Cô gái châm lửa đốt một căn phòng trong trường và đã bị lửa bén vào người. (Ảnh cắt từ clip)
Thật không quá lời khi so sánh những đứa trẻ thánh thiện đó với các vị thuỷ tổ loài người là Adam và Eva ở vườn địa đàng khi chưa ăn trái cấm, chưa nhiễm những thói xấu của cuộc đời.
Thế mà hôm nay không ít những “thần tiên tuổi trẻ” ấy lại sớm vướng vào những tệ nạn y hệt như gương xấu của người lớn. Người lớn có bạo hành, ức hiếp kẻ yếu, học trò cũng có chuyện đánh bạn hội đồng đến ngất xỉu. Người lớn có đánh ghen lột đồ, cắt tóc, học trò cũng có. Người lớn trào lưu câu “like” bằng những việc vớ vẩn, ngu muội, như “khoe thân”, tự vẫn, trẻ con còn làm hơn!
Thật ra những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn, “nổi loạn” của những đám đông trẻ tuổi đã trở nên đáng báo động từ mấy năm về trước với hiện tượng “vãi Luyện”. Rất nhiều nhà tâm lý học, xã hội học đã ngơ ngác không thể hiểu nổi vì sao một kẻ giết người cướp của dã man như Lê Văn Luyện chỉ mới ở tuổi thiếu niên. Lạ lùng hơn nữa là hành động đó lại được không ít thanh thiếu niên tung hô, ca ngợi như hành động của một “người hùng” (?!).
Chắc chắn là đã có một chuyển biến đáng sợ nào đó trong tâm thức của những đám đông trẻ tuổi. Bởi vì những hành động “anh hùng rơm” ấy không phải là những hành động bộc phát của một cá nhân, mà nó được hình thành và thúc đẩy bởi cả ngàn, cả chục ngàn “like”, như vụ tự thiêu và đốt trường.
Tuổi trẻ bây giờ có vẻ như đang bị mất phương hướng và “nổi giận” như thế hệ “lạc lõng” (Lost generation) hay “Những người trẻ tuổi giận dữ” (Angry young men) của những năm 50 – 60 thế kỷ trước của phương Tây thời hậu chiến chăng? Người ta có thể cảm nhận sự tương tự về vô thức của sự so sánh đó, nhưng về tâm thức thì thế hệ trẻ của chúng ta ngày nay dường như là trống rỗng, điên rồ, “mất trí”, theo như những nhận định của các chuyên gia tâm lý trên một tờ báo.
Hồi đầu năm ngoái, có một cuộc toạ đàm của giới trẻ ở Hà Nội về chủ đề “Có hay không một thế hệ lạc lõng?”. Đó có thể xem là một cuộc “tự vấn” và “phản tỉnh” rất hay của xã hội đối với tâm thức thanh thiếu niên nhưng rất tiếc tất cả chỉ là một cuộc chuyện phiếm không mấy có tiếng vang, không mấy có những phân tích xác đáng.
Câu hỏi được đặt ra là tuổi trẻ hiện nay có thật là bị lạc lõng, bỏ quên và vì vậy chúng có nhu cầu mạnh mẽ là được chú ý, được nổi bật, được khẳng định mình dù đó là những cách khá tiêu cực? Những người lớn như chúng ta có phải là đang lao theo những dòng xoáy của chuyện làm ăn làm giàu mà bỏ mặc chúng giữa bốn bức tường của một căn phòng với chiếc máy vi tính hay điện thoại di động?
Ngày trước, người lớn có làm gì thì cũng chú ý đến giới trẻ với những món ăn tinh thần rất phù hợp với lứa tuổi phức tạp này. Những nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn dù luôn theo đuổi sáng tác những bài hát ca ngợi quê hương đất nước hay những cuộc tình thì cũng dành công sức để viết những bài hát rất hay về tuổi ngọc ngà, tuổi thần tiên. Văn học nghệ thuật có hẳn những mảng lớn dành cho tuổi mới lớn mà cả những người trưởng thành vẫn còn mê thích.
Còn bây giờ nhìn lại, đó là một mảng gần như trống không. Trẻ con hiện nay dường như rất ít đứa còn ngây thơ trong sáng mà đã sớm già dặn, chai sạn, đã biết quá nhiều “chuyện người lớn”. Hiện giờ có cả những chương trình thi thố mà trẻ con tếu táo hát nhạc người lớn mà không ai thấy chướng, thậm chí còn ca ngợi, tung hô ngất trời trên báo chí, diễn đàn…?!.
Thế giới người lớn và thế giới trẻ em ngày này dường như đã không còn được phân định rạch ròi như ngày trước mà thâm nhập lẫn nhau, làm “ô nhiễm” lẫn nhau. Những chốn “đền điện” khá thiêng liêng của tuổi trẻ như nhà trường bây giờ cũng bị vấy bẩn khá nhiều.
Có thể những cái nhìn trên là bi quan, thế nhưng ai trong chúng ta có thể đưa ra những cái nhìn lạc quan về một “bộ phận không nhỏ” của tuổi trẻ ngày nay khi nhìn thấy những hiện tượng “mất trí” chưa từng có tiền lệ diễn ra gần đây trong giới trẻ, như hiện tượng tự thiêu, đốt trường để gây chú ý?
Đáng trách hay đáng thương đây, tuổi thần tiên của các em nhỏ ngày nay…?
Đoàn Đạt