Chưa ai nói nhiều tiền là khổ, nhưng quả thật, 75 triệu người dân Iran đang bị "cuống" không biết sẽ tiêu pha ra sao khi mà tiền cứ ùn ùn kéo về, mặc dù nghe đâu chính phủ đã có những tính toán và lên kế hoạch rất kỹ càng, mà trước hết là dùng số tiền ấy để mua thuốc men, các nhu yếu phẩm - những thứ mà suốt mấy chục năm qua người Iran chỉ thấy trong mơ. Có thể nói, nhờ có nguồn tiền được giải tỏa này sau khi Iran đạt được thỏa thuận sơ bộ về hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) hồi cuối tháng 11-2013, cuộc sống của đất nước và mỗi con người ở Iran đang thực sự đứng trước những cơ may đổi thay.
Sau khi ký thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Iran, cả Tehran và P5+1 đã bắt đầu thực thi những cam kết đầu tiên. Trước mắt là giảm dần mối lo ngại về tham vọng hạt nhân quân sự của Iran, còn với người dân nước này là nới lỏng dần những biện pháp cấm vận hà khắc suốt mấy thập kỷ qua.
Cần nhắc lại rằng Mỹ đã thi hành lệnh cấm vận vô cùng hà khắc chống Iran từ thế kỷ trước, ngay sau khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Một năm sau, sau khi xảy ra vụ các sinh viên Iran chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt một số nhà ngoại giao Mỹ làm con tin, Washington đã cắt đứt quan hệ với Iran và ra lệnh cấm nhập dầu mỏ của quốc gia Vùng Vịnh này, vốn là nguồn thu chính, hòng bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Ba năm sau, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan đã liệt Iran vào nhóm nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, để rồi sau đó, ký lệnh cấm xuất khẩu mọi loại hàng hóa của Mỹ vào thị trường này. Tiếp đó, các chính quyền kế tiếp nhau ở Washington đã không ngừng làm sâu sắc thêm những biện pháp trừng phạt này, khiến Iran thực sự bị "nghẹt thở".
Đời sống kinh tế, xã hội của Iran còn bị phương Tây bóp nghẹt hơn khi Iran công bố chương trình hạt nhân vào năm 2002, khẳng định chương trình này thuần túy mang tính dân sự, nhưng đã bị Mỹ và phương Tây bỏ ngoài tai. Không chỉ có Mỹ, mà Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và hàng loạt quốc gia riêng rẽ khác cùng đồng lòng lao vào cuộc cấm vận Iran, khiến cho Iran nhìn đâu cũng thấy "có vấn đề", đến mức có những lúc tưởng như họ đang bị bế tắc hoàn toàn. Iran đã thực sự rơi vào cảnh "không xu dính túi" khi năm 2012, Mỹ, EU đồng loạt áp dụng các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt đối với ngành dầu mỏ của Iran, khiến cho lượng dầu xuất khẩu của nước này trong năm ấy đã giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 lượng xuất khẩu của năm trước đó, chỉ đạt 700.000 thùng/ngày so với 2,2 triệu thùng/ngày.
Mặc dù lúc bấy giờ Tổng thống Mahmoud Ahmedinejad và các cộng sự liên tục đưa ra những tuyên bố, nói rằng lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây không đủ làm tác động nền ninh tế Iran cũng như cuộc sống của người dân nước này. Ai cũng rõ xã hội Iran điêu đứng như thế nào khi không có tiền trong mấy năm qua: Lạm phát tăng mạnh, giá cả leo thang tới trên 60%, đồng nội tệ mất giá, xã hội bất ổn, nạn thất nghiệp tăng, có lúc chiếm tới 23% số người trong độ tuổi từ 15 đến 24, nền kinh tế bị rối loạn, thậm chí đã một vài lần đe dọa bùng nổ,v.v.
Iran của một vài năm trước là như thế, còn nơi đây bây giờ dường như đang chuyển dần sang giai đoạn mỗi người và toàn xã hội phải tính toán sao để tiêu cho hết tiền nếu như Iran và P5+1 cùng thực thi nghiêm chỉnh những gì đã cam kết. Và đương nhiên, không mấy ai nghi ngờ nhận định ấy khi biết rằng Iran là nơi có trữ lưỡng dầu khí lớn nhất nhì thế giới. Rõ ràng, mọi cái đã bắt đầu thay đổi ở Iran.
P. Thùy