"Nón Sắt" được chế tác thành nón bảo hiểm,
Kế bên cạnh nhà chúng tôi là một ông hàng xóm, tuổi đời chừng bốn mươi lăm, ông này làm nghề giao nước bình (dân Sài Gòn ngày nay hầu hết đều mua nước uống gọi là “nước tinh khiết,” đựng trong những cái bình 20 lít), ông ta có cái nón lính, thứ nón bằng cát-tông cứng lót dưới nón sắt của binh sĩ VNCH.
Nhìn cái nón ông mà thấy ham, vì có màu nâu gỗ, bóng ngời ngời, bóng như thoa mỡ, tới mức lộ cả từng đường vân sọc. Ông quí cái nón này lắm, hỏi cớ sự vì sao, ông không nói. Chỉ biết từ khi nhà nước bắt đội nón bảo hiểm khi sử dụng xe máy thì ông đem ra đội hàng ngày. Có lẽ ông là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn tạo mốt đội nón lính thay vì phải đội các loại nón bảo hiểm kém chất lượng (nón cối bộ đội) được bày bán đầy đường, đầy tiệm.
Bẵng một thời gian, chúng tôi không thấy ông đội nữa, hỏi ra thì biết bị... mất cắp. Ông nói: “Tiếc đứt ruột anh ơi! Thời giá cái nón tui lúc đó khoảng một triệu chưa chắc mua được, nhưng chuyện không phải vì tiền. Nếu bây giờ phải chuộc hai, ba triệu tôi cũng chuộc cái nón đó. ” Chúng tôi không tò mò hỏi về giá trị kỷ niệm của cái nón, bởi ai cũng biết, đa phần người Sài Gòn cố cựu đều có những kỷ niệm sâu sắc với những người lính VNCH.
Ngày nay, chỉ cần đi một đoạn trên đường gần nhà thờ ngã sáu Phù Ðổng là thấy rất nhiều xe bán nón lính. Các xe này đa phần vừa bán nón vừa làm nghề bọc nhựa giấy tờ cá nhân. Người bán thường là dân nhập cư từ các tỉnh phía Bắc vào.
Một hôm chúng tôi ghé vào hỏi thì họ cho biết nón lính ở đây có hai loại; loại nón của lính VNCH còn tốt giá mắc hơn nón lính đưa về từ Camphuchia và Thái. Hỏi vì sao lại mắc hơn cả đôi ba trăm ngàn, họ nói: “Tầm tuổi bác thì biết giá trị của cái nón này rồi, thế mà còn đi hỏi làm gì. Nón ‘lính ngụy’ bây giờ là kỷ vật đấy nhá. Săn tìm khó lắm mà lại cực tốt, cực đẹp nhá.”
Ở Cần Ðước-Long An, chúng tôi có quen một anh nông dân. Hôm anh lên Sài Gòn, ghé nhà chúng tôi, tay cứ cặp cái nón lính bằng sắt. Lúc xong việc, bỗng anh hỏi: “Biết chỗ nào bọc vải lính, bọc lưới nón sắt thì chỉ giúp.” Thì ra: “Tui đi ăn giỗ, thấy trong xó chuồng gà của nhà người bạn còn cái nón sắt thì hỏi mua. Bạn tôi nói, cái nón này có lúc nó chỉ để đâm cua đồng nấu canh, rồi anh cho luôn không lấy tiền.” Ðúng là anh nông dân này đội cái nón sắt lên trông đẹp và oai hơn hẳn. Nhưng cái nón dù được chà giấy nhám rất kỹ vẫn còn sét xẹt lại nặng trịch, đội mỏi cổ muốn chết. Anh nói: “Kệ, đội để nhớ ông già tui. Ổng đi lính chết hồi năm 74. Ông cứ chỉ giùm tui chỗ bọc lại bao nhiêu tiền tui cũng làm.”
http://baomai.blogspot.com/
BaoMai