Truyện Ngắn & Phóng Sự
Những Ngày Đầu Quân Và Thời Ở KBC 4100
Tuổi mười tám đã lặng lẽ đến với tôi. Tôi thật tình không nhớ những xúc cảm của mình khi được đón cái tuổi này. Cái tuổi mà đa số những người từng bước qua, cho rằng đẹp nhất của đời người. Tôi đã tìm đọc nhiều thơ văn viết về tuổi mười tám, nhưng rất tiếc, chưa tìm được những gì mình mong đợi.
Tuổi mười tám của tôi rơi vào năm 1959, sau hai năm má tôi qua đời. Năm 1959 cũng là năm tình hình quân sự của miền Nam có những dấu hiệu bất ổn. Chính phủ miền Bắc bắt đầu phát động chiến dịch đánh du kích nhiều nơi, để chuẩn bị khai sinh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào tháng 12 năm 1960.
Trong túi áo lúc bấy giờ, ngoài thẻ học sinh, tôi vừa có thêm thẻ căn cước. Gót chân (căn) tôi đã cứng, ống chân (cước) tôi đã vững. Tôi đã thành một người có thể tự đứng, tự đi, tự bước vào thế giới người lớn. Cuộc chiến trên quê hương giúp tôi sớm trưởng thành qua việc tham dự trưng binh quân dịch. Đây là một nghĩa vụ của một người con trai, sau 17 năm vui chơi với đời, phải thực hiện trong vòng hai năm.
Vào mười giờ sáng một ngày đẹp trời, từ nhà trên đường Đông Kinh Nghĩa Thục Đà Nẵng (nay là Ngô Gia Tự), tôi lặng lẽ ra đi. Chỉ trong khoảng cách 250 thước, bước chân ngần ngại của tôi đã dừng trước cửa trụ sở Nghiệp Đoàn Lao Động Việt Nam trên đường Thống Nhất (Lê Duẩn bây giờ). Nơi văn phòng trưng binh quân dịch tạm thời làm việc. Địa điểm này cách đây sáu năm, tôi từng có đôi lần tò mò liếc mắt vào. Đó là cái bordel lớn nhất của thành phố Tourane. Dù lưỡng lự, cuối cùng tôi cũng thành “người khách hàng” đầu tiên của văn phòng trưng binh quân dịch hôm ấy.
Tôi được niềm nở cân đo và khám tổng quát. Tuy không cố tình nhịn đói, nhưng không hiểu sao đêm hôm trước tôi không muốn ăn, sáng hôm sau cũng không lót dạ. Với sức nặng 39 ký rưỡi trên một mét sáu chiều cao, tôi được xếp vào thành phần phụ dịch, dù tình trạng sức khoẻ bình thường. Kết quả tốt này đã giúp tôi chậm bước trong việc thi hành nghĩa vụ quân dịch. Tôi phơi phới ra về vì cái cái tên Lê Ngọc Châu, sinh năm 1941, đã có một số quân, để đời: 61/203.905.
Năm 1964, khi đang tập làm công chức tại Tòa Thị Chính Đà Nẵng, tôi nhận được lệnh động viên.
Bỏ lệnh gọi trong túi quần
tôi đi qua từng con phố
không biết phải làm gì
tôi trở về rửa mặt
quyết định ngủ một ngày
thản nhiên không mơ mộng
....
bỏ lệnh gọi trong túi quần
cứ làm thơ cái đã
không biết để làm gì
tôi dán trên vách cửa
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Dù ngủ, dù làm thơ, dù thắp hương cho mẹ, dù lục soạn gì đó trong các ngăn tủ... tôi cũng không thể không trình diện tại Quân Vụ Thị Trấn. Rồi cánh cửa trại Nhập Ngũ Số 1 đã giữ tôi từ sáng sớm đến chiều tối trong hơn hai tuần lễ.
Trại Nhập Ngũ Số 1 thuộc vùng I Chiến Thuật, tọa lạc trên một vùng đất rộng gần đường Đống Đa, Đà Nẵng. Đây là nơi tập trung những thanh niên, nằm trong hạn tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự, trước khi được gởi tới các trung tâm huấn luyện tùy theo điều kiện. Tôi được chuẩn bị để gởi theo học khóa 21 trường Bộ Binh Thủ Đức, cùng với người bạn học, Phan-C- Dinh.
Trong hơn hai tuần, ngoài những giờ nằm chơi trong các dãy nhà tôn mang tên A1, A2...chúng tôi được đưa lên Tổng Y Viện Duy Tân để khám sức khoẻ theo lịch trình. Có khá nhiều bạn tự ý nhịn ăn trong giai đoạn này. Cũng lắm kẻ giả vờ mắt kém, chịu tiếp nhận một dung dịch gì đó vào mắt, để rồi than thở con ngươi xốn nhức, nhưng không đạt được kết quả gì. Vào ngày khám sức khoẻ cuối cùng, Dinh không vào trại. Và cũng từ đó, bạn ấy không chấp nhận ăn cơm nhà binh của Việt Nam Cộng Hòa, dù vẫn “ăn cơm Quốc Gia” để “thờ ma Cộng sản” trong nhiều năm nữa.
Giữa lúc tôi đang được trung sĩ Lê Hữu Yến, một người chú thúc bá làm việc tại trại nhập ngũ, “bồi dưỡng” tinh thần để chờ lên đường, thì được lệnh hoãn dịch tạm thời cho tất cả những người có năm sinh 1941, vì lý do “thặng dư tài nguyên”. Tôi hớn hở trở về, bỏ ngang việc đi làm công chức, sống lè phè với vài buổi kèm trẻ tư gia. Học trò của tôi lúc này có Lê Thị Ngọc Bảo, mặn mà lắm, con một thiếu tá ở cư xá Thống Nhất Đà Nẵng.
Tháng 6 năm 1966, quân Bắc Việt vượt vỹ tuyến 17 xâm nhập vào vùng phi quân sự (Demilitairized zone). Hai trung đoàn cộng quân đã có mặt trên phần đất chủ quyền của miền Nam trong tháng 7 năm 1966. Trước sự bành trướng này, đại diện của bộ Tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng đại tướng William Westmoreland ra Đà Nẵng, bàn kế hoạch với Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I, vùng 1 chiến thuật VNCH và Trung tướng Lewis Walt, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cuộc chiến đã vô cùng sôi động. Chiến dịch Lam Sơn 289, hay Hastings, theo người Mỹ, là mặt trận lớn nhất trên địa bàn Quảng Trị với sự tham chiến của liên quân Việt Mỹ đã gây tổn thất nặng nề cho sư đoàn 324B và Lữ Đoàn Giới Tuyến Việt Cộng, trong suốt 19 ngày liên tục. Nhiều phi vụ B 52 từ đảo Guam đã dội bom theo chiều dài 13 km, dọc bờ sông Bến Hải trong ngày 30-6-1966. Lệnh động viên tất cả các thành phần hội đủ điều kiện làm sĩ quan, đang được hoãn dịch phải nhập ngũ khóa 24. Tôi ra trình diện cùng các bạn thân như Châu Văn Tùng, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc...
Trại nhập ngũ số 1 lúc bấy giờ rất đông. Sau giai đoạn khám sức khoẻ tại Tổng y viện Duy Tân. Tất cả bị “cấm trại”, không còn được mỗi tối về nhà như trước. Khu thăm viếng của trại do đó ban ngày đông hẳn lên. Nằm chờ lên đường, tôi viết chơi đôi bài lục bát:
Nửa tờ nhật báo ôm lưng
đầu gối dép-nhật trông chừng dáng em
mắt buồn kiếm hiệp lười xem
nắng vây gió phủ chênh vênh nỗi chờ
...
không thằng nào tán chuyện chơi
nằm thẳng kỳ đất khơi khơi góc phòng
nghe chân chú rệp thong dong
bơi trên thân thể sắp bong nắng đời
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Thi hành nghĩa vụ quân sự, góp tay bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ tự do, nhân quyền là bổn phận của mọi người công dân. Với thanh niên bổn phận này càng phải được nghiêm chỉnh chấp hành, nhất là khi đã biết ít nhiều về đời sống, xã hội miền Bắc qua các phong trào Cải Cách Ruộng Đất trong thời gian 1953 đến 1958, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956. Những cuộc pháo kích bừa bãi vào những thành phố đông dân cư, những cuộc đặt mìn phá hoại các tuyến đường, gây chết chóc, hoang mang, hoảng sợ cho dân lành, càng làm tăng ý chí phục vụ chính thể Quốc gia. Tuy vậy cá nhân tôi không thiếu những âu lo, bịn rịn khi nhập ngũ. Nguyên nhân thật riêng tư: tôi đang có người yêu.
Cuộc tình của chúng tôi có ít nhiều không bình thường, lẽ ra tôi phải ra trước vành móng ngựa và đi tù sau đó. Nhưng may mắn, tôi có một người cha vừa thương con, vừa đủ kinh nghiệm để giúp chúng tôi vượt qua những trở ngại. Tôi xin được phép chêm vào đây một đoạn về biến cố trọng đại riêng này:
Mọi chuyện bắt đầu từ một tình cờ. Vào một hôm tôi ghé thăm anh Lê Lữ, người bà con chú bác thúc bá, có thời ở cùng tôi tại quê nội, Liêm Lạc. Lữ hiện là học hoc sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, anh muốn thường gặp tôi để đôi khi hỏi về bài vở. Cuối cùng, qua rủ rê của Lữ, tôi đến thuê phòng tại nhà ba mẹ Trần Thị Lý. Rồi từ người ở trọ, qua người dạy kèm, người cố vấn ăn mặc...đến người tình... 16 năm sau, một chiều mưa tôi ghi lại diễn biến của tình yêu chúng tôi bằng một bài thơ trích dưới đây:
Chiều mưa
mừng sinh nhật thứ 32 của Lý
ta đến trọ nhà em từ thuở
em chưa qua hết tuổi mười ba
bút mực thơm từng ngọn tóc đuôi gà
miệng liếng thoắng vụng về như con sáo
hoa cỏ dại mọc đầy trong túi áo
gót chân hồng không mệt mỏi nhảy giây
trái mù u chuyền thẻ chạy quanh tay
cười với hát, ăn quà, vòi vĩnh mẹ
chừng nấy việc dắt dìu em nhè nhẹ
dạo vòng vòng trong thế giới ngây thơ
mắt vô tư nhìn ta đến...không ngờ
chàng lãng tử của gió mây đã lại
phòng ta trọ âm thầm và trống trải
chiếc bàn vuông, cái ghế vải nhà binh
cán bút khô cắm giữa ruột lục bình
tàn thuốc lá chất buồn cao thành núi
những buổi sáng cúi đầu đi thui thủi
những chiều về nằm chờ đợi vu vơ
đời hắt hiu đậu xuống mấy giòng thơ
nặng trang báo gởi tình đi trăm ngã
một buổi sáng trời mưa buồn chi lạ
bâng khuâng nhìn em vọc nước ngoài hiên
gió mùa thu đùa trong tóc nghiêng nghiêng
bay lên má...nhận ra em đã lớn
trong khoảnh khắc lòng dịu dàng mơn trớn
buồn vu vơ theo thương nhớ miên man
mắt em xanh cũng bối rối hoang mang
le lói thắp nỗi tình ta ngơ ngác
từ bữa đó hồn ta đầy âm nhạc
nhận lời kèm em học Pháp văn
bài vỡ lòng bát ngát ánh trăng
em khờ dại hay chính ta vụng dại
thơ trời nắng trời mưa dài ra mãi
tóc em xanh cũng vừa xõa ngang vai
ta đưa em chọn hàng mẫu áo dài
ôi chiếc áo đầu tiên em tập làm thiếu nữ
ta ngơ ngẩn nhưng em cùng một thứ
bởi vì ta vừa mới biết yêu nhau
áo hẹn hò ta chọn có sai màu
thơ ta đã sum xuê lời bào chữa
ở chung nhà nhưng tương tư từng bữa
càng giận hờn càng tha thiết yêu thương
càng yêu thương càng cao nỗi u buồn
tình vụng dại nuôi xanh mầm sợ hãi
mẹ em bảo: biết được ruồi đực cái
vừa bay ngang, huống chi chuyện tình yêu
càng giấu quanh, càng bại lộ thêm nhiều
mẹ em đã răn dạy em to nhỏ
cửa phòng ta mon men lời bóng gió
đẩy ta buồn nối dài bước lang thang
ánh mắt em thao thức nỗi bàng hoàng
mở trang sách em úp đầu ngồi khóc
tình yêu tình yêu mệt nhoài, khổ nhọc
em bằng lòng chịu đựng để yêu thương
những là thư tha thiết nỗi vui buồn
em kín đáo giấu trong lòng máng xối
ta len lén lấy nhanh và đọc vội
mua cau trầu mai mối chuyện trăm năm
tình keo sơn cha mẹ phải bằng lòng
thơ ta đã vắng bóng em từ đó...
mười sáu năm qua đời dừng trong ga nhỏ
chiều hôm nay ngồi vơ vẩn trông mưa
em ngoài hiên, lại vọc nước như xưa
ta bỗng thấy em vẫn còn con gái
em có biết em vẫn còn trẻ mãi
bởi vì ta còn mãi mãi yêu em
nối tay nhau đan từng sợi võng mềm
ta kính cẩn mời em yêu ngã xuống
chiều bát ngát mưa ngoài hiên phiêu lãng...
(Đưa Nhau Về Đến Đâu)
Lý sinh ngày 03 tháng 01 năm 1951. Năm tôi đầu quân, Lý được 15 tuổi, nữ sinh trường trung học Tây Hồ. Để tôi an tâm đi nghĩa vụ, ba tôi khuyên cuộc tình phải chuyển qua giai đoạn hôn nhân. Ông đã vô cùng khó khăn mới thuyết phục gia đình nhà gái. Sau khi được sự chấp nhận, ông lo làm khai sinh lại cho Lý. Con số 1951 được thay bằng 1949. Và ông cũng không quên lập tờ hôn thú, với lý do, nếu để sau ngày tôi đã trở thành sĩ quan, an ninh quân đội sẽ điều tra lý lịch bên vợ làm chậm trễ nhiều việc, cụ thể là việc trợ cấp gia đình. Hôn thú của chúng tôi được ký ngày 30 tháng 11 năm 1966 trước hơn một năm dài, Lý chính thức được mặc áo cô dâu.
2.
Chúng tôi rời trại Nhập ngũ số 1 rất bất ngờ. Quá ba giờ chiều, hơn hai trăm thanh niên được đưa lên phi trường Đà Nẵng, không ai gặp được thân nhân. Khi xe GMC chạy qua đường Trưng Nữ Vương nỗi nhớ nhung đã bắt đầu nhoi nhói. Bạn thân đồng hành với tôi có Pháp, có Lộc nhưng Châu Văn Tùng xin ra phép đột xuất đã lỡ chuyến đi.
Phi trường Đà Nẵng là một căn cứ quân sự quan trọng lúc bấy giờ. Chiếc C 130 ruột rỗng, không có ghế, chúng tôi ngồi bệt trên mặt sàn thép cứng, lúc nhúc như một đàn súc vật. Phần đông cố giữ im lặng. Nhưng cũng có một số nói cười với những mẩu chuyện tiếu lâm không phải lúc. Buổi lên đường của chúng tôi không có những bàn tay đưa tiễn, không có biểu ngữ, vòng hoa, không có những ca khúc cổ động, ngợi ca đời lính “Anh Đi Chiến Dịch”(Phạm Đình Chương), “Huynh Đệ Chi Binh” (Anh Bằng)...Một cuộc ra đi lặng lẽ trong ánh nắng chiều đang loãng màu. Thời gian bay cũng không lâu lắm. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là một phần thịt da thân thiết của thủ đô Sài Gòn: phi trường Tân Sơn Nhất.
C.130 đổ xuống Tân Sơn Nhất
Sài Gòn dàn chào một cơn mưa
may mắn cho những thằng đang khóc
vừa đi vừa tự nhiên vuốt mặt
một áo, một quần, một tờ lá cải
lội bộ theo tôi ra Lăng Cha Cả
nhá nhem đèn đêm đợi xe GMC
đốt điếu thuốc
môi nhạt thèm một nụ hôn
đảo mắt vòng vòng trên những đỉnh vú
tự nhiên thấy tiếc vu vơ
xe chạy, gió, dằn xóc
thùng xe, lưng chống lưng
tay, tay xòe chống mưa
có đứa cười
có đứa tiếp tục khóc
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Mưa suốt con đường từ Lăng Cha Cả đến trường Bộ Binh Thủ Đức.Tôi không nhận được mặt mũi cổng số 1 dù vừa biết xe mới lọt vào. Sân Liên đoàn là bãi đậu của đoàn GMC đêm hôm ấy. Ngay giây phút chúng tôi xuống xe đã được tiếp đón một cách rất nhà binh. Tập họp. Điều này đương nhiên và không quá khó, chúng tôi đã thực tập ở trại nhập ngũ. Nghe huấn lệnh, cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng mỗi người trong chúng tôi đều mang một tâm trạng lo sợ và thủ thế hay đúng hơn là gắng giữ mình. Viên sĩ quan trực tại liên đoàn hôm đó là Thiếu Úy Thám, một người đang độ 40, giọng Bắc, không quá nghiêm khắc, nhưng cũng đã lạnh lùng tặng cho vài bạn láu táu mấy chục cái hít đất làm duyên ra mắt.
Thành phần đón tiếp không chính thức còn có năm, bảy vị hạ sĩ quan, binh sĩ. Họ lảng vảng bám sát chúng tôi, ân cần thăm hỏi, gợi chuyện. Một trong những người này, về sau nhận sửa quân phục và giặt ủi áo quần cho tôi suốt khóa học. Ánh sáng của sân liên đoàn hôm ấy không đủ để nhận ra cảnh sắc chung quanh mà thật ra tôi cũng không dám nhìn quanh, mất tập trung. Chẳng bao lâu, thiếu úy Thám đưa chúng tôi về sân một doanh trại khác. Khi đã nghiêm chỉnh đứng trong hàng 5, tôi mới nhìn lên bảng hiệu treo trên đầu cửa một căn phòng. Hàng chữ in sắc nét, đậm đà cho biết đây là “Văn Phòng Đại Đội 10”. Mấy chữ “Khóa 24” cũng bằng chữ in được viết nhỏ hơn, nằm bên dưới.
Ngay đêm hôm đó, thiếu úy Thám đã cẩn thận điểm danh nhiều lần, xong đi duyệt qua từng hàng. Ông gọi những sinh viên có mang kính cận, đứng riêng ra một góc. Nguyễn Văn Pháp, bạn tôi, anh thầy giáo của trường Sao Mai, Đà Nẵng, có cặp mắt kính khá bảnh được mời ra. Số bạn phải ra riêng không nhiều. Tôi nghĩ thầm những bạn này chắc sẽ được ưu tiên gì đấy. Nhưng không, họ được tức thì chuyển qua một đại đội khác. Hóa ra thiếu úy Thám có chút ít tính toán, lợi dụng trực liên đoàn, đón nhận tân binh, ông chọn cho đại đội ông những thành viên ít khuyết điểm, nhằm bảo đảm những kết quả thi đua giữa các đại đội sau này. Trong hơn hai trăm người, đa số được ở lại đại đội 10, được chia thành 4 trung đội: 37, 38, 39, 40. Tôi và Trần Mỹ Lộc lọt vào trung đội 40.
Bấy giờ có lẽ chưa đến giờ đi ngủ. Thiếu úy Thám cho thực hiện ngay cuộc bình bầu những sinh viên đại diện. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu chức vụ. Đại khái là sinh viên đại diện đại đội, sinh viên báo chí, sinh viên thể thao, sinh viên ẩm thực...Tuy có sinh hoạt văn học chút ít, nhưng tôi không dám ra ứng cử cái vai báo chí. Tính tôi vốn lười và ngại khó nên bỏ lơ những cái thúc cùi chỏ, nhắc nhở kín đáo của Trần Mỹ Lộc. Cuộc bình bầu cũng qua mau chóng. Không phung phí chút thời gian, thiếu úy Thám hướng dẫn chúng tôi đến kho quân trang. Phải công nhận tôi rất vất vả trong chuyện này. Quần áo mũ giày...cái gì cũng có kha khá trọng lượng. Ruột một các sac marine dài ngoằn không thể nào chứa hết mấy bộ treillis, quần đùi, áo ba lỗ, botte de saut, soulier, cà mèng, nón nhựa, nón sắt, nón vải Tam Tạng, mùng, mền...Tôi vừa mang vừa kéo về chỗ ngủ. Khóa 22 xuất trại, để lại khá nhiều giấy lộn, rác rưởi. Mặc kệ, tôi nằm úp lên giường sắt... viết thư.
Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đến phòng hớt tóc. Những kiểu tóc thời thượng bây giờ của Elvis Presley, Rock Hudson, Johnny Hallyday...không thiếu trên đầu những thanh niên đang hiện diện tại phòng hớt tóc nhà binh của quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Mái tóc của tôi không uốn ép nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu. Một chút khoe khoang trong hoạt cảnh hôm đó:
mái tóc bồng bềnh đẹp nhất Đà Nẵng
đẹp nhất miền Trung
đẹp nhất Việt Nam
rụng xuống
rụng xuống
từng tảng từng tảng
trong tích tắc
tôi giống con gà chọi
trống hốc
ngượng ngập, khó chịu
thiếu thiếu một cái gì
nhẹ nhõm, lẻ loi, kỳ quặc
soi mình vào đám bạn bè
cười lấp nỗi buồn bắt chợt
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Dĩ nhiên nỗi buồn vụn này không thể kéo dài. Chúng tôi phải bắt tay vào việc làm tạp dịch, trong thời gian chờ đợi khóa sinh các nơi tập trung đến đầy đủ. Khóa học sẽ bắt đầu vào cuối tháng 12 năm 1966.
Tạp dịch thường được hiểu là làm vệ sinh doanh trại. Công việc này kéo dài suốt 9 tháng. Tuy nhiên ở giai đoạn một và nhất là những ngày mới nhập trại, mới được thực hiện tích cực và thường xuyên nhất. Nhổ cỏ là một công việc đi đầu của tạp dịch. Với tôi, nhổ cỏ là một việc làm khá lý thú, vì vừa nhẹ nhàng vừa thảnh thơi. Đầu đội mũ vải có thòng hai miếng che tai. Tay cầm que nhọn. Ngồi chồm hổm, di chuyển tùy nghi theo những ngọn cỏ tìm thấy trước mặt. Nắng càng gắt, mồ hôi càng chảy thành dòng trong lớp vải áo, trước ngực, sau lưng, càng cảm thấy dễ chịu. Ngọn cỏ xanh bé nhỏ, mềm mại nhưng có một sức sống thật phi thường, nhổ đi một vài ngày sau lại thấy mọc, vẫn thảnh thơi, vẫn xanh mướt. Đã rất nhiều lần, tôi nâng niu từng ngọn cỏ, vừa được bứng lên cả gốc lẫn ngọn. Những giây phút đó thật tuyệt vời. Từ ngọn cỏ trong lòng bàn tay, tôi nghĩ, tôi nhớ về nhiều người, nhiều việc đã từng gặp, đã xảy ra. Rễ cỏ thường có màu trắng trắng hoặc hơi ngả vàng; và đại đa số thường quắn cong. Phải chăng vì tăng trưởng trong bóng tối dưới mặt đất, nên không được thẳng ngay ?
Cũng như những khóa đàn anh, chúng tôi được thụ huấn trọn vẹn trong 9 tháng, đúng với thời gian đã qui định. Chương trình huấn luyện được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Thật ra còn có một giai đoạn mở đầu, thường được cho là giai đoạn huấn nhục. Giai đoạn này tập cho người sĩ quan tương lai biết nhịn nhục trước những uất ức, sỉ vả nặng tính cách miệt thị. Trong quá khứ có lẽ cũng có một số đàn anh không được tốt tính, lợi dụng qui định này để hành hạ đàn em như một thú tiêu khiển, hoặc trả thù giây chuyền. Khóa 24 của chúng tôi những màn huấn nhục như thế rất ít xảy ra.
Bước vào giai đoạn 1, tôi và đồng đội được tôi luyện sức chịu đựng. Một loại thuốc trợ lực tiêm vào cơ thể, giúp chúng tôi có thể liên tục dang nắng, dầm mưa, không nhức đầu sổ mũi, không mệt mỏi tứ chi. Đêm di hành giả trại, chính thức mở đầu chương trình huấn luyện. Đây là một cuộc đi bộ vòng quanh ngôi trường với đầy đủ quân trang, súng đạn. Tuy tầm vóc thua kém nhiều đồng đội, nhưng tôi đã xuất sắc về đến đích trong trạng thái bình thường, hơn hẳn nhà thơ Phan Ni Tấn, một đàn em ở khóa 27 sau này:
Mới vòng đầu Vũ đình trường
mà bao nhiêu đứa chán chường hẳn ra
thằng thì mày váng, mắt hoa
thằng thì như bóng ma gà, hết linh
(thơ Phan Ni Tấn ND)
Theo bước chân ngày, tháng chúng tôi biết cách “thao diễn nghỉ”, biết bồng súng, vác súng, biết bước đi theo tiếng đếm một hai, theo tiếng hát của chính mình qua các khúc quân hành. Dựng lều, đóng trại, thu dọn quân trang quân dụng, chúng tôi đều thông suốt. Rồi tháo ráp vũ khí, những khẩu Garant M1, Colt 45, Carbine M2, Thompson...chúng tôi đều xẻ thịt bày trên bàn, chiêm ngưỡng vài phút, trước khi cho chúng hoàn thân lại như cũ. Thời gian có hạn cho từng loại trong cuộc chơi này. “Lên phải xuống vào phải ra” nguyên tắc ví von này được nhớ mãi trong các giờ học vũ khí. Đồi, bãi gần xa quanh trường, tập cho chúng tôi những bò lết, ngụy trang, ẩn núp. Lá giắt quanh thắt lưng. Lá vòng quanh nón sắt. Lá xanh còn mùi nắng, chợt mướt mồ hôi tôi. Cái cò súng garant chừng như nặng. Viên đạn đầu tiên tôi bắn đi, hình như không làm trầy một phân da nào của tấm bia. Rõ ràng tôi để đầu ruồi vào mục tiêu, nín thở cẩn thận. “Bia lên, bia xuống”. “Thế bắn nằm...thủ thế”. Những khẩu lệnh vang vang. Viên đạn carbine đã trúng đích. Tôi hân hoan như lần đầu dùng ná cao su bắn rớt một con chào mào vô tội. Đường đạn về đâu khi bắn mục tiêu di chuyển. Hôm qua chúng tôi bò hỏa lực. Những mắt dây kẽm gai nhọn hoắc dí gần sát mặt, chạm gần sát lưng. Đã biết tiếng nổ của đạn mã tử vẫn còn toát mồ hôi. Hôm kia chúng tôi vượt Đoạn Đường Chiến Binh. Bãi Vườn Thơm, bãi Nhà Sập, đồi 18, đồi Mẹ Bồng Con, đồi Tăng Nhơn Phú... thấp thoáng bóng cô bé bán sương sâm hồng hào, đáo để. Ba tháng căn bản quân sự cứ lặng lẽ cắm đầu đi qua. Một buổi lễ gắn alpha trang trọng được tổ chức. Cái chuyển mình ngoạn mục này đẩy chúng tôi qua giai đoạn mới.
Lễ gắn alpha khóa 24 của chúng tôi có thể đặc biệt hơn những khóa đàn anh. Trước đó một tuần, tôi và một số đồng đội được đi phép. Ưu tiên này dành cho chúng tôi có lẽ như một đặc ân. Cái lý do cho một số sinh viên có dính dáng với phòng chiến tranh chính trị về Sài Gòn mời ca sĩ giúp vui chỉ là một cái cớ, từ lòng ưu ái của các vị sĩ quan của khối Chiến Tranh Chính Trị.
Đêm lễ hội đã đến. Trong ánh đèn sáng ấm của Vũ Đình Trường, chúng tôi gói mình trong bộ đại lễ, với đầy đủ dây biểu chương màu anh dũng bội tinh, với casquette đính phù hiệu ngọn lửa, thanh kiếm cùng 4 chữ Cư An Tư Nguy. Trong giờ khắc thiêng liêng và uy nghi, chúng tôi quì xuống, chúng tôi đứng lên, theo lệnh. Trên hai vai bây giờ đã nặng nặng một chút gì. Chẳng thuần túy là cái alpha. Con cá vàng này còn chở trên lưng nó những cái gì cao quí hơn, tuy còn ở khá xa.
Giờ văn nghệ giúp vui, tôi lạng quạng sau hậu trường, đã toan bày trò phỏng vấn một nữ ca sĩ để đăng lên Bộ Binh, nhưng rồi lại thôi. Tôi về nằm sớm, hoạch định trong đầu những việc phải làm trong chuyến đi phép sắp tới.
Sau khi chia tay một số đồng đội đi ngành chuyên môn hoặc binh chủng khác, chúng tôi bắt đầu học làm một người chỉ huy cấp tiểu đội. Địa hình, Chiến thuật là những môn học được chú trọng đặc biệt. Sử dụng những vũ khí nặng như trung liên bar, đại liên M30, súng cối 60 cũng được thực tập trong giai đoạn này.
Tôi vẫn chưa quên những ngập ngừng trước khi đặt bàn chân trên nấc thang dẫn lên đỉnh ngọn giả sơn. May mắn tôi không run, không oà khóc như một vài đồng đội. Sợi dây thừng lớn đã vòng qua thắt lưng, buông thõng giữa hai ống chân. Một bàn tay nắm đoạn trên, một bàn tay nắm đoạn dưới. Nhớ kỹ trong đầu những động tác sẽ thực hiện: nắm, nới, co, đạp. Tôi bắt đầu thả ngửa thân mình, từ từ buông lỏng dây cho thân thể ở vừa thế có thể đạp chân vào lưng giả sơn rồi búng mình và nới tay. Trời xanh lắm, mây trắng lắm. Một đạp rồi hai đạp, dễ chừng đến cái đạp thứ ba tôi mới trở lại mặt đất, tự bằng lòng với chính mình, nghĩ bụng chiều tối về sẽ viết thư khoe cùng cô vợ miền Trung.
Tôi cũng có một chút lo lo về môn dây tử thần, bởi chỉ có thể lặn đến ba ngày mà không biết sải tay cho nổi. Nhưng chả sao, đã có áo phao. Một hai ba, co chân, rướm mình ra, cái ròng rọc vụt chạy ro ro...Ngọn cờ đỏ bên kia bờ đã phất. Buông tay. Ùm. Nước đẩy ngược thân thể lên. Ngon chưa, chẳng uống ngụm nước nào. Lại viết thư cho vợ, lại tường trình, màu mè pha chế thêm chút đỉnh...Cái hôn của vợ còn mù mịt xa.
Con cá vàng trên vai đã đến ngày tháng thêm vây, nhưng được gọi là con nòng nọc có đuôi. Con gì cũng mặc, chúng tôi chuyển sang giai đoạn ba, một giai đoạn hiểu ngầm. Đọc bản đồ, tìm điểm đứng, chấm toạ độ, chúng tôi liên tục thực tập. Với những chuyến đi xa trường, tôi bắt gặp cây trái miền Nam, bắt gặp cả những con đỉa mập tròn bởi chính máu của mình. Làm sao nhớ được những địa danh đã đi qua, gọi lên một tiếng cho thêm ấm câu văn vẫn còn nhiều lủng củng, hời hợt, mơ hồ. Những trận đánh giả vẫn như là cuộc chơi nằm ngoài mọi binh pháp đã có trên đời. Chiến thuật loanh quanh trong lý thuyết. “Địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến, địch lừng khừng ta bối rối” Chợt thấy ngay trước mặt ông đại úy Đức già đầy uy dũng, khí khái nên chậm vinh thăng. Những đồi bãi trực thuộc quyền sử dụng của nhà trường đã trở nên thân quen với khóa sinh. Tôi đã có những giây phút tịnh tâm để viết một vài bài thơ tại bãi Vườn Thơm. Tôi đã đàng hoàng cầm súng đóng vai người lính gác tại bãi Nhà Sập để...chụp ảnh gởi về cho cô em đệ tứ Tây Hồ. Tôi đã có đủ thời gian trên đồi 18, gần xa lộ Biên Hòa, để nằm nhìn trời, ngó mây trôi, suy ngẫm về những lời Đức Khổng Tử dạy trong Hề Từ Hạ:
Ngụy giả an kỳ vĩ giả dã
Vọng giả bảo kỳ tồn giả dã
Loạn giả hữu kỳ trị giả dã
Tri cố quân tử an nhi bất vọng nguy
Tồn nhi bất vong vong
Tri nhi bất vong loạn
Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo giả dã
Nguy từ điểm tựa bình tâm
mất từ cái có trong tầm tay ta
loạn vì lối cũ trị gia
yên vui hãy nghĩ bóng ma chờn vờn
xuôi tay nhắm mắt mất còn
vui thời thịnh trị lo xong suy tàn
yên tâm giữ nước, ngai vàng
(LH dịch mò)
Lời dạy quí báu này được cô đọng trong bốn chữ “Cư An Tư Nguy” mà Đại tá Lam Sơn Phan Đình Thứ, một cựu chỉ huy trưởng, năm 1962 đã đề nghị ghi lên phù hiệu của quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Ngọn lửa nhiệt huyết, thanh kiếm cương trường trên nền xanh thanh khiết, càng lấp lánh khi bên cạnh có thêm một triết lý sống “muốn hoà bình hãy lo chiến tranh” của Đức Khổng Phu Tử.
Học ở đồi, ở bãi còn có cái thú rất đáng được phạt dã chiến. Tôi nghiệm thấy rằng những giờ học tại phòng thường gây ngủ gục nhiều hơn học ngoài bãi. Nhưng ngủ gục ở ngoài bãi thú vị và chậm bị phát hiện hơn. Là một người ít ngủ, nhưng tôi cũng có một đôi lần gật gù, tán đầu vào lưng người ngồi hàng trước.
Giờ cơm ở ngoài đồi, bãi cũng thoải mái hơn giây phút ăn “cơm nhà bàn”. Với những ưu đãi trên, chúng tôi dễ dàng tiêu hóa những phương cách chỉ huy một trung đội, sẵn sàng chờ đợi ngày ra trường. Tuy vậy trong thời chuẩn bị trưởng thành này chúng tôi cũng không quên, không thể quên bổn phận và trách nhiệm lau giày, chùi súng.
Tôi mang giày số 5. Thay đôi giày đế da, có đóng hai con đĩa sắt sau gót, đôi botte de saut quả đã làm nặng bước chân rất nhiều. Nhưng nó đã trở nên một người bạn rất thân thiết của tôi. Chăm sóc nó đã trở nên một công việc hằng ngày. Lơ đễnh một chút, nó tặng ngay cho những buồn bực. Tôi không nhớ, và hình như cũng chưa chú ý, những đôi botte de saut của quân lực Việt Nam Cộng Hoà được sản xuất từ đâu. Nhưng biết chắc một điều, loại da giày này rất tốt. Để tránh những cái hít đất, nhảy xổm bất ngờ, tôi luôn luôn cho đôi giày của mình hưởng một chế độ săn sóc ưu tiên. Sạch sẽ chưa đủ, phải bóng láng ngon lành mới chắc ăn. Giày đứng trong tủ, lâu lâu tôi ngó chừng, lỡ hạt bụi nào rắn mắt bay qua thì mệt. Giày đang ở dưới chân, đi qua vài chặng, tôi dòm chừng. Có chút gì phải lòng theo gót, tức thì tôi dừng lại, cúi xuống xử lý kịp thời, liếc qua liếc lại, ok mới tiếp tục lên đường. Và dĩ nhiên tôi không quên câu lời dạy vàng ngọc “Súng Là Vợ, Đạn Là Con”, nên rất tận tình với khẩu garant M1 nặng chình chịch của mình. Săn sóc, bảo vệ lâu ngày trở thành một cái ghiền rất nghệ thuật. Chùi súng, không phải chỉ làm sạch nhan sắc bên ngoài mà phải bảo trì cả hệ thống điều hành bên trong từ cơ bẩm đến những đường khương tuyến. Làm sạch nòng súng thường được gọi là “thông nòng”. Trong mọi động tác của việc chùi súng, tôi thích nhất là thông nòng. Xin các bạn đừng hiểu lầm việc thông nòng khi về Sàigòn, dĩ nhiên cũng thích thú không kém. Là sinh viên sĩ quan, dù trừ bị Thủ Đức hay hiện dịch Đà Lạt, tôi nghĩ việc chùi súng, đánh giày, nhổ cỏ là chuyện đương nhiên, không nên quá chua chát như người bạn thơ Thái Luân của tôi:
Học máy bay đổ bộ
học bắn phá núi rừng
học đánh giày, nhổ cỏ
làm tên lính Việt Nam...
(thơ Thái Luân )
Tự biết mình khó hoàn thành tốt những hình phạt, nên tôi luôn luôn cố gắng giữ đúng nội qui, kỷ luật của nhà trường. “Nhìn Quân Phục Biết Tư Cách”, “Thao Trường Đổ Mồ Hôi Chiến Trường Bớt Đổ Máu”...không học mà vẫn thuộc lòng. Tôi nghiêm túc, gương mẫu đến như thế này: ra mền trên giường ngủ
luôn luôn thẳng ngay vì chẳng mấy khi tôi đắp, ngại mai dậy sẽ phải làm lại. Không đắp, thì chỉ cần vuốt quanh mấy cái là ngon lành như cũ Mũ áo trong tủ luôn luôn chỉnh tề. Đầu dây biểu chương, bút nịt bóng lấp lánh. Nhỏ nhẹ, tế nhị với đồng đội, tôi an phận làm một anh lính cù lần thứ thiệt. Cái ghiền làm thơ, viết lăng nhăng của tôi cũng được giữ kín đáo, nếu không có ông đàn anh khóa 23, Mê Kung (nhà thơ Phan Nhự Thức sau này), liên tục đến ve vãn. Xin thành thật cảm ơn người này. Nhờ bạn, bây giờ tôi mới có vốn, viết thêm một đoạn nữa về quân trường của chúng ta. Tôi xin được nói đến tờ Bộ Binh và những bằng hữu “Huynh Đệ Chi Binh” của tôi.
Nguyệt san Bộ Binh, trong mục đích khiêm nhường, có lẽ chỉ nhằm phổ biến những thông tin quân sự, truyền đạt những nội qui, thông cáo có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cơ sở giáo dục quân sự này. Nhưng nhờ vào nhiệt tâm, sự sáng suốt của những người có trách nhiệm, chăm sóc đi trước, đã biến tờ Bộ Binh thành một tạp chí không thiếu bóng dáng văn học nghệ thuật.
Giai đoạn tôi được đến với Bộ Binh, những người nặng lòng, nặng trách nhiệm với tờ báo có thể kể: (xin lỗi tôi không thể nhớ đầy đủ họ tên) đại úy Mục, đại úy Phán, trung úy Ý Yên, Thiếu úy Liễu (họa sĩ Trịnh Cung) và một số sinh viên khóa đàn anh như Mê Kung, Hồ Minh Dũng...Đồng khóa tôi, hết lòng với nguyệt san, xin điểm danh, không theo thứ tự ưu tiên nào:
Sinh viên sĩ quan (SVSQ) Cao Đình Vưu, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, giáo chức, đã và đang thành danh nhà thơ qua các tạp chí văn học tại Sài Gòn, dưới bút hiệu Cao Thoại Châu. Cao Đình Vưu không đến quân trường Thủ Đức để “Mời Em Uống Rượu”, anh đến đây để trở thành một chuẩn úy Địa Phương Quân sau này. Vưu hiện sống tại Sài Gòn.
SVSQ Trần Bích Lan, nhìn bề ngoài, anh là một người lính lè phè, có đến vài tuần mặc đồ thường dân trong quân trường vì quân phục chưa sửa kịp cho thích nghi với cái bụng tầm cỡ của anh. Nhà thơ “Áo Lụa Hà Đông” Nguyên Sa này đến Thủ Đức để khám phá sức nặng của một khẩu Garant M1, Sức nặng đó chính là xương máu, tấm lòng cùng sự hy sinh cao quí của những người lính bảo vệ quê hương mà lâu nay anh chưa được biết đến. Những “Tuổi 13”. “Paris Có Gì Đẹp Không Em”...tuyệt hảo, nhưng “Xin Lỗi Về Những Lỗi Lầm Dĩ Vãng”. “Bây Giờ”...đâu có thua sút, nếu không muốn nói thắm đượm tình người một cách chân thật.
SVSQ Trần Quí Sách, với một cơ thể khiêm nhường da thịt nhưng sức làm việc của anh thật đáng nể. Tên đã đẹp, bút hiệu không kém: Trần Hoài Thư. Anh đã thành danh qua các tác phẩm “Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang”. “Những Vì Sao Vĩnh Biệt”...tiếp tục đến với Bộ Binh bằng những trang “Nhật Ký Quân Trường”, tiếp nối Mê Kung Nguyễn Văn Minh. Trần Qúi Sách là người thủy chung với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nói chung, với Bộ Binh Thủ Đức, nói riêng. Anh đã có một tác phẩm viết về ngôi trường mẹ của anh: “Thủ Đức Gọi Ta Về”.
SVSQ Phạm Văn Bình, người tầm thước, có màu da ăn nắng, anh là một người làm thơ kín đáo, nhưng đã có một bài thơ để đời qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, ca khúc “Chuyện Tình Buồn”. Ra trường Phạm Văn Bình phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Hiện nay anh ở Hoa Kỳ.
SVSQ Phạm Hoàng, họa sĩ chuyên về tranh lụa, anh đã đóng góp phần trang điểm cho khuôn mặt Bộ Binh thêm đậm đà hương sắc. Hiện nay Phạm Hoàng định cư tại Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục sinh hoạt hội họa.
SVSQ Lưu Trung Khảo, một nhà mô phạm, bạn thân với nhà thơ Nguyên Sa, nhưng vóc dáng đối chọi hoàn toàn. Vào quân trường anh không quên mang theo cái tác phong “ông thầy”. Cùng với SVSQ Trịnh Kim Đồng, anh giúp tờ Bộ Binh nặng thêm tính chất văn học qua những bài biên khảo. Hiện nay, Lưu Trung Khảo ở Hoa Kỳ, thỉnh thoảng qua hộp thư hotmail, tôi thấy anh góp bài tranh luận nhiều vấn đề cộng đồng, trong một số diễn đàn (tôi không tham gia vào những diễn đàn này).
SVSQ Trần Sơn Hà, trắng trẻo, mập mạp, cũng là bạn chơi với nhà thơ Nguyên Sa. Nghe nói anh là một luật sư, rất tiếc tôi chưa có dịp trò chuyện với anh. Nghe nhà văn Song Thao nói, hiện nay anh ở Hoa Kỳ.
SVSQ Trần Văn Dưỡng, người miềm Trung, cao ráo vui vẻ, bút hiệu hiện nay của anh là Vương Trùng Dương, trong năm 2004 anh cho phát hành tác phẩm: “Ngẫm Chuyện Nhân Sinh” tại Hoa Kỳ.
SVQQ Nguyễn Thanh Ngân, dân trường tây ở Tourane, bạn thân của nhà phê bình Đặng Tiến, anh mang “Con Rùa Chậm Tiến” (danh từ này có từ huy hiệu của binh chủng Điạ Phương Quân, không có tính cách châm biếm, tôi nhắc lại như một kỷ niệm trong quân ngũ, vì đây cũng là một cụm từ rất quen thuộc trong đám huynh đệ chi binh chúng ta) trên tay áo sau khi rời trường.
SVSQ Lâm Chương, nhà văn lỗi lạc hiện nay tại hải ngoại, có lẽ chưa được dịp “Đi Giữa Bầy Thú Dữ”, nên lúc bấy giờ anh chuyên về làm thơ và...uống rượu. Không rõ nhuận bút của Bộ Binh trả cho anh bằng những ngày đi phép cuối tuần có giúp anh tìm được một bóng hồng nào không? (SVSQ Thủ Đức 2 tuần mới được ra phép một lần vào cuối tuần).
Sẽ không được thành thật nếu không nói một chút cái tôi, nhưng để trung trực, xin được trích dẫn một đoạn viết của anh Lâm Chương:
“ ...Năm 1966, lần đầu tiên tôi gặp Luân Hoán trong quân trường Thủ Đức. Cao Thoại Châu giới thiệu một anh chàng rụt rè như con gái, bảo đấy là nhà thơ Luân Hoán. Tôi hơi ngỡ ngàng trước một Luân Hoán hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi. Thời gian đã xa lắm rồi, tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì trong lần gặp đó. Vài lần sau, tôi đến chơi với một người bạn cùng đại đội với Luân Hoán. Thấy tôi, anh mỉm cười thay thế một lời chào. Chỉ vậy thôi. Không quấn quít ba hoa chích choè. Cuối tuần, anh em văn nghệ hay lên phòng chiến tranh chính trị họp bàn về tờ Nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức. Luân Hoán ít khi xuất hiện ở đây. Tôi ham vui, cũng léng phéng tới chơi nhưng không biết nói gì, nên ra đứng ngoài hiên hút thuốc. Có lẽ thấy cái mặt tếu của tôi phù hợp với giọng thơ Luân Hoán nên có người lầm tưởng. Nhà thơ Nguyên Sa theo ra ngoài vỗ vai tôi (một cử chỉ thân mật của bậc đàn anh ưu ái dành cho bọn đàn em) và hỏi, cậu là Luân Hoán đấy à ? Thơ cậu có sắc thái đặc biệt lắm đấy. Người ta chỉ biết danh Luân Hoán, không ai biết đến tên tôi. Trong một lúc bốc đồng, tôi cũng muốn mạo nhận mình là Luân Hoán cho thiên hạ nể. Nhưng ở quân trường tới lui qua lại hoài, có ngày cũng bị lật tẩy thì còn có nước độn thổ. Tôi đành nói thật, tôi không phải Luân Hoán. Tôi là Lâm Chương. Nghe tên tôi, Nguyên Sa tỏ vẻ thất vọng nói, à...thế à ? Rồi mỉm cười bỏ đi. À...thế à là thế nào ? Rõ ràng là nói cho có nói vậy thôi, chứ không muốn bắt chuyện. Tôi đứng hụt hẫng và...buồn 5 phút. Cái danh lợi hại thật. Người ta có cảm tình hay không cũng vì cái danh. Vô danh mà muốn chơi trội, khó lắm. Mạo nhận lại càng nguy hiểm..”.
( Lâm Chương, trong “Luân Hoán Một Đời Thơ”).
Bên cạnh những người bạn sính văn chương trên, tôi còn có rất nhiều bằng hữu. Tiện đây, xin phép cho tôi lược nhắc đến một số đồng đội một thời:
Nguyễn văn Bé, giáo chức, người miền Nam, hiền lành, là người có tuổi lớn nhất trong chúng tôi. Võ Ngọc Bé, người miền Nam, anh thuộc nhóm volontaire, cao lớn như người Mỹ, nghe nói sau này anh vinh thăng đến Trung tá. Nguyễn Tấn Đỡm, người miền Nam, hơi lầm lì. Nguyễn Anh, người miền Nam, trắng trẻo như công tử bột. Nguyễn Văn Được, người miền Trung, rất malin, có nhiều lần uống café cùng tôi ở câu lạc bộ Thanh Hoa trong trường. Nguyễn Văn Diên, “dân” Phan Châu Trinh Đà Nẵng, thuộc nhóm volontaire, vui vẻ, nhanh nhẹn đã cùng tôi và Mai Xuân Châu bát phố Sài Gòn trong nhiều lần ra phép. Trần Mỹ Lộc, người miền Trung, cao lớn, đẹp trai, từ chối không chuyển qua Không Quân ở đầu giai đoạn 2, là một trong những người tử trận sớm nhất của khóa 24. Trương Hưng Hiểu, người miền Nam, loắt choắt, có khuôn mặt ngộ nghĩnh như danh hề Tùng Lâm và biệt tài gây cười chưa chắc thua danh hề này. Mai Xuân Châu, người Huế, nằm ngay phía dưới tôi, tốt bụng, vui tính, từng theo tôi về Sài Gòn trong các dịp đi phép. Nguyễn Văn An, người miền Nam, giáo chức, rất hòa nhã. Nguyễn Minh Châu, người miền Nam, rất yêu đời, chuyên viên nghe radio loại bỏ túi. Lê Văn Chỉ, người miền Trung, chăm chỉ, sợ kỷ luật, thuộc loại cù lần như tôi. Nguyễn Đường, người miền Trung, cao và gầy, hơi vụng về, lóng cóng trong những lần thực tập. Nguyễn Văn Pháp, người Đà Nẵng, giáo sư trung học và là người dạy kèm cho các đứa con của “khúc ruột dư” trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Ra trường anh làm sĩ quan liên lạc Việt Mỹ. Ông thầy Pháp này hiện vẫn ở Việt Nam. Châu Văn Tùng, người bạn chí thân của tôi. Anh đã trễ chuyến bay C130 ngày nào, đành phải vào trung tâm huấn luyện Quang Trung 3 tháng, trước khi chuyển đến trường Bộ Binh, học tiếp giai đoạn hai. Tùng phục vụ tại sư đoàn 2 BB rồi sư đoàn 3 BB trước khi giải ngũ có lãnh chiến thương bội tinh. Hiện anh vẫn ở Đà Nẵng. Huỳnh Châu, hỗn danh Tê Tê Quách, người gốc Bình Định, tỵ nạn tại Porland OR, Hoa Kỳ năm 1992 có gọi thăm tôi, và không quên nhắc tiếng kêu của con chim “bắt cô trói cột” rất nhiều ở vùng quê anh. Nguyễn Minh Huấn, định cư tại Philadelphia Hoa Kỳ, năm 1998 bất ngờ gởi tặng tôi tấm ảnh của chính tôi mặc quân phục đại lễ, mà anh cất giữ sau 32 năm...
Bằng hữu trong thời ở Khu Bưu Chính bốn ngàn, một trăm (KBC 4100) của tôi không chỉ giới hạn những nhân vật vừa nêu trên. Tôi còn hàng trăm chiến hữu khác. Tất cả những người cùng trung đội, cùng đại đội, cùng tiểu đoàn, cùng liên đoàn, tóm lại cùng khóa đều là anh em của tôi. Lời nói này có vẻ khoác lác, làm dáng, nhưng giải thích thế nào về nỗi nhói lòng của tôi, khi được tin một bạn đồng khóa tử trận. Đã từ lâu tôi ao ước có trong tay một bản danh sách Sinh viên Thủ Đức khóa 24 với đầy đủ những thông tin, ai còn ai mất, ai tàn phế ra sao, dù chẳng biết để làm gì. Xin thân ái gởi lời chúc sức khoẻ đến tất cả các đồng đội của tôi, những ông chuẩn úy trong năm 1967. Tôi tin vẫn còn hiện diện rất nhiều trên trái đất này. Không quên thăm gia đình các bạn.
Khóa 23 của Mê Kung Nguyễn Văn Minh ra trường. Trước khi từ giã trường mẹ, Mê Kung và các bạn trong ban biên tập tờ Bộ Binh, tổ chức một đêm uống chia tay dưới khu gia binh Thiết Giáp. Tôi có mặt trong đêm hôm đó, và là người đại diện khóa 24 tiếp chiêu rất ra trò với khóa đàn anh. Tửu lượng tôi không cao, không phải là tay nhậu thứ thiệt như Lâm Chương, nhưng khi nóng máy cũng rất hết mình. Đêm đó đối thủ của tôi gục ngay tại bàn, một điều “khó tin nhưng có thật”. Tôi cũng không hiểu tại sao mình còn đủ bình tĩnh và hơi sức mò về tới phòng, leo lên được giường ngủ. Nhưng chỉ vài phút sau, tôi nghiêng đầu xuống chỗ nằm của Mai Xuân Châu và không cưỡng được nôn mửa. Gần nửa trung đội bị đánh thức. Nhiều bạn nhiệt tình chăm sóc cho tôi, tội nhất là Mai Xuân Châu. Mặc dù say, tôi vẫn tỉnh táo, nhắc nhở Châu làm vệ sinh cẩn thận. Tôi hoàn toàn vô sự sáng hôm sau dù trong miệng còn nặng mùi rệp chết, hương vị của rượu Rhin sau khi đã uống quá sức mình.
Khóa 23 đi, chúng tôi trở thành khóa đàn anh. Chương trình học có vẻ nhiều hơn nhưng xem chừng thong dong ra. Ngoài giờ học chúng tôi hưởng được những “giờ tùy quyền” đúng nghĩa. Tôi bắt đầu viết thư tình giúp cho một số bạn vừa bắt được “bò lạc”. Nội dung những lá thư ong bướm như vậy thường được tôi thi vị hóa cảnh quân trường, bãi tập, lồng vào những chút dáng dấp “suy tư thời đại” cùng những sở thích “hợp thời trang” bấy giờ:
Mê nhạc của họ Trịnh
thích tiểu thuyết hiện sinh
thương cuộc đời lính chiến
thích giọng Mai Lệ Huyền
có khuynh hướng phản chiến
thích thơ Thanh Tâm Tuyền...
(Trôi Sông)
Không hiểu những bức thư chẳng giống ai đó có kết quả thế nào, mà “khách hàng” của tôi tăng thêm, khiến tôi phải đặt điều kiện: chùi súng giùm tôi đó nghe ! Đi lấy bánh mì sáng cho trung đội nhằm phiên tôi được không ? Thậm chí có bạn còn hứa bao luôn hai giờ gác đêm cho nữa. Viết thư tình giúp bạn nhưng riêng tôi không lượm được con “bò lạc” nào. Vài ba lần trên đường Lê Lợi, trên đường Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Hai Bà Trưng...tôi giật mình nghe gọi đích danh mình. Ngó lại vài ba bóng hồng cụm đầu vào nhau khúc khích. Hóa ra bảng tên trên túi áo, làm mình bâng khuâng. Thật ra những lần về phép như vậy tôi cũng thường được chuyện trò với vài bông hoa mượt mà trong quan hệ bà con bên vợ xa xa. Và cũng đôi phen nhúng mình vào ít giờ bay bướm ở đâu đó, nhất là những lúc ngao du cùng Châu Văn Tùng
Cuối tuần được về phép
trước nhà thờ Đức Bà
gởi bao lời xưng tội
qua bước em thiết tha
đi quanh trường Trưng Vương
quyết chọn một người thương
ngang dọc lòng chấm điểm
thôi đành, chọn cả trường
(Cảm ơn đất đá trổ thơ...)
Dễ tính và lãng mạn đến như vậy, nhưng tôi vẫn chỉ viết thư tình cho thiên hạ. Nhiều lúc bực mình, tự phụ:
Lần nào ta soi gương
cũng thấy mình dễ thương
tại sao em không thấy
chẳng lẽ em bất thường
(CƠĐĐTT)
Mà gái Sài Gòn trong thập niên 60 hình như bất thường thật !
Một kỷ niệm vui khác đáng nhắc ở quân trường rơi vào giờ tắm rửa. Những hồ chứa nước ở quân trường được đúc bằng ciment theo hình chữ nhật khá lớn. Tuy vậy nguồn nước không nhiều. Vào những giờ đi bãi về, tất cả sinh viên tùy khu vực, ùa
ra làm vệ sinh thân thể. Tắm là việc không thể thiếu. Và chuyện tồng ngồng cũng là điều bình thường của nhiều sinh viên. Tôi vốn hay mắc cở, luôn luôn phải có trên mình cái quần đùi-không-cửa-sổ, màu trắng rất dễ hóa thành giấy gương khi gặp nước. Những buổi tắm như vậy thật là vui. Bạn bè tôi nô đùa tự nhiên như trẻ thơ. Họ so sánh, họ biểu diễn cái món “ăn vô cho thấu bụng nàng, thực bất tri kỳ vị mới biết của chàng là ngon” (ca dao Quảng Nam). Có lần tôi phải giật mình về anh chàng Trương Hưng Hiểu. Với chiều cao hơn thước năm chút đỉnh, nhưng sao cái “chiếc gậy thần” của anh lẫm liệt quá chừng chừng, vượt hẳn toàn trung đội. Thật đúng như tục ngữ “nhỏ người to con mắt”. Cũng do tắm rửa, có lần tôi suýt choảng lộn với bạn cùng trung đội La Lưu Ý. Anh này vui nhộn cả ngày, gặp ai cũng nghịch được. Lần đó anh bất ngờ tuột cả cái quần-không-cửa-sổ của tôi. Phản xạ tự nhiên của tôi được Trần Mỹ Lộc can thiệp kịp thời. Không biết bây giờ La Lưu Ý ở đâu, có bớt mập đi chút nào chưa ?
Ngày tháng quân trường lặng lẽ đi qua. Học phòng rồi học bãi, nhưng thời gian nghỉ ngơi thư giãn vẫn không thiếu. Nhờ đó tôi thường ra vào các câu lạc bộ sinh viên. Trong một lần uống cà phê với Châu Văn Tùng, tôi đọc được hai câu thơ rất cảm động, kẻ bằng chữ in lớn trên tường câu lạc bộ:
Một con ngựa trắng về trời
Hai hàng quân đứng ngậm ngùi tiễn đưa
(không rõ tác giả)
Tác giả hai câu này có lẽ là một khóa sinh thuộc một trong những khóa đàn anh của tôi. Tôi đọc bằng mắt, tôi đọc bằng cả tấm lòng. Cảm thấy thật gần gũi với người viết. Và không quên vớ vẩn nghĩ lung tung. Trong khuôn viên một quân trường sĩ quan có tầm cỡ của Đông Nam Á, lại có một câu não lòng đến như vậy nhởn nhơ trước những suy ngẫm của mọi người. Lạ. Nhưng không lạ. Bởi Tự do được thể hiện ngay trong cách suy nghĩ, cách bày tỏ xúc cảm. Không có chuyện kiểm duyệt, cấm đoán vì sợ làm nhụt chí khí binh sĩ. Tự do vẫn là không khí đang nuôi dưỡng chúng tôi.
Sau những giờ học, tôi dành thời gian đi dạo nhiều hơn. Những hàng cây trên các ngả đường trong quân trường dường như cũng thân mật, đậm đà với tôi. Tôi nghe được gió thầm thì, cả tiếng chim hót. Sự chuyển mình nhẹ nhàng của dòng mây trên trời cao thoáng chạm vào lòng tôi. Tôi chợt phát hiện nơi đây thật là đẹp, thật đáng lưu luyến. Chính những lúc này tôi mới nhìn rõ mặt cổng số 1, mặc dù tôi có lần đã cùng cây garant đứng gác cổng. Khu tiếp tân mà giai đoạn một tôi thường đi tìm một con bò lạc cuối tuần hơn là chờ đón một thân nhân, giờ đây như nhỏ lại, ấm hơn. Chợ Nhỏ Tăng Nhơn Phú ngoài kia không thiếu những đôi mắt biết cười, biết nhớ nhung, đang đợi chờ đâu đó.
Khóa 25 nhập học, chúng tôi, hay ít nhất riêng tôi, không thực thi quyền hạn làm anh bao giờ. Tôi có người bạn thơ đi khóa này. Anh Thành Tôn, một kẻ từng Thắp Tình, từng Thuyết Giáo cho tình người, tình quê hương. Tôi nghe nói còn nhiều khuôn mặt sinh hoạt văn học nghệ thuật khác nữa, nhưng tôi không đi tìm, không làm quen. Bản tính tôi kém xã giao. Sự kín đáo, nhỏ nhẹ của tôi có thể là cái duyên để tôi tránh được những hình phạt xảy đến cho mình bất cứ lúc nào, từ thiếu úy Mến, thiếu úy Hoàng, thiếu úy Tốt....những vị sĩ quan hướng dẫn đại đội 5 của tôi. Suốt 9 tháng tại quân trường ngoài những lần bị phạt tập thể cả trung đội, cá nhân tôi chưa hề hít đất, nhảy xổm hay một hình phạt nào khác. Tôi không có cơ hội vào 301, nơi an dưỡng của các anh chàng có chút máu ba gai. Nhận xét thật thà, ở giai đoạn 2, tôi khá lè phè. Không ít lần tôi nại cớ công việc báo chí để tránh những công tác của đại đội “lặn” đi lang thang.
Năm ba lần, trung tá Soạn, anh của Lý, chở tôi đi phép trở về trại, vài lần chú em họ tôi, đại úy Tham tạt qua thăm, có lẽ cũng giúp tôi tạo được ít nhiều ấn tượng tốt trong những đánh giá. Sự thương quí của các đại úy Mục, đại úy Phán ở Khối Chiến Tranh Chính Trị, có lẽ đã giúp tôi có thứ vị, phải nói là rất cao trong danh sách ra trường, mà đúng khả năng tôi không đạt tới.
Tôi chọn về sư đoàn 2 Bộ Binh vì giữ đúng lời hẹn cùng một số bằng hữu. Lẽ ra tôi có chỗ tốt hơn, nếu xem tên những đơn vị ghi sẵn còn bỏ trống trên bảng. Thiếu úy Mến, người đưa đại đội đi chọn đơn vị hôm ấy, đã ngạc nhiên sau bàn tay ghi tên của tôi. Nói cho ngay, biết chỗ nào là tốt, chỗ nào là xấu. “Ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang”. Đã bi quan một cách quá đáng như vậy còn ngại gì một địa danh gần với quê nhà ?
Chờ đợi từng ngày cuối cùng cái giờ phút từ giã quân trường cũng đã đến. Tôi rời vị trí chọn đơn vị với tâm trạng ngổn ngang. Tiếc hối không nhiều, nhưng buồn quá đỗi. Tôi lang thang qua nhiều ngã đường. Tưởng đã khóc được trước Trung Nghĩa Đài. Phân vân sờ tay lên mặt bia, tôi thèm gặp một ai đó xa cách vời vợi. Vũ Đình Trường rộng quá, đầu gối của tôi từng quì nơi đây. Gót chân của tôi từng trải lên mặt nhựa này. Trong khoảnh khắc một vài đường phố Sài Gòn chờn vờn trước mắt tôi. Hoá ra tôi từng được đi trong hàng quân diễu hành đến đinh Độc Lập để mừng ngày tướng Thiệu, Tướng Kỳ gánh tránh nhiệm với non sông. Tôi tìm tới đại giảng đường. Căn nhà to lớn sườn sắt mái tôn, lòng trống rỗng. Tôi sờ lên vai mình tìm chiếc ghế ngày nào đã cõng đến đây để ngồi nghe huấn lệnh. Lại đi. Buồn bã quá tôi ngồi xuống bên chân một bức tượng của họa sĩ Lê Thanh, cùng khóa tôi, để lại cho trường. Ngoài Lê Thanh còn tượng của Đỗ Toàn nữa. Những sinh viên khóa 24 thật tài hoa. Tôi tự cảm ơn mình đã được có mặt trong quân trường này một thời gian. Lại nghĩ đến cổng số 9, nghĩ đến cầu Bến Nọc ngoài kia, nơi một vài đồng đội của Thành Tôn, Vũ Thành An...đã đổ máu. Cũng như moị người khác, tôi đã bất lực dù có mặt trong thời khắc đó với khoảng cách chẳng bao xa. Nếu nhanh chân hơn một chút, đại đội của chúng có lẽ đã nhận cái trò chơi không mấy sạch sẽ đó của những người anh em bên kia chiến tuyến.
Tôi vẫn dạo bước, thật sự bịn rịn sẽ phải rời xa nơi này, nơi chín tháng qua tôi từng ngày mong ra khỏi. Nỗi ám ảnh về bài thơ viết cùng Cao Thoại Châu cứ theo bám bên tôi. Tôi quên hẳn Châu Văn Tùng, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc đang chờ. Và cũng không biết trong giờ phút đó Lâm Chương cùng những bạn khác chạy tìm tôi để uống rượu lần sau cùng với quân trường.
Tôi đã ra đi thật rồi. Cổng số 1 như có đôi mắt, biết nhìn theo, tôi không bước đều theo hành khúc Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn...Nhưng nóng cả cơ thể với lời nhắn gởi chân tình...Cư An Tư Nguy luôn nhớ đời...
Trường Bộ Binh Thủ Đức thân yêu của tôi, hậu thân của trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, ra đời năm 1951. Qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, đã thật sự khép lại một trang đời anh dũng với gần 70 khóa, đào tạo hơn 55 ngàn sĩ quan trừ bị cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Là cựu sinh viện sĩ quan, đã biết đổ máu cho chính nghĩa, cho tự do, chúng tôi không giấu những tự hào của mình. Chúng tôi vẫn là những người chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ tình người, bảo vệ nhân phẩm. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đương thời, đã dần dần học được những bài học từ chúng tôi, trước nhất là sự khoan dung và tha thứ. Chúng tôi cũng tin tưởng, chủ nghĩa độc đảng học từ ngoại bang lỗi thời, có ngày biết sinh hoạt bình đẳng với các tổ chức đảng phái khác, với mục đích đem tự do no ấm cho nhân dân.
Bây giờ, đúng 11 giờ 31 phút, thứ năm, 08 tháng 12 năm 2005, Montréal, nắng đẹp. Nhiệt độ bên ngoài phòng tôi 13 độ âm (-13C). Tôi đang có trước mặt một số hình ảnh chụp từ thời ở KBC 4100. Nhìn anh chàng Lê Ngọc Châu mặc đồ đi phép, đầy đủ cà vạt đen, dây biểu chương vàng, alpha, casquette...đầy thơ ngây thật là thương .
Luân Hoán
(Quá Khứ Trước Mặt)
Sinh Tồn chuyển
Những Ngày Đầu Quân Và Thời Ở KBC 4100
Tuổi mười tám đã lặng lẽ đến với tôi. Tôi thật tình không nhớ những xúc cảm của mình khi được đón cái tuổi này. Cái tuổi mà đa số những người từng bước qua, cho rằng đẹp nhất của đời người. Tôi đã tìm đọc nhiều thơ văn viết về tuổi mười tám, nhưng rất tiếc, chưa tìm được những gì mình mong đợi.
Tuổi mười tám của tôi rơi vào năm 1959, sau hai năm má tôi qua đời. Năm 1959 cũng là năm tình hình quân sự của miền Nam có những dấu hiệu bất ổn. Chính phủ miền Bắc bắt đầu phát động chiến dịch đánh du kích nhiều nơi, để chuẩn bị khai sinh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào tháng 12 năm 1960.
Trong túi áo lúc bấy giờ, ngoài thẻ học sinh, tôi vừa có thêm thẻ căn cước. Gót chân (căn) tôi đã cứng, ống chân (cước) tôi đã vững. Tôi đã thành một người có thể tự đứng, tự đi, tự bước vào thế giới người lớn. Cuộc chiến trên quê hương giúp tôi sớm trưởng thành qua việc tham dự trưng binh quân dịch. Đây là một nghĩa vụ của một người con trai, sau 17 năm vui chơi với đời, phải thực hiện trong vòng hai năm.
Vào mười giờ sáng một ngày đẹp trời, từ nhà trên đường Đông Kinh Nghĩa Thục Đà Nẵng (nay là Ngô Gia Tự), tôi lặng lẽ ra đi. Chỉ trong khoảng cách 250 thước, bước chân ngần ngại của tôi đã dừng trước cửa trụ sở Nghiệp Đoàn Lao Động Việt Nam trên đường Thống Nhất (Lê Duẩn bây giờ). Nơi văn phòng trưng binh quân dịch tạm thời làm việc. Địa điểm này cách đây sáu năm, tôi từng có đôi lần tò mò liếc mắt vào. Đó là cái bordel lớn nhất của thành phố Tourane. Dù lưỡng lự, cuối cùng tôi cũng thành “người khách hàng” đầu tiên của văn phòng trưng binh quân dịch hôm ấy.
Tôi được niềm nở cân đo và khám tổng quát. Tuy không cố tình nhịn đói, nhưng không hiểu sao đêm hôm trước tôi không muốn ăn, sáng hôm sau cũng không lót dạ. Với sức nặng 39 ký rưỡi trên một mét sáu chiều cao, tôi được xếp vào thành phần phụ dịch, dù tình trạng sức khoẻ bình thường. Kết quả tốt này đã giúp tôi chậm bước trong việc thi hành nghĩa vụ quân dịch. Tôi phơi phới ra về vì cái cái tên Lê Ngọc Châu, sinh năm 1941, đã có một số quân, để đời: 61/203.905.
Năm 1964, khi đang tập làm công chức tại Tòa Thị Chính Đà Nẵng, tôi nhận được lệnh động viên.
Bỏ lệnh gọi trong túi quần
tôi đi qua từng con phố
không biết phải làm gì
tôi trở về rửa mặt
quyết định ngủ một ngày
thản nhiên không mơ mộng
....
bỏ lệnh gọi trong túi quần
cứ làm thơ cái đã
không biết để làm gì
tôi dán trên vách cửa
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Dù ngủ, dù làm thơ, dù thắp hương cho mẹ, dù lục soạn gì đó trong các ngăn tủ... tôi cũng không thể không trình diện tại Quân Vụ Thị Trấn. Rồi cánh cửa trại Nhập Ngũ Số 1 đã giữ tôi từ sáng sớm đến chiều tối trong hơn hai tuần lễ.
Trại Nhập Ngũ Số 1 thuộc vùng I Chiến Thuật, tọa lạc trên một vùng đất rộng gần đường Đống Đa, Đà Nẵng. Đây là nơi tập trung những thanh niên, nằm trong hạn tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự, trước khi được gởi tới các trung tâm huấn luyện tùy theo điều kiện. Tôi được chuẩn bị để gởi theo học khóa 21 trường Bộ Binh Thủ Đức, cùng với người bạn học, Phan-C- Dinh.
Trong hơn hai tuần, ngoài những giờ nằm chơi trong các dãy nhà tôn mang tên A1, A2...chúng tôi được đưa lên Tổng Y Viện Duy Tân để khám sức khoẻ theo lịch trình. Có khá nhiều bạn tự ý nhịn ăn trong giai đoạn này. Cũng lắm kẻ giả vờ mắt kém, chịu tiếp nhận một dung dịch gì đó vào mắt, để rồi than thở con ngươi xốn nhức, nhưng không đạt được kết quả gì. Vào ngày khám sức khoẻ cuối cùng, Dinh không vào trại. Và cũng từ đó, bạn ấy không chấp nhận ăn cơm nhà binh của Việt Nam Cộng Hòa, dù vẫn “ăn cơm Quốc Gia” để “thờ ma Cộng sản” trong nhiều năm nữa.
Giữa lúc tôi đang được trung sĩ Lê Hữu Yến, một người chú thúc bá làm việc tại trại nhập ngũ, “bồi dưỡng” tinh thần để chờ lên đường, thì được lệnh hoãn dịch tạm thời cho tất cả những người có năm sinh 1941, vì lý do “thặng dư tài nguyên”. Tôi hớn hở trở về, bỏ ngang việc đi làm công chức, sống lè phè với vài buổi kèm trẻ tư gia. Học trò của tôi lúc này có Lê Thị Ngọc Bảo, mặn mà lắm, con một thiếu tá ở cư xá Thống Nhất Đà Nẵng.
Tháng 6 năm 1966, quân Bắc Việt vượt vỹ tuyến 17 xâm nhập vào vùng phi quân sự (Demilitairized zone). Hai trung đoàn cộng quân đã có mặt trên phần đất chủ quyền của miền Nam trong tháng 7 năm 1966. Trước sự bành trướng này, đại diện của bộ Tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng đại tướng William Westmoreland ra Đà Nẵng, bàn kế hoạch với Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I, vùng 1 chiến thuật VNCH và Trung tướng Lewis Walt, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cuộc chiến đã vô cùng sôi động. Chiến dịch Lam Sơn 289, hay Hastings, theo người Mỹ, là mặt trận lớn nhất trên địa bàn Quảng Trị với sự tham chiến của liên quân Việt Mỹ đã gây tổn thất nặng nề cho sư đoàn 324B và Lữ Đoàn Giới Tuyến Việt Cộng, trong suốt 19 ngày liên tục. Nhiều phi vụ B 52 từ đảo Guam đã dội bom theo chiều dài 13 km, dọc bờ sông Bến Hải trong ngày 30-6-1966. Lệnh động viên tất cả các thành phần hội đủ điều kiện làm sĩ quan, đang được hoãn dịch phải nhập ngũ khóa 24. Tôi ra trình diện cùng các bạn thân như Châu Văn Tùng, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc...
Trại nhập ngũ số 1 lúc bấy giờ rất đông. Sau giai đoạn khám sức khoẻ tại Tổng y viện Duy Tân. Tất cả bị “cấm trại”, không còn được mỗi tối về nhà như trước. Khu thăm viếng của trại do đó ban ngày đông hẳn lên. Nằm chờ lên đường, tôi viết chơi đôi bài lục bát:
Nửa tờ nhật báo ôm lưng
đầu gối dép-nhật trông chừng dáng em
mắt buồn kiếm hiệp lười xem
nắng vây gió phủ chênh vênh nỗi chờ
...
không thằng nào tán chuyện chơi
nằm thẳng kỳ đất khơi khơi góc phòng
nghe chân chú rệp thong dong
bơi trên thân thể sắp bong nắng đời
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Thi hành nghĩa vụ quân sự, góp tay bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ tự do, nhân quyền là bổn phận của mọi người công dân. Với thanh niên bổn phận này càng phải được nghiêm chỉnh chấp hành, nhất là khi đã biết ít nhiều về đời sống, xã hội miền Bắc qua các phong trào Cải Cách Ruộng Đất trong thời gian 1953 đến 1958, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956. Những cuộc pháo kích bừa bãi vào những thành phố đông dân cư, những cuộc đặt mìn phá hoại các tuyến đường, gây chết chóc, hoang mang, hoảng sợ cho dân lành, càng làm tăng ý chí phục vụ chính thể Quốc gia. Tuy vậy cá nhân tôi không thiếu những âu lo, bịn rịn khi nhập ngũ. Nguyên nhân thật riêng tư: tôi đang có người yêu.
Cuộc tình của chúng tôi có ít nhiều không bình thường, lẽ ra tôi phải ra trước vành móng ngựa và đi tù sau đó. Nhưng may mắn, tôi có một người cha vừa thương con, vừa đủ kinh nghiệm để giúp chúng tôi vượt qua những trở ngại. Tôi xin được phép chêm vào đây một đoạn về biến cố trọng đại riêng này:
Mọi chuyện bắt đầu từ một tình cờ. Vào một hôm tôi ghé thăm anh Lê Lữ, người bà con chú bác thúc bá, có thời ở cùng tôi tại quê nội, Liêm Lạc. Lữ hiện là học hoc sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, anh muốn thường gặp tôi để đôi khi hỏi về bài vở. Cuối cùng, qua rủ rê của Lữ, tôi đến thuê phòng tại nhà ba mẹ Trần Thị Lý. Rồi từ người ở trọ, qua người dạy kèm, người cố vấn ăn mặc...đến người tình... 16 năm sau, một chiều mưa tôi ghi lại diễn biến của tình yêu chúng tôi bằng một bài thơ trích dưới đây:
Chiều mưa
mừng sinh nhật thứ 32 của Lý
ta đến trọ nhà em từ thuở
em chưa qua hết tuổi mười ba
bút mực thơm từng ngọn tóc đuôi gà
miệng liếng thoắng vụng về như con sáo
hoa cỏ dại mọc đầy trong túi áo
gót chân hồng không mệt mỏi nhảy giây
trái mù u chuyền thẻ chạy quanh tay
cười với hát, ăn quà, vòi vĩnh mẹ
chừng nấy việc dắt dìu em nhè nhẹ
dạo vòng vòng trong thế giới ngây thơ
mắt vô tư nhìn ta đến...không ngờ
chàng lãng tử của gió mây đã lại
phòng ta trọ âm thầm và trống trải
chiếc bàn vuông, cái ghế vải nhà binh
cán bút khô cắm giữa ruột lục bình
tàn thuốc lá chất buồn cao thành núi
những buổi sáng cúi đầu đi thui thủi
những chiều về nằm chờ đợi vu vơ
đời hắt hiu đậu xuống mấy giòng thơ
nặng trang báo gởi tình đi trăm ngã
một buổi sáng trời mưa buồn chi lạ
bâng khuâng nhìn em vọc nước ngoài hiên
gió mùa thu đùa trong tóc nghiêng nghiêng
bay lên má...nhận ra em đã lớn
trong khoảnh khắc lòng dịu dàng mơn trớn
buồn vu vơ theo thương nhớ miên man
mắt em xanh cũng bối rối hoang mang
le lói thắp nỗi tình ta ngơ ngác
từ bữa đó hồn ta đầy âm nhạc
nhận lời kèm em học Pháp văn
bài vỡ lòng bát ngát ánh trăng
em khờ dại hay chính ta vụng dại
thơ trời nắng trời mưa dài ra mãi
tóc em xanh cũng vừa xõa ngang vai
ta đưa em chọn hàng mẫu áo dài
ôi chiếc áo đầu tiên em tập làm thiếu nữ
ta ngơ ngẩn nhưng em cùng một thứ
bởi vì ta vừa mới biết yêu nhau
áo hẹn hò ta chọn có sai màu
thơ ta đã sum xuê lời bào chữa
ở chung nhà nhưng tương tư từng bữa
càng giận hờn càng tha thiết yêu thương
càng yêu thương càng cao nỗi u buồn
tình vụng dại nuôi xanh mầm sợ hãi
mẹ em bảo: biết được ruồi đực cái
vừa bay ngang, huống chi chuyện tình yêu
càng giấu quanh, càng bại lộ thêm nhiều
mẹ em đã răn dạy em to nhỏ
cửa phòng ta mon men lời bóng gió
đẩy ta buồn nối dài bước lang thang
ánh mắt em thao thức nỗi bàng hoàng
mở trang sách em úp đầu ngồi khóc
tình yêu tình yêu mệt nhoài, khổ nhọc
em bằng lòng chịu đựng để yêu thương
những là thư tha thiết nỗi vui buồn
em kín đáo giấu trong lòng máng xối
ta len lén lấy nhanh và đọc vội
mua cau trầu mai mối chuyện trăm năm
tình keo sơn cha mẹ phải bằng lòng
thơ ta đã vắng bóng em từ đó...
mười sáu năm qua đời dừng trong ga nhỏ
chiều hôm nay ngồi vơ vẩn trông mưa
em ngoài hiên, lại vọc nước như xưa
ta bỗng thấy em vẫn còn con gái
em có biết em vẫn còn trẻ mãi
bởi vì ta còn mãi mãi yêu em
nối tay nhau đan từng sợi võng mềm
ta kính cẩn mời em yêu ngã xuống
chiều bát ngát mưa ngoài hiên phiêu lãng...
(Đưa Nhau Về Đến Đâu)
Lý sinh ngày 03 tháng 01 năm 1951. Năm tôi đầu quân, Lý được 15 tuổi, nữ sinh trường trung học Tây Hồ. Để tôi an tâm đi nghĩa vụ, ba tôi khuyên cuộc tình phải chuyển qua giai đoạn hôn nhân. Ông đã vô cùng khó khăn mới thuyết phục gia đình nhà gái. Sau khi được sự chấp nhận, ông lo làm khai sinh lại cho Lý. Con số 1951 được thay bằng 1949. Và ông cũng không quên lập tờ hôn thú, với lý do, nếu để sau ngày tôi đã trở thành sĩ quan, an ninh quân đội sẽ điều tra lý lịch bên vợ làm chậm trễ nhiều việc, cụ thể là việc trợ cấp gia đình. Hôn thú của chúng tôi được ký ngày 30 tháng 11 năm 1966 trước hơn một năm dài, Lý chính thức được mặc áo cô dâu.
2.
Chúng tôi rời trại Nhập ngũ số 1 rất bất ngờ. Quá ba giờ chiều, hơn hai trăm thanh niên được đưa lên phi trường Đà Nẵng, không ai gặp được thân nhân. Khi xe GMC chạy qua đường Trưng Nữ Vương nỗi nhớ nhung đã bắt đầu nhoi nhói. Bạn thân đồng hành với tôi có Pháp, có Lộc nhưng Châu Văn Tùng xin ra phép đột xuất đã lỡ chuyến đi.
Phi trường Đà Nẵng là một căn cứ quân sự quan trọng lúc bấy giờ. Chiếc C 130 ruột rỗng, không có ghế, chúng tôi ngồi bệt trên mặt sàn thép cứng, lúc nhúc như một đàn súc vật. Phần đông cố giữ im lặng. Nhưng cũng có một số nói cười với những mẩu chuyện tiếu lâm không phải lúc. Buổi lên đường của chúng tôi không có những bàn tay đưa tiễn, không có biểu ngữ, vòng hoa, không có những ca khúc cổ động, ngợi ca đời lính “Anh Đi Chiến Dịch”(Phạm Đình Chương), “Huynh Đệ Chi Binh” (Anh Bằng)...Một cuộc ra đi lặng lẽ trong ánh nắng chiều đang loãng màu. Thời gian bay cũng không lâu lắm. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là một phần thịt da thân thiết của thủ đô Sài Gòn: phi trường Tân Sơn Nhất.
C.130 đổ xuống Tân Sơn Nhất
Sài Gòn dàn chào một cơn mưa
may mắn cho những thằng đang khóc
vừa đi vừa tự nhiên vuốt mặt
một áo, một quần, một tờ lá cải
lội bộ theo tôi ra Lăng Cha Cả
nhá nhem đèn đêm đợi xe GMC
đốt điếu thuốc
môi nhạt thèm một nụ hôn
đảo mắt vòng vòng trên những đỉnh vú
tự nhiên thấy tiếc vu vơ
xe chạy, gió, dằn xóc
thùng xe, lưng chống lưng
tay, tay xòe chống mưa
có đứa cười
có đứa tiếp tục khóc
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Mưa suốt con đường từ Lăng Cha Cả đến trường Bộ Binh Thủ Đức.Tôi không nhận được mặt mũi cổng số 1 dù vừa biết xe mới lọt vào. Sân Liên đoàn là bãi đậu của đoàn GMC đêm hôm ấy. Ngay giây phút chúng tôi xuống xe đã được tiếp đón một cách rất nhà binh. Tập họp. Điều này đương nhiên và không quá khó, chúng tôi đã thực tập ở trại nhập ngũ. Nghe huấn lệnh, cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng mỗi người trong chúng tôi đều mang một tâm trạng lo sợ và thủ thế hay đúng hơn là gắng giữ mình. Viên sĩ quan trực tại liên đoàn hôm đó là Thiếu Úy Thám, một người đang độ 40, giọng Bắc, không quá nghiêm khắc, nhưng cũng đã lạnh lùng tặng cho vài bạn láu táu mấy chục cái hít đất làm duyên ra mắt.
Thành phần đón tiếp không chính thức còn có năm, bảy vị hạ sĩ quan, binh sĩ. Họ lảng vảng bám sát chúng tôi, ân cần thăm hỏi, gợi chuyện. Một trong những người này, về sau nhận sửa quân phục và giặt ủi áo quần cho tôi suốt khóa học. Ánh sáng của sân liên đoàn hôm ấy không đủ để nhận ra cảnh sắc chung quanh mà thật ra tôi cũng không dám nhìn quanh, mất tập trung. Chẳng bao lâu, thiếu úy Thám đưa chúng tôi về sân một doanh trại khác. Khi đã nghiêm chỉnh đứng trong hàng 5, tôi mới nhìn lên bảng hiệu treo trên đầu cửa một căn phòng. Hàng chữ in sắc nét, đậm đà cho biết đây là “Văn Phòng Đại Đội 10”. Mấy chữ “Khóa 24” cũng bằng chữ in được viết nhỏ hơn, nằm bên dưới.
Ngay đêm hôm đó, thiếu úy Thám đã cẩn thận điểm danh nhiều lần, xong đi duyệt qua từng hàng. Ông gọi những sinh viên có mang kính cận, đứng riêng ra một góc. Nguyễn Văn Pháp, bạn tôi, anh thầy giáo của trường Sao Mai, Đà Nẵng, có cặp mắt kính khá bảnh được mời ra. Số bạn phải ra riêng không nhiều. Tôi nghĩ thầm những bạn này chắc sẽ được ưu tiên gì đấy. Nhưng không, họ được tức thì chuyển qua một đại đội khác. Hóa ra thiếu úy Thám có chút ít tính toán, lợi dụng trực liên đoàn, đón nhận tân binh, ông chọn cho đại đội ông những thành viên ít khuyết điểm, nhằm bảo đảm những kết quả thi đua giữa các đại đội sau này. Trong hơn hai trăm người, đa số được ở lại đại đội 10, được chia thành 4 trung đội: 37, 38, 39, 40. Tôi và Trần Mỹ Lộc lọt vào trung đội 40.
Bấy giờ có lẽ chưa đến giờ đi ngủ. Thiếu úy Thám cho thực hiện ngay cuộc bình bầu những sinh viên đại diện. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu chức vụ. Đại khái là sinh viên đại diện đại đội, sinh viên báo chí, sinh viên thể thao, sinh viên ẩm thực...Tuy có sinh hoạt văn học chút ít, nhưng tôi không dám ra ứng cử cái vai báo chí. Tính tôi vốn lười và ngại khó nên bỏ lơ những cái thúc cùi chỏ, nhắc nhở kín đáo của Trần Mỹ Lộc. Cuộc bình bầu cũng qua mau chóng. Không phung phí chút thời gian, thiếu úy Thám hướng dẫn chúng tôi đến kho quân trang. Phải công nhận tôi rất vất vả trong chuyện này. Quần áo mũ giày...cái gì cũng có kha khá trọng lượng. Ruột một các sac marine dài ngoằn không thể nào chứa hết mấy bộ treillis, quần đùi, áo ba lỗ, botte de saut, soulier, cà mèng, nón nhựa, nón sắt, nón vải Tam Tạng, mùng, mền...Tôi vừa mang vừa kéo về chỗ ngủ. Khóa 22 xuất trại, để lại khá nhiều giấy lộn, rác rưởi. Mặc kệ, tôi nằm úp lên giường sắt... viết thư.
Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đến phòng hớt tóc. Những kiểu tóc thời thượng bây giờ của Elvis Presley, Rock Hudson, Johnny Hallyday...không thiếu trên đầu những thanh niên đang hiện diện tại phòng hớt tóc nhà binh của quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Mái tóc của tôi không uốn ép nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu. Một chút khoe khoang trong hoạt cảnh hôm đó:
mái tóc bồng bềnh đẹp nhất Đà Nẵng
đẹp nhất miền Trung
đẹp nhất Việt Nam
rụng xuống
rụng xuống
từng tảng từng tảng
trong tích tắc
tôi giống con gà chọi
trống hốc
ngượng ngập, khó chịu
thiếu thiếu một cái gì
nhẹ nhõm, lẻ loi, kỳ quặc
soi mình vào đám bạn bè
cười lấp nỗi buồn bắt chợt
...
(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)
Dĩ nhiên nỗi buồn vụn này không thể kéo dài. Chúng tôi phải bắt tay vào việc làm tạp dịch, trong thời gian chờ đợi khóa sinh các nơi tập trung đến đầy đủ. Khóa học sẽ bắt đầu vào cuối tháng 12 năm 1966.
Tạp dịch thường được hiểu là làm vệ sinh doanh trại. Công việc này kéo dài suốt 9 tháng. Tuy nhiên ở giai đoạn một và nhất là những ngày mới nhập trại, mới được thực hiện tích cực và thường xuyên nhất. Nhổ cỏ là một công việc đi đầu của tạp dịch. Với tôi, nhổ cỏ là một việc làm khá lý thú, vì vừa nhẹ nhàng vừa thảnh thơi. Đầu đội mũ vải có thòng hai miếng che tai. Tay cầm que nhọn. Ngồi chồm hổm, di chuyển tùy nghi theo những ngọn cỏ tìm thấy trước mặt. Nắng càng gắt, mồ hôi càng chảy thành dòng trong lớp vải áo, trước ngực, sau lưng, càng cảm thấy dễ chịu. Ngọn cỏ xanh bé nhỏ, mềm mại nhưng có một sức sống thật phi thường, nhổ đi một vài ngày sau lại thấy mọc, vẫn thảnh thơi, vẫn xanh mướt. Đã rất nhiều lần, tôi nâng niu từng ngọn cỏ, vừa được bứng lên cả gốc lẫn ngọn. Những giây phút đó thật tuyệt vời. Từ ngọn cỏ trong lòng bàn tay, tôi nghĩ, tôi nhớ về nhiều người, nhiều việc đã từng gặp, đã xảy ra. Rễ cỏ thường có màu trắng trắng hoặc hơi ngả vàng; và đại đa số thường quắn cong. Phải chăng vì tăng trưởng trong bóng tối dưới mặt đất, nên không được thẳng ngay ?
Cũng như những khóa đàn anh, chúng tôi được thụ huấn trọn vẹn trong 9 tháng, đúng với thời gian đã qui định. Chương trình huấn luyện được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Thật ra còn có một giai đoạn mở đầu, thường được cho là giai đoạn huấn nhục. Giai đoạn này tập cho người sĩ quan tương lai biết nhịn nhục trước những uất ức, sỉ vả nặng tính cách miệt thị. Trong quá khứ có lẽ cũng có một số đàn anh không được tốt tính, lợi dụng qui định này để hành hạ đàn em như một thú tiêu khiển, hoặc trả thù giây chuyền. Khóa 24 của chúng tôi những màn huấn nhục như thế rất ít xảy ra.
Bước vào giai đoạn 1, tôi và đồng đội được tôi luyện sức chịu đựng. Một loại thuốc trợ lực tiêm vào cơ thể, giúp chúng tôi có thể liên tục dang nắng, dầm mưa, không nhức đầu sổ mũi, không mệt mỏi tứ chi. Đêm di hành giả trại, chính thức mở đầu chương trình huấn luyện. Đây là một cuộc đi bộ vòng quanh ngôi trường với đầy đủ quân trang, súng đạn. Tuy tầm vóc thua kém nhiều đồng đội, nhưng tôi đã xuất sắc về đến đích trong trạng thái bình thường, hơn hẳn nhà thơ Phan Ni Tấn, một đàn em ở khóa 27 sau này:
Mới vòng đầu Vũ đình trường
mà bao nhiêu đứa chán chường hẳn ra
thằng thì mày váng, mắt hoa
thằng thì như bóng ma gà, hết linh
(thơ Phan Ni Tấn ND)
Theo bước chân ngày, tháng chúng tôi biết cách “thao diễn nghỉ”, biết bồng súng, vác súng, biết bước đi theo tiếng đếm một hai, theo tiếng hát của chính mình qua các khúc quân hành. Dựng lều, đóng trại, thu dọn quân trang quân dụng, chúng tôi đều thông suốt. Rồi tháo ráp vũ khí, những khẩu Garant M1, Colt 45, Carbine M2, Thompson...chúng tôi đều xẻ thịt bày trên bàn, chiêm ngưỡng vài phút, trước khi cho chúng hoàn thân lại như cũ. Thời gian có hạn cho từng loại trong cuộc chơi này. “Lên phải xuống vào phải ra” nguyên tắc ví von này được nhớ mãi trong các giờ học vũ khí. Đồi, bãi gần xa quanh trường, tập cho chúng tôi những bò lết, ngụy trang, ẩn núp. Lá giắt quanh thắt lưng. Lá vòng quanh nón sắt. Lá xanh còn mùi nắng, chợt mướt mồ hôi tôi. Cái cò súng garant chừng như nặng. Viên đạn đầu tiên tôi bắn đi, hình như không làm trầy một phân da nào của tấm bia. Rõ ràng tôi để đầu ruồi vào mục tiêu, nín thở cẩn thận. “Bia lên, bia xuống”. “Thế bắn nằm...thủ thế”. Những khẩu lệnh vang vang. Viên đạn carbine đã trúng đích. Tôi hân hoan như lần đầu dùng ná cao su bắn rớt một con chào mào vô tội. Đường đạn về đâu khi bắn mục tiêu di chuyển. Hôm qua chúng tôi bò hỏa lực. Những mắt dây kẽm gai nhọn hoắc dí gần sát mặt, chạm gần sát lưng. Đã biết tiếng nổ của đạn mã tử vẫn còn toát mồ hôi. Hôm kia chúng tôi vượt Đoạn Đường Chiến Binh. Bãi Vườn Thơm, bãi Nhà Sập, đồi 18, đồi Mẹ Bồng Con, đồi Tăng Nhơn Phú... thấp thoáng bóng cô bé bán sương sâm hồng hào, đáo để. Ba tháng căn bản quân sự cứ lặng lẽ cắm đầu đi qua. Một buổi lễ gắn alpha trang trọng được tổ chức. Cái chuyển mình ngoạn mục này đẩy chúng tôi qua giai đoạn mới.
Lễ gắn alpha khóa 24 của chúng tôi có thể đặc biệt hơn những khóa đàn anh. Trước đó một tuần, tôi và một số đồng đội được đi phép. Ưu tiên này dành cho chúng tôi có lẽ như một đặc ân. Cái lý do cho một số sinh viên có dính dáng với phòng chiến tranh chính trị về Sài Gòn mời ca sĩ giúp vui chỉ là một cái cớ, từ lòng ưu ái của các vị sĩ quan của khối Chiến Tranh Chính Trị.
Đêm lễ hội đã đến. Trong ánh đèn sáng ấm của Vũ Đình Trường, chúng tôi gói mình trong bộ đại lễ, với đầy đủ dây biểu chương màu anh dũng bội tinh, với casquette đính phù hiệu ngọn lửa, thanh kiếm cùng 4 chữ Cư An Tư Nguy. Trong giờ khắc thiêng liêng và uy nghi, chúng tôi quì xuống, chúng tôi đứng lên, theo lệnh. Trên hai vai bây giờ đã nặng nặng một chút gì. Chẳng thuần túy là cái alpha. Con cá vàng này còn chở trên lưng nó những cái gì cao quí hơn, tuy còn ở khá xa.
Giờ văn nghệ giúp vui, tôi lạng quạng sau hậu trường, đã toan bày trò phỏng vấn một nữ ca sĩ để đăng lên Bộ Binh, nhưng rồi lại thôi. Tôi về nằm sớm, hoạch định trong đầu những việc phải làm trong chuyến đi phép sắp tới.
Sau khi chia tay một số đồng đội đi ngành chuyên môn hoặc binh chủng khác, chúng tôi bắt đầu học làm một người chỉ huy cấp tiểu đội. Địa hình, Chiến thuật là những môn học được chú trọng đặc biệt. Sử dụng những vũ khí nặng như trung liên bar, đại liên M30, súng cối 60 cũng được thực tập trong giai đoạn này.
Tôi vẫn chưa quên những ngập ngừng trước khi đặt bàn chân trên nấc thang dẫn lên đỉnh ngọn giả sơn. May mắn tôi không run, không oà khóc như một vài đồng đội. Sợi dây thừng lớn đã vòng qua thắt lưng, buông thõng giữa hai ống chân. Một bàn tay nắm đoạn trên, một bàn tay nắm đoạn dưới. Nhớ kỹ trong đầu những động tác sẽ thực hiện: nắm, nới, co, đạp. Tôi bắt đầu thả ngửa thân mình, từ từ buông lỏng dây cho thân thể ở vừa thế có thể đạp chân vào lưng giả sơn rồi búng mình và nới tay. Trời xanh lắm, mây trắng lắm. Một đạp rồi hai đạp, dễ chừng đến cái đạp thứ ba tôi mới trở lại mặt đất, tự bằng lòng với chính mình, nghĩ bụng chiều tối về sẽ viết thư khoe cùng cô vợ miền Trung.
Tôi cũng có một chút lo lo về môn dây tử thần, bởi chỉ có thể lặn đến ba ngày mà không biết sải tay cho nổi. Nhưng chả sao, đã có áo phao. Một hai ba, co chân, rướm mình ra, cái ròng rọc vụt chạy ro ro...Ngọn cờ đỏ bên kia bờ đã phất. Buông tay. Ùm. Nước đẩy ngược thân thể lên. Ngon chưa, chẳng uống ngụm nước nào. Lại viết thư cho vợ, lại tường trình, màu mè pha chế thêm chút đỉnh...Cái hôn của vợ còn mù mịt xa.
Con cá vàng trên vai đã đến ngày tháng thêm vây, nhưng được gọi là con nòng nọc có đuôi. Con gì cũng mặc, chúng tôi chuyển sang giai đoạn ba, một giai đoạn hiểu ngầm. Đọc bản đồ, tìm điểm đứng, chấm toạ độ, chúng tôi liên tục thực tập. Với những chuyến đi xa trường, tôi bắt gặp cây trái miền Nam, bắt gặp cả những con đỉa mập tròn bởi chính máu của mình. Làm sao nhớ được những địa danh đã đi qua, gọi lên một tiếng cho thêm ấm câu văn vẫn còn nhiều lủng củng, hời hợt, mơ hồ. Những trận đánh giả vẫn như là cuộc chơi nằm ngoài mọi binh pháp đã có trên đời. Chiến thuật loanh quanh trong lý thuyết. “Địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến, địch lừng khừng ta bối rối” Chợt thấy ngay trước mặt ông đại úy Đức già đầy uy dũng, khí khái nên chậm vinh thăng. Những đồi bãi trực thuộc quyền sử dụng của nhà trường đã trở nên thân quen với khóa sinh. Tôi đã có những giây phút tịnh tâm để viết một vài bài thơ tại bãi Vườn Thơm. Tôi đã đàng hoàng cầm súng đóng vai người lính gác tại bãi Nhà Sập để...chụp ảnh gởi về cho cô em đệ tứ Tây Hồ. Tôi đã có đủ thời gian trên đồi 18, gần xa lộ Biên Hòa, để nằm nhìn trời, ngó mây trôi, suy ngẫm về những lời Đức Khổng Tử dạy trong Hề Từ Hạ:
Ngụy giả an kỳ vĩ giả dã
Vọng giả bảo kỳ tồn giả dã
Loạn giả hữu kỳ trị giả dã
Tri cố quân tử an nhi bất vọng nguy
Tồn nhi bất vong vong
Tri nhi bất vong loạn
Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo giả dã
Nguy từ điểm tựa bình tâm
mất từ cái có trong tầm tay ta
loạn vì lối cũ trị gia
yên vui hãy nghĩ bóng ma chờn vờn
xuôi tay nhắm mắt mất còn
vui thời thịnh trị lo xong suy tàn
yên tâm giữ nước, ngai vàng
(LH dịch mò)
Lời dạy quí báu này được cô đọng trong bốn chữ “Cư An Tư Nguy” mà Đại tá Lam Sơn Phan Đình Thứ, một cựu chỉ huy trưởng, năm 1962 đã đề nghị ghi lên phù hiệu của quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Ngọn lửa nhiệt huyết, thanh kiếm cương trường trên nền xanh thanh khiết, càng lấp lánh khi bên cạnh có thêm một triết lý sống “muốn hoà bình hãy lo chiến tranh” của Đức Khổng Phu Tử.
Học ở đồi, ở bãi còn có cái thú rất đáng được phạt dã chiến. Tôi nghiệm thấy rằng những giờ học tại phòng thường gây ngủ gục nhiều hơn học ngoài bãi. Nhưng ngủ gục ở ngoài bãi thú vị và chậm bị phát hiện hơn. Là một người ít ngủ, nhưng tôi cũng có một đôi lần gật gù, tán đầu vào lưng người ngồi hàng trước.
Giờ cơm ở ngoài đồi, bãi cũng thoải mái hơn giây phút ăn “cơm nhà bàn”. Với những ưu đãi trên, chúng tôi dễ dàng tiêu hóa những phương cách chỉ huy một trung đội, sẵn sàng chờ đợi ngày ra trường. Tuy vậy trong thời chuẩn bị trưởng thành này chúng tôi cũng không quên, không thể quên bổn phận và trách nhiệm lau giày, chùi súng.
Tôi mang giày số 5. Thay đôi giày đế da, có đóng hai con đĩa sắt sau gót, đôi botte de saut quả đã làm nặng bước chân rất nhiều. Nhưng nó đã trở nên một người bạn rất thân thiết của tôi. Chăm sóc nó đã trở nên một công việc hằng ngày. Lơ đễnh một chút, nó tặng ngay cho những buồn bực. Tôi không nhớ, và hình như cũng chưa chú ý, những đôi botte de saut của quân lực Việt Nam Cộng Hoà được sản xuất từ đâu. Nhưng biết chắc một điều, loại da giày này rất tốt. Để tránh những cái hít đất, nhảy xổm bất ngờ, tôi luôn luôn cho đôi giày của mình hưởng một chế độ săn sóc ưu tiên. Sạch sẽ chưa đủ, phải bóng láng ngon lành mới chắc ăn. Giày đứng trong tủ, lâu lâu tôi ngó chừng, lỡ hạt bụi nào rắn mắt bay qua thì mệt. Giày đang ở dưới chân, đi qua vài chặng, tôi dòm chừng. Có chút gì phải lòng theo gót, tức thì tôi dừng lại, cúi xuống xử lý kịp thời, liếc qua liếc lại, ok mới tiếp tục lên đường. Và dĩ nhiên tôi không quên câu lời dạy vàng ngọc “Súng Là Vợ, Đạn Là Con”, nên rất tận tình với khẩu garant M1 nặng chình chịch của mình. Săn sóc, bảo vệ lâu ngày trở thành một cái ghiền rất nghệ thuật. Chùi súng, không phải chỉ làm sạch nhan sắc bên ngoài mà phải bảo trì cả hệ thống điều hành bên trong từ cơ bẩm đến những đường khương tuyến. Làm sạch nòng súng thường được gọi là “thông nòng”. Trong mọi động tác của việc chùi súng, tôi thích nhất là thông nòng. Xin các bạn đừng hiểu lầm việc thông nòng khi về Sàigòn, dĩ nhiên cũng thích thú không kém. Là sinh viên sĩ quan, dù trừ bị Thủ Đức hay hiện dịch Đà Lạt, tôi nghĩ việc chùi súng, đánh giày, nhổ cỏ là chuyện đương nhiên, không nên quá chua chát như người bạn thơ Thái Luân của tôi:
Học máy bay đổ bộ
học bắn phá núi rừng
học đánh giày, nhổ cỏ
làm tên lính Việt Nam...
(thơ Thái Luân )
Tự biết mình khó hoàn thành tốt những hình phạt, nên tôi luôn luôn cố gắng giữ đúng nội qui, kỷ luật của nhà trường. “Nhìn Quân Phục Biết Tư Cách”, “Thao Trường Đổ Mồ Hôi Chiến Trường Bớt Đổ Máu”...không học mà vẫn thuộc lòng. Tôi nghiêm túc, gương mẫu đến như thế này: ra mền trên giường ngủ
luôn luôn thẳng ngay vì chẳng mấy khi tôi đắp, ngại mai dậy sẽ phải làm lại. Không đắp, thì chỉ cần vuốt quanh mấy cái là ngon lành như cũ Mũ áo trong tủ luôn luôn chỉnh tề. Đầu dây biểu chương, bút nịt bóng lấp lánh. Nhỏ nhẹ, tế nhị với đồng đội, tôi an phận làm một anh lính cù lần thứ thiệt. Cái ghiền làm thơ, viết lăng nhăng của tôi cũng được giữ kín đáo, nếu không có ông đàn anh khóa 23, Mê Kung (nhà thơ Phan Nhự Thức sau này), liên tục đến ve vãn. Xin thành thật cảm ơn người này. Nhờ bạn, bây giờ tôi mới có vốn, viết thêm một đoạn nữa về quân trường của chúng ta. Tôi xin được nói đến tờ Bộ Binh và những bằng hữu “Huynh Đệ Chi Binh” của tôi.
Nguyệt san Bộ Binh, trong mục đích khiêm nhường, có lẽ chỉ nhằm phổ biến những thông tin quân sự, truyền đạt những nội qui, thông cáo có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến cơ sở giáo dục quân sự này. Nhưng nhờ vào nhiệt tâm, sự sáng suốt của những người có trách nhiệm, chăm sóc đi trước, đã biến tờ Bộ Binh thành một tạp chí không thiếu bóng dáng văn học nghệ thuật.
Giai đoạn tôi được đến với Bộ Binh, những người nặng lòng, nặng trách nhiệm với tờ báo có thể kể: (xin lỗi tôi không thể nhớ đầy đủ họ tên) đại úy Mục, đại úy Phán, trung úy Ý Yên, Thiếu úy Liễu (họa sĩ Trịnh Cung) và một số sinh viên khóa đàn anh như Mê Kung, Hồ Minh Dũng...Đồng khóa tôi, hết lòng với nguyệt san, xin điểm danh, không theo thứ tự ưu tiên nào:
Sinh viên sĩ quan (SVSQ) Cao Đình Vưu, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, giáo chức, đã và đang thành danh nhà thơ qua các tạp chí văn học tại Sài Gòn, dưới bút hiệu Cao Thoại Châu. Cao Đình Vưu không đến quân trường Thủ Đức để “Mời Em Uống Rượu”, anh đến đây để trở thành một chuẩn úy Địa Phương Quân sau này. Vưu hiện sống tại Sài Gòn.
SVSQ Trần Bích Lan, nhìn bề ngoài, anh là một người lính lè phè, có đến vài tuần mặc đồ thường dân trong quân trường vì quân phục chưa sửa kịp cho thích nghi với cái bụng tầm cỡ của anh. Nhà thơ “Áo Lụa Hà Đông” Nguyên Sa này đến Thủ Đức để khám phá sức nặng của một khẩu Garant M1, Sức nặng đó chính là xương máu, tấm lòng cùng sự hy sinh cao quí của những người lính bảo vệ quê hương mà lâu nay anh chưa được biết đến. Những “Tuổi 13”. “Paris Có Gì Đẹp Không Em”...tuyệt hảo, nhưng “Xin Lỗi Về Những Lỗi Lầm Dĩ Vãng”. “Bây Giờ”...đâu có thua sút, nếu không muốn nói thắm đượm tình người một cách chân thật.
SVSQ Trần Quí Sách, với một cơ thể khiêm nhường da thịt nhưng sức làm việc của anh thật đáng nể. Tên đã đẹp, bút hiệu không kém: Trần Hoài Thư. Anh đã thành danh qua các tác phẩm “Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang”. “Những Vì Sao Vĩnh Biệt”...tiếp tục đến với Bộ Binh bằng những trang “Nhật Ký Quân Trường”, tiếp nối Mê Kung Nguyễn Văn Minh. Trần Qúi Sách là người thủy chung với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nói chung, với Bộ Binh Thủ Đức, nói riêng. Anh đã có một tác phẩm viết về ngôi trường mẹ của anh: “Thủ Đức Gọi Ta Về”.
SVSQ Phạm Văn Bình, người tầm thước, có màu da ăn nắng, anh là một người làm thơ kín đáo, nhưng đã có một bài thơ để đời qua tài phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, ca khúc “Chuyện Tình Buồn”. Ra trường Phạm Văn Bình phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Hiện nay anh ở Hoa Kỳ.
SVSQ Phạm Hoàng, họa sĩ chuyên về tranh lụa, anh đã đóng góp phần trang điểm cho khuôn mặt Bộ Binh thêm đậm đà hương sắc. Hiện nay Phạm Hoàng định cư tại Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục sinh hoạt hội họa.
SVSQ Lưu Trung Khảo, một nhà mô phạm, bạn thân với nhà thơ Nguyên Sa, nhưng vóc dáng đối chọi hoàn toàn. Vào quân trường anh không quên mang theo cái tác phong “ông thầy”. Cùng với SVSQ Trịnh Kim Đồng, anh giúp tờ Bộ Binh nặng thêm tính chất văn học qua những bài biên khảo. Hiện nay, Lưu Trung Khảo ở Hoa Kỳ, thỉnh thoảng qua hộp thư hotmail, tôi thấy anh góp bài tranh luận nhiều vấn đề cộng đồng, trong một số diễn đàn (tôi không tham gia vào những diễn đàn này).
SVSQ Trần Sơn Hà, trắng trẻo, mập mạp, cũng là bạn chơi với nhà thơ Nguyên Sa. Nghe nói anh là một luật sư, rất tiếc tôi chưa có dịp trò chuyện với anh. Nghe nhà văn Song Thao nói, hiện nay anh ở Hoa Kỳ.
SVSQ Trần Văn Dưỡng, người miềm Trung, cao ráo vui vẻ, bút hiệu hiện nay của anh là Vương Trùng Dương, trong năm 2004 anh cho phát hành tác phẩm: “Ngẫm Chuyện Nhân Sinh” tại Hoa Kỳ.
SVQQ Nguyễn Thanh Ngân, dân trường tây ở Tourane, bạn thân của nhà phê bình Đặng Tiến, anh mang “Con Rùa Chậm Tiến” (danh từ này có từ huy hiệu của binh chủng Điạ Phương Quân, không có tính cách châm biếm, tôi nhắc lại như một kỷ niệm trong quân ngũ, vì đây cũng là một cụm từ rất quen thuộc trong đám huynh đệ chi binh chúng ta) trên tay áo sau khi rời trường.
SVSQ Lâm Chương, nhà văn lỗi lạc hiện nay tại hải ngoại, có lẽ chưa được dịp “Đi Giữa Bầy Thú Dữ”, nên lúc bấy giờ anh chuyên về làm thơ và...uống rượu. Không rõ nhuận bút của Bộ Binh trả cho anh bằng những ngày đi phép cuối tuần có giúp anh tìm được một bóng hồng nào không? (SVSQ Thủ Đức 2 tuần mới được ra phép một lần vào cuối tuần).
Sẽ không được thành thật nếu không nói một chút cái tôi, nhưng để trung trực, xin được trích dẫn một đoạn viết của anh Lâm Chương:
“ ...Năm 1966, lần đầu tiên tôi gặp Luân Hoán trong quân trường Thủ Đức. Cao Thoại Châu giới thiệu một anh chàng rụt rè như con gái, bảo đấy là nhà thơ Luân Hoán. Tôi hơi ngỡ ngàng trước một Luân Hoán hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi. Thời gian đã xa lắm rồi, tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì trong lần gặp đó. Vài lần sau, tôi đến chơi với một người bạn cùng đại đội với Luân Hoán. Thấy tôi, anh mỉm cười thay thế một lời chào. Chỉ vậy thôi. Không quấn quít ba hoa chích choè. Cuối tuần, anh em văn nghệ hay lên phòng chiến tranh chính trị họp bàn về tờ Nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức. Luân Hoán ít khi xuất hiện ở đây. Tôi ham vui, cũng léng phéng tới chơi nhưng không biết nói gì, nên ra đứng ngoài hiên hút thuốc. Có lẽ thấy cái mặt tếu của tôi phù hợp với giọng thơ Luân Hoán nên có người lầm tưởng. Nhà thơ Nguyên Sa theo ra ngoài vỗ vai tôi (một cử chỉ thân mật của bậc đàn anh ưu ái dành cho bọn đàn em) và hỏi, cậu là Luân Hoán đấy à ? Thơ cậu có sắc thái đặc biệt lắm đấy. Người ta chỉ biết danh Luân Hoán, không ai biết đến tên tôi. Trong một lúc bốc đồng, tôi cũng muốn mạo nhận mình là Luân Hoán cho thiên hạ nể. Nhưng ở quân trường tới lui qua lại hoài, có ngày cũng bị lật tẩy thì còn có nước độn thổ. Tôi đành nói thật, tôi không phải Luân Hoán. Tôi là Lâm Chương. Nghe tên tôi, Nguyên Sa tỏ vẻ thất vọng nói, à...thế à ? Rồi mỉm cười bỏ đi. À...thế à là thế nào ? Rõ ràng là nói cho có nói vậy thôi, chứ không muốn bắt chuyện. Tôi đứng hụt hẫng và...buồn 5 phút. Cái danh lợi hại thật. Người ta có cảm tình hay không cũng vì cái danh. Vô danh mà muốn chơi trội, khó lắm. Mạo nhận lại càng nguy hiểm..”.
( Lâm Chương, trong “Luân Hoán Một Đời Thơ”).
Bên cạnh những người bạn sính văn chương trên, tôi còn có rất nhiều bằng hữu. Tiện đây, xin phép cho tôi lược nhắc đến một số đồng đội một thời:
Nguyễn văn Bé, giáo chức, người miền Nam, hiền lành, là người có tuổi lớn nhất trong chúng tôi. Võ Ngọc Bé, người miền Nam, anh thuộc nhóm volontaire, cao lớn như người Mỹ, nghe nói sau này anh vinh thăng đến Trung tá. Nguyễn Tấn Đỡm, người miền Nam, hơi lầm lì. Nguyễn Anh, người miền Nam, trắng trẻo như công tử bột. Nguyễn Văn Được, người miền Trung, rất malin, có nhiều lần uống café cùng tôi ở câu lạc bộ Thanh Hoa trong trường. Nguyễn Văn Diên, “dân” Phan Châu Trinh Đà Nẵng, thuộc nhóm volontaire, vui vẻ, nhanh nhẹn đã cùng tôi và Mai Xuân Châu bát phố Sài Gòn trong nhiều lần ra phép. Trần Mỹ Lộc, người miền Trung, cao lớn, đẹp trai, từ chối không chuyển qua Không Quân ở đầu giai đoạn 2, là một trong những người tử trận sớm nhất của khóa 24. Trương Hưng Hiểu, người miền Nam, loắt choắt, có khuôn mặt ngộ nghĩnh như danh hề Tùng Lâm và biệt tài gây cười chưa chắc thua danh hề này. Mai Xuân Châu, người Huế, nằm ngay phía dưới tôi, tốt bụng, vui tính, từng theo tôi về Sài Gòn trong các dịp đi phép. Nguyễn Văn An, người miền Nam, giáo chức, rất hòa nhã. Nguyễn Minh Châu, người miền Nam, rất yêu đời, chuyên viên nghe radio loại bỏ túi. Lê Văn Chỉ, người miền Trung, chăm chỉ, sợ kỷ luật, thuộc loại cù lần như tôi. Nguyễn Đường, người miền Trung, cao và gầy, hơi vụng về, lóng cóng trong những lần thực tập. Nguyễn Văn Pháp, người Đà Nẵng, giáo sư trung học và là người dạy kèm cho các đứa con của “khúc ruột dư” trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Ra trường anh làm sĩ quan liên lạc Việt Mỹ. Ông thầy Pháp này hiện vẫn ở Việt Nam. Châu Văn Tùng, người bạn chí thân của tôi. Anh đã trễ chuyến bay C130 ngày nào, đành phải vào trung tâm huấn luyện Quang Trung 3 tháng, trước khi chuyển đến trường Bộ Binh, học tiếp giai đoạn hai. Tùng phục vụ tại sư đoàn 2 BB rồi sư đoàn 3 BB trước khi giải ngũ có lãnh chiến thương bội tinh. Hiện anh vẫn ở Đà Nẵng. Huỳnh Châu, hỗn danh Tê Tê Quách, người gốc Bình Định, tỵ nạn tại Porland OR, Hoa Kỳ năm 1992 có gọi thăm tôi, và không quên nhắc tiếng kêu của con chim “bắt cô trói cột” rất nhiều ở vùng quê anh. Nguyễn Minh Huấn, định cư tại Philadelphia Hoa Kỳ, năm 1998 bất ngờ gởi tặng tôi tấm ảnh của chính tôi mặc quân phục đại lễ, mà anh cất giữ sau 32 năm...
Bằng hữu trong thời ở Khu Bưu Chính bốn ngàn, một trăm (KBC 4100) của tôi không chỉ giới hạn những nhân vật vừa nêu trên. Tôi còn hàng trăm chiến hữu khác. Tất cả những người cùng trung đội, cùng đại đội, cùng tiểu đoàn, cùng liên đoàn, tóm lại cùng khóa đều là anh em của tôi. Lời nói này có vẻ khoác lác, làm dáng, nhưng giải thích thế nào về nỗi nhói lòng của tôi, khi được tin một bạn đồng khóa tử trận. Đã từ lâu tôi ao ước có trong tay một bản danh sách Sinh viên Thủ Đức khóa 24 với đầy đủ những thông tin, ai còn ai mất, ai tàn phế ra sao, dù chẳng biết để làm gì. Xin thân ái gởi lời chúc sức khoẻ đến tất cả các đồng đội của tôi, những ông chuẩn úy trong năm 1967. Tôi tin vẫn còn hiện diện rất nhiều trên trái đất này. Không quên thăm gia đình các bạn.
Khóa 23 của Mê Kung Nguyễn Văn Minh ra trường. Trước khi từ giã trường mẹ, Mê Kung và các bạn trong ban biên tập tờ Bộ Binh, tổ chức một đêm uống chia tay dưới khu gia binh Thiết Giáp. Tôi có mặt trong đêm hôm đó, và là người đại diện khóa 24 tiếp chiêu rất ra trò với khóa đàn anh. Tửu lượng tôi không cao, không phải là tay nhậu thứ thiệt như Lâm Chương, nhưng khi nóng máy cũng rất hết mình. Đêm đó đối thủ của tôi gục ngay tại bàn, một điều “khó tin nhưng có thật”. Tôi cũng không hiểu tại sao mình còn đủ bình tĩnh và hơi sức mò về tới phòng, leo lên được giường ngủ. Nhưng chỉ vài phút sau, tôi nghiêng đầu xuống chỗ nằm của Mai Xuân Châu và không cưỡng được nôn mửa. Gần nửa trung đội bị đánh thức. Nhiều bạn nhiệt tình chăm sóc cho tôi, tội nhất là Mai Xuân Châu. Mặc dù say, tôi vẫn tỉnh táo, nhắc nhở Châu làm vệ sinh cẩn thận. Tôi hoàn toàn vô sự sáng hôm sau dù trong miệng còn nặng mùi rệp chết, hương vị của rượu Rhin sau khi đã uống quá sức mình.
Khóa 23 đi, chúng tôi trở thành khóa đàn anh. Chương trình học có vẻ nhiều hơn nhưng xem chừng thong dong ra. Ngoài giờ học chúng tôi hưởng được những “giờ tùy quyền” đúng nghĩa. Tôi bắt đầu viết thư tình giúp cho một số bạn vừa bắt được “bò lạc”. Nội dung những lá thư ong bướm như vậy thường được tôi thi vị hóa cảnh quân trường, bãi tập, lồng vào những chút dáng dấp “suy tư thời đại” cùng những sở thích “hợp thời trang” bấy giờ:
Mê nhạc của họ Trịnh
thích tiểu thuyết hiện sinh
thương cuộc đời lính chiến
thích giọng Mai Lệ Huyền
có khuynh hướng phản chiến
thích thơ Thanh Tâm Tuyền...
(Trôi Sông)
Không hiểu những bức thư chẳng giống ai đó có kết quả thế nào, mà “khách hàng” của tôi tăng thêm, khiến tôi phải đặt điều kiện: chùi súng giùm tôi đó nghe ! Đi lấy bánh mì sáng cho trung đội nhằm phiên tôi được không ? Thậm chí có bạn còn hứa bao luôn hai giờ gác đêm cho nữa. Viết thư tình giúp bạn nhưng riêng tôi không lượm được con “bò lạc” nào. Vài ba lần trên đường Lê Lợi, trên đường Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Hai Bà Trưng...tôi giật mình nghe gọi đích danh mình. Ngó lại vài ba bóng hồng cụm đầu vào nhau khúc khích. Hóa ra bảng tên trên túi áo, làm mình bâng khuâng. Thật ra những lần về phép như vậy tôi cũng thường được chuyện trò với vài bông hoa mượt mà trong quan hệ bà con bên vợ xa xa. Và cũng đôi phen nhúng mình vào ít giờ bay bướm ở đâu đó, nhất là những lúc ngao du cùng Châu Văn Tùng
Cuối tuần được về phép
trước nhà thờ Đức Bà
gởi bao lời xưng tội
qua bước em thiết tha
đi quanh trường Trưng Vương
quyết chọn một người thương
ngang dọc lòng chấm điểm
thôi đành, chọn cả trường
(Cảm ơn đất đá trổ thơ...)
Dễ tính và lãng mạn đến như vậy, nhưng tôi vẫn chỉ viết thư tình cho thiên hạ. Nhiều lúc bực mình, tự phụ:
Lần nào ta soi gương
cũng thấy mình dễ thương
tại sao em không thấy
chẳng lẽ em bất thường
(CƠĐĐTT)
Mà gái Sài Gòn trong thập niên 60 hình như bất thường thật !
Một kỷ niệm vui khác đáng nhắc ở quân trường rơi vào giờ tắm rửa. Những hồ chứa nước ở quân trường được đúc bằng ciment theo hình chữ nhật khá lớn. Tuy vậy nguồn nước không nhiều. Vào những giờ đi bãi về, tất cả sinh viên tùy khu vực, ùa
ra làm vệ sinh thân thể. Tắm là việc không thể thiếu. Và chuyện tồng ngồng cũng là điều bình thường của nhiều sinh viên. Tôi vốn hay mắc cở, luôn luôn phải có trên mình cái quần đùi-không-cửa-sổ, màu trắng rất dễ hóa thành giấy gương khi gặp nước. Những buổi tắm như vậy thật là vui. Bạn bè tôi nô đùa tự nhiên như trẻ thơ. Họ so sánh, họ biểu diễn cái món “ăn vô cho thấu bụng nàng, thực bất tri kỳ vị mới biết của chàng là ngon” (ca dao Quảng Nam). Có lần tôi phải giật mình về anh chàng Trương Hưng Hiểu. Với chiều cao hơn thước năm chút đỉnh, nhưng sao cái “chiếc gậy thần” của anh lẫm liệt quá chừng chừng, vượt hẳn toàn trung đội. Thật đúng như tục ngữ “nhỏ người to con mắt”. Cũng do tắm rửa, có lần tôi suýt choảng lộn với bạn cùng trung đội La Lưu Ý. Anh này vui nhộn cả ngày, gặp ai cũng nghịch được. Lần đó anh bất ngờ tuột cả cái quần-không-cửa-sổ của tôi. Phản xạ tự nhiên của tôi được Trần Mỹ Lộc can thiệp kịp thời. Không biết bây giờ La Lưu Ý ở đâu, có bớt mập đi chút nào chưa ?
Ngày tháng quân trường lặng lẽ đi qua. Học phòng rồi học bãi, nhưng thời gian nghỉ ngơi thư giãn vẫn không thiếu. Nhờ đó tôi thường ra vào các câu lạc bộ sinh viên. Trong một lần uống cà phê với Châu Văn Tùng, tôi đọc được hai câu thơ rất cảm động, kẻ bằng chữ in lớn trên tường câu lạc bộ:
Một con ngựa trắng về trời
Hai hàng quân đứng ngậm ngùi tiễn đưa
(không rõ tác giả)
Tác giả hai câu này có lẽ là một khóa sinh thuộc một trong những khóa đàn anh của tôi. Tôi đọc bằng mắt, tôi đọc bằng cả tấm lòng. Cảm thấy thật gần gũi với người viết. Và không quên vớ vẩn nghĩ lung tung. Trong khuôn viên một quân trường sĩ quan có tầm cỡ của Đông Nam Á, lại có một câu não lòng đến như vậy nhởn nhơ trước những suy ngẫm của mọi người. Lạ. Nhưng không lạ. Bởi Tự do được thể hiện ngay trong cách suy nghĩ, cách bày tỏ xúc cảm. Không có chuyện kiểm duyệt, cấm đoán vì sợ làm nhụt chí khí binh sĩ. Tự do vẫn là không khí đang nuôi dưỡng chúng tôi.
Sau những giờ học, tôi dành thời gian đi dạo nhiều hơn. Những hàng cây trên các ngả đường trong quân trường dường như cũng thân mật, đậm đà với tôi. Tôi nghe được gió thầm thì, cả tiếng chim hót. Sự chuyển mình nhẹ nhàng của dòng mây trên trời cao thoáng chạm vào lòng tôi. Tôi chợt phát hiện nơi đây thật là đẹp, thật đáng lưu luyến. Chính những lúc này tôi mới nhìn rõ mặt cổng số 1, mặc dù tôi có lần đã cùng cây garant đứng gác cổng. Khu tiếp tân mà giai đoạn một tôi thường đi tìm một con bò lạc cuối tuần hơn là chờ đón một thân nhân, giờ đây như nhỏ lại, ấm hơn. Chợ Nhỏ Tăng Nhơn Phú ngoài kia không thiếu những đôi mắt biết cười, biết nhớ nhung, đang đợi chờ đâu đó.
Khóa 25 nhập học, chúng tôi, hay ít nhất riêng tôi, không thực thi quyền hạn làm anh bao giờ. Tôi có người bạn thơ đi khóa này. Anh Thành Tôn, một kẻ từng Thắp Tình, từng Thuyết Giáo cho tình người, tình quê hương. Tôi nghe nói còn nhiều khuôn mặt sinh hoạt văn học nghệ thuật khác nữa, nhưng tôi không đi tìm, không làm quen. Bản tính tôi kém xã giao. Sự kín đáo, nhỏ nhẹ của tôi có thể là cái duyên để tôi tránh được những hình phạt xảy đến cho mình bất cứ lúc nào, từ thiếu úy Mến, thiếu úy Hoàng, thiếu úy Tốt....những vị sĩ quan hướng dẫn đại đội 5 của tôi. Suốt 9 tháng tại quân trường ngoài những lần bị phạt tập thể cả trung đội, cá nhân tôi chưa hề hít đất, nhảy xổm hay một hình phạt nào khác. Tôi không có cơ hội vào 301, nơi an dưỡng của các anh chàng có chút máu ba gai. Nhận xét thật thà, ở giai đoạn 2, tôi khá lè phè. Không ít lần tôi nại cớ công việc báo chí để tránh những công tác của đại đội “lặn” đi lang thang.
Năm ba lần, trung tá Soạn, anh của Lý, chở tôi đi phép trở về trại, vài lần chú em họ tôi, đại úy Tham tạt qua thăm, có lẽ cũng giúp tôi tạo được ít nhiều ấn tượng tốt trong những đánh giá. Sự thương quí của các đại úy Mục, đại úy Phán ở Khối Chiến Tranh Chính Trị, có lẽ đã giúp tôi có thứ vị, phải nói là rất cao trong danh sách ra trường, mà đúng khả năng tôi không đạt tới.
Tôi chọn về sư đoàn 2 Bộ Binh vì giữ đúng lời hẹn cùng một số bằng hữu. Lẽ ra tôi có chỗ tốt hơn, nếu xem tên những đơn vị ghi sẵn còn bỏ trống trên bảng. Thiếu úy Mến, người đưa đại đội đi chọn đơn vị hôm ấy, đã ngạc nhiên sau bàn tay ghi tên của tôi. Nói cho ngay, biết chỗ nào là tốt, chỗ nào là xấu. “Ra khỏi nơi này sẽ gặp nghĩa trang”. Đã bi quan một cách quá đáng như vậy còn ngại gì một địa danh gần với quê nhà ?
Chờ đợi từng ngày cuối cùng cái giờ phút từ giã quân trường cũng đã đến. Tôi rời vị trí chọn đơn vị với tâm trạng ngổn ngang. Tiếc hối không nhiều, nhưng buồn quá đỗi. Tôi lang thang qua nhiều ngã đường. Tưởng đã khóc được trước Trung Nghĩa Đài. Phân vân sờ tay lên mặt bia, tôi thèm gặp một ai đó xa cách vời vợi. Vũ Đình Trường rộng quá, đầu gối của tôi từng quì nơi đây. Gót chân của tôi từng trải lên mặt nhựa này. Trong khoảnh khắc một vài đường phố Sài Gòn chờn vờn trước mắt tôi. Hoá ra tôi từng được đi trong hàng quân diễu hành đến đinh Độc Lập để mừng ngày tướng Thiệu, Tướng Kỳ gánh tránh nhiệm với non sông. Tôi tìm tới đại giảng đường. Căn nhà to lớn sườn sắt mái tôn, lòng trống rỗng. Tôi sờ lên vai mình tìm chiếc ghế ngày nào đã cõng đến đây để ngồi nghe huấn lệnh. Lại đi. Buồn bã quá tôi ngồi xuống bên chân một bức tượng của họa sĩ Lê Thanh, cùng khóa tôi, để lại cho trường. Ngoài Lê Thanh còn tượng của Đỗ Toàn nữa. Những sinh viên khóa 24 thật tài hoa. Tôi tự cảm ơn mình đã được có mặt trong quân trường này một thời gian. Lại nghĩ đến cổng số 9, nghĩ đến cầu Bến Nọc ngoài kia, nơi một vài đồng đội của Thành Tôn, Vũ Thành An...đã đổ máu. Cũng như moị người khác, tôi đã bất lực dù có mặt trong thời khắc đó với khoảng cách chẳng bao xa. Nếu nhanh chân hơn một chút, đại đội của chúng có lẽ đã nhận cái trò chơi không mấy sạch sẽ đó của những người anh em bên kia chiến tuyến.
Tôi vẫn dạo bước, thật sự bịn rịn sẽ phải rời xa nơi này, nơi chín tháng qua tôi từng ngày mong ra khỏi. Nỗi ám ảnh về bài thơ viết cùng Cao Thoại Châu cứ theo bám bên tôi. Tôi quên hẳn Châu Văn Tùng, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc đang chờ. Và cũng không biết trong giờ phút đó Lâm Chương cùng những bạn khác chạy tìm tôi để uống rượu lần sau cùng với quân trường.
Tôi đã ra đi thật rồi. Cổng số 1 như có đôi mắt, biết nhìn theo, tôi không bước đều theo hành khúc Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn...Nhưng nóng cả cơ thể với lời nhắn gởi chân tình...Cư An Tư Nguy luôn nhớ đời...
Trường Bộ Binh Thủ Đức thân yêu của tôi, hậu thân của trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, ra đời năm 1951. Qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, đã thật sự khép lại một trang đời anh dũng với gần 70 khóa, đào tạo hơn 55 ngàn sĩ quan trừ bị cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Là cựu sinh viện sĩ quan, đã biết đổ máu cho chính nghĩa, cho tự do, chúng tôi không giấu những tự hào của mình. Chúng tôi vẫn là những người chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ tình người, bảo vệ nhân phẩm. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đương thời, đã dần dần học được những bài học từ chúng tôi, trước nhất là sự khoan dung và tha thứ. Chúng tôi cũng tin tưởng, chủ nghĩa độc đảng học từ ngoại bang lỗi thời, có ngày biết sinh hoạt bình đẳng với các tổ chức đảng phái khác, với mục đích đem tự do no ấm cho nhân dân.
Bây giờ, đúng 11 giờ 31 phút, thứ năm, 08 tháng 12 năm 2005, Montréal, nắng đẹp. Nhiệt độ bên ngoài phòng tôi 13 độ âm (-13C). Tôi đang có trước mặt một số hình ảnh chụp từ thời ở KBC 4100. Nhìn anh chàng Lê Ngọc Châu mặc đồ đi phép, đầy đủ cà vạt đen, dây biểu chương vàng, alpha, casquette...đầy thơ ngây thật là thương .
Luân Hoán
(Quá Khứ Trước Mặt)
Sinh Tồn chuyển