Nó bắt đầu khuấy động cuộc sống vô tư bình lặng của tôi khi tôi về tham dự đám cưới của thằng em họ ở Long Hòa, một cù lao nhỏ nằm ven sông Tiền của tỉnh Trà Vinh. Suốt gần cả ngày đường lúc đi xe đò, khi ngồi ghe máy cả người mệt nhừ lại thêm nhà đông đúc ồn ào, cho nên dù muốn ngủ cũng không tài nào nhắm mắt được. Lợi dụng lúc nhiều người đang đi vắng, tôi lén trốn vào phòng tìm giấc ngủ muộn. Đang mơ màng với bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau mà Thái Thanh đang rền rĩ, bỗng một bàn tay đập mạnh vào người tôi làm tôi mở choàng mắt.
- Chị à, chị có thể giúp em mang bánh nước đãi khách được không?
Ngạc nhiên vì còn hai ngày nữa mới đến ngày đón dâu nên ngoại trừ họ hàng và bạn bè đến phụ giúp ra, sẽ không ai đến nhà lúc này nên tôi hỏi cô em họ:
- Khách nào mà đến sớm vậy, họ hàng hả Vân?
- Không phải, mấy ông Hải Thuyền của Duyên Đoàn 35 ở đây đó chị.
- Hải Thuyền là lính gì vậy? Tôi thắc mắc hỏi lại Vân vì từ xưa đến nay ở Sàigon tôi chỉ biết và nghe nói đến Hải Quân thôi.
- Em không biết rõ, nghe ở đây người ta gọi như vậy thôi.
Sẵn muốn tò mò xem những người này ra sao mà lại được dân làng nơi đây kính nể vậy nên tôi gật đầu chấp nhận ngay. Vừa bước lên nhà trên tôi tưởng mình như đang hoa mắt vì thật ra những anh hùng trong lòng của người dân ở đây chính là đồng đội của cái tên lính biển đáng ghét, vô duyên, bất lịch sự....ngày nào. Tôi không làm sao quên được cái hình ảnh ngày ấy, ngày mà tôi có trách nhiệm của một Trưởng Lớp, phải vào lớp sớm để kiểm soát vệ sinh và báo cáo sự hiện diện của toàn lớp vì Ban Giám Học cho biết hôm nay sẽ có phái đoàn đến viếng lớp. Tất cả chúng tôi hôm ấy ai cũng phải lo ăn mặc chỉnh tề, tươm tất. Từ Tú Xương đang định rẽ qua Bà Huyện Thanh Quan để đến trường, thì đàng sau, một tên lính biển cỡi chiếc Lambretta, vụt qua mặt tôi và tên này đã tặng tôi nguyên cả vũng nước mưa pha lẫn bùn ở vệ đường lên mặt mũi và quần áo tôi. Tên này còn “galant” đến độ hắn đã không dừng lại để nói câu xin lỗi hoặc hỏi han gì tôi. Cũng từ giây phút “cảm động” này, tôi thấy thù ghét những ai mặc quân phục giống tên này, và thề sẽ mãi mãi “cấm vận” với những người này, vì chính tại hắn mà tôi bị khiển trách và mất cơ hội được lãnh bằng Ban Khen.
Thấy tôi bỗng khựng lại với ánh mắt khác thường, Chú tôi cứ tưởng là do tôi ngượng ngùng trước người lạ, nên vội kéo tôi đến trước mặt những người này và nói:
- Xin giới thiệu với ông Duyên Đoàn Phó và các anh em, đây là Nguyệt, con gái của người anh tôi ở Sàigòn vừa về đến.
Quay sang tôi, ông lên tiếng:
- Sao không rót nước mời khách đi con?
Tôi cố nén căm hận trong lòng và làm theo lời Chú tôi như một cái máy.
Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm. Trang điểm xong, tôi chọn cho mình chiếc áo dài màu tím có thêu những cành hoa phượng đỏ. Trong lúc tôi đang hí hửng và vui vẻ như con chim non được bay lần đầu vì đây là lần đầu tiên tôi được làm người lớn đi đón dâu thì bỗng đâu “kẻ thù truyền kiếp” lại xuất hiện.....Tôi mắng thầm trong bụng: “Đúng là oan gia...Mà sao cứ chọn ngay lúc quan trọng lại phá đám vậy???” Theo chương trình đã định, bên nhà trai chúng tôi sẽ có tất cả 17 người, kể cả Chú Rể sang nhà gái đón dâu, và lúc trở về, túc số sẽ là 18. (Tôi nghe kể lại là tập tục đám cưới ở đây lúc nào cũng phải đi lẻ về chẵn) Nhưng sáng nay, một cô bị bệnh bất ngờ nên ban đầu Vân tự nguyện ở lại để cho tôi đi. Nhưng vì tại họ, những người đáng ghét kia mà tôi phải ở nhà thay Vân “hầu hạ kẻ thù”. Mặc dù trong lòng đang ghét cay ghét đắng những tên phá đám này, nhưng với trách nhiệm chủ nhà tôi cũng cố gượng nở nụ cười và mở lời chào khách:
- Mời ông Duyên Đoàn Phó dùng trà.
- Cám ơn cô Nguyệt.
Và hình như đọc được cái ý tưởng trong đầu tôi, nên sau khi mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, ‘đồng đội của kẻ thù” tôi lên tiếng:
- Hình như cô không được vui, có phải tôi đã làm phiền cô không? Nếu có thì xin cô tha lỗi cho nhé.
Thật sự lúc này tôi đang giận hắn lắm, nhưng vì lịch sự nên tôi cố mỉm cười và ngụy biện trả lời:
- Dạ... không có đâu ông Trung Úy.
- Tôi tên Duy... cô có thể gọi tôi bằng tên như tôi đã gọi cô vậy nhé? Đừng có lúc thì Trung úy, lúc lại Duyên Đoàn Phó nghe xa lạ quá.
Tôi cười thầm với ý tưởng “Tên này dẻo miệng và đã khéo chọn cho mình con số Duyên Đoàn”.
Suốt mấy tiếng đồng hồ phải tiếp khách bất đắc dĩ, tôi chợt rùng mình vì vừa phát giác ra là cái ác cảm ban đầu đã bị giọng nói Bắc kỳ thật trầm ấm và nhẹ nhàng cùng cử chỉ khéo léo, lịch sự kia làm tan biến tự lúc nào....và tia mắt tinh anh pha chút gì lãng mạn đó đã thôi miên linh hồn tôi mất rồi. Trước mắt tôi bây giờ không còn là một “oan gia đáng ghét, một tảng đá cản đường” hay những gai nhọn đã làm tôi đau buốt nữa mà là một luồng gió mát, một tia nắng ấm đang ồ ạt đến với tôi, và tôi chợt cảm nhận rằng:
Có anh có cả trời vui,
Có anh có cả cuộc đời dễ thương.
Có anh có nắng bên đường,
Có anh em có cả nguồn tin yêu.
Kể từ sau cái ngày phải bị kê khai “lý lịch mẫu số 3” ấy, chúng tôi dần dần thân nhau. Chúng tôi thường hẹn gặp nhau sau bữa cơm chiều. Duy kể cho tôi nghe những lúc buồn vui lúc còn là một Thiếu Sinh Quân cũng như cái lý tưởng cao đẹp của chàng trai hải hồ. Trước ngày trở lại Sàigòn tôi kể cho Duy nghe thật nhiều về những buồn vui trong đời tôi, nhất là cái lý do tại sao tôi có ác cảm với con cháu Hưng Đạo Vương như thế. Nghe xong Duy phá lên cười và hỏi tôi:
- Nếu bây giờ anh nói với em, anh chính là cái tên vô duyên kia thì em đối xử thế nào với anh đây?
- Nếu anh là tên đó thì.... em sẽ, sẽ....Thôi em không nói đâu, anh thật đáng ghét.
- Sẽ trả thù anh? Em muốn trả thù thế nào cũng được nhưng phải hứa một điều.
- Điều gì vậy anh?
- Không bao giờ quên anh, em nhé.
Tựa đầu vào vai Duy tôi thì thầm:
Em trả lời anh: Đâu dễ quên
Cho dù đôi đứa chẳng kề bên.
Ngân Hà dù mãi không nối nhịp
Em vẫn nhớ hoài một cái tên.
Bất chợt Duy ôm chầm lấy tôi và đan những ngón tay chàng vào tay tôi:
Tay em đan ngón tay anh,
Vai kề bên má mà lòng buâng quơ.
Thì thầm anh nói bên tai,
Em ơi ta mãi không lìa xa nhau.
Tôi cũng đáp lời chàng:
Em sẽ dệt mơ có một ngày,
Cùng anh tản bộ ngắm trời mây.
Và mơ và ước ngàn năm nữa,
Ta sẽ bên nhau mãi thế này.
Đêm về khuya, từng cơn gió rít qua đám lá trước mặt, tôi nép sát vào Duy. Trên trời, ánh trăng vàng vọt xuyên qua những đọt dừa chiếu xuống mặt nước vẽ lên những hình ảnh trông như những con rắn vàng khổng lồ đang nô đùa trên sóng nước. Cảnh vật đêm ấy thật yên lặng. Xa xa tiếng ãnh ương kêu thật to, ảo não như cũng muốn nói giùm chúng tôi cái tâm trạng chia ly này.
Mấy tháng sau đó Duy được thuyển chuyển đi nơi khác, chúng tôi gặp được nhau vài lần và Duy đã không đến ngân hàng tìm tôi nữa. Duy ra đi không một cái vẫy tay chào tiễn biệt. Cho đến bây giờ, đáp số của bài toán này tôi vẫn không tìm ra được. Cũng từ đó tôi không dám quay về Long Hòa nữa vì tôi sợ phải đi lại một mình trên vùng kỷ niệm này. Mặc dù tuyệt vọng nhưng tôi vẫn chờ, vẫn đợi:
Tôi đếm thời gian trên ngón tay,
Buồn vương mắt lệ theo tháng ngày.
Người đã quên rồi bao kỷ niệm,
Sao tôi nhung nhớ để lệ cay.
Tôi buồn người có vui không,
Bao giờ người mới hiểu lòng tôi đây?
Trong những ngày cuối cùa cuộc chiến, bao nhiêu lần tôi đã định theo bạn bè rời xa quê hương, nhưng rồi tôi ở lại, vì vẫn hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại Duy --cho dù đó chỉ là ảo vọng-- và mong Duy giúp tôi tìm ra giải đáp vì tôi biết chỉ có một mình Duy mới có thể cho tôi một đáp số chính xác và hoàn hảo nhất mà thôi.
Bao nhiêu ngày tôi lang thang tìm Duy hết từ Bộ Tư Lệnh đến những nơi sĩ quan phải trình diện học tập với hy vọng gặp lại chàng nhưng “chim bay biển Bắc, em tìm biển Đông”. Đôi lúc tôi thầm nghĩ:
Một nét gạch ngang xóa chữ YÊU
Hết đắng rồi cay đã quá nhiều
Cầm bút viết đè lên chữ HẬN
Nhưng mờ đuôi HẬN vẫn là YÊU
Con đường Nguyễn Huệ, nơi Duy thường đến đón tôi, bây giờ cũng buồn hiu hắt. Thôi hết thật rồi. “Em mất anh thật rồi Duy ơi!” Cuộc sống tôi đã trở thành vô nghĩa từ khi tia hy vọng kia chợt tắt. Tôi đã phải sống và làm việc như một Robot vì niềm tin và hy vọng đã hoàn toàn chết từ khi màu cờ đỏ bao trùm lên quê hương tôi.
Anh xa rồi em còn gì để mất,
Dòng sông đem nước chảy khuất chân cầu
Xa anh rồi em còn lại gì đâu
Bờ sông cũ lao xao hoài nỗi nhớ
Theo giòng người đi tìm Tự Do, tôi cất dấu tình yêu kia để thành hôn với một người mà với tôi chỉ có một chữ NGHĨA chớ không có chữ YÊU. Oái oăm thay, đứa con gái đầu lòng của tôi được sinh ra cũng là lúc tôi ở tuổi 35. Và rồi một lần nữa, con số Định Mệnh kia lại đến với tôi khi tôi tình cờ gặp lại Duy sau 35 năm xa cách.
Lúc gặp lại nhau tôi đã nghẹn ngào không nói nên lời, những điều tôi định hỏi và nói với chàng trước đó, tôi đã không sao nói ra được. Tôi chỉ nói với chàng rằng:
Em không trách anh thờ ơ
Chỉ trách mình đã không giữ được thôi
Để bây giờ hai đứa phải hai nơi
Cho thương nhớ đầy vơi nơi vành mắt.
* * *Sau hơn 35 năm tránh né, hè vừa qua tôi đã có can đảm về thăm lại nơi xưa, thăm lại những nơi cất dấu bao kỷ niệm êm đẹp của hai chúng tôi ngày nào. Cũng hàng dừa đứng trơ mình trong gió, cũng đám lá quanh con rạch nơi mình từng hẹn hò. Tôi đi qua Bãi Vàng và đã đứng rất lâu trước nơi đóng quân của Duyên Đoàn 35 ngày xưa, những căn nhà nơi ngày xưa chàng ở bây giờ đã thay chủ và cũng hoang tàn dù được chủ mới dùng làm nơi đóng quân của lực lượng Biên Phòng.
Nhìn lại nơi đây, bất giác trong tôi len nhẹ một nỗi buồn tê tái. Tôi nhớ ngày Duy tiễn tôi về lại Sàigòn:
Hôm em đi khung trời đầy màu xám
Mưa sụt sùi như nước mắt chia ly.
Ta ôm nhau không nói một lời gì
Vì ngôn ngữ dường như không cần thiết.
Tuy rằng con số 35 của Duyên Đoàn ngày xưa không còn ai nhắc đến, nhưng với tôi nó mãi mãi vẫn là Định Mệnh, là những gì còn lại thật dễ thương và êm đẹp trong hành trang đã, đang và sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời
Sông xưa giờ vắng con đò,
Sóng buồn vỗ nước vô bờ rong rêu.
Bước đi dưới ánh nắng chiều,
Về đây lại nhớ người yêu năm nào.
Xin cám ơn Đời cho tôi được gặp lại chàng cho dù bây giờ đã phải gọi nhau là Cố Nhân. Cám ơn Anh đã cho em những ngày êm đẹp tuy rất ngắn ngủi và mãi mãi vẫn không giúp em tìm ra đáp số mà nhiều năm em mong đợi. Cám ơn những Anh Lính Hải Quân của Duyên Đoàn 35 đã cho tôi ít nhiều cảm xúc. Xin cho tôi được nhớ, được ấp ủ những kỷ niệm này và cất dấu trong góc nhớ của đời tôi.
Thương tặng tất cả những anh chiến sĩ Hải Quân của Duyên Đoàn 35.
Dạ Nguyệt
(Áo Trắng Gia-Long 1968)