Truyện Ngắn & Phóng Sự
NGƯỜI KHÔNG QUÂN CHUNG TÌNH - Võ Ý .
Thân tặng KQ Trần Diễn
Năm 1970, Trung tâm Huấn luyện KQ Nha Trang khai sinh thêm một trường mới: Trường Chỉ huy Tham mưu Trung Cấp do Mệ Trần Phước và ông Cồ Đặng Văn Hậu lần lượt làm trưởng tràng. Bộ Tư Lệnh ra văn thư chỉ thị cho các đơn vị cử người đi học. Mỗi khóa kéo dài 3 tháng. Văn thư cũng nói rõ từ nay về sau các cấp Trưởng đoàn, Trưởng phòng trở lên bắt buộc phải có bằng Chỉ huy Tham mưu.
Lúc nầy cũng có nhiều vị không thích đi học. Đi học coi như bị đì. Đi học coi như mất job đơn vị trưởng. (Nhưng đi học ếch-ô-nhái-SOS bên Xê Kỳ thì tranh nhau mà đi). Tôi đang làm Trưởng phòng Kế hoạch thuộc KĐ62/CT được chỉ định đi học khóa II CHTM, tôi rất thích.
Sau ba tháng dùi mài kinh sử, tôi cũng tốt nghiệp vào hạng khá và được thuyên chuyển lên Phòng Nhân Lực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Hành quân Sư đoàn II KQ.
Lúc chưa tốt nghiệp, mang Đại úy mần Trưởng phòng, dưới tay có hai Trung úy và ba Trung sĩ trách nhiệm cộng giờ bay các phi đoàn thực hiện, bom đạn tiêu thụ trong tháng cho mình đi họp. Khi tốt nghiệp khóa CHTM, lên Thái tá, lại chính mình cộng giờ bay, số bom đạn tiêu thụ trong tháng cả Sư Đoàn cho ông Tham Mưu Phó Hành quân đi họp. Công danh kiểuàtụt hậu này coi bộ không khá được, tôi bèn học đòi người Từ Hải, trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương. Tôi gọi lên Pleiku, gặp người Lê Bá Định, hỗn danh là Bá Đạo, Phi đoàn trưởng Phi đoàn 530 Thái Dương:
- Tôi muốn lên trển, ông thấy sao?
- Toa cứ lên đây, ông Bá Chủ và moa sẽ liệu.
- OK chiều tôi lên!
Chiều đó, tôi theo Hỏa Long bay lên Pleiku. Ông Bá Đạo đón tôi tận phi cơ chở thẳng về trình diện ông Bá Chủ, Không Đoàn Trưởng 72 Chiến Thuật (Ông cao trên một mét bảy, tóc húi cua, miệng ngậm ống dố, mắt nhỏ và sáng quắt, nhìn tôi như hai ngọn đèn pha). Ông bắt tay thân mật:
- Không ngờ toa lên thật. Ngồi nghỉ đi ông bạn.
Sau khi hỏi đôi điều ba chuyện về thân thế sự nghiệp, ông cầm điện thoại hot line gọi về Bộ Tư Lệnh:
- Chào ông bạn, candidat 118 là Ý nghe ông bạn!
- À.
- Dzậy hả, thôi chờ vậy.
Ông Bá Chủ gõ ống dố mấy cái vào gạt tàn rồi ra lệnh:
- Toa về với Tây Độc Lưu Đức Thanh làm Trưởng ban Kế hoạch tạm thời, nghe ông bạn!
Tôi ngậm bồ hòn mà vẫn cứ thấy ngọt. Vì dù sao hai ông Bá Chủ và Bá Đạo cũng đã tận tình đối với tôi trong giây phút ban đầu lưu luyến ấy.
Khoảng nửa năm sau ông Tây Độc được đôn lên làm Liên đoàn phó Tác chiến, tôi đôn lên làm trưởng phòng. Trong phòng còn có ba sĩ quan, và bốn hạ sĩ quan. Hai trong bốn hạ sĩ quan đó là chú Phước và chú Diễn. Cả hai còn độc thân. Chú Diễn trắng trẻo, người Bà Rịa gốc Tầu lai. Chú Phước gầy đét, móm xọm đen thui, người Biên Hòa. Cả hai đều biết lái xe. Chú Phước biết sửa xe chút đỉnh nên tôi chọn chú ấy ở chung phòng cho tiện việc củi lửa. Chú ít nói chăm làm và chịu khó. Chiếc xe pick-up của phòng nếu không nhờ tay chú, chắc là nằm ụ dài dài. Chạy quá xá cỡ. Chạy đêm chạy ngày. Chạy trong căn cứ lo quân sự vụ thì ít, chạy ngoài phố lo dân sự vụ thì nhiều. Dĩ nhiên là phải đổ thêm xăng máy bay. Chạy riết rồi cũng đến lúc lột dên mòn xú báp. Nay có chú Phước cũng đỡ lo vụ nầy.
Vì ở chung nên chú Phước biết hầu hết việc riêng tư của tôi. Chú thông minh và lịch sự ra phết. Có nhiều phen chú gỡ rối cho tôi rấtàtuyệt chiêu. Chú tỏ ra thông cảm và quý mến tôi. Ngược lại, tôi cũng lấy cái tình huynh đệ mà đãi ngộ chú. Có lần chú ấp úng đến tội nghiệp:
- Thưa xếp, em có con đào.
Tôi lắng nghe nhưng chú tịt ngòi không nói gì thêm.
- Có đào rồi sao?
- Dạ, dạ .
- Ở đâu?
- Dạ ở Pleiku đây.
- Chú muốn ra ngủ ngoài phố hả?
- Dạ, em đã mang vào trại.
- Có giấy tờ gì không?
- Dạ, không, nó mới mười bảy tuổi, còn học sinh.
- Trời đất! Đem con gái học sinh mười bảy tuổi vào căn cứ KQ, bộ chú muốn dỡn mặt với pháp luật hả?
- Hoàn cảnh nó rất tội nghiệp. Em thương và muốn cứu vớt nó.
- Cứu vớt bằng cách nào?
- Dạ em muốn cưới nó, xếp giúp em!
- Ái chà! Cái vu ỳ nầy coi bộ rắc rối. Chú hơi vội chăng? Suy nghĩ cho kỹ đi rồi tuần sau tôi bàn chú chuyện nầy.
Tôi đánh đòn trì hoãn và xách xe chạy đi tìm chú Diễn.
- Chú Diễn, chú có biết chú Phước có bồ không?
- Dạ biết, nhưng con nhỏ đó mà bồ bịch gì?
- Chú biết con nhỏ nào?
- Con nhỏ ở nhà má Bảy ai mà không biết! Gặp ai nó cũng có mỗi một bài ca con cá.
- Chú Phước yêu thiệt tình và muốn tiến đến hôn nhân đấy.
- Không được đâu! Xếp không can ngăn là đi đứt đời trai thằng Phước đó!
- Chú biết con nhỏ đó hả?
- Ai mà không biết. Em giới thiệu cho thằng Phước mà.
- Nó bao nhiêu tuổi?
- Trên 20, nhưng gặp ai nó cũng nói học sinh 17 tuổi!
Tôi tất băn khoăn về cái khoản nầy, vừa tội nghiệp chú Phước vừa quý trọng cái chân thật độ lượng của chú. Rơi vào hoàn cảnh ấy, quý vị sẽ giải quyết ra sao cái chuyện trời ơi nầy?
Tôi rủ Phước làm cái gì nhậu chơi. Chỉ hai đứa mình thôi. Khi đã đủ đô, tôi lấy can đảm khai mào:
- Chú Phước, chuyện trăm năm đến đâu rồi?
- Dạ trăm sự nhờ xếp!
- Nhất định đòi cưới hả?
- Em lỡ yêu!
- Tôi thấy chưa ổn đó chú!
- Có gì đâu mà chưa ổn xếp? Tụi em xa gia đình, yêu nhau. Đơn vị là gia đình. Xếp tổ chức cưới nhà binh, chuyện nầy xếp rành quá mà!
- Cái vụ lễ lạc thì quá dễ, tôi đâu ngán lễ lạc. Cái mà tôi ngán là chú còn trẻ, chưa có sự nghiệp gì, tiền lính tính liền, nay sống mai chết, lấy vợ chỉ tổ thêm lo. Cứ bồ bịch đi cho nó thơ mộng cuộc đời. Bao giờ thuyên chuyển về quê nhà, hãy lo chuyện vợ con cũng còn sớm chán. Hơn nữa, kiếm người vợ biết bếp núc may vá lo làm ăn, nhỡ mình có về quê thì nó còn xoay xở nuôi con cái.
- Ôi! Xếp lo gì chuyện đó. Trời sinh voi sinh cỏ, có họ có mình.
- Nếu chú đã quyết tâm thì chọn ngày giờ, lo may quần áo, muốn cưới kiểu nào, tôi tổ chức theo kiểu đó. Cần nhất là nhắn ông bà già viết cho tôi một lá thư ủy quyền để tôi còn thủ thế. Thế bắn nào cũng thủ thế cả đấy chú ạ!
Trước yêu cầu của tôi, chú Phước tỏ ra kém hăng hái. Chú suy nghĩ một lát rồi đề nghị:
- Em xin bàn kỹ chuyện nầy với xếp sau.
Bẵng đi một thời gian, không nghe chú Phước bàn kỹ chuyện nầy: có thể do yêu cầu của tôi làm chú cụt hứng. Có thể chiến sự càng ngày càng gia tăng, tụi nó tăng cường pháo kích, đôi khi pháo cả ban ngày, (đúng là bọn VC khốn nạn!), làm chú nản lòng. Cũng có thể công việc thống kê báo cáo của phòng theo dõi chiến sự trở nên ngày càng rắc rối. Ai mà biết được, nhưng càng ngày thấy chú càng xanh xao uể oải.
Mùa hè đỏ lửa 72. Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng. Chúng nó đã tràn vào Kontum, Pleiku rúng động di tản. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết tử chiến. Cả Không Đoàn 72 Chiến Thuật rộn rịp chiến sự. Hàng ngày không biết bao nhiêu phi tuần cất cánh, không biết bao nhiêu phi vụ đổ quân, tản thương. Cả Không Đoàn vừa hành quân, vừa lo di tản chiến thuật tất cả bộ phận tham mưu, yểm trợ và gia đình vợ con về Nha Trang. Phòng sở nào cũng chuẩn bị lăng xăng. Phòng Kế Hoạch cũng vậy thôi. Khi VC về cận Kontum thì Pleiku dễ dàng nhận biết ai là lính chiến, ai là lính kiểng, ai là lính đánh giặc bằng súng đạn, ai là lính đánh giặc bằng nước bọt!
Phòng Kế Hoạch có 7 mạng, hai mạng tình nguyện ở lại. Ai cũng tưởng chú Phước sẽ ở lại sống chết với tôi. Nhưng người ở lại không phải là chú Phước, mà là chú Diễn. Chính tôi, tôi cũng hết sức ngạc nhiên trước bất ngờ nầy. Tôi thân mật hỏi chú Diễn:
- Bộ có đào ở đây hả?
- Dạ đâu có!
- Không ngờ chú chịu chơi quá cỡ hả!
- Em ở lại với xếp cho dzui!
- Dzui cái con khỉ, chết như chơi, ở đó mà dzui!
- Chết sống có số mà xếp!
Những ngày sau đó, căn cứ Pleiku vắng vẻ nhẹ tênh như người xuống cân. Mỗi phòng sở lo cố thủ. Chúng tôi sắp xếp chỗ ăn ngủ sao cho phù hợp với tình hình, như gần hầm trú ẩn, dể quan sát có xạ trường, tiện đường di chuyển v.v Chúng tôi cũng trang bị vũ khí, áo giáp, nón sắt.
Tôi lo cái lo của tôi. Chú Diễn tỏ ra bình thản. Chú ít nói, chỉ thi hành và thi hành rất nhà binh. Dĩ nhiên tôi rất thích cái tính nầy. Chú Diễn đã thay chú Phước cận kề bên tôi suốt Mùa Hè 72 kiêu hùng đó. Vì có điều kiện gần gũi, tôi được biết thêm gia đình chú Diễn, đã mấy đời lập nghiệp ở Bà Rịa, ông cố người Tầu, ông nội người Tầu, ông bố cũng Tầu. Đến đời chú thành Tầu lai! Chú còn người em cũng Không quân, làm ở Đoàn Tiếp Liệu Pleiku. Cả hai anh em đều thích mần thơ. Tôi đoán đó cũng là lý do tại sao chú tình nguyện ở lại Pleiku. Có thể chú chọn tôi là một trong vài người biết thưởng thức những vần điệu du dương phát xuất từ đáy lòng của chú! Qua biến cố 72 nầy, tôi vỡ thêm một điều là, những quý vị nào, nam nhân cũng như nữ nhi mà có chút máu thơ văn trong người, thì hầu như vị nào cũng thích sống theo kiểu mình vì mọi người. Tính mẫn cảm, lòng vị tha, vì bạn quên mình, vì tình bỏ mạng, thà người phụ ta chứ ta không bao giờ phụ người, và bao nhiêu chất lãng mạn vớ vẩn khác, đều bàng bạc trong hơi thở của những ai có chút máu văn nghệ trong người. Quý vị cứ thử nghiệm đi. Cứ chọn 10 người mà mình quen biết. Mười người thích mần thơ viết văn thì hết chín người có máu quân tử tầu rồi. Hy vọng luận cứ nầy tiếp cận chân lý!
Và Kontum kiêu hùng thật!. KĐ72CT đã yểm trợ đắc lực các chiến sĩ QĐ II tiêu diệt và đẩy lui đại bộ phận VC khỏi Kontum, trả lại núi Chư Pao vẻ mộc mạc, sông Dapla vẻ thật thà của Tây nguyên nầy.
Trong thời gian tình nguyện cố thủ Pleiku, cả hai chúng tôi không gặp những hiểm nguy quá đáng nào. Dù sao, trong thâm tâm tôi vẫn thầm biết ơn chú Diễn. Hỏi ai không sợ trước hiểm nguy? Có chú ở lại, tôi tự tin và phấn chấn hẳn lên.
Vài tuần sau, khi tình hình đã vãn hồi, thành phần di tản lần lượt trở lại Pleiku. Những người về gặp chúng tôi, dù vui mừng cách mấy cũng có vẻàbẽ bàng. Chú Phước về đến phòng sở trước tiên:
- Chào xếp, trên nầy có căng thẳng lắm không xếp?
- Cũng không căng thẳng mấy. Ở dưới ra sao?
- Tụi em tắm biển mệt nghỉ!
- Còn ăn ngủ thì sao?
- Ngày đầu ngủ hăng ga, được phát cơm sấy thịt hộp. Mấy ngày sau em dzọt về nhà bạn.
- Bạn trai hay bạn gái?
Tôi hỏi vậy mà chú Phước lại cười. Miệng chú móm thành thử nụ cười cũng có duyên. Rất tiếc hai bên mép hằn sâu mấy lằn xếp đến thảm thương.
- Thôi chú về nghỉ. Ngày mai xong việc văn phòng, nhớ check lại dầu mỡ chiếc pick-up.
Một năm sau tôi chuyển sang Phi đoàn Bắc Đẩu. Chú Phước đổi về Biên Hòa, chú Diễn về Cần Thơ. Chúng tôi không còn liên lạc với nhau cho đến ngày đứt phim. Hai chú có còn liên lạc với nhau không, tôi không biết. Hai chú có còn nhớ tôi không, tôi không biết. Riêng tôi, thật tình mà nói, tôi quên bẵng hai chú.
Năm 76, chúng nó đày đồng đội mình ra Bắc. Tôi đi đợt hai. Sau khi hoàn tất kế họach trả thù quy mô nầy, chúng mới cho tù viết thơ thăm người nhà vào năm 79. Một thời gian sau, tôi vô cùng ngạc nhiên, vô cùng xúc động bàng hoàng khi nhận được thư chú Diễn.
Những năm sau 75, cả nước là trại giam, cả nhà là ngục thất. Người người biến thành trâu ngựa, người người lúc nào cũng sẵn sàng vỡ tung cái đầu. Biết bao hoang mang, biết bao lo sợ, biết bao suy nghĩ, biết bao tức tối thương tiếc âu sầu. Vậy mà chú Diễn còn tỉnh táo viết thư thăm tôi: Em cầu ơn trên phù hộ cho anh có sức khỏe có nghị lực, học tập tốt lao động tốt sớm trở về với gia đình. Chú cho biết hiện ở nơi sinh quán Bà Rịa, sản xuất xà phòng cục. Chú đã lập gia đình và sắp làm cha!
Tôi đọc thư chú Diễn nhiều lần. Hình ảnh chú hiện rõ dần trong trí mỗi lần đọc thư. Chú không thấp lắm, nghĩa là hơi lùn. Tóc húi cao. Chú nói giọng Nam, chứ không pha Chệt chút nào. Giọng chú trầm và ấm. Giá theo nghề ca hát thì dám nổi tiếng hơn là mần thơ! Lời thư chú mộc mạc, tự nhiên chân thành. Tôi tự hỏi, thời xưa mình không gia ân cho chú điều gì mà sao nay chú còn giữ chút lưu tình như vậy? Tôi băn khoăn, không biết mình có làm điều gì thái quá không, có hách xì xằng lắm không, có thượng đội hạ đạp không. Nhất là với chú Diễn, mình có phạt oan xử ép chú lần nào không?
Kiểm điểm lại thì thấy không có gì quá đáng. Tôi vốn rách. Vợ con luộm thuộm mà lãnh lương độc thân mới chết người. Chưa kể phải cầm thẻ lương cả năm trời. Cơm hàng cháo chợ là thứ xa xỉ, cứ phang Ration C, cơm sấy đồ hộp quân tiếp vụ dài dài, thì còn gia ân huệ cái nỗi gì! Có thể chú thương xót cho thằng tôi cũng nên.
Có một điều chắc chắn là, phê bình điểm hằng năm của chú nào cũng trên 90. Hai chú cũng theo tôi bay về Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt mấy chuyến. Và khi hai chú thuyên chuyển đi Biên Hòa Cần Thơ thì chính tôi đích thân chở hai chú về Sài Gòn. Ân huệ như vậy có gì sâu đậm mà nay trong hoàn cảnh tủi nhục nầy, chú Diễn lại viết thư thăm tôi. Nội việc từ Bà Rịa về Sài Gòn sưu tầm cho ra cái hòm thư của tôi là đã đủ nhiêu khê hộc xì dầu rồi, còn nói gì cảnh dám viết thư cho một ngụy quân có nợ máu đang cải tạo?
Người tù chỉ được phép gửi thư mỗi tháng một lần. Mỗi lá thư là một toa thực phẩm được kê ra cho người thân. Cố mà mua sắm. Cố mà gởi đi. Lời thăm hỏi, lời nịnh vợ, lời khuyên con chỉ là nghi thức thông lệ. Cái quan trọng là phần kê toa! Nào đường, nào mỡ, nào bột ngọt thuốc men, gói ghém đủ các chất dinh dưỡng giới hạn 3 ký lô trong một trang thư giấy học trò, thì làm sao còn đủ chỗ viết lời cảm tạ chú Diễn được.
Tháng sau đó, tôi quyết định viết 2/3 trang thư cho gia đình, 1/3 còn lại cho chú Diễn. Dặn người nhà cắt 1/3 bỏ vô bì gửi tiếp cho chú. Ba tháng sau tôi nhận gói quà của vợ trong đó có một cục xà phòng, một gói thuốc lá của chú Diễn đánh đu theo.
Năm 83, tôi theo đoàn tù về Nam, trại Xuân Lộc.
Năm 84, chú Diễn cỡi Vespa từ Bà Rịa lên trại thăm. Gặp lại chú tại nhà thăm sau 12 năm, tôi nghẹn ngào. Hình như chú cũng xúc động trước vẻ tiều tụy của tôi. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Mắt chúng tôi long lanh mấy giọt thân ái ngày xưa.
Cũng mừng là việc sản xuất hanh thông, chú có phần hùn trong tổ hợp nhà máy nước đá ở Bà Rịa. Chú dặn tôi, nếu được tha thì về Bà Rịa ở chơi với chú một đêm.
Chúng tôi được gặp nhau hai tiếng. Hai tiếng trang trải cho 12 năm. Chưa vui sum họp đã sầu chia ly. Trên đường về trại, lòng thấy nao nao, buồn vui lẫn lộn. Buồn cho cảnh cá chậu chim lồng, không biết ngày nào khỏi nghe tiếng kẻng trại giam. Vui là trong cảnh tù đày còn có chú em tưởng nhớ. Chú biếu tôi mấy gam trà, nửa ký cà phê, nưả cân thuốc rê và một ký đường tán. Nhận được quà tôi mừng như con nít. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có ở trong hoàn cảnh nầy, mới thấy cái quý giá cần thiết của một tán đường! Nhưng cái mà tôi trân trọng hơn một tán đường, lá cái tình của chú Diễn. Đây có thể là tình cảm cá nhân, cũng có thể là tình đồng đội vui buồn sống chết có nhau. Văn vẻ mà nói, là tình huynh đệ chi binh.
Tôi không dám tự hào khoe rằng, đây là kết quả những điều đã học được từ Mệ Phước hay ông Cồ Đặng Văn Hậu ở trường CHTM Không Quân. Nhớ lần gặp ông Cồ Hậu năm 72 ở sân bay Cam Ly, tôi có khoe với ông rằng:
- Thưa thầy, con là Carnot đây! Những điều con học ở Trường đã áp dụng hiệu quả ở đơn vị. Con xin cám ơn nhà trường và quý thầy.
Thầy Hậu chớp chớp đôi mắt, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, đầu hơi cúi, vừa gật gật vừa ngước nhìn lên:
- Anh cho biết cụ thể.
- Bộ Tư Lệnh Thanh Tra đơn vị. Đơn vị con xếp hạng nhất về hành quân an phi huấn luyện và kế hoạch Chân trời mới đó thầy.
- Mừng anh!
Thầy bắt tay tôi, mặt có vẻ như mừng mà cũng có vẻ như diểu diể sao ấy! Cũng không lạ, vì thầy là vua móc hậu của Quân chủng ta mà!
Hơn 10 năm sau, từ tổ mộc tại trại Xuân Lộc, tôi gởi qua tổ điện cho thầy Hậu gói quà, trong đó có ít trà, ít cà phê, ít đường tán và một mảnh giấy ghi mấy dòng: Xin chia xẻ với ông Cồ chút tình nghĩa của chú em KQ vừa ghé thăm. Đây là kết quả do ông Cồ hướng dẫn tôi về nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy trước kia. Chúc ông Cồ khỏe và hy vọng.
Một tuần sau, từ xưởng mộc tôi chợt thấy thầy Hậu vác chiếc thang dài, đang tần ngần nghiên cứu mấy cột điện bờ rào. Khi nhận ra tôi, thầy cho thang dựa vào cột, rồi mạnh dạn bước vào xưởng mộc hỏi mượn cái búa với giọng thật lớn. Đoạn thầy xuống giọng:
- Đã nhận quà. Cám ơn anh, ai thăm vậy?
- Chú em trước ở Pleiku.
- Mừng anh! Thầy xiết tay tôi, nhìn thẳng và chớp chớp hai mắt. Giọng thầy chân thành nhưng vẫn có vẻ diễu diễu như mười năm trước đây!
Ai cũng biết ông Cồ Hậu là chuyên viên sửa chữa máy móc thuộc về điện và điện tử trước 75. Khi vào tù, thầy cũng có dịp biểu diễn tay nghề. Khoảng năm 85, cả trại tù Xuân Lộc sửng sốt khi nghe loa của trại phát thanh đài tiếng nói Hoa Kỳ và những bản nhạc ngoại quốc quen thuộc trước 75. Độ 10 phút sau thì loa phát thanh chuyển sang đài cóc chết Thành Hồ. Sáng ra cả trại mới vỡ lẽ và khoái chí khen ông Cồ Hậu chịu chơi quá sá cỡ. Nguyên cái đài (radio) của trại bị sự cố. Chúng nó gọi ông Cồ Hậu sửa chữa. Khi sửa xong, ông rà đài để thử nghiệm. Gặp đài VOA, ông khựng lại và điều chỉnh âm lượng cho thật ngon lành. Khi cai tù phát hiện, gọi ông Cồ tra hỏi. Ông thản nhiên giải thích:
- Sửa xong phải thử mới biết tốt hay xấu. Đài của cán bộ rất sịn bắt được cả đài ngoại nữa đấy!
Thật là may. Chúng không rầy rà ông. Ông ra về, vừa đi vừa gật đầu, vừa mỉm cười khoái trá.
Những ngày về sum họp với vợ con, ông hay chở cháu nội trên chiếc xe đạp đầm mini cổ lỗ sĩ, quanh quẩn đó đây. Ông cũng đi sữa chữa cái radio, cái cassette hay cái truyền hình cho bạn bè, cũng trên chiếc xe mini đó và chưa bao giờ dám mở miệng nói hai chữ thù lao. Nếu có người nhắc hộ ông, ông thấy ngượng ngùng dù ông đang là cái mền rách. Phu nhân ông Cồ cũng có thể đã lên lớp ông về cái sĩ-diện-hảo oái oăm này. Thật tội nghiệp và thông cảm cho ông quá!!!
Có lần ông ghé quán cà phê sửa hộ cái cassette mà tôi đã sơ ý cắm lộn dòng điện 220 volt thay vì 110. Chúng tôi có đề cập trường Chỉ Huy và Tham Mưu KQ. Ông phán:
- Cái lý thuyết khác xa cái thực tế cậu à.
- Ông thầy thấy khác như thế nào ạ?
- Cậu thấy đó, cái kỹ thuật, cái tiểu xảo, cái mầu mè không thể nào qua được cái thật thà, cái chân tình.
- Theo ông thầy chịu chơi có nằm trong đức tính chỉ huy hay không?
- Chịu chơi là là phải thứ chịu chơi hợp tình hợp lý, chân chính, tự nhiên mới được.
- Ví dụ như thời ở trại Xuân Lộc, ông thầy chịu chơi chân chính tự nhiên, mở đài đế quốc Mỹ cho cả trại cùng nghe chứ gì?
Ông Cồ khoái chí cười hà hà, đầu không quên gật gật như thường lệ.
Mãi đên năm 87, nghĩa là gần bốn năm sau, chú Diễn chở một người bạn ghé trại Xuân Lộc thăm tôi lần thứ hai. Lần nầy chú biếu tôi cả ký thuốc rê. Chú cho biết là bọn VC trong tổ hợp nhà máy nước đá âm mưu hại chú vì chú biết rõ bọn chúng mờ ám tiền bạc trong tổ hợp. Chú bị giam mấy năm mới xét xử. Kết quả chú được tha nhưng tài sản bị cưỡng chiếm. Chú cũng cho biết đang tiến hành hồ sơ xuất cảnh Mỹ theo diện ODP. Chú lại nhắc tôi, nếu được tha thì ghé nhà chú ở Bà Rịa chơi một đêm.
Năm 88 tôi được tha, nhưng tôi không thể về Bà Rịa được. Đợt tha tháng 2 năm 88 có tính đại trà. Việt cộng tuyên truyền ầm ĩ về lòng nhân đạo đợt tha nầy. Chúng tổ chức đưa xe đón về địa phương. Khi về nhà, tôi có viết thư báo cho chú Diễn biết và lấy làm tiếc đã không ghé Bà Rịa cho thỏa lòng tri kỷ. Chẳng bao lâu sau, lại một bất ngờ khác, chú Diễn chở chú Phước về Phú nhuận thăm tôi:
- Ủa, bộ hai chú có liên lạc với nhau à?
- Đâu có, em lên Biên Hoà có chút việc tình cờ gặp Phước. Tụi em mừng quá, vào quán mần mấy chai bia Con Cọp. Em báo cho Phước biết anh đã về. Phước dục em chở về Sài Gòn thăm anh ngay.
Gặp Phước, tôi nhận ra ngay. Ôi gian nan là thế, tủi nhục là thế mà sao trông chú không già mấy. Chú đen hơn, rắn rỏi hơn và đặc biết cái miệng vẫn móm xọm, thoang thoảng hơi men. Chú sinh sống bằng nghề sửa xe. Các tổ hợp, hợp tác xã có máy cày, máy kéo hư hỏng đều mời chú đến sửa tại chỗ. Chú được trọng vọng vì tay nghề khá. Đi đâu cũng rượu thịt nên chú có vẻ nghiện. Khi tôi hỏi về vợ con thì chú thản nhiên đáp:
- Dạ em có 3 đứa con, hai trai một gái. Tụi nó phụ mẹ buôn bán cũng tạm.
- Chú lập gia đình năm nào?
Chú Phước nhìn tôi ngập ngừng:
- Dạ từ hồi còn ở La-Ku. Em ở với con nhỏ nhờ anh làm đám cưới đó!
- Ồ, dzậy sao? Tôi rất lấy làm tiếc là không thỏa mãn ước nguyện của chú, vì lúc đó tôi thấy chú còn trẻ quá!
- Nhớ năm 72 di tản về Nha Trang không? Em về ở nhà con nhỏ đó. Ông bà gìàvợ ở Xóm Mới, Nha Trang đó.
À, ra thế! Tôi bỗng thấy quý trọng cái chân tình của chú Phước. Ôi tình yêu! Lại thêm một nhân chứng hùng hồn ngợi ca tình yêu. Tình yêu là tất cả. Tình yêu là vô địch. Tình yêu là bách chiến bách thắng. (Chú không phải chủ nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thắng đâu nhá, nghèo mà ham!)
Trước mặt tôi, chú Phước cao lớn và bề thế hẳn ra. Vậy mà năm 72, khi chú di tản về Nha Trang, tôi nghĩ nông cạn rằng chú Phước lạnh cẳng đấy!
Năm 90 gia đình chú Diễn rời Việt Nam. Tôi mừng cho chú và nôn nóng cho phận mình. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Phần chú Diễn đã thông, hy vọng phần của tôi sớm muộn gì cũng đến. Trước khi đi, chú đãi tiệc xuất cảnh ở nhà hàng Arc-En-Ciel. Họ hàng chú thím hầu hết là người Tầu. Tôi bước lên cầu thang nhà hàng e dè, ngượng nghịu như Mường Mán mới về tỉnh thành. Chú Diễn giới thiệu tôi gia đình và dành cho tôi vinh dự khui chai rượu Whiskey:
- Em tưởng khui chai nầy ở Bà Rịa chứ, dành đến hôm nay cũng tốt. Rất tiếc là hôm nay không có thằng Phước
- Sao chú không mời Phước đến cho vui?
- Lu bu với ba cái giấy tờ muốn phát khùng luôn. Em biết đường đến nhà nó ở Biên Hòa, nhưng không biết địa chỉ thành chịu thua.
Và hoàn cảnh của tôi cũng hanh thông hai năm sau đó. Tôi qua tạm cư ở Missouri. Dịp ghé Cali, tôi về nhà chú Diễn ở chơi mấy hôm. Gặp một số bạn bè trước ở Pleiku, chúng tôi bàn bạc làm một cái gì cụ thể giúp đỡ những đồng đội khốn khổ ở quê nhà. Chú Diễn hưởng ứng ngay việc làm nầy. Qua mấy đợt gởi quà về Việt Nam, chú đóng góp chân thành. Chú vẫn còn một chút ân hận:
- Em không biết cách nào gởi cho thằng Phước một chút quà. Em không có địa chỉ của nó thành thử bấy giờ thấy tội nghiệp nó quá!
- Tôi cũng chẳng biết làm cách nào hơn. Tệ hơn nưã là tôi không hề nghĩ đến điều đó.
Qua chút tình thân đối với đồng đội mình, chú Diễn là mẫu người biểu hiện đức tính thủy chung của một chiến sĩ quốc gia, giậu đổ mà bìm không leo, giấy rách vẫn giữ lấy lề. So với nhiều nhà lãnh đạo tài ba, nhiều cấp chỉ huy lỗi lạc, cựu KQ Kiwi (*) Trần Diễn đã bay quá tầm nhìn của họ bằng đôi cánh chi binh huynh đệ chơn chất của mình.
Saint Louis, tháng 3/95
(*) một loài chim có cánh, không bay được.
Biên Hùng chuyển
NGƯỜI KHÔNG QUÂN CHUNG TÌNH - Võ Ý .
Thân tặng KQ Trần Diễn
Năm 1970, Trung tâm Huấn luyện KQ Nha Trang khai sinh thêm một trường mới: Trường Chỉ huy Tham mưu Trung Cấp do Mệ Trần Phước và ông Cồ Đặng Văn Hậu lần lượt làm trưởng tràng. Bộ Tư Lệnh ra văn thư chỉ thị cho các đơn vị cử người đi học. Mỗi khóa kéo dài 3 tháng. Văn thư cũng nói rõ từ nay về sau các cấp Trưởng đoàn, Trưởng phòng trở lên bắt buộc phải có bằng Chỉ huy Tham mưu.
Lúc nầy cũng có nhiều vị không thích đi học. Đi học coi như bị đì. Đi học coi như mất job đơn vị trưởng. (Nhưng đi học ếch-ô-nhái-SOS bên Xê Kỳ thì tranh nhau mà đi). Tôi đang làm Trưởng phòng Kế hoạch thuộc KĐ62/CT được chỉ định đi học khóa II CHTM, tôi rất thích.
Sau ba tháng dùi mài kinh sử, tôi cũng tốt nghiệp vào hạng khá và được thuyên chuyển lên Phòng Nhân Lực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Hành quân Sư đoàn II KQ.
Lúc chưa tốt nghiệp, mang Đại úy mần Trưởng phòng, dưới tay có hai Trung úy và ba Trung sĩ trách nhiệm cộng giờ bay các phi đoàn thực hiện, bom đạn tiêu thụ trong tháng cho mình đi họp. Khi tốt nghiệp khóa CHTM, lên Thái tá, lại chính mình cộng giờ bay, số bom đạn tiêu thụ trong tháng cả Sư Đoàn cho ông Tham Mưu Phó Hành quân đi họp. Công danh kiểuàtụt hậu này coi bộ không khá được, tôi bèn học đòi người Từ Hải, trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương. Tôi gọi lên Pleiku, gặp người Lê Bá Định, hỗn danh là Bá Đạo, Phi đoàn trưởng Phi đoàn 530 Thái Dương:
- Tôi muốn lên trển, ông thấy sao?
- Toa cứ lên đây, ông Bá Chủ và moa sẽ liệu.
- OK chiều tôi lên!
Chiều đó, tôi theo Hỏa Long bay lên Pleiku. Ông Bá Đạo đón tôi tận phi cơ chở thẳng về trình diện ông Bá Chủ, Không Đoàn Trưởng 72 Chiến Thuật (Ông cao trên một mét bảy, tóc húi cua, miệng ngậm ống dố, mắt nhỏ và sáng quắt, nhìn tôi như hai ngọn đèn pha). Ông bắt tay thân mật:
- Không ngờ toa lên thật. Ngồi nghỉ đi ông bạn.
Sau khi hỏi đôi điều ba chuyện về thân thế sự nghiệp, ông cầm điện thoại hot line gọi về Bộ Tư Lệnh:
- Chào ông bạn, candidat 118 là Ý nghe ông bạn!
- À.
- Dzậy hả, thôi chờ vậy.
Ông Bá Chủ gõ ống dố mấy cái vào gạt tàn rồi ra lệnh:
- Toa về với Tây Độc Lưu Đức Thanh làm Trưởng ban Kế hoạch tạm thời, nghe ông bạn!
Tôi ngậm bồ hòn mà vẫn cứ thấy ngọt. Vì dù sao hai ông Bá Chủ và Bá Đạo cũng đã tận tình đối với tôi trong giây phút ban đầu lưu luyến ấy.
Khoảng nửa năm sau ông Tây Độc được đôn lên làm Liên đoàn phó Tác chiến, tôi đôn lên làm trưởng phòng. Trong phòng còn có ba sĩ quan, và bốn hạ sĩ quan. Hai trong bốn hạ sĩ quan đó là chú Phước và chú Diễn. Cả hai còn độc thân. Chú Diễn trắng trẻo, người Bà Rịa gốc Tầu lai. Chú Phước gầy đét, móm xọm đen thui, người Biên Hòa. Cả hai đều biết lái xe. Chú Phước biết sửa xe chút đỉnh nên tôi chọn chú ấy ở chung phòng cho tiện việc củi lửa. Chú ít nói chăm làm và chịu khó. Chiếc xe pick-up của phòng nếu không nhờ tay chú, chắc là nằm ụ dài dài. Chạy quá xá cỡ. Chạy đêm chạy ngày. Chạy trong căn cứ lo quân sự vụ thì ít, chạy ngoài phố lo dân sự vụ thì nhiều. Dĩ nhiên là phải đổ thêm xăng máy bay. Chạy riết rồi cũng đến lúc lột dên mòn xú báp. Nay có chú Phước cũng đỡ lo vụ nầy.
Vì ở chung nên chú Phước biết hầu hết việc riêng tư của tôi. Chú thông minh và lịch sự ra phết. Có nhiều phen chú gỡ rối cho tôi rấtàtuyệt chiêu. Chú tỏ ra thông cảm và quý mến tôi. Ngược lại, tôi cũng lấy cái tình huynh đệ mà đãi ngộ chú. Có lần chú ấp úng đến tội nghiệp:
- Thưa xếp, em có con đào.
Tôi lắng nghe nhưng chú tịt ngòi không nói gì thêm.
- Có đào rồi sao?
- Dạ, dạ .
- Ở đâu?
- Dạ ở Pleiku đây.
- Chú muốn ra ngủ ngoài phố hả?
- Dạ, em đã mang vào trại.
- Có giấy tờ gì không?
- Dạ, không, nó mới mười bảy tuổi, còn học sinh.
- Trời đất! Đem con gái học sinh mười bảy tuổi vào căn cứ KQ, bộ chú muốn dỡn mặt với pháp luật hả?
- Hoàn cảnh nó rất tội nghiệp. Em thương và muốn cứu vớt nó.
- Cứu vớt bằng cách nào?
- Dạ em muốn cưới nó, xếp giúp em!
- Ái chà! Cái vu ỳ nầy coi bộ rắc rối. Chú hơi vội chăng? Suy nghĩ cho kỹ đi rồi tuần sau tôi bàn chú chuyện nầy.
Tôi đánh đòn trì hoãn và xách xe chạy đi tìm chú Diễn.
- Chú Diễn, chú có biết chú Phước có bồ không?
- Dạ biết, nhưng con nhỏ đó mà bồ bịch gì?
- Chú biết con nhỏ nào?
- Con nhỏ ở nhà má Bảy ai mà không biết! Gặp ai nó cũng có mỗi một bài ca con cá.
- Chú Phước yêu thiệt tình và muốn tiến đến hôn nhân đấy.
- Không được đâu! Xếp không can ngăn là đi đứt đời trai thằng Phước đó!
- Chú biết con nhỏ đó hả?
- Ai mà không biết. Em giới thiệu cho thằng Phước mà.
- Nó bao nhiêu tuổi?
- Trên 20, nhưng gặp ai nó cũng nói học sinh 17 tuổi!
Tôi tất băn khoăn về cái khoản nầy, vừa tội nghiệp chú Phước vừa quý trọng cái chân thật độ lượng của chú. Rơi vào hoàn cảnh ấy, quý vị sẽ giải quyết ra sao cái chuyện trời ơi nầy?
Tôi rủ Phước làm cái gì nhậu chơi. Chỉ hai đứa mình thôi. Khi đã đủ đô, tôi lấy can đảm khai mào:
- Chú Phước, chuyện trăm năm đến đâu rồi?
- Dạ trăm sự nhờ xếp!
- Nhất định đòi cưới hả?
- Em lỡ yêu!
- Tôi thấy chưa ổn đó chú!
- Có gì đâu mà chưa ổn xếp? Tụi em xa gia đình, yêu nhau. Đơn vị là gia đình. Xếp tổ chức cưới nhà binh, chuyện nầy xếp rành quá mà!
- Cái vụ lễ lạc thì quá dễ, tôi đâu ngán lễ lạc. Cái mà tôi ngán là chú còn trẻ, chưa có sự nghiệp gì, tiền lính tính liền, nay sống mai chết, lấy vợ chỉ tổ thêm lo. Cứ bồ bịch đi cho nó thơ mộng cuộc đời. Bao giờ thuyên chuyển về quê nhà, hãy lo chuyện vợ con cũng còn sớm chán. Hơn nữa, kiếm người vợ biết bếp núc may vá lo làm ăn, nhỡ mình có về quê thì nó còn xoay xở nuôi con cái.
- Ôi! Xếp lo gì chuyện đó. Trời sinh voi sinh cỏ, có họ có mình.
- Nếu chú đã quyết tâm thì chọn ngày giờ, lo may quần áo, muốn cưới kiểu nào, tôi tổ chức theo kiểu đó. Cần nhất là nhắn ông bà già viết cho tôi một lá thư ủy quyền để tôi còn thủ thế. Thế bắn nào cũng thủ thế cả đấy chú ạ!
Trước yêu cầu của tôi, chú Phước tỏ ra kém hăng hái. Chú suy nghĩ một lát rồi đề nghị:
- Em xin bàn kỹ chuyện nầy với xếp sau.
Bẵng đi một thời gian, không nghe chú Phước bàn kỹ chuyện nầy: có thể do yêu cầu của tôi làm chú cụt hứng. Có thể chiến sự càng ngày càng gia tăng, tụi nó tăng cường pháo kích, đôi khi pháo cả ban ngày, (đúng là bọn VC khốn nạn!), làm chú nản lòng. Cũng có thể công việc thống kê báo cáo của phòng theo dõi chiến sự trở nên ngày càng rắc rối. Ai mà biết được, nhưng càng ngày thấy chú càng xanh xao uể oải.
Mùa hè đỏ lửa 72. Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng. Chúng nó đã tràn vào Kontum, Pleiku rúng động di tản. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II quyết tử chiến. Cả Không Đoàn 72 Chiến Thuật rộn rịp chiến sự. Hàng ngày không biết bao nhiêu phi tuần cất cánh, không biết bao nhiêu phi vụ đổ quân, tản thương. Cả Không Đoàn vừa hành quân, vừa lo di tản chiến thuật tất cả bộ phận tham mưu, yểm trợ và gia đình vợ con về Nha Trang. Phòng sở nào cũng chuẩn bị lăng xăng. Phòng Kế Hoạch cũng vậy thôi. Khi VC về cận Kontum thì Pleiku dễ dàng nhận biết ai là lính chiến, ai là lính kiểng, ai là lính đánh giặc bằng súng đạn, ai là lính đánh giặc bằng nước bọt!
Phòng Kế Hoạch có 7 mạng, hai mạng tình nguyện ở lại. Ai cũng tưởng chú Phước sẽ ở lại sống chết với tôi. Nhưng người ở lại không phải là chú Phước, mà là chú Diễn. Chính tôi, tôi cũng hết sức ngạc nhiên trước bất ngờ nầy. Tôi thân mật hỏi chú Diễn:
- Bộ có đào ở đây hả?
- Dạ đâu có!
- Không ngờ chú chịu chơi quá cỡ hả!
- Em ở lại với xếp cho dzui!
- Dzui cái con khỉ, chết như chơi, ở đó mà dzui!
- Chết sống có số mà xếp!
Những ngày sau đó, căn cứ Pleiku vắng vẻ nhẹ tênh như người xuống cân. Mỗi phòng sở lo cố thủ. Chúng tôi sắp xếp chỗ ăn ngủ sao cho phù hợp với tình hình, như gần hầm trú ẩn, dể quan sát có xạ trường, tiện đường di chuyển v.v Chúng tôi cũng trang bị vũ khí, áo giáp, nón sắt.
Tôi lo cái lo của tôi. Chú Diễn tỏ ra bình thản. Chú ít nói, chỉ thi hành và thi hành rất nhà binh. Dĩ nhiên tôi rất thích cái tính nầy. Chú Diễn đã thay chú Phước cận kề bên tôi suốt Mùa Hè 72 kiêu hùng đó. Vì có điều kiện gần gũi, tôi được biết thêm gia đình chú Diễn, đã mấy đời lập nghiệp ở Bà Rịa, ông cố người Tầu, ông nội người Tầu, ông bố cũng Tầu. Đến đời chú thành Tầu lai! Chú còn người em cũng Không quân, làm ở Đoàn Tiếp Liệu Pleiku. Cả hai anh em đều thích mần thơ. Tôi đoán đó cũng là lý do tại sao chú tình nguyện ở lại Pleiku. Có thể chú chọn tôi là một trong vài người biết thưởng thức những vần điệu du dương phát xuất từ đáy lòng của chú! Qua biến cố 72 nầy, tôi vỡ thêm một điều là, những quý vị nào, nam nhân cũng như nữ nhi mà có chút máu thơ văn trong người, thì hầu như vị nào cũng thích sống theo kiểu mình vì mọi người. Tính mẫn cảm, lòng vị tha, vì bạn quên mình, vì tình bỏ mạng, thà người phụ ta chứ ta không bao giờ phụ người, và bao nhiêu chất lãng mạn vớ vẩn khác, đều bàng bạc trong hơi thở của những ai có chút máu văn nghệ trong người. Quý vị cứ thử nghiệm đi. Cứ chọn 10 người mà mình quen biết. Mười người thích mần thơ viết văn thì hết chín người có máu quân tử tầu rồi. Hy vọng luận cứ nầy tiếp cận chân lý!
Và Kontum kiêu hùng thật!. KĐ72CT đã yểm trợ đắc lực các chiến sĩ QĐ II tiêu diệt và đẩy lui đại bộ phận VC khỏi Kontum, trả lại núi Chư Pao vẻ mộc mạc, sông Dapla vẻ thật thà của Tây nguyên nầy.
Trong thời gian tình nguyện cố thủ Pleiku, cả hai chúng tôi không gặp những hiểm nguy quá đáng nào. Dù sao, trong thâm tâm tôi vẫn thầm biết ơn chú Diễn. Hỏi ai không sợ trước hiểm nguy? Có chú ở lại, tôi tự tin và phấn chấn hẳn lên.
Vài tuần sau, khi tình hình đã vãn hồi, thành phần di tản lần lượt trở lại Pleiku. Những người về gặp chúng tôi, dù vui mừng cách mấy cũng có vẻàbẽ bàng. Chú Phước về đến phòng sở trước tiên:
- Chào xếp, trên nầy có căng thẳng lắm không xếp?
- Cũng không căng thẳng mấy. Ở dưới ra sao?
- Tụi em tắm biển mệt nghỉ!
- Còn ăn ngủ thì sao?
- Ngày đầu ngủ hăng ga, được phát cơm sấy thịt hộp. Mấy ngày sau em dzọt về nhà bạn.
- Bạn trai hay bạn gái?
Tôi hỏi vậy mà chú Phước lại cười. Miệng chú móm thành thử nụ cười cũng có duyên. Rất tiếc hai bên mép hằn sâu mấy lằn xếp đến thảm thương.
- Thôi chú về nghỉ. Ngày mai xong việc văn phòng, nhớ check lại dầu mỡ chiếc pick-up.
Một năm sau tôi chuyển sang Phi đoàn Bắc Đẩu. Chú Phước đổi về Biên Hòa, chú Diễn về Cần Thơ. Chúng tôi không còn liên lạc với nhau cho đến ngày đứt phim. Hai chú có còn liên lạc với nhau không, tôi không biết. Hai chú có còn nhớ tôi không, tôi không biết. Riêng tôi, thật tình mà nói, tôi quên bẵng hai chú.
Năm 76, chúng nó đày đồng đội mình ra Bắc. Tôi đi đợt hai. Sau khi hoàn tất kế họach trả thù quy mô nầy, chúng mới cho tù viết thơ thăm người nhà vào năm 79. Một thời gian sau, tôi vô cùng ngạc nhiên, vô cùng xúc động bàng hoàng khi nhận được thư chú Diễn.
Những năm sau 75, cả nước là trại giam, cả nhà là ngục thất. Người người biến thành trâu ngựa, người người lúc nào cũng sẵn sàng vỡ tung cái đầu. Biết bao hoang mang, biết bao lo sợ, biết bao suy nghĩ, biết bao tức tối thương tiếc âu sầu. Vậy mà chú Diễn còn tỉnh táo viết thư thăm tôi: Em cầu ơn trên phù hộ cho anh có sức khỏe có nghị lực, học tập tốt lao động tốt sớm trở về với gia đình. Chú cho biết hiện ở nơi sinh quán Bà Rịa, sản xuất xà phòng cục. Chú đã lập gia đình và sắp làm cha!
Tôi đọc thư chú Diễn nhiều lần. Hình ảnh chú hiện rõ dần trong trí mỗi lần đọc thư. Chú không thấp lắm, nghĩa là hơi lùn. Tóc húi cao. Chú nói giọng Nam, chứ không pha Chệt chút nào. Giọng chú trầm và ấm. Giá theo nghề ca hát thì dám nổi tiếng hơn là mần thơ! Lời thư chú mộc mạc, tự nhiên chân thành. Tôi tự hỏi, thời xưa mình không gia ân cho chú điều gì mà sao nay chú còn giữ chút lưu tình như vậy? Tôi băn khoăn, không biết mình có làm điều gì thái quá không, có hách xì xằng lắm không, có thượng đội hạ đạp không. Nhất là với chú Diễn, mình có phạt oan xử ép chú lần nào không?
Kiểm điểm lại thì thấy không có gì quá đáng. Tôi vốn rách. Vợ con luộm thuộm mà lãnh lương độc thân mới chết người. Chưa kể phải cầm thẻ lương cả năm trời. Cơm hàng cháo chợ là thứ xa xỉ, cứ phang Ration C, cơm sấy đồ hộp quân tiếp vụ dài dài, thì còn gia ân huệ cái nỗi gì! Có thể chú thương xót cho thằng tôi cũng nên.
Có một điều chắc chắn là, phê bình điểm hằng năm của chú nào cũng trên 90. Hai chú cũng theo tôi bay về Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt mấy chuyến. Và khi hai chú thuyên chuyển đi Biên Hòa Cần Thơ thì chính tôi đích thân chở hai chú về Sài Gòn. Ân huệ như vậy có gì sâu đậm mà nay trong hoàn cảnh tủi nhục nầy, chú Diễn lại viết thư thăm tôi. Nội việc từ Bà Rịa về Sài Gòn sưu tầm cho ra cái hòm thư của tôi là đã đủ nhiêu khê hộc xì dầu rồi, còn nói gì cảnh dám viết thư cho một ngụy quân có nợ máu đang cải tạo?
Người tù chỉ được phép gửi thư mỗi tháng một lần. Mỗi lá thư là một toa thực phẩm được kê ra cho người thân. Cố mà mua sắm. Cố mà gởi đi. Lời thăm hỏi, lời nịnh vợ, lời khuyên con chỉ là nghi thức thông lệ. Cái quan trọng là phần kê toa! Nào đường, nào mỡ, nào bột ngọt thuốc men, gói ghém đủ các chất dinh dưỡng giới hạn 3 ký lô trong một trang thư giấy học trò, thì làm sao còn đủ chỗ viết lời cảm tạ chú Diễn được.
Tháng sau đó, tôi quyết định viết 2/3 trang thư cho gia đình, 1/3 còn lại cho chú Diễn. Dặn người nhà cắt 1/3 bỏ vô bì gửi tiếp cho chú. Ba tháng sau tôi nhận gói quà của vợ trong đó có một cục xà phòng, một gói thuốc lá của chú Diễn đánh đu theo.
Năm 83, tôi theo đoàn tù về Nam, trại Xuân Lộc.
Năm 84, chú Diễn cỡi Vespa từ Bà Rịa lên trại thăm. Gặp lại chú tại nhà thăm sau 12 năm, tôi nghẹn ngào. Hình như chú cũng xúc động trước vẻ tiều tụy của tôi. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Mắt chúng tôi long lanh mấy giọt thân ái ngày xưa.
Cũng mừng là việc sản xuất hanh thông, chú có phần hùn trong tổ hợp nhà máy nước đá ở Bà Rịa. Chú dặn tôi, nếu được tha thì về Bà Rịa ở chơi với chú một đêm.
Chúng tôi được gặp nhau hai tiếng. Hai tiếng trang trải cho 12 năm. Chưa vui sum họp đã sầu chia ly. Trên đường về trại, lòng thấy nao nao, buồn vui lẫn lộn. Buồn cho cảnh cá chậu chim lồng, không biết ngày nào khỏi nghe tiếng kẻng trại giam. Vui là trong cảnh tù đày còn có chú em tưởng nhớ. Chú biếu tôi mấy gam trà, nửa ký cà phê, nưả cân thuốc rê và một ký đường tán. Nhận được quà tôi mừng như con nít. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có ở trong hoàn cảnh nầy, mới thấy cái quý giá cần thiết của một tán đường! Nhưng cái mà tôi trân trọng hơn một tán đường, lá cái tình của chú Diễn. Đây có thể là tình cảm cá nhân, cũng có thể là tình đồng đội vui buồn sống chết có nhau. Văn vẻ mà nói, là tình huynh đệ chi binh.
Tôi không dám tự hào khoe rằng, đây là kết quả những điều đã học được từ Mệ Phước hay ông Cồ Đặng Văn Hậu ở trường CHTM Không Quân. Nhớ lần gặp ông Cồ Hậu năm 72 ở sân bay Cam Ly, tôi có khoe với ông rằng:
- Thưa thầy, con là Carnot đây! Những điều con học ở Trường đã áp dụng hiệu quả ở đơn vị. Con xin cám ơn nhà trường và quý thầy.
Thầy Hậu chớp chớp đôi mắt, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, đầu hơi cúi, vừa gật gật vừa ngước nhìn lên:
- Anh cho biết cụ thể.
- Bộ Tư Lệnh Thanh Tra đơn vị. Đơn vị con xếp hạng nhất về hành quân an phi huấn luyện và kế hoạch Chân trời mới đó thầy.
- Mừng anh!
Thầy bắt tay tôi, mặt có vẻ như mừng mà cũng có vẻ như diểu diể sao ấy! Cũng không lạ, vì thầy là vua móc hậu của Quân chủng ta mà!
Hơn 10 năm sau, từ tổ mộc tại trại Xuân Lộc, tôi gởi qua tổ điện cho thầy Hậu gói quà, trong đó có ít trà, ít cà phê, ít đường tán và một mảnh giấy ghi mấy dòng: Xin chia xẻ với ông Cồ chút tình nghĩa của chú em KQ vừa ghé thăm. Đây là kết quả do ông Cồ hướng dẫn tôi về nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy trước kia. Chúc ông Cồ khỏe và hy vọng.
Một tuần sau, từ xưởng mộc tôi chợt thấy thầy Hậu vác chiếc thang dài, đang tần ngần nghiên cứu mấy cột điện bờ rào. Khi nhận ra tôi, thầy cho thang dựa vào cột, rồi mạnh dạn bước vào xưởng mộc hỏi mượn cái búa với giọng thật lớn. Đoạn thầy xuống giọng:
- Đã nhận quà. Cám ơn anh, ai thăm vậy?
- Chú em trước ở Pleiku.
- Mừng anh! Thầy xiết tay tôi, nhìn thẳng và chớp chớp hai mắt. Giọng thầy chân thành nhưng vẫn có vẻ diễu diễu như mười năm trước đây!
Ai cũng biết ông Cồ Hậu là chuyên viên sửa chữa máy móc thuộc về điện và điện tử trước 75. Khi vào tù, thầy cũng có dịp biểu diễn tay nghề. Khoảng năm 85, cả trại tù Xuân Lộc sửng sốt khi nghe loa của trại phát thanh đài tiếng nói Hoa Kỳ và những bản nhạc ngoại quốc quen thuộc trước 75. Độ 10 phút sau thì loa phát thanh chuyển sang đài cóc chết Thành Hồ. Sáng ra cả trại mới vỡ lẽ và khoái chí khen ông Cồ Hậu chịu chơi quá sá cỡ. Nguyên cái đài (radio) của trại bị sự cố. Chúng nó gọi ông Cồ Hậu sửa chữa. Khi sửa xong, ông rà đài để thử nghiệm. Gặp đài VOA, ông khựng lại và điều chỉnh âm lượng cho thật ngon lành. Khi cai tù phát hiện, gọi ông Cồ tra hỏi. Ông thản nhiên giải thích:
- Sửa xong phải thử mới biết tốt hay xấu. Đài của cán bộ rất sịn bắt được cả đài ngoại nữa đấy!
Thật là may. Chúng không rầy rà ông. Ông ra về, vừa đi vừa gật đầu, vừa mỉm cười khoái trá.
Những ngày về sum họp với vợ con, ông hay chở cháu nội trên chiếc xe đạp đầm mini cổ lỗ sĩ, quanh quẩn đó đây. Ông cũng đi sữa chữa cái radio, cái cassette hay cái truyền hình cho bạn bè, cũng trên chiếc xe mini đó và chưa bao giờ dám mở miệng nói hai chữ thù lao. Nếu có người nhắc hộ ông, ông thấy ngượng ngùng dù ông đang là cái mền rách. Phu nhân ông Cồ cũng có thể đã lên lớp ông về cái sĩ-diện-hảo oái oăm này. Thật tội nghiệp và thông cảm cho ông quá!!!
Có lần ông ghé quán cà phê sửa hộ cái cassette mà tôi đã sơ ý cắm lộn dòng điện 220 volt thay vì 110. Chúng tôi có đề cập trường Chỉ Huy và Tham Mưu KQ. Ông phán:
- Cái lý thuyết khác xa cái thực tế cậu à.
- Ông thầy thấy khác như thế nào ạ?
- Cậu thấy đó, cái kỹ thuật, cái tiểu xảo, cái mầu mè không thể nào qua được cái thật thà, cái chân tình.
- Theo ông thầy chịu chơi có nằm trong đức tính chỉ huy hay không?
- Chịu chơi là là phải thứ chịu chơi hợp tình hợp lý, chân chính, tự nhiên mới được.
- Ví dụ như thời ở trại Xuân Lộc, ông thầy chịu chơi chân chính tự nhiên, mở đài đế quốc Mỹ cho cả trại cùng nghe chứ gì?
Ông Cồ khoái chí cười hà hà, đầu không quên gật gật như thường lệ.
Mãi đên năm 87, nghĩa là gần bốn năm sau, chú Diễn chở một người bạn ghé trại Xuân Lộc thăm tôi lần thứ hai. Lần nầy chú biếu tôi cả ký thuốc rê. Chú cho biết là bọn VC trong tổ hợp nhà máy nước đá âm mưu hại chú vì chú biết rõ bọn chúng mờ ám tiền bạc trong tổ hợp. Chú bị giam mấy năm mới xét xử. Kết quả chú được tha nhưng tài sản bị cưỡng chiếm. Chú cũng cho biết đang tiến hành hồ sơ xuất cảnh Mỹ theo diện ODP. Chú lại nhắc tôi, nếu được tha thì ghé nhà chú ở Bà Rịa chơi một đêm.
Năm 88 tôi được tha, nhưng tôi không thể về Bà Rịa được. Đợt tha tháng 2 năm 88 có tính đại trà. Việt cộng tuyên truyền ầm ĩ về lòng nhân đạo đợt tha nầy. Chúng tổ chức đưa xe đón về địa phương. Khi về nhà, tôi có viết thư báo cho chú Diễn biết và lấy làm tiếc đã không ghé Bà Rịa cho thỏa lòng tri kỷ. Chẳng bao lâu sau, lại một bất ngờ khác, chú Diễn chở chú Phước về Phú nhuận thăm tôi:
- Ủa, bộ hai chú có liên lạc với nhau à?
- Đâu có, em lên Biên Hoà có chút việc tình cờ gặp Phước. Tụi em mừng quá, vào quán mần mấy chai bia Con Cọp. Em báo cho Phước biết anh đã về. Phước dục em chở về Sài Gòn thăm anh ngay.
Gặp Phước, tôi nhận ra ngay. Ôi gian nan là thế, tủi nhục là thế mà sao trông chú không già mấy. Chú đen hơn, rắn rỏi hơn và đặc biết cái miệng vẫn móm xọm, thoang thoảng hơi men. Chú sinh sống bằng nghề sửa xe. Các tổ hợp, hợp tác xã có máy cày, máy kéo hư hỏng đều mời chú đến sửa tại chỗ. Chú được trọng vọng vì tay nghề khá. Đi đâu cũng rượu thịt nên chú có vẻ nghiện. Khi tôi hỏi về vợ con thì chú thản nhiên đáp:
- Dạ em có 3 đứa con, hai trai một gái. Tụi nó phụ mẹ buôn bán cũng tạm.
- Chú lập gia đình năm nào?
Chú Phước nhìn tôi ngập ngừng:
- Dạ từ hồi còn ở La-Ku. Em ở với con nhỏ nhờ anh làm đám cưới đó!
- Ồ, dzậy sao? Tôi rất lấy làm tiếc là không thỏa mãn ước nguyện của chú, vì lúc đó tôi thấy chú còn trẻ quá!
- Nhớ năm 72 di tản về Nha Trang không? Em về ở nhà con nhỏ đó. Ông bà gìàvợ ở Xóm Mới, Nha Trang đó.
À, ra thế! Tôi bỗng thấy quý trọng cái chân tình của chú Phước. Ôi tình yêu! Lại thêm một nhân chứng hùng hồn ngợi ca tình yêu. Tình yêu là tất cả. Tình yêu là vô địch. Tình yêu là bách chiến bách thắng. (Chú không phải chủ nghĩa Mác Lênin bách chiến bách thắng đâu nhá, nghèo mà ham!)
Trước mặt tôi, chú Phước cao lớn và bề thế hẳn ra. Vậy mà năm 72, khi chú di tản về Nha Trang, tôi nghĩ nông cạn rằng chú Phước lạnh cẳng đấy!
Năm 90 gia đình chú Diễn rời Việt Nam. Tôi mừng cho chú và nôn nóng cho phận mình. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Phần chú Diễn đã thông, hy vọng phần của tôi sớm muộn gì cũng đến. Trước khi đi, chú đãi tiệc xuất cảnh ở nhà hàng Arc-En-Ciel. Họ hàng chú thím hầu hết là người Tầu. Tôi bước lên cầu thang nhà hàng e dè, ngượng nghịu như Mường Mán mới về tỉnh thành. Chú Diễn giới thiệu tôi gia đình và dành cho tôi vinh dự khui chai rượu Whiskey:
- Em tưởng khui chai nầy ở Bà Rịa chứ, dành đến hôm nay cũng tốt. Rất tiếc là hôm nay không có thằng Phước
- Sao chú không mời Phước đến cho vui?
- Lu bu với ba cái giấy tờ muốn phát khùng luôn. Em biết đường đến nhà nó ở Biên Hòa, nhưng không biết địa chỉ thành chịu thua.
Và hoàn cảnh của tôi cũng hanh thông hai năm sau đó. Tôi qua tạm cư ở Missouri. Dịp ghé Cali, tôi về nhà chú Diễn ở chơi mấy hôm. Gặp một số bạn bè trước ở Pleiku, chúng tôi bàn bạc làm một cái gì cụ thể giúp đỡ những đồng đội khốn khổ ở quê nhà. Chú Diễn hưởng ứng ngay việc làm nầy. Qua mấy đợt gởi quà về Việt Nam, chú đóng góp chân thành. Chú vẫn còn một chút ân hận:
- Em không biết cách nào gởi cho thằng Phước một chút quà. Em không có địa chỉ của nó thành thử bấy giờ thấy tội nghiệp nó quá!
- Tôi cũng chẳng biết làm cách nào hơn. Tệ hơn nưã là tôi không hề nghĩ đến điều đó.
Qua chút tình thân đối với đồng đội mình, chú Diễn là mẫu người biểu hiện đức tính thủy chung của một chiến sĩ quốc gia, giậu đổ mà bìm không leo, giấy rách vẫn giữ lấy lề. So với nhiều nhà lãnh đạo tài ba, nhiều cấp chỉ huy lỗi lạc, cựu KQ Kiwi (*) Trần Diễn đã bay quá tầm nhìn của họ bằng đôi cánh chi binh huynh đệ chơn chất của mình.
Saint Louis, tháng 3/95
(*) một loài chim có cánh, không bay được.
Biên Hùng chuyển