Dự kiến con số thủy thủ nhiễm bệnh có thể lên đến “hàng chục” người, theo lời một quan chức hải quân nói với CNN.
Chuyến cập cảng gần đây nhất của USS Theodore Roosevelt là ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hai tuần trước khi hải quân Mỹ thông báo về 3 ca xác nhận nhiễm virus đầu tiên trên hàng không mẫu hạm này.
Bất chấp những nghi ngờ về mối liên hệ giữa sự kiện các thủy thủ nhiễm virus và chuyến thăm Việt Nam, Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy các hoạt động hải quân Mỹ, nói rằng có rất nhiều máy bay bay đến và bay đi từ tàu Roosevelt, nên việc xác định nhiễm virus từ đâu là “rất khó khăn”.
Ông nói thêm rằng vào thời điểm diễn ra chuyến thăm của tàu Roosevelt vào đầu tháng 3, Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm virus ở miền Bắc, nơi cách xa cảng Đà Nẵng hàng trăm cây số.
Hôm 26/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng phía Việt Nam “rất quan tâm” và và “đang tìm hiểu thông tin” liên quan đến vụ việc này.
“Theo tôi được biết, phía Mỹ cũng đã có phát biểu về vấn đề này. Chuyến thăm của đội tàu USS Theodore Roosevelt đến Đà nẵng từ ngày 5 - 9/3 kết thúc tốt đẹp. Các thủy thủ thực hiện các hoạt động giao lưu theo kế hoạch”, báo chí Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.
Con số thủy thủ được xác nhận nhiễm virus corona đã tăng vọt chỉ sau 2 ngày Lầu Năm Góc công bố 3 trường hợp đầu tiên trên tàu Roosevelt.
Mặc dù dự kiến sẽ có “thêm một lượng lớn” các ca nhiễm bệnh sau khi toàn bộ thủy thủ trên tàu được xét nghiệm, nhưng một giới chức hải quân khác nói với CNN rằng “nhiều khả năng” Bộ Quốc phòng sẽ không công bố cụ thể con số thủy thủ nhiễm bệnh trên tàu Roosevelt, vì lo ngại các đối thủ như Trung Quốc, Triều Tiên có thể lợi dụng tình trạng “dễ tổn thương” của con tàu.
Trong một tuyên bố, Đô đốc Mike Gilday nói: “Chúng tôi tin rằng cách đối phó mạnh mẽ của chúng tôi sẽ giúp USS Theodore Roosevelt đương đầu với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong khu vực”.
Trước đó cùng ngày, quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cho biết có thêm “một vài” trường hợp nữa trên tàu, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
“Chúng tôi đang trong quá trình xét nghiệm 100% thủy thủ đoàn của con tàu nhằm đảm bảo không có bất kỳ sự lây lan nào”, CNN dẫn lời ông Modly nói với các nhà báo tại Lầu Năm Góc hôm 26/3.
Quan chức này cho biết thêm rằng tàu Roosevelt đang được đưa vào đảo Guam và “không ai trên tàu được phép đi đâu ra khỏi bến tàu khi tới đảo Guam”.
Tính đến sáng 26/3, đã có 280 ca nhiễm Covid-19 trong quân đội và gần 600 ca nhiễm trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bao gồm lao động nhân sự, người thân và nhân viên hợp đồng. Theo ông Mody, có 133 người trong số này thuộc hải quân.
Hôm 25/3, Lầu Năm Góc xác nhận rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ra lệnh dừng tất cả các hoạt động của quân đội Mỹ ở nước ngoài trong 60 ngày, làm ảnh hưởng đến 90.000 hoạt động trên lịch trình. Tuy nhiên, lệnh này miễn trừ đối với các bệnh nhân như thủy thủ trên tàu Roosevelt và những tàu khác.
USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ hai của Mỹ thực hiện chuyến thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975, trong một chuyến thăm đánh dấu bước tiến tiếp theo của mối quan hệ Việt – Mỹ.