Văn Học & Nghệ Thuật
Xem tranh Francis Bacon .
Tháng trước, nhân đi họp ở Sydney, tôi có vào xem cuộc triển lãm 50 năm tranh của Francis Bacon (1909-1992) tại Phòng triển lãm nghệ thuật tiểu bang New South Wales (Úc). Vốn đã thích tranh Francis Bacon và cũng đã được xem tranh của ông rải rác đây đó trong các viện bảo tàng ở Mỹ và châu Âu, nay, được nhìn thấy tận mắt, cùng lúc, trong bốn năm căn phòng rộng mênh mông, nguyên bản của 53 tác phẩm được mượn từ 37 viện bảo tàng và nơi sưu tập khác nhau trên khắp thế giới, tôi lại càng thích. Nhìn đến no cả mắt.
Thích, trước hết, vì tranh ông đẹp.
Tuy nhiên, nói như vậy, thật ra, không có nghĩa gì cả. Trên thế giới, từ trước đến nay, có cả hàng ngàn người vẽ tranh đẹp; hàng trăm người vẽ tranh cực đẹp, được xem là những bậc thầy xuất sắc, lúc nào cũng có mặt trong các viện bảo tàng lớn, các tuyển tập tranh cũng như các cuốn lịch sử hội họa nổi tiếng. Francis Bacon chỉ là một trong những người như thế. Hơn nữa, về tầm vóc, chưa chắc ông đã bằng họ.
Chỉ giới hạn trong thế kỷ 20, tài năng của ông rõ ràng không lớn lao và đa dạng như Pablo Picasso, không táo bạo, mới mẻ và có ảnh hưởng lớn như Marcel Duchamp, không độc đáo như Jackson Pollock, Willem de Kooning hay Mark Rothko, không điêu luyện như Henri Matisse hay Marc Chagall, v.v.. Về phương diện kỹ thuật, tranh của Bacon không có nhiều cách tân lớn. Chưa bao giờ bước chân vào bất cứ một trường nghệ thuật nào, ông là một họa sĩ hoàn toàn tự học, tự mò mẫm, tự nghiên cứu lối vẽ của các bậc thầy khác, từ Diego Velázquez đến Vincent Van Gogh và Pablo Picasso. Không thích và không hề vẽ tranh trừu tượng, cả đời ông vẫn quanh quẩn với lối tranh hình thể, chủ yếu từ góc độ ấn tượng, siêu thực, lập thể và về già, có khi còn quay lại với chủ nghĩa lãng mạn. Ở mọi trường phái, Bacon không phải là người khai sáng. Ông chỉ là học trò. Một học trò xuất sắc, dĩ nhiên.
Viết như trên, tôi không hề muốn phủ nhận tầm vóc của Francis Bacon. Hầu như mọi nhà phê bình nghệ thuật có uy tín đều thừa nhận ông là một trong những họa sĩ lớn nhất của thế kỷ 20. Sự độc đáo của ông không đến từ kỹ thuật mà chủ yếu từ phong cách.
Cũng là tranh hình thể, nhưng hiếm có loại tranh hình thể nào dữ dội như tranh hình thể của Francis Bacon. Ở những người khác, hình thể thường mềm mại, dịu dàng, thướt tha, thơ mộng và đẹp. Ngay trong tranh của Van Gogh, lúc nào cũng cuồn cuộn chuyển động, vẫn nhịp nhàng, đăng đối và đẹp. Với các hình thể trong tranh của Bacon, người ta rất khó, nếu không muốn nói là không thể, dùng chữ đẹp theo nghĩa bình thường. Thứ nhất, là một người đồng tính luyến ái, ông rất ít vẽ tranh phụ nữ. Hầu hết nhân vật trong tranh của Bacon là đàn ông. Phần lớn những người đàn ông ấy là bạn bè hoặc tình nhân của ông. Họ vốn không đẹp. Khi vẽ họ, Bacon cũng không nhằm tìm kiếm hay phô diễn vẻ đẹp của họ. Đối tượng của ông là những gì khác ngoài vẻ đẹp hình thể. Thứ hai, trong khi tìm kiếm những gì khác đó, Bacon tập trung nhiều nhất vào thịt. Vâng, thịt. Bacon có một số bức tranh vẽ những tảng thịt trong tiệm thịt. Ngay cả khi vẽ người, không phải là người bán thịt, những người bạn hoặc những người xa lạ nào đó, Bacon cũng xoáy nét cọ vào cái phần vật chất nhất của những người ấy: thịt. Bacon từng nói: “Chúng ta là thịt” (we are meat).
Không phải tinh thần; không phải cây sậy biết tư duy; không phải cảm xúc; thậm chí, không phải thần thái hay dáng vóc. Mà là thịt. Chỉ là thịt. Thứ ba, đó không phải là thứ thịt săn chắc, cân đối, đẹp đẽ. Bacon không ngại làm cho mọi thứ thịt ấy bị biến dạng. Biến dạng bằng nhiều cách. Một, một mặt, làm hình ảnh mờ đi, mặt khác, tả con người ở tư thế thật kỳ lạ, nhiều nhất là đang há hốc hoặc mở toang miệng ra gào thét; thành ra, nhìn, người xem dường như không thấy gì khác ngoài hình ảnh một cái miệng toác hoác và sâu hun hút. Hai, nửa người nửa thú. Trong nhiều bức tranh của Bacon, đặc biệt giai đoạn đầu, trong thập niên 1940 và 1950, người xem khó phân biệt được đâu là người và đâu là thú. Dường như thú và người là một: hoặc đầu người nhưng thân hình là thú; hoặc đầu thú nhưng có nét gì đó của con người. Ba, phổ biến nhất, bóp méo mọi đường nét, làm cho khuôn mặt người trở thành quặt quẹo và dị dạng hẳn. Khuôn mặt và thân hình của ai cũng giống một lon bia rỗng bị bóp lại. Méo mó và dúm dó. Bốn, mặt hoặc cả thân thể như đang tan đi.
Và chảy ra. Như sáp.
Tính chất dữ dội và dị dạng ấy có nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó đề cao một thứ mỹ học mới: mỹ học của cái xấu (aesthetics of ugliness). Đẹp và xấu là những ý niệm tương đối. Theo truyền thống, đẹp thường được hiểu là sự hài hoà và cân đối. Xấu, ngược lại, là sự hỗn độn và thiếu cân bằng. Tranh của Francis Bacon giúp người xem dần dần khám phá ra vẻ đẹp của những sự dị dạng và những vật thể thường bị xem là thiếu thẩm mỹ: máu me, đau đớn và chết chóc. Có vẻ nghịch lý. Nhưng nó cần thiết: Nó phản ánh được khí quyển tinh thần của cả một thời đại.
Điều này dẫn đến ý nghĩa thứ hai trong hội hoạ của Francis Bacon: Chúng là những bức tranh của thời đại, chủ yếu là từ khoảng giữa thế kỷ 20 về sau. Đó là thời đại của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng sản, của chiến tranh thế giới lần thứ hai và sau đó, chiến tranh lạnh; thời đại của các cuộc thảm sát tập thể, những sự lừa dối có tính toàn cầu; thời đại của “Thượng đế đã chết” và “Marx cũng đã chết”, của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hư vô; thời đại con người, mặc dù đạt được những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, lại trở thành dã man, chịu đựng nhiều thống khổ và cô đơn hơn bao giờ hết. Có thể có nhiều hoạ sĩ khác tài hoa hơn Francis Bacon, nhưng hầu như không có ai thể hiện được sự tha hoá và sự khốn cùng của thời hiện đại một cách sâu sắc bằng ông. Trong tranh của ông, nếu con người không bị giam cầm trong những chiếc lồng chật chội thì cũng đang gào thét, đang quằn quại như bị dày xéo, đang đánh vật nhau một cách đầy bạo động, đang hoá thành cầm thú hoặc như đang trong quá trình bị huỷ hoại. Ngay hình ảnh Đức giáo hoàng - một đề tài được Bacon ưa thích và vẽ đi vẽ lại nhiều lần, khác hẳn với các bức tranh của các hoạ sĩ khác, kể cả của Diego Velázquez (trong bức Portrait of Innocent X), người Bacon xem như một bậc thầy, đầy sự lo lắng và thống khổ: Ông không có vẻ uy nghi và quyền lực gì cả. Có vẻ như ông đang bị cầm tù trong ngôi báu của mình. Ông hoàn toàn cô đơn. Và ông đang gào lên thảm thiết. Chính vì thế, một số nhà phê bình nhận xét: Trong tranh, Francis Bacon không vẽ gì ngoài con người; và ở con người, ông không vẽ điều gì khác ngoài sự đau đớn (cách diễn tả trong tiếng Anh, “Francis Bacon: the man who put the pain into painting”, hay hơn, chủ yếu nhờ sự điệp vần giữa chữ “pain” – đau đớn – và painting – tranh).
Francis Bacon cảm nhận được nỗi đau của nhân loại bằng cả cuộc đời của ông. Từ trẻ đã bị bố đuổi ra khỏi nhà, không được học hành, đi lang thang từ nước này nước khác sinh sống bằng đủ nghề nghiệp khác nhau. Ngay cả khi đã thành danh và giàu có, cuộc đời của ông cũng không có vẻ gì vương giả. Ông nghiện ngập đủ thứ. Lại mê cờ bạc nữa. Nhưng buồn nhất là chuyện tình cảm. Thời của ông, đồng tính luyến ái bị cấm kỵ, cả về phương diện đạo đức, xã hội lẫn phương diện pháp lý. Ông sống lâu nhất với hai người tình: Peter Lacy và George Dyer. Cả hai, cũng giống Bacon, đều nghiện ngập và có chút máu bạo dâm. Cả hai đều chết sớm (Lacy chết vì uống rượu quá nhiều, còn Dyer thì chết vì uống thuốc ngủ quá liều – hoặc cố tình tự tử). Cái chết của hai người, cũng như những bạo động trong quan hệ giữa họ với nhau lúc sống chung, dường như để lại trong tâm thức của Francis Bacon những ấn tượng sâu sắc, một mặt, về cái ông gọi là sự “bạo động của cánh hoa hồng” (the violence of the rose); mặt khác, về sự cô đơn và phù du của cuộc sống. Ông lại không có chút niềm tin tôn giáo nào để có thể tìm được sự nguôi khuây. Với ông, chết là hết. Cả với danh vọng, ông cũng bất cần. Có lần, bạn bè hỏi ông: Ông có tin tên tuổi ông sẽ còn lại mãi với lịch sử? Ông đáp: “Đừng nói những chuyện rác rưởi như vậy!”
Có thể có nhiều người khác cũng nói như vậy. Nhưng hầu hết đều giả vờ. Với Francis Bacon, người ta tin là thật.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
VOA
Bàn ra tán vào (0)
Xem tranh Francis Bacon .
Tháng trước, nhân đi họp ở Sydney, tôi có vào xem cuộc triển lãm 50 năm tranh của Francis Bacon (1909-1992) tại Phòng triển lãm nghệ thuật tiểu bang New South Wales (Úc). Vốn đã thích tranh Francis Bacon và cũng đã được xem tranh của ông rải rác đây đó trong các viện bảo tàng ở Mỹ và châu Âu, nay, được nhìn thấy tận mắt, cùng lúc, trong bốn năm căn phòng rộng mênh mông, nguyên bản của 53 tác phẩm được mượn từ 37 viện bảo tàng và nơi sưu tập khác nhau trên khắp thế giới, tôi lại càng thích. Nhìn đến no cả mắt.
Thích, trước hết, vì tranh ông đẹp.
Tuy nhiên, nói như vậy, thật ra, không có nghĩa gì cả. Trên thế giới, từ trước đến nay, có cả hàng ngàn người vẽ tranh đẹp; hàng trăm người vẽ tranh cực đẹp, được xem là những bậc thầy xuất sắc, lúc nào cũng có mặt trong các viện bảo tàng lớn, các tuyển tập tranh cũng như các cuốn lịch sử hội họa nổi tiếng. Francis Bacon chỉ là một trong những người như thế. Hơn nữa, về tầm vóc, chưa chắc ông đã bằng họ.
Chỉ giới hạn trong thế kỷ 20, tài năng của ông rõ ràng không lớn lao và đa dạng như Pablo Picasso, không táo bạo, mới mẻ và có ảnh hưởng lớn như Marcel Duchamp, không độc đáo như Jackson Pollock, Willem de Kooning hay Mark Rothko, không điêu luyện như Henri Matisse hay Marc Chagall, v.v.. Về phương diện kỹ thuật, tranh của Bacon không có nhiều cách tân lớn. Chưa bao giờ bước chân vào bất cứ một trường nghệ thuật nào, ông là một họa sĩ hoàn toàn tự học, tự mò mẫm, tự nghiên cứu lối vẽ của các bậc thầy khác, từ Diego Velázquez đến Vincent Van Gogh và Pablo Picasso. Không thích và không hề vẽ tranh trừu tượng, cả đời ông vẫn quanh quẩn với lối tranh hình thể, chủ yếu từ góc độ ấn tượng, siêu thực, lập thể và về già, có khi còn quay lại với chủ nghĩa lãng mạn. Ở mọi trường phái, Bacon không phải là người khai sáng. Ông chỉ là học trò. Một học trò xuất sắc, dĩ nhiên.
Viết như trên, tôi không hề muốn phủ nhận tầm vóc của Francis Bacon. Hầu như mọi nhà phê bình nghệ thuật có uy tín đều thừa nhận ông là một trong những họa sĩ lớn nhất của thế kỷ 20. Sự độc đáo của ông không đến từ kỹ thuật mà chủ yếu từ phong cách.
Cũng là tranh hình thể, nhưng hiếm có loại tranh hình thể nào dữ dội như tranh hình thể của Francis Bacon. Ở những người khác, hình thể thường mềm mại, dịu dàng, thướt tha, thơ mộng và đẹp. Ngay trong tranh của Van Gogh, lúc nào cũng cuồn cuộn chuyển động, vẫn nhịp nhàng, đăng đối và đẹp. Với các hình thể trong tranh của Bacon, người ta rất khó, nếu không muốn nói là không thể, dùng chữ đẹp theo nghĩa bình thường. Thứ nhất, là một người đồng tính luyến ái, ông rất ít vẽ tranh phụ nữ. Hầu hết nhân vật trong tranh của Bacon là đàn ông. Phần lớn những người đàn ông ấy là bạn bè hoặc tình nhân của ông. Họ vốn không đẹp. Khi vẽ họ, Bacon cũng không nhằm tìm kiếm hay phô diễn vẻ đẹp của họ. Đối tượng của ông là những gì khác ngoài vẻ đẹp hình thể. Thứ hai, trong khi tìm kiếm những gì khác đó, Bacon tập trung nhiều nhất vào thịt. Vâng, thịt. Bacon có một số bức tranh vẽ những tảng thịt trong tiệm thịt. Ngay cả khi vẽ người, không phải là người bán thịt, những người bạn hoặc những người xa lạ nào đó, Bacon cũng xoáy nét cọ vào cái phần vật chất nhất của những người ấy: thịt. Bacon từng nói: “Chúng ta là thịt” (we are meat).
Không phải tinh thần; không phải cây sậy biết tư duy; không phải cảm xúc; thậm chí, không phải thần thái hay dáng vóc. Mà là thịt. Chỉ là thịt. Thứ ba, đó không phải là thứ thịt săn chắc, cân đối, đẹp đẽ. Bacon không ngại làm cho mọi thứ thịt ấy bị biến dạng. Biến dạng bằng nhiều cách. Một, một mặt, làm hình ảnh mờ đi, mặt khác, tả con người ở tư thế thật kỳ lạ, nhiều nhất là đang há hốc hoặc mở toang miệng ra gào thét; thành ra, nhìn, người xem dường như không thấy gì khác ngoài hình ảnh một cái miệng toác hoác và sâu hun hút. Hai, nửa người nửa thú. Trong nhiều bức tranh của Bacon, đặc biệt giai đoạn đầu, trong thập niên 1940 và 1950, người xem khó phân biệt được đâu là người và đâu là thú. Dường như thú và người là một: hoặc đầu người nhưng thân hình là thú; hoặc đầu thú nhưng có nét gì đó của con người. Ba, phổ biến nhất, bóp méo mọi đường nét, làm cho khuôn mặt người trở thành quặt quẹo và dị dạng hẳn. Khuôn mặt và thân hình của ai cũng giống một lon bia rỗng bị bóp lại. Méo mó và dúm dó. Bốn, mặt hoặc cả thân thể như đang tan đi.
Và chảy ra. Như sáp.
Tính chất dữ dội và dị dạng ấy có nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó đề cao một thứ mỹ học mới: mỹ học của cái xấu (aesthetics of ugliness). Đẹp và xấu là những ý niệm tương đối. Theo truyền thống, đẹp thường được hiểu là sự hài hoà và cân đối. Xấu, ngược lại, là sự hỗn độn và thiếu cân bằng. Tranh của Francis Bacon giúp người xem dần dần khám phá ra vẻ đẹp của những sự dị dạng và những vật thể thường bị xem là thiếu thẩm mỹ: máu me, đau đớn và chết chóc. Có vẻ nghịch lý. Nhưng nó cần thiết: Nó phản ánh được khí quyển tinh thần của cả một thời đại.
Điều này dẫn đến ý nghĩa thứ hai trong hội hoạ của Francis Bacon: Chúng là những bức tranh của thời đại, chủ yếu là từ khoảng giữa thế kỷ 20 về sau. Đó là thời đại của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng sản, của chiến tranh thế giới lần thứ hai và sau đó, chiến tranh lạnh; thời đại của các cuộc thảm sát tập thể, những sự lừa dối có tính toàn cầu; thời đại của “Thượng đế đã chết” và “Marx cũng đã chết”, của chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hư vô; thời đại con người, mặc dù đạt được những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, lại trở thành dã man, chịu đựng nhiều thống khổ và cô đơn hơn bao giờ hết. Có thể có nhiều hoạ sĩ khác tài hoa hơn Francis Bacon, nhưng hầu như không có ai thể hiện được sự tha hoá và sự khốn cùng của thời hiện đại một cách sâu sắc bằng ông. Trong tranh của ông, nếu con người không bị giam cầm trong những chiếc lồng chật chội thì cũng đang gào thét, đang quằn quại như bị dày xéo, đang đánh vật nhau một cách đầy bạo động, đang hoá thành cầm thú hoặc như đang trong quá trình bị huỷ hoại. Ngay hình ảnh Đức giáo hoàng - một đề tài được Bacon ưa thích và vẽ đi vẽ lại nhiều lần, khác hẳn với các bức tranh của các hoạ sĩ khác, kể cả của Diego Velázquez (trong bức Portrait of Innocent X), người Bacon xem như một bậc thầy, đầy sự lo lắng và thống khổ: Ông không có vẻ uy nghi và quyền lực gì cả. Có vẻ như ông đang bị cầm tù trong ngôi báu của mình. Ông hoàn toàn cô đơn. Và ông đang gào lên thảm thiết. Chính vì thế, một số nhà phê bình nhận xét: Trong tranh, Francis Bacon không vẽ gì ngoài con người; và ở con người, ông không vẽ điều gì khác ngoài sự đau đớn (cách diễn tả trong tiếng Anh, “Francis Bacon: the man who put the pain into painting”, hay hơn, chủ yếu nhờ sự điệp vần giữa chữ “pain” – đau đớn – và painting – tranh).
Francis Bacon cảm nhận được nỗi đau của nhân loại bằng cả cuộc đời của ông. Từ trẻ đã bị bố đuổi ra khỏi nhà, không được học hành, đi lang thang từ nước này nước khác sinh sống bằng đủ nghề nghiệp khác nhau. Ngay cả khi đã thành danh và giàu có, cuộc đời của ông cũng không có vẻ gì vương giả. Ông nghiện ngập đủ thứ. Lại mê cờ bạc nữa. Nhưng buồn nhất là chuyện tình cảm. Thời của ông, đồng tính luyến ái bị cấm kỵ, cả về phương diện đạo đức, xã hội lẫn phương diện pháp lý. Ông sống lâu nhất với hai người tình: Peter Lacy và George Dyer. Cả hai, cũng giống Bacon, đều nghiện ngập và có chút máu bạo dâm. Cả hai đều chết sớm (Lacy chết vì uống rượu quá nhiều, còn Dyer thì chết vì uống thuốc ngủ quá liều – hoặc cố tình tự tử). Cái chết của hai người, cũng như những bạo động trong quan hệ giữa họ với nhau lúc sống chung, dường như để lại trong tâm thức của Francis Bacon những ấn tượng sâu sắc, một mặt, về cái ông gọi là sự “bạo động của cánh hoa hồng” (the violence of the rose); mặt khác, về sự cô đơn và phù du của cuộc sống. Ông lại không có chút niềm tin tôn giáo nào để có thể tìm được sự nguôi khuây. Với ông, chết là hết. Cả với danh vọng, ông cũng bất cần. Có lần, bạn bè hỏi ông: Ông có tin tên tuổi ông sẽ còn lại mãi với lịch sử? Ông đáp: “Đừng nói những chuyện rác rưởi như vậy!”
Có thể có nhiều người khác cũng nói như vậy. Nhưng hầu hết đều giả vờ. Với Francis Bacon, người ta tin là thật.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
VOA