Bà bắp luộc cắp rổ đi ngang, tôi gọi mua một chục cái bắp nóng hổi. Ngô nhạt nhẽo, miệng mồm tôi cũng nhạt nhẽo, không cảm thấy thèm quà vặt. Những chiếc bắp dư thừa nằm lăn lóc trên bàn không ai ngó ngàng tới, ruồi bậu vo ve. Không khí im sững lại. Tôi nghe tiếng thở của mình nặng nề giữa buổi trưa nóng nực. Bố mẹ lại thì thào, bàn tính chuyện gì không muốn cho bọn trẻ nghe. Tôi tò mò, không biết bố mẹ đang có chuyện gì quan trọng. Vẻ mặt mẹ rầu rầu đăm chiêu, tôi hồi hộp nhưng không dám hỏi. Ðến chiều, bà chị ở Bến Ðình đạp xe vào, rón rén nhìn trước nhìn sau. Mẹ và chị kéo nhau ra góc thì thầm. Chị Thuận nói nhỏ, “gia đình con thu xếp xong rồi, nhà có 5 người, tiền thì mua vàng hết, chỉ có cái TV và xe Honda thì để lại, giấu trong góc vườn, nếu không đi lọt trở lại…” Tôi bàng hoàng, tay nổi gai, rờn rợn khắp người. Cái lo bỗng ập đến, tôi hoang mang vô cùng. Ðiều ghê gớm là gia đình tôi đang tính đi xa, nhưng mà đi đâu?
Có điều gì trong tôi đang giằng co, bứt rứt mà không thể nói với ai được. Tôi vẫn giữ trong bụng nhiều điều, Biếc vẫn bảo tôi bày đặt kín đáo, khó tính như bà cụ non. Cả tháng nay tin thời sự nóng bỏng. Tối nào ăn cơm xong tôi cũng phải đọc báo cho bố nghe khan cả cổ. Tôi đọc như con vẹt, toàn những từ ngữ dao to búa lớn, những địa danh khói lửa. Nội dung là trận chiến đang thảm khốc, tới hồi quyết liệt. Báo đăng toàn tin xấu: Huế, Ðà Nẵng thất thủ, Khe Sanh, Pleiku tơi bời. Bên ta, bên địch người chết như rạ. Lính bỏ áo giáp, súng ống chạy có cờ. Mỹ thì đã bỏ chạy từ kiếp nào. Chữ “Time” tôi đọc là “Ti-me” mặc Biếc che miệng cười. Tham-mờ, nhỏ này quê quá, là tờ Thời Báo của Mỹ đó. Kệ tui, tui đọc bố hiểu là được rồi… Bố mua gần hết nhật trình ở sạp. Ðối với tôi những tin gì liên quan tới chiến tranh, Việt cộng, Giải phóng nằm vùng, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh, Mỹ Mẽo… đều chán phèo, tôi đọc như một cái máy, đọc vì được bố trả công, vì cặp kính lão của bố bị gãy càng. Ðọc mà không biết mình đọc gì, đầu rỗng toang.
Mệt và chán nản, không ai thèm quan tâm tới ai. Chúng tôi nằm chồng chất lên nhau, thiêm thiếp trong mỗi tâm trạng riêng. Có tiếng đọc kinh tối của một gia đình ngoan đạo nào trong hầm tàu, tiếng kinh líu ríu quyện với tiếng sóng vỗ đều đặn. Tôi cố làm quen với những đợt sóng ngả nghiêng, chòng chành, tôi dựa đầu lên lưng mẹ. Có khói lên từ phía cuối ghe, mùi cơm sôi thơm ngào ngạt. Chắc gia đình chủ tàu nấu cơm cho nhau ăn. Ba ngày nay, gia đình tôi chỉ ăn cơm nắm mẹ bới mỗi đứa một bịch. Ăn cơm nắm với ruốc, vừa mặn vừa khô thật khó nuốt. Bỗng có tiếng nổ ầm ở mé trái, ngọn nước bắn cao tung toé.Người nhốn nháo, kêu rú thất thanh. Việt cộng pháo kích, bắn từ trong đất liền ra? Rồi tiếng súng đì đạch phát ra từ những tàu ghe đậu cạnh. Chung quanh tàu ghe đã đậu sẵn từ bao giờ, cả hàng ngàn chiếc ghe đánh cá đầy nhóc người. Tôi run bần bật, níu lấy áo mẹ, sợ như chưa bao giờ sợ. Chưa bao giờ nghe tiếng súng, tiếng nổ to và sát bên tai thế này.Giữa trưa, nắng lên nóng gắt. Tiếng radio của ông chủ ghe mở lớn, át tiếng xì xào nói chuyện, bàn tán, cãi nhau. Ông Biên quát mọi người im lặng để ông nghe đài. Dương Văn Minh đã đầu hàng. Thôi, thế là hết rồi. Người ta nhao nhao hét nhổ neo mà chạy thôi. Ðám đàn bà con nít sợ hãi, ré khóc um sùm. Mặc ai nấy khóc, nói, quát nạt, chạy tới chạy lui, bứt đầu bứt tóc. Tàu nào chung quanh cũng có cảnh tương tự. Một chiếc ghe lớn đi ngang tông cái rầm vào sườn tàu. Tàu chao nghiêng, tiếng rú thất thanh. Ối lạy Chúa, Nam mô a di… Ông Biên hét gã tài công nổ máy, chạy gấp. Ðã có lệnh ra khơi. Ðoàn tàu nhổ neo túa ra biển như những chiếc lá tre, trực chỉ phía hải phận quốc tế. Tai tôi lùng bùng giữa nhiều thứ âm thanh hỗn tạp, tiếng hét, tiếng khóc, tiếng đọc kinh, tiếng súng nổ, tiếng pháo kích, tiếng máy tàu, tiếng trực thăng quạt trên đầu… Có tiếng bàn tán của những người nhanh miệng trước thời cuộc. Việt cộng đã vào Dinh Độc Lập. Có người ôm mặt khóc. Làn sóng đài thủ đô đang vỗ tay đánh nhịp: Rừng núi dang tay nối lại biển xa… Bố đập mạnh tay vào thành tàu: “Khốn nạn!” Không ai còn lòng dạ nào lắng nghe những lời hát, lời nhạc, diễn từ phát ra từ cái radio ấy. Vài thanh niên đứng lên ngồi xuống, nhấp nhổm trông ngóng ra hướng biển xa. Chúng tôi quay nhìn lại trong bờ, đất liền xa dần, ngọn núi Bãi sau chỉ còn là một chấm li ti ở đường chân trời, thu nhỏ rồi mất hút. Giã từ đất liền, giã từ Việt Nam. Phạm Chi Lan
Viết cho tháng 4 đã 30 năm.
Texas, 21 tháng 2-2005
*Phạm Chi Lan – Sinh năm 1962 cùng gia đình rời Sài Gòn ngày 27 tháng 4-1975, Phạm Chi Lan là chuyên viên điện toán của Liên Bang tại Texas cho đến khi bị bạo bệnh qua đời ngày 21 tháng 9 năm 2009 tại Dallas. Cô chuyên về thể tùy bút, ký, với lối văn nhẹ nhàng đằm thắm.