Qua ngã ba Huế, đoàn xe rẽ trái bắt qua QL14 đi về Đại Nghĩa. Những thôn làng quen thuộc. Có một mùa hè nọ, hắn theo đứa bạn về quê ở đây chơi. Những buổi trưa trong vườn leo cây hái mận non chấm muối ớt. Nằm võng đọc thơ Mường Mán. Lớn lên đứa bạn đi theo phản chiến rồi bỏ vô bưng. Năm 72, đôn quân, hắn con nhà nghèo đâm đơn đi lính.
Khi qua sông Cầu Đỏ, không khí bình an của thành phố mất hẳn. Tiếng pháo xa vọng lại, chiến tranh gần kề. Trên những chuyến xe đi ngược, khuôn mặt người dân hốt hoảng lo âu. Trên tầng số PRC của tiểu đoàn, 09[1] ra lệnh cho con cái sẵn sàng gọn ghẽ, đến nơi bung ra cho lẹ. Hắn và Nguyễn Lệ[2] chia nhau điếu thuốc.
Đơn vị tạt ra hai bên quốc lộ đi vào Đại Lộc, tư thế sẵn sàng tác chiến. Từ phía quận lỵ, dân làng gồng gánh tản cư. Có mấy đứa trẻ ngoái mắt nhìn theo đoàn lính đi ngược hướng. Hắn nghĩ đến cu Trung và bé Dung, hai đưa em chắc chừ cũng lớn bằng chừng nớ. Đôi ba chiếc xe Dodge tản thương mang dấu hồng thập tự từ phía trong quận chạy ra. Đám lính nói với nhau Sư Đoàn 3 Bộ Binh đụng nặng.
Làng Hà Nha Một vắng vẻ quá chừng. Chẳng còn ai ngoài mấy đàn gà dân làng bỏ lại. Mấy lu nước còn đầy, áo ai còn phơi sau hè lặng lẻ. Đại đội 92 cho con cái thả ba lô xuống bóp gạo xấy ăn cơm. Các trung đội trưởng tụ về họp với Chinh Nhân[3]. Cú này tụi nó chơi xả láng. Cấp sư đoàn cọng! Quận Thượng Đức mất rồi. Nhiệm vụ của Nhảy Dù là chận đứng tụi nó, và giữ các cao điễm bao quanh thành phố.
Hai giờ chiều lính Đại Đội 92 bỏ ba lô tại chỗ, móc ba chạc băng qua cánh đồng để bám vào chân núi. Chinh Nhân nói với hắn mày đừng chạy gần tao, kéo antenna xuống, tụi nó thấy là mình lảnh đủ. Cối 82 ly của Bắc quân từ trong núi rải xuống cánh đồng, thêm vào là tiếng cắc cù CKC bắn sẻ. Sau màn đạn khói, đơn vị lội xuống nhào qua ruộng lúa. Hắn bì bỏm mãi mới tới bên kia cánh đồng. Chinh Nhân cằn nhằn đ.m. mày chạy chậm như cặc, đưa máy đây tao.Cánh quân Đại Đội 92 chọc thẳng vô sâu triền núi hướng tây bắc Đại Lộc – Hiếu Đức giải tỏa áp lực cho hai Đại Đội 91 và 93 vào nhập trận. Nửa đêm mưa xuống, không có poncho cả đơn vị nằm trong hố cá nhân ướt sũng. Đói và lạnh. Những ngày ngưng bắn đã xa vời. Bắc quân ngang nhiên trút đại pháo 122 ly lên đầu cánh quân Dù đang đi vào chân núi. Đêm đầu tiên trên đường vô Thượng Đức hắn ngồi đếm tiếng pháo rơi cho đến sáng.
Nhiệm vụ của Đại Đội 92 là thanh toán cho bằng được ngọn đồi 383 để giữ hông trái cho cánh quân đánh vào cao điểm 1062. Chinh Nhân bung ba trung đội tác chiến ra như hình cánh quạt. Đường lên núi cheo leo, lính Đại Đội 92 vừa đi vừa tránh pháo và bắn sẻ. Qua ngày thứ hai thứ ba đã có hơn mười thằng con rách áo (bị thương). Trung đội bốn và bộ chỉ huy đại đội lúc này cực khổ nhất. Vừa lo tiếp tế và tản thương lại vừa lo nấu ăn cho các trung đội tác chiến. Bố già Nguyễn Văn Cảnh[4] bơ phờ, ngày nào cũng mang poncho lội mưa đi mút mùa lệ thủy.
Đồi 383 là cái xương gà không dễ nuốt. Các trung đội tác chiến một, hai, và ba của Đại Đội 92 thay nhau lên tapi[5] hơn cả tuần rồi mà lần nào cũng bị dội lại. Bắc quân nằm dưới hầm chữ A thủ kỹ, đợi lính Nhảy Dù lên gần tới là nhào lên tung lựu đạn. Thêm vào đó 12 ly 7 phòng không từ các cao điểm bên cạnh hạ nòng bắn trực xạ vào cánh quân Dù. Nơi đây, Tăng Văn Năm nằm xuống. Người lính trẻ tình nguyện của miền Nam dính nguyên môt viên 12 ly 7 nơi cổ họng.
Cuối cùng trung đội hai yêu cầu Chinh Nhân cho đặt hai ổ đại liên trên tảng đá trên đồi kế đó để yểm trợ tác xạ cho tiểu đội xung phong của Phạm Hữu Thi. Hắn nhớ hoài hình ảnh thằng Thi nhỏ con xách nguyên một nón sắt đầy lựu đạn lom khom chạy bên cánh phải sươn đồi. Cũng phải qua mất đợt xung phong Đại Đội 92 mới hoàn toàn kiểm soát ngọn đồi 383 trước khi trời tối. Đêm đó Bắc quân trút lên đồi 383 hằng trăm trái pháo.
Chiếm xong là phải thủ, những ngày sau đó Đại Đôi 92 bị đặc công Việt Cọng đánh phá tơi bời. Mấy lần hắn phải bỏ máy cho Chinh Nhân lo, mang M16 và lựu đạn nhào ra trám tuyến. Bắc quân từ các ngọn đồi cao dùng loa phát thanh đe dọa lính Dù. Đêm nào cũng vậy bóng người di chuyễn trong đêm tối như bóng ma trơi. Thời gian này Đại Đội 92 tiêu hao quá nên từ trên xuống dưới ai cũng thức trắng ngày đêm chiến đấu, đào hầm hố, và tản thương tiếp tế.
Hắn không nhớ rõ hôm đó là ngày nào trong tháng tám. Từ bốn giờ sáng pháo Bắc quân chĩa vào ngọn đồi chỉ huy của Đại Đội 92. Pháo đủ cở và liên tục cho tới chạng vạng sáng. Sau đó là tiếng hô vang tiến lên của ma quỷ. Hắn và Trần Thuận[6] ngồi trong giao thông hào. Mười mấy trái lựu đạn đã mở khóa an toàn gần với tầm tay. Trần Thuận nhỏ giọng đ.m. tụi nó nhiều như kiến. Tim hắn đập thình thịch, không lẻ hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình. Bên ngoài phòng tuyến chợt ầm ầm rực lửa, pháo binh Dù từ Ái Nghĩa bắn TOT trên vị trí Đại Đội 92. Hắn co người trong giao thông hào chịu trận. Tám giờ sáng ma quỷ rút đi, lính 92 ngóc đầu lên đi kiểm soát phòng tuyến.
Bố già Nguyễn Văn Cảnh bị một mảnh pháo nhỏ xíu như ngón tay út xuyên lưng trúng vô tim. Phan Đoài, bạn cùng khóa Dù của hắn và là xạ thủ súng 57 ly, bị mảnh pháo lớn chém ngang ngực. Cả hai ngã xuống trên miệng hầm. Đúng là tử sinh gang tấc. Lần đầu tiên hắn hoang mang nghĩ đến phiên mình.
Mấy ngày hôm sau Đại Đội 92 lại mất thêm một người lính kỳ cựu. Cao Văn Ớt bị đặc công Việt Cọng phục kích trên đường đi đem cơm tiếp tế cho các tiền đồn. Ớt về đơn vị từ mùa hè đỏ lửa. Chưa lần nào sứt mẻ, thằng lính cù lần hùng hục làm việc cho đến khi nằm xuống.
Mùa mưa trở về trên rừng núi Trường Sơn. Những ngày sau đó mưa triền miên không dứt. Lính Dù chiến đấu trong đói lạnh và rét mướt. Buổi sáng nào đó trên đường di quân, hắn run rẫy quỵ xuống bên con rạch nhỏ. Minh, y tá đại đội, chuẩn bịnh cho hắn rồi nói hắn bị sốt rét cần đưa về tiểu đoàn cho y sĩ điều trị. Nằm quấn trong ba bốn lớp poncho mà lúc nào hắn cũng run lẩy bẩy. Vi trùng sốt rét sống dai, mấy mươi năm sau, nhiều lúc đang ngồi giữa nắng mà hắn tự nhiên cảm thấy lạnh và run cầm cập.
Một buổi sáng đang nằm mê man, có thằng trợ y trong trạm cứu thương chun vào lều kêu nó dậy. Ê anh mày đang kiếm mày kìa, chuẩn úy Tiểu Đoàn 8 Dù. Hắn trợn mắt ngạc nhiên. Anh Lũy hắn thật sự đang đứng đó. Tiểu đoàn 8 Dù đang đi vào mặt trận đồi 1062 thế chân Tiểu Đoàn 3 Dù. Đi ngang phòng tuyến Tiểu Đoàn 9, anh Lũy hỏi thăm và tình cờ biết hắn đang nằm dưỡng bệnh. Anh Lũy ra trường Thủ Đức chưa đầy ba tháng, về nắm trung đội trưởng trong Đại Đội 83. Ngồi giữa triền đồi hai anh em hắn chia nhau gói thuốc lá, hỏi thăm nhau mấy câu rồi phải chia tay. Hắn ái ngại bâng khuâng nhìn anh Lũy dẫn đoàn quân đi khuất ngang triền núi, và nhủ thầm chắc mạ biết thì lo chết được.
Chiến trường Đại Lộc Thượng Đức càng ngày càng đẫm máu và khốc liệt. Hằng ngày biết bao nhiêu đạn bom đổ xuống trên những cao điểm chiến lược. Tổn thất quân số của hai bên chồng chất mà chẳng bên nào chịu nhượng một thước đất. Đồi 1062 thay đổi chủ mấy lần. Tiểu Đoàn 9 Dù có nhiệm vụ bảo vệ cánh trái của 1062 cũng tiêu hao nặng. Hoàng Ngọc Tửu, Đại Đội trưởng 93 bị thương nặng, Đinh Văn Tường, đích thân cũ Đại Đội 92 về thay thế. Tầng lớp sĩ quan trung đội trưởng dường như bị thương và mất hết. Phạm Tăng Thọ, Nguyễn Văn Thân, Phan Đằng, Phạm Thụ, những khinh binh kinh nghiệm lâu đời của Đại Đội 92 trở thành các hạ sĩ quan quyền trung đội trưởng.
Sau hơn hai tuần lễ nằm trị sốt rét ở căn cứ tiểu đoàn hắn về lại đơn vị. Hằng đêm hắn mở PRC25 qua băng tầng của Tiểu Đoàn 8 Dù để mong nghe tin tức của anh Lũy. Tiểu đoàn 8 Dù lúc đó đang đụng nặng với Trung Đoàn Sông Hồng (hay Sông Thao) miền Bắc. Khi nhận ra tiếng anh Lũy trong danh xưng Nguyễn Trãi hắn lo ngại vô cùng. Mấy ngày đầu còn nghe tiếng kêu Nguyễn Trãi nhưng sau đó yên lặng biệt tăm. Hắn lo lắng hỏi thăm đám lính tản thương và tiếp tế. Ai cũng nói Tiểu Đoàn 8 Dù đang đánh đấm te tua nhưng vẫn còn ở trên ngọn đồi 1062 tàn bạo.
Khoảng cuối tháng chín đầu tháng mười, Tiểu Đoàn 5 Dù vào vùng thay chân Tiểu Đoàn 9. Tiểu Đoàn 9 lảnh nhiệm vụ mới lên trấn giữ 1062 thay Tiểu Đoàn 8 Dù. Lúc đó hắn mới biết tin anh Lũy hắn bị thương đã di tản ra ngoài, nhưng vết thương ở đâu, nặng hay nhẹ thì không ai biết rõ.
Đường lên cao điểm 1062 thẳng đứng. Dốc lên cao hơn bốn mươi độ, nẻo đi trơn trợt và đầy dẫy xác quânmiền Bắc. Để tránh tầm đạn bắn sẻ, lính Đại Đội 92 phải bò trên xác người chết để đi lên. Hắn cố gắng không nhìn xuống nhưng cố lạy trời cho đừng đạp lên thân thể của kẻ đã ra đi. Vừa bò vừa cầu nguyện, bốn giờ chiều hắn mới lên tới ven đỉnh đồi. Từ đó đến hàng giao thông hào khoảng cách chừng hai mươi lăm thước. Vừa chạy lên chưa được mười bước thì quanh chân hắn mịt mù dấu đạn. Đạn 12ly7 và CKC bắn sẻ xối đất cách hắn trong vòng gang tấc. Hắn hoảng hồn lăn xuống hố đất cạnh đó nằm tránh đạn cho đến chiều hôm chạng vạng mới mò ra tìm hầm chỉ huy đại đội trong giao thông hào phía trước.
Đỉnh đồi 1062 có một diện tích chừng năm mươi thước nhân năm mươi thước lúc bấy giờ đã trọc. Cây rừng cao lớn đã bị đạn pháo hai bên chặt rụi không còn chút gì màu xanh của lá. Xác lính của hai miền nằm la liệt có chừng đến mấy trăm. Mùi tử khí tỏa ra bám chặt vào quần áo, tóc tai và hơi thở của người còn sống. Những con dòi lớn bằng đầu đũa dài tới hai ba phân từ xác chết đã sình thúi chun ra rơi xuống thân thể người còn sống, bò lên bò xuống. Nhiều lúc buồn ngủ quá người còn sống cũng chẳng thèm đưa tay ra phủi.
Chinh Nhân, hắn và Hoàng Mộng[7] sống trong một cái hầm rộng chỉ đủ cho ba người ngồi. Dựa lưng nhau mà ngủ. Thỉnh thoảng gọi máy báo động cho các trung đội coi chừng đặc công tụi nó bò vô. Ngày nào đồi 1062 cũng lảnh đại pháo bắc quân bắn từ các dãy đồi phía Trường Sơn. Từ cao điểm 1062 đêm nào hắn cũng thấy trong quận Thượng Đức những đoàn xe Molotova tiếp vận của Bắc quân để đèn pha chạy sáng trưng. Đôi khi hắn cũng nhìn về hướng thành phố Đà Nẵng, đoán chừng nơi chốn của những con đường, một mái trường và một giòng sông cắt ngang thành phố. Mơ ước một chút rồi thôi, hắn nghĩ đâu còn ai nhớ tới mình.
Trong hơn ba tuần lễ trấn giữ ngọn đồi 1062, hắn không bao giờ được tắm, chưa lần được cởi đôi giày. Hắn không biết thân thể mình hôi thúi chừng nào nhưng ngồi gần thằng Mộng thì ngữi một mùi hơi người tàn bạo. Khuôn mặt Chinh Nhân ốm đi, mắt trũng xuống sâu, hai hàng lông mày dính đầy bùn đất đỏ.
Khi sức chịu đựng của người lính đã đến mức tận cùng thì hai bên Nhảy Dù và Bắc quân cũng thầm lặng rời chiến trận. Khoảng cuối tháng mười Trinh Sát Nhảy Dù thiết lập hàng rào điện tử McNamara từ ngọn đồi cao nhất trong vùng núi Hiếu Đức kéo xuống tả ngạn sông Vu Gia cho Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù rút quân đi.
Đêm rời cao điểm 1062 trời tối đen và mưa lất phất. Đường đi lên núi đã khó thì đi xuống núi lại càng khó hơn. Cứ đi vài ba bước là hắn lại trật chân té xuống. Có nhiều khi hắn rớt lăn cù xuống hố sâu. Hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, gần 3 giờ sáng Đại Đội 92 mới ra gần vị trí của tiểu đoàn. Khi đi ngang đồi lưng ngựa thì hắn kiệt sức. Đói lạnh và cơn sốt rét lại trở về, hắn ngồi bệt xuống dựa lưng vào ba lô và nhắm mắt lại. Thôi vậy cũng đành. Hắn nghe tiếng chân đi của lính 92 xa dần xa dần đồi lưng ngựa.
Không biết hắn thiếp đi bao lâu thì mang máng tiếng ai kêu tên hắn. Hai y tá Đại Đội 92 Minh và Chúc cầm đèn pin đi ngược lại tìm kiếm hắn. Thấy hắn mê man, Minh chích cho hắn mũi thuốc hồi sinh, rồi dìu hắn chạy theo dấu chân đơn vị.
Gần bốn mươi năm sau, hắn còn nhớ buổi sáng hôm sau khi ngồi trên chiếc GMC rời vùng hắn mới biết mình còn sống sót. Cũng đoàn xe đó nhưng chuyến ra thì thưa thớt quá. Ngồi dựa thành xe nhìn ánh nắng mặt trời nhảy múa trên đầu ngọn cây, hắn còn nghe văng vẵng những âm thanh quen thuộc: giọng Bắc của Bố Già, tiếng Huế chay của Phan Đoài, và tiếng cười đùa lao xao của những thằng bạn lính quen thân, một lần đi không về lại.
trung hậu
tháng tư, 2014
[1] Danh hiệu truyền tin trung tá Nguyễn Văn Nhỏ, Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 9 Nhảy Dù.
[2] Thư ký Đại Đội 92.
[3] Danh hiệu truyền tin trung úy Phạm Văn Nhơn Đại Đội trưởng Đại Đội 92
[4] Thường vụ Đại Đội 92.
[5] Tiếng lóng của Nhảy Dù: tapi là xả láng ăn thua đủ (all-in), dùng trong lúc đánh xì-phé và đánh giặc.
[6] Ca sĩ trứ danh của Đại Đội 92. Trần Thuận ngã xuống tháng tư 75, trên đường rút quân ra Bến Đá, Vũng Tàu.
[7] Hiệu thính viên Đại Đội 92