Tham Khảo
Viện trợ nước ngoài (Foreign aid)
Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga
Viện trợ nước ngoài là các khoản ưu đãi tài chính, hàng hóa và dịch vụ được tài trợ dành cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy phát triển ở các quốc gia này, thường được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
Uỷ ban Hỗ trợ phát triển (Development Assistance Committee – DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra một định nghĩa chính xác hơn được sử dụng bởi câu lạc bộ các nhà tài trợ. Theo đó, viện trợ phải:
- Đến từ các nguồn chính thức, không bao gồm các quỹ được huy động bởi các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tình nguyện tư nhân, ngoại trừ những khoản viện trợ từ các nguồn chính thức nhưng được giải ngân thông qua các tổ chức phi chính phủ;
- Được dành cho mục đích phát triển, vì vậy viện trợ không bao gồm viện trợ quân sự và các nguồn tài trợ phục vụ mục đích thương mại, ví dụ như tín dụng xuất khẩu;
- Có mức độ ưu đãi cao (viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25% khoản viện trợ);
- Được giành cho một quốc gia thuộc Phần I trên “Danh sách các nước nhận viện trợ” của DAC, trong đó bao gồm tất cả các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Các khoản tài chính quốc tế đáp ứng tất cả bốn điều kiện trên được gọi là Hỗ trợ Phát triển Chính thức (Official Development Assistance), những khoản đáp ứng tất cả các tiêu chí trừ điều kiện về mức độ ưu đãi được gọi là Tài chính Phát triển Chính thức (Official Development Finance).
Viện trợ nước ngoài là một hiện tượng chủ yếu phát triển từ sau năm 1945, chủ yếu nhờ ba yếu tố. Yếu tố đầu tiên chính là thành công của Kế hoạch Marshall mà Mỹ viện trợ cho châu Âu. Thứ hai, làn sóng giành độc lập của các quốc gia ở châu Á vào cuối những năm 1940, châu Phi vào những năm 1960 đã tạo ra động lực mới cho viện trợ phát triển giành cho các nước này. Yếu tố thứ ba chính là cuộc Chiến tranh Lạnh, khi mà các siêu cường sử dụng viện trợ như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng và giúp xác lập các “chế độ thân thiện” với mình.
Viện trợ nước ngoài bao hàm mối quan hệ giữa một bên là chủ thể viện trợ và một bên là chủ thể nhận viện trợ. Mặc dù quốc gia là chủ thể quan trọng nhất trong các mối quan hệ viện trợ nước ngoài, song các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đóng vai trò quan trọng.
Viện trợ nước ngoài được xem là một công cụ chính sách mà chủ thể viện trợ thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu nhất định. Do vậy, dù chủ thể viện trợ là quốc gia hay tổ chức quốc tế thì tính chất chính trị trong các mối quan hệ viện trợ vẫn tồn tại. Tính chất chính trị này có thể được nhận thấy ở các điều kiện đi kèm mà chủ thể viện trợ đặt ra cho chủ thể nhận viện trợ. Ví dụ như IMF có thể yêu cầu nước nhận viện trợ thực hiện một số chính sách kinh tế nhất định để đổi lại các khoản viện trợ. Tương tự như vậy, Kế hoạch Marshall ngay từ đầu cũng mang các ngụ ý chính trị rõ ràng.
Ngoài ra trong nhiều trường hợp, viện trợ còn được thực hiện nhằm phục vụ những lợi ích kinh tế của chủ thể viện trợ. Trong các khoản viện trợ ràng buộc (tied aid), một số nước chỉ chấp nhận cung cấp viện trợ với điều kiện nước nhận viện trợ phải mua các hàng hóa nhập khẩu từ nước viện trợ. Hình thức viện trợ ràng buộc này còn được gọi là “viện trợ giảm giá trị” (devalued aid) vì nước nhận viện trợ phải nhập khẩu các hàng hóa này với giá cao hơn và chất lượng thấp hơn so với các hàng hóa cùng chủng loại có trên thị trường thế giới. Nhiều nước viện trợ khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán chỉ chấp nhận cung cấp viện trợ dưới hình thức này.
Hiện vẫn còn nhiều tranh luận xoay xung quanh tính hiệu quả của các chương trình viện trợ nước ngoài. Evans và Newnham (1998) cho rằng, việc nhận định liệu một chương trình hoặc một dự án viện trợ nước ngoài có thành công hay không, xét dưới góc độ lợi ích quốc gia của chủ thể viện trợ, là một vấn đề mang tính chủ quan. Dẫn lập luận của Baldwin (1985), Evans và Newnham (1998) cho rằng Kế hoạch Marshall đã giúp các nước châu Âu thực hiện những công việc mà cho dù có hay không khoản viện trợ này họ vẫn thực hiện được. Ngoài ra, Kế hoạch Marshall cũng yêu cầu châu Âu tăng cường hợp tác nội bộ mà về lâu dài dẫn tới sự hình thành một đối thủ thương mại lớn cạnh tranh với Mỹ.
Xem xét tính hiệu quả của viện trợ nước ngoài với vai trò là động lực thúc đẩy phát triển cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số nhà phân tích cho rằng các nước kém phát triển có thể tận dụng được nguồn vốn, công nghệ của các nước phát triển thông qua các chương trình viện trợ nước ngoài. Nguồn vốn viện trợ có thể được dùng để đầu tư vào những dự án quan trọng nhưng kém hấp dẫn với nhà đầu tư tư nhân, hoặc vào những ngành công nghiệp then chốt, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều người cũng đưa ra nhiều lý do để giải thích cho tính không hiệu quả của viện trợ nước ngoài trong việc thúc đẩy phát triển.
Ví dụ, Griffins, O’Callaghan, và Roach (2007) đưa ra hai lập luận. Một là, phạm vi mục tiêu của các chương trình viện trợ thường rộng, do vậy việc đánh giá kết quả gặp khó khăn, chưa kể đến những mục tiêu khó định lượng như an ninh, nhân quyền, dân chủ. Hai là, các đánh giá về mối tương quan giữa viện trợ và tăng trưởng kinh tế không cho ra kết quả nhất quán. Tại nhiều nước kém phát triển, sự gia tăng nguồn viện trợ không đi kèm với tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Viện trợ nước ngoài (Foreign aid)
Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga
Viện trợ nước ngoài là các khoản ưu đãi tài chính, hàng hóa và dịch vụ được tài trợ dành cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy phát triển ở các quốc gia này, thường được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
Uỷ ban Hỗ trợ phát triển (Development Assistance Committee – DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra một định nghĩa chính xác hơn được sử dụng bởi câu lạc bộ các nhà tài trợ. Theo đó, viện trợ phải:
- Đến từ các nguồn chính thức, không bao gồm các quỹ được huy động bởi các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tình nguyện tư nhân, ngoại trừ những khoản viện trợ từ các nguồn chính thức nhưng được giải ngân thông qua các tổ chức phi chính phủ;
- Được dành cho mục đích phát triển, vì vậy viện trợ không bao gồm viện trợ quân sự và các nguồn tài trợ phục vụ mục đích thương mại, ví dụ như tín dụng xuất khẩu;
- Có mức độ ưu đãi cao (viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25% khoản viện trợ);
- Được giành cho một quốc gia thuộc Phần I trên “Danh sách các nước nhận viện trợ” của DAC, trong đó bao gồm tất cả các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Các khoản tài chính quốc tế đáp ứng tất cả bốn điều kiện trên được gọi là Hỗ trợ Phát triển Chính thức (Official Development Assistance), những khoản đáp ứng tất cả các tiêu chí trừ điều kiện về mức độ ưu đãi được gọi là Tài chính Phát triển Chính thức (Official Development Finance).
Viện trợ nước ngoài là một hiện tượng chủ yếu phát triển từ sau năm 1945, chủ yếu nhờ ba yếu tố. Yếu tố đầu tiên chính là thành công của Kế hoạch Marshall mà Mỹ viện trợ cho châu Âu. Thứ hai, làn sóng giành độc lập của các quốc gia ở châu Á vào cuối những năm 1940, châu Phi vào những năm 1960 đã tạo ra động lực mới cho viện trợ phát triển giành cho các nước này. Yếu tố thứ ba chính là cuộc Chiến tranh Lạnh, khi mà các siêu cường sử dụng viện trợ như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng và giúp xác lập các “chế độ thân thiện” với mình.
Viện trợ nước ngoài bao hàm mối quan hệ giữa một bên là chủ thể viện trợ và một bên là chủ thể nhận viện trợ. Mặc dù quốc gia là chủ thể quan trọng nhất trong các mối quan hệ viện trợ nước ngoài, song các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đóng vai trò quan trọng.
Viện trợ nước ngoài được xem là một công cụ chính sách mà chủ thể viện trợ thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu nhất định. Do vậy, dù chủ thể viện trợ là quốc gia hay tổ chức quốc tế thì tính chất chính trị trong các mối quan hệ viện trợ vẫn tồn tại. Tính chất chính trị này có thể được nhận thấy ở các điều kiện đi kèm mà chủ thể viện trợ đặt ra cho chủ thể nhận viện trợ. Ví dụ như IMF có thể yêu cầu nước nhận viện trợ thực hiện một số chính sách kinh tế nhất định để đổi lại các khoản viện trợ. Tương tự như vậy, Kế hoạch Marshall ngay từ đầu cũng mang các ngụ ý chính trị rõ ràng.
Ngoài ra trong nhiều trường hợp, viện trợ còn được thực hiện nhằm phục vụ những lợi ích kinh tế của chủ thể viện trợ. Trong các khoản viện trợ ràng buộc (tied aid), một số nước chỉ chấp nhận cung cấp viện trợ với điều kiện nước nhận viện trợ phải mua các hàng hóa nhập khẩu từ nước viện trợ. Hình thức viện trợ ràng buộc này còn được gọi là “viện trợ giảm giá trị” (devalued aid) vì nước nhận viện trợ phải nhập khẩu các hàng hóa này với giá cao hơn và chất lượng thấp hơn so với các hàng hóa cùng chủng loại có trên thị trường thế giới. Nhiều nước viện trợ khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán chỉ chấp nhận cung cấp viện trợ dưới hình thức này.
Hiện vẫn còn nhiều tranh luận xoay xung quanh tính hiệu quả của các chương trình viện trợ nước ngoài. Evans và Newnham (1998) cho rằng, việc nhận định liệu một chương trình hoặc một dự án viện trợ nước ngoài có thành công hay không, xét dưới góc độ lợi ích quốc gia của chủ thể viện trợ, là một vấn đề mang tính chủ quan. Dẫn lập luận của Baldwin (1985), Evans và Newnham (1998) cho rằng Kế hoạch Marshall đã giúp các nước châu Âu thực hiện những công việc mà cho dù có hay không khoản viện trợ này họ vẫn thực hiện được. Ngoài ra, Kế hoạch Marshall cũng yêu cầu châu Âu tăng cường hợp tác nội bộ mà về lâu dài dẫn tới sự hình thành một đối thủ thương mại lớn cạnh tranh với Mỹ.
Xem xét tính hiệu quả của viện trợ nước ngoài với vai trò là động lực thúc đẩy phát triển cũng là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số nhà phân tích cho rằng các nước kém phát triển có thể tận dụng được nguồn vốn, công nghệ của các nước phát triển thông qua các chương trình viện trợ nước ngoài. Nguồn vốn viện trợ có thể được dùng để đầu tư vào những dự án quan trọng nhưng kém hấp dẫn với nhà đầu tư tư nhân, hoặc vào những ngành công nghiệp then chốt, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều người cũng đưa ra nhiều lý do để giải thích cho tính không hiệu quả của viện trợ nước ngoài trong việc thúc đẩy phát triển.
Ví dụ, Griffins, O’Callaghan, và Roach (2007) đưa ra hai lập luận. Một là, phạm vi mục tiêu của các chương trình viện trợ thường rộng, do vậy việc đánh giá kết quả gặp khó khăn, chưa kể đến những mục tiêu khó định lượng như an ninh, nhân quyền, dân chủ. Hai là, các đánh giá về mối tương quan giữa viện trợ và tăng trưởng kinh tế không cho ra kết quả nhất quán. Tại nhiều nước kém phát triển, sự gia tăng nguồn viện trợ không đi kèm với tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).