Khi tôi chuyển đến N, một thị trấn nhỏ vùng biên giới, bà cô ruột của tôi lại từ đó rời về Hà nội với đứa con gái duy nhất vừa lấy chồng. Bởi thế, bà để lại nhà cho tôi, với giá rất rẻ, hầu như việc lấy tiền chỉ là một sự tượng trưng.
Khi tôi chuyển đến N, một thị trấn nhỏ vùng biên giới, bà cô ruột của tôi lại từ đó rời về Hà nội với đứa con gái duy nhất vừa lấy chồng. Bởi thế, bà để lại nhà cho tôi, với giá rất rẻ, hầu như việc lấy tiền chỉ là một sự tượng trưng.
Nhà của cô tôi là một trong sáu căn nhà xây áp tường nhau, kéo một vệt dài ven phố bờ sống. Cô tôi bảo dãy nhà này của một Hoa kiều làm nghề thầu khoán xây vào cuối thời kháng Pháp rồi bán lại cho các chủ, mỗi căn giá bốn lạng vàng. Sáu căn nhà giống nhau như sáu giọt nước. Tất cả đều là nhà một tầng, lợp ngói máng rất cao. Mái trước dốc, mái sau thoải thoải kéo dài cho tới sân nhà bếp. Nhà nào cũng có một cửa ra vào và hai cửa sổ lớn cánh bằng gỗ lắp có thể mở cửa bán hàng. Mỗi nhà có hai buồng và một gian gác xép bằng gỗ lim. Trên khoảng tường cao áp mái, người ta đục một lỗ cửa đắp hình hoa thị. Do lỗ cửa này, những câu chuyện trong nhà không thể che giấu người bên cạnh. Khi tôi dọn đến, ô cửa bên trái đã bị trát kín từ lâu. Lớp vữa khô còn in rõ những nhát bay vụng về. Ô cửa tường bên phải vẫn để ngỏ. Cô tôi giải thích:
- Cái cửa kia thông sang gian gác nhà Lý Ung nên phải trát kín đi. Lão ấy mặt dơi tai chuột, gian giảo lắm. Còn cái cửa này cứ để nguyên cũng được. Bên ấy là nhà chú Lý Xuân. Chú ấy là người hiền lành, ngay thật…
Vợ tôi im lặng nhìn tôi. – Tôi mỉm cười:
- Thế là ta có hai hàng xóm trái màu đấy. Nhớ lời cô dặn mà xem xét…
Cô tôi còn dặn dò chúng tôi một lô kinh nghiệm sống, cách xử thế, những việc linh tinh, những nhân vật đáng chú ý ở cái phố miền sơn cước mà bà đã sống quá nửa cuộc đời. Sau đó cô đi xem xét lại toàn bộ căn nhà với vẻ bịn rịn rồi bảo tôi đưa ra ga. Khi làn khói trắng của con tàu tắt dần giữa các vách đá tôi quay lại thị trấn. Con đường bụi mờ mờ trải dưới chân tôi vệt son dài hoang dã. Một nỗi lo âu mơ hồ đè nặng trong tim: Tôi sắp sửa sống ở một vùng đất mới, với những con người mới. Không có ai quen thuộc ở nơi đây. Phải, mối quan hệ lớn nhất bây giờ là quan hệ với những người hàng xóm… Chiều hôm ấy, cơm xong tôi lững thững ra sân. Trời êm ả. Mùi hoa móng rồng ở bức tường sau bếp toả ra thơm nức. Tôi ngồi xuống ghế, nhìn những vách núi rực nắng chồng chất ở chân trời phía Tây. Tiếng một người bất chợt cất lên:
- Anh chị mới đến ở đây?…
Tôi quay lại. Bên kia hàng rào trồng đậu đũa, một người đàn ông tươi cười nhìn tôi, hàm răng lấp lánh.
Ngay tức khắc, tôi hiểu đó chính là Lý Xuân. Tôi vồn vã trả lời:
- Chúng tôi mới chuyển công tác lên đây. Cô tôi để lại cho cái nhà này…
Người đàn ông gật đầu lia lịa:
- Ô, lên đây ở cho vui… anh em áo ngắn cả mà. Trước bà Ân với nhà tôi cũng quí nhau lắm…
Chúng tôi cùng giới thiệu tên mình. Người hàng xóm gương mặt đỏ hồng, tươi tắn. Mái đầu cắt ngắn trên cổ vạm vỡ. Ngực rộng. tấm thân rắn chắc nổi lên những bắp thịt như những múi thừng. Anh ta cởi bộ quần áo thợ ra, bỏ mũ đập cho sạch bụi rồi ngồi xuống gốc một cây liễu cưa cụt làm ghế. Mặt gỗ ngồi nhiều đã nhẵn bóng nhưng ở nơi gốc cây, chồi non đâm tủa lên một đuôi công xanh mướt. Lý Xuân ngồi trên chiếc ghế tự tạo đó với dáng điệu của một ông vua ngồi lên ngai vàng của mình. Anh ta vừa phe phẩy chiếc mũ vừa khoan khoái ngắm nhìn vườn tược, khóm đậu xum xuê và những vòi hoa tím nhạt nở lốm đốm khắp hàng rào. Vẻ mặt mãn nguyện hồn nhiên của anh ta làm tôi có thiện cảm:
- Ít ra thì mình cũng đã có một người hàng xóm tin cậy được… Tôi thầm nghĩ.
Trong bếp nhà Lý Xuân, một phụ nữ bưng mâm cơm bước ra. Người đàn ông quay lại nhìn vợ đon đả:
- A Phượng này, anh chị Ngọc ở dưới xuôi mới lên ở bên thím Ân, hàng xóm mới của nhà mình đấy…
Người đàn bà khẽ cúi chào rồi bước thẳng lên nhà trên. Tôi cảm thấy trong dáng điệu của chị ta, có ẩn giấu một vẻ kênh kiệu kín đáo. Lát sau người vợ cất tiếng gọi:
- Lên ăn cơm Lý Xuân à…
Anh chồng nhỏm dậy:
- Để tôi xay xong cối bột đã nhé.
Dứt lời anh ta chạy vào bếp, khuân một chiếc cối đá cỡ đại ra sân. Xong, lại bê ra một thúng gạo ngâm và một soong nước. Ngồi lên gốc liễu, anh ta chạng hai chân ôm lấy chiếc cối, cầm cần tay. Thế rồi, một tay giội nước, vun gạo, một tay quay vèo vèo liên lục. Chỉ độ một giờ sau Lý Xuân đã xay xong cối bột. Anh ta đứng dậy nhìn tôi cười hể hả:
- Tôi là thợ cơ khí của thị trấn… Tối về làm bánh cải thiện thêm. Anh thấy không? … tôi làm trong chớp mắt là xong thôi mà…
Tôi gật đầu đồng tình với người đàn ông tràn trề sức sống đó. Lý Xuân cất dọn mọi thứ rồi lại ra giếng tắm. Sau tiếng giội ào ào là tiếng anh hàng xóm gọi vợ:
- A Phượng, tôi xay xong bột rồi, đi ăn cơm thôi…
Rồi khi vào nhà tôi đã thấy cái bóng đồ sộ của anh ta in giữa khung cửa mở giống như bóng của một con gấu rừng. Suốt bữa ăn không nghe người vợ nói năng gì. Chỉ có tiếng bát đũa va chạm lách cách và tiếng anh chồng thỉnh thoảng lại sốt sắng giục:
- Kìa, mình ăn đi chứ… Ăn đi kẻo ốm…
Trước đây, quan hệ của cô tôi với nhà hàng xóm bên trái là Lý Ung có lẽ không mặn mà cho lắm. Vì vậy, không những ô cửa hoa thị trên nóc tường áp mái bị trẹt kín mà đến hàng rào ngăn cách phần sân của hai nhà cũng được bịt bùng bằng mọi thứ ván gỗ, mảnh tôn rỉ và những đồ vật linh tinh khác. Hàng rào chướng ngại ấy trông xấu xí đến tức cả mắt, đối lập hẳn với hàng dậu thông sang nhà Lý Xuân được giăng bằng vài chéo nứa gài cánh sẻ, dây đậu leo xanh rờn, hoa tím nở lung linh như bươm bướm.
Tôi có ý định tháo dỡ hàng rào cồng kềnh giữa nhà mình và nhà Lý Ung. Trước tiên là để quan hệ giữa hai nhà bớt căng thẳng. Sau đó là làm một hàng dậu trồng dây leo cho mát mắt. Tôi sang gặp Lý Ung, người hàng xóm thứ hai. Đó là một người đàn ông thấp bé tuổi trạc bốn mươi. Đúng như cô tôi đã nói, hình dung ông ta có phần kỳ dị. Mặt Lý Ung nhỏ quắt queo, đôi tai mỏng và nhọn bám vào hai bên đầu như đôi tai chuột. Chúng tôi làm quen và nói chuyện cầm chừng. Trái với Lý Xuân, Lý Ung ít cởi mở. Ông ta đắn đo từng câu nói, cặp mắt nhỏ đưa đẩy luôn luôn về phía quầy bày những con vịt quay bóng loáng. Nhà Lý Ung hơi tối vì những đồ vật kê chen chúc. Tủ đứng, tủ bò, giường nằm, bàn ăn cho khách… Toàn là những loại đồ sộ bằng gỗ gụ hoặc lát chun. Trên gác xép, góc trong cùng giáp với nơi mái ngói chụp xuống bức tường chắn đỡ, một chiếc bàn thờ lót sa tanh đỏ kê ngay ngắn. Trên bàn thờ dựng một bài vị đề chữ Hán, bát hương, vài quyển sách bọc da ám khói và mấy quyển Mao tuyển đỏ chói. Tôi nói chuyện với ông ta khá lâu. Nhưng mối quan hệ cũng không tiến triển được bao nhiêu vì Lý Ung kín như một cái hũ nút. Rút cuộc, tôi đành phải nói tới việc phá dỡ hàng rào với ý nghĩ rằng mình đang làm một chuyện vô ích. Đúng như tôi phỏng đoán, người hàng xóm từ chối. Ông ta đưa ra một lô lý do quanh quẩn mà tôi không hiểu nổi. Sau cùng, tôi đành thất bại ra về. Cái hàng rào vẫn cứ sừng sững giữa hai mảnh đất, thô kệch và xấu xí, ngăn cách đời sống của gia đình tôi với người hàng xóm Hoa kiều ở phía bên trái. Cũng từ dạo đó tôi không để ý đến ông ta nữa. Chỉ có đôi dịp chuyện trò với những người cùng phố, họ cho tôi biết Lý Ung rất giàu và khôn khéo. Dân Hoa kiều ở thị trấn này nể sợ ông ta. Ông ta sống ở đây rất lâu với đứa con gái; còn người vợ chưa thấy mặt bao giờ. Đứa con gái Lý Ung tôi nhìn thấy luôn. Nó giống ông ta như tạc, khuôn mặt và đôi tai bé quắt, con mắt nhìn lầm lì, bí ẩn… Hàng đậu đũa đã được hái lứa đầu tiên. Những chùm quả mềm mại thả dọc bờ đậu, tươi mởn. Quan hệ giữa gia đình tôi và nhà Lý Xuân cũng gắn bó thêm một mức. Chiều nào ở hai bên sân chúng tôi cũng ngồi trò chuyện. Những câu chuyện về sự làm ăn, sinh hoạt thường kỳ trong phố. Khi nào có trà ngon Lý Xuân mời tôi sang ngồi bên gốc liễu cụt uống nước. Tôi chỉ cần bước nhẹ qua kẽ hở của hàng đậu đũa là tới nơi. Còn nếu tôi mua được cà phê, thế nào tôi cũng bày bộ tách sứ Giang Tây của cô tôi để lại, với hai chiếc phin pha sáng loáng mời anh hàng xóm sang thưởng thức. Và Lý Xuân chỉ co chân bước một bước là vượt qua hàng rào, ngồi vào chiếu với tôi. Đứa con trai tôi rất quyến luyến Lý Xuân. Anh ta cũng quý thằng bé. Buổi tối làm bánh rán Lý Xuân thường giành viên bột cuối cùng nặn thành con chim, con cá, chiếc đùi gà hoặc quả đào rán phồng lên đem cho thằng bé. Đôi khi, tôi bắt gặp anh ta bế nó lên đùi, vụng về ve vuốt:
- Ô… cháu ngoan lắm… cháu có muốn làm con nuôi chú không?
Lý Xuân lấy vợ đã chín năm mà chưa có con. Tôi biết anh ta đang khao khát được làm bố:
- Khi nào có con tôi sẽ đóng cho nó một con ngựa gỗ có lắp chuông. Khi nào có con tôi sẽ gửi mua cho nó chiếc xe đẩy bánh bọc cao su thật tốt, người bà con của tôi bên Trung Quốc đã hứa mua hộ… Khi nào tôi có… Anh ta thường nói với tôi như vậy. Vợ Lý Xuân mắc chứng bệnh gì đó không rõ. Không thấy chị ta đi làm. Công việc của chị ta trong một ngày chỉ là đi chợ, nấu hai bữa cơm và buổi tối giao bánh cho nhà hàng. Mỗi ngày A Phượng phải ăn một lạng giò hoặc hai lạng vịt quay. Lý Xuân bao giờ cũng nhường thức ăn cho vợ còn bản thân anh ta thì chỉ ít dầu hoặc một tô rau bí xào cũng và hết sáu bảy bát cơm:
- Kìa, mình ăn đi, chả quế của dì Sáu Sìu đấy… Kìa mình ăn đi, vịt ông Lý Ung quay mới ra lò…
Ngày nào tôi cũng nghe người chồng nhắc lại cái điệp khúc ấy vào bữa cơm. Chị vợ điềm nhiên hưởng thụ sự chăm sóc đó, với một vẻ im lặng nửa hồn nhiên nửa điệu bộ. Hàng tóc mai cắt bằng xoã xuống trán như một tấm mành bên trên cặp mắt một mí long lanh. A Phượng có cái vẻ đẹp của các cô gái vẽ trên hộp phấn rôm Thượng Hải ngày trước. Không hiểu sao tôi thiếu thiện cảm với chị ta. Cả vợ và đứa con trai tôi cũng vậy. Các buổi sáng chủ nhật Lý Xuân đều rủ tôi đi làm rẫy. Bắt chước anh ta, tôi cũng vỡ một vạt đất trồng sắn và củ mỡ. Lý Xuân bày cho tôi cách bẩy đá, đốt cây, gỡ mầm củ. Đôi cánh tay của anh ta cầm cuốc vung lên, nhịp nhàng và mạnh mẽ. Trong nắng sớm, tấm thân lực lưỡng của Lý Xuân ngả bóng dài trên nương sắn. Tôi ngắm nhìn và lại hình dung đến lúc anh ngồi trước chảo bánh, bàn tay khéo léo vo những viên bánh tròn rắc vừng, lanh lẹn và tế nhị như đôi tay của một người đàn bà. Lòng tôi tràn ngập niềm yêu mến với con người ấy. Con người sinh ra để lao động nuôi dưỡng cuộc đời. Xong việc Lý Xuân rủ tôi ngồi nghỉ hút thuốc. Cả hai chúng tôi đều im lặng hồi lâu, miệng không ngừng nhả khói, mắt lim dim tận hưởng mùi vị của thứ thuốc sợi vàng tẩm mật ong. Trước mặt chúng tôi, nương rẫy trải một màu xanh ngút ngát. Màu xanh cây lá phản chiếu trong ánh mắt của Lý Xuân khiến nó trở nên mơ màng. Anh ta ngước nhìn giải núi trùng điệp một màu lam nhạt lên chân trời biên giới và bỗng cất tiếng hát. Lý Xuân hát bằng tiếng Hoa, tiếng của tổ quốc anh ta. Mắt anh ta nhìn xa xôi, rưng rức. Giai điệu của bài ca bay lên như cánh chim rồi lượn lờ hạ dần xuống. Lát sau, tưởng chừng sắp sửa tắt đến nơi nó lại vọt lên đột ngột như một đỉnh núi cao bỗng hiện lên phía trước con đường. Tôi nghe tiếng hát buồn buồn của Lý Xuân và thấy hiện ra trước mắt mình một vùng đất bao la tuyết phủ, những xóm mạc thưa thớt, những ngôi nhà đắp bằng đất, những bầy chim xứ lạnh bay chậm chậm, vừa bay vừa cất tiếng kêu trên giải đồng bằng xa tắp… Năm tháng bình yên trôi. Nhưng cuộc sống của Hoa kiều trong thị trấn bỗng nhiên bị xáo động. Cuộc cách mạng văn hoá vô sản ở Trung Quốc ảnh hưởng tới tận nơi đây. Nhóm Hoa kiều xôn xao. Họ nhận trước tác Mao Trạch Đông đọc và thảo luận. Vài người bỏ về nước. Lại một số người khác vượt biên giới sang. Một buổi sớm rét mướt, công an biên phòng tìm thấy hai xác chết của người Hoa nằm trong một am nhỏ thờ thần ở ven rừng. Cả hai đều bị đâm nát mặt. Trong những ngày đó Lý Xuân có vẻ hốt hoảng. Anh ta ủ rũ và ngơ ngác. Đi làm về, Lý Xuân lùi lũi xay bột, không còn nghêu ngao hát nữa. Nhưng trái lại, A Phượng thì xăng xái lắm. Ngày nào cũng thấy chị ta sang nhà Lý Ung bàn tán chuyện trò, vẻ mặt đầy vẻ quan trọng. Trừ những lúc nấu cơm, A Phượng ngồi đọc trước tác Mao Trạch Đông. Buổi tối, khi Lý Xuân ăn cơm chị ta nói lại cho chồng nghe với cái giọng san sát như mảnh bát cọ nhau.
Chúng tôi không hiểu được nội dung, chỉ thấy Lý Xuân cắm cúi và cơm hoặc dựng đũa thở dài sườn sượt. Tất cả dân phố đều phấp phỏng chờ đợi một cái gì đó không lành sẽ xảy ra trong những người dân Hoa. Nhưng may sao, mọi việc êm xuôi. Ngày nối ngày qua đi và sự xôn xao lắng dần xuống. Người ta bận làm ăn, kiếm sống, lo toan trăm thứ nên những cuộc họp riêng để đọc trước tác Mao Trạch Đông ít dần và bị lãng quên. Lý Xuân tươi tỉnh trở lại. Thỉnh thoảng đã thấy anh ta ngồi trên gốc liễu cụt nhấm nháp chén trà và cất tiếng hát.
Nhưng riêng A Phượng vẫn chưa thể trở lại nhịp sống bình thường. Khi Lý Xuân đi làm, chị ta vẫn sang nhà Lý Ung mỗi sáng. Thay vì đọc trước tác, chị ta ăn phở chua do chủ nhân thết đãi. Chuyện đó nghiễm nhiên thành lệ. Dân phố xì xào. Đứa con gái Lý Ung nhìn A Phượng với con mắt hằn học kín đáo. Chỉ có Lý Xuân là không hề hay biết. Một buổi sáng trời mưa lớn. Cơn mưa đầu hạ rơi ồn ào trên mái ngói. Tôi ngồi viết lại số phích cho tủ sách cơ quan. Một dòng nước từ mái ngói bỗng nhỏ long tong xuống bàn, bắn lên những tấm bìa viết mực nho còn ướt. Tôi vội vã chuyển bàn làm việc tới một góc nhà và leo lên gác xép xóc lại mảnh ngói vỡ trong bụng thầm đoán đây là kết quả trận ném nhau của lũ trẻ trong phố. Trên sàn gác, nước dột đọng thành vũng. Tôi kiếm một chiếc ghế nhỏ. Khi đứng trên ghế, đâu tôi đã gần chạm tới cây rui. Vô tình, tôi đưa mắt nhìn vào ô cửa hoa thị thông sang gác nhà Lý Xuân, lúc ấy đã ở ngay trước mặt. Một tia sáng mảnh rọi thẳng từ trên kẽ ngói vào ô cửa trống. Nhờ tia sáng đó, tôi nhìn thấy trên sàn gác nhà Lý Xuân, trong khoảng tối lờ mờ vì chăn đệm che lấp và những bức gỗ nặng nề vây quanh, hai bóng người loã thể vặn vẹo như đôi rắn. Ngay tức khắc, tôi nhận ra A Phượng và Lý Ung. Hoảng hốt, tôi tụt xuống ghế lao xuống nhà dưới. Lặng lẽ và câm nín như một kẻ ăn trộm.
- Sao thế? Xóc lại ngói đi…
Vợ tôi ôm đứa con trai ngồi trên giường la to. Tôi đến bên cô ta, đặt bàn tay lên vai, bóp thật mạnh:
- Đừng om sòm lên. Nước dột nhỏ vào giữa mặt, chờ tạnh mưa mới sửa được.
Thấy thái độ lạ lùng của tôi, cô ta im lặng ngay. Buổi tối, tôi kể chuyện cho vợ tôi nghe. Cả hai chúng tôi cùng ngồi lặng hồi lâu, thương xót anh chồng bị lừa dối.
Sau trận mưa mở đầu, những cơn mưa mùa hạ gọi nhau ào ạt kéo đến. Sông suối dâng đầy trong phút chốc, sóng cuộn ào ào. Nỗi lo ngại lớn nhất của những người làm cha mẹ lúc này là nước lũ. Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi luôn luôn theo sát đứa con trai, dặn dò, đe dọa nhiều khi van lơn nó đừng theo bạn ra sông chơi. Nhưng tai hoạ vẫn cứ đến. Một chiều chúng tôi ngồi phân loại sách cho cơ quan. Trời mới tạnh mưa, nắng le lói chiếu trên mặt đất còn ướt đầm. Đứa con trai tôi nằm vắt chân chữ ngũ ê a đọc tranh truyện trên giường. Vợ chồng tôi vừa làm vừa chuyện vặt. Chợt vợ tôi sực nhớ tới đống lạc chưa kịp phơi đã gặp nước mưa. Cô ta hớt hải bảo tôi mang ra sân phơi. Tôi đành bỏ dở việc, cào đống lạc ở góc nhà vào thúng đem ra sân. Vợ tôi rải lạc thành lớp mỏng trên sân gạch. Phơi lạc xong, cô ta lại phát hiện ra nửa thúng lạc xấu đã bị trương lên và yêu cầu tôi phải giúp cô ta bóc ngay tức khắc. Thế là tôi đành tặc lưỡi ngồi xuống cầm chiếc kẹp tre tách vỏ lạc. Vừa bóc được độ mười hạt, một bà cùng phố chạy xộc vào, kêu thất thanh:
- Chú Ngọc, con chú bị lũ cuốn rồi…
Tôi ném chiếc kẹp tre, đứng lên. Trên giường trống ngơ trống ngắt quyển tranh truyện ném bên mép chiếu, thằng bé đã bỏ đi từ lâu. Không kịp nói một lời, tôi chạy bổ ra cửa, tai ù đi như cối xay nghiền bên trong. Tôi chạy hết phố xuống tới bờ sông, mang máng cảm thấy một người nào đó vừa la khóc vừa chạy theo mình. Chắc đó là vợ tôi. Phía trước bến sông, một đám người tụ tập ồn ào bàn tán. Tôi xô vào họ, tìm quanh quất, Không thấy con, tôi lại đâm nhào xuống nước. Một người nào đó kéo áo tôi lại. Dòng nước đục ngầu lao đi giữa hai bờ đất, khủng khiếp như một con trăn gió phóng tới chụp mồi. Chỉ thấy những lượn sóng đục ngầu chồm lên nhau, rú rít. Không tìm được một mảnh áo, một bàn tay chới với nào được ngoài những đám bọt xoáy tít và những cành củi trôi vùn vụt giữa dòng. Nỗi tuyệt vọng làm tôi như điên loạn. Tôi giằng khỏi bàn tay níu giữ của một người nào đó chạy dọc theo mép nước. Tiếng la khóc của vợ tôi ở phía sau lớn dần lên, bám chặt lấy tôi, khoan sâu vào óc não. Sóng vẫn chập chờn trước mắt tôi như một bầy thú kì dị và độc ác. Tưởng như tôi cũng sắp bị nó nuốt chửng vào cái dạ dày hung hiểm kia. Đúng lúc ấy, Lý Xuân hiện ra trước mặt tôi.
- Anh Ngọc..
Anh ta gọi.
Tôi đứng lại, mắt hoa lên. Lý Xuân ớt đầm đìa, tái nhợt, vai vác đứa con trai của tôi. Thấy tôi đứng đờ đẫn, anh ta cũng đứng lại, bế thằng nhỏ xuống:
- Tôi đã quay bảy vòng, nó nôn hết nước… Bây giờ nó thở được rồi đấy…
Lý Xuân nói và trao đứa con nhỏ cho tôi. Làn môi nhợt nhạt hé cười anh nói tiếp:
- Lúc nãy, nó mở mắt ra gọi: Chú Xuân… Nó nhận ra tôi…
Cổ họng tôi tắc nghẹn. Tôi ôm đứa con, nước mắt trào lên. Vợ tôi cũng lao đến ôm thằng bé. Chúng tôi khóc. Và cùng cảm thấy hạnh phúc khi tìm lại được một cuộc sống còn quý giá hơn cuộc sống của chính mình. Cuộc sống ấy chỉ chút nữa là vĩnh viễn bị đánh mất. Lý Xuân nhìn chúng tôi với ánh mắt ấm áp. Anh ta quay lại lấy bộ quần áo thợ ướt sũng vắt trên thành cầu. Rồi giơ tay chào chúng tôi, anh thong thả đi vào phố.
Từ mùa hè năm đó. Lý Xuân trở thành ân nhân của gia đình tôi. Lẽ tất
nhiên chúng tôi quý trọng anh hơn trước nhiều. Nhưng Lý Xuân không hề lạm dụng lòng biết ơn đó. Hình như anh coi việc cứu đứa trẻ cũng tự nhiên như việc cuốc đất trồng sắn, tiện cái đinh ốc hay xay bột làm bánh. Thằng con trai tôi quấn quít anh suốt ngày:
- Bố Lý Xuân gập cho con chiếc tàu bay… bố Lý Xuân bắt cho con con bọ ngựa…
Lý Xuân nhận thằng bé làm con nuôi. Anh ta thường cầm bàn tay bé xíu của nó xoa lên má, cọ vào chiếc cằm đầy râu:
- Ô tay nó xinh ghê … Ôi, tay nó êm như tay con búp bê bằng lụa…
Mỗi lần có món ăn ngon, vợ tôi lại sai con đem sang biếu vợ chồng Lý Xuân. Lần nào thằng bé cũng về kể:
- Bao nhiêu miếng thịt nạc cô A Phượng ăn hết, bố Lý Xuân chỉ gặm xương thôi…
Chúng tôi bật cười. Vừa bực vừa thương con người hỉ xả đó. Tháng năm cứ thế trôi qua. Tôi dần dần có thêm nhiều bạn bè mới, công việc quen thuộc dễ chịu hơn nhiều. Tôi gắn bó từ lúc nào không rõ với cái phố nhỏ miền sơn cước này. Lý Xuân vẫn là người hàng xóm tin cẩn, người gần gũi nhất đối với tôi. Có lẽ, chúng tôi có thể sống êm thắm như thế mãi nếu không có những biến động. Đầu tiên, là những vụ xung đột xảy ra dọc biên giới. Dân công xã Trung Quốc bị khích động chạy sang chiếm đất, gặt trộm lúa, phá vỡ những đập nước và mương máng. Những vụ giành giật đất đai, đánh lộn bằng gậy gộc, ném đá xảy ra, dội vào thị trấn. Dư luận ồn ào. Hoa kiều nhìn chúng tôi bằng ánh mắt khác lạ, thầm lén và nghi kị. Đời sống thường ngày của thị trấn trở nên thầm lắng, ủ ê. Buổi tối, các cô gái và các chàng trai không còn rủ nhau tới cửa hàng kem hoặc vào thư viện đọc sách. Lũ trẻ cũng bớt chạy ra đường, hò reo, tập trận giả. Các cánh cửa đóng im ỉm, lọt ra vài vệt sáng. Mọi người sống thu mình lại, chờ đợi cái gì đó sẽ xảy ra. Lý Xuân ủ rũ như con chim gãy cánh. Anh ta buồn bã hơn cả hồi xảy ra vụ cách mạng văn hoá mấy năm trước. A Phượng thậm thọt chạy sang nhà Lý Ung suốt ngày. Thậm chí có bữa chị ta ngồi lì bên nhà lão bán phở chua bàn bạc việc cơ mật không thèm nấu ăn. Buổi trưa anh chồng đi làm về lại cắm cúi rửa nồi thổi cơm. Đứa con trai tôi cũng ít sang nhà bố Lý Xuân hơn trước. Dường như nó cũng linh cảm thấy sự thay đổi trong thái độ của những người lớn. Tình hình mỗi ngày mỗi xấu đi.
Ban đêm, qua các khe cửa, những bàn tay đen mang truyền đơn kêu gọi thúc ép người Hoa về nước. Lý Ung thường có những nhóm người tới thì thầm bàn tán. Mặc dầu chính quyền hoạt động tích cực giải thích, trấn an cho số dân Hoa, họ vẫn lục tục bán nhà, thu dọn đồ đạc bỏ về nước. Lý Xuân gầy tọp đi, râu ria tua tủa. Bộ mặt đỏ hồng tràn trề niềm vui sống của anh giờ đây đờ đẫn, hai hốc mắt trũng xuống, hằn nếp gấp trên mi. Anh không làm bánh nữa, suốt ngày thơ thẩn ra vào suy tính. Một đêm oi nóng, vợ chồng tôi thao thức không ngủ được. Đột nhiên, tiếng thì thào gay gắt bên kia tường vẳng sang. Chúng tôi cũng nín lặng nghe. Vợ chồng Lý Xuân cãi nhau. Họ nói tiếng Hoa, chúng tôi chỉ hiểu lõm bõm đôi chút. Giọng nói cả hai cùng cố nén nhỏ nhưng giằn dữ. Người tấn công là A Phượng. Chị ta nói liên tục, hùng hổ. Lý Xuân chống đỡ bằng lối nói nhát gừng, lúng búng của anh ta. Sau một lúc đôi co, A Phượng bỗng hét lên một tiếng nhỏ rồi hằm hè hỏi một câu gì đó. Lý Xuân lặng im không trả lời. A Phượng thúc hối một lần nữa. Lý Xuân vẫn câm nín. Chúng tôi nghe chị vợ rít lên lần thứ hai và tiếp sau đó những tiếng vỗ đôm đốp. Tiếng đập xen lẫn nhịp thở hào hển của người đàn bà.
A Phượng đánh chồng. Vợ tôi thì thào. Tôi mở mắt trong bóng tối, lắng nghe tiếng động dội sang và tưởng như nhìn thấy bộ mặt người đàn bà tái mét vì tức giận, hàng tóc mai dính bết trước trán, cặp mắt một mí long lên điên khùng. Chị ta vừa thở hổn hển vừa tát đôm đốp vào mặt Lý Xuân. Anh chồng hộ pháp đó có lẽ nằm im chịu đòn. Chúng tôi không nghe thấy một tiếng động nhỏ nào chứng tỏ anh ta chống đỡ. Sau một hồi bạo động, chắc A Phượng đã mệt. Chị ta thở dốc và nằm vật ra giường. Từ những nan gỗ bị rùng mạnh và vang lên khô khan trong bóng tối. Sáng hôm sau Lý Xuân đi đâu rất sớm. Gần trưa anh ta mới về: vẻ mặt bần thần. Mấy người cùng phố cho tôi biết anh vừa bán non nương sắn. Nghe đâu chỉ được giá dăm trăm. Nếu để đến vụ nương sắn của anh phải thu ngót hai ngàn. Ngay buổi chiều hôm đó bên nhà Lý Xuân vang lên tiếng đục gỗ chi chát. Tôi biết anh đang đóng hòm chở đồ. Ngày hôm sau A Phượng gọi người tới bán giường, tủ, mấy chiếc ghế tựa và chiếc cối xay bột. Tới cuối tuần họ đã thu xếp xong. Lý Xuân bước qua hàng dậu, sang nhà tôi:
- Chào anh chị Ngọc, tôi đi.
Anh ta nói, giọng khàn khàn không rõ buồn hay vui. Chúng tôi không dám hỏi han gì thêm chỉ lặng lẽ pha trà. Đứa con trai nhỏ của tôi bỗng ôm
choàng lấy Lý Xuân:
- Thế bố có quay lại đây nữa không? bố Lý Xuân?…
Người hàng xóm cầm tay đứa bé, mắt chớp chớp. Sau khi uống một chén trà, anh ta bỗng thở dài:
- Ở đây làm ăn đang vui. Tôi không muốn về đâu, nhưng Tổ quốc kêu gọi…
Mấy tiếng cuối cùng nghe như bị hụt hơi. Lý Xuân lặng im không nói gì thêm nữa. Vợ tôi lấy gói kẹo mè sửng vừa mới gửi mua ở Huế đưa cho Lý Xuân và chúc anh ta đi mạnh khoẻ. Lý Xuân đứng dậy chào chúng tôi về. Thân hình vạm vỡ của anh in đầy khuôn cửa. Cái lưng hơi gù gù tạo nên vẻ nhẫn nhịn và cam chịu. Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm quen biết, tôi mới nhận thấy lưng anh ta hơi gù. Lý Xuân đi tới hàng đậu. Vào mùa này, những cây đậu đũa đã hết rụi, khô xác ôm quanh các ống rào. Lý Xuân định bước qua hàng đậu về sân. Đột nhiên đứa con trai tôi chạy bổ ra:
- Bố Lý Xuân ơi, cho con buồng chuối kia nhé, con để chín cây cho chim sáo ăn dần…
T hằng bé vừa nói vừa chỉ buồng chuối tiêu ở góc vườn nhà Lý Xuân đang bắt đầu tròn quả. Lý Xuân quay lại cười. Ngay lúc đó tiếng A Phượng cất lên riết róng:
- Đừng tưởng bở, chúng tao chỉ về hai tháng rồi lại sang đây thôi.
Người đàn bà xanh lét như một con sâu trong bộ quần áo hoa xanh lốm đốm. Mặt chị ta vênh lên nhìn chúng tôi với vẻ ngạo mạn và thách thức. Vợ tôi vội vã mắng con. Thằng bé bỏ chạy đến bên chiếc lồng sáo. Lý Xuân lùi lũi đi về. Đó là kỷ niệm cuối cùng kết thúc một thời gian dài êm ấm. Tôi tưởng không bao giờ gặp lại người hàng xóm nữa.
Nhưng cuộc đời diễn ra ngoài sự tưởng tượng của mỗi chúng ta. Hơn một năm sau ngày Lý Xuân về nước, giặc Trung Quốc đánh ập sang. Chúng đánh vào lúc mọi người ít chuẩn bị nhất. Tháng hai, Tết nguyên đán vừa đi qua, nhưng mùi hương ngày lễ rằm còn phảng phất. Các súc thịt ủ rơm trong sọt chưa hết. Nhiều nhà hãy còn bánh nếp, bánh bỏng. ở vùng núi, mùi vị tết kéo dài theo không khí lành lạnh, lảng bảng hơi sương của mùa xuân. Bất chợt, hai giờ đêm, pháo nổ ran bốn phía. Tiếng động dội vào các vách đã, nhân lên, trùm lấy không gian, phá vỡ sự bình yên trong mọi căn nhà. Một người nào đó ở ngoài phố hét to:
- Giặc Trung Quốc đánh đến rồi,… giặc Trung quốc…
Chúng tôi bật dậy. Thế là bắt đầu cuộc chạy giặc. Vào trong núi, chúng tôi mới kịp nhận ra rằng trong lúc hốt hoảng, chúng tôi đã không mang theo những thứ cần thiết để duy trì đời sống: lương thực, soong nồi, bát đũa, dao chặt củi, xô múc nước… Tối hôm đó, một đoàn người bao gồm tôi, cậu bé mười lăm con ông già giữ thư viện, một bác thợ ngói đã về hưu, những người đàn ông hiếm hoi trong đám dân sơ tán cùng liều chết quay lại thị trấn. Chúng tôi cứ men theo những lối mòn mà đi. Thoạt đầu còn dè dặt, sau rồi chạy hối hả, liều lĩnh. Tiếng súng ở phía đầu thị trấn vẫn nổ từng đợt dài chứng tỏ dân quân chưa rút khỏi trận địa. Họ đang chống trả lại quân địch. Thị trấn chìm trong bóng tối hoang vu. Chúng tôi chia nhau ở cột đèn cuối thị trấn, hẹn sau nửa giờ quay lại cùng đi, rồi ai nấy lần về nhà mình. Tôi mò mẫm mở ổ khoá. Rồi trong đêm, mò mẫm tìm những thứ cần mang theo. Tiếng súng ở đầu thị trấn bỗng dội lên quyết liệt rồi sau đó tắt hẳn. Sự im lặng đó đè nặng lên tim tôi. Nó báo hiệu phút hiểm nguy đang tới gần. Mồ hôi toát ra ướt đẫm, tôi cuống cuồng gói đồ đạc thành một bó. Sợi dây thừng đã ải bỗng nhiên đứt phựt. Vừa rờ rẫm tìm hai mối nối, tôi vừa nghe tim mình đập thình thịch. Phút im lặng kéo dài. Rồi đột nhiên một loạt đạn tiểu liên nổ kèm theo tiếng chân chạy rầm rập. Tôi buông gói đồ xuống mở hé cánh cửa nhìn ra phố. Trong làn sáng của lửa đạn, tôi thấy quân địch đen nghịt tràn lên lòng đường. Tôi nhận ra họ ngay. Bởi lẽ hình dáng của họ đã quá quen thuộc đối với tôi, người đã sống trên mười năm trong dãy phố hai phần ba là Hoa Kiều.
Tôi khuân gói đồ, chạy ra căn hầm đào dưới cây nhót ngoài vườn. Nấp trong đó, tôi lắng nghe tiếng súng nổ loạn xạ, tiếng ồn ào ngoài đường vọng vào. Quân địch đã ùa vào các căn nhà. Bóng đen lố nhố in lên vòm trời sáng đục vì những đám cháy ngoài thị trấn hắt lên. Đám đông chuyển động trên mảnh sân nhà tôi và nhà Lý Xuân. Đôi khi, nhờ ánh lửa hồng hồng gợn khói soi rọi, tôi nhìn ra những bộ mặt quen thuộc của thị trấn: Hai thanh niên thợ gốm chiều chiều đá bóng trên sân cỏ. Một lão cắt tóc có chiếc rương gỗ sơn đỏ vẫn dựng quán trước cửa chợ phiên. Một cán bộ phân phối ngành thương nghiệp. Một lão to béo bụng tròn ngày ngày vẫn ôm chiếc hòm đựng bánh bột viên đi quanh phố, miệng rao dẻo kẹo:
- Cái bi ron ron, cái bi ròn ròn à…
Tụi lính Trung Quốc gọi nhau ngầu ngã tìm nước uống. Giữa đám tiếng nói hỗn loạn, một giọng oang oang bỗng cất lên:
- Có giếng đấy, có giếng trước cửa bếp đấy…
Giọng nói quá quen thuộc. Tôi lặng người, nín thở lắng nghe. Trong bóng đêm vang lên tiếng hỏi:
- ? ? (đâu? đâu?…)
Vài tiếng gắt gỏng. Một thằng lính va đầu vào cánh cửa bật chửi:
- Tỉu nà ma…
Những bóng đen đi lại lộn xộn. Rồi có tiếng gầu chạm lanh canh vào thành giếng xây, và cái giọng ban nãy lại cất lên, vui vẻ, ngạc nhiên:
- Ô, cái gầu nữa đây… cái gầu của nhà tao hãy còn.
Đích thực là giọng nói của Lý Xuân, không thể ngờ vực. Tôi hồi hộp dướn người lên, giương mắt nhìn lại đám lá nhót. Bên ngoài, tụi lính đang tranh nhau uống nước ừng ực. Mấy thằng lính nuôi quân đã nhóm một đống lửa giữa sân. Trong ánh lửa đỏ rực, tôi nhìn thấy người hàng xóm cũ. Lý Xuân, đứng trước cửa nhà mình, cao hơn, hơi gù, bộ mặt to lớn, hơi gù, bộ mặt to lớn đầy mãn nguyện. Tụi lính đang đập phá nhà tôi. Chúng bẻ gẫy chân bàn, phá giường ném vào đống lửa. Cả chiếc lồng chim sáo của đứa con trai cũng bị vứt vào bếp. Những chiếc nan tre cháy bùng lên. Con sáo đập cánh bay rối rít, điên loạn trong đám lưỡi lửa vây quanh. Vừa giãy giụa, con chim vừa kêu:
- Có khách, có khách…
- Có khách…
Con vật bé nhỏ kêu hoài cho đến lúc cháy thui. Tụi lính vỗ tay cười. Một tên lính nhỏ thó bưng bộ tách chén bằng sứ Giang Tây của tôi ra, vạch quần tiểu tiện vào. Tụi đồng bọn thích thú cười nghiêng ngả. Lý Xuân cũng cất tiếng cười hô hố. Anh ta nhìn bộ tách sứ đó, cũng như nhìn con sáo tội nghiệp chết quằn quại trên đống lửa bằng con mắt xa lạ, dửng dưng. Ánh lửa chập chờn rọi lên hàm răng trắng bóng đều đặn của Lý Xuân. Cái cổ vạm vỡ đỏ ửng. Đôi mắt xếch dưới cặp mày ngắn long lanh. Vẻ mặt anh ta hồn nhiên cho đến nỗi tôi đâm ngờ vực chính con mắt của mình, ngờ vực cả cái quá khứ lâu dài xa kia, đã có một thời, hơn mười năm chúng tôi là những người láng giềng thân thiết.
Tên lính nhỏ thó, lấc cấc bê cả bộ tách sứ đầy nước tiểu liệng vào giếng nhà tôi. Tụi lính xung quanh kêu ố lên ngạc nhiên, tán thưởng. Lý Xuân nhìn hắn thích thú. Lúc này, anh ta giống như một đứa trẻ độc ác hồn nhiên. Một đứa trẻ vui thú trong trò chơi độc ác, ví như vừa chơi vừa cấu đôi con bướm hay lấy dao chặt cụt đuôi mèo. Tụi lính Trung Quốc vẫn nhộn nhạo đùa rỡn quanh đống lửa. Nhưng đột nhiên có tiếng hét ngoài phố.
- Duê nản… tả duê nản…
Tụi lính nhào dậy. Lý Xuân là người đầu tiên ngó qua khuôn cửa nhảy ra ngoài đường. Anh ta hét lên:
- Tả duê nản…
Và cánh tay lực lưỡng giật khẩu súng dựng bên tường, cặp vào nách. Đạn liên thanh nổ hai tràng dài sau đó. Rồi một tiếng kêu đau đớn, mơ hồ từ phía cuối thị trấn vẳng lên. Tôi thấy tim mình như đứng lại: phía đường ấy là nơi cột điện tôi đã hẹn ông già thợ ngói và chú bé tới cùng đi. Nếu một trong hai người đó quay trở lại? … Tôi biết làm sao bây giờ? Áp ngực vào thành hầm, tôi căng thẳng lắng nghe, đầu óc rối loạn vì những lo âu và phỏng đoán.
Một tiếng đổ ầm ầm vang lên; tên lính bếp vào nhà tôi gỡ cánh cửa, lặc lè kéo đến bên đống lửa. Hắn lấy rìu bửa nhỏ, ấn vào bếp. Trong khung cửa trống hoác đó Lý Xuân bước vào. Đi sau anh ta là lão già Lý Ung. Lão bán phở chua bây giờ mới xuất hiện. Trong bộ phục rộng thùng thình, trông lão xấu xí lạ lùng. Lão kéo theo sau người bị bắt. Chính là chú bé đã cùng tôi quay lại thị trấn buổi chiều nay. Máu dồn lên mặt tôi nóng phừng, rồi trong một giây, người tôi lại tái đi, mồ hôi toát ra ớt đẫm. Những nắm tay tôi tìm nhau, vặn chặt lại trong cơn tuyệt vọng và bất lực. Trên kia, lão già Lý Ung đang quát hỏi chú bé:
- Ai sai mày quay lại đây? Do thám hả?
Chú bé đau đớn quỳ nghiêng trên sân, ôm bàn chân dập nát. Nó ngẩng lên, nhìn vào mặt lão bán phở nói khẽ:
- Tôi về lấy gạo, lấy nồi nấu cơm, lấy xô múc nước… Các ông bắn pháo…
Không kịp đem theo…
- Tụi dân quân sai mày về đây? hay bộ đội địa phương? … Chúng nó sai mày dò xét cái gì?… Ung tiếp tục hỏi.
- Không ai sai cả.
Chú bé lắc đầu.
- Lý Xuân, mày hãy cho nó một báng súng, thằng ranh con này bướng thật. Chắc nó đã được học làm do thám, nó rình rập để đánh trả chúng ta.
Lý Xuân đứng dậy, cánh tay kềnh càng vươn lên cao, giáng cây súng xuống cậu thiếu niên. Tôi nhắm mặt lại, choáng váng như vừa bị bổ một thanh củi vào đầu. Tôi chưa thể hình dung sự việc lại diễn ra như vậy. Tôi không thể ngờ Lý Xuân tàn nhẫn đến thế. Mặc dù hắn đã thản nhiên chứng kiến cảnh đồng bọn đập phá nhà cửa, đồ đạc của tôi, mặc dù hắn đã cười hô hố khi con sáo bị thiêu cháy, mặc dù… Tôi nhìn bộ mặt đỏ rực ánh lửa của người láng giềng, đôi mắt xếch dưới hai hàng lông mày ngắn không lay động. Chú bé bị đánh vào vai, ngã rụi xuống sân. Nó bật kêu lên một tiếng đau đớn và gọi:
- Chú Lý Xuân…
Cậu thiếu niên ngước nhìn tên hộ pháp, ánh mắt kinh hoàng. Một chút xao động chạy qua gương mặt tên lính. Hình như hắn bối rối. Trước đây, hắn vốn là người vui tính. Hắn thường cởi trần, mặc quần đùi chạy đá bóng lông nhông với lũ thiếu niên trong phố, giống như một con gà cộ lạc giữa bầy gà con. Buổi chiều, hắn thường nhảy xuống bến sông bơi òm òm, la hét đùa nghịch với chúng và đôi khi rỗi rãi, hắn ngồi chuyện gẫu với mấy chú nhóc trước quán bánh rán nước chè, điếu thuốc phì phèo trên môi. Vì tất cả những chuyện đó, lũ thanh niên choai choai trong thị trấn thân thiết và yêu mến Lý Xuân. Ánh mắt đau đớn, ngỡ ngàng của chú bé lúc này dán vào mặt hắn. Tên lính cúi đầu xuống. Một ngón tay hắn choãi ra trên nòng súng. Lão già bán phở vẫn ngồi chồm hổm trước cậu bé, tra hỏi:
- Thế nào ranh con? Khai ra chứ?… Ai sai mày?…
Chú bé nhìn bộ mặt choắt cheo của Lý Ung, những nếp nhăn xếp trên cái trán hói quả dưa và đôi mắt ti hí đầy soi mói của lão. Bất chợt, nổi khùng, nó dướn người lên, quát vào mặt lão già:
- Tôi không do thám ai cả. Chính các ông mới là đồ do thám. Các ông ở đây, lùng xét mọi thứ rồi dẫn quân Trung Quốc về đánh…
Lý Ung làm một động tác giống như con mèo chồm lên bắt mồi, lão định vồ lấy chú bé nhưng lại co hai tay, ngồi xuống:
- Lý Xuân, mày thấy thằng con lão kho sách nói gì chưa?… Đúng là một tên tiểu bá…
Lý Xuân đứng im, mặt chảy thượt. Tên lính nhỏ thó từ trong nhà hắn đi ra:
- Thủ trưởng bảo các anh bắn ngay đi, thằng này không phải là gián điệp nhưng đích thị là một tên tiểu bá… Kìa, Lý Xuân…
Lý Xuân như sực tỉnh. Hắn lên đạn. Tiếng động vang lên, lạnh lẽo. Chú bé run rẩy nhìn hắn. Nhưng bộ mặt tên lính đã khô cứng lại như mặt nạ, dửng dưng và vô cảm. Không do dự, hắn siết cò. Chú bé ngã vật xuống.
- Thế là hết…
Tôi thầm nói. Nỗi cay đắng nhục nhã xâm chiếm toàn thân, tôi cảm thấy người mình rời rã từng mảnh vì căm giận, bất lực. Trên kia, hai tên giặc xì xào trao đổi gì đó với nhau, rồi cả hai đến ngồi bên đống lửa:
- Mày bắn khá lắm – Tên Lý Ung nói – Lúc ở trong phố, tối đen như mực mà mày bán trúng bàn chân thằng ranh con…
- Ờ…
Lý Xuân gật đầu.
- Mai tao sẽ báo công với thủ trưởng.
Lý Ung tiếp.
- Ơ… Nếu mà bắn ban ngày, cách năm chục thước, tôi có thể tỉa trúng bàn tay một tên Việt Nam…
Tên sát nhân trả lời với vẻ mãn nguyện và giơ bàn tay lên hơ trước đống lửa. Tôi nhìn chằm chặp vào đôi bàn tay hắn. Đôi bàn tay to lớn, dày dặn với những vết chai mà tôi vẫn nhớ. Trước kia, tôi đã quý trọng chúng biết bao…
Đêm xuống. Tụi lính Trung Quốc sau khi ăn no đã đào hố ở ngoài bãi đất trống sau khoảng vườn của chúng tôi chạy ra phía ngoài thị trấn. Đào hố xong, chúng phủ rơm rạ, lót ván gỗ đậy lên và rúc xuống bên dưới ngủ. Lửa đã gần tàn, chỉ còn đám than hồng hắt sáng lên bầu trời tối om. Hai tên lính ngồi chồm hổm canh chừng cho đồng bọn ngủ. Đó là Lý Xuân và Lý Ung. Cả hai ngồi câm nín như hai con chó đá giữ cửa chùa. Xung quanh, tiếng ngáy phì phò của tụi lính vang lên. Bóng tối buồn thảm chụp xuống mặt đất. Tôi không thể ngủ được. Tôi nhìn hai bóng người đen đúa ấy, và cùng một lúc, những hình ảnh của quá khứ lẫn hiện tại ập đến, quay cuồng ở trong tôi như những hình người và thú xoay trên mặt ngọn đèn cù. Đêm khuya. Đám than đã lụi. Tôi mệt mỏi tựa lưng vào bờ đất. Đột nhiên, một tiếng kêu bật lên: Tôi nhỏm dậy, chăm chú nhìn. Cái bóng đen cao lớn đang mặt rền rĩ:
- Ôi… sao ông lại đánh tôi?
- Mày ngủ gật. Mới ngày đầu đã không chịu theo kỷ luật. Mai tao sẽ báo cáo thủ trưởng.
- Tôi có ngủ đâu?… tôi vẫn thức từ tối mà…
Tiếng Lý Xuân ấp úng.
- Mày ngủ gật. Tao đã đếm tới đúng một trăm.
Lý Ung lạnh lùng đáp.
- Tôi…
Lý Xuân lúng búng rồi câm bặt. Tôi nghe hắn thở dài, chống khẩu súng
xuống đất ngồi thu lu. Một bàn tay hắn rờ rẫm bên má:
- Ông đánh tôi đau quá…
Lý Ung im lặng. Lão ngồi bất động, cần mẫn như một con chó già. Có lẽ cặp mặt ti hí của lão đang lục lọi trong bóng tối. Một lúc lâu sau tôi không nghe chúng nói gì thêm nữa. Chỉ có tiếng gió lùa ù ú trong khe núi và tiếng côn trùng rỉ rả. Một tên lính ngủ mê la hét nói lắp bắp một tràng dài. Rồi sau đó lại hoàn toàn yên lặng. Tôi đã sắp sửa tụt xuống hầm thì Lý Xuân bỗng hắng giọng. Hắn ho vài tiếng khan rồi nói:
- Này, ông Lý Ung, sau đợt này ông về đâu?
- Chưa biết.
- Trừng trị Việt Nam xong, tôi sẽ về quê thôi. Bố tôi vừa chết mùa đông năm ngoái, còn để cho tôi cái nhà.
Lão bán phở chua không góp chuyện. Ngừng lại một chút, Lý Xuân nói tiếp:
- Tôi sẽ tiêu diệt thật nhiều tên tiểu bá Việt Nam, tôi sẽ được phát phiếu lĩnh lương thực và tiền. Mùa đông này sẽ đắp đất lại cái mái nhà cũ…
Hắn thở mạnh và say sưa tiếp:
- Sẽ đắp đất lại cái mái nhà. Và tôi sẽ bảo A Phượng làm thật nhiều bánh bao nhuộm phẩm ăn mừng. A Phương không làm được việc nặng, tôi sẽ kiếm cho cô ấy cái máy khâu… Ông bảo có được không?…
- Được – Lý Ung trả lời – Nhưng mày phải hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc vĩ đại đã giao phó…
Nói xong, lão bán phở chua lại im lặng. Cái bóng đen thấp bé nhòn nhọn của lão không cử động, giống như một hòn đá dưới chân núi. Lý Xuân khe khẽ hát. Bài: “Ra khơi nhờ tay lái vững”. Bàn tay xoè rộng, vỗ nhịp trên đùi. Hắn đang sống sung sướng với những mộng mơ của hắn. Phía đông, chân trời rạng lên một vệt các vòm cây hiện lên lờ mờ trên nền trời màu xám sữa. Một tên lính thấp béo lạch bạch chạy từ chỗ ngủ vào sân, hét to:
- Bắc chảo lên.
Chắc hẳn đó là tên bếp trưởng. Chúng nó đã chuẩn bị nấu ăn. Rạng sáng rồi. Trời sáng hắn. Dưới ánh mặt trời, tôi nhìn rõ những bộ mặt của quân địch. Tụi chúng đi lại nhộn nhạo, đứa gõ ca gõ bát, đứa sửa sang súng đạn. Vài tên lính cởi giày đập bùn bám vào đêm qua. Mùi chân thối hoăng xông đến tận nơi tôi ẩn nấp. Quanh bếp, một tốp lính mới đầu húi gần như trọc đang ngồi vừa vỗ tay vừa hát bài “Ra khơi nhờ tay lái vững”. Tên lính nhỏ thó lấc cấc hôm qua ngồi thổi kèn đệm theo. Chiếc kèn trong tay hắn gần giống như kèn đám ma nhưng ngắn hơn. Âm thanh nó phát ra the thé như giọng một cô gái già nanh nọc. Lý Xuân và Lý Ung đã ngủ. Lão bán phở chua rải mảnh ni lông nằm còng queo nơi cửa bếp. Còn Lý Xuân cứ tựa lưng vào một gốc cây, há hốc mồm mà ngáy. Bỗng nhiên, tụi lính khẽ xì xào:
- Thủ trưởng…
Vẻ mặt chúng nhuốm một màu sắc khó phân định. Người ta chỉ có thể ngửi ra màu đó. Thứ màu khúm núm, sợ hãi một cách không tự giác trước quyền uy. Từ cửa nhà Lý Xuân, tên sĩ quan chỉ huy bước ra. Đó là một người đàn ông trạc bốn mươi, tầm thước. Bộ mặt y trắng lợt, bóng loáng như quả bầu già bôi mỡ. Hai bên thái dương và dưới quai hàm, chi chít những nếp răn mệt mỏi. Y nghiêm nghị đi qua sân, bộ mặt lạnh lùng vô cảm, dường như y không hề nhìn thấy tụi lính đang ngước nhìn y với con mắt thần phục, dường như y đang bước đi trong một khoảng trống không người. Theo đuổi một ý nghĩ nào đó, mắt y nhìn thẳng về phía trước. Qua sân, qua mảnh vườn, y băng tới đám đất hoang mà tụi lính đào hố cá nhân đêm qua. Tôi mải mê nhìn theo tên sĩ quan ấy. Y có cái gì khác biệt với những Hoa kiều mà tôi đã từng biết. Dường như y mang bên trong con người y cái băng giá bí ẩn của phương Bắc. Một tiếng nổ bùng lên ngay bên tôi. Rồi những tiếng rào rào trút như mưa trên đầu. Đất rơi xuống, tối tăm mặt mũi. Tôi chưa kịp định thần tiếng nổ thứ hai đã tiếp theo. Sau đó đạn pháo nổ liên tục từng chuỗi dài. Đạn mười hai ly bảy của ta. Đạn cối của ta. Tất cả đều từ phía đồi cuối thị trấn trút xuống. Chắc hẳn một đơn vị bộ đội nào đã di chuyển tới kháng cự quân địch. Tôi tụt xuống hầm, đậy nắp lại. Toàn thân run lên vì xúc động. Niềm sung sướng được trả thù, nỗi vui hầm bị trúng pháo xen lẫn trong tôi. Tiếng pháo nổ không ngừng khiến tai tôi ù đi. Nhưng trong tiếng nổ, tôi nghe rõ tiếng la hét của lũ giặc, tiếng hét gào lên như điên loạn tiếng hô hoảng hốt:
- Đạn cối Việt Nam, đạn cối… nằm xuống…
Những thanh âm đó vang lên trong tôi, reo phần phật như ngọn lửa trước gió. Nó đem đến cho tôi một thứ hạnh phúc kỳ lạ. Thứ hạnh phúc chỉ những người đã từng chịu khổ đau, thua thiệt mới cảm thấy. Nó bù trả lại sự phá vỡ cuộc sống yên ổn của chúng tôi. Bù trả lại tiếng khóc khan vã của những đứa con nít trong hang núi lạnh không có cơm ăn và nước uống. Nó bù trả lại cái chết của cậu thiếu niên đêm hôm qua, cả tiếng kêu thảm thiết của con sáo bị thiêu cháy trong lồng… Tôi tựa sát người vào vách hầm. Đất ẩm lạnh thấm sang da tôi. Cả những đợt rung chuyển vì đạn nổ cũng truyền sang tôi làn sóng của nó. Một mảnh đất rơi xuống, cát sạn lọt vào trong cổ áo, nham nháp nơi lưng. Tôi ưỡn thẳng người, giũ áo. Nhưng ngay lúc đó, một tiếng kêu khủng khiếp vang lên, trùm lấp mọi tiếng động khác. Không phải tiếng kêu của con người bình thường. Đó là tiếng gầm của một con thú bị thương hoặc của một tên khổng lồ trong chuyện cổ.
- Ú ú ú…
Tiếng rú kéo dài, bị méo mó vì kinh hoảng. Lần này, vị đạn pháo đã dứt, tôi nhận ra tiếng hú đó là của Lý Xuân. Bất giác tôi rùng mình trước sức lực đáng sợ của tên hộ pháp đó. Trên mặt đất, pháo đã ngừng bắn. Cả đạn cối cũng vậy. Tụi lính giặc gọi nhau ơi ới:
- Đạn Việt Nam ngừng rồi, chạy mau…
- Lệnh thủ trưởng di chuyển về trận địa cũ, phố…
Đám quân lính rầm rập chạy qua mảnh vườn. Có tên bị thương la hét rên rỉ. Tò mò, tôi lại bật nắp nhô lên xem. Khoảng sân giữa nhà Lý Xuân và nhà tôi bị pháo đào một hố rộng. Trong vườn còn bốn năm hố nữa. Gạch ngói vỡ, đất đá, những vụn cây gãy… ngổn ngang. Xác gần một tiểu đội giặc chết cụm bên chảo cơm chưa chín. Những thanh củi cháy dở vẫn đang ngún khói. Trong khung cảnh đó, những tên lính bị thương bò lê lết, kêu rên:
- Đau quá… trời ơi…
- Băng cho tôi với, băng cho tôi…
Những tiếng rên rỉ của chúng bị chìm lấp trong tiếng gào của Lý Xuân. Con người lực lưỡng ấy bị mảnh pháo tiện đứt một bên đùi. Cẳng chân trái của hắn cùng ống quần binh sĩ bắn về phía trước sân, cách nơi hắn ngồi hai thước. Ở đó, khúc chân cụt vẫn tiếp tục phun máu. Vũng máu đỏ bò từ từ trên sàn gạch. Mảnh vải thâm đẫm máu trở thành một nằm giẻ đen đúa, thứ màu đen thê thảm khó quên. Khúc chân to lớn giống như một cái xác riêng biệt. Còn chủ nhân của nó đang ôm chặt bắp đùi cụt, la thét. Máu vẫn chảy qua những kẽ ngón tay hắn, túa thành dòng. Mặt tái nhợt, Lý Xuân ngước nhìn những tên lính chen nhau chạy ra phía đường thị trấn:
- Đồng chí Hứa Minh… cõng tôi với…
- Bành Căn ơi, tao đau quá… Bành Căn… Cõng tao với… Lý Quang
Sương… trời ơi…
Hắn kêu gọi, ánh mắt chứa chan sự cầu xin và lòng hy vọng. Nhưng đồng bọn của hắn hấp tấp đi qua. Không dám quay đầu lại. Khi bước khỏi cửa nhà Lý Xuân, chúng cắm đầu lao về phía trước. Tên lính cụt chân thảm thiết. Bộ mặt vàng như sáp ong, tuyệt vọng, điên cuồng. Hắn nhìn những tên lính lành lặn chạy qua, tròng mắt lạc đi. Miệng hắn rống lên những tiếng chửi tục tĩu và những lời nguyền rủa ghê gớm, ác độc. Lúc đó, từ phía bãi đất hoang, sĩ quan chỉ huy đi đến. Theo sau là lão già Lý Ung. Cả hai vội vã nhằm tới khung cửa nhà. Lý Xuân ngước đôi mắt tuyệt vọng nhìn thủ trưởng. Tên chỉ huy vẫn bước đều đặn, mắt nhìn thẳng. Hai bàn chân y diễu ngang qua mặt Lý Xuân, sắp sửa rời khỏi mảnh sân đẫm máu tươi. Lý Xuân nhìn chằm chặp vào hai bàn chân mang giày da đen ấy: Thủ trưởng sắp đi qua, thủ trưởng cũng sắp bỏ hắn rồi. Tên lính bị thương kêu hộc lên một tiếng tuyệt vọng. Rồi, với tất cả sức mạnh điên khùng, hắn đuổi theo tên chỉ huy. Hắn bò nhanh ghê gớm, trên hai bàn tay và khuỷu chân còn lại. Hắn vẽ những vệt đỏ trên nền gạch lát sân. Những vết máu in hình hai bàn tay và một lằn đỏ dài ngoằn ngoèo như con rắn. Đúng vào lúc tên chỉ huy bước lên bậc cửa thì Lý Xuân đuổi kịp y:
- Thủ trưởng đừng bỏ tôi… Tôi bị thương, đau lắm…
Hắn kêu thật to, giọng ồm ồm như tiếng vang trong một cái thùng bịt đáy. Hai bàn tay ôm chặt lấy đùi tên sĩ quan, cứng ngắc.
Tên chỉ huy dừng lại. Vẻ bối rối thoáng hiện trên bộ mặt điềm tĩnh trời sinh của y. Nhưng y trấn tĩnh rất nhanh:
- Đồng chí Lý Xuân…
Y gọi.
- Thủ trưởng đừng bỏ tôi, tôi đau lắm…
Tên lính vẫn tiếp tục kêu la, hai bàn tay siết chặt. Bộ mặt to lớn của hắn nhợt nhạt, bọt sùi ra hai mép. Phía sau, lão già Lý Ung im lặng đứng nhìn.
- Đồng chí Lý Xuân, đồng chí có biết mình chiến đấu vì ai không?
Sĩ quan chỉ huy tiếp tục nói.
- Báo cao, tôi đã được học tập – Lý Xuân vội vã trả lời – Tôi chiến đầu vì Tổ quốc vĩ đại… Nhưng tôi bị thương đau lắm, thủ trưởng đừng bỏ tôi…
- Tôi và đồng chí – Tên sĩ quan nghiêm giọng – Chúng ta cùng chiến đấu theo lệnh của thủ trưởng số 1. Chúng ta là những quân nhân của Đội quân Trung Hoa vĩ đại. Chúng ta cần xứng đáng với danh hiệu đó. Đồng chí không được kêu la như vậy. Điều đó làm tổn thất danh dự quân nhân. Lý Xuân không kêu nữa. Nhưng hắn vặn vẹo như một con rắn bị chặt đuôi và trên mặt hắn, những nếp nhăn hằn lên thảm khốc. Những nếp nhăn làm biến dạng gương mặt Lý Xuân và khiến tim tôi nhói lên một cảm giác khó cắt nghĩa. Trước đây, tôi vẫn quen nhìn gương mặt đó hồng hào, long lanh mồ hôi, tràn ngập sức sống và niềm vui chất phác. Phải, trước đây… Tên sĩ quan chỉ huy đã lại nói tiếp, với cái giọng dõng dạc quyền uy:
- Tổ quốc vĩ đại chỉ cho phép chúng ta chiến thắng vẻ vang. Người chiến sĩ không thể trở về với một bộ mặt tàn phế, thảm hại. Người chiến sĩ không thể trở về với một tinh thần bạc nhược, yếu hèn. Như thế là bêu riếu nhân dân, làm nhục tới quốc thể. Đồng chí hãy nhớ những lời tôi nói và suy nghĩ đến bản thân…
Lý Xuân nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của chỉ huy, vừa kịp hiểu những lời nói đó, hắn buông tay, há hốc mồm. Bộ mặt hắn đờ đẫn, ngây dại trong phút tập trung suy nghĩ. Ngay tức khắc, tên sĩ quan chỉ huy bước đi. Trước khi đặt chân lên bậc cửa, y liếc nhìn Lý Ung. Lão già bán phở nhìn lại y với cặp mắt hiểu biết của một con thú về già. Lão lanh lẹn rút một cái hộp hình chữ nhật trong túi dết, mở nắp, đổ thốc lên người Lý Xuân. Bột xăng khô lả tả trùm lên người tên lính cụt. Và trong khi hắn còn chưa kịp định thần xem chuyện gì xảy ra thì lão già Lý Ung đã xoè diêm ném. Ngọn lửa bùng lên cuộn tròn lấy tên lính hộ pháp. Cho đến tận giờ, có lẽ Lý Xuân cũng chưa kịp hiểu tai hoạ đã bay đến từ nơi đâu. Từ những lời giáo huấn nghiêm trang, uyển chuyển của tên sĩ quan, từ ánh mắt đưa thầm kín của y, hoặc từ ngọn lửa diêm xoè cháy trong tay lão hàng xóm già. Tên lính to lớn gào lên, hú lên. Những âm thanh không còn giống tiếng của một con người. Đó là tiếng la thét của cái chết. Tôi nhìn hắn, người hàng xóm ngày xưa, kẻ giết người và người bị giết. Hắn đang cháy đùng đùng như một bó đuốc sống. Một bó đuốc ghê rợn toả ra mùi tử thi và đem đến bầu không khí u ám âm hiểm của phương Bắc.
Sau khi quân Trung Quốc rút về nước, chúng tôi trở lại thị trấn. Ở đó, chúng tôi nhen nhúm, tạo dựng lại đời sống trên những ngôi nhà bị phá trống hoác. Chúng tôi dọn những mảnh vườn tan nát và gỡ đám dây khoai đầu tiên cho mùa khoai mới. Chúng tôi gieo đậu và những dây đậu loăn xoăn mềm mại đã rụt rè leo lên hàng dậu ngả nghiêng. Ngày một ngày hai, cuộc sống thường nhật dần trở lại. Nhưng sự yên tĩnh trong lòng con người ở nơi đây không trở lại nữa. Dân thị trấn nhắc tới chiến tranh, tới mối hiểm hoạ với nỗi đau xót, với sự kiêu hãnh của những người đã từng trải và sẵn sàng thách thức. Riêng tôi, mỗi khi nhìn sang ngôi nhà đóng im ỉm của Lý Xuân, lòng tôi dấy lên những hồi tưởng. Tôi nhìn mảnh sân bị cháy đen, in dấu vết cái chết thảm khốc của nó. Mảnh sân đó chúng tôi đã phải cọ rửa một tuần, rồi mới dọn về, vì những mủn thịt còn sót thối rữa. Tôi nhìn gốc liễu cụt, với một nhành cây uốn cong, xanh mướt. Nơi đó trước đây người chồng bị cắm sừng Lý Xuân đã sung sướng ngồi xay bột và nghêu ngao bài hát. Tiếng hát của người hàng xóm văng vẳng trong tôi. Những hồi âm lại gợi đến một vùng tuyết sa bát ngát. Trên cánh đồng trắng lạnh xứ tuyết, tôi thấy rõ Lý Xuân. Anh ta bước đi câm nín trong một đội quân dằng dặc. Mặt và nửa thân trên của họ bị che kín bởi những tấm vải dày. Người ta chỉ nhìn thấy những đôi chân của họ. Những đôi chân bước đều đặn, không ngừng nghỉ, bị cuốn đi như gió đẩy, như bùa ếm. Một bàn chân in lên mặt tuyết dấu bùn. Bàn chân kia in lên vết máu.
8-1979
Dương Thu Hương