(Kính tặng niên trưởng Võ bửu Khai, cựu chỉ huy trưởng Giang Ðoàn 74 Thủy Bộ).
Tôi lặng lẽ xách giỏ nhang đèn bước vào nghĩa trang mà cứ ngỡ là đang về nhà giỗ anh. Vâng, nhà anh đó, giữa hàng ngàn phần mộ hoang tàn lạnh lẽo không một vệt khói và không một thoáng hương trầm. Vâng, nhà của các anh đó, hàng ngàn mộ phần hẩm hiu khép mình dưới bóng tối nhợt nhạt ẩm mốc của những vạt cây và những bụi cỏ hỗn hào, không bàn tay thu vén. Và tên của các anh đó, những mộ chí sứt mẻ, rúm ró, gãy đổ và xiêu lệch như thể đang hờn giận, đang chau mặt buồn tủi trước những đống phân súc vật đã khô hay đang oai. Tôi bàng hoàng và tê tái cả người. Nghĩa trang Biên Hoà, mái nhà của những người anh em thời lửa đạn của tôi sao hoang tàn thê thảm thế này? Chiều mùa thu giữa cái nghĩa trang mênh mông như chùng lại, lặng ngắt, khiến tôi càng xót hơn, đau hơn, hầu như đã đi đến chỗ tận cùng của sự đau xót.
Vất vả lắm tôi mới tìm được mộ phần của anh, “ông thầy,” cấp chỉ huy mà cũng là người anh lớn tuyệt vời đầy tự hào của tôi thuở nào. Và cũng phải tốn nhiều thì giờ lắm tôi, cùng với mấy chú bé chăn trâu, mới có thể dọn dẹp cho nơi an nghỉ của anh tươm tất lành lặn hơn một chút và đến lúc này tôi mới có thể thảnh thơi đứng bùi ngùi trước di ảnh của anh, tấm di ảnh với hàng chữ rắn rỏi và kiêu hãnh như chính con người anh thuở nào:
Cố Hải Quân Trung Tá Nguyễn Ðức Thanh Phong
Sinh ngày 20 tháng 7 năm 1943
Anh dũng hy sinh ngày 28 tháng 11 năm 1971
Hưởng dương 28 tuổi.
Tôi quỳ xuống, lặng lẽ khóc trước di ảnh đã mờ. Anh, với ánh mắt u buồn ngày nào, đang nhìn vào đứa em qua làn khói đượm hương trầm tỏa lên từ hương hoa lễ vật bày biện trước mặt. Anh, đứa em xưa, “ông trung úy sữa, quan hai tàu thủy” của anh ngày xưa đã trở về. Và nó đã trở về với nén nhang thật muộn. Tôi, gã sĩ quan mới lớ ngớ ra trường ngày nào đã dạn dày dần, đã bạo gan dần từ những hớp rượu chỉ giáo của chính bàn tay anh, như một “ông thầy,” để rồi có lúc gan góc cạn ly trước cả ông thầy. Tôi, gã sĩ quan còn bỡ ngỡ của ngày đầu quân ngũ đã được anh chỉ vẽ phong cách hảo hớn trước những thuộc cấp. Từ cái lớn đến nhỏ tôi đều học ở anh. Tôi học ở anh tấm lòng yêu nước nồng nàn và học ở anh cả sự gắn bó của người lính với quân đội. Tôi học ở anh cách hành xử của một nhà chỉ huy cao cả và học ở anh cả những nhân cách của một con người tử tế. Thế mà, giữa những ngày Sài Gòn hấp hối, tôi đã vội vàng từ biệt mà chẳng có một nén nhang hay một lời từ tạ: hồi đó tôi hối hả bỏ chạy như một kẻ vô ơn để hôm nay, sau ba mươi năm chẵn, mới ân hận quay về. Tôi cúi mình trước di ảnh của anh, ba lạy tiếc thương và ba lạy ngậm ngùi thương nhớ đã đủ để tha thứ đứa em chưa anh?
Anh, suốt ba mươi năm phiêu bạt đã qua, chúng tôi đã mải mê vật lộn với cuộc sống hiện tại nên quá khứ chỉ chờn vờn ẩn hiện như những hoài niệm mơ hồ. Thì nó vẫn còn đó, vẫn hiện diện trong mỗi người, nhưng chỉ hiện diện như những bóng ma ngủ yên để bây giờ, khi lặng lẽ trở về giữa chặng cuối của cuộc đời thì mới bẽ bàng nhận ra rằng màu lá xanh xưa đã úa vàng và nhựa sống ngày nào đã khô quánh lại mất rồi. Có phải đã qua rồi cái mùa xuân đâm chồi xanh biếc cho đời sống nên lòng người cứ là phôi pha, cứ là lạnh đi dòng máu nóng? Ba mươi năm nay chúng tôi chẳng làm được gì cho anh mà cũng chẳng làm được gì cho ai, chúng tôi đã phí phạm ba mươi năm cúi mặt đớn đau hèn mọn. Có phải chúng tôi đã trở thành những cái giá để mắc áo và những cái túi để đựng cơm? Chúng tôi chỉ lo nhặt nhạnh vun vén chuyện áo cơm hay chút hư danh ích kỷ. Chúng tôi, nói như ông Karl Marx, có khác gì loài thú đã quay lưng với đồng loại, chỉ để chăm chút o bế bộ lông của riêng mình?
Anh, tài hoa thì bạc mệnh nhưng với anh thì cái sự “bạc mệnh” ấy cứ là ngun ngút tận cùng. Anh cô đơn đến tận cùng trong đời sống và tuyệt vọng đến là triền miên trong tình yêu. Ðứa em vẫn hãnh diện nhắc về anh như ngày nào. Ðứa em hãnh diện nhắc về người anh lừng lẫy như trang hảo hán và tài hoa như một nghệ sĩ, hãnh diện nhắc về người anh với bản lĩnh của một võ sư từng trải và uy thế tuyệt vời của cấp chỉ huy dạn dày khói lửa. Anh, suốt những năm tháng tuổi thơ, đã lớn lên với những hộp sữa từ thiện và những bàn tay tuy cũng không thiếu phần nhân ái nhưng làm sao có dịu ấm như bàn tay mẹ.Tuổi thơ là Cô Nhi Viện, là nơi anh thiếu bầu sữa và thiếu vòng tay mẹ, thiếu lời ru ầu ơ man mác ca dao, thiếu ví dầu hát ru tình tự và, bao trùm lên tất cả, anh thiếu một lòng mẹ dạt dào lai láng và rộng như biển Thái Bình.
Có lẽ chính vì thế mà, hồi ấy, chỉ là đứa bé tám tuổi lầm lì, anh đã ráo hoảnh đôi mắt ôm bọc áo quần để thẳng người, không một chút rụt rè, theo chân người giám hộ bước vào cổng trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Từ đó, anh đã lớn lên theo những tiếng còi và những hiệu lệnh vô cảm của quân trường. Từ đó, anh đã biết mím chặt môi để gìm chặt những giọt nước mắt chuẩn bị ứa ra những lúc mũi lòng cảm nhận thân phận đơn độc của mình. Và cũng từ đó anh đã ăn ngủ học hành theo kỷ luật thép của quân đội, đã răm rắp tuân lệnh như máy, dưới sự dẫn dắt khắt khe của những hạ sĩ quan huấn luyện vô cùng khó tính.
Anh, cái thằng oắt con đã ưởn ngực đứng ngoài hàng quân để nhìn trái liếc phải, chỉnh đốn đội ngũ, để quắc mắt ban lệnh và để ung dung tự tin đếm nhịp dẫn đầu trung đội tí hon của mình diễn hành sao cho thật nhịp nhàng và vô cùng ngoạn mục. Và anh, cũng chính trong cái thuở trui rèn từ lò luyện thép ấy, nhiều khi cũng trở về với con người có sự cảm nhận của linh hồn, cả băn khoăn nguồn cội, trở về với đứa bé bình thường đang thèm khát một lòng mẹ rộng như trời biển. Anh từng tủi thân, từng len lén quẹt vội dòng nước mắt giữa những ngày bạn bè hớn hở chào đón người đến thăm.
Có những đêm, anh nấp trong bóng tối khóc thầm để nghĩ về Mẹ, người mình chưa bao giờ biết mặt. Có những đêm, anh bàng hoàng tỉnh dậy sau cơn mộng mị chiêm bao với những trăn trở cội nguồn. Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội… và chính những bất hạnh nguồn cội từ tấm bé ấy đã trui rèn ở anh tinh thần chịu đựng và sự chăm chỉ , đã thúc đẩy anh trở thành một thiếu sinh quân xuất sắc một cách toàn diện, từ văn hóa, quân sự, thể thao cho đến cả nghệ thuật. Bởi thế, khi chọn Hải quân để thỏa cái chí hải hồ, anh đã thoải mái từ giã trường mẹ, Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, như một sĩ quan thủ khoa.
Tôi kính trọng anh ở hình ảnh vị chỉ huy khả kính và tôi gần gũi với anh, thương anh ở những khoảng khắc nghệ sĩ rất người. Có những đêm, lúc đơn vị cấm quân, anh ngồi cúi đầu trong cư xá sĩ quan độc thân với cây đàn guitar trên tay mà nghêu ngao những khúc tình ca. “Nếu có điều gì vĩnh cửu được, thì em ơi đó là tình yêu chúng ta.” tôi thừa biết, những lúc xôn xao thả hồn bay bổng như thế, anh cô đơn lắm. Mà tôi thì, chỉ là thuộc cấp thôi, làm sao dám qua mặt để nỉ non chia xẻ cùng đàn anh dù là mình thương anh đến vô hạn? Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa.
Có những đêm, khi cùng anh đốt thuốc, nhìn làn khói “xanh dòng” hay nhâm nhi đến khuya lắc khuya lơ, tôi biết anh, như là Quang Dũng, thấp thoáng nhìn ra bóng hình ai trong đáy cốc, bóng hình của “đôi mắt tiểu thư,” đôi mắt mà, có lần, trong cơn say, anh đã buộc miệng thố lộ cùng tôi. Anh kể mà mắt anh mơ màng, thỉnh thoảng lại ngời lên những tia hân hoan, nét hân hoan ngời sáng của một người đang yêu say đắm chứ không phải ánh thép cứng rắn của người chiến binh từng trải chiến trường.
“Cậu biết không, đang gật gù bên đống vỏ chai lộn xộn trong một quán ăn ở Sài Gòn thì, trong một sát na ngắn ngủi, mình ngước mắt lên và chạm ngay vào đôi mắt tiểu thư.”
Anh kể: Cô bé mới bước vào, cô bé ngoan ngoãn đi cùng mẹ cha. Và anh say sưa: “Muốn biết thế nào là mắt tiểu thư thì phải hình dung ra được đôi mắt của Ðức Mẹ Ðồng Trinh hay đôi mắt của Phật Bà Quan Âm, rồi cộng thêm nét ngơ ngác của trẻ thơ, cộng thêm sự hiền dịu của thiên thần, sự thông minh trong sáng pha chút hồn nhiên bối rối và lạc lõng…” Nghe anh say sưa như thế tôi đã biết anh “say sóng” đến cỡ nào. Nhưng anh là người lính hải quân, anh không say sóng mà anh chỉ bị… quật ngã. Sự giao cảm của tình yêu mãnh liệt thật, nó đốn ngã người thanh niên ngang tàng, từng gan lì quật ngã những tay giang hồ liều mạng và những đoàn quân cuồng tín. Nó đốn ngã nhưng lại làm trái tim lạnh giá, lạnh lẽo từ đời sống vô cảm từ Cô Nhi Viện của anh ấm và mềm lại.
Anh tỉnh rượu ngay tức khắc. Anh xấu hổ vì đã say rượu. Anh xấu hổ với đôi mắt đỏ ngầu gân máu của mình, cái đôi mắt pha chút hung dữ kiêu binh lẫn mặc cảm thua thiệt của kẻ oán hận cuộc đời ấy đã khiến cô bé tiểu thư khiếp đảm ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Người ơi gặp gỡ làm chi… Chỉ một lần gặp với trái tim ứa máu như thế để rồi mãi mãi ôm ghì nỗi đau, cái đau của tình tuyệt vọng.
Anh bây giờ đã thành một gã si tình dại khờ như bất cứ gã si tình nào. Anh khổ công rình rập từng bước chân chỉ để lần dò ra địa chỉ và anh ngượng ngùng run tay trao lá thư tình đầu đời. Cái cô bé con nhà gia thế, đi học có tài xế đón đưa và ngây thơ như màu áo học trò đã không hiểu được lòng anh, đã sợ hãi khước từ gã lính trận dày dạn phong sương. Cô chau mày tránh mặt. Cô ngúng nguẩy từ chối lá thư tình để anh, run run trao thư rồi lại run run lấy thư về. Em không nhận là tình anh đã mất. Tình mất đi có lấy lại bao giờ.. nhưng với anh thì tình ấy vẫn nguyên vẹn, ánh mắt ấy vẫn còn đó nguyên vẹn, cơ hồ đã hoá thạch trong tim.
Nên, mỗi lần về phép, là mỗi lần anh lủi thủi trước cổng trường nhìn trộm. Nên, cứ giữa hai cuộc hành quân chạm mặt tử thần, là những lần anh bồi hồi lang thang trên con đường rợp bóng cây đã che mát và đã từng lưu dấu chân nàng. Cứ vậy, anh yêu một mình. Cứ như vậy, anh hồi hộp tưởng tượng đợi chờ, chồng chất những nhớ nhung và quằn quại với những niềm đau. Anh còn, mượn ý Mai Thảo, bảo tôi: khi nỗi khổ đã gắn bó với mình quá lâu thì nó sẽ thành ra thân thiết. Anh thân thiết với vẻ lạnh lùng xa cách của cô bé thật. Trước cánh cổng trường ấy và dọc theo con đường ấy, anh vẫn thấy ánh mắt của nàng. Ánh mắt ấy, thậm chí, còn theo anh như một cánh sao Bắc đẩu giữa trời nước bao la. Ánh mắt ấy, đã trở thành lá bùa hộ mệnh trong những ngày dài vất vả hành quân, vẫn sáng ngời trong hồn anh giữa những đêm hải hành hay sau những đêm chạm mặt tử thần trên sông nước miền tây.
Anh! Ðứa em của anh vẫn nhớ, cứ như là ngày hôm qua, cái lần anh em mình quần nhau với Tiểu đoàn U Minh ở Sông Ông Ðốc. Ðêm ấy trời mưa mịt mù, mưa như giăng lưới, như phủ bụi và anh em mình chỉ có thể nhìn nhau qua những đốm lửa hỏa châu. Hồi ấy anh em mình phải chận cái đơn vị chủ lực được xem là niềm tự hào của tỉnh đội Cà Mau, đơn vị “tiên tiến” của Quân Khu, vốn đã bị hai tiểu đoàn thiện chiến của Sư Ðoàn 21 thay phiên quần cho tơi tả. Giặc định vượt sông Cái để bắt tay Tiểu Ðoàn 962 Ðầm Dơi lập nên phòng tuyến mới nhưng không hề gì: anh đã thấy trước, anh đã cho bố trí trước hàng chục giang đỉnh trên suốt thủy trình chúng sẽ chuyển quân.
Hôm đó trời mưa như giăng lưới màu. Chiến thuyền của anh em mình cũng rải đều như giăng lưới. Những chiến sĩ Hải Quân thuộc Lực Lượng Thuỷ Bộ đã sẵn sàng. Những nòng lửa 30 ly, 50 ly, Bofo 40 ly, MK19, và cả đại bác 81 ly trên những chiến đỉnh Alfa và Tango cũng đã sẵn sàng. Anh, Hải quân Thiếu Tá Nguyễn Ðức Thanh Phong –một sĩ quan chỉ huy trẻ tuổi và ưu tú, tài hoa và hảo hán, đệ tứ đẳng huyền đai thái cực đạo, hiệp khí đạo, một vũ sư lả lướt ở những vũ trường Tây Ðô– đăm chiêu đi đi lại lại trên trợ-chiến đỉnh chỉ huy.
Anh nhíu mày suy nghĩ và anh bặm môi ước tính tình hình chiến trường. Thằng em của anh và Trung Úy Tuấn nhận nhiệm vụ ở phân đoàn Tango, nhận lãnh trọng trách yễm trợ và bảo vệ mặt sau của giang đoàn nếu bị tập kích bất thần. Anh, mặt đanh lại như thép lạnh , thỉnh thoảng lại chớp lên ánh thép trong đôi mắt khi trao đổi kế hoạch điều quân cùng hai tiểu đoàn trưởng bộ binh. Anh vẫn giữ thói quen gõ ống liên hợp liền tay và thỉnh thoảng lại gằn giọng với những hạ sĩ quan thuyền trưởng. Hạ Sĩ Hùng cận vệ lấm lét nhìn anh, không dám che tay hút thuốc lá như đã có lần lầm lỡ để bị trừng phạt đích đáng vì suýt làm lộ mục tiêu trong cuộc đổ quân ban đêm. Cả ban tham mưu cũng đều “rét” trước cơn nóng giận sấm sét của Ðại Bàng, nếu tiêu lệnh hành quân không được thực hiện nghiêm túc.
Rồi phút giây chờ đợi đã đến. Ðối phương, vốn đã rối loạn hàng ngũ trước sức ép vũ bão của những tay súng lừng danh của Sư Ðoàn 21, bỏ giao thông hào tràn về mặt sông tìm đường tháo chạy. Thế là, lệnh anh ban ra. Và, thế là, đêm Việt Nam rùng rùng chuyển động và đêm Việt Nam chớp nhoáng chuyển màu. Ðêm Việt Nam sáng rực trời đêm với những trái hỏa châu lơ lửng màu chết chóc. Ðêm Việt Nam cuồng nộ với tử khí của sự hờn căm. Ðêm Việt Nam nghe tiếng thượng liên Trung Cộng, tiếng tiểu liên Tiệp Khắc, tiếng súng trường bá đỏ Nga Sô, rồi những âm thanh ì oàng của B-40, B-41 Liên Xô hay phóng lựu M-79 Hoa Kỳ.
Ðạn thù của những anh em xé rách trời đêm. Những dàn hoả tiễn từ những tốp trực thăng tấn kích và những phi đội A-37 làm bầu trời rách nát ấy hoang tàn với những mảng lửa huỷ diệt từ những dàn hoả tiễn hung dữ hầm ừ. Súng lớn súng nhỏ của hai tiểu đoàn bộ binh và cả một giang đoàn hùng hậu thi nhau đối đáp để nghiền nát tiểu đoàn U minh, xé nát ra từng mảnh vụn thảm thương. Thịt da Việt Nam bầy nhầy và máu Việt Nam loang đỏ lòng sông. Những xác người vắt vẻo trên bờ kinh, những đôi mắt trợn trừng xuôi tay lấm lem sình bùn và những thây người dật dờ trôi theo con nước đêm u buồn. Tiểu Ðoàn U minh bị xóa sổ hoàn toàn, trừ một số ít thương binh may mắn được Hải Quân bắt sống. Ðêm chiến tranh làm se sắt trái tim Việt Nam và đêm chiến tranh sao mà buồn não ruột!
Nhưng rồi chiến thắng giòn giã ấy bị tước mất cái trọn vẹn khi một viên AK-47 nghiệt ngã chui sâu vào ngực anh. Tôi bàng hoàng nghe tiếng Hạ sĩ Hùng hớt hãi trên tần số nội bộ: “Trình Tango, trình Tango. Ðại Bàng vừa gãy cánh. Ðài bàng vừa gãy cánh. Nghe rõ trả lời.” Tay chân tôi rụng rời. Mắt tôi lóe lên nỗi oán thù chất ngất. Còn lồng ngực tôi như nghẹn lại và trái tim tôi như có bàn tay vô hình nào bóp mạnh. Mặt đất dưới chân tôi như mới vừa nổ tung và tôi muốn quỵ xuống sàn tàu trong phút giây tột cùng chất ngất đớn đau. Tôi muốn gào lên thật to. Tôi muốn đánh đổi mọi sinh vật trên thế gian để giành giật người anh của chúng tôi trở lại. Nhưng tôi đành bó tay, đành chịu. Tôi bất lực nhìn chiếc trực thăng tản thương mang theo thân xác người anh lớn mất hút trong trời đêm với nỗi nghẹn ngào thương tiếc. Tôi bốc máy gọi về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ và ai cũng hụt hẫng, ai cũng bàng hoàng tái tê. Cả giang đoàn lặng người như nghẹt thở. Thế là hết. Chúng tôi đã mất một người anh tài hoa lỗi lạc của Hải Quân, một sĩ quan chỉ huy khả kính. Tôi đứng nghiêm chào kính, tôi đứng nghiêm mặc niệm và tôi đứng yên mặc nước mắt tuôn rơi. Thôi nhé anh, xin vĩnh biệt Người!
Từ giã anh em, quê hương bỏ lại.
Chân theo biển gọi, đón gió về đêm.
Từ giã em đi, hương bay bỏ lại.
Nương theo mạn thuyền, đến bến bình yên.
Bỏ lại mù sa, nhớ con nước về.
Thân xác bội thề, nội cỏ nằm yên.
Từ giã anh em, cây rưng về cội.
Ươm mưa hạt huyền, ngõ trúc tìm em…
Ngày tang lễ tôi bay về Saigon hiên ngang gõ cửa ra mắt thân sinh của “đôi mắt tiểu thư” để kể lể sự tình. Bùi ngùi trao lại những phong thư chưa bao giờ được gởi như một di vật, tôi khẩn khoản bày tỏ ước nguyện được phép đưa chị đến tiễn đưa anh lần cuối. Và chị, người thiếu nữ với mái tóc ngăn ngắn và vóc hình thanh nhã trong chiếc áo dài đen tang tóc tại nghĩa trang Biên Hòa hôm đó cũng đã ứa lệ. Chị khóc như thể đang bùi ngùi cảm động mà cũng đang ngẩn ngơ nuối tiếc… Chao ơi! Cái đôi mắt đã hoá thạch lại trong tâm hồn anh như một vết thương, thế mà nay cũng nhỏ lệ khóc anh. Tôi thầm cảm ơn những giọt lệ đau đớn của chị và cứ thầm ước mong là anh, lạnh lẽo cô đơn dưới huyệt sâu, đã ấm lên với những giọt nước mắt nóng ấy để có thể thanh thản ra đi.
Chiều nghĩa trang buồn thê buồn thiết. Tại những ngọn thu lãng đãng trời mây như một nỗi buồn không thể giải thích hay tại những hoài niệm tiếc thương ăm ắp trong lòng? Chiều nghĩa trang, sau ba mươi năm trở lại, nghĩ còn buồn hơn. Ðốt cho anh tuần hương thứ hai, tôi rưới xuống phần đất ôm ấp hình hài anh những giọt rượu nồng, nồng như tình bạn và tình chiến hữu của một thời đã qua. Tôi ngửa cổ cạn nốt những giọt rượu còn lại, như chính những ngày nào anh và tôi “cưa đôi” vị đắng trần gian. Tôi thẫn thờ rời nghĩa trang và, tự dưng, muốn nhắn gởi một điều: Nếu có cơ duyên đọc được những giòng chữ tiếc thương nầy, xin chị, người đã đi qua đời anh với ánh mắt hoá thạch trong tâm hồn chai cứng của anh, hãy cùng tôi thắp lên một nén nhang muộn, cầu cho linh hồn người quá cố yên nghỉ trong siêu thoát và bình yên.
Và tôi, cũng xin chúng ta hãy cùng bỏ ra một phút im lặng để nghỉ đến những mất mát của chiến tranh và dâng lời cảm tạ với những người đã chết cho chúng ta được sống.
Nguyễn Văn T.
Sydney, Tháng 4/2005
http://hung-viet.org/blog1/2010/08/12/tren-d%E1%BB%89nh-nh%E1%BB%9B/