Bệnh dịch Covid-19 đưa kinh tế Mỹ đi về hai ngả. Số người thất nghiệp, mất nhà ở, thiếu ăn, đã tăng lên mức kỷ lục. Trong khi đó, thị trường chứng khoán lên cao kỷ lục.
Hơn 22 triệu người mất việc vì Covid trong năm 2020 sẽ khó được làm việc trở lại khi kinh tế phục hồi vào cuối năm 2021, theo dự kiến của công ty nghiên cứu thị trường Moody. Phần lớn những người mất việc đều thuộc loại lãnh lương thấp, từ người làm trong tiệm ăn cho tới người quét dọn các cơ sở, văn phòng. Trong số người làm việc lãnh lương cao chỉ có 3.4% mất việc, lương trung bình mất việc 5.5%, còn những người lãnh lương thấp nhất bị mất việc đến 10.4%. Theo thống kê của Bộ Lao Động, 30 phần trăm tổng số người đi làm là những người lãnh lương thấp. Nhưng từ tháng Hai đến tháng 11, họ chiếm 53% trong số những người thất nghiệp.
Theo cuộc nghiên cứu “Household Pulse Survey,” trong thời gian 25 tháng 11 đến ngày 7 tháng 12, 2020, có 27 triệu người cho biết họ không đủ ăn trong tuần lễ trước, đó là 13% số người lớn ở Mỹ. Khoảng một phần năm số người thuê nhà để ở cho biết không thể trả tiền thuê, 14.3 triệu người.
Hậu quả của Covid-19 là người nghèo càng nghèo hơn. Nhưng người giàu lại càng giàu hơn nhờ thị trường chứng khoán tăng tới mức kỷ lục. Ngày 23 tháng Ba, 2020, thị trường New York đã tụt mất 34% so với đầu năm vì Covid làm cho kinh tế ngưng trệ, nhưng từ đó tới cuối năm đã tăng thêm 68%!
Vào cuối năm, trong một tuần có thêm 800,000 người mất việc; và 3,000 người chết vì Covid trong một ngày – nhiều bằng số nạn nhân trong vụ 11 tháng 9 năm 2001 – nhưng giá các cổ phiếu tiếp tục leo thang.
Tổng kết năm 2020, trong ba chỉ số của Thị trường Chứng khoán Mỹ, Dow Jones đã tăng 7.25%, S&P 500 tăng 16%, và Nasdaq tăng 43.6%. Mức gia tăng lớn nhỏ khác nhau có lý do. Nasdaq là nơi ghi danh các công ty kỹ thuật cao, chỉ số S&P 500 bao gồm đủ các ngành, còn Dow Jones chỉ tính một số nhỏ 30 công ty, trong đó có những ngành công nghiệp cũ.
Trong số 500 cổ phiếu của Chỉ số S&P 500, ba cổ phiếu lên giá mạnh nhất là Amazon, Apple, và Micorsoft. Một nửa trị giá gia tăng của S&P 500 là do ba đại công ty kỹ thuật này góp phần. Phần lớn các công ty khác trong đó đã đi xuống. Nếu xóa tên 24 công ty lên giá nhiều nhất thì mức lời của 476 cổ phiếu khác trong S&P 500 là số âm.
Kinh tế học cho biết rằng thị trường chứng khoán là một “chỉ số dự báo;” thị trường lên báo trước rằng kinh tế sẽ lên. Trong năm 2020 giới đầu tư có đủ lý do để tin rằng tương lai kinh tế sẽ khá hơn. Sau khi Covid đi qua, Tổng Sản Lượng Nội Địa Mỹ sẽ tăng nhanh, có thể tăng gần 6% trong năm 2021, bình thường năm nào được 2.5% đã là may phước lắm rồi. Sẽ có thêm hai triệu người làm việc, tỷ số thất nghiệp sẽ từ gần 7% tụt xuống 5%.
Những tin mừng liên tiếp cũng đẩy thị trường lên cao hơn. Quốc hội biểu quyết $1.4 ngàn tỷ đô la cấp cứu khi bệnh Covid tấn công, rồi lại thêm một mớ cứu trợ $900 tỷ vào cuối năm. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, Quỹ Dự trữ Liên bang, cam kết không tăng lãi suất trong vòng ba năm. Dân tiêu thụ sẽ có tiền tiêu, các xí nghiệp sẽ vay tiền dễ dàng. Cứ như thế, kinh tế sẽ vững vàng, thị trường chứng khoán phải lên giá.
Hơn nữa, nhờ bệnh dịch mà “năng suất lao động” trong kinh tế Mỹ được cải thiện! Nói một cách giản dị, các xí nghiệp Mỹ đã giảm phí tổn. Làm cách nào họ nâng cao được “năng suất lao động?” Có hai cách: Bớt người làm việc, bớt chi phí lương bổng. Dùng máy móc; dùng computer; thuê người tạm thời theo hợp đồng ngắn hạn, để khỏi trả các thứ phí tổn, thuế, bảo hiểm, vân vân.
Các công ty lớn, kỹ thuật cao vượt lên trong năm qua, các công ty nhỏ có thể chết dần mòn. Những tiệm humburgers góc phố, các tiệm phở, cà phê sống lao đao, nhưng các dãy xe hơi xếp hàng mua McDonald, Dunkin Donut lại dài hơn trước. Tương tự, những người làm việc cho các đại công ty được làm việc ở nhà có thể tăng lương, còn người làm việc cho các xí nghiệp nhỏ bị mất việc trước hết.
Những người lãnh lương cao vì Covid phải ở nhà, không tiêu tiền như trước. Họ để tiền vào đâu? Một nơi hứa hẹn nhất là thị trường chứng khoán. Người ta mua trực tiếp, hoặc góp tiền cho các quỹ đầu tư mua cổ phiếu. Một triệu người bước vào thị trường đẩy giá các cổ phiếu lên cao, sẽ lôi kéo thêm một triệu người khác.
Vì thế, Hội các nhà Đầu tư Cá nhân (The American Association of Individual Investors) thăm dò ý kiến hội viên vào tháng 11, 2020, thấy 60% tin rằng thị trường sẽ tiếp tục lên.
Lý do nào khiến người đầu tư lạc quan như vậy?
Vì họ dư tiền xài. Họ là những người vốn đã kiếm được lợi tức cao hơn đại chúng. Gặp nạn Covid, họ không bị mất việc như bao người khác, mà lại mất cả cơ hội xài tiền. Họ bị bắt buộc phải tiết kiệm, để dành. Từ tháng Ba đến hết tháng 11 năm 2020, số tiền để dành của các cá nhân đã lên tới $1.56 ngàn tỷ đô la, tăng 173 phần trăm so với năm 2019. Bình thường tiền tiết kiệm chỉ tăng tới tỷ số 7%.
Tại sao dân Mỹ để dành được nhiều tiền như thế? Bộ Lao Động công bố bảng thống kê hàng tháng về lợi tức cá nhân và số chi tiêu của các cá nhân, giúp chúng ta tìm hiểu.
Khoản lợi tức đầu tiên là lương bổng. Số người làm việc ở Mỹ, cho tới tháng 11, đã giảm bớt 6.1%. Nhưng tổng số lương bổng chỉ giảm mất 43 tỷ mỹ kim, bớt nửa phần trăm (0.5%). Các con số này có vẻ khó hiểu: Tại sao các chủ nhân bớt 6 phần trăm số người làm việc, mà lương bổng của toàn thể mọi người lại chỉ giảm ít như vậy? Vì những người mất việc thường làm lãnh lương rất thấp!
Thử coi một thí dụ như vầy: Trong một gia đình có bốn người: bố, mẹ, hai con đi rửa chén và chạy bàn ở tiệm ăn; khi mất việc mỗi người mất $25,000 đồng lương một năm. Nhưng người con lớn làm ở một đại công ty, cuối năm được thưởng (bonus) $100,000 đô la. Khi cộng lại, tổng số lương bổng của gia đình này không thay đổi.
Từ một gia đình này suy ra thì có thể hiểu được tại sao cả nước Mỹ chỉ giảm bớt $43 tỷ đô la về lương bổng.
Trong khi đó, tổng số lợi tức cá nhân cả nước được đẩy lên nhờ tiền chính phủ tặng.
Các chương trình cấp cứu của quốc hội, $1,200 mỗi người lớn, trẻ em ít hơn, đã cho $276 tỷ đô la vào túi các gia đình lợi tức dưới $75 ngàn. Nhiều gia đình trong số này không cần đến cứu trợ. Quốc hội cũng tặng $29 tỷ đô la cho các xí nghiệp để họ có thể tiếp tục trả lương cho nhân viên.
Số tiền được chuyển vào túi dân Mỹ nhiều nhất là bảo hiểm thất nghiệp: $499 tỷ trong thời gian 9 tháng, trong đó $365 tỷ là “trợ cấp thêm” trên số tiền đáng lẽ được trả nhờ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn trợ cấp $265 tỷ đô la trong các chương trình khác.
Khi cộng tất cả những số tiền được trao cho người dân Mỹ trong thời gian từ tháng Ba đến tháng 11, tổng số lợi tức cá nhân trong dân số Mỹ đã tăng lên hơn một ngàn tỷ đô la – tăng 8% so với 9 tháng đó trong năm 2019.
Bây giờ đến phần chi tiêu trong 9 tháng này. Khi dân Mỹ không đi ăn tiệm, không coi hát, coi đấu banh, không đi máy bay, không ở khách sạn khi du lịch, không đi tô sửa móng tay, vân vân, họ đã bớt $575 tỷ đô la chi tiêu cho các ngành dịch vụ; giảm 8% so với năm ngoái.
Bù lại, người ta lo sửa sang nhà cửa, mua đồ đạc, máy giặt máy rửa chén mới, họ chi thêm $60 tỷ đô la. Họ cũng tăng $39 tỷ mua các món hàng khác, không lâu bền. May mắn nhờ lãi suất xuống thấp, họ giảm bớt được $59 tỷ tiền lãi trả cho các ngân hàng.
Thêm một số tiết giảm khác, tổng số chi tiêu cá nhân của dân Mỹ đã bớt được $535 tỷ. Cộng với số tiền mới nhận được hơn $1,000 tỷ, trong chín tháng trời dân Mỹ đã tiết kiệm được gần $1.56 ngàn tỷ đô la.
Số tiền khổng lồ này sẽ đi đâu? Nhiều người nhân dịp lãi suất Covid thấp đã mua nhà, giá nhà tăng 8.4% trong tháng Mười, so với năm 2019. Nhiều người để “phí.” Số tiền tiết kiệm ký thác trong các ngân hàng đã tăng thêm 19%. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cho biết số tiền mặt lưu hành đã tăng 14 phần trăm, thêm $260 tỷ kể từ tháng Hai.
Nhưng không thể làm gì để tiêu hết được bấy nhiêu tiền để dành, người ta đã mua cổ phiếu. Đó là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán tăng vọt trong một năm khi Covid hoành hành.
Dân Mỹ đã tiết kiệm hơn, những người để dành được nhiều tiền nhất là ai?
Tất nhiên, đó là những người không thất nghiệp. Trước khi có bệnh dịch, họ cũng thường được trả lương cao hơn người khác.Thị trường chứng khoán còn lên nữa thì người ta càng có cơ hội làm giàu hơn. Cảnh “nước chảy chỗ trũng” tiếp tục. Nếu có nhà chính trị nào đề nghị những biện pháp giảm bớt cảnh chênh lệch giàu nghèo thì bây giờ là lúc có thể thuyết phục được đa số dân Mỹ.
Ngô Nhân Dụng
Theo VOA tiếng Việt ngày 6/1/2021