ở phía Nam thành phố Huế. Tại đây tiểu đoàn chạm địch nhiều phen và bắt được một số du kích.
Xong miệt đồng bằng lại đổi qua vùng đồi hoa sim Nam Hoà, nơi đây tiểu đoàn lần đầu tiên tổ chức hành quân đột kích đêm với sự tham chiến của toàn đơn vị. Lúc ấy là đêm trăng rằm, toàn bộ tiểu đoàn chia quân làm hai cánh. Thiếu tá Bảo chỉ huy 2 đại đội đi theo đường đất đỏ tiến sâu vào hướng Tây chừng 3 cây số, rồi rải hàng ngang, bọc về hướng Nam chừng 1 cây số, làm tuyến án ngữ trong một làng thuộc quận Nam Hoà.
Tiểu đoàn trừ do Thiếu tá Nhã chỉ huy, cho hai đại đội dàn quân xuất phát từ chân núi Ngự Bình, tiến dọc về hướng Tây, thẳng vào các ngọn đồi trọc, nơi có tin tức tình báo là địch sẽ về đây tiếp thu lúa ruộng do các du kích địa phương từ các thôn xóm đưa ra. Khoảng một giờ khuya, các du kích địch như những con chuột, bắt đầu ló mặt ra, chúng không ngờ, toán quân Dù đã phục sẵn, cứ nghênh ngang đi giữa đường nên bị bắt gọn. Một số chạy ra hướng khu đồi trọc, định báo động cho toán bên ngoài. Nhưng ở đây chúng bị cùng chung số phận, vì đại đội của trung uý Tèo đã tóm sạch hết. Giữa đêm khuya tiếng nói của Tèo vang rền trong quảng không vô tận:
- Trình Sơn Thủy (mật hiệu truyền tin của tiểu đoàn trưởng), tôi tóm được khá nhiều chuột.
Thiếu tá Nhã nói giọng hớn hỡ:
- Anh giỏi lắm, bên Bắc Bình (Thiếu tá Bảo) cũng thu hoạch khá lắm.
- Tư Tưởng đây Thành Thái(Thành, Đại đội trưởng ĐĐ92).
- Tư Tưởng (Tèo, đại đội trưởng Đại Đội 93) tôi nghe!
- Có vài con chạy về hướng của bạn đó, trả lời.
- Tôi sẽ ân cần tiếp đón chúng nó, trả lời.
(ước hiệu truyền tin của Tướng Đống là Bạch Long, Trưởng Phòng Ba là Hắc Long, Đại tá Nguyễn Khoa Nam là 601,...)
Sáng hôm sau, chúng tôi vào nghỉ quân tại các xóm gần dốc Nam Giao, cạnh chùa Từ Đàm, để chuẩn bị đợi máy bay đưa về Sàigòn. Chuyến ra Vùng I kỳ nầy thiệt là vô cùng cực khổ! Vì mọi người đã đi gần hết các nơi rừng núi đồng lầy: từ miền giới tuyến ở khu Phi Quân Sự, tới các khu vực xung quanh hai thị xã Quảng Trị và Huế.
Thấm thoát đã hơn 3 tháng rồi, mà vẫn chưa được gặp mặt vợ con. Do đó ai cũng mong ngày về Sàigòn, mọi người đều chuẩn bị mua sắm quà xứ Huế cho thân nhân. Tôi có mua mấy nón lá bài thơ, mè xửng, và kẹo gương để đem về Vĩnh Bình cho Nhi và bà con hai họ. Khi ra phi trường Phú Bài, có binh sĩ vì mua quà nhiều quá, nên đập bỏ hết các nồi niêu, son chảo để có chỗ chứa trong ba lô. Họ mừng quá vì sắp gặp được thân nhân, cần phải đem quà về thật nhiều cho vợ con, để bù đắp lại chuyến hành quân kỳ nầy quá lâu.
Mỗi lần đi xa về, tôi thường hát khẻ bên tai cho Nhi nghe bài “Sau Ngày Hành Quân” như để vuốt ve an ủi và như để xin lỗi vì bắt nàng phải đợi chờ quá lâu:
* Sau ngày hành quân, anh về mang theo chiến thắng....
* Súng còn đeo vai, đã viết thư cho người yêu!
*... Hay thôi anh đền em,..đền em anh dũng bội tinh, hay
anh đền em, bằng chữ yêu....... Mình....
Chiếc C-130 (loại bán phản lực, chở trên 100 người) bay được gần nửa giờ, thì đáp xuống phi trường, đa số binh sĩ đều tưởng đã tới SàiGòn nên hớn hở chờ cửa hậu mở để nhanh chân đi ra, tôi đang thắc mắc tại sao kỳ nầy bay mau quá vậy?
Nhưng khi ra khỏi máy bay thì ai cũng bật ngửa! Vì đây không phải là Thủ đô yêu dấu, mà là phi trường Phượng Hoàng ở Tân Cảnh, thuộc quận Dakto, tỉnh Kontum. Nhìn xung quanh toàn núi cao bao bọc.
Thì ra Tổng Tham Mưu vừa nhận được công điện khẩn của Quân Khu II, báo cáo Sư đoàn Chính qui (Công trường 320 ?) địch vừa xuất hiện đêm qua trong vùng núi Ngọc Long (Ngok Wan hay đỉnh cao nhứt vùng 1416) và dự định tấn công vào Dakto, Tân Cảnh, và tỉnh lỵ Kontum. Trong khi chờ đợi các Tiểu đoàn Dù ra nghênh chiến, chúng tôi được lệnh đáp xuống đây để kịp thời ngăn chặn ý đồ xâm lược của địch.
Đêm đó cả tiểu đoàn tạm trú quân trên đồi cao trong phi trường Tân Cảnh. Thấy các quân nhân tức giận vì bị lừa dối, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng bảo Đại uý Mễ tập hợp binh sĩ giải thích và nói rõ là chỉ hành quân 1 tuần rồi sẽ về Sàigòn.
Sáng hôm sau, tiểu đoàn xuất phát từ quận Dakto, chia quân làm hai cánh, tiến vào lục soát các đỉnh núi cao. Đây là khu rừng rậm, đầy muỗi và đỉa vắt cựa quậy giống như đỉa trâu, trông thật là kinh khiếp! Tôi vừa làm rớt địa bàn và lượm lên thì thấy mấy con vắt ngọ ngoậy đeo dính trên địa bàn, làm sợ hết hồn!
Tôi vội lấy lọ thuốc muỗi ra, thoa khắp tay chân và đầu cổ. Vì chỗ nào có da thịt, vắt sẽ bám vào để hút máu! Ở nơi rừng thiên nước độc nầy chẳng những có nhiều muỗi, vắt, mà còn lạnh kinh khủng, lạnh nhất là trên đỉnh núi Ngọc Long, cao 1416 thước. Đêm đó mọi người phải đốt lửa ở dưới hố cá nhân để sưởi, mà cũng không thể chợp mắt được, vì trên đỉnh cao thấu mây xanh nầy có nhiều sương mù lạnh lẽo bao phủ!
Chúng tôi đi vòng vòng tìm địch trong các khu rừng rậm, núi non trùng điệp được 1 tuần thì rút về Tân Cảnh, đợi sáng mai phi cơ đưa các tiểu đoàn khác ra thay thế.
Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, anh Nhật, anh Phan Nhật Nam, Nguyễn Đức Tâm, Đỗ Ngọc Nuôi, Nguyễn Tống Hiến và tôi cùng rủ nhau đi xin tiền ông quận trưởng Dakto để mua rượu nhậu. Lúc đó tình hình tuy hơi căng thẳng, nhưng địch chắc chưa chuẩn bị đầy đủ, nên không động tĩnh gì.
Anh Tâm làm tài xế lái xe Jeep, các người còn lại thì súng AR-15 lên đạn cầm tay sẵn sàng tư thế chiến đấu. Tâm nhấn hết ga, khoảng 20 phút thì đến quận đường. Chúng tôi vào gặp vị Quận trưởng khoá đàn anh (khoá 10 ĐL), và ca bài “Con cá sống nhờ nước”. Anh Quận trưởng thấy mấy thằng đàn em nầy quá gan lỳ, dám xách xe chạy cà rỡn trên đoạn đường đầy nguy hiểm, chỉ vì ham vui. Anh vội móc túi đưa 10 ngàn và hối chúng tôi ra về sớm, kẻo trời tối, địch phát giác rồi phục binh chận đường, thì thập phần nguy hiểm.
Có tiền rồi, mọi người hớn hở chạy một mạch từ Dakto về tới Tân Cảnh, nhìn lại đồng hồ thì đã quá 7 giờ rưởi tối. Tất cả vội tìm một quán bar, rồi gọi rượu thịt ra nhậu tới hết tiền thì trời cũng đã khuya. Tôi và mọi người ra về, nhưng chỉ có Nhật vì đã nhậu quá say nên muốn ở lại lê la “Làm thơ con cóc”. Sáng hôm sau trong khi ai nấy đều chuẩn bị ra phi trường thì Nhật mới lót tót leo dốc về, thấy anh thở hổn hển, mặt mày xanh lét vì “Trèo đèo leo dốc”, Tâm và Mễ ôm bụng cười lăn lóc!
Trước khi lên phi cơ, Thiếu tá Nhã tổ chức lễ gắn cấp bậc Trung úy đặc cách cho Nuôi, Hiến, Miên,....và tôi ngay tại phi đạo. Chiếc C-130 chở tôi vừa cất cánh, thì địch bắt đầu khai chiến, chúng pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly (để chào mừng mấy Trung úy vừa tân thăng chăng?) vào phi trường, khiến một số binh sĩ, chưa lên kịp máy bay, bị trúng mảnh đạn rocket. Thiếu tá Nhã cũng bị một mảnh xuyên qua gan, phải giải phẫu cấp tốc mới bảo tồn được sinh mạng, lúc đó Thiếu tá Phạm Hy Mai về tạm thay thế. Mấy ngày sau cả chiến đoàn Dù đều đụng trận ác liệt tại đỉnh 1416 (có bài ca nói về trận nổi tiếng nầy), hai bên đều tổn thất rất nhiều!
Về tới Sàigòn, sau khi dự tiệc ở nhà hàng Bồng Lai xong, tôi vội cấp tốc ra bến xe đò Miền Tây, mua vé về Vĩnh Bình thăm vợ con, vì kỳ nầy đi quá lâu nên tôi sốt ruột, nóng lòng ước chi mình có cánh, để bay mau về gặp Nhi. Ở Vĩnh Bình 4 ngày, tôi đi thăm mấy thằng bạn học cũ. Chiến tổ chức tiệc mời tôi, Lộc, Chánh, và Hiền tới nhậu vui vẻ. Anh em lâu ngày gặp nhau nên uống thật nhiều vì “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, uống rượu với những thằng bạn tốt nầy thì:
Đồ ăn ngon
Người ngồi ăn ngon
Chỗ ngồi ăn ngon
.....................Ngon!
(Tản Đà)
Sau khi Tiểu đoàn nghỉ dưỡng quân 1 tháng, chúng tôi lại chuẩn bị khăn gói lên 5 chiếc C-130 ra Huế, để bảo vệ cho đồng bào ăn tết Mậu Thân. Lúc đó tôi được thăng cấp Trung uý đặc cách mặt trận, nhân dịp lễ Quốc Khánh 1 tháng 11 năm 1967. Và vẫn là Trung đội Trưởng Trung đội 1, Đại đội 92, của Trung uý Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành (Khoá19).
Trương Dưỡng
Tân Sơn Hòa chuyển