GNsP (12.12.2016) – Người đàn bà tiều tụy với gương mặt hốc hác, mếu máo khóc nhìn về phía khu đất thân yêu mình đã sinh sống cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã 21 năm qua giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Cứ như một cơn ác mộng, nhưng đây lại là thật. Mất mát thật. Nỗi đau thật. Rất thật. Không phải là mộng, Trời ạ!
Sinh sống ổn định từ tháng 04 năm 1993 và đóng thuế liên tục trên mảnh đất tại tổ 54 phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, hộ gia đình với 9 nhân khẩu của bà Đỗ Thị Bỉnh choáng váng khi nhận quyết định thu hồi toàn bộ thửa đất không một đồng bồi thường từ UBND TP Lào Cai.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Khương Tân Phương cho rằng quyết định thu hồi đất của gia đình bà Bỉnh có nhiều điểm bất hợp lý. Dù vậy UBND tỉnh Lào Cai vẫn tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Vậy là như tai họa từ Trời giáng xuống, 9 con người đang có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm từ đất hoa màu bỗng dưng thành kẻ màn trời chiếu đất, trắng tay vì nếu muốn giao 01 xuất đất tái định cư thì phải nộp tiền sử dụng đất là 130%.
Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện Lời Nói Kẻ Bắt Rắn như sau :
“Ở Vĩnh Châu có giống rắn lạ, thân đen, vằn trắng, cực độc. Song mà bắt được giống rắn ấy dùng làm thuốc để chữa bệnh thì rất tốt.
Cho nên nhà vua có lệ bắt dân gian mỗi năm phải hiến hai con rắn ấy để dành. Ai bắt được rắn, thì được trừ thuế ruộng.
Người Vĩnh Châu tranh nhau mà làm nghề bắt rắn. Có nhà họ Tương cũng làm nghề ấy đã được ba đời mặc dù người ông, người cha trong gia đình đều chết về nghề bắt rắn. Bản thân ông ta cũng đã mấy lần suýt chết.
Biết chuyện, Liễu Tôn Nguyên khuyên người họ Tương nên bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhưng ông ta đáp:
Nếu nộp thuế thì cách sinh nhai trong làng mỗi ngày một quẫn bách. Người làng phải rút hết cả lợi hoa mầu, vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế, thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi dạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người. Vì lẽ, những quan lại tàn ác về làm thuế làng tôi, sục hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hải hùng kinh sợ.
Nếu làm nghề bắt rắn, hễ trong giỏ con rắn vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên. Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra là vui vẻ, không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác. Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, ví với người làng xóm tôi cũng đã là chậm, đâu dám cho là rắn độc mà xin thôi.”
Trong xã hội ngày nay, nếu được chọn giữa việc sinh sống ở một nơi có nhiều rắn độc và một nơi có thể bị thu hồi đất bất cứ lúc nào, tin rằng người dân cũng sẽ có sự chọn lựa như người họ Tương làng Vĩnh Châu ngày xưa. Thà sống chung với rắn tuy nguy hiểm nhưng nếu biết cách đề phòng thì vẫn còn an tâm để sống, còn hơn sống với một nhà cầm quyền luôn khiến mình trở thành kẻ tứ cố vô thân bất cứ lúc nào.
Sự bất cập của chính sách “đất đai là sở hữu của toàn dân” nhưng lại “do hệ thống nhà nước thống nhất quản lý” đã tạo điều kiện tốt cho những bất công, sai trái xảy ra trong quá trình thu hồi đất. Chính sách này rõ ràng còn hà khắc, tàn bạo hơn cả rắn độc. Bởi lẽ rắn tuy độc nhưng cũng chỉ giết hại những ai tìm gặp nó, còn với chính sách này thì tai họa có thể giáng xuống cuộc sống của mọi người vào mọi ngày trong cuộc đời họ.
Giờ thì bà Bỉnh bắt đầu vác đơn đi kiện. Một cuộc hành trình đầy gian khổ, đầy nước mắt và cũng đầy mệt mỏi nhưng cái đích đến thì rất mờ mịt. Vì lẽ luật đất đai là do cơ quan lập pháp làm ra, giấy tờ đất đai do cơ quan hành pháp quản lý và xét xử những vụ kiện về đất đai thì do cơ quan hành pháp thực hiện. Thế nhưng, cả ba cơ quan này đều nằm trong tay Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Tựa như gói càphê 3 trong 1, tất cả đã “hòa quyện” và rất “tiện sử dụng” trong mục đích chiếm đất của dân để phục vụ cho lợi ích nhóm. Đó là lý do vì sao sau bao năm vất vưởng gõ cửa chốn công đường, nạn nhân bị chiếm đất chỉ thêm nghèo, thêm khổ và cuối cùng phải chấp nhận cảnh nhà tan cửa nát mà thôi. Nếu có người nào dám đứng lên đấu tranh thì cánh cửa nhà giam sẽ rộng mở đón họ như tình trạng của chị nông dân Cấn Thị Thêu hiện nay.
Sự tàn độc và bất công này đã diễn ra gần 40 năm qua và với bất cứ ai trên dải đất hình chữ S này, thế nhưng khi điều đó xảy ra cho người này thì người khác vẫn im lặng…im lặng cho đến khi mình chính là nạn nhân. Bởi lẽ mình không lên tiếng cho người khác thì ai sẽ lên tiếng cho mình? Cứ thế mà những người dân Việt đã, đang và sẽ chỉ biết lặng lẽ cúi đầu trước cường quyền.
“Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”, lời mời gọi của Gioan trong mùa Vọng này càng trở nên thống thiết trong tâm hồn của mỗi người tín hữu Kitô trong hoàn cảnh xã hội còn nhiều bất công, áp bức như hiện nay. Thế nhưng đã rất nhiều mùa Vọng qua đi, tôi chưa từng ý thức rằng con đường ngay thẳng mà Chúa muốn đi đến với từng tâm hồn trong mùa Giáng Sinh này nhất định phải là con đường được xây dựng vật liệu của sự công bằng và bác ái.
Và tôi sẽ thiếu vật liệu công bằng và bác ái để dọn đường Chúa đến nếu tôi im lặng, vì rằng “im lặng trước bất công là thỏa hiệp với cái Ác”.
Điền Phương Thảo
Bài sử dụng nguồn từ:
http://dantri.com.vn/ban-doc/lao-cai-dang-sinh-song-on-dinh-nhan-trat-thu-hoi-het-dat-khong-mot-dong-boi-thuong-20161210080931112.htm