Cho đến tận thập niên 1980, người dân Cuba muốn thưởng thức nhạc rock đều phải nghe lén lút vì sợ công an bắt đi lao động cải tạo. Như lời kể của Ricardo Gutierez, một cựu quân nhân nay làm nghề lái taxi : « Chúng tôi phải vào một phòng đóng kín cửa lại. Rồi vặn volume cho thật nhỏ, không để cho ai biết là mình đang nghe nhạc rock ». Thời đó, những băng cassette nhạc rock giống như là hàng quốc cấm, người mua kẻ bán cứ phải nhìn trước ngó sau. Đơn giản chỉ là vì từ những thập niên 1960 cho đến thập niên 1980, chính quyền Castro vẫn xem nhạc rock là « công cụ phá hoại của đế quốc Mỹ », cho dù đó là Rolling Stones, Beatles hay Elvis Presley
Thế mà tối nay, 25/03/2016, hàng trăm ngàn fan nhạc rock ở Cuba lại được quay cuồng trong tiếng nhạc sôi động của « Những hòn đá lăn », phát ra từ những chiếc loa công suất cực lớn đặt ngoài trời tại Trung tâm Thể thao La Habana. Mặc dù không hề có quảng cáo cho buổi trình diễn của Rolling Stones ( Cuba vẫn cấm mọi hình thức quảng cáo ! ), người ta ước lượng là sẽ có đến 500 ngàn người kéo đến xem nhóm nhạc rock Anh quốc. Ấy là chưa kể rất nhiều fan có thể sẽ không vào được vì sẽ không còn chỗ.
Nhóm Rolling Stones đã quyết định không bán vé, vì biết rằng người dân Cuba trung bình sẽ không đủ tiền để mua được với giá vé bình thường của nhóm nhạc rock này. Do Cuba vẫn còn bị cấm vận của Mỹ, ban tổ chức đã phải đem toàn bộ trang thiết bị đến La Habana để phục vụ cho buổi trình diễn và đã phải huy động một đội ngũ hùng hậu bao gồm đến 350 người để tham gia dựng một sân khấu khổng lồ dài 80 mét, với 7 màn ảnh cực lớn. Tóm lại, đây sẽ là buổi trình diễn nhạc lớn nhất từ trước đến nay ở Cuba.
Buổi trình diễn miễn phí của Rolling Stones ở thủ đô La Habana diễn ra chỉ ba ngày sau chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Mỹ Barack Obama tại La Habana. Nhưng đối với một số người, sự có mặt của Mick Jagger và ban nhạc của anh còn quan trọng hơn cả chuyến viếng thăm đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ.
Hiện nay, mặc dù chính quyền không còn cấm nghe nhạc rock nữa, Cuba, một quốc gia rất giàu truyền thống âm nhạc, còn rất « lạc hậu » về mặt nhạc rock. Cho tới nay, chỉ mới của vài nhóm nhạc rock của Mỹ được phép trình diễn tại Cuba. Ở thủ đô La Habana hiện chỉ có vài quán bar nhạc rock. Thành ra, buổi trình diễn của Rolling Stones hôm nay sẽ giúp « cập nhật hóa » sân khấu nhạc rock của Cuba.
Hãng tin AFP trích dẫn một thanh niên là fan của Rolling Stones, ngủ qua đêm trước Trung tâm Thể thao La Habana để bảo đảm có được chỗ tốt. Anh cho biết cảm thấy đây là khởi đầu của của một thời kỳ mới, thời kỳ mà Cuba sẽ mở rộng cửa hơn đón nhận văn hóa, đón nhận ảnh hưởng của các nghệ sĩ từ những nước khác.
Một số người ở Cuba cũng hy vọng là nhạc rock, với sự có mặt của Rolling Stones, sẽ là cánh cửa mở ra tự do cho những lĩnh vực khác : chính trị, kinh tế, Internet, tức là nói chung giúp Cuba bắt kịp sự trễ nãi so với với thế giới bên ngoài, sau nhiều thập niên bị cô lập.
Thật ra thì chính Fidel Castro sau này cũng đã lấy làm tiếc là ông đã cấm nhạc rock và bản thân ông đã đến dự lễ khánh thành bức tượng của John Lennon, một trong bốn thành viên của Beatles, tại một công viên ở La Habana, vào ngày 08/12/2000, nhân kỷ niệm 20 năm ngày anh bị ám sát. Nhưng một số fan nhạc rock ở Cuba nay rất cay đắng với suy nghĩ : Đợi đến khi cơn sốt nhạc rock của thời những thập niên 1960, 1970 đã qua, chính quyền La Habana mới cho phép nhóm nhạc Rolling Stones già nua đến trình diễn ở Cuba, trong khi vào thời mà « Những hòn đá lăn » còn sung mãn, họ lại cấm !