Bà chị Hoàng Thị Minh Hồ rất nhân ái và ngay thật, sòng phẳng. Yêu ai thì nói là yêu, ghét ai nói thẳng là ghét, không bao giờ tự dối mình. Bà không giữ lòng thù oán ai. Nhưng bà đã có lần tâm sự với tôi là bà không ngờ ông Hồ Chí Minh lại tệ, u minh đến vậy.
Ông Trịnh Văn Bô thời còn trẻ. (Hình: Wikipedia)
|
Ông bà Trịnh Văn Bô |
Cụ bà Trịnh Văn Bô/Hoàng Thị Minh Hồ, nữ doanh nhân có lòng yêu nước nồng nàn đã từ trần. Cuộc đời của một nữ doanh nhân thành đạt có lòng yêu nước mình, thương dân mình, tiêu biểu cho truyền thống nhân ái của dân tộc – thương người như thể thương thân, là bài học sống động cho mỗi người Việt.
Một nhà giàu, cực giàu, có hàng ngàn lạng vàng, hàng tấn lạng bạc nén, nhà cửa khang trang, nhưng không bị đồng tiền làm cho lóe mắt, càng giàu càng tự nguyện chia sẻ cho người nghèo – cứ lãi 10 phần thì để ra 3 phần làm từ thiện, khi nền độc lập cần đến thì cần bao nhiêu cũng hiến, không hề tính toán.
Vậy mà chế độ độc đoán độc đảng đối xử với gia đình cụ thật là tàn tệ. Ngôi nhà do Bộ Quốc phòng mượn tạm trong 2 năm, nhưng 45 năm sau vẫn không trả lại khi gia đình cụ có phước lớn, phương trưởng lên thành hơn 40 con cháu, chắt, tứ đại đồng đường, ở chật chội trong ngôi nhà 24, Nguyễn Gia Thiều.
Bà Cụ bị dồn vào thế cùng, oan ức, cay đắng khôn cùng, đã thông minh nghĩ ra diệu kế, ôm giấy tờ chứng nhận điền thổ từ thời xưa để có chứng cứ pháp lý, cho con trai cõng cụ đột nhập vào biệt thự vốn là nhà mình vào ban đêm sau khi thuyết phục anh bộ đội gác cổng, rồi trưng lên trước nhà từ trên gác xuống tấm lụa mang dòng chữ « Cám ơn chính quyền đã cho gia đình Trịnh Văn Bô chúng tôi trở về ngôi nhà cũ ». Cụ còn cho con cháu mang theo can nhựa chứa đầy xăng, để đề phòng bị họ ngăn chặn gây sự thì quyết sống mái liều thân, khi Cụ vừa làm lễ thượng thọ 90 tuổi. Một con người hiền hậu lại kiên cường.
Cụ Bô đã chỉ đạo cuộc đột nhập thật kỹ lưỡng, dự kiến đủ mọi mặt, thời điểm, cách đột nhập không ồn ào, vào ban đêm, có thuyết phục vận động chú bộ đội canh gác, có giấy tờ gốc hợp pháp, nhũn nhặn cám ơn chính quyền, lại có tính đến trường hợp bị họ gây chuyện to, cụ thật là nhà mưu lược tài ba.
Chúng tôi mừng cho Cụ đã an bình trở về nhà mình sống ấm cúng cùng con, cháu, chắt, để rồi Cụ yên lòng sống thêm hơn một chục tuổi nữa.
Nhưng với chính quyền trung ương và thủ đô, họ vẫn một mực cho hành động của Cụ là phạm pháp với cái lý sự cùn là ngôi nhà đã thuộc Nhà nước trưng thu của tư sản qua cải tạo. Cho nên trước khi mất, Cụ vẫn còn ấm ức không yên tâm vì chính quyền Thủ đô một mực không cấp « sổ đỏ » cho Cụ.
Sau khi Cụ mất, câu chuyện ly kỳ trên đây bị phơi bày ra ánh sáng công luận, thành chuyện bàn tán hàng ngày trên báo chí, ở các phòng họp, phòng trà thủ đô và cả nước. Thế là các ông lãnh đạo đảng, Nhà nước phải thanh minh vì bị chạm nọc, bị chỉ trích phê phán nặng, nhất là các ông đại tướng của Bộ Quốc Phòng, kể cả 2 đại tướng Lê Đức Anh và Trần Văn Trà, nguyên chủ tịch nước và nguyên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.
Thế là họ vội vàng nhún nhường. Ông bí thư thanh ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vội tuyên bố sẽ sớm cấp « sổ đỏ » hợp lệ cho gia đình Cụ Bô. Chính quyền quyết định sẽ làm « tang lễ cao cấp » cho Cụ Bô, và Cụ sẽ được an táng trong Nghĩa Trang Nhà nước Mai Dịch. Rồi một phố cổ Hà Nội sẽ được đặt tên Trịnh Văn Bô.
Thế nhưng câu chuyện chưa kết thúc. Theo tôi được biết, con cháu Cụ Trịnh Văn Bô cho biết gia đình đã họp, và phần lớn con cháu muốn thể theo ý muốn của cụ Trịnh Văn Bô/Hoàng Thị Minh Hồ, gia đình sẽ tự đảm nhận việc đưa Cụ về mai táng ở quê nhà, thuộc huyện Thanh Oai, quận Hà Đông.
Tôi đã phỏng đoán trước chuyện này. Bà chị Hoàng Thị Minh Hồ rất nhân ái và ngay thật, sòng phẳng. Yêu ai thì nói là yêu, ghét ai nói thẳng là ghét, không bao giờ tự dối mình. Bà không giữ lòng thù oán ai. Nhưng bà đã có lần tâm sự với tôi là bà không ngờ ông Hồ Chí Minh lại tệ, u minh đến vậy. Bà phàn nàn là khi ông Vũ Đình Huỳnh từng sống làm việc sát với ông Hồ, theo ông Hồ sang Pháp khi bị oan ức tù đầy, bà và bà Tề vợ ông Huỳnh đến gặp ông Hồ yêu cầu cứu nguy, ông Hồ chỉ nghe thoáng qua rồi bỏ mặc.
Tệ hơn là trường hợp bà Trịnh Thị Thục, chị cả ông Trịnh Văn Bính chồng bà có chồng là cụ Đặng Văn Hướng vốn là Tham tri bộ Tư pháp thời vua Bảo Đại về hưu, hồi 1946 được ông Hồ mời ra làm Bộ Trưởng Không Bộ để vận động các nhân sỹ. Đến năm 1956 cụ Đặng Văn Hướng bị dân xã Nho Lâm mang ra đấu tố kiểu tra tấn trong Cải cách ruộng đất, cụ bà đau lòng Trịnh Thị Thục là chị dâu bà Bô cắn lưỡi tự sát. Ông Hồ biết chuyện do ông Đặng Văn Việt là con trai cụ trong quân đội báo tin khẩn cấp cho ông Hồ, nhưng ông vẫn làm thinh.
Hiện nay ông tổng bí thư vẫn kêu gọi toàn đảng toàn dân noi gương đạo đức ông Hồ Chí Minh, có ông Hoàng Chí Bảo hàng năm rao giảng om sòm về đạo đức « Bác Hồ », lại lập nên Viện Đạo đức, thì thật là chuyện mỉa mai!
Bà chị Minh Hồ có lần nói với tôi trong quan hệ xã hội, buôn bán bà chỉ thân với ai ngay thật, lương thiện, không trí trá lừa dối, không khinh người nghèo.
Tôi rất hiểu tâm tư tình cảm trong sáng tự tin, lại tự cường tự lập, không khinh ghét thù oán ai - kể cả những kẻ ăn cháo đá bát, vô ân bạc nghĩa với gia đình bà - nhưng cũng không muốn hạ mình hàm ơn, quỵ lụy ai, luôn sống ngẩng cao đầu trước cường quyền phi pháp, nhất là khi bà chứng kiến rất rõ sự phất lên tội ác của vô số tỷ phú đỏ, tham nhũng vô độ của các quan chức cộng sản hiện nay, còn giàu gấp nhiều lần tài sản do kinh doanh của gia đình bà thời xưa.
Thái độ của bà Chị và phần lớn các con cháu từ chối nghĩa trang Mai Dịch mà bao nhiêu quan chức ước mong, muốn an táng bà ở quê nhà là một quyết định sáng suốt chân thật, gắn bó với quê hương, không cần hình thức phô trương hào nhoáng. Một bài học của một nhân cách, một doanh nhân yêu nước tột đỉnh, nhân ái tận cùng, luôn tự trọng, nhắn gửi toàn xã hội một bài học sống động về đạo lý làm Người, làm con người chân chính, cho mọi người, nhất là cho các nhà tư sản / cộng sản mới, những tỷ phú đỏ tội phạm thời Hồ Chí Minh lúc rã đám cuối mùa.
Bùi Tín