Truyện Ngắn & Phóng Sự

Phi Công Thời Loạn -Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Vừa bước vào quán cà phê, nghe thấy tiếng nhạc dội ra ầm ĩ như muốn chọc thủng lỗ tai và đám khách hàng lố nhố toàn những bộ quần áo rằn ri, Minh đã toan bỏ đi,

Vừa bước vào quán cà phê, nghe thấy tiếng nhạc dội ra ầm ĩ như muốn chọc thủng lỗ tai và đám khách hàng lố nhố toàn những bộ quần áo rằn ri, Minh đã toan bỏ đi, nhưng nghĩ sao lại lững thửng bước vào, tìm một cái bàn vắng vẻ ngồi xuống.

Bộ đồ dân sự duy nhất và mái tóc hơi dài của Minh thật có vẻ lạc lõng trong cái quán cà phê toàn là lính này. Khỏi cần nói, Minh biết mình đã bước vào đây dưới những cái nhìn của hàng chục cặp mắt... rằn ri khó chịu. Mặc kệ. Bọn này đâu có biết rằng chàng là một phi công trực thăng vừa đổi về đây từ một địa danh lẫy lừng nhất của quân sử hiện tại: Bình Long Anh Dũng...

Như thường lệ, vừa ngồi xuống là Minh móc gói Pall Mall thẩy lên bàn, bình thản chờ đợi cô hàng đến hỏi. Hút được nửa điếu thuốc, cô hàng đâu chưa thấy, đã thấy một bộ đồ rằn ri lầm lì đang tiến tới gần bàn mình. Minh nheo mắt, rán đo lường cái sự... tiến tới có vẻ hơi kỳ lạ này. Trong một khoảnh khắc, chàng ước gì mình đã không bước vào quán.

Người mặc áo rằn ri tiến tới gần hơn. Minh xoay hẳn người, ngước lên nhìn thẳng vào mặt hắn. Té ra là lính Lôi Hổ, một loại lính hung hản nhất và cũng ba gai nhất của quân lực. Mà hắn muốn gì đây? Minh bình thản chờ đợi.

Người lính chỉ vào bao thuốc lá, giọng lạnh lùng:

- Ông bạn cho xin điếu thuốc.

Minh thừa biết đây chỉ là một cái cớ cho hắn kiếm chuyện. Dãy bàn mà hắn vừa bước ra, khói thuốc lá xông lên mờ cả một góc quán, đâu cần gì phải "di hành" qua tới đây kiếm chác.

Minh sực nhớ ra là mình không có dắt theo cây P. 38 trong bụng. Chàng suy nghĩ thật mau. Cũng là một tay chơi, Minh biết câu nói xin thuốc lá này tuy bình thường nhưng cân não lắm. Không cho, thế nào cũng có chuyện. Mà cho thì tự chấp nhận là mình dưới "cơ" của hắn. Chàng biết cái vụ xin thuốc lá này chỉ là phần mở đầu của một chuỗi rắc rối mà mình không muốn dây dưa tới. Nhất là sau khi đã bị quất một phát 30 ngày trọng cấm và thuyên chuyển về đây từ Biên Hòa với lời phê "tàn bạo" trong hồ sơ quân bạ: "Sĩ quan bê bối thiếu tác phong. Thuyên chuyển vì lý do kỷ luật."

Thật ra, lời phê của ông không đoàn trưởng có vẻ hơi khắt khe với một phi công trực thăng từng vào sinh ra tử như chàng nhưng Minh chẳng lấy thế làm buồn. Chàng tự an ủi rằng chẳng qua cái "hạn" của mình nó đến, không thể ngăn cản được. Chuyện rắc rối của chàng bắt đầu cũng tại trong quán một quán cà phê như thế này...

Cách đây hai tháng, sau một phi vụ bốc thương binh từ chiến trường An Lộc trở về, người phi công phụ của chàng bị bắn chết tươi trong phòng lái. Nhớ lại Minh còn thấy lạnh người. Vòm trời An Lộc sau mấy tháng trời vây hãm đã bị phòng không chúng nó kèm cứng ngắt. Cứng đến nỗi một con chim bay vào cũng không lọt. Chẳng phải chúng nó ghê gớm hay tài giỏi gì nhưng vì thành phố nhỏ tí tẹo, mọi traffic của phi cơ đều đến hoặc đi trong vòng mấy cây số vuông đẫm máu này. Sau những ngày đầu tiên của chiến dịch, thấy bắn phi cơ mãi mà không trúng, bọn Vẹm nghĩ ra được một phương pháp mới mẻ quái dị. Như ôm cây B-40 hay CKC có ống nhắm leo tuốt lên ngọn cây ngồi canh. Trực thăng dù bay cao hay bay thấp, bay vòng hay bay thẳng, bay đường nào rồi cuối cùng cũng phải tà tà chậm lại để đáp xuống. Từ lúc đáp cho đến lúc cất cánh, lính hay thương bệnh binh chạy mau nhất cũng nửa phút đồng hồ. Thế là các chú Vẹm với những yếu tố tác xạ và đạn đạo đã có sẵn, cứ bình thản nhắm từng chiếc một mà nổ. Nổ đẹp và dễ dàng như người lính tân binh tập bắn súng ở quân trường... Không quân Việt Nam chỉ còn biết giao đời mình cho số mạng...

Hôm ấy, Minh bay một phi vụ tải thương và tiếp tế, phải cất cánh đến lần thứ năm mới đem tàu vào được vòng đai tiểu khu. Mấy lần trước, bốn lần cất cánh đi vào là bốn lần... de lui. Vừa de vừa nín thở. Bức tường lửa của hàng trăm cây phòng không vững chắc hơn cả bức tường thép, người lại bằng thịt da và có cảm giác nên Minh không thể nào đục thủng để chui qua được. Quẹo về bãi đáp, nghỉ ngơi chút xíu, hút điếu thuốc lá, uống hết bịch trà đá chanh đường, thêm xăng nạp đạn lại cho mấy ổ súng xong là phi hành đoàn lại cất cánh. Cánh quạt đánh phần phật nhấc bổng con tàu lên, ai cũng nghĩ đến hai chữ "Số mạng" để trấn áp nỗi sợ hãi trong thâm tâm. "Mình chưa tới số thì có bay giữa vùng lửa đạn cũng vẫn tỉnh bơ, còn tới số thì nằm ngủ trong nhà cũng bị cột nhà rớt trúng đầu chết ngắc..."

May quá, lần thứ năm, lợi dụng lúc phòng không chúng nó bận rộn bắn nhau với mấy ông F-5, Minh liều lĩnh cắt ga cho tàu rớt xuống giữa hai hàng cây, chun vào được. Hai trực thăng gunship đi theo hộ tống hùng hổ vậy mà cũng phải tháo lui. Hai cây Minigun làm sao bắn lại một trăm cây 12 ly 7.

Bay gần sát mặt đất mà vẫn còn phải vòng vòng lắc qua nghiêng lại để đề phòng cái vụ B-40 của chúng nó bắn từ trên ngọn cây. Đạp mấy thùng đồ tiếp tế xuống chỗ chỉ định xong, Minh quẹo gắt một đường thẳng tiến tới bãi bốc thương binh để chở về bệnh xá. Nhìn xuống bãi đáp, chàng mới thấy xót xa trong dạ. Hàng trăm người lính bộ binh bị thương chờ di tản ngồi đầy sân. Không biết họ chờ đã bao nhiêu lâu nhưng Minh biết chắc phải lâu vì hơn 3 ngày qua, chiếc tàu của chàng là chiếc trực thăng đầu tiên lọt qua được vòng đai phòng không của giặc.

Vừa nghe thấy tiếng trực thăng thì một cảnh hỗn loạn dưới đất xảy ra liền lập tức. Lý do dễ hiểu vì ai cũng mong mình được trực thăng bốc trước. Những người thương binh còn đi được, hay nói đúng hơn, hễ ai còn cử động được liền tự động tìm cách tiến gần theo hướng chiếc trực thăng đang tà tà đi tới.

Là một phi công kinh nghiệm với hàng trăm phi vụ nghẹt thở kiểu này, Minh biết chuyện gì phải làm. Thứ nhất, mình không thể nào đáp xuống giữa một đám đông vô trật tự như vậy được. Mọi người sẽ bu lấy chiếc trực thăng như đàn hổ đói bám con dê non. Tiếp theo đó sẽ là một cảnh xô đẩy tranh dành nhau để leo lên phi cơ. Làm sao tàu cất cánh nổi với một số người đông như vậy được. Cũng đừng hòng nói đến chuyện phải trái hay ngăn cản họ. Ở những giây phút nguy hiểm tuyệt vọng, con người thường có những hành động liều lĩnh ngu xuẩn.

Thứ hai, chàng chỉ muốn bốc những người bị thương nặng nhất đi trước. Khổ một nỗi là hễ đã bị thương nặng quá rồi thì người ta đâu có mò đi đâu được. Chỉ còn nước nằm một đống trên băng ca mà nhìn thiên hạ "bon chen".

Thật là hai vấn đề nhức đầu nhưng trời ạ, vượt bức tường lửa bốn năm lần mới vào được tới đây, chẳng lẽ lại "xách xe không" đi về? Minh suy nghĩ thật mau và tìm ra một giải pháp liền.

Chàng cho tàu bay là là cao hơn mái mhà một chút, lượn vòng và đảo mắt tìm "khách hàng". Đây rồi, nơi một góc sân Minh nhìn thấy hai ba cái băng ca có mấy người thương binh nằm thiêm thiếp. Bình nước biển treo tòn ten và mấy ông y tá đứng chung quanh chứng tỏ rằng họ là những người cần được bốc trước hết. Minh hạ tàu thấp xuống chút nữa, bay gần đến đám người tuyệt vọng đó. Khi nhìn thấy mấy ông y tá hớn hở đưa tay ra vẫy vẫy, Minh dơ tay chỉ vào mấy cái băng ca rồi chỉ xuống đất làm một dấu hiệu bí mật như muốn nói: "Mấy ông cứ yên tâm chờ đó đi, lát nữa tôi trở lại". Mấy người dưới đất có vẻ hiểu, gật gù cái đầu mấy lần.

Xong rồi, Minh mớm thêm chút ga lượn tàu bay qua tuốt phía bên kia sân, xa thật xa, rồi đáp thật mau xuống khoảng đất trống. Những người thương binh còn mạnh khỏe thấy vậy liền chạy ào tới chiếc trực thăng vừa đáp mau như một cơn lốc. Nhưng Minh mau hơn chút xíu. Người đầu tiên vừa tới gần tàu thì chiếc trực thăng đã được chàng vặn hết ga, bốc vút lên cao. Đám thương binh chưng hửng nhìn lên, tròn mắt kinh ngạc không biết ông phi công này chơi trò gì. Nhưng họ hiểu ra ngay khi nhìn thấy chiếc tàu vừa bốc lên lại "rớt" xuống ở góc sân bên kia, nơi có mấy người bị thương nặng nằm trên cáng.

Tàu chưa đáp vững trên mặt đất là Minh đã thò đầu ra ngoài hét nhặng lên giữa tiếng cánh quạt chém gió phần phật:

- Lên, lên mau, đưa mấy chiếc cáng lên trước...

Hét vừa xong là Minh lại quay đầu, nhìn sang bên kia coi chừng đám "khách hàng cũ" đang ào ào chạy trở lại. Minh hơi ngạc nhiên khi thấy trung úy Cường, người phi công phụ của chàng nãy giờ ngồi im lặng không nói một lời nào. Chuyện này hơi lạ nhưng chàng không có thì giờ để ý tới. Thần kinh Minh đang bị căng thẳng tận cùng để chuẩn bị bốc phi cơ lên đúng lúc. Bốc sớm quá thì không rước được thương binh, và trễ quá thì coi như đành bỏ tàu luôn.

Hai chiếc cáng vừa được đặt lên là Minh vặn hết ga nhấc tàu lên khỏi mặt đất liền. Chỉ cần chậm một giây là sẽ hối hận ngàn đời. Bố khỉ, chỉ có hai chiếc cáng mà sau tàu nặng thế này. Chàng phải chúi mũi, lết càng trực thăng chạy trên mặt đất một đoạn mới nhấc nó lên được. Bụi bay mù mịt. Khốn nạn hơn, chúng nó đang nã trọng pháo vào. Hỏa tập với một yếu tố, một mục tiêu đã được ôn đi ôn lại cả mấy tháng nay, chúng nó bắn gì mà trật nổi. Minh thấy những đám hoa khói nở tưng bừng rượt theo chiếc phi cơ mình. Có trái nổ gần đến độ đất văng cả lên kính phi cơ.

Tạ ơn trời, con tàu đã bắt đầu rời mặt đất. "Rời được là bay được, ráng lên chút đi em" Minh lẩm bẩm trong miệng, mồ hôi ướt rịn hai bên má, thấm ướt hết cả lớp áo bay cùng áo giáp. Nhưng chiếc tàu không lên cao thêm được chút nào nữa, chỉ lơ lửng trôi đi như một trái bong bóng gần hết hơi. Và chàng tái mặt lại khi nhìn thấy một hàng giây điện ngay trước mặt.

Minh có quyết định liền. Tàu không đủ sức để vượt qua, dừng lại là rớt một cái oành liền, chỉ còn nước chui xuống dưới mà đi. Vừa chui vừa cầu nguyện. Cầu nguyện với thượng đế rằng, xin ngài cho người nào đó, khi dựng những trụ điện này, họ đã chôn chúng nó cách xa nhau một chút, vừa đủ chiều dài của cánh quạt trực thăng.

Minh mím môi cho mũi tàu hơi hạ xuống, chui giữa hai hàng trụ điện. Thần kinh Minh khô cứng, trí não tê liệt nhưng hai tai thì chuẩn bị để nghe một tiếng rầm khủng khiếp của cánh quạt chém vào chướng ngại vật...

Tạ ơn trời, con tàu chui trót lọt qua giữa hai hàng trụ điện. Bình thường, khoảng cách giữa hai trụ điện không dài như vậy. Vậy là có hy vọng sống rồi. Nhờ có thêm chút tốc độ, chàng từ từ kéo phi cơ lên. Minh lái con tàu chỉ vừa đủ cao để tránh những sợi giây điện chết người như lúc nãy thôi, không lên cao quá. Đạn pháo kích của giặc vẫn ì ầm đuổi theo chiếc trực thăng tải thương.

Ra khỏi khu thị xã, Minh mới thấy nhẹ nhàng một chút, bèn quay đầu nhìn lại. Và chàng xém kêu lên một tiếng kinh ngạc khi nhận ra không phải chỉ có ba chiếc cáng thôi mà lúc nhúc còn khoảng gần ba chục người. Thật như một hộp cá mòi. Minh toát mồ hôi lạnh. Nặng vậy mà kéo tàu lên được thì quả là một phép lạ. Trong lúc nguy hiểm, bản năng sống còn của con người quả thực lạ lùng. Chàng nghĩ nếu mình kéo tàu lên chỉ chậm một giây đồng hồ nữa thôi, cả chiếc trực thăng này sẽ bị chìm giữa một biển người... Nhưng đã lên được, đã thoát khỏi vòng đai thành phố thì coi như sống được rồi. Minh lại thầm tạ ơn trời đất.

Ngay lúc ấy, chàng lại nghĩ đến người phi công phụ của mình. Quái lạ, ông tướng này từ lúc vào An Lộc đến giờ, không nghe hắn nói được một tiếng nào. Minh nhớ ra một điều gì, hốt hoảng quay sang và thấy Cường chỉ còn là một cái xác chết. Hắn đã chết không biết từ lúc nào, đầu nghẻo sang một bên. Một lổ hổng nhỏ xuyên qua nón bay nơi gần thái dương. Xuyên thật ngọt từ bên này sang tới bên kia như người ta lụi mía ghim vậy. Một vũng máu đã khô chạy dài từ phần trán xuống người...

Minh nấc lên một tiếng nghẹn ngào, nước mắt chảy ra, thấy như viên đạn oan nghiệt kia vừa bắn vào đầu mình. Trung úy Nguyễn Văn Cường, mặt đẹp như con gái, ăn nói nhỏ nhẹ, nhà có hai ba cái pharmacy, bỏ học đi lính chỉ vì mê bộ đồ phi công. Ai có ngờ! Phải, ai có ngờ pilot trực thăng lại bị CKC để một phát vào giữa màng tang, chết gục lúc nào không ai biết...

Đáp con tàu xuống bãi đậu, tắt máy xong Minh ngồi yên thẩn thờ như người mất hồn. Một vài người thương binh vừa thoát chết, chạy lên phòng lái tính nói mấy lời cám ơn nhưng hoảng hốt giật lui khi nhìn thấy xác chết của Cường trợn mắt ngồi bất động một đống. Bộ binh gan lì vậy, sống với cái chết hàng ngày mà cũng không dấu được vẻ kinh dị khi nhìn thấy Cường. Có lẽ họ chưa thấy cảnh này bao giờ.

Xe Hồng Thập Tự ào tới, lúc ấy Minh mới nhớ là đôi mắt bạn còn mở trừng trừng đầy uất hận. Chàng tháo đôi găng tay, nhoài người tới đưa tay vuốt mắt cho bạn, miệng thì thầm: "Cường ơi, mày khi sống hiền lành như ông bụt..." Nói tới đó chàng nghẹn lời, hai tay run run.

Mấy người y tá mở cửa chiếc trực thăng, chẳng nói chẳng rằng, bắt đầu lui cui tháo dây an toàn cho Cường. Minh vừa vuốt được đôi mắt của người bạn xấu xố thì họ cũng lôi được Cường xuống khỏi tàu bay...

Tối đó, con đường từ phi trường Biên Hòa về Sài Gòn, Minh phóng xe như người đi trong mộng. Qua trạm kiểm soát xa lộ, đang mơ mơ màng màng thì một tiếng còi tu huýt thổi ré lên làm chàng chợt bừng tỉnh. Minh thắng xe lại, vừa kịp nhìn thấy hai người quân cảnh ào tới, mặt mày hầm hầm như muốn ăn tươi nuốt sống chàng:

- Anh kia đi đâu mà... ẩu tả vậy? Bộ anh không biết đây là trạm kiểm soát sao?

Minh lắc đầu. Làm sao những người lính gác đường này hiểu được tâm trạng mình. Một ngàn năm nữa, chúng nó cũng không thể nào hiểu nổi. Phải nhìn tận mặt thằng Cường với một lỗ hổng đen thùi những máu khô từ màng tang này sang tới màng tang bên kia, phải nhìn thấy hàng trăm thương binh chạy như đàn kiến dưới cơn mưa pháo của giặc, phải nhìn rõ viên đạn đại pháo nổ trước mũi phi cơ văng đất lên đầy cả kính trước, phải nhìn con tàu overload với hơn 30 thương binh lắc lư bay là đà dưới hai hàng dây điện, chỉ cần nghe một bùm là sẽ biến thành một cây đuốc vĩ đại..., hàng trăm thứ "phải" nữa thì may ra chúng nó mới thông cảm được mình...

Minh rút bóp móc sự vụ lệnh đưa cho một người. Người kia quan sát chàng bằng cặp mắt thiện nghệ và bỗng dưng, hắn như đọc được những tia nhìn phẫn nộ phát ra từ người trung úy phi công trẻ tuổi. Nụ cười ngoại giao nở liền trên môi hắn:

- Trung úy qua khu kiểm soát mà quên tốp lại. Trung úy thông cảm, chúng tôi chỉ thi hành bổn phận.

Hắn có lý. Ai cũng có bổn phận phải thi hành. Minh gật gù cái đầu, ra dấu thông cảm.

Quẹo chiếc Vespa vào đường Trương Minh Giảng, Minh tự nhiên thấy không muốn về nhà nữa. Về để làm gì kìa? Ăn thì không đói, ngủ thì không thể nào được.

Chàng quẹo ngược xe trở ra nhưng lại chẳng biết đi đâu. Tự nhiên Minh thấy thèm rượu kinh khủng. Đúng ra phải nói là thèm say, thèm những cảm giác bồng bềnh trôi nổi giữa một thành phố hoa lệ đang lên đèn. Minh thắng đại chiếc xe trước một quán cà phê. Ánh đèn xanh đỏ từ tấm biển hiệu hắt xuống mặt đường làm chàng nhớ đến chiếc đèn Beacon của tàu bay, của phi trường...

Dưới ánh đèn mờ mờ, trong tiếng nhạc, mọi người trong quán nhìn ông phi công mặc áo bay với cây súng lục trễ trễ bên hông như nhìn một người đến từ hành tinh xa lạ.

Hôm nay sao gặp toàn những chuyện bực mình. Tính kiếm một chỗ vắng để uống vài chai rượu giải sầu mà mới bước vào đã ngửi được mùi khó chịu rồi. Mặc kệ, kể từ ngày đi lính, đã lâu lắm mình chưa... đánh lộn với ai, cứ ngồi đây một chút coi thử ra sao. Chàng tới bên một chiếc bàn trống, đảo mắt nhìn một vòng chung quanh như thách thức tất cả rồi rềnh ràng ngồi xuống, quẳng gói thuốc lá lên bàn theo thói quen.

Một cô hàng chạy ra, nhẹ nhàng hỏi chàng một câu gì đó. Minh không nghe được và cũng chẳng cần để ý đến nàng. Chàng ngó mông lung qua cửa sổ, xòe bàn tay năm ngón ra, cất giọng nặng nề:

- Năm chai 33

- Dạ ông muốn kêu năm chai một lần.

- Ừ, năm chai một lần.

Cô chiêu đãi viên gật đầu quay lui.

Chai thứ nhất, uống cho mày Cường ạ. Số mạng phải không mày. Ừ, tao cũng nghĩ vậy. Mày trẻ tuổi đẹp trai, con nhà giàu, mê gì mấy chiếc trực thăng đen thùi lùi mà bỏ nhà đi lính. Nhiều khi tao tự hỏi tại sao trời hay bắt những thằng hiền lành đẹp trai như mày đi trước. Phi đoàn còn thiếu gì thằng... xấu trai mất dạy, cờ gian bạc lận, quịt tiền chạy nợ của thiên hạ sao trời không bắt chúng nó đi dùm...

Chai thứ hai, uống cho địa danh An Lộc đẫm máu. Tên thì nghe hay quá mà sao chiến trường lại tàn khốc vượt sức tưởng tượng của mọi người. Mới hôm qua, An Lộc hứng 6 ngàn trái vừa cối vừa đại pháo. Những người lính bộ binh ở tiểu khu An Lộc phải được xứng đáng gọi là anh hùng. Nhớ đến phi vụ hồi chiều, Minh lại thấy ớn lạnh. Nếu chàng kéo tàu lên chỉ trễ một giây đồng hồ nữa thôi thì chắc giờ này mình cũng đang được "hân hạnh" ngồi đếm pháo chung với đám thương bệnh binh. Chỉ vừa hạ càng xuống bốc lên liền mà có tới gần 30 mạng leo được lên tàu.

Chai thứ ba, nước đá tan gần hết rồi, Minh quay vào trong gọi to: "Cho tôi thêm mấy cục nước đá đi... cưng". Tiếng "cưng" kéo dài ra, ngất ngưởng. À, ra thì mình đã hơi say rồi. Tốt, đang cần say lắm.

Khỏi cần chờ nước đá, chàng rót tiếp bia vào ly. Vừa hết chai, Minh thoáng nghe được những tiếng cười hô hố rất ngứa lỗ tai phát ra từ một cái bàn trong góc phòng. Chen lẫn với những tiếng cười khó nghe đó là những câu nói móc lò xa xôi ngụ ý mỉa mai những chiếc áo bay.

Chàng đặt mạnh ly bia xuống bàn, xoay đầu nhìn về hướng chiếc bàn ấy. Ba gã mặc đồ xi vin trạc tuổi chàng và một gã khác mặt đồ lính rằn ri ngồi nghênh ngang cười nói, ném những tia nhìn về phía chàng như thách thức. Gã mặc đồ rằn ri không hiểu ở đơn vị nào. Chắc phải là lính đào ngũ vì quân đội đâu có ai cho phép để tóc dài như vậy.

Tự nhiên, một cảm giác phẫn uất từ đâu ào tới phủ kín tâm hồn chàng. Đù mẹ bọn dân thành phố vô ơn này. Bạn tao vừa bị chúng nó bắn vỡ sọ, tao lăn lốc giữa hòn tên mũi đạn, và mỗi một giờ đồng hồ qua đi, không biết có bao nhiêu người tuổi trẻ Việt Nam khác thay phiên nhau nằm xuống để cho chúng mày ở hậu phương được bình an yên ấm. Ông đếch cần chúng mày trả ơn vì ông chỉ làm bổn phận, nhưng không thể khi dể ông như thế này được.

Cơn nóng giận làm lý trí của một người phi công bình thường vốn rất thượng tôn pháp luật bỗng trở nên liều lĩnh lạ thường. Chàng suy nghĩ thật mau: Chúng mày có bốn thằng, ngon lắm, tao chỉ có một mình nhưng còn cây P.38 của chính phủ phát để làm gì?

Nghĩ xong là làm liền. Đù mẹ phòng không chúng nó đem tận Nga Tàu sang cả hàng trăm khẩu ông còn đếch ngán thì sợ gì mấy thằng cao bồi vườn. Để coi thử chúng mày ngon tới đâu cho biết. Minh dụi tắt điếu thuốc đang hút, thò tay bật nút cài cây P. 38 ra, lầm lì đứng dậy. Minh dùng chân đẩy ghế ra sau, điệu bộ y hệt một anh Dăng gô sắp sửa giết người trong xi nê.

Nhưng chàng vừa cất bước thì bỗng có một bàn tay nắm lấy vai chàng, nhẹ nhàng kéo lại. Đây nhất định phải là một bàn tay đàn bà vì Minh cảm thấy nó dịu dàng và êm ái lắm.

Minh quay nhìn lui và ngạc nhiên nhận ra cô hàng ban nãy không biết đã đứng sau lưng chàng từ lúc nào. Chàng chợt nhận ra thêm một điều là cô hàng xinh quá. Nếu biết em xinh vậy thì lúc nãy mình đã không gọi bia một cách thô lỗ lạnh lùng quá. Minh cảm thấy hơi hối hận.

Bàn tay nàng đã dịu dàng, giọng nói còn ngọt ngào hơn:

- Thưa, ông cần nước đá?

Minh thấy lòng mình dịu lại, bao căm hờn biến mất hết. Chàng ú ớ không nói lên lời.

Cô hàng buông vai Minh ra, cũng ngẩn ngơ một lúc vì thấy mình tự nhiên dám níu tay một người chưa hề quen biết. Nàng lập lại câu hỏi:

- Thưa, ông cần nước đá?

Không biết nói gì, Minh gật đầu và đưa tay đỡ lấy ly nước đá, vô tình... cầm phải bàn tay mềm mại của người con gái. Một cảm giác khoan khoái và đầm ấm chạy suốt lên người chàng. Không hiểu có cố ý hay không mà chàng cứ giữ lấy bàn tay ấy trong tay mình. Một giây, hai giây, năm giây đồng hồ ngắn ngủi rồi chợt nhớ ra, Minh kéo ly nước đá về, hốt hoảng nói:

- Tôi xin lỗi, tôi.. tôi không cố ý...

Nụ cười của cô gái đầy vẻ bí mật, nửa như thách thức, nửa như e dè. Nàng nhìn người phi công trẻ:

- Ông có làm gì đâu.

Chàng ngạc nhiên vì cặp mắt của nàng. Nó sâu thăm thẳm, như chứa đựng một cái gì.

Minh kéo ghế ngồi xuống, quyết định dẹp chuyện gây gỗ lại để lo chuyện... tán gái. Minh kiếm một câu nói nhưng lưỡi như ríu lại, đành ngồi im. Đầu óc chàng đã trở nên lú lẩn mất rồi.

- Ông có cần gì thêm nữa không?

Sau giây phút ngỡ ngàng ban đầu, bản tính lanh lợi tháo vát của ông phi công trực thăng lại trở về với chàng ngay. Minh cười, nụ cười đầu tiên của ngày hôm nay:

- Tôi chỉ sợ cô từ chối.

Lại nụ cười lấp lánh của nàng:

- Ông nói thử đi.

- Tôi muốn biết tên cô.

Khuôn mặt nàng rạng rỡ hơn nữa:

- Đơn giản vậy thì có gì phải sợ người ta từ chối. Tôi tên Loan.

- Tên đẹp quá.

Loan lắc đầu:

- Ông chỉ khen bừa, tên Loan thì có gì mà đẹp. Nếu tên Loan mà đẹp thì tên Minh còn đẹp hơn gấp mấy lần...

Minh ngạc nhiên:

- Sao cô Loan biết tên tôi là Minh.

- Tôi biết tên ông từ lúc ông mới bước vào.

- Mình có họ hàng xa gần chăng?

Loan cười lên khach khách:

- Tôi làm gì có may mắn được... họ hàng với ông. Tôi biết tên ông vì tôi đọc bản tên ông.

Minh gật gù, cười:

- Cô Loan thông minh quá.

- Ông lại khen bừa nữa rồi. Bản tên trên áo người lính thì ai đọc chả được, có gì là thông minh?

- Chẳng những thông minh cô Loan lại còn khéo léo nữa.

Nàng lại cười:

- Ông lại khen bừa nữa... tôi làm gì mà khéo léo?

- Vì cô vừa kềm chế được một thằng lính sắp sửa oánh lộn...

Minh đưa mắt liếc về phía chiếc bàn lúc nãy. Hình như cả bốn cặp mắt đang nhìn phía chàng một cách tức tối. Và Minh chợt hiểu liền mọi chuyện. Ở phi đoàn, anh em thường gọi đi tán gái là đi thả dê. Hoá ra mấy... con dê kia đang khó chịu vì tưởng rằng vừa đụng phải một con dê... phi công. Thật là oan cho mình. Tối nay mình chỉ muốn giải buồn, đâu có đem dê theo để thả. Và nếu đi thả dê, người ta phải ăn diện thật kẻng, ai lại mặc đồ bay đeo súng như thế này. Cái cảnh "áo dài xanh bên áo lính hoa rừng" chỉ đẹp trong bài hát và trong mấy vở tuồng cải lương.

Loan liếc nhìn về hướng đó, rồi cúi đầu, đưa hàm răng trên cắn nhẹ vào môi dưới của mình, ra dáng suy nghĩ. Minh hỏi tiếp:

- Mấy thằng đó là ai vậy?

Loan lắc đầu:

- Chả là ai hết, ngày nào họ cũng đến quán...

Rồi nàng nói lãng đi:

- Lúc nãy nhìn thấy ông đứng dậy, biết là thế nào cũng có chuyện, tôi sợ quá, cầm tay ông níu đại, mong ông không chấp...

Minh cười cười, máu dê trong người lại nổi lên:

- Ai mà dám chấp. Đáng lẽ tôi phải cám ơn cô Loan. Đời tôi mấy khi có diễm phúc được một người đẹp níu kéo như vậy? Nếu cô Loan muốn níu kéo tôi nữa bất kỳ lúc nào cũng được, xin cứ tự nhiên, tôi không bao giờ phản đối.

Loan phì cười:

- Ông nói chuyện hay lắm, tôi chả dám thế...

Một cô hàng khác từ trong quầy bước ra nói gì đó với Loan, rồi liếc nhìn Minh một cú trước khi bỏ đi. A, cú liếc... chiến lược để thẩm định chiến trường đây. Minh đoán người này phải là chị Loan vì nét mặt hai người hao hao giống nhau.

Loan nói:

- Nếu ông không cần gì thêm nữa, tôi phải đi, đứng đây lâu quá không tiện.

Biết không thể giữ nàng đứng nói chuyện với mình mãi được, Minh thở dài:

- Lát nữa cô... trở lại?

- Nếu ông cần gì thêm cứ gọi, tôi sẽ trở lại.

Minh thấy hơi buồn. Tuy không có ý tán tỉnh, nhưng nãy giờ đấu hót vi vút với nàng, chàng tưởng rằng mình ít nhất cũng được cô nàng chú ý, hoá ra mình chỉ là một ông khách hàng bình thường như hàng trăm người khách hàng khác. Cuộc nói chuyện vừa rồi chẳng qua chỉ là màn "ngoại giao kinh tế" của một người bán hàng với một khách hàng thôi. Minh đốt một điếu thuốc, cặp mắt trở nên hoang vắng kỳ lạ.

Loan tinh mắt lắm. Qua ánh lửa của que diêm, nàng nhìn thấy được vẻ bất mản trên khuôn mặt người lính trẻ ngay:

- Ông Minh này.

Lần này thì giọng Minh lạnh lùng, hơi buồn buồn:

- Gì cô?

Loan cười nhẹ:

- Ông cho tôi hỏi ông một câu nhé?

- Hỏi đi.

- Lúc nãy, ông gọi ai là "cưng" vậy?

Minh cười:

- Tôi gọi cô đấy!

- Nghèo mà ham! Ai cho phép ông vậy? Tôi là "cưng" của ông lúc nào?

Chàng chưa kịp trả lời thì Loan đã bật cười rồi đột nhiên, đưa tay úp bàn tay mềm mại của nàng lên bàn tay Minh đang để trên bàn. Dưới ánh đèn mờ mờ của quán cà phê, không ai thấy hai bàn tay này. Minh ngẩn người, có cảm giác như mình là một thằng ngốc vừa được... trúng số độc đắc. Chàng chẳng biết phản ứng ra sao nhưng khuôn mặt thì tươi lên thấy rõ.

Nàng để yên bàn tay như vậy một lúc rồi nhẹ nhàng cất tay đi, giọng như tiếc nuối:

- Tí nữa tôi trở lại.

Loan đi rồi, Minh biết rằng kể từ giây phút này, sự hiện diện của mình ở nơi đây đã có một ý nghĩa khác. Chàng muốn tránh không nghĩ đến hai chữ "thả dê" như anh em thường nói. Không hiểu sao, chàng thấy động từ đó không hợp trong hoàn cảnh này chút nào. Nó nham nhở và lố lăng đến kỳ cục. Minh ngơ ngẩn một lúc rồi chợt nhìn xuống bàn tay mình còn để yên trên mặt bàn như tiếc nuối những giây phút êm ái. Táo bạo thật. Ai bảo con gái mới lớn không có những cú chết người như thế này. "Ai cho phép ông gọi tôi là cưng..." Minh suy nghĩ tìm một câu trả lời...

Chàng rót bia vào ly. Màu vàng của bia bây giờ thấy hấp dẫn hơn lúc nãy nhiều. Uống cạn ly, chàng lại nhớ đến Cường. Cường ít ham nhậu nhẹt nên hai người không chơi thân nhau lắm. Không thân nhưng thỉnh thoảng khi đi biệt phái, bạn bè cũng có dịp ngồi uống rượu với nhau. Cường không thích rượu. Thường, nó chỉ uống một chai rồi ngồi im hút thuốc lá nghe thiên hạ đấu. Tối nay, không biết trong cõi trời thênh thang nào đó, mày đang làm gì? Minh thấy mình thật tệ. Chiều này, trên đường về, chàng đã tính ghé nhà Cường để thông báo tin chẳng lành nhưng lại đổi ý. Công việc quan trọng này nên để cho ông phi đoàn trưởng hay những người bạn thân của Cường. Nhìn thấy nó chết là đã quá đủ, Minh không có can đảm nhìn những người thân của Cường khi nghe tin đau buồn này.

Minh đã uống hết chai thứ năm, đầu óc bắt đầu thấy "mười phần lâng lâng thoát tục". Mồi xong một điếu thuốc, vừa tính gọi thêm bia thì bỗng nhìn thấy một bóng người đứng sững ngay trước mặt mình. Chàng nhìn kỹ hơn và nhận ra ông khách lạ là một trong bốn thằng tóc dài ở cái bàn đã phát ra những câu nói móc họng.

Thằng ngố này chắc không biết rằng trước khi đi lính tàu bay, chàng cũng đã là một tay chơi khét tiếng. Khét tiếng đến nỗi, ngày chàng bỏ đi lính, cả xóm thở phào nhẹ nhỏm. Người thở phào nhẹ nhỏm nhất là bố chàng.

Để coi thử nó muốn gì đây? Minh ngồi im nhìn hắn, không tỏ một dấu hiệu nào hết. Cặp mắt... tóc dài và cặp mắt... phi công đụng nhau.

Minh để ý thấy khuôn mặt thằng này rất trắng, nhưng tái mét đi không biết vì sợ hãi hay vì hút xì ke nhiều quá. Xì ke bây giờ là một cái mốt của tuổi trẻ thành phố. Chàng còn tinh tế nhận ra một điều là áo quần thằng này may chiến quá. Phải công nhận là rất đẹp và toàn bằng những thứ hàng đắt tiền. Nhất định phải là con nhà giàu. Chàng hơi thắc mắc là nhỏ con ốm yếu như vậy, sao nó dám lết qua tới đây để gây chuyện. Ngày xưa Minh cũng khoái gây gỗ, nhưng chàng thường ước lượng vóc dáng và sức mạnh của đối phương trước khi ra tay. Không ai dại gì đem đầu húc vào bức tường thép. Thằng con nít này vì ngu si hay vì ỷ thế mấy thằng bạn nên nổi máu anh hùng bất tử. Cái ngữ này thì Minh biết chỉ cần một đấm là văng qua tuốt tới bên kia liền.

Thằng tóc dài chỉ vào gói thuốc trên bàn, giọng hơi run run:

- Xin điếu thuốc được không?

Lại chơi đòn chiến tranh chính trị để đo lường phản ứng đối phương đây. Đù mẹ ăn nói còn chưa vững thì nói gì đến chuyện gây gổ với ai. Minh nhẹ nhàng cầm bao thuốc lên, nhìn ngang nhìn ngửa một lúc rồi nhún vai rất... xi nê, nói:

- Xin lỗi ông bạn, thuốc này không phải thuốc chùa. Bạn muốn hút thuốc lá chùa, yêu cầu lên chùa mà xin.

Thằng tóc dài đứng yên như không biết phải làm gì một một lúc rồi tiến tới, dơ tay kéo cái ghế tính ngồi xuống. Ai cho mày ngồi chung với tao, Minh co giò tính đạp văng cái ghế ra thì bỗng khựng lại: Loan xuất hiện. Mình không thể để cho nàng có ấn tượng rằng mình là một người vũ phu hung dữ. Chàng biết tâm lý con gái. Họ không thể nào hiểu nổi tại sao đàn ông lại thường hay đánh nhau.

Loan đánh tan bầu không khí gây cấn bằng một nụ cười:

- Ông Minh cần dùng gì nữa không ạ?

Chưa kịp để Minh trả lời, nàng hỏi luôn gã tóc dài:

- Còn anh Đạt, anh có cần gì không anh?

Minh khám phá ra là mình đang lâm vào một tính thế khó xử: Phải ngồi chung bàn với một thằng không ra gì. Minh suy nghĩ tìm một quyết định. Chàng không thể ngồi chung bàn với một thằng như thế này được. Minh biết tính mình. Không sớm thì muộn, chuyện không hay sẽ xảy ra. Cũng không thể đuổi nó đi trước mặt Loan như thế này. Làm vậy chẳng khác nào hạ mình xuống ngang hàng với nó. Chàng có một quyết định liền:

- Cô Loan làm ơn tính tiền cho tôi đi, tôi phải về.

Loan tròn mắt ngạc nhiên, giọng nàng tiếc nuối thật sự làm Minh cũng thấy xao xuyến:

- Sao ông đi sớm vậy?

- Tôi có chuyện. Hôm nào đó tôi sẽ ghé.

Vừa nói chàng vừa đưa mắt liếc vào Đạt. Loan hiểu ý. Nàng chớp mắt thật mau, hỏi một câu mà Minh biết là anh chàng Đạt nghe đến chắc phải lộn ruột:

- Ông hứa ông sẽ ghé lại?

Thấy tự ái mình được ve vuốt, Minh cười:

- Tôi hứa.

Loan vừa quay vào trong, Minh nhìn xéo Đạt, gằn giọng:

- Chú mày may mắn lắm đó, nếu cô Loan không xuất hiện bất ngờ thì chú mày làm gì ngồi đây với tao được.

Thằng khốn vẫn ngồi im, không biết nó không thèm hay không dám mở miệng. Minh hỏi:

- Muốn gây sự phải không?

Đạt nhún vai. Minh lại tiếp:

- Đù mẹ tao có chuyện phải đi, không phải tao sợ chú mày đâu nha. Có ngon thì ra ngoài kia mà ăn thua với nhau một trận. Chú mày về nói với mấy thằng bạn của mày như vậy...

Minh nhìn sang bàn bên kia và bỗng giật mình nhận ra chiếc bàn đó đã trống trơn. Bọn chúng nó đã biến mất đâu hết không biết từ lúc nào.

Thế này là có chuyện rồi. Chuyện lớn chứ chẳng chơi. Thảo nào. Minh đâu có lạ gì cái trò này. Chúng nó để một thằng ở lại gây chuyện, bọn còn lại ra phía ngoài "lập trận" ngồi chờ mình. Chàng cũng không ngờ chúng nó rút mau vậy. Nhưng ông chấp cả lò nhà chúng mày, để coi thử chúng mày sẽ dở được cái trò gì.

Khỏi cần chờ Loan trở lại, Minh đứng lên tới quầy trả tiền. Loan thối tiền một cách chậm rãi, như muốn kéo dài giây phút chia tay. Nàng e ngại nhìn Minh:

- Hình như có chuyện gì phải không ông?

- Có gì đâu, tôi phải về gấp.

- Hôm nào ông trở lại?

Minh nhìn sâu vào trong ánh mắt Loan, cố đo lường sự chân thật trong câu nói:

- Cô muốn tôi trở lại thật hay chỉ hỏi để mà hỏi vậy thôi?

Loan chớp mắt thật mau như cố dấu một vẻ bất mãn rồi cúi đầu xuống. Hình như mắt nàng đã ướt. Minh thấy lòng mình vừa tê tái vừa thích thú. Tự ái của chàng một lần nữa được vuốt ve.

Bỗng Loan ngửng đầu lên, giọng nàng có vẻ trách móc: -Ông cho tôi là hạng người nào?

- Tôi đâu dám "nhận định" ai. Tại tôi thấy Loan tiếp đãi mọi người rất lịch sự nên tôi hỏi vậy.

Loan nhìn ra xa, thở dài:

- Thôi, chúc ông về may mắn. Nếu rảnh rỗi thì ghé, không ghé cũng chẳng sao.

Rồi Loan quay đi. Minh hốt hoảng gọi giật nàng lại:

- Cô Loan!

Loan ngừng bước, quay đầu lại. Minh thấy mắt nàng đã ướt hơn lúc nãy. Ướt và buồn kinh khủng. Chàng bùi ngùi:

- Anh ăn nói... hồ đồ làm Loan buồn, anh xin lỗi.

Loan bỗng đổi giận làm vui, liếc nhìn Minh:

- Ai cho phép ông xưng anh với Loan?

Minh hốt hoảng chữa lửa:

- Ý quên. Tôi xin lỗi cô Loan. Tôi xin lỗi.

Chàng nhấn mạnh chữ "tôi" hai lần, rõ ràng. Loan bật cười lên một tiếng nhỏ:

- Ông bạo lắm ông biết không? Mới vào đây chưa quen ai hết đã dám gọi người ta là "cưng", rồi bây giờ lại tự nhiên xưng anh ngọt sớt. Bộ lính không quân đều như vậy hết hả ông Minh?

- Không đâu, không quân chúng nó rất lịch sự hiền lành, chỉ có mình tôi là bừa bãi thôi. Đây là vấn đề cá nhân, không có gì liên quan đến quân chủng hết, cô Loan thông cảm.

Bỗng có một giọng đàn bà khác chen vào:

- Con nhỏ này, ăn hiếp người ta vừa chứ, không biết ông ấy là trung úy phi công hay sao?

Minh quay nhìn người đã "cứu bồ" mình. Ra là một cô hàng lúc nãy, người đã tặng chàng một cú liếc mắt trước đây. Cô nàng tự giới thiệu:

- Tôi tên Thanh, là chị của con bé khó tánh này. Tôi cứ bảo nó mãi, khó như nó thì có lấy bụt cũng bị bụt bỏ.

Minh phì cười vì câu ví von ngộ nghĩnh. Bụt có bao giờ đi lấy vợ mà sợ. Được thêm đồng minh trợ giúp bất ngờ, chàng cảm thấy lên tinh thần, đấu ngay một câu:

- Tôi chỉ sợ bụt cũng bỏ chùa đi theo cô Loan đấy chứ...

Cả ba cùng cười. Thanh tiến tới bên chàng, nói nhỏ:

- Ông nên cẩn thận, tôi thấy hình như sẽ có chuyện. Bọn thằng Đạt nổi tiếng phá láng xóm ở đây. Lúc nãy tôi thấy chúng nó xì xầm về ông... Nếu ông muốn, cứ ra ngõ sau đi về, mai trở lại đây lấy xe cũng được...

Minh thấy ấm trong lòng vì lời nói chứng tỏ "bà chị" đã có cảm tình với mình:

- Cám ơn cô đã lo cho tôi, đời tôi quen với những chuyện này rồi, tôi bảo vệ thân mình được...

Trước khi bỏ đi vào, Thanh còn nhắn đi nhắn lại với chàng mấy lần: "Mình chén kiểu không nên đụng với chén sành." Nhưng Minh thấy chẳng có gì đáng lo cả. Chàng vẫn chủ quan coi chúng nó như một bọn cao bồi vườn.

Minh đội mũ calô vào, sửa sửa lại cho ngay ngắn:

- Chào cô Loan, tôi đi.

Loan lập lại câu hỏi ban nãy:

- Chừng nào ông trở lại?

Chưa kịp để cho Minh trả lời, nàng tiếp luôn:

- Tôi chưa bao giờ hỏi câu này với người khách nào cả. Tôi nói thật.

- Mai, tối mai.

- Ông hứa?

- "Anh" hứa.

Minh cố ý nhấn mạnh tiếng "Anh" như để cho Loan biết. Nàng cười:

- Tiến mau tiến mạnh nhỉ, mới thấy người ta hỏi một câu là đã đốt giai đoạn rồi. Lính bay có khác. Nhưng làm anh của Loan không sướng đâu, Loan nói trước.

- Loan cho phép?

Loan cúi đầu, nói nhỏ:

- Ừ, Loan cho phép.

Rồi tự nhiên nàng nói luôn:

- Loan học Văn Học, lớp 12B5, buổi trưa về nhà lúc 12 giờ.

Minh mỉm cười rạng rỡ. Chàng tưởng tượng những buổi "Em tan trường về..." thật thơ mộng trong tương lai.

- "Anh" đi.

Giọng Loan trầm xuống, như chứa đựng rất nhiều tiếc nuối:

- Vâng, "Anh" đi.

Ra tới cửa, Minh liếc nhìn về cái bàn mình ngồi lúc nãy, thấy vắng hoe. Vậy là thằng Đạt cũng đã dọt rồi. Hay mình vào ngồi trở lại tiếp tục uống bia như không có chuyện gì xảy ra? Không được, kỳ lắm. Hơn nữa, chưa biết chúng nó sẽ kéo vào để gây chuyện lúc nào.

Ra khỏi quán, khỏi cần nhìn đâu xa, Minh kinh hoàng nhìn thấy ngay hậu quả của cuộc gây hấn liền. Chiếc xe Vespa Super Sprint 150 của chàng bị ai lật nằm chỏng gọng trên mặt đất, dầu mở và xăng chảy thành một đống lai láng. Minh đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận đủ thứ nhưng không bao giờ ngờ tới cái màn hèn hạ này. Chàng hốt hoảng chạy tới bên chiếc xe mà chàng cưng hơn cả chính thân mình. Minh muốn rơi nước mắt khi nhìn thấy số vốn dành dụm qúy giá của bao nhiêu tháng trời du học bên Mỹ đã trở thành một khối sắt bầy nhầy thê thảm. Chàng dùng hai tay nắm lấy tay lái, từ từ nâng nó dậy như mong rằng với sự chăm sóc của mình, chiếc xe sẽ trở lại hình hài cũ như lúc trước khi chàng bước vào quán. Chàng nhận ra hai vỏ xe đã bị rạch nát, đèn bị đập bể. Nhìn xuống bàn đạp, thấy nó cong queo thảm hại.

Minh thò chân tìm bàn chống để dựng xe lên, nhưng không thể nào được. Bàn chống đã bị phá hoại. Minh đảo mắt chung quanh và nhìn thấy một bọn bốn đứa lúc nãy đứng nhìn về phía chàng thách thức.

Minh ráng giữ bình tĩnh để suy nghĩ. Nếu không phải chúng mày là thủ phạm thì ai vào đây?

Cái lạ là tại sao chúng nó không bỏ chạy đi cho rồi mà còn đứng đó khiêu khích mình kìa. Minh lại đảo mắt nhìn một lần nữa và tái mặt đi khi nhận ra một thằng trong bọn thủ cây carbine. Thằng cầm súng đứng dáng điệu rất ngạo nghễ, thách thức. Súng ở đâu, ai phát cho chúng nó kìa? Minh suy nghĩ. Giờ này, mặc đồ civil mà thủ carbine đứng nghênh ngang ngay giữa thành phố thì chỉ có nhân dân tự vệ.

Hèn gì thấy chúng nó tự tin quá cỡ, coi cây P.38 của mình như pha.

Và Minh nổi cơn điên. Điên thật sự. Trong cơn điên, chàng biến thành một kẻ nguy hiểm nhất trên thế giới. Chàng suy nghĩ rất mau. Chúng đông hơn lại có súng, muốn chơi thì phải có kế hoạch táo bạo mới được. Máu du đãng ngày xưa trong người chàng bùng dậy bừng bừng.

Chàng để chiếc xe nằm nhẹ nhàng xuống đất, từ từ dùng chìa khóa mở học bên hông, rút ra một cái ống nước bằng cao su dài độ một sãi tay. Đúng ra đây là một món vũ khí rất lợi hại ngày xưa đã làm chàng vang danh là "Minh ống nước". Chàng thường bỏ ống cao su trong cặp táp khi đi học. Các thầy khám, nhìn thấy ai cũng nghĩ nó chỉ là một cái ống nước bằng cao su vô tội vạ. Nhưng đến khi đụng chuyện, chàng chỉ cần mở một đầu ra, nhét vào đó vài chục hòn bi sắt rồi túm một đầu lại là cái ống nước biến thành một cây sắt... mềm ngay. Cái hay của cây sắt mềm này là đánh không có máu chảy nhưng quật đến đâu là gãy xương bể đầu tới đó. Xong chuyện lại tháo nó ra, cất mấy hòn bi sắt đi, chẳng ai ngờ được. Từ ngày đi lính, Minh luôn luôn thủ một cây trong cốp xe để đề phòng những trường hợp như vầy. Cầm món đồ nghề của "Minh ống nước" ngày xưa trong tay, chàng liếc nhìn bọn cao bồi vườn. Tốt. Chúng nó vẫn tụ tập đứng hút thuốc lá, chưa biết mình nghĩ gì trong đầu.

Minh kéo nhẹ fermature túi áo bay bên ống chân phải, thọc cây ống nước vào đó. Xong rồi, chàng bình thản đứng dậy, móc một điếu thuốc cắm vào miệng. Minh đưa tay sờ nắn khắp các túi như để kiếm một cái hộp quẹt. Vừa tìm kiếm, chàng vừa nói hơi lớn đủ để cho bọn khốn nạn kia nghe: -Đù mẹ sao mà xúi quẩy quá, xe bị ai phá rồi bây giờ lại mất luôn cái hộp quẹt...

Chàng nhìn một vòng chung quanh và rồi làm như bổng nhận ra đám người đang hút thuốc, Minh từ từ tiến tới với điếu thuốc không lửa kẹp trên môi. Khuôn mặt chàng bình thản, làm như không biết ai là tác giả vừa đốt hết cả cuộc đời dành dụm của mình vậy.

Bọn khốn vẫn tự tin đứng yên chờ đợi.

Chưa tới gần, Minh đã nói lớn:

- Tôi bị xui quá, mấy anh có lửa cho tôi xin chút...

Vừa nói chàng vừa quan sát chúng nó. Thằng mặc áo rằn ri to con nhất đứng giữa. Thằng cầm carbine đứng bên ngoài cùng. Đạt đứng gần thằng cầm súng.

Bỗng nghe Đạt nói:

- Ê chú em, không có lửa chùa, muốn xin lửa lên chùa mà xin...

Cả bọn cùng cười ồ lên sặc sụa, sảng khoái. Tiên sư, chúng mày cười trên sự đau khổ của tao. Minh tiến thêm một bước nữa, nhăn nhó nói:

- Mấy anh thông cảm, cho tôi xin chút lửa...

Tiếng cười của bọn khốn vẫn vang lên, rung động. Đến hơi gần thằng cầm carbine, Minh đưa một tay ra như muốn mượn điếu thuốc của hắn, tay kia chàng nhẹ nhàng rút cái ống nước ra cầm chắc nơi tay.

Chàng tiến tới một bước nữa, chẳng ai để ý. Khi vừa tầm tay, Minh bỗng vung ống nước lên, vận hết sức quật một cái như trời giáng vào giữa đỉnh đầu thằng cầm cây súng. Tay kia Minh lẹ làng chụp cây carbine giựt ngược lại.

Chỉ nghe một tiếng bụp. Có lẽ vì mạnh tay quá, lần đầu tiên ống cao su đánh phun máu một thằng. Chàng thấy một giòng máu xịt ra từ trán thằng khốn. Cây Carbine lọt vào tay chàng.

Bạn mình vừa bị đòn ngã rụng xuống như một cây chuối mà đâu có thằng nào hay, tiếng cười vẫn còn oang oang. Không để đứa nào kịp phản ứng, Minh xoay người, lẹ như chớp nện cú thứ hai cũng mạnh không kém vào giữa mặt thằng mặc áo rằn ri.

Ủa, sao lạ vậy kìa? Hôm nay đánh tới đâu là văng máu tới đó. Thằng rằn ri té ngửa, hai hàm răng như lún sâu vô trong, máu tuôn có vòi. Đứa thứ ba lanh hơn một chút, vừa nhìn thấy, liền nhào tới chụp cứng lấy chàng. Nhưng trung úy Minh còn mau hơn. Chàng buông cái ống nước, hai tay ôm cây súng quại ngược một vòng thật chính xác, cái kiểu người ta thường dạy cận chiến ở quân trường. Chàng nghe được một tiếp bốp rất dòn tai. Âm thanh của báng súng gỗ đập vào ngực. Nó ngã người ra sau.

Còn một thằng nữa, Minh hầm hầm quay lại nhìn Đạt. Chàng ngạc nhiên khi thấy hắn đứng yên một đống, hai cặp chân rung lên từng hồi. Ra là nó sợ quá, chỉ đứng yên một chỗ, không phản ứng gì được.

Thằng khốn, mới vừa rồi cười nói hô hô, sao bây giờ không làm gì đi? Minh từ từ tiến tới gần hắn. Đột nhiên, Đạt quỳ mọp xuống, chắp hai tay vừa lạy vừa khóc:

- Em lạy anh, lạy trung úy, trung úy tha cho em.

- Thằng nào phá xe của tao?

Đạt chưa kịp trả lời, Minh đã nghe một tiếng bốp ngay trên đỉnh đầu mình. Chàng thấy choáng váng mặt mày, muốn qụy xuống ngay nhưng rán nhịn đau xoay người lại liền để vừa kịp nhìn thấy thằng vừa ăn báng súng đang dơ cao cái ống nước của chàng lên đánh xuống cú thứ hai. Minh nghiêng người qua một bên nhưng không còn sức nữa. "Cây sắt mềm" bổ tiếp xuống đầu chàng một phát như trời giáng thứ hai.

Cú này nặng lắm, Minh thấy tá hỏa mặt mày, ngã qụy xuống. Cây Carbine bị tuột khỏi tay, rớt xuống nền nhà. Chàng vừa lòm còm bò dậy vừa nhìn thấy cây súng đã nằm trong tay thằng khốn. Nó đang chĩa cây súng vào đầu chàng. Minh hốt hoảng thò tay xuống chụp cây súng lục đeo ngang hông nhưng không còn kịp nữa. Thằng khốn đã kê súng vào giữa mặt Minh bóp cò.

Minh nín thở chờ nghe tiếng nổ của viên đạn nhưng chỉ nghe một tiếng cắc lạnh mình. Tạ ơn trời, cây súng chưa lên đạn. Thằng khốn biết liền, đang thò tay kéo ngược cơ bẩm ra sau bỗng nghe rầm một tiếng như trời xập. Một người mặt áo rằn ri đứng sau lưng đã dùng hai tay bửa xuống đầu nó một phát mạnh như búa. Có hy vọng sống rồi. Minh gượng hết sức đứng lên, vừa kịp nhìn thấy cú đá ngược độc đáo của người này đẩy luôn thằng nọ văng vào tường, khẩu Carbine một lần nữa rớt xuống đất. Minh chụp cây súng và lao cả người vào nó như một con bò mộng.

Bây giờ thì Minh chẳng còn biết gì nữa, báng súng trên tay chàng lên xuống liên hồi cho đến khi địch thủ chỉ còn là một đống thịt bê bết máu.

Vừa buông thằng này ra thì chàng cũng vừa nhìn thấy tên mặc áo rằn ri đang lòm còm bò dậy. Minh quay ngược trở lại. Một báng súng vào ngay giữa vết thương cũ đẩy nó nằm xuống trở lại. Lại tới phiên thằng thứ ba cũng đang tính đứng lên. Minh cũng làm y như vậy. Báng súng lại dơ lên đập xuống một lúc nữa cho đến khi chàng nghe được một tiếng thét bên tai:

- Đủ rồi ông bạn, ông muốn giết nó chết để ở tù mãn đời sao?

Chàng dừng tay quay lui và nhận ra một đám đông đã bu quanh chàng không biết từ lúc nào. Người nói câu đó là ông mặc áo rằn ri ban nãy đã cứu chàng thoát chết. Ông ta mang lon đại úy LLĐB. Nhìn lại những thân hình bê bết máu bầy nhầy dưới đất, Minh bỗng chột dạ. Quả thật, nếu lỡ có thằng nào chết là mình ở tù không có ngày ra.

Minh chìa tay ra cho ông đại úy:

- Cám ơn đại úy, không có đại úy thì tôi ngủm rồi.

- Cám ơn làm gì, ông lo thằng Đạt đi, nó dọt rồi.

Chàng sực nhớ đến Đạt, quay sang tìm và thấy gã đã biến mất. Nhất định nó không thể chạy xa được. Minh rẽ đám đông phóng ra bãi đậu xe gắn máy. Nó kia rồi. Minh thấy Đạt đang ra sức đạp máy chiếc Lambretta. Có lẽ vì lính quýnh quá, gã đạp mấy lần mà xe không chịu nổ.

Thoáng một cái là Minh xuất hiện ngay trước mặt gã, tay cầm cây Carbine. Đạt không còn hồn vía nào nữa, nhìn Minh, lưỡi ríu lại:

- Trung úy tha cho em, tụi thằng Khánh nó làm càn, em không biết.

Ba cái xác bê bết máu me đã làm cho Minh nguôi ngoai cơn tức phần nào. Nhưng nghĩ đến chiếc xe, chàng lại thấy nhói trong tim. Minh đâm mạnh nòng cây carbine vào mặt Đạt. Hắn vừa cúi người xuống tránh thì chàng dựt ngược báng súng lên. Đạt lật nhào, chiếc Lambretta mới tinh ngã xuống đường.

Minh lại nổi cơn điên. Chàng nhào tới dơ báng súng lên tính bắt đầu cuộc trừng phạt thì Đạt năn nỉ:

- Anh, trung úy tha cho em, để em bồi thường tiền chiếc xe cho trung úy.

Nghe đến "bồi thường," Minh dừng tay lại. Dù sao thì chiếc xe Vespa Sprint 150 là lý do chính của cuộc xô sát ngày hôm nay. Đạt nói luôn:

- Em xin mua đứt chiếc xe của trung úy.

- Mua, mày có tiền không?

- Trung úy đi theo em, em lấy.

- Sạo mày, mày biết Vespa Sprint của tao giá bao nhiêu không?

Câu trả lời của Đạt làm Minh tin tưởng liền:

- Trăm ngàn là hết cỡ. Nói thiệt với trung úy, em bán sì ke, trăm ngàn với em nghĩa lý gì.

Hèn gì. Sự quan sát tinh tế của người phi công từ giây phút đầu tiên quả là không sai. Thế này là trọn vẹn đôi bề. Mình có đánh nó chết cũng chẳng ích gì. Nó đã đề nghị như vậy thì còn gì bằng. Cái ngữ như nó có muốn lừa chàng cũng chẳng được. Minh hối:

- Vậy thì đứng dậy, đi.

Đạt lòm còm bò dậy. Minh phụ hắn kéo chiếc xe Lambretta lên, đạp cho máy nổ rồi phóng lên ngồi phía sau. Đám đông bây giờ đã bu quanh đông lắm rồi. Minh lên đạn khẩu carbine để thị oai, nói với Đạt:

- Đi, đi liền, mày dở trò gì một cái là tao nổ liền.

- Em hiểu.

Đạt rồ ga. Đám đông dạt qua một bên, tránh đường cho hai người. Ra khỏi khu phố, Minh mới nhớ mình còn cầm cây Carbine trên tay. Đương không lại có một thêm cây súng trong tay. Nhân dân tự vệ nhiều súng mà, lo gì....

Tối đó, mọi chuyện xảy ra như lời Đạt nói. Hắn thường cho chàng một trăm ngàn, đủ tiền để tậu một chiếc Vespa Sprint mới.

Ngày hôm sau, Minh mượn xe thằng em đi Biên Hoà sớm, làm như chẳng có việc gì xảy ra. Cả nhà không ai hỏi han và chàng cũng chẳng thèm hé môi. Nhận phi vụ lệnh, lúc đội nón bay vào, thấy đỉnh đầu nhức buốt, Minh mới nhớ đến cuộc xô xát tối hôm qua. Minh gật gù, cười cười, thầm nghĩ may mà cây súng chưa lên đạn, nếu không thì giờ này chắc mình đang nằm trong nhà xác. Đù mẹ phòng không Việt Cộng bắn không chết mà chết vì tay nhân dân tự vệ thì thật là khốn nạn.

Suốt ngày, hình ảnh của Loan và của cuộc xô xát cứ hiện ra trong trí chàng. Minh thấy ông bà mình nói đúng: "Một câu nhịn chín câu lành." Nhưng kẹt một điều là nhiều khi, trong cuộc đời, hoàn cảnh không cho ta một lối thoát nào cả ngoài con đường "sống mái một trận." Nếu ai cũng nhịn được thì nhân loại làm gì có chiến tranh. Minh tự nghĩ vậy để lương tâm mình đỡ thấy cắn rứt.

Chiều đó, vừa đáp trực thăng xuống sân thì Minh được gọi vào văn phòng phi đoàn trưởng. Minh cất nón bay và dụng cụ phi hành rồi bình thản đi trình diện ông ta. Chàng biết chuyện gì phải tới sẽ tới, có lo lắng cũng vô ích.

Vừa nhìn thấy Minh, ông trung tá phi đoàn trưởng thảy tờ báo đến trước mặt chàng:

- Anh đọc đi.

Minh cầm tờ báo, mắt hoa lên nhìn hàng tít nhỏ chiếm một góc: "Ngay tại Gia Định, một tên cướp đoạt súng và hành hung ba nhân dân tự vệ trọng thương" Một hàng chữ nhỏ hơn ngay phía dưới: Hung thủ là một tên không quân đào ngũ, hiện đang bị nhà chức trách truy lùng rất gắt..."

Trí tưởng tượng của nhà báo thật là phong phú.

- Anh ngồi xuống đi.

Minh ngồi xuống. Ông phi đoàn trưởng đưa cho chàng một tờ giấy khác:

- Đây là tờ giấy mời của phòng an ninh không quân.

Chưa kịp coi xong, lại có thêm tờ giấy nữa đẩy tới trước mặt chàng:

- Còn đây là tờ giấy mời của quân cảnh điều tra tư pháp tiểu khu Gia định.

Minh cắm một điếu thuốc vào môi. Chàng ngạc nhiên khi thấy xếp che tay bật hộp quẹt cho chàng:

- Tôi tưởng anh hiền lắm. Chuyện gì xảy ra vậy, kể tôi nghe coi.

Minh nhún vai, nhìn xéo vị phi đoàn trưởng:

- Đâu có gì trung tá, chuyện tôi làm tôi chịu.

Ông ta bỗng chồm người tới trước, gay gắt nói:

- Anh phải tin tôi. Trong cuộc đời của anh, nếu có giây phút nào đó anh cần phải tin tưởng ở một ai để sống còn thì giây phút đó là giây phút này và người đó là tôi. Tôi biết ngày hôm qua anh bị Shock vì vụ thằng Cường. Anh cứ bình tĩnh kể tôi nghe đi, tôi sẽ tìm cách gỡ cho. Anh đừng lo, tôi quen biết lớn mà, tôi hứa với anh như vậy.

Minh thở dài không mấy tin tưởng nhưng xếp đã ân cần vậy thì mình nên nghe lời...

Minh hút hết điếu thuốc thứ năm thì cũng vừa xong câu chuyện. Chàng tưởng ông ta ngạc nhiên lắm nhưng ông ta vẫn ngồi yên. Một lúc sau ông ôn tồn:

- Tôi đã đọc báo cáo đầy đủ của an ninh. Những gì anh nói không khác với họ lắm, tôi chỉ muốn nghe tận miệng anh kể lại.

Ông rời khỏi bàn giấy, đi đi lại lại trong phòng:

- Anh biết tội của anh là tội đáng ra tòa án quân sự không?

- Thưa biết, nhưng bọn chúng nó gây chuyện trước chớ không phải tôi. Tôi đã bỏ đi rồi mà.

Ông trung tá không nói gì, trở lại bàn giấy ngồi xuống:

- Cũng may cho anh là 3 thằng bị đòn là 3 thằng du đãng khét tiếng ở chợ Trương Minh Giảng, chuyên môn bán xì ke ma túy. Chúng nó đều là lính đào ngũ có tiền án nặng. Ra khỏi nhà thương là chúng nó sẽ vào tù.

- Tôi tưởng chúng nó là nhân dân tự vệ?

- Nhân dân tự vệ ban đêm, ban ngày đi bán sì ke.

Minh mừng như mở cờ trong bụng. Ông phi đoàn trưởng vỗ tay lên mặt bàn.

- Đáng lẽ họ đã bỏ qua chuyện này nhưng kẹt là anh giữ cây carbine của bọn nó. Lát nữa đem cây súng lên nộp, tôi sẽ lo cho anh. Để mấy tờ giấy mời lại đây.

Minh nhìn ông ta như không tin những gì ông vừa nói:

- Trung tá nói trung tá lo...

- Ừ. Chỗ quen biết không, tôi lo được nhưng anh phải chịu hình phạt của quân đội.

- Cái đó thì dễ, thưa trung tá.

- Tốt. Tôi phạt anh 8 ngày trọng cấm đề nghị gia tăng tối đa. Lên tới bộ tư lệnh thế nào cũng thành 30 ngày. Cặp lon đại úy của anh nếu có lỡ mua rồi thì nên đem ra tiệm trả lại hay đem tặng cho bạn bè. Anh chắc còn lâu mới đeo lon đại úy được.

Chuyện này chả ăn nhằm gì tới Minh vì chàng luôn luôn cho rằng người phi công không già đi vì tuổi tác mà vì... cặp lon đại úy trên cầu vai. Chàng cười:

- Dạ được, tôi vẫn thích lon Trung úy hơn.

Ông phi đoàn trưởng không cười:

- Chưa hết đâu chú. Cái này mới khó nuốt: Chú có mười lăm ngày để chuẩn bị hành trang đi khỏi phi đoàn này.

Minh thấy xây xẩm mặt mày và chợt nhớ đến Loan. Xuống địa ngục hay thiên đàng chàng cũng cóc sợ, chỉ sợ xa Loan. Giọng Minh run run:

- Trung tá đỡ giùm cái vụ này được không?

- Đỡ con khỉ. Tội nặng như anh chưa ngồi tù là may, đừng đòi hỏi nhiều quá.

- Dạ tôi hiểu. Nhưng tôi đổi đi đâu.

- Gần thôi. Lên Pleiku sống với Thượng một thời gian để trau dồi thêm kiến thức phi hành về vấn đề... phong tục của người thiểu số...

Trước ngày chia tay lên đường, Minh cùng Loan đi dạo ở Passage Eden . Hai người ngồi trong một quán kem, nhìn xéo xéo sang Continental. Minh rầu rĩ lắm nhưng Loan vẫn hồn nhiên tươi tỉnh đến độ chàng phải gắt nhẹ:

- Mai anh đi rồi mà sao thấy Loan chẳng coi ra gì cả.

Loan bướng bỉnh:

- Anh muốn Loan làm gì? Khóc lóc tỉ tê như mấy mụ già nhớ chồng chăng. Anh đừng quên rằng chúng ta chỉ quen nhau chưa tới hai tuần.

Loan nói đúng. Chưa tới hai tuần nhưng chàng thấy thương nàng quá đỗi. Minh cứ thắc mắc một điều là không biết Loan có thương chàng như vậy không? Cái câu "Mỗi đường bay một người tình" dành cho ai không biết với riêng chàng, sổ bay của chàng đã lên đến mấy ngàn giờ mà chỉ mới quen Loan là một.

Thấy Minh ngồi tiu ngỉu một đống, Loan bật cười:

- Anh lên Pleiku được coi sexy khỏi tốn tiền, sướng thấy mồ còn than van nỗi gì?

- Sexy gì ở Pleiku?

Loan nguýt:

- Đừng có giả vờ. Loan đọc báo nghe nói đàn bà thiểu số đi tắm suối hay ở truồng, anh không biết à. Chiều chiều nếu nhớ Sài gòn thì cứ lái tàu bay ra bờ suối, đậu ở đó chừng vài phút để giải trí là hết buồn liền chớ gì.

Minh phì cười:

- Em chả biết gì cả. Đó là chuyện ngày xưa, đàn bà thiểu số bây giờ văn minh rồi, họ đâu có làm như vậy nữa.

Loan liếc nhìn Minh:

- Loan cấm anh không được bén mảng tới bờ suối đấy nhé.

- Lại lệnh lạc nữa. Nếu anh đi làm sao em biết được?

- Em nghe nói nếu nhìn đàn bà tắm mắt sẽ bị mụt lẹo. Hôm nào về phép mà mắt anh bị mọc mụt lẹo thì chết với Loan đấy...

Cả hai cùng bật cười. Thì ra Loan cũng thương mình thật, Minh nghĩ. Ghen là bằng chứng đầu tiên của tình yêu. Minh thấy lòng mình ấm lại.

Rồi giọng Loan bỗng buồn hơn:

- Chừng nào anh mới về lại Sài Gòn?

Chàng đốt một điếu thuốc lá, buồn buồn:

- Sớm nhất là 6 tháng anh mới kiếm được vài ngày phép.

Loan sững sờ:

- Sáu tháng! Gì mà lâu vậy? Em tưởng lính tàu bay nhiều phương tiện thì muốn đi về lúc nào chẳng được?

Hóa ra cô nàng nãy giờ cười nói tỉnh bơ vì không ngờ rằng mãi sáu tháng mới được gặp mình. Gái thành phố có khác, đất nước chiến tranh đã mấy chục năm mà chẳng ai hiểu tí gì về quân đội. Minh nhìn Loan và nhận ra cặp mắt nàng đã ướt sũng.

- Loan không hiểu. Trong quân đội người ta chỉ cho một năm 10 ngày phép. Anh phải chờ sáu tháng mới lấy được 5 ngày.

Loan cúi đầu im lặng. Hình như nỗi buồn đang thấm sâu vào tim nàng. Minh tiếp:

- Anh hy vọng sáu tháng sau trở về, Loan vẫn còn nhìn anh.

- Anh nói gì lạ vậy?

Minh nhìn nàng, giọng trầm xuống:

- Đời đổi thay Loan ạ. Em đẹp, con nhà giàu, lại ở trong một điều kiện thường phải tiếp xúc với nhiều người... Anh đi rồi, sẽ có khối thằng đến "nộp đơn" để xin được hầu hạ em. Một ngày đó, em sẽ tìm được một người em thích. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo nên biết nghĩ xa và biết chấp nhận những gì xảy đến cho mình...

Loan im lặng. Nàng chớp mắt thật mau rồi đột nhiên nắm lấy tay Minh:

- Anh nghĩ Loan là hạng người nào?

- Loan đã hỏi anh câu này rồi, nhớ không? Anh đâu dám.

- Trước khi gặp anh, đã có nhiều người tới "nộp đơn" như anh nói. Đâu cần phải chờ đến khi vắng mặt anh rồi mới có người đến mà anh lo. Anh hiểu ý Loan không?

- Hiểu. Sao Loan lại "nhận đơn" của anh?

- Loan cũng không hiểu nữa. Có lẽ anh là một tổng hợp cũa những gì trái ngược nhau. Anh ngang tàng nhưng chân thật, nóng nảy nhưng độ lượng, dữ tợn nhưng dễ tha thứ... Mới đầu, Loan chỉ nói chuyện với anh như bao nhiêu người khách khác, rồi tự nhiên thấy thích anh...

- Đó chính là cái mà anh lo nghĩ. Nhỡ mai mốt Loan cũng gặp một người nào đó, nói chuyện rồi thích người ta luôn như đã thích anh thì sao? Nói ra có vẻ nhỏ mọn nhưng Loan tha lỗi. Anh chỉ là người.

Loan im lặng, trán hơi cau lại. Minh tiếp tục nhẹ nhàng:

- Anh chỉ nói vậy thôi. Anh là một người thực tế, nên biết mình không có quyền gì để coi Loan là của riêng anh. Anh đi rồi, nếu gặp người nào em thích thì cứ việc tự nhiên. Anh không cấm em đâu Loan ạ. Mà có muốn cấm cũng chả được. Em trẻ đẹp, em có cả một cuộc đời, một tương lai đầy hứa hẹn trước mặt em...

Giọng chàng tự nhiên trở nên chua chát làm Loan muốn rơi lệ. Nàng xiết chặt đôi bàn tay của Minh, tha thiết:

- Loan có biết một câu châm ngôn như thế này: "Ai biết đời đổi thay sẽ không bao giờ thay đổi..."

- Em biết đời đổi thay không?

- Cuộc đời thay đổi không ngừng anh Minh ạ, đặc biệt trong một xứ sở đầy dẫy chiến tranh như nước mình. Chuyện "Thương Hải Biến Vi Tang Điền" trong nước mình có thể xảy ra hằng ngày.

- Vậy là anh có quyền hy vọng?

Loan gật đầu, cười, sửa lại lời của một bài hát:

- "Anh nhớ cho rằng Loan vẫn chờ anh, vẫn chờ anh..."

Rồi cả hai cùng cười. Nhưng khi tiếng cười dứt, một bầu không khí im lặng bao trùm lấy hai người. Minh đốt thuốc lá. Loan cúi nhìn ly kem nhưng chẳng thiết ăn uống gì nữa. Ai bảo người thành phố không biết mùi chiến tranh. Hôm nay, Loan thấy mình bỗng trở nên một "nạn nhân chiến cuộc." Phải, một nạn nhân chiến cuộc như báo chí thường đăng tải. Và nàng thoáng nhớ đến lời của một bài hát đang thịnh hành: "Ngày mai anh đi, biển nhớ không tên gọi về..."

Sáng hôm sau, Minh lên tàu bay giã từ Sài Gòn lúc thành phố chưa lên đèn...

Bây giờ, nhìn người lính mặc đồ rằn ri đang đứng trước mặt, hình ảnh của đêm gặp gỡ đầu tiên, của trận đánh lộn xém chết trở về trong đầu chàng. Như con chim đã bị thương một lần, Minh thấy câu "Một câu nhịn chín câu lành" của ông bà trở nên rất chí lý trong hoàn cảnh này. Chàng bình thản cầm gói thuốc lá đưa cho người lính. Hắn rút một điếu rồi bỏ luôn bao thuốc lá vào túi áo rất tự nhiên. Dù đã có chủ đích, Minh cũng thấy hai thái dương mình chợt dựt lên từng hồi nhưng trấn tĩnh được ngay. "Một câu nhịn chín câu lành" mà.

- Cho thuốc rồi còn lửa đâu, chú em có lửa không?

Minh móc cái hộp quẹt Zippo đưa cho hắn. Người lính rằn ri châm lửa mồi thuốc, thở khói ra rồi bật lên bật xuống cái nắp Zippo nghe lắc cắc trong tay:

- Qua mượn cái hộp quẹt này luôn nghe chú em. Chịu không?

Minh nhún vai:

- Sao cũng được.

Người lính xoay người bỏ đi về chỗ cũ, thẩy chiến lợi phẩm lên bàn để khoe với các bạn. Như thế này thì không thể ngồi đây được, chàng quyết định bỏ đi về. Cái thành phố lính này đối xử với dân ăn mặc civil kỳ quá. Chàng quyết từ nay khi đi phố sẽ không mặc đồ dân sự nữa.

Minh vừa đứng lên bỗng thấy một bộ đồ rằn ri khác từ dãy bàn bên kia lại xuất hiện tiến tới chỗ chàng. Đù mẹ cây muốn lặng mà gió không chịu ngừng. Sức chịu đựng con người có giới hạn thôi. Lần này, Minh quyết định ăn thua đủ. Chàng xuống tấn đứng yên, hai chân dạng ra, nhìn quanh một vòng coi thử có cái gì có thể chụp được trong tầm tay để tự vệ.

Người mặc quần áo rằn ri tiến gần hơn một chút, Minh thoáng nhìn thấy cặp lon đại úy trên cổ áo hắn. Chàng thấy hơi yên tâm nhưng vẫn giữ nguyên vị trí, chờ đợi. Hắn đến gần, và Minh nhận ra khuôn mặt hắn hơi quen quen.

Minh ngạc nhiên khi thấy người đại úy cười, đưa trả lại cho chàng cái hộp quẹt Zippo và gói thuốc:

- Tôi thấy hộp quẹt có khắc huy hiệu của phi đoàn 243 Mãnh Sư, anh ở phi đoàn này phải không?

- Cám ơn đại úy. Tôi tên Minh, phi công phi đoàn này, mới đổi về hơn tháng.

- Vậy à, 243 Mãnh Sư với Lôi Hổ là anh em một nhà. Mấy ông tuần nào cũng thả tụi tôi đi nhẩy toán. Tôi tên Sơn, đại úy Sơn. Anh cho tôi xin lỗi. Thằng em lúc nãy không biết làm càn, dám xúc phạm tới núi Thái Sơn, may mà tôi nhìn thấy cái dấu hiệu của phi đoàn ông, nếu không thì mai mốt gặp nhau trong phi trường mình biết ăn nói làm sao đây? Anh cho tôi xin lỗi nghe.

Minh cầm cái hộp quẹt, đưa tay ra bắt tay đại úy Sơn:

- Lỗi phải gì đại úy. Mà hình như tôi thấy đại úy hơi quen quen...

Sơn nhíu mày, rồi bỗng nghĩ ra:

- Phải đại úy là người đã cứu tôi thoát chết ngày nào không?

- Thôi đúng rồi! Đích thị là ông rồi, tôi uống từ hồi chiều đến giờ nên mắt có hơi mờ không nhìn ra ông được. Mà ông làm gì lưu lạc xuống đây?

- Tôi bị đổi về đây ngay sau vụ đó.

- Qua đây, qua đây ngồi với tôi mình cạn vài "Hồ trường..."

Minh ngồi xuống giữa đám lính Lôi Hổ. Khi biết chàng là phi công, mọi người đều thay đổi thái độ. Mọi người tranh nhau mời rượu chàng như để chuộc tội lại cho những gì vừa xảy ra. Sơn giới thiệu một người:

- Đây là thiếu úy Chiêu. Tên này có cái tật là đi nhậu không bao giờ đeo lon để đánh lộn cho dễ. Mày xin lỗi trung úy Minh đi mày...

Chiêu bắt tay Minh, hắn nói tỉnh bơ, chẳng thấy "hối hận" chút nào:

- Ông mặc đồ civil láng quá coi cứ như công tử, tôi làm sao biết được là trung úy phi công. Đừng buồn tôi nghe.

Minh cười dễ dãi:

- Có buồn cũng chẳng làm mẹ gì được.

Hai người bắt tay nhau. Bia được kêu thêm. Sơn bắt đầu kể chuyện đại náo của Minh ngày nào cho mọi người. Nghe xong, mọi người nhìn Minh càng phục hơn nữa. Chiêu hỏi:

- Ông với quen chị em cô Thanh à?

Từ lúc rời Sài Gòn, hình ảnh Loan tràn ngập tâm hồn Minh nên nghe nhắc đến, chàng hí hửng trả lời liền:

- Mới quen. Tối hôm đó là tối đầu tiên tôi vô tình đến quán. Ông cũng biết hai chị em cô này à?

- Anh Sơn có dắt tôi tới đó vài lần.

Chiêu im lặng một lúc rồi bật mí một tin động trời:

- Cô Thanh là hôn thê của đại úy Sơn đó.

Minh ngạc nhiên thích thú. Đi chơi với Loan mới có mấy lần, chàng không biết hết được chuyện gia đình nàng. Ông trời xanh quả thật oái ăm. Làm sao lại xui khiến để cho hai người tình cờ gặp nhau ở đây. Sơn nghe đàn em nói vậy liền tiếp luôn:

- Ông muốn làm anh em cột chèo tôi không, hối lộ cái gì đi, tôi yểm trợ cho...

Minh cười không nói gì rồi hai người kéo ghế lại ngồi gần nhau mơi một góc bàn, cố tình tránh xa cái đám lính trẻ đang thách đố nhau uống bia ồn ào như một cái chợ. Minh hỏi:

- Anh là hôn phu của cô Thanh à?

Sơn gật đầu:

- Ừ. Tôi biết gia đình đó từ lúc còn đi học. Đúng hơn, ngày xưa tôi là người kèm toán lý hóa cho hai chị em. Gia đình rất tốt, con cái rất có nề nếp.

Minh lại nhớ đến Loan và cái tánh lạ lùng của nàng.

- Chừng nào thì tôi được uống rượu mừng của anh?

- Chắc cuối năm nay. Gia đình của Thanh vừa chạy cho tôi về Sài Gòn. Tôi chỉ còn ở đây vài tuần nữa thôi để chờ sự vụ lệnh. Cậu cho địa chỉ để tôi gởi thiệp Hồng.

- Loan có địa chỉ tôi.

- Loan à?

- Vâng.

Sơn vỗ vai Minh cười cười:

- Cậu tốt số lắm mới vào được con bé. Đã có không biết bao thằng doạ tự tử vì nó. Cậu sao hay vậy?

Minh cười:

- May mắn thôi anh.

- Ở xa như thế này thật bất tiện. Nhưng rồi cũng phải xin về Biên Hòa trở lại chứ, ở mãi đây đâu có được.

- Ở hai năm mới có quyền làm đơn. Sơn lắc đầu:

- 2 năm thì còn gì là... Loan nữa?

Giọng Minh buồn buồn:

- Đành chịu thôi. Mình chỉ còn biết trông chờ vào số mạng.

Sơn cúi đầu, lập lại:

- Ừ, số mạng. Số mạng.

° ° °

Bước vào phòng thuyết trình hành quân của chiến đoàn III xung kích, Minh ngạc nhiên khi nhìn thấy người cầm cây thước đứng nơi tấm bản đồ là đại úy Sơn. Khuôn mặt Sơn hôm nay thấy nghiêm trọng lạ lùng. Minh không hiểu anh ta muốn làm ra vẻ nghiêm trọng vì hoàn cảnh hay vì có chuyện gì khác.

Chờ cho các phi hành đoàn trực thăng vừa ngồi xuống thì Đại úy Sơn chỉ vào tấm bản đồ treo trên tường:

- Bãi đáp là chỗ này, chỉ cách bộ tư lệnh hậu cần của sư đoàn 2 sao vàng chừng vài cây số, tọa độ Anh Dũng về phải 800, xuống 1000.

Vừa nghe tới đó xong là có tiếng loạt soạt của mấy chục tấm bản đồ do gần 20 chục phi công của 9 phi hành đoàn trực thăng được dở ra một lần. Mò mẫm vài giây đồng hồ, có người nhìn thấy được, thở dài lên ngao ngán. Minh là người tìm thấy chậm nhất vì chàng mới đổi về, lạ đất lạ cát. Ngón tay Minh mò mẩm tìm trục Anh Dũng. Nó đây rồi. Ủa, nhìn cái boundary của bản đồ chàng mới khám phá ra là nó không nằm bên lãnh thổ ta mà là ở tuốt bên nước Cam bốt. Hết chỗ nhảy rồi hay sao mà mấy ông lại bắt chúng tôi bay xa vậy.

Chờ cho những ngạc nhiên từ từ lắng xuống, Sơn tiếp tục:

- Các bạn có vẻ ngạc nhiên vì tọa độ bãi đáp? Tôi xin nói rõ hơn là nó nằm ở phía Tây đường mòn Hồ Chí Minh...

Cả phòng im lặng. Người ta không bao giờ tiết lộ bí mật hành quân nhưng Minh cũng phần nào đoán ra được mục đích của một cuộc đổ quân bí mật ngay sau lưng bộ tư lệnh hậu cần Việt Cộng: Nếu không phải để bắt cóc một vài nhân vật quân sự quan trọng của chúng nó thì để làm gì. Nhân vật này ắt phải quan trọng lắm vì Lôi Hổ phải qua tuốt bên đất Cam Bốt để làm việc. Cấp tướng là giá chót.

- Tôi sẽ bay C & C để điều khiển cuộc thả toán này...

Sơn tiếp tục hết phần thuyết trình của mình về những thủ tục lỉnh kỉnh khác của cuộc đổ quân rồi nhường bục thuyết trình cho không quân. Thiếu tá Nhân, phi đội trưởng của phi đoàn tiếp tục phần thuyết trình:

- Chúng ta sẽ bay như thế này. Cất cánh từ Pleiku đi, là một hợp đoàn gồm 6 slicks, 4 guns và một C & C. Qua khỏi biên giới, vô tuyến giữ im lặng tối đa. Trong khi hợp đoàn chính vẫn bay thẳng để đánh lạc hướng địch, hai chiếc gun sẽ hộ tống chiếc slick chở Lôi Hổ tách ra khỏi hợp đoàn. Ông này sẽ trực chỉ bãi đáp để thả toán. Chừng năm phút sau, tôi sẽ cho một slick khác tách ra bay theo ba ông để trực rescue cho mấy ông. Thả xong, mấy ông cứ việc bay thẳng về biên giới mình, khỏi cần chờ chúng tôi. Trong khi đó, tôi sẽ hướng dẫn hợp đoàn tiếp tục bay thẳng thêm một lúc nữa rồi chậm lại làm như sắp sửa đáp xuống chỗ này. Quần quần chừng năm phút, gunship cho bắn vài tràng thị oai rồi mình dọt về...

Ngừng một chút, ông tiếp:

- Điều quan trọng của chuyến bay này là vô tuyến phải im lặng tối đa. Có ai hỏi gì không?

Không ai hỏi gì cả.

- Nếu không có gì tụi mình có thể ra tàu để chờ. Kể từ giây phút này, vì bí mật quân sự, tuyệt đối không có ai, kể cả tôi được phép bước ra khỏi khu bến đậu phi cơ. Chúng ta sẽ ăn nghĩ tại chỗ cho đến khi được lệnh cất cánh.

Các phi hành đoàn lần lượt rời phòng họp, leo lên xe ra bãi đậu phi cơ. Tại đây, Minh nhìn thấy một đám Lôi Hổ ăn mặc quần áo ka ki Nam Định Việt Cộng với những cây AK-47 đang ngồi chờ sẵn. Dù đã quen, nhưng vừa nhìn thấy là Minh vẫn còn giật mình, tưởng như Việt Cộng đã vào cướp phi trường.

Minh sửa soạn tàu bè, kiểm soát súng ống xăng nhớt cẩn thận rồi ra ngồi dưới bóng mát của một chiếc L-19 đậu gần đó, hút thuốc lá vặt và ngắm nhìn trời đất. Sáng nay trời quang đãng. Minh để ý một điều là ở những thành phố cao nguyên này, nắng dường như có màu vàng. Vàng rực như những đoá hoa mặt trời. Đất "Hoàng Triệu Cương Thổ" có khác.

Giờ cất cánh rồi cuối cùng cũng đến. Vì Minh mới về, địa thế chưa rành nên chỉ được cho lái một chiếc slick khiêm nhượng trong hợp đoàn. Chiếc tàu này trống trơn, chỉ bay để làm kế nghi binh lừa địch...

11 chiếc trực thăng cùng quay máy một lần rồi nối đuôi nhau bốc lên làm thành một hợp đoàn lầm lũi rời phi trường Pleiku, lấy hướng Tây trực chỉ dãy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Qua khỏi Pleime chừng 10 dặm, nhận được chỉ thị từ vô tuyến, 6 chiếc slick, 4 chiếc gunhip cùng cắt ga rớt xuống một lượt bay rà rà sát ngọn cây, để lại mình chiếc C & C đơn độc trên bầu trời xanh. Kể từ giây phút này, im lặng vô tuyến tối đa.

Bay được chừng vài phút, Minh nhận ra là hình như mình đang bay trên khu tập trung quân của giặc. Minh tái mặt khi nhìn thấy rõ nhiều xe tăng cùng những bộ ka ki Nam Định lướt qua thật mau dưới chân. Ai cho lộ trình không hành mà kỳ vậy? Sao lại bay trên đầu khu tập trung quân của chúng nó? Chàng chưa hết thắc mắc thì đã nghe súng nhỏ bắt đầu bắn lên. Và chẳng lâu sau đó, đúng như chàng lo sợ tiếng nổ của đại bác phòng không.

Minh im lặng chờ một chỉ thị của C & C nhưng không thấy gì. Súng vẫn tiếp tục nổ. Chỉ hy vọng là mấy ông biết mình đang bay ở vùng nào. Vô tuyến đang im lặng bỗng có tiếng la hốt hoảng xé tai của chiếc C & C vang lên trong nón bay: "SA-7, SA-....7"

SA-7 là tử thần của phi công Việt Nam . SA-7, đúng hơn là hỏa tiển tầm nhiệt nguy hiểm mà giặc vừa đem vào chiến trường. Với tầm bắn lên tới 20 ngàn bộ và tốc độ mau hơn tốc độ âm thanh, hỏa tiễn này có dư khả năng để bắn rớt bất kỳ một phi cơ nào của quân ta, kể cả phi cơ tối tân nhất là F-5. Trận An Lộc, Minh đã nhìn thấy không biết bao nhiêu chiếc khu trục hay trực thăng bị nổ tung lên như xác pháo bởi SA-7.

Cả hợp đoàn nhốn nháo nhưng không ai nói với ai một lời nào. Minh thấy thần kinh mình như tê dại. Chàng bay sát ngọn cây không ngán SA-7 nhưng chỉ sợ cho chiếc C & C. Cao độ đó, tốc độ đó thì đâu cần phải bắn lần thứ hai. Minh bỗng rùng mình, liếc nhìn lên bầu trời...

Và chàng nấc nhẹ lên một tiếng khi nhìn thấy một cục lửa từ trời cao rơi xuống. Tuy bị bắn bất ngờ nhưng người phi công hình như vẫn điều khiển được phi cơ, cho nó rớt trong trạng thái "Autorotation". Hỡi trời cao, lạy thượng đế, xin cứu thoát họ. Trong giây phút nguy hiểm kinh hoàng đó, con người không làm gì được hơn là cầu nguyện. Đồng thời, có tiếng nói hốt hoảng của Tĩnh, phi đội trưởng vang lên trong máy, đứt khoảng, nghẹn ngào : "Nói anh em biết, C & C của mình rụng rồi... Rụng rồi. Đù Mẹ SA-7 bắn rụng rồi." Có tiếng nấc tiếp theo tiếng "rụng rồi..."

Minh sững sờ, không nói được một lời.

"Anh em chú ý, Tango đây, phi vụ hủy bỏ. Anh em quẹo hướng 2 giờ, tới ngay chỗ chiếc tàu vừa rớt cấp cứu liền. Mấy ông gunship dọt tới trước để cover. Mau, lẹ lẹ..."

Cả hợp đoàn trực thăng từ từ bốc lên cao, nghiêng cánh quẹo tới. Minh phản ứng như một cái máy. Khỏi cần chờ gunship, khỏi cần biết tình hình phía dưới như thế nào, chàng tách khỏi hợp đoàn, nghiến răng vặn hết ga đồng thời quẹo gắt một vòng. Cánh quạt trực thăng chém văng những cánh lá rừng dưới chân chàng. Minh dí mũi phi cơ ào tới như một cơn lốc.

Nó kia rồi. Chiếc C & C kia rồi. Không, phải nói là một cục sắt đen thùi lùi đang còn âm ỉ cháy thì đúng hơn. Minh tới gần hơn chút nữa, ước lượng tình hình. Khung phòng chiếc trực thăng còn y nguyên chứng tỏ tàu đã không rớt mạnh lắm. Hy vọng có người còn sống sót. Điều nguy hiểm nhất là phi cơ đang âm ỉ cháy, có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào. Kẹt hơn nữa là nó lại nằm giữa một đám rừng rậm, không thể nào đáp xuống gần được.

Minh hoover thật sát, ngay trên nóc chiếc trực thăng nhìn xuống. Khốn nạn, gió phần phật của cánh quạt chiếc tàu hình như làm cho lửa cháy mạnh hơn. Minh hốt hoảng tính quẹo ra thì, nhờ cánh quạt thổi khói sang một bên, chàng bỗng nhìn thấy một người đang lòm còm bò ra khỏi chiếc trực thăng. Minh nhìn kỹ hơn, thì ra một bộ đồ rằn. Đúng là đại úy Sơn rồi.

Minh nói với Thảo, người xạ thủ qua vô tuyến:

- Tôi hạ tàu xuống thấp, ông nhảy xuống được không?

- Rừng rậm quá ông ơi, làm sao xuống nổi?

- Tôi xuống thấp chút nữa, ông xuống nghe?

- Sợ thằng tây nào! Thấp xuống chút nữa đi, tôi nhảy cho coi.

Xong rồi. Minh đảo mắt tìm kiếm. Chỗ này đây, cây rừng rất rậm nhưng không to lắm. Minh khéo léo hạ chiếc tàu, rồi nghiêng một chút, đưa cánh quạt ra chém phăng những cây rừng gần đó để làm một bãi đáp.

Cánh quạt trực thăng chém đứt những nhánh cây rừng nhỏ ngọt như mía. Trò chơi nguy hiểm vô cùng, vì nếu gặp cây lớn quá thì cánh quạt sẽ bị gẫy chứ không phải cây. Loay hoay một lúc Minh "chặt" vừa đủ chỗ để hạ chiếc tàu xuống gần mặt đất. Bụi tung lên mù mịt. Minh tính hét "Xuống đi!" nhưng vừa nhìn thấy Thảo đã nhảy xuống từ lúc nào, đang chạy trước mặt mình. Hắn ôm được Sơn, chạy từng bước một trở về tàu. Người mévo thứ hai cũng đã chạy tới chiếc tàu C & C đang bốc cháy nhưng không thể tới gần được. Sức nóng của cục lửa đẩy hắn dội ngược. Hắn đứng yên quan sát một lúc rồi lắc đầu bỏ chạy trở về tàu mình.

Lửa nhờ gió của cánh quạt trực thăng tiếp sức, càng ngày càng bốc cao lên hơn. Minh biết trước sau gì tàu cũng phát nổ. Chiếc C & C mà nổ thì chiếc này sẽ... nổ theo. Minh sốt ruột nhìn Thảo đang lê từng bước một về tàu. Trời ạ, sức lực đâu hãy cho hắn thêm chút xíu.

Thảo đang chạy bỗng vấp chân ngã nhào, quăng Sơn xuống đất. Lửa của chiếc trực thăng lại bốc cao hơn nữa, đang liếm xuống phía dưới, nơi có thùng xăng chính và mấy hộp đạn chứa 6 ngàn viên đại liên. Đù mẹ nó mà nổ thì bảo đãm "sẽ tung trời". Minh ngồi yên bất lực và suy nghĩ. Rồi bỗng ý nghĩ hèn nhát xuất hiện trong đầu chàng: "Chiếc tàu kia sắp nổ rồi, hay là cứ cất cánh lên đi, bỏ nó lại. Tàu gần nổ rồi. Trước sau gì nó cũng chết, ít ra mình cứu được mình..."

Dù chỉ là một tư tưởng trong đầu nhưng Minh muốn tặng cho mình một phát súng. Quân hèn nhát khốn nạn. Không thể được. Minh ạ, nếu chết, mày sẽ chết chung với anh em.

Ủa, té xuống rồi thì đứng dậy đi chứ, tính nằm vạ đó à. Bộ thằng Thảo này không biết là con tàu sắp nổ sau lưng sao. Minh chỉ muốn lột giây an toàn để nhào xuống nhưng không được.

Rồi hắn cũng bò dậy được. Minh lại cầu trời cho hắn thêm chút ít sức lực nữa. Chàng rủa thầm: "Đù mẹ ai biểu hễ cứ về đáp là uống rượu và chơi đĩ cho lắm vào, sức lực đâu còn nữa..."

Thảo đã đứng giậy được, nhưng khốn nạn, lại bước đi cà nhắc. Hắn chỉ tay về phía chiếc tàu rồi về phía Sơn, mặt mày nhăn nhó. Minh lắc đầu. Tên này uống rượu say chạy xe Honda ủi vào cột đèn bao nhiêu lần u đầu sứt trán mà có sao đâu, bây giờ mới té nhẹ một cái đã bị trật chân trật cẳng. Thật là chán đời.

Nhưng may quá, người xạ thủ thứ hai đã tới cứu bồ. Hắn bế thốc Sơn lên vai chạy thật mau về phía tàu. Bỏ được Sơn lên tàu, Minh quay lui quan sát. Sơn bị thương nặng, máu đầy mặt mũi quần áo nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Chàng mừng thầm, tính bốc tàu lên nhưng sực nhớ đến Thảo. Hắn đang lò cò nhảy từng bước một tới. Minh lại... cầu nguyện với trời cho hắn thêm chút sức lực. Một giây đồng hồ trôi qua ở giây phút này dài như một thế kỷ...

Thảo vừa đặt chân lên tàu là Minh vặn hết ga. Chiếc trực thăng bốc lên cao, chậm hơn ý Minh muốn nhưng rồi cũng lên được. Chàng đạp bàn đạp quẹo con tàu, bụi đất phủ mờ một vùng. Minh vừa quẹo xong thì cũng vừa nghe một tiếng nổ long trời lở đất phía dưới.

Chàng thấy cay cay con mắt. Như thế này thì trời không còn dựa miền Nam nữa rồi. Kế hoạch tính kỹ như vậy, quân đội ngon lành như vậy, tại sao bỗng trở thành tấm bi kịch ở vào giờ phút chót? May mà chàng đã bốc được đại úy Sơn về. Thiếu tá Nhân cùng toàn thể phi hành đoàn đều chết thảm. Cái chết của những nhân viên phi hành thường tàn độc. Hoặc mất biệt, hoặc tan xác, hoặc cháy thành than như trong trường hợp này...

° ° °

Trên cõi đời này, có một nơi mà không người đàn ông nào muốn dắt người tình của mình vào đó là nhà thương. Nhất lại là nhà thương quân đội với những hình ảnh khủng khiếp của chiến tranh. Sáng nay, Minh phải cắn răng làm nhiệm vụ khăn đó: Dắt chị em Thanh từ Sài Gòn vào thăm Sơn tại quân y viện Pleiku. Minh đón họ tại phi trường, chưa kịp hỏi han gì là đã lên xe chạy tuốt vào đây, không ai có thì giờ kể chuyện lẩm cẩm.

Chiến trường càng ngày càng trở nên gay cấn. Vùng I, sư đoàn 3 bộ binh của tướng Giai tan hàng, Quảng Trị đã bị bỏ ngỏ. Vùng III, An Lộc vẫn hứng mỗi ngày 7 ngàn trái đạn và đang chờ đợi trận xung phong cuối cùng của Bắc Quân. Vùng II, chúng nó cắt quốc lộ 14, vây hãm Kon Tum nặng nề. Không ai biết Việt Cộng sẽ chọn thành phố nào để tấn công: Kon Tum hay Pleiku. Riêng tại Kon Tum, nơi bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh trấn đóng, người ta đồn Tướng Lý Tòng Bá phát súng cho cả vợ con của binh sĩ sư đoàn để chống giữ và ôm M-16 ra giao thông hào tử thủ chung với lính. Và dĩ nhiên, đạn pháo kích cứ thỉnh thoảng rót vào thành phố...

Kể từ lúc nhận được cú điện thoại thông báo chị em Thanh sẽ lên thăm Sơn, Minh đã không đồng ý chuyện này. Trong tình thế này, thiên hạ ai ai cũng đùng đùng lo dọt về Sài Gòn, chỉ có hai chị em nàng điếc không sợ súng lại lò mò lên đây. Nhưng khi gặp chị em Thanh, Minh thông cảm được liền. Đôi mắt nàng đã sưng húp lên vì khóc quá nhiều. Minh an ủi:

- Anh Sơn chỉ bị thương nặng thôi, không sao đâu.

Trên đường vào đây, hai chị em Thanh đã nhìn được tận mắt những xót xa, đau khổ của dân chúng một thành phố địa đầu mà họ chưa bao giờ được nhìn thấy. Đi ngang một khu gia binh của lính, nhìn những dẫy nhà tôn thấp lè tè dơ bẫn, Loan hỏi Minh:

- Làm sao mà người ta có thể ở được trong những cái hang chuột như vậy?

Minh cười chua chát:

- Nước mình nghèo, có được một căn nhà che thân như vậy là tốt rồi. Em không biết chứ mộng ước to lớn nhất của những người lính Việt Nam ở đây chỉ là mong được trở về để sống trong cái "hang chuột" này với vợ con một năm vài tuần lễ. Một năm chỉ muốn được làm người, sống như người vài tuần lễ mà vẫn ít khi có được. Chỗ ở thường xuyên của họ là chiến trường tàn bạo khi còn sức lực, là nhà thương hôi hám khi bị ngã ngựa, và là nghĩa địa buồn khi phải giã từ vũ khí...

Loan im lặng. Nàng bắt đầu hiểu được phần nào những nỗi thống khổ của người lính Việt Nam.

Bước vào nhà thương, chiến trận đã quen mùi như Minh mà còn thấy lạnh mình khi đi qua những phòng cấp cứu. Có nhiều phòng máu tràn ngập lênh láng chảy ra tới hành làng. Hòa trong khung cảnh đó là thỉnh thoảng những tiếng rên la khủng khiếp dội ra. Đó là chưa nói đến hình ảnh những người lính bị thương cụt chân mất tay nằm ngồi la liệt khắp nơi. Hai chị em Thanh Loan hãi quá, bụm miệng lại như cố cầm hơi thở. Mỗi người một bên, họ đi sát bên Minh như để được che chở giữa khung cảnh thật này của chiến tranh. Bây giờ họ mới nhìn nhận lời khuyên của Minh là đúng và tự hối hận đã chẳng nghe lời chàng.

Thanh lại khóc nấc lên khi người y tá trực cho biết là Sơn đã được phi cơ Mỹ chở về Sài Gòn sáng nay. Nàng chỉ nín khóc khi người y tá cho nàng coi hồ sơ bệnh lý của Sơn: Tuy gãy tay chân, dập sươn sườn nhưng không có gì nặng lắm. Sơn được đưa về Sài gòn là nhờ một cú điện thoại mật từ Sài Gòn gọi ra...

Chẳng còn gì nữa, cả bọn lại bỏ ra đi. Đi cho mau để thoát khỏi cái quân y viện kinh khủng này và còn kịp thì giờ đáp chiếc C-130 về lại Sài Gòn tối nay.

Về tới phi trường Pleiku, khó nhọc lắm Minh mới đưa hai chị em vào được trạm hàng không quân sự. Dân di tản khắp nơi tụ tập chung quanh hàng rào phi trường đông như kiến. Ai cũng muốn đi khỏi cái thành phố địa đầu này. Kiếm được một chỗ ngồi trong trạm hàng không thì hai chị em đã tả tơi như những cành hoa trước gió.

Ngồi im lặng bên nhau một lúc rất lâu mà chẳng ai nói với ai một lời nào. Lần đầu tiên từ lúc quen nhau, Minh nhận ra vẻ nhí nhảnh thường ngày của Loan trốn đâu mất biệt. Chính chàng, chàng cũng chẳng thiết tha gì nữa. Sự có mặt của chị em Loan tại đây thật là một thú vị bất ngờ nhưng tình hình này bi đát quá, Minh chỉ mong sao đẩy họ lên được tàu bay là mừng. Ngày mai trời sẽ sáng hơn, cơn sóng gió nào rồi cũng qua đi. Minh biết vậy...

Một lúc lâu sau đó, lấy sức lại, cả ba mới nhận ra là từ sáng đến giờ chưa ai ăn uống gì cả. Không đói nhưng mọi người đều thấy khát nước. Minh bỏ hai người đi đâu một lúc rồi trở lại với hai chai xá xị và ba cái ly nhựa trên tay.

Xá xị được chia đều. Chưa ai kịp uống thì bỗng họ nhận ra có mấy đứa bé ngồi bên cạnh nhìn lên ba người với một vẻ thèm khát lạ lùng. Chỉ có đứa lớn nhất trong bọn, một bé gái khoảng 10 tuổi, tay ôm khư khư một gói đồ, đưa cặp mắt lo âu buồn thảm nhìn ra phi đạo như đang chờ đợi ai. Bốn chị em có vẻ đói khát và mệt mỏi từ lâu rồi.

Chẳng cần suy nghĩ, Minh đưa ngay ly nước ngọt mình đang cầm trên tay cho đứa bé trai. Nó dơ tay ra toan cầm lấy nhưng lại dựt về, quay sang nhìn bà chị như xin phép. Giấy rách mà vẫn giữ được lề, đáng phục thật. Minh bỗng thấy có cảm tình với đứa bé, bèn làm quen:

- Bố mẹ cháu đâu rồi?

Người chị lớn trả lời thế:

- Bố chúng tôi là lính, mẹ chúng tôi đi mua đồ ăn tí nữa trở về ngay.

Tiếng "lính" phát ra từ cặp môi đứa bé 10 tuổi nghe đơn giản nhưng hào hùng và hãnh diện làm sao. Chàng ngồi xuống bên đứa bé, thân thiện:

- Chú biết bố cháu mà, bố cháu bảo chú đưa cho cháu ly nước này, uống đi cháu...

Người chị nhìn đứa em gật đầu. Thằng bé chỉ đợi có thế, dựt mạnh ly xá xị trong tay Minh. Chàng mỉm cười, đoán rằng cậu ta sẽ ngửa cổ uống cạn nhưng nó lại đưa ly nước cho đứa em trai kế:

- Ông khách cho mày đó, uống đi.

Thằng em cầm ly nước ngọt, dưới cặp mắt ngạc nhiên của ba người, lại đưa ly cho cho đứa bé gái nhỏ nhất:

- Anh Ba cho em đó, em uống đi.

Đứa bé nhỏ nhất hớn hở đỡ lấy ly nước ngọt, mắt sáng ngời lên, đã tính uống, nhưng nghĩ sao lại đặt xuống, nhăn mặt nói:

- Thôi, em không uống đâu, em để dành cho má, chờ má về...

Minh thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Loan liền ngồi xuống bên cạnh đứa bé gái, đưa ly xá xị của mình cho nó, nước mắt nàng chảy dài:

- Vậy thì con uống ly này đi. Dì là bạn của má con, má con bảo dì đưa con ly nước này. Uống đi con...

Minh thấy mắt mình ươn ướt, đứng lên bỏ ra một góc vắng ngồi đốt thuốc lá. Chàng không muốn khóc trong hoàn cảnh này. Không phải khóc vì đau buồn mà vì hãnh diện. Suốt đời chàng, Minh chưa bao giờ thấy mình được hãnh diện làm người Việt Nam như ngày hôm nay, trong hoàn cảnh đau thương này của đất nước. Bốn đứa trẻ nhà quê ở một thành phố xó núi đã dạy cho chàng một bài học tin yêu mà mãi mãi chàng sẽ không thể nào quên được...

Rồi Minh cũng đưa được hai chị em Loan lên C-130. Nhờ chiếc áo bay, chàng leo lên tàu nấn ná ngồi cạnh Loan mong kéo dài những giây phút ly biệt. Trong một thoáng, chàng muốn ngồi lỳ ở trên này luôn để con tàu đưa chàng về Sài Gòn hoa lệ rồi muốn ra sao thì ra.

Có tiếng quay máy của động cơ. Đã sắp sửa đến giờ chia tay. Loan bịn rịn cầm lấy tay Minh, thân mật như ngày nào nàng đã cầm tay chàng ở Passage Eden :

- Anh ở lại ráng giữ mình.

- Em về bình yên, anh chỉ tiếc chuyến đi của hai chị em đã trở thành vô ích.

- Không vô ích đâu anh. Mới đầu, em cũng tưởng vậy nhưng không ngờ em đã học được nhiều bài học quí giá.

- Em học được gì?

- Nhiều lắm. Chiến tranh, sự nghèo khổ, v.v... Nhưng bài học quan trọng nhất, bài học quý giá nhất mà nếu không xuống đây em không thể nào học được là em biết rằng mọi tai ương, mọi đau khổ đang đè xuống dân tộc mình rồi sẽ qua đi như một ngày xấu trời. Quê hương dân tộc mình rồi sẽ vươn cao lên từ những điêu tàn đau khổ của ngày hôm nay...

- Làm sao em dám quả quyết như vậy?

- Vì người Việt mình ai cũng có một tấm lòng. Tấm lòng như bốn chị em nhỏ nhà kia, và như anh...

Minh cười:

- Như bốn chị em kia, anh đồng ý, còn như anh, anh có tấm lòng gì?

- Người. Tấm lòng người. Ngày nào quê hương còn có những tấm lòng nhân ái, những tấm lòng biết yêu thương nhau như bốn chị em nhà kia, thì những đau khổ của quê hương, của dân tộc mình ngày hôm nay sẽ như một áng mây trôi qua mau.

Minh không biết mình xuống khỏi tàu cách nào và lúc nào, nhưng lúc nhìn lại thì chiếc C-130 đã cất cánh và đang bốc lên cao. Chàng ngước mắt nhìn theo, tưởng tượng chị em Thanh đang ngồi một chỗ nào đó trong thân tàu. Minh cúi xuống ngắt một ngọn cỏ bên đường phi đạo, thẫn thờ bước đi, nghĩ đến lời nói của cô bé lớp 12 trường trung học: "Người Việt mình ai cũng có một tấm lòng, những đau khổ của quê hương, của dân tộc mình ngày hôm nay sẽ như một áng mây trôi qua mau..."

Đúng như lời Loan nói, cuộc tổng tấn công điên cuồng của Bắc quân thất bại hoàn toàn. Quân ta một lần chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của những "con người có tâm hồn". Đặc biệt, nhờ công trạng của cuộc rescue nguy hiểm, Minh được phép thuyên chuyển về Biên Hòa trở lại. Bỏ tấm sự vụ lệnh ngay ngắn vào túi áo, chàng tự nhủ với lòng mình: "Phen này nhất định không đấm đá bừa bãi nữa..."

Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Biên Hùng chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Phi Công Thời Loạn -Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Vừa bước vào quán cà phê, nghe thấy tiếng nhạc dội ra ầm ĩ như muốn chọc thủng lỗ tai và đám khách hàng lố nhố toàn những bộ quần áo rằn ri, Minh đã toan bỏ đi,

Vừa bước vào quán cà phê, nghe thấy tiếng nhạc dội ra ầm ĩ như muốn chọc thủng lỗ tai và đám khách hàng lố nhố toàn những bộ quần áo rằn ri, Minh đã toan bỏ đi, nhưng nghĩ sao lại lững thửng bước vào, tìm một cái bàn vắng vẻ ngồi xuống.

Bộ đồ dân sự duy nhất và mái tóc hơi dài của Minh thật có vẻ lạc lõng trong cái quán cà phê toàn là lính này. Khỏi cần nói, Minh biết mình đã bước vào đây dưới những cái nhìn của hàng chục cặp mắt... rằn ri khó chịu. Mặc kệ. Bọn này đâu có biết rằng chàng là một phi công trực thăng vừa đổi về đây từ một địa danh lẫy lừng nhất của quân sử hiện tại: Bình Long Anh Dũng...

Như thường lệ, vừa ngồi xuống là Minh móc gói Pall Mall thẩy lên bàn, bình thản chờ đợi cô hàng đến hỏi. Hút được nửa điếu thuốc, cô hàng đâu chưa thấy, đã thấy một bộ đồ rằn ri lầm lì đang tiến tới gần bàn mình. Minh nheo mắt, rán đo lường cái sự... tiến tới có vẻ hơi kỳ lạ này. Trong một khoảnh khắc, chàng ước gì mình đã không bước vào quán.

Người mặc áo rằn ri tiến tới gần hơn. Minh xoay hẳn người, ngước lên nhìn thẳng vào mặt hắn. Té ra là lính Lôi Hổ, một loại lính hung hản nhất và cũng ba gai nhất của quân lực. Mà hắn muốn gì đây? Minh bình thản chờ đợi.

Người lính chỉ vào bao thuốc lá, giọng lạnh lùng:

- Ông bạn cho xin điếu thuốc.

Minh thừa biết đây chỉ là một cái cớ cho hắn kiếm chuyện. Dãy bàn mà hắn vừa bước ra, khói thuốc lá xông lên mờ cả một góc quán, đâu cần gì phải "di hành" qua tới đây kiếm chác.

Minh sực nhớ ra là mình không có dắt theo cây P. 38 trong bụng. Chàng suy nghĩ thật mau. Cũng là một tay chơi, Minh biết câu nói xin thuốc lá này tuy bình thường nhưng cân não lắm. Không cho, thế nào cũng có chuyện. Mà cho thì tự chấp nhận là mình dưới "cơ" của hắn. Chàng biết cái vụ xin thuốc lá này chỉ là phần mở đầu của một chuỗi rắc rối mà mình không muốn dây dưa tới. Nhất là sau khi đã bị quất một phát 30 ngày trọng cấm và thuyên chuyển về đây từ Biên Hòa với lời phê "tàn bạo" trong hồ sơ quân bạ: "Sĩ quan bê bối thiếu tác phong. Thuyên chuyển vì lý do kỷ luật."

Thật ra, lời phê của ông không đoàn trưởng có vẻ hơi khắt khe với một phi công trực thăng từng vào sinh ra tử như chàng nhưng Minh chẳng lấy thế làm buồn. Chàng tự an ủi rằng chẳng qua cái "hạn" của mình nó đến, không thể ngăn cản được. Chuyện rắc rối của chàng bắt đầu cũng tại trong quán một quán cà phê như thế này...

Cách đây hai tháng, sau một phi vụ bốc thương binh từ chiến trường An Lộc trở về, người phi công phụ của chàng bị bắn chết tươi trong phòng lái. Nhớ lại Minh còn thấy lạnh người. Vòm trời An Lộc sau mấy tháng trời vây hãm đã bị phòng không chúng nó kèm cứng ngắt. Cứng đến nỗi một con chim bay vào cũng không lọt. Chẳng phải chúng nó ghê gớm hay tài giỏi gì nhưng vì thành phố nhỏ tí tẹo, mọi traffic của phi cơ đều đến hoặc đi trong vòng mấy cây số vuông đẫm máu này. Sau những ngày đầu tiên của chiến dịch, thấy bắn phi cơ mãi mà không trúng, bọn Vẹm nghĩ ra được một phương pháp mới mẻ quái dị. Như ôm cây B-40 hay CKC có ống nhắm leo tuốt lên ngọn cây ngồi canh. Trực thăng dù bay cao hay bay thấp, bay vòng hay bay thẳng, bay đường nào rồi cuối cùng cũng phải tà tà chậm lại để đáp xuống. Từ lúc đáp cho đến lúc cất cánh, lính hay thương bệnh binh chạy mau nhất cũng nửa phút đồng hồ. Thế là các chú Vẹm với những yếu tố tác xạ và đạn đạo đã có sẵn, cứ bình thản nhắm từng chiếc một mà nổ. Nổ đẹp và dễ dàng như người lính tân binh tập bắn súng ở quân trường... Không quân Việt Nam chỉ còn biết giao đời mình cho số mạng...

Hôm ấy, Minh bay một phi vụ tải thương và tiếp tế, phải cất cánh đến lần thứ năm mới đem tàu vào được vòng đai tiểu khu. Mấy lần trước, bốn lần cất cánh đi vào là bốn lần... de lui. Vừa de vừa nín thở. Bức tường lửa của hàng trăm cây phòng không vững chắc hơn cả bức tường thép, người lại bằng thịt da và có cảm giác nên Minh không thể nào đục thủng để chui qua được. Quẹo về bãi đáp, nghỉ ngơi chút xíu, hút điếu thuốc lá, uống hết bịch trà đá chanh đường, thêm xăng nạp đạn lại cho mấy ổ súng xong là phi hành đoàn lại cất cánh. Cánh quạt đánh phần phật nhấc bổng con tàu lên, ai cũng nghĩ đến hai chữ "Số mạng" để trấn áp nỗi sợ hãi trong thâm tâm. "Mình chưa tới số thì có bay giữa vùng lửa đạn cũng vẫn tỉnh bơ, còn tới số thì nằm ngủ trong nhà cũng bị cột nhà rớt trúng đầu chết ngắc..."

May quá, lần thứ năm, lợi dụng lúc phòng không chúng nó bận rộn bắn nhau với mấy ông F-5, Minh liều lĩnh cắt ga cho tàu rớt xuống giữa hai hàng cây, chun vào được. Hai trực thăng gunship đi theo hộ tống hùng hổ vậy mà cũng phải tháo lui. Hai cây Minigun làm sao bắn lại một trăm cây 12 ly 7.

Bay gần sát mặt đất mà vẫn còn phải vòng vòng lắc qua nghiêng lại để đề phòng cái vụ B-40 của chúng nó bắn từ trên ngọn cây. Đạp mấy thùng đồ tiếp tế xuống chỗ chỉ định xong, Minh quẹo gắt một đường thẳng tiến tới bãi bốc thương binh để chở về bệnh xá. Nhìn xuống bãi đáp, chàng mới thấy xót xa trong dạ. Hàng trăm người lính bộ binh bị thương chờ di tản ngồi đầy sân. Không biết họ chờ đã bao nhiêu lâu nhưng Minh biết chắc phải lâu vì hơn 3 ngày qua, chiếc tàu của chàng là chiếc trực thăng đầu tiên lọt qua được vòng đai phòng không của giặc.

Vừa nghe thấy tiếng trực thăng thì một cảnh hỗn loạn dưới đất xảy ra liền lập tức. Lý do dễ hiểu vì ai cũng mong mình được trực thăng bốc trước. Những người thương binh còn đi được, hay nói đúng hơn, hễ ai còn cử động được liền tự động tìm cách tiến gần theo hướng chiếc trực thăng đang tà tà đi tới.

Là một phi công kinh nghiệm với hàng trăm phi vụ nghẹt thở kiểu này, Minh biết chuyện gì phải làm. Thứ nhất, mình không thể nào đáp xuống giữa một đám đông vô trật tự như vậy được. Mọi người sẽ bu lấy chiếc trực thăng như đàn hổ đói bám con dê non. Tiếp theo đó sẽ là một cảnh xô đẩy tranh dành nhau để leo lên phi cơ. Làm sao tàu cất cánh nổi với một số người đông như vậy được. Cũng đừng hòng nói đến chuyện phải trái hay ngăn cản họ. Ở những giây phút nguy hiểm tuyệt vọng, con người thường có những hành động liều lĩnh ngu xuẩn.

Thứ hai, chàng chỉ muốn bốc những người bị thương nặng nhất đi trước. Khổ một nỗi là hễ đã bị thương nặng quá rồi thì người ta đâu có mò đi đâu được. Chỉ còn nước nằm một đống trên băng ca mà nhìn thiên hạ "bon chen".

Thật là hai vấn đề nhức đầu nhưng trời ạ, vượt bức tường lửa bốn năm lần mới vào được tới đây, chẳng lẽ lại "xách xe không" đi về? Minh suy nghĩ thật mau và tìm ra một giải pháp liền.

Chàng cho tàu bay là là cao hơn mái mhà một chút, lượn vòng và đảo mắt tìm "khách hàng". Đây rồi, nơi một góc sân Minh nhìn thấy hai ba cái băng ca có mấy người thương binh nằm thiêm thiếp. Bình nước biển treo tòn ten và mấy ông y tá đứng chung quanh chứng tỏ rằng họ là những người cần được bốc trước hết. Minh hạ tàu thấp xuống chút nữa, bay gần đến đám người tuyệt vọng đó. Khi nhìn thấy mấy ông y tá hớn hở đưa tay ra vẫy vẫy, Minh dơ tay chỉ vào mấy cái băng ca rồi chỉ xuống đất làm một dấu hiệu bí mật như muốn nói: "Mấy ông cứ yên tâm chờ đó đi, lát nữa tôi trở lại". Mấy người dưới đất có vẻ hiểu, gật gù cái đầu mấy lần.

Xong rồi, Minh mớm thêm chút ga lượn tàu bay qua tuốt phía bên kia sân, xa thật xa, rồi đáp thật mau xuống khoảng đất trống. Những người thương binh còn mạnh khỏe thấy vậy liền chạy ào tới chiếc trực thăng vừa đáp mau như một cơn lốc. Nhưng Minh mau hơn chút xíu. Người đầu tiên vừa tới gần tàu thì chiếc trực thăng đã được chàng vặn hết ga, bốc vút lên cao. Đám thương binh chưng hửng nhìn lên, tròn mắt kinh ngạc không biết ông phi công này chơi trò gì. Nhưng họ hiểu ra ngay khi nhìn thấy chiếc tàu vừa bốc lên lại "rớt" xuống ở góc sân bên kia, nơi có mấy người bị thương nặng nằm trên cáng.

Tàu chưa đáp vững trên mặt đất là Minh đã thò đầu ra ngoài hét nhặng lên giữa tiếng cánh quạt chém gió phần phật:

- Lên, lên mau, đưa mấy chiếc cáng lên trước...

Hét vừa xong là Minh lại quay đầu, nhìn sang bên kia coi chừng đám "khách hàng cũ" đang ào ào chạy trở lại. Minh hơi ngạc nhiên khi thấy trung úy Cường, người phi công phụ của chàng nãy giờ ngồi im lặng không nói một lời nào. Chuyện này hơi lạ nhưng chàng không có thì giờ để ý tới. Thần kinh Minh đang bị căng thẳng tận cùng để chuẩn bị bốc phi cơ lên đúng lúc. Bốc sớm quá thì không rước được thương binh, và trễ quá thì coi như đành bỏ tàu luôn.

Hai chiếc cáng vừa được đặt lên là Minh vặn hết ga nhấc tàu lên khỏi mặt đất liền. Chỉ cần chậm một giây là sẽ hối hận ngàn đời. Bố khỉ, chỉ có hai chiếc cáng mà sau tàu nặng thế này. Chàng phải chúi mũi, lết càng trực thăng chạy trên mặt đất một đoạn mới nhấc nó lên được. Bụi bay mù mịt. Khốn nạn hơn, chúng nó đang nã trọng pháo vào. Hỏa tập với một yếu tố, một mục tiêu đã được ôn đi ôn lại cả mấy tháng nay, chúng nó bắn gì mà trật nổi. Minh thấy những đám hoa khói nở tưng bừng rượt theo chiếc phi cơ mình. Có trái nổ gần đến độ đất văng cả lên kính phi cơ.

Tạ ơn trời, con tàu đã bắt đầu rời mặt đất. "Rời được là bay được, ráng lên chút đi em" Minh lẩm bẩm trong miệng, mồ hôi ướt rịn hai bên má, thấm ướt hết cả lớp áo bay cùng áo giáp. Nhưng chiếc tàu không lên cao thêm được chút nào nữa, chỉ lơ lửng trôi đi như một trái bong bóng gần hết hơi. Và chàng tái mặt lại khi nhìn thấy một hàng giây điện ngay trước mặt.

Minh có quyết định liền. Tàu không đủ sức để vượt qua, dừng lại là rớt một cái oành liền, chỉ còn nước chui xuống dưới mà đi. Vừa chui vừa cầu nguyện. Cầu nguyện với thượng đế rằng, xin ngài cho người nào đó, khi dựng những trụ điện này, họ đã chôn chúng nó cách xa nhau một chút, vừa đủ chiều dài của cánh quạt trực thăng.

Minh mím môi cho mũi tàu hơi hạ xuống, chui giữa hai hàng trụ điện. Thần kinh Minh khô cứng, trí não tê liệt nhưng hai tai thì chuẩn bị để nghe một tiếng rầm khủng khiếp của cánh quạt chém vào chướng ngại vật...

Tạ ơn trời, con tàu chui trót lọt qua giữa hai hàng trụ điện. Bình thường, khoảng cách giữa hai trụ điện không dài như vậy. Vậy là có hy vọng sống rồi. Nhờ có thêm chút tốc độ, chàng từ từ kéo phi cơ lên. Minh lái con tàu chỉ vừa đủ cao để tránh những sợi giây điện chết người như lúc nãy thôi, không lên cao quá. Đạn pháo kích của giặc vẫn ì ầm đuổi theo chiếc trực thăng tải thương.

Ra khỏi khu thị xã, Minh mới thấy nhẹ nhàng một chút, bèn quay đầu nhìn lại. Và chàng xém kêu lên một tiếng kinh ngạc khi nhận ra không phải chỉ có ba chiếc cáng thôi mà lúc nhúc còn khoảng gần ba chục người. Thật như một hộp cá mòi. Minh toát mồ hôi lạnh. Nặng vậy mà kéo tàu lên được thì quả là một phép lạ. Trong lúc nguy hiểm, bản năng sống còn của con người quả thực lạ lùng. Chàng nghĩ nếu mình kéo tàu lên chỉ chậm một giây đồng hồ nữa thôi, cả chiếc trực thăng này sẽ bị chìm giữa một biển người... Nhưng đã lên được, đã thoát khỏi vòng đai thành phố thì coi như sống được rồi. Minh lại thầm tạ ơn trời đất.

Ngay lúc ấy, chàng lại nghĩ đến người phi công phụ của mình. Quái lạ, ông tướng này từ lúc vào An Lộc đến giờ, không nghe hắn nói được một tiếng nào. Minh nhớ ra một điều gì, hốt hoảng quay sang và thấy Cường chỉ còn là một cái xác chết. Hắn đã chết không biết từ lúc nào, đầu nghẻo sang một bên. Một lổ hổng nhỏ xuyên qua nón bay nơi gần thái dương. Xuyên thật ngọt từ bên này sang tới bên kia như người ta lụi mía ghim vậy. Một vũng máu đã khô chạy dài từ phần trán xuống người...

Minh nấc lên một tiếng nghẹn ngào, nước mắt chảy ra, thấy như viên đạn oan nghiệt kia vừa bắn vào đầu mình. Trung úy Nguyễn Văn Cường, mặt đẹp như con gái, ăn nói nhỏ nhẹ, nhà có hai ba cái pharmacy, bỏ học đi lính chỉ vì mê bộ đồ phi công. Ai có ngờ! Phải, ai có ngờ pilot trực thăng lại bị CKC để một phát vào giữa màng tang, chết gục lúc nào không ai biết...

Đáp con tàu xuống bãi đậu, tắt máy xong Minh ngồi yên thẩn thờ như người mất hồn. Một vài người thương binh vừa thoát chết, chạy lên phòng lái tính nói mấy lời cám ơn nhưng hoảng hốt giật lui khi nhìn thấy xác chết của Cường trợn mắt ngồi bất động một đống. Bộ binh gan lì vậy, sống với cái chết hàng ngày mà cũng không dấu được vẻ kinh dị khi nhìn thấy Cường. Có lẽ họ chưa thấy cảnh này bao giờ.

Xe Hồng Thập Tự ào tới, lúc ấy Minh mới nhớ là đôi mắt bạn còn mở trừng trừng đầy uất hận. Chàng tháo đôi găng tay, nhoài người tới đưa tay vuốt mắt cho bạn, miệng thì thầm: "Cường ơi, mày khi sống hiền lành như ông bụt..." Nói tới đó chàng nghẹn lời, hai tay run run.

Mấy người y tá mở cửa chiếc trực thăng, chẳng nói chẳng rằng, bắt đầu lui cui tháo dây an toàn cho Cường. Minh vừa vuốt được đôi mắt của người bạn xấu xố thì họ cũng lôi được Cường xuống khỏi tàu bay...

Tối đó, con đường từ phi trường Biên Hòa về Sài Gòn, Minh phóng xe như người đi trong mộng. Qua trạm kiểm soát xa lộ, đang mơ mơ màng màng thì một tiếng còi tu huýt thổi ré lên làm chàng chợt bừng tỉnh. Minh thắng xe lại, vừa kịp nhìn thấy hai người quân cảnh ào tới, mặt mày hầm hầm như muốn ăn tươi nuốt sống chàng:

- Anh kia đi đâu mà... ẩu tả vậy? Bộ anh không biết đây là trạm kiểm soát sao?

Minh lắc đầu. Làm sao những người lính gác đường này hiểu được tâm trạng mình. Một ngàn năm nữa, chúng nó cũng không thể nào hiểu nổi. Phải nhìn tận mặt thằng Cường với một lỗ hổng đen thùi những máu khô từ màng tang này sang tới màng tang bên kia, phải nhìn thấy hàng trăm thương binh chạy như đàn kiến dưới cơn mưa pháo của giặc, phải nhìn rõ viên đạn đại pháo nổ trước mũi phi cơ văng đất lên đầy cả kính trước, phải nhìn con tàu overload với hơn 30 thương binh lắc lư bay là đà dưới hai hàng dây điện, chỉ cần nghe một bùm là sẽ biến thành một cây đuốc vĩ đại..., hàng trăm thứ "phải" nữa thì may ra chúng nó mới thông cảm được mình...

Minh rút bóp móc sự vụ lệnh đưa cho một người. Người kia quan sát chàng bằng cặp mắt thiện nghệ và bỗng dưng, hắn như đọc được những tia nhìn phẫn nộ phát ra từ người trung úy phi công trẻ tuổi. Nụ cười ngoại giao nở liền trên môi hắn:

- Trung úy qua khu kiểm soát mà quên tốp lại. Trung úy thông cảm, chúng tôi chỉ thi hành bổn phận.

Hắn có lý. Ai cũng có bổn phận phải thi hành. Minh gật gù cái đầu, ra dấu thông cảm.

Quẹo chiếc Vespa vào đường Trương Minh Giảng, Minh tự nhiên thấy không muốn về nhà nữa. Về để làm gì kìa? Ăn thì không đói, ngủ thì không thể nào được.

Chàng quẹo ngược xe trở ra nhưng lại chẳng biết đi đâu. Tự nhiên Minh thấy thèm rượu kinh khủng. Đúng ra phải nói là thèm say, thèm những cảm giác bồng bềnh trôi nổi giữa một thành phố hoa lệ đang lên đèn. Minh thắng đại chiếc xe trước một quán cà phê. Ánh đèn xanh đỏ từ tấm biển hiệu hắt xuống mặt đường làm chàng nhớ đến chiếc đèn Beacon của tàu bay, của phi trường...

Dưới ánh đèn mờ mờ, trong tiếng nhạc, mọi người trong quán nhìn ông phi công mặc áo bay với cây súng lục trễ trễ bên hông như nhìn một người đến từ hành tinh xa lạ.

Hôm nay sao gặp toàn những chuyện bực mình. Tính kiếm một chỗ vắng để uống vài chai rượu giải sầu mà mới bước vào đã ngửi được mùi khó chịu rồi. Mặc kệ, kể từ ngày đi lính, đã lâu lắm mình chưa... đánh lộn với ai, cứ ngồi đây một chút coi thử ra sao. Chàng tới bên một chiếc bàn trống, đảo mắt nhìn một vòng chung quanh như thách thức tất cả rồi rềnh ràng ngồi xuống, quẳng gói thuốc lá lên bàn theo thói quen.

Một cô hàng chạy ra, nhẹ nhàng hỏi chàng một câu gì đó. Minh không nghe được và cũng chẳng cần để ý đến nàng. Chàng ngó mông lung qua cửa sổ, xòe bàn tay năm ngón ra, cất giọng nặng nề:

- Năm chai 33

- Dạ ông muốn kêu năm chai một lần.

- Ừ, năm chai một lần.

Cô chiêu đãi viên gật đầu quay lui.

Chai thứ nhất, uống cho mày Cường ạ. Số mạng phải không mày. Ừ, tao cũng nghĩ vậy. Mày trẻ tuổi đẹp trai, con nhà giàu, mê gì mấy chiếc trực thăng đen thùi lùi mà bỏ nhà đi lính. Nhiều khi tao tự hỏi tại sao trời hay bắt những thằng hiền lành đẹp trai như mày đi trước. Phi đoàn còn thiếu gì thằng... xấu trai mất dạy, cờ gian bạc lận, quịt tiền chạy nợ của thiên hạ sao trời không bắt chúng nó đi dùm...

Chai thứ hai, uống cho địa danh An Lộc đẫm máu. Tên thì nghe hay quá mà sao chiến trường lại tàn khốc vượt sức tưởng tượng của mọi người. Mới hôm qua, An Lộc hứng 6 ngàn trái vừa cối vừa đại pháo. Những người lính bộ binh ở tiểu khu An Lộc phải được xứng đáng gọi là anh hùng. Nhớ đến phi vụ hồi chiều, Minh lại thấy ớn lạnh. Nếu chàng kéo tàu lên chỉ trễ một giây đồng hồ nữa thôi thì chắc giờ này mình cũng đang được "hân hạnh" ngồi đếm pháo chung với đám thương bệnh binh. Chỉ vừa hạ càng xuống bốc lên liền mà có tới gần 30 mạng leo được lên tàu.

Chai thứ ba, nước đá tan gần hết rồi, Minh quay vào trong gọi to: "Cho tôi thêm mấy cục nước đá đi... cưng". Tiếng "cưng" kéo dài ra, ngất ngưởng. À, ra thì mình đã hơi say rồi. Tốt, đang cần say lắm.

Khỏi cần chờ nước đá, chàng rót tiếp bia vào ly. Vừa hết chai, Minh thoáng nghe được những tiếng cười hô hố rất ngứa lỗ tai phát ra từ một cái bàn trong góc phòng. Chen lẫn với những tiếng cười khó nghe đó là những câu nói móc lò xa xôi ngụ ý mỉa mai những chiếc áo bay.

Chàng đặt mạnh ly bia xuống bàn, xoay đầu nhìn về hướng chiếc bàn ấy. Ba gã mặc đồ xi vin trạc tuổi chàng và một gã khác mặt đồ lính rằn ri ngồi nghênh ngang cười nói, ném những tia nhìn về phía chàng như thách thức. Gã mặc đồ rằn ri không hiểu ở đơn vị nào. Chắc phải là lính đào ngũ vì quân đội đâu có ai cho phép để tóc dài như vậy.

Tự nhiên, một cảm giác phẫn uất từ đâu ào tới phủ kín tâm hồn chàng. Đù mẹ bọn dân thành phố vô ơn này. Bạn tao vừa bị chúng nó bắn vỡ sọ, tao lăn lốc giữa hòn tên mũi đạn, và mỗi một giờ đồng hồ qua đi, không biết có bao nhiêu người tuổi trẻ Việt Nam khác thay phiên nhau nằm xuống để cho chúng mày ở hậu phương được bình an yên ấm. Ông đếch cần chúng mày trả ơn vì ông chỉ làm bổn phận, nhưng không thể khi dể ông như thế này được.

Cơn nóng giận làm lý trí của một người phi công bình thường vốn rất thượng tôn pháp luật bỗng trở nên liều lĩnh lạ thường. Chàng suy nghĩ thật mau: Chúng mày có bốn thằng, ngon lắm, tao chỉ có một mình nhưng còn cây P.38 của chính phủ phát để làm gì?

Nghĩ xong là làm liền. Đù mẹ phòng không chúng nó đem tận Nga Tàu sang cả hàng trăm khẩu ông còn đếch ngán thì sợ gì mấy thằng cao bồi vườn. Để coi thử chúng mày ngon tới đâu cho biết. Minh dụi tắt điếu thuốc đang hút, thò tay bật nút cài cây P. 38 ra, lầm lì đứng dậy. Minh dùng chân đẩy ghế ra sau, điệu bộ y hệt một anh Dăng gô sắp sửa giết người trong xi nê.

Nhưng chàng vừa cất bước thì bỗng có một bàn tay nắm lấy vai chàng, nhẹ nhàng kéo lại. Đây nhất định phải là một bàn tay đàn bà vì Minh cảm thấy nó dịu dàng và êm ái lắm.

Minh quay nhìn lui và ngạc nhiên nhận ra cô hàng ban nãy không biết đã đứng sau lưng chàng từ lúc nào. Chàng chợt nhận ra thêm một điều là cô hàng xinh quá. Nếu biết em xinh vậy thì lúc nãy mình đã không gọi bia một cách thô lỗ lạnh lùng quá. Minh cảm thấy hơi hối hận.

Bàn tay nàng đã dịu dàng, giọng nói còn ngọt ngào hơn:

- Thưa, ông cần nước đá?

Minh thấy lòng mình dịu lại, bao căm hờn biến mất hết. Chàng ú ớ không nói lên lời.

Cô hàng buông vai Minh ra, cũng ngẩn ngơ một lúc vì thấy mình tự nhiên dám níu tay một người chưa hề quen biết. Nàng lập lại câu hỏi:

- Thưa, ông cần nước đá?

Không biết nói gì, Minh gật đầu và đưa tay đỡ lấy ly nước đá, vô tình... cầm phải bàn tay mềm mại của người con gái. Một cảm giác khoan khoái và đầm ấm chạy suốt lên người chàng. Không hiểu có cố ý hay không mà chàng cứ giữ lấy bàn tay ấy trong tay mình. Một giây, hai giây, năm giây đồng hồ ngắn ngủi rồi chợt nhớ ra, Minh kéo ly nước đá về, hốt hoảng nói:

- Tôi xin lỗi, tôi.. tôi không cố ý...

Nụ cười của cô gái đầy vẻ bí mật, nửa như thách thức, nửa như e dè. Nàng nhìn người phi công trẻ:

- Ông có làm gì đâu.

Chàng ngạc nhiên vì cặp mắt của nàng. Nó sâu thăm thẳm, như chứa đựng một cái gì.

Minh kéo ghế ngồi xuống, quyết định dẹp chuyện gây gỗ lại để lo chuyện... tán gái. Minh kiếm một câu nói nhưng lưỡi như ríu lại, đành ngồi im. Đầu óc chàng đã trở nên lú lẩn mất rồi.

- Ông có cần gì thêm nữa không?

Sau giây phút ngỡ ngàng ban đầu, bản tính lanh lợi tháo vát của ông phi công trực thăng lại trở về với chàng ngay. Minh cười, nụ cười đầu tiên của ngày hôm nay:

- Tôi chỉ sợ cô từ chối.

Lại nụ cười lấp lánh của nàng:

- Ông nói thử đi.

- Tôi muốn biết tên cô.

Khuôn mặt nàng rạng rỡ hơn nữa:

- Đơn giản vậy thì có gì phải sợ người ta từ chối. Tôi tên Loan.

- Tên đẹp quá.

Loan lắc đầu:

- Ông chỉ khen bừa, tên Loan thì có gì mà đẹp. Nếu tên Loan mà đẹp thì tên Minh còn đẹp hơn gấp mấy lần...

Minh ngạc nhiên:

- Sao cô Loan biết tên tôi là Minh.

- Tôi biết tên ông từ lúc ông mới bước vào.

- Mình có họ hàng xa gần chăng?

Loan cười lên khach khách:

- Tôi làm gì có may mắn được... họ hàng với ông. Tôi biết tên ông vì tôi đọc bản tên ông.

Minh gật gù, cười:

- Cô Loan thông minh quá.

- Ông lại khen bừa nữa rồi. Bản tên trên áo người lính thì ai đọc chả được, có gì là thông minh?

- Chẳng những thông minh cô Loan lại còn khéo léo nữa.

Nàng lại cười:

- Ông lại khen bừa nữa... tôi làm gì mà khéo léo?

- Vì cô vừa kềm chế được một thằng lính sắp sửa oánh lộn...

Minh đưa mắt liếc về phía chiếc bàn lúc nãy. Hình như cả bốn cặp mắt đang nhìn phía chàng một cách tức tối. Và Minh chợt hiểu liền mọi chuyện. Ở phi đoàn, anh em thường gọi đi tán gái là đi thả dê. Hoá ra mấy... con dê kia đang khó chịu vì tưởng rằng vừa đụng phải một con dê... phi công. Thật là oan cho mình. Tối nay mình chỉ muốn giải buồn, đâu có đem dê theo để thả. Và nếu đi thả dê, người ta phải ăn diện thật kẻng, ai lại mặc đồ bay đeo súng như thế này. Cái cảnh "áo dài xanh bên áo lính hoa rừng" chỉ đẹp trong bài hát và trong mấy vở tuồng cải lương.

Loan liếc nhìn về hướng đó, rồi cúi đầu, đưa hàm răng trên cắn nhẹ vào môi dưới của mình, ra dáng suy nghĩ. Minh hỏi tiếp:

- Mấy thằng đó là ai vậy?

Loan lắc đầu:

- Chả là ai hết, ngày nào họ cũng đến quán...

Rồi nàng nói lãng đi:

- Lúc nãy nhìn thấy ông đứng dậy, biết là thế nào cũng có chuyện, tôi sợ quá, cầm tay ông níu đại, mong ông không chấp...

Minh cười cười, máu dê trong người lại nổi lên:

- Ai mà dám chấp. Đáng lẽ tôi phải cám ơn cô Loan. Đời tôi mấy khi có diễm phúc được một người đẹp níu kéo như vậy? Nếu cô Loan muốn níu kéo tôi nữa bất kỳ lúc nào cũng được, xin cứ tự nhiên, tôi không bao giờ phản đối.

Loan phì cười:

- Ông nói chuyện hay lắm, tôi chả dám thế...

Một cô hàng khác từ trong quầy bước ra nói gì đó với Loan, rồi liếc nhìn Minh một cú trước khi bỏ đi. A, cú liếc... chiến lược để thẩm định chiến trường đây. Minh đoán người này phải là chị Loan vì nét mặt hai người hao hao giống nhau.

Loan nói:

- Nếu ông không cần gì thêm nữa, tôi phải đi, đứng đây lâu quá không tiện.

Biết không thể giữ nàng đứng nói chuyện với mình mãi được, Minh thở dài:

- Lát nữa cô... trở lại?

- Nếu ông cần gì thêm cứ gọi, tôi sẽ trở lại.

Minh thấy hơi buồn. Tuy không có ý tán tỉnh, nhưng nãy giờ đấu hót vi vút với nàng, chàng tưởng rằng mình ít nhất cũng được cô nàng chú ý, hoá ra mình chỉ là một ông khách hàng bình thường như hàng trăm người khách hàng khác. Cuộc nói chuyện vừa rồi chẳng qua chỉ là màn "ngoại giao kinh tế" của một người bán hàng với một khách hàng thôi. Minh đốt một điếu thuốc, cặp mắt trở nên hoang vắng kỳ lạ.

Loan tinh mắt lắm. Qua ánh lửa của que diêm, nàng nhìn thấy được vẻ bất mản trên khuôn mặt người lính trẻ ngay:

- Ông Minh này.

Lần này thì giọng Minh lạnh lùng, hơi buồn buồn:

- Gì cô?

Loan cười nhẹ:

- Ông cho tôi hỏi ông một câu nhé?

- Hỏi đi.

- Lúc nãy, ông gọi ai là "cưng" vậy?

Minh cười:

- Tôi gọi cô đấy!

- Nghèo mà ham! Ai cho phép ông vậy? Tôi là "cưng" của ông lúc nào?

Chàng chưa kịp trả lời thì Loan đã bật cười rồi đột nhiên, đưa tay úp bàn tay mềm mại của nàng lên bàn tay Minh đang để trên bàn. Dưới ánh đèn mờ mờ của quán cà phê, không ai thấy hai bàn tay này. Minh ngẩn người, có cảm giác như mình là một thằng ngốc vừa được... trúng số độc đắc. Chàng chẳng biết phản ứng ra sao nhưng khuôn mặt thì tươi lên thấy rõ.

Nàng để yên bàn tay như vậy một lúc rồi nhẹ nhàng cất tay đi, giọng như tiếc nuối:

- Tí nữa tôi trở lại.

Loan đi rồi, Minh biết rằng kể từ giây phút này, sự hiện diện của mình ở nơi đây đã có một ý nghĩa khác. Chàng muốn tránh không nghĩ đến hai chữ "thả dê" như anh em thường nói. Không hiểu sao, chàng thấy động từ đó không hợp trong hoàn cảnh này chút nào. Nó nham nhở và lố lăng đến kỳ cục. Minh ngơ ngẩn một lúc rồi chợt nhìn xuống bàn tay mình còn để yên trên mặt bàn như tiếc nuối những giây phút êm ái. Táo bạo thật. Ai bảo con gái mới lớn không có những cú chết người như thế này. "Ai cho phép ông gọi tôi là cưng..." Minh suy nghĩ tìm một câu trả lời...

Chàng rót bia vào ly. Màu vàng của bia bây giờ thấy hấp dẫn hơn lúc nãy nhiều. Uống cạn ly, chàng lại nhớ đến Cường. Cường ít ham nhậu nhẹt nên hai người không chơi thân nhau lắm. Không thân nhưng thỉnh thoảng khi đi biệt phái, bạn bè cũng có dịp ngồi uống rượu với nhau. Cường không thích rượu. Thường, nó chỉ uống một chai rồi ngồi im hút thuốc lá nghe thiên hạ đấu. Tối nay, không biết trong cõi trời thênh thang nào đó, mày đang làm gì? Minh thấy mình thật tệ. Chiều này, trên đường về, chàng đã tính ghé nhà Cường để thông báo tin chẳng lành nhưng lại đổi ý. Công việc quan trọng này nên để cho ông phi đoàn trưởng hay những người bạn thân của Cường. Nhìn thấy nó chết là đã quá đủ, Minh không có can đảm nhìn những người thân của Cường khi nghe tin đau buồn này.

Minh đã uống hết chai thứ năm, đầu óc bắt đầu thấy "mười phần lâng lâng thoát tục". Mồi xong một điếu thuốc, vừa tính gọi thêm bia thì bỗng nhìn thấy một bóng người đứng sững ngay trước mặt mình. Chàng nhìn kỹ hơn và nhận ra ông khách lạ là một trong bốn thằng tóc dài ở cái bàn đã phát ra những câu nói móc họng.

Thằng ngố này chắc không biết rằng trước khi đi lính tàu bay, chàng cũng đã là một tay chơi khét tiếng. Khét tiếng đến nỗi, ngày chàng bỏ đi lính, cả xóm thở phào nhẹ nhỏm. Người thở phào nhẹ nhỏm nhất là bố chàng.

Để coi thử nó muốn gì đây? Minh ngồi im nhìn hắn, không tỏ một dấu hiệu nào hết. Cặp mắt... tóc dài và cặp mắt... phi công đụng nhau.

Minh để ý thấy khuôn mặt thằng này rất trắng, nhưng tái mét đi không biết vì sợ hãi hay vì hút xì ke nhiều quá. Xì ke bây giờ là một cái mốt của tuổi trẻ thành phố. Chàng còn tinh tế nhận ra một điều là áo quần thằng này may chiến quá. Phải công nhận là rất đẹp và toàn bằng những thứ hàng đắt tiền. Nhất định phải là con nhà giàu. Chàng hơi thắc mắc là nhỏ con ốm yếu như vậy, sao nó dám lết qua tới đây để gây chuyện. Ngày xưa Minh cũng khoái gây gỗ, nhưng chàng thường ước lượng vóc dáng và sức mạnh của đối phương trước khi ra tay. Không ai dại gì đem đầu húc vào bức tường thép. Thằng con nít này vì ngu si hay vì ỷ thế mấy thằng bạn nên nổi máu anh hùng bất tử. Cái ngữ này thì Minh biết chỉ cần một đấm là văng qua tuốt tới bên kia liền.

Thằng tóc dài chỉ vào gói thuốc trên bàn, giọng hơi run run:

- Xin điếu thuốc được không?

Lại chơi đòn chiến tranh chính trị để đo lường phản ứng đối phương đây. Đù mẹ ăn nói còn chưa vững thì nói gì đến chuyện gây gổ với ai. Minh nhẹ nhàng cầm bao thuốc lên, nhìn ngang nhìn ngửa một lúc rồi nhún vai rất... xi nê, nói:

- Xin lỗi ông bạn, thuốc này không phải thuốc chùa. Bạn muốn hút thuốc lá chùa, yêu cầu lên chùa mà xin.

Thằng tóc dài đứng yên như không biết phải làm gì một một lúc rồi tiến tới, dơ tay kéo cái ghế tính ngồi xuống. Ai cho mày ngồi chung với tao, Minh co giò tính đạp văng cái ghế ra thì bỗng khựng lại: Loan xuất hiện. Mình không thể để cho nàng có ấn tượng rằng mình là một người vũ phu hung dữ. Chàng biết tâm lý con gái. Họ không thể nào hiểu nổi tại sao đàn ông lại thường hay đánh nhau.

Loan đánh tan bầu không khí gây cấn bằng một nụ cười:

- Ông Minh cần dùng gì nữa không ạ?

Chưa kịp để Minh trả lời, nàng hỏi luôn gã tóc dài:

- Còn anh Đạt, anh có cần gì không anh?

Minh khám phá ra là mình đang lâm vào một tính thế khó xử: Phải ngồi chung bàn với một thằng không ra gì. Minh suy nghĩ tìm một quyết định. Chàng không thể ngồi chung bàn với một thằng như thế này được. Minh biết tính mình. Không sớm thì muộn, chuyện không hay sẽ xảy ra. Cũng không thể đuổi nó đi trước mặt Loan như thế này. Làm vậy chẳng khác nào hạ mình xuống ngang hàng với nó. Chàng có một quyết định liền:

- Cô Loan làm ơn tính tiền cho tôi đi, tôi phải về.

Loan tròn mắt ngạc nhiên, giọng nàng tiếc nuối thật sự làm Minh cũng thấy xao xuyến:

- Sao ông đi sớm vậy?

- Tôi có chuyện. Hôm nào đó tôi sẽ ghé.

Vừa nói chàng vừa đưa mắt liếc vào Đạt. Loan hiểu ý. Nàng chớp mắt thật mau, hỏi một câu mà Minh biết là anh chàng Đạt nghe đến chắc phải lộn ruột:

- Ông hứa ông sẽ ghé lại?

Thấy tự ái mình được ve vuốt, Minh cười:

- Tôi hứa.

Loan vừa quay vào trong, Minh nhìn xéo Đạt, gằn giọng:

- Chú mày may mắn lắm đó, nếu cô Loan không xuất hiện bất ngờ thì chú mày làm gì ngồi đây với tao được.

Thằng khốn vẫn ngồi im, không biết nó không thèm hay không dám mở miệng. Minh hỏi:

- Muốn gây sự phải không?

Đạt nhún vai. Minh lại tiếp:

- Đù mẹ tao có chuyện phải đi, không phải tao sợ chú mày đâu nha. Có ngon thì ra ngoài kia mà ăn thua với nhau một trận. Chú mày về nói với mấy thằng bạn của mày như vậy...

Minh nhìn sang bàn bên kia và bỗng giật mình nhận ra chiếc bàn đó đã trống trơn. Bọn chúng nó đã biến mất đâu hết không biết từ lúc nào.

Thế này là có chuyện rồi. Chuyện lớn chứ chẳng chơi. Thảo nào. Minh đâu có lạ gì cái trò này. Chúng nó để một thằng ở lại gây chuyện, bọn còn lại ra phía ngoài "lập trận" ngồi chờ mình. Chàng cũng không ngờ chúng nó rút mau vậy. Nhưng ông chấp cả lò nhà chúng mày, để coi thử chúng mày sẽ dở được cái trò gì.

Khỏi cần chờ Loan trở lại, Minh đứng lên tới quầy trả tiền. Loan thối tiền một cách chậm rãi, như muốn kéo dài giây phút chia tay. Nàng e ngại nhìn Minh:

- Hình như có chuyện gì phải không ông?

- Có gì đâu, tôi phải về gấp.

- Hôm nào ông trở lại?

Minh nhìn sâu vào trong ánh mắt Loan, cố đo lường sự chân thật trong câu nói:

- Cô muốn tôi trở lại thật hay chỉ hỏi để mà hỏi vậy thôi?

Loan chớp mắt thật mau như cố dấu một vẻ bất mãn rồi cúi đầu xuống. Hình như mắt nàng đã ướt. Minh thấy lòng mình vừa tê tái vừa thích thú. Tự ái của chàng một lần nữa được vuốt ve.

Bỗng Loan ngửng đầu lên, giọng nàng có vẻ trách móc: -Ông cho tôi là hạng người nào?

- Tôi đâu dám "nhận định" ai. Tại tôi thấy Loan tiếp đãi mọi người rất lịch sự nên tôi hỏi vậy.

Loan nhìn ra xa, thở dài:

- Thôi, chúc ông về may mắn. Nếu rảnh rỗi thì ghé, không ghé cũng chẳng sao.

Rồi Loan quay đi. Minh hốt hoảng gọi giật nàng lại:

- Cô Loan!

Loan ngừng bước, quay đầu lại. Minh thấy mắt nàng đã ướt hơn lúc nãy. Ướt và buồn kinh khủng. Chàng bùi ngùi:

- Anh ăn nói... hồ đồ làm Loan buồn, anh xin lỗi.

Loan bỗng đổi giận làm vui, liếc nhìn Minh:

- Ai cho phép ông xưng anh với Loan?

Minh hốt hoảng chữa lửa:

- Ý quên. Tôi xin lỗi cô Loan. Tôi xin lỗi.

Chàng nhấn mạnh chữ "tôi" hai lần, rõ ràng. Loan bật cười lên một tiếng nhỏ:

- Ông bạo lắm ông biết không? Mới vào đây chưa quen ai hết đã dám gọi người ta là "cưng", rồi bây giờ lại tự nhiên xưng anh ngọt sớt. Bộ lính không quân đều như vậy hết hả ông Minh?

- Không đâu, không quân chúng nó rất lịch sự hiền lành, chỉ có mình tôi là bừa bãi thôi. Đây là vấn đề cá nhân, không có gì liên quan đến quân chủng hết, cô Loan thông cảm.

Bỗng có một giọng đàn bà khác chen vào:

- Con nhỏ này, ăn hiếp người ta vừa chứ, không biết ông ấy là trung úy phi công hay sao?

Minh quay nhìn người đã "cứu bồ" mình. Ra là một cô hàng lúc nãy, người đã tặng chàng một cú liếc mắt trước đây. Cô nàng tự giới thiệu:

- Tôi tên Thanh, là chị của con bé khó tánh này. Tôi cứ bảo nó mãi, khó như nó thì có lấy bụt cũng bị bụt bỏ.

Minh phì cười vì câu ví von ngộ nghĩnh. Bụt có bao giờ đi lấy vợ mà sợ. Được thêm đồng minh trợ giúp bất ngờ, chàng cảm thấy lên tinh thần, đấu ngay một câu:

- Tôi chỉ sợ bụt cũng bỏ chùa đi theo cô Loan đấy chứ...

Cả ba cùng cười. Thanh tiến tới bên chàng, nói nhỏ:

- Ông nên cẩn thận, tôi thấy hình như sẽ có chuyện. Bọn thằng Đạt nổi tiếng phá láng xóm ở đây. Lúc nãy tôi thấy chúng nó xì xầm về ông... Nếu ông muốn, cứ ra ngõ sau đi về, mai trở lại đây lấy xe cũng được...

Minh thấy ấm trong lòng vì lời nói chứng tỏ "bà chị" đã có cảm tình với mình:

- Cám ơn cô đã lo cho tôi, đời tôi quen với những chuyện này rồi, tôi bảo vệ thân mình được...

Trước khi bỏ đi vào, Thanh còn nhắn đi nhắn lại với chàng mấy lần: "Mình chén kiểu không nên đụng với chén sành." Nhưng Minh thấy chẳng có gì đáng lo cả. Chàng vẫn chủ quan coi chúng nó như một bọn cao bồi vườn.

Minh đội mũ calô vào, sửa sửa lại cho ngay ngắn:

- Chào cô Loan, tôi đi.

Loan lập lại câu hỏi ban nãy:

- Chừng nào ông trở lại?

Chưa kịp để cho Minh trả lời, nàng tiếp luôn:

- Tôi chưa bao giờ hỏi câu này với người khách nào cả. Tôi nói thật.

- Mai, tối mai.

- Ông hứa?

- "Anh" hứa.

Minh cố ý nhấn mạnh tiếng "Anh" như để cho Loan biết. Nàng cười:

- Tiến mau tiến mạnh nhỉ, mới thấy người ta hỏi một câu là đã đốt giai đoạn rồi. Lính bay có khác. Nhưng làm anh của Loan không sướng đâu, Loan nói trước.

- Loan cho phép?

Loan cúi đầu, nói nhỏ:

- Ừ, Loan cho phép.

Rồi tự nhiên nàng nói luôn:

- Loan học Văn Học, lớp 12B5, buổi trưa về nhà lúc 12 giờ.

Minh mỉm cười rạng rỡ. Chàng tưởng tượng những buổi "Em tan trường về..." thật thơ mộng trong tương lai.

- "Anh" đi.

Giọng Loan trầm xuống, như chứa đựng rất nhiều tiếc nuối:

- Vâng, "Anh" đi.

Ra tới cửa, Minh liếc nhìn về cái bàn mình ngồi lúc nãy, thấy vắng hoe. Vậy là thằng Đạt cũng đã dọt rồi. Hay mình vào ngồi trở lại tiếp tục uống bia như không có chuyện gì xảy ra? Không được, kỳ lắm. Hơn nữa, chưa biết chúng nó sẽ kéo vào để gây chuyện lúc nào.

Ra khỏi quán, khỏi cần nhìn đâu xa, Minh kinh hoàng nhìn thấy ngay hậu quả của cuộc gây hấn liền. Chiếc xe Vespa Super Sprint 150 của chàng bị ai lật nằm chỏng gọng trên mặt đất, dầu mở và xăng chảy thành một đống lai láng. Minh đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận đủ thứ nhưng không bao giờ ngờ tới cái màn hèn hạ này. Chàng hốt hoảng chạy tới bên chiếc xe mà chàng cưng hơn cả chính thân mình. Minh muốn rơi nước mắt khi nhìn thấy số vốn dành dụm qúy giá của bao nhiêu tháng trời du học bên Mỹ đã trở thành một khối sắt bầy nhầy thê thảm. Chàng dùng hai tay nắm lấy tay lái, từ từ nâng nó dậy như mong rằng với sự chăm sóc của mình, chiếc xe sẽ trở lại hình hài cũ như lúc trước khi chàng bước vào quán. Chàng nhận ra hai vỏ xe đã bị rạch nát, đèn bị đập bể. Nhìn xuống bàn đạp, thấy nó cong queo thảm hại.

Minh thò chân tìm bàn chống để dựng xe lên, nhưng không thể nào được. Bàn chống đã bị phá hoại. Minh đảo mắt chung quanh và nhìn thấy một bọn bốn đứa lúc nãy đứng nhìn về phía chàng thách thức.

Minh ráng giữ bình tĩnh để suy nghĩ. Nếu không phải chúng mày là thủ phạm thì ai vào đây?

Cái lạ là tại sao chúng nó không bỏ chạy đi cho rồi mà còn đứng đó khiêu khích mình kìa. Minh lại đảo mắt nhìn một lần nữa và tái mặt đi khi nhận ra một thằng trong bọn thủ cây carbine. Thằng cầm súng đứng dáng điệu rất ngạo nghễ, thách thức. Súng ở đâu, ai phát cho chúng nó kìa? Minh suy nghĩ. Giờ này, mặc đồ civil mà thủ carbine đứng nghênh ngang ngay giữa thành phố thì chỉ có nhân dân tự vệ.

Hèn gì thấy chúng nó tự tin quá cỡ, coi cây P.38 của mình như pha.

Và Minh nổi cơn điên. Điên thật sự. Trong cơn điên, chàng biến thành một kẻ nguy hiểm nhất trên thế giới. Chàng suy nghĩ rất mau. Chúng đông hơn lại có súng, muốn chơi thì phải có kế hoạch táo bạo mới được. Máu du đãng ngày xưa trong người chàng bùng dậy bừng bừng.

Chàng để chiếc xe nằm nhẹ nhàng xuống đất, từ từ dùng chìa khóa mở học bên hông, rút ra một cái ống nước bằng cao su dài độ một sãi tay. Đúng ra đây là một món vũ khí rất lợi hại ngày xưa đã làm chàng vang danh là "Minh ống nước". Chàng thường bỏ ống cao su trong cặp táp khi đi học. Các thầy khám, nhìn thấy ai cũng nghĩ nó chỉ là một cái ống nước bằng cao su vô tội vạ. Nhưng đến khi đụng chuyện, chàng chỉ cần mở một đầu ra, nhét vào đó vài chục hòn bi sắt rồi túm một đầu lại là cái ống nước biến thành một cây sắt... mềm ngay. Cái hay của cây sắt mềm này là đánh không có máu chảy nhưng quật đến đâu là gãy xương bể đầu tới đó. Xong chuyện lại tháo nó ra, cất mấy hòn bi sắt đi, chẳng ai ngờ được. Từ ngày đi lính, Minh luôn luôn thủ một cây trong cốp xe để đề phòng những trường hợp như vầy. Cầm món đồ nghề của "Minh ống nước" ngày xưa trong tay, chàng liếc nhìn bọn cao bồi vườn. Tốt. Chúng nó vẫn tụ tập đứng hút thuốc lá, chưa biết mình nghĩ gì trong đầu.

Minh kéo nhẹ fermature túi áo bay bên ống chân phải, thọc cây ống nước vào đó. Xong rồi, chàng bình thản đứng dậy, móc một điếu thuốc cắm vào miệng. Minh đưa tay sờ nắn khắp các túi như để kiếm một cái hộp quẹt. Vừa tìm kiếm, chàng vừa nói hơi lớn đủ để cho bọn khốn nạn kia nghe: -Đù mẹ sao mà xúi quẩy quá, xe bị ai phá rồi bây giờ lại mất luôn cái hộp quẹt...

Chàng nhìn một vòng chung quanh và rồi làm như bổng nhận ra đám người đang hút thuốc, Minh từ từ tiến tới với điếu thuốc không lửa kẹp trên môi. Khuôn mặt chàng bình thản, làm như không biết ai là tác giả vừa đốt hết cả cuộc đời dành dụm của mình vậy.

Bọn khốn vẫn tự tin đứng yên chờ đợi.

Chưa tới gần, Minh đã nói lớn:

- Tôi bị xui quá, mấy anh có lửa cho tôi xin chút...

Vừa nói chàng vừa quan sát chúng nó. Thằng mặc áo rằn ri to con nhất đứng giữa. Thằng cầm carbine đứng bên ngoài cùng. Đạt đứng gần thằng cầm súng.

Bỗng nghe Đạt nói:

- Ê chú em, không có lửa chùa, muốn xin lửa lên chùa mà xin...

Cả bọn cùng cười ồ lên sặc sụa, sảng khoái. Tiên sư, chúng mày cười trên sự đau khổ của tao. Minh tiến thêm một bước nữa, nhăn nhó nói:

- Mấy anh thông cảm, cho tôi xin chút lửa...

Tiếng cười của bọn khốn vẫn vang lên, rung động. Đến hơi gần thằng cầm carbine, Minh đưa một tay ra như muốn mượn điếu thuốc của hắn, tay kia chàng nhẹ nhàng rút cái ống nước ra cầm chắc nơi tay.

Chàng tiến tới một bước nữa, chẳng ai để ý. Khi vừa tầm tay, Minh bỗng vung ống nước lên, vận hết sức quật một cái như trời giáng vào giữa đỉnh đầu thằng cầm cây súng. Tay kia Minh lẹ làng chụp cây carbine giựt ngược lại.

Chỉ nghe một tiếng bụp. Có lẽ vì mạnh tay quá, lần đầu tiên ống cao su đánh phun máu một thằng. Chàng thấy một giòng máu xịt ra từ trán thằng khốn. Cây Carbine lọt vào tay chàng.

Bạn mình vừa bị đòn ngã rụng xuống như một cây chuối mà đâu có thằng nào hay, tiếng cười vẫn còn oang oang. Không để đứa nào kịp phản ứng, Minh xoay người, lẹ như chớp nện cú thứ hai cũng mạnh không kém vào giữa mặt thằng mặc áo rằn ri.

Ủa, sao lạ vậy kìa? Hôm nay đánh tới đâu là văng máu tới đó. Thằng rằn ri té ngửa, hai hàm răng như lún sâu vô trong, máu tuôn có vòi. Đứa thứ ba lanh hơn một chút, vừa nhìn thấy, liền nhào tới chụp cứng lấy chàng. Nhưng trung úy Minh còn mau hơn. Chàng buông cái ống nước, hai tay ôm cây súng quại ngược một vòng thật chính xác, cái kiểu người ta thường dạy cận chiến ở quân trường. Chàng nghe được một tiếp bốp rất dòn tai. Âm thanh của báng súng gỗ đập vào ngực. Nó ngã người ra sau.

Còn một thằng nữa, Minh hầm hầm quay lại nhìn Đạt. Chàng ngạc nhiên khi thấy hắn đứng yên một đống, hai cặp chân rung lên từng hồi. Ra là nó sợ quá, chỉ đứng yên một chỗ, không phản ứng gì được.

Thằng khốn, mới vừa rồi cười nói hô hô, sao bây giờ không làm gì đi? Minh từ từ tiến tới gần hắn. Đột nhiên, Đạt quỳ mọp xuống, chắp hai tay vừa lạy vừa khóc:

- Em lạy anh, lạy trung úy, trung úy tha cho em.

- Thằng nào phá xe của tao?

Đạt chưa kịp trả lời, Minh đã nghe một tiếng bốp ngay trên đỉnh đầu mình. Chàng thấy choáng váng mặt mày, muốn qụy xuống ngay nhưng rán nhịn đau xoay người lại liền để vừa kịp nhìn thấy thằng vừa ăn báng súng đang dơ cao cái ống nước của chàng lên đánh xuống cú thứ hai. Minh nghiêng người qua một bên nhưng không còn sức nữa. "Cây sắt mềm" bổ tiếp xuống đầu chàng một phát như trời giáng thứ hai.

Cú này nặng lắm, Minh thấy tá hỏa mặt mày, ngã qụy xuống. Cây Carbine bị tuột khỏi tay, rớt xuống nền nhà. Chàng vừa lòm còm bò dậy vừa nhìn thấy cây súng đã nằm trong tay thằng khốn. Nó đang chĩa cây súng vào đầu chàng. Minh hốt hoảng thò tay xuống chụp cây súng lục đeo ngang hông nhưng không còn kịp nữa. Thằng khốn đã kê súng vào giữa mặt Minh bóp cò.

Minh nín thở chờ nghe tiếng nổ của viên đạn nhưng chỉ nghe một tiếng cắc lạnh mình. Tạ ơn trời, cây súng chưa lên đạn. Thằng khốn biết liền, đang thò tay kéo ngược cơ bẩm ra sau bỗng nghe rầm một tiếng như trời xập. Một người mặt áo rằn ri đứng sau lưng đã dùng hai tay bửa xuống đầu nó một phát mạnh như búa. Có hy vọng sống rồi. Minh gượng hết sức đứng lên, vừa kịp nhìn thấy cú đá ngược độc đáo của người này đẩy luôn thằng nọ văng vào tường, khẩu Carbine một lần nữa rớt xuống đất. Minh chụp cây súng và lao cả người vào nó như một con bò mộng.

Bây giờ thì Minh chẳng còn biết gì nữa, báng súng trên tay chàng lên xuống liên hồi cho đến khi địch thủ chỉ còn là một đống thịt bê bết máu.

Vừa buông thằng này ra thì chàng cũng vừa nhìn thấy tên mặc áo rằn ri đang lòm còm bò dậy. Minh quay ngược trở lại. Một báng súng vào ngay giữa vết thương cũ đẩy nó nằm xuống trở lại. Lại tới phiên thằng thứ ba cũng đang tính đứng lên. Minh cũng làm y như vậy. Báng súng lại dơ lên đập xuống một lúc nữa cho đến khi chàng nghe được một tiếng thét bên tai:

- Đủ rồi ông bạn, ông muốn giết nó chết để ở tù mãn đời sao?

Chàng dừng tay quay lui và nhận ra một đám đông đã bu quanh chàng không biết từ lúc nào. Người nói câu đó là ông mặc áo rằn ri ban nãy đã cứu chàng thoát chết. Ông ta mang lon đại úy LLĐB. Nhìn lại những thân hình bê bết máu bầy nhầy dưới đất, Minh bỗng chột dạ. Quả thật, nếu lỡ có thằng nào chết là mình ở tù không có ngày ra.

Minh chìa tay ra cho ông đại úy:

- Cám ơn đại úy, không có đại úy thì tôi ngủm rồi.

- Cám ơn làm gì, ông lo thằng Đạt đi, nó dọt rồi.

Chàng sực nhớ đến Đạt, quay sang tìm và thấy gã đã biến mất. Nhất định nó không thể chạy xa được. Minh rẽ đám đông phóng ra bãi đậu xe gắn máy. Nó kia rồi. Minh thấy Đạt đang ra sức đạp máy chiếc Lambretta. Có lẽ vì lính quýnh quá, gã đạp mấy lần mà xe không chịu nổ.

Thoáng một cái là Minh xuất hiện ngay trước mặt gã, tay cầm cây Carbine. Đạt không còn hồn vía nào nữa, nhìn Minh, lưỡi ríu lại:

- Trung úy tha cho em, tụi thằng Khánh nó làm càn, em không biết.

Ba cái xác bê bết máu me đã làm cho Minh nguôi ngoai cơn tức phần nào. Nhưng nghĩ đến chiếc xe, chàng lại thấy nhói trong tim. Minh đâm mạnh nòng cây carbine vào mặt Đạt. Hắn vừa cúi người xuống tránh thì chàng dựt ngược báng súng lên. Đạt lật nhào, chiếc Lambretta mới tinh ngã xuống đường.

Minh lại nổi cơn điên. Chàng nhào tới dơ báng súng lên tính bắt đầu cuộc trừng phạt thì Đạt năn nỉ:

- Anh, trung úy tha cho em, để em bồi thường tiền chiếc xe cho trung úy.

Nghe đến "bồi thường," Minh dừng tay lại. Dù sao thì chiếc xe Vespa Sprint 150 là lý do chính của cuộc xô sát ngày hôm nay. Đạt nói luôn:

- Em xin mua đứt chiếc xe của trung úy.

- Mua, mày có tiền không?

- Trung úy đi theo em, em lấy.

- Sạo mày, mày biết Vespa Sprint của tao giá bao nhiêu không?

Câu trả lời của Đạt làm Minh tin tưởng liền:

- Trăm ngàn là hết cỡ. Nói thiệt với trung úy, em bán sì ke, trăm ngàn với em nghĩa lý gì.

Hèn gì. Sự quan sát tinh tế của người phi công từ giây phút đầu tiên quả là không sai. Thế này là trọn vẹn đôi bề. Mình có đánh nó chết cũng chẳng ích gì. Nó đã đề nghị như vậy thì còn gì bằng. Cái ngữ như nó có muốn lừa chàng cũng chẳng được. Minh hối:

- Vậy thì đứng dậy, đi.

Đạt lòm còm bò dậy. Minh phụ hắn kéo chiếc xe Lambretta lên, đạp cho máy nổ rồi phóng lên ngồi phía sau. Đám đông bây giờ đã bu quanh đông lắm rồi. Minh lên đạn khẩu carbine để thị oai, nói với Đạt:

- Đi, đi liền, mày dở trò gì một cái là tao nổ liền.

- Em hiểu.

Đạt rồ ga. Đám đông dạt qua một bên, tránh đường cho hai người. Ra khỏi khu phố, Minh mới nhớ mình còn cầm cây Carbine trên tay. Đương không lại có một thêm cây súng trong tay. Nhân dân tự vệ nhiều súng mà, lo gì....

Tối đó, mọi chuyện xảy ra như lời Đạt nói. Hắn thường cho chàng một trăm ngàn, đủ tiền để tậu một chiếc Vespa Sprint mới.

Ngày hôm sau, Minh mượn xe thằng em đi Biên Hoà sớm, làm như chẳng có việc gì xảy ra. Cả nhà không ai hỏi han và chàng cũng chẳng thèm hé môi. Nhận phi vụ lệnh, lúc đội nón bay vào, thấy đỉnh đầu nhức buốt, Minh mới nhớ đến cuộc xô xát tối hôm qua. Minh gật gù, cười cười, thầm nghĩ may mà cây súng chưa lên đạn, nếu không thì giờ này chắc mình đang nằm trong nhà xác. Đù mẹ phòng không Việt Cộng bắn không chết mà chết vì tay nhân dân tự vệ thì thật là khốn nạn.

Suốt ngày, hình ảnh của Loan và của cuộc xô xát cứ hiện ra trong trí chàng. Minh thấy ông bà mình nói đúng: "Một câu nhịn chín câu lành." Nhưng kẹt một điều là nhiều khi, trong cuộc đời, hoàn cảnh không cho ta một lối thoát nào cả ngoài con đường "sống mái một trận." Nếu ai cũng nhịn được thì nhân loại làm gì có chiến tranh. Minh tự nghĩ vậy để lương tâm mình đỡ thấy cắn rứt.

Chiều đó, vừa đáp trực thăng xuống sân thì Minh được gọi vào văn phòng phi đoàn trưởng. Minh cất nón bay và dụng cụ phi hành rồi bình thản đi trình diện ông ta. Chàng biết chuyện gì phải tới sẽ tới, có lo lắng cũng vô ích.

Vừa nhìn thấy Minh, ông trung tá phi đoàn trưởng thảy tờ báo đến trước mặt chàng:

- Anh đọc đi.

Minh cầm tờ báo, mắt hoa lên nhìn hàng tít nhỏ chiếm một góc: "Ngay tại Gia Định, một tên cướp đoạt súng và hành hung ba nhân dân tự vệ trọng thương" Một hàng chữ nhỏ hơn ngay phía dưới: Hung thủ là một tên không quân đào ngũ, hiện đang bị nhà chức trách truy lùng rất gắt..."

Trí tưởng tượng của nhà báo thật là phong phú.

- Anh ngồi xuống đi.

Minh ngồi xuống. Ông phi đoàn trưởng đưa cho chàng một tờ giấy khác:

- Đây là tờ giấy mời của phòng an ninh không quân.

Chưa kịp coi xong, lại có thêm tờ giấy nữa đẩy tới trước mặt chàng:

- Còn đây là tờ giấy mời của quân cảnh điều tra tư pháp tiểu khu Gia định.

Minh cắm một điếu thuốc vào môi. Chàng ngạc nhiên khi thấy xếp che tay bật hộp quẹt cho chàng:

- Tôi tưởng anh hiền lắm. Chuyện gì xảy ra vậy, kể tôi nghe coi.

Minh nhún vai, nhìn xéo vị phi đoàn trưởng:

- Đâu có gì trung tá, chuyện tôi làm tôi chịu.

Ông ta bỗng chồm người tới trước, gay gắt nói:

- Anh phải tin tôi. Trong cuộc đời của anh, nếu có giây phút nào đó anh cần phải tin tưởng ở một ai để sống còn thì giây phút đó là giây phút này và người đó là tôi. Tôi biết ngày hôm qua anh bị Shock vì vụ thằng Cường. Anh cứ bình tĩnh kể tôi nghe đi, tôi sẽ tìm cách gỡ cho. Anh đừng lo, tôi quen biết lớn mà, tôi hứa với anh như vậy.

Minh thở dài không mấy tin tưởng nhưng xếp đã ân cần vậy thì mình nên nghe lời...

Minh hút hết điếu thuốc thứ năm thì cũng vừa xong câu chuyện. Chàng tưởng ông ta ngạc nhiên lắm nhưng ông ta vẫn ngồi yên. Một lúc sau ông ôn tồn:

- Tôi đã đọc báo cáo đầy đủ của an ninh. Những gì anh nói không khác với họ lắm, tôi chỉ muốn nghe tận miệng anh kể lại.

Ông rời khỏi bàn giấy, đi đi lại lại trong phòng:

- Anh biết tội của anh là tội đáng ra tòa án quân sự không?

- Thưa biết, nhưng bọn chúng nó gây chuyện trước chớ không phải tôi. Tôi đã bỏ đi rồi mà.

Ông trung tá không nói gì, trở lại bàn giấy ngồi xuống:

- Cũng may cho anh là 3 thằng bị đòn là 3 thằng du đãng khét tiếng ở chợ Trương Minh Giảng, chuyên môn bán xì ke ma túy. Chúng nó đều là lính đào ngũ có tiền án nặng. Ra khỏi nhà thương là chúng nó sẽ vào tù.

- Tôi tưởng chúng nó là nhân dân tự vệ?

- Nhân dân tự vệ ban đêm, ban ngày đi bán sì ke.

Minh mừng như mở cờ trong bụng. Ông phi đoàn trưởng vỗ tay lên mặt bàn.

- Đáng lẽ họ đã bỏ qua chuyện này nhưng kẹt là anh giữ cây carbine của bọn nó. Lát nữa đem cây súng lên nộp, tôi sẽ lo cho anh. Để mấy tờ giấy mời lại đây.

Minh nhìn ông ta như không tin những gì ông vừa nói:

- Trung tá nói trung tá lo...

- Ừ. Chỗ quen biết không, tôi lo được nhưng anh phải chịu hình phạt của quân đội.

- Cái đó thì dễ, thưa trung tá.

- Tốt. Tôi phạt anh 8 ngày trọng cấm đề nghị gia tăng tối đa. Lên tới bộ tư lệnh thế nào cũng thành 30 ngày. Cặp lon đại úy của anh nếu có lỡ mua rồi thì nên đem ra tiệm trả lại hay đem tặng cho bạn bè. Anh chắc còn lâu mới đeo lon đại úy được.

Chuyện này chả ăn nhằm gì tới Minh vì chàng luôn luôn cho rằng người phi công không già đi vì tuổi tác mà vì... cặp lon đại úy trên cầu vai. Chàng cười:

- Dạ được, tôi vẫn thích lon Trung úy hơn.

Ông phi đoàn trưởng không cười:

- Chưa hết đâu chú. Cái này mới khó nuốt: Chú có mười lăm ngày để chuẩn bị hành trang đi khỏi phi đoàn này.

Minh thấy xây xẩm mặt mày và chợt nhớ đến Loan. Xuống địa ngục hay thiên đàng chàng cũng cóc sợ, chỉ sợ xa Loan. Giọng Minh run run:

- Trung tá đỡ giùm cái vụ này được không?

- Đỡ con khỉ. Tội nặng như anh chưa ngồi tù là may, đừng đòi hỏi nhiều quá.

- Dạ tôi hiểu. Nhưng tôi đổi đi đâu.

- Gần thôi. Lên Pleiku sống với Thượng một thời gian để trau dồi thêm kiến thức phi hành về vấn đề... phong tục của người thiểu số...

Trước ngày chia tay lên đường, Minh cùng Loan đi dạo ở Passage Eden . Hai người ngồi trong một quán kem, nhìn xéo xéo sang Continental. Minh rầu rĩ lắm nhưng Loan vẫn hồn nhiên tươi tỉnh đến độ chàng phải gắt nhẹ:

- Mai anh đi rồi mà sao thấy Loan chẳng coi ra gì cả.

Loan bướng bỉnh:

- Anh muốn Loan làm gì? Khóc lóc tỉ tê như mấy mụ già nhớ chồng chăng. Anh đừng quên rằng chúng ta chỉ quen nhau chưa tới hai tuần.

Loan nói đúng. Chưa tới hai tuần nhưng chàng thấy thương nàng quá đỗi. Minh cứ thắc mắc một điều là không biết Loan có thương chàng như vậy không? Cái câu "Mỗi đường bay một người tình" dành cho ai không biết với riêng chàng, sổ bay của chàng đã lên đến mấy ngàn giờ mà chỉ mới quen Loan là một.

Thấy Minh ngồi tiu ngỉu một đống, Loan bật cười:

- Anh lên Pleiku được coi sexy khỏi tốn tiền, sướng thấy mồ còn than van nỗi gì?

- Sexy gì ở Pleiku?

Loan nguýt:

- Đừng có giả vờ. Loan đọc báo nghe nói đàn bà thiểu số đi tắm suối hay ở truồng, anh không biết à. Chiều chiều nếu nhớ Sài gòn thì cứ lái tàu bay ra bờ suối, đậu ở đó chừng vài phút để giải trí là hết buồn liền chớ gì.

Minh phì cười:

- Em chả biết gì cả. Đó là chuyện ngày xưa, đàn bà thiểu số bây giờ văn minh rồi, họ đâu có làm như vậy nữa.

Loan liếc nhìn Minh:

- Loan cấm anh không được bén mảng tới bờ suối đấy nhé.

- Lại lệnh lạc nữa. Nếu anh đi làm sao em biết được?

- Em nghe nói nếu nhìn đàn bà tắm mắt sẽ bị mụt lẹo. Hôm nào về phép mà mắt anh bị mọc mụt lẹo thì chết với Loan đấy...

Cả hai cùng bật cười. Thì ra Loan cũng thương mình thật, Minh nghĩ. Ghen là bằng chứng đầu tiên của tình yêu. Minh thấy lòng mình ấm lại.

Rồi giọng Loan bỗng buồn hơn:

- Chừng nào anh mới về lại Sài Gòn?

Chàng đốt một điếu thuốc lá, buồn buồn:

- Sớm nhất là 6 tháng anh mới kiếm được vài ngày phép.

Loan sững sờ:

- Sáu tháng! Gì mà lâu vậy? Em tưởng lính tàu bay nhiều phương tiện thì muốn đi về lúc nào chẳng được?

Hóa ra cô nàng nãy giờ cười nói tỉnh bơ vì không ngờ rằng mãi sáu tháng mới được gặp mình. Gái thành phố có khác, đất nước chiến tranh đã mấy chục năm mà chẳng ai hiểu tí gì về quân đội. Minh nhìn Loan và nhận ra cặp mắt nàng đã ướt sũng.

- Loan không hiểu. Trong quân đội người ta chỉ cho một năm 10 ngày phép. Anh phải chờ sáu tháng mới lấy được 5 ngày.

Loan cúi đầu im lặng. Hình như nỗi buồn đang thấm sâu vào tim nàng. Minh tiếp:

- Anh hy vọng sáu tháng sau trở về, Loan vẫn còn nhìn anh.

- Anh nói gì lạ vậy?

Minh nhìn nàng, giọng trầm xuống:

- Đời đổi thay Loan ạ. Em đẹp, con nhà giàu, lại ở trong một điều kiện thường phải tiếp xúc với nhiều người... Anh đi rồi, sẽ có khối thằng đến "nộp đơn" để xin được hầu hạ em. Một ngày đó, em sẽ tìm được một người em thích. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo nên biết nghĩ xa và biết chấp nhận những gì xảy đến cho mình...

Loan im lặng. Nàng chớp mắt thật mau rồi đột nhiên nắm lấy tay Minh:

- Anh nghĩ Loan là hạng người nào?

- Loan đã hỏi anh câu này rồi, nhớ không? Anh đâu dám.

- Trước khi gặp anh, đã có nhiều người tới "nộp đơn" như anh nói. Đâu cần phải chờ đến khi vắng mặt anh rồi mới có người đến mà anh lo. Anh hiểu ý Loan không?

- Hiểu. Sao Loan lại "nhận đơn" của anh?

- Loan cũng không hiểu nữa. Có lẽ anh là một tổng hợp cũa những gì trái ngược nhau. Anh ngang tàng nhưng chân thật, nóng nảy nhưng độ lượng, dữ tợn nhưng dễ tha thứ... Mới đầu, Loan chỉ nói chuyện với anh như bao nhiêu người khách khác, rồi tự nhiên thấy thích anh...

- Đó chính là cái mà anh lo nghĩ. Nhỡ mai mốt Loan cũng gặp một người nào đó, nói chuyện rồi thích người ta luôn như đã thích anh thì sao? Nói ra có vẻ nhỏ mọn nhưng Loan tha lỗi. Anh chỉ là người.

Loan im lặng, trán hơi cau lại. Minh tiếp tục nhẹ nhàng:

- Anh chỉ nói vậy thôi. Anh là một người thực tế, nên biết mình không có quyền gì để coi Loan là của riêng anh. Anh đi rồi, nếu gặp người nào em thích thì cứ việc tự nhiên. Anh không cấm em đâu Loan ạ. Mà có muốn cấm cũng chả được. Em trẻ đẹp, em có cả một cuộc đời, một tương lai đầy hứa hẹn trước mặt em...

Giọng chàng tự nhiên trở nên chua chát làm Loan muốn rơi lệ. Nàng xiết chặt đôi bàn tay của Minh, tha thiết:

- Loan có biết một câu châm ngôn như thế này: "Ai biết đời đổi thay sẽ không bao giờ thay đổi..."

- Em biết đời đổi thay không?

- Cuộc đời thay đổi không ngừng anh Minh ạ, đặc biệt trong một xứ sở đầy dẫy chiến tranh như nước mình. Chuyện "Thương Hải Biến Vi Tang Điền" trong nước mình có thể xảy ra hằng ngày.

- Vậy là anh có quyền hy vọng?

Loan gật đầu, cười, sửa lại lời của một bài hát:

- "Anh nhớ cho rằng Loan vẫn chờ anh, vẫn chờ anh..."

Rồi cả hai cùng cười. Nhưng khi tiếng cười dứt, một bầu không khí im lặng bao trùm lấy hai người. Minh đốt thuốc lá. Loan cúi nhìn ly kem nhưng chẳng thiết ăn uống gì nữa. Ai bảo người thành phố không biết mùi chiến tranh. Hôm nay, Loan thấy mình bỗng trở nên một "nạn nhân chiến cuộc." Phải, một nạn nhân chiến cuộc như báo chí thường đăng tải. Và nàng thoáng nhớ đến lời của một bài hát đang thịnh hành: "Ngày mai anh đi, biển nhớ không tên gọi về..."

Sáng hôm sau, Minh lên tàu bay giã từ Sài Gòn lúc thành phố chưa lên đèn...

Bây giờ, nhìn người lính mặc đồ rằn ri đang đứng trước mặt, hình ảnh của đêm gặp gỡ đầu tiên, của trận đánh lộn xém chết trở về trong đầu chàng. Như con chim đã bị thương một lần, Minh thấy câu "Một câu nhịn chín câu lành" của ông bà trở nên rất chí lý trong hoàn cảnh này. Chàng bình thản cầm gói thuốc lá đưa cho người lính. Hắn rút một điếu rồi bỏ luôn bao thuốc lá vào túi áo rất tự nhiên. Dù đã có chủ đích, Minh cũng thấy hai thái dương mình chợt dựt lên từng hồi nhưng trấn tĩnh được ngay. "Một câu nhịn chín câu lành" mà.

- Cho thuốc rồi còn lửa đâu, chú em có lửa không?

Minh móc cái hộp quẹt Zippo đưa cho hắn. Người lính rằn ri châm lửa mồi thuốc, thở khói ra rồi bật lên bật xuống cái nắp Zippo nghe lắc cắc trong tay:

- Qua mượn cái hộp quẹt này luôn nghe chú em. Chịu không?

Minh nhún vai:

- Sao cũng được.

Người lính xoay người bỏ đi về chỗ cũ, thẩy chiến lợi phẩm lên bàn để khoe với các bạn. Như thế này thì không thể ngồi đây được, chàng quyết định bỏ đi về. Cái thành phố lính này đối xử với dân ăn mặc civil kỳ quá. Chàng quyết từ nay khi đi phố sẽ không mặc đồ dân sự nữa.

Minh vừa đứng lên bỗng thấy một bộ đồ rằn ri khác từ dãy bàn bên kia lại xuất hiện tiến tới chỗ chàng. Đù mẹ cây muốn lặng mà gió không chịu ngừng. Sức chịu đựng con người có giới hạn thôi. Lần này, Minh quyết định ăn thua đủ. Chàng xuống tấn đứng yên, hai chân dạng ra, nhìn quanh một vòng coi thử có cái gì có thể chụp được trong tầm tay để tự vệ.

Người mặc quần áo rằn ri tiến gần hơn một chút, Minh thoáng nhìn thấy cặp lon đại úy trên cổ áo hắn. Chàng thấy hơi yên tâm nhưng vẫn giữ nguyên vị trí, chờ đợi. Hắn đến gần, và Minh nhận ra khuôn mặt hắn hơi quen quen.

Minh ngạc nhiên khi thấy người đại úy cười, đưa trả lại cho chàng cái hộp quẹt Zippo và gói thuốc:

- Tôi thấy hộp quẹt có khắc huy hiệu của phi đoàn 243 Mãnh Sư, anh ở phi đoàn này phải không?

- Cám ơn đại úy. Tôi tên Minh, phi công phi đoàn này, mới đổi về hơn tháng.

- Vậy à, 243 Mãnh Sư với Lôi Hổ là anh em một nhà. Mấy ông tuần nào cũng thả tụi tôi đi nhẩy toán. Tôi tên Sơn, đại úy Sơn. Anh cho tôi xin lỗi. Thằng em lúc nãy không biết làm càn, dám xúc phạm tới núi Thái Sơn, may mà tôi nhìn thấy cái dấu hiệu của phi đoàn ông, nếu không thì mai mốt gặp nhau trong phi trường mình biết ăn nói làm sao đây? Anh cho tôi xin lỗi nghe.

Minh cầm cái hộp quẹt, đưa tay ra bắt tay đại úy Sơn:

- Lỗi phải gì đại úy. Mà hình như tôi thấy đại úy hơi quen quen...

Sơn nhíu mày, rồi bỗng nghĩ ra:

- Phải đại úy là người đã cứu tôi thoát chết ngày nào không?

- Thôi đúng rồi! Đích thị là ông rồi, tôi uống từ hồi chiều đến giờ nên mắt có hơi mờ không nhìn ra ông được. Mà ông làm gì lưu lạc xuống đây?

- Tôi bị đổi về đây ngay sau vụ đó.

- Qua đây, qua đây ngồi với tôi mình cạn vài "Hồ trường..."

Minh ngồi xuống giữa đám lính Lôi Hổ. Khi biết chàng là phi công, mọi người đều thay đổi thái độ. Mọi người tranh nhau mời rượu chàng như để chuộc tội lại cho những gì vừa xảy ra. Sơn giới thiệu một người:

- Đây là thiếu úy Chiêu. Tên này có cái tật là đi nhậu không bao giờ đeo lon để đánh lộn cho dễ. Mày xin lỗi trung úy Minh đi mày...

Chiêu bắt tay Minh, hắn nói tỉnh bơ, chẳng thấy "hối hận" chút nào:

- Ông mặc đồ civil láng quá coi cứ như công tử, tôi làm sao biết được là trung úy phi công. Đừng buồn tôi nghe.

Minh cười dễ dãi:

- Có buồn cũng chẳng làm mẹ gì được.

Hai người bắt tay nhau. Bia được kêu thêm. Sơn bắt đầu kể chuyện đại náo của Minh ngày nào cho mọi người. Nghe xong, mọi người nhìn Minh càng phục hơn nữa. Chiêu hỏi:

- Ông với quen chị em cô Thanh à?

Từ lúc rời Sài Gòn, hình ảnh Loan tràn ngập tâm hồn Minh nên nghe nhắc đến, chàng hí hửng trả lời liền:

- Mới quen. Tối hôm đó là tối đầu tiên tôi vô tình đến quán. Ông cũng biết hai chị em cô này à?

- Anh Sơn có dắt tôi tới đó vài lần.

Chiêu im lặng một lúc rồi bật mí một tin động trời:

- Cô Thanh là hôn thê của đại úy Sơn đó.

Minh ngạc nhiên thích thú. Đi chơi với Loan mới có mấy lần, chàng không biết hết được chuyện gia đình nàng. Ông trời xanh quả thật oái ăm. Làm sao lại xui khiến để cho hai người tình cờ gặp nhau ở đây. Sơn nghe đàn em nói vậy liền tiếp luôn:

- Ông muốn làm anh em cột chèo tôi không, hối lộ cái gì đi, tôi yểm trợ cho...

Minh cười không nói gì rồi hai người kéo ghế lại ngồi gần nhau mơi một góc bàn, cố tình tránh xa cái đám lính trẻ đang thách đố nhau uống bia ồn ào như một cái chợ. Minh hỏi:

- Anh là hôn phu của cô Thanh à?

Sơn gật đầu:

- Ừ. Tôi biết gia đình đó từ lúc còn đi học. Đúng hơn, ngày xưa tôi là người kèm toán lý hóa cho hai chị em. Gia đình rất tốt, con cái rất có nề nếp.

Minh lại nhớ đến Loan và cái tánh lạ lùng của nàng.

- Chừng nào thì tôi được uống rượu mừng của anh?

- Chắc cuối năm nay. Gia đình của Thanh vừa chạy cho tôi về Sài Gòn. Tôi chỉ còn ở đây vài tuần nữa thôi để chờ sự vụ lệnh. Cậu cho địa chỉ để tôi gởi thiệp Hồng.

- Loan có địa chỉ tôi.

- Loan à?

- Vâng.

Sơn vỗ vai Minh cười cười:

- Cậu tốt số lắm mới vào được con bé. Đã có không biết bao thằng doạ tự tử vì nó. Cậu sao hay vậy?

Minh cười:

- May mắn thôi anh.

- Ở xa như thế này thật bất tiện. Nhưng rồi cũng phải xin về Biên Hòa trở lại chứ, ở mãi đây đâu có được.

- Ở hai năm mới có quyền làm đơn. Sơn lắc đầu:

- 2 năm thì còn gì là... Loan nữa?

Giọng Minh buồn buồn:

- Đành chịu thôi. Mình chỉ còn biết trông chờ vào số mạng.

Sơn cúi đầu, lập lại:

- Ừ, số mạng. Số mạng.

° ° °

Bước vào phòng thuyết trình hành quân của chiến đoàn III xung kích, Minh ngạc nhiên khi nhìn thấy người cầm cây thước đứng nơi tấm bản đồ là đại úy Sơn. Khuôn mặt Sơn hôm nay thấy nghiêm trọng lạ lùng. Minh không hiểu anh ta muốn làm ra vẻ nghiêm trọng vì hoàn cảnh hay vì có chuyện gì khác.

Chờ cho các phi hành đoàn trực thăng vừa ngồi xuống thì Đại úy Sơn chỉ vào tấm bản đồ treo trên tường:

- Bãi đáp là chỗ này, chỉ cách bộ tư lệnh hậu cần của sư đoàn 2 sao vàng chừng vài cây số, tọa độ Anh Dũng về phải 800, xuống 1000.

Vừa nghe tới đó xong là có tiếng loạt soạt của mấy chục tấm bản đồ do gần 20 chục phi công của 9 phi hành đoàn trực thăng được dở ra một lần. Mò mẫm vài giây đồng hồ, có người nhìn thấy được, thở dài lên ngao ngán. Minh là người tìm thấy chậm nhất vì chàng mới đổi về, lạ đất lạ cát. Ngón tay Minh mò mẩm tìm trục Anh Dũng. Nó đây rồi. Ủa, nhìn cái boundary của bản đồ chàng mới khám phá ra là nó không nằm bên lãnh thổ ta mà là ở tuốt bên nước Cam bốt. Hết chỗ nhảy rồi hay sao mà mấy ông lại bắt chúng tôi bay xa vậy.

Chờ cho những ngạc nhiên từ từ lắng xuống, Sơn tiếp tục:

- Các bạn có vẻ ngạc nhiên vì tọa độ bãi đáp? Tôi xin nói rõ hơn là nó nằm ở phía Tây đường mòn Hồ Chí Minh...

Cả phòng im lặng. Người ta không bao giờ tiết lộ bí mật hành quân nhưng Minh cũng phần nào đoán ra được mục đích của một cuộc đổ quân bí mật ngay sau lưng bộ tư lệnh hậu cần Việt Cộng: Nếu không phải để bắt cóc một vài nhân vật quân sự quan trọng của chúng nó thì để làm gì. Nhân vật này ắt phải quan trọng lắm vì Lôi Hổ phải qua tuốt bên đất Cam Bốt để làm việc. Cấp tướng là giá chót.

- Tôi sẽ bay C & C để điều khiển cuộc thả toán này...

Sơn tiếp tục hết phần thuyết trình của mình về những thủ tục lỉnh kỉnh khác của cuộc đổ quân rồi nhường bục thuyết trình cho không quân. Thiếu tá Nhân, phi đội trưởng của phi đoàn tiếp tục phần thuyết trình:

- Chúng ta sẽ bay như thế này. Cất cánh từ Pleiku đi, là một hợp đoàn gồm 6 slicks, 4 guns và một C & C. Qua khỏi biên giới, vô tuyến giữ im lặng tối đa. Trong khi hợp đoàn chính vẫn bay thẳng để đánh lạc hướng địch, hai chiếc gun sẽ hộ tống chiếc slick chở Lôi Hổ tách ra khỏi hợp đoàn. Ông này sẽ trực chỉ bãi đáp để thả toán. Chừng năm phút sau, tôi sẽ cho một slick khác tách ra bay theo ba ông để trực rescue cho mấy ông. Thả xong, mấy ông cứ việc bay thẳng về biên giới mình, khỏi cần chờ chúng tôi. Trong khi đó, tôi sẽ hướng dẫn hợp đoàn tiếp tục bay thẳng thêm một lúc nữa rồi chậm lại làm như sắp sửa đáp xuống chỗ này. Quần quần chừng năm phút, gunship cho bắn vài tràng thị oai rồi mình dọt về...

Ngừng một chút, ông tiếp:

- Điều quan trọng của chuyến bay này là vô tuyến phải im lặng tối đa. Có ai hỏi gì không?

Không ai hỏi gì cả.

- Nếu không có gì tụi mình có thể ra tàu để chờ. Kể từ giây phút này, vì bí mật quân sự, tuyệt đối không có ai, kể cả tôi được phép bước ra khỏi khu bến đậu phi cơ. Chúng ta sẽ ăn nghĩ tại chỗ cho đến khi được lệnh cất cánh.

Các phi hành đoàn lần lượt rời phòng họp, leo lên xe ra bãi đậu phi cơ. Tại đây, Minh nhìn thấy một đám Lôi Hổ ăn mặc quần áo ka ki Nam Định Việt Cộng với những cây AK-47 đang ngồi chờ sẵn. Dù đã quen, nhưng vừa nhìn thấy là Minh vẫn còn giật mình, tưởng như Việt Cộng đã vào cướp phi trường.

Minh sửa soạn tàu bè, kiểm soát súng ống xăng nhớt cẩn thận rồi ra ngồi dưới bóng mát của một chiếc L-19 đậu gần đó, hút thuốc lá vặt và ngắm nhìn trời đất. Sáng nay trời quang đãng. Minh để ý một điều là ở những thành phố cao nguyên này, nắng dường như có màu vàng. Vàng rực như những đoá hoa mặt trời. Đất "Hoàng Triệu Cương Thổ" có khác.

Giờ cất cánh rồi cuối cùng cũng đến. Vì Minh mới về, địa thế chưa rành nên chỉ được cho lái một chiếc slick khiêm nhượng trong hợp đoàn. Chiếc tàu này trống trơn, chỉ bay để làm kế nghi binh lừa địch...

11 chiếc trực thăng cùng quay máy một lần rồi nối đuôi nhau bốc lên làm thành một hợp đoàn lầm lũi rời phi trường Pleiku, lấy hướng Tây trực chỉ dãy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp. Qua khỏi Pleime chừng 10 dặm, nhận được chỉ thị từ vô tuyến, 6 chiếc slick, 4 chiếc gunhip cùng cắt ga rớt xuống một lượt bay rà rà sát ngọn cây, để lại mình chiếc C & C đơn độc trên bầu trời xanh. Kể từ giây phút này, im lặng vô tuyến tối đa.

Bay được chừng vài phút, Minh nhận ra là hình như mình đang bay trên khu tập trung quân của giặc. Minh tái mặt khi nhìn thấy rõ nhiều xe tăng cùng những bộ ka ki Nam Định lướt qua thật mau dưới chân. Ai cho lộ trình không hành mà kỳ vậy? Sao lại bay trên đầu khu tập trung quân của chúng nó? Chàng chưa hết thắc mắc thì đã nghe súng nhỏ bắt đầu bắn lên. Và chẳng lâu sau đó, đúng như chàng lo sợ tiếng nổ của đại bác phòng không.

Minh im lặng chờ một chỉ thị của C & C nhưng không thấy gì. Súng vẫn tiếp tục nổ. Chỉ hy vọng là mấy ông biết mình đang bay ở vùng nào. Vô tuyến đang im lặng bỗng có tiếng la hốt hoảng xé tai của chiếc C & C vang lên trong nón bay: "SA-7, SA-....7"

SA-7 là tử thần của phi công Việt Nam . SA-7, đúng hơn là hỏa tiển tầm nhiệt nguy hiểm mà giặc vừa đem vào chiến trường. Với tầm bắn lên tới 20 ngàn bộ và tốc độ mau hơn tốc độ âm thanh, hỏa tiễn này có dư khả năng để bắn rớt bất kỳ một phi cơ nào của quân ta, kể cả phi cơ tối tân nhất là F-5. Trận An Lộc, Minh đã nhìn thấy không biết bao nhiêu chiếc khu trục hay trực thăng bị nổ tung lên như xác pháo bởi SA-7.

Cả hợp đoàn nhốn nháo nhưng không ai nói với ai một lời nào. Minh thấy thần kinh mình như tê dại. Chàng bay sát ngọn cây không ngán SA-7 nhưng chỉ sợ cho chiếc C & C. Cao độ đó, tốc độ đó thì đâu cần phải bắn lần thứ hai. Minh bỗng rùng mình, liếc nhìn lên bầu trời...

Và chàng nấc nhẹ lên một tiếng khi nhìn thấy một cục lửa từ trời cao rơi xuống. Tuy bị bắn bất ngờ nhưng người phi công hình như vẫn điều khiển được phi cơ, cho nó rớt trong trạng thái "Autorotation". Hỡi trời cao, lạy thượng đế, xin cứu thoát họ. Trong giây phút nguy hiểm kinh hoàng đó, con người không làm gì được hơn là cầu nguyện. Đồng thời, có tiếng nói hốt hoảng của Tĩnh, phi đội trưởng vang lên trong máy, đứt khoảng, nghẹn ngào : "Nói anh em biết, C & C của mình rụng rồi... Rụng rồi. Đù Mẹ SA-7 bắn rụng rồi." Có tiếng nấc tiếp theo tiếng "rụng rồi..."

Minh sững sờ, không nói được một lời.

"Anh em chú ý, Tango đây, phi vụ hủy bỏ. Anh em quẹo hướng 2 giờ, tới ngay chỗ chiếc tàu vừa rớt cấp cứu liền. Mấy ông gunship dọt tới trước để cover. Mau, lẹ lẹ..."

Cả hợp đoàn trực thăng từ từ bốc lên cao, nghiêng cánh quẹo tới. Minh phản ứng như một cái máy. Khỏi cần chờ gunship, khỏi cần biết tình hình phía dưới như thế nào, chàng tách khỏi hợp đoàn, nghiến răng vặn hết ga đồng thời quẹo gắt một vòng. Cánh quạt trực thăng chém văng những cánh lá rừng dưới chân chàng. Minh dí mũi phi cơ ào tới như một cơn lốc.

Nó kia rồi. Chiếc C & C kia rồi. Không, phải nói là một cục sắt đen thùi lùi đang còn âm ỉ cháy thì đúng hơn. Minh tới gần hơn chút nữa, ước lượng tình hình. Khung phòng chiếc trực thăng còn y nguyên chứng tỏ tàu đã không rớt mạnh lắm. Hy vọng có người còn sống sót. Điều nguy hiểm nhất là phi cơ đang âm ỉ cháy, có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào. Kẹt hơn nữa là nó lại nằm giữa một đám rừng rậm, không thể nào đáp xuống gần được.

Minh hoover thật sát, ngay trên nóc chiếc trực thăng nhìn xuống. Khốn nạn, gió phần phật của cánh quạt chiếc tàu hình như làm cho lửa cháy mạnh hơn. Minh hốt hoảng tính quẹo ra thì, nhờ cánh quạt thổi khói sang một bên, chàng bỗng nhìn thấy một người đang lòm còm bò ra khỏi chiếc trực thăng. Minh nhìn kỹ hơn, thì ra một bộ đồ rằn. Đúng là đại úy Sơn rồi.

Minh nói với Thảo, người xạ thủ qua vô tuyến:

- Tôi hạ tàu xuống thấp, ông nhảy xuống được không?

- Rừng rậm quá ông ơi, làm sao xuống nổi?

- Tôi xuống thấp chút nữa, ông xuống nghe?

- Sợ thằng tây nào! Thấp xuống chút nữa đi, tôi nhảy cho coi.

Xong rồi. Minh đảo mắt tìm kiếm. Chỗ này đây, cây rừng rất rậm nhưng không to lắm. Minh khéo léo hạ chiếc tàu, rồi nghiêng một chút, đưa cánh quạt ra chém phăng những cây rừng gần đó để làm một bãi đáp.

Cánh quạt trực thăng chém đứt những nhánh cây rừng nhỏ ngọt như mía. Trò chơi nguy hiểm vô cùng, vì nếu gặp cây lớn quá thì cánh quạt sẽ bị gẫy chứ không phải cây. Loay hoay một lúc Minh "chặt" vừa đủ chỗ để hạ chiếc tàu xuống gần mặt đất. Bụi tung lên mù mịt. Minh tính hét "Xuống đi!" nhưng vừa nhìn thấy Thảo đã nhảy xuống từ lúc nào, đang chạy trước mặt mình. Hắn ôm được Sơn, chạy từng bước một trở về tàu. Người mévo thứ hai cũng đã chạy tới chiếc tàu C & C đang bốc cháy nhưng không thể tới gần được. Sức nóng của cục lửa đẩy hắn dội ngược. Hắn đứng yên quan sát một lúc rồi lắc đầu bỏ chạy trở về tàu mình.

Lửa nhờ gió của cánh quạt trực thăng tiếp sức, càng ngày càng bốc cao lên hơn. Minh biết trước sau gì tàu cũng phát nổ. Chiếc C & C mà nổ thì chiếc này sẽ... nổ theo. Minh sốt ruột nhìn Thảo đang lê từng bước một về tàu. Trời ạ, sức lực đâu hãy cho hắn thêm chút xíu.

Thảo đang chạy bỗng vấp chân ngã nhào, quăng Sơn xuống đất. Lửa của chiếc trực thăng lại bốc cao hơn nữa, đang liếm xuống phía dưới, nơi có thùng xăng chính và mấy hộp đạn chứa 6 ngàn viên đại liên. Đù mẹ nó mà nổ thì bảo đãm "sẽ tung trời". Minh ngồi yên bất lực và suy nghĩ. Rồi bỗng ý nghĩ hèn nhát xuất hiện trong đầu chàng: "Chiếc tàu kia sắp nổ rồi, hay là cứ cất cánh lên đi, bỏ nó lại. Tàu gần nổ rồi. Trước sau gì nó cũng chết, ít ra mình cứu được mình..."

Dù chỉ là một tư tưởng trong đầu nhưng Minh muốn tặng cho mình một phát súng. Quân hèn nhát khốn nạn. Không thể được. Minh ạ, nếu chết, mày sẽ chết chung với anh em.

Ủa, té xuống rồi thì đứng dậy đi chứ, tính nằm vạ đó à. Bộ thằng Thảo này không biết là con tàu sắp nổ sau lưng sao. Minh chỉ muốn lột giây an toàn để nhào xuống nhưng không được.

Rồi hắn cũng bò dậy được. Minh lại cầu trời cho hắn thêm chút ít sức lực nữa. Chàng rủa thầm: "Đù mẹ ai biểu hễ cứ về đáp là uống rượu và chơi đĩ cho lắm vào, sức lực đâu còn nữa..."

Thảo đã đứng giậy được, nhưng khốn nạn, lại bước đi cà nhắc. Hắn chỉ tay về phía chiếc tàu rồi về phía Sơn, mặt mày nhăn nhó. Minh lắc đầu. Tên này uống rượu say chạy xe Honda ủi vào cột đèn bao nhiêu lần u đầu sứt trán mà có sao đâu, bây giờ mới té nhẹ một cái đã bị trật chân trật cẳng. Thật là chán đời.

Nhưng may quá, người xạ thủ thứ hai đã tới cứu bồ. Hắn bế thốc Sơn lên vai chạy thật mau về phía tàu. Bỏ được Sơn lên tàu, Minh quay lui quan sát. Sơn bị thương nặng, máu đầy mặt mũi quần áo nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Chàng mừng thầm, tính bốc tàu lên nhưng sực nhớ đến Thảo. Hắn đang lò cò nhảy từng bước một tới. Minh lại... cầu nguyện với trời cho hắn thêm chút sức lực. Một giây đồng hồ trôi qua ở giây phút này dài như một thế kỷ...

Thảo vừa đặt chân lên tàu là Minh vặn hết ga. Chiếc trực thăng bốc lên cao, chậm hơn ý Minh muốn nhưng rồi cũng lên được. Chàng đạp bàn đạp quẹo con tàu, bụi đất phủ mờ một vùng. Minh vừa quẹo xong thì cũng vừa nghe một tiếng nổ long trời lở đất phía dưới.

Chàng thấy cay cay con mắt. Như thế này thì trời không còn dựa miền Nam nữa rồi. Kế hoạch tính kỹ như vậy, quân đội ngon lành như vậy, tại sao bỗng trở thành tấm bi kịch ở vào giờ phút chót? May mà chàng đã bốc được đại úy Sơn về. Thiếu tá Nhân cùng toàn thể phi hành đoàn đều chết thảm. Cái chết của những nhân viên phi hành thường tàn độc. Hoặc mất biệt, hoặc tan xác, hoặc cháy thành than như trong trường hợp này...

° ° °

Trên cõi đời này, có một nơi mà không người đàn ông nào muốn dắt người tình của mình vào đó là nhà thương. Nhất lại là nhà thương quân đội với những hình ảnh khủng khiếp của chiến tranh. Sáng nay, Minh phải cắn răng làm nhiệm vụ khăn đó: Dắt chị em Thanh từ Sài Gòn vào thăm Sơn tại quân y viện Pleiku. Minh đón họ tại phi trường, chưa kịp hỏi han gì là đã lên xe chạy tuốt vào đây, không ai có thì giờ kể chuyện lẩm cẩm.

Chiến trường càng ngày càng trở nên gay cấn. Vùng I, sư đoàn 3 bộ binh của tướng Giai tan hàng, Quảng Trị đã bị bỏ ngỏ. Vùng III, An Lộc vẫn hứng mỗi ngày 7 ngàn trái đạn và đang chờ đợi trận xung phong cuối cùng của Bắc Quân. Vùng II, chúng nó cắt quốc lộ 14, vây hãm Kon Tum nặng nề. Không ai biết Việt Cộng sẽ chọn thành phố nào để tấn công: Kon Tum hay Pleiku. Riêng tại Kon Tum, nơi bộ tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh trấn đóng, người ta đồn Tướng Lý Tòng Bá phát súng cho cả vợ con của binh sĩ sư đoàn để chống giữ và ôm M-16 ra giao thông hào tử thủ chung với lính. Và dĩ nhiên, đạn pháo kích cứ thỉnh thoảng rót vào thành phố...

Kể từ lúc nhận được cú điện thoại thông báo chị em Thanh sẽ lên thăm Sơn, Minh đã không đồng ý chuyện này. Trong tình thế này, thiên hạ ai ai cũng đùng đùng lo dọt về Sài Gòn, chỉ có hai chị em nàng điếc không sợ súng lại lò mò lên đây. Nhưng khi gặp chị em Thanh, Minh thông cảm được liền. Đôi mắt nàng đã sưng húp lên vì khóc quá nhiều. Minh an ủi:

- Anh Sơn chỉ bị thương nặng thôi, không sao đâu.

Trên đường vào đây, hai chị em Thanh đã nhìn được tận mắt những xót xa, đau khổ của dân chúng một thành phố địa đầu mà họ chưa bao giờ được nhìn thấy. Đi ngang một khu gia binh của lính, nhìn những dẫy nhà tôn thấp lè tè dơ bẫn, Loan hỏi Minh:

- Làm sao mà người ta có thể ở được trong những cái hang chuột như vậy?

Minh cười chua chát:

- Nước mình nghèo, có được một căn nhà che thân như vậy là tốt rồi. Em không biết chứ mộng ước to lớn nhất của những người lính Việt Nam ở đây chỉ là mong được trở về để sống trong cái "hang chuột" này với vợ con một năm vài tuần lễ. Một năm chỉ muốn được làm người, sống như người vài tuần lễ mà vẫn ít khi có được. Chỗ ở thường xuyên của họ là chiến trường tàn bạo khi còn sức lực, là nhà thương hôi hám khi bị ngã ngựa, và là nghĩa địa buồn khi phải giã từ vũ khí...

Loan im lặng. Nàng bắt đầu hiểu được phần nào những nỗi thống khổ của người lính Việt Nam.

Bước vào nhà thương, chiến trận đã quen mùi như Minh mà còn thấy lạnh mình khi đi qua những phòng cấp cứu. Có nhiều phòng máu tràn ngập lênh láng chảy ra tới hành làng. Hòa trong khung cảnh đó là thỉnh thoảng những tiếng rên la khủng khiếp dội ra. Đó là chưa nói đến hình ảnh những người lính bị thương cụt chân mất tay nằm ngồi la liệt khắp nơi. Hai chị em Thanh Loan hãi quá, bụm miệng lại như cố cầm hơi thở. Mỗi người một bên, họ đi sát bên Minh như để được che chở giữa khung cảnh thật này của chiến tranh. Bây giờ họ mới nhìn nhận lời khuyên của Minh là đúng và tự hối hận đã chẳng nghe lời chàng.

Thanh lại khóc nấc lên khi người y tá trực cho biết là Sơn đã được phi cơ Mỹ chở về Sài Gòn sáng nay. Nàng chỉ nín khóc khi người y tá cho nàng coi hồ sơ bệnh lý của Sơn: Tuy gãy tay chân, dập sươn sườn nhưng không có gì nặng lắm. Sơn được đưa về Sài gòn là nhờ một cú điện thoại mật từ Sài Gòn gọi ra...

Chẳng còn gì nữa, cả bọn lại bỏ ra đi. Đi cho mau để thoát khỏi cái quân y viện kinh khủng này và còn kịp thì giờ đáp chiếc C-130 về lại Sài Gòn tối nay.

Về tới phi trường Pleiku, khó nhọc lắm Minh mới đưa hai chị em vào được trạm hàng không quân sự. Dân di tản khắp nơi tụ tập chung quanh hàng rào phi trường đông như kiến. Ai cũng muốn đi khỏi cái thành phố địa đầu này. Kiếm được một chỗ ngồi trong trạm hàng không thì hai chị em đã tả tơi như những cành hoa trước gió.

Ngồi im lặng bên nhau một lúc rất lâu mà chẳng ai nói với ai một lời nào. Lần đầu tiên từ lúc quen nhau, Minh nhận ra vẻ nhí nhảnh thường ngày của Loan trốn đâu mất biệt. Chính chàng, chàng cũng chẳng thiết tha gì nữa. Sự có mặt của chị em Loan tại đây thật là một thú vị bất ngờ nhưng tình hình này bi đát quá, Minh chỉ mong sao đẩy họ lên được tàu bay là mừng. Ngày mai trời sẽ sáng hơn, cơn sóng gió nào rồi cũng qua đi. Minh biết vậy...

Một lúc lâu sau đó, lấy sức lại, cả ba mới nhận ra là từ sáng đến giờ chưa ai ăn uống gì cả. Không đói nhưng mọi người đều thấy khát nước. Minh bỏ hai người đi đâu một lúc rồi trở lại với hai chai xá xị và ba cái ly nhựa trên tay.

Xá xị được chia đều. Chưa ai kịp uống thì bỗng họ nhận ra có mấy đứa bé ngồi bên cạnh nhìn lên ba người với một vẻ thèm khát lạ lùng. Chỉ có đứa lớn nhất trong bọn, một bé gái khoảng 10 tuổi, tay ôm khư khư một gói đồ, đưa cặp mắt lo âu buồn thảm nhìn ra phi đạo như đang chờ đợi ai. Bốn chị em có vẻ đói khát và mệt mỏi từ lâu rồi.

Chẳng cần suy nghĩ, Minh đưa ngay ly nước ngọt mình đang cầm trên tay cho đứa bé trai. Nó dơ tay ra toan cầm lấy nhưng lại dựt về, quay sang nhìn bà chị như xin phép. Giấy rách mà vẫn giữ được lề, đáng phục thật. Minh bỗng thấy có cảm tình với đứa bé, bèn làm quen:

- Bố mẹ cháu đâu rồi?

Người chị lớn trả lời thế:

- Bố chúng tôi là lính, mẹ chúng tôi đi mua đồ ăn tí nữa trở về ngay.

Tiếng "lính" phát ra từ cặp môi đứa bé 10 tuổi nghe đơn giản nhưng hào hùng và hãnh diện làm sao. Chàng ngồi xuống bên đứa bé, thân thiện:

- Chú biết bố cháu mà, bố cháu bảo chú đưa cho cháu ly nước này, uống đi cháu...

Người chị nhìn đứa em gật đầu. Thằng bé chỉ đợi có thế, dựt mạnh ly xá xị trong tay Minh. Chàng mỉm cười, đoán rằng cậu ta sẽ ngửa cổ uống cạn nhưng nó lại đưa ly nước cho đứa em trai kế:

- Ông khách cho mày đó, uống đi.

Thằng em cầm ly nước ngọt, dưới cặp mắt ngạc nhiên của ba người, lại đưa ly cho cho đứa bé gái nhỏ nhất:

- Anh Ba cho em đó, em uống đi.

Đứa bé nhỏ nhất hớn hở đỡ lấy ly nước ngọt, mắt sáng ngời lên, đã tính uống, nhưng nghĩ sao lại đặt xuống, nhăn mặt nói:

- Thôi, em không uống đâu, em để dành cho má, chờ má về...

Minh thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Loan liền ngồi xuống bên cạnh đứa bé gái, đưa ly xá xị của mình cho nó, nước mắt nàng chảy dài:

- Vậy thì con uống ly này đi. Dì là bạn của má con, má con bảo dì đưa con ly nước này. Uống đi con...

Minh thấy mắt mình ươn ướt, đứng lên bỏ ra một góc vắng ngồi đốt thuốc lá. Chàng không muốn khóc trong hoàn cảnh này. Không phải khóc vì đau buồn mà vì hãnh diện. Suốt đời chàng, Minh chưa bao giờ thấy mình được hãnh diện làm người Việt Nam như ngày hôm nay, trong hoàn cảnh đau thương này của đất nước. Bốn đứa trẻ nhà quê ở một thành phố xó núi đã dạy cho chàng một bài học tin yêu mà mãi mãi chàng sẽ không thể nào quên được...

Rồi Minh cũng đưa được hai chị em Loan lên C-130. Nhờ chiếc áo bay, chàng leo lên tàu nấn ná ngồi cạnh Loan mong kéo dài những giây phút ly biệt. Trong một thoáng, chàng muốn ngồi lỳ ở trên này luôn để con tàu đưa chàng về Sài Gòn hoa lệ rồi muốn ra sao thì ra.

Có tiếng quay máy của động cơ. Đã sắp sửa đến giờ chia tay. Loan bịn rịn cầm lấy tay Minh, thân mật như ngày nào nàng đã cầm tay chàng ở Passage Eden :

- Anh ở lại ráng giữ mình.

- Em về bình yên, anh chỉ tiếc chuyến đi của hai chị em đã trở thành vô ích.

- Không vô ích đâu anh. Mới đầu, em cũng tưởng vậy nhưng không ngờ em đã học được nhiều bài học quí giá.

- Em học được gì?

- Nhiều lắm. Chiến tranh, sự nghèo khổ, v.v... Nhưng bài học quan trọng nhất, bài học quý giá nhất mà nếu không xuống đây em không thể nào học được là em biết rằng mọi tai ương, mọi đau khổ đang đè xuống dân tộc mình rồi sẽ qua đi như một ngày xấu trời. Quê hương dân tộc mình rồi sẽ vươn cao lên từ những điêu tàn đau khổ của ngày hôm nay...

- Làm sao em dám quả quyết như vậy?

- Vì người Việt mình ai cũng có một tấm lòng. Tấm lòng như bốn chị em nhỏ nhà kia, và như anh...

Minh cười:

- Như bốn chị em kia, anh đồng ý, còn như anh, anh có tấm lòng gì?

- Người. Tấm lòng người. Ngày nào quê hương còn có những tấm lòng nhân ái, những tấm lòng biết yêu thương nhau như bốn chị em nhà kia, thì những đau khổ của quê hương, của dân tộc mình ngày hôm nay sẽ như một áng mây trôi qua mau.

Minh không biết mình xuống khỏi tàu cách nào và lúc nào, nhưng lúc nhìn lại thì chiếc C-130 đã cất cánh và đang bốc lên cao. Chàng ngước mắt nhìn theo, tưởng tượng chị em Thanh đang ngồi một chỗ nào đó trong thân tàu. Minh cúi xuống ngắt một ngọn cỏ bên đường phi đạo, thẫn thờ bước đi, nghĩ đến lời nói của cô bé lớp 12 trường trung học: "Người Việt mình ai cũng có một tấm lòng, những đau khổ của quê hương, của dân tộc mình ngày hôm nay sẽ như một áng mây trôi qua mau..."

Đúng như lời Loan nói, cuộc tổng tấn công điên cuồng của Bắc quân thất bại hoàn toàn. Quân ta một lần chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của những "con người có tâm hồn". Đặc biệt, nhờ công trạng của cuộc rescue nguy hiểm, Minh được phép thuyên chuyển về Biên Hòa trở lại. Bỏ tấm sự vụ lệnh ngay ngắn vào túi áo, chàng tự nhủ với lòng mình: "Phen này nhất định không đấm đá bừa bãi nữa..."

Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Biên Hùng chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm