Tham Khảo
BẢN CHẤT TƯ CỦA HỘI ĐOÀN DÂN SỰ
Phạm Quang Huy
19-10-2016
“Hội đoàn dân sự” (HĐDS) và “Xã hội dân sự” (XHDS) là những khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam gần đây. Kể từ “Đổi Mới”, tại Việt Nam, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) vào hoạt động xóa đói giảm nghèo, nở rộ hoạt động của các đoàn hội dân sự tư nhân là một đối tượng cần nghiên cứu về khía cạnh pháp lý. Tiếp đến, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc đảm bảo các cam kết về XHDS được thực thi và truyền tải vào hoạt động lập pháp cần được nghiêm túc nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt là vị trí của HĐDS trong dự thảo Luật về Hội…
1. Khái niệm “Hội đoàn dân sự”
1.1. Quan điểm Hoa Kỳ
Để hiểu khái niệm “hội đoàn dân sự” (civil/civic associations/organization), ta cần tìm hiểu khái niệm XHDS theo cách nhìn của người Mỹ. Theo đó, xuất phát từ quan điểm về chính quyền của John Locke “…hễ khi nào có một lượng người hợp nhất trong một xã hội, với tính cách là mỗi người rút khỏi quyền thực thi luật tự nhiên của mình và trao quyền lực đó cho cộng đồng, thi khi đó –và chỉ khi đó, nó là một xã hội chính trị, tức là một xã hội dân sự”1, XHDS là “các yếu tố như tự do ngôn luận, tư pháp độc lập, vv, tạo nên một xã hội dân chủ”và “tổng hợp các tổ chức và định chế phi chính phủ thể hiện quyền lợi và ý chí của công dân; các cá nhân và tổ chức trong một xã hội mà độc lập với chính phủ”2; . Ví dụ, điển hình “Nước Mỹ vốn là một đất nước của các hội tự nguyện”3, theo đó, câu “Hãy đăng ký gia nhập một hội nào đi!”4 là lời khuyên của người Mỹ đối với hoạt động công cộng tại địa phương. Nguồn gốc của câu chuyện này đã được Alexis de Tocqueville chỉ ra rất rõ ràng “Những người Mỹ, bất luận lứa tuổi bao nhiêu, hoàn cảnh và địa vị xã hội thế nào, đều tham gia không mệt mỏi vào các hội. Khỏi nói đến các hội thương mại và kỹ nghệ là những đoàn thể mà hết thảy ai ai cũng là đoàn viên cả, bên cạnh đó còn cả nghìn hội khác, nào là tôn giáo, đạo đức, rất nghiêm túc hoặc rất thô sơ về ý nghĩa, mức độ rất bao trùm hoặc rất hẹp, quy mô khổng lồ hoặc rất nhỏ…Nếu ở bên Pháp, người ta thấy ở bất kỳ một hoạt động nào đều có một cơ quan chính phủ đứng ra chỉ đạo, và ở bên Anh, khu vực nào cũng có một vị trưởng quan, thì tại nước Mỹ, ở bất cứ vị trí tương tự nào như vậy đều có một hội”5 (trong trích đoạn nêu trên, dịch giả Anh ngữ dùng từ “civil associations”để chỉ những hội này).
Hội đoàn dân sự (HĐDS) bao hàm các nhóm lợi ích (interest groups) – “…là một cơ cấu có tổ chức của công dân, những người có chung mục tiêu và muốn gây ảnh hưởng tới chính sách công”6, mà theo họ “Dấu hiệu của một xã hội dân chủ là xã hội đó cho phép công dân hình thành các nguồn lực chính trị thay thế mà có thể huy động khi cho rằng các chủ thể kinh tế tư nhân hoặc các quan chức chính phủ đã vi phạm lợi ích của họ. Theo hướng đó, các nhóm lợi ích có tổ chức đóng vai trò cơ bản; họ giúp công dân sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực họ có: bỏ phiếu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và kiện tụng”7. Theo đó, các nhóm lợi ích phục vụ như một lực lượng trung gian giữa cá nhân cô thế và chính phủ thường rộng lớn và xa mù mịt đối với người dân8. Các nhóm lợi ích tại Mỹ được ghi nhận về việc lobby về chính sách lập pháp của Quốc hội9. Vì vậy, Ngân hàng thế giới cũng cảnh báo “Không phải mọi tổ chức của xã hội công dân đều có tinh thần trách nhiệm đầy đủ, hoặc là với những thành viên riêng của họ hoặc là với công chúng nói riêng”10.
1.2. Quan điểm của một số nước chuyển đổi
Tại Ba Lan, đối với XHDS, ngoài lịch sử “Công đoàn Đoàn kết”(Solidarity) rất nổi tiếng thì “…vị trí của nhà thờ Cơ đốc giáo có vị trí độc đáo trong thể chế xã hội chủ nghĩa”11 với vị thế tổ chức tôn giáo vừa chính thức nhưng Đảng Cộng sản Ba Lan không phải lúc nào cũng kiểm soát hoàn toàn. Hiện nay, XHDS tại Ba Lan đang chuyển hóa dần và tiệm cận với các khái niệm của phương Tây, “Các chính phủ hậu Công đoàn Đoàn kết có tầm nhìn gần với mô hình phương Tây, trong đó, vai trò của nhà nước giảm đi đáng kể”12.
Tương tự, tại các nước chuyển đổi thể chế chính trị khác như Nga, Ukraine, XHDS “là xã hội, trong đó các tổ chức khác nhau của công dân (đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm) thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức công dân của mình”13 và “là toàn bộ một hệ thống các nhóm trung gian tự tổ chức”14 gồm 04 đặc điểm (1) tương đối không phụ thuộc vào cơ quan chính quyền nhà nước; (2) có khả năng lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động tập thể để bảo vệ và đạt được những quyền lợi và nguyện vọng của mình; (3) không có ý định thay thế các cơ cấu nhà nước hoặc tiếp nhận về mình các chức năng quản lý chính trị nói chung; (4) chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ các quy định dân sự hoặc pháp luật hiện hành15. HĐDS được định nghĩa là “Một tổ chức chính thức của dân địa phương phục vụ lợi ích công cộng. Các tổ chức như vậy có thể thuần túy địa phương như hội phụ huynh học sinh hoặc hội quốc gia như tổ chức thiện nguyện Rotary, Liên đoàn nữ cử tri”16.
1.3. Một số quan điểm Việt Nam:
Bàn về hệ thống chính trị ở các nước tư bản, tác giả Hồ Văn Thông cho rằng “Nhóm lợi ích là tất cả những nhóm người vì một lợi ích chung mà hình thành”và “Trong một xã hội dân chủ thì nhân dân được phép lập hội, nhóm để tác động, can thiệp vào quá trình chính trị”17. Cũng tác giả này nhận định “Sự ra đời và phát triển của các chính đảng có liên quan chặt chẽ đến ba khái niệm cơ bản: quyền tồn tại của các nhóm khác nhau trong xã hội, quyền của các nhóm được kiểm soát và chi phối lãnh đạo, hạn chế quyền của phái đa số cầm quyền”18. Trong một khía cạnh nào đó, hội đoàn dân sự là nơi gặp gỡ của những người có cùng sở thích, chí hướng.
Từ nhận định “Một cách khái quát không thể phủ nhận được với XHDS đó là một bước tiến của loài người trong tổ chức của cộng đồng, bên cạnh sự tiến bộ của các thiết chế nhà nước ngày càng hợp lý…”19, nhóm tác giả Vũ Duy Phú cho rằng các bộ phận, nhân tố của XHDS gồm các tổ chức xã hội có tính đại diện giới, ở Việt Nam còn gọi là các tổ chức quần chúng hay tổ chức chính trị xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ…); các tổ chức xã hội có tính đại diện nghề nghiệp, ngành lĩnh vực (các Hội và Liên hiệp Hội thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Hội nghề nghiệp…), ở Việt Nam gọi là các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp hay là các tổ chức xã hội nghề nghiệp; các tổ chức phi chính phủ (NGO); các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài nhà nước; các tổ chức từ thiện của tôn giáo, tổ chức tín ngưỡng…20
2. Lược sử Hội đoàn dân sự tại Việt Nam
Hội kín Nguyễn An Ninh và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội
Tại Việt Nam, thiết chế tương tự như XHDS, hội đoàn dân sự theo cách hiểu của phương Tây không hẳn tồn tại. Trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (1930), vụ án “hội kín Nguyễn An Ninh” là vụ việc chính trị gây chú ý lớn nhất. Theo Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, trong phiên tranh tụng tại Tòa án Sài Gòn (8/5/1929), mặc dù Thẩm phán và Biện lý không thể đưa ra bằng chứng về việc Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh thành lập các hội kín nhưng Tòa vẫn xử Nguyễn An Ninh “3 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân, 1000 quan tiền phạt, về tội chủ mưu lập hội kín…”21. Sự thật thì, theo chúng tôi, “hội kín Nguyễn An Ninh” chính là những bằng hữu xa gần đồng chí hướng, không hề có tổ chức cơ cấu phục vụ hoạt động của hội (ngay bản thân phiên tòa kể trên cũng không đưa ra bằng chứng về chủ hội, hội viên…).
Trước đó, như chúng ta đã biết, vào tháng 12 năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại Quảng Châu như là “cuộc hội ngộ của lịch sử…giữa người đang khao khát đi tìm lực lượng để “gieo mầm cộng sản” và một tổ chức của những thanh niên yêu nước Việt Nam đang sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ nhất, tích cực nhất vào chương trình hành động của mình”22.
Hiến văn Việt Nam ghi nhận về lập hội
Điều 10 Hiến pháp Việt Nam 1946 ghi nhận “Công dân Việt Nam có quyền…tự do tổ chức và hội họp”23. Bình luận về điều khoản này, Ngô Văn Thâu cho rằng “Làm chủ nhân ông, người dân nước ta, từ đây có địa vị công dân với những quyền và nghĩa vụ cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp 1946”và “Trên thực tế, ngay sau Tổng khởi nghĩa, nhân dân ta đã sử dụng các quyền trên đây”24.
Tại miền Nam trước năm 1975, bình luận Khoản 1 Điều 13 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 (Mọi công dân đều có quyền tự hội họp và lập hội trong phạm vi luật định), Trương Tiến Đạt nhận định “…Theo sự trình bày của Ủy ban Thảo hiến, điều 13 này quy định về các quyền có tính cách chính trị. Tuy nhiên, quyền tự do lập hội, tự do hội họp là những quyền không nhất thiết nằm trong lĩnh vực chính trị. Các hội nói ở đây có thể là những hội văn hóa, ái hữu, tương tế, cứu tế, thể dục hoặc những hội có tính cách kinh tế, thương mại gọi là các công ty…”25. Tương tự, Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đối với luật về hội, chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể dưới đây.
Vai trò của hội đoàn tại Việt Nam
Nhóm tác giả Thang Văn Phúc đánh giá về vai trò của các hội quần chúng trong đổi mới và phát triển đất nước “Trong những năm đổi mới vừa qua, các hội quần chúng của Việt Nam phát triển rất nhanh về số lượng và phong phú về các lĩnh vực hoạt động. Các tổ chức hội ở Việt Nam hôm nay chứa đựng những truyền thống của các hội quần chúng có từ ngàn xưa của dân tộc ta, nhưng bên cạnh đó cũng đã xuất hiện thêm nhiều đặc điểm mới của thời đại ”26 và “Đóng góp của các hội trong thời gian qua là quan trọng và to lớn. Nó góp phần không nhỏ vào sự thành công của đổi mới. Các hoạt động tích cực của nó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, đối ngoại, nhân đạo, thể thao…”27. Mặc dù, khái niệm “hội quần chúng”của nhóm tác giả này bao hàm các hội được nhà nước thừa nhận và hỗ trợ nhưng đánh giá vai trò của hội quần chúng giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về XHDS.
Bảng 1. Các văn bản của Nhà nước và Đảng về hội
STT |
Trích yếu |
Nơi ban hành |
Ngày ban hành |
I | Văn bản của Nhà nước | ||
1 | Luật số 101-SL/L.003 quy định quyền tự do hội họp | Chủ tịch Nước | 20/5/1957 |
2 |
Nghị định số 257-TTg quy định chi tiết thi hành Luật số 101- SL/L.003 quy định quyền tự do hội họp | Thủ tướng
Chính phủ |
14/6/1957 |
3 | Luật số 102/SL/004 quy định quyền lập hội | Chủ tịch Nước | 20/5/1957 |
4 |
Nghị định số 258/TTg quy định chi tiết thi hành Luật số
102/SL/004 quy định quyền lập hội |
Thủ tướng
Chính phủ |
14/6/1957 |
5 |
Chỉ thị số 01/CT về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng | Hội đồng Bộ
trưởng |
05/01/1989 |
6 |
Hướng dẫn số 07/TCCP thi hành Chỉ thị số 01/CT về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng | Ban tổ chức của Chính phủ |
06/01/1989 |
7 |
Chỉ thị số 202/CT về việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc lập hội | Hội đồng Bộ
trưởng |
05/6/1990 |
8 |
Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế
quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài |
Chính phủ |
26/4/2001 |
9 |
Thông tư số 04/2001/TT-BKH hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài |
Bộ Kế hoạch |
05/6/2001 |
10 |
Thông tư số 199/TCCP hướng dẫn phụ cấp chức vụ lãnh đạo, chuyên trách của hội | Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ |
06/5/1994 |
11 |
Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội |
Chính phủ |
21/04/2010 |
(*) |
Văn bản số thứ tự 1 trên đây (Luật quy định quyền tự do hội họp năm 1957) quy định “Quyền tự do hội họp của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp”(Điều 1) gồm 10 Điều về hội họp. Theo tác giả, văn bản này không thuộc phạm vi các quy định về hội. Tương tự đối với văn bản số 2. | ||
II | Văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam | ||
1 |
Nghị quyết số 05-NQ/TW đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới |
Bộ Chính trị |
28/11/1987 |
2 |
Chỉ thị số 51-CT/TW về việc giúp đỡ Hội người mù Việt
Nam |
Ban chấp hành
Trung ương |
12/4/1989 |
3 |
Chỉ thị số 61-CT/TW về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học –nghệ thuật hiện nay | Ban chấp hành
Trung ương |
21/6/1990 |
4 |
Thông báo ý kiến của Ban Bí thư số 26 về việc củng cố Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật |
Ban bí thư |
16/9/1992 |
5 |
Chỉ thị số 27/CT-TW về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam | Ban chấp hành
Trung ương |
27/7/1993 |
6 |
Thông báo ý kiến của Ban Bí thư số 125-CT/TW về tổ chức các hội ngành nghề Hiệp hội công thương |
Ban Bí thư |
24/8/1995 |
7 |
Chỉ thị số 59-CT/TW về chăm sóc người cao tuổi | Ban chấp hành
Trung ương |
27/9/1995 |
8 |
Thông tri số 01/TT-TW về việc tăng cường lãnh đạo Hội chữ
thập đỏ Việt Nam |
Ban chấp hành
Trung ương |
20/9/1996 |
9 |
Chỉ thị số 42 CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng |
Ban chấp hành
Trung ương |
06/10/1998 |
10 |
Chỉ thị số 45-CT/TW về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam | Ban chấp hành
Trung ương |
28/11/1987 |
11 |
Chỉ thì số 05-NQ/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội khuyến học Việt Nam | Ban chấp hành
Trung ương |
24/8/1999 |
12 |
Chỉ thị số 56-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác của Hội luật gia Việt Nam |
Bộ chính trị |
18/8/2000 |
Nguồn: Thang Văn Phúc (chủ biên), Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Quốc Tuấn (2002), Vai trò của Hội trong Đổi mới và Phát triển đất nước, NXB Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, tr 184 –312; và cập nhật của tác giả.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn
Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường (Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và
Chính sách (VEPR) ước lượng cộng gộp tổng chi phí cho các tổ chức quần
chúng công (QCC) hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương
đương 1-1,7% GDP của cả nước… trong khi hiệu quả hoạt động của nhiều
tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp28 29. Nhóm
tác giả này đặc biệt nhấn mạnh sự bao trùm và khổng lồ của hệ thống
khách sạn/nhà nghỉ Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam)
30.
Góc nhìn quốc tế về XHDS tại Việt Nam
Nhà nghiên cứu Việt Nam Carlyle A. Thayer nhận định với việc áp dụng chính sách đổi mới trong năm thập niên 1980, xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi bao gồm cả quan hệ nhà nước-xã hội. Khi Việt Nam mở cửa với thế giới bên ngoài, các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan viện trợ của chính phủ, cũng như các NGO quốc tế vội vã hỗ trợ Việt Nam bằng cách áp dụng mô hình của họ cho phát triển. Những mô hình kết hợp quan điểm cho rằng việc hỗ trợ các tổ chức NGO đối tác nội địa là cách tốt nhất để kiến tạo không gian cho các hoạt động XHDS trong thể chế Việt Nam31.
Theo quan sát của Hai Hong Nguyen, trong tháng 5 năm 2013, một nhóm gồm 20 tổ chức chính trị xã hội đã thuyết phục Quốc hội Việt Nam hoãn thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bằng cách trình bày các khuyến nghị độc lập dựa trên tham vấn cộng đồng32
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài
Các tổ chức phi chính phủ đã hoạt động ở Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ sau hiệp định Geneve năm 1954 và trong thời kỳ chiến tranh tại miền Nam. Từ sau năm 1975, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ Việt Nam thống nhất hàn gắn vết thương chiến tranh, cứu trợ cho những vùng thiên tai, giúp đỡ người khuyết tật…Bắt đầu từ khi “đổi mới”, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam tăng mạnh, chú trọng vào hoạt động xóa đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS, tăng cường năng lực y tế cho Việt Nam33. Nhóm tác giả này cũng nhận định “Các tổ chức phi chính phủ không đại diện cho chính phủ mà thay mặt cho nhân dân và các tổ chức xã hội nước họ để giúp nhân dân ta. Vì thế có thên gọi tổ chức phi chính phủ. Họ làm việc trên tinh thần tự nguyện nên người ta cũng gọi họ là tổ chức không vụ lợi”34. Trong công trình nghiên cứu này, nhóm tác giả đã cung cấp số liệu chi tiết các Chương trình giáo dục và phục hồi dinh dưỡng ở huyện Quảng Xương (1991-1995) của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ, Chương trình lương thực cho lao động của Oxfam Bỉ trong lĩnh vực thủy lợi…35. Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) có xu hướng hỗ trợ Việt Nam hoạt động xóa đói giảm nghèo36.
Qua nghiên cứu của mình, nhóm tác giả William Taylor, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Quang Tú,. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết cho thấy sự lớn mạnh của các tổ chức XHDS tại Thành phố Hồ Chí Minh so với Hà Nội.
Bảng 2. Tự nhận diện tổ chức XHDS
Loại hình | Số lượng | |
Hà Nội | Tp Hồ Chí
Minh |
|
Viện nghiên cứu | 6 | 6 |
Tổ chức khoa học và công nghệ |
10 |
2 |
NGO | 28 | 12 |
Nhóm tình nguyện | 4 | 10 |
Doanh nghiệp xã hội | 0 | 3 |
Khác | 20 | 17 |
Tổng cộng | 50 | 50 |
Nguồn: William Taylor, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Quang Tú,. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Civil Society in Vietnam: A Comparative Study of Civil Society Organizations in Hanoi and Ho Chi Minh City, The Asia Foundation, HANOI, OCTOBER 201237.
Trong bối cảnh chuyến thăm Việt Nam nhiều xúc cảm và đầy cảm hứng của Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama38, nỗ lực kích thích đam mê cống hiến của giới trẻ Việt nam trong phát biểu tại Sài Gòn/Thành phố Hồ Chí Minh, sự cổ vũ cho một tinh thần XHDS khai minh ở các nước tham gia TPP như Việt Nam là một ước vọng không chỉ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barrack Obama.
Trong bối cảnh như vậy, tương tự nội dung về XHDS, quan điểm về kinh tế phi thị trường, sau khi gia nhập thực sự TPP, sẽ có sự thay đổi đáng kể về nội hàm 39.
3. Bản chất tư của hội đoàn dân sự
Cần nhớ rằng, xét trên bình diện lịch sử, một số dịch vụ công cộng như giáo dục và y tế đã được khu vực tư nhân cung cấp trước khi nhà nước giữ một vai trò quan trọng đối với các dịch vụ công này vào thế kỷ XX40. Chính vì vậy, theo quan điểm của phương Tây, XHDS là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên đời sống xã hội và có vai trò to lớn bảo vệ tự do của cá nhân trong xã hội. Việc thành lập, tham gia các hội đoàn dân sự là một phần của quyền tự do lập hội đã được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam 2012. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng ban hành Luật về Hội nhằm đảm bảo khung pháp lý cho việc thành lập và tham gia hội đoàn dân sự của người dân. Nội dung của luật cần thể hiện rõ việc thành lập các hội trên cơ sở ý chí tự nguyện của các thành viên của hội, không liên quan đến các hoạt động của cơ quan nhà nước, công khai, minh bạch nguồn vận động tài trợ, kiến nghị cụ thể tại Mục 4 dưới đây.
Tại Hoa Kỳ, thời lập quốc, James Madison đã kết luận tất cả các nội dung “kiểm soát và đối trọng”(checks and balances) quy định tại Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm phục vụ bảo tồn tự do bằng cách đảm bảo công lý. James Madison giải thích, “Tòa án là điểm dừng của chính phủ. Đólà điểm dừng của xã hội dân sự”41. Về chủ đề này, James Madison cũng viết rõ “do những nguyên nhân tiềm ẩn gieo trong bản chất của con người; và chúng tôi nhìn thấy chúng ở khắp mọi nơi ở mức độ khác nhau của hoạt
động, tùy theo hoàn cảnh khác nhau của xã hội dân sự. Một ý kiến nhiệt tình khác liên quan đến tôn giáo, chính phủ, và nhiều quan điểm khác, trong suy luận cũng như trên thực tế; tham vọng tính ưu việt và quyền lực gắn kết với các nhà lãnh đạo khác nhau; hoặc để đam mê của con người, đã, đến lượt nó, phân chia nhân loại thành các bên, đốt cháy họ trong tình trạng thù địch lẫn nhau, và khiến cho họ tranh cãi và đàn áp nhau nhiều hơn là hợp tác với nhau vì lợi ích chung của họ”42.
Theo nhóm tác giả Ukraine, khi hội đoàn dân sự có cương lĩnh chính trị, cơ cấu tổ chức rõ rệt, chúng có thể trở thành các đảng chính trị theo thiên hướng “Sự hình thành cơ cấu của các đảng chính trị diễn ra khi tổ chức đảng được xây dựng trên nền tảng xã hội dân sự đang tồn tại có tổ chức”43.
Tocqueville phân biệt bản chất công cộng giữa hội chính trị với bản chất tư của các hội đoàn dân sự, cụ thể: “Các HĐDS tạo tiền đề cho hội đoàn chính trị, mặt khác, hội chính trị phát triển và cải thiện các HĐDS theo một số phương thức khác thường”44. Ông diễn giải rõ hơn về sự khác biệt giữa đời sống chính trị và dân sự “Trong đời sống dân sự, mọi người có thể thoải mái nói về điều họ muốn; trong chính trị, người ta không thể làm vậy… Theo đó, chính trị khiến tình yêu và sự thực hành hoạt động hội đòan ở mức độ tổng quát; nó truyền đạt ước muốn kết đoàn và truyền dạy các kỹ năng để làm vậy cho đám đông thường sống trong cô lập”45. Xét ở khía cạnh khác, Lipset nhận định “Các hiệp hội tư nhân là cội nguồn của những giới hạn của chính phủ cũng như là các kênh chính phục vụ nhân dân trong chính trị. Tóm lại, HĐDS là những cơ chế để kiến tạo và duy trì sự đồng thuận cho một xã hội dân chủ”46.
Hộp 3. Thành lập Hội Luật Quốc tế Việt Nam | ||
Ngày 25/8/2014,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 2487/QĐ-BNG công nhận Ban
vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam. Sau một thời gian hoàn
thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực
của đông đảo các luật gia, luật sư… hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc
tế. Ngày 20/6/2016. Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ
cho phép thành lập.
Sáng 17/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Society International Law, viết tắt VSIL), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Sau phiên khai mạc, Đại hội đã thảo luận về nhiều chủ đề, gồm có: tư cách hội viên, hội phí (không quy định mức tối thiểu; quy định mức tối thiểu 300.000 đồng), sự tham gia của Nhà nước đối với quản lý hội… của các đại biểu tham gia như LS.TS Hoàng Ngọc Giao, LS Lê Nết, Giảng viên Phạm Đức Bảo… Đại hội đã tiến hành thông qua Quy chế của Hội, bầu đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành và Ban kiểm soát của Hội cũng như thông qua phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới. Nhiều báo, đài trong nước đã đưa tin về Đại hội (VOV, Hà Nội Mới, Công an nhân dân… ). |
||
Nguồn: Nguyễn Hùng, VOV.VN, “Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam”, xem http://vov.vn/chinh-tri/dai-hoi-thanh-lap-hoi-luat-quoc-te-viet-nam-551220.vov; website của Hội Luật quốc tế http://hoiluatquocte.org.vn/và ghi nhận của tác giả tại Đại hội ngày 17/9/2016. |
Bên cạnh đó, tác giả cho rằng Diễn đàn Autofun (https://www.otofun.net/forums/), xét về lý luận, là một dạng hội đoàn dân sự, nơi tập trung các thành viên có cùng sở thích về ô tô, chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm liên quan đến ô tô và việc lái xe ở Việt Nam. Các video clip do thành viên diễn đàn này chia sẻ có số lượng tải về lớn, đặc biệt là những vụ việc được báo chí quan tâm. Tương tự, với mục đích từ thiện cho các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lai Châu) và “Tạo dựng một môi trường giao lưu, học hỏi và trải nghiệm giành cho các thành viên và cộng tác viên, giúp mọi người có thể tự thay đổi bản thân mình”, Câu lạc bộ tình nguyện An Phong (http://anphong.org.vn/) được thành lập và chủ động tự triển khai các dự án trồng đỗ nương tại các tỉnh này, góp phần tạo sinh kế cho bà con dân tộc nghèo. Hàng năm, Câu lạc bộ tình nguyện An Phong đều tuyển các thành viên tình nguyện để triển khai các dự án của mình47.
Trong bối cảnh bản chất tư nhân mạnh mẽ của HĐDS, tôi đồng ý với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Đăng Dung và tác giả Nguyễn Đăng Duy, Điều lệ Hội là một dạng hợp đồng48 giữa các cá nhân/tổ chức (hội viên) gia nhập hội. Vì vậy, chính phủ, với vai trò kiến tạo phát triển (xem kiến nghị tại Mục 4 dưới đây), cần tôn trọng và không can thiệp vào các nội dung chi tiết của phân loại hợp đồng này.
4. Một số kiến nghị liên quan Dự thảo Luật về Hội
4.1. So sánh Luật về HĐDS của Đài Loan, Ukraine với Dự thảo Luật về Hội của Việt Nam.
Đối chiếu Dự thảo Luật về Hội Việt Nam và Luật về HĐDS của Đài Loan, Ukraine, cụ thể theo bảng sau:
STT |
Nội dung |
Luật HĐDS Đài Loan (Civil Associations Act) |
Dự thảo Luật về Hội Việt Nam |
Luật HĐDS Ukraine (Law on Civic Associations in Ukraine) |
1 |
Tổng quan |
Gồm 67 Điều, 11
Chương, ban hành 12/5/2008, hiệu lực 23/11/2009 |
43 Điều, 7 Chương, dự thảo, chưa ban hành, chưa hiệu lực | 34 Điều, 6 Phần, ban hành ngày
16/06/1992 |
2 |
Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh. |
Các tổ chức và hoạt động
của các hiệp hội dân sự được thực hiện theo quy định của Đạo luật
này; trường hợp có những quy định đặc biệt trong các luật khác,
quy định đó sẽ được áp dụng
(Điều 1) |
1. Luật này quy định về lập hội; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội.
2. Luật này cũng áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. 3. Luật này không áp dụng đối với: a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam; |
b) Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn
giáo tại Việt Nam. (Điều 1) |
||||
3 |
Khái niệm |
Hội quy định tại Luật này
là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân, pháp nhân
Việt Nam cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy
định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động.
Hội bao gồm hội không đăng ký và hội có đăng ký. (Khoản 1 Điều 2) |
Một HĐDS là một liên minh
tự nguyện của công dân, được thành lập trên cơ sở lợi ích chung để thực
hiện c các quyền và tự do của công dân.
Theo Luật này, bất kỳ tổ chức dân sự không phân biệt tên của nó (phong trào của người dân, đại hội, hiệp hội, lực lượng và v.v) được coi là một đảng chính trị hay một HĐDS. Luật này không liên quan đến tôn giáo, hội hợp tác và hiệp hội dân sự với mục đích chung để đạt lợi nhuận, các quỹ thương mại, các cơ quan của chính quyền tự trị địa phương và khu vực (bao gồm cả Hội đồng và các ủy ban của cấp huyện, nhà, đường phố, khối, thôn, ủy ban giải quyết), hình thành tự nguyện, chẳng hạn như hội đồng ngũ, đội bảo an, các tổ chức công dân khác, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật tương ứng. Các hoạt động của tổ chức công đoàn được quy định bởi Luật Công đoàn Ukraine (Điều 1) Một tổ chức dân sự là một hiệp hội của người dân, được thành lập để đáp ứng và bảo vệ lợi ích xã hội, kinh tế, sáng tạo, tuổi tác, dân tộc, văn hóa, thể thao và các lợi ích chính đáng khác. (Điều 3) |
|
4 |
Hội viên |
Chương 3, từ Điều 13 đến Điều 16 quy định về hội/thành viên (Members) nhưng không định nghĩa. | Hội viên chính thức là cá
nhân, tổ chức tán thành điều lệ hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội
viên theo quy định của điều lệ hội, tự nguyện, có đơn xin gia nhập hội
(Khoản 1 Điều 18) |
Chỉ có công dân Ukraine ít nhất
18 tuổi có thể là thành viên của các đảng chính trị. Bất kỳ cá nhân ít nhất 14 tuổi có thể là một thành viên của bất kỳ HĐDS nào, trừ các tổ chức cho thanh thiếu niên. Tuổi của HĐ DS cho thanh thiếu niên quy định bởi điều lệ hội. HĐDS có thể không có hội viên cá nhân cố định. Các HĐDS có thể có các thành viên tập thể, nếu được quy định bởi Điều lệ Hội. (Điều 12) |
5 |
Nguồn |
Website Bộ Tư pháp Đài Loan http://law.moj.gov.tw/E ng/LawClass/LawAll.as px?PCode=D0050091 | Website của Quốc hội: | Website của Văn phòng Định chế Dân chủ và Nhân quyền thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), đặt tại Ba Lan, xem http://www.legislationline.org/do cuments/action/popup/id/7132 |
4.2. Các kiến nghị cụ thể
Thứ nhất, song song với việc ban hành Luật về Hội, để đảm bảo khung pháp lý cho việc bày tỏ ý kiến của XHDS, cần khẩn trương ban hành Luật về Biểu tình. Luật Biểu tình cần chứa đựng đầy đủ các nội dung để cá nhân, tổ chức XHDS bày tỏ ý kiến của mình trong trật tự và hòa bình. Hai dự luật cần sớm ban hành trong bối cảnh Quốc hội khóa XIV đi vào hoạt động sau bầu cử 22/5/2016. TPP, bằng cách này hay cách khác, sẽ thúc đẩy sớm hai dự luật này được thông qua. Theo dự đoán của tác giả, nếu sớm, Quốc hội mới sẽ thông qua vào cuối nhiệm kỳ (2021) hoặc sẽ tiếp tục được chuyển sang Quốc hội nhiệm kỳ kế tiếp. Tuy nhiên, như Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã dẫn câu tục ngữ hiện đại ‘Save the best for last’(Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối)49. Trong bối cảnh pháp lý không rõ ràng như hiện nay, các cá nhân/tổ chức sẽ không có hành lang pháp lý để thực hiện quyền biểu tình ôn hòa và lập hội của mình50.
Thứ hai, về khái niệm Hội quy định tại Khoản 1 Điều 2 Dự thảo “Hội quy định tại Luật này là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân, pháp nhân Việt Nam cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động”, theo chúng tôi nên sửa thành “công dân Việt Nam và pháp nhân hoạt động tại Việt Nam”vì không nên bỏ qua những tổ chức nổi tiếng và có thiện ý với Việt Nam muốn gia nhập hội.
Thứ ba, tôi đề nghị bỏ các quy định về Ban Kiểm tra Hội (Điều 23 Dự thảo và các điều khác), hoặc sửa đổi thành quy định tùy nghi vì việc thành lập Ban này là do Đại hội thành lập Hội quyết định và Điều lệ Hội quy định.
Thứ tư, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi xây dựng “Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”51 (tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 của Chính phủ), Dự thảo Luật về Hội phải phản ánh “Để các tổ chức đại diện độc lập hoạt động hiệu quả, nhà nước phải tôn trọng các quyền cá nhân của công dân, trong đó có quyền được thành lập các tổ chức đại diện cho lợi ích của mình”52. Theo đó, để các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả, Chính phủ việt Nam “cần tách bạch mối quan hệ giữa bộ máy nhà nước và các đoàn thể; để các tổ chức này giữ vai trò cần bằng và độc lập hơn”53.
Thứ năm, tổng quát, Luật về Hội phải đảm bảo được bản chất tư nhân của các HĐDS, tránh tình trạng “Công chức tham gia hội thì… “hòa cả làng”!”54 hoặc sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của hội (ngân sách, quy định về tổ chức, điều lệ… ).
Tóm lại, XHDS không phải là một khái niệm, xa vời, hàn lâm và vô hình, XHDS chính là khoảng không gian dành cho nhân dân biểu đạt, trình bày ý kiến. Người dân sẽ, bằng cách này hay cách khác, không thông qua XHDS thì sẽ thông qua các phương tiện khác để biểu đạt, trình bày ý kiến của mình với cách nhà nước điều hành hoạt động xã hội. Trong XHDS, HĐDS là các hội đoàn có tính cách tư nhân mạnh mẽ, nhằm biểu đạt ý kiến của các nhóm, giới khác nhau trong xã hội. Trong một bình diện nào đó, XHDS/HĐDS là tiếng nói đích thực của nhân dân trong phạm vi ngoài nhà nước. Nếu không trân trọng tiếng nói đích thực ấy, hậu quả xã hội sẽ khôn lường, không loại trừ hậu quả như cách nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Bài học lòng dân”khi Tổng Bí thư dẫn lại bài học lịch sử của các triều đại phong kiến để nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”- đó chính là sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh giành độc lập và trong xây dựng, phát triển đất nước55. Thêm vào đó, việc tuyên truyền, phổ biến về XHDS cần đúng đắn, không nên có yếu tố “chụp mũ”khi chưa nghiên cứu thấu đáo56.
_____
ThS, LS, Nghiên cứu viên độc lập, Trưởng Văn phòng luật sư Hàn Sĩ Huy
1 John Locke, Lê Tuấn Huy dịch và giới thiệu (2006), Khảo luận thứ hai về chính quyền: Chính quyền dân sự, NXB Tri thức, Hà Nội, Tr 127.
2 http://dictionary.reference.com/browse/civil-society accessed on 13/01/2016
3 Văn hóa và tính cách của người Mỹ (Chu Tiến Ánh, Phạm Khiêm Ích dịch cuốn Habits of the heart. Individualism and commitment in American life) (1991), Viện Thông tin Khoa học xã hội, NXB Khoa học Xã hội, Tr 114.
4 Văn hóa và tính cách của người Mỹ (1991), Sđd, Tr 115.
5 Alexis de Tocqueville, Democracy in America and two Essays on America (translated by Gerald E. Bevan with an Introduction and Notes by Isaac Kramnick), Penguin Books, pg 604.
6 R. Allen Hays, The Role of Interest Group, Democracy No.8, Office of International Information Programs, U.S Department of State, pp 5.
7 R. Allen Hays, The Role of Interest Group, Ibid, pp 5.
8 Dân chủ là gì, Cơ quan thông tin Hoa Kỳ, Tháng 10 năm 1991, Tr 27
9 Aaron Dusso, Legislation, Political context and Interest Group Behavior, Political Research Quaterly, April 2010, pp 55.
10 Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 139.
11 See Michal Buchowski, The shifting meanings of civil and civic society in Poland in Chris Hann and Elizabeth Dunn (editor) (1996), Civil society: Challenging of western model, Routledge, pp 86.
12 Chris Hann and Elizabeth Dunn (editor) (1996), Ibid, pp 93.
13 N.M Voskresenskaia, N.B.Davletshina, Phạm Nguyên Trường dịch (2008), Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội, NXB Tri thức, Hà Nội, Tr 242.
14 V.V. Meytus, V.Iu. Meytus, Huyền My, Phương Thảo, Tường Vy dịch, T.S Nguyễn Đức Thảo hiệu đính
(2010), Đảng chính trị – chiến lược và sự quản lý, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 88.
15 V.V. Meytus, V.Iu. Meytus, Huyền My, Phương Thảo, Tường Vy dịch, T.S Nguyễn Đức Thảo hiệu đính
(2010), Sđd, tr 89.
16 Jay M.Shafritz (1988), The Dorsey ‘s Dictionary of American Government and Potitics, Dorsey Press, Illinois
(USA), pp 99.
17 Hồ Văn Thông (1998), Hệ thống chính trị ở các nước tư bản phát triển hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr 125.
18 Hồ Văn Thông (1998), Sđd, tr 95.
19 Vũ Duy Phú (chủ biên), Đặng Ngọc Dinh, Trần Chí Đức, Nguyễn Vi Khải (2008). Xã Hội Dân Sự: Một số Vấn đề Chọn lọc, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr 29.
20 Vũ Duy Phú (chủ biên) (2008), sđd, tr 30, tr 31.
21 Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2014), Truyền thống Luật sư Việt Nam, NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, tr 267.
22 Phạm Xanh (1990), Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác –Lê nin ở Việt Nam (1921-1930, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, tr 111.
23 Nhiều tác giả (Vũ Mão chỉ đạo biên tập) (1998), Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr 393.
24 Ngô Văn Thâu, Sự phát triển của quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ Hiến pháp năm 1946, xem trong Nhiều tác giả (Vũ Mão chỉ đạo biên tập) (1998), tr 229, 230.
25 Trương Tiến Đạt (1967), Vũ Quốc Thông đề tựa, Hiến pháp chú thích –Các vấn đề chính trị trong hiến pháp –lý thuyết, các giải pháp, Không ghi nơi xuất bản, Sài Gòn, tr 119.
26 Thang Văn Phúc (chủ biên), Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Quốc Tuấn (2002), Vai trò của Hội trong Đổi mới và Phát triển đất nước, NXB Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, tr 182.
27 Thang Văn Phúc (chủ biên) (2002), Sđd, tr 183.
28 Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường (2015), Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công (QCC) ở Việt Nam, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr 80.
29 Xem thêm: Lê Thọ Bình, Viettimes 13/6/2016, Các đoàn thể quần chúng “ngốn”hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, http://viettimes.vn/viet-nam/thoi-su-chinh-tri/cac-doan-the-quan-chung-ngon-hang-chuc-ngan-ty-dong- moi-nam-61563.html, truy cập ngày 13/6/2016.
30 Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường (2015), Sđd, tr 80.
31 Carlyle A. Thayer, Vietnam and the Challenge of Political Civil Society, Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs, Volume 31, Number 1, April 2009, see http://muse.jhu.edu/journals/contemporary_southeast_asia_a_journal_of_international_and_strategic_affairs/v031/31.1.thayer.html
32 Hai Hong Nguyen, How Vietnam’s Burgeoning Civil Society Is Changing The Nation’s Political Landscape, East Asia Forum dated 16 October 2013, see http://www.economywatch.com/features/vietnam-civil-society- political-change.16-10.html
33 Nguyễn Văn Thanh (chủ biên), Mary Etherton, Nguyễn Thái Yên Hương, Lawrence Egan, Lady Borton, Neil Jamieson (1995), Tổ chức và hoạt động phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Tr.5.
34 Nguyễn Văn Thanh (chủ biên) (1995), Sđd, tr 5.
35 Nguyễn Văn Thanh (chủ biên) (1995), Sđd, tr 115, 117.
36 Xem thêm: Công ty Aduki (1996), Vấn đề nghèo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
37 William Taylor, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Quang Tú, Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Civil Society in Vietnam: A Comparative Study of Civil Society Organizations in Hanoi and Ho Chi Minh City, The Asia Foundation, HANOI, OCTOBER 2012, see https://asiafoundation.org/resources/pdfs/CivilSocietyReportFINALweb.pdf.
38 The White House, Office of the Press Secretary For Immediate Release, May 23, 2016, Joint Statement: Between the United States of America and the Socialist Republic of Vietnam see https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2016/05/23/joint-statement-between-united-states-america-and-socialist-republic, accessed on 25/5/2016.
39 K. WILLIAM WATSON, How Will the TPP Impact Vietnam’s “Nonmarket Economy” Designation?, see http://www.cato.org/blog/how-will-tpp-impact-vietnams-nonmarket-economy-designation accessed on 02/04/2015.
40 Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.75.
41 James Madison, The Federalist papers No 50 in Alexandre Hamilton, James Madison, John Jay (1964), The Federalist: A Commentary of the Constitution of the United States of America, The Modern Library, New York, USA, pp 334.
42 James Madison, The Federalist papers No 10 in Alexandre Hamilton, James Madison, John Jay (1964), The Federalist: A Commentary of the Constitution of the United States of America, The Modern Library, New York, USA, pp 134.
43 V.V. Meytus, V.Iu. Meytus, Huyền My, Phương Thảo, Tường Vy dịch, T.S Nguyễn Đức Thảo hiệu đính (2010), Đảng chính trị – chiến lược và sự quản lý, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 88.
44 Alexis de Tocqueville, Ibid, pp 604.
45 Alexis de Tocqueville, Ibid, pp 604, 605.
46 Lipset Seymour M. [1959], “Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy”. American Political Science Review. Vol. 53, No. 1 (Mar., 1959), pp. 69-105.
47 Tác giả phỏng vấn riêng Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện An Phong –Ông Nguyễn Gia Thìn.
48 Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Hội trong xã hội dân sự và Dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”, xem http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/hoi-trong-xa-hoi-dan-su-va-du-thao-luat-ve-hoi-o-viet-nam, truy cập ngày 11/9/2016.
49 Hùng Cường (tổng hợp), VOV 25/05/2016, Những câu nói ấn tượng của Tổng thống Obama ở Việt Nam, http://vov.vn/thegioi/nhung-cau-noi-an-tuong-cua-tong-thong-obama-o-viet-nam-513867.vov, truy cập ngày 26/5/2016.
50 Reuters Oct 2, 2016, “Vietnamese rally outside Taiwanese steel plant that spread toxic waste”, see http://www.reuters.com/article/us-formosa-vietnam-protest-idUSKCN1220BB, accessed on 02/10/2016.
51 Cù Xuân Trường, Báo Hà Nội Mới ngày 11/7/2016, “Nhà nước kiến tạo – một cuộc cải cách trong đời sống kinh tế – xã hội”, xem http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/840364/nha-nuoc-kien-tao—mot-cuoc-cai- cach-trong-doi-song-kinh-te—xa-hoi, truy cập ngày 12/7/2016.
52 Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh (chủ biên) CIEM, VIE, VEPR, VCCI (2016), Từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển, Tri thức, Hà Nội, Tr. 49
53 Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh (chủ biên) CIEM, VIE, VEPR, VCCI (2016), Sđd, Tr. 49.
54 P.Thảo, Dân trí 09/9/2016, “Công chức tham gia hội thì… “hòa cả làng”!”, xem
http://dantri.com.vn/chinh-tri/cong-chuc-tham-gia-hoi-thi-hoa-ca-lang-20160908212639143.htm, truy cập ngày 9/9/2016.
55 Hoàng Mai, Đại Đoàn Kết 30/05/2016, “Bài học lòng dân”, xem http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/bai- hoc-long-dan/103428 truy cập ngày .30/5/2016
56 Cùng một tin về biểu tình tại Formosa ngày 02/10/2016, nhưng cách đưa tin của Báo Hà Tĩnh khác với Reuters như đã trích dẫn ở trên, xem: Báo Hà Tĩnh 02/10/2016, “Hàng ngàn giáo dân tụ tập, cản trở hoạt động của Formosa”, xem http://baohatinh.vn/an-ninh-trat-tu/hang-ngan-giao-dan-tu-tap-can-tro-hoat-dong-cua-
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
BẢN CHẤT TƯ CỦA HỘI ĐOÀN DÂN SỰ
Phạm Quang Huy
19-10-2016
“Hội đoàn dân sự” (HĐDS) và “Xã hội dân sự” (XHDS) là những khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam gần đây. Kể từ “Đổi Mới”, tại Việt Nam, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) vào hoạt động xóa đói giảm nghèo, nở rộ hoạt động của các đoàn hội dân sự tư nhân là một đối tượng cần nghiên cứu về khía cạnh pháp lý. Tiếp đến, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc đảm bảo các cam kết về XHDS được thực thi và truyền tải vào hoạt động lập pháp cần được nghiêm túc nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt là vị trí của HĐDS trong dự thảo Luật về Hội…
1. Khái niệm “Hội đoàn dân sự”
1.1. Quan điểm Hoa Kỳ
Để hiểu khái niệm “hội đoàn dân sự” (civil/civic associations/organization), ta cần tìm hiểu khái niệm XHDS theo cách nhìn của người Mỹ. Theo đó, xuất phát từ quan điểm về chính quyền của John Locke “…hễ khi nào có một lượng người hợp nhất trong một xã hội, với tính cách là mỗi người rút khỏi quyền thực thi luật tự nhiên của mình và trao quyền lực đó cho cộng đồng, thi khi đó –và chỉ khi đó, nó là một xã hội chính trị, tức là một xã hội dân sự”1, XHDS là “các yếu tố như tự do ngôn luận, tư pháp độc lập, vv, tạo nên một xã hội dân chủ”và “tổng hợp các tổ chức và định chế phi chính phủ thể hiện quyền lợi và ý chí của công dân; các cá nhân và tổ chức trong một xã hội mà độc lập với chính phủ”2; . Ví dụ, điển hình “Nước Mỹ vốn là một đất nước của các hội tự nguyện”3, theo đó, câu “Hãy đăng ký gia nhập một hội nào đi!”4 là lời khuyên của người Mỹ đối với hoạt động công cộng tại địa phương. Nguồn gốc của câu chuyện này đã được Alexis de Tocqueville chỉ ra rất rõ ràng “Những người Mỹ, bất luận lứa tuổi bao nhiêu, hoàn cảnh và địa vị xã hội thế nào, đều tham gia không mệt mỏi vào các hội. Khỏi nói đến các hội thương mại và kỹ nghệ là những đoàn thể mà hết thảy ai ai cũng là đoàn viên cả, bên cạnh đó còn cả nghìn hội khác, nào là tôn giáo, đạo đức, rất nghiêm túc hoặc rất thô sơ về ý nghĩa, mức độ rất bao trùm hoặc rất hẹp, quy mô khổng lồ hoặc rất nhỏ…Nếu ở bên Pháp, người ta thấy ở bất kỳ một hoạt động nào đều có một cơ quan chính phủ đứng ra chỉ đạo, và ở bên Anh, khu vực nào cũng có một vị trưởng quan, thì tại nước Mỹ, ở bất cứ vị trí tương tự nào như vậy đều có một hội”5 (trong trích đoạn nêu trên, dịch giả Anh ngữ dùng từ “civil associations”để chỉ những hội này).
Hội đoàn dân sự (HĐDS) bao hàm các nhóm lợi ích (interest groups) – “…là một cơ cấu có tổ chức của công dân, những người có chung mục tiêu và muốn gây ảnh hưởng tới chính sách công”6, mà theo họ “Dấu hiệu của một xã hội dân chủ là xã hội đó cho phép công dân hình thành các nguồn lực chính trị thay thế mà có thể huy động khi cho rằng các chủ thể kinh tế tư nhân hoặc các quan chức chính phủ đã vi phạm lợi ích của họ. Theo hướng đó, các nhóm lợi ích có tổ chức đóng vai trò cơ bản; họ giúp công dân sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực họ có: bỏ phiếu, tự do ngôn luận, tự do hội họp và kiện tụng”7. Theo đó, các nhóm lợi ích phục vụ như một lực lượng trung gian giữa cá nhân cô thế và chính phủ thường rộng lớn và xa mù mịt đối với người dân8. Các nhóm lợi ích tại Mỹ được ghi nhận về việc lobby về chính sách lập pháp của Quốc hội9. Vì vậy, Ngân hàng thế giới cũng cảnh báo “Không phải mọi tổ chức của xã hội công dân đều có tinh thần trách nhiệm đầy đủ, hoặc là với những thành viên riêng của họ hoặc là với công chúng nói riêng”10.
1.2. Quan điểm của một số nước chuyển đổi
Tại Ba Lan, đối với XHDS, ngoài lịch sử “Công đoàn Đoàn kết”(Solidarity) rất nổi tiếng thì “…vị trí của nhà thờ Cơ đốc giáo có vị trí độc đáo trong thể chế xã hội chủ nghĩa”11 với vị thế tổ chức tôn giáo vừa chính thức nhưng Đảng Cộng sản Ba Lan không phải lúc nào cũng kiểm soát hoàn toàn. Hiện nay, XHDS tại Ba Lan đang chuyển hóa dần và tiệm cận với các khái niệm của phương Tây, “Các chính phủ hậu Công đoàn Đoàn kết có tầm nhìn gần với mô hình phương Tây, trong đó, vai trò của nhà nước giảm đi đáng kể”12.
Tương tự, tại các nước chuyển đổi thể chế chính trị khác như Nga, Ukraine, XHDS “là xã hội, trong đó các tổ chức khác nhau của công dân (đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm) thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức công dân của mình”13 và “là toàn bộ một hệ thống các nhóm trung gian tự tổ chức”14 gồm 04 đặc điểm (1) tương đối không phụ thuộc vào cơ quan chính quyền nhà nước; (2) có khả năng lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động tập thể để bảo vệ và đạt được những quyền lợi và nguyện vọng của mình; (3) không có ý định thay thế các cơ cấu nhà nước hoặc tiếp nhận về mình các chức năng quản lý chính trị nói chung; (4) chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ các quy định dân sự hoặc pháp luật hiện hành15. HĐDS được định nghĩa là “Một tổ chức chính thức của dân địa phương phục vụ lợi ích công cộng. Các tổ chức như vậy có thể thuần túy địa phương như hội phụ huynh học sinh hoặc hội quốc gia như tổ chức thiện nguyện Rotary, Liên đoàn nữ cử tri”16.
1.3. Một số quan điểm Việt Nam:
Bàn về hệ thống chính trị ở các nước tư bản, tác giả Hồ Văn Thông cho rằng “Nhóm lợi ích là tất cả những nhóm người vì một lợi ích chung mà hình thành”và “Trong một xã hội dân chủ thì nhân dân được phép lập hội, nhóm để tác động, can thiệp vào quá trình chính trị”17. Cũng tác giả này nhận định “Sự ra đời và phát triển của các chính đảng có liên quan chặt chẽ đến ba khái niệm cơ bản: quyền tồn tại của các nhóm khác nhau trong xã hội, quyền của các nhóm được kiểm soát và chi phối lãnh đạo, hạn chế quyền của phái đa số cầm quyền”18. Trong một khía cạnh nào đó, hội đoàn dân sự là nơi gặp gỡ của những người có cùng sở thích, chí hướng.
Từ nhận định “Một cách khái quát không thể phủ nhận được với XHDS đó là một bước tiến của loài người trong tổ chức của cộng đồng, bên cạnh sự tiến bộ của các thiết chế nhà nước ngày càng hợp lý…”19, nhóm tác giả Vũ Duy Phú cho rằng các bộ phận, nhân tố của XHDS gồm các tổ chức xã hội có tính đại diện giới, ở Việt Nam còn gọi là các tổ chức quần chúng hay tổ chức chính trị xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ…); các tổ chức xã hội có tính đại diện nghề nghiệp, ngành lĩnh vực (các Hội và Liên hiệp Hội thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Hội nghề nghiệp…), ở Việt Nam gọi là các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp hay là các tổ chức xã hội nghề nghiệp; các tổ chức phi chính phủ (NGO); các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài nhà nước; các tổ chức từ thiện của tôn giáo, tổ chức tín ngưỡng…20
2. Lược sử Hội đoàn dân sự tại Việt Nam
Hội kín Nguyễn An Ninh và Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội
Tại Việt Nam, thiết chế tương tự như XHDS, hội đoàn dân sự theo cách hiểu của phương Tây không hẳn tồn tại. Trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (1930), vụ án “hội kín Nguyễn An Ninh” là vụ việc chính trị gây chú ý lớn nhất. Theo Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, trong phiên tranh tụng tại Tòa án Sài Gòn (8/5/1929), mặc dù Thẩm phán và Biện lý không thể đưa ra bằng chứng về việc Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh thành lập các hội kín nhưng Tòa vẫn xử Nguyễn An Ninh “3 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân, 1000 quan tiền phạt, về tội chủ mưu lập hội kín…”21. Sự thật thì, theo chúng tôi, “hội kín Nguyễn An Ninh” chính là những bằng hữu xa gần đồng chí hướng, không hề có tổ chức cơ cấu phục vụ hoạt động của hội (ngay bản thân phiên tòa kể trên cũng không đưa ra bằng chứng về chủ hội, hội viên…).
Trước đó, như chúng ta đã biết, vào tháng 12 năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội tại Quảng Châu như là “cuộc hội ngộ của lịch sử…giữa người đang khao khát đi tìm lực lượng để “gieo mầm cộng sản” và một tổ chức của những thanh niên yêu nước Việt Nam đang sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ nhất, tích cực nhất vào chương trình hành động của mình”22.
Hiến văn Việt Nam ghi nhận về lập hội
Điều 10 Hiến pháp Việt Nam 1946 ghi nhận “Công dân Việt Nam có quyền…tự do tổ chức và hội họp”23. Bình luận về điều khoản này, Ngô Văn Thâu cho rằng “Làm chủ nhân ông, người dân nước ta, từ đây có địa vị công dân với những quyền và nghĩa vụ cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp 1946”và “Trên thực tế, ngay sau Tổng khởi nghĩa, nhân dân ta đã sử dụng các quyền trên đây”24.
Tại miền Nam trước năm 1975, bình luận Khoản 1 Điều 13 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967 (Mọi công dân đều có quyền tự hội họp và lập hội trong phạm vi luật định), Trương Tiến Đạt nhận định “…Theo sự trình bày của Ủy ban Thảo hiến, điều 13 này quy định về các quyền có tính cách chính trị. Tuy nhiên, quyền tự do lập hội, tự do hội họp là những quyền không nhất thiết nằm trong lĩnh vực chính trị. Các hội nói ở đây có thể là những hội văn hóa, ái hữu, tương tế, cứu tế, thể dục hoặc những hội có tính cách kinh tế, thương mại gọi là các công ty…”25. Tương tự, Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đối với luật về hội, chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể dưới đây.
Vai trò của hội đoàn tại Việt Nam
Nhóm tác giả Thang Văn Phúc đánh giá về vai trò của các hội quần chúng trong đổi mới và phát triển đất nước “Trong những năm đổi mới vừa qua, các hội quần chúng của Việt Nam phát triển rất nhanh về số lượng và phong phú về các lĩnh vực hoạt động. Các tổ chức hội ở Việt Nam hôm nay chứa đựng những truyền thống của các hội quần chúng có từ ngàn xưa của dân tộc ta, nhưng bên cạnh đó cũng đã xuất hiện thêm nhiều đặc điểm mới của thời đại ”26 và “Đóng góp của các hội trong thời gian qua là quan trọng và to lớn. Nó góp phần không nhỏ vào sự thành công của đổi mới. Các hoạt động tích cực của nó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, đối ngoại, nhân đạo, thể thao…”27. Mặc dù, khái niệm “hội quần chúng”của nhóm tác giả này bao hàm các hội được nhà nước thừa nhận và hỗ trợ nhưng đánh giá vai trò của hội quần chúng giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về XHDS.
Bảng 1. Các văn bản của Nhà nước và Đảng về hội
STT |
Trích yếu |
Nơi ban hành |
Ngày ban hành |
I | Văn bản của Nhà nước | ||
1 | Luật số 101-SL/L.003 quy định quyền tự do hội họp | Chủ tịch Nước | 20/5/1957 |
2 |
Nghị định số 257-TTg quy định chi tiết thi hành Luật số 101- SL/L.003 quy định quyền tự do hội họp | Thủ tướng
Chính phủ |
14/6/1957 |
3 | Luật số 102/SL/004 quy định quyền lập hội | Chủ tịch Nước | 20/5/1957 |
4 |
Nghị định số 258/TTg quy định chi tiết thi hành Luật số
102/SL/004 quy định quyền lập hội |
Thủ tướng
Chính phủ |
14/6/1957 |
5 |
Chỉ thị số 01/CT về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng | Hội đồng Bộ
trưởng |
05/01/1989 |
6 |
Hướng dẫn số 07/TCCP thi hành Chỉ thị số 01/CT về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng | Ban tổ chức của Chính phủ |
06/01/1989 |
7 |
Chỉ thị số 202/CT về việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc lập hội | Hội đồng Bộ
trưởng |
05/6/1990 |
8 |
Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế
quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài |
Chính phủ |
26/4/2001 |
9 |
Thông tư số 04/2001/TT-BKH hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài |
Bộ Kế hoạch |
05/6/2001 |
10 |
Thông tư số 199/TCCP hướng dẫn phụ cấp chức vụ lãnh đạo, chuyên trách của hội | Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ |
06/5/1994 |
11 |
Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội |
Chính phủ |
21/04/2010 |
(*) |
Văn bản số thứ tự 1 trên đây (Luật quy định quyền tự do hội họp năm 1957) quy định “Quyền tự do hội họp của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp”(Điều 1) gồm 10 Điều về hội họp. Theo tác giả, văn bản này không thuộc phạm vi các quy định về hội. Tương tự đối với văn bản số 2. | ||
II | Văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam | ||
1 |
Nghị quyết số 05-NQ/TW đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới |
Bộ Chính trị |
28/11/1987 |
2 |
Chỉ thị số 51-CT/TW về việc giúp đỡ Hội người mù Việt
Nam |
Ban chấp hành
Trung ương |
12/4/1989 |
3 |
Chỉ thị số 61-CT/TW về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học –nghệ thuật hiện nay | Ban chấp hành
Trung ương |
21/6/1990 |
4 |
Thông báo ý kiến của Ban Bí thư số 26 về việc củng cố Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật |
Ban bí thư |
16/9/1992 |
5 |
Chỉ thị số 27/CT-TW về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam | Ban chấp hành
Trung ương |
27/7/1993 |
6 |
Thông báo ý kiến của Ban Bí thư số 125-CT/TW về tổ chức các hội ngành nghề Hiệp hội công thương |
Ban Bí thư |
24/8/1995 |
7 |
Chỉ thị số 59-CT/TW về chăm sóc người cao tuổi | Ban chấp hành
Trung ương |
27/9/1995 |
8 |
Thông tri số 01/TT-TW về việc tăng cường lãnh đạo Hội chữ
thập đỏ Việt Nam |
Ban chấp hành
Trung ương |
20/9/1996 |
9 |
Chỉ thị số 42 CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng |
Ban chấp hành
Trung ương |
06/10/1998 |
10 |
Chỉ thị số 45-CT/TW về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam | Ban chấp hành
Trung ương |
28/11/1987 |
11 |
Chỉ thì số 05-NQ/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội khuyến học Việt Nam | Ban chấp hành
Trung ương |
24/8/1999 |
12 |
Chỉ thị số 56-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác của Hội luật gia Việt Nam |
Bộ chính trị |
18/8/2000 |
Nguồn: Thang Văn Phúc (chủ biên), Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Quốc Tuấn (2002), Vai trò của Hội trong Đổi mới và Phát triển đất nước, NXB Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, tr 184 –312; và cập nhật của tác giả.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn
Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường (Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và
Chính sách (VEPR) ước lượng cộng gộp tổng chi phí cho các tổ chức quần
chúng công (QCC) hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương
đương 1-1,7% GDP của cả nước… trong khi hiệu quả hoạt động của nhiều
tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp28 29. Nhóm
tác giả này đặc biệt nhấn mạnh sự bao trùm và khổng lồ của hệ thống
khách sạn/nhà nghỉ Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam)
30.
Góc nhìn quốc tế về XHDS tại Việt Nam
Nhà nghiên cứu Việt Nam Carlyle A. Thayer nhận định với việc áp dụng chính sách đổi mới trong năm thập niên 1980, xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi bao gồm cả quan hệ nhà nước-xã hội. Khi Việt Nam mở cửa với thế giới bên ngoài, các nhà tài trợ nước ngoài và các cơ quan viện trợ của chính phủ, cũng như các NGO quốc tế vội vã hỗ trợ Việt Nam bằng cách áp dụng mô hình của họ cho phát triển. Những mô hình kết hợp quan điểm cho rằng việc hỗ trợ các tổ chức NGO đối tác nội địa là cách tốt nhất để kiến tạo không gian cho các hoạt động XHDS trong thể chế Việt Nam31.
Theo quan sát của Hai Hong Nguyen, trong tháng 5 năm 2013, một nhóm gồm 20 tổ chức chính trị xã hội đã thuyết phục Quốc hội Việt Nam hoãn thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bằng cách trình bày các khuyến nghị độc lập dựa trên tham vấn cộng đồng32
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài
Các tổ chức phi chính phủ đã hoạt động ở Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ sau hiệp định Geneve năm 1954 và trong thời kỳ chiến tranh tại miền Nam. Từ sau năm 1975, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ Việt Nam thống nhất hàn gắn vết thương chiến tranh, cứu trợ cho những vùng thiên tai, giúp đỡ người khuyết tật…Bắt đầu từ khi “đổi mới”, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam tăng mạnh, chú trọng vào hoạt động xóa đói giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS, tăng cường năng lực y tế cho Việt Nam33. Nhóm tác giả này cũng nhận định “Các tổ chức phi chính phủ không đại diện cho chính phủ mà thay mặt cho nhân dân và các tổ chức xã hội nước họ để giúp nhân dân ta. Vì thế có thên gọi tổ chức phi chính phủ. Họ làm việc trên tinh thần tự nguyện nên người ta cũng gọi họ là tổ chức không vụ lợi”34. Trong công trình nghiên cứu này, nhóm tác giả đã cung cấp số liệu chi tiết các Chương trình giáo dục và phục hồi dinh dưỡng ở huyện Quảng Xương (1991-1995) của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ, Chương trình lương thực cho lao động của Oxfam Bỉ trong lĩnh vực thủy lợi…35. Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) có xu hướng hỗ trợ Việt Nam hoạt động xóa đói giảm nghèo36.
Qua nghiên cứu của mình, nhóm tác giả William Taylor, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Quang Tú,. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết cho thấy sự lớn mạnh của các tổ chức XHDS tại Thành phố Hồ Chí Minh so với Hà Nội.
Bảng 2. Tự nhận diện tổ chức XHDS
Loại hình | Số lượng | |
Hà Nội | Tp Hồ Chí
Minh |
|
Viện nghiên cứu | 6 | 6 |
Tổ chức khoa học và công nghệ |
10 |
2 |
NGO | 28 | 12 |
Nhóm tình nguyện | 4 | 10 |
Doanh nghiệp xã hội | 0 | 3 |
Khác | 20 | 17 |
Tổng cộng | 50 | 50 |
Nguồn: William Taylor, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Quang Tú,. Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Civil Society in Vietnam: A Comparative Study of Civil Society Organizations in Hanoi and Ho Chi Minh City, The Asia Foundation, HANOI, OCTOBER 201237.
Trong bối cảnh chuyến thăm Việt Nam nhiều xúc cảm và đầy cảm hứng của Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama38, nỗ lực kích thích đam mê cống hiến của giới trẻ Việt nam trong phát biểu tại Sài Gòn/Thành phố Hồ Chí Minh, sự cổ vũ cho một tinh thần XHDS khai minh ở các nước tham gia TPP như Việt Nam là một ước vọng không chỉ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barrack Obama.
Trong bối cảnh như vậy, tương tự nội dung về XHDS, quan điểm về kinh tế phi thị trường, sau khi gia nhập thực sự TPP, sẽ có sự thay đổi đáng kể về nội hàm 39.
3. Bản chất tư của hội đoàn dân sự
Cần nhớ rằng, xét trên bình diện lịch sử, một số dịch vụ công cộng như giáo dục và y tế đã được khu vực tư nhân cung cấp trước khi nhà nước giữ một vai trò quan trọng đối với các dịch vụ công này vào thế kỷ XX40. Chính vì vậy, theo quan điểm của phương Tây, XHDS là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên đời sống xã hội và có vai trò to lớn bảo vệ tự do của cá nhân trong xã hội. Việc thành lập, tham gia các hội đoàn dân sự là một phần của quyền tự do lập hội đã được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam 2012. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng ban hành Luật về Hội nhằm đảm bảo khung pháp lý cho việc thành lập và tham gia hội đoàn dân sự của người dân. Nội dung của luật cần thể hiện rõ việc thành lập các hội trên cơ sở ý chí tự nguyện của các thành viên của hội, không liên quan đến các hoạt động của cơ quan nhà nước, công khai, minh bạch nguồn vận động tài trợ, kiến nghị cụ thể tại Mục 4 dưới đây.
Tại Hoa Kỳ, thời lập quốc, James Madison đã kết luận tất cả các nội dung “kiểm soát và đối trọng”(checks and balances) quy định tại Hiến pháp Hoa Kỳ nhằm phục vụ bảo tồn tự do bằng cách đảm bảo công lý. James Madison giải thích, “Tòa án là điểm dừng của chính phủ. Đólà điểm dừng của xã hội dân sự”41. Về chủ đề này, James Madison cũng viết rõ “do những nguyên nhân tiềm ẩn gieo trong bản chất của con người; và chúng tôi nhìn thấy chúng ở khắp mọi nơi ở mức độ khác nhau của hoạt
động, tùy theo hoàn cảnh khác nhau của xã hội dân sự. Một ý kiến nhiệt tình khác liên quan đến tôn giáo, chính phủ, và nhiều quan điểm khác, trong suy luận cũng như trên thực tế; tham vọng tính ưu việt và quyền lực gắn kết với các nhà lãnh đạo khác nhau; hoặc để đam mê của con người, đã, đến lượt nó, phân chia nhân loại thành các bên, đốt cháy họ trong tình trạng thù địch lẫn nhau, và khiến cho họ tranh cãi và đàn áp nhau nhiều hơn là hợp tác với nhau vì lợi ích chung của họ”42.
Theo nhóm tác giả Ukraine, khi hội đoàn dân sự có cương lĩnh chính trị, cơ cấu tổ chức rõ rệt, chúng có thể trở thành các đảng chính trị theo thiên hướng “Sự hình thành cơ cấu của các đảng chính trị diễn ra khi tổ chức đảng được xây dựng trên nền tảng xã hội dân sự đang tồn tại có tổ chức”43.
Tocqueville phân biệt bản chất công cộng giữa hội chính trị với bản chất tư của các hội đoàn dân sự, cụ thể: “Các HĐDS tạo tiền đề cho hội đoàn chính trị, mặt khác, hội chính trị phát triển và cải thiện các HĐDS theo một số phương thức khác thường”44. Ông diễn giải rõ hơn về sự khác biệt giữa đời sống chính trị và dân sự “Trong đời sống dân sự, mọi người có thể thoải mái nói về điều họ muốn; trong chính trị, người ta không thể làm vậy… Theo đó, chính trị khiến tình yêu và sự thực hành hoạt động hội đòan ở mức độ tổng quát; nó truyền đạt ước muốn kết đoàn và truyền dạy các kỹ năng để làm vậy cho đám đông thường sống trong cô lập”45. Xét ở khía cạnh khác, Lipset nhận định “Các hiệp hội tư nhân là cội nguồn của những giới hạn của chính phủ cũng như là các kênh chính phục vụ nhân dân trong chính trị. Tóm lại, HĐDS là những cơ chế để kiến tạo và duy trì sự đồng thuận cho một xã hội dân chủ”46.
Hộp 3. Thành lập Hội Luật Quốc tế Việt Nam | ||
Ngày 25/8/2014,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 2487/QĐ-BNG công nhận Ban
vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam. Sau một thời gian hoàn
thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực
của đông đảo các luật gia, luật sư… hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc
tế. Ngày 20/6/2016. Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ
cho phép thành lập.
Sáng 17/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Society International Law, viết tắt VSIL), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Sau phiên khai mạc, Đại hội đã thảo luận về nhiều chủ đề, gồm có: tư cách hội viên, hội phí (không quy định mức tối thiểu; quy định mức tối thiểu 300.000 đồng), sự tham gia của Nhà nước đối với quản lý hội… của các đại biểu tham gia như LS.TS Hoàng Ngọc Giao, LS Lê Nết, Giảng viên Phạm Đức Bảo… Đại hội đã tiến hành thông qua Quy chế của Hội, bầu đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành và Ban kiểm soát của Hội cũng như thông qua phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới. Nhiều báo, đài trong nước đã đưa tin về Đại hội (VOV, Hà Nội Mới, Công an nhân dân… ). |
||
Nguồn: Nguyễn Hùng, VOV.VN, “Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam”, xem http://vov.vn/chinh-tri/dai-hoi-thanh-lap-hoi-luat-quoc-te-viet-nam-551220.vov; website của Hội Luật quốc tế http://hoiluatquocte.org.vn/và ghi nhận của tác giả tại Đại hội ngày 17/9/2016. |
Bên cạnh đó, tác giả cho rằng Diễn đàn Autofun (https://www.otofun.net/forums/), xét về lý luận, là một dạng hội đoàn dân sự, nơi tập trung các thành viên có cùng sở thích về ô tô, chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm liên quan đến ô tô và việc lái xe ở Việt Nam. Các video clip do thành viên diễn đàn này chia sẻ có số lượng tải về lớn, đặc biệt là những vụ việc được báo chí quan tâm. Tương tự, với mục đích từ thiện cho các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lai Châu) và “Tạo dựng một môi trường giao lưu, học hỏi và trải nghiệm giành cho các thành viên và cộng tác viên, giúp mọi người có thể tự thay đổi bản thân mình”, Câu lạc bộ tình nguyện An Phong (http://anphong.org.vn/) được thành lập và chủ động tự triển khai các dự án trồng đỗ nương tại các tỉnh này, góp phần tạo sinh kế cho bà con dân tộc nghèo. Hàng năm, Câu lạc bộ tình nguyện An Phong đều tuyển các thành viên tình nguyện để triển khai các dự án của mình47.
Trong bối cảnh bản chất tư nhân mạnh mẽ của HĐDS, tôi đồng ý với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Đăng Dung và tác giả Nguyễn Đăng Duy, Điều lệ Hội là một dạng hợp đồng48 giữa các cá nhân/tổ chức (hội viên) gia nhập hội. Vì vậy, chính phủ, với vai trò kiến tạo phát triển (xem kiến nghị tại Mục 4 dưới đây), cần tôn trọng và không can thiệp vào các nội dung chi tiết của phân loại hợp đồng này.
4. Một số kiến nghị liên quan Dự thảo Luật về Hội
4.1. So sánh Luật về HĐDS của Đài Loan, Ukraine với Dự thảo Luật về Hội của Việt Nam.
Đối chiếu Dự thảo Luật về Hội Việt Nam và Luật về HĐDS của Đài Loan, Ukraine, cụ thể theo bảng sau:
STT |
Nội dung |
Luật HĐDS Đài Loan (Civil Associations Act) |
Dự thảo Luật về Hội Việt Nam |
Luật HĐDS Ukraine (Law on Civic Associations in Ukraine) |
1 |
Tổng quan |
Gồm 67 Điều, 11
Chương, ban hành 12/5/2008, hiệu lực 23/11/2009 |
43 Điều, 7 Chương, dự thảo, chưa ban hành, chưa hiệu lực | 34 Điều, 6 Phần, ban hành ngày
16/06/1992 |
2 |
Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh. |
Các tổ chức và hoạt động
của các hiệp hội dân sự được thực hiện theo quy định của Đạo luật
này; trường hợp có những quy định đặc biệt trong các luật khác,
quy định đó sẽ được áp dụng
(Điều 1) |
1. Luật này quy định về lập hội; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội.
2. Luật này cũng áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. 3. Luật này không áp dụng đối với: a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam; |
b) Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn
giáo tại Việt Nam. (Điều 1) |
||||
3 |
Khái niệm |
Hội quy định tại Luật này
là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân, pháp nhân
Việt Nam cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy
định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động.
Hội bao gồm hội không đăng ký và hội có đăng ký. (Khoản 1 Điều 2) |
Một HĐDS là một liên minh
tự nguyện của công dân, được thành lập trên cơ sở lợi ích chung để thực
hiện c các quyền và tự do của công dân.
Theo Luật này, bất kỳ tổ chức dân sự không phân biệt tên của nó (phong trào của người dân, đại hội, hiệp hội, lực lượng và v.v) được coi là một đảng chính trị hay một HĐDS. Luật này không liên quan đến tôn giáo, hội hợp tác và hiệp hội dân sự với mục đích chung để đạt lợi nhuận, các quỹ thương mại, các cơ quan của chính quyền tự trị địa phương và khu vực (bao gồm cả Hội đồng và các ủy ban của cấp huyện, nhà, đường phố, khối, thôn, ủy ban giải quyết), hình thành tự nguyện, chẳng hạn như hội đồng ngũ, đội bảo an, các tổ chức công dân khác, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật tương ứng. Các hoạt động của tổ chức công đoàn được quy định bởi Luật Công đoàn Ukraine (Điều 1) Một tổ chức dân sự là một hiệp hội của người dân, được thành lập để đáp ứng và bảo vệ lợi ích xã hội, kinh tế, sáng tạo, tuổi tác, dân tộc, văn hóa, thể thao và các lợi ích chính đáng khác. (Điều 3) |
|
4 |
Hội viên |
Chương 3, từ Điều 13 đến Điều 16 quy định về hội/thành viên (Members) nhưng không định nghĩa. | Hội viên chính thức là cá
nhân, tổ chức tán thành điều lệ hội, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn hội
viên theo quy định của điều lệ hội, tự nguyện, có đơn xin gia nhập hội
(Khoản 1 Điều 18) |
Chỉ có công dân Ukraine ít nhất
18 tuổi có thể là thành viên của các đảng chính trị. Bất kỳ cá nhân ít nhất 14 tuổi có thể là một thành viên của bất kỳ HĐDS nào, trừ các tổ chức cho thanh thiếu niên. Tuổi của HĐ DS cho thanh thiếu niên quy định bởi điều lệ hội. HĐDS có thể không có hội viên cá nhân cố định. Các HĐDS có thể có các thành viên tập thể, nếu được quy định bởi Điều lệ Hội. (Điều 12) |
5 |
Nguồn |
Website Bộ Tư pháp Đài Loan http://law.moj.gov.tw/E ng/LawClass/LawAll.as px?PCode=D0050091 | Website của Quốc hội: | Website của Văn phòng Định chế Dân chủ và Nhân quyền thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), đặt tại Ba Lan, xem http://www.legislationline.org/do cuments/action/popup/id/7132 |
4.2. Các kiến nghị cụ thể
Thứ nhất, song song với việc ban hành Luật về Hội, để đảm bảo khung pháp lý cho việc bày tỏ ý kiến của XHDS, cần khẩn trương ban hành Luật về Biểu tình. Luật Biểu tình cần chứa đựng đầy đủ các nội dung để cá nhân, tổ chức XHDS bày tỏ ý kiến của mình trong trật tự và hòa bình. Hai dự luật cần sớm ban hành trong bối cảnh Quốc hội khóa XIV đi vào hoạt động sau bầu cử 22/5/2016. TPP, bằng cách này hay cách khác, sẽ thúc đẩy sớm hai dự luật này được thông qua. Theo dự đoán của tác giả, nếu sớm, Quốc hội mới sẽ thông qua vào cuối nhiệm kỳ (2021) hoặc sẽ tiếp tục được chuyển sang Quốc hội nhiệm kỳ kế tiếp. Tuy nhiên, như Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã dẫn câu tục ngữ hiện đại ‘Save the best for last’(Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối)49. Trong bối cảnh pháp lý không rõ ràng như hiện nay, các cá nhân/tổ chức sẽ không có hành lang pháp lý để thực hiện quyền biểu tình ôn hòa và lập hội của mình50.
Thứ hai, về khái niệm Hội quy định tại Khoản 1 Điều 2 Dự thảo “Hội quy định tại Luật này là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân, pháp nhân Việt Nam cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động”, theo chúng tôi nên sửa thành “công dân Việt Nam và pháp nhân hoạt động tại Việt Nam”vì không nên bỏ qua những tổ chức nổi tiếng và có thiện ý với Việt Nam muốn gia nhập hội.
Thứ ba, tôi đề nghị bỏ các quy định về Ban Kiểm tra Hội (Điều 23 Dự thảo và các điều khác), hoặc sửa đổi thành quy định tùy nghi vì việc thành lập Ban này là do Đại hội thành lập Hội quyết định và Điều lệ Hội quy định.
Thứ tư, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi xây dựng “Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”51 (tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 của Chính phủ), Dự thảo Luật về Hội phải phản ánh “Để các tổ chức đại diện độc lập hoạt động hiệu quả, nhà nước phải tôn trọng các quyền cá nhân của công dân, trong đó có quyền được thành lập các tổ chức đại diện cho lợi ích của mình”52. Theo đó, để các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả, Chính phủ việt Nam “cần tách bạch mối quan hệ giữa bộ máy nhà nước và các đoàn thể; để các tổ chức này giữ vai trò cần bằng và độc lập hơn”53.
Thứ năm, tổng quát, Luật về Hội phải đảm bảo được bản chất tư nhân của các HĐDS, tránh tình trạng “Công chức tham gia hội thì… “hòa cả làng”!”54 hoặc sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của hội (ngân sách, quy định về tổ chức, điều lệ… ).
Tóm lại, XHDS không phải là một khái niệm, xa vời, hàn lâm và vô hình, XHDS chính là khoảng không gian dành cho nhân dân biểu đạt, trình bày ý kiến. Người dân sẽ, bằng cách này hay cách khác, không thông qua XHDS thì sẽ thông qua các phương tiện khác để biểu đạt, trình bày ý kiến của mình với cách nhà nước điều hành hoạt động xã hội. Trong XHDS, HĐDS là các hội đoàn có tính cách tư nhân mạnh mẽ, nhằm biểu đạt ý kiến của các nhóm, giới khác nhau trong xã hội. Trong một bình diện nào đó, XHDS/HĐDS là tiếng nói đích thực của nhân dân trong phạm vi ngoài nhà nước. Nếu không trân trọng tiếng nói đích thực ấy, hậu quả xã hội sẽ khôn lường, không loại trừ hậu quả như cách nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Bài học lòng dân”khi Tổng Bí thư dẫn lại bài học lịch sử của các triều đại phong kiến để nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”- đó chính là sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh giành độc lập và trong xây dựng, phát triển đất nước55. Thêm vào đó, việc tuyên truyền, phổ biến về XHDS cần đúng đắn, không nên có yếu tố “chụp mũ”khi chưa nghiên cứu thấu đáo56.
_____
ThS, LS, Nghiên cứu viên độc lập, Trưởng Văn phòng luật sư Hàn Sĩ Huy
1 John Locke, Lê Tuấn Huy dịch và giới thiệu (2006), Khảo luận thứ hai về chính quyền: Chính quyền dân sự, NXB Tri thức, Hà Nội, Tr 127.
2 http://dictionary.reference.com/browse/civil-society accessed on 13/01/2016
3 Văn hóa và tính cách của người Mỹ (Chu Tiến Ánh, Phạm Khiêm Ích dịch cuốn Habits of the heart. Individualism and commitment in American life) (1991), Viện Thông tin Khoa học xã hội, NXB Khoa học Xã hội, Tr 114.
4 Văn hóa và tính cách của người Mỹ (1991), Sđd, Tr 115.
5 Alexis de Tocqueville, Democracy in America and two Essays on America (translated by Gerald E. Bevan with an Introduction and Notes by Isaac Kramnick), Penguin Books, pg 604.
6 R. Allen Hays, The Role of Interest Group, Democracy No.8, Office of International Information Programs, U.S Department of State, pp 5.
7 R. Allen Hays, The Role of Interest Group, Ibid, pp 5.
8 Dân chủ là gì, Cơ quan thông tin Hoa Kỳ, Tháng 10 năm 1991, Tr 27
9 Aaron Dusso, Legislation, Political context and Interest Group Behavior, Political Research Quaterly, April 2010, pp 55.
10 Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 139.
11 See Michal Buchowski, The shifting meanings of civil and civic society in Poland in Chris Hann and Elizabeth Dunn (editor) (1996), Civil society: Challenging of western model, Routledge, pp 86.
12 Chris Hann and Elizabeth Dunn (editor) (1996), Ibid, pp 93.
13 N.M Voskresenskaia, N.B.Davletshina, Phạm Nguyên Trường dịch (2008), Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội, NXB Tri thức, Hà Nội, Tr 242.
14 V.V. Meytus, V.Iu. Meytus, Huyền My, Phương Thảo, Tường Vy dịch, T.S Nguyễn Đức Thảo hiệu đính
(2010), Đảng chính trị – chiến lược và sự quản lý, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 88.
15 V.V. Meytus, V.Iu. Meytus, Huyền My, Phương Thảo, Tường Vy dịch, T.S Nguyễn Đức Thảo hiệu đính
(2010), Sđd, tr 89.
16 Jay M.Shafritz (1988), The Dorsey ‘s Dictionary of American Government and Potitics, Dorsey Press, Illinois
(USA), pp 99.
17 Hồ Văn Thông (1998), Hệ thống chính trị ở các nước tư bản phát triển hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr 125.
18 Hồ Văn Thông (1998), Sđd, tr 95.
19 Vũ Duy Phú (chủ biên), Đặng Ngọc Dinh, Trần Chí Đức, Nguyễn Vi Khải (2008). Xã Hội Dân Sự: Một số Vấn đề Chọn lọc, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr 29.
20 Vũ Duy Phú (chủ biên) (2008), sđd, tr 30, tr 31.
21 Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2014), Truyền thống Luật sư Việt Nam, NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, tr 267.
22 Phạm Xanh (1990), Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác –Lê nin ở Việt Nam (1921-1930, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, tr 111.
23 Nhiều tác giả (Vũ Mão chỉ đạo biên tập) (1998), Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr 393.
24 Ngô Văn Thâu, Sự phát triển của quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ Hiến pháp năm 1946, xem trong Nhiều tác giả (Vũ Mão chỉ đạo biên tập) (1998), tr 229, 230.
25 Trương Tiến Đạt (1967), Vũ Quốc Thông đề tựa, Hiến pháp chú thích –Các vấn đề chính trị trong hiến pháp –lý thuyết, các giải pháp, Không ghi nơi xuất bản, Sài Gòn, tr 119.
26 Thang Văn Phúc (chủ biên), Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Quốc Tuấn (2002), Vai trò của Hội trong Đổi mới và Phát triển đất nước, NXB Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, tr 182.
27 Thang Văn Phúc (chủ biên) (2002), Sđd, tr 183.
28 Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường (2015), Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công (QCC) ở Việt Nam, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr 80.
29 Xem thêm: Lê Thọ Bình, Viettimes 13/6/2016, Các đoàn thể quần chúng “ngốn”hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, http://viettimes.vn/viet-nam/thoi-su-chinh-tri/cac-doan-the-quan-chung-ngon-hang-chuc-ngan-ty-dong- moi-nam-61563.html, truy cập ngày 13/6/2016.
30 Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Khắc Giang, Vũ Sỹ Cường (2015), Sđd, tr 80.
31 Carlyle A. Thayer, Vietnam and the Challenge of Political Civil Society, Contemporary Southeast Asia: A Journal of International and Strategic Affairs, Volume 31, Number 1, April 2009, see http://muse.jhu.edu/journals/contemporary_southeast_asia_a_journal_of_international_and_strategic_affairs/v031/31.1.thayer.html
32 Hai Hong Nguyen, How Vietnam’s Burgeoning Civil Society Is Changing The Nation’s Political Landscape, East Asia Forum dated 16 October 2013, see http://www.economywatch.com/features/vietnam-civil-society- political-change.16-10.html
33 Nguyễn Văn Thanh (chủ biên), Mary Etherton, Nguyễn Thái Yên Hương, Lawrence Egan, Lady Borton, Neil Jamieson (1995), Tổ chức và hoạt động phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Tr.5.
34 Nguyễn Văn Thanh (chủ biên) (1995), Sđd, tr 5.
35 Nguyễn Văn Thanh (chủ biên) (1995), Sđd, tr 115, 117.
36 Xem thêm: Công ty Aduki (1996), Vấn đề nghèo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
37 William Taylor, Nguyễn Thu Hằng, Phạm Quang Tú, Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, Civil Society in Vietnam: A Comparative Study of Civil Society Organizations in Hanoi and Ho Chi Minh City, The Asia Foundation, HANOI, OCTOBER 2012, see https://asiafoundation.org/resources/pdfs/CivilSocietyReportFINALweb.pdf.
38 The White House, Office of the Press Secretary For Immediate Release, May 23, 2016, Joint Statement: Between the United States of America and the Socialist Republic of Vietnam see https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2016/05/23/joint-statement-between-united-states-america-and-socialist-republic, accessed on 25/5/2016.
39 K. WILLIAM WATSON, How Will the TPP Impact Vietnam’s “Nonmarket Economy” Designation?, see http://www.cato.org/blog/how-will-tpp-impact-vietnams-nonmarket-economy-designation accessed on 02/04/2015.
40 Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.75.
41 James Madison, The Federalist papers No 50 in Alexandre Hamilton, James Madison, John Jay (1964), The Federalist: A Commentary of the Constitution of the United States of America, The Modern Library, New York, USA, pp 334.
42 James Madison, The Federalist papers No 10 in Alexandre Hamilton, James Madison, John Jay (1964), The Federalist: A Commentary of the Constitution of the United States of America, The Modern Library, New York, USA, pp 134.
43 V.V. Meytus, V.Iu. Meytus, Huyền My, Phương Thảo, Tường Vy dịch, T.S Nguyễn Đức Thảo hiệu đính (2010), Đảng chính trị – chiến lược và sự quản lý, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 88.
44 Alexis de Tocqueville, Ibid, pp 604.
45 Alexis de Tocqueville, Ibid, pp 604, 605.
46 Lipset Seymour M. [1959], “Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy”. American Political Science Review. Vol. 53, No. 1 (Mar., 1959), pp. 69-105.
47 Tác giả phỏng vấn riêng Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện An Phong –Ông Nguyễn Gia Thìn.
48 Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đăng Duy, “Hội trong xã hội dân sự và Dự thảo Luật về Hội ở Việt Nam”, xem http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/hoi-trong-xa-hoi-dan-su-va-du-thao-luat-ve-hoi-o-viet-nam, truy cập ngày 11/9/2016.
49 Hùng Cường (tổng hợp), VOV 25/05/2016, Những câu nói ấn tượng của Tổng thống Obama ở Việt Nam, http://vov.vn/thegioi/nhung-cau-noi-an-tuong-cua-tong-thong-obama-o-viet-nam-513867.vov, truy cập ngày 26/5/2016.
50 Reuters Oct 2, 2016, “Vietnamese rally outside Taiwanese steel plant that spread toxic waste”, see http://www.reuters.com/article/us-formosa-vietnam-protest-idUSKCN1220BB, accessed on 02/10/2016.
51 Cù Xuân Trường, Báo Hà Nội Mới ngày 11/7/2016, “Nhà nước kiến tạo – một cuộc cải cách trong đời sống kinh tế – xã hội”, xem http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/840364/nha-nuoc-kien-tao—mot-cuoc-cai- cach-trong-doi-song-kinh-te—xa-hoi, truy cập ngày 12/7/2016.
52 Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh (chủ biên) CIEM, VIE, VEPR, VCCI (2016), Từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển, Tri thức, Hà Nội, Tr. 49
53 Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh (chủ biên) CIEM, VIE, VEPR, VCCI (2016), Sđd, Tr. 49.
54 P.Thảo, Dân trí 09/9/2016, “Công chức tham gia hội thì… “hòa cả làng”!”, xem
http://dantri.com.vn/chinh-tri/cong-chuc-tham-gia-hoi-thi-hoa-ca-lang-20160908212639143.htm, truy cập ngày 9/9/2016.
55 Hoàng Mai, Đại Đoàn Kết 30/05/2016, “Bài học lòng dân”, xem http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/bai- hoc-long-dan/103428 truy cập ngày .30/5/2016
56 Cùng một tin về biểu tình tại Formosa ngày 02/10/2016, nhưng cách đưa tin của Báo Hà Tĩnh khác với Reuters như đã trích dẫn ở trên, xem: Báo Hà Tĩnh 02/10/2016, “Hàng ngàn giáo dân tụ tập, cản trở hoạt động của Formosa”, xem http://baohatinh.vn/an-ninh-trat-tu/hang-ngan-giao-dan-tu-tap-can-tro-hoat-dong-cua-