Văn Học & Nghệ Thuật
Thụy Khuê: Lời từ tạ hoạ sĩ Phạm Tăng (Ghi lại từ bài phát biểu ứng khẩu của tác giả trong tang lễ họa sĩ Phạm Tăng)
Bà Phan Thị Hoàng Anh, quả phụ của họa sĩ Phạm Tăng
tại tang lễ của chồng.
Anh Phạm Tăng,
Trong gần một thế kỷ, ngoài gia đình anh đã sống với hội họa, thi ca và cô đơn.
Sự cô đơn ở anh, cũng là yếu tố xây dựng và xác định nghệ thuật của anh, mang ba lớp áo: Nỗi cô đơn của người nghệ sĩ mà Nguyễn Tuân gọi là «pháp trường trắng», là nỗi cô đơn của nhà văn trước trang giấy trắng mà chữ không đến, của họa sĩ, trước giá vẽ, nhưng đường nét mầu sắc không hiển hiện. Đó là sự cô đơn siêu hình của bất lực, mà nghệ sĩ nào cũng trải qua. Lớp cô đơn thứ nhì, ở anh, là sự cô đơn của người lưu vong trên đất khách, không tìm thấy ở đâu một chỗ trọ cho tâm hồn. Và lớp áo thứ ba, là sự cô đơn của con người trước cuộc sống và cái chết: ta, cô đơn khi gia đình đoàn tụ, cô đơn giữa chợ, giữa lễ hội tưng bừng, bởi ta sinh ra một mình và ta chết cũng một mình, không một người thân nào có thể chia sẻ. Ở anh, ở tác phẩm của anh là sự hội tụ của ba niềm cô đơn tuyệt đối đó.
Rồi con đường anh đi, những mốc cuộc đời anh, vô tình hay hữu ý, đều gắn bó với những mốc lịch sử của đất nước.
Năm 1954, đất nước chia đôi. Ở tuổi 30, anh vào Nam để «xây dựng cuộc đời mới», nhưng bi kịch cá nhân đầu tiên đã xẩy đến: Tâm, người yêu, người vợ trẻ bé bỏng, ra đi trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát, anh phải trực diện lần đầu với cái chết, cái chết của người thân yêu nhất, cái chết của tình yêu, cái chết mà anh cho rằng mình có trách nhiệm. Nhưng anh đã gạt bi kịch sang một bên, anh lăn lộn làm báo. Đây là thời kỳ hoạt kê, biếm họa, tranh anh nhạo báng những trịch thượng, những xâm phạm tự do của một chế độ. Anh đã thành danh trong sự nổi loạn của người nghệ sĩ, chống lại tất cả những cấm đoán dù dưới hình thức nào. Những tiếng cười của anh thời đó, thực ra chỉ che nỗi đau bên trong của một niềm tiếc thương, sầu nhớ, hối hận khôn nguôi.
– 1959, ở tuổi 34, anh sang Ý học thêm hội hoạ. Bắt đầu thời kỳ 15 năm mà anh goị là 15 năm lưu lạc của cô Kiều. Qua những năm trau dồi nghệ thuật, anh đã có những bằng cấp của viện Mỹ thuật Ý, anh đã đoạt những giải thưởng cao quý về hội họa; nhưng tất cả mọi nghệ sĩ chân chính đều biết bằng cấp và giải thưởng không bao giờ làm nên một họa sĩ tài năng.
Tất cả phát xuất từ chính người nghệ sĩ, ở anh, ngoài tài năng, là nội lực và suy tư.
Ở trường ốc Ý, anh đã nắm bắt được kỹ năng của nghệ thuật trừu tượng và phương pháp tôi luyện chất liệu. Từ đây, anh như cánh diều, bay bổng trên nền trời nghệ thuật với tất cả hành trang phải có của một nghệ sĩ thực thụ. Anh đã rời nghệ thuật hữu hình mà anh học từ trước, để tiến vào hội họa trừu tượng, vùng đất vô thể, vùng tự do mà anh có thể tung bay ngòi bút, theo tư tưởng, theo cảm xúc của riêng mình. Từ đây, một mình một cõi, anh đã tạo ra thế giới Phạm Tăng và thế giới này là xác thịt và tâm hồn anh. Chính thời gian này (1959-1975) anh sáng tác nhiều nhất, anh đã bôn ba mang tranh đi triển lãm khắp nơi, từ Ý, sang Hoà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, sang cả Brésil, Los Angeles… anh đã đọc được những bài báo của giới chuyên môn khâm phục tài năng anh. Nhưng 15 năm này cũng là quãng đời cô đơn nhất của anh: anh vẽ một mình những bức tranh ngoại khổ, anh chất từng mảng tranh lên xe đem đi triển lãm, một mình, đi ngày đêm trong gió mưa, băng giá của một Âu châu không chú ý đến tài năng của một người da vàng nhược tiểu; và người Việt không rành hội họa, không xem tranh, không tham dự. Người Việt thường chỉ chú ý đến việc anh đoạt giải này giải nọ, họ ca tụng những giải thưởng anh đoạt ở trời Tây như một vinh hạnh, nhưng không thiết tha tìm hiểu nghệ thuật của anh. Đó là niềm đau thứ nhì trong nỗi cô đơn của anh.
– 1975, là ngõ quặt thứ hai của đời anh: Anh chuyển từ đất Ý sang đất Pháp, tất nhiên vì hoàn cảnh riêng tư, nhưng cũng chính từ hoàn cảnh riêng tư này, lại thoát ra sự lựa chọn cuộc sống của con người: Bi kịch đất nước đã dồn bao nhiêu con thuyền di tản dạt ra biển Thái bình, và có lẽ anh muốn chấm dứt quãng đời 15 năm lưu lạc, để tiến đến một quãng đời bình yên hơn, gần gụi đồng bào anh, vừa bỏ nước ra đi; anh chọn đất Pháp. Có lẽ anh tin rằng đất Pháp sẽ là nơi đất lành chim đậu chăng? Nhưng sự thực không diễn ra như thế: dường như anh không ngờ đất Pháp lại nhắc nhở cho anh quá nhiều kỷ niệm đau thương trong quá khứ, thời niên thiếu, anh đã thấy những đán áp đẫm máu của thực dân Pháp trong những vụ càn quét Yên Mô, Ninh Bình, quê hương anh. Quá khứ hiện về, đậm nét. Anh sống hàng ngày những ám ảnh ấy, như một cơn ác mộng, một niềm hoang tưởng. Vậy anh có thể sáng tác được chăng? Sáng tác gì? Cho ai xem? Những câu hỏi khó đáp. Chưa kể còn phải chịu cảnh bon chen của một hoạ sĩ, khi phải «bán mình» cầu cạnh thế giới buôn tranh. Anh đã quyết định đoạn tuyệt, ngừng vẽ, và cũng từ đó, anh không dây dưa với người Pháp, không xin nhập tịch, không nhận trợ cấp y tế và bất cứ trợ cấp nào, anh về ẩn dật: «Xoá từ nay chữ Phạm Tăng; Cái danh vô nghiã làm thằng không tên».
Nhưng không vẽ, không có nghĩa là dứt bỏ nghệ thuật. Anh trở về với thơ. Nói «trở về» bởi vì có lẽ chưa bao giờ anh «dứt» thơ.
Không biết anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ, nhưng rõ ràng là từ khi Tâm mất, anh mới có những câu thơ tuyệt vời, anh đã đục được vào bí mật của cái chết, anh biết rõ âm dương nối kết như thế nào. Anh tìm được đường đi lối về giữa sống và chết. Trong suốt thời kỳ sung mãn của hội họa, anh nuôi sống cảm hứng bằng tình yêu và cái chết, như thể tất cả những gì diễn trong hội họa, phát xuất từ Tâm thơ và tất cả những gì trong thơ phát xuất từ hội họa. Đối với anh thơ và họa không còn biên giới nữa, cũng như cõi tử, sinh, không hai, mà một.
Anh để lại hai kiệt tác hội hoạ : một bức anh đặt tên là Vũ trụ. Anh vẽ càn khôn với hằng hà tinh thể từ vi mô đến vĩ mô. Anh vẽ anh, bởi anh với vũ trụ là một: «Vũ trụ và tôi một bất phân».
Bức tranh thứ nhì anh không đặt tên, mỗi người xem, mỗi lần xem, có thể đặt cho nó một tên: sáng, nó là vũ trụ thiên thần; chiều, nó là vũ trụ mây mưa; trong mơ, nó là vũ trụ hằng nga khỏa thân trên cung Quảng…
Anh Phạm Tăng, hôm nay tiễn anh, em đặt tên nó là Thiên thai.
Chúc anh thuận gió bay về vũ trụ thiên thai mà anh đã sáng tạo và để lại cho đời.
Thụy Khuê
Paris, 18/1/2017
https://nghiathuc.wordpress.com/2017/01/23/thuy-khue-loi-tu-ta-hoa-si-pham-tang-ghi-lai-tu-bai-phat-bieu-ung-khau-cua-tac-gia-trong-tang-le-hoa-si-pham-tang/
Bàn ra tán vào (0)
Thụy Khuê: Lời từ tạ hoạ sĩ Phạm Tăng (Ghi lại từ bài phát biểu ứng khẩu của tác giả trong tang lễ họa sĩ Phạm Tăng)
Bà Phan Thị Hoàng Anh, quả phụ của họa sĩ Phạm Tăng
tại tang lễ của chồng.
Anh Phạm Tăng,
Trong gần một thế kỷ, ngoài gia đình anh đã sống với hội họa, thi ca và cô đơn.
Sự cô đơn ở anh, cũng là yếu tố xây dựng và xác định nghệ thuật của anh, mang ba lớp áo: Nỗi cô đơn của người nghệ sĩ mà Nguyễn Tuân gọi là «pháp trường trắng», là nỗi cô đơn của nhà văn trước trang giấy trắng mà chữ không đến, của họa sĩ, trước giá vẽ, nhưng đường nét mầu sắc không hiển hiện. Đó là sự cô đơn siêu hình của bất lực, mà nghệ sĩ nào cũng trải qua. Lớp cô đơn thứ nhì, ở anh, là sự cô đơn của người lưu vong trên đất khách, không tìm thấy ở đâu một chỗ trọ cho tâm hồn. Và lớp áo thứ ba, là sự cô đơn của con người trước cuộc sống và cái chết: ta, cô đơn khi gia đình đoàn tụ, cô đơn giữa chợ, giữa lễ hội tưng bừng, bởi ta sinh ra một mình và ta chết cũng một mình, không một người thân nào có thể chia sẻ. Ở anh, ở tác phẩm của anh là sự hội tụ của ba niềm cô đơn tuyệt đối đó.
Rồi con đường anh đi, những mốc cuộc đời anh, vô tình hay hữu ý, đều gắn bó với những mốc lịch sử của đất nước.
Năm 1954, đất nước chia đôi. Ở tuổi 30, anh vào Nam để «xây dựng cuộc đời mới», nhưng bi kịch cá nhân đầu tiên đã xẩy đến: Tâm, người yêu, người vợ trẻ bé bỏng, ra đi trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát, anh phải trực diện lần đầu với cái chết, cái chết của người thân yêu nhất, cái chết của tình yêu, cái chết mà anh cho rằng mình có trách nhiệm. Nhưng anh đã gạt bi kịch sang một bên, anh lăn lộn làm báo. Đây là thời kỳ hoạt kê, biếm họa, tranh anh nhạo báng những trịch thượng, những xâm phạm tự do của một chế độ. Anh đã thành danh trong sự nổi loạn của người nghệ sĩ, chống lại tất cả những cấm đoán dù dưới hình thức nào. Những tiếng cười của anh thời đó, thực ra chỉ che nỗi đau bên trong của một niềm tiếc thương, sầu nhớ, hối hận khôn nguôi.
– 1959, ở tuổi 34, anh sang Ý học thêm hội hoạ. Bắt đầu thời kỳ 15 năm mà anh goị là 15 năm lưu lạc của cô Kiều. Qua những năm trau dồi nghệ thuật, anh đã có những bằng cấp của viện Mỹ thuật Ý, anh đã đoạt những giải thưởng cao quý về hội họa; nhưng tất cả mọi nghệ sĩ chân chính đều biết bằng cấp và giải thưởng không bao giờ làm nên một họa sĩ tài năng.
Tất cả phát xuất từ chính người nghệ sĩ, ở anh, ngoài tài năng, là nội lực và suy tư.
Ở trường ốc Ý, anh đã nắm bắt được kỹ năng của nghệ thuật trừu tượng và phương pháp tôi luyện chất liệu. Từ đây, anh như cánh diều, bay bổng trên nền trời nghệ thuật với tất cả hành trang phải có của một nghệ sĩ thực thụ. Anh đã rời nghệ thuật hữu hình mà anh học từ trước, để tiến vào hội họa trừu tượng, vùng đất vô thể, vùng tự do mà anh có thể tung bay ngòi bút, theo tư tưởng, theo cảm xúc của riêng mình. Từ đây, một mình một cõi, anh đã tạo ra thế giới Phạm Tăng và thế giới này là xác thịt và tâm hồn anh. Chính thời gian này (1959-1975) anh sáng tác nhiều nhất, anh đã bôn ba mang tranh đi triển lãm khắp nơi, từ Ý, sang Hoà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, sang cả Brésil, Los Angeles… anh đã đọc được những bài báo của giới chuyên môn khâm phục tài năng anh. Nhưng 15 năm này cũng là quãng đời cô đơn nhất của anh: anh vẽ một mình những bức tranh ngoại khổ, anh chất từng mảng tranh lên xe đem đi triển lãm, một mình, đi ngày đêm trong gió mưa, băng giá của một Âu châu không chú ý đến tài năng của một người da vàng nhược tiểu; và người Việt không rành hội họa, không xem tranh, không tham dự. Người Việt thường chỉ chú ý đến việc anh đoạt giải này giải nọ, họ ca tụng những giải thưởng anh đoạt ở trời Tây như một vinh hạnh, nhưng không thiết tha tìm hiểu nghệ thuật của anh. Đó là niềm đau thứ nhì trong nỗi cô đơn của anh.
– 1975, là ngõ quặt thứ hai của đời anh: Anh chuyển từ đất Ý sang đất Pháp, tất nhiên vì hoàn cảnh riêng tư, nhưng cũng chính từ hoàn cảnh riêng tư này, lại thoát ra sự lựa chọn cuộc sống của con người: Bi kịch đất nước đã dồn bao nhiêu con thuyền di tản dạt ra biển Thái bình, và có lẽ anh muốn chấm dứt quãng đời 15 năm lưu lạc, để tiến đến một quãng đời bình yên hơn, gần gụi đồng bào anh, vừa bỏ nước ra đi; anh chọn đất Pháp. Có lẽ anh tin rằng đất Pháp sẽ là nơi đất lành chim đậu chăng? Nhưng sự thực không diễn ra như thế: dường như anh không ngờ đất Pháp lại nhắc nhở cho anh quá nhiều kỷ niệm đau thương trong quá khứ, thời niên thiếu, anh đã thấy những đán áp đẫm máu của thực dân Pháp trong những vụ càn quét Yên Mô, Ninh Bình, quê hương anh. Quá khứ hiện về, đậm nét. Anh sống hàng ngày những ám ảnh ấy, như một cơn ác mộng, một niềm hoang tưởng. Vậy anh có thể sáng tác được chăng? Sáng tác gì? Cho ai xem? Những câu hỏi khó đáp. Chưa kể còn phải chịu cảnh bon chen của một hoạ sĩ, khi phải «bán mình» cầu cạnh thế giới buôn tranh. Anh đã quyết định đoạn tuyệt, ngừng vẽ, và cũng từ đó, anh không dây dưa với người Pháp, không xin nhập tịch, không nhận trợ cấp y tế và bất cứ trợ cấp nào, anh về ẩn dật: «Xoá từ nay chữ Phạm Tăng; Cái danh vô nghiã làm thằng không tên».
Nhưng không vẽ, không có nghĩa là dứt bỏ nghệ thuật. Anh trở về với thơ. Nói «trở về» bởi vì có lẽ chưa bao giờ anh «dứt» thơ.
Không biết anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ, nhưng rõ ràng là từ khi Tâm mất, anh mới có những câu thơ tuyệt vời, anh đã đục được vào bí mật của cái chết, anh biết rõ âm dương nối kết như thế nào. Anh tìm được đường đi lối về giữa sống và chết. Trong suốt thời kỳ sung mãn của hội họa, anh nuôi sống cảm hứng bằng tình yêu và cái chết, như thể tất cả những gì diễn trong hội họa, phát xuất từ Tâm thơ và tất cả những gì trong thơ phát xuất từ hội họa. Đối với anh thơ và họa không còn biên giới nữa, cũng như cõi tử, sinh, không hai, mà một.
Anh để lại hai kiệt tác hội hoạ : một bức anh đặt tên là Vũ trụ. Anh vẽ càn khôn với hằng hà tinh thể từ vi mô đến vĩ mô. Anh vẽ anh, bởi anh với vũ trụ là một: «Vũ trụ và tôi một bất phân».
Bức tranh thứ nhì anh không đặt tên, mỗi người xem, mỗi lần xem, có thể đặt cho nó một tên: sáng, nó là vũ trụ thiên thần; chiều, nó là vũ trụ mây mưa; trong mơ, nó là vũ trụ hằng nga khỏa thân trên cung Quảng…
Anh Phạm Tăng, hôm nay tiễn anh, em đặt tên nó là Thiên thai.
Chúc anh thuận gió bay về vũ trụ thiên thai mà anh đã sáng tạo và để lại cho đời.
Thụy Khuê
Paris, 18/1/2017
https://nghiathuc.wordpress.com/2017/01/23/thuy-khue-loi-tu-ta-hoa-si-pham-tang-ghi-lai-tu-bai-phat-bieu-ung-khau-cua-tac-gia-trong-tang-le-hoa-si-pham-tang/