Truyện Ngắn & Phóng Sự

MỘT BUỔI DIỄN KỊCH - NHẬT TIẾN *

Đó là một rạp hát hạng trung nằm ở ngang cuối phố chợ. Trước cửa rạp là một hàng cây cao. Chen vào giữa những hàng cây là một trụ đèn xi măng



Ở NGOÀI CỬA RẠP HÁT, TRƯỚC GIỜ TRÌNH DIỄN

Đó là một rạp hát hạng trung nằm ở ngang cuối phố chợ. Trước cửa rạp là một hàng cây cao. Chen vào giữa những hàng cây là một trụ đèn xi măng, ở trên cao tít có một cái bóng đèn tỏa ra một thứ ánh sáng vàng bệch không đủ soi rõ quang cảnh của hè phố trước rạp. Tuy nhiên vào lúc hơn bảy giờ thì tổ Coi Xe cũng đã cho thắp lên bốn ngọn đèn chai treo ở trên những cái cọc gỗ dùng để chăng một sợi dây thừng trải dài bao bọc khu vực gửi xe.Những chiếc xe đạp của khán giả đến trước tiên đã được đặt ngay ngắn theo thứ tự từ lớp trong ra lớp ngoài. Người gửi xe được trao cho một miếng thẻ bằng bìa nhỏ. Khỏi cần ghi số ở trên. Ai có xe để ở chỗ nào, chốc nữa tan ra cứ lại chỗ đó mà chờ. Tổ gởi xe sẽ luồn qua khung xe một sợi thừng cớ lớn và buộc lại ở phía đầu nút. Nút buộc chỉ được cởi ra khi tan rạp. Do đó, tuần tự ai gởi sau sẽ được ra trước, cho đến người cuối cùng. Đó là một sáng kiến tuyệt hảo để tránh việc lấy lộn xe của nhau. Bởi xe của ai thì người đó đã đứng chờ sẵn tại chỗ rồi.

Duy chỉ có hai điều bất tiện: một là ai gởi xe trước thì phải ra sau, ít lắm cũng mất nửa giờ, và hai là không có cái vụ đang xem hát trong rạp, bỏ về nửa chừng. Muốn bỏ về nửa chừng thì rán cuốc bộ, lát nữa rạp tan, quay trở lại lấy xe. Tuy bất tiện một tí nhưng bảo đảm an toàn. Trong ba quý liền điều hành công tác, Tổ gửi xe không làm mất và phải đền cái xe nào. Điều nầy đã đem lại cho Tổ vô số là bằng khen với lời tuyên dương nhiệt liệt: phục vụ tốt, kết quả công tác tốt, góp phần tốt vào công cuộc xây dựng nếp sống mới con người mới Xã hội Chủ nghĩa.

Ở dưới những gốc cây gần kế với khu vực gửi xe là chỗ quây quần của những hàng quán bán cho khách đi coi ca kịch. Hầu hết là những người bán thuốc lá lẻ và kẹo bánh lặt vặt. Nhưng cũng có hàng bán nước mía, nước trái cây xay, bán chè xôi, và có cả hàng bán lõi thơm (hay lõi dứa). Quả dứa thơm ngon đã được đóng hộp xuất khẩu, cái lõi còn lại được xí nghiệp sản xuất phát huy sáng kiến gọt tỉa lại cho tròn trĩnh và bó lại thành từng bó rồi đem tiêu thụ ngoài quần chúng. Vừa rẻ, vừa mát, lại vừa túi tiền. Nó cũng đáp ứng khẩu vị của người dân đã lâu thèm và nhớ hương vị của mùi dứa. Buôn bán lõi dứa do đó cũng rất phát tài và lương thiện. Các đồng chí công an nếu có xuất hiện để xua đuổi việc chiếm lề đường làm mất vệ sinh và vẻ thẩm mỹ của thành phố thì cũng không nỡ tịch thâu những bó lõi dứa màu vàng óng xếp thành chồng cao trên những cái mẹt có lót lá chuối khô và được che lên bằng một tấm giấy nylon đã ngả màu nâu đục và mất hẳn tính trong suốt của loại nylon bình thường vì đã bị tái sinh nhiều lần.

Chỉ có đám bán thuốc lá lẻ là chạy chối chết. Bởi nếu hạch hỏi ra thì đủ thứ tội: Thuốc lá Sông Cầu, thuốc lá Hoa Mai, thuốc lá Phù Đổng, thuốc lá Trường Sơn... toàn là nhưng đồ phân phối của công nhân viên chức, bán ra ngoài là bất hợp pháp rồi, bất kể người được phân phối không biết hút thuốc và đã hoan hỉ nhượng lại. “Sang đi nhượng lại” là một hành vi phạm pháp, làm ngơ thì chả sao, nhưng hạch sách ra thì nó vẫn là một tội có thể viện dẫn ra để tịch thu. Quầy hàng thuốc lá vì thế đã được người bán bố trí rất đơn giản. Chỉ có một cái càng ba chân bằng que tre, trên để một cái thùng carton nhỏ. Bên trong hầu hết là những vỏ bao trống không hoặc chỉ để sẵn vài ba điếu. Nguồn hàng chính thức được giấu kín trong một cái túi xách và để ở đâu đó khó ai nhận biết được, ví dụ ở trong bọc áo một thằng bé ngồi thu lu ở vỉa hè xa xa chỗ mẹ nó, chị nó bán hàng, hay ví dụ như ở ngay dưới gầm ghế của một nữ đồng chí trong Tổ coi xe, ngồi nghiêm chỉnh ở khu vực đã được chỉ định sẵn, vừa quan sát khu vực để xe, vừa chăm chú đan thêm mảnh áo len kiếm thêm chút tiền đong gạo dưới ánh đèn lù mù của ngọn đèn chai.

Một vài hình ảnh như thế, nghĩ cho cùng, nó quả là rất tương phản với tấm biểu ngữ giăng ngang trước cửa rạp, nền trắng, chữ đỏ kẻ bằng sơn rất trịnh trọng:

Hôm nay long trọng trình diễn vở kịch:
NỀN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
do đoàn kịch ĐỒNG THÁP đảm trách.

Trong nhân dân, đã được học tập rồi thì ai lại chả biết sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa phải đi đôi với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của nền đại công nghiệp. Nói chuyện về đại công nghiệp ở nơi chốn lù mù những ánh đèn chai, nếu không là chuyện khôi hài thì cũng là những toan tính quá xa vời với thực tế.

Nhưng cũng chả sao. Có thiếu gì điều ở đây đã được học tập, đã được phát biểu, đã được in thành sách, soạn thành nhạc, viết thành kịch bản để trình diễn mà khi đem so với thực tế thì chả thấy có điều gì ăn nhập với nhau. Riết rồi cũng quen đi. Học một đằng, nghĩ một nẻo, khi nói ra miệng lại là một nẻo khác nữa. Ai cũng thấy thế, ai cũng đã từng làm như thế, cuối cùng sự trục trặc không ăn khớp ấy đã trở thành một thói quen, một quy luật để tồn tại, chỉ những kẻ nào tối dạ lắm thì mới dại dột nêu lên những nhận thức chân thực của mình.

Thế cho nên dù trong ánh đèn lù mù của ngọn lửa đỏ đòng đọc, đong đưa theo hướng động đậy của ngọn đèn chai chao đảo trước gió, người ta vẫn thấy xốn xang, rộn ràng khi nhìn lên tấm biểu ngữ nêu tên vở kịch sắp được trình diễn: NỀN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘICHỦ NGHĨA. Nói cho cùng thì chả cứ tên của vở kịch là cái gì, miễn rằng nó là một vở kịch, một buổi trình diễn, một duyên cớ để tụ tập nhau lại, dù trong một cái rạp chật ních nóng nẩy đến đổ mồ hôi, để được nghe đàn, nghe hát, gái trai đú đởn, đùa nghịch, thế là vui rồi. Đã lâu lắm ở đây có được cái gì để vui đâu !

Thế là thiên hạ ùn ùn kéo nhau vào rạp. Khu vực để xe đã chật ních. Đồng chí trong Tổ coi xe đã sử dụng gần hết cuộn dây thừng để luồn qua vô số là những cái khung xe. Hàng bán lõi dứa đã hết lõi dứa, hàng bán chè đã hết chè, hàng bán trái cây xay đã hết nước đá để xay. Chỉ còn lác đác vài cái thùng carton đựng thuốc lá lẻ đặt trên cái càng ba chân. Mấy thằng nhỏ ngồi ở xa xa trên vệ đường (bụng ôm một bọc toàn nguồn hàng thuốc lá) cũng vẫn còn ngồi ở đó nhưng bây giờ đã ngủ gục. Có còn cái thứ công việc nào chán ngán và dễ buồn ngủ hơn là việc cứ ôm khư khư bọc đựng thuốc lá như thế suốt buổi từ tối đến khuya, cấm di động, cấm chạy nhảy, cấm rời chỗ, tất nhiên là trừ ra những dịp rất bần cùng, chẳng hạn như có tiếng báo động từ xa truyền lại: “Công an tới! Công an tới!”.

À, nếu công an tới thì lại khác. Thằng nhỏ dù đang buồn ngủ rũ mắt thì cũng phải bật lên như một cái lò xo và ôm gói hàng chạy miết vô một ngõ tối. Ở đó, nó có thể thò đầu ra như một con chuột, ngó qua phía bên kia đường để thấy mẹ nó, hay chị nó hoặc là đang nài nỉ, hoặc là đang cãi vã, hoặc là đang bị đồng chí công an dẫn giải về đồn với lệnh tịch thu. Sự mất mát nếu có cũng chả nhằm nhò gì, bất quá thì cũng chỉ vài ba điếu thuốc Sông Cầu, vài cái vỏ bao trống không của thứ thuốc loại xịn và một ngọn đèn Huê Kỳ tù mù dùng để cho khách châm thuốc hút.

Tuy nhiên hôm nay tình hình có vẻ yên tĩnh lạ. Mấy đồng chí công an đã xuất hiện từ chiều ở cửa rạp, nhưng ngó lơ như không bao giờ bận tâm đến lũ hàng quán ngồi la liệt ở dưới gốc cây. Lý do là các đồng chí còn mải bận tâm đến một nhiệm vụ trọng đại hơn nhiều: bảo vệ an ninh cho buổi trình diễn ra mắt vở kịch NỀN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Điều đó có nghĩa là khách tới rạp chẳng phải thuần túy chỉ có nhân dân mua vé vào coi. Theo bản tiêu lệnh công tác bảo vệ an ninh thì có nhiều thành phần quan khách đặc biệt tới tham dự như đồng chí Quận ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận, đồng chí Ủy viên Thông tin Văn hóa, các đồng chí đại diện Công đoàn, đại diện hội Phụ nữ, đại diện hội Phụ lão, đại diện Quận đoàn Thanh niên, và rất nhiều đại diện các đoàn thể linh tinh khác. Đó là chưa kể các phái đoàn Công nhân Tiên tiến của nhiều xí nghiệp, nhiều hợp tác xã, nhiều trường học trong khu vực cũng được đặc biệt có giấy mời tham dự. Nói chung là buổi hôm nay có nhiều yếu tố quan trọng khiến bộ phận công an phải đặc biệt lưu tâm hơn là càn quét bọn buôn thúng bán mẹt vốn cũng sẵn dịp tổ chức nên bu lại để mong kiếm thêm chút lời.

Mới gần tám giờ tối, toàn thể các ghế trong rạp đã chật như nêm cối.

Ở TRONG RẠP

Đồng chí Bí thư Quận đoàn Thanh niên:
Kính chào đồng chí Quận ủy.

Quận ủy :
A! Chú Sáu! Chú cũng đi coi hả?

Đồng chí Bí thư Quận đoàn Thanh niên:
Dạ. Trình đồng chí, em đi coi để thêm nhận thức về nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa.

Quận ủy:
Phải đấy! Đây là một khâu trọng đại trong công cuộc xây dựng tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Các chú nên đào sâu trong lãnh vực nhận thức. Mà hình như tác giả là đồng chí ở tổ Biên kịch cấp Thành đấy có phải không?

Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa:
Dạ thưa phải! Vở kịch nầy là vở thứ hai của đồng chí ấy và đợt trình diễn nầy là đợt thao diễn để rút kinh nghiệm công tác. Sau đó sẽ đưa lên cấp Thành và có hy vọng trình diễn cả ở Trung ương nữa.

Quận ủy:
Cái đó tôi biết. Chính tôi đề nghị với đoàn ĐỒNG THÁP lấy quận ta làm thí điểm trình diễn.

Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa:
Dạ, trình đồng chí, đồng chí quyết định như vậy là sáng suốt lắm. Đề tài của vở kịch rất phù hợp với nghị quyết của Thành ủy liên quan tới công cuộc vận động nhân dân ta tiến mạnh, tiến mau, tiến vững chắc từ nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa. Trình đồng chí, theo chiều hướng nầy, và trong cương vị của một Ủy viên Thông tin Văn hóa, tôi cũng đang phát động chiến dịch Nếp Sống Văn Hóa Mới nhằm vận động nhân dân sống theo tác phong của nền công nghiệp, từng bước xóa bỏ tàn dư của nền sản xuất nhỏ, manh mún, tản mạn ngày xưa.

Quận ủy:
Cái đó cũng tốt thôi! Nhưng mà nầy, nhạc đâu mà chưa thấy đồng chí cho vặn lên. Đồng bào đã tới đông, trong khi chờ các diễn viên sửa soạn, phải có âm nhạc mới được chớ.

Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa:
Dạ có chớ, có chớ! Trình đồng chí, tôi đã chỉ thị đầy đủ cả, hiềm vì mấy cái loa đang gặp phải sự cố kỹ thuật. Tổ bảo trì đang phấn đấu sửa chữa, chắc chỉ ít phút nữa thôi. Để tôi đi coi lại (nói xong bỏ đi về phía cánh trái sân khấu).

TẠI CÁNH TRÁI CỦA SÂN KHẤU

Kỹ thuật viên 1:
Cái dàn ăm-li nầy chỉ có nước giục mẹ nó vô thùng rác chớ còn làm ăn được gì.

Kỹ thuật viên 2:
Nói nghe ngon không? Dàn nầy mới thay hồi đầu tháng mà, giục thùng rác sao được, cha?

Kỹ thuật viên 1:
Cậu banh mắt ra mà nhìn coi nó là dàn mới thay hay là cái dàn cũ xì từ hồỉ ông bành tổ đây nào. Thằng Ủy viên Thông tin Văn hóa nó đã đổi cha nó cái mới hồi tuần trước rồi mà cậu đâu có hay.

Kỹ thuật viên 2:
Ai cho phép nó đổi chớ?

Kỹ thuật viên 1:
Thì đi tìm nó mà hỏi. Ối chà, linh chửa, mới vừa nhắc mà nó đã thò mặt tới rồi (đổi giọng). Kính chào đồng chí Ủy viên Thông tin Văn hóa.

Đồng chí Thông tin Vãn hóa:
Các cậu làm ăn chả ra cái con mẹ gì hết. Sao giờ nầy chưa cho đĩa nhạc chạy lên?

Kỹ thuật vìên 1:
Trình đồng chí tại cái ăm-li nầy cũ quá. Hơi nóng một tí là nó rè.

Đồng chí Thông tin Vãn hóa:
Nó rè thì sửa chỗ rè...

Kỹ thuật viền 1:
Dạ, em đã sửa nó chán ra rồi, từ hồi nó còn ở nhà đồng chí, mà không hết bệnh.

Đồng chí Thông tin Văn hóa :
Ấy chớ! Cậu đừng nhắc chuyện cũ, bất tiện lắm. Bề gì thì cũng chỉ có tôi với tổ kỹ thuật biết với nhau thôi. Thôi được, rán khắc phục được đến đâu hay đến đó. Chắc cũng sắp sửa tới giờ trình diễn đến nơi, đâu có cần nhạc!!

Kỹ thuật viên 2:
Dạ, đúng đấy. Em thấy trong sân khấu đã kín mít những người là người, và em nghe thấy cả tiếng người ta đi gọi lão kéo màn để chuẩn bị kéo màn lên.

Ở CHỖ LÃO KÉO MÀN

Lão ngồi chồm hổm trên một cái thùng gỗ kê ngay sát một tấm cánh gà. Bên cạnh lão là một túm thuốc rê, cạnh túm thuốc rê là một chai nước ngọt, bên trong chai nước ngọt chẳng có nước ngọt mà là thứ rượu đế trắng nhờ cao đến ngót lưng chừng. Vậy là lão cũng đã tu khan hết ngót nửa xị rồi. Hèn chi đầu lão nóng rực. Mồ hôi đổ ra đầm đìa, đọng lấm tấm trên những cọng râu bạc. Lão thèm một cơn gió mát, nhưng bầu không khí trong hậu trường cứ mỗi lúc một ngột ngạt hơn. Người chạy qua chạy lại phía sau lưng lão rối ren như đèn cù. Thiên hạ hỏi nhau những món đồ hóa trang. Thiên hạ nhắc nhau về những đoạn cần nhấn mạnh trong vở kịch. Thiên hạ cũng cãi lộn với nhau về cả những chuyện chả ăn nhàm tới vở kịch, chả hạn như kỳ nhu yếu phẩm nầy có về hai cái vỏ xe đạp, ai lấy ai đừng, hoặc chuyện vay công mượn nợ eo xèo trả thiếu, trả trễ sao đó .Trong đám tiếng nói hỗn độn, ồn ào đó, bỗng lão nghe thấy mẩu đối thoại thì thầm ở ngay sát phía sau lưng mình:

Tiếng đàn ông:
Chết mẹ tôi rồi! Giờ nầy lão Bảy Đô chưa tới.

Tiếng đàn bà:
Không sao đâu. Chắc là lão hư xe phải đi bộ. Với lại mãi tới màn chót mới cần tới vai của lão mà.

Tiếng đàn ông:
Làm ăn cái kiểu giật gân nầy tôi đến rụng mẹ nó tim ra ngoài mất. Cô nhớ dùm tôi, hết màn đầu mà chưa thấy lão phải tức tốc cho người đi tìm ngay.

Tiếng đàn bà:
Yên trí đi. Em mới gặp lão chiều hôm qua. Lão hãy còn khỏe như voi. Chắc tại trễ đó thôi.

A! Cái lão Bảy Đô này thì lão kéo màn biết rõ. Thân nhau nữa là khác. Hai người ở xế nhà nhau, giải phóng về, cả hai ngán ngẩm nhân tình thế thái, cùng xoay ra uống rượu giải sầu. Rượu vào, lời ra, cả hai cùng đem chuyện Phường, chuyện Khóm, chuyện đoàn thể, chuyện học tập, chuyện kinh tế mới và đủ các loại chuyện khác ra than thở, chửi thề. Lão Bảy Đô bày tỏ cái mộng vượt biên vì lão có nhiều con, cháu lo được cái vụ nầy. Hồi tuần trước, Bảy Đô đã rỉ tai lão nói “tôi sắp đi! “Ờ nói là đi chứ chắc gì cứ đi là được Người ta đi hà rầm và bị bắt lại, bỏ vô tù cũng đông lển nghển”. Lão Bảy Đô biết vậy nên cũng chỉ nói vỏn vẹn có thế thôi. Lão chẳng vì chuyện ấy mà bỏ lơi công chưyện hàng ngày. Vẫn đi bới rác. Vẫn khuân những chai nước tương ở tổ hợp sản xuất đi bỏ mối lấy lời. Và mới đây, lão còn nhận lời cả với thằng cháu trong ban kịch ĐỒNG THÁP để sắm một vai phụ, chỉ cần nói đúng một câu:

- Đời tao, tao hy sinh đâu phải cốt để tao hưởng, mà cốt để cho con cháu chúng nó kia kià!

Rõ ra một câu nói khẳng khái của một ông già có trình độ giác ngộ cách mạng cao, làm chết bỏ mà không hề thắc mắc, than phiền. Lão Bảy Đô nhận lời sắm vai đó cũng là có lý do. Một là nó dễ đóng, chả có gì phải nhớ nhiều. Hai là thằng cháu cách mạng sẽ phát cho lão một cái giấy chứng nhận là công nhân viên của ban kịch ĐỒNG THÁP. Thời buổi nầy, được làm công nhân viên không phải là chuyện giỡn chơi. Thằng công an khu vực có thấy cũng nể mặt. Thằng tổ trưởng An ninh tổ dân phố lại càng hết giở bộ mặt hạch xách, eo xèo, mà đến như mấy thằng bên Phường cũng không còn lấy cớ gì để đưa tên lão vào danh sách những kẻ bó buộc phải đi kinh tế mới.
Nhưng cái lợi cực kỳ hơn cả là nhờ cái giấy đó, lão có thể di chuyển dễ dàng mà không sợ bị chận xét bất tử khi đi đường. Nó đúng là bùa hộ mệnh cho lão để giúp lão vượt biên! Lão chỉ hơi ân hận là sao cái bọn tổ chức lại nhè đúng cái ngày lão phải ra sân khấu để ra hiệu cho lão lên đường. Cái nầy thì không phải do lão cố tình chơi khăm thằng cháu cách mạng. Lão có tiếc gì một câu nói:

- Đời tao, tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng mà cốt để cho lũ con cháu chúng nó kia kìa!

Dễ ợt khi nói, mà cũng lãng xẹt khi nghe. Mẹ kiếp, cả nước nầy ai mà chẳng biết cứ cái kiểu cai trị thế nầy, thì con cháu, chút chít, mạt đời cũng chả bao giờ có ai được hưởng gì ngoại trừ giai cấp của lũ cầm quyền.

Buổi sáng hôm ra xe đi về lục tỉnh, lão Bảy Đô không khỏi mỉm cười khi nghĩ đến những khuôn mặt nhớn nhác của toàn thể nhân viên đoàn kịch ở phía sau hậu trường sân khấu.

PHÍA SAU HẬU TRƯỜNG SÂN KHẤU

Có hai diễn viên trẻ tuổi đứng ở cửa sổ nhìn ra khu phố chợ ồn ào. Một nam, một nữ.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
Chết chửa. Sao em thấy chóng mặt quá.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Chết! Có sao không ? Có cần bôi dầu nóng không? Chắc em trúng gió.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
Không phải đâu. Chắc là tại lúc đi, em chưa ăn gì.

Nam Diễn viên sắm vai Quý:
(trách) Đáng lẽ em phải pha một ly sữa để uống lấy sức.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
(mỉa mai) Hộp sữa bồi dưỡng em đã đổi ra thành mì sợi cho cả nhà rồi. Mà ngay cả mì sợi thì cũng đã hết nhẵn từ hôm qua!

Gã nam diễn viên sững sờ nhìn người bạn gái. Dưới ánh đèn vàng úa, khuôn mặt của nàng hiện ra vêu vao. Mặc dù nàng đã hóa trang xong nhưng lớp phấn trắng, vành môi đỏ không che giấu được vẻ xanh xao, mệt mỏi nó làm cho những bột phấn không ăn mịn vào làn da, lớp son càng đắp dầy càng hiện ra những vết nứt nẻ, rạn vỡ.

Lòng gã dâng lên một niềm xót xa vô hạn mặc dù chính gã cũng đang lao đao như nàng. Đói. Đói ở nhà. Đói ở sở làm. Đói ngay cả khi sửa soạn bước ra sân khấu. Bây giờ gã mới thấm thía cái điều mà các cơ quan tuyên truyền của nhà nước vẫn nhắc đi nhắc lạì một cách khoe khoang: “Bộ đội ta ăn no và đánh thắng”. Thì ra ưu điểm mà cái xã hội nầy mơ ước được đạt tới chỉ là được ăn no. Hơn ba mươi năm cầm quyền, hơn nửa dân số không bao giờ được ăn no. Vậy mà cũng gọi là đỉnh cao trí tuệ của loài người sao? Gã bỗng thấy nhói ở tim khi nhớ đến một lời đối thoại trong vở kịch sắp sửa trình diễn:

- Dưới sự sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đang ở trên đỉnh cao trí tuệ văn minh của loài người. Điều nầy không làm đồng chí cảm thấy hãnh diện sao?

Thật là một lời dối trá trắng trợn, bởi chính cái gã tác giả viết ra vở kịch nầy cũng chẳng tin gì điều mà hắn viết ra. Cứ nom cái vẻ mặt nhớn nhác của hắn, lúc nào cũng như tránh né tia nhìn của mọi người thì đủ rõ. Con người ấy thật xứng đáng dùng làm biểu tượng cho sự thiếu tự tin. Vậy mà hắn có gan viết kịch để xây dựng niềm tin cho mọi người. Thế là lại thêm một chuyện chéo cẳng ngỗng nữa!

Nhưng gã nam diễn viên không có nhiều thì giờ để bận tâm đến lý do làm nhói con tim gã. Cơn đói của người bạn gái trước giờ nàng phải bước ra sân khấu đã làm gã nhói tim hơn nhiều. Gã khoắng bàn tay khô khan của mình vào trong túi quần để đếm nhẩm mấy đồng bạc lẻ còn sót lại.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Anh còn mấy đồng lẻ. Để anh chạy ra cửa rạp mua cho em gói xôi.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
Thôi đi anh! Em còn rán chịu được. Mấy lại cũng hết còn ra ngoài được nữa rồi. Nghe đâu có vụ ông Bảy Đô sắm vai lão già công nhân tiên tiến cho tới giờ cũng chưa tới. Ông biên đạo (đạo diễn) đã cho lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập để ngăn chặn diễn viên chuồn ẩu ra ngoài.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Tù túng đến thế cơ à? Thôi để anh nhờ lão kéo màn, lão không là diễn viên, chắc ra được!

Ở CHỖ KÉO MÀN

Lão kéo màn vẫn còn ngồi y nguyên ở đó, duy có xị rượu đế thì đã vẹt hẳn đi, chỉ còn đâu non một đốt ngón tay. Mắt lão lim rim như đang ngủ nhưng tâm hồn của lão thì lâng lâng một cách tỉnh táo. Lão đang vận dụng trí tưởng tượng để theo dõi bước chân đi của người bạn già. Có thể bây giờ lão Bảy Đô đã xuống tới bến. Rồi từ bến lên thuyền đi ra cửa sông. Từ cửa sông đáp thuyền lớn để đi ra biển. Ôi chao! Biển cả mênh mông như chân trời tự do mênh mông mà lão sắp sửa đặt chân tới. Mới nghĩ như thế mà lão kéo màn đã hít hà, tưởng như chính mình cũng đang lênh đênh trên con thuyền trên đường vạch lau lách tiến ra biển cả.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Cụ kéo màn ơi! Cụ kéo màn ơi!

Lão kéo màn: (giật mình, mở choàng mắt ra)
Cái gì đấy! Tới giờ rồi hả?

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Chưa tới! Nhưng cháu nhờ cụ ra cửa mua giùm gói xôi. Tội nghiệp cô diễn viên, nhà hết gạo, lúc đi trình diễn chưa ăn gì, bây giờ lao đao quá !

Lão kéo màn:
Đi mua thì dễ, mà chỉ hiềm lúc bỏ đi, tới giờ kéo màn không có mặt thì lãnh búa hết!

Tiếng loa phóng thanh:
Đã tới giờ khai mạc! Xin mời toàn thể các đồng chí, đồng bào đứng dậy để làm lễ chào cờ !

Ông biên đạo: Kéo màn lên! Kéo màn lên !

Lão kéo màn vội vã đứng dậy, hai bàn tay sần sùi và thô kệch của lão túm lấy sợi dây thừng treo lủng lẳng ở phía trước mặt. Lão vận dụng hơi sức của mình để níu sợi dây xuống. Tấm màn nhung cũ kỹ có nhiều vết nứt rạn từ từ cuộn lên. Rồi có tiếng rọt rẹt của dàn âm thanh đặt ở bên cánh trái sân khấu. Chen vào giữa những tiếng rọt rẹt là những tiếng rít rít nghe nhức tai. Rồi bản Tiến Quân Ca được phóng ra bằng một giọng ồm ồm, có lúc khụt khịt như bị ngạt mũi, lại cũng có lúc chìm đi như muốn tắt tiếng. Sự kiện nầy làm cho đám khán giả tuy cố làm bộ điệu trang nghiêm lúc chào cờ nhưng không khỏi bụm miệng cười. Chỉ riêng ở hàng ghế đầu, nơi dành cho quan khách là có những ánh mắt giận dữ, tức tối.

TẠI HÀNG GHẾ ĐẦU

Đồng chí Quận ủy (thì thào):
Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa đâu?

Ủy viên Thông tin Vãn hóa:
Trình đồng chí. có em đây.

Quận ủy:
Ngày mai đồng chí đem hồ sơ lý lịch của mấy thằng trông coi Tổ kỹ thuật lên tôi để đích thân tôi coi lại. Chúng nó có ý đồ phá hoại!

Ủy viên thông tin văn hóa.
Dạ... dạ... xin tuân lệnh đồng chí.

Dù sao thì bản Tiến Quân Ca cũng đã được chơi xong. Mọi người ngồi xuống. Tiếng ồn ào bắt đầu nổi lên, nhất là phía hàng ghế khán giả.

TẠI HÀNG GHẾ KHÁN GIẢ

Nhiều tiếng nói cất lên, không phân biệt được ai với ai :

- Âm thanh kiểu này thì còn kịch với cọt cái gì nữa.

- Thôi đi mà người anh em, rán khắc phục cái lỗ tai giùm chút. Mình đang ở thời kỳ quá độ mà.

- Quá độ đâu ở cái dàn âm thanh cha nội! O ép nó quá thì nó phá bĩnh, có gì đâu!

-Nói đúng đó! O ép người ta thì được, o ép máy thì không xong. Không lẽ bắt cái máy đi học tập cải tạo!

Một tràng rộ lên cười làm cả một góc rạp ồn ào như vỡ chợ khiến cho tất cả mọi người đều quay lại nhìn. Ngay lúc đó, ở trên sân khấu, ông biên đạo hùng dũng bước ra. Một tay ông ấy cầm một xấp bản thảo vở kịch, ý chừng muốn chứng tỏ lúc nào ông cũng bận rộn, chăm sóc đến từng diễn viên, nhắc nhở từng điệu bộ, từng câu nói. Còn tay kia thì ông ấy cầm một cái micro chạy bằng pin. Cái máy đeo lủng lẳng trên một bên vai còm cõi, nó làm cho thân hình của ông lệch hẳn đi, nhưng cũng nhờ thế nó càng chứng tỏ vai trò quan trọng của ông trong những giờ phút trọng đại như thế này.

TRÊN SÂN KHẤU

Ông biên đạo:
Kính thưa đồng chí Quận ủy, kính thưa các đồng chí đại diện các Ban, Ngành, các Đoàn thể, kính thưa toàn thể nhân dân đồng bào... thay mặt ban tổ chức chúng tôi hết sức thành thật xin cáo lỗi về vụ âm thanh có sự cố kỹ thuật. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục để đảm bảo tốt cho chương trình trình diễn... Bây giờ tôi xin trình bầy sơ lược về nội dung và ý nghĩa vở kịch...

Ở TRONG HẬU TRƯỜNG

Ông trưởng đoàn Đồng Tháp:
Ai thế? Ai đại diện ban tổ chức ra sân khấu mà nói thế?

Ông phó trưởng đoàn:
Trình đồng chí, đấy là tiếng của ông Biên đạo.

Ông trưởng đoàn:
Cái thằng lanh chanh hớt việc không phải chỗ! Nó đâu có quyền giẫm chân lên cương vị của người khác. Cáo lỗi về sự cố kỹ thuật của buổi trình diễn là phần hành của tôi, bởi vì tôi trách nhiệm toàn bộ buổi trình diễn này...

Ông phó trưởng đoàn:
Trình đồng chí, tôi nhất trí với ý kiến của đồng chí phát biểu. Sau đồng chí là đến tôi chứ đâu đã đến thứ nó.

Ông trưởng đoàn:
Tôi biết nó muốn lấy điểm với đồng chí Quận ủy. Tôi sẽ đem vụ nầy ra kiểm thảo. Chớ làm ăn theo kiểu manh mún, tản mạn này thì đâu còn là tác phong của nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa.

Đồng chí lao công:
Trình đồng chí thủ trưởng, dàn âm thanh mới đã tới.

Ông trưởng đoàn (reo lên):
Hay quá! Ở đâu ra thế? Ai cho mượn thế ?

Đồng chí lao công:
Dạ, của ông Ủy viên Thông tin Văn hóa.

Ông trưởng đoàn:
À ra thế! Phải có tinh thần một người vì mọi người như thế mới xứng đáng là con người mới Xã hội Chủ nghĩa chứ. Chả trách ông ấy được cấp trên giao phó đảm nhiệm chức vụ Thông tin Văn hóa. Còn thằng cha biên đạo, nó vẫn còn nói lảm nhảm cái gì trên sân khấu thế ?

TRÊN SÂN KHẤU

Ông biên đạo:
(vẫn thao thao) Vâng, thưa các đồng chí, con người mới Xã hội Chủ nghĩa là con người được hình thành và được phát triển thông qua ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, và cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng tư tưởng và văn hóa là then chốt. Trên cơ sở đó, ba cuộc cách mạng càng phát triển sâu rộng và thu được nhiều thành quả thì con người mới Xã hội Chủ nghĩa càng phát triển toàn diện, đồng thời tác động trở lại khiến cho ba cuộc cách mạng được thúc đẩy thêm, được phát triển thêm không ngừng...

Ông ta vừa nói vừa nhìn xuống phía hàng ghế khán giả, nói cho đúng hơn, nhìn xuống cái chỗ mà đồng chí Quận ủy đang ngồi. Có thể ông ta sẽ tiếp tục khai triển thêm về cái ý đang nói hơn nữa, nhưng bất ngờ, ông ta bắt gặp đồng chí Quận ủy giơ tay che miệng ngáp. Thế là như một nhân tố có khả năng rất nhạy bén về những tác động khách quan bên ngoài, ông biên đạo đổi ngay đề tài đang nói và sự đổi thay nầy hầu như làm cho cả rạp tỉnh hẳn ngủ.

Ông biên đạo:
Để nói lên được cái ý nghĩa vô cùng sâu xa đó, sau đây chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với các đồng chí, các đồng bào màn đầu của vở kịch nhan đề NỀN SẢN XUẤT LƠN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA do đoàn kịch ĐỒNG THÁP trình diễn, với thành phần diễn viên nòng cốt Thu Lan trong vai Hồng, Năm Bửu trong vai Quý, Mạnh Hoàng trong vai Huy...

Những tràng vỗ tay tán thưởng đồng loạt nổi lên làm át cả lời giới thiệu của ông ta đến nỗi cả một đoạn sau, chả còn ai nghe ông ta nói cái gì. Rõ ra là đồng bào hoan nghênh về sự kiện đã tới lúc chấm dứt phần nói chuyện vừa dài, vừa dai lại vừa dở của ông biên đạo. Ông ta có vẻ cụt hứng, lùi lũi đi vào hậu trường quên cả cúi đầu chào quan khách và khán giả.

TẠI HẬU TRƯỜNG

Ông phó trưởng đoàn đứng chặn ngang lối đi vào của ông biên đạo. Hai người đứng đối diện ngay ở bên cạnh lão kéo màn.

Ông phó trưởng đoàn:
Đồng chí nói thao thao nhưng đồng chí quên mất rằng đã giẫm chân lên cương vị của đồng chí trưởng đoàn.

Ông biên đạo:
Đó là lý do ngoài ý muốn. Lúc có sự cố kỹ thuật về âm thanh, khán giả nhao nhao lên, mà ông ấy biến đi đâu, đâu có mặt để giải quyết. Trong tình huống ấy, tôi phải tranh thủ thời gian để linh động chớ!

Ông phó trưởng đoàn:
Đồng chí ấy ở quanh đây chứ có đi đâu! Mà sau đồng chí trưởng đoàn còn có tôi chớ dâu đến lượt ông. Làm ăn lộn xộn theo kiểu cứt lộn lên đầu, đâu có được!

Ông biên đạo:
A! Đồng chí xỏ lá nhé. Đồng chí nói ai là cứt lộn lên đầu. Tôi sẽ lôi đồng chí ra hội đồng liên tịch để kiểm thảo.

Ông phó trưởng đoàn:
Tôi sẽ kiểm thảo nhà anh trước. Để sau buổi trình diễn này anh sẽ biết !

Ông trưởng đoàn (hớt hải chạy tới):
Chết chửa! Sao giờ này lão Bảy Đô vẫn chưa tới. Đã có ai cử người tới gọi lão ấy chưa?

Ông biên đạo:
Tôi đã cho người đi gọi rồi nhưng chưa thấy về. Đạp xe từ đây tới đấy ít lắm cũng nửa giờ.

Ông trưởng đoàn:
Sao lại đạp xe! Có xe gắn máy của cơ quan sao không lấy mà xài. Chuyện khẩn cấp!

Ông biên đạo:
Trình đồng chí, cái xe hết xăng, bên tiếp liệu chưa cấp phát.

Ông trưởng đoàn:
Sao mà hết xăng sớm thế. Mới xuất ra ba lít ngày hôm kia. Ô! Thế nầy thì tệ thật, tôi phải rà lại toàn bộ cung cách làm việc của các đồng chí. Làm ăn kiểu này thì đâu còn là tác phong của con người mới Xã hội Chủ Nghĩa.

Ông phó trưởng đoàn:
Nếu lão ấy không tới, mình tước bỏ một vai được không?

Ông biên đạo (la lên):
Ông nói chuyện giỡn chơi! Toàn bộ các diễn viên gắn bó hữu cơ với nhau, bỏ đi một vai là toàn bộ vở kịch sụp đổ hết, đâu có thể thế được.

Ông phó trưởng đoàn
:
Ông cứ quan trọng hóa vấn đề, chứ lão Bảy Đô chỉ sắm có mỗi một vai phụ.

Ông biên đạo:
Vai phụ có chức năng của vai phụ. Nếu vai phụ bỏ đi được thì còn ai dựng lên nhân vật ấy làm gì. Ơ kia kìa! Có ông tác giả đang tới. Ông hỏi ông ta bỏ đi một vai phụ có đặng không. Nếu đặng, tôi sẵn sàng đồng ý liền.

Ông phó trưởng đoàn:
Ấy là tôi góp ý để giải quyết vấn đề thôi. Nói cho ngay, phút chót mà lão Bảy Đô không tới thì ông có muốn giữ vai phụ cũng chả có ai mà giữ.

Ông biên đạo:
Đây này, ông tác giả! Ý kiến ông thế nào về việc tước bỏ đi một vai trong vở kịch của ông?

Ông tác giả (nhún vai):
Cái đó đâu thuộc thẩm quyền của tôi. Ông là biên đạo, ông chịu trách nhiệm hết.

Ông biên đạo (to tiếng):
Ơ hay! Sao lại tôi nhỉ. Nhân vật do ông đẻ ra thì ông phải biết bảo vệ nó chứ.

Đồng chí bảo vệ (ở đâu chạy tới, cố hạ giọng xì xào):
Suỵt! suỵt! Chuyện đẻ đái ai lại đem ra ở đây. Các đồng chí to tiếng làm mất trật tự hậu trường ảnh hưởng đến diễn viên ngoài sân khấu. Xin im lặng dùm đi !

NGOÀI SÂN KHẤU.

Vai Hồng:
Má bình tĩnh để con nói má nghe. Cái máy khâu khác với cái tủ lạnh. Cái tủ lạnh không làm ra của cải vật chất, còn cái máy khâu thì có thể làm ra sản phẩm. Vì thế cái máy khâu mới gọi là tư liệu sản xuất.

Vai má của IIồng:
Chả tư liệu tư lẹo gì hết ráo. Hồi nào tới giờ, tao vẫn để cái máy khâu ở nhà, có chết ai đâu.

Hồng:
Hồi xưa khác, hồi nay khác. Hồi xưa, chế độ tư bản bóc lột và bần cùng hóa nhân dân. Hồi nay, chế độ ta xóa bỏ bóc lột và các nguyên nhân sinh ra bóc lột để thỏa mãn nhu cầu ấm no hạnh phúc của nhân dân. Như má giữ làm của riêng cái máy may, một tư liệu sản xuất là một hình thức của nguyên nhân sinh ra bóc lột.

Má của Hồng:
Của tao, tao không giữ thì đem ném nó ra đường à?

Hồng:
Ai biểu má ném nó ra đường. Má đem nó vô tổ hợp để cùng quản lý chung, điều hành chung. Đó là ý niệm làm chủ tập thể Xã hội Chủ nghĩa.

Má của Hồng:
Cha chung chẳng ai khóc. Điều hành kiểu đó thì chỉ có đói rã họng ra thôi.

Câu nói “đói rã họng” của người đối diện khiến cho diễn viên sắm vai Hồng vụt quay về với cơn lao đao, cào xé của mình... Nàng cảm thấy chóng mặt và có những vân hoa nhảy múa trong cái nhìn của mình về phía trước. Nàng cố trấn tĩnh để giữ vững thế đứng của mình. Đáng lẽ ra sau câu nói “cha chung chẳng ai khóc. Điều hành kiểu đó thì chỉ có đói rã họng ra thôi” là nàng phải lớn tiếng biểu lộ sự phẫn nộ trước lời phát biểu đầy tính cách phản động, tiêu cực của người sắm vai má của Hồng. Nhưng nàng cố vận thêm hơi sức mà sinh lực của nàng cứ tiêu tán đi tận đâu. Đã nhiều hôm nàng nhịn đói, nhưng chưa bao giờ cơn đói lại vật vã nàng ghê gớm đến như lúc này.

Có lẽ nàng đã vận dụng quá sức trong những buổi tập dượt. Có lẽ cơn hồi hộp, xúc động trước giờ ra sân khấu đã càng khiến cho nàng thêm kiệt lực. Nàng như một con quay sấp hết đà. Nàng tự nhủ không cố thêm một tí nữa thì chắc chắn mình sẽ ngã quỵ, ngay ở đây, trên sân khấu và tại thời điểm nàng phải diễn xuất một câu nói mấu chốt:

- Tư tưởng của má là tưởng manh mún, tản mạn, xuất phát từ sự bắt rễ lâu dài của nền sản xuất nhỏ trong chế độ thoát thai từ phong kiến, thực dân và tư bản bóc lột. Má phải thấy rằng Đảng đã mở ra cho nhân dân ta một chân trời mới, chân trời của nền đại công nghiệp Xã hội Chủ nghĩa dựa trên cơ sở điện khí hóa, hóa học hóa, từng bước tiến lên tự động hóa và có khả năng sử dụng mọi thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật hiện đại...

Một câu nói dài như thế đòi hỏi ở nàng rất nhiều sinh lực. Nàng cố trấn tĩnh cơn cào xé của nàng để tập trung hơi thở. Hai tay nàng bấu lấy mép bàn. Mồ hôi đang vã ra ở những chân tóc. Nàng thấy rõ hai chân của mình run rẩy. Sự chậm trễ của nàng gieo vào vở kịch một khoảng trống. Một khoảng trống tai hại sau câu nói tai hại của diễn viên sắm vai má của Hồng. Cả rạp nín thở chờ đợi phản ứng của nàng. Để càng lâu sẽ càng tệ hại. Một ý tưởng phản động phát ra từ miệng lưỡi một nhân vật, nếu không chặn lại kịp thời thì nó sẽ tác động như những mũi dao phóng vào tim khán giả.

- Cha chung không ai khóc. Điều hành kiểu đó thì chỉ có đói rã họng ra thôi.

Gã nhắc vở tưởng nàng quên, vội vã đọc lên:

- Tư tưởng của má là tư tưởng manh mún, tản mạn...

Nhưng gã chưa kịp nhắc thêm thì người nữ diễn viên sắm vai Hồng đã buột ra mồm một câu nói hoàn toàn bất ngờ, hoàn toàn đi ra ngoài phần đối thoại của vở kịch:

- Má phản động lắm! Thôi con nhức đầu lắm, con không thèm nói với má nữa...

Nói rồi nàng sầm sầm chạy ra và ngã quỵ ngay ở dưới chân lão kéo màn.

CHỖ LÃO KÉO MÀN

Ông biên đạo (sầm sầm chạy lại):
Sao lạỉ thế ! Sao lại thế! Phát ngôn như thế là chết mẹ thằng tôi rồi!

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Cô ấy xỉu! Cô ấy xỉu !Không nói như thế thì làm sao mà rút ra khỏi sân khấu được!

Ông biên đạo:
Thằng diễn viên vai Bố của Hồng đâu! Đi ra! Đi ra tiếp nối vở kịch không thì chết mẹ cả lũ bây giờ.

Vừa nói ông ta vừa túm ngay được đúng người diễn viên đang đứng lớ quớ ở gần đó. Thế là ông ta đẩy phắt người này ra sân khấu, mặc dù anh ta chả biết ất giáp cái gì cả. Thôi thì đành cương một đoạn chứ biết làm sao!

NGOÀI SÂN KHẤU

Bố của Hồng:
Mẹ con bà này cãi nhau cái gì mà nó sầm sầm bỏ ra đến té xỉu như chết rồi thế?

Má của Hồng:
Ơ! Nào tôi có làm cái gì đâu. Nó đang nóì với tôi, chuyện chưa ra đâu vào đâu thì nó kêu nhức đầu.

Bố của Hồng:
A! thế ra là tại nó nhức đầu! Nhà có thuốc men gì cho nó uống không?

Má của Hồng:
Thuốc men còn khỉ gì nữa mà cho uống. Bảo nó chịu khó gượng dậy ra Y tế Phường từ sáng sớm mà xếp hàng...

Ở CHỖ NGƯỜI NHẮC VỞ

Người nhắc vở :
Vô đề trở lại đi! “Tôi muốn nói với bà về chuyện cái máy may...”

TRÊN SÂN KHẤU

Bố của Hồng:
Thôi chuyện y tế Phường hãy dẹp qua một bên đi. Xếp hàng cho cố vào thì cũng chỉ có một trái ổi với ba nhánh tỏi! Nó nhức đầu vài ba bữa thì cũng hết. Tôi muốn nói với bà về chuyện cái máy may.

Má của Hồng:
A! Ông về mà coi đấy. Nó đang dụ dỗ tôi đem cái máy may cúng vào tổ hợp. Ông có biết rằng mất cái máy may là chết đói cả nhà hay không!...

Ở CHỖ NGƯỜI KÉO MÀN

Ông biên đạo (thở phào):
Ôi chao! Nhờ ơn Bác, nhờ ơn Đảng, thế là chúng nó “nối” được với nhau rồi.

Ông trưởng đoàn:
Bên Phường ủy họ không tha cho ông đâu. Diễn viên của ông đụng chạm đến Y tế Phường.

Ông biên đạo:
Ô hay! Sao lại là lỗi của tôi mà nói chuyện tha hay không tha. Những cái gì liên quan đến vở kịch thì ông phải hỏi đến tác giả kia chớ!

Ông tác giả:
Sao lại là tôi nhỉ! Kịch bản của tôi đâu có cái vụ y tế Phường với y tế phèo ở chỗ nào đâu.

Ông phó trưởng đoàn (chen vào):
Thôi, xin quý vị hãy bớt tranh luận để lo chuyện trước mắt. Vai Hồng còn nguyên một màn nữa mà quị kiểu nầy chỉ có nước rã gánh. Mà ông biết làm sao không? Tại cô ấy đói!

Ông tác giả:
Làm sao ông biết?

Ông phó trưởng đoàn:
Anh chàng đóng vai Quý cho tôi hay điều đó. Tôi đang chờ ông Trưởng đoàn cho lệnh xuất ngân ra đằng trước cửa mua một tô mì cho cô ấy bồi dưỡng.

Ông trưởng đoàn:
Một tô mì chớ mười tô mì tôi cũng chịu nữa. Con khỉ! Có mỗi chuyện đó mà cũng phải chờ lệnh xuất ngân. Ai có tiền túi ứng giùm ra trước đi.

Ông phó trưởng đoàn:
Vâng! Vâng! Tôi sẽ đi ngay! Mười tô thì không đủ chớ năm tô thì tôi có!

Ông biên đạo:
Thế còn lão Bảy Đô đã tới chưa?

Một anh lao công:
Dạ thưa chưa! Chắc ông ta trốn biệt mất rồi.

Ông biên đạo:
Thế là chết cha tôi rồi. Bây giờ lấy ai mà thay thế được đây.

Ông trưởng đoàn:
Nhờ lão kéo màn được không?

Ông biên đạo:
Hay! Ý kiến hay đó. Này cụ kéo màn ơi. Tôi nhờ cụ ra phía phòng hóa trang tôi nhờ chút.

Lão kéo màn:
Rồi ai kéo màn cho tôi?

Ông trưởng đoàn:
Tôi! Tôi đích thân kéo!

TRONG PHÒNG HÓA TRANG

Ông biên đạo:
Như cụ thấy đó, lão Bảy Đô bỏ đi mất tiêu rồi!

Lão kéo màn (cười đắc ý):
Tôi cũng đồ chừng như vậy. Mà điều chưa chắc thì đừng đổ tiếng oan cho con nhà người ta.

Ông biên đạo:
Nhờ cụ thay thế được không?

Lão kéo màn:
Ới cha mẹ ơi! Ông nói cái gì nghe động trời vậy nè. Tôi mà thay thế lão ta để làm diễn viên.

Ông biên đạo:
Có gì đâu! Vai này chỉ nói có mỗi một câu thôi. Thế này này (ông đổi giọng sảng khoái) “ Đời tao tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng, mà cốt để con cháu chúng nó kia kìa!”

Lão kéo màn:
Nói một câu đó thì có gì là khó!

Ông biên đạo:
Thì thế! Cũng như là trò giỡn chơi. Ông rán tập sự đi. Biết đâu lại chẳng trở thành diễn viên thực thụ.

Lão kéo màn:
Thôi đi ông ơi, từ thuở nào tới giờ tôi vẫn chuyên nghề kéo màn.

Ông biên đạo:
Nhưng ông cũng vẫn nhận cho chứ! Ít ra là hôm nay.

Lão kéo màn:
Tôi nhận chứ sao không! Chả lẽ lão Bảy Đô làm được mà tôi không làm được.

Ông biên đạo nghe nói hớn hở bỏ đi ra. Trong khi đó lão kéo màn soi mặt mình ở trong gương. Mặt lão đỏ ké. Xị rượu lúc chập tối đã cạn queo và lão đang nhấp nhỏm muốn cưa thêm một xị nữa. Có ít tiền để dành dưỡng già, lão cứ bòn rút kiểu này chắc mai mốt nhăn răng ra mất. Nhưng bao giờ thì lão cũng tắc lưỡi buông một câu “Ôi thời buổi nầy ham hố cái gì mà sống tới già. Để nhường cơm lại cho lũ con cháu! “. Thế là lão lại rút một tờ giấy bạc để đổi lấy một chai cỡ chai xá xị con cọp. Hôm nay lại có thêm cớ sự để lão muốn uống say mềm ra hơn nữa. Bởi lão Bảy Đô đã ra đi. Giờ này hẳn lão đã ngồi đâu đó trên một con thuyền đang chòng chành ra khơi. Chung quanh là biển. Chân trời tự do chắc chắn ở phía trước mặt. Như thế thì câu nói của lão lúc nãy đã là sai. Có những điều Bảy Đô làm được, mà lão làm không được. Lão thấy buồn xót xa trong lòng. Lão bèn bỏ ra ngoài cửa rạp để mua lén thêm một xị nữa. Sau đó lão trở lại căn phòng hóa trang, ngồi xệp xuống mặt sàn, ngửa cổ tu ừng ực.

TRÊN SÂN KHẤU

Diễn viên lúc này đã xuất hiện hầu như đầy đủ các nhân vật. Cảnh bây giờ là quang cảnh của một khu vực trong Hợp tác xã. Cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Hợp tác xã đã đến hồi kết thúc. Dĩ nhiên phần thắng nghiêng về phe Công đoàn cơ sở. Mọi tàn dư của nền sản xuất nhỏ thông qua những loại tư tưởng tiêu cực, manh mún, tản mạn đều bị đánh gục trước khí thế của những công nhân viên trẻ, những người chủ trương công cuộc cách mạng quan hệ sản xuất để làm bàn đạp đưa cả nước tiến lên nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa.

Ở một góc sân khấu, có hai chị công nhân đang giơ cao lá cờ tiên tiến trên một cái máy cày. Cái máy cày làm bằng carton, tuy có xô lệch méo mó nhưng cũng đầy đủ bộ phận chủ yếu: Có cần lái, có bánh xe, có cả một cái loa chạy bằng pin để thông tin, liên lạc. Riêng cái loa này thì là thứ thiệt, mượn của ông Biên đạo. Tác giả vở kịch, muốn đẩy bầu không khí phấn khởi thêm một mức nữa nên đã dàn dựng thêm một xen cuối cùng, trong đó lão công nhân tiên tiến xuất hiện với một cái xe cút kít có càng đẩy. Lão chở đầy một xe đá gạch. Lão giơ tay vẫy chào đoàn công nhân lái xe máy cày đi qua, một biểu tượng của tương lai nền Đại Công nghìệp Xã hội Chủ nghĩa. Và đó là lý do lão nêu câu phát biểu:

- Đời tao, tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng, mà cốt để con cháu chúng nó kia kìa!

Bây giờ thì đã tới phiên lão kéo màn xuất hiện trong vai trò của mình. Lão ngật ngưỡng bước ra trong bộ quần áo cũ kỹ cố hữu. Một tay lão phì phèo điếu thuốc rê. Tay kia lão xách cái càng xe chất đầy một đống gỗ với gạch thẻ. Lão thấy vui vui với cái trò chơi bất ngờ lý thú nầy. Lão liếc mắt nhìn xuống sân khấu. Cả rạp tối om om, nhưng vẫn gây cho lão cái cảm giác có cả trăm, cả nghìn con mắt đổ dồn về phía lão. Trong đám bà con khán giả này, có ít lắm thì lão cũng biết được hoàn cảnh của năm bảy chục gia đình. Nhà này có thân nhân đi cải tạo. Nhà kia bị đuổi về kinh tế mới, sống không nổi lại tiếp tục mò về, mất nhà, mất cửa. Có đứa đang phải bán thân nuôi gia đình. Có những đứa khác đã lên đường đi Kăm-pu-chia. Nói chung là ai cũng mất mát chỉ trừ một thiểu số phè phỡn ở ngay kia, trên hàng ghế đầu, những tên Quận ủy, Phường ủy, những những chủ nhiệm Hợp tác xã, những thủ trưởng các cơ quan quản lý của nhà nước.

Lão bỗng nhác trông thấy người nữ diễn viên sắm vai Hồng. Bây giờ thì nàng đã có vẻ tỉnh táo hơn và đang đứng trên một bục cao, tay phất phơ cầm một lá cờ. Lão tự nghĩ nếu không có một tô mì, chắc hẳn nàng đã gục hẳn ngay từ giữa vở kịch. Thế mà mỉa mai thay, nàng vẫn phất ngọn cờ tiên tiến, vẫn gân cổ lên để động viên mọi người đi theo cái chế độ đã đem lại cho nàng những cơn đói triền miên ngay cả trước giờ tiến lên sân khấu. Thật là kịch cỡm! Mọi sự xảy ra ở đây thật đúng là chỉ xảy ra ở một vở kịch, ngoại trừ cơn đói của Hồng và sự ra đi của lão Bảy Đô là sự thật.

Nghĩ như thế, lão kéo màn thấy cơn giận bỗng ùa lên một cách nhanh chóng. Lão giận cái thằng tác giả ăn gian nói dối về những sự thực xẩy ra ở chung quanh mình. Là một đứa cầm bút, đáng lẽ nó phải viết lên những điều chân chính, ngay thẳng chứ? Đó là một điều đòi hỏi giản dị và rõ ràng nhất khi người ta vốn đặt những kẻ viết lách vào những chỗ trang trọng hơn bất cứ vị thế nào của xã hội ở trong lòng mọi người.

Nếu không đủ can đảm để nói ra sự thực, thì không ai bắt buộc nó phải cầm bút cả. Nó có thể đi bán rong, đi làm cu li hoặc đi kéo màn như lão. Như thế, ít ra sự lương thiện của nó cũng không làm cho những nỗi lầm than, khổ ải trong cuộc sống nầy bị che giấu bởi những lời tô vẽ viển vông. Và như thế, nó cũng không đến nỗi tồi tệ đến trở thành những phản động lực làm trì trệ xã hội, tạo thêm cơ hội cho những kẻ có quyền thế mặc sức hưởng thụ trên những nỗi đói khổ, cơ cực của tất cả mọi người.

Từ ý nghĩ này, lão chợt phát giác ra rằng những bài thơ, những bản nhạc, những cuốn tiểu thuyết, và ngay cả vở kịch đang được trình diễn trên sân khấu này, tất cả chẳng phải là một món giải trí cho qua đi những cơn phiền muộn, đau đớn hàng ngày. Nó chính là những duyên cớ của đau đớn, phiền muộn, hay ít ra cũng là những chỗ che giấu, đùm bọc, và nuôi dưỡng để cho những đau đớn ấy, những phiền muộn ấy có cơ hội kéo dài. Nó là đồng lõa của những bất công, những chèn ép, những bóc lột và những thủ đoạn bạo lực.

Trời ơi! Trời ơi! (Lão nghĩ tiếp) Thế thì ra tội ác không chỉ đơn phương phát xuất có mỗi một phía là ở ngay từ những kẻ gây ra tội ác, mà nó còn được nuôi dưỡng, tiếp tay và hỗ trợ từ những kẻ ăn gian nói dối, những đứa nịnh nọt, bợ đỡ, sẵn sàng chịu quỵ lụỵ phục vụ để cầu xin một chút quyền lợi cá nhân riêng tư. Chính từ những kẻ đó, chính từ những thái độ hèn hạ đó mà tội ác đã được tô son vẽ phấn để tiếp tục ngự trị lên đầu lên cổ tất cả mọi người.

Đầu óc lão kéo màn cứ ngùn ngụt những ý tưởng liên tiếp diễn ra ở trong đầu. Điều nầy khiến cho lão đứng khựng lại ở trên sân khấu. Lão như kẻ đang lần mò trong đêm tối bỗng chóa mắt vì những luồng ánh sáng vừa lóe ra ở cuối đường hầm. Lão nhận chân được ra rằng tâm hồn lão đang lảo đảo trong một cơn say, nhưng nhất thiết không phải lão đã say vì mấy cút rượu vừa qua. Lão ngẩng cao đầu để nhìn ngạo nghễ về phía khán giả lố nhố ở dưới. Bây giờ, rõ ràng nhất, lão chỉ thấy cái đám đông ấy chỉ toàn là những nạn nhân, mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi kẻ mang một số phận bi thảm. Như vậy lão không thể đồng lõa với những kẻ nói dối. Lão ném ngay mẩu thuốc rê xuống sàn bằng một điệu bộ hách dịch để làm cường điệu thêm cho vẻ ngạo nghễ của mình.

Tiếng người nhắc vở :
Nói đi cha! “Đời tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng...”

Câu nói như một gợi ý làm cho lão chợt thấy hăng hái hẳn lên. Lão nhếch một nụ cười vì một ý tưởng chợt thoáng qua trong đầu. Rồi lão nhìn về phía Hồng, lại nhìn về phía khán giả. Rồi lão cất giọng rổn rảng:

- Đời tao hy sinh tao đâu có được hưởng...đấy là chỉ để cho bè lũ chúng nó ở ngay chỗ kia kìa!

Cánh tay của lão hoa lên. Bàn tay của lão xỉa về phía hàng ghế đầu nơi có đông đủ tai to mặt lớn của chế độ. Thế là cả rạp chợt như muốn nổ tung lên vì tiếng vỗ tay, tiếng reo hò, tiếng hoan hô của đám khán giả.

Ở TRÊN SÂN KHẤU

Mọi sắp xếp theo thứ tự chỗ đứng cũng bỗng nháo nhác cả lên. Hầu như tất cả mọi người đều bàng hoàng như vừa bị nghe một tiếng sét nổ ngang đầu, ngay giữa lưng chừng trời. Ông trưởng đoàn tức tốc tự tay buông cái màn xuống. Ông biên đạo hò hét trong hội trường loạn xạ:

- Nhạc đâu? Nhạc đâu? Cho trỗi lên đi!

Nhưng hình như trong cơn hỗn loạn, chẳng còn ai nghe thấy lời hò hét của ông cả. Trong hội trường chỉ thấy vang lên những tiếng cười ròn rã. Có kẻ vỗ tay loạn xạ. Có kẻ huýt gió ầm ĩ. Cũng có những giọng quyền uy nói lạc cả tiếng giữa những âm thanh ồn ào:

- Công an đâu? Công an đâu? Làm việc! Làm việc!...

Chỉ riêng có ông tác giả là như một kẻ thất thần. Mặt ông ta nhược hẳn ra. Ông có điệu bộ như một kẻ làm trò ảo thuật nhưng do vụng về đã bị đám đông lột mặt nạ ngay trên sân khấu trình diễn. Trong một cử chỉ cố gắng cuối cùng, ông ném tập bản thảo xuống sàn gỗ và đi một cách thiểu não vào phòng hóa trang. Còn lão kéo màn cũng khật khưỡng rời bỏ chỗ đứng để đi vào hậu trường. Lão nhớ đến xị rượu còn để cạnh tủ gương trong phòng hóa trang. Hai người đụng đầu nhau ở đó một cách vô tình.

TRONG PHÒNG HÓA TRANG

Lão kéo màn:
A! Ông tác giả! Xin lỗi ông nhé. Cái vụ nầy không phải lỗi ông. Tôi tự biên tự diễn mà.

Tác giả:
Hay lắm! Hay lắm! Tuyệt!

Lão kéo màn (ngơ ngác):
Cái gì hay lắm? Cái gì tuyệt?

Tác giả:
Đoạn cuối của vở kịch đó! Hay nói cho đúng hơn, đoạn cuối của buổi diễn kịch ngày hôm nay đó. Cụ đã đem lại cho vở kịch một sự thật. Và rằng dù chỉ là một sự thật cỏn con, duy nhất, qua câu nói ngắn ngủi của cụ cũng đủ làm sụp đổ tan tành cả một công trình dối trá, giảo hoạt.

Lão kéo màn:
Đó là điều mà tôi phải xin lỗi ông. Ông đâu có viết sự thực. Ông chỉ viết kịch để mua vui thôi mà.

Tác giả:
Thì từ trước đến nay, tôi cũng có cùng một ý nghĩ đó như cụ. Nhưng hôm nay, chính cụ đã dạy cho tôi và những kẻ cầm bút như tôi một bài học. Đó là trò chơi mua vui không bao giờ đồng nghĩa với dối trá cả. Mua vui mà dối trá đó là một tội, viết lách mà dối trá còn là một tội to hơn.

Lão kéo màn (ngơ ngác):
Ông nghĩ như thế mà ông không sợ à?

Tác giả:
Ở trong cái xã hội tồi tệ này, muốn trở thành một con người đàng hoàng, người ta đều phải trả giá! Một kẻ cầm bút còn phải trả giá đắt hơn nếu muốn cầm bút trung thực.

Lão kéo màn (nhìn ra cửa sổ thấy lố nhốxuất hiện bóng dáng của những người công an, bất giác cười khà):
Như tôi chẳng hạn! Tôi bắt đầu phải trả giá đây!...

Tác giả (quay lại, nhìn sững ra phía cửa, rồi nắm vội lấy bàn tay sần sùi của lão kéo màn, nói ngậm ngùi):
Cụ kéo màn ơi! Muốn cho đất nước này qua khỏi cơn điêu tàn, ai cũng phải trả giá... ai cũng sẽ phải trả giá cả...

Santa Ana tháng 3/1986
NHẬT TIẾN

( trong tập truyện ngắn
Cánh Cửa,
Thời Văn ấn hành năm 1990)
Biên Hùng chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

MỘT BUỔI DIỄN KỊCH - NHẬT TIẾN *

Đó là một rạp hát hạng trung nằm ở ngang cuối phố chợ. Trước cửa rạp là một hàng cây cao. Chen vào giữa những hàng cây là một trụ đèn xi măng



Ở NGOÀI CỬA RẠP HÁT, TRƯỚC GIỜ TRÌNH DIỄN

Đó là một rạp hát hạng trung nằm ở ngang cuối phố chợ. Trước cửa rạp là một hàng cây cao. Chen vào giữa những hàng cây là một trụ đèn xi măng, ở trên cao tít có một cái bóng đèn tỏa ra một thứ ánh sáng vàng bệch không đủ soi rõ quang cảnh của hè phố trước rạp. Tuy nhiên vào lúc hơn bảy giờ thì tổ Coi Xe cũng đã cho thắp lên bốn ngọn đèn chai treo ở trên những cái cọc gỗ dùng để chăng một sợi dây thừng trải dài bao bọc khu vực gửi xe.Những chiếc xe đạp của khán giả đến trước tiên đã được đặt ngay ngắn theo thứ tự từ lớp trong ra lớp ngoài. Người gửi xe được trao cho một miếng thẻ bằng bìa nhỏ. Khỏi cần ghi số ở trên. Ai có xe để ở chỗ nào, chốc nữa tan ra cứ lại chỗ đó mà chờ. Tổ gởi xe sẽ luồn qua khung xe một sợi thừng cớ lớn và buộc lại ở phía đầu nút. Nút buộc chỉ được cởi ra khi tan rạp. Do đó, tuần tự ai gởi sau sẽ được ra trước, cho đến người cuối cùng. Đó là một sáng kiến tuyệt hảo để tránh việc lấy lộn xe của nhau. Bởi xe của ai thì người đó đã đứng chờ sẵn tại chỗ rồi.

Duy chỉ có hai điều bất tiện: một là ai gởi xe trước thì phải ra sau, ít lắm cũng mất nửa giờ, và hai là không có cái vụ đang xem hát trong rạp, bỏ về nửa chừng. Muốn bỏ về nửa chừng thì rán cuốc bộ, lát nữa rạp tan, quay trở lại lấy xe. Tuy bất tiện một tí nhưng bảo đảm an toàn. Trong ba quý liền điều hành công tác, Tổ gửi xe không làm mất và phải đền cái xe nào. Điều nầy đã đem lại cho Tổ vô số là bằng khen với lời tuyên dương nhiệt liệt: phục vụ tốt, kết quả công tác tốt, góp phần tốt vào công cuộc xây dựng nếp sống mới con người mới Xã hội Chủ nghĩa.

Ở dưới những gốc cây gần kế với khu vực gửi xe là chỗ quây quần của những hàng quán bán cho khách đi coi ca kịch. Hầu hết là những người bán thuốc lá lẻ và kẹo bánh lặt vặt. Nhưng cũng có hàng bán nước mía, nước trái cây xay, bán chè xôi, và có cả hàng bán lõi thơm (hay lõi dứa). Quả dứa thơm ngon đã được đóng hộp xuất khẩu, cái lõi còn lại được xí nghiệp sản xuất phát huy sáng kiến gọt tỉa lại cho tròn trĩnh và bó lại thành từng bó rồi đem tiêu thụ ngoài quần chúng. Vừa rẻ, vừa mát, lại vừa túi tiền. Nó cũng đáp ứng khẩu vị của người dân đã lâu thèm và nhớ hương vị của mùi dứa. Buôn bán lõi dứa do đó cũng rất phát tài và lương thiện. Các đồng chí công an nếu có xuất hiện để xua đuổi việc chiếm lề đường làm mất vệ sinh và vẻ thẩm mỹ của thành phố thì cũng không nỡ tịch thâu những bó lõi dứa màu vàng óng xếp thành chồng cao trên những cái mẹt có lót lá chuối khô và được che lên bằng một tấm giấy nylon đã ngả màu nâu đục và mất hẳn tính trong suốt của loại nylon bình thường vì đã bị tái sinh nhiều lần.

Chỉ có đám bán thuốc lá lẻ là chạy chối chết. Bởi nếu hạch hỏi ra thì đủ thứ tội: Thuốc lá Sông Cầu, thuốc lá Hoa Mai, thuốc lá Phù Đổng, thuốc lá Trường Sơn... toàn là nhưng đồ phân phối của công nhân viên chức, bán ra ngoài là bất hợp pháp rồi, bất kể người được phân phối không biết hút thuốc và đã hoan hỉ nhượng lại. “Sang đi nhượng lại” là một hành vi phạm pháp, làm ngơ thì chả sao, nhưng hạch sách ra thì nó vẫn là một tội có thể viện dẫn ra để tịch thu. Quầy hàng thuốc lá vì thế đã được người bán bố trí rất đơn giản. Chỉ có một cái càng ba chân bằng que tre, trên để một cái thùng carton nhỏ. Bên trong hầu hết là những vỏ bao trống không hoặc chỉ để sẵn vài ba điếu. Nguồn hàng chính thức được giấu kín trong một cái túi xách và để ở đâu đó khó ai nhận biết được, ví dụ ở trong bọc áo một thằng bé ngồi thu lu ở vỉa hè xa xa chỗ mẹ nó, chị nó bán hàng, hay ví dụ như ở ngay dưới gầm ghế của một nữ đồng chí trong Tổ coi xe, ngồi nghiêm chỉnh ở khu vực đã được chỉ định sẵn, vừa quan sát khu vực để xe, vừa chăm chú đan thêm mảnh áo len kiếm thêm chút tiền đong gạo dưới ánh đèn lù mù của ngọn đèn chai.

Một vài hình ảnh như thế, nghĩ cho cùng, nó quả là rất tương phản với tấm biểu ngữ giăng ngang trước cửa rạp, nền trắng, chữ đỏ kẻ bằng sơn rất trịnh trọng:

Hôm nay long trọng trình diễn vở kịch:
NỀN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
do đoàn kịch ĐỒNG THÁP đảm trách.

Trong nhân dân, đã được học tập rồi thì ai lại chả biết sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa phải đi đôi với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của nền đại công nghiệp. Nói chuyện về đại công nghiệp ở nơi chốn lù mù những ánh đèn chai, nếu không là chuyện khôi hài thì cũng là những toan tính quá xa vời với thực tế.

Nhưng cũng chả sao. Có thiếu gì điều ở đây đã được học tập, đã được phát biểu, đã được in thành sách, soạn thành nhạc, viết thành kịch bản để trình diễn mà khi đem so với thực tế thì chả thấy có điều gì ăn nhập với nhau. Riết rồi cũng quen đi. Học một đằng, nghĩ một nẻo, khi nói ra miệng lại là một nẻo khác nữa. Ai cũng thấy thế, ai cũng đã từng làm như thế, cuối cùng sự trục trặc không ăn khớp ấy đã trở thành một thói quen, một quy luật để tồn tại, chỉ những kẻ nào tối dạ lắm thì mới dại dột nêu lên những nhận thức chân thực của mình.

Thế cho nên dù trong ánh đèn lù mù của ngọn lửa đỏ đòng đọc, đong đưa theo hướng động đậy của ngọn đèn chai chao đảo trước gió, người ta vẫn thấy xốn xang, rộn ràng khi nhìn lên tấm biểu ngữ nêu tên vở kịch sắp được trình diễn: NỀN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘICHỦ NGHĨA. Nói cho cùng thì chả cứ tên của vở kịch là cái gì, miễn rằng nó là một vở kịch, một buổi trình diễn, một duyên cớ để tụ tập nhau lại, dù trong một cái rạp chật ních nóng nẩy đến đổ mồ hôi, để được nghe đàn, nghe hát, gái trai đú đởn, đùa nghịch, thế là vui rồi. Đã lâu lắm ở đây có được cái gì để vui đâu !

Thế là thiên hạ ùn ùn kéo nhau vào rạp. Khu vực để xe đã chật ních. Đồng chí trong Tổ coi xe đã sử dụng gần hết cuộn dây thừng để luồn qua vô số là những cái khung xe. Hàng bán lõi dứa đã hết lõi dứa, hàng bán chè đã hết chè, hàng bán trái cây xay đã hết nước đá để xay. Chỉ còn lác đác vài cái thùng carton đựng thuốc lá lẻ đặt trên cái càng ba chân. Mấy thằng nhỏ ngồi ở xa xa trên vệ đường (bụng ôm một bọc toàn nguồn hàng thuốc lá) cũng vẫn còn ngồi ở đó nhưng bây giờ đã ngủ gục. Có còn cái thứ công việc nào chán ngán và dễ buồn ngủ hơn là việc cứ ôm khư khư bọc đựng thuốc lá như thế suốt buổi từ tối đến khuya, cấm di động, cấm chạy nhảy, cấm rời chỗ, tất nhiên là trừ ra những dịp rất bần cùng, chẳng hạn như có tiếng báo động từ xa truyền lại: “Công an tới! Công an tới!”.

À, nếu công an tới thì lại khác. Thằng nhỏ dù đang buồn ngủ rũ mắt thì cũng phải bật lên như một cái lò xo và ôm gói hàng chạy miết vô một ngõ tối. Ở đó, nó có thể thò đầu ra như một con chuột, ngó qua phía bên kia đường để thấy mẹ nó, hay chị nó hoặc là đang nài nỉ, hoặc là đang cãi vã, hoặc là đang bị đồng chí công an dẫn giải về đồn với lệnh tịch thu. Sự mất mát nếu có cũng chả nhằm nhò gì, bất quá thì cũng chỉ vài ba điếu thuốc Sông Cầu, vài cái vỏ bao trống không của thứ thuốc loại xịn và một ngọn đèn Huê Kỳ tù mù dùng để cho khách châm thuốc hút.

Tuy nhiên hôm nay tình hình có vẻ yên tĩnh lạ. Mấy đồng chí công an đã xuất hiện từ chiều ở cửa rạp, nhưng ngó lơ như không bao giờ bận tâm đến lũ hàng quán ngồi la liệt ở dưới gốc cây. Lý do là các đồng chí còn mải bận tâm đến một nhiệm vụ trọng đại hơn nhiều: bảo vệ an ninh cho buổi trình diễn ra mắt vở kịch NỀN SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Điều đó có nghĩa là khách tới rạp chẳng phải thuần túy chỉ có nhân dân mua vé vào coi. Theo bản tiêu lệnh công tác bảo vệ an ninh thì có nhiều thành phần quan khách đặc biệt tới tham dự như đồng chí Quận ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận, đồng chí Ủy viên Thông tin Văn hóa, các đồng chí đại diện Công đoàn, đại diện hội Phụ nữ, đại diện hội Phụ lão, đại diện Quận đoàn Thanh niên, và rất nhiều đại diện các đoàn thể linh tinh khác. Đó là chưa kể các phái đoàn Công nhân Tiên tiến của nhiều xí nghiệp, nhiều hợp tác xã, nhiều trường học trong khu vực cũng được đặc biệt có giấy mời tham dự. Nói chung là buổi hôm nay có nhiều yếu tố quan trọng khiến bộ phận công an phải đặc biệt lưu tâm hơn là càn quét bọn buôn thúng bán mẹt vốn cũng sẵn dịp tổ chức nên bu lại để mong kiếm thêm chút lời.

Mới gần tám giờ tối, toàn thể các ghế trong rạp đã chật như nêm cối.

Ở TRONG RẠP

Đồng chí Bí thư Quận đoàn Thanh niên:
Kính chào đồng chí Quận ủy.

Quận ủy :
A! Chú Sáu! Chú cũng đi coi hả?

Đồng chí Bí thư Quận đoàn Thanh niên:
Dạ. Trình đồng chí, em đi coi để thêm nhận thức về nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa.

Quận ủy:
Phải đấy! Đây là một khâu trọng đại trong công cuộc xây dựng tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Các chú nên đào sâu trong lãnh vực nhận thức. Mà hình như tác giả là đồng chí ở tổ Biên kịch cấp Thành đấy có phải không?

Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa:
Dạ thưa phải! Vở kịch nầy là vở thứ hai của đồng chí ấy và đợt trình diễn nầy là đợt thao diễn để rút kinh nghiệm công tác. Sau đó sẽ đưa lên cấp Thành và có hy vọng trình diễn cả ở Trung ương nữa.

Quận ủy:
Cái đó tôi biết. Chính tôi đề nghị với đoàn ĐỒNG THÁP lấy quận ta làm thí điểm trình diễn.

Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa:
Dạ, trình đồng chí, đồng chí quyết định như vậy là sáng suốt lắm. Đề tài của vở kịch rất phù hợp với nghị quyết của Thành ủy liên quan tới công cuộc vận động nhân dân ta tiến mạnh, tiến mau, tiến vững chắc từ nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa. Trình đồng chí, theo chiều hướng nầy, và trong cương vị của một Ủy viên Thông tin Văn hóa, tôi cũng đang phát động chiến dịch Nếp Sống Văn Hóa Mới nhằm vận động nhân dân sống theo tác phong của nền công nghiệp, từng bước xóa bỏ tàn dư của nền sản xuất nhỏ, manh mún, tản mạn ngày xưa.

Quận ủy:
Cái đó cũng tốt thôi! Nhưng mà nầy, nhạc đâu mà chưa thấy đồng chí cho vặn lên. Đồng bào đã tới đông, trong khi chờ các diễn viên sửa soạn, phải có âm nhạc mới được chớ.

Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa:
Dạ có chớ, có chớ! Trình đồng chí, tôi đã chỉ thị đầy đủ cả, hiềm vì mấy cái loa đang gặp phải sự cố kỹ thuật. Tổ bảo trì đang phấn đấu sửa chữa, chắc chỉ ít phút nữa thôi. Để tôi đi coi lại (nói xong bỏ đi về phía cánh trái sân khấu).

TẠI CÁNH TRÁI CỦA SÂN KHẤU

Kỹ thuật viên 1:
Cái dàn ăm-li nầy chỉ có nước giục mẹ nó vô thùng rác chớ còn làm ăn được gì.

Kỹ thuật viên 2:
Nói nghe ngon không? Dàn nầy mới thay hồi đầu tháng mà, giục thùng rác sao được, cha?

Kỹ thuật viên 1:
Cậu banh mắt ra mà nhìn coi nó là dàn mới thay hay là cái dàn cũ xì từ hồỉ ông bành tổ đây nào. Thằng Ủy viên Thông tin Văn hóa nó đã đổi cha nó cái mới hồi tuần trước rồi mà cậu đâu có hay.

Kỹ thuật viên 2:
Ai cho phép nó đổi chớ?

Kỹ thuật viên 1:
Thì đi tìm nó mà hỏi. Ối chà, linh chửa, mới vừa nhắc mà nó đã thò mặt tới rồi (đổi giọng). Kính chào đồng chí Ủy viên Thông tin Văn hóa.

Đồng chí Thông tin Vãn hóa:
Các cậu làm ăn chả ra cái con mẹ gì hết. Sao giờ nầy chưa cho đĩa nhạc chạy lên?

Kỹ thuật vìên 1:
Trình đồng chí tại cái ăm-li nầy cũ quá. Hơi nóng một tí là nó rè.

Đồng chí Thông tin Vãn hóa:
Nó rè thì sửa chỗ rè...

Kỹ thuật viền 1:
Dạ, em đã sửa nó chán ra rồi, từ hồi nó còn ở nhà đồng chí, mà không hết bệnh.

Đồng chí Thông tin Văn hóa :
Ấy chớ! Cậu đừng nhắc chuyện cũ, bất tiện lắm. Bề gì thì cũng chỉ có tôi với tổ kỹ thuật biết với nhau thôi. Thôi được, rán khắc phục được đến đâu hay đến đó. Chắc cũng sắp sửa tới giờ trình diễn đến nơi, đâu có cần nhạc!!

Kỹ thuật viên 2:
Dạ, đúng đấy. Em thấy trong sân khấu đã kín mít những người là người, và em nghe thấy cả tiếng người ta đi gọi lão kéo màn để chuẩn bị kéo màn lên.

Ở CHỖ LÃO KÉO MÀN

Lão ngồi chồm hổm trên một cái thùng gỗ kê ngay sát một tấm cánh gà. Bên cạnh lão là một túm thuốc rê, cạnh túm thuốc rê là một chai nước ngọt, bên trong chai nước ngọt chẳng có nước ngọt mà là thứ rượu đế trắng nhờ cao đến ngót lưng chừng. Vậy là lão cũng đã tu khan hết ngót nửa xị rồi. Hèn chi đầu lão nóng rực. Mồ hôi đổ ra đầm đìa, đọng lấm tấm trên những cọng râu bạc. Lão thèm một cơn gió mát, nhưng bầu không khí trong hậu trường cứ mỗi lúc một ngột ngạt hơn. Người chạy qua chạy lại phía sau lưng lão rối ren như đèn cù. Thiên hạ hỏi nhau những món đồ hóa trang. Thiên hạ nhắc nhau về những đoạn cần nhấn mạnh trong vở kịch. Thiên hạ cũng cãi lộn với nhau về cả những chuyện chả ăn nhàm tới vở kịch, chả hạn như kỳ nhu yếu phẩm nầy có về hai cái vỏ xe đạp, ai lấy ai đừng, hoặc chuyện vay công mượn nợ eo xèo trả thiếu, trả trễ sao đó .Trong đám tiếng nói hỗn độn, ồn ào đó, bỗng lão nghe thấy mẩu đối thoại thì thầm ở ngay sát phía sau lưng mình:

Tiếng đàn ông:
Chết mẹ tôi rồi! Giờ nầy lão Bảy Đô chưa tới.

Tiếng đàn bà:
Không sao đâu. Chắc là lão hư xe phải đi bộ. Với lại mãi tới màn chót mới cần tới vai của lão mà.

Tiếng đàn ông:
Làm ăn cái kiểu giật gân nầy tôi đến rụng mẹ nó tim ra ngoài mất. Cô nhớ dùm tôi, hết màn đầu mà chưa thấy lão phải tức tốc cho người đi tìm ngay.

Tiếng đàn bà:
Yên trí đi. Em mới gặp lão chiều hôm qua. Lão hãy còn khỏe như voi. Chắc tại trễ đó thôi.

A! Cái lão Bảy Đô này thì lão kéo màn biết rõ. Thân nhau nữa là khác. Hai người ở xế nhà nhau, giải phóng về, cả hai ngán ngẩm nhân tình thế thái, cùng xoay ra uống rượu giải sầu. Rượu vào, lời ra, cả hai cùng đem chuyện Phường, chuyện Khóm, chuyện đoàn thể, chuyện học tập, chuyện kinh tế mới và đủ các loại chuyện khác ra than thở, chửi thề. Lão Bảy Đô bày tỏ cái mộng vượt biên vì lão có nhiều con, cháu lo được cái vụ nầy. Hồi tuần trước, Bảy Đô đã rỉ tai lão nói “tôi sắp đi! “Ờ nói là đi chứ chắc gì cứ đi là được Người ta đi hà rầm và bị bắt lại, bỏ vô tù cũng đông lển nghển”. Lão Bảy Đô biết vậy nên cũng chỉ nói vỏn vẹn có thế thôi. Lão chẳng vì chuyện ấy mà bỏ lơi công chưyện hàng ngày. Vẫn đi bới rác. Vẫn khuân những chai nước tương ở tổ hợp sản xuất đi bỏ mối lấy lời. Và mới đây, lão còn nhận lời cả với thằng cháu trong ban kịch ĐỒNG THÁP để sắm một vai phụ, chỉ cần nói đúng một câu:

- Đời tao, tao hy sinh đâu phải cốt để tao hưởng, mà cốt để cho con cháu chúng nó kia kià!

Rõ ra một câu nói khẳng khái của một ông già có trình độ giác ngộ cách mạng cao, làm chết bỏ mà không hề thắc mắc, than phiền. Lão Bảy Đô nhận lời sắm vai đó cũng là có lý do. Một là nó dễ đóng, chả có gì phải nhớ nhiều. Hai là thằng cháu cách mạng sẽ phát cho lão một cái giấy chứng nhận là công nhân viên của ban kịch ĐỒNG THÁP. Thời buổi nầy, được làm công nhân viên không phải là chuyện giỡn chơi. Thằng công an khu vực có thấy cũng nể mặt. Thằng tổ trưởng An ninh tổ dân phố lại càng hết giở bộ mặt hạch xách, eo xèo, mà đến như mấy thằng bên Phường cũng không còn lấy cớ gì để đưa tên lão vào danh sách những kẻ bó buộc phải đi kinh tế mới.
Nhưng cái lợi cực kỳ hơn cả là nhờ cái giấy đó, lão có thể di chuyển dễ dàng mà không sợ bị chận xét bất tử khi đi đường. Nó đúng là bùa hộ mệnh cho lão để giúp lão vượt biên! Lão chỉ hơi ân hận là sao cái bọn tổ chức lại nhè đúng cái ngày lão phải ra sân khấu để ra hiệu cho lão lên đường. Cái nầy thì không phải do lão cố tình chơi khăm thằng cháu cách mạng. Lão có tiếc gì một câu nói:

- Đời tao, tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng mà cốt để cho lũ con cháu chúng nó kia kìa!

Dễ ợt khi nói, mà cũng lãng xẹt khi nghe. Mẹ kiếp, cả nước nầy ai mà chẳng biết cứ cái kiểu cai trị thế nầy, thì con cháu, chút chít, mạt đời cũng chả bao giờ có ai được hưởng gì ngoại trừ giai cấp của lũ cầm quyền.

Buổi sáng hôm ra xe đi về lục tỉnh, lão Bảy Đô không khỏi mỉm cười khi nghĩ đến những khuôn mặt nhớn nhác của toàn thể nhân viên đoàn kịch ở phía sau hậu trường sân khấu.

PHÍA SAU HẬU TRƯỜNG SÂN KHẤU

Có hai diễn viên trẻ tuổi đứng ở cửa sổ nhìn ra khu phố chợ ồn ào. Một nam, một nữ.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
Chết chửa. Sao em thấy chóng mặt quá.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Chết! Có sao không ? Có cần bôi dầu nóng không? Chắc em trúng gió.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
Không phải đâu. Chắc là tại lúc đi, em chưa ăn gì.

Nam Diễn viên sắm vai Quý:
(trách) Đáng lẽ em phải pha một ly sữa để uống lấy sức.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
(mỉa mai) Hộp sữa bồi dưỡng em đã đổi ra thành mì sợi cho cả nhà rồi. Mà ngay cả mì sợi thì cũng đã hết nhẵn từ hôm qua!

Gã nam diễn viên sững sờ nhìn người bạn gái. Dưới ánh đèn vàng úa, khuôn mặt của nàng hiện ra vêu vao. Mặc dù nàng đã hóa trang xong nhưng lớp phấn trắng, vành môi đỏ không che giấu được vẻ xanh xao, mệt mỏi nó làm cho những bột phấn không ăn mịn vào làn da, lớp son càng đắp dầy càng hiện ra những vết nứt nẻ, rạn vỡ.

Lòng gã dâng lên một niềm xót xa vô hạn mặc dù chính gã cũng đang lao đao như nàng. Đói. Đói ở nhà. Đói ở sở làm. Đói ngay cả khi sửa soạn bước ra sân khấu. Bây giờ gã mới thấm thía cái điều mà các cơ quan tuyên truyền của nhà nước vẫn nhắc đi nhắc lạì một cách khoe khoang: “Bộ đội ta ăn no và đánh thắng”. Thì ra ưu điểm mà cái xã hội nầy mơ ước được đạt tới chỉ là được ăn no. Hơn ba mươi năm cầm quyền, hơn nửa dân số không bao giờ được ăn no. Vậy mà cũng gọi là đỉnh cao trí tuệ của loài người sao? Gã bỗng thấy nhói ở tim khi nhớ đến một lời đối thoại trong vở kịch sắp sửa trình diễn:

- Dưới sự sáng suốt của Đảng, nhân dân ta đang ở trên đỉnh cao trí tuệ văn minh của loài người. Điều nầy không làm đồng chí cảm thấy hãnh diện sao?

Thật là một lời dối trá trắng trợn, bởi chính cái gã tác giả viết ra vở kịch nầy cũng chẳng tin gì điều mà hắn viết ra. Cứ nom cái vẻ mặt nhớn nhác của hắn, lúc nào cũng như tránh né tia nhìn của mọi người thì đủ rõ. Con người ấy thật xứng đáng dùng làm biểu tượng cho sự thiếu tự tin. Vậy mà hắn có gan viết kịch để xây dựng niềm tin cho mọi người. Thế là lại thêm một chuyện chéo cẳng ngỗng nữa!

Nhưng gã nam diễn viên không có nhiều thì giờ để bận tâm đến lý do làm nhói con tim gã. Cơn đói của người bạn gái trước giờ nàng phải bước ra sân khấu đã làm gã nhói tim hơn nhiều. Gã khoắng bàn tay khô khan của mình vào trong túi quần để đếm nhẩm mấy đồng bạc lẻ còn sót lại.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Anh còn mấy đồng lẻ. Để anh chạy ra cửa rạp mua cho em gói xôi.

Nữ diễn viên sắm vai Hồng:
Thôi đi anh! Em còn rán chịu được. Mấy lại cũng hết còn ra ngoài được nữa rồi. Nghe đâu có vụ ông Bảy Đô sắm vai lão già công nhân tiên tiến cho tới giờ cũng chưa tới. Ông biên đạo (đạo diễn) đã cho lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập để ngăn chặn diễn viên chuồn ẩu ra ngoài.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Tù túng đến thế cơ à? Thôi để anh nhờ lão kéo màn, lão không là diễn viên, chắc ra được!

Ở CHỖ KÉO MÀN

Lão kéo màn vẫn còn ngồi y nguyên ở đó, duy có xị rượu đế thì đã vẹt hẳn đi, chỉ còn đâu non một đốt ngón tay. Mắt lão lim rim như đang ngủ nhưng tâm hồn của lão thì lâng lâng một cách tỉnh táo. Lão đang vận dụng trí tưởng tượng để theo dõi bước chân đi của người bạn già. Có thể bây giờ lão Bảy Đô đã xuống tới bến. Rồi từ bến lên thuyền đi ra cửa sông. Từ cửa sông đáp thuyền lớn để đi ra biển. Ôi chao! Biển cả mênh mông như chân trời tự do mênh mông mà lão sắp sửa đặt chân tới. Mới nghĩ như thế mà lão kéo màn đã hít hà, tưởng như chính mình cũng đang lênh đênh trên con thuyền trên đường vạch lau lách tiến ra biển cả.

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Cụ kéo màn ơi! Cụ kéo màn ơi!

Lão kéo màn: (giật mình, mở choàng mắt ra)
Cái gì đấy! Tới giờ rồi hả?

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Chưa tới! Nhưng cháu nhờ cụ ra cửa mua giùm gói xôi. Tội nghiệp cô diễn viên, nhà hết gạo, lúc đi trình diễn chưa ăn gì, bây giờ lao đao quá !

Lão kéo màn:
Đi mua thì dễ, mà chỉ hiềm lúc bỏ đi, tới giờ kéo màn không có mặt thì lãnh búa hết!

Tiếng loa phóng thanh:
Đã tới giờ khai mạc! Xin mời toàn thể các đồng chí, đồng bào đứng dậy để làm lễ chào cờ !

Ông biên đạo: Kéo màn lên! Kéo màn lên !

Lão kéo màn vội vã đứng dậy, hai bàn tay sần sùi và thô kệch của lão túm lấy sợi dây thừng treo lủng lẳng ở phía trước mặt. Lão vận dụng hơi sức của mình để níu sợi dây xuống. Tấm màn nhung cũ kỹ có nhiều vết nứt rạn từ từ cuộn lên. Rồi có tiếng rọt rẹt của dàn âm thanh đặt ở bên cánh trái sân khấu. Chen vào giữa những tiếng rọt rẹt là những tiếng rít rít nghe nhức tai. Rồi bản Tiến Quân Ca được phóng ra bằng một giọng ồm ồm, có lúc khụt khịt như bị ngạt mũi, lại cũng có lúc chìm đi như muốn tắt tiếng. Sự kiện nầy làm cho đám khán giả tuy cố làm bộ điệu trang nghiêm lúc chào cờ nhưng không khỏi bụm miệng cười. Chỉ riêng ở hàng ghế đầu, nơi dành cho quan khách là có những ánh mắt giận dữ, tức tối.

TẠI HÀNG GHẾ ĐẦU

Đồng chí Quận ủy (thì thào):
Đồng chí ủy viên Thông tin Văn hóa đâu?

Ủy viên Thông tin Vãn hóa:
Trình đồng chí. có em đây.

Quận ủy:
Ngày mai đồng chí đem hồ sơ lý lịch của mấy thằng trông coi Tổ kỹ thuật lên tôi để đích thân tôi coi lại. Chúng nó có ý đồ phá hoại!

Ủy viên thông tin văn hóa.
Dạ... dạ... xin tuân lệnh đồng chí.

Dù sao thì bản Tiến Quân Ca cũng đã được chơi xong. Mọi người ngồi xuống. Tiếng ồn ào bắt đầu nổi lên, nhất là phía hàng ghế khán giả.

TẠI HÀNG GHẾ KHÁN GIẢ

Nhiều tiếng nói cất lên, không phân biệt được ai với ai :

- Âm thanh kiểu này thì còn kịch với cọt cái gì nữa.

- Thôi đi mà người anh em, rán khắc phục cái lỗ tai giùm chút. Mình đang ở thời kỳ quá độ mà.

- Quá độ đâu ở cái dàn âm thanh cha nội! O ép nó quá thì nó phá bĩnh, có gì đâu!

-Nói đúng đó! O ép người ta thì được, o ép máy thì không xong. Không lẽ bắt cái máy đi học tập cải tạo!

Một tràng rộ lên cười làm cả một góc rạp ồn ào như vỡ chợ khiến cho tất cả mọi người đều quay lại nhìn. Ngay lúc đó, ở trên sân khấu, ông biên đạo hùng dũng bước ra. Một tay ông ấy cầm một xấp bản thảo vở kịch, ý chừng muốn chứng tỏ lúc nào ông cũng bận rộn, chăm sóc đến từng diễn viên, nhắc nhở từng điệu bộ, từng câu nói. Còn tay kia thì ông ấy cầm một cái micro chạy bằng pin. Cái máy đeo lủng lẳng trên một bên vai còm cõi, nó làm cho thân hình của ông lệch hẳn đi, nhưng cũng nhờ thế nó càng chứng tỏ vai trò quan trọng của ông trong những giờ phút trọng đại như thế này.

TRÊN SÂN KHẤU

Ông biên đạo:
Kính thưa đồng chí Quận ủy, kính thưa các đồng chí đại diện các Ban, Ngành, các Đoàn thể, kính thưa toàn thể nhân dân đồng bào... thay mặt ban tổ chức chúng tôi hết sức thành thật xin cáo lỗi về vụ âm thanh có sự cố kỹ thuật. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục để đảm bảo tốt cho chương trình trình diễn... Bây giờ tôi xin trình bầy sơ lược về nội dung và ý nghĩa vở kịch...

Ở TRONG HẬU TRƯỜNG

Ông trưởng đoàn Đồng Tháp:
Ai thế? Ai đại diện ban tổ chức ra sân khấu mà nói thế?

Ông phó trưởng đoàn:
Trình đồng chí, đấy là tiếng của ông Biên đạo.

Ông trưởng đoàn:
Cái thằng lanh chanh hớt việc không phải chỗ! Nó đâu có quyền giẫm chân lên cương vị của người khác. Cáo lỗi về sự cố kỹ thuật của buổi trình diễn là phần hành của tôi, bởi vì tôi trách nhiệm toàn bộ buổi trình diễn này...

Ông phó trưởng đoàn:
Trình đồng chí, tôi nhất trí với ý kiến của đồng chí phát biểu. Sau đồng chí là đến tôi chứ đâu đã đến thứ nó.

Ông trưởng đoàn:
Tôi biết nó muốn lấy điểm với đồng chí Quận ủy. Tôi sẽ đem vụ nầy ra kiểm thảo. Chớ làm ăn theo kiểu manh mún, tản mạn này thì đâu còn là tác phong của nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa.

Đồng chí lao công:
Trình đồng chí thủ trưởng, dàn âm thanh mới đã tới.

Ông trưởng đoàn (reo lên):
Hay quá! Ở đâu ra thế? Ai cho mượn thế ?

Đồng chí lao công:
Dạ, của ông Ủy viên Thông tin Văn hóa.

Ông trưởng đoàn:
À ra thế! Phải có tinh thần một người vì mọi người như thế mới xứng đáng là con người mới Xã hội Chủ nghĩa chứ. Chả trách ông ấy được cấp trên giao phó đảm nhiệm chức vụ Thông tin Văn hóa. Còn thằng cha biên đạo, nó vẫn còn nói lảm nhảm cái gì trên sân khấu thế ?

TRÊN SÂN KHẤU

Ông biên đạo:
(vẫn thao thao) Vâng, thưa các đồng chí, con người mới Xã hội Chủ nghĩa là con người được hình thành và được phát triển thông qua ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, và cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng tư tưởng và văn hóa là then chốt. Trên cơ sở đó, ba cuộc cách mạng càng phát triển sâu rộng và thu được nhiều thành quả thì con người mới Xã hội Chủ nghĩa càng phát triển toàn diện, đồng thời tác động trở lại khiến cho ba cuộc cách mạng được thúc đẩy thêm, được phát triển thêm không ngừng...

Ông ta vừa nói vừa nhìn xuống phía hàng ghế khán giả, nói cho đúng hơn, nhìn xuống cái chỗ mà đồng chí Quận ủy đang ngồi. Có thể ông ta sẽ tiếp tục khai triển thêm về cái ý đang nói hơn nữa, nhưng bất ngờ, ông ta bắt gặp đồng chí Quận ủy giơ tay che miệng ngáp. Thế là như một nhân tố có khả năng rất nhạy bén về những tác động khách quan bên ngoài, ông biên đạo đổi ngay đề tài đang nói và sự đổi thay nầy hầu như làm cho cả rạp tỉnh hẳn ngủ.

Ông biên đạo:
Để nói lên được cái ý nghĩa vô cùng sâu xa đó, sau đây chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu với các đồng chí, các đồng bào màn đầu của vở kịch nhan đề NỀN SẢN XUẤT LƠN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA do đoàn kịch ĐỒNG THÁP trình diễn, với thành phần diễn viên nòng cốt Thu Lan trong vai Hồng, Năm Bửu trong vai Quý, Mạnh Hoàng trong vai Huy...

Những tràng vỗ tay tán thưởng đồng loạt nổi lên làm át cả lời giới thiệu của ông ta đến nỗi cả một đoạn sau, chả còn ai nghe ông ta nói cái gì. Rõ ra là đồng bào hoan nghênh về sự kiện đã tới lúc chấm dứt phần nói chuyện vừa dài, vừa dai lại vừa dở của ông biên đạo. Ông ta có vẻ cụt hứng, lùi lũi đi vào hậu trường quên cả cúi đầu chào quan khách và khán giả.

TẠI HẬU TRƯỜNG

Ông phó trưởng đoàn đứng chặn ngang lối đi vào của ông biên đạo. Hai người đứng đối diện ngay ở bên cạnh lão kéo màn.

Ông phó trưởng đoàn:
Đồng chí nói thao thao nhưng đồng chí quên mất rằng đã giẫm chân lên cương vị của đồng chí trưởng đoàn.

Ông biên đạo:
Đó là lý do ngoài ý muốn. Lúc có sự cố kỹ thuật về âm thanh, khán giả nhao nhao lên, mà ông ấy biến đi đâu, đâu có mặt để giải quyết. Trong tình huống ấy, tôi phải tranh thủ thời gian để linh động chớ!

Ông phó trưởng đoàn:
Đồng chí ấy ở quanh đây chứ có đi đâu! Mà sau đồng chí trưởng đoàn còn có tôi chớ dâu đến lượt ông. Làm ăn lộn xộn theo kiểu cứt lộn lên đầu, đâu có được!

Ông biên đạo:
A! Đồng chí xỏ lá nhé. Đồng chí nói ai là cứt lộn lên đầu. Tôi sẽ lôi đồng chí ra hội đồng liên tịch để kiểm thảo.

Ông phó trưởng đoàn:
Tôi sẽ kiểm thảo nhà anh trước. Để sau buổi trình diễn này anh sẽ biết !

Ông trưởng đoàn (hớt hải chạy tới):
Chết chửa! Sao giờ này lão Bảy Đô vẫn chưa tới. Đã có ai cử người tới gọi lão ấy chưa?

Ông biên đạo:
Tôi đã cho người đi gọi rồi nhưng chưa thấy về. Đạp xe từ đây tới đấy ít lắm cũng nửa giờ.

Ông trưởng đoàn:
Sao lại đạp xe! Có xe gắn máy của cơ quan sao không lấy mà xài. Chuyện khẩn cấp!

Ông biên đạo:
Trình đồng chí, cái xe hết xăng, bên tiếp liệu chưa cấp phát.

Ông trưởng đoàn:
Sao mà hết xăng sớm thế. Mới xuất ra ba lít ngày hôm kia. Ô! Thế nầy thì tệ thật, tôi phải rà lại toàn bộ cung cách làm việc của các đồng chí. Làm ăn kiểu này thì đâu còn là tác phong của con người mới Xã hội Chủ Nghĩa.

Ông phó trưởng đoàn:
Nếu lão ấy không tới, mình tước bỏ một vai được không?

Ông biên đạo (la lên):
Ông nói chuyện giỡn chơi! Toàn bộ các diễn viên gắn bó hữu cơ với nhau, bỏ đi một vai là toàn bộ vở kịch sụp đổ hết, đâu có thể thế được.

Ông phó trưởng đoàn
:
Ông cứ quan trọng hóa vấn đề, chứ lão Bảy Đô chỉ sắm có mỗi một vai phụ.

Ông biên đạo:
Vai phụ có chức năng của vai phụ. Nếu vai phụ bỏ đi được thì còn ai dựng lên nhân vật ấy làm gì. Ơ kia kìa! Có ông tác giả đang tới. Ông hỏi ông ta bỏ đi một vai phụ có đặng không. Nếu đặng, tôi sẵn sàng đồng ý liền.

Ông phó trưởng đoàn:
Ấy là tôi góp ý để giải quyết vấn đề thôi. Nói cho ngay, phút chót mà lão Bảy Đô không tới thì ông có muốn giữ vai phụ cũng chả có ai mà giữ.

Ông biên đạo:
Đây này, ông tác giả! Ý kiến ông thế nào về việc tước bỏ đi một vai trong vở kịch của ông?

Ông tác giả (nhún vai):
Cái đó đâu thuộc thẩm quyền của tôi. Ông là biên đạo, ông chịu trách nhiệm hết.

Ông biên đạo (to tiếng):
Ơ hay! Sao lại tôi nhỉ. Nhân vật do ông đẻ ra thì ông phải biết bảo vệ nó chứ.

Đồng chí bảo vệ (ở đâu chạy tới, cố hạ giọng xì xào):
Suỵt! suỵt! Chuyện đẻ đái ai lại đem ra ở đây. Các đồng chí to tiếng làm mất trật tự hậu trường ảnh hưởng đến diễn viên ngoài sân khấu. Xin im lặng dùm đi !

NGOÀI SÂN KHẤU.

Vai Hồng:
Má bình tĩnh để con nói má nghe. Cái máy khâu khác với cái tủ lạnh. Cái tủ lạnh không làm ra của cải vật chất, còn cái máy khâu thì có thể làm ra sản phẩm. Vì thế cái máy khâu mới gọi là tư liệu sản xuất.

Vai má của IIồng:
Chả tư liệu tư lẹo gì hết ráo. Hồi nào tới giờ, tao vẫn để cái máy khâu ở nhà, có chết ai đâu.

Hồng:
Hồi xưa khác, hồi nay khác. Hồi xưa, chế độ tư bản bóc lột và bần cùng hóa nhân dân. Hồi nay, chế độ ta xóa bỏ bóc lột và các nguyên nhân sinh ra bóc lột để thỏa mãn nhu cầu ấm no hạnh phúc của nhân dân. Như má giữ làm của riêng cái máy may, một tư liệu sản xuất là một hình thức của nguyên nhân sinh ra bóc lột.

Má của Hồng:
Của tao, tao không giữ thì đem ném nó ra đường à?

Hồng:
Ai biểu má ném nó ra đường. Má đem nó vô tổ hợp để cùng quản lý chung, điều hành chung. Đó là ý niệm làm chủ tập thể Xã hội Chủ nghĩa.

Má của Hồng:
Cha chung chẳng ai khóc. Điều hành kiểu đó thì chỉ có đói rã họng ra thôi.

Câu nói “đói rã họng” của người đối diện khiến cho diễn viên sắm vai Hồng vụt quay về với cơn lao đao, cào xé của mình... Nàng cảm thấy chóng mặt và có những vân hoa nhảy múa trong cái nhìn của mình về phía trước. Nàng cố trấn tĩnh để giữ vững thế đứng của mình. Đáng lẽ ra sau câu nói “cha chung chẳng ai khóc. Điều hành kiểu đó thì chỉ có đói rã họng ra thôi” là nàng phải lớn tiếng biểu lộ sự phẫn nộ trước lời phát biểu đầy tính cách phản động, tiêu cực của người sắm vai má của Hồng. Nhưng nàng cố vận thêm hơi sức mà sinh lực của nàng cứ tiêu tán đi tận đâu. Đã nhiều hôm nàng nhịn đói, nhưng chưa bao giờ cơn đói lại vật vã nàng ghê gớm đến như lúc này.

Có lẽ nàng đã vận dụng quá sức trong những buổi tập dượt. Có lẽ cơn hồi hộp, xúc động trước giờ ra sân khấu đã càng khiến cho nàng thêm kiệt lực. Nàng như một con quay sấp hết đà. Nàng tự nhủ không cố thêm một tí nữa thì chắc chắn mình sẽ ngã quỵ, ngay ở đây, trên sân khấu và tại thời điểm nàng phải diễn xuất một câu nói mấu chốt:

- Tư tưởng của má là tưởng manh mún, tản mạn, xuất phát từ sự bắt rễ lâu dài của nền sản xuất nhỏ trong chế độ thoát thai từ phong kiến, thực dân và tư bản bóc lột. Má phải thấy rằng Đảng đã mở ra cho nhân dân ta một chân trời mới, chân trời của nền đại công nghiệp Xã hội Chủ nghĩa dựa trên cơ sở điện khí hóa, hóa học hóa, từng bước tiến lên tự động hóa và có khả năng sử dụng mọi thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật hiện đại...

Một câu nói dài như thế đòi hỏi ở nàng rất nhiều sinh lực. Nàng cố trấn tĩnh cơn cào xé của nàng để tập trung hơi thở. Hai tay nàng bấu lấy mép bàn. Mồ hôi đang vã ra ở những chân tóc. Nàng thấy rõ hai chân của mình run rẩy. Sự chậm trễ của nàng gieo vào vở kịch một khoảng trống. Một khoảng trống tai hại sau câu nói tai hại của diễn viên sắm vai má của Hồng. Cả rạp nín thở chờ đợi phản ứng của nàng. Để càng lâu sẽ càng tệ hại. Một ý tưởng phản động phát ra từ miệng lưỡi một nhân vật, nếu không chặn lại kịp thời thì nó sẽ tác động như những mũi dao phóng vào tim khán giả.

- Cha chung không ai khóc. Điều hành kiểu đó thì chỉ có đói rã họng ra thôi.

Gã nhắc vở tưởng nàng quên, vội vã đọc lên:

- Tư tưởng của má là tư tưởng manh mún, tản mạn...

Nhưng gã chưa kịp nhắc thêm thì người nữ diễn viên sắm vai Hồng đã buột ra mồm một câu nói hoàn toàn bất ngờ, hoàn toàn đi ra ngoài phần đối thoại của vở kịch:

- Má phản động lắm! Thôi con nhức đầu lắm, con không thèm nói với má nữa...

Nói rồi nàng sầm sầm chạy ra và ngã quỵ ngay ở dưới chân lão kéo màn.

CHỖ LÃO KÉO MÀN

Ông biên đạo (sầm sầm chạy lại):
Sao lạỉ thế ! Sao lại thế! Phát ngôn như thế là chết mẹ thằng tôi rồi!

Nam diễn viên sắm vai Quý:
Cô ấy xỉu! Cô ấy xỉu !Không nói như thế thì làm sao mà rút ra khỏi sân khấu được!

Ông biên đạo:
Thằng diễn viên vai Bố của Hồng đâu! Đi ra! Đi ra tiếp nối vở kịch không thì chết mẹ cả lũ bây giờ.

Vừa nói ông ta vừa túm ngay được đúng người diễn viên đang đứng lớ quớ ở gần đó. Thế là ông ta đẩy phắt người này ra sân khấu, mặc dù anh ta chả biết ất giáp cái gì cả. Thôi thì đành cương một đoạn chứ biết làm sao!

NGOÀI SÂN KHẤU

Bố của Hồng:
Mẹ con bà này cãi nhau cái gì mà nó sầm sầm bỏ ra đến té xỉu như chết rồi thế?

Má của Hồng:
Ơ! Nào tôi có làm cái gì đâu. Nó đang nóì với tôi, chuyện chưa ra đâu vào đâu thì nó kêu nhức đầu.

Bố của Hồng:
A! thế ra là tại nó nhức đầu! Nhà có thuốc men gì cho nó uống không?

Má của Hồng:
Thuốc men còn khỉ gì nữa mà cho uống. Bảo nó chịu khó gượng dậy ra Y tế Phường từ sáng sớm mà xếp hàng...

Ở CHỖ NGƯỜI NHẮC VỞ

Người nhắc vở :
Vô đề trở lại đi! “Tôi muốn nói với bà về chuyện cái máy may...”

TRÊN SÂN KHẤU

Bố của Hồng:
Thôi chuyện y tế Phường hãy dẹp qua một bên đi. Xếp hàng cho cố vào thì cũng chỉ có một trái ổi với ba nhánh tỏi! Nó nhức đầu vài ba bữa thì cũng hết. Tôi muốn nói với bà về chuyện cái máy may.

Má của Hồng:
A! Ông về mà coi đấy. Nó đang dụ dỗ tôi đem cái máy may cúng vào tổ hợp. Ông có biết rằng mất cái máy may là chết đói cả nhà hay không!...

Ở CHỖ NGƯỜI KÉO MÀN

Ông biên đạo (thở phào):
Ôi chao! Nhờ ơn Bác, nhờ ơn Đảng, thế là chúng nó “nối” được với nhau rồi.

Ông trưởng đoàn:
Bên Phường ủy họ không tha cho ông đâu. Diễn viên của ông đụng chạm đến Y tế Phường.

Ông biên đạo:
Ô hay! Sao lại là lỗi của tôi mà nói chuyện tha hay không tha. Những cái gì liên quan đến vở kịch thì ông phải hỏi đến tác giả kia chớ!

Ông tác giả:
Sao lại là tôi nhỉ! Kịch bản của tôi đâu có cái vụ y tế Phường với y tế phèo ở chỗ nào đâu.

Ông phó trưởng đoàn (chen vào):
Thôi, xin quý vị hãy bớt tranh luận để lo chuyện trước mắt. Vai Hồng còn nguyên một màn nữa mà quị kiểu nầy chỉ có nước rã gánh. Mà ông biết làm sao không? Tại cô ấy đói!

Ông tác giả:
Làm sao ông biết?

Ông phó trưởng đoàn:
Anh chàng đóng vai Quý cho tôi hay điều đó. Tôi đang chờ ông Trưởng đoàn cho lệnh xuất ngân ra đằng trước cửa mua một tô mì cho cô ấy bồi dưỡng.

Ông trưởng đoàn:
Một tô mì chớ mười tô mì tôi cũng chịu nữa. Con khỉ! Có mỗi chuyện đó mà cũng phải chờ lệnh xuất ngân. Ai có tiền túi ứng giùm ra trước đi.

Ông phó trưởng đoàn:
Vâng! Vâng! Tôi sẽ đi ngay! Mười tô thì không đủ chớ năm tô thì tôi có!

Ông biên đạo:
Thế còn lão Bảy Đô đã tới chưa?

Một anh lao công:
Dạ thưa chưa! Chắc ông ta trốn biệt mất rồi.

Ông biên đạo:
Thế là chết cha tôi rồi. Bây giờ lấy ai mà thay thế được đây.

Ông trưởng đoàn:
Nhờ lão kéo màn được không?

Ông biên đạo:
Hay! Ý kiến hay đó. Này cụ kéo màn ơi. Tôi nhờ cụ ra phía phòng hóa trang tôi nhờ chút.

Lão kéo màn:
Rồi ai kéo màn cho tôi?

Ông trưởng đoàn:
Tôi! Tôi đích thân kéo!

TRONG PHÒNG HÓA TRANG

Ông biên đạo:
Như cụ thấy đó, lão Bảy Đô bỏ đi mất tiêu rồi!

Lão kéo màn (cười đắc ý):
Tôi cũng đồ chừng như vậy. Mà điều chưa chắc thì đừng đổ tiếng oan cho con nhà người ta.

Ông biên đạo:
Nhờ cụ thay thế được không?

Lão kéo màn:
Ới cha mẹ ơi! Ông nói cái gì nghe động trời vậy nè. Tôi mà thay thế lão ta để làm diễn viên.

Ông biên đạo:
Có gì đâu! Vai này chỉ nói có mỗi một câu thôi. Thế này này (ông đổi giọng sảng khoái) “ Đời tao tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng, mà cốt để con cháu chúng nó kia kìa!”

Lão kéo màn:
Nói một câu đó thì có gì là khó!

Ông biên đạo:
Thì thế! Cũng như là trò giỡn chơi. Ông rán tập sự đi. Biết đâu lại chẳng trở thành diễn viên thực thụ.

Lão kéo màn:
Thôi đi ông ơi, từ thuở nào tới giờ tôi vẫn chuyên nghề kéo màn.

Ông biên đạo:
Nhưng ông cũng vẫn nhận cho chứ! Ít ra là hôm nay.

Lão kéo màn:
Tôi nhận chứ sao không! Chả lẽ lão Bảy Đô làm được mà tôi không làm được.

Ông biên đạo nghe nói hớn hở bỏ đi ra. Trong khi đó lão kéo màn soi mặt mình ở trong gương. Mặt lão đỏ ké. Xị rượu lúc chập tối đã cạn queo và lão đang nhấp nhỏm muốn cưa thêm một xị nữa. Có ít tiền để dành dưỡng già, lão cứ bòn rút kiểu này chắc mai mốt nhăn răng ra mất. Nhưng bao giờ thì lão cũng tắc lưỡi buông một câu “Ôi thời buổi nầy ham hố cái gì mà sống tới già. Để nhường cơm lại cho lũ con cháu! “. Thế là lão lại rút một tờ giấy bạc để đổi lấy một chai cỡ chai xá xị con cọp. Hôm nay lại có thêm cớ sự để lão muốn uống say mềm ra hơn nữa. Bởi lão Bảy Đô đã ra đi. Giờ này hẳn lão đã ngồi đâu đó trên một con thuyền đang chòng chành ra khơi. Chung quanh là biển. Chân trời tự do chắc chắn ở phía trước mặt. Như thế thì câu nói của lão lúc nãy đã là sai. Có những điều Bảy Đô làm được, mà lão làm không được. Lão thấy buồn xót xa trong lòng. Lão bèn bỏ ra ngoài cửa rạp để mua lén thêm một xị nữa. Sau đó lão trở lại căn phòng hóa trang, ngồi xệp xuống mặt sàn, ngửa cổ tu ừng ực.

TRÊN SÂN KHẤU

Diễn viên lúc này đã xuất hiện hầu như đầy đủ các nhân vật. Cảnh bây giờ là quang cảnh của một khu vực trong Hợp tác xã. Cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Hợp tác xã đã đến hồi kết thúc. Dĩ nhiên phần thắng nghiêng về phe Công đoàn cơ sở. Mọi tàn dư của nền sản xuất nhỏ thông qua những loại tư tưởng tiêu cực, manh mún, tản mạn đều bị đánh gục trước khí thế của những công nhân viên trẻ, những người chủ trương công cuộc cách mạng quan hệ sản xuất để làm bàn đạp đưa cả nước tiến lên nền sản xuất lớn Xã hội Chủ nghĩa.

Ở một góc sân khấu, có hai chị công nhân đang giơ cao lá cờ tiên tiến trên một cái máy cày. Cái máy cày làm bằng carton, tuy có xô lệch méo mó nhưng cũng đầy đủ bộ phận chủ yếu: Có cần lái, có bánh xe, có cả một cái loa chạy bằng pin để thông tin, liên lạc. Riêng cái loa này thì là thứ thiệt, mượn của ông Biên đạo. Tác giả vở kịch, muốn đẩy bầu không khí phấn khởi thêm một mức nữa nên đã dàn dựng thêm một xen cuối cùng, trong đó lão công nhân tiên tiến xuất hiện với một cái xe cút kít có càng đẩy. Lão chở đầy một xe đá gạch. Lão giơ tay vẫy chào đoàn công nhân lái xe máy cày đi qua, một biểu tượng của tương lai nền Đại Công nghìệp Xã hội Chủ nghĩa. Và đó là lý do lão nêu câu phát biểu:

- Đời tao, tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng, mà cốt để con cháu chúng nó kia kìa!

Bây giờ thì đã tới phiên lão kéo màn xuất hiện trong vai trò của mình. Lão ngật ngưỡng bước ra trong bộ quần áo cũ kỹ cố hữu. Một tay lão phì phèo điếu thuốc rê. Tay kia lão xách cái càng xe chất đầy một đống gỗ với gạch thẻ. Lão thấy vui vui với cái trò chơi bất ngờ lý thú nầy. Lão liếc mắt nhìn xuống sân khấu. Cả rạp tối om om, nhưng vẫn gây cho lão cái cảm giác có cả trăm, cả nghìn con mắt đổ dồn về phía lão. Trong đám bà con khán giả này, có ít lắm thì lão cũng biết được hoàn cảnh của năm bảy chục gia đình. Nhà này có thân nhân đi cải tạo. Nhà kia bị đuổi về kinh tế mới, sống không nổi lại tiếp tục mò về, mất nhà, mất cửa. Có đứa đang phải bán thân nuôi gia đình. Có những đứa khác đã lên đường đi Kăm-pu-chia. Nói chung là ai cũng mất mát chỉ trừ một thiểu số phè phỡn ở ngay kia, trên hàng ghế đầu, những tên Quận ủy, Phường ủy, những những chủ nhiệm Hợp tác xã, những thủ trưởng các cơ quan quản lý của nhà nước.

Lão bỗng nhác trông thấy người nữ diễn viên sắm vai Hồng. Bây giờ thì nàng đã có vẻ tỉnh táo hơn và đang đứng trên một bục cao, tay phất phơ cầm một lá cờ. Lão tự nghĩ nếu không có một tô mì, chắc hẳn nàng đã gục hẳn ngay từ giữa vở kịch. Thế mà mỉa mai thay, nàng vẫn phất ngọn cờ tiên tiến, vẫn gân cổ lên để động viên mọi người đi theo cái chế độ đã đem lại cho nàng những cơn đói triền miên ngay cả trước giờ tiến lên sân khấu. Thật là kịch cỡm! Mọi sự xảy ra ở đây thật đúng là chỉ xảy ra ở một vở kịch, ngoại trừ cơn đói của Hồng và sự ra đi của lão Bảy Đô là sự thật.

Nghĩ như thế, lão kéo màn thấy cơn giận bỗng ùa lên một cách nhanh chóng. Lão giận cái thằng tác giả ăn gian nói dối về những sự thực xẩy ra ở chung quanh mình. Là một đứa cầm bút, đáng lẽ nó phải viết lên những điều chân chính, ngay thẳng chứ? Đó là một điều đòi hỏi giản dị và rõ ràng nhất khi người ta vốn đặt những kẻ viết lách vào những chỗ trang trọng hơn bất cứ vị thế nào của xã hội ở trong lòng mọi người.

Nếu không đủ can đảm để nói ra sự thực, thì không ai bắt buộc nó phải cầm bút cả. Nó có thể đi bán rong, đi làm cu li hoặc đi kéo màn như lão. Như thế, ít ra sự lương thiện của nó cũng không làm cho những nỗi lầm than, khổ ải trong cuộc sống nầy bị che giấu bởi những lời tô vẽ viển vông. Và như thế, nó cũng không đến nỗi tồi tệ đến trở thành những phản động lực làm trì trệ xã hội, tạo thêm cơ hội cho những kẻ có quyền thế mặc sức hưởng thụ trên những nỗi đói khổ, cơ cực của tất cả mọi người.

Từ ý nghĩ này, lão chợt phát giác ra rằng những bài thơ, những bản nhạc, những cuốn tiểu thuyết, và ngay cả vở kịch đang được trình diễn trên sân khấu này, tất cả chẳng phải là một món giải trí cho qua đi những cơn phiền muộn, đau đớn hàng ngày. Nó chính là những duyên cớ của đau đớn, phiền muộn, hay ít ra cũng là những chỗ che giấu, đùm bọc, và nuôi dưỡng để cho những đau đớn ấy, những phiền muộn ấy có cơ hội kéo dài. Nó là đồng lõa của những bất công, những chèn ép, những bóc lột và những thủ đoạn bạo lực.

Trời ơi! Trời ơi! (Lão nghĩ tiếp) Thế thì ra tội ác không chỉ đơn phương phát xuất có mỗi một phía là ở ngay từ những kẻ gây ra tội ác, mà nó còn được nuôi dưỡng, tiếp tay và hỗ trợ từ những kẻ ăn gian nói dối, những đứa nịnh nọt, bợ đỡ, sẵn sàng chịu quỵ lụỵ phục vụ để cầu xin một chút quyền lợi cá nhân riêng tư. Chính từ những kẻ đó, chính từ những thái độ hèn hạ đó mà tội ác đã được tô son vẽ phấn để tiếp tục ngự trị lên đầu lên cổ tất cả mọi người.

Đầu óc lão kéo màn cứ ngùn ngụt những ý tưởng liên tiếp diễn ra ở trong đầu. Điều nầy khiến cho lão đứng khựng lại ở trên sân khấu. Lão như kẻ đang lần mò trong đêm tối bỗng chóa mắt vì những luồng ánh sáng vừa lóe ra ở cuối đường hầm. Lão nhận chân được ra rằng tâm hồn lão đang lảo đảo trong một cơn say, nhưng nhất thiết không phải lão đã say vì mấy cút rượu vừa qua. Lão ngẩng cao đầu để nhìn ngạo nghễ về phía khán giả lố nhố ở dưới. Bây giờ, rõ ràng nhất, lão chỉ thấy cái đám đông ấy chỉ toàn là những nạn nhân, mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi kẻ mang một số phận bi thảm. Như vậy lão không thể đồng lõa với những kẻ nói dối. Lão ném ngay mẩu thuốc rê xuống sàn bằng một điệu bộ hách dịch để làm cường điệu thêm cho vẻ ngạo nghễ của mình.

Tiếng người nhắc vở :
Nói đi cha! “Đời tao hy sinh đâu có phải cốt để tao hưởng...”

Câu nói như một gợi ý làm cho lão chợt thấy hăng hái hẳn lên. Lão nhếch một nụ cười vì một ý tưởng chợt thoáng qua trong đầu. Rồi lão nhìn về phía Hồng, lại nhìn về phía khán giả. Rồi lão cất giọng rổn rảng:

- Đời tao hy sinh tao đâu có được hưởng...đấy là chỉ để cho bè lũ chúng nó ở ngay chỗ kia kìa!

Cánh tay của lão hoa lên. Bàn tay của lão xỉa về phía hàng ghế đầu nơi có đông đủ tai to mặt lớn của chế độ. Thế là cả rạp chợt như muốn nổ tung lên vì tiếng vỗ tay, tiếng reo hò, tiếng hoan hô của đám khán giả.

Ở TRÊN SÂN KHẤU

Mọi sắp xếp theo thứ tự chỗ đứng cũng bỗng nháo nhác cả lên. Hầu như tất cả mọi người đều bàng hoàng như vừa bị nghe một tiếng sét nổ ngang đầu, ngay giữa lưng chừng trời. Ông trưởng đoàn tức tốc tự tay buông cái màn xuống. Ông biên đạo hò hét trong hội trường loạn xạ:

- Nhạc đâu? Nhạc đâu? Cho trỗi lên đi!

Nhưng hình như trong cơn hỗn loạn, chẳng còn ai nghe thấy lời hò hét của ông cả. Trong hội trường chỉ thấy vang lên những tiếng cười ròn rã. Có kẻ vỗ tay loạn xạ. Có kẻ huýt gió ầm ĩ. Cũng có những giọng quyền uy nói lạc cả tiếng giữa những âm thanh ồn ào:

- Công an đâu? Công an đâu? Làm việc! Làm việc!...

Chỉ riêng có ông tác giả là như một kẻ thất thần. Mặt ông ta nhược hẳn ra. Ông có điệu bộ như một kẻ làm trò ảo thuật nhưng do vụng về đã bị đám đông lột mặt nạ ngay trên sân khấu trình diễn. Trong một cử chỉ cố gắng cuối cùng, ông ném tập bản thảo xuống sàn gỗ và đi một cách thiểu não vào phòng hóa trang. Còn lão kéo màn cũng khật khưỡng rời bỏ chỗ đứng để đi vào hậu trường. Lão nhớ đến xị rượu còn để cạnh tủ gương trong phòng hóa trang. Hai người đụng đầu nhau ở đó một cách vô tình.

TRONG PHÒNG HÓA TRANG

Lão kéo màn:
A! Ông tác giả! Xin lỗi ông nhé. Cái vụ nầy không phải lỗi ông. Tôi tự biên tự diễn mà.

Tác giả:
Hay lắm! Hay lắm! Tuyệt!

Lão kéo màn (ngơ ngác):
Cái gì hay lắm? Cái gì tuyệt?

Tác giả:
Đoạn cuối của vở kịch đó! Hay nói cho đúng hơn, đoạn cuối của buổi diễn kịch ngày hôm nay đó. Cụ đã đem lại cho vở kịch một sự thật. Và rằng dù chỉ là một sự thật cỏn con, duy nhất, qua câu nói ngắn ngủi của cụ cũng đủ làm sụp đổ tan tành cả một công trình dối trá, giảo hoạt.

Lão kéo màn:
Đó là điều mà tôi phải xin lỗi ông. Ông đâu có viết sự thực. Ông chỉ viết kịch để mua vui thôi mà.

Tác giả:
Thì từ trước đến nay, tôi cũng có cùng một ý nghĩ đó như cụ. Nhưng hôm nay, chính cụ đã dạy cho tôi và những kẻ cầm bút như tôi một bài học. Đó là trò chơi mua vui không bao giờ đồng nghĩa với dối trá cả. Mua vui mà dối trá đó là một tội, viết lách mà dối trá còn là một tội to hơn.

Lão kéo màn (ngơ ngác):
Ông nghĩ như thế mà ông không sợ à?

Tác giả:
Ở trong cái xã hội tồi tệ này, muốn trở thành một con người đàng hoàng, người ta đều phải trả giá! Một kẻ cầm bút còn phải trả giá đắt hơn nếu muốn cầm bút trung thực.

Lão kéo màn (nhìn ra cửa sổ thấy lố nhốxuất hiện bóng dáng của những người công an, bất giác cười khà):
Như tôi chẳng hạn! Tôi bắt đầu phải trả giá đây!...

Tác giả (quay lại, nhìn sững ra phía cửa, rồi nắm vội lấy bàn tay sần sùi của lão kéo màn, nói ngậm ngùi):
Cụ kéo màn ơi! Muốn cho đất nước này qua khỏi cơn điêu tàn, ai cũng phải trả giá... ai cũng sẽ phải trả giá cả...

Santa Ana tháng 3/1986
NHẬT TIẾN

( trong tập truyện ngắn
Cánh Cửa,
Thời Văn ấn hành năm 1990)
Biên Hùng chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm