Truyện Ngắn & Phóng Sự
Trở lại xứ Chùa Tháp - Trần Nguơn Phiêu
Chiến sự càng ngày càng tiếp diễn ở miền Nam vài năm sau biến cố Tết Mậu Thân. Quân Cộng sản đã có được thời gian bổ sung lại bộ đội bằng nhân sự đưa từ miền Bắc vào bằng ngả đường Hồ Chí Minh. Các căn cứ hậu cần và dưỡng quân đã được tổ chức quy mô trên đất Cam Bốt, sát biên giới miền Nam. Con đường mòn Hồ Chí Minh đã ngang nhiên xuyên qua lãnh thổ Lào mặc dầu theo các hiệp định được ký kết, Lào phải là xứ trung lập! Lãnh thổ Cam Bốt sát biên giới Việt cũng đã được Cộng sản ngang nhiên biến thành những an toàn khu cho bộ đội dưỡng quân sau những lần đột kích tấn công miền Nam. Chánh quyền Miên địa phương đã nhắm mắt làm ngơ vì đã được Cộng sản Việt mua chuộc hậu hỹ nhưng dân chúng Miên đã âm thầm phản đối. Triệu đã có cơ hội đọc được các chỉ thị của phía Cộng sản lưu ý nhân viên của họ là đã có trường hợp nhiều cán bộ bị người Miên bất ngờ thủ tiêu khi nhờ người Miên chỉ đường đi liên lạc.
Quốc vương Sihanouk không chánh thức phản đối việc Việt Cộng sử dụng phần lãnh thổ Miên được Việt Cộng dùng làm bàn đạp tấn công miền Nam. Nhiều quân nhân trong quân đội Cam Bốt đã bực tức về việc này. Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến: Nhân một chuyến xuất ngoại công du của Quốc vương, Tướng Lon Nol của quân đội Cam Bốt đã đứng ra đảo chánh Sihanouk. Ngày 18-3-1970 quốc hội Cam Bốt thông qua nghị quyết truất phế Sihanouk. Ngày 27-3-1970 tòa đại sứ Bắc Việt phải rút về Bắc. Những diễn biến sau đó, do nhiều nguyên nhân phức tạp đã đưa đến việc làm khơi động tâm lý chống người Việt vì đã xâm chiếm đất đai của Chân Lạp trong quá khứ. Một phong trào bài Việt đã đưa đến việc cướp phá, xâm phạm tài sản, giết hại nhiều Việt kiều trên đất Cam Bốt. Hình ảnh các thây người bị giết thả trôi sông, được các giới truyền thông ngoại quốc đưa lên các kênh truyền hình đã đánh động lương tâm quốc tế.
Từ thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm, bang giao đã bị cắt đứt giữa Cam Bốt và Việt Nam sau việc Ngô Trọng Hiếu âm mưu cấu kết với vài nhân vật Cam Bốt để lật đổ Quốc vương Shihanook. Tòa Ðại sứ Nhật ở Nam Vang nhận lãnh đại diện lo cho các liên hệ với Việt kiều nhưng trước tình hình người Việt ở Cam Bốt bị ngược đãi, phải lánh nạn ở các trại do các cơ quan từ thiện Thiên Chúa giáo hoặc Cao Ðài phụ trách, chánh phủ Việt Nam thấy có trách nhiệm phải khẩn cấp can thiệp. Mặc dầu không có liên lạc ngoại giao nhưng trong một phiên họp Nội các, Triệu tình nguyện hướng dẫn một phái đoàn đi Nam Vang để gặp chánh quyền mới và tìm cách giúp đỡ các Việt kiều hiện đang lánh nạn trong các trại tạm trú.
Ðây là một cuộc đi có thể gặp nhiều bất trắc vì không biết chánh quyền mới ở Cam Bốt có chấp nhận tiếp phái đoàn Việt Nam hay không? Lòng Triệu đầy lo âu khi phi cơ chuẩn bị đáp xuống phi trường Po Cheng Ton. May thay - có thể do dư luận quốc tế đang liên tiếp chỉ trích chánh quyền mới về việc nhiều Việt kiều bị sát hại - chánh phủ Lon Nol đã cho Bộ trưởng Xã Hội đến đón phái đoàn Việt Nam. Bộ trưởng Châu Xeng Ua là một luật sư từng du học tại Pháp, từng giữ chức Ðại diện chánh phủ Cam Bốt trong Ủy ban Lao Ðộng của Liên Hiệp Quốc ở Genève. Ông nói tiếng Pháp rất thông thạo nên cuộc tiếp xúc từ e dè lúc đầu đã nhanh chóng trở nên thân thiện. Triệu cho biết phái đoàn Việt Nam đến Nam Vang với ý định góp sức phần nào với chánh phủ Lon Nol trong việc giải quyết các khó khăn về các trại tạm trú. Bộ Xã Hội Việt Nam đã từng đảm nhận việc này từ lâu nên có thể có chút kinh nghiệm để đóng góp.
Phái đoàn Việt Nam trên mười nhân viên đã được trú ngụ ở khách sạn Royal. Ðây là một khách sạn khá sang trọng nên rất tấp nập với các phóng viên và các giới truyền thông quốc tế. Phụ tá phái đoàn là Ðại sứ Phạm Huy Ty, nhân viên kỳ cựu của bộ Ngoại Giao Việt Nam. Ông đã hướng dẫn Triệu đến thăm Ðại sứ Nhật, người đang đại diện lo về các quyền lợi của Việt Nam ở Cam Bốt. Ðại sứ Nhật rất vui mừng vì từ nay sẽ có phái đoàn Việt Nam để lo giải quyết các vấn đề mà tòa Ðại sứ Nhật đã phải đảm trách trong thời gian vừa qua.
Vì khách sạn Royal có vị trí khít bên tòa Tổng Giám mục Nam Vang nên Triệu đã đến tiếp xúc để biết tình hình các trại Việt kiều. Các trại do Thiên Chúa Giáo đảm trách có đầy đủ danh sách nên các nhu cầu cho các nạn nhân có thể dự trù dễ dàng. Vì chánh quyền Cam Bốt chưa tổ chức việc thăm viếng nên phái đoàn rất băn khoăn về tình trạng các trại khác. May thay vào ngay buổi chiều ngày đầu tiên đến Nam Vang, Triệu vui mừng được một chức sắc cao cấp Cao Ðài đến xin tiếp xúc. Ông là một nhân vật cao niên, râu tóc bạc trắng, tác phong chững chạc. Ðó là cụ Hồ Tấn Khoa, người đã từng giữ chức quận trưởng khi Triệu còn theo học trường tỉnh Biên Hòa. Vào thời đó, dưới viên tỉnh trưởng người Pháp, ông quận trưởng là nhân vật quan trọng thứ nhì ở tỉnh lỵ. Với tuổi tác và chiếc áo dài trắng của chức sắc Cao Ðài, cụ trông phưởng phất như một tiên ông. Cùng đi với ông là người con trai, từng là bạn thân của Triệu, anh Hồ Thái Bạch. Cụ Hồ Tấn Khoa cho biết tổng số người tị nạn ở các trại do Cao Ðài đang đảm trách và các nhu cầu cần được đáp ứng hằng ngày cũng như các khó khăn cần được giải quyết. Theo nhận xét của Cụ, vì tình hình phức tạp hiện giờ ở Cam Bốt, nếu đưa được số người tị nạn về Việt Nam mới có thể giải quyết bế tắc hiện tại. Sau khi nhận ngân khoản tạm thời trợ giúp của phái đoàn, Cụ từ biệt ra về. Hồ Thái Bạch xin phép Cụ cho Bạch ở lại để hàn huyên với Triệu.
Câu đầu tiên của Bạch là: “Mừng cho anh nay đã là một bác sĩ. Mộng làm thầy thuốc của tôi thì kể như đã không bao giờ thành được”.
Hồ Thái Bạch muốn nhắc lại với Triệu những gì anh đã tâm tình với Triệu khi hai đứa còn theo học lớp Cán bộ Thanh niên ở chiến khu Ðồng Tháp. Trong những năm đầu Kháng chiến Nam bộ, anh em vẫn lạc quan mong rằng cuộc kháng Pháp sẽ thành công trong nay mai và anh em thanh niên sẽ có dịp trở về tiếp nối việc học. Mong ước của Bạch là sẽ ra Hà Nội học trường Thuốc để thành y sĩ theo ý muốn của thân phụ, ông Hồ Tấn Khoa. Một trong những huấn luyện viên khóa học là Trương Công Cán, người đã từng học Y khoa ở Hà Nội nhưng đã phải “xếp bút nghiên” trở về Nam vì biến chuyển thời cuộc năm 1945. Anh Cán thường hay nhắc đến thời sinh viên ở Hà Nội nên Bạch rất náo nức mong có ngày cũng có dịp ra Bắc.
Bạch và Triệu để gần suốt một buổi chiều để thuật cho nhau biết những gì đã xảy ra sau thời gian chia cách. Trong câu chuyện, Bạch tỏ ra rất thông hiểu tình hình chánh trị ở miền Nam, nhất là về chương trình ấp chiến lược. Anh cho biết chương trình này tuy gây nhiều bức xúc cho nông dân Nam bộ nhưng đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của Mặt trận Giải Phóng. Anh cũng cho biết việc Việt kiều ở Cam Bốt hiện nay chỉ có thể tạm thời giải quyết ổn thỏa nếu có thể đưa họ về Nam sinh sống. Nhờ trao đổi tin tức với Bạch mà Triệu mới được dịp biết rõ các hoạt động của Bắc Việt cũng như của Mặt Trận trong thời Shihanook chưa bị lật đổ. Trước kia ở Cục R có Mặt trận Giải phóng Dân tộc do Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nay lại lập thêm một Mặt trận mới có vẻ “tư sản” hơn. Ðó là Liên Minh do Trịnh Ðình Thảo làm Chủ tịch. Mặt trận mới này còn được gọi là Mặt trận 2 để phân biệt với Mặt trận 1 của Nguyễn Hữu Thọ. Cả hai đều đóng ở khu vực Sáu Cầu, gần thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Nhân vật ở hai Mặt trận cũng biết họ chỉ hiện diện để “làm kiểng” vì không có việc gì làm. Mỗi ngày sau khi nghe Huỳnh Tấn Phát trình bày tin tức, họ chỉ có việc giết thời giờ bằng nghe các đài Giải phóng, hoặc BBC, VOA, hay chơi bài tu lơ khơ! Bạch không bàn về các hoạt động quân sự nhưng cũng cho biết là bên Mặt trận Giải phóng họ đã tiên đoán là quân đội miền Nam chắc chắn sẽ được chánh phủ Lon Nol thỏa thuận để xông qua đất Miên phá các mật khu gần biên giới. Ðây là việc Lon Nol ao ước để nhổ hộ cái gai nhức nhối mà quân đội Cam Bốt không có khả năng tháo gỡ. Bạch cho biết có nhiều nguồn tin về việc Mặt trận Giải Phóng đang chuẩn bị để rút sâu lên miền Bắc Cam Bốt, có thể xa đến Stung Treng hoặc Kratié, bên bờ Ðông sông Mékong để lập căn cứ mới. Ðưa cả một số người của cục R cũng như quân đội lên miền Bắc phải vượt qua đường số 7 là vùng quân đội Cam Bốt kiểm soát không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên Bạch cũng cho biết là so với bộ đội Cộng sản, quân đội Quốc gia Cam Bốt không thể sánh bì được nên việc rút lên miền Bắc thành lập căn cứ mới có thể mau chóng thành tựu.
Gặp được cụ Hồ Tấn Khoa và Hồ Thái Bạch, Triệu kể như đã nắm bắt được tình hình các trại tị nạn Việt kiều để hoạch định chương trình trợ giúp cũng như để chuẩn bị phương tiện chuyên chở hoặc định cư nếu cần phải đưa họ hồi hương về Việt Nam.
Trong các cuộc hội kiến sau đó với chánh phủ Lon Nol, Triệu đã đánh tiếng thăm dò về phản ứng của Cam Bốt nếu chánh phủ Việt Nam xin đem phương tiện chuyên chở của Hải Quân để có thể hồi hương nhanh chóng số người trong các trại tị nạn. Trong các yếu nhân của chánh phủ Cam Bốt, người đã làm Triệu kính nể nhất là hoàng thân Sirik Matak, phó Thủ tướng, một người có dáng cương nghị, từ tốn, ăn nói chậm rãi chững chạc. Ngay những giờ phút đầu được tiếp xúc với ông, Triệu cảm thấy có thể tin tưởng ở những gì ông phát biểu.
Bằng hệ thống liên lạc riêng của phái đoàn do một bộ phận chuyên viên truyền tin, kết quả thâu được của phái đoàn được thường xuyên chuyển về Sài Gòn. Triệu vui mừng biết được tin chánh phủ đã chỉ thị cho Hải Quân cấp tốc phái các dương vận hạm để chuyên chở Việt kiều về lại Việt Nam. Bộ Xã Hội cũng đang chuẩn bị một trại định cư ở Long Khánh, một nơi không xa Sài Gòn là bao. Những Việt kiều hồi hương có tay nghề giỏi có thể về Sài Gòn tìm công việc để sớm xây dựng lại đời sống.
Ðảm bảo an ninh lộ trình đường thủy từ Nam Vang về Mỹ Tho để đưa Việt kiều về xứ không phải là việc dễ thực hiện. Trước khi bị Tướng Lon Nol lật đổ chính quốc vương Sihanouk đã đồng ý để Hoa kỳ chuẩn bị chiến dịch Operation Menu để đánh phá các mật khu Việt Cộng trên đất Miên vì càng ngày họ càng trở nên lộng hành. Chiến dịch này chưa kịp thực hiện thì Sihanouk không còn tại vị nữa. Tướng Lon Nol đồng ý để quân đội Việt Nam Cộng Hòa thi hành việc tấn công sang đất Cam Bốt qua chiến dịch KPC 1970. Ðây là chiến dịch lớn, tấn công từ ba hướng do Quân Ðoàn IV thực hiện với sự phối hợp của Quân Ðoàn III và một phần của Quân Ðoàn II. Quân đội Mỹ chỉ yểm trợ hạn chế vì quốc hội Mỹ không cho phép người Mỹ được hành quân vào lãnh thổ Cam Bốt quá 30 cây số! Vùng Lưỡi Câu và vùng Mỏ Vẹt trong đó có mật khu Ba Thu đã bị quân đội Việt Nam càn quét. Một số quân trang, quân dụng khổng lồ đã bị tịch thu hoặc phá hủy. Hơn 4000 vũ khí cá nhân mới toanh đã được chuyển giao lại cho quân đội Cam Bốt vì họ vốn quen sử dụng vũ khí khối Cộng sản. Ðể khai thông thủy lộ từ biên giới đến thủ đô Nam Vang, Quân Ðoàn IV đã tổ chức chiến dịch Cửu Long để lùng diệt quân Cộng sản dọc theo hai bên bờ sông đến tận bến phà Neak Luong gần Nam Vang. Vùng Neak Luong đã bị Cộng quân đánh chiếm ngày 5- 5-1970!
Ngày 11-5-1970 quân tiền sát Quân Ðoàn IV và đoàn tàu Hải Quân đã đến thủ đô Nam Vang. Sáng tin sương hôm đó Triệu đã vui mừng ra bến tàu gặp Ðề Ðốc Trần Văn Chơn người lãnh trách nhiệm điều động hơn 100 chiếc tàu Việt và trên 30 chiếc của Hải Quân Mỹ của Phó Ðề Ðốc Mathieu. Tư lịnh Hải Quân Trần Văn Chơn đã lấy trực thăng bay từ Việt Nam đến Nam Vang để tham dự việc đưa về nước trên hơn bảy chục ngàn Việt kiều. Sau cuộc di cư vĩ đại hơn một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954 sau hiệp định Genève, đây là cuộc di cư lớn bậc nhì trong lịch sử Việt Nam Cộng Hòa. Triệu và Ðề Ðốc Chơn đã ôm nhau, mừng cho ngày đầu của một sứ mạng được thành công tốt đẹp.
Tướng Lon Nol, trước khí thế và thành công của quân lực Việt Nam, đã thỉnh cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giúp giải tỏa hai vị trí quan trọng đã bị Cộng quân chiếm cứ: thị trấn Kompong Cham cách Nam Vang trên 70 cây số về phía Tây-Bắc và Kompong Speu giữa Nam Vang và hải cảng Sihanouk.
Nhân dịp đến được Nam Vang, Triệu đã xin chánh phủ Cam Bốt cho Triệu có cơ hội gặp lại một đồng nghiệp đã được đào tạo ở trường Quân Y Bordeaux. Anh tên Ung Poleng, thuộc khóa đàn em sau khóa Triệu và đã trở về phụ trách Quân Y của quân đội Cam Bốt. Trong buổi ăn trưa thân mật, Ung Poleng là một quân nhân tại ngũ nên đã biết khá chính xác về các hoạt động của bộ đội Cộng sản Việt trên đất Miên. Anh cho biết đối phương đã bị nhiều thiệt hại quan trọng về hậu cần và họ đang gấp rút chuyển về phía Bắc. Một số đã giả dạng người Miên để về ẩn trú ở các đô thị. Vì thế, Ung Poleng khuyên Triệu phải rất cảnh giác trong các cuộc di chuyển thăm các trại.
Vì Phật giáo là một quốc giáo ở Cam Bốt nên Triệu đã nhờ Bộ trưởng Châu Xeng Ua cho Triệu được cơ hội viếng thăm Chùa Vàng và Chùa Bạc của Nam Vang. Sau khi được vào chánh điện lạy đảnh lễ Phật, Triệu được viên Sải Cả tiếp đón. Ông nói tiếng Pháp rất thông thạo và bảo Triệu: “Tối hôm qua, tôi có linh tính sẽ gặp một khách xa lạ. Có lẽ vì lý do an ninh, ông Châu Xeng Ua không có báo cho tôi biết trước. Chỉ sáng nay, lúc chín giờ tôi mới được tin Tổng trưởng đến xin lễ Phật”.
Triệu cùng viên Sải Cả bàn luận về tình hình các Việt kiều đang gặp các khó khăn trên đất Miên. Trong tinh thần Phật giáo, Triệu nghĩ rằng đây là một cộng nghiệp mà họ phải gánh chịu vì trong quá khứ, trong cuộc Nam tiến, người Việt trong thời trước cũng đã gây nhiều đau thương cho người Miên đất Chân lạp. Triệu xin ông cùng góp lời cầu nguyện cho các tai ương sớm chấm dứt. Trước khi từ giã, Triệu được ông tặng một tượng Ðức Phật ngồi, được rắn thần naga che mưa như đã được kể trong truyền thuyết. Triệu cất tượng Phật vào trong cập Samsonite đựng những giấy tờ quan trọng mà Triệu luôn luôn mang theo mình và thưa với Viên Sải Cả là Triệu mong sẽ được hồng ân Ðức Phật che chở trong kỳ công tác khó khăn này.
Trong kỳ đi thăm người Việt vùng Biển Hồ, Triệu được ông Châu Xeng Ua đề nghị nên nhân tiện ghé viếng đền Angkor Vat. Cùng ngồi xe bàn chuyện với ông Châu Xeng Ua trên đường đến đền, Triệu tự nghĩ: xe chở nhân vật chánh phủ đi trên đường vắng mà chỉ có một cảnh sát lái mô tô đi trước dẫn đường, quả thật là cảnh trí một xứ sở thanh bình! Bữa ăn trưa hôm đó diễn ra ở khách sạn Grand Hôtel do thân phụ của Triệu đã có thời làm quản lý. Nay khách sạn đã được chỉnh trang với gỗ quý đánh bóng trông rất lộng lẫy.
Ngày hôm sau về lại Nam Vang, tin tức cho hay là Xiêm Reap đã bị quân Khmer (hay bộ đội Việt?) tấn công trong đêm. Có lẽ quân tấn công đã bố trí trong ngày Triệu viếng thăm Angkor nhưng vì chưa đến giờ nổ súng hoặc nhờ hồng ân Ðức Phật, Triệu và bộ trưởng Châu Xeng Ua đã thoát nạn?
Trong thời gian ở Nam Vang, Triệu ngày ngày đã được mời tham dự những buổi tiệc có tánh cách xã giao, trịnh trọng. Bộ trưởng Châu Xeng Ua chắc cũng hiểu được phần nào các gò bó mà Triệu đã phải gánh chịu trong các buổi tiệc đó nên khi biết được Triệu phải trở về Sài Gòn, ông đã mời Triệu đến tư gia để tham dự một bữa ăn với gia đình. Triệu thú thật là Triệu vốn dân miền Nam nên vẫn thích ăn mắm. Từ lâu Triệu nghe tiếng người Miên có loại mắm bù hóc nhưng chưa có dịp thưởng thức. Ông vui mừng cho biết mẹ ông là người có tiếng làm mắm bù hóc ở Nam Vang nên chắc là Triệu sẽ có được dịp biết loại mắm “thứ thiệt”. Quả thật trong bữa tiệc hôm đó có món cù lao. Thịt, tôm, cá, rau cải vớt nóng từ cù lao ra chấm với mấm bù hóc pha chế đúng cách đã giúp Triệu thưởng thức được hương vị đậm đà và thơm bùi của món mắm quốc hồn quốc túy của người Miên. Thân mẫu ông Châu Xeng Ua cho biết bà vốn người Châu Ðốc nên nói tiếng Việt trôi chảy. Bà cho biết: Châu Ðốc vốn nổi tiếng do món mắm thái, một phần vì người ở đây đã xem xét, tham dự việc làm mắm thái từ bé đến tuổi trưởng thành nên cách thức pha chế đúng cách đã do kinh nghiệm học hỏi giúp thành công món mắm đặc biệt của Châu Ðốc. Làm được mắm bù hóc ngon cũng phải do người có kinh nghiệm lâu năm biết từ cách chọn cá đến việc chà cá, lựa đúng lúc cá vừa hơi ương để muối và cuối cùng “chao” mắm với đường, thính, để mắm có vị thơm, bùi.
Bà tỏ ra rất thành thạo về các món ăn của người Nam. Bà cho Triệu biết ở Sóc Trăng có món bún nước lèo hay bún mắm chế biến theo lối Miên. Có thể Triệu đã biết qua món này nhưng bún mắm của người Việt chỉ có mùi mắm rất nhẹ. Nếu Triệu có dịp thưởng thức bún mắm nấu với mắm bù hóc của người Miên, Triệu sẽ thấy được sự khác biệt.
Buổi trưa cuối cùng trước khi phải trở về Sài Gòn, Triệu có nhờ tổ chức một buổi ăn thân mật để từ biệt phái đoàn Việt còn ở lại Nam Vang vì công tác vẫn cần phải tiếp tục. Trong bữa ăn hôm đó có món canh chua nấu với tôm càng và cá tươi Tonlé Sap rất đậm đà. Thấy Triệu khen món canh ngon, nhân viên phái đoàn cho biết ngày nào họ cũng gọi món này vì có hương vị đặc biệt, khác với canh chua bên nhà. Vì bên ngoại Triệu vốn ở vùng Tân Châu, Châu Ðốc nên Triệu giải thích cho nhân viên biết: người Miên dùng một loại trái chua giống như cà chua để nấu nên canh chua của họ có vị chua nhưng ngọt, bùi, khác với loại canh chua nấu với me. Bà Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là dân Rạch Giá, nơi có tiếng giỏi về bếp núc, đã biết bí quyết này nên bà đã đem từ Thái về loại cây này để trồng lấy trái nấu canh chua cho ông Khiêm. Riêng Triệu lúc nào cũng nhớ món canh chua chỉ được thưởng thức một lần duy nhất trong dịp trở lại xứ Chùa Tháp. Những ngày trọ tại khách sạn Royal, Triệu cũng thích món bít tết Pháp chiên với nhánh tiêu xanh (Biftech au poivre vert), nhưng so với buổi ăn có canh chua thật khác một trời một vực.
Rời khách sạn, Triệu nhìn trở lại một lần cuối cùng cảnh sân sau có hồ tắm và vườn cây rất đẹp. Là người thích bơi lội, ngày ngày Triệu nhìn xem du khách tụ tập phơi nắng quanh hồ tắm mà thèm muốn được nhảy xuống hồ nước trong mát. Tuy nhiên với sự hiện diện của bao nhiêu phóng viên ngoại quốc, nếu Triệu xuống hồ bơi, chắc họ sẽ có dịp phơi bày trên báo hình ảnh một Bộ trưởng Xã Hội thảnh thơi trong khi hàng ngàn đồng hương của ông đang sống khổ cực trong các trại!
Trở về Việt Nam để tiếp tục việc định cư các Việt kiều từ Cam Bốt về, một hôm Triệu được anh Ngô Chỉnh Phến đến thăm. Anh là một trong những anh em Ðệ Tứ miền Nam không bị Trần Văn Giàu sát hại vì vào năm 1945, anh còn đang bị Pháp lưu đày ở đảo Madagascar. Anh cho biết tin là trong một bổi họp trong khu chiến, Cộng sản đã nghi quyết cho Triệu là người đã đi Cam Bốt để thâu lượm tin tức ngõ hầu giúp quân đội Việt Nam đánh phá các mật khu trên đất Miên của họ. Triệu cho anh Phến biết là Triệu chỉ lo việc cứu trợ Việt kiều, không hề dính líu gì về công việc tình báo.
Anh bảo Triệu: “Tao không tán thành việc mầy tham gia chánh phủ. Nhưng dầu sao cũng phải bảo vệ mày. Tao không tin mấy thằng bảo vệ yếu nhân của chánh phủ nên ngoài những việc làm khác, tao đã có đặt gần nhà mày một anh thợ hớt tóc dạo. Ảnh sẽ để ý đến những kẻ khả nghi có thể dò la để làm hại mầy.”
Sau những ngày làm việc với bộ trưởng Châu Xeng Ua ở Nam Vang, giữa ông và Triệu đã bắt đầu có được mối thâm tình. Sau khi lật đổ Shihanouk, chánh phủ Lon Nol muốn tìm hậu thuẫn của Hoa Kỳ nên ông Châu Xeng Ua đã không ngần ngại nhờ Triệu cho ông được nhiều dịp gặp gỡ ở Sài Gòn dưới danh nghĩa bàn về công việc hai bộ Xã Hội nhưng kỳ thực là để ông có dịp tiếp xúc kín đáo với giới chức Mỹ. Các cuộc gặp gỡ giữa ông và W.C. thường diễn ra ở tư gia của Triệu. Nhân những dịp tổ chức cho ông có cơ hội gặp các yếu nhân Mỹ, tình cờ Triệu mới khám phá ra là ông Châu Xeng Ua đọc thành thạo các báo Việt, nhất là báo Chánh Luận mỗi khi ông đến Sài Gòn!
Tân Sơn Hòa chuyển
Trở lại xứ Chùa Tháp - Trần Nguơn Phiêu
Chiến sự càng ngày càng tiếp diễn ở miền Nam vài năm sau biến cố Tết Mậu Thân. Quân Cộng sản đã có được thời gian bổ sung lại bộ đội bằng nhân sự đưa từ miền Bắc vào bằng ngả đường Hồ Chí Minh. Các căn cứ hậu cần và dưỡng quân đã được tổ chức quy mô trên đất Cam Bốt, sát biên giới miền Nam. Con đường mòn Hồ Chí Minh đã ngang nhiên xuyên qua lãnh thổ Lào mặc dầu theo các hiệp định được ký kết, Lào phải là xứ trung lập! Lãnh thổ Cam Bốt sát biên giới Việt cũng đã được Cộng sản ngang nhiên biến thành những an toàn khu cho bộ đội dưỡng quân sau những lần đột kích tấn công miền Nam. Chánh quyền Miên địa phương đã nhắm mắt làm ngơ vì đã được Cộng sản Việt mua chuộc hậu hỹ nhưng dân chúng Miên đã âm thầm phản đối. Triệu đã có cơ hội đọc được các chỉ thị của phía Cộng sản lưu ý nhân viên của họ là đã có trường hợp nhiều cán bộ bị người Miên bất ngờ thủ tiêu khi nhờ người Miên chỉ đường đi liên lạc.
Quốc vương Sihanouk không chánh thức phản đối việc Việt Cộng sử dụng phần lãnh thổ Miên được Việt Cộng dùng làm bàn đạp tấn công miền Nam. Nhiều quân nhân trong quân đội Cam Bốt đã bực tức về việc này. Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến: Nhân một chuyến xuất ngoại công du của Quốc vương, Tướng Lon Nol của quân đội Cam Bốt đã đứng ra đảo chánh Sihanouk. Ngày 18-3-1970 quốc hội Cam Bốt thông qua nghị quyết truất phế Sihanouk. Ngày 27-3-1970 tòa đại sứ Bắc Việt phải rút về Bắc. Những diễn biến sau đó, do nhiều nguyên nhân phức tạp đã đưa đến việc làm khơi động tâm lý chống người Việt vì đã xâm chiếm đất đai của Chân Lạp trong quá khứ. Một phong trào bài Việt đã đưa đến việc cướp phá, xâm phạm tài sản, giết hại nhiều Việt kiều trên đất Cam Bốt. Hình ảnh các thây người bị giết thả trôi sông, được các giới truyền thông ngoại quốc đưa lên các kênh truyền hình đã đánh động lương tâm quốc tế.
Từ thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm, bang giao đã bị cắt đứt giữa Cam Bốt và Việt Nam sau việc Ngô Trọng Hiếu âm mưu cấu kết với vài nhân vật Cam Bốt để lật đổ Quốc vương Shihanook. Tòa Ðại sứ Nhật ở Nam Vang nhận lãnh đại diện lo cho các liên hệ với Việt kiều nhưng trước tình hình người Việt ở Cam Bốt bị ngược đãi, phải lánh nạn ở các trại do các cơ quan từ thiện Thiên Chúa giáo hoặc Cao Ðài phụ trách, chánh phủ Việt Nam thấy có trách nhiệm phải khẩn cấp can thiệp. Mặc dầu không có liên lạc ngoại giao nhưng trong một phiên họp Nội các, Triệu tình nguyện hướng dẫn một phái đoàn đi Nam Vang để gặp chánh quyền mới và tìm cách giúp đỡ các Việt kiều hiện đang lánh nạn trong các trại tạm trú.
Ðây là một cuộc đi có thể gặp nhiều bất trắc vì không biết chánh quyền mới ở Cam Bốt có chấp nhận tiếp phái đoàn Việt Nam hay không? Lòng Triệu đầy lo âu khi phi cơ chuẩn bị đáp xuống phi trường Po Cheng Ton. May thay - có thể do dư luận quốc tế đang liên tiếp chỉ trích chánh quyền mới về việc nhiều Việt kiều bị sát hại - chánh phủ Lon Nol đã cho Bộ trưởng Xã Hội đến đón phái đoàn Việt Nam. Bộ trưởng Châu Xeng Ua là một luật sư từng du học tại Pháp, từng giữ chức Ðại diện chánh phủ Cam Bốt trong Ủy ban Lao Ðộng của Liên Hiệp Quốc ở Genève. Ông nói tiếng Pháp rất thông thạo nên cuộc tiếp xúc từ e dè lúc đầu đã nhanh chóng trở nên thân thiện. Triệu cho biết phái đoàn Việt Nam đến Nam Vang với ý định góp sức phần nào với chánh phủ Lon Nol trong việc giải quyết các khó khăn về các trại tạm trú. Bộ Xã Hội Việt Nam đã từng đảm nhận việc này từ lâu nên có thể có chút kinh nghiệm để đóng góp.
Phái đoàn Việt Nam trên mười nhân viên đã được trú ngụ ở khách sạn Royal. Ðây là một khách sạn khá sang trọng nên rất tấp nập với các phóng viên và các giới truyền thông quốc tế. Phụ tá phái đoàn là Ðại sứ Phạm Huy Ty, nhân viên kỳ cựu của bộ Ngoại Giao Việt Nam. Ông đã hướng dẫn Triệu đến thăm Ðại sứ Nhật, người đang đại diện lo về các quyền lợi của Việt Nam ở Cam Bốt. Ðại sứ Nhật rất vui mừng vì từ nay sẽ có phái đoàn Việt Nam để lo giải quyết các vấn đề mà tòa Ðại sứ Nhật đã phải đảm trách trong thời gian vừa qua.
Vì khách sạn Royal có vị trí khít bên tòa Tổng Giám mục Nam Vang nên Triệu đã đến tiếp xúc để biết tình hình các trại Việt kiều. Các trại do Thiên Chúa Giáo đảm trách có đầy đủ danh sách nên các nhu cầu cho các nạn nhân có thể dự trù dễ dàng. Vì chánh quyền Cam Bốt chưa tổ chức việc thăm viếng nên phái đoàn rất băn khoăn về tình trạng các trại khác. May thay vào ngay buổi chiều ngày đầu tiên đến Nam Vang, Triệu vui mừng được một chức sắc cao cấp Cao Ðài đến xin tiếp xúc. Ông là một nhân vật cao niên, râu tóc bạc trắng, tác phong chững chạc. Ðó là cụ Hồ Tấn Khoa, người đã từng giữ chức quận trưởng khi Triệu còn theo học trường tỉnh Biên Hòa. Vào thời đó, dưới viên tỉnh trưởng người Pháp, ông quận trưởng là nhân vật quan trọng thứ nhì ở tỉnh lỵ. Với tuổi tác và chiếc áo dài trắng của chức sắc Cao Ðài, cụ trông phưởng phất như một tiên ông. Cùng đi với ông là người con trai, từng là bạn thân của Triệu, anh Hồ Thái Bạch. Cụ Hồ Tấn Khoa cho biết tổng số người tị nạn ở các trại do Cao Ðài đang đảm trách và các nhu cầu cần được đáp ứng hằng ngày cũng như các khó khăn cần được giải quyết. Theo nhận xét của Cụ, vì tình hình phức tạp hiện giờ ở Cam Bốt, nếu đưa được số người tị nạn về Việt Nam mới có thể giải quyết bế tắc hiện tại. Sau khi nhận ngân khoản tạm thời trợ giúp của phái đoàn, Cụ từ biệt ra về. Hồ Thái Bạch xin phép Cụ cho Bạch ở lại để hàn huyên với Triệu.
Câu đầu tiên của Bạch là: “Mừng cho anh nay đã là một bác sĩ. Mộng làm thầy thuốc của tôi thì kể như đã không bao giờ thành được”.
Hồ Thái Bạch muốn nhắc lại với Triệu những gì anh đã tâm tình với Triệu khi hai đứa còn theo học lớp Cán bộ Thanh niên ở chiến khu Ðồng Tháp. Trong những năm đầu Kháng chiến Nam bộ, anh em vẫn lạc quan mong rằng cuộc kháng Pháp sẽ thành công trong nay mai và anh em thanh niên sẽ có dịp trở về tiếp nối việc học. Mong ước của Bạch là sẽ ra Hà Nội học trường Thuốc để thành y sĩ theo ý muốn của thân phụ, ông Hồ Tấn Khoa. Một trong những huấn luyện viên khóa học là Trương Công Cán, người đã từng học Y khoa ở Hà Nội nhưng đã phải “xếp bút nghiên” trở về Nam vì biến chuyển thời cuộc năm 1945. Anh Cán thường hay nhắc đến thời sinh viên ở Hà Nội nên Bạch rất náo nức mong có ngày cũng có dịp ra Bắc.
Bạch và Triệu để gần suốt một buổi chiều để thuật cho nhau biết những gì đã xảy ra sau thời gian chia cách. Trong câu chuyện, Bạch tỏ ra rất thông hiểu tình hình chánh trị ở miền Nam, nhất là về chương trình ấp chiến lược. Anh cho biết chương trình này tuy gây nhiều bức xúc cho nông dân Nam bộ nhưng đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của Mặt trận Giải Phóng. Anh cũng cho biết việc Việt kiều ở Cam Bốt hiện nay chỉ có thể tạm thời giải quyết ổn thỏa nếu có thể đưa họ về Nam sinh sống. Nhờ trao đổi tin tức với Bạch mà Triệu mới được dịp biết rõ các hoạt động của Bắc Việt cũng như của Mặt Trận trong thời Shihanook chưa bị lật đổ. Trước kia ở Cục R có Mặt trận Giải phóng Dân tộc do Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nay lại lập thêm một Mặt trận mới có vẻ “tư sản” hơn. Ðó là Liên Minh do Trịnh Ðình Thảo làm Chủ tịch. Mặt trận mới này còn được gọi là Mặt trận 2 để phân biệt với Mặt trận 1 của Nguyễn Hữu Thọ. Cả hai đều đóng ở khu vực Sáu Cầu, gần thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Nhân vật ở hai Mặt trận cũng biết họ chỉ hiện diện để “làm kiểng” vì không có việc gì làm. Mỗi ngày sau khi nghe Huỳnh Tấn Phát trình bày tin tức, họ chỉ có việc giết thời giờ bằng nghe các đài Giải phóng, hoặc BBC, VOA, hay chơi bài tu lơ khơ! Bạch không bàn về các hoạt động quân sự nhưng cũng cho biết là bên Mặt trận Giải phóng họ đã tiên đoán là quân đội miền Nam chắc chắn sẽ được chánh phủ Lon Nol thỏa thuận để xông qua đất Miên phá các mật khu gần biên giới. Ðây là việc Lon Nol ao ước để nhổ hộ cái gai nhức nhối mà quân đội Cam Bốt không có khả năng tháo gỡ. Bạch cho biết có nhiều nguồn tin về việc Mặt trận Giải Phóng đang chuẩn bị để rút sâu lên miền Bắc Cam Bốt, có thể xa đến Stung Treng hoặc Kratié, bên bờ Ðông sông Mékong để lập căn cứ mới. Ðưa cả một số người của cục R cũng như quân đội lên miền Bắc phải vượt qua đường số 7 là vùng quân đội Cam Bốt kiểm soát không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên Bạch cũng cho biết là so với bộ đội Cộng sản, quân đội Quốc gia Cam Bốt không thể sánh bì được nên việc rút lên miền Bắc thành lập căn cứ mới có thể mau chóng thành tựu.
Gặp được cụ Hồ Tấn Khoa và Hồ Thái Bạch, Triệu kể như đã nắm bắt được tình hình các trại tị nạn Việt kiều để hoạch định chương trình trợ giúp cũng như để chuẩn bị phương tiện chuyên chở hoặc định cư nếu cần phải đưa họ hồi hương về Việt Nam.
Trong các cuộc hội kiến sau đó với chánh phủ Lon Nol, Triệu đã đánh tiếng thăm dò về phản ứng của Cam Bốt nếu chánh phủ Việt Nam xin đem phương tiện chuyên chở của Hải Quân để có thể hồi hương nhanh chóng số người trong các trại tị nạn. Trong các yếu nhân của chánh phủ Cam Bốt, người đã làm Triệu kính nể nhất là hoàng thân Sirik Matak, phó Thủ tướng, một người có dáng cương nghị, từ tốn, ăn nói chậm rãi chững chạc. Ngay những giờ phút đầu được tiếp xúc với ông, Triệu cảm thấy có thể tin tưởng ở những gì ông phát biểu.
Bằng hệ thống liên lạc riêng của phái đoàn do một bộ phận chuyên viên truyền tin, kết quả thâu được của phái đoàn được thường xuyên chuyển về Sài Gòn. Triệu vui mừng biết được tin chánh phủ đã chỉ thị cho Hải Quân cấp tốc phái các dương vận hạm để chuyên chở Việt kiều về lại Việt Nam. Bộ Xã Hội cũng đang chuẩn bị một trại định cư ở Long Khánh, một nơi không xa Sài Gòn là bao. Những Việt kiều hồi hương có tay nghề giỏi có thể về Sài Gòn tìm công việc để sớm xây dựng lại đời sống.
Ðảm bảo an ninh lộ trình đường thủy từ Nam Vang về Mỹ Tho để đưa Việt kiều về xứ không phải là việc dễ thực hiện. Trước khi bị Tướng Lon Nol lật đổ chính quốc vương Sihanouk đã đồng ý để Hoa kỳ chuẩn bị chiến dịch Operation Menu để đánh phá các mật khu Việt Cộng trên đất Miên vì càng ngày họ càng trở nên lộng hành. Chiến dịch này chưa kịp thực hiện thì Sihanouk không còn tại vị nữa. Tướng Lon Nol đồng ý để quân đội Việt Nam Cộng Hòa thi hành việc tấn công sang đất Cam Bốt qua chiến dịch KPC 1970. Ðây là chiến dịch lớn, tấn công từ ba hướng do Quân Ðoàn IV thực hiện với sự phối hợp của Quân Ðoàn III và một phần của Quân Ðoàn II. Quân đội Mỹ chỉ yểm trợ hạn chế vì quốc hội Mỹ không cho phép người Mỹ được hành quân vào lãnh thổ Cam Bốt quá 30 cây số! Vùng Lưỡi Câu và vùng Mỏ Vẹt trong đó có mật khu Ba Thu đã bị quân đội Việt Nam càn quét. Một số quân trang, quân dụng khổng lồ đã bị tịch thu hoặc phá hủy. Hơn 4000 vũ khí cá nhân mới toanh đã được chuyển giao lại cho quân đội Cam Bốt vì họ vốn quen sử dụng vũ khí khối Cộng sản. Ðể khai thông thủy lộ từ biên giới đến thủ đô Nam Vang, Quân Ðoàn IV đã tổ chức chiến dịch Cửu Long để lùng diệt quân Cộng sản dọc theo hai bên bờ sông đến tận bến phà Neak Luong gần Nam Vang. Vùng Neak Luong đã bị Cộng quân đánh chiếm ngày 5- 5-1970!
Ngày 11-5-1970 quân tiền sát Quân Ðoàn IV và đoàn tàu Hải Quân đã đến thủ đô Nam Vang. Sáng tin sương hôm đó Triệu đã vui mừng ra bến tàu gặp Ðề Ðốc Trần Văn Chơn người lãnh trách nhiệm điều động hơn 100 chiếc tàu Việt và trên 30 chiếc của Hải Quân Mỹ của Phó Ðề Ðốc Mathieu. Tư lịnh Hải Quân Trần Văn Chơn đã lấy trực thăng bay từ Việt Nam đến Nam Vang để tham dự việc đưa về nước trên hơn bảy chục ngàn Việt kiều. Sau cuộc di cư vĩ đại hơn một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954 sau hiệp định Genève, đây là cuộc di cư lớn bậc nhì trong lịch sử Việt Nam Cộng Hòa. Triệu và Ðề Ðốc Chơn đã ôm nhau, mừng cho ngày đầu của một sứ mạng được thành công tốt đẹp.
Tướng Lon Nol, trước khí thế và thành công của quân lực Việt Nam, đã thỉnh cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giúp giải tỏa hai vị trí quan trọng đã bị Cộng quân chiếm cứ: thị trấn Kompong Cham cách Nam Vang trên 70 cây số về phía Tây-Bắc và Kompong Speu giữa Nam Vang và hải cảng Sihanouk.
Nhân dịp đến được Nam Vang, Triệu đã xin chánh phủ Cam Bốt cho Triệu có cơ hội gặp lại một đồng nghiệp đã được đào tạo ở trường Quân Y Bordeaux. Anh tên Ung Poleng, thuộc khóa đàn em sau khóa Triệu và đã trở về phụ trách Quân Y của quân đội Cam Bốt. Trong buổi ăn trưa thân mật, Ung Poleng là một quân nhân tại ngũ nên đã biết khá chính xác về các hoạt động của bộ đội Cộng sản Việt trên đất Miên. Anh cho biết đối phương đã bị nhiều thiệt hại quan trọng về hậu cần và họ đang gấp rút chuyển về phía Bắc. Một số đã giả dạng người Miên để về ẩn trú ở các đô thị. Vì thế, Ung Poleng khuyên Triệu phải rất cảnh giác trong các cuộc di chuyển thăm các trại.
Vì Phật giáo là một quốc giáo ở Cam Bốt nên Triệu đã nhờ Bộ trưởng Châu Xeng Ua cho Triệu được cơ hội viếng thăm Chùa Vàng và Chùa Bạc của Nam Vang. Sau khi được vào chánh điện lạy đảnh lễ Phật, Triệu được viên Sải Cả tiếp đón. Ông nói tiếng Pháp rất thông thạo và bảo Triệu: “Tối hôm qua, tôi có linh tính sẽ gặp một khách xa lạ. Có lẽ vì lý do an ninh, ông Châu Xeng Ua không có báo cho tôi biết trước. Chỉ sáng nay, lúc chín giờ tôi mới được tin Tổng trưởng đến xin lễ Phật”.
Triệu cùng viên Sải Cả bàn luận về tình hình các Việt kiều đang gặp các khó khăn trên đất Miên. Trong tinh thần Phật giáo, Triệu nghĩ rằng đây là một cộng nghiệp mà họ phải gánh chịu vì trong quá khứ, trong cuộc Nam tiến, người Việt trong thời trước cũng đã gây nhiều đau thương cho người Miên đất Chân lạp. Triệu xin ông cùng góp lời cầu nguyện cho các tai ương sớm chấm dứt. Trước khi từ giã, Triệu được ông tặng một tượng Ðức Phật ngồi, được rắn thần naga che mưa như đã được kể trong truyền thuyết. Triệu cất tượng Phật vào trong cập Samsonite đựng những giấy tờ quan trọng mà Triệu luôn luôn mang theo mình và thưa với Viên Sải Cả là Triệu mong sẽ được hồng ân Ðức Phật che chở trong kỳ công tác khó khăn này.
Trong kỳ đi thăm người Việt vùng Biển Hồ, Triệu được ông Châu Xeng Ua đề nghị nên nhân tiện ghé viếng đền Angkor Vat. Cùng ngồi xe bàn chuyện với ông Châu Xeng Ua trên đường đến đền, Triệu tự nghĩ: xe chở nhân vật chánh phủ đi trên đường vắng mà chỉ có một cảnh sát lái mô tô đi trước dẫn đường, quả thật là cảnh trí một xứ sở thanh bình! Bữa ăn trưa hôm đó diễn ra ở khách sạn Grand Hôtel do thân phụ của Triệu đã có thời làm quản lý. Nay khách sạn đã được chỉnh trang với gỗ quý đánh bóng trông rất lộng lẫy.
Ngày hôm sau về lại Nam Vang, tin tức cho hay là Xiêm Reap đã bị quân Khmer (hay bộ đội Việt?) tấn công trong đêm. Có lẽ quân tấn công đã bố trí trong ngày Triệu viếng thăm Angkor nhưng vì chưa đến giờ nổ súng hoặc nhờ hồng ân Ðức Phật, Triệu và bộ trưởng Châu Xeng Ua đã thoát nạn?
Trong thời gian ở Nam Vang, Triệu ngày ngày đã được mời tham dự những buổi tiệc có tánh cách xã giao, trịnh trọng. Bộ trưởng Châu Xeng Ua chắc cũng hiểu được phần nào các gò bó mà Triệu đã phải gánh chịu trong các buổi tiệc đó nên khi biết được Triệu phải trở về Sài Gòn, ông đã mời Triệu đến tư gia để tham dự một bữa ăn với gia đình. Triệu thú thật là Triệu vốn dân miền Nam nên vẫn thích ăn mắm. Từ lâu Triệu nghe tiếng người Miên có loại mắm bù hóc nhưng chưa có dịp thưởng thức. Ông vui mừng cho biết mẹ ông là người có tiếng làm mắm bù hóc ở Nam Vang nên chắc là Triệu sẽ có được dịp biết loại mắm “thứ thiệt”. Quả thật trong bữa tiệc hôm đó có món cù lao. Thịt, tôm, cá, rau cải vớt nóng từ cù lao ra chấm với mấm bù hóc pha chế đúng cách đã giúp Triệu thưởng thức được hương vị đậm đà và thơm bùi của món mắm quốc hồn quốc túy của người Miên. Thân mẫu ông Châu Xeng Ua cho biết bà vốn người Châu Ðốc nên nói tiếng Việt trôi chảy. Bà cho biết: Châu Ðốc vốn nổi tiếng do món mắm thái, một phần vì người ở đây đã xem xét, tham dự việc làm mắm thái từ bé đến tuổi trưởng thành nên cách thức pha chế đúng cách đã do kinh nghiệm học hỏi giúp thành công món mắm đặc biệt của Châu Ðốc. Làm được mắm bù hóc ngon cũng phải do người có kinh nghiệm lâu năm biết từ cách chọn cá đến việc chà cá, lựa đúng lúc cá vừa hơi ương để muối và cuối cùng “chao” mắm với đường, thính, để mắm có vị thơm, bùi.
Bà tỏ ra rất thành thạo về các món ăn của người Nam. Bà cho Triệu biết ở Sóc Trăng có món bún nước lèo hay bún mắm chế biến theo lối Miên. Có thể Triệu đã biết qua món này nhưng bún mắm của người Việt chỉ có mùi mắm rất nhẹ. Nếu Triệu có dịp thưởng thức bún mắm nấu với mắm bù hóc của người Miên, Triệu sẽ thấy được sự khác biệt.
Buổi trưa cuối cùng trước khi phải trở về Sài Gòn, Triệu có nhờ tổ chức một buổi ăn thân mật để từ biệt phái đoàn Việt còn ở lại Nam Vang vì công tác vẫn cần phải tiếp tục. Trong bữa ăn hôm đó có món canh chua nấu với tôm càng và cá tươi Tonlé Sap rất đậm đà. Thấy Triệu khen món canh ngon, nhân viên phái đoàn cho biết ngày nào họ cũng gọi món này vì có hương vị đặc biệt, khác với canh chua bên nhà. Vì bên ngoại Triệu vốn ở vùng Tân Châu, Châu Ðốc nên Triệu giải thích cho nhân viên biết: người Miên dùng một loại trái chua giống như cà chua để nấu nên canh chua của họ có vị chua nhưng ngọt, bùi, khác với loại canh chua nấu với me. Bà Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là dân Rạch Giá, nơi có tiếng giỏi về bếp núc, đã biết bí quyết này nên bà đã đem từ Thái về loại cây này để trồng lấy trái nấu canh chua cho ông Khiêm. Riêng Triệu lúc nào cũng nhớ món canh chua chỉ được thưởng thức một lần duy nhất trong dịp trở lại xứ Chùa Tháp. Những ngày trọ tại khách sạn Royal, Triệu cũng thích món bít tết Pháp chiên với nhánh tiêu xanh (Biftech au poivre vert), nhưng so với buổi ăn có canh chua thật khác một trời một vực.
Rời khách sạn, Triệu nhìn trở lại một lần cuối cùng cảnh sân sau có hồ tắm và vườn cây rất đẹp. Là người thích bơi lội, ngày ngày Triệu nhìn xem du khách tụ tập phơi nắng quanh hồ tắm mà thèm muốn được nhảy xuống hồ nước trong mát. Tuy nhiên với sự hiện diện của bao nhiêu phóng viên ngoại quốc, nếu Triệu xuống hồ bơi, chắc họ sẽ có dịp phơi bày trên báo hình ảnh một Bộ trưởng Xã Hội thảnh thơi trong khi hàng ngàn đồng hương của ông đang sống khổ cực trong các trại!
Trở về Việt Nam để tiếp tục việc định cư các Việt kiều từ Cam Bốt về, một hôm Triệu được anh Ngô Chỉnh Phến đến thăm. Anh là một trong những anh em Ðệ Tứ miền Nam không bị Trần Văn Giàu sát hại vì vào năm 1945, anh còn đang bị Pháp lưu đày ở đảo Madagascar. Anh cho biết tin là trong một bổi họp trong khu chiến, Cộng sản đã nghi quyết cho Triệu là người đã đi Cam Bốt để thâu lượm tin tức ngõ hầu giúp quân đội Việt Nam đánh phá các mật khu trên đất Miên của họ. Triệu cho anh Phến biết là Triệu chỉ lo việc cứu trợ Việt kiều, không hề dính líu gì về công việc tình báo.
Anh bảo Triệu: “Tao không tán thành việc mầy tham gia chánh phủ. Nhưng dầu sao cũng phải bảo vệ mày. Tao không tin mấy thằng bảo vệ yếu nhân của chánh phủ nên ngoài những việc làm khác, tao đã có đặt gần nhà mày một anh thợ hớt tóc dạo. Ảnh sẽ để ý đến những kẻ khả nghi có thể dò la để làm hại mầy.”
Sau những ngày làm việc với bộ trưởng Châu Xeng Ua ở Nam Vang, giữa ông và Triệu đã bắt đầu có được mối thâm tình. Sau khi lật đổ Shihanouk, chánh phủ Lon Nol muốn tìm hậu thuẫn của Hoa Kỳ nên ông Châu Xeng Ua đã không ngần ngại nhờ Triệu cho ông được nhiều dịp gặp gỡ ở Sài Gòn dưới danh nghĩa bàn về công việc hai bộ Xã Hội nhưng kỳ thực là để ông có dịp tiếp xúc kín đáo với giới chức Mỹ. Các cuộc gặp gỡ giữa ông và W.C. thường diễn ra ở tư gia của Triệu. Nhân những dịp tổ chức cho ông có cơ hội gặp các yếu nhân Mỹ, tình cờ Triệu mới khám phá ra là ông Châu Xeng Ua đọc thành thạo các báo Việt, nhất là báo Chánh Luận mỗi khi ông đến Sài Gòn!
Tân Sơn Hòa chuyển