Trời kêu ai nấy dạ! Vâng, chỉ biết “dạ” để chấp nhận một quyết định siêu nhiên nào đó. Tuy nhiên vẫn đã xẩy ra nhiều tình huống với cường độ bi thảm cao hơn hẳn. Như cảnh tượng chiều ngày 11 tháng 6, năm 1965 khi vào hậu cứ Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù với tiếng gào khóc của toàn trại gia binh: Anh ơi là anh ơi… Anh chết đi bỏ mẹ con tui sao đành anh ơi là anh ơi!! Ba ba đâu má ơi!! Ba đâu má ơi!!
Và sự thật đáng sợ hơn mười tầng địa ngục với gần năm trăm xác chết của các đơn vị. Tiểu Ðoàn 2/7 Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Tiểu Ðoàn 52 Biệt Ðộng, Chi Khu Ðôn Luân, và đơn vị anh, Tiểu Ðoàn 7 Dù… Những xác chết nằm lềnh kênh trên vũng bùn nhầy nhầy máu người và đất đỏ. Mùi tử khi bốc dày đặt một vùng trời, đánh dạt đám chim thường ngày vẫn bay về khu nghĩa trang. Xóm nhà dân đối diện Nghĩa Trang Quân Ðội Gò Vấp vắng bặt bóng người. Người đã không thể sống cùng cảnh chết và mùi tử thi sình chương dưới mưa dầm chỉ được đem về sau một tuần chết trận. Cũng có những cái chết đơn độc mau chóng hơn, chưa kịp kêu lên tiếng đau đớn thì đã qua cơn lâm tử bất ngờ…
Như lần vụt đi của Trần Duy Phước ngày 9 tháng 11 tháng năm 1969 trên vùng trảng trống của chiến trường Tây Ninh. Cái chết quá chóng vánh vì quả B 40 bắn thẳng mặt nổ vỡ tung chiếc đầu người lính. Ðã bốn mươi năm hơn nào còn ai nhớ kể cả khúc hát Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh mà Trần Thiện Thanh viết cho bạn? Nào mấy ai nhắc đến những cái chết tầng tầng ngập ngập trên quê hương suốt thời gian đằng đẵng của những thập niên 60, 70 ở thế kỷ trước? Còn ai đâu để nhớ những người chết trước, sau năm 1954 trên bãi biển Bùi Chu, Phát Diệm lần vượt chết để được Sống Tự Do của người Việt miền Bắc.
Hai.
Chiến trận chấm dứt với ngày 30 tháng 4, năm 1975 tại Sài Gòn, nhưng
tiếng nổ của quả pháo, trái hỏa tiễn, viên đạn… vẫn nghe ra, cảm thấy
trong nỗi im lặng của sự chết toàn diện. Lần con người thật chết cùng
buổi tận diệt quê hương.
Ðấy là tiếng nổ im lặng của chiếc AC119 Hỏa Long của Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành (do sau nầy tìm biết) bốc cháy trên nền trời Tân Sơn Nhất do trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 của quân đoàn cộng sản đang áp sát Sài Gòn, sáng 29 tháng 4, 1975.
Ðấy là tiếng súng tay khô nỏ nổ giữa ầm vang Sài Gòn hấp hối sáng qua trưa 30 Tháng 4. Anh nghe ra từ người mặc quân phục ngã xuống trước Tượng Ðài Thủy Quân Lục Chiến khi di chuyển từ trụ sở Hạ Viện băng qua thương Xá Eden để theo dõi đám thanh niên cầm cờ đỏ hướng dẫn đơn vị lính cộng sản nhớn nhác chiếm Tòa Ðô Chánh cửa đóng kín, không lính gác.
Trung tá Long tự sát ngày 30 tháng 4, 1975
Ðấy là âm động quả lựu đạn bật kíp giữa toán lính nhảy dù do Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái chỉ huy đi từ Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa theo đường Tô Hiến Thành, ra Ðường Tổng Ðốc Phương xong đến Ngã Bảy thì quay thành vòng tròn, đưa súng lên trời hô lên tiếng tuyệt vọng trung nghĩa hùng vĩ… Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm! trước khi ngã xuống trên vũng máu.
Nhưng cảnh chết không hề chấm dứt cùng lần với ngày 30 tháng 4, 1975. Chết mở rộng ra khắp cùng miền Nam, hiện thực tại nhiều tình huống, áp dụng cho nhiều giới người… Từ đứa bé vừa qua 10 tuổi, cha đi tù cải tạo, cùng mẹ đi buôn củi theo đường xe lửa Long Khánh-Sài gòn. Do cảnh sát kinh tế trong mục tiêu thực hiện chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa, đã quyết liệt thanh trừng bọn buôn lậu, móc ngoặc phá hoại nền sản xuất lớn tiến lên chủ nghĩa xã hội tiên tiến… Ðứa bé phải lẩn trốn trên nóc toa xe lửa, nên khi xe vào Sài Gòn qua cầu Bình Triệu, bé đã bị thành cầu gạt xuống đường… Thân hình nhỏ bé tiếp bị một chuỗi bánh xe sắt của đoàn tầu dầm nát không nhìn ra nhân dạng.
Chết dăng dăng khắp miền Nam ở các trại Long Giao, Suối Máu, Tây Ninh, Sông Bé… Chết trùng trùng suốt miền Bắc từ “Cổng Trời” Quyết Tiến Hà Giang xuống đến Phú Sơn 4, Trại 5 Lam Sơn Thanh Hóa, Trại 6 Nghệ Tỉnh… Anh hiểu đủ nghĩa, thấy rõ diễn tiến của sự chết từ tình cảnh của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ ở trại Thanh Cẩm. Và cuối cùng, cũng chính của bản thân trong thời gian một thân giữa bóng tối thăm thẳm trong khoản thời gian từ 1981 đến 1988… Tình cảnh khiến anh đã nhiều lần nói ra lời một cách bình thản, tự nhiên… Nếu chết được thì chắc cũng không khó khăn gì hơn anh ơi…
Ba.
Nhưng cuối cùng, Sự Chết vẫn còn nguyên phần vô cùng, vô tận để không
một ai có thể nói lên lời định nghĩa chính xác về nỗi bí ẩn chỉ một lần
trong đời, một thân chứng nghiệm. Tuy nhiên, kỳ diệu thay đã có những
người đứng vững, phục sinh từ sự chết khốc liệt kia. Những người sống
giữa chúng ta. Bài viết tiếp phần chứng minh với Alpha. Trong quy ước
truyền tin quân đội miền Nam “Chữ A” được các âm thoại viên những đơn vị
tác chiến đánh vần là “Anh Dũng” hay “Alpha.”
Tên anh bắt đầu với chữ A, nhưng dù không là cấp sĩ quan chỉ huy một đơn vị tác chiến nào, anh vẫn được Ngọc “đen,” Hải “bầu”, Út Khiết… những sĩ quan thuộc các đơn vị tác chiến Quân Lực VNCH ở tù chung với anh, gọi bằng ám danh kính trọng “Alpha.” Họ gọi anh như thế ở trại giam A20 Xuân Phước, họ tiếp tục gọi “Alpha” gần ba mươi năm sau khi ra khỏi chốn ngục tù. Và nay, dẫu anh đã thực sự đi vào chốn miên viễn vô cùng của Sự Chết – Cảnh huống mà họ và anh đã từng tranh đấu không khoan nhượng ở trại Xuân Phước A20, nơi mà trí nhớ con người hằng lưu giữ do tính kinh hoàng ác độc của chốn địa ngục trần gian.
Lẽ tất nhiên không ai trong số những người tù kiệt liệt năm xưa ấy
lấy năm tháng đau thương phẫn hận nơi chốn ngục tù cộng sản kia là một
thành tích. Càng không gợi nhớ lại để kích động thù hận, yêu cầu báo
oán. Không phải thế, hôm nay nhắc lại chuyện ngục tù (lại là cảnh huống
ngục tù đồng nghĩa với cái chết) không mục đích gì hơn tôn vinh giá trị
vĩnh cửu Sự Sống và những Con Người đã Vượt Sống từ Cái Chết một cách
vinh dự rất đáng tự hào.
Với Alpha, một biểu tượng chiến đấu không lay chuyển.
Ngày 29 tháng 4, 1984, Alpha chuyển sang xà lim số 6 trại A20 ở chung với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, linh hồn của một vụ nổi dậy do ngài và người em chủ trương năm 1976. Ðây cũng là ngày đánh dấu ba năm anh bị cùm hai chân, có giai đoạn cả hai tay trong xà lim số 5.
Phải nói anh bị gông thì chính xác hơn. Chỉ khác những tội phạm thời phong kiến, người tù dưới chế độ cộng sản không phải bị gông cổ, cũng khác với thời phong kiến, công an cộng sản ngày nay cùm đồng bào người Việt bằng vòng cùm sắt. Cùm cả hai tay lẫn hai chân.
Linh mục Nguyễn Văn Vàng
Cần phải phải nhắc lại rằng, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, một nhà giảng đạo
lỗi lạc của dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, sau khi bị lên án chung thân khổ
sai, và em ruột ngài là Linh Mục Hiệu bị xử tử, ngài bị lưu đày lên
trại A-20 Xuân Phước. Tại phòng giam số 6, dẫu là một Phật tử, mối liên
hệ giữa Alpha và Linh Mục Vàng trở nên gắn bó mật thiết. Sự mật thiết
với giới hạn cuối cùng của những con người cùng lần chạm tới biên giới
tử/sinh.
Sự Thật lớn nhất là Cái Chết khiến con người không còn sợ hãi. Người
vượt qua Nỗi Sợ. Người vượt qua Cái Chết. Cái chết chậm rãi, chắc chắn
có hình hình khối, có định lượng, được định vị, được kế hoạch hóa bởi hệ
thống cùm gồm bốn mức cùm dành cho một tù cải tạo khi vào phòng biệt
giam trại Xuân Phước:
Mức độ 1: Cùm một chân phải;
Mức độ 2: Cùm một chân trái;
Mức độ 3: Cùm hai chân;
Mức độ 4: Cùm hai chân lẫn hai tay.
Alpha là người tù đã một lần bị cùm qua mức độ 4 trong 8 tháng liên tiếp.
Nhưng cùm ở mức độ 4 chưa hẳn là biện pháp “cải tạo” cuối cùng… Anh bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn một nửa so với thành phần lao động bên ngoài, nghĩa là chỉ còn 150 grams cho mỗi bữa ăn gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày.
Ăn mặn mà uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Cho nên đói ăn lúc đó đã trở thành ít quan trọng hơn dù người tù kiên giam đang là con ma đói. Cái khát triền miên đã che lấp đi cái đói. Nếu muốn ăn được những lát sắn kia phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt độ mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì. Anh không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Thế nên chỉ còn cách nhịn ăn, nhưng do càng đói lả thì mồ hôi càng ra như tắm. Và cuối cùng tình trạng kiệt sức ắt sẽ xẩy ra với cái chết chắc chắn. Chết vì đói. Chết vì khát.
Linh Mục Nguyễn Văn Vàng ra tay giải cứu. Ngài nói: “Anh không thể nhịn ăn mãi như thế. Nếu Chúa che chở cho mình, thì dẫu bị phù cũng không chết. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn”. Alpha khước từ: “Bố (tất cả người tù miền Nam đều gọi các tu sĩ của các đạo giáo là bố) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu”. Ông cười: “Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được.”
Giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt. Vào tuần lễ thứ tư, như một phép lạ cuộc trừng phạt tự nhiên chấm dứt với viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Cuối tháng 11, cả hai được mở cùm cho ra đi tắm. Lần được tắm đầu tiên sau ba năm biệt giam.
Nhưng khi hai người ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim vì trời vào Ðông vùng miền núi miền Trung gờn gợn rét sắc. Cha Vàng run bần bật vì gió lạnh do chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù. Alpha cởi chiếc áo trấn thủ tự chế bằng tấm chăn trước khi đến trại nầy thay thế chiếc áo len mỏng của cha. Cả hai ngồi vào chỗ kín gió xong trở lại phòng biệt giam với chiến lợi phẩm là 10 viên B1 và hai bi thuốc lào do các bạn tù nơi trại nhà bếp và ông L.S, tỷ phú người Hoa đi tù do bị nhà nước đánh tư bản sau 1975 cung cấp.
Vào đến xà lim, hai người đồng thấy ra điều thất vọng: Lửa ở đâu mà hút thuốc lào! Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Ông giảng giải: “Nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đời sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa.” Cha Vàng kết luận: “Chỉ cần một thanh vỏ tre và miếng vải áo mục sẽ tạo ra lửa,” Alpha tạo kế xin từ nhà bếp một thanh tre để cạo lưỡi, và Linh Mục Vàng xé mảnh áo làm con cúi chuẩn tạo nên lửa để hút thuốc lào trong một dịp trọng đại.
Noel năm 1984, Alpha và Cha Vàng thay phiên nhau kéo thanh tre xuyên qua lỗ chiếc dép lốp, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” xẩy đến. Ðầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra…
Trang sử của mấy chục ngàn năm trước của loài người được lật lại. Cha Vàng tiếp tục thổi nhẹ để nuôi dưỡng ngọn lửa. Và khi đã ngủi thấy mùi khét của vải, ngài thổi hơi mạnh. Ngọn than hồng lan rộng ra hơn và cuối cùng chỉ cần một hơi nhẹ, ngọn lửa bùng lên. Vị tu sĩ nhìn con cúi vải có than hồng giống như một điếu thuốc lá mới được đốt lên. Ngài cười vang: “Mình thắng.” Ngài lục trong tay nải một miếng giấy châm vào cúi vải, ngọn lửa lan sang đóm giấy. Xong, cha nắm chặt tay tôi giơ lên cao như một võ sĩ được trọng tài nắm tay giơ cao sau khi đấm địch thủ do ván.
Hai người ngồi nghỉ một lát, sau đó Cha Vàng nói: “Chúng ta đã học xong bài học lúc bố đã ngoài 50, còn con đã 33 tuổi. Nhưng tự bố, bố thấy chúng ta xứng đáng với bài học ấy. Ðó là kiên trì đạt mục tiêu trong hoàn cảnh khó khăn nhất.”
Ðúng vào tối 24 tháng 12, 1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, hai người đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và miệng ngậm búng nước. Vào đúng lúc nửa đêm, cả hai đều cảm nhận được thánh lễ Giáng Sinh thực sự đang trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách nhà giam xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá u tịch.
Bốn.
Tháng 4 năm 1985, Cha Vàng lâm bệnh vào lúc sức khỏe của ngài đã quá
yếu. Có lẽ ngài đã kiệt sức, sốt cao rồi đi vào hôn mê. Alpha đập cửa
kêu cấp cứu suốt ngày, nhưng lúc tên trực trại chịu mở cửa để cho một y
sĩ vào khám bệnh, thì mọi việc có vẻ quá muộn. Hai viên trụ sinh không
đủ khả năng làm Cha Vàng tỉnh lại. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng qua đời
trong xà lim số 6. Trước đó, dù yếu và bệnh, ngài đã bàn với Alpha là
làm sao có được Bánh Thánh để ngài làm lễ nửa đêm trong Noel 1985 mà con
chiên duy nhất trước ngài lúc đó lại là một Phật tử. Nhưng mơ ước của
ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để
mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng
sóng đỏ.
Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của Alpha cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.
Viết để nhớ
Ngày Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014
Ngày Alpha về trời như lửa hằng sống.
Phan Nhật Nam