Cà Kê Dê Ngỗng
Vì Sao Trung Quốc Mắc Nợ?
Trong khi lãnh đạo Bắc Kinh vận động các nước Á châu mở ra Con Đường Tơ Lụa với dự án bạc tỷ thì kinh tế Trung Quốc lại chìm dưới một núi nợ trị giá khoảng 28 ngàn tỷ đô la, thuộc loại cao nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, và đấy là một nan đề nguy kịch. Vì sao lại như vậy và Trung Quốc có cách nào tránh được một vụ khủng hoảng chăng? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề này qua phần trao đổi sau đây của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều sáng kiến dồn dập của lãnh đạo Trung Quốc từ mấy năm nay, nào là các quỹ cứu trợ tài chính, hai ngân hàng đầu tư và phát triển và cả kế hoạch rộng lớn nhằm khuếch trương mạng lưới gọi là “Con Đường Tơ Lụa” trên lục địa và ngoài biển, giới chuyên gia quốc tế bỗng lại nói về những khoản nợ vĩ đại của Trung Quốc. Gần đây, tập đoàn tư vấn McKinsey & Company công bố báo cáo về tình hình vay nợ của thế giới và cung cấp một số liệu làm giật mình, theo đó thì tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ của Trung Quốc lên tới 282% của sản lượng toàn quốc trong năm. Với sản lượng kinh tế Trung Quốc vào năm 2014 được ước lượng khoảng 10 ngàn tỷ Mỹ kim thì khoản nợ đó tương đương với 28 ngàn tỷ 200 triệu đô la. Do đó, tiết mục chuyên đề kỳ này của chúng ta đề nghị ông giải thích vì sao Trung Quốc lại mắc nợ như vậy, nội dung các khoản nợ đó là gì và lãnh đạo Bắc Kinh có cách nào giải quyết bài toán lớn lao này hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện nước Tầu mắc nợ và có khi mắc loạn đã khởi sự từ năm 2008, mà lại có lý do sâu xa hơn từ chiến lược kinh tế của lãnh đạo Bắc Kinh và ngày nay gây ra hậu quả mà chưa chắc họ giải quyết được. Tôi xin đi từng bước về bối cảnh chung trước khi ta tìm hiểu thêm về nội dung và hậu quả.
- Thứ nhất, Tháng Chín năm 2008, vì các nguyên do sâu xa, Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính qua biểu hiện là sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers và nhiều doanh nghiệp tài chính khác, với hậu quả là ách tắc tín dụng và suy trầm toàn cầu, bị nhồi vào vụ khủng hoảng tương tự của Âu châu. Khi đó, Bắc Kinh sợ hiệu ứng suy trầm nên từ Tháng 11 quyết định tăng chi ngân sách cỡ 587 tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Song song, họ ra lệnh cho các ngân hàng ào ạt cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế. Kết quả là trong giai đoạn khó khăn toàn cầu, sản lượng kinh tế xứ này tăng vọt và qua mặt Nhật Bản vào năm 2010. Khi ấy thế giới đã ngợi ca sự kỳ diệu này mà không thấy ra nguyên do sâu xa.
- Thứ hai, nguyên do đó nằm trong chiến lược kinh tế của Bắc Kinh là lấy đầu tư làm lực đẩy cho sản xuất để tránh thất nghiệp và động loạn xã hội, và sản xuất thừa thì xuất khẩu bằng mọi giá. Khi thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 thì xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị giảm và sản xuất dư thừa có nghĩa là chất vào tồn kho ế ẩm mà vẫn cứ được bút ghi vào tổng sản lượng.
- Thứ ba, trong các nền kinh tế lớn của địa cầu, Trung Quốc có cơ chế kinh tế chính trị lạ kỳ là dưới sự lãnh đạo của đảng thì nhà nước nắm nhiều quyền hạn trong tay, từ đất đai đến các phương tiện tài trợ và sản xuất. Nôm na là ngân hàng của nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước ở trung ương hay các địa phương thực hiện các dự án sử dụng đất đai cũng do nhà nước quản lý. Nhờ vậy mà sản lượng kinh tế có tăng, nhưng các khoản vay nợ lại tăng còn mạnh hơn nữa.
Nguyên Lam: Hậu quả của ba nguyên nhân sâu xa từ chiến lược tăng tưởng, cơ chế quản lý tới chính sách bơm tiền kích thích sản xuất là Trung Quốc lại trở thành một nước mắc nợ rất lớn. Thưa ông Nghĩa, nội dung bên trong các khoản nợ này là những gì, xấu tốt ra sao mà có thể là vấn đề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện kỳ diệu là chẳng ai biết được nội dung các khoản nợ đó là xấu tốt đến cỡ nào và có bao nhiêu là loại nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Khi tập đoàn McKinsey khảo sát và đưa ra số liệu hãi hùng về khối nợ của Trung Quốc là 282% của tổng sản lượng thì thiên hạ mới chú ý. Thứ nhất là nó đã tăng gấp bốn trong thời khoảng có năm năm. Thứ hai, các khoản nợ của nhà nước, của doanh nghiệp và các công ty tài chính lại liên hệ đến gia cư và địa ốc, tức là đến đất đai. Thứ ba, khoảng 30% tổng số nợ, không kể nợ của các công ty tài chính lại là nợ ngoại ngạch, nợ chui nằm ngoài sổ sách ngân hàng và có nhiều rủi ro, đa số cũng lại liên hệ đến đất đai và các nghiệp vụ đầu cơ về gia cư hay bất động sản. Vì vậy mà núi nợ ấy mới dễ sụp.
Nguyên Lam: Thưa ông, qua cách trình bày vửa rồi, thính giả của chúng ta có thể hiểu là một tỷ lệ rất cao của các khoản nợ đó lại liên hệ tới đất đai nên mới gây rủi ro lớn. Tại sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên một thực tế là tính theo bình quân một đầu người thì diện tích khả canh, có thể canh tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới. Tức là đất nông nghiệp thật ra cũng giới hạn.
- Bây giờ ta châm thêm vào bài toán địa dư ấy vấn đề kinh tế chính khác là quyền phân bố đất đai. Về nguyên tắc, nhà nước Trung Quốc là chủ đất đai ngoài nông nghiệp, còn đất canh nông thuộc quyền quản lý của các đoàn thể nông dân. Thực tế thì các hợp tác xã này chẳng có quyền và mọi loại đất đai chuyên dùng hay nông nghiệp đều do các chính quyền địa phương phân bố. Họ giữ độc quyền cung cấp đất cho quốc dân.
-Từ đạo luật về ngân sách năm 1994, nhờ đất đai, chính quyền địa phương có thể thu về cho ngân sách chừng 40% là thuế và khoảng 6% nhờ các loại lệ phí. Họ có chủ đích xả đất thật chậm, những mảnh nhỏ trước, để tạo ra sự khan hiếm làm giá tăng rồi mới tung ra các khoản đất lớn hơn. Họ bán đất ấy vào mục tiêu gì? Vào mục tiêu có lợi nhất cho địa phương, là thị trường địa ốc.
- Nhìn vào vế bên kia, thì ai là người mua? Mua đất lại là các công ty đầu tư thật ra là bình phong do các chính quyền địa phương lập ra để vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương để phát triển các dự án được tiếng với cấp trên là tạo ra công ăn việc làm. Mọi người đều hài lòng với quy trình làm ăn đó vì nơi nơi mọc ra cao ốc, xa lộ, trung tâm thương mại, hay xưởng cán sắt, và mỗi khi thực hiện hay tu sửa vì chưa xong đã hỏng thì người ta tính vào tổng sản lượng.
Nguyên Lam: Thưa ông, có phải là với kết quả là các cơ sở địa phương đó vay tiền ngân hàng và ngày nay đang mắc nợ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng vậy mà còn tệ hơn vậy. Vì yêu cầu đầu cơ, các địa phương tạo ra khan hiếm giả khi xả mảnh đất nhỏ trước để làm giá, sau đó dùng tiền bạc của ngân hàng của nhà nước tại địa phương mua các mảnh đất có giá trị hơn. Khi công ty đầu tư của địa phương nắm lấy bằng khoán mảnh đất ấy làm tài sản thế chấp, họ được vay nhiều hơn cho các dự án có quy mô lớn hơn, và người người lao vào thị trường ấy mà thổi lên bong bóng đầu cơ.
- Hậu quả là dân nghèo vẫn không có nhà có đất vì giá quá cao, mà các cơ quan của chính quyền tại địa phương thì thực hiện dự án ảo, sản xuất thừa và hệ thống ngân hàng của nhà nước thì có một khối dư nợ mà xấu tốt ra sao không ai biết được, từ Bộ Tài chính đến Ngân hàng Trung ương và các địa phương. Một thí dụ là McKinsey ước lượng số nợ của nhà nước là 55% Tổng sản lượng, là năm ngàn tỷ 500 triệu đô la. Nếu kể thêm các khoản nợ cũng của cơ quan nhà nước ở cấp địa phương thì phải cao hơn vậy, ít ra là hai ngàn tỷ nữa, mà đa số là nợ thối vì trái bỏng đầu cơ đã bể, tài sản thế chấp là văn tự đất đai bị mất giá. Cho nên ta khó tách rời hai vấn đề đất đai và nợ xấu.
- Bây giờ mình mới nói đến các doanh nghiệp của nhà nước, từ cấp trung ương tới các địa phương. Trung Quốc có khoảng 155 nghìn cơ sở như vậy, từ các tập đoàn nổi danh thế giới đến các cơ sở nhỏ hơn ở mọi nơi. Các cơ sở này được tài trợ theo diện chính sách và vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước để xây dựng nhiều công trình hoành tráng mà ế ẩm. Khi McKinsey tính số nợ của doanh nghiệp vào khoảng sáu ngàn tỷ năm trăm triệu thì đa số là của doanh nghiệp nhà nước chứ tư doanh khó len vào thị trường tín dụng thực tế vẫn do nhà nước và tay chân trong đảng chi phối. Và vì cơ chế kinh tế chính trị bất thường ấy, các cơ sở quốc doanh hay công ty gọi là đầu tư của địa phương mặc sức vay mượn nhau và nếu cơ sở này vỡ nợ là gây hậu quả dây chuyền.
Nguyên Lam: Chắc hẳn rằng Chính quyền Bắc Kinh cũng đã thấy ra vấn đề, thưa ông họ có cách nào giải quyết không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc từng gặp hiện tượng ấy nhiều lần trong quá khứ. Một lần là vào năm 1998 dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng lý Chu Dung Cơ với hậu quả kéo dài vài năm. Lần sau là năm 2003 dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng với hậu quả kéo dài cho tới 2008. Khi các ngân hàng của nhà nước tài trợ ảo theo diện chính sách và bị mất vốn vì mất nợ thì nhà nước lại bơm tiền cấp cứu trước hết là bốn ngân hàng lớn của trung ương, lần đầu mất 45 tỷ đô la, lần sau thì vài trăm tỷ và ai ai cũng cho là mọi sự sẽ êm.
- Lần này thì sự thể lại khác vì quy luật “lượng biến thành phẩm” khi hệ thống tài trợ và đi vay đều là tay chân của nhà nước và chất lên một núi nợ mang kích thước lịch sử. Khi họ cho nhau vay thì đấy là một khoản vay giả tạo để thực hiện dự án ảo, mà mỗi lần trao tay lại là một lần có lợi cho đảng viên và thân tộc. Để giải quyết việc đó, trung ương đòi các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa và bán một số vốn cho tư nhân để lấy tiền trả nợ. Nhưng tư nhân chỉ được mua một tỷ lệ thiểu số nên chẳng thể cải tiến hệ thống quản lý trong khi doanh nghiệp nhà nước thu tiền về lại mở mang cơ sở với dự án mới, tức là vay thêm để lại làm bậy! Các cấp bộ địa phương cũng thế và hệ thống làm ăn chằng chịt này còn tạo ra mạng lưới cấu kết về quyền lợi mà luật lệ do Quốc hội ban hành cũng chẳng khai thông được.
- Người ta có thể thấy ra điều ấy qua những gì Quốc hội mới họp vào đầu năm công bố ra ngoài. Việc cải cách từ cơ cấu qua tới luật lệ hay việc bơm tiền chuộc nợ và tăng thuế không thể giải quyết được bài toán này. Chính là Chủ tích Tập Cận Bình và Bộ Chính trị phải có quyết định cũng triệt để như chiến dịch bài trừ tham nhũng, là ra lệnh giảm chi và bán tài sản quốc doanh cho tư nhân để bù nợ thì may ra mới có kết quả. Trong khi chờ đợi một quyết định táo bạo như vậy thì cái đồng hồ nợ vẫn chạy và viễn ảnh phá sản dây chuyền là một thực tế.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Vì Sao Trung Quốc Mắc Nợ?
Trong khi lãnh đạo Bắc Kinh vận động các nước Á châu mở ra Con Đường Tơ Lụa với dự án bạc tỷ thì kinh tế Trung Quốc lại chìm dưới một núi nợ trị giá khoảng 28 ngàn tỷ đô la, thuộc loại cao nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, và đấy là một nan đề nguy kịch. Vì sao lại như vậy và Trung Quốc có cách nào tránh được một vụ khủng hoảng chăng? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề này qua phần trao đổi sau đây của Nguyên Lam với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau nhiều sáng kiến dồn dập của lãnh đạo Trung Quốc từ mấy năm nay, nào là các quỹ cứu trợ tài chính, hai ngân hàng đầu tư và phát triển và cả kế hoạch rộng lớn nhằm khuếch trương mạng lưới gọi là “Con Đường Tơ Lụa” trên lục địa và ngoài biển, giới chuyên gia quốc tế bỗng lại nói về những khoản nợ vĩ đại của Trung Quốc. Gần đây, tập đoàn tư vấn McKinsey & Company công bố báo cáo về tình hình vay nợ của thế giới và cung cấp một số liệu làm giật mình, theo đó thì tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ của Trung Quốc lên tới 282% của sản lượng toàn quốc trong năm. Với sản lượng kinh tế Trung Quốc vào năm 2014 được ước lượng khoảng 10 ngàn tỷ Mỹ kim thì khoản nợ đó tương đương với 28 ngàn tỷ 200 triệu đô la. Do đó, tiết mục chuyên đề kỳ này của chúng ta đề nghị ông giải thích vì sao Trung Quốc lại mắc nợ như vậy, nội dung các khoản nợ đó là gì và lãnh đạo Bắc Kinh có cách nào giải quyết bài toán lớn lao này hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện nước Tầu mắc nợ và có khi mắc loạn đã khởi sự từ năm 2008, mà lại có lý do sâu xa hơn từ chiến lược kinh tế của lãnh đạo Bắc Kinh và ngày nay gây ra hậu quả mà chưa chắc họ giải quyết được. Tôi xin đi từng bước về bối cảnh chung trước khi ta tìm hiểu thêm về nội dung và hậu quả.
- Thứ nhất, Tháng Chín năm 2008, vì các nguyên do sâu xa, Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chính qua biểu hiện là sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư Lehman Brothers và nhiều doanh nghiệp tài chính khác, với hậu quả là ách tắc tín dụng và suy trầm toàn cầu, bị nhồi vào vụ khủng hoảng tương tự của Âu châu. Khi đó, Bắc Kinh sợ hiệu ứng suy trầm nên từ Tháng 11 quyết định tăng chi ngân sách cỡ 587 tỷ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Song song, họ ra lệnh cho các ngân hàng ào ạt cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế. Kết quả là trong giai đoạn khó khăn toàn cầu, sản lượng kinh tế xứ này tăng vọt và qua mặt Nhật Bản vào năm 2010. Khi ấy thế giới đã ngợi ca sự kỳ diệu này mà không thấy ra nguyên do sâu xa.
- Thứ hai, nguyên do đó nằm trong chiến lược kinh tế của Bắc Kinh là lấy đầu tư làm lực đẩy cho sản xuất để tránh thất nghiệp và động loạn xã hội, và sản xuất thừa thì xuất khẩu bằng mọi giá. Khi thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 thì xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị giảm và sản xuất dư thừa có nghĩa là chất vào tồn kho ế ẩm mà vẫn cứ được bút ghi vào tổng sản lượng.
- Thứ ba, trong các nền kinh tế lớn của địa cầu, Trung Quốc có cơ chế kinh tế chính trị lạ kỳ là dưới sự lãnh đạo của đảng thì nhà nước nắm nhiều quyền hạn trong tay, từ đất đai đến các phương tiện tài trợ và sản xuất. Nôm na là ngân hàng của nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước ở trung ương hay các địa phương thực hiện các dự án sử dụng đất đai cũng do nhà nước quản lý. Nhờ vậy mà sản lượng kinh tế có tăng, nhưng các khoản vay nợ lại tăng còn mạnh hơn nữa.
Nguyên Lam: Hậu quả của ba nguyên nhân sâu xa từ chiến lược tăng tưởng, cơ chế quản lý tới chính sách bơm tiền kích thích sản xuất là Trung Quốc lại trở thành một nước mắc nợ rất lớn. Thưa ông Nghĩa, nội dung bên trong các khoản nợ này là những gì, xấu tốt ra sao mà có thể là vấn đề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện kỳ diệu là chẳng ai biết được nội dung các khoản nợ đó là xấu tốt đến cỡ nào và có bao nhiêu là loại nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Khi tập đoàn McKinsey khảo sát và đưa ra số liệu hãi hùng về khối nợ của Trung Quốc là 282% của tổng sản lượng thì thiên hạ mới chú ý. Thứ nhất là nó đã tăng gấp bốn trong thời khoảng có năm năm. Thứ hai, các khoản nợ của nhà nước, của doanh nghiệp và các công ty tài chính lại liên hệ đến gia cư và địa ốc, tức là đến đất đai. Thứ ba, khoảng 30% tổng số nợ, không kể nợ của các công ty tài chính lại là nợ ngoại ngạch, nợ chui nằm ngoài sổ sách ngân hàng và có nhiều rủi ro, đa số cũng lại liên hệ đến đất đai và các nghiệp vụ đầu cơ về gia cư hay bất động sản. Vì vậy mà núi nợ ấy mới dễ sụp.
Nguyên Lam: Thưa ông, qua cách trình bày vửa rồi, thính giả của chúng ta có thể hiểu là một tỷ lệ rất cao của các khoản nợ đó lại liên hệ tới đất đai nên mới gây rủi ro lớn. Tại sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên một thực tế là tính theo bình quân một đầu người thì diện tích khả canh, có thể canh tác được, của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới. Tức là đất nông nghiệp thật ra cũng giới hạn.
- Bây giờ ta châm thêm vào bài toán địa dư ấy vấn đề kinh tế chính khác là quyền phân bố đất đai. Về nguyên tắc, nhà nước Trung Quốc là chủ đất đai ngoài nông nghiệp, còn đất canh nông thuộc quyền quản lý của các đoàn thể nông dân. Thực tế thì các hợp tác xã này chẳng có quyền và mọi loại đất đai chuyên dùng hay nông nghiệp đều do các chính quyền địa phương phân bố. Họ giữ độc quyền cung cấp đất cho quốc dân.
-Từ đạo luật về ngân sách năm 1994, nhờ đất đai, chính quyền địa phương có thể thu về cho ngân sách chừng 40% là thuế và khoảng 6% nhờ các loại lệ phí. Họ có chủ đích xả đất thật chậm, những mảnh nhỏ trước, để tạo ra sự khan hiếm làm giá tăng rồi mới tung ra các khoản đất lớn hơn. Họ bán đất ấy vào mục tiêu gì? Vào mục tiêu có lợi nhất cho địa phương, là thị trường địa ốc.
- Nhìn vào vế bên kia, thì ai là người mua? Mua đất lại là các công ty đầu tư thật ra là bình phong do các chính quyền địa phương lập ra để vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương để phát triển các dự án được tiếng với cấp trên là tạo ra công ăn việc làm. Mọi người đều hài lòng với quy trình làm ăn đó vì nơi nơi mọc ra cao ốc, xa lộ, trung tâm thương mại, hay xưởng cán sắt, và mỗi khi thực hiện hay tu sửa vì chưa xong đã hỏng thì người ta tính vào tổng sản lượng.
Nguyên Lam: Thưa ông, có phải là với kết quả là các cơ sở địa phương đó vay tiền ngân hàng và ngày nay đang mắc nợ hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng vậy mà còn tệ hơn vậy. Vì yêu cầu đầu cơ, các địa phương tạo ra khan hiếm giả khi xả mảnh đất nhỏ trước để làm giá, sau đó dùng tiền bạc của ngân hàng của nhà nước tại địa phương mua các mảnh đất có giá trị hơn. Khi công ty đầu tư của địa phương nắm lấy bằng khoán mảnh đất ấy làm tài sản thế chấp, họ được vay nhiều hơn cho các dự án có quy mô lớn hơn, và người người lao vào thị trường ấy mà thổi lên bong bóng đầu cơ.
- Hậu quả là dân nghèo vẫn không có nhà có đất vì giá quá cao, mà các cơ quan của chính quyền tại địa phương thì thực hiện dự án ảo, sản xuất thừa và hệ thống ngân hàng của nhà nước thì có một khối dư nợ mà xấu tốt ra sao không ai biết được, từ Bộ Tài chính đến Ngân hàng Trung ương và các địa phương. Một thí dụ là McKinsey ước lượng số nợ của nhà nước là 55% Tổng sản lượng, là năm ngàn tỷ 500 triệu đô la. Nếu kể thêm các khoản nợ cũng của cơ quan nhà nước ở cấp địa phương thì phải cao hơn vậy, ít ra là hai ngàn tỷ nữa, mà đa số là nợ thối vì trái bỏng đầu cơ đã bể, tài sản thế chấp là văn tự đất đai bị mất giá. Cho nên ta khó tách rời hai vấn đề đất đai và nợ xấu.
- Bây giờ mình mới nói đến các doanh nghiệp của nhà nước, từ cấp trung ương tới các địa phương. Trung Quốc có khoảng 155 nghìn cơ sở như vậy, từ các tập đoàn nổi danh thế giới đến các cơ sở nhỏ hơn ở mọi nơi. Các cơ sở này được tài trợ theo diện chính sách và vay tiền các ngân hàng cũng của nhà nước để xây dựng nhiều công trình hoành tráng mà ế ẩm. Khi McKinsey tính số nợ của doanh nghiệp vào khoảng sáu ngàn tỷ năm trăm triệu thì đa số là của doanh nghiệp nhà nước chứ tư doanh khó len vào thị trường tín dụng thực tế vẫn do nhà nước và tay chân trong đảng chi phối. Và vì cơ chế kinh tế chính trị bất thường ấy, các cơ sở quốc doanh hay công ty gọi là đầu tư của địa phương mặc sức vay mượn nhau và nếu cơ sở này vỡ nợ là gây hậu quả dây chuyền.
Nguyên Lam: Chắc hẳn rằng Chính quyền Bắc Kinh cũng đã thấy ra vấn đề, thưa ông họ có cách nào giải quyết không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc từng gặp hiện tượng ấy nhiều lần trong quá khứ. Một lần là vào năm 1998 dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Tổng lý Chu Dung Cơ với hậu quả kéo dài vài năm. Lần sau là năm 2003 dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng với hậu quả kéo dài cho tới 2008. Khi các ngân hàng của nhà nước tài trợ ảo theo diện chính sách và bị mất vốn vì mất nợ thì nhà nước lại bơm tiền cấp cứu trước hết là bốn ngân hàng lớn của trung ương, lần đầu mất 45 tỷ đô la, lần sau thì vài trăm tỷ và ai ai cũng cho là mọi sự sẽ êm.
- Lần này thì sự thể lại khác vì quy luật “lượng biến thành phẩm” khi hệ thống tài trợ và đi vay đều là tay chân của nhà nước và chất lên một núi nợ mang kích thước lịch sử. Khi họ cho nhau vay thì đấy là một khoản vay giả tạo để thực hiện dự án ảo, mà mỗi lần trao tay lại là một lần có lợi cho đảng viên và thân tộc. Để giải quyết việc đó, trung ương đòi các doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa và bán một số vốn cho tư nhân để lấy tiền trả nợ. Nhưng tư nhân chỉ được mua một tỷ lệ thiểu số nên chẳng thể cải tiến hệ thống quản lý trong khi doanh nghiệp nhà nước thu tiền về lại mở mang cơ sở với dự án mới, tức là vay thêm để lại làm bậy! Các cấp bộ địa phương cũng thế và hệ thống làm ăn chằng chịt này còn tạo ra mạng lưới cấu kết về quyền lợi mà luật lệ do Quốc hội ban hành cũng chẳng khai thông được.
- Người ta có thể thấy ra điều ấy qua những gì Quốc hội mới họp vào đầu năm công bố ra ngoài. Việc cải cách từ cơ cấu qua tới luật lệ hay việc bơm tiền chuộc nợ và tăng thuế không thể giải quyết được bài toán này. Chính là Chủ tích Tập Cận Bình và Bộ Chính trị phải có quyết định cũng triệt để như chiến dịch bài trừ tham nhũng, là ra lệnh giảm chi và bán tài sản quốc doanh cho tư nhân để bù nợ thì may ra mới có kết quả. Trong khi chờ đợi một quyết định táo bạo như vậy thì cái đồng hồ nợ vẫn chạy và viễn ảnh phá sản dây chuyền là một thực tế.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.