Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Tuy Hòa và Con Lộ Máu
Tuy Hòa và Con Lộ Máu
Một nén hương thắp đến cho vong hồn anh được an vui nơi vùng trời miên viễn .
Vĩnh Hiếu
Phần Mở Đầu:
Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, ngày 14 tháng 3 năm 1975, trong cuộc họp khẩn cấp của các tướng lãnh cao cấp và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Cam Ranh đã đưa đến quyết định triệt thoái tất cả chủ lực quân của Quân Đoàn II và tất cả chiến xa, pháo binh cũng như máy bay ra khỏi Pleiku và Kontum. Lệnh triệt thoái được giữ kín trong vòng bí mật giữa những cấp chỉ huy Quân Đoàn, để tránh sự hoang mang cho tầng lớp hành chánh cũng như dân chúng địa phương. Phần còn lại của các lực lượng Địa Phương Quân và các cơ sở hành chánh vẫn tiếp tục làm việc với cấp tỉnh trưởng cũng như các cấp quận trưởng, như không có gì thay đổi (!).
Con đường cho cuộc triệt thoái lịch sử này đã được chọn là con đường hoang phế Liên Tỉnh Lộ 7B.
Từ Pleiku theo con Quốc Lộ 14 về hướng Ban Mê Thuột khoảng bốn mươi cây số sẽ gặp đầu mối đường Liên Tỉnh Lộ 7B. Ngã ba đường này thường được gọi là “chĩa ba” Mỹ Thạnh. Từ đây, con lộ 7B dài hơn hai trăm cây số xuyên qua vùng rừng núi hiểm trở, đi ngang qua thị xã Phú Bổn (Cheo Reo) và huyện Phú Túc trước khi đến Tuy Hòa. Con đường đất này uốn lượn theo những ngọn đồi cao, đôi khi ôm dài theo mé bờ sông hay băng ngang những con suối cạn; có những đoạn, đường đã bị sụp lở vì bị mưa xoi mòn hay cây cối chắn ngang lối đi. Ba chiếc cầu chính trên con lộ này là Phú Thiện (50m), Lê Bạc (600m) và Cà Lúi (40m), lâu ngày không sửa chữa tu bổ, hư hao, gãy đổ…và đây là con đường cho hàng trăm ngàn người và gần bốn ngàn chiếc xe đủ loại, đủ cỡ, ngay cả cho những chiếc chiến xa M-48 nặng gần năm chục tấn đi ngang qua.
Đêm 16 tháng 3/ 75 tất cả lực lượng của Quân Đoàn II hơn cả trăm ngàn quân nhân đủ mọi thành phần cùng hàng ngàn quân xa và chiến xa hạng nặng được lệnh di chuyển. Cuộc triệt thoái âm thầm bất ngờ được êm xuôi trong đêm đầu tiên cho đến sáng hôm sau. Khi tin đồn về cuộc lui quân tới tai quần chúng địa phương, dân chúng hoang mang, hốt hoảng tột cùng, cả thành phố vội vã ùa chạy theo đuôi đoàn quân với bất cứ phương tiện di chuyển nào sẵn có trong tay. Một cuộc triệt thoái hỗn loạn bắt đầu…
Nguyên tắc căn bản của một cuộc lui quân, phần đoạn hậu tối thiểu phải có một lực lượng đủ khả năng chặn đường truy kích hoặc làm chậm bước tiến của địch quân nếu bị truy đuổi, để bảo vệ cho sự an toàn của đoàn quân. Mỉa mai thay, phần đuôi của đoàn quân này là hàng trăm ngàn người dân vô tội, tất tả bám theo mang trên tay chỉ là những gói áo quần hay những đồ cần thiết tối thiểu.
Con đường lộ hiểm trở, đổ nát này đã thành một con lộ kinh hoàng, một dòng sông của xác người và máu. Những cái chết kiệt lực vì đói, khát, thời tiết ngày nóng đêm lạnh, của những trận mưa pháo, địch quân ngày đêm rót vào đoàn người không ngưng nghỉ.
Một ký giả lão thành, Nguyễn Tú đã viết lại:
Thật thương tâm khi phải mục kích cảnh người dân không có khả năng di tản bằng xe hơi, xe vận tải, hay bất kỳ phương tiện chuyên chở nào có được. Họ thật cơ cực, phải di tản bằng đôi chân, và họ chiếm đa số, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, đi tất tả như chạy, không được dù chỉ một giọt nước để làm dịu cơn khát như cháy cổ. … Không thể nào đếm được bao nhiêu trẻ em đã ngã xuống trên đường đi, bao nhiêu cụ già bơ vơ phải đứng lại dọc đường, không còn cất bước đi được nữa, và còn bao nhiêu người khác phải chịu đựng đói khát trên suốt chặng đường tìm đến Tự do và Dân chủ. Một sĩ quan biệt động bảo tôi: “Lần này, tôi không thể nào còn nhìn thẳng vào mặt đồng bào mình lần nữa.” Một anh binh nhì nói: “Thật khốn kiếp, chúng ta rút lui không hề kháng cự. Tôi thà chiến đấu, rồi chạy trốn nếu thua và tôi chấp nhận như vậy.” Một Đại Úy Không Quân than: “Thật thảm thương, nhất là khi nhìn lại Pleiku, giờ chỉ còn là một thành phố bỏ hoang. Chỉ còn thấy lửa cháy khắp nơi. Tôi buồn quá. ” Tôi ngạc nhiên quá. Hãy nhìn những con người này, những trẻ em này. Thật khốn khổ, đáng thương quá!”, một người lính khác nói thêm. …
Dưới ngòi bút của nhà văn Phan Nhật Nam đã mô tả:
Cuộc di tản lớn quá, mối đau thương dài đặt trên hai trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn người dân thường đi từ Kontum, Pleiku… Trời Cao Nguyên buổi tàn Xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt người, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi, lo âu, tuyệt vọng, lính gục ngã trên mũi súng, đàn bà, con trẻ nằm rũ trên hành lý, thành xe, đất cát. Được sống, được ngủ là hạnh phúc quá lớn hở trời? Còn biết kêu vào đâu? Với ai?
Nhà văn Phạm Huấn đã viết:
Liên Tỉnh Lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên con đường máu dài 300 cây số đã là nơi chôn vùi hàng ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội.
Thật kinh hoàng, khủng khiếp. Biển người và biển máu.
Và sau cùng một nhân chứng trong đoàn người khốn cùng đó đã viết về những chiến sĩ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa:
10 phi tuần phản lực A 37 đánh bom CBU và Napalm yểm trợ cho đoàn quân triệt thoái ngày 24-3-1975 sau đó đã được thực hiện đúng như Đại Tá Thảo, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Phan Rang “hứa” với Tướng Phú. Những phi công anh hùng đã khắc phục, chế ngự mọi hiểm nguy, mọi trở ngại kỹ thuật, thời tiết và sự an toàn cho chính bản thân mình; để cứu đồng bào và các chiến hữu anh em. Những phi công cảm tử anh hùng của QLVNCH đã bay xuất trận hôm ấy trong tinh thần của những hiệp sĩ. Trên vùng trời Phú Yên lúc 17 giờ ngày 24-3-1975, khi những cánh đại bàng xuất hiện “họ” thật sự là những cứu tinh, là những người đã mang theo sự sống cho Đoàn người, Đoàn quân phía dưới. Như hàng trăm ngàn đồng bào và các chiến hữu khác có mặt hôm đó tại Liên Tỉnh Lộ 7, tôi muốn được bày tỏ sự kính phục đặc biệt và ca ngợi những phi công anh hùng này.
Những điều đã được mô tả chỉ là một giọt nước mắt trong đại dương thống khổ của tất cả những ai đã đi trên con lộ này. Hàng vạn người dân vô tội đã bỏ mạng cũng như hằng vạn những chiến sĩ đã gục ngã dưới lằn đạn địch quân mà chưa hề có cơ hội để chống trả. Tất cả đó là hậu quả của một quyết định vội vã, sai lầm của cấp lãnh đạo.
Súng Đạn và Bánh Mì
Tám giờ sáng, tại Không Đoàn 62 Chiến Thuật những chiếc máy bay đủ loại bận rộn chuẩn bị rời phi trường. Vừa cất cánh chiếc trực thăng võ trang ra khỏi phi đạo, tôi cho con tàu giữ ở cao độ thấp bay dọc theo ven biển Nha Trang hướng về phía bắc, trực chỉ thành phố Tuy Hòa. Sáng hôm nay nắng đẹp, những giải mây như lụa trắng nhẹ nhàng treo lơ lững trên bầu trời trong xanh. Trên mặt biển mênh mông lấp lánh như một tấm gương bạc khổng lồ, những chiếc thuyền đánh cá cỏn con nuối đuôi nhấp nhô hướng về phía chân trời. Ngoài khơi lác đác vài hòn đảo một màu xanh thẩm đang im lìm tắm nắng mai.
Ngồi trên chiếc ghế bay từ căn phòng lái tôi lặng yên thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của miền duyên hải, chiêm ngưỡng một không gian diễm lệ trữ tình của quê hương. Trong tiếng nổ đều đặn của động cơ cùng tiếng chém gió của cánh quạt quen thuộc từ khoảng không gian nhỏ bé này, tôi cảm thấy mình như là một cánh chim tự do đang xỏa cánh bay lượn trên vòm trời thân yêu. Cho dù mỗi ngày phải đương đầu với hiểm nghèo, với cái sống chết, với phong sương gian khổ tôi thấy mình vẫn còn được may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người trai cùng thế hệ. Nhưng từ khi Ban Mê Thuột đột nhiên rơi vào tay địch quân, tâm tư tôi bắt đầu lo ngại và hoài nghi về cuộc chiến, viễn ảnh chiến thắng quân thù mỗi lúc một xa vời. Thời thế đã đổi thay quá nhanh, tôi vẫn chưa chấp nhận được tình huống của thực tại, những tư tưởng bi quan, yếm thế thường lẩn quẩn trong đầu óc tôi. Rít dài hơi thuốc phà vào khoảng không gian trước mặt, tôi trầm ngâm, suy tư…
-Chút nữa mình đáp Tuy Hòa hay bay thẳng ra vùng luôn vậy?
Trong intercom đột nhiên câu hỏi của Thiếu Úy Nguyễn Đức Liên đưa tôi trở lại với hiện tại. Tôi quay qua nhìn người bạn đồng nghiệp, rồi trả lời:
-Chắc mình ghé phi trường Đồng Tác đổ thêm xăng và liên lạc với Bộ binh xem thử có phi vụ nào không, sau đó mình sẽ bay tới vùng thả bánh mì cho đồng bào sau cũng được.
Từ khi tuyến phòng thủ của Liên Đoàn 3 Dù tại Khánh Dương trên Quốc Lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột và Nha Trang bị Bắc Quân áp đảo lung lay, Phi Đoàn Thần Tượng đã được lệnh thay đổi vùng hành quân, chuyển hướng qua yểm trợ cho cuộc rút quân của Quân Đoàn II tại Pleiku về Tuy Hòa. Hằng ngày nhiều phi vụ đơn độc của Phi Đoàn 215 được biệt phái ra vùng đồng bằng Phú Yên hổ trợ cho đoàn người di tản trên con lộ 7B. Ngoài mục đích tiếp tế, rải thức ăn của tiểu khu Tuy Hòa cho đồng bào, mục đích chính yếu của những chiếc trực thăng là bốc tất cả những ai có thể chở được từ con lộ 7B đem về tập trung tại vài trung tâm tiếp cư như phi trường Đồng Tác, một phi trường khổng lồ của Mỹ đã bỏ lại, nằm phía nam Tuy Hòa chừng năm bảy cây số.
Trong thời gian rối loạn này với những biến cố dồn dập, những phi vụ ít được kiểm soát, công việc của những hoa tiêu được đặt nặng trên tinh thần tự giác và trách nhiệm của mỗi người. Như ngày hôm nay, tôi được chỉ thị ra vùng hành quân trên chiếc trực thăng võ trang, không có chiếc C&C (Command and Control) đi dẩn đầu để tiếp xúc với Bộ binh, không có chiếc Hổ hai (chiếc võ trang số hai) theo sát cánh như bao ngày qua. Một mình một ngựa lên vùng, tùy cơ ứng biến. Gunship bay vào vùng hành quân đơn độc là trái với chiến thuật và nguyên tắc căn bản của trực thăng võ trang. Nhưng đây là lệnh của cấp trên, tôi không có sự chọn lựa nào hơn là cố chu toàn nhiệm vụ được giao phó.
Tôi tiếp tục cho con tàu bay thật thấp trên đầu con Quốc Lộ 1. Gió biển mát lạnh lộng vào khung cửa mở toang, phía sau khoang tàu hai nguòi mê vô xạ thủ đang ngồi bên nhau trên chiếc ghế sát cửa, nhìn xuống con đường trải nhựa đen chạy viền theo bờ biển cát trắng. Những ghềnh đá nằm sát bên đường, sóng vỗ tung lên trắng xóa. Vài chiếc xe hàng, trên nóc chất đầy hành lý, chạy ngược chiều, những cánh tay vẫy chào khi chiếc trực thăng bay ngang. Một vài chiếc xe hai bánh đang phóng nhanh trên đường, trên xe mang nặng những bao bị, vội vã rời xa vùng lửa đạn hướng về nơi an toàn. Sau sàn tàu, những bao vải lớn nằm chất đống chứa đầy bánh mì tôi đã mua đem theo, kế bên, ông anh rể tôi tháp tùng theo từ sáng sớm đang thích thú quan sát cảnh vật chạy lùi phía dưới bụng chiếc trực thăng.
Hôm qua khi cả nhà đang quây quần trong bữa cơm chiều, sau một vài câu chuyện qua lại trong ngày, bỗng Me tôi chợt nhìn tôi rồi hỏi :
-Này con…, Me thấy hình như con có điều gì không vui phải không ? Con đang có vấn đề gì không?
Tôi ngập ngừng chưa trả lời, nhưng vì không muốn để cho bà lo lắng tôi nói:
-Dạ…, đâu có vấn đề gì, con chỉ hơi mệt vì bay hơi nhiều…, thêm vào đó…ngày hôm nay con đã gặp nhiều đồng bào mình chạy loạn, đói khát khổ sở, thấy tội nghiệp cho họ quá.
Ông anh rể tôi đang ngồi ăn kế bên với bà chị ruột của tôi, nghe câu chuyện xen vào hỏi:
-Nè…, mấy hôm nay tôi đọc báo thấy tin về vụ rút quân trên Pleiku về Tuy Hòa, có phải em bay trên vùng đó không ?
Tôi gật đầu:
-Đúng rồi…, hằng trăm ngàn người bỏ chạy, thiếu thốn cực khổ…, không có ai giúp đỡ gì cả. Tụi Việt Cộng pháo kích và bắn loạn xạ vào dân lành không phân biệt già trẻ, đàn bà con nít. Chết nhiều lắm.
Tôi nói tiếp:
-Hồi trưa nay tôi có gặp một nhóm người nhỏ chạy vào trong rừng trốn đạn rồi bị lạc luôn, tôi đáp tàu xuống bốc tất cả về Tuy Hòa. Nguyên phi hành đoàn lấy bánh mì ăn trưa của mình cho họ ăn, làm cả ngày tụi này đói meo.
Nghe nói tới đây, Me tôi chắc lưỡi, lắc đầu:
-Tội nghiệp quá…, vậy mình có thể làm gì được để giúp họ không con ?
-Dạ…, con đã có ý định mai mua bánh mì đem theo thả cho họ đó. Con biết đó chỉ như là muối bỏ biển thôi, nhưng có lẽ mình giúp được người nào hay người nấy. Vả lại con nghĩ một ổ bánh mì cũng có thể làm cho một người bớt đói một ngày để họ có sức tiếp tục đi tới nơi.
Tôi nói tiếp:
-Nhưng chỉ có một mình con nên hơi khó khăn vì không biết làm sao chở được nhiều bánh mì vào Phi Đoàn được?
Nghe tôi nói xong, mọi người im lặng. Tôi chợt nhìn ông anh rể rồi đột ngột nói:
-Này…, anh Lộc…, ngày mai đi bay với tôi không ?
Bất ngờ bị hỏi, anh rể tôi lúng túng nhìn qua bà chị tôiđang chăm chú theo dõi câu chuyện.
- Tôi à…, tôi đi theo để làm gì hả ?
-Anh đi theo tôi ngày mai để phụ tôi mua và chở bánh mì đem vô phi trường thôi, rồi anh có thể về nhà sau đó hay là đi bay với tôi luôn thì tùy anh.
Nghe tôi nói xong, anh Lộc ngập ngừng rồi xoay qua nhìn vợ nói:
- Sao em…, em nghĩ sao? Có để cho anh đi theo giúp hay không ?
Bà chị tôi nuốt xong miếng cơm trong miệng, lúng búng trả lời:
-Này…, đi bay có nguy hiểm không vậy ? Chứ giúp đồng bào mình trong lúc này thì là chuyện nên làm, anh muốn thì cứ đi, tùy ý anh thôi.
Được sự đồng ý của bà chị tôi, anh rể tôi quyết định:
-Được, mai anh sẽ đi giúp em.
Me tôi nghe tới đó chen vào:
-Còn vấn đề tiền bạc, con có nhiều tiền đâu mà mua, để Me đưa phụ cho con mua bánh mì thêm. Con cần bao nhiêu cứ nói.
Nghe tới đây miếng cơm trong miệng tôi chưa kịp nuốt, bỗng dưng bị nghẹn lại, tôi không ngờ Me tôi dám để đứa con rể cưng độc nhất cũng như chị tôi dám để cho người chồng mới cưới, một ông thầy giáo mạo hiểm ra một mặt trận nóng bỏng như thế này.
-Anh chắc chưa?… Suy nghĩ cho kỹ đó, sáng mai tôi sẽ đánh thức anh dậy, tối nay đi ngủ sớm đi nghe.
Tôi nhắc lại cho ông anh rể trước khi đứng dậy rút lui về phòng mình. Sáng hôm sau thức dậy sớm hơn mọi khi, trời còn tờ mờ tối tôi gõ cửa phòng ông anh rể. Anh đã dậy từ lúc nào, áo quần sẵn sàng đang ngồi uống trà nóng chờ tôi. Tôi đưa cho anh chiếc áo bay của tôi bảo anh mặc để vào cổng phi trường khỏi bị hỏi giấy.
Hai anh em đèo bồng nhau trên chiếc xe Honda 90 già nua của tôi chạy ra lò bánh mì ở chợ. Khả năng xe chỉ chở được bốn bao bố bột mì nhét đầy những ổ bánh mới ra lò. Tôi cột từng cặp hai bao lại với nhau, đeo hai bên xe rồi chạy thẳng vào Phi Đoàn. Xe phóng ngang cổng Long Vân, mấy anh Quân Cảnh quen đưa tay chào rồi chỉ vào mấy bao bánh mì, có lẽ tò mò về những cái túi vải lớn treo hai bên chiếc xe.
Vào tới Phi Đoàn, tôi dựng xe trước cửa bảo ông anh rể đứng chờ, xong hấp tấp chạy ngay vào phòng Phi Đoàn trưởng. Trước cửa Phi Đoàn một đám hoa tiêu nai nịt gọn gàng tay xách túi nón bay, đang đứng nói chuyện hút thuốc lá chờ xe chở ra bãi đi bay, tò mò nhìn tôi đưa tay chào. Bước vào phòng Phi Đoàn trưởng, tôi gặp ngay Trung Tá Khưu Văn Phát đang ngồi sau bàn giấy.
-Chào Trung Tá, hôm nay tôi đi bay phi vụ ở Tuy Hòa, nhân tiện chở theo một số bánh mì thả giúp đồng bào, xin hỏi ý kiến Trung Tá trước.
Trung Tá Phát mở mắt lớn nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, ngần ngừ một lúc rồi nói:
-À…, chuyện đó cũng tốt thôi…, nhưng anh bay gunship nặng đi thả bánh mình thì nên cẩn thận.
-Không sao đâu Trung Tá đừng lo. Tôi chêm vào
-Tôi chỉ nhắc cho anh biết thôi, tốt nhất là sau khi bắn đạn dược hết rồi thì làm gì cũng an toàn hơn. Hôm qua Phi Đoàn mình có một chiếc đáp chở đồng bào bị “over run” nặng quá cất cánh không nổi bị “crash” anh có biết không? Thôi…, tôi nói vậy anh nên cẩn thận.
Tôi nghe xong, đưa tay chào rồi vội vã trở lui. Vừa ra khỏi phòng gặp ngay Thiếu Tá Phi Đoàn phó Sơn Thái Huyền đang bước vào. Vị Thiếu Tá này là một huyền thoại trong Phi Đoàn 215, gốc người Miên, da ngăm đen và nhỏ con. Nghe anh em nói rằng Thiếu Tá Huyền rất tin tưởng vào bùa ngải, thần chú. Có một lần đi bay với Trung Úy Tôn Thất Kim trên một mặt trận lớn đang bùng nổ, bị phòng không bắn như pháo bông xung quanh tàu. Trung Úy Kim ngồi trên ghế bay mặt xanh như tàu lá chuối, rút người trong chiếc áo giáp mang trước ngực liếc mắt nhìn qua ghế bên cạnh, Thiếu Tá Huyền đang cầm cần lái, tỉnh bơ không hề có một phản ứng, nhưng miệng thì đọc to những câu thần chú khó hiểu. Lạ lùng thay, không biết vì sự mầu nhiệm huyền bí của những lời thần chú đó hay là vì số mạng lớn của phi hành đoàn, hôm đó tàu không hề bị một miểng đạn nào cả.
Chạy ra tới chiếc xe Honda, ông anh rể đang đứng chờ bên bốn bao bánh mì, tôi vội nói:
-Tôi nghĩ mình nên gửi bánh mì tại đây, rồi chạy ra lò bánh làm một chuyến nữa còn kịp giờ, tàu còn trống lắm.
Một khoảng thời gian sau, chiếc trực thăng võ trang đơn thương độc mã cất cánh rời thành phố Nha Trang hướng về Tuy Hòa chở đầy súng đạn hỏa tiễn và những bao bánh mì nóng hổi.
Sau hơn hai mươi phút bay dọc trên Quốc Lộ I, con tàu vừa tới trên đầu một vườn dừa xanh tươi bao la nằm kế bên bãi biển Đại Lãnh hình vòng cung cát trắng phau. Trước mặt không xa là đèo Cả cao ngất, tôi kéo con tàu vươn lên cao, mặt đất rời xa, con đường lộ và vườn dừa xanh nhỏ dần. Trước mặt tôi, dãy núi Đại Lãnh chạy dài ra ngoài biển theo hình dáng một cái móc câu bao bọc một vùng nước xanh, tạo thành một vùng vịnh lý tưởng, đó là vịnh Vũng Rô. Tại đây, Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng địa thế kín đáo này đã dùng làm địa điểm tiếp nhận vũ khí của những tàu từ ngoài bắc vào. Ngày 16 tháng 2 năm 1965, Không Quân Việt Nam do hai phi công “Phượng Hoàng Kim Cương” và Trung Úy Chánh bay hai chiếc A-1 đã đánh đắm một chiếc tàu của địch đang bỏ neo tại đây chứa đầy vũ khí đạn dược.
Chiếc trực thăng bắt đầu vào vùng vịnh Vũng Rô. Con tàu đột nhiên chao đảo, rung chuyển, nhồi lên rớt xuống như chiếc ghe con bồng bềnh trên giòng nước lũ. Đằng sau khoang tàu ông anh rể tôi ngồi trên thùng đạn, mặt mày hốt hoảng nhợt nhạt, tôi ghì cần lái cố giữ cho con tàu bớt rung. Chiếc trực thăng đang đi vào một vùng “nổi tiếng” về không khí nhiễu loạn (turbulence), nhiều phi hành đoàn thường tránh bay qua vùng này, nhất là trực thăng bay ở cao độ thấp.
Cách đây mấy năm, Thiếu Úy Sơn, với cái tên Sơn “phu gạo” vì một thân thể “vai u thịt bắp” của anh, là một hoa tiêu trong phi đội trực thăng võ trang của tôi, trên đường từ Phù Cát về Nha Trang, phòng Hành Quân Chiến Cuộc đã được báo cáo vị trí của Sơn đang ở trên Vũng Rô và từ đó phi hành đoàn cùng chiếc trực thăng biệt vô âm tín. Suốt một tuần lễ sau, mỗi ngày Phi Đoàn đều cử một phi vụ đặc biệt đến vùng này tìm chiếc tàu mất tích, nhưng không ai hề thấy một dấu vết nào của chiếc trực thăng này. Riêng tôi còn nhớ, trong phi vụ đi tìm chiếc tàu của Sơn “phu gạo”, tôi suy luận rằng nếu chiếc trực thăng bị rơi xuống biển thì một vài ngày sau xác của phi hành đoàn sẽ nổi lên và trôi dạt vào bãi cát hay một ghềnh đá nào đó. Sau hơn một tiếng đồng hồ bay ở cao độ để mắt tìm kiếm sục sạo dọc theo bờ biển hay mõm đá, bỗng trước mũi tàu dưới thấp, xuất hiện hai vật màu đen nho nhỏ nằm kế bên nhau nổi bật trên bãi cát vàng sát mé nước, hình thù như hai xác người bị cháy đen trôi dạt lên bờ.
Vừa mừng vừa hồi hộp, tôi chỉ cho người hoa tiêu phụ và hai anh mê vô xạ thủ xem. Tất cả chồm lên phía trước chăm chú nhìn, trong lòng phấn khởi hy vọng đã tìm được xác phi hành đoàn. Tôi hạ cao độ, khi con tàu chỉ còn chừng một vài trăm bộ trên mặt biển, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, hai “xác chết” cháy đen bỗng dưng di động về mé biển rồi biến mất dạng dưới làn nước trong. Tò mò tôi cho chiếc trực thăng xuống thấp, bay vòng nhìn xuống mặt nước. Qua làn nước trong vắt hai “chú” kỳ đà khổng lồ đen đủi như hai con cá sấu lớn đang nằm sát bên nhau dưới đáy cát, im ru bất động. Vừa ngạc nhiên lẫn thất vọng, tôi kéo con tàu lên cao, khi vừa đủ năm bảy trăm bộ, đột ngột tôi quay đầu trở lại mở nút rockets “on” rồi chúi mũi “dộng” hai trái hỏa tiễn xuống ngay chỗ hai con kỳ đà “vô tội” sát mé biển. Mặt nước đang phẳng lặng bỗng nổ tung, hai cột nước trắng xóa phụt lên cao xao động cả vùng biển đang êm ả.
Ba người trong tàu có vẻ ngạc nhiên trước hành động bất ngờ không lý do của tôi, nhưng không ai nói một câu gì, cho đến khi tôi quay đầu chuyển hướng bay thì người xạ thủ lên tiếng:
-”Ông Thầy”…, sao mình không xuống coi thử có con nào chết không? …Tôi nghe nói mấy con kỳ đà biển này thịt ăn ngon lắm.
Trong lòng đang bực dọc, không vui và nhất là khi liên tưởng tới hình dạng xấu xí của con vật, tôi im lặng không trả lời tiếp tục bay thẳng, trong lòng phân vân tự hỏi về những hành động hung hăng hay háo sát vô lối của mình vừa qua, không biết có phải là do bản chất hay là do hậu quả của những ngày tháng vào sanh ra tử?
Con tàu đi quá Vũng Rô, tôi cho chiếc trực thăng băng qua rặng núi cao án ngữ trước mặt chia đôi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, dưới thấp đèo Cả ngoằng ngòeo giữa vùng núi xanh. Đèo Cả không hùng vĩ như đèo Hải Vân, nhưng là một nơi có nhiều di tích lịch sử. Nhiều trận chiến giữa hai nhà Nguyễn, Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong ba thập niên nội chiến (1771-1802) đã xảy ra tại đây, và ngọn đèo này được coi như là “Đệ nhất Hùng Sơn”. Bên phải tôi, ngọn Núi Đá Bia sừng sững, một trong những danh lam thắng cảnh của miền Trung. Khối đá to lớn, trơ trụi cao hơn 80 mét tọa lạc ngay trên đỉnh núi cao sát phía đông ngọn đèo Cả, ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy rõ. Khối đá này người Phú Yên thường gọi là Linga, biểu tượng của thần Siva theo tín ngưỡng Chămpa (Chàm) là sinh thực khí của nam giới. Lúc xưa khi công phá Chiêm Thành, theo truyền thuyết năm 1471, Vua Lê Thánh Tông đã cho khắc chữ vào khối đá của ngọn núi này, nên được gọi là núi Đá Bia, tuy nhiên đời sau này chưa ai có được cơ may để đọc những dòng chữ đó, có lẽ thời gian đã xóa mất dấu tích.
Vượt qua đèo Cả, trước mũi tàu hiện ra một vùng đồng bằng tỉnh Phú Yên bao la bát ngát, đây là một vựa lúa lớn nhất của miền Trung phần được bồi bổ bởi nước sông Đà Rằng chảy qua trước khi ra cửa biển. Sông Đà Rằng theo tiếng Chàm có nghĩa là “con sông lau sậy”, mạch máu chính của nền kinh tế thị trấn Tuy Hòa, rất rộng lớn và có độ dốc cao nên mùa khô nước cạn trơ ra những cồn cát vàng nằm giữa lòng sông, hai bên bờ mọc đầy lau sậy. Phần thượng lưu của con sông này thường được gọi là Sông Ba.
Hướng về phi trường Đồng Tác nằm sát bờ biển, một phi trường khổng lồ của quân đội Mỹ bỏ lại, cách Tuy Hòa khoảng bảy cây số phía nam, tôi cho tàu giảm cao độ chuẩn bị đáp lấy thêm nhiên liệu. Từ trên tàu nhìn xuống phi trường một vùng đất mênh mông bỏ hoang còn lại chỉ là phi đạo chạy dài, đa số nhà cửa đã bị tháo gở hết chỉ còn chừa những nền xi măng. Cho con tàu chạy dọc theo taxiway, từ xa tôi có thể thấy hai tòa nhà hậu trạm quân đội, bên ngoài hàng ngàn người đang tụ tập gồm những những nguòi tỵ nạn hoặc những quân nhân vừa mới được trực thăng bốc về từ con lộ 7B cùng với thân nhân đến hỏi thăm hoặc chờ đợi tin tức người nhà. Đây cũng là trung tâm hoạt động của những cơ quan cứu giúp người tỵ nạn và cũng là nơi dùng cho những ban điều hành Bộ binh phối hợp với những phi vụ trực thăng của Không Quân.
Tôi cho tàu đến trạm đổ xăng dã chiến gần đó, bên những bọc cao su đen khổng lồ căng phồng đựng JP-4 (xăng máy bay phản lực). Trong khi chờ đợi, tôi mở cửa bước xuống đất làm vài động tác cho giãn gân cốt thì một chiếc xe Jeep vừa đến đậu sát bên tôi, trên xe viên Đại Úy tay áo mang phù hiệu đầu con cọp đen của Biệt Động Quân bước xuống, tay xách một cái máy radio FM. Sau khi đưa tay chào viên Đại Úy hỏi tôi:
-Đây có phải là trực thăng võ trang của Phi Đoàn Thần Tượng biệt phái cho Tiểu Khu Tuy Hòa không ? Hiện tại một đơn vị của chúng tôi trên đường lộ 7 tại Phú Túc bị một nhóm chốt của tiền sát của tụi VC pháo kích súng cối và đang cần sự yểm trợ của trực thăng võ trang. Mình có thể đi ngay bây giờ hay không ?
- Đại Úy chờ đổ xăng xong rồi mình sẽ đi. Nhân tiện tôi có đem theo một số bánh mì trên tàu để giúp đồng bào trên đường chạy loạn về đây, sau khi yểm trợ xong tôi sẽ bay đi thả bánh mì xuống cho họ, nói cho Đại Úy biết trước.
Người sĩ quan này quay đầu nhìn vào khoang tàu tỏ vẻ ngạc nhiên rồi trả lời:
-Vâng, tôi sẽ phụ với phi hành đoàn làm chuyện này.
Viên Đai úy vừa nói xong thì từ xa một người đàn ông ngoại quốc cỡ trung niên trong bộ đồ kaki bốn túi vội vã chạy đến, trên người đeo mấy cái máy ảnh. Gặp tôi đứng dưới đất kế bên cửa cockpit, anh ta bắt tay tôi và tự giới thiệu bằng tiếng Anh:
-Tôi là Richard Blystone*, đặc phái viên của thông tấn xã AP (Associated Press). Tôi đang làm việc tại vùng này, nếu có thể được xin anh vui lòng cho tôi đi theo tàu, cám ơn anh rất nhiều.
Chuyện xảy ra hơi bất ngờ, tôi chưa trả lời, im lặng nhìn người đàn ông ngoại quốc này một lúc, thấy ông ta có đeo tấm thẻ ký giả trên túi áo, tôi gật đầu đồng ý xong mở cửa leo lên ghế bay.
Con tàu đã đầy xăng, tôi chuẩn bị cất cánh. Trên sàn tàu chiếc trực thăng võ trang là một hỗn hợp lạ lùng: một viên Đại Úy Biệt Động Quân, một anh ký giả ngoại quốc, một ông thầy giáo, hai anh phụ tá và một đống bánh mì chất cao ngay giữa sàn. Chiếc trực thăng chúi mũi rời mặt đất bay về hướng Tây, trước mắt con sông Đà Rằng lững lờ uốn quanh những cồn cát vàng và những bãi lau sậy.
Sau hơn hai chục phút bay, tàu đã đến khu vực huyện Phú Túc nằm kế con lộ 7B nơi đơn vị Biệt Động Quân đang đụng độ với đám tiền quân Cộng Sản. Viên Đại Úy chồm lên trên cockpit chỉ cho tôi ngọn đồi kế con sông nơi Cộng quân đặt súng pháo xuống con lộ phía dưới. Dưới chân đồi chạy dài ra là bãi cỏ lau mọc song song với bờ sông rồi đến bãi cát kế dòng nước.
Đang quan sát địa thế trước khi ước định vị trí tác xạ, bỗng tôi giật mình nghe tiếng người xạ thủ bên cánh phải la hốt hoảng trong intercom:
- Việt Cộng…, Việt Cộng…, a…ngay bờ lau…, hướng ba giờ…tụi nó đang chạy trong bụi lau.., đó..đó… Tôi nghiêng đầu nhìn xuống dưới, qua tấm thép sắt chắn đạn, sát bãi cát ba bốn bóng đen nhỏ nổi bật trong đám lau đang vạch cỏ chạy nhanh hướng về cái miễu nhỏ. Ở trên cao cái miễu trông nhỏ xíu như con tem, mái nâu đậm tường gạch vàng nhạt chỉ cách những bóng người đang chạy chừng vài chục mét. Tôi tức thời chỉ cho viên Đại Úy đang chồm sau lưng tôi. Viên Đại Úy nhìn theo qua khung cửa và trong một cử chỉ vội vã ghé tai tôi hét:
-Bắn đi…, bắn đi…, tụi nó đó…mau lên…coi chừng tụi nó chạy mất…
Vừa nghe xong câu nói, mạch đập tim tôi đột nhiên tăng vọt, tôi tức khắc vòng con tàu ra xa để lấy trục tác xạ đồng thời hạ chiếc máy nhắm hỏa tiễn đem xuống trước mặt, nheo mắt nhìn vào hồng tâm. Cái máy nhắm bị cháy bóng đèn, tắt ngúm không xử dụng được. Tôi nghiến răng bực mình chửi thầm trong bụng, đẩy nhanh cái máy vô dụng về vị trí cũ. Chợt nghĩ đến ổ bánh mì nhét dưới túi quần bay, tôi thò tay xuống mò mẫm móc ra một một mẩu ruột nhỏ vo tròn lại xong ịn vào mặt kiếng chắn gió trước mặt làm điểm chuẩn để tác xạ. Không còn thì giờ để chậm trễ tôi đẩy con tàu chúi mũi xuống mục tiêu. Mấy tên Việt Cộng chạy vào ẩn náu bên trong chiếc miễu con vẫn còn đó, tin chắc chúng chưa bị phát giác. Tôi đưa viên bánh mì nhỏ dán trên tấm kiếng vào cái miễu con đang hiện rõ dần trước mặt, khi mẩu ruột bánh mì vừa vào đúng ngay trên mục tiêu tôi bấm nút…Xoẹt…trái hỏa tiễn đầu tiên rời dàn phóng lao xuống nổ tung ngoài bãi cát, cách xa cái miễu cả trăm thước. Mẩu bánh mì gắn quá thấp! Tôi tiếp tục đẩy cần lái về phía trước, chiếc trực thăng chúi mũi xuống mục tiêu gia tăng tốc độ, bắt đầu rung lên bần bật, lắc lư như chiếc võng, tôi cảm tưởng trục cánh quạt có thể gãy lìa bất cứ lúc nào…Xoẹt…xoẹt…xoẹt…Ba trái hỏa tiễn nối đuôi nhau lao xuống mục tiêu, một trái chui ngay vào mái ngói đen nổ tung khói mù mịt.
Trong khóe mắt tôi, Thiếu Úy Liên ngồi im bất động hai tay đang bấu chặt vào thành ghế bay, bỗng nhảy chồm lên reo to:
-Hay quá!…Hay quá!…
Trong đám khói bụi đen đang bốc lên cao, một bóng đen đang bò lết ra hướng bờ cỏ lau…Con tàu quẹo lại, rung chuyển. Tay bật qua nút minigun tôi hét lên trong intercom:
-Minigun!…minigun!…
Người xạ thủ bên phải nhoài người ra hẳn bên ngoài bóp cò súng, khẩu minigun quay vù, rống lên âm thanh nhức nhối, hàng ngàn viên đan tua tủa bắn xuống vào đám bụi mù, đất cát văng lên khắp nơi. Thoáng đâu đây trong những tiếng động hỗn độn, tôi nghe tiếng cóc…cóc…của khẩu AK-47 bắn trả. Tôi quẹo gắt con tàu lấy lại cao độ, vội vàng bay ra khỏi vùng, trong đầu tôi thần kinh vẫn còn căng thẳng. Đây là lần đầu tiên trong những ngày chinh chiến tôi đã vào vùng địch một mình, không có chiếc gun số hai theo sau yểm trợ. Điều này đã làm cho tôi cảm thấy rất bất an trong lòng.
Quay người lại phía sau tôi nhìn ông anh rể giáo sư của tôi ngồi trên sàn tàu kế bên những bao bánh mì, mặt mày thất thần, chưa hoàn hồn, còn anh ký giả ngoại quốc tóc tai rối bời vì gió lộng, đang hí hoáy viết, nhưng tôi chắc chắn rằng anh ta chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra trong vài phút ngắn ngủi vừa qua. Vói tay ra hiệu cho vị sĩ quan Biệt Động Quân đang liên lạc với quân bạn bên dưới trên tầng số FM, tôi nói:
-Đại Úy…, tôi muốn đi thanh
Nói xong không đợi câu trả lời tôi quay mũi về hướng bắc bay dọc theo dòng sông Ba đang ngoằng nghòeo uốn khúc giữa vùng rừng cây rời rạc.Chỉ dăm ba phút sau, từ xa vài cây số tôi đã thấy đoàn người chạy giặc chen chúc trên con lộ, phần đầu của đoàn người dừng lại tại bờ phía bắc đầu cầu sông Ba. Chiếc cầu một phần giữa bị sập, một nửa nhịp chìm dưới đáy sông cạn. Xung quanh đó, một nhóm công binh đang xúm lại nối cây cầu. Từ xa trên cao tôi thấy một chiếc trực thăng Chinook đang bay đến, dưới bụng treo “tòng teng” (sling) tấm sắt rất lớn trông như một nhịp cầu.
Tại đây đoàn người đang dậm chân tại chỗ. Đàng sau cả hàng cây số những người chạy nạn cùng hàng ngàn chiếc xe vẫn tiếp tục đi tới, dồn cục càng ngày càng đông tràn ra hai bên phía bìa rừng. Đủ mọi loại xe, cam nhông nhà binh, chiến xa M-113, xe hàng, xe ba bánh và cả hàng ngàn chiếc xe hai bánh của dân chúng chất chứa đèo bồng tất cả những gì có thể mang theo được. Nhìn hàng vạn người nối đuôi nhau chen chúc đói khát bên dưới, năm bảy bao bánh mì trên sàn tàu của tôi như một giọt nước nhỏ bé trên bãi sa mạc mênh mông nắng cháy, sự hăng say phấn khởi trong lòng tôi buổi sáng hôm nay tự nhiên tan biến tự lúc nào .
-Chắc mình phải đem thả nơi nào có ít người, chứ thả đây người ta đạp nhau đủ chết. Tiếng người mê vô phía sau tàu đề nghị.
Thấy hợp lý, tôi cho tàu rời con đường lộ, bay dọc theo bãi cát bên bờ sông.
-Phía sau sẵn sàng nghe, mở hết mấy bao bánh mì ra đi, khi nào tôi bảo thì mọi người bắt đầu thả xuống – Tôi nói cho hai anh mê vô xạ thủ – Nhờ mấy người kia thả phụ cho nhanh.
Tại bờ sông cạn kế trên những cồn cát, từng nhóm người đang tắm rửa, hoặc lấy nước uống. Tôi cho con tàu bay rà xuống thấp, hàng trăm cánh tay đưa lên cao, như van xin cầu khẩn hơn là chào đón. Một số khác, trên tay cầm những xấp giấy hình như là tiền đưa lên vẫy vẫy như mời mọc, “khiêu gợi” chiếc trực thăng đang bay ngang qua đầu. Hình ảnh những xấp tiền trên bàn tay của những người dân chạy giặc, có thể là cả một gia tài mồ hôi nước mắt của họ dành dụm mang theo được, và ngay giây phút này sẵn sàng đánh đổi một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng để bay ra khỏi con lộ máu. Tôi bỗng dưng thấy mủi lòng thương xót cho đồng bào đang đau khổ cùng cực, nhưng đồng thời hành động vô tình của họ đã làm va chạm và tổn thương tự ái của tôi không ít. Tôi quay qua Thiếu Úy Liên ngồi bên ghế trái đang nhìn xuống phía dưới, bất giác cả hai cùng quay lại, không ai nói gì nhưng trong đầu hình như cùng có một ý nghĩ cay đắng và xót xa.
Con tàu lướt qua một đám người nhỏ, tôi bay chậm lại rồi nói vội trong intercom:
-Thả đi…
Hàng chục ổ bánh mì rơi rải rác trên bãi cát vàng, từng nhóm người ùa chạy theo, nhào trên đất vồ vập, chen lấn dành giựt, một vài người già, con nít ngã lăn trên cát. Chỉ trong chốc lát, những bao bánh mì đã sạch nhẵn. Tôi lấy cao độ bay trở về, chợt nghĩ rằng mặc dù tàu còn một số đạn dược và rockets nhưng còn có thể chở được năm bảy người. Tôi bay vòng lại nhìn dọc theo dòng sông, tìm một nhóm người nhỏ, riêng rẽ để có thể bốc họ mà không bị tràn ngập như chiếc trực thăng của Thần Tượng đã bị rơi ngày hôm qua.
Bay qua một vùng rừng cây thấp, tôi thấy chừng năm bảy người đang núp nắng dưới bóng cây, hình như là một gia đình. Tôi lạng chiếc trực thăng xuống thấp và đáp kế bên tàn cây chừng vài chục mét, cát bụi bay mù mịt, nhóm người trong bụi cây ùa ra. Người đàn bà khuôn mặt mếu máo vì khủng hoảng, lấy chiếc nón lá che đứa bé đang ôm trong lòng cúi đầu chạy đến cùng với vài người đàn ông nhảy lên tàu. Phía sau không xa chừng vài chục người đang tràn tới chiếc trực thăng. Không một giây chậm trể, tôi nhấc tàu quay mũi ra hướng bờ sông cất cánh, để lại sau lưng một đám bụi mù và đám người đứng khựng lại vì thất vọng. Tàu lên cao, gió mát lồng lộng vào khung cửa, khác hẳn với cái nóng hừng hực trên cồn cát nắng cháy. Phía dưới đất, những người tỵ nạn đứng bên những bờ lau sậy đưa tay vẫy vẫy trong tuyệt vọng. Tôi quay đầu nhìn xuống một lần cuối cùng trước khi quyết định rời vùng. Chợt bên mé bờ sông tôi nhìn thấy hai người, đúng hơn là hai cô bé hình như đang giặt áo quần. Nghĩ rằng tàu có thể đủ chỗ cho hai người nhỏ nữa tôi lạng một vòng và hạ con tàu xuống cách hai cô bé chừng vài chục mét. Mọi người trong khoang tàu nhìn ra chờ, anh xạ thủ đưa tay ngoắc, hai cô bé thản nhiên bỏ đi về phía đám người đang đứng dưới những tàn cây đằng xa. Gần đó hai đứa trẻ con đứng tắm sợ hãi bỏ chạy, vấp té ngã lăn trên đám cỏ dại.
Tôi kéo con tàu cất cánh và nói với phi hành đoàn:
-Chắc hai cô bé này đang đi với gia đình, không muốn đi một mình.
Thiếu Úy Liên gật đầu đồng ý. Nhìn đồng hồ xăng đã xuống khá thấp, tôi vội vã hướng về Tuy Hòa. Trong tiếng động ầm ỉ của tiếng động cơ, tôi bỗng nghe tiếng người xa thủ nói rất to sau khoang tàu, hình như đang có gì lộn xộn. Tôi quay qua hỏi người hoa tiêu phụ:
-Liên, coi thử chuyện gì vậy ?
-Mấy người mới lên tàu dành nhau vô ngồi giữa, thấy tàu mở cửa họ sợ bị rớt ra ngoài.
Đang suy nghĩ vì con tàu bay qua ngọn đồi lúc nãy, phân vân không biết nên bắn xuống ngọn đồi như đã hứa với viên Đại Úy trong khi tình trạng xăng trên tàu chỉ còn đủ để bay trở về. Tôi hơi bực mình quay qua nhìn Thiếu Úy Liên và nói:
-Liên, bạn giải quyết giùm đi, biểu họ ngồi yên và coi chừng, tôi sắp sửa bắn rockets xuống ngọn đồi này đó.
Nói xong tôi quay lại ra hiệu cho viên Đại Úy Biệt Động Quân biết, rồi quay đầu tàu vòng lại, chúi mũi phóng những trái rockets còn lại xuống ngay lưng đồi. Người xạ thủ nhoài người ra ngoài trút hết những viên đạn cuối cùng xuống đầu địch trước khi con tàu rời vùng. Âm thanh của những trái hỏa tiễn rít lên cùng với tiếng súng sáu nòng minigun rú lên như bò rống đinh tai nhức óc, đứa bé trong lòng người mẹ sau khoang tàu khóc thét lên, còn đứa con trai lớn hơn kế bên, mở trừng mắt, trên khuôn mặt lộ vẻ kinh hoàng, ngồi chết cứng, mếu máo vì sợ hãi, khóc không ra tiếng.
Tàu đã cạn xăng và đạn dược, tôi phóng nhanh về Tuy Hòa. Bên cạnh, tôi thấy Liên móc gói thuốc mời người đàn ông hút, và hai người nói chuyện rất hăng say. Người đàn ông trong bộ áo quần nhàu nát, xốc xếch có lẽ là chồng của người đàn bà đang ôm đứa bé, trên khuôn mặt gầy ốm, mệt mỏi và xạm đen vì nắng nhưng đôi mắt lộ vẻ sung sướng với nụ cười nở rạng rỡ trên môi. Tôi hỏi Liên:
-Quen à ?
-Anh có tin không, đây là thằng bạn học cùng lớp với tôi hồi xưa, em ruột của Thượng Sĩ Kim, y tá Phi Đoàn mình đó. Thật là một chuyện hi hữu, đúng là ý trời.
Trong giọng nói của Liên tôi nghe như đang ẩn chứa một niềm vui bất chợt. Tôi trao cần lái cho Liên rồi móc thuốc ra hút, nghỉ xả hơi sau một thời gian dài căng thẳng.
-Hôm qua bạn làm gì? Tôi hỏi Liên.
-À, tôi bay cho Tiểu Khu Tuy Hòa thả cơm vắt, mía khúc xuống cho dân chạy loạn và bốc người. Có chuyện này tôi quên kể cho anh nghe. Lúc bay ra vùng có một Ma Soeur đi theo tàu để thả đồ tiếp tế của Tiểu Khu Tuy Hòa. Khi tôi đáp xuống bãi cát, một toán người tràn tới leo lên tàu, Ma Soeur lẵng lặng nhảy xuống đất nhường chỗ không lên lại tàu, tôi cứ chần chờ, bà ngoắc tay bảo tôi bay đi. Thấy một đám người đang chạy đến, tôi không thể chờ lâu hơn nữa được phải cất cánh. Trước đó tôi có nghe Ma Soeur nói là muốn được xuống con lộ gia nhập với đoàn người chạy nạn để giúp đỡ họ, nhưng tôi không ngờ.
Liên nói tiếp:
-Anh có biết không, khi chiếc tàu cất cánh, nhìn xuống thấy người nữ tu trong bộ áo dòng đứng chơ vơ, hai tay giữ chiếc khăn bịt đầu trên bãi cát nóng cháy, gió bụi mịt mù như muốn cuốn thổi bay tấm thân nhỏ bé, hình ảnh đó có lẽ sẽ không bao giờ phai nhạt trong trí óc của tôi anh à.
Khi nói tới đây, giọng của Liên đột nhiên như nghẹn ngào vì xúc động. Tôi vội quay mặt nhìn ra ngoài khung cửa, bất giác liên tưởng đến cái gọi là “giải phóng miền Nam” của quân Cộng Sản khát máu và những nổi thống khổ tận cùng mà cả hàng trăm ngàn người dân lành vô tội đang phải chịu đựng trên con lộ máu kinh hoàng này.
Thành phố Tuy Hòa ẩn hiện trước mặt, nằm im lìm bên cửa sông Đà Rằng mênh mông mở rộng. Trên bầu trời trong xanh, những chiếc trực thăng như những con ong dập dìu bay tìm kiếm những người dân trên con lộ Liên tỉnh 7B, chở về trung tâm tỵ nạn. Tôi hạ cánh đáp xuống phi trường Đồng Tác, đám đông bu quanh những bãi đậu trực thăng, ào chạy đến gần nhìn những người trên tàu tôi vừa thả xuống đất, hy vọng sẽ gặp lại được những khuôn mặt thân quen của họ.
Một chiếc xe Jeep chạy đến kế bên tàu, viên Đại Úy tay xách chiếc radio FM nhảy xuống đất leo lên xe rồi đưa tay chào phi hành đoàn. Người ký giả Mỹ còn nấn ná ở lại trên sàn tàu, trong tiếng ầm ĩ của động cơ, anh ta chồm lên từ phía sau ghé vào tai tôi nói lớn:
-Cám ơn anh rất nhiều về chuyến bay vừa qua. Tôi rất muốn giúp đỡ những người chạy loạn nhưng bất ngờ không đem theo nhiều tiền. Tôi chỉ có hơn mười ngàn đồng trong túi, xin gửi hết cho anh để ngày mai mua bánh mì giùm tôi. Nói xong anh dúi vội vào tay tôi xấp giấy bạc rồi nhảy xuống đất đưa tay vẫy chào.
Cầm xấp giấy bạc trong tay, tôi ngỡ ngàng nhìn theo người ký giả biến mất hút vào đám đông người …
Đà Nẵng Di Tản và Một Sự Gặp Gở Bất Ngờ
Tỉnh đường Tuy Hòa là một tòa nhà lớn nằm trên một vị trí đẹp nhất thành phố, kế bên bờ biển, mặt đông khu vườn cỏ nhìn xuống bãi cát vàng, phía nam nhìn ra cửa sông Đà Rằng mênh mông bát ngát. Từ trên cao nhìn xuống sân cỏ rộng của tỉnh đường đã có bảy tám chiếc trực thăng tắt máy đậu sẵn. Tôi lượn một vòng nhìn xuống, thấy có chỗ trống vừa đủ cho một chiếc trực thăng, tôi hạ cao độ và chen vào đáp. Trên bãi cỏ của tỉnh đường, đứng lố nhố những phi hành đoàn và nhiều người ngoại quốc đủ mọi quốc tịch, trên người đeo đầy máy ảnh chạy lui chạy tới rất là bận rộn. Có lẽ họ là những nhà báo khắp thế giới đến săn tin tức về mặt trận đang sôi động tại chiến trường vùng II. Tắt máy tàu, mở cửa bước xuống sân cởi chiếc áo giáp nặng chịch trên người, trước mặt tôi đậu những chiếc trực thăng lẫn lộn của nhiều Phi Đoàn mang đủ loại phù hiệu như Hoàng Ưng, Thiên Ưng, Song Chùy v…v… từ Đà Nẵng di tản vào. Một chiếc trực thăng tản thương của Phi Đoàn 257 Cứu Tinh vừa đáp xuống, bụi mù tung lên, những người ký giả chạy ùa đến săn tin tức.
Ngày 27 tháng 3 năm 75, Cộng Quân gia tăng áp lực vào thì trấn Đà Nẵng, phi trường bị pháo kích liên tục. Tất cả máy bay được lịnh cất cánh lên trời để tránh thiệt hại. Pháo kích kéo dài không ngưng, tất cả trực thăng được lệnh rời bỏ phi trường Đà Nẵng đáp xuống phi trường Non Nước đậu qua đêm. Đây là một phi trường nhỏ của Mỹ bỏ lại cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng năm cây số hướng đông nam. Suốt đêm đó tất cả phi hành đoàn đều ngủ tại những “bunker” hoặc giao thông hào của những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trú đóng tại đó, đang chờ các tàu Hải Quân trên đường cập bến di tản tất cả lực lượng tại đây.
Sáng hôm sau, tình thế tại Đà Nẵng rất nguy ngập, Cộng quân tiến sát vào thành phố. Trong tình thế hỗn loạn đó, tất cả trực thăng của các Phi Đoàn đậu tại phi trường Non Nước được lệnh cất cánh di tản về Phù Cát. Thời tiết ngày đó rất xấu, trần mây thấp không hơn năm trăm bộ che kín bầu trời (overcast). Tất cả hoa tiêu trực thăng cất cánh tại phi trường Non Nước về căn cứ Phù Cát, Bình Định có hai giải pháp phải chọn lựa, một là bay trên trần mây mù mịt, hai là bay thấp dọc theo bờ biển. Đa số trực thăng tối hôm qua bay chờ khá lâu trên trời để tránh pháo của địch đã tiêu thụ một số xăng khá nhiều, bây giờ bình xăng không còn đầy để có thể bay xa. Nếu phải chọn con đường bay trên trần mây, và khi đến phi trường Phù Cát không tìm được khoảng trống để đáp xuống thì tàu có thể rớt vì hết xăng. Cũng nên biết rằng, đa số trực thăng không được trang bị những khí cụ hay máy móc để bay trong mây hay thời tiết xấu, cho nên đối với những hoa tiêu trực thăng bay trên trần mây không thấy được mặt đất là một điều tối kỵ. Giải pháp thứ hai bay thấp dưới trần mây, dọc theo bờ biển, nhưng những chiếc trực thăng phải đối phó với hỏa lực phòng không của địch qua nhiều vùng đã bị chiếm đóng. Cả hai giải pháp đều là nan giải cho những phi hành đoàn trong hoàn cảnh nguy ngập đó.
Một trong những hoa tiêu của Phi Đoàn tản thương Cứu Tinh 257 đang đậu tại phi trường Non Nước là Trung Úy Phạm Mẫn, cựu hoa tiêu Phi Đoàn Thần Tượng 215, đã chọn con đường thứ hai, bay thấp dưới trần mây về Phù Cát. Trên tàu khi đó chở đầy những quân nhân Không Quân cũng như một số dân sự. Để tránh những súng nhỏ có thể bắn từ những làng mạc đã bị địch chiếm đóng, Trung Úy Mẫn bay con tàu cách xa bờ biển chừng nửa cây số. Trên đường đi, trong tầng số radio, những hoa tiêu liên lạc với nhau, kêu nhau ơi ới. Những chiếc trực thăng bay thấp bị đủ mọi loại súng của địch từ những ngôi làng dọc theo Quốc Lộ I bắn tới tấp, những chiếc máy bay bay trên cao thì trần mây mù mịt không tìm được đường xuống. Tình trạng rất bi đát.
Riêng Trung Úy Mẫn, sau chừng nửa tiếng đồng hồ bay, khi vừa đi ngang quận Dục Đức, từ trong bờ một tràng đạn phòng không cỡ lớn nổ liên tục nhắm vào chiếc trực thăng đang bay thấp trên mặt biển. Một viên đạn trúng tàu nổ tung, một số người chết ngay trên sàn tàu, Trung Úy Mẫn cố lết con tàu bay sát mặt biển tới được gần đèo Phù Củ thì rơi xuống bãi cát sát bờ nước. Từ phía sau đuôi của chiếc trực thăng, một nhóm Việt Cộng từ một làng sát mé biển chạy đến. Những người nào còn sống sót trên tàu mạnh ai nấy chạy. Mẫn bị một vết thương ngay chân, lết ra khỏi tàu chạy về phía trước dọc theo bờ biển, những tiếng súng AK-47 nổ dòn vang vọng đàng sau. Chạy được chừng ba bốn cây số thì trước mặt khoảng năm bảy trăm mét, chừng bốn năm tên đầu đội nón cối chạy ngược lại chận đường, biết là không còn đường thoát, trong một hành động tuyệt vọng Trung Úy Phạm Mẫn nhảy xuống biển bơi vòng ra khơi, hy vọng sẽ lẩn tránh được quân thù. Trên bờ mấy tên Việt Cộng vừa tới nơi đứng dương súng chờ đợi. Sức người có hạn, sau một chặng đường dài chạy trên biển với vết thương ngay chân, anh đã kiệt lực và đành buông xuôi giao thân cho địch. Anh bị trói thúc ké dẫn đi vào hướng đất liền, giữa một vùng bụi cây thấp mọc dọc theo ven biển. Trên trời cao những chiếc trực thăng của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư tại căn cứ Phù Cát được lệnh bay ngược về hướng Đà Nẵng, hy vọng cứu cấp những phi hành đoàn bị rơi rớt dọc đường. Một chiếc trực thăng của Phi Đoàn Mãnh sư vừa bay ngang, tiếng động cơ và tiếng cánh quạt kêu ầm ỉ, bên dưới Trung Úy Mẫn bị mấy tên Cộng Sản xô chúi nhủi vào một bụi rậm, dí súng AK-47 vào đầu không cho anh nhúc nhích. Trong giây phút dưới áp lực của mũi súng quân thù, Mẫn* vẫn còn đủ bình tĩnh để ngửng lên nhìn chiếc trực thăng đang bay qua đầu, lòng thầm biết ơn những người hoa tiêu bạn trong giây phút tận cùng của cuộc chiến vẫn “không bỏ anh em không bỏ bạn bè”, đúng như tinh thần bất diệt của quân chủng Không Quân.
-Ê…, Mãnh Hổ!
Đang đứng hút thuốc kế bên tàu tôi nghe tiếng ai kêu từ phía sau. Tôi quay lại. Một hoa tiêu mang phù hiệu trực thăng của Phi Đoàn 239 Hoàng Ưng đang đứng sau lưng nhìn tôi cười. Tôi nhíu mắt nhìn. Khuôn mặt rất quen thuộc, tôi cố moi lại trong trí nhớ.
-Mày quên tao rồi à, Nguyễn Hào đây!
-Hào.., trời đất…, Hào “gàn” phải không ? Mẹ…, lâu ngày quá.
Vừa nói xong tôi mừng rỡ ôm choàng lấy người bạn thân cùng khóa bay. Từ lúc chia tay nhau sau khi du học ở Mỹ trở về nước, mỗi thằng đi một vùng chiến thuật, chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau. Hình ảnh của thằng bạn có giọng nói Bắc kỳ Hà Nội chậm rãi, ngọt ngào như mía lùi lại ẩn chứa một tánh tình “ngang tàng” nếu không nói là có tí “ngông”, trên một khuôn mặt rất là “boyish” đã trở lại trong tâm trí tôi. Những ngày bên trường bay vào những buổi đi học về, trong khi mấy anh “hoa tiêu học trò” vội vã chen nhau xuống chiếc xe buýt thì Hào lửng thửng một tay xách túi bay, một tay đút vào túi quần chậm rãi đi từng bước một về phòng, hình như chưa bao giờ tôi thấy anh ta vội vã cả.
-Chuyện gì đã đưa đẩy bạn lưu lạc nơi phương trời này vậy,… Hào? Tôi ngạc nhiên hỏi.
-Thì lúc Ban Mê Thuột bị tụi nó chiếm, từ Đà Nẵng tao tình nguyện biệt phái dẫn năm chiếc tàu lên Pleiku cho phi vụ không vận Sư Đoàn 23 về tái chiếm Ban Mê Thuột. Chừng hai ngày sau thì phi vụ đó bị “xù”, tụi tao bị “xỉ” về vùng này bốc dân. Mấy lần tao nghe tiếng mày trên tầng số mà chưa có cơ hội để gặp. Này, mày bay gunship phải không, tao có chuyện này muốn nói với mày.
-Có gì quan trọng không? Vừa nói tôi vừa móc ổ bánh mì dưới túi bay rồi hỏi:
-Mày ăn chưa?
-Tao ăn rồi, mày ăn đi. Lúc nãy tao đi chở dân về, gần tới Tuy Hòa bên mấy thửa ruộng hoang tao thấy hai ba con bò đang đứng ăn cỏ, tao định xuống “dớt” một con đem về cho lính mình ăn, tao thấy nhiều lính bộ binh đi lạc trong rừng được bốc về phi trường Đồng Tác tơi tả, tội nghiệp quá. Một mình không có gunship “cover” tao hơi ngại, bây giờ gặp mày đây tao mới hỏi mày đi bay yễm trợ cho tao “dớt” con bò về được không?
-Chuyện nhỏ thôi, nhưng coi chừng, nhiều lúc là bò của dân đó mày.
-Dân đếch gì, xa tuốt trong rừng, giờ này dân chạy hết rồi, để lại cho tụi Việt Cộng ăn cũng vậy thôi.
Cầm ổ bánh mì trên tay tôi vừa ăn vừa nói:
-OK, làm gì thì làm để tao “thanh toán” ổ bánh mì này cho xong đã rồi đi đâu thì đi.
Hơn mười phút sau hai chiếc trực thăng bắt đầu quay máy, tôi cất cánh chiếc trực thăng võ trang nối đuôi theo chiếc Hoàng Ưng của Hào rời bãi đậu. Hai con tàu lấy cao độ hướng ra phía bờ sông. Trên cao nhìn xuống, từ cửa sông Đà Rằng chạy dài về phía tây, cửa sông trông giống như đầu của một con bạch tuột với những sợi râu nằm giữa vựa lúa lớn nhất miền Trung phần, những mảnh ruộng hình vuông con con màu vàng cỏ rạ, nối tiếp nhau từ bờ sông chạy dài đến gần chân núi Đại Lãnh. Nhìn thằng bạn thân cắm đầu bay trước mặt, trên tầng số riêng tôi gọi :
-Hào…, mày còn nhớ chỗ không đó?
-Yên chí đi…, cứ theo tao, năm phút nữa sẽ đến, cách con sông vài cây số ngay bìa rừng tao nhớ rõ.
Đúng như lời Hào nói, chỉ trong vài phút bay tôi thấy chiếc trực thăng trước mặt nghiêng cánh, hạ cao độ. Từ trên cao nhìn xuống, tôi có thể thấy một vùng ruộng bỏ hoang, không canh tác, cỏ vàng úa mọc đầy, nằm kế bên bìa rừng, ở giữa là một con suối cạn uốn éo, cỏ mọc xanh hai bên bờ.
-Hổ, mày thấy chưa…bãi ruộng gần con suối, cách đây hai tiếng đồng hồ tao đã bay qua đây rồi.
Tôi nhìn theo nôn nóng:
-Biết rồi…, mấy con bò đâu không thấy ?
-Từ từ đừng nóng, lẩn quẩn đâu đây thôi…
Hào bay dưới thấp chừng vài trăm bộ, tôi giữ vị thế cao hơn để quan sát tình hình, theo dõi tàu của Hào trong trường hợp có biến cố nào tôi có thể phản ứng kịp thời. Bỗng tôi nghe tiếng Hào trong tầng số, giọng nói phấn khởi:
-Đây rồi…, đây rồi…, ba “chú” đang ăn cỏ đây.
Nhìn xuống dưới thấp, tàu Hào đang bay bỗng quay vòng lại, cánh quạt chiếc trực thăng chấp chóa, ba con bò đang đứng thản nhiên gặm cỏ trên một bãi ruộng hoang, kế bên một đám cỏ tranh vàng úa.
-Hổ…, mày trên cao cover nghe, tao xuống đây. Hào nói.
Tôi hạ cao độ, bay vòng rộng quanh chiếc tàu phía dưới, quan sát tình hình. Xung quanh đều là đồng không mông quạnh, không có dấu vết gì khả nghi cả, trừ đám rừng xa xa khoảng vài cây số. Chiếc trực thăng của Hào bay chậm lại và ngừng lại trên đầu ba con bò màu nâu đang bình thản đứng kế bên nhau. Bên hông cửa tàu của chiếc trực thăng phía dưới tôi có thể nhìn thấy khẩu đại liên đang khạc đạn, phóng ra những làn khói trắng nho nhỏ. Một con bò nhỏ nhất trong đám ngã quỵ xuống, hai con kia tức thời phóng chạy.
-Hổ, tao đáp xuống đây…coi chừng dùm tao nghe…
Quay qua khung cửa, tay cầm cần lái, mắt tôi chăm chú theo dõi tất cả mọi diễn tiến bên dưới. Chiếc trực thăng đáp kế con bò đang nằm trên mặt đất , cách đó một khoảng gần là một đám cỏ tranh cao tới ngực. Hai người mê vô xạ thủ nhảy xuống đất đồng thời một bên cánh cửa cockpit mở ra, người hoa tiêu phụ nhảy xuống theo. Ba người chạy đến kế bên con bò. Từ trên cao tôi theo dõi một hoạt cảnh ngoạn mục, ba anh phi hành trong bộ đồ bay, người mặc áo giáp, đội nón helmet ì ạch kéo con bò không nhúc nhích. Mấy ông mê vô xạ thủ và ông anh rể tôi ngồi sau sàn tàu chồm ra ngoài cửa hồi hộp nhìn xuống phía dưới theo dõi. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thầm nghĩ con bò quá nặng không thể nào ba người có thể đủ sức đem nó lên sàn tàu. Đúng như tôi đã dự đoán, trên tầng số tiếng nói của Hà
-Nặng quá tụi nó kéo không nổi, Hổ…, tao xuống phụ với tụi nó…, cover cho tao nghe…
Hào nói xong chưa chờ tôi trả lời, mở cửa nhảy xuống, chạy đến bên con bò. Bốn người xúm nhau, tiếp tục kéo. Cho con tàu bay thấp vài trăm bộ tôi nghiêng đầu theo dõi. Bỗng dưng cách chiếc trực thăng đang đậu phía dưới chừng vài chục mét, tôi phát giác một bóng người bận đồ đen vừa mới đứng lên giữa đám cỏ tranh mọc cao ngang ngực. Tôi la lớn cho mấy anh mê vô xạ thủ tôi nghe thấy để chuẩn bị:
-Có người…, đằng sau.., coi chừng…
Người xạ thủ hình như cũng thấy như tôi đã thấy, đến chụp khẩu minigun chỉa xuống ngay chỗ đám cỏ tranh. Phía dưới là chiếc tàu của Hào đang nổ máy hoàn toàn không có người nào ở trên tàu, tôi không biết làm cách nào để thông báo cho phi hành đoàn bên dưới biết tình trạng đang xảy ra. Tôi sà con tàu xuống thấp bay ngang đầu chiếc trực thăng đang đậu dưới đất, bay vòng thật nhỏ như để báo hiệu cho bạn mình biết để đề phòng có người lạ khả nghi đang ở gần đấy.
Một cuộc diễn tiến bất ngờ xảy ra phía dưới như một cuốn phim đang quay chậm. Bóng người đang đứng giữa đám cỏ tranh bỗng vạch cỏ bước hẳn ra ngoài, tiến về hướng chiếc trực thăng đang đậu kế con bò, hai tay cầm khẩu AK-47 đưa cao lên khỏi đầu. Bốn người đang hì hục kéo con bò, bất ngờ ngưng lại, quay mặt về phía bóng người đang bước tới. Tôi thấy Hào rút khẩu “rouleaux” chỉa về phía người lạ. Hình như có một cuộc đối thoại ngắn đang xảy ra, tôi đoán vậy…Hào bước đến gần tay vẫn chỉa súng vào người lạ, tay kia vói giật khẩu AK-47. Bây giờ một người xạ thủ của Hào đã tỉnh hồn, nhảy lên tàu chĩa khẩu đại liên M-60 về phía “nhân vật” mới xuất hiện. Hình như cuộc đối thoại vẫn đang còn tiếp diễn… Đột nhiên trước sự ngạc nhiên, nếu không nói là sửng sốt của tất cả mọi người trên tàu tôi, “nhân vật” mới cùng phi hành đoàn bốn người của Hào xúm nhau lại kéo con bò lên sàn tàu. Nôn nóng muốn biết chuyện gì đã xảy ra, chờ khi Hào đã an tọa trên ghế bay, tôi la trên tầng số:
-Hào…, chuyện gì vậy…, chuyện gì đã xảy ra vậy ?
Trong hơi thở hổn hển có lẽ vì quá mệt sau khi khiêng con bò lên sàn tàu, tiếng nói của Hào đứt đoạn:
-Thằng…Việt Cộng…, nó muốn hồi chánh…, nó xin tao chở về Tuy Hòa…
Tôi ngắt lời:
-Mày có chắc không ? Coi chừng đó…
-Không sao…đâu.., tao lấy súng nó rồi… Nó là dân du kích địa phương…có gia đình ở Tuy Hòa…
Nghe xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ tên Việt Cộng này đang chăn bò, thấy trực thăng đến chạy núp trong đám cỏ tranh, và sau khi thấy chiếc gunship quần trên đầu tưởng là đã bị phát giác nên ra đầu hàng. Tôi gọi Hào:
-Mày làm tao hú hồn, thôi… chở con bò về phi trường Đồng Tác giao cho bộ binh và nhân tiện giao thằng Việt Cộng luôn.
Rồi tôi nói tiếp:
-Nhớ cắt một cái đùi tối về Nha Trang tụi mình nhậu nghe.
* Richard Blystone was a correspondent for Associated Press (ap) for 15 years, reporting mainly from Southeast Asia, where he was bureau chief in Bangkok, before moving on to Cable News Network. He is also an Associate of Producers International Media, and one of the world’s top journalists and writers… Now he is a retired senior correspondent for CNN
* Trung Úy Phạm Mẫn bị Cộng quân bắt làm tù binh sau khi chiếc tàu anh bị bắn rớt trên bờ biển Quảng Nam ngày 28 tháng 3 năm 1975. Sau ba năm bị cầm tù, năm 1981 anh cùng hai đứa con trai vượt biển đến được bến bờ tự do.
-Xin cám ơn KQ Nguyễn Đức Liên, Phạm Mẫn, Nguyễn Hào đã đóng góp những chi tiết trong bài Ngày Tàn Cuộc Chiến (Phần II), cùng anh Herky428 về tác phẩm rất đẹp của Mãnh Hổ trên biển Nha Trang
-Riêng cám ơn Cánh Thép.com, là nguyên nhân để tôi tìm lại được Thiếu Úy Nguyễn Đức Liên, một hoa tiêu Phi ĐoànThần Tượng mà tôi đã mất liên lạc từ năm 1975, qua những bài viết về cuộc chiến của tôi.
Một bài viết của đặc phái viên AP, Richard Blyslone, về phi vụ tại Tuy Hòa.
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Tuy Hòa và Con Lộ Máu
Tuy Hòa và Con Lộ Máu
Một nén hương thắp đến cho vong hồn anh được an vui nơi vùng trời miên viễn .
Vĩnh Hiếu
Phần Mở Đầu:
Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, ngày 14 tháng 3 năm 1975, trong cuộc họp khẩn cấp của các tướng lãnh cao cấp và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Cam Ranh đã đưa đến quyết định triệt thoái tất cả chủ lực quân của Quân Đoàn II và tất cả chiến xa, pháo binh cũng như máy bay ra khỏi Pleiku và Kontum. Lệnh triệt thoái được giữ kín trong vòng bí mật giữa những cấp chỉ huy Quân Đoàn, để tránh sự hoang mang cho tầng lớp hành chánh cũng như dân chúng địa phương. Phần còn lại của các lực lượng Địa Phương Quân và các cơ sở hành chánh vẫn tiếp tục làm việc với cấp tỉnh trưởng cũng như các cấp quận trưởng, như không có gì thay đổi (!).
Con đường cho cuộc triệt thoái lịch sử này đã được chọn là con đường hoang phế Liên Tỉnh Lộ 7B.
Từ Pleiku theo con Quốc Lộ 14 về hướng Ban Mê Thuột khoảng bốn mươi cây số sẽ gặp đầu mối đường Liên Tỉnh Lộ 7B. Ngã ba đường này thường được gọi là “chĩa ba” Mỹ Thạnh. Từ đây, con lộ 7B dài hơn hai trăm cây số xuyên qua vùng rừng núi hiểm trở, đi ngang qua thị xã Phú Bổn (Cheo Reo) và huyện Phú Túc trước khi đến Tuy Hòa. Con đường đất này uốn lượn theo những ngọn đồi cao, đôi khi ôm dài theo mé bờ sông hay băng ngang những con suối cạn; có những đoạn, đường đã bị sụp lở vì bị mưa xoi mòn hay cây cối chắn ngang lối đi. Ba chiếc cầu chính trên con lộ này là Phú Thiện (50m), Lê Bạc (600m) và Cà Lúi (40m), lâu ngày không sửa chữa tu bổ, hư hao, gãy đổ…và đây là con đường cho hàng trăm ngàn người và gần bốn ngàn chiếc xe đủ loại, đủ cỡ, ngay cả cho những chiếc chiến xa M-48 nặng gần năm chục tấn đi ngang qua.
Đêm 16 tháng 3/ 75 tất cả lực lượng của Quân Đoàn II hơn cả trăm ngàn quân nhân đủ mọi thành phần cùng hàng ngàn quân xa và chiến xa hạng nặng được lệnh di chuyển. Cuộc triệt thoái âm thầm bất ngờ được êm xuôi trong đêm đầu tiên cho đến sáng hôm sau. Khi tin đồn về cuộc lui quân tới tai quần chúng địa phương, dân chúng hoang mang, hốt hoảng tột cùng, cả thành phố vội vã ùa chạy theo đuôi đoàn quân với bất cứ phương tiện di chuyển nào sẵn có trong tay. Một cuộc triệt thoái hỗn loạn bắt đầu…
Nguyên tắc căn bản của một cuộc lui quân, phần đoạn hậu tối thiểu phải có một lực lượng đủ khả năng chặn đường truy kích hoặc làm chậm bước tiến của địch quân nếu bị truy đuổi, để bảo vệ cho sự an toàn của đoàn quân. Mỉa mai thay, phần đuôi của đoàn quân này là hàng trăm ngàn người dân vô tội, tất tả bám theo mang trên tay chỉ là những gói áo quần hay những đồ cần thiết tối thiểu.
Con đường lộ hiểm trở, đổ nát này đã thành một con lộ kinh hoàng, một dòng sông của xác người và máu. Những cái chết kiệt lực vì đói, khát, thời tiết ngày nóng đêm lạnh, của những trận mưa pháo, địch quân ngày đêm rót vào đoàn người không ngưng nghỉ.
Một ký giả lão thành, Nguyễn Tú đã viết lại:
Thật thương tâm khi phải mục kích cảnh người dân không có khả năng di tản bằng xe hơi, xe vận tải, hay bất kỳ phương tiện chuyên chở nào có được. Họ thật cơ cực, phải di tản bằng đôi chân, và họ chiếm đa số, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, đi tất tả như chạy, không được dù chỉ một giọt nước để làm dịu cơn khát như cháy cổ. … Không thể nào đếm được bao nhiêu trẻ em đã ngã xuống trên đường đi, bao nhiêu cụ già bơ vơ phải đứng lại dọc đường, không còn cất bước đi được nữa, và còn bao nhiêu người khác phải chịu đựng đói khát trên suốt chặng đường tìm đến Tự do và Dân chủ. Một sĩ quan biệt động bảo tôi: “Lần này, tôi không thể nào còn nhìn thẳng vào mặt đồng bào mình lần nữa.” Một anh binh nhì nói: “Thật khốn kiếp, chúng ta rút lui không hề kháng cự. Tôi thà chiến đấu, rồi chạy trốn nếu thua và tôi chấp nhận như vậy.” Một Đại Úy Không Quân than: “Thật thảm thương, nhất là khi nhìn lại Pleiku, giờ chỉ còn là một thành phố bỏ hoang. Chỉ còn thấy lửa cháy khắp nơi. Tôi buồn quá. ” Tôi ngạc nhiên quá. Hãy nhìn những con người này, những trẻ em này. Thật khốn khổ, đáng thương quá!”, một người lính khác nói thêm. …
Dưới ngòi bút của nhà văn Phan Nhật Nam đã mô tả:
Cuộc di tản lớn quá, mối đau thương dài đặt trên hai trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn người dân thường đi từ Kontum, Pleiku… Trời Cao Nguyên buổi tàn Xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt người, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi, lo âu, tuyệt vọng, lính gục ngã trên mũi súng, đàn bà, con trẻ nằm rũ trên hành lý, thành xe, đất cát. Được sống, được ngủ là hạnh phúc quá lớn hở trời? Còn biết kêu vào đâu? Với ai?
Nhà văn Phạm Huấn đã viết:
Liên Tỉnh Lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên con đường máu dài 300 cây số đã là nơi chôn vùi hàng ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội.
Thật kinh hoàng, khủng khiếp. Biển người và biển máu.
Và sau cùng một nhân chứng trong đoàn người khốn cùng đó đã viết về những chiến sĩ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa:
10 phi tuần phản lực A 37 đánh bom CBU và Napalm yểm trợ cho đoàn quân triệt thoái ngày 24-3-1975 sau đó đã được thực hiện đúng như Đại Tá Thảo, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Phan Rang “hứa” với Tướng Phú. Những phi công anh hùng đã khắc phục, chế ngự mọi hiểm nguy, mọi trở ngại kỹ thuật, thời tiết và sự an toàn cho chính bản thân mình; để cứu đồng bào và các chiến hữu anh em. Những phi công cảm tử anh hùng của QLVNCH đã bay xuất trận hôm ấy trong tinh thần của những hiệp sĩ. Trên vùng trời Phú Yên lúc 17 giờ ngày 24-3-1975, khi những cánh đại bàng xuất hiện “họ” thật sự là những cứu tinh, là những người đã mang theo sự sống cho Đoàn người, Đoàn quân phía dưới. Như hàng trăm ngàn đồng bào và các chiến hữu khác có mặt hôm đó tại Liên Tỉnh Lộ 7, tôi muốn được bày tỏ sự kính phục đặc biệt và ca ngợi những phi công anh hùng này.
Những điều đã được mô tả chỉ là một giọt nước mắt trong đại dương thống khổ của tất cả những ai đã đi trên con lộ này. Hàng vạn người dân vô tội đã bỏ mạng cũng như hằng vạn những chiến sĩ đã gục ngã dưới lằn đạn địch quân mà chưa hề có cơ hội để chống trả. Tất cả đó là hậu quả của một quyết định vội vã, sai lầm của cấp lãnh đạo.
Súng Đạn và Bánh Mì
Tám giờ sáng, tại Không Đoàn 62 Chiến Thuật những chiếc máy bay đủ loại bận rộn chuẩn bị rời phi trường. Vừa cất cánh chiếc trực thăng võ trang ra khỏi phi đạo, tôi cho con tàu giữ ở cao độ thấp bay dọc theo ven biển Nha Trang hướng về phía bắc, trực chỉ thành phố Tuy Hòa. Sáng hôm nay nắng đẹp, những giải mây như lụa trắng nhẹ nhàng treo lơ lững trên bầu trời trong xanh. Trên mặt biển mênh mông lấp lánh như một tấm gương bạc khổng lồ, những chiếc thuyền đánh cá cỏn con nuối đuôi nhấp nhô hướng về phía chân trời. Ngoài khơi lác đác vài hòn đảo một màu xanh thẩm đang im lìm tắm nắng mai.
Ngồi trên chiếc ghế bay từ căn phòng lái tôi lặng yên thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của miền duyên hải, chiêm ngưỡng một không gian diễm lệ trữ tình của quê hương. Trong tiếng nổ đều đặn của động cơ cùng tiếng chém gió của cánh quạt quen thuộc từ khoảng không gian nhỏ bé này, tôi cảm thấy mình như là một cánh chim tự do đang xỏa cánh bay lượn trên vòm trời thân yêu. Cho dù mỗi ngày phải đương đầu với hiểm nghèo, với cái sống chết, với phong sương gian khổ tôi thấy mình vẫn còn được may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người trai cùng thế hệ. Nhưng từ khi Ban Mê Thuột đột nhiên rơi vào tay địch quân, tâm tư tôi bắt đầu lo ngại và hoài nghi về cuộc chiến, viễn ảnh chiến thắng quân thù mỗi lúc một xa vời. Thời thế đã đổi thay quá nhanh, tôi vẫn chưa chấp nhận được tình huống của thực tại, những tư tưởng bi quan, yếm thế thường lẩn quẩn trong đầu óc tôi. Rít dài hơi thuốc phà vào khoảng không gian trước mặt, tôi trầm ngâm, suy tư…
-Chút nữa mình đáp Tuy Hòa hay bay thẳng ra vùng luôn vậy?
Trong intercom đột nhiên câu hỏi của Thiếu Úy Nguyễn Đức Liên đưa tôi trở lại với hiện tại. Tôi quay qua nhìn người bạn đồng nghiệp, rồi trả lời:
-Chắc mình ghé phi trường Đồng Tác đổ thêm xăng và liên lạc với Bộ binh xem thử có phi vụ nào không, sau đó mình sẽ bay tới vùng thả bánh mì cho đồng bào sau cũng được.
Từ khi tuyến phòng thủ của Liên Đoàn 3 Dù tại Khánh Dương trên Quốc Lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột và Nha Trang bị Bắc Quân áp đảo lung lay, Phi Đoàn Thần Tượng đã được lệnh thay đổi vùng hành quân, chuyển hướng qua yểm trợ cho cuộc rút quân của Quân Đoàn II tại Pleiku về Tuy Hòa. Hằng ngày nhiều phi vụ đơn độc của Phi Đoàn 215 được biệt phái ra vùng đồng bằng Phú Yên hổ trợ cho đoàn người di tản trên con lộ 7B. Ngoài mục đích tiếp tế, rải thức ăn của tiểu khu Tuy Hòa cho đồng bào, mục đích chính yếu của những chiếc trực thăng là bốc tất cả những ai có thể chở được từ con lộ 7B đem về tập trung tại vài trung tâm tiếp cư như phi trường Đồng Tác, một phi trường khổng lồ của Mỹ đã bỏ lại, nằm phía nam Tuy Hòa chừng năm bảy cây số.
Trong thời gian rối loạn này với những biến cố dồn dập, những phi vụ ít được kiểm soát, công việc của những hoa tiêu được đặt nặng trên tinh thần tự giác và trách nhiệm của mỗi người. Như ngày hôm nay, tôi được chỉ thị ra vùng hành quân trên chiếc trực thăng võ trang, không có chiếc C&C (Command and Control) đi dẩn đầu để tiếp xúc với Bộ binh, không có chiếc Hổ hai (chiếc võ trang số hai) theo sát cánh như bao ngày qua. Một mình một ngựa lên vùng, tùy cơ ứng biến. Gunship bay vào vùng hành quân đơn độc là trái với chiến thuật và nguyên tắc căn bản của trực thăng võ trang. Nhưng đây là lệnh của cấp trên, tôi không có sự chọn lựa nào hơn là cố chu toàn nhiệm vụ được giao phó.
Tôi tiếp tục cho con tàu bay thật thấp trên đầu con Quốc Lộ 1. Gió biển mát lạnh lộng vào khung cửa mở toang, phía sau khoang tàu hai nguòi mê vô xạ thủ đang ngồi bên nhau trên chiếc ghế sát cửa, nhìn xuống con đường trải nhựa đen chạy viền theo bờ biển cát trắng. Những ghềnh đá nằm sát bên đường, sóng vỗ tung lên trắng xóa. Vài chiếc xe hàng, trên nóc chất đầy hành lý, chạy ngược chiều, những cánh tay vẫy chào khi chiếc trực thăng bay ngang. Một vài chiếc xe hai bánh đang phóng nhanh trên đường, trên xe mang nặng những bao bị, vội vã rời xa vùng lửa đạn hướng về nơi an toàn. Sau sàn tàu, những bao vải lớn nằm chất đống chứa đầy bánh mì tôi đã mua đem theo, kế bên, ông anh rể tôi tháp tùng theo từ sáng sớm đang thích thú quan sát cảnh vật chạy lùi phía dưới bụng chiếc trực thăng.
Hôm qua khi cả nhà đang quây quần trong bữa cơm chiều, sau một vài câu chuyện qua lại trong ngày, bỗng Me tôi chợt nhìn tôi rồi hỏi :
-Này con…, Me thấy hình như con có điều gì không vui phải không ? Con đang có vấn đề gì không?
Tôi ngập ngừng chưa trả lời, nhưng vì không muốn để cho bà lo lắng tôi nói:
-Dạ…, đâu có vấn đề gì, con chỉ hơi mệt vì bay hơi nhiều…, thêm vào đó…ngày hôm nay con đã gặp nhiều đồng bào mình chạy loạn, đói khát khổ sở, thấy tội nghiệp cho họ quá.
Ông anh rể tôi đang ngồi ăn kế bên với bà chị ruột của tôi, nghe câu chuyện xen vào hỏi:
-Nè…, mấy hôm nay tôi đọc báo thấy tin về vụ rút quân trên Pleiku về Tuy Hòa, có phải em bay trên vùng đó không ?
Tôi gật đầu:
-Đúng rồi…, hằng trăm ngàn người bỏ chạy, thiếu thốn cực khổ…, không có ai giúp đỡ gì cả. Tụi Việt Cộng pháo kích và bắn loạn xạ vào dân lành không phân biệt già trẻ, đàn bà con nít. Chết nhiều lắm.
Tôi nói tiếp:
-Hồi trưa nay tôi có gặp một nhóm người nhỏ chạy vào trong rừng trốn đạn rồi bị lạc luôn, tôi đáp tàu xuống bốc tất cả về Tuy Hòa. Nguyên phi hành đoàn lấy bánh mì ăn trưa của mình cho họ ăn, làm cả ngày tụi này đói meo.
Nghe nói tới đây, Me tôi chắc lưỡi, lắc đầu:
-Tội nghiệp quá…, vậy mình có thể làm gì được để giúp họ không con ?
-Dạ…, con đã có ý định mai mua bánh mì đem theo thả cho họ đó. Con biết đó chỉ như là muối bỏ biển thôi, nhưng có lẽ mình giúp được người nào hay người nấy. Vả lại con nghĩ một ổ bánh mì cũng có thể làm cho một người bớt đói một ngày để họ có sức tiếp tục đi tới nơi.
Tôi nói tiếp:
-Nhưng chỉ có một mình con nên hơi khó khăn vì không biết làm sao chở được nhiều bánh mì vào Phi Đoàn được?
Nghe tôi nói xong, mọi người im lặng. Tôi chợt nhìn ông anh rể rồi đột ngột nói:
-Này…, anh Lộc…, ngày mai đi bay với tôi không ?
Bất ngờ bị hỏi, anh rể tôi lúng túng nhìn qua bà chị tôiđang chăm chú theo dõi câu chuyện.
- Tôi à…, tôi đi theo để làm gì hả ?
-Anh đi theo tôi ngày mai để phụ tôi mua và chở bánh mì đem vô phi trường thôi, rồi anh có thể về nhà sau đó hay là đi bay với tôi luôn thì tùy anh.
Nghe tôi nói xong, anh Lộc ngập ngừng rồi xoay qua nhìn vợ nói:
- Sao em…, em nghĩ sao? Có để cho anh đi theo giúp hay không ?
Bà chị tôi nuốt xong miếng cơm trong miệng, lúng búng trả lời:
-Này…, đi bay có nguy hiểm không vậy ? Chứ giúp đồng bào mình trong lúc này thì là chuyện nên làm, anh muốn thì cứ đi, tùy ý anh thôi.
Được sự đồng ý của bà chị tôi, anh rể tôi quyết định:
-Được, mai anh sẽ đi giúp em.
Me tôi nghe tới đó chen vào:
-Còn vấn đề tiền bạc, con có nhiều tiền đâu mà mua, để Me đưa phụ cho con mua bánh mì thêm. Con cần bao nhiêu cứ nói.
Nghe tới đây miếng cơm trong miệng tôi chưa kịp nuốt, bỗng dưng bị nghẹn lại, tôi không ngờ Me tôi dám để đứa con rể cưng độc nhất cũng như chị tôi dám để cho người chồng mới cưới, một ông thầy giáo mạo hiểm ra một mặt trận nóng bỏng như thế này.
-Anh chắc chưa?… Suy nghĩ cho kỹ đó, sáng mai tôi sẽ đánh thức anh dậy, tối nay đi ngủ sớm đi nghe.
Tôi nhắc lại cho ông anh rể trước khi đứng dậy rút lui về phòng mình. Sáng hôm sau thức dậy sớm hơn mọi khi, trời còn tờ mờ tối tôi gõ cửa phòng ông anh rể. Anh đã dậy từ lúc nào, áo quần sẵn sàng đang ngồi uống trà nóng chờ tôi. Tôi đưa cho anh chiếc áo bay của tôi bảo anh mặc để vào cổng phi trường khỏi bị hỏi giấy.
Hai anh em đèo bồng nhau trên chiếc xe Honda 90 già nua của tôi chạy ra lò bánh mì ở chợ. Khả năng xe chỉ chở được bốn bao bố bột mì nhét đầy những ổ bánh mới ra lò. Tôi cột từng cặp hai bao lại với nhau, đeo hai bên xe rồi chạy thẳng vào Phi Đoàn. Xe phóng ngang cổng Long Vân, mấy anh Quân Cảnh quen đưa tay chào rồi chỉ vào mấy bao bánh mì, có lẽ tò mò về những cái túi vải lớn treo hai bên chiếc xe.
Vào tới Phi Đoàn, tôi dựng xe trước cửa bảo ông anh rể đứng chờ, xong hấp tấp chạy ngay vào phòng Phi Đoàn trưởng. Trước cửa Phi Đoàn một đám hoa tiêu nai nịt gọn gàng tay xách túi nón bay, đang đứng nói chuyện hút thuốc lá chờ xe chở ra bãi đi bay, tò mò nhìn tôi đưa tay chào. Bước vào phòng Phi Đoàn trưởng, tôi gặp ngay Trung Tá Khưu Văn Phát đang ngồi sau bàn giấy.
-Chào Trung Tá, hôm nay tôi đi bay phi vụ ở Tuy Hòa, nhân tiện chở theo một số bánh mì thả giúp đồng bào, xin hỏi ý kiến Trung Tá trước.
Trung Tá Phát mở mắt lớn nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, ngần ngừ một lúc rồi nói:
-À…, chuyện đó cũng tốt thôi…, nhưng anh bay gunship nặng đi thả bánh mình thì nên cẩn thận.
-Không sao đâu Trung Tá đừng lo. Tôi chêm vào
-Tôi chỉ nhắc cho anh biết thôi, tốt nhất là sau khi bắn đạn dược hết rồi thì làm gì cũng an toàn hơn. Hôm qua Phi Đoàn mình có một chiếc đáp chở đồng bào bị “over run” nặng quá cất cánh không nổi bị “crash” anh có biết không? Thôi…, tôi nói vậy anh nên cẩn thận.
Tôi nghe xong, đưa tay chào rồi vội vã trở lui. Vừa ra khỏi phòng gặp ngay Thiếu Tá Phi Đoàn phó Sơn Thái Huyền đang bước vào. Vị Thiếu Tá này là một huyền thoại trong Phi Đoàn 215, gốc người Miên, da ngăm đen và nhỏ con. Nghe anh em nói rằng Thiếu Tá Huyền rất tin tưởng vào bùa ngải, thần chú. Có một lần đi bay với Trung Úy Tôn Thất Kim trên một mặt trận lớn đang bùng nổ, bị phòng không bắn như pháo bông xung quanh tàu. Trung Úy Kim ngồi trên ghế bay mặt xanh như tàu lá chuối, rút người trong chiếc áo giáp mang trước ngực liếc mắt nhìn qua ghế bên cạnh, Thiếu Tá Huyền đang cầm cần lái, tỉnh bơ không hề có một phản ứng, nhưng miệng thì đọc to những câu thần chú khó hiểu. Lạ lùng thay, không biết vì sự mầu nhiệm huyền bí của những lời thần chú đó hay là vì số mạng lớn của phi hành đoàn, hôm đó tàu không hề bị một miểng đạn nào cả.
Chạy ra tới chiếc xe Honda, ông anh rể đang đứng chờ bên bốn bao bánh mì, tôi vội nói:
-Tôi nghĩ mình nên gửi bánh mì tại đây, rồi chạy ra lò bánh làm một chuyến nữa còn kịp giờ, tàu còn trống lắm.
Một khoảng thời gian sau, chiếc trực thăng võ trang đơn thương độc mã cất cánh rời thành phố Nha Trang hướng về Tuy Hòa chở đầy súng đạn hỏa tiễn và những bao bánh mì nóng hổi.
Sau hơn hai mươi phút bay dọc trên Quốc Lộ I, con tàu vừa tới trên đầu một vườn dừa xanh tươi bao la nằm kế bên bãi biển Đại Lãnh hình vòng cung cát trắng phau. Trước mặt không xa là đèo Cả cao ngất, tôi kéo con tàu vươn lên cao, mặt đất rời xa, con đường lộ và vườn dừa xanh nhỏ dần. Trước mặt tôi, dãy núi Đại Lãnh chạy dài ra ngoài biển theo hình dáng một cái móc câu bao bọc một vùng nước xanh, tạo thành một vùng vịnh lý tưởng, đó là vịnh Vũng Rô. Tại đây, Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng địa thế kín đáo này đã dùng làm địa điểm tiếp nhận vũ khí của những tàu từ ngoài bắc vào. Ngày 16 tháng 2 năm 1965, Không Quân Việt Nam do hai phi công “Phượng Hoàng Kim Cương” và Trung Úy Chánh bay hai chiếc A-1 đã đánh đắm một chiếc tàu của địch đang bỏ neo tại đây chứa đầy vũ khí đạn dược.
Chiếc trực thăng bắt đầu vào vùng vịnh Vũng Rô. Con tàu đột nhiên chao đảo, rung chuyển, nhồi lên rớt xuống như chiếc ghe con bồng bềnh trên giòng nước lũ. Đằng sau khoang tàu ông anh rể tôi ngồi trên thùng đạn, mặt mày hốt hoảng nhợt nhạt, tôi ghì cần lái cố giữ cho con tàu bớt rung. Chiếc trực thăng đang đi vào một vùng “nổi tiếng” về không khí nhiễu loạn (turbulence), nhiều phi hành đoàn thường tránh bay qua vùng này, nhất là trực thăng bay ở cao độ thấp.
Cách đây mấy năm, Thiếu Úy Sơn, với cái tên Sơn “phu gạo” vì một thân thể “vai u thịt bắp” của anh, là một hoa tiêu trong phi đội trực thăng võ trang của tôi, trên đường từ Phù Cát về Nha Trang, phòng Hành Quân Chiến Cuộc đã được báo cáo vị trí của Sơn đang ở trên Vũng Rô và từ đó phi hành đoàn cùng chiếc trực thăng biệt vô âm tín. Suốt một tuần lễ sau, mỗi ngày Phi Đoàn đều cử một phi vụ đặc biệt đến vùng này tìm chiếc tàu mất tích, nhưng không ai hề thấy một dấu vết nào của chiếc trực thăng này. Riêng tôi còn nhớ, trong phi vụ đi tìm chiếc tàu của Sơn “phu gạo”, tôi suy luận rằng nếu chiếc trực thăng bị rơi xuống biển thì một vài ngày sau xác của phi hành đoàn sẽ nổi lên và trôi dạt vào bãi cát hay một ghềnh đá nào đó. Sau hơn một tiếng đồng hồ bay ở cao độ để mắt tìm kiếm sục sạo dọc theo bờ biển hay mõm đá, bỗng trước mũi tàu dưới thấp, xuất hiện hai vật màu đen nho nhỏ nằm kế bên nhau nổi bật trên bãi cát vàng sát mé nước, hình thù như hai xác người bị cháy đen trôi dạt lên bờ.
Vừa mừng vừa hồi hộp, tôi chỉ cho người hoa tiêu phụ và hai anh mê vô xạ thủ xem. Tất cả chồm lên phía trước chăm chú nhìn, trong lòng phấn khởi hy vọng đã tìm được xác phi hành đoàn. Tôi hạ cao độ, khi con tàu chỉ còn chừng một vài trăm bộ trên mặt biển, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, hai “xác chết” cháy đen bỗng dưng di động về mé biển rồi biến mất dạng dưới làn nước trong. Tò mò tôi cho chiếc trực thăng xuống thấp, bay vòng nhìn xuống mặt nước. Qua làn nước trong vắt hai “chú” kỳ đà khổng lồ đen đủi như hai con cá sấu lớn đang nằm sát bên nhau dưới đáy cát, im ru bất động. Vừa ngạc nhiên lẫn thất vọng, tôi kéo con tàu lên cao, khi vừa đủ năm bảy trăm bộ, đột ngột tôi quay đầu trở lại mở nút rockets “on” rồi chúi mũi “dộng” hai trái hỏa tiễn xuống ngay chỗ hai con kỳ đà “vô tội” sát mé biển. Mặt nước đang phẳng lặng bỗng nổ tung, hai cột nước trắng xóa phụt lên cao xao động cả vùng biển đang êm ả.
Ba người trong tàu có vẻ ngạc nhiên trước hành động bất ngờ không lý do của tôi, nhưng không ai nói một câu gì, cho đến khi tôi quay đầu chuyển hướng bay thì người xạ thủ lên tiếng:
-”Ông Thầy”…, sao mình không xuống coi thử có con nào chết không? …Tôi nghe nói mấy con kỳ đà biển này thịt ăn ngon lắm.
Trong lòng đang bực dọc, không vui và nhất là khi liên tưởng tới hình dạng xấu xí của con vật, tôi im lặng không trả lời tiếp tục bay thẳng, trong lòng phân vân tự hỏi về những hành động hung hăng hay háo sát vô lối của mình vừa qua, không biết có phải là do bản chất hay là do hậu quả của những ngày tháng vào sanh ra tử?
Con tàu đi quá Vũng Rô, tôi cho chiếc trực thăng băng qua rặng núi cao án ngữ trước mặt chia đôi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, dưới thấp đèo Cả ngoằng ngòeo giữa vùng núi xanh. Đèo Cả không hùng vĩ như đèo Hải Vân, nhưng là một nơi có nhiều di tích lịch sử. Nhiều trận chiến giữa hai nhà Nguyễn, Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong ba thập niên nội chiến (1771-1802) đã xảy ra tại đây, và ngọn đèo này được coi như là “Đệ nhất Hùng Sơn”. Bên phải tôi, ngọn Núi Đá Bia sừng sững, một trong những danh lam thắng cảnh của miền Trung. Khối đá to lớn, trơ trụi cao hơn 80 mét tọa lạc ngay trên đỉnh núi cao sát phía đông ngọn đèo Cả, ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy rõ. Khối đá này người Phú Yên thường gọi là Linga, biểu tượng của thần Siva theo tín ngưỡng Chămpa (Chàm) là sinh thực khí của nam giới. Lúc xưa khi công phá Chiêm Thành, theo truyền thuyết năm 1471, Vua Lê Thánh Tông đã cho khắc chữ vào khối đá của ngọn núi này, nên được gọi là núi Đá Bia, tuy nhiên đời sau này chưa ai có được cơ may để đọc những dòng chữ đó, có lẽ thời gian đã xóa mất dấu tích.
Vượt qua đèo Cả, trước mũi tàu hiện ra một vùng đồng bằng tỉnh Phú Yên bao la bát ngát, đây là một vựa lúa lớn nhất của miền Trung phần được bồi bổ bởi nước sông Đà Rằng chảy qua trước khi ra cửa biển. Sông Đà Rằng theo tiếng Chàm có nghĩa là “con sông lau sậy”, mạch máu chính của nền kinh tế thị trấn Tuy Hòa, rất rộng lớn và có độ dốc cao nên mùa khô nước cạn trơ ra những cồn cát vàng nằm giữa lòng sông, hai bên bờ mọc đầy lau sậy. Phần thượng lưu của con sông này thường được gọi là Sông Ba.
Hướng về phi trường Đồng Tác nằm sát bờ biển, một phi trường khổng lồ của quân đội Mỹ bỏ lại, cách Tuy Hòa khoảng bảy cây số phía nam, tôi cho tàu giảm cao độ chuẩn bị đáp lấy thêm nhiên liệu. Từ trên tàu nhìn xuống phi trường một vùng đất mênh mông bỏ hoang còn lại chỉ là phi đạo chạy dài, đa số nhà cửa đã bị tháo gở hết chỉ còn chừa những nền xi măng. Cho con tàu chạy dọc theo taxiway, từ xa tôi có thể thấy hai tòa nhà hậu trạm quân đội, bên ngoài hàng ngàn người đang tụ tập gồm những những nguòi tỵ nạn hoặc những quân nhân vừa mới được trực thăng bốc về từ con lộ 7B cùng với thân nhân đến hỏi thăm hoặc chờ đợi tin tức người nhà. Đây cũng là trung tâm hoạt động của những cơ quan cứu giúp người tỵ nạn và cũng là nơi dùng cho những ban điều hành Bộ binh phối hợp với những phi vụ trực thăng của Không Quân.
Tôi cho tàu đến trạm đổ xăng dã chiến gần đó, bên những bọc cao su đen khổng lồ căng phồng đựng JP-4 (xăng máy bay phản lực). Trong khi chờ đợi, tôi mở cửa bước xuống đất làm vài động tác cho giãn gân cốt thì một chiếc xe Jeep vừa đến đậu sát bên tôi, trên xe viên Đại Úy tay áo mang phù hiệu đầu con cọp đen của Biệt Động Quân bước xuống, tay xách một cái máy radio FM. Sau khi đưa tay chào viên Đại Úy hỏi tôi:
-Đây có phải là trực thăng võ trang của Phi Đoàn Thần Tượng biệt phái cho Tiểu Khu Tuy Hòa không ? Hiện tại một đơn vị của chúng tôi trên đường lộ 7 tại Phú Túc bị một nhóm chốt của tiền sát của tụi VC pháo kích súng cối và đang cần sự yểm trợ của trực thăng võ trang. Mình có thể đi ngay bây giờ hay không ?
- Đại Úy chờ đổ xăng xong rồi mình sẽ đi. Nhân tiện tôi có đem theo một số bánh mì trên tàu để giúp đồng bào trên đường chạy loạn về đây, sau khi yểm trợ xong tôi sẽ bay đi thả bánh mì xuống cho họ, nói cho Đại Úy biết trước.
Người sĩ quan này quay đầu nhìn vào khoang tàu tỏ vẻ ngạc nhiên rồi trả lời:
-Vâng, tôi sẽ phụ với phi hành đoàn làm chuyện này.
Viên Đai úy vừa nói xong thì từ xa một người đàn ông ngoại quốc cỡ trung niên trong bộ đồ kaki bốn túi vội vã chạy đến, trên người đeo mấy cái máy ảnh. Gặp tôi đứng dưới đất kế bên cửa cockpit, anh ta bắt tay tôi và tự giới thiệu bằng tiếng Anh:
-Tôi là Richard Blystone*, đặc phái viên của thông tấn xã AP (Associated Press). Tôi đang làm việc tại vùng này, nếu có thể được xin anh vui lòng cho tôi đi theo tàu, cám ơn anh rất nhiều.
Chuyện xảy ra hơi bất ngờ, tôi chưa trả lời, im lặng nhìn người đàn ông ngoại quốc này một lúc, thấy ông ta có đeo tấm thẻ ký giả trên túi áo, tôi gật đầu đồng ý xong mở cửa leo lên ghế bay.
Con tàu đã đầy xăng, tôi chuẩn bị cất cánh. Trên sàn tàu chiếc trực thăng võ trang là một hỗn hợp lạ lùng: một viên Đại Úy Biệt Động Quân, một anh ký giả ngoại quốc, một ông thầy giáo, hai anh phụ tá và một đống bánh mì chất cao ngay giữa sàn. Chiếc trực thăng chúi mũi rời mặt đất bay về hướng Tây, trước mắt con sông Đà Rằng lững lờ uốn quanh những cồn cát vàng và những bãi lau sậy.
Sau hơn hai chục phút bay, tàu đã đến khu vực huyện Phú Túc nằm kế con lộ 7B nơi đơn vị Biệt Động Quân đang đụng độ với đám tiền quân Cộng Sản. Viên Đại Úy chồm lên trên cockpit chỉ cho tôi ngọn đồi kế con sông nơi Cộng quân đặt súng pháo xuống con lộ phía dưới. Dưới chân đồi chạy dài ra là bãi cỏ lau mọc song song với bờ sông rồi đến bãi cát kế dòng nước.
Đang quan sát địa thế trước khi ước định vị trí tác xạ, bỗng tôi giật mình nghe tiếng người xạ thủ bên cánh phải la hốt hoảng trong intercom:
- Việt Cộng…, Việt Cộng…, a…ngay bờ lau…, hướng ba giờ…tụi nó đang chạy trong bụi lau.., đó..đó… Tôi nghiêng đầu nhìn xuống dưới, qua tấm thép sắt chắn đạn, sát bãi cát ba bốn bóng đen nhỏ nổi bật trong đám lau đang vạch cỏ chạy nhanh hướng về cái miễu nhỏ. Ở trên cao cái miễu trông nhỏ xíu như con tem, mái nâu đậm tường gạch vàng nhạt chỉ cách những bóng người đang chạy chừng vài chục mét. Tôi tức thời chỉ cho viên Đại Úy đang chồm sau lưng tôi. Viên Đại Úy nhìn theo qua khung cửa và trong một cử chỉ vội vã ghé tai tôi hét:
-Bắn đi…, bắn đi…, tụi nó đó…mau lên…coi chừng tụi nó chạy mất…
Vừa nghe xong câu nói, mạch đập tim tôi đột nhiên tăng vọt, tôi tức khắc vòng con tàu ra xa để lấy trục tác xạ đồng thời hạ chiếc máy nhắm hỏa tiễn đem xuống trước mặt, nheo mắt nhìn vào hồng tâm. Cái máy nhắm bị cháy bóng đèn, tắt ngúm không xử dụng được. Tôi nghiến răng bực mình chửi thầm trong bụng, đẩy nhanh cái máy vô dụng về vị trí cũ. Chợt nghĩ đến ổ bánh mì nhét dưới túi quần bay, tôi thò tay xuống mò mẫm móc ra một một mẩu ruột nhỏ vo tròn lại xong ịn vào mặt kiếng chắn gió trước mặt làm điểm chuẩn để tác xạ. Không còn thì giờ để chậm trễ tôi đẩy con tàu chúi mũi xuống mục tiêu. Mấy tên Việt Cộng chạy vào ẩn náu bên trong chiếc miễu con vẫn còn đó, tin chắc chúng chưa bị phát giác. Tôi đưa viên bánh mì nhỏ dán trên tấm kiếng vào cái miễu con đang hiện rõ dần trước mặt, khi mẩu ruột bánh mì vừa vào đúng ngay trên mục tiêu tôi bấm nút…Xoẹt…trái hỏa tiễn đầu tiên rời dàn phóng lao xuống nổ tung ngoài bãi cát, cách xa cái miễu cả trăm thước. Mẩu bánh mì gắn quá thấp! Tôi tiếp tục đẩy cần lái về phía trước, chiếc trực thăng chúi mũi xuống mục tiêu gia tăng tốc độ, bắt đầu rung lên bần bật, lắc lư như chiếc võng, tôi cảm tưởng trục cánh quạt có thể gãy lìa bất cứ lúc nào…Xoẹt…xoẹt…xoẹt…Ba trái hỏa tiễn nối đuôi nhau lao xuống mục tiêu, một trái chui ngay vào mái ngói đen nổ tung khói mù mịt.
Trong khóe mắt tôi, Thiếu Úy Liên ngồi im bất động hai tay đang bấu chặt vào thành ghế bay, bỗng nhảy chồm lên reo to:
-Hay quá!…Hay quá!…
Trong đám khói bụi đen đang bốc lên cao, một bóng đen đang bò lết ra hướng bờ cỏ lau…Con tàu quẹo lại, rung chuyển. Tay bật qua nút minigun tôi hét lên trong intercom:
-Minigun!…minigun!…
Người xạ thủ bên phải nhoài người ra hẳn bên ngoài bóp cò súng, khẩu minigun quay vù, rống lên âm thanh nhức nhối, hàng ngàn viên đan tua tủa bắn xuống vào đám bụi mù, đất cát văng lên khắp nơi. Thoáng đâu đây trong những tiếng động hỗn độn, tôi nghe tiếng cóc…cóc…của khẩu AK-47 bắn trả. Tôi quẹo gắt con tàu lấy lại cao độ, vội vàng bay ra khỏi vùng, trong đầu tôi thần kinh vẫn còn căng thẳng. Đây là lần đầu tiên trong những ngày chinh chiến tôi đã vào vùng địch một mình, không có chiếc gun số hai theo sau yểm trợ. Điều này đã làm cho tôi cảm thấy rất bất an trong lòng.
Quay người lại phía sau tôi nhìn ông anh rể giáo sư của tôi ngồi trên sàn tàu kế bên những bao bánh mì, mặt mày thất thần, chưa hoàn hồn, còn anh ký giả ngoại quốc tóc tai rối bời vì gió lộng, đang hí hoáy viết, nhưng tôi chắc chắn rằng anh ta chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra trong vài phút ngắn ngủi vừa qua. Vói tay ra hiệu cho vị sĩ quan Biệt Động Quân đang liên lạc với quân bạn bên dưới trên tầng số FM, tôi nói:
-Đại Úy…, tôi muốn đi thanh
Nói xong không đợi câu trả lời tôi quay mũi về hướng bắc bay dọc theo dòng sông Ba đang ngoằng nghòeo uốn khúc giữa vùng rừng cây rời rạc.Chỉ dăm ba phút sau, từ xa vài cây số tôi đã thấy đoàn người chạy giặc chen chúc trên con lộ, phần đầu của đoàn người dừng lại tại bờ phía bắc đầu cầu sông Ba. Chiếc cầu một phần giữa bị sập, một nửa nhịp chìm dưới đáy sông cạn. Xung quanh đó, một nhóm công binh đang xúm lại nối cây cầu. Từ xa trên cao tôi thấy một chiếc trực thăng Chinook đang bay đến, dưới bụng treo “tòng teng” (sling) tấm sắt rất lớn trông như một nhịp cầu.
Tại đây đoàn người đang dậm chân tại chỗ. Đàng sau cả hàng cây số những người chạy nạn cùng hàng ngàn chiếc xe vẫn tiếp tục đi tới, dồn cục càng ngày càng đông tràn ra hai bên phía bìa rừng. Đủ mọi loại xe, cam nhông nhà binh, chiến xa M-113, xe hàng, xe ba bánh và cả hàng ngàn chiếc xe hai bánh của dân chúng chất chứa đèo bồng tất cả những gì có thể mang theo được. Nhìn hàng vạn người nối đuôi nhau chen chúc đói khát bên dưới, năm bảy bao bánh mì trên sàn tàu của tôi như một giọt nước nhỏ bé trên bãi sa mạc mênh mông nắng cháy, sự hăng say phấn khởi trong lòng tôi buổi sáng hôm nay tự nhiên tan biến tự lúc nào .
-Chắc mình phải đem thả nơi nào có ít người, chứ thả đây người ta đạp nhau đủ chết. Tiếng người mê vô phía sau tàu đề nghị.
Thấy hợp lý, tôi cho tàu rời con đường lộ, bay dọc theo bãi cát bên bờ sông.
-Phía sau sẵn sàng nghe, mở hết mấy bao bánh mì ra đi, khi nào tôi bảo thì mọi người bắt đầu thả xuống – Tôi nói cho hai anh mê vô xạ thủ – Nhờ mấy người kia thả phụ cho nhanh.
Tại bờ sông cạn kế trên những cồn cát, từng nhóm người đang tắm rửa, hoặc lấy nước uống. Tôi cho con tàu bay rà xuống thấp, hàng trăm cánh tay đưa lên cao, như van xin cầu khẩn hơn là chào đón. Một số khác, trên tay cầm những xấp giấy hình như là tiền đưa lên vẫy vẫy như mời mọc, “khiêu gợi” chiếc trực thăng đang bay ngang qua đầu. Hình ảnh những xấp tiền trên bàn tay của những người dân chạy giặc, có thể là cả một gia tài mồ hôi nước mắt của họ dành dụm mang theo được, và ngay giây phút này sẵn sàng đánh đổi một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng để bay ra khỏi con lộ máu. Tôi bỗng dưng thấy mủi lòng thương xót cho đồng bào đang đau khổ cùng cực, nhưng đồng thời hành động vô tình của họ đã làm va chạm và tổn thương tự ái của tôi không ít. Tôi quay qua Thiếu Úy Liên ngồi bên ghế trái đang nhìn xuống phía dưới, bất giác cả hai cùng quay lại, không ai nói gì nhưng trong đầu hình như cùng có một ý nghĩ cay đắng và xót xa.
Con tàu lướt qua một đám người nhỏ, tôi bay chậm lại rồi nói vội trong intercom:
-Thả đi…
Hàng chục ổ bánh mì rơi rải rác trên bãi cát vàng, từng nhóm người ùa chạy theo, nhào trên đất vồ vập, chen lấn dành giựt, một vài người già, con nít ngã lăn trên cát. Chỉ trong chốc lát, những bao bánh mì đã sạch nhẵn. Tôi lấy cao độ bay trở về, chợt nghĩ rằng mặc dù tàu còn một số đạn dược và rockets nhưng còn có thể chở được năm bảy người. Tôi bay vòng lại nhìn dọc theo dòng sông, tìm một nhóm người nhỏ, riêng rẽ để có thể bốc họ mà không bị tràn ngập như chiếc trực thăng của Thần Tượng đã bị rơi ngày hôm qua.
Bay qua một vùng rừng cây thấp, tôi thấy chừng năm bảy người đang núp nắng dưới bóng cây, hình như là một gia đình. Tôi lạng chiếc trực thăng xuống thấp và đáp kế bên tàn cây chừng vài chục mét, cát bụi bay mù mịt, nhóm người trong bụi cây ùa ra. Người đàn bà khuôn mặt mếu máo vì khủng hoảng, lấy chiếc nón lá che đứa bé đang ôm trong lòng cúi đầu chạy đến cùng với vài người đàn ông nhảy lên tàu. Phía sau không xa chừng vài chục người đang tràn tới chiếc trực thăng. Không một giây chậm trể, tôi nhấc tàu quay mũi ra hướng bờ sông cất cánh, để lại sau lưng một đám bụi mù và đám người đứng khựng lại vì thất vọng. Tàu lên cao, gió mát lồng lộng vào khung cửa, khác hẳn với cái nóng hừng hực trên cồn cát nắng cháy. Phía dưới đất, những người tỵ nạn đứng bên những bờ lau sậy đưa tay vẫy vẫy trong tuyệt vọng. Tôi quay đầu nhìn xuống một lần cuối cùng trước khi quyết định rời vùng. Chợt bên mé bờ sông tôi nhìn thấy hai người, đúng hơn là hai cô bé hình như đang giặt áo quần. Nghĩ rằng tàu có thể đủ chỗ cho hai người nhỏ nữa tôi lạng một vòng và hạ con tàu xuống cách hai cô bé chừng vài chục mét. Mọi người trong khoang tàu nhìn ra chờ, anh xạ thủ đưa tay ngoắc, hai cô bé thản nhiên bỏ đi về phía đám người đang đứng dưới những tàn cây đằng xa. Gần đó hai đứa trẻ con đứng tắm sợ hãi bỏ chạy, vấp té ngã lăn trên đám cỏ dại.
Tôi kéo con tàu cất cánh và nói với phi hành đoàn:
-Chắc hai cô bé này đang đi với gia đình, không muốn đi một mình.
Thiếu Úy Liên gật đầu đồng ý. Nhìn đồng hồ xăng đã xuống khá thấp, tôi vội vã hướng về Tuy Hòa. Trong tiếng động ầm ỉ của tiếng động cơ, tôi bỗng nghe tiếng người xa thủ nói rất to sau khoang tàu, hình như đang có gì lộn xộn. Tôi quay qua hỏi người hoa tiêu phụ:
-Liên, coi thử chuyện gì vậy ?
-Mấy người mới lên tàu dành nhau vô ngồi giữa, thấy tàu mở cửa họ sợ bị rớt ra ngoài.
Đang suy nghĩ vì con tàu bay qua ngọn đồi lúc nãy, phân vân không biết nên bắn xuống ngọn đồi như đã hứa với viên Đại Úy trong khi tình trạng xăng trên tàu chỉ còn đủ để bay trở về. Tôi hơi bực mình quay qua nhìn Thiếu Úy Liên và nói:
-Liên, bạn giải quyết giùm đi, biểu họ ngồi yên và coi chừng, tôi sắp sửa bắn rockets xuống ngọn đồi này đó.
Nói xong tôi quay lại ra hiệu cho viên Đại Úy Biệt Động Quân biết, rồi quay đầu tàu vòng lại, chúi mũi phóng những trái rockets còn lại xuống ngay lưng đồi. Người xạ thủ nhoài người ra ngoài trút hết những viên đạn cuối cùng xuống đầu địch trước khi con tàu rời vùng. Âm thanh của những trái hỏa tiễn rít lên cùng với tiếng súng sáu nòng minigun rú lên như bò rống đinh tai nhức óc, đứa bé trong lòng người mẹ sau khoang tàu khóc thét lên, còn đứa con trai lớn hơn kế bên, mở trừng mắt, trên khuôn mặt lộ vẻ kinh hoàng, ngồi chết cứng, mếu máo vì sợ hãi, khóc không ra tiếng.
Tàu đã cạn xăng và đạn dược, tôi phóng nhanh về Tuy Hòa. Bên cạnh, tôi thấy Liên móc gói thuốc mời người đàn ông hút, và hai người nói chuyện rất hăng say. Người đàn ông trong bộ áo quần nhàu nát, xốc xếch có lẽ là chồng của người đàn bà đang ôm đứa bé, trên khuôn mặt gầy ốm, mệt mỏi và xạm đen vì nắng nhưng đôi mắt lộ vẻ sung sướng với nụ cười nở rạng rỡ trên môi. Tôi hỏi Liên:
-Quen à ?
-Anh có tin không, đây là thằng bạn học cùng lớp với tôi hồi xưa, em ruột của Thượng Sĩ Kim, y tá Phi Đoàn mình đó. Thật là một chuyện hi hữu, đúng là ý trời.
Trong giọng nói của Liên tôi nghe như đang ẩn chứa một niềm vui bất chợt. Tôi trao cần lái cho Liên rồi móc thuốc ra hút, nghỉ xả hơi sau một thời gian dài căng thẳng.
-Hôm qua bạn làm gì? Tôi hỏi Liên.
-À, tôi bay cho Tiểu Khu Tuy Hòa thả cơm vắt, mía khúc xuống cho dân chạy loạn và bốc người. Có chuyện này tôi quên kể cho anh nghe. Lúc bay ra vùng có một Ma Soeur đi theo tàu để thả đồ tiếp tế của Tiểu Khu Tuy Hòa. Khi tôi đáp xuống bãi cát, một toán người tràn tới leo lên tàu, Ma Soeur lẵng lặng nhảy xuống đất nhường chỗ không lên lại tàu, tôi cứ chần chờ, bà ngoắc tay bảo tôi bay đi. Thấy một đám người đang chạy đến, tôi không thể chờ lâu hơn nữa được phải cất cánh. Trước đó tôi có nghe Ma Soeur nói là muốn được xuống con lộ gia nhập với đoàn người chạy nạn để giúp đỡ họ, nhưng tôi không ngờ.
Liên nói tiếp:
-Anh có biết không, khi chiếc tàu cất cánh, nhìn xuống thấy người nữ tu trong bộ áo dòng đứng chơ vơ, hai tay giữ chiếc khăn bịt đầu trên bãi cát nóng cháy, gió bụi mịt mù như muốn cuốn thổi bay tấm thân nhỏ bé, hình ảnh đó có lẽ sẽ không bao giờ phai nhạt trong trí óc của tôi anh à.
Khi nói tới đây, giọng của Liên đột nhiên như nghẹn ngào vì xúc động. Tôi vội quay mặt nhìn ra ngoài khung cửa, bất giác liên tưởng đến cái gọi là “giải phóng miền Nam” của quân Cộng Sản khát máu và những nổi thống khổ tận cùng mà cả hàng trăm ngàn người dân lành vô tội đang phải chịu đựng trên con lộ máu kinh hoàng này.
Thành phố Tuy Hòa ẩn hiện trước mặt, nằm im lìm bên cửa sông Đà Rằng mênh mông mở rộng. Trên bầu trời trong xanh, những chiếc trực thăng như những con ong dập dìu bay tìm kiếm những người dân trên con lộ Liên tỉnh 7B, chở về trung tâm tỵ nạn. Tôi hạ cánh đáp xuống phi trường Đồng Tác, đám đông bu quanh những bãi đậu trực thăng, ào chạy đến gần nhìn những người trên tàu tôi vừa thả xuống đất, hy vọng sẽ gặp lại được những khuôn mặt thân quen của họ.
Một chiếc xe Jeep chạy đến kế bên tàu, viên Đại Úy tay xách chiếc radio FM nhảy xuống đất leo lên xe rồi đưa tay chào phi hành đoàn. Người ký giả Mỹ còn nấn ná ở lại trên sàn tàu, trong tiếng ầm ĩ của động cơ, anh ta chồm lên từ phía sau ghé vào tai tôi nói lớn:
-Cám ơn anh rất nhiều về chuyến bay vừa qua. Tôi rất muốn giúp đỡ những người chạy loạn nhưng bất ngờ không đem theo nhiều tiền. Tôi chỉ có hơn mười ngàn đồng trong túi, xin gửi hết cho anh để ngày mai mua bánh mì giùm tôi. Nói xong anh dúi vội vào tay tôi xấp giấy bạc rồi nhảy xuống đất đưa tay vẫy chào.
Cầm xấp giấy bạc trong tay, tôi ngỡ ngàng nhìn theo người ký giả biến mất hút vào đám đông người …
Đà Nẵng Di Tản và Một Sự Gặp Gở Bất Ngờ
Tỉnh đường Tuy Hòa là một tòa nhà lớn nằm trên một vị trí đẹp nhất thành phố, kế bên bờ biển, mặt đông khu vườn cỏ nhìn xuống bãi cát vàng, phía nam nhìn ra cửa sông Đà Rằng mênh mông bát ngát. Từ trên cao nhìn xuống sân cỏ rộng của tỉnh đường đã có bảy tám chiếc trực thăng tắt máy đậu sẵn. Tôi lượn một vòng nhìn xuống, thấy có chỗ trống vừa đủ cho một chiếc trực thăng, tôi hạ cao độ và chen vào đáp. Trên bãi cỏ của tỉnh đường, đứng lố nhố những phi hành đoàn và nhiều người ngoại quốc đủ mọi quốc tịch, trên người đeo đầy máy ảnh chạy lui chạy tới rất là bận rộn. Có lẽ họ là những nhà báo khắp thế giới đến săn tin tức về mặt trận đang sôi động tại chiến trường vùng II. Tắt máy tàu, mở cửa bước xuống sân cởi chiếc áo giáp nặng chịch trên người, trước mặt tôi đậu những chiếc trực thăng lẫn lộn của nhiều Phi Đoàn mang đủ loại phù hiệu như Hoàng Ưng, Thiên Ưng, Song Chùy v…v… từ Đà Nẵng di tản vào. Một chiếc trực thăng tản thương của Phi Đoàn 257 Cứu Tinh vừa đáp xuống, bụi mù tung lên, những người ký giả chạy ùa đến săn tin tức.
Ngày 27 tháng 3 năm 75, Cộng Quân gia tăng áp lực vào thì trấn Đà Nẵng, phi trường bị pháo kích liên tục. Tất cả máy bay được lịnh cất cánh lên trời để tránh thiệt hại. Pháo kích kéo dài không ngưng, tất cả trực thăng được lệnh rời bỏ phi trường Đà Nẵng đáp xuống phi trường Non Nước đậu qua đêm. Đây là một phi trường nhỏ của Mỹ bỏ lại cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng năm cây số hướng đông nam. Suốt đêm đó tất cả phi hành đoàn đều ngủ tại những “bunker” hoặc giao thông hào của những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trú đóng tại đó, đang chờ các tàu Hải Quân trên đường cập bến di tản tất cả lực lượng tại đây.
Sáng hôm sau, tình thế tại Đà Nẵng rất nguy ngập, Cộng quân tiến sát vào thành phố. Trong tình thế hỗn loạn đó, tất cả trực thăng của các Phi Đoàn đậu tại phi trường Non Nước được lệnh cất cánh di tản về Phù Cát. Thời tiết ngày đó rất xấu, trần mây thấp không hơn năm trăm bộ che kín bầu trời (overcast). Tất cả hoa tiêu trực thăng cất cánh tại phi trường Non Nước về căn cứ Phù Cát, Bình Định có hai giải pháp phải chọn lựa, một là bay trên trần mây mù mịt, hai là bay thấp dọc theo bờ biển. Đa số trực thăng tối hôm qua bay chờ khá lâu trên trời để tránh pháo của địch đã tiêu thụ một số xăng khá nhiều, bây giờ bình xăng không còn đầy để có thể bay xa. Nếu phải chọn con đường bay trên trần mây, và khi đến phi trường Phù Cát không tìm được khoảng trống để đáp xuống thì tàu có thể rớt vì hết xăng. Cũng nên biết rằng, đa số trực thăng không được trang bị những khí cụ hay máy móc để bay trong mây hay thời tiết xấu, cho nên đối với những hoa tiêu trực thăng bay trên trần mây không thấy được mặt đất là một điều tối kỵ. Giải pháp thứ hai bay thấp dưới trần mây, dọc theo bờ biển, nhưng những chiếc trực thăng phải đối phó với hỏa lực phòng không của địch qua nhiều vùng đã bị chiếm đóng. Cả hai giải pháp đều là nan giải cho những phi hành đoàn trong hoàn cảnh nguy ngập đó.
Một trong những hoa tiêu của Phi Đoàn tản thương Cứu Tinh 257 đang đậu tại phi trường Non Nước là Trung Úy Phạm Mẫn, cựu hoa tiêu Phi Đoàn Thần Tượng 215, đã chọn con đường thứ hai, bay thấp dưới trần mây về Phù Cát. Trên tàu khi đó chở đầy những quân nhân Không Quân cũng như một số dân sự. Để tránh những súng nhỏ có thể bắn từ những làng mạc đã bị địch chiếm đóng, Trung Úy Mẫn bay con tàu cách xa bờ biển chừng nửa cây số. Trên đường đi, trong tầng số radio, những hoa tiêu liên lạc với nhau, kêu nhau ơi ới. Những chiếc trực thăng bay thấp bị đủ mọi loại súng của địch từ những ngôi làng dọc theo Quốc Lộ I bắn tới tấp, những chiếc máy bay bay trên cao thì trần mây mù mịt không tìm được đường xuống. Tình trạng rất bi đát.
Riêng Trung Úy Mẫn, sau chừng nửa tiếng đồng hồ bay, khi vừa đi ngang quận Dục Đức, từ trong bờ một tràng đạn phòng không cỡ lớn nổ liên tục nhắm vào chiếc trực thăng đang bay thấp trên mặt biển. Một viên đạn trúng tàu nổ tung, một số người chết ngay trên sàn tàu, Trung Úy Mẫn cố lết con tàu bay sát mặt biển tới được gần đèo Phù Củ thì rơi xuống bãi cát sát bờ nước. Từ phía sau đuôi của chiếc trực thăng, một nhóm Việt Cộng từ một làng sát mé biển chạy đến. Những người nào còn sống sót trên tàu mạnh ai nấy chạy. Mẫn bị một vết thương ngay chân, lết ra khỏi tàu chạy về phía trước dọc theo bờ biển, những tiếng súng AK-47 nổ dòn vang vọng đàng sau. Chạy được chừng ba bốn cây số thì trước mặt khoảng năm bảy trăm mét, chừng bốn năm tên đầu đội nón cối chạy ngược lại chận đường, biết là không còn đường thoát, trong một hành động tuyệt vọng Trung Úy Phạm Mẫn nhảy xuống biển bơi vòng ra khơi, hy vọng sẽ lẩn tránh được quân thù. Trên bờ mấy tên Việt Cộng vừa tới nơi đứng dương súng chờ đợi. Sức người có hạn, sau một chặng đường dài chạy trên biển với vết thương ngay chân, anh đã kiệt lực và đành buông xuôi giao thân cho địch. Anh bị trói thúc ké dẫn đi vào hướng đất liền, giữa một vùng bụi cây thấp mọc dọc theo ven biển. Trên trời cao những chiếc trực thăng của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư tại căn cứ Phù Cát được lệnh bay ngược về hướng Đà Nẵng, hy vọng cứu cấp những phi hành đoàn bị rơi rớt dọc đường. Một chiếc trực thăng của Phi Đoàn Mãnh sư vừa bay ngang, tiếng động cơ và tiếng cánh quạt kêu ầm ỉ, bên dưới Trung Úy Mẫn bị mấy tên Cộng Sản xô chúi nhủi vào một bụi rậm, dí súng AK-47 vào đầu không cho anh nhúc nhích. Trong giây phút dưới áp lực của mũi súng quân thù, Mẫn* vẫn còn đủ bình tĩnh để ngửng lên nhìn chiếc trực thăng đang bay qua đầu, lòng thầm biết ơn những người hoa tiêu bạn trong giây phút tận cùng của cuộc chiến vẫn “không bỏ anh em không bỏ bạn bè”, đúng như tinh thần bất diệt của quân chủng Không Quân.
-Ê…, Mãnh Hổ!
Đang đứng hút thuốc kế bên tàu tôi nghe tiếng ai kêu từ phía sau. Tôi quay lại. Một hoa tiêu mang phù hiệu trực thăng của Phi Đoàn 239 Hoàng Ưng đang đứng sau lưng nhìn tôi cười. Tôi nhíu mắt nhìn. Khuôn mặt rất quen thuộc, tôi cố moi lại trong trí nhớ.
-Mày quên tao rồi à, Nguyễn Hào đây!
-Hào.., trời đất…, Hào “gàn” phải không ? Mẹ…, lâu ngày quá.
Vừa nói xong tôi mừng rỡ ôm choàng lấy người bạn thân cùng khóa bay. Từ lúc chia tay nhau sau khi du học ở Mỹ trở về nước, mỗi thằng đi một vùng chiến thuật, chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau. Hình ảnh của thằng bạn có giọng nói Bắc kỳ Hà Nội chậm rãi, ngọt ngào như mía lùi lại ẩn chứa một tánh tình “ngang tàng” nếu không nói là có tí “ngông”, trên một khuôn mặt rất là “boyish” đã trở lại trong tâm trí tôi. Những ngày bên trường bay vào những buổi đi học về, trong khi mấy anh “hoa tiêu học trò” vội vã chen nhau xuống chiếc xe buýt thì Hào lửng thửng một tay xách túi bay, một tay đút vào túi quần chậm rãi đi từng bước một về phòng, hình như chưa bao giờ tôi thấy anh ta vội vã cả.
-Chuyện gì đã đưa đẩy bạn lưu lạc nơi phương trời này vậy,… Hào? Tôi ngạc nhiên hỏi.
-Thì lúc Ban Mê Thuột bị tụi nó chiếm, từ Đà Nẵng tao tình nguyện biệt phái dẫn năm chiếc tàu lên Pleiku cho phi vụ không vận Sư Đoàn 23 về tái chiếm Ban Mê Thuột. Chừng hai ngày sau thì phi vụ đó bị “xù”, tụi tao bị “xỉ” về vùng này bốc dân. Mấy lần tao nghe tiếng mày trên tầng số mà chưa có cơ hội để gặp. Này, mày bay gunship phải không, tao có chuyện này muốn nói với mày.
-Có gì quan trọng không? Vừa nói tôi vừa móc ổ bánh mì dưới túi bay rồi hỏi:
-Mày ăn chưa?
-Tao ăn rồi, mày ăn đi. Lúc nãy tao đi chở dân về, gần tới Tuy Hòa bên mấy thửa ruộng hoang tao thấy hai ba con bò đang đứng ăn cỏ, tao định xuống “dớt” một con đem về cho lính mình ăn, tao thấy nhiều lính bộ binh đi lạc trong rừng được bốc về phi trường Đồng Tác tơi tả, tội nghiệp quá. Một mình không có gunship “cover” tao hơi ngại, bây giờ gặp mày đây tao mới hỏi mày đi bay yễm trợ cho tao “dớt” con bò về được không?
-Chuyện nhỏ thôi, nhưng coi chừng, nhiều lúc là bò của dân đó mày.
-Dân đếch gì, xa tuốt trong rừng, giờ này dân chạy hết rồi, để lại cho tụi Việt Cộng ăn cũng vậy thôi.
Cầm ổ bánh mì trên tay tôi vừa ăn vừa nói:
-OK, làm gì thì làm để tao “thanh toán” ổ bánh mì này cho xong đã rồi đi đâu thì đi.
Hơn mười phút sau hai chiếc trực thăng bắt đầu quay máy, tôi cất cánh chiếc trực thăng võ trang nối đuôi theo chiếc Hoàng Ưng của Hào rời bãi đậu. Hai con tàu lấy cao độ hướng ra phía bờ sông. Trên cao nhìn xuống, từ cửa sông Đà Rằng chạy dài về phía tây, cửa sông trông giống như đầu của một con bạch tuột với những sợi râu nằm giữa vựa lúa lớn nhất miền Trung phần, những mảnh ruộng hình vuông con con màu vàng cỏ rạ, nối tiếp nhau từ bờ sông chạy dài đến gần chân núi Đại Lãnh. Nhìn thằng bạn thân cắm đầu bay trước mặt, trên tầng số riêng tôi gọi :
-Hào…, mày còn nhớ chỗ không đó?
-Yên chí đi…, cứ theo tao, năm phút nữa sẽ đến, cách con sông vài cây số ngay bìa rừng tao nhớ rõ.
Đúng như lời Hào nói, chỉ trong vài phút bay tôi thấy chiếc trực thăng trước mặt nghiêng cánh, hạ cao độ. Từ trên cao nhìn xuống, tôi có thể thấy một vùng ruộng bỏ hoang, không canh tác, cỏ vàng úa mọc đầy, nằm kế bên bìa rừng, ở giữa là một con suối cạn uốn éo, cỏ mọc xanh hai bên bờ.
-Hổ, mày thấy chưa…bãi ruộng gần con suối, cách đây hai tiếng đồng hồ tao đã bay qua đây rồi.
Tôi nhìn theo nôn nóng:
-Biết rồi…, mấy con bò đâu không thấy ?
-Từ từ đừng nóng, lẩn quẩn đâu đây thôi…
Hào bay dưới thấp chừng vài trăm bộ, tôi giữ vị thế cao hơn để quan sát tình hình, theo dõi tàu của Hào trong trường hợp có biến cố nào tôi có thể phản ứng kịp thời. Bỗng tôi nghe tiếng Hào trong tầng số, giọng nói phấn khởi:
-Đây rồi…, đây rồi…, ba “chú” đang ăn cỏ đây.
Nhìn xuống dưới thấp, tàu Hào đang bay bỗng quay vòng lại, cánh quạt chiếc trực thăng chấp chóa, ba con bò đang đứng thản nhiên gặm cỏ trên một bãi ruộng hoang, kế bên một đám cỏ tranh vàng úa.
-Hổ…, mày trên cao cover nghe, tao xuống đây. Hào nói.
Tôi hạ cao độ, bay vòng rộng quanh chiếc tàu phía dưới, quan sát tình hình. Xung quanh đều là đồng không mông quạnh, không có dấu vết gì khả nghi cả, trừ đám rừng xa xa khoảng vài cây số. Chiếc trực thăng của Hào bay chậm lại và ngừng lại trên đầu ba con bò màu nâu đang bình thản đứng kế bên nhau. Bên hông cửa tàu của chiếc trực thăng phía dưới tôi có thể nhìn thấy khẩu đại liên đang khạc đạn, phóng ra những làn khói trắng nho nhỏ. Một con bò nhỏ nhất trong đám ngã quỵ xuống, hai con kia tức thời phóng chạy.
-Hổ, tao đáp xuống đây…coi chừng dùm tao nghe…
Quay qua khung cửa, tay cầm cần lái, mắt tôi chăm chú theo dõi tất cả mọi diễn tiến bên dưới. Chiếc trực thăng đáp kế con bò đang nằm trên mặt đất , cách đó một khoảng gần là một đám cỏ tranh cao tới ngực. Hai người mê vô xạ thủ nhảy xuống đất đồng thời một bên cánh cửa cockpit mở ra, người hoa tiêu phụ nhảy xuống theo. Ba người chạy đến kế bên con bò. Từ trên cao tôi theo dõi một hoạt cảnh ngoạn mục, ba anh phi hành trong bộ đồ bay, người mặc áo giáp, đội nón helmet ì ạch kéo con bò không nhúc nhích. Mấy ông mê vô xạ thủ và ông anh rể tôi ngồi sau sàn tàu chồm ra ngoài cửa hồi hộp nhìn xuống phía dưới theo dõi. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thầm nghĩ con bò quá nặng không thể nào ba người có thể đủ sức đem nó lên sàn tàu. Đúng như tôi đã dự đoán, trên tầng số tiếng nói của Hà
-Nặng quá tụi nó kéo không nổi, Hổ…, tao xuống phụ với tụi nó…, cover cho tao nghe…
Hào nói xong chưa chờ tôi trả lời, mở cửa nhảy xuống, chạy đến bên con bò. Bốn người xúm nhau, tiếp tục kéo. Cho con tàu bay thấp vài trăm bộ tôi nghiêng đầu theo dõi. Bỗng dưng cách chiếc trực thăng đang đậu phía dưới chừng vài chục mét, tôi phát giác một bóng người bận đồ đen vừa mới đứng lên giữa đám cỏ tranh mọc cao ngang ngực. Tôi la lớn cho mấy anh mê vô xạ thủ tôi nghe thấy để chuẩn bị:
-Có người…, đằng sau.., coi chừng…
Người xạ thủ hình như cũng thấy như tôi đã thấy, đến chụp khẩu minigun chỉa xuống ngay chỗ đám cỏ tranh. Phía dưới là chiếc tàu của Hào đang nổ máy hoàn toàn không có người nào ở trên tàu, tôi không biết làm cách nào để thông báo cho phi hành đoàn bên dưới biết tình trạng đang xảy ra. Tôi sà con tàu xuống thấp bay ngang đầu chiếc trực thăng đang đậu dưới đất, bay vòng thật nhỏ như để báo hiệu cho bạn mình biết để đề phòng có người lạ khả nghi đang ở gần đấy.
Một cuộc diễn tiến bất ngờ xảy ra phía dưới như một cuốn phim đang quay chậm. Bóng người đang đứng giữa đám cỏ tranh bỗng vạch cỏ bước hẳn ra ngoài, tiến về hướng chiếc trực thăng đang đậu kế con bò, hai tay cầm khẩu AK-47 đưa cao lên khỏi đầu. Bốn người đang hì hục kéo con bò, bất ngờ ngưng lại, quay mặt về phía bóng người đang bước tới. Tôi thấy Hào rút khẩu “rouleaux” chỉa về phía người lạ. Hình như có một cuộc đối thoại ngắn đang xảy ra, tôi đoán vậy…Hào bước đến gần tay vẫn chỉa súng vào người lạ, tay kia vói giật khẩu AK-47. Bây giờ một người xạ thủ của Hào đã tỉnh hồn, nhảy lên tàu chĩa khẩu đại liên M-60 về phía “nhân vật” mới xuất hiện. Hình như cuộc đối thoại vẫn đang còn tiếp diễn… Đột nhiên trước sự ngạc nhiên, nếu không nói là sửng sốt của tất cả mọi người trên tàu tôi, “nhân vật” mới cùng phi hành đoàn bốn người của Hào xúm nhau lại kéo con bò lên sàn tàu. Nôn nóng muốn biết chuyện gì đã xảy ra, chờ khi Hào đã an tọa trên ghế bay, tôi la trên tầng số:
-Hào…, chuyện gì vậy…, chuyện gì đã xảy ra vậy ?
Trong hơi thở hổn hển có lẽ vì quá mệt sau khi khiêng con bò lên sàn tàu, tiếng nói của Hào đứt đoạn:
-Thằng…Việt Cộng…, nó muốn hồi chánh…, nó xin tao chở về Tuy Hòa…
Tôi ngắt lời:
-Mày có chắc không ? Coi chừng đó…
-Không sao…đâu.., tao lấy súng nó rồi… Nó là dân du kích địa phương…có gia đình ở Tuy Hòa…
Nghe xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ tên Việt Cộng này đang chăn bò, thấy trực thăng đến chạy núp trong đám cỏ tranh, và sau khi thấy chiếc gunship quần trên đầu tưởng là đã bị phát giác nên ra đầu hàng. Tôi gọi Hào:
-Mày làm tao hú hồn, thôi… chở con bò về phi trường Đồng Tác giao cho bộ binh và nhân tiện giao thằng Việt Cộng luôn.
Rồi tôi nói tiếp:
-Nhớ cắt một cái đùi tối về Nha Trang tụi mình nhậu nghe.
* Richard Blystone was a correspondent for Associated Press (ap) for 15 years, reporting mainly from Southeast Asia, where he was bureau chief in Bangkok, before moving on to Cable News Network. He is also an Associate of Producers International Media, and one of the world’s top journalists and writers… Now he is a retired senior correspondent for CNN
* Trung Úy Phạm Mẫn bị Cộng quân bắt làm tù binh sau khi chiếc tàu anh bị bắn rớt trên bờ biển Quảng Nam ngày 28 tháng 3 năm 1975. Sau ba năm bị cầm tù, năm 1981 anh cùng hai đứa con trai vượt biển đến được bến bờ tự do.
-Xin cám ơn KQ Nguyễn Đức Liên, Phạm Mẫn, Nguyễn Hào đã đóng góp những chi tiết trong bài Ngày Tàn Cuộc Chiến (Phần II), cùng anh Herky428 về tác phẩm rất đẹp của Mãnh Hổ trên biển Nha Trang
-Riêng cám ơn Cánh Thép.com, là nguyên nhân để tôi tìm lại được Thiếu Úy Nguyễn Đức Liên, một hoa tiêu Phi ĐoànThần Tượng mà tôi đã mất liên lạc từ năm 1975, qua những bài viết về cuộc chiến của tôi.
Một bài viết của đặc phái viên AP, Richard Blyslone, về phi vụ tại Tuy Hòa.