
Người biểu tình hô những khẩu hiệu mà họ đã dùng chống lại ông Mubarak trước đây
Hàng chục ngàn người dân Ai Cập đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mohammed Mursi ở thủ đô Cairo, người vừa tự cho mình thêm nhiều quyền lực lớn lao.
Những người phản đối vẫy cờ và hô khẩu hiệu tố cáo Tổng thống Mursi và phong trào Huynh đệ Hồi giáo của ông là ‘phản bội cuộc cách mạng năm ngoái’.
Hôm thứ Hai ngày 26/11, ông Mursi đã tìm cách tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng khi tuyên bố sắc lệnh tăng quyền này chỉ có phạm vi giới hạn.
Tuy nhiên, những người chỉ trích muốn ông phải thu hồi toàn bộ sắc lệnh này.
‘Không muốn độc tài’
Trước cuộc tập hợp phản đối hôm thứ Ba ngày 27/11, các nhà hoạt động đối lập đã xung đột với cảnh sát đang canh giữ cho Sứ quán Mỹ ở gần đó. Một người biểu tình trong độ tuổi 50 đã chết vì đau tim sau khí hít phải hơi cay.
Sau đó, họ đã hội tụ về Quảng trường Tahrir – tâm điểm của cuộc cách mạng hạ bệ Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm trước – trong cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất cho đến nay chống lại ông Mursi.
“Nhân dân muốn lật đổ chế độ,” những người biểu tình hô to, lặp lại các khẩu hiệu mà họ đã dùng năm trước.
“Chúng tôi không muốn lại có một chế độ độc tài. Chính quyền Mubarak là độc tài. Chúng tôi đã có một cuộc cách mạng để lấy lại công lý và tự do,” hãng tin Anh dẫn lời một người biểu tình có tên Ahmed Husseini nói.
Cuộc biểu tình hôm 27/11 có sự tham gia của các nhà báo, luật sư và các lãnh đạo đối lập, trong đó có người từng đạt giải Nobel hòa bình là ông Mohammed ElBaradei.
“Yêu cầu chính của chúng tôi là rút lại bản tuyên bố Hiến pháp,” ông Amr Moussa, cựu tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập tham gia vào đoàn biểu tình, nói.
"Chúng tôi không muốn lại có một chế độ độc tài. Chính quyền Mubarak là độc tài. Chúng tôi đã có một cuộc cách mạng để lấy lại công lý và tự do."
Ahmed Husseini, một người biểu tình
Ngoài thủ đô Cairo, biểu tình cũng diễn ra tại Alexandria và các thành phố khác.
Sắc lệnh của tổng thống – được gọi là tuyên bố Hiếp pháp – nói không ai có thể vô hiệu hóa các quyết định của tổng thống.
Sắc lệnh cũng cấm các thẩm phán giải tán Hội đồng lập hiến vốn đang chịu trách nhiệm soạn thảo một bản Hiến pháp mới. Ngoài ra tổng thống cũng có quyền dùng bất cứ biện pháp nào để bảo vệ cách mạng, đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia.
Những người chỉ trích cho rằng sắc lệnh này, được đưa ra hồi thứ Năm ngày 22/11, là một cuộc tấn công vào hệ thống tư pháp.
Hôm thứ Hai 26/11, Tổng thống Mursi đã nói với các thẩm phán cấp cao rằng phạm vi của sắc lệnh này chỉ hạn chế trong những ‘vấn đề chủ quyền’ và được đưa ra nhằm để ‘bảo vệ các thể chế’.
Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Mursi cho biết họ hoãn lại cuộc biểu dương lực lượng của mình vốn được dự định tổ chức vào thứ Ba ngày 27/11 để tránh ‘căng thẳng’.
Phóng viên BBC Jon Leyne ở Cairo nói việc trì hoãn này là một dấu hiệu nữa cho thấy chính phủ muốn tháo ngòi cuộc đối đầu, nhưng vẫn còn phải chờ xem liệu nó có chấm dứt được những cuộc biểu tình giận dữ mà đôi khi đã trở nên bạo lực.
Liên đoàn các thẩm phán Ai Cập đã bác bỏ tuyên bố của tổng thống và nói họ sẽ tiếp tục đình chỉ công việc tại các tòa án.
( BBC)