Một cuộc điều tra tại Trung Quốc tiết lộ rằng hơn 1.000 quan chức ở tỉnh Quảng Đông ở miền nam có vợ hoặc con sống ở nước ngoài.
Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc muốn chấm dứt tình trạng này bởi họ tin rằng đây có liên quan tới tình trạng tham nhũng.
Việc có người nhà sinh sống ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp, nhưng nó khiến cho các quan chức tham nhũng có thể gửi tiền kiếm được một cách bất hợp pháp ra nước ngoài.
Các quan chức Quảng Đông được yêu cầu phải đưa gia đình trở về, hoặc phải xin nghỉ việc, nếu không sẽ bị giáng cấp.
Gia đình hay công việc?
Hãng tin chính thức của nhà nước, Tân Hoa Xã, nói rằng đảng cộng sản tại Quảng Đông đã có cuộc điều tra kéo dài trong hai tháng đối với một nhóm được biết đến như "các quan chức không tài sản".
Tên gọi này được dùng cho các công bộc Trung Quốc có thành viên gia đình ra nước ngoài sinh sống. Một số người sau đó đã chuyển những khoản thu nhập bất chính cho thân nhân ở nước ngoài, khiến bản thân họ trở thành người không có mấy tài sản ở Trung Quốc.
Chừng 200 quan chức Quảng Đông đã yêu cầu gia đình trở về Trung Quốc, Tân Hoa Xã nói. Còn 866 người khác chấp nhận bị giáng chức, trong đó có chín quan chức cấp tỉnh.
Một người, họ Lưu, nói với Tân Hoa Xã rằng ông bỏ việc thay vì buộc vợ phải từ Hong Kong trở về, nơi có quy chế pháp lý độc lập với Trung Hoa đại lục.
"Tôi nói với cha mẹ và vợ về quy định mới của chính quyền trung ương và chính quyền tỉnh, nhưng vợ tôi muốn sống ở Hong Kong hơn. Vì cuộc sống gia đình với tôi cũng quan trọng không kém, tôi quyết định ủng hộ vợ và từ bỏ công việc của mình," ông nói.
Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã cho người thân ra nước ngoài sinh sống và học tập.
Cựu ủy viên Bộ chính trị nay đã bị thất sủng, ông Bạc Hy Lai, đã cho con trai sang học tại trường tư danh tiếng và đắt đỏ của Anh, trường Harrow.
Ông Bạc hồi năm ngoái bị kết tội tham nhũng và lạm quyền. BBC