Ở Việt Nam, một tờ báo được cung cấp 3 thẻ phóng viên quân đội. Cục An Ninh Quân Đội điều tra rất cẩn thận, từ cá nhân ký giả, cha mẹ, ông nội bà nội, có ai vào theo Việt Cộng không? Có ông bà, cha mẹ đi vào rừng với Mặt Trận giải phóng miền Nam hay không?
Sau khi thăm trường Võ Bị Đà Lạt, chúng tôi thăm trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Trường này so với trường Võ Bị tương đối mới. Trường Võ Bị đến năm 1975 có 31 khóa, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị có 6 khóa. Cả 2 trường đều đào tạo nhiều sĩ quan xuất sắc.
Chúng tôi thăm phòng khách, phòng ăn, bãi tập, v.v. núi rừng trùng trùng điệp điệp. Thời gian huấn nhục bị đọa đày tối đa. Ai qua khỏi thời gian huấn nhục mới trở thành sĩ quan, nếu không thì rời trường.
Tôi còn nhớ hôm đó là ngày chót chúng tôi thăm viếng trường thì Đề Đốc Lâm Quang Tánh mời chúng tôi dùng cơm với sinh viên. Sinh viên sĩ quan trường tranh nói:
– Kính thưa quý nương, kính thưa Đề Đốc, thực đơn hôm nay gồm có: …, tên của món ăn rất lạ v.v.
Chữ ” Kính thưa Quý Nương”, chúng tôi nhớ mãi cho đến bây giờ.
Truyền thống của Hải Quân VN theo Hải Quân Anh. Ở Anh hay khối Commonweath thì lady anywhere any time lady first, ở đâu lúc nào phụ nữ cũng hạng nhất (nói vậy mà không phải vậy nghen).
Sau này ra chiến trường, đến 4 vùng chiến thuật, nơi nào chúng tôi cũng gặp các sĩ quan xuất thân từ các trường này, và tôi cũng thăm trường sĩ quan Hải Quân Nha Trang, trường Bộ Binh Thủ Đức, trường Không Quân, trung tâm Huấn luyện Quang Trung, trường Đồn Đế Nha Trang, trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu.
Nếu không là phóng viên chiến trường được cấp thẻ từ bộ Tổng Tham Mưu lúc đó, Trung tướng Nguyễn Văn Mạnh, Tham Mưu Trưởng liên quân ký tên vào thẻ báo chí này.
Làm truyền thông vui lắm, được quen những người giỏi và nổi tiếng mà mình muốn quen. Làm truyền thông đi đến đâu cũng được đón tiếp ân cần, nhưng làm truyền thông phải công bình, ngay thẳng, người nào cũng có điểm tốt của họ. Nếu người nào nhìn được điều tốt của người khác đở gây thù gây oán. Có nhiều người bị phê phán quá sức, uất ức rồi chết, cũng tội nghiệp cho người đó.
Làm truyền thông phỏng vấn nhiều người từ dân đến Tổng Thống, từ lính đến Đại Tướng, đến Đô Đốc. Nếu không làm truyền thông làm sao có thể phỏng vấn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tướng Cao Văn Viên, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng Thống Ron Reagon, Tổng Thống George Bush, phu nhân Tổng Thống Sadat, Đức Cha William Skystad, chủ tịch Hội Đồng giám mục Hoa Kỳ, Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Khâm sai sứ thần tòa thánh Vatican Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, Đức Cha Nguyễn Chí Linh, chủ tịch hội đồng giám mục VN, Đức Cha Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha Đinh Đức Đạo, linh mục Anthony Đào Quang Chính, giám đốc di dân mục vụ hội đồng giám mục Hoa Kỳ (2003-2007).
Ở Việt Nam từ mùa hè đổ lửa năm1972 lửa tưng bừng, các tướng bận rộn từng giây từng phút điều binh trận mạc, nhưng vẫn có họp báo. Các tướng tư lệnh cũng vẫn tiếp các ký giả chiến trường. Các tướng Ngô Quang Trưởng, tướng Đỗ Cao Trí, tướng Nguyễn Khoa Nam, tướng Nguyễn Duy Hinh, tướng Phan Trọng Chinh, tướng Lê Nguyên Khang, tướng Lê Văn Hưng, v.v chưa có tướng nào từ chối tiếp ký giả.
Ký giả chiến trường là phụ nữ ít lắm, vì ra chiến trường phụ nữ đâu có chạy giỏi. Đi theo hành quân, lính chạy, ký giả phải chạy nhanh, sống chết dưới làn đạn. Tôi thì quan niệm sống chết có số, tới số chết là phải chết thế thôi, sợ cũng vậy thôi.
Tôi có nhiều kỷ niệm với sinh viên của trường CTCT Đà Lạt, trường đào tạo 6 khóa. Ra chiến trường tôi cũng gặp sĩ quan CTCT xuất thân từ trong CTCT Đà Lạt rồi lưu vong ở Hoa Kỳ, đi đâu tôi cũng gặp anh em cựu sinh viên sĩ quan của trường này. Ở đất Mỹ, đi đâu cũng phải hẹn trước. Một hôm, tôi tham dự hội phụ nữ thế giới ở Jamaica. Khi về thì máy bay đình công, ông Đại sứ Mỹ gởi cho tôi máy bay của Hoàng gia Jamaica. Máy bay hạ cánh ở Miami, đợi máy bay, đi vòng vòng đến khi về tới Hoa Thịnh Đốn 2 giờ sáng, hành trang đi một nơi người một ngã. Ngày đó, anh em hội sinh viên CTCT Đà Lạt đãi tôi ăn tối. Địa điểm là nhà hàng Đà Lạt, một nhà hàng rất đẹp ở vùng Hoa Thịnh Đốn, không gặp tôi ngày hôm sau lại đãi nữa, đãi một người hai lần. Tôi rất cảm động gặp lại anh em cựu sinh viên CTCT Đà Lạt. Hôm qua, tôi gặp rất nhiều anh em và gia đình. Có một cháu thế hệ thứ 2 sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, có phu nhân của cố Trung úy Hoàn, thi sĩ, khóa 2 đã hy sinh ngoài trận tuyến. Hội cựu quân nhân CTCT Đà Lạt mỗi lần có đại hội, hay họp hội đều mời quả phụ và cô nhi, như một truyền thống của trường, không quên bằng hữu đã hy sinh vì Tổ Quốc. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã tham dự đại hội Thủy Quân Lục chiến Hoa kỳ, kỷ niệm 300 năm thành lập binh chủng này. Một dãy bàn thật dài từ cửa hội trường bước vào khăn ăn trắng, đĩa, muỗng, nhưng không có người ngồi vào, để mời người ra đi về đây với anh em. Đó là truyền thống tuyệt đẹp của binh chủng TQLC Hoa Kỳ.
Trong buổi họp mặt đãi khách, khách chỉ có một người, trên bàn ăn có hoa tươi. Trong buổi tiệc có tiếng cười của trẻ thơ, có tiếng hát của các phu nhân, của sinh viên CTCT Đà Lạt. Và đi đến nơi nào tôi cũng gặp anh em CTCT Đà Lạt, tôi đều được đón tiếp một cách niềm nở như đến Portland, Seattle, Florida, Boston, New York, New Jersey, Washinhton DC, Maryland v.v.
Phóng viên chiến trường được nhìn thấy tận mắt sự hy sinh, can đảm, hào hùng của người lính chiến, đạn rơi, bom nổ, người lính chiến vẫn tiến tới mục tiêu, và sự hy sinh của bằng hữu xả thân cho nhau, người này gục xuống, người khác đứng lên, đỡ bạn mình. Nhiều khi người bị thương không chết, nhưng người đỡ bạn mình trúng đạn chết tức khắc. Ở trận chiến là thế, chết nhanh lắm, chết không kịp trối. Có người trách lính chiến, về thành phố ăn chơi long trời lở đất. Người lính đi đến đâu cũng có giai nhân đợi chờ. Rồi một hôm, có người lính tử thương đem về bệnh viện Cộng Hòa, rồi ra nghĩa trang quân đội, 8 phụ nữ để tang, 2 người đang có bầu, và có 10 đứa trẻ đi sau quan tài. Người lính này trong giấy tờ là độc thân, 2 phụ nữ mang bầu cầm hình của người lính đi trước quan tài. Cha mẹ của người chiến sĩ nhận tất cả các phụ nữ xưng là vợ của người lính là con dâu, và 10 đứa nhỏ là cháu nội, người lính không còn tiếng nói để có thể phủ nhận hay xác nhận ai là vợ mình, ai là con của mình?
Trong cuộc chiến thảm khốc, việc gì cũng vội vàng, không biết ngày mai ai còn ai mất. Cuộc tình cũng vậy, cũng khốc liệt như chiến trường, không có gì là của mình, có thể nay còn mai mất, thôi thì cứ vui từng giây từng phút. Tôi còn nhớ các sĩ quan Không Quân vừa bỏ bom Bắc Việt trở về, thì tối hôm đó, tiệc tùng ở câu lạc bộ sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc đãi tiệc, ca nhạc, nhảy đầm. Người nằm xuống cứ nằm xuống, người còn lại vui chơi, nhảy đầm cứ tự nhiên như người về từ Cõi Chết.
Hai bài tôi viết về trường Võ Bị Đà Lạt và CTCT Đà Lạt là về người lính chiến tranh. Người trẻ chết trong chiến tranh nhiều lắm. Nghĩa trang quân đội ở Hạnh Thông Tây, nghĩa trang quân đội Biên Hòa và nhiều nghĩa trang khác ở các tỉnh, là nơi yên nghĩ của những người lính trẻ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Ngày xưa, có gia đình nào mà không có người đi lính, không gia đình nào mà không có người đã hy sinh. Chiến tranh thê thảm thật, người dân chết, dân ở trong vùng hỏa tuyến chết đều đều, người lính ra trận chết không kém. Vượt biên vì hai chữ Tự Do cũng chết nhiều. Hy vọng một ngày nào đó, không có ai chết vì bom đạn, và mọi người sống hạnh phúc trong hòa bình.
Orange County, 25/9/2020
KIỀU MỸ DUYÊN
Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị
Đi diễu hành
Đi diễn hành
Buổi tập của lính
Nguồn: https://vietbao.com/a305066/