GNsP (23.10.2016) – Ca dao người Việt có câu :
“ Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Thành quả của một công việc không bao giờ là năng lực của một cá nhân, nhưng là do sự kết hợp một cách hài hòa công sức đóng góp của nhiều người.
Sách Xuất hành (19,8-13) tường thuật cuộc chiến giữa quân Israel và quân Amalếch. Trong khi tướng Giosuê đem quân đi giao chiến thì Môsê lên núi cầu nguyện. Môsê cần sức mạnh để tiếp tục cầu nguyện trong cuộc chiến đấu với người Amalếch bởi lẽ bao lâu Môsê đưa hai tay lên cầu nguyện thì dân Israel chiến thắng, nhưng khi ông mỏi mệt và buông tay xuống thì người Amalếch lại thắng thế. Do vậy, người ta lấy hòn đá kê cho Môsê ngồi. Người anh em của Môsê là Aaron và Hur bạn của ông, mỗi người một bên đã giúp Môsê giữ cánh tay luôn luôn ở trong tư thế cầu nguyện, nhờ vậy dân Israel đã chiến thắng cuộc chiến.
Sự việc UBND thị xã Kỳ Anh vừa có công văn đóng dấu hỏa tốc cho biết việc khiếu kiện của dân Phú Yên, Quỳnh Lưu đã hết hạn đã gây sự bất bình trong lòng những người đang quan tâm theo dõi vụ khởi kiện tập đoàn Fomosa và thách đố sự nhẫn nại của những ngư dân Phú Yên. Bởi lẽ:
Như chúng ta đã biết trước khi dân Phú Yên đi kiện, UBND Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có công văn đề nghị không đi khiếu kiện vì lý do thời tiết bão lũ. Do vậy việc chậm hạn khiếu kiện có lý do khách quan do thời tiết gây ra.
Trong những ngày mưa lũ, nếu chẳng may có người qua đời thì việc an táng còn phải gác lại nữa là việc khiếu kiện? Do vậy, luật pháp hay quy định thì cũng phải linh động giải quyết cho có lý có tình.
Đồng thời, khi đoàn xe đi khởi kiện thì chính công an tỉnh Nghệ An ngăn cản nên đoàn xe phải quay về lại Phú Yên. Như thế, nguyên nhân khiến người dân Quỳnh Lưu đi kiện chậm hạn là do cơ quan công lực trực tiếp ngăn trở.
Đó là chưa nói đến tính sự bất hợp lý trong việc UBND thị xã Kỳ Anh ký công văn thông báo hết hạn khiếu kiện trong khi nơi nhận đơn kiện và đơn khiếu nại là TAND Kỳ Anh?
Sự can thiệp ngang ngược không cho người dân thực thi quyền công dân của nhà cầm quyền Nghệ An kết hợp với thái độ giải quyết công việc cách vô tâm, vô cảm của tòa án Kỳ Anh ít nhiều khiến những người tham gia khiếu kiện nảy sinh tâm lý mệt mõi. Trong một xã hội mà luật pháp chỉ là trò hề, không được tôn trọng thì khi muốn kêu đòi những quyền lợi chính đáng người dân chẳng khác nào những “con Kiến kiện củ khoai”. Hoang mang. Mỏi mệt.
Những lúc như thế này, những người dân Quỳnh Lưu, Phú Yên và đặc biệt là linh mục Anton Đặng Hữu Nam cần lắm “ một hòn đá kê” chỗ ngồi, những sự hỗ trợ để giữ lửa nhiệt huyết cho “hai cánh tay”, giúp họ giữ vững tinh thần trong một cuộc chiến vốn đã không ngang sức.
Đó là những buổi cầu nguyện được tổ chức tại các giáo xứ trên khắp giáo xứ của giáo hội Việt Nam. Bởi lẽ, trong tư cách là một công dân nước Việt thì chúng ta đã không được phép thờ ơ với hiểm họa môi trường biển miền Trung, cũng như vô cảm trước những khó khăn mà người dân nơi đây đang trực tiếp gánh chịu. Thế thì là người Công Giáo, cùng là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta lại không cùng nhau cầu nguyện cho một phần thân thể của Chúa đang bị tổn thương hay sao?
Trong tháng Mân Côi, các giáo xứ thường tổ chức những buổi cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Ước chi các vị mục tử cũng kêu gọi cộng đoàn hiệp thông góp lời cầu nguyện của mình qua việc lần chuỗi, để nhờ bàn tay Mẹ Mân Côi nâng đỡ, thêm sức mạnh và lòng kiên vững cho cha Nam cùng cộng đoàn giáo dân giáo xứ Quỳnh Hương và Phú Yên.
Đó là những quyên góp tiền bạc mà một số anh chị em đã và đang đóng góp thông qua các cha dòng CCT để giúp bà con có điều kiện vật chất để thực hiện những cuộc khởi kiện. Vì rằng, những người đi khởi kiện không chỉ đòi lại môi trường biển sạch, cá tươi cho bản thân họ mà còn cho chính chúng ta nữa.
Đó là những lời chia sẻ, khuyến khích tinh thần những người đang khởi kiện, đồng thời cùng lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền thượng tôn luật pháp, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người dân. Đừng để tiếng nói, những bài giảng của cha Nam như “tiếng kêu trong hoang địa”, thưa thớt lời đáp trả.
Một thực tế cho thấy, hiện tại ngoài những vị mục tử Công Giáo, sẽ rất khó tìm thấy một lãnh đạo tinh thần nào có đủ đạo đức, uy tín và can đảm để hướng dẫn người dân đi đòi công lý. Đó là lý do khiến nhà cầm quyền Nghệ An tìm mọi cách tách rời cha Anton ra khỏi đàn chiên của mình, qua văn thư gởi Đức Cha Phalo đòi trục xuất cha Anton ra khỏi địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ông Môsê dù có yêu thương dân Israel rất nhiều thì vẫn là một con người với những hữu hạn của thân xác. Ông vẫn sẽ mỏi nếu cứ phải giơ tay cầu nguyện một mình trong cuộc giao chiến với người Amalêch. Cũng vậy, cho dù cha Anton sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để tiếp tục cuộc khởi kiện, thế nhưng nếu phải một mình đối mặt với những bất công, áp bức và cả sự đe dọa của nhà cầm quyền, linh mục Anton cũng sẽ không tránh được cảm giác thất vọng, buồn bã. Do vậy, mỗi một người trong chúng ta hãy là những Aaron và Hur, cùng nhau nâng đỡ cha Anton trong cuộc đấu tranh đòi lại công lý cho người dân Quỳnh Lưu, Phú Yên, nếu chúng ta không muốn nước Việt trở thành nơi xả thải khổng lồ vì những mưu đồ riêng tư của nhóm lợi ích .
Điền Phương Thảo