Tác giả thốt lên lời than đầy tiếc nuối bằng tiếng Pháp : « C’est fini ! – Thế là hết ! Trump đã nhận lời mời của tổng thống Pháp dự lễ Quốc khánh 14/7 tại Paris, niềm hy vọng cuối cùng của tôi về mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ thế là tan vỡ ».
Tác giả mô tả nỗi đau khi đọc bản thông cáo Nhà Trắng nhận lời mời của Paris, như một lưỡi dao « xuyên thấu trái tim Anh - Mỹ » của mình. Nỗi đau chẳng khác nào một thiếu nữ thấy « người tình cũ cặp đôi với kẻ đẹp trai nhất trường ».
Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù quan điểm và chính sách của ông ta có thế nào, vẫn là « nhân vật quyền lực nhất thế giới ». Anh Quốc lẽ ra đã có thể tiếp tục thừa hưởng « quan hệ mật thiết lâu đời với những người bạn bên kia Đại Tây Dương ». Piers Morgan lên án « những dân biểu ngớ ngẩn, ích kỷ », « những nhân vật nổi tiếng của cánh tả » đã phá hỏng chuyến đi dự kiến tới Anh của tổng thống Mỹ.
Macron quả là khôn !
Nhà báo Anh giải thích lý do vì sao tổng thống Mỹ lại nghiêng về phía Macron. Tác giả khẳng định, theo « kinh nghiệm » của chính ông, Donald Trump thích thú hai điều ở những người mà ông ta tiếp xúc : thứ nhất là « một cá tính mạnh mẽ » và thứ hai là « sự tôn trọng »… « Nếu quí vị đối xử đúng với ông ta, ông ta cũng sẽ đối xử với quý vị tương tự ». Theo nhà báo Anh, trong chuyện này, « Macron quả là khôn ».
Nhà báo Anh cam chắc là Donald Trump « ngưỡng mộ tư chất quả cảm » của tổng thống Pháp trẻ tuổi, đặc biệt qua hai cử chỉ. Một là cú xiết tay rất chặt với chú bé hạt tiêu trong lần gặp đầu tiên tại thượng đỉnh NATO. Và lần thứ hai : đối lại việc Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu, Emmanuel Macron kêu gọi toàn thế giới « hãy trả lại sự vĩ đại cho Trái đất ! ».
Tác giả cũng thừa nhận một cách chua xót là dân Pháp quả là thực dụng, trong khi những người Anh cao đạo hoan hỉ với việc « chống được Trump », thì Paris sẽ trải thảm đỏ để đón ông ta. Paris sẽ có được một thỏa thuận hợp tác đặc biệt với Hoa Kỳ, đúng vào lúc nước Pháp đang khó khăn với khủng bố, « rất cần đến sự hậu thuẫn của những người bạn hùng mạnh».
« Làn gió mới trên Đại Tây Dương »
Về vụ tổng thống Pháp mời tổng thống Mỹ tham dự Quốc khánh, l’Express phấn khởi. Bài « Làn gió mới trên Đại Tây Dương » nhấn mạnh là việc này không chỉ khẳng định « Pháp là đồng minh gắn bó nhất với Mỹ, mà còn cho thấy vị thế của Pháp với tư cách cường quốc bậc trung hàng đầu thế giới ».
Tác giả cho rằng việc Donald Trump nhận lời tới quảng trường Concorde, Paris, ngày Quốc khánh Pháp, có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng mối gắn bó truyền thống lâu đời của Mỹ với Pháp thực ra mạnh hơn nhiều so với quan điểm riêng của tổng thống Trump, vốn có chủ trương rút khỏi các hợp tác với châu Âu. Tân tổng thống Pháp hiểu rõ nhân duyên lịch sử này, đồng thời ông cũng khai thác được thời điểm mà chính tổng thống Mỹ đang « cần sửa sang lại hình ảnh của bản thân », sau khi đã tỏ ra quá thô bạo với các đồng minh NATO.
Song điều chính yếu mà l’Express muốn làm nổi bật đó là quyết tâm của Pháp, sẵn sàng thay thế Anh, can dự cùng Hoa Kỳ tại các mặt trận nóng bỏng như Syria.
Putin tìm chỗ dựa ở Macron
Nước Pháp dưới thời Macron không chỉ khẳng định vị thế mới trong quan hệ với Hoa Kỳ, mà quan hệ Pháp-Nga cũng bước vào một giai đoạn hoàn toàn khác. Bài « Putin đặt cược vào Macron » của l’Express ghi nhận thái độ cứng cỏi của vị tổng thống trẻ tuổi, vừa nắm quyền được 18 ngày, đối diện với tổng thống Nga, đã 18 năm tại vị, người thường được ví như một « sa hoàng ».