Một bài xã luận được đăng trên Forbes với những phân tích về các lý do tại sao nên đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình 2013 cho ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong tương lai gần.
Bài báo chỉ ra rằng, với việc ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư là một bước tiến lớn cho sự phát triển của Trung Quốc. Trong thời gian 3 tháng nắm giữ quyền lực vừa qua, ông Tập đã liên tiếp đưa ra những chính sách cải cách mạnh mẽ trong nội bộ Đảng của mình cũng như những bước tiến trong việc “bảo vệ nhân quyền” và quyền lợi của người dân.
Trích đăng bài báo có đoạn như sau: “Ủy ban giải Nobel Hòa Bình được kêu gọi để đóng vai trò đáng chú ý hơn. Những việc làm nhân đạo gợi ý một giải thưởng cho ông Tập có thể thay đổi cả Trung Quốc và thế giới. Trung Quốc, trên thực tế, quan tâm một cách sâu sắc uy tín quốc tế của mình. Nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ là một trong những phần thưởng mạnh mẽ nhất đối với những người ủng hộ cải cách sâu rộng”.
Tuy nhiên, ngay lập tức, tờ Người Thượng Hải của Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ và có phần gay gắt với những nhận định này của Forbes, cho rằng tác giả bài viết trên là “ngu ngốc” và gọi giải thưởng Nobel Hòa Bình này là một “nỗi xấu hổ”.
Tờ Người Thượng Hải nhận định rằng đề cử giải thưởng cho ông Tập Cận Bình là “vô nghĩa”, khi mà nhà nước và giới truyền thông Trung Quốc đang muốn phá bỏ việc trao giải thưởng một cách quá dễ dàng và từ bỏ suy nghĩ giải thưởng là một điều gì đó quan trọng.
Bài viết trên báo Trung Quốc cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng giải thưởng sẽ khiến cho Trung Quốc thay đổi. Tiếp đó, tác giả đã nhắc đến giải thưởng Nobel Hòa bình 2009 của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cho rằng nó không hề xứng đáng.
Với lời lẽ tiêu cực, tác giả bài viết cho rằng ông Obama đã không xứng đáng với những “kỳ vọng” mà giải Nobel Hòa bình 2009 đã đặt ra cho ông. Tác giả gọi Tổng thống Mỹ là “quân phiệt và hiếu chiến như người tiền nhiệm” là Tổng thống George W. Bush.
Kết luận bài viết, Tờ Người Thượng Hải đã đưa ra nhận định “Trao giải thưởng cho Tập Cận Bình sẽ còn đáng xấu hổ hơn cả việc trao nó cho Obama”.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc “xem thường” giải thưởng này. Năm 2010, giải Nobel Hòa bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu bị bắt năm 2009 vì bị nghi có dính líu tới việc “xúi giục chống phá nhà nước” và bị kết án 11 năm tù. Chính quyền Trung Quốc đã ngăn cản việc trao giải thưởng và cho rằng trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu sẽ mang tới một thông điệp sai trái.