Truyện Ngắn & Phóng Sự
CHUYỆN Ở TỈNH LỴ *
Giọng khàn khàn, mặt hằn dấu một đêm mất ngủ, anh gượng nở một nụ cười, nhưng không thành. Trong tấm áo sơ mi màu cháo lòng và cái quần kaki nhiều tuổi, cả hai đều thùng thình, trông anh thật thảm hại.
Thư ký toà soạn ngồi ủ rũ sau bàn làm việc, ngước cặp mắt đục ngầu nhìn tôi:
- Số nầy mình lại thiếu bài đấy, ông ơi! Ông coi có chi lấp vô đó không?
Giọng khàn khàn, mặt hằn dấu một đêm mất ngủ, anh gượng nở một nụ cười,
nhưng không thành. Trong tấm áo sơ mi màu cháo lòng và cái quần kaki
nhiều tuổi, cả hai đều thùng thình, trông anh thật thảm hại. Bên trên
thân hình thấp bé và cái cổ ngẳng là cái đầu to quá khổ, ở đó những vết
nhăn trên trán và hai đường pháp lệnh hằn sâu nơi khoé miệng làm cho anh
có dáng một thầy ký già thời trước.
Tôi cố làm ra vẻ không dửng dưng trước nỗi đau khổ của anh:
- Gì vậy, lại bị cúp hả? Mấy bài?
Mùa hè, mới bảnh mắt mà căn phòng đã nóng hầm hập. Trên đầu, cái quạt
trần Marelli già lão kêu kèn kẹt. Nước trà đặc vừa pha bốc hơi trên
những chén sứ Hải Dương.
- Một bài thôi. Mấy bài có mà chết.
- Mất lập trường?
Anh nhún vai:
- Đại khái thế. Còn vì cái gì nữa?
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước việc ai đó trong chúng tôi mất lập
trường. Ở tờ báo của chúng tôi, mà ở tờ báo nào cũng thế, cái sự mất này
xảy ra thường.
- Một bài, cả ảnh, thì có gì khó.
- Nhưng đề tài nào đây? Khốn nạn là ở chỗ ấy cơ, ông ơi.
Toàn bộ con người anh toát ra vẻ mỏi mệt, trông mà thương.
Tôi không coi việc tờ báo bị cắt bài là chuyện quan trọng. Cái tai nạn
này, nói cho đúng, không xảy ra cho mỗi số báo, nhưng một khi đã xảy ra,
nó có dáng dấp một biến cố. Mọi người đều bị chấn động.
Tôi thì không. Tôi không gắn bó với tờ báo. Không phải bởi tình yêu nghề
nghiệp mà tôi đến với nó, số phận dun dủi đưa tôi tới đó. Thêm vào đấy,
tôi biết rất rõ rằng mọi tai họa đều nhẹ khi nó không phải của riêng
ai, mà thuộc về một đám người do tình cờ có chung một chỗ ở hoặc một chỗ
làm, gọi là tập thể.
Tội nghiệp cho thư ký toà soạn - nỗi bất hạnh bao giờ cũng đến vào phút
chót, cũng nhè vào đầu anh, chứ không phải vào đầu ông chủ nhiệm chẳng
hạn, đúng vào lúc phải giao "bông" lần chót cho nhà in.
- Chán mớ đời! - anh ngả người trên ghế, nhắm mắt lại, giọng não nuột.
- Ông tính sao? - tôi hỏi.
- Đang nghĩ, mà chưa ra - anh gãi đầu, đáp.
Mới đầu giờ làm việc mà anh gọi tôi qua phòng anh uống trà là tôi biết
ngay có chuyện chẳng lành. Hai chúng tôi hiếm khi trà lá với nhau. Cái
trà đạo thuần Việt này một thời rất thịnh hành ở các cơ quan - một thứ
giải lao hiền lành, vô thưởng vô phạt, không hại cho ai, chỉ làm mất
thời giờ của nhà nước. Mà thời giờ là cái mà nhà nước không quý. Khi một
người đã ở trong biên chế, anh ta làm được việc hay không làm được việc
không phải là điều quan trọng. Nếu anh ta làm việc không ra gì thì
người ta phê bình, cảnh cáo, tệ hơn nữa thì thi hành kỷ luật, thuyên
chuyển công tác, nhưng đuổi việc thì không.
Giữa tôi và thư ký toà soạn xích mích không, thành kiến không, nhưng
thân nhau cũng không nốt. Ra khỏi quân đội sau khi hoà bình lập lại, anh
là chính uỷ trung đoàn, tôi ở cấp đại đội. Sự khác biệt này, có vẻ
không đáng kể trong tình đồng chí, nhưng nó lại tạo ra một cái hố không
dễ vượt qua.
Tôi khuyên anh:
- Nghĩ ngợi làm quái gì, ông xem còn bài dự trữ nào thì cho đại vào.
Anh khổ sở lắc đầu:
- Bới đâu ra? Nhẵn như chùi.
Trước khi báo ra, theo lệ, anh phải trình nó, đã "mi" tử tế, lên nguyên
tổng bí thư đảng, người đẻ ra tờ báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài của
chúng tôi. Ngay từ những số đầu tiên, nhân vật ngũ đoản, hói đầu, lùn
tịt, mà chân dung chễm chệ trong mỗi nhà, đã xắn tay áo duyệt từng bài,
từng ảnh. Bài nào không ưng, ông xổ toẹt không thương tiếc. "Báo của ta
dành cho độc giả ngoại quốc, phải đặc biệt cẩn thận, không được để sót
một lỗi nhỏ. Thế giới người ta nhìn vào, chớ để người ta khinh mình",
ông căn dặn chúng tôi, không phải chỉ một lần, bằng giọng cha trẻ của
dân tộc.
Cái lệ ấy được giữ mãi, kể cả khi ông mất ghế tổng bí thư vì một sai lầm
không phải do một mình ông gây ra. Bây giờ ông chỉ còn một chức vị hữu
danh vô thực, nhưng lệ cũ vẫn được giữ. Chẳng ai giành của ông cái việc
duyệt bài cho một tờ báo. Chuyện khó tin mà có thực. Đời nào tổng bí thư
thèm duyệt bài cho một tờ báo, dù đó là báo đảng, nhưng đó là sự thật,
tôi không bịa chuyện. Ở nước ta trên là Trời, dưới là tổng bí thư. Sở dĩ
ông trời con của chúng tôi chiếu cố đến việc vặt là vì ông thích làm
gương cho cán bộ cấp dưới. "Phàm là cán bộ thì phải "thực sự cầu thị",
cái gì cũng phải nắm vững, không để cái gì tuột qua mắt mình", ông cao
giọng dạy cấp dưới.
Ai chẳng biết để kiểm tra nội dung tư tưởng các sản phẩm văn hoá đã có
Ban tuyên giáo Trung ương và các ban ngành chuyên môn khác, kể cả các
cục vụ tương đương trong Bộ Công an. Mà tất cả đám này cũng chỉ ngó tới
các bài báo trong trường hợp đặc biệt, khi có người phát hiện những sai
sót nghiêm trọng. Cái việc vặt ấy đã có cán bộ tại chỗ phụ trách: nào
chủ nhiệm, nào tổng biên tập, nào thư ký toà soạn, nào bí thư chi bộ,
rồi các chi uỷ viên, đảng viên, các phần tử tích cực sắp được kết nạp
Đảng, và chính người viết bài, nghĩa là tất tần tật mọi người, không trừ
một ai. Một sự tự kiểm duyệt hoàn hảo.
Tôi mách nước:
- Hay là cho đi một ảnh phong cảnh? Hoặc một trang biếm hoạ?
- Tớ chả dại - thư ký toà soạn quầy quả phẩy tay như xua ruồi - Ông còn
nhớ vụ cái tranh vui bên tờ Lao Động không? Cái đó dễ ăn đòn lắm. Chết
có ngày. Cần một bài, ông ạ, một bài thôi, càng vô thưởng vô phạt càng
tốt.
- Còn mấy ngày?
- Ít là ba, nhiều là bốn.
- Hừm, căng đấy. - tôi lầu bầu.
- Chứ lại không căng à?
Tôi cười ranh mãnh:
- Thì ông cứ nói thẳng ra xem nào. Ý ông muốn tôi làm chứ gì?
Anh hì hì:
- Ông tính, còn ai vào đấy chứ?
Phần lớn phóng viên, biên tập viên lúc này vắng mặt. Vả lại, thư ký toà
soạn thừa hiểu dù có mặt họ cũng không đủ tháo vát để lấp cái chỗ trống
huếch trống hoác kia một cách chắc chắn, để không bị trên xổ toẹt lần
nữa. Tôi đã đôi lần cứu nguy cho tờ báo trong trường hợp tương tự, anh
tin ở tôi.
Suy nghĩ một lát, tôi nói:
- Thôi được, tôi đi vậy. Nhưng lần này đi gần thôi đấy nhé.
- Ông đi xa có mà chết tôi à?
Mặt anh tươi hẳn. Về chuyện tôi chọn nơi nào anh không bao giờ có ý
kiến. Mặc tôi muốn đi đâu thì đi, miễn phải có bài. Và đúng hạn.
Rút trong ngăn kéo bàn một gói Điện Biên bao bạc nguyên vẹn, thư ký toà
soạn đẩy nó về phía tôi. Đấy là phần thưởng cho sự đồng ý của tôi. Vào
thời gian này thuốc lá hiếm, phải là cấp lãnh đạo mới có tiêu chuẩn phân
phối Điện Biên bao bạc. Chúng tôi, biên tập viên và phóng viên, chỉ
được mua Tam Đảo thôi, mà nhiều khi Tam Đảo cũng chẳng có, người ta thay
vào thuốc lá vụn của nhà máy Thăng Long. Tôi xứng đáng được thưởng,
chắc anh nghĩ thế.
Ở toà soạn các tờ báo, không riêng ở chỗ chúng tôi, mọi người lười đi
địa phương lắm. Lương phóng viên, được tính như làm việc trí óc, rất
thấp so với công nhân làm lao động chân tay. Công tác phí thì chẳng được
bao nhiêu, giá sinh hoạt ở các tỉnh lại đắt đỏ do thiếu hàng bao cấp,
không khéo giật gấu vá vai là lỗ vốn. Phóng viên đùn đẩy nhau đi công
tác là chuyện hàng ngày.
Tôi khác. Tôi được coi là con dao pha trong nhiều lĩnh vực, lại dễ tính,
cho nên thư ký toà soạn quen đẩy tôi vào những việc anh em khác ngại,
không muốn làm.
Không ai biết rằng tôi thích được đi xa. Đi là dịp tốt cho sự bồi bổ
kiến thức, làm lợi cho mình, mà lại được nhà nước trả tiền, còn gì tốt
bằng? Và cái chính là tôi ngán đến tận cổ những cuộc kiểm điểm nội bộ
thường kỳ, những buổi nghe "trên" thông báo chính sách, giải thích đường
lối, những đợt học tập chính trị không ngừng. Tất cả những thứ lởm khởm
đó làm cho bầu không khí thành phố đã vốn ngột ngạt lại càng thêm ngột
ngạt.
Nhưng tôi không bao giờ tôi để lộ ý thích của mình. Sách của tôi là thế
này: muốn được đi nhiều, đi những chuyến xa xôi, tốn kém, thì phải biết
giấu cái thích của mình đi. Phải làm ra vẻ ngần ngại, phải viện lý do
này nọ đã, phải õng ẹo từ chối cái đã, để cho người ta phải năm lần bảy
lượt nói khó với mình cái đã, rồi mới giả bộ bị thuyết phục bởi những lý
do mà họ đưa ra, để rồi sau hết mới chịu, ừ, đi thì đi.
Lạ thế đấy, nhưng mà đúng là thế đấy, trong cái xã hội kỳ cục của chúng
tôi, mình muốn cái gì thì y như rằng cứ phải giấu, cứ phải làm ra vẻ
không thích, thì mới được toại nguyện.
Khi nói chuyện với thư ký toà soạn, trong bụng tôi đã chọn Thái Bình. Nó
có thừa những cái thú vị để viết. Riêng mảng nghệ thuật dân gian như
chèo, múa rối cạn, múa rối nước, nghề chạm bạc, nghề đan lát, các trò
chơi, hội hè, đình đám..., muốn bao nhiêu bài cũng có. Vả lại, tôi thích
đi nông thôn hơn tới các thành phố. Đối với tôi nông thôn mãi mãi là
một cái gì khó hiểu, nó gợi tò mò, nó đòi phải giải đoán. Tôi không tài
nào hiểu nổi vì lẽ gì người quê tôi, hiền lành một cục, đang sống với
nhau yên lành là thế, bỗng dưng hoá điên cả lũ hồi cải cách ruộng đất,
nhà nọ tố nhà kia, con cái tố bố mẹ. Lại có cô gái ngẩn ngơ, điếc lác,
xưng xưng vạch mặt ông chủ tịch xã hiếp mình mấy chục lần, kể vanh vách
từng lần một. Đến sửa sai, thì khóc rưng rức: "Con cắn cỏ con xin lỗi
ông, chứ thứ con có nằm ngửa ra mời cũng chẳng ma nào nó rờ". Những tác
phẩm viết về đề tài nông thôn tìến lên xã hội chủ nghĩa của mấy nhà văn
hay chữ và khôn lỏi, được giới phê bình kém hay chữ nhưng khôn lỏi không
kém, tán dương ầm ĩ, không thuyết phục được tôi. Chúng giống những phác
hoạ vụng về của thợ vẽ phố chợ, không phải cuộc đời.
Từ Hà Nội đến Thái Bình gần lắm. Chỉ việc ngồi tàu hoả một mạch đến Nam
Định, rồi đáp ô tô qua sông Hồng ở bến đò Tân Đệ là đã sang đất Thái
Bình.
Nghĩ thế nào, vào phút chót tôi lại đổi ý, không ra ga Hàng Cỏ lấy vé đi
tàu hoả nữa mà đạp xe ra Phà Đen, mua vé ca-nô xuôi sông Hồng. Phương
tiện di chuyển bằng đường sông chậm rề rề. Chỉ được cái rẻ. Nhưng đắt rẻ
đã có nhà nước thanh toán, rỗi hơi mà tiết kiệm cho ngân sách. Tôi chọn
cái phương tiện ẩm ương này bởi lẽ nhà thơ Quang Dũng, vừa từ châu thổ
sông Hồng về, nói với tôi rằng đi ca-nô trong mùa hè thú đáo để - mát
hơn tàu hoả nhiều, lại tha hồ ngắm cảnh.
Đúng là ca-nô có cái hay của nó - lòng ca-nô thênh thang, ghế ngồi rộng
rãi, lại có cả một khoảng trống lớn ở giữa, có thể trải vải nhựa ra mà
nằm. Khi tôi tìm được chỗ ngồi thì dưới chân tôi đã có mấy người ngủ mê
mệt.
Nhưng bến ca-nô thì không thể sánh với sân ga được. Nằm ngay bên mặt đê,
bến là cái sườn đê đổ xuống sông. Cái xe đạp, cộng với ba-lô cột chặt
trên đèo hàng, tất cả ở trên vai, tôi phải cố gắng rê từng bước trên
triền đê để không bị lăn lông lốc xuống cái dốc dựng đứng. Sau một lúc
đi ngang như cua, thở phì phò như bễ lò rèn, rốt cuộc rồi tôi cũng trôi
được xuống lòng cái ca-nô đang bình thản đung đưa trên mặt nước màu gạch
của phù sa đậm đặc.
Ca-nô cũng có cái khó chịu của nó. Trước hết là những mùi khó ngửi.
Không thể kể ở đây có bao nhiêu mùi: mùi khói cay xè của động cơ đi-den,
mùi phân và nước giải lợn, mùi hôi từ những bu gà, mùi quần áo người
không bao giờ biết đến xà phòng… May, khi ca-nô bắt đầu chạy thì gió
sông Hồng cũng bắt đầu lồng lộng thổi vào, mang theo hương phù sa nồng
ấm. Nhưng gió chỉ thổi từng đợt, khi gió vừa ngừng là những mùi khó chịu
lại chồm lên, xộc vào mũi.
Không khí ẩm bị mặt trời thiêu đốt tạo ra ảo giác như thể những tháp
chuông giáo đường ở nơi chân trời bị mất trọng lượng, chúng hiện lên
không rõ nét, khẽ rung rinh bên trên những dải làng mạc màu lục nhạt của
tranh thuốc nước. Những con thuyền đi ngược chiều trôi vùn vụt, không
một tiếng động, như thể chúng là hình ảnh trong mơ. Gió quạt hơi ẩm vào
mặt, gây buồn ngủ. Giấc ngủ luôn bị đứt quãng bởi giọng ténor của anh ét
ca-nô, một thanh niên loắt choắt và đen nhẻm, réo rắt xướng tên bến.
Những cái tên nôm na thật dân dã, những cái tên sang trọng sặc mùi Hán
Việt, tên nào được anh ta xướng lên nghe cũng thấy thú vị.
Ca-nô không phải ô tô, nó không rẽ vào bến. Trên đường đi của nó, ca-nô
bỗng kéo vài hồi còi hiệu, đột ngột giảm tốc độ. Lúc ấy tiếng máy trở
thành ngập ngừng một lát, rồi tắt hẳn. Ấy là nó đến bến, chờ những con
đò bé nhỏ từ bờ sông bơi ra "màn xế". Những con đò im lặng vùn vụt bay
trên mặt sông, áp vào mạn ca-nô, lắc lư đi theo nền văn minh cơ giới một
quãng, vừa đủ thời gian cho khách lên khách xuống, cùng với thúng mủng,
gồng gánh và bao tải. Khách đi ca-nô không phải mua vé trước, ở các bến
quê không có trạm bán vé, lên ca-nô cứ việc kiếm chỗ ngồi, anh ét khắc
tới thu tiền.
Mỗi lần những con đò áp mạn là mỗi lần tôi tỉnh giấc.
Tiếng rao hàng trên những bến sông không ngân nga như những tiếng rao
hàng ở phố. Nó bốc cao, the thé, dữ tợn và cộc cằn. Những người bán rong
trên sông thường là đàn bà. Mà thường là đàn bà không nhỏ nhắn. Ấn
tượng này gây ra bởi một chị chàng cao lớn vận đồ đen từ con đò đầu tiên
áp mạn, có lẽ thế. Vừa nhảy lên ca-nô, chưa hạ thúng hàng trên đầu
xuống, chị ta đã quát lớn "Dày giòòò!". Gương mặt xạm nắng, xương xẩu
của chị gợi hình dung về một tẩu tẩu Lương Sơn Bạc. Khách đi ca-nô hiếm
khi mua quà. Mỗi người đã mang theo cơm nắm muối vừng, hoặc mấy khúc
sắn. Tôi mua của tẩu tẩu một cặp bánh dày nhỏ kẹp một lát giò lụa mỏng.
Ngồi bên cạnh tôi là một người vận bộ đại cán bạc màu, đeo xà-cột vải
bạt - một người nhà nước ở cấp huyện. Khi ca-nô bắt đầu chạy, anh ta giở
báo Nhân dân ra đọc, nhưng chỉ được vài phút là đã ngáy ầm ầm, đầu ngật
ra đàng sau. Mãi đến khi mặt trời đứng bóng, anh ta mới choàng tỉnh.
Giật mình vì ngủ quên, anh ta vén tay áo xem đồng hồ, rồi tức tốc moi
bánh mì trong xà-cột ra ăn. Cái bánh mì bị mổ bụng, chắc có kẹp thịt
hoặc ruốc. Hành động của người nhà nước lập tức được đám dân chúng bắt
chước. Họ đồng loạt giở thức ăn mang theo ra, mời mọc nhau ỏm tỏi. Cả
ca-nô lập tức ồn ào. Tôi lấy cặp bánh dầy của tôi ra, ăn cùng họ.
Mấy người đàn bà ngồi dưới sàn, quần áo lôi thôi lốc thốc, ngồi giãi
thải trên sàn gỗ đen xì dàu mỡ, ăn xong trước tôi, bắt đầu cuộc chuyện
vãn bất tận. Tôi lại thiêm thiếp ngủ trong những đợt gió thoảng và tiếng
ca-nô rì rầm. Trong sự đổi chỗ của tiếng máy nổ đùng đục và các thứ
mùi, tôi loáng thoáng nghe họ kháo nhau về một tai nạn ô tô nào đó:
- Ông ấy chết tức thì, cả một cái hậu xe tông vào, bà tính, sống sao được...
- Xổ ruột ra hả?
- Không, vưỡn còn nguyên, cấm có chảy tí máu nào. Dưng mà chết.
- Tội nghiệp, ông ấy tốt tính lắm, ở tỉnh ai cũng biết ông ấy, bác sĩ trẻ mà mát tay đáo để...
- Con cháu út bà chị dâu em đau ruột, không gặp được ông ấy thì xanh cỏ
rồi, may ơi là may. Cháu nó khỏi rồi, ông ấy còn đến tận nhà thăm...
- Thế cái ông giám đốc ấy, sau có sao không?
- Sao ông sao trên trời. Giám đốc đâu phải là dân đen...
- Có vậy.
Mãi chiều tối ca-nô mới tới bến.
Gọi là bến cho sang, chứ trên con đê chỉ có một quán nước xiêu vẹo, với
một ngọn đèn Hoa Kỳ toả ánh sáng vàng vọt trong hoàng hôn vắng lặng. Từ
bến ca-nô vào thị xã chỉ vài bước chân.
Hành khách vừa leo được lên bờ đê thì một đàn trẻ con chực sẵn ùa tới.
Chúng không xin, mà lặng lẽ chìa những bàn tay gày guộc về phía họ.
Những cặp mắt trong veo chứa chan hi vọng rõi vào từng mặt, đoán xem
người khách này hay người khách kia sẽ cho hay không cho. Hành khách,
phần lớn có vẻ ngoài không khác những đứa trẻ ăn xin bao nhiêu, bối rối
tránh những cặp mắt dò xét, lật đật bước qua chúng. Vài người dừng lại,
móc túi tìm tiền lẻ. Chủ quán, một người đàn ông hung dữ, từ trong quán
xồng xộc bước ra, tay vung cái roi mây:
- Chết giờ! Đi ngay tắp lự, ông cho chúng bay mấy roi thấy ông bà ông vải bây giờ.
Như một đàn chim sẻ hoảng hốt, lũ trẻ ré lên, chạy tán loạn.
Tôi lang thang trong cái thị xã nhỏ bé, rất điển hình của các tỉnh lỵ,
miền xuôi cũng như miền ngược, có một cửa hàng mậu dịch ăn uống duy
nhất, và nhiều đến ngạc nhiên những hiệu cắt tóc và hiệu vá quần áo. Tôi
chui vào trong tấm liếp chống nắng ở một cửa hiệu sách và bắt gặp qua
tấm kính mờ mịt một Victor Hugo mốc meo bên cạnh một Tolstoi quăn queo.
Bụi phủ đầy Mác và Lênin. Đi đến mỏi chân, tôi quay lại cửa hàng mậu
dịch, ăn một bát phở không người lái mầu nước gạo, uống một cốc xi-rô
nhạt thếch màu cháo tiết, rồi lững thững đạp xe đi tìm nhà trọ.
Nhà trọ mà tôi tìm được thuộc loại rẻ tiền, chỉ có hai phòng, mỗi phòng
sáu giường. Chủ nhà trọ là một ông già gày còm, nghễnh ngãng. Cái nhìn
ngước trên cặp kính lão gọng sừng không giấu giếm theo dõi tôi, cho tới
khi tôi nằm lên cái phản ọp ẹp, trên trải một manh chiếu với màu sắc rất
đáng ngờ. Chắc hẳn đây là một nhà trọ kiểu mẫu, trong số rất ít những
nhà trọ tư nhân còn sót lại của thời tạm chiếm, chỉ ở tỉnh lẻ mới có.
Riêng cái việc ông chủ lật xuôi lật ngược đọc giấy tờ tuỳ thân của tôi
tới mười lăm phút, có khi còn hơn thế, con người này có được chính quyền
tín nhiệm cũng đáng. Từ chỗ nằm của tôi một khẩu hiệu kẻ chữ đen trên
giấy vàng đập vào mắt: "Không nói, không nghe, không thấy". Mệt mỏi, tôi
ngủ ngay lập tức, thực hiện "ba không" một cách nghiêm chỉnh.
Sáng hôm sau tôi oằn lưng đạp xe về phía biển, đến Đồng Sâm, ngôi làng
trù phú nhất tỉnh. Làng này nổi tiếng không những trong tỉnh, mà cả miền
Bắc. Làng của những người thợ bạc, thợ làm đồ kim hoàn, có lịch sử lâu
đời, không biết đã bao nhiêu thế kỷ. Các bậc chức sắc trong làng tuồng
như đã quen với sự đến thăm của các nhà báo, tiếp tôi vừa đủ vồn vã, vừa
đủ thân mật, chứ không suồng sã. Bí thư xã, một người đen đủi, ít lời,
trong bộ quân phục bạc phếch, rít điếu thuốc cho đến tụt vào nõ, rồi
ngửa mặt lên trời mà nhả khói:
- Đồng chí định ở chỗ chúng tôi mấy ngày? Chỉ viết về nghề bạc thôi à?
Nghề bạc của chúng tôi truyền thống lắm, nhiều đồng chí đã đến, trung
ương có, địa phương có, nhà báo, nhà văn, đủ cả. Hay là đồng chí muốn
tìm hiểu thêm về phong trào dân quân? Đồng Sâm chúng tôi sắp được Bộ
Tổng tặng cờ Ba Nhất đấy...
Cuộc sống cho tôi cái mẫn cảm cần thiết. Qua những câu hỏi kín đáo tôi
hiểu ông bí thư mặt đen, lưng hơi còng còng kia muốn thăm dò tôi muốn
gì. Tôi đã đến một số địa phương khá giả, được coi là ăn nên làm ra. Ở
những nơi này người ta không thích đám nhà báo tò mò, thóc mách, đám này
tới chỉ tổ rách việc. Tôi cố ý để cho ông bí thư hiểu tôi chỉ là một
nhà báo công chức, tôi hài lòng với những báo cáo viết sẵn do cán bộ văn
phòng của ông cung cấp, tôi sẽ chỉ đặt cho họ những câu hỏi vô thưởng
vô phạt. Ông chủ tịch cục mịch và hồn hậu thết tôi một bữa thịnh soạn,
có thịt thủ và rượu lậu. Nói tóm lại, tôi tính sẽ làm xong trong một
ngày công việc thu thập tài liệu cho bài phóng sự lấp chỗ trống.
Có những làng nổi tiếng chỉ bởi một nghề, như làng Đồng Sâm này. Có thể
nói ở khắp nước, nơi nào có cửa hàng vàng bạc là ở đó ta gặp người Đồng
Sâm. Dường như Trời dành riêng sự khéo tay trong nghề chạm trổ trên kim
loại cho người làng này, chứ chẳng cho làng nào khác. Thời chưa cách
mạng, người Đồng Sâm thường làm chủ hiệu, có thuê thợ thì cũng thuê
người trong họ ngoài làng, không thuê người ngoài. Rất hiếm khi có người
Đồng Sâm nhận thợ không cùng quê. Bây giờ, thời xã hội chủ nghĩa, không
ai được làm chủ nữa, nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng bạc, các
chủ hiệu đều là cán bộ nhà nước. Trong các cửa hàng vàng bạc quốc doanh,
vẫn người Đồng Sâm đấy, nhưng là công nhân theo ngạch bậc xí nghiệp
quốc doanh. Mặc dầu vậy, ở cái gốc của nghề tổ, với tư cách làng chuyên
một nghề, chủ nghĩa xã hội không làm cho Đồng Sâm mất đi vị thế một làng
giàu. Đi sâu vào làng này, tôi có cảm giác như đi trong những phố nhỏ
ngoại thị Hà Nội - nhà ngói san sát, đường giữa các xóm lát gạch hoặc
tráng xi-măng, trẻ con trong nhà mẫu giáo ăn vận bảnh không kém con cái
viên chức nhà nước trong các trường Mầm Non của thủ đô.
Bằng cách nào người ta giữ được sự giàu có ấy là câu hỏi không nên đặt
ra. Ở Đồng Sâm có hai hợp tác xã, một nông nghiệp, một thủ công nghiệp.
Công điểm của người làm nghề chạm bạc cao hơn hẳn người làm nông nghiệp,
nhưng không có sự chênh lệch trong thu nhập mỗi gia đình. Họ có mức
sống sàn sàn nhau.
- Vào hợp tác xã nông nghiệp cả để mà chết à? - anh nông dân chủ nhà,
với gương mặt chất phác đặc biệt của dân vùng châu thổ sông Hồng cười
vào mặt tôi - Phải phân công phân nhiệm trong mỗi nhà, ai làm cái gì.
Đau đầu lắm. Nhưng phải thế mới được. Phải đi bằng hai chân, như Đảng
dạy, mới có đường sống, đồng chí nhà báo ạ.
Không thể hiểu nổi anh nông dân này: anh ta ca ngợi Đảng, hay đang giễu Đảng?
Còn đi bằng hai chân là nghĩa thế này: phải làm cách nào đó để được no,
được ấm, thậm chí được sống sung túc, trong điều kiện ông Đảng, ông nhà
nước vẫn hài lòng. Nói thì dễ - đi bằng hai chân -, chứ trong thực tế
làm chuyện đó khó lắm. Hai hợp tác xã - một nông nghiệp, một thủ công
nghiệp - trong một làng phải thông đồng với nhau một cách tài tình lắm,
một cách hài hoà lắm, như trong một dàn giao hưởng, với một chỉ huy có
tài, phải biết tạo ra những báo cáo tuyệt hay và những sổ sách kế toán
đâu ra đó, với kỹ năng của diễn viên rạp xiếc. Tất cả những cái đó là
khó hiểu, không phải đối với một mình tôi. Người nông dân hiểu đảng cầm
quyền hơn hẳn giới trí thức. Họ hiểu: Đảng không quá ngu để biết anh
nông dân bịp mình, nhưng phải bịp sao cho khéo, rồi sau đó kết thúc mỗi
màn bịp bằng một bài đồng ca vinh danh Đảng sáng suốt, Đảng anh minh, là
xong.
Người ta biết lắm: trong thời kỳ trị vì của hai đời tổng bí thư, hai con
người khác nhau, không bỏ lỡ dịp chê bai nhau, thế nhưng cả hai đều
nhất quán trong đường lối: bằng mọi giá phải lùa dân vào các hợp tác xã,
để thực hiện cho bằng được bình đẳng xã hội. Nghèo cũng được, nhưng
bình đẳng. Lãnh tụ tối cao nhắc đi nhắc lại: "Không sợ thiếu, chỉ sợ
không công bằng". Người nông dân nhất nhất tuân theo huấn lệnh của các
lãnh tụ đảng, với vẻ mặt hồn nhiên, tin cậy, nhưng sau lưng các vị, họ
làm ngược lại. Mọi người đều sợ thiếu. Mọi thứ có thể mua được đều được
mua tuốt để tích trữ. Anh chủ nhà một đêm của tôi khoe anh có cả chục
chậu men Trung Quốc. "Không có thứ ấy, mừng đám cưới bằng cái gì bây
giờ?".
Ta có thể đặt thêm một câu hỏi: vì sao người ở các địa phương khác lại
không đua được với người Đồng Sâm về nghề kim hoàn? Chắc hẳn trong nghề
này cũng có lắm điều bí mật cha truyền con nối. Tất nhiên rồi, người
Đồng Sâm trả lời. Bí mật nghề nghiệp bao giờ chả có, ở đâu chả có. Nhưng
đó là cách giải thích không mấy thuyết phục. Đảng không thích những cái
bí mật ấy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mọi sự đều làm được: từ hố xí hai
ngăn cho đến bom nguyên tử. Bởi vì còn sự độc quyền nghề nghiệp của
những phường hội, thì còn có những lĩnh vực tay đảng không với tới. Thế
mà đảng phải chịu làng Đồng Sâm, mới lạ.
Tôi không thích viết những sự việc không nhân vật. Không có nhân vật thì
mọi sản phẩm văn chương - từ bài báo cho tới truyện ngắn - đều tẻ nhạt.
May, Đồng Sâm có những nhân vật thú vị. Trong hai ngày ở Đồng Sâm tôi
được nghe vô số chuyện đời ở nông thôn của những người ruột để ngoài da,
hoặc những người không thấy cần phải đeo mặt nạ với tôi. Như anh chủ
nhà một đêm của tôi chẳng hạn. Anh là cốt cán của uỷ ban xã, chuyên lo
việc cơm nước tiếp khách cho uỷ ban. Một người khiêm tốn, biết vị trí
của mình, nghĩa là không biết gì về công việc của lãnh đạo. Nhưng anh
không đừng được để không nêu những thắc mắc:
- Tại sao nhà nước lại không muốn có người giàu, hở đồng chí nhà báo?
Người ta giàu thì mặc kệ người ta chứ, có chết ai đâu? Rỗi hơi mà ganh
với nhau. Giàu nghèo có số cả. Mà cũng giàu có gì cho cam, dân chúng tôi
ấy. Toàn giật đầu cá vá đầu tôm thôi. Thành ra có tí của để ra cũng cứ
phải giấu. Còn hơn mèo giấu cứt.
Hoặc:
- Thời nào thì cũng thế. Quyền đi đôi với lợi. Dễ tôi vào Đảng để ăn rau lợn cho hàng xóm ăn gà à? Có mà điên.
Thế nhưng than phiền thì than phiền, anh nông dân của tôi không bất bình
với mọi sự cấm đoán của Đảng. Anh coi đó là số phận. Anh ru con bằng
hai câu lẩy Kiều:
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô...
Có lẽ những phóng viên thạo nghề đánh bóng mạ kền từng tới đây làm phóng
sự đã làm cho ông già nghệ nhân cao tuổi nhất Đồng Sâm khó chịu. Ông
nhăn mặt khi thấy tôi loay hoay chọn một góc đẹp để chụp ông.
- Này bác, tươi lên một tí nào - tôi nói.
Ông già hấm hứ:
- Cái mặt tôi có vậy thôi, chụp làm quái gì. Ra mà chụp mấy cô xinh xinh
kia kìa! Ông nhà báo nào về đây cũng chụp mấy cô ấy đấy!
Tôi nhìn theo tay ông chỉ. Mấy cô xinh thật. Trong những bộ cánh diện,
màu sắc tươi tắn, được khoác vào cho các nhà báo chụp ảnh, cô nào cô ấy
tươi hơn hớn, gái Hà Nội không ăn đứt. Khốn nỗi, các cô chỉ là thợ học
việc, được giao làm những sản phẩm hàng loạt. Các cô lại không có hai
bàn tay nhàu nát những nếp nhăn tuyệt đẹp của ông già nghệ nhân. Hai bàn
tay ấy, với làn da xạm và cứng như giấy bao xi măng, cần mẫn và điêu
luyện, ngày lại ngày làm ra vô số kể những tuyệt phẩm trang trí, trông
mà mê.
Đến khi tôi dí sát ống kính vào hai bàn tay của ông thì ông già gắt lên:
- Ông này làm cái gì vậy?
Tội nghiệp cho tôi, ông già không biết rằng tôi rất muốn thể hiện cái
đẹp của hai bàn tay ấy. Tôi lại không có một ống kính chuyên dụng.
Xong việc, tôi đến phòng bưu điện huyện để gọi về Hà Nội.
Thư ký toà soạn đặt một số câu hỏi, bao giờ cũng thừa, bao giờ cũng tràn đầy những lời động viên quen thuộc, rồi giục:
- Tuyệt lắm. Ông về ngay đi.
Tôi nói tôi cần tìm hiểu thêm một số tình hình địa phương, ở đây có
nhiều chuyện thú vị, tôi sẽ ở lại vài ngày rồi về. Rất có thể sẽ có thêm
bài đấy. Ở đầu dây đàng kia, thư ký toà soạn cằn nhằn, nhưng vui vẻ
giục tôi về cho mau. Tôi cười thầm, cúp máy giữa câu. Thỉnh thoảng cũng
phải làm cao một tí người ta mới nể.
Thế là tôi lại có thời giờ để lang thang lần nữa trong cái tỉnh lỵ của
vùng châu thổ. Hoá ra ở cái tỉnh nhỏ bé này cũng có một quán cà phê
không đến nỗi nào, do một người Hà Nội tản cư từ cái thời toàn quốc
kháng chiến xa lơ xa lắc lập ra. Thoạt đầu, trong cuộc tiêu thổ kháng
chiến, tỉnh lỵ bỏ hoang, quán cà phê của ông tọa lạc tại thị trấn Đống
Năm nổi tiếng một thời, hết chiến tranh nó mới được chuyển về tỉnh.
Ông chủ quán, tóc bù xù như một nghệ sĩ, là người mau miệng. Ngồi ngay
xuống trước mặt khách, bất kể khách có muốn hay không, ông ta than van
về nỗi buồn tỉnh lẻ, rằng ở đây chán đến nẫu người đi được, rằng nếu
không tại cái số, thì lẽ ra ông đã về Hà Nội ngay từ khi hoà bình lập
lại kia, chứ ở lại cái xó này làm quái gì. Khốn từ ngày "bùng nổ", những
đứa con cứ sòn sòn ra đời, đứa nọ sau đứa kia một năm, giờ cả thẩy đã
ngót một chục, biết làm sao?
Tôi nhâm nhi ly cà phê, lơ đãng nghe những mẩu tâm sự vụn của chủ quán.
Cùng nghe với tôi, cũng lơ đãng như thế, là một con mèo Xiêm lông xù. Nó
nằm trên đùi ông chủ, mắt lim dim, với vẻ bất cần đời. Những con ruồi
béo mập bay vù vù. Trong cái quán thông thống không có lấy một ngọn gió.
Ngồi uống cà phê mà nghe mồ hôi chảy thành dòng bên trong áo sơ mi.
Buổi chiều, trên đường ra bến để đáp ca-nô đêm về Hà Nội, tôi mới sực
nhớ là phải tới thăm anh bạn thân thời học trò, nghe nói bây giờ làm bác
sĩ ở ngay thị xã. Cái nóng đã làm cho đầu tôi mụ mẫm. Tôi quên bẵng dự
định đó. Anh bạn này là người đã trình bày bìa sách cho tác phẩm đầu tay
của tôi, một vở kịch có cái tên khá kêu là "Lối Thoát".
Tôi viết kịch chứ không viết văn xuôi là do tình cờ. Nó xảy ra do cuộc
gặp gỡ với một ông nhà văn, nổi tiếng ở Liên khu IV kháng chiến nhờ mấy
vở kịch loại xoàng, như sau này tôi đánh giá. Hồi đó, tôi đang học tại
trường Nguyễn Thượng Hiền từ Ninh Bình tản cư vào. Nhà trường vốn yêu
văn hoá, mời ông nhà văn tới diễn thuyết. Được gặp một nhà văn bằng
xương bằng thịt, lũ học trò chúng tôi rất háo hức. Vui chuyện, tôi mới
tò mò hỏi ông về bếp núc nghề văn. Ông nhà văn còm nhom vỗ vai tôi, nhìn
vào mắt tôi mà cười nhạt: "Ha, chú mày cũng muốn viết văn đấy hả? Không
dễ đâu. ông tướng ạ. Viết văn không phải là luộc rau, hay nấu cơm. Để
làm được việc đó cần phải có tài. Khốn nỗi, lại không thể kiếm tài như
kiếm củi được". Các cô bạn học của tôi nghe thấy câu trả lời ấy cười ré
lên. Ngày hôm ấy tôi tự hứa với mình sẽ phải viết một cái gì đó ra trò
để cho nhà văn cao ngạo kia biết tay.
Giấu mọi người, tôi cặm cụi viết, ngoài vườn, trong xó bếp. Vở kịch rồi
cũng xong. Giám đốc một nhà xuất bản còn sót lại của thời cộng hoà đầu
tiên tản cư về phố Rừng Thông ở thị xã Thanh Hoá bị san bằng trong thời
tiêu thổ kháng chiến tiếp tôi. Tôi nói đây là tác phẩm của anh tôi, một
thương binh nằm trên bệnh viện quân y Bái Thượng, giao cho tôi đưa ông.
Ông ta hờ hững nhận bản thảo, hẹn tôi tháng sau đến. Tôi chờ từng ngày
cho hết một tháng. Gặp tôi, lần này ông vồ vập, nói sẽ in, trả nhuận bút
hẳn hoi.
Vở kịch được nhiều đoàn diễn, đã thế lại có tiếng vang hơn hẳn những vở của ông nhà văn kênh kiệu.
Thái, anh bạn mà tôi đang nói tới, họa sĩ tờ báo tường lớp Bảy A, nhiệt
tình giúp tôi vẽ bìa. Thái còn là nhà phê bình đầu tiên của tôi. Tôi
chịu ơn anh nhiều về những ý kiến giúp tôi hoàn thành vở kịch. Trong
thời học trò của chúng tôi Thái thường được điểm cao về môn văn. Khi
nhận bản thảo kèm theo bìa sách đã vẽ sẵn, ông giám đốc nhà xuất bản gật
gù khen người vẽ có tài, hẹn sẽ đặt anh vẽ. Nhưng rồi chẳng bao giờ ông
ta dùng tới cái tài của Thái cả. Nhà xuất bản không có nhiều sách để
in, độc giả thì dễ tính, ông giám đốc tự trình bày các ấn phẩm của mình
bằng màu chế từ hai loại thuốc sốt rét quinacrine và thuốc ghẻ lở
mercurcochrome.
Tôi tìm được nhà Thái không mấy khó khăn. Thị xã vẻn vẹn hơn chục phố,
mỗi phố dài chưa nổi trăm mét, với vài cột điện xiêu vẹo. Những ngôi nhà
tỉnh lỵ, phần lớn còn lợp rạ, nhưng cũng được đánh số bên chẵn bên lẻ
hẳn hoi, y như ở Hà Nội vậy.
Nhà Thái là một ngôi nhà nhỏ, tường xây, cửa đóng im ỉm, nằm trong một
mảnh vườn tí xíu, cỏ xước, cỏ mần trầu mọc đầy mấy luống rau xơ xác.
Tìm mãi không thấy chuông đâu, chuông bấm không, chuông giật cũng không,
tôi đành gọi ông bạn theo cách nhà quê vậy, nghĩa là cứ đứng ở đấy,
ngay ở cổng, mà hò đò sông cái:
- Thái ơ...i! Thái ờ. . i...!
Sau một lát yên lặng, có dễ tới năm phút, bỗng từ trong nhà bay ra một
tràng tiếng khóc đứt quãng. Rồi cánh cửa bật mở, một bà lão tất tưởi lao
ra.
Bà lão còm cõi đi chân đất, nước mắt giàn giụa, lúng túng hồi lâu mới mở được hai cánh cổng. Vừa lập cập mở khoá, bà vừa kể lể:
- Ối anh ơi! Anh bây giờ mới đến, thì em nó đã mất rồi...Ới anh ơi là anh ơi! Sao anh chẳng đến sớm với em?
Tôi nhận ra bà, mẹ Thái. Bà ôm chầm lấy tôi. Những giọt nước mắt lã chã rơi xuống ngực áo tôi.
Cái cách bà hờ tôi như thể tôi đã chết rồi, làm tôi lạnh toát cả người.
Tôi ôm lấy mẹ bạn. Bên dưới bàn tay tôi xương bả vai bà gồ lên, không
còn chút thịt nào. Tôi không gặp bà kể từ ngày tôi xa bạn tôi. Mà chúng
tôi xa nhau cũng đã hơn chục năm rồi. Khi bà từ trong nhà bước ra, tôi
không nhận ra, giờ đây cũng phải định thần mới tìm thấy những nét quen
ngày trước. Bà úp mặt vào ngực tôi, dựa hẳn vào người tôi, nhẹ bỗng.
- Sao? Bác bảo sao?
Bà lão nắm lấy áo tôi, lôi tuột vào nhà.
Trên ban thờ, Thái nhìn xuống tôi bằng cặp mắt hiền từ, có vẻ lơ đãng.
Những bức ảnh thờ bao giờ cũng thế, cái nhìn của người chết bao giờ cũng
hiền từ, bao giờ cũng trầm tĩnh, cũng đầy vẻ suy ngẫm, mặc dầu khi còn
sống chưa chắc họ đã là như thế.
Nhưng với Thái thì cái nhìn đúng là của anh. Anh hiền, như chúng ta
thường nói, như đất. Anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người, hay nói cho đúng
hơn, sẵn sàng hầu bạn bè. Khi có ai cần tới anh, chẳng bao giờ anh từ
chối.
Tôi nhớ những buổi chiều lộng gió bên dòng sông Chu xanh ngắt, tôi và
Thái ngồi dưới vệ đê với hai cái cần câu bằng cật nứa. Cá sông rất ít
cắn, chúng tôi tâm sự với nhau đủ điều dưới con mắt canh chừng của ông
lão hành khất, một thời là ông đồ nho. Ông đồ ăn mày sống trong một cái
điếm canh đê mốc thếch. Bao giờ cũng vậy, thấy chúng tôi ra sông là ông
vạch cái chiếu nát thay cánh cửa ngó ra. Ông biết, nếu chúng tôi gặp may
thể nào chúng tôi cũng dành cho ông mấy con bống nhỏ, hoặc mấy con cá
bò loang lổ. Ông có thừa thời giờ để câu, nhưng ông không câu, ông không
có cái cần câu nào, dù với lưỡi câu thẳng của Khương Tử Nha . Ông đã
thôi chờ thời, nếu trước kia ông đã chờ. Ông đã đánh mất cái thời của
ông, vĩnh viễn. Ông đã quá già để mà chờ đợi.
Tôi đứng trước bức chân dung Thái, đăm đăm nhìn anh, nhớ tới cái thời đã
xa lơ xa lắc của chúng tôi. Trong ảnh, anh vận vét-tông, thắt cà-vạt,
đứng đắn, chững chạc, ra dáng một ông bác sĩ, cho dù là bác sĩ tỉnh lẻ.
Trước kia, anh là một chàng trai mặt quắt, đen đủi, xấu xí.
Bà mẹ Thái đã thôi khóc, nhón chân lấy một nén nhang trên ban thờ, run
rẩy đưa cho tôi. Tôi đánh diêm, châm ba nén nhang. Khi tôi chắp tay dâng
nhang cho bạn tôi, bà đứng sau lưng tôi, thấp bé và lặng lẽ, như một
cái bóng. Tôi nghe sau mình tiếng nức nở khe khẽ, như tiếng vỗ cánh của
một con chim non. Khói nhang nhè nhẹ quẩn quanh chân dung người đã
khuất.
Tôi chợt nhớ câu nói của Thái trong một chiều đi câu:
- Cậu tính, người ta chết rồi, liệu có còn gì không?
- Chết là hết, còn gì.
- Còn chứ. Linh hồn con người không mất ngay một lúc cùng với thể xác.
Người theo Ấn Độ giáo tin như thế. Họ đưa ra những chứng cớ khẳng định
điều đó. Rằng linh hồn vẫn tồn tại sau khi con người chết đi...
Liệu có một cuộc đời thứ hai cho bạn tôi không?
Cuộc đời Thai là một cuộc đời không ra gì. Mẹ anh, một cán bộ phụ nữ của
những ngày cách mạng, trở thành hội trưởng một tổ chức phụ nữ tỉnh hay
thị xã gì đó của tỉnh này. Đến khi chiến tranh bùng nổ, Thái Bình mất
đất, bà lật đật dắt hai đứa con chạy vào Thanh Hoá. Không tiền, không
của cải, bà chỉ biết làm một công việc thuộc về buôn bán mà bất cứ người
nông dân nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm, là hàng xáo. Đêm
đêm bà và hai đứa con - một trai một gái - lăn lưng ra xay thóc, giã
gạo, giần sàng để hôm sau mang ra chợ bán.
Rồi tai hoạ ập đến. Một hôm, giữa trưa, nghe ồn ào ngoài ngõ, tôi chạy
ra thì thấy mẹ bạn tôi, hai tay bị trói trước bụng, đi giữa một toán dân
quân mặt đỏ gay. Mái tóc xổ tung, bà lếch thếch đi giữa hai hàng dân
làng tò mò, vừa đi vừa giơ hai tay bị trói lên mà gào "Ới Cụ Hồ ơi, Cụ ở
trên trông xuống mà xem tôi đi theo Cụ bây giờ tôi bị người ta hành hạ
thế này đây, ới Cụ Hồ ơi!". Mẹ tôi cũng chạy ra, xông đến trước đám dân
quân: "Bà ấy tội tình gì mà các anh trói bà ấy thế kia?". Đám dân quân
sừng sộ xông lại. Chúng tôi hoảng hồn, lôi mẹ tôi về nhà. Lúc bấy giờ là
vào khoảng giữa năm 1953, Liên khu 4 đang phát động cuộc giảm tô giảm
tức. Khắp nơi, chỗ nào cũng có những cuộc bắt bớ, đấu tố. Đêm đêm loa
vang vang kêu gọi nông dân vùng lên đánh đổ cường hào gian ác.
Buổi tối, tôi đến nhà Thái. Hai anh em bạn tôi đang ăn khoai dưới ánh trăng. Trong nhà không có ánh lửa.
- Người ta bảo bà cụ mình là gian thương - Thái nói - Họ giam bà cụ trong chuồng trâu.
"Gian thương" là tên chính quyền đặt cho những người buôn lậu giữa vùng
quân Pháp đóng, gọi là vùng tạm bị chiếm, và vùng kháng chiến, gọi là
vùng tự do. Những người buôn lậu ngày ấy rất đông đúc. Họ buôn thuốc
tây, đá lửa, kính mát và trăm thứ bà dằn khác. Và tất nhiên, họ trốn
thuế. Nhưng bà cụ Thái làm hàng xáo, đâu có ở trong diện ấy.
Được coi là gian thương còn may. Sau lại có tin người ta phát hiện bà có
chân trong Quốc dân đảng nữa mới khiếp. Đó là lời buộc tội nặng nhất,
đáng sợ nhất. Vào thời ấy, người ta muốn giết ai thì chỉ việc đổ cho
người ấy là Quốc dân đảng, hay Đại Việt, là xong. Đến nỗi, cụ thân sinh
một anh bạn tôi chúng tôi, nhà giáo, chẳng hiểu sao cũng bị bắt, bị buộc
tội là đảng viên Quốc dân đảng. Ông treo cổ trong một cái chuồng bò
thay nhà giam, để lại bức thư tuyệt mệnh :"Tôi hoàn toàn vô tội. Tôi
trung thành với Đảng. Tại sao Đảng đối với tôi thế này? Hồ Chí Minh muôn
năm!"
Bà mẹ Thái rồi cũng được thả ra sau một tuần, nhờ sự đấu lý mềm mỏng
nhưng kiên nhẫn của mẹ tôi và "các bà tản cư" với chính quyền xã.
Từ đó bà như người mất hồn. Công việc trong tay bà trước kia chạy veo
veo, bây giờ thì đuểnh đoảng, lúc sai chỗ này, lúc hỏng chỗ khác. Thế là
mọi việc đổ lên đôi vai cô bé, em Thái. Lại quang gánh lên vai, như mẹ,
từ tờ mờ sáng con bé cắm cúi đi các chợ mua mua bán bán, đêm đêm lủi
thủi giã gạo, giần sàng, nuôi bà mẹ lẩn thẩn với ông anh đi học. Con bé
cứ quắt lại, không tài nào phổng phao lên được trong tuổi dậy thì.
- Sao lại ra thế này hở bác? - tôi hỏi bà cụ.
Bà nhìn tôi chằm chằm, cái nhìn mơ hồ, chú mục đấy mà không thấy. Cuối
cùng, câu hỏi của tôi rồi cũng luồn được vào vùng ý thức của bà.
Đôi môi nát những nếp nhăn run run, mấp máy:
- Anh bảo sao?
- Thái vì sao mà chết? Bệnh gì?
Bà cười mếu máo, nhe hàm răng khấp khểnh cái còn cái mất:
- Có bệnh gì đâu, anh!. Em nó khoẻ lắm. - bà nắn cánh tay tôi - Nó khoẻ
có dễ còn hơn anh đấy. Trước hôm em nó mất, nó còn lộn cho tôi cả cái
vườn đàng trước đấy. Nó tính trồng cà, dền cơm, với rau đay nữa, bảo để
mẹ nấu canh cua ăn cho mát ruột. Bây giờ cỏ mọc um tùm. Tôi mặc. Còn ai
nữa mà làm?
Bà nấc lên. Rồi chợt nhớ ra phải hỏi thăm tôi một câu:
- Anh được mấy cháu rồi?
- Thưa bác, hai. Một trai, một gái. Vợ Thái đâu?
- Nào đã có. Khốn nạn, tôi giục nhiều rồi, dưng mà em nó kén. Đám này
chê đẹp quá, lấy về để mà mọc sừng à, đám kia chê xấu quá, đi bên cạnh
ngượng mặt. Mãi mới ưng được một đám. Con bé không xinh, nhưng hiền hậu,
tốt nết, ngoan ơi là ngoan. Thế mà đùng một cái...con tôi chết! Ối con
ơi là con ơi!
Bà lại khóc oà, người đung đưa như lên đồng. Vừa lúc Nga, cô em gái bạn
tôi, từ nhà chồng về thăm mẹ. Cũng như mẹ cô, nhìn thấy tôi là cô bổ
đến, ôm chầm lấy tôi, gào lên những tràng thảm thiết. Tôi nhìn Nga, cảm
thấy lòng quặn đau nỗi buồn mênh mông trước cảnh vật đổi sao dời. Cô gái
mỏng mày hay hạt ngày xưa bây giờ là một người đàn bà xồ xề, gương mặt
thanh tú trở thành hốc hác, với làn da bủng beo.
Đến khi đã bình tĩnh lại, cô mới thổn thức kể cho tôi nghe về cái chết
của anh trai. Thì ra đó chính là cái chết mà trong cơn gà gật trên ca-nô
tôi đã được nghe.
Đầu đuôi là thế này.
Hôm ấy, Thái được ông bác sĩ giám đốc bệnh viện tỉnh rủ đi một huyện xa
để thăm một bệnh nhân, hình như có bà con với ông ta. Từ ngày được Bộ
cấp cho một cái com-măng-ca để đi công tác, ông giám đốc rất chăm đi
thăm bệnh nhân ở các huyện xa thị xã. Lần này, ông đặc biệt muốn có Thái
đi cùng, không rõ vì đó là một ca khó chẩn đoán, hay vì ông muốn chưng
diện với bà con, bởi Thái là bác sĩ có tiếng trong tỉnh, bệnh nhân nào
được bác sĩ Thái khám cho là vinh dự.
Khi trở về, ông giám đốc bảo Thái xuống xe để đánh xi-nhan cho ông ta
cho xe vào ga-ra. Tai nạn xảy ra vào phút đó. Lẽ ra, khi xe đã lùi gần
tới, phải đạp phanh thì ông ta lại nhấn ga. Cái xe chồm lên tông cả hậu
xe vào bạn tôi, ép anh vào tường. Khi được đưa vào phòng cấp cứu, Thái
vẫn còn sống. Anh chỉ còn nói được một câu:
- Mẹ ơi, con thương mẹ quá!
Bà hộc tốc chạy vào thăm con, ngất ngay tại chỗ. Người ta tiến hành cấp cứu bà ngay bên giường người con trai hấp hối.
Thái chết đúng vào đêm trước ngày anh cưới vợ. Cô dâu và họ nhà gái ngồi
chật một xe ca từ Hải Phòng về để tổ chức đám cưới thì lại phải dự đám
ma. Cô dâu chưa kịp mặc áo cưới đã phải mặc áo tang.
Nga dẫn tôi ra thăm mộ Thái. Trên ngôi mộ mới cỏ bắt đầu mọc lưa thưa. Rải rác bên những búi cỏ là những viên sỏi trắng.
Tôi thắp nhang cho Thái, trong khi Nga tỉ mẩn ngồi xếp lại những viên sỏi.
- Trẻ trâu chúng nó phá quá! Chị Hương, vợ anh Thái, không quay lại Hải
Phòng cùng với nhà gái mà ở lại đây cả tháng với mẹ em. Không biết chị
ấy đi kiếm sỏi ở đâu tha về để xếp thành tên hai người, nhưng chỉ được
vài bữa là trẻ trâu lại xoá sạch. Chẳng hiểu chúng nó lấy sỏi để làm gì,
đánh rải gianh hay để ném nhau?
Tôi nghĩ: không phải trẻ trâu, thời gian sẽ xoá đi tất cả.
Cuộc đời là vậy. Tất cả rồi như vậy. Như vậy trong sự hiện hữu của ta,
như vậy trong sự lãng quên những người khác, từng hiện hữu như ta.
- Tại sao hôm sau đã cưới mà Thái còn đi với ông giám đốc làm gì?
- Em cũng không hiểu. Ở nhà đã lo đủ cả: trang hoàng phòng cô dâu chú
rể, tiệc mặn, tiệc ngọt mẹ em đã nhờ người ta, đâu vào đấy rồi. Nói vậy,
chứ cũng còn khối việc phải để mắt đến, phải kiểm tra lại...Lẽ ra, anh
em nên có mặt.
- Anh ấy cả nể?
- Cũng không hẳn thế. Anh còn nhớ vụ mẹ em bị bắt trói không?
- Nhớ.
- Từ hồi ấy tính tình anh em thay đổi hẳn. Thỉnh thoảng anh ấy lại nổi
cơn bướng, cả với mẹ em anh ấy cũng thế...Anh ấy hay tư lự, ít nói lắm,
nhưng em rất sợ khi anh ấy nổi khùng. Người hiền thì hay cục.
- Anh ấy có nổi khùng lần nào ở bệnh viện không?
- Không. Anh Thái em có tiếng là hiền lành.
- Anh ấy nể ông giám đốc lắm à?
- Cũng phải nể chứ. Với lại tính anh ấy thế - không muốn mất lòng một ai.
Ở mọi nơi, tôi đều gặp cái sợ, được che giấu bằng một từ dễ nghe hơn - nể nang.
- Ông giám đốc rồi sau có việc gì không?
- Ông ấy được chuyển lên Hà Nội, làm phó giám đốc một bệnh viện lớn.
- Tại sao lại như thế nhỉ? Ít nhất thì ông ta cũng phải chịu một hình thức kỷ luật nào chứ? Cứ thế mà xong được à?
Nga nhìn ra xa, thở dài:
- Ông ta, nói cho công bằng, đâu có cố ý...
- Thì cũng là khuyết điểm nặng chứ? Phải có hình thức kỷ luật nào chứ?
- Tai nạn thôi, anh ạ. Gia đình em cũng không khiếu nại. Ông ta không
phải người xấu. Anh Thái em mất rồi, người ta mới biết bằng lái ông ấy
cũng chẳng có, được cậu tài xế dạy cho mấy bữa là ngồi lên lái bừa.
Người như ông ấy, vừa làm giám đốc bệnh viện, vừa có chân trong tỉnh uỷ,
lấy bằng lúc nào mà chẳng được, không cần thi cũng có bằng. Nhưng ông
ấy chủ quan, cho rằng chẳng công an nào hỏi mình.
- Không ai đặt vấn đề kỷ luật với ông ta cả?
- Không. Trong tỉnh uỷ cũng có người khuyên mẹ em khởi tố đấy, mẹ em
không nghe. Đàng nào thì anh Thái cũng mất rồi...Mình thiệt, còn với
người khác thì đây lại là cơ hội để hất cẳng nhau.
Mặt trời xuống, đỏ như máu. Mấy con chuồn chuồn lửa bay lượn trên đầu
chúng tôi. Cái nóng ban ngày được gom lại vào cuối ngày dường như cố
bùng lên lần chót làm không khí loãng hẳn ra.
- Cô được mấy cháu rồi? - tôi hỏi Nga.
- Ba. Hai trai, một gái.
- Chú ấy làm nghề gì?
- Thợ chữa máy, anh ạ.
- Lương lậu khá không?
- Lương thì nói làm gì, anh! Bổng mới là chính. Sống cũng tạm được. Anh có biết câu: "trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà không"?
- Biết.
- Nhưng dễ hư hỏng lắm, anh ơi. Nông dân có cái máy cày, họ sợ hỏng lắm,
họ có biết máy móc gì đâu...Họ chiều thợ máy như chiều vong. Không phải
chỉ có gà, còn rượu nữa. Nghiện chẳng mấy chốc đâu.
Nga ở lại nhà mẹ làm cơm đãi tôi. Người chồng dắt con đến, mặt đỏ phừng
phừng. Thị xã nhỏ, nhà có khách thì hàng xóm cũng biết. Trong bữa, anh
ta uống như hũ chìm. Lại còn luôn miệng giục tôi:
- Kìa, ông anh, đưa cay nữa đi chứ! Mấy khi anh lại nhà...
Nga cúi mặt xuống, thở dài.
Ba đứa trẻ gắp luôn tay, chúng không để lỡ dịp được ăn những món ngon trong bữa cơm thịnh soạn, không phải ngày nào cũng có.
Mẹ Thái ăn chậm chạp trong im lặng. Bà lão nhai trệu trạo bằng mấy cái
răng hàm còn lại, răng cửa đã mất hết. Tôi có cảm giác bà lão nghe thấy
tất cả, hiểu rõ tất cả những gì đang diễn ra quanh mình, và tất cả những
cái đó không còn làm bà buồn hay vui nữa, tất cả chỉ là nguyên liệu cho
bộ máy suy ngẫm câm nín vẫn tiếp tục làm việc theo quán tính. Ngoài sự
suy ngẫm, bà không còn sức để làm gì hết, kể cả đưa ra một lời khuyên
ông con rể đang trôi tuột vào biển say.
Đêm đến, bà lão buông màn cho tôi trên cái giường của người con trai
không còn nữa. Từ bộ giát, manh chiếu, cho tới cái màn, bốc lên mùi ẩm
mốc lưu cữu. Tôi nghe tiếng bà lão thổn thức trong mơ, bên kia vách.
Sáng ngày ra bà thì thầm bảo tôi:
- Này, cái Nga nhà tôi ăn tiền của lão giám đốc đấy. Lão ấy lén lút đưa
tiền cho cái Nga để ỉm vụ này đi. Con Nga thẽ thọt với tôi: "Thôi, mẹ ạ.
Đàng nào thì người nhà mình cũng chết rồi. Người ta có đi tù thì anh
con cũng chẳng sống lại được nào". Thời buổi bây giờ thế đấy. Nó thương
anh chẳng bằng thương tiền...
- Thế bác bảo sao?
- Thì còn bảo sao nữa? Nó nói phải. Nhà nó nghèo. Người ta lại có nhiều tay chân. Cũng phải giữ cho chồng nó thí.
Trở về Hà Nội ngày hôm sau, tôi viết quàng quấy cho xong, như cách rũ
nợ, bài báo về nghề chạm bạc cổ truyền. Những nhân vật thú vị ở Đồng Sâm
nằm liệt trong sổ tay của tôi.
Tôi hoàn toàn không hài lòng về bài báo. Nó chỉ là cái để lấp chỗ trống.
Nhưng thư ký toà soạn hài lòng: bài báo không chê vào đâu được, đứng về
mặt lập trường. Chắc chắn nó sẽ không bị "trên" gạt bỏ. Số báo của
chúng tôi sẽ ra đúng hạn.
Cái chết của Thái trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Tôi không nghĩ được về
điều gì khác. Tôi nghĩ thể nào tôi cũng phải viết về cái chết của bạn.
Câu chuyện tôi vừa kể là một sự việc. Tuỳ theo cách ta nhìn, sự việc
mang hình dạng này hoặc hình dạng khác. Và cách lý giải nó cũng khác. Rõ
ràng có một tai nạn đã xảy ra. Nhưng có một cái gì hơn là một tai nạn
nằm ở đó. Một cái gì không ngẫu nhiên, hoặc không hoàn toàn ngẫu nhiên.
Nửa năm sau, tôi bắt đầu viết truyện ngắn về cái chết của bạn mình. Có
vẻ đó là một truyện dễ viết - chất liệu đã có sẵn, đầy đủ, mà là chất
liệu không tồi. Ấy thế mà cặm cụi viết tới lần thứ ba rồi, truyện vẫn cứ
tẻ ngắt. Tôi vứt đấy cả năm, rồi viết lại. Không phải một lần. Truyện
ngắn vẫn không thành. Cho đến lúc tôi hiểu ra rằng nó không thể thành
được chừng nào tôi còn có mưu toan giải thích cái chết của bạn mình.
Đàng sau cái chết định mệnh thấp thoáng bóng dáng của một cái gì đó tồi tệ hơn. Cái gì đó ấy đã gây ra bi kịch.
Thái sợ, tôi nghĩ. Nếu không sợ, bạn tôi đã dám từ chối chuyến đi định
mệnh. Tôi biết tính bạn. Anh chỉ bắt đầu biết sợ từ khi nhìn thấy sức
mạnh vô tình của bạo lực bắt nguồn từ ngu xuẩn.
Nhưng không phải nguyên nhân chỉ có thế. Không đơn thuần là thế.
Tôi tìm cách giải thích cội nguồn những bi kịch tương tự, chúng rất
nhiều trong những năm ấy, nhưng không tìm ra. Hoặc tìm ra quá nhiều.
Không có cách giải thích nào làm tôi thoả mãn. Tôi mơ hồ cảm thấy mình
sai lầm ở chỗ nào đó, trong cả cách nhìn lẫn trong cách lý giải sự việc.
Cái chết của Thái là một sự việc thoạt trông thì đơn giản, nhưng quan
sát kỹ thì thấy nó là một sự kiện đa diện, đa tầng, và không thể có một
kết luận đơn giản.
Rốt cuộc, tôi quyết định chỉ kể lại câu chuyện. Như là một ghi chép về
một chuyến đi đáng nhớ trong đời làm báo. Rất có thể nó sẽ có ích cho ai
đó với tư cách chất liệu. Hoặc một bức tranh ghép vụng về, trong đó
người ta có thể thấy thấp thoáng bóng dáng một thời đại.
Tôi cảm thấy mình bất lực. Tôi không thể làm kỹ sư tâm hồn, như các vị
làm công tác tuyên giáo thường tâng bốc những người làm nghề cầm bút. Mà
nói gì kỹ sư, đến thợ tâm hồn cũng không xong.
Tôi không nghĩ rằng câu chuyện được viết ra lần này sẽ tốt hơn. Nhưng không viết thì tiếc.
Vì không biết cách viết tốt hơn, tôi viết đúng những gì tôi đã thấy.
Vũ Thư Hiên
(FB Vũ Thư Hiên)
CHUYỆN Ở TỈNH LỴ *
Giọng khàn khàn, mặt hằn dấu một đêm mất ngủ, anh gượng nở một nụ cười, nhưng không thành. Trong tấm áo sơ mi màu cháo lòng và cái quần kaki nhiều tuổi, cả hai đều thùng thình, trông anh thật thảm hại.
Thư ký toà soạn ngồi ủ rũ sau bàn làm việc, ngước cặp mắt đục ngầu nhìn tôi:
- Số nầy mình lại thiếu bài đấy, ông ơi! Ông coi có chi lấp vô đó không?
Giọng khàn khàn, mặt hằn dấu một đêm mất ngủ, anh gượng nở một nụ cười,
nhưng không thành. Trong tấm áo sơ mi màu cháo lòng và cái quần kaki
nhiều tuổi, cả hai đều thùng thình, trông anh thật thảm hại. Bên trên
thân hình thấp bé và cái cổ ngẳng là cái đầu to quá khổ, ở đó những vết
nhăn trên trán và hai đường pháp lệnh hằn sâu nơi khoé miệng làm cho anh
có dáng một thầy ký già thời trước.
Tôi cố làm ra vẻ không dửng dưng trước nỗi đau khổ của anh:
- Gì vậy, lại bị cúp hả? Mấy bài?
Mùa hè, mới bảnh mắt mà căn phòng đã nóng hầm hập. Trên đầu, cái quạt
trần Marelli già lão kêu kèn kẹt. Nước trà đặc vừa pha bốc hơi trên
những chén sứ Hải Dương.
- Một bài thôi. Mấy bài có mà chết.
- Mất lập trường?
Anh nhún vai:
- Đại khái thế. Còn vì cái gì nữa?
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước việc ai đó trong chúng tôi mất lập
trường. Ở tờ báo của chúng tôi, mà ở tờ báo nào cũng thế, cái sự mất này
xảy ra thường.
- Một bài, cả ảnh, thì có gì khó.
- Nhưng đề tài nào đây? Khốn nạn là ở chỗ ấy cơ, ông ơi.
Toàn bộ con người anh toát ra vẻ mỏi mệt, trông mà thương.
Tôi không coi việc tờ báo bị cắt bài là chuyện quan trọng. Cái tai nạn
này, nói cho đúng, không xảy ra cho mỗi số báo, nhưng một khi đã xảy ra,
nó có dáng dấp một biến cố. Mọi người đều bị chấn động.
Tôi thì không. Tôi không gắn bó với tờ báo. Không phải bởi tình yêu nghề
nghiệp mà tôi đến với nó, số phận dun dủi đưa tôi tới đó. Thêm vào đấy,
tôi biết rất rõ rằng mọi tai họa đều nhẹ khi nó không phải của riêng
ai, mà thuộc về một đám người do tình cờ có chung một chỗ ở hoặc một chỗ
làm, gọi là tập thể.
Tội nghiệp cho thư ký toà soạn - nỗi bất hạnh bao giờ cũng đến vào phút
chót, cũng nhè vào đầu anh, chứ không phải vào đầu ông chủ nhiệm chẳng
hạn, đúng vào lúc phải giao "bông" lần chót cho nhà in.
- Chán mớ đời! - anh ngả người trên ghế, nhắm mắt lại, giọng não nuột.
- Ông tính sao? - tôi hỏi.
- Đang nghĩ, mà chưa ra - anh gãi đầu, đáp.
Mới đầu giờ làm việc mà anh gọi tôi qua phòng anh uống trà là tôi biết
ngay có chuyện chẳng lành. Hai chúng tôi hiếm khi trà lá với nhau. Cái
trà đạo thuần Việt này một thời rất thịnh hành ở các cơ quan - một thứ
giải lao hiền lành, vô thưởng vô phạt, không hại cho ai, chỉ làm mất
thời giờ của nhà nước. Mà thời giờ là cái mà nhà nước không quý. Khi một
người đã ở trong biên chế, anh ta làm được việc hay không làm được việc
không phải là điều quan trọng. Nếu anh ta làm việc không ra gì thì
người ta phê bình, cảnh cáo, tệ hơn nữa thì thi hành kỷ luật, thuyên
chuyển công tác, nhưng đuổi việc thì không.
Giữa tôi và thư ký toà soạn xích mích không, thành kiến không, nhưng
thân nhau cũng không nốt. Ra khỏi quân đội sau khi hoà bình lập lại, anh
là chính uỷ trung đoàn, tôi ở cấp đại đội. Sự khác biệt này, có vẻ
không đáng kể trong tình đồng chí, nhưng nó lại tạo ra một cái hố không
dễ vượt qua.
Tôi khuyên anh:
- Nghĩ ngợi làm quái gì, ông xem còn bài dự trữ nào thì cho đại vào.
Anh khổ sở lắc đầu:
- Bới đâu ra? Nhẵn như chùi.
Trước khi báo ra, theo lệ, anh phải trình nó, đã "mi" tử tế, lên nguyên
tổng bí thư đảng, người đẻ ra tờ báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài của
chúng tôi. Ngay từ những số đầu tiên, nhân vật ngũ đoản, hói đầu, lùn
tịt, mà chân dung chễm chệ trong mỗi nhà, đã xắn tay áo duyệt từng bài,
từng ảnh. Bài nào không ưng, ông xổ toẹt không thương tiếc. "Báo của ta
dành cho độc giả ngoại quốc, phải đặc biệt cẩn thận, không được để sót
một lỗi nhỏ. Thế giới người ta nhìn vào, chớ để người ta khinh mình",
ông căn dặn chúng tôi, không phải chỉ một lần, bằng giọng cha trẻ của
dân tộc.
Cái lệ ấy được giữ mãi, kể cả khi ông mất ghế tổng bí thư vì một sai lầm
không phải do một mình ông gây ra. Bây giờ ông chỉ còn một chức vị hữu
danh vô thực, nhưng lệ cũ vẫn được giữ. Chẳng ai giành của ông cái việc
duyệt bài cho một tờ báo. Chuyện khó tin mà có thực. Đời nào tổng bí thư
thèm duyệt bài cho một tờ báo, dù đó là báo đảng, nhưng đó là sự thật,
tôi không bịa chuyện. Ở nước ta trên là Trời, dưới là tổng bí thư. Sở dĩ
ông trời con của chúng tôi chiếu cố đến việc vặt là vì ông thích làm
gương cho cán bộ cấp dưới. "Phàm là cán bộ thì phải "thực sự cầu thị",
cái gì cũng phải nắm vững, không để cái gì tuột qua mắt mình", ông cao
giọng dạy cấp dưới.
Ai chẳng biết để kiểm tra nội dung tư tưởng các sản phẩm văn hoá đã có
Ban tuyên giáo Trung ương và các ban ngành chuyên môn khác, kể cả các
cục vụ tương đương trong Bộ Công an. Mà tất cả đám này cũng chỉ ngó tới
các bài báo trong trường hợp đặc biệt, khi có người phát hiện những sai
sót nghiêm trọng. Cái việc vặt ấy đã có cán bộ tại chỗ phụ trách: nào
chủ nhiệm, nào tổng biên tập, nào thư ký toà soạn, nào bí thư chi bộ,
rồi các chi uỷ viên, đảng viên, các phần tử tích cực sắp được kết nạp
Đảng, và chính người viết bài, nghĩa là tất tần tật mọi người, không trừ
một ai. Một sự tự kiểm duyệt hoàn hảo.
Tôi mách nước:
- Hay là cho đi một ảnh phong cảnh? Hoặc một trang biếm hoạ?
- Tớ chả dại - thư ký toà soạn quầy quả phẩy tay như xua ruồi - Ông còn
nhớ vụ cái tranh vui bên tờ Lao Động không? Cái đó dễ ăn đòn lắm. Chết
có ngày. Cần một bài, ông ạ, một bài thôi, càng vô thưởng vô phạt càng
tốt.
- Còn mấy ngày?
- Ít là ba, nhiều là bốn.
- Hừm, căng đấy. - tôi lầu bầu.
- Chứ lại không căng à?
Tôi cười ranh mãnh:
- Thì ông cứ nói thẳng ra xem nào. Ý ông muốn tôi làm chứ gì?
Anh hì hì:
- Ông tính, còn ai vào đấy chứ?
Phần lớn phóng viên, biên tập viên lúc này vắng mặt. Vả lại, thư ký toà
soạn thừa hiểu dù có mặt họ cũng không đủ tháo vát để lấp cái chỗ trống
huếch trống hoác kia một cách chắc chắn, để không bị trên xổ toẹt lần
nữa. Tôi đã đôi lần cứu nguy cho tờ báo trong trường hợp tương tự, anh
tin ở tôi.
Suy nghĩ một lát, tôi nói:
- Thôi được, tôi đi vậy. Nhưng lần này đi gần thôi đấy nhé.
- Ông đi xa có mà chết tôi à?
Mặt anh tươi hẳn. Về chuyện tôi chọn nơi nào anh không bao giờ có ý
kiến. Mặc tôi muốn đi đâu thì đi, miễn phải có bài. Và đúng hạn.
Rút trong ngăn kéo bàn một gói Điện Biên bao bạc nguyên vẹn, thư ký toà
soạn đẩy nó về phía tôi. Đấy là phần thưởng cho sự đồng ý của tôi. Vào
thời gian này thuốc lá hiếm, phải là cấp lãnh đạo mới có tiêu chuẩn phân
phối Điện Biên bao bạc. Chúng tôi, biên tập viên và phóng viên, chỉ
được mua Tam Đảo thôi, mà nhiều khi Tam Đảo cũng chẳng có, người ta thay
vào thuốc lá vụn của nhà máy Thăng Long. Tôi xứng đáng được thưởng,
chắc anh nghĩ thế.
Ở toà soạn các tờ báo, không riêng ở chỗ chúng tôi, mọi người lười đi
địa phương lắm. Lương phóng viên, được tính như làm việc trí óc, rất
thấp so với công nhân làm lao động chân tay. Công tác phí thì chẳng được
bao nhiêu, giá sinh hoạt ở các tỉnh lại đắt đỏ do thiếu hàng bao cấp,
không khéo giật gấu vá vai là lỗ vốn. Phóng viên đùn đẩy nhau đi công
tác là chuyện hàng ngày.
Tôi khác. Tôi được coi là con dao pha trong nhiều lĩnh vực, lại dễ tính,
cho nên thư ký toà soạn quen đẩy tôi vào những việc anh em khác ngại,
không muốn làm.
Không ai biết rằng tôi thích được đi xa. Đi là dịp tốt cho sự bồi bổ
kiến thức, làm lợi cho mình, mà lại được nhà nước trả tiền, còn gì tốt
bằng? Và cái chính là tôi ngán đến tận cổ những cuộc kiểm điểm nội bộ
thường kỳ, những buổi nghe "trên" thông báo chính sách, giải thích đường
lối, những đợt học tập chính trị không ngừng. Tất cả những thứ lởm khởm
đó làm cho bầu không khí thành phố đã vốn ngột ngạt lại càng thêm ngột
ngạt.
Nhưng tôi không bao giờ tôi để lộ ý thích của mình. Sách của tôi là thế
này: muốn được đi nhiều, đi những chuyến xa xôi, tốn kém, thì phải biết
giấu cái thích của mình đi. Phải làm ra vẻ ngần ngại, phải viện lý do
này nọ đã, phải õng ẹo từ chối cái đã, để cho người ta phải năm lần bảy
lượt nói khó với mình cái đã, rồi mới giả bộ bị thuyết phục bởi những lý
do mà họ đưa ra, để rồi sau hết mới chịu, ừ, đi thì đi.
Lạ thế đấy, nhưng mà đúng là thế đấy, trong cái xã hội kỳ cục của chúng
tôi, mình muốn cái gì thì y như rằng cứ phải giấu, cứ phải làm ra vẻ
không thích, thì mới được toại nguyện.
Khi nói chuyện với thư ký toà soạn, trong bụng tôi đã chọn Thái Bình. Nó
có thừa những cái thú vị để viết. Riêng mảng nghệ thuật dân gian như
chèo, múa rối cạn, múa rối nước, nghề chạm bạc, nghề đan lát, các trò
chơi, hội hè, đình đám..., muốn bao nhiêu bài cũng có. Vả lại, tôi thích
đi nông thôn hơn tới các thành phố. Đối với tôi nông thôn mãi mãi là
một cái gì khó hiểu, nó gợi tò mò, nó đòi phải giải đoán. Tôi không tài
nào hiểu nổi vì lẽ gì người quê tôi, hiền lành một cục, đang sống với
nhau yên lành là thế, bỗng dưng hoá điên cả lũ hồi cải cách ruộng đất,
nhà nọ tố nhà kia, con cái tố bố mẹ. Lại có cô gái ngẩn ngơ, điếc lác,
xưng xưng vạch mặt ông chủ tịch xã hiếp mình mấy chục lần, kể vanh vách
từng lần một. Đến sửa sai, thì khóc rưng rức: "Con cắn cỏ con xin lỗi
ông, chứ thứ con có nằm ngửa ra mời cũng chẳng ma nào nó rờ". Những tác
phẩm viết về đề tài nông thôn tìến lên xã hội chủ nghĩa của mấy nhà văn
hay chữ và khôn lỏi, được giới phê bình kém hay chữ nhưng khôn lỏi không
kém, tán dương ầm ĩ, không thuyết phục được tôi. Chúng giống những phác
hoạ vụng về của thợ vẽ phố chợ, không phải cuộc đời.
Từ Hà Nội đến Thái Bình gần lắm. Chỉ việc ngồi tàu hoả một mạch đến Nam
Định, rồi đáp ô tô qua sông Hồng ở bến đò Tân Đệ là đã sang đất Thái
Bình.
Nghĩ thế nào, vào phút chót tôi lại đổi ý, không ra ga Hàng Cỏ lấy vé đi
tàu hoả nữa mà đạp xe ra Phà Đen, mua vé ca-nô xuôi sông Hồng. Phương
tiện di chuyển bằng đường sông chậm rề rề. Chỉ được cái rẻ. Nhưng đắt rẻ
đã có nhà nước thanh toán, rỗi hơi mà tiết kiệm cho ngân sách. Tôi chọn
cái phương tiện ẩm ương này bởi lẽ nhà thơ Quang Dũng, vừa từ châu thổ
sông Hồng về, nói với tôi rằng đi ca-nô trong mùa hè thú đáo để - mát
hơn tàu hoả nhiều, lại tha hồ ngắm cảnh.
Đúng là ca-nô có cái hay của nó - lòng ca-nô thênh thang, ghế ngồi rộng
rãi, lại có cả một khoảng trống lớn ở giữa, có thể trải vải nhựa ra mà
nằm. Khi tôi tìm được chỗ ngồi thì dưới chân tôi đã có mấy người ngủ mê
mệt.
Nhưng bến ca-nô thì không thể sánh với sân ga được. Nằm ngay bên mặt đê,
bến là cái sườn đê đổ xuống sông. Cái xe đạp, cộng với ba-lô cột chặt
trên đèo hàng, tất cả ở trên vai, tôi phải cố gắng rê từng bước trên
triền đê để không bị lăn lông lốc xuống cái dốc dựng đứng. Sau một lúc
đi ngang như cua, thở phì phò như bễ lò rèn, rốt cuộc rồi tôi cũng trôi
được xuống lòng cái ca-nô đang bình thản đung đưa trên mặt nước màu gạch
của phù sa đậm đặc.
Ca-nô cũng có cái khó chịu của nó. Trước hết là những mùi khó ngửi.
Không thể kể ở đây có bao nhiêu mùi: mùi khói cay xè của động cơ đi-den,
mùi phân và nước giải lợn, mùi hôi từ những bu gà, mùi quần áo người
không bao giờ biết đến xà phòng… May, khi ca-nô bắt đầu chạy thì gió
sông Hồng cũng bắt đầu lồng lộng thổi vào, mang theo hương phù sa nồng
ấm. Nhưng gió chỉ thổi từng đợt, khi gió vừa ngừng là những mùi khó chịu
lại chồm lên, xộc vào mũi.
Không khí ẩm bị mặt trời thiêu đốt tạo ra ảo giác như thể những tháp
chuông giáo đường ở nơi chân trời bị mất trọng lượng, chúng hiện lên
không rõ nét, khẽ rung rinh bên trên những dải làng mạc màu lục nhạt của
tranh thuốc nước. Những con thuyền đi ngược chiều trôi vùn vụt, không
một tiếng động, như thể chúng là hình ảnh trong mơ. Gió quạt hơi ẩm vào
mặt, gây buồn ngủ. Giấc ngủ luôn bị đứt quãng bởi giọng ténor của anh ét
ca-nô, một thanh niên loắt choắt và đen nhẻm, réo rắt xướng tên bến.
Những cái tên nôm na thật dân dã, những cái tên sang trọng sặc mùi Hán
Việt, tên nào được anh ta xướng lên nghe cũng thấy thú vị.
Ca-nô không phải ô tô, nó không rẽ vào bến. Trên đường đi của nó, ca-nô
bỗng kéo vài hồi còi hiệu, đột ngột giảm tốc độ. Lúc ấy tiếng máy trở
thành ngập ngừng một lát, rồi tắt hẳn. Ấy là nó đến bến, chờ những con
đò bé nhỏ từ bờ sông bơi ra "màn xế". Những con đò im lặng vùn vụt bay
trên mặt sông, áp vào mạn ca-nô, lắc lư đi theo nền văn minh cơ giới một
quãng, vừa đủ thời gian cho khách lên khách xuống, cùng với thúng mủng,
gồng gánh và bao tải. Khách đi ca-nô không phải mua vé trước, ở các bến
quê không có trạm bán vé, lên ca-nô cứ việc kiếm chỗ ngồi, anh ét khắc
tới thu tiền.
Mỗi lần những con đò áp mạn là mỗi lần tôi tỉnh giấc.
Tiếng rao hàng trên những bến sông không ngân nga như những tiếng rao
hàng ở phố. Nó bốc cao, the thé, dữ tợn và cộc cằn. Những người bán rong
trên sông thường là đàn bà. Mà thường là đàn bà không nhỏ nhắn. Ấn
tượng này gây ra bởi một chị chàng cao lớn vận đồ đen từ con đò đầu tiên
áp mạn, có lẽ thế. Vừa nhảy lên ca-nô, chưa hạ thúng hàng trên đầu
xuống, chị ta đã quát lớn "Dày giòòò!". Gương mặt xạm nắng, xương xẩu
của chị gợi hình dung về một tẩu tẩu Lương Sơn Bạc. Khách đi ca-nô hiếm
khi mua quà. Mỗi người đã mang theo cơm nắm muối vừng, hoặc mấy khúc
sắn. Tôi mua của tẩu tẩu một cặp bánh dày nhỏ kẹp một lát giò lụa mỏng.
Ngồi bên cạnh tôi là một người vận bộ đại cán bạc màu, đeo xà-cột vải
bạt - một người nhà nước ở cấp huyện. Khi ca-nô bắt đầu chạy, anh ta giở
báo Nhân dân ra đọc, nhưng chỉ được vài phút là đã ngáy ầm ầm, đầu ngật
ra đàng sau. Mãi đến khi mặt trời đứng bóng, anh ta mới choàng tỉnh.
Giật mình vì ngủ quên, anh ta vén tay áo xem đồng hồ, rồi tức tốc moi
bánh mì trong xà-cột ra ăn. Cái bánh mì bị mổ bụng, chắc có kẹp thịt
hoặc ruốc. Hành động của người nhà nước lập tức được đám dân chúng bắt
chước. Họ đồng loạt giở thức ăn mang theo ra, mời mọc nhau ỏm tỏi. Cả
ca-nô lập tức ồn ào. Tôi lấy cặp bánh dầy của tôi ra, ăn cùng họ.
Mấy người đàn bà ngồi dưới sàn, quần áo lôi thôi lốc thốc, ngồi giãi
thải trên sàn gỗ đen xì dàu mỡ, ăn xong trước tôi, bắt đầu cuộc chuyện
vãn bất tận. Tôi lại thiêm thiếp ngủ trong những đợt gió thoảng và tiếng
ca-nô rì rầm. Trong sự đổi chỗ của tiếng máy nổ đùng đục và các thứ
mùi, tôi loáng thoáng nghe họ kháo nhau về một tai nạn ô tô nào đó:
- Ông ấy chết tức thì, cả một cái hậu xe tông vào, bà tính, sống sao được...
- Xổ ruột ra hả?
- Không, vưỡn còn nguyên, cấm có chảy tí máu nào. Dưng mà chết.
- Tội nghiệp, ông ấy tốt tính lắm, ở tỉnh ai cũng biết ông ấy, bác sĩ trẻ mà mát tay đáo để...
- Con cháu út bà chị dâu em đau ruột, không gặp được ông ấy thì xanh cỏ
rồi, may ơi là may. Cháu nó khỏi rồi, ông ấy còn đến tận nhà thăm...
- Thế cái ông giám đốc ấy, sau có sao không?
- Sao ông sao trên trời. Giám đốc đâu phải là dân đen...
- Có vậy.
Mãi chiều tối ca-nô mới tới bến.
Gọi là bến cho sang, chứ trên con đê chỉ có một quán nước xiêu vẹo, với
một ngọn đèn Hoa Kỳ toả ánh sáng vàng vọt trong hoàng hôn vắng lặng. Từ
bến ca-nô vào thị xã chỉ vài bước chân.
Hành khách vừa leo được lên bờ đê thì một đàn trẻ con chực sẵn ùa tới.
Chúng không xin, mà lặng lẽ chìa những bàn tay gày guộc về phía họ.
Những cặp mắt trong veo chứa chan hi vọng rõi vào từng mặt, đoán xem
người khách này hay người khách kia sẽ cho hay không cho. Hành khách,
phần lớn có vẻ ngoài không khác những đứa trẻ ăn xin bao nhiêu, bối rối
tránh những cặp mắt dò xét, lật đật bước qua chúng. Vài người dừng lại,
móc túi tìm tiền lẻ. Chủ quán, một người đàn ông hung dữ, từ trong quán
xồng xộc bước ra, tay vung cái roi mây:
- Chết giờ! Đi ngay tắp lự, ông cho chúng bay mấy roi thấy ông bà ông vải bây giờ.
Như một đàn chim sẻ hoảng hốt, lũ trẻ ré lên, chạy tán loạn.
Tôi lang thang trong cái thị xã nhỏ bé, rất điển hình của các tỉnh lỵ,
miền xuôi cũng như miền ngược, có một cửa hàng mậu dịch ăn uống duy
nhất, và nhiều đến ngạc nhiên những hiệu cắt tóc và hiệu vá quần áo. Tôi
chui vào trong tấm liếp chống nắng ở một cửa hiệu sách và bắt gặp qua
tấm kính mờ mịt một Victor Hugo mốc meo bên cạnh một Tolstoi quăn queo.
Bụi phủ đầy Mác và Lênin. Đi đến mỏi chân, tôi quay lại cửa hàng mậu
dịch, ăn một bát phở không người lái mầu nước gạo, uống một cốc xi-rô
nhạt thếch màu cháo tiết, rồi lững thững đạp xe đi tìm nhà trọ.
Nhà trọ mà tôi tìm được thuộc loại rẻ tiền, chỉ có hai phòng, mỗi phòng
sáu giường. Chủ nhà trọ là một ông già gày còm, nghễnh ngãng. Cái nhìn
ngước trên cặp kính lão gọng sừng không giấu giếm theo dõi tôi, cho tới
khi tôi nằm lên cái phản ọp ẹp, trên trải một manh chiếu với màu sắc rất
đáng ngờ. Chắc hẳn đây là một nhà trọ kiểu mẫu, trong số rất ít những
nhà trọ tư nhân còn sót lại của thời tạm chiếm, chỉ ở tỉnh lẻ mới có.
Riêng cái việc ông chủ lật xuôi lật ngược đọc giấy tờ tuỳ thân của tôi
tới mười lăm phút, có khi còn hơn thế, con người này có được chính quyền
tín nhiệm cũng đáng. Từ chỗ nằm của tôi một khẩu hiệu kẻ chữ đen trên
giấy vàng đập vào mắt: "Không nói, không nghe, không thấy". Mệt mỏi, tôi
ngủ ngay lập tức, thực hiện "ba không" một cách nghiêm chỉnh.
Sáng hôm sau tôi oằn lưng đạp xe về phía biển, đến Đồng Sâm, ngôi làng
trù phú nhất tỉnh. Làng này nổi tiếng không những trong tỉnh, mà cả miền
Bắc. Làng của những người thợ bạc, thợ làm đồ kim hoàn, có lịch sử lâu
đời, không biết đã bao nhiêu thế kỷ. Các bậc chức sắc trong làng tuồng
như đã quen với sự đến thăm của các nhà báo, tiếp tôi vừa đủ vồn vã, vừa
đủ thân mật, chứ không suồng sã. Bí thư xã, một người đen đủi, ít lời,
trong bộ quân phục bạc phếch, rít điếu thuốc cho đến tụt vào nõ, rồi
ngửa mặt lên trời mà nhả khói:
- Đồng chí định ở chỗ chúng tôi mấy ngày? Chỉ viết về nghề bạc thôi à?
Nghề bạc của chúng tôi truyền thống lắm, nhiều đồng chí đã đến, trung
ương có, địa phương có, nhà báo, nhà văn, đủ cả. Hay là đồng chí muốn
tìm hiểu thêm về phong trào dân quân? Đồng Sâm chúng tôi sắp được Bộ
Tổng tặng cờ Ba Nhất đấy...
Cuộc sống cho tôi cái mẫn cảm cần thiết. Qua những câu hỏi kín đáo tôi
hiểu ông bí thư mặt đen, lưng hơi còng còng kia muốn thăm dò tôi muốn
gì. Tôi đã đến một số địa phương khá giả, được coi là ăn nên làm ra. Ở
những nơi này người ta không thích đám nhà báo tò mò, thóc mách, đám này
tới chỉ tổ rách việc. Tôi cố ý để cho ông bí thư hiểu tôi chỉ là một
nhà báo công chức, tôi hài lòng với những báo cáo viết sẵn do cán bộ văn
phòng của ông cung cấp, tôi sẽ chỉ đặt cho họ những câu hỏi vô thưởng
vô phạt. Ông chủ tịch cục mịch và hồn hậu thết tôi một bữa thịnh soạn,
có thịt thủ và rượu lậu. Nói tóm lại, tôi tính sẽ làm xong trong một
ngày công việc thu thập tài liệu cho bài phóng sự lấp chỗ trống.
Có những làng nổi tiếng chỉ bởi một nghề, như làng Đồng Sâm này. Có thể
nói ở khắp nước, nơi nào có cửa hàng vàng bạc là ở đó ta gặp người Đồng
Sâm. Dường như Trời dành riêng sự khéo tay trong nghề chạm trổ trên kim
loại cho người làng này, chứ chẳng cho làng nào khác. Thời chưa cách
mạng, người Đồng Sâm thường làm chủ hiệu, có thuê thợ thì cũng thuê
người trong họ ngoài làng, không thuê người ngoài. Rất hiếm khi có người
Đồng Sâm nhận thợ không cùng quê. Bây giờ, thời xã hội chủ nghĩa, không
ai được làm chủ nữa, nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng bạc, các
chủ hiệu đều là cán bộ nhà nước. Trong các cửa hàng vàng bạc quốc doanh,
vẫn người Đồng Sâm đấy, nhưng là công nhân theo ngạch bậc xí nghiệp
quốc doanh. Mặc dầu vậy, ở cái gốc của nghề tổ, với tư cách làng chuyên
một nghề, chủ nghĩa xã hội không làm cho Đồng Sâm mất đi vị thế một làng
giàu. Đi sâu vào làng này, tôi có cảm giác như đi trong những phố nhỏ
ngoại thị Hà Nội - nhà ngói san sát, đường giữa các xóm lát gạch hoặc
tráng xi-măng, trẻ con trong nhà mẫu giáo ăn vận bảnh không kém con cái
viên chức nhà nước trong các trường Mầm Non của thủ đô.
Bằng cách nào người ta giữ được sự giàu có ấy là câu hỏi không nên đặt
ra. Ở Đồng Sâm có hai hợp tác xã, một nông nghiệp, một thủ công nghiệp.
Công điểm của người làm nghề chạm bạc cao hơn hẳn người làm nông nghiệp,
nhưng không có sự chênh lệch trong thu nhập mỗi gia đình. Họ có mức
sống sàn sàn nhau.
- Vào hợp tác xã nông nghiệp cả để mà chết à? - anh nông dân chủ nhà,
với gương mặt chất phác đặc biệt của dân vùng châu thổ sông Hồng cười
vào mặt tôi - Phải phân công phân nhiệm trong mỗi nhà, ai làm cái gì.
Đau đầu lắm. Nhưng phải thế mới được. Phải đi bằng hai chân, như Đảng
dạy, mới có đường sống, đồng chí nhà báo ạ.
Không thể hiểu nổi anh nông dân này: anh ta ca ngợi Đảng, hay đang giễu Đảng?
Còn đi bằng hai chân là nghĩa thế này: phải làm cách nào đó để được no,
được ấm, thậm chí được sống sung túc, trong điều kiện ông Đảng, ông nhà
nước vẫn hài lòng. Nói thì dễ - đi bằng hai chân -, chứ trong thực tế
làm chuyện đó khó lắm. Hai hợp tác xã - một nông nghiệp, một thủ công
nghiệp - trong một làng phải thông đồng với nhau một cách tài tình lắm,
một cách hài hoà lắm, như trong một dàn giao hưởng, với một chỉ huy có
tài, phải biết tạo ra những báo cáo tuyệt hay và những sổ sách kế toán
đâu ra đó, với kỹ năng của diễn viên rạp xiếc. Tất cả những cái đó là
khó hiểu, không phải đối với một mình tôi. Người nông dân hiểu đảng cầm
quyền hơn hẳn giới trí thức. Họ hiểu: Đảng không quá ngu để biết anh
nông dân bịp mình, nhưng phải bịp sao cho khéo, rồi sau đó kết thúc mỗi
màn bịp bằng một bài đồng ca vinh danh Đảng sáng suốt, Đảng anh minh, là
xong.
Người ta biết lắm: trong thời kỳ trị vì của hai đời tổng bí thư, hai con
người khác nhau, không bỏ lỡ dịp chê bai nhau, thế nhưng cả hai đều
nhất quán trong đường lối: bằng mọi giá phải lùa dân vào các hợp tác xã,
để thực hiện cho bằng được bình đẳng xã hội. Nghèo cũng được, nhưng
bình đẳng. Lãnh tụ tối cao nhắc đi nhắc lại: "Không sợ thiếu, chỉ sợ
không công bằng". Người nông dân nhất nhất tuân theo huấn lệnh của các
lãnh tụ đảng, với vẻ mặt hồn nhiên, tin cậy, nhưng sau lưng các vị, họ
làm ngược lại. Mọi người đều sợ thiếu. Mọi thứ có thể mua được đều được
mua tuốt để tích trữ. Anh chủ nhà một đêm của tôi khoe anh có cả chục
chậu men Trung Quốc. "Không có thứ ấy, mừng đám cưới bằng cái gì bây
giờ?".
Ta có thể đặt thêm một câu hỏi: vì sao người ở các địa phương khác lại
không đua được với người Đồng Sâm về nghề kim hoàn? Chắc hẳn trong nghề
này cũng có lắm điều bí mật cha truyền con nối. Tất nhiên rồi, người
Đồng Sâm trả lời. Bí mật nghề nghiệp bao giờ chả có, ở đâu chả có. Nhưng
đó là cách giải thích không mấy thuyết phục. Đảng không thích những cái
bí mật ấy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mọi sự đều làm được: từ hố xí hai
ngăn cho đến bom nguyên tử. Bởi vì còn sự độc quyền nghề nghiệp của
những phường hội, thì còn có những lĩnh vực tay đảng không với tới. Thế
mà đảng phải chịu làng Đồng Sâm, mới lạ.
Tôi không thích viết những sự việc không nhân vật. Không có nhân vật thì
mọi sản phẩm văn chương - từ bài báo cho tới truyện ngắn - đều tẻ nhạt.
May, Đồng Sâm có những nhân vật thú vị. Trong hai ngày ở Đồng Sâm tôi
được nghe vô số chuyện đời ở nông thôn của những người ruột để ngoài da,
hoặc những người không thấy cần phải đeo mặt nạ với tôi. Như anh chủ
nhà một đêm của tôi chẳng hạn. Anh là cốt cán của uỷ ban xã, chuyên lo
việc cơm nước tiếp khách cho uỷ ban. Một người khiêm tốn, biết vị trí
của mình, nghĩa là không biết gì về công việc của lãnh đạo. Nhưng anh
không đừng được để không nêu những thắc mắc:
- Tại sao nhà nước lại không muốn có người giàu, hở đồng chí nhà báo?
Người ta giàu thì mặc kệ người ta chứ, có chết ai đâu? Rỗi hơi mà ganh
với nhau. Giàu nghèo có số cả. Mà cũng giàu có gì cho cam, dân chúng tôi
ấy. Toàn giật đầu cá vá đầu tôm thôi. Thành ra có tí của để ra cũng cứ
phải giấu. Còn hơn mèo giấu cứt.
Hoặc:
- Thời nào thì cũng thế. Quyền đi đôi với lợi. Dễ tôi vào Đảng để ăn rau lợn cho hàng xóm ăn gà à? Có mà điên.
Thế nhưng than phiền thì than phiền, anh nông dân của tôi không bất bình
với mọi sự cấm đoán của Đảng. Anh coi đó là số phận. Anh ru con bằng
hai câu lẩy Kiều:
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô...
Có lẽ những phóng viên thạo nghề đánh bóng mạ kền từng tới đây làm phóng
sự đã làm cho ông già nghệ nhân cao tuổi nhất Đồng Sâm khó chịu. Ông
nhăn mặt khi thấy tôi loay hoay chọn một góc đẹp để chụp ông.
- Này bác, tươi lên một tí nào - tôi nói.
Ông già hấm hứ:
- Cái mặt tôi có vậy thôi, chụp làm quái gì. Ra mà chụp mấy cô xinh xinh
kia kìa! Ông nhà báo nào về đây cũng chụp mấy cô ấy đấy!
Tôi nhìn theo tay ông chỉ. Mấy cô xinh thật. Trong những bộ cánh diện,
màu sắc tươi tắn, được khoác vào cho các nhà báo chụp ảnh, cô nào cô ấy
tươi hơn hớn, gái Hà Nội không ăn đứt. Khốn nỗi, các cô chỉ là thợ học
việc, được giao làm những sản phẩm hàng loạt. Các cô lại không có hai
bàn tay nhàu nát những nếp nhăn tuyệt đẹp của ông già nghệ nhân. Hai bàn
tay ấy, với làn da xạm và cứng như giấy bao xi măng, cần mẫn và điêu
luyện, ngày lại ngày làm ra vô số kể những tuyệt phẩm trang trí, trông
mà mê.
Đến khi tôi dí sát ống kính vào hai bàn tay của ông thì ông già gắt lên:
- Ông này làm cái gì vậy?
Tội nghiệp cho tôi, ông già không biết rằng tôi rất muốn thể hiện cái
đẹp của hai bàn tay ấy. Tôi lại không có một ống kính chuyên dụng.
Xong việc, tôi đến phòng bưu điện huyện để gọi về Hà Nội.
Thư ký toà soạn đặt một số câu hỏi, bao giờ cũng thừa, bao giờ cũng tràn đầy những lời động viên quen thuộc, rồi giục:
- Tuyệt lắm. Ông về ngay đi.
Tôi nói tôi cần tìm hiểu thêm một số tình hình địa phương, ở đây có
nhiều chuyện thú vị, tôi sẽ ở lại vài ngày rồi về. Rất có thể sẽ có thêm
bài đấy. Ở đầu dây đàng kia, thư ký toà soạn cằn nhằn, nhưng vui vẻ
giục tôi về cho mau. Tôi cười thầm, cúp máy giữa câu. Thỉnh thoảng cũng
phải làm cao một tí người ta mới nể.
Thế là tôi lại có thời giờ để lang thang lần nữa trong cái tỉnh lỵ của
vùng châu thổ. Hoá ra ở cái tỉnh nhỏ bé này cũng có một quán cà phê
không đến nỗi nào, do một người Hà Nội tản cư từ cái thời toàn quốc
kháng chiến xa lơ xa lắc lập ra. Thoạt đầu, trong cuộc tiêu thổ kháng
chiến, tỉnh lỵ bỏ hoang, quán cà phê của ông tọa lạc tại thị trấn Đống
Năm nổi tiếng một thời, hết chiến tranh nó mới được chuyển về tỉnh.
Ông chủ quán, tóc bù xù như một nghệ sĩ, là người mau miệng. Ngồi ngay
xuống trước mặt khách, bất kể khách có muốn hay không, ông ta than van
về nỗi buồn tỉnh lẻ, rằng ở đây chán đến nẫu người đi được, rằng nếu
không tại cái số, thì lẽ ra ông đã về Hà Nội ngay từ khi hoà bình lập
lại kia, chứ ở lại cái xó này làm quái gì. Khốn từ ngày "bùng nổ", những
đứa con cứ sòn sòn ra đời, đứa nọ sau đứa kia một năm, giờ cả thẩy đã
ngót một chục, biết làm sao?
Tôi nhâm nhi ly cà phê, lơ đãng nghe những mẩu tâm sự vụn của chủ quán.
Cùng nghe với tôi, cũng lơ đãng như thế, là một con mèo Xiêm lông xù. Nó
nằm trên đùi ông chủ, mắt lim dim, với vẻ bất cần đời. Những con ruồi
béo mập bay vù vù. Trong cái quán thông thống không có lấy một ngọn gió.
Ngồi uống cà phê mà nghe mồ hôi chảy thành dòng bên trong áo sơ mi.
Buổi chiều, trên đường ra bến để đáp ca-nô đêm về Hà Nội, tôi mới sực
nhớ là phải tới thăm anh bạn thân thời học trò, nghe nói bây giờ làm bác
sĩ ở ngay thị xã. Cái nóng đã làm cho đầu tôi mụ mẫm. Tôi quên bẵng dự
định đó. Anh bạn này là người đã trình bày bìa sách cho tác phẩm đầu tay
của tôi, một vở kịch có cái tên khá kêu là "Lối Thoát".
Tôi viết kịch chứ không viết văn xuôi là do tình cờ. Nó xảy ra do cuộc
gặp gỡ với một ông nhà văn, nổi tiếng ở Liên khu IV kháng chiến nhờ mấy
vở kịch loại xoàng, như sau này tôi đánh giá. Hồi đó, tôi đang học tại
trường Nguyễn Thượng Hiền từ Ninh Bình tản cư vào. Nhà trường vốn yêu
văn hoá, mời ông nhà văn tới diễn thuyết. Được gặp một nhà văn bằng
xương bằng thịt, lũ học trò chúng tôi rất háo hức. Vui chuyện, tôi mới
tò mò hỏi ông về bếp núc nghề văn. Ông nhà văn còm nhom vỗ vai tôi, nhìn
vào mắt tôi mà cười nhạt: "Ha, chú mày cũng muốn viết văn đấy hả? Không
dễ đâu. ông tướng ạ. Viết văn không phải là luộc rau, hay nấu cơm. Để
làm được việc đó cần phải có tài. Khốn nỗi, lại không thể kiếm tài như
kiếm củi được". Các cô bạn học của tôi nghe thấy câu trả lời ấy cười ré
lên. Ngày hôm ấy tôi tự hứa với mình sẽ phải viết một cái gì đó ra trò
để cho nhà văn cao ngạo kia biết tay.
Giấu mọi người, tôi cặm cụi viết, ngoài vườn, trong xó bếp. Vở kịch rồi
cũng xong. Giám đốc một nhà xuất bản còn sót lại của thời cộng hoà đầu
tiên tản cư về phố Rừng Thông ở thị xã Thanh Hoá bị san bằng trong thời
tiêu thổ kháng chiến tiếp tôi. Tôi nói đây là tác phẩm của anh tôi, một
thương binh nằm trên bệnh viện quân y Bái Thượng, giao cho tôi đưa ông.
Ông ta hờ hững nhận bản thảo, hẹn tôi tháng sau đến. Tôi chờ từng ngày
cho hết một tháng. Gặp tôi, lần này ông vồ vập, nói sẽ in, trả nhuận bút
hẳn hoi.
Vở kịch được nhiều đoàn diễn, đã thế lại có tiếng vang hơn hẳn những vở của ông nhà văn kênh kiệu.
Thái, anh bạn mà tôi đang nói tới, họa sĩ tờ báo tường lớp Bảy A, nhiệt
tình giúp tôi vẽ bìa. Thái còn là nhà phê bình đầu tiên của tôi. Tôi
chịu ơn anh nhiều về những ý kiến giúp tôi hoàn thành vở kịch. Trong
thời học trò của chúng tôi Thái thường được điểm cao về môn văn. Khi
nhận bản thảo kèm theo bìa sách đã vẽ sẵn, ông giám đốc nhà xuất bản gật
gù khen người vẽ có tài, hẹn sẽ đặt anh vẽ. Nhưng rồi chẳng bao giờ ông
ta dùng tới cái tài của Thái cả. Nhà xuất bản không có nhiều sách để
in, độc giả thì dễ tính, ông giám đốc tự trình bày các ấn phẩm của mình
bằng màu chế từ hai loại thuốc sốt rét quinacrine và thuốc ghẻ lở
mercurcochrome.
Tôi tìm được nhà Thái không mấy khó khăn. Thị xã vẻn vẹn hơn chục phố,
mỗi phố dài chưa nổi trăm mét, với vài cột điện xiêu vẹo. Những ngôi nhà
tỉnh lỵ, phần lớn còn lợp rạ, nhưng cũng được đánh số bên chẵn bên lẻ
hẳn hoi, y như ở Hà Nội vậy.
Nhà Thái là một ngôi nhà nhỏ, tường xây, cửa đóng im ỉm, nằm trong một
mảnh vườn tí xíu, cỏ xước, cỏ mần trầu mọc đầy mấy luống rau xơ xác.
Tìm mãi không thấy chuông đâu, chuông bấm không, chuông giật cũng không,
tôi đành gọi ông bạn theo cách nhà quê vậy, nghĩa là cứ đứng ở đấy,
ngay ở cổng, mà hò đò sông cái:
- Thái ơ...i! Thái ờ. . i...!
Sau một lát yên lặng, có dễ tới năm phút, bỗng từ trong nhà bay ra một
tràng tiếng khóc đứt quãng. Rồi cánh cửa bật mở, một bà lão tất tưởi lao
ra.
Bà lão còm cõi đi chân đất, nước mắt giàn giụa, lúng túng hồi lâu mới mở được hai cánh cổng. Vừa lập cập mở khoá, bà vừa kể lể:
- Ối anh ơi! Anh bây giờ mới đến, thì em nó đã mất rồi...Ới anh ơi là anh ơi! Sao anh chẳng đến sớm với em?
Tôi nhận ra bà, mẹ Thái. Bà ôm chầm lấy tôi. Những giọt nước mắt lã chã rơi xuống ngực áo tôi.
Cái cách bà hờ tôi như thể tôi đã chết rồi, làm tôi lạnh toát cả người.
Tôi ôm lấy mẹ bạn. Bên dưới bàn tay tôi xương bả vai bà gồ lên, không
còn chút thịt nào. Tôi không gặp bà kể từ ngày tôi xa bạn tôi. Mà chúng
tôi xa nhau cũng đã hơn chục năm rồi. Khi bà từ trong nhà bước ra, tôi
không nhận ra, giờ đây cũng phải định thần mới tìm thấy những nét quen
ngày trước. Bà úp mặt vào ngực tôi, dựa hẳn vào người tôi, nhẹ bỗng.
- Sao? Bác bảo sao?
Bà lão nắm lấy áo tôi, lôi tuột vào nhà.
Trên ban thờ, Thái nhìn xuống tôi bằng cặp mắt hiền từ, có vẻ lơ đãng.
Những bức ảnh thờ bao giờ cũng thế, cái nhìn của người chết bao giờ cũng
hiền từ, bao giờ cũng trầm tĩnh, cũng đầy vẻ suy ngẫm, mặc dầu khi còn
sống chưa chắc họ đã là như thế.
Nhưng với Thái thì cái nhìn đúng là của anh. Anh hiền, như chúng ta
thường nói, như đất. Anh sẵn sàng giúp đỡ mọi người, hay nói cho đúng
hơn, sẵn sàng hầu bạn bè. Khi có ai cần tới anh, chẳng bao giờ anh từ
chối.
Tôi nhớ những buổi chiều lộng gió bên dòng sông Chu xanh ngắt, tôi và
Thái ngồi dưới vệ đê với hai cái cần câu bằng cật nứa. Cá sông rất ít
cắn, chúng tôi tâm sự với nhau đủ điều dưới con mắt canh chừng của ông
lão hành khất, một thời là ông đồ nho. Ông đồ ăn mày sống trong một cái
điếm canh đê mốc thếch. Bao giờ cũng vậy, thấy chúng tôi ra sông là ông
vạch cái chiếu nát thay cánh cửa ngó ra. Ông biết, nếu chúng tôi gặp may
thể nào chúng tôi cũng dành cho ông mấy con bống nhỏ, hoặc mấy con cá
bò loang lổ. Ông có thừa thời giờ để câu, nhưng ông không câu, ông không
có cái cần câu nào, dù với lưỡi câu thẳng của Khương Tử Nha . Ông đã
thôi chờ thời, nếu trước kia ông đã chờ. Ông đã đánh mất cái thời của
ông, vĩnh viễn. Ông đã quá già để mà chờ đợi.
Tôi đứng trước bức chân dung Thái, đăm đăm nhìn anh, nhớ tới cái thời đã
xa lơ xa lắc của chúng tôi. Trong ảnh, anh vận vét-tông, thắt cà-vạt,
đứng đắn, chững chạc, ra dáng một ông bác sĩ, cho dù là bác sĩ tỉnh lẻ.
Trước kia, anh là một chàng trai mặt quắt, đen đủi, xấu xí.
Bà mẹ Thái đã thôi khóc, nhón chân lấy một nén nhang trên ban thờ, run
rẩy đưa cho tôi. Tôi đánh diêm, châm ba nén nhang. Khi tôi chắp tay dâng
nhang cho bạn tôi, bà đứng sau lưng tôi, thấp bé và lặng lẽ, như một
cái bóng. Tôi nghe sau mình tiếng nức nở khe khẽ, như tiếng vỗ cánh của
một con chim non. Khói nhang nhè nhẹ quẩn quanh chân dung người đã
khuất.
Tôi chợt nhớ câu nói của Thái trong một chiều đi câu:
- Cậu tính, người ta chết rồi, liệu có còn gì không?
- Chết là hết, còn gì.
- Còn chứ. Linh hồn con người không mất ngay một lúc cùng với thể xác.
Người theo Ấn Độ giáo tin như thế. Họ đưa ra những chứng cớ khẳng định
điều đó. Rằng linh hồn vẫn tồn tại sau khi con người chết đi...
Liệu có một cuộc đời thứ hai cho bạn tôi không?
Cuộc đời Thai là một cuộc đời không ra gì. Mẹ anh, một cán bộ phụ nữ của
những ngày cách mạng, trở thành hội trưởng một tổ chức phụ nữ tỉnh hay
thị xã gì đó của tỉnh này. Đến khi chiến tranh bùng nổ, Thái Bình mất
đất, bà lật đật dắt hai đứa con chạy vào Thanh Hoá. Không tiền, không
của cải, bà chỉ biết làm một công việc thuộc về buôn bán mà bất cứ người
nông dân nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm, là hàng xáo. Đêm
đêm bà và hai đứa con - một trai một gái - lăn lưng ra xay thóc, giã
gạo, giần sàng để hôm sau mang ra chợ bán.
Rồi tai hoạ ập đến. Một hôm, giữa trưa, nghe ồn ào ngoài ngõ, tôi chạy
ra thì thấy mẹ bạn tôi, hai tay bị trói trước bụng, đi giữa một toán dân
quân mặt đỏ gay. Mái tóc xổ tung, bà lếch thếch đi giữa hai hàng dân
làng tò mò, vừa đi vừa giơ hai tay bị trói lên mà gào "Ới Cụ Hồ ơi, Cụ ở
trên trông xuống mà xem tôi đi theo Cụ bây giờ tôi bị người ta hành hạ
thế này đây, ới Cụ Hồ ơi!". Mẹ tôi cũng chạy ra, xông đến trước đám dân
quân: "Bà ấy tội tình gì mà các anh trói bà ấy thế kia?". Đám dân quân
sừng sộ xông lại. Chúng tôi hoảng hồn, lôi mẹ tôi về nhà. Lúc bấy giờ là
vào khoảng giữa năm 1953, Liên khu 4 đang phát động cuộc giảm tô giảm
tức. Khắp nơi, chỗ nào cũng có những cuộc bắt bớ, đấu tố. Đêm đêm loa
vang vang kêu gọi nông dân vùng lên đánh đổ cường hào gian ác.
Buổi tối, tôi đến nhà Thái. Hai anh em bạn tôi đang ăn khoai dưới ánh trăng. Trong nhà không có ánh lửa.
- Người ta bảo bà cụ mình là gian thương - Thái nói - Họ giam bà cụ trong chuồng trâu.
"Gian thương" là tên chính quyền đặt cho những người buôn lậu giữa vùng
quân Pháp đóng, gọi là vùng tạm bị chiếm, và vùng kháng chiến, gọi là
vùng tự do. Những người buôn lậu ngày ấy rất đông đúc. Họ buôn thuốc
tây, đá lửa, kính mát và trăm thứ bà dằn khác. Và tất nhiên, họ trốn
thuế. Nhưng bà cụ Thái làm hàng xáo, đâu có ở trong diện ấy.
Được coi là gian thương còn may. Sau lại có tin người ta phát hiện bà có
chân trong Quốc dân đảng nữa mới khiếp. Đó là lời buộc tội nặng nhất,
đáng sợ nhất. Vào thời ấy, người ta muốn giết ai thì chỉ việc đổ cho
người ấy là Quốc dân đảng, hay Đại Việt, là xong. Đến nỗi, cụ thân sinh
một anh bạn tôi chúng tôi, nhà giáo, chẳng hiểu sao cũng bị bắt, bị buộc
tội là đảng viên Quốc dân đảng. Ông treo cổ trong một cái chuồng bò
thay nhà giam, để lại bức thư tuyệt mệnh :"Tôi hoàn toàn vô tội. Tôi
trung thành với Đảng. Tại sao Đảng đối với tôi thế này? Hồ Chí Minh muôn
năm!"
Bà mẹ Thái rồi cũng được thả ra sau một tuần, nhờ sự đấu lý mềm mỏng
nhưng kiên nhẫn của mẹ tôi và "các bà tản cư" với chính quyền xã.
Từ đó bà như người mất hồn. Công việc trong tay bà trước kia chạy veo
veo, bây giờ thì đuểnh đoảng, lúc sai chỗ này, lúc hỏng chỗ khác. Thế là
mọi việc đổ lên đôi vai cô bé, em Thái. Lại quang gánh lên vai, như mẹ,
từ tờ mờ sáng con bé cắm cúi đi các chợ mua mua bán bán, đêm đêm lủi
thủi giã gạo, giần sàng, nuôi bà mẹ lẩn thẩn với ông anh đi học. Con bé
cứ quắt lại, không tài nào phổng phao lên được trong tuổi dậy thì.
- Sao lại ra thế này hở bác? - tôi hỏi bà cụ.
Bà nhìn tôi chằm chằm, cái nhìn mơ hồ, chú mục đấy mà không thấy. Cuối
cùng, câu hỏi của tôi rồi cũng luồn được vào vùng ý thức của bà.
Đôi môi nát những nếp nhăn run run, mấp máy:
- Anh bảo sao?
- Thái vì sao mà chết? Bệnh gì?
Bà cười mếu máo, nhe hàm răng khấp khểnh cái còn cái mất:
- Có bệnh gì đâu, anh!. Em nó khoẻ lắm. - bà nắn cánh tay tôi - Nó khoẻ
có dễ còn hơn anh đấy. Trước hôm em nó mất, nó còn lộn cho tôi cả cái
vườn đàng trước đấy. Nó tính trồng cà, dền cơm, với rau đay nữa, bảo để
mẹ nấu canh cua ăn cho mát ruột. Bây giờ cỏ mọc um tùm. Tôi mặc. Còn ai
nữa mà làm?
Bà nấc lên. Rồi chợt nhớ ra phải hỏi thăm tôi một câu:
- Anh được mấy cháu rồi?
- Thưa bác, hai. Một trai, một gái. Vợ Thái đâu?
- Nào đã có. Khốn nạn, tôi giục nhiều rồi, dưng mà em nó kén. Đám này
chê đẹp quá, lấy về để mà mọc sừng à, đám kia chê xấu quá, đi bên cạnh
ngượng mặt. Mãi mới ưng được một đám. Con bé không xinh, nhưng hiền hậu,
tốt nết, ngoan ơi là ngoan. Thế mà đùng một cái...con tôi chết! Ối con
ơi là con ơi!
Bà lại khóc oà, người đung đưa như lên đồng. Vừa lúc Nga, cô em gái bạn
tôi, từ nhà chồng về thăm mẹ. Cũng như mẹ cô, nhìn thấy tôi là cô bổ
đến, ôm chầm lấy tôi, gào lên những tràng thảm thiết. Tôi nhìn Nga, cảm
thấy lòng quặn đau nỗi buồn mênh mông trước cảnh vật đổi sao dời. Cô gái
mỏng mày hay hạt ngày xưa bây giờ là một người đàn bà xồ xề, gương mặt
thanh tú trở thành hốc hác, với làn da bủng beo.
Đến khi đã bình tĩnh lại, cô mới thổn thức kể cho tôi nghe về cái chết
của anh trai. Thì ra đó chính là cái chết mà trong cơn gà gật trên ca-nô
tôi đã được nghe.
Đầu đuôi là thế này.
Hôm ấy, Thái được ông bác sĩ giám đốc bệnh viện tỉnh rủ đi một huyện xa
để thăm một bệnh nhân, hình như có bà con với ông ta. Từ ngày được Bộ
cấp cho một cái com-măng-ca để đi công tác, ông giám đốc rất chăm đi
thăm bệnh nhân ở các huyện xa thị xã. Lần này, ông đặc biệt muốn có Thái
đi cùng, không rõ vì đó là một ca khó chẩn đoán, hay vì ông muốn chưng
diện với bà con, bởi Thái là bác sĩ có tiếng trong tỉnh, bệnh nhân nào
được bác sĩ Thái khám cho là vinh dự.
Khi trở về, ông giám đốc bảo Thái xuống xe để đánh xi-nhan cho ông ta
cho xe vào ga-ra. Tai nạn xảy ra vào phút đó. Lẽ ra, khi xe đã lùi gần
tới, phải đạp phanh thì ông ta lại nhấn ga. Cái xe chồm lên tông cả hậu
xe vào bạn tôi, ép anh vào tường. Khi được đưa vào phòng cấp cứu, Thái
vẫn còn sống. Anh chỉ còn nói được một câu:
- Mẹ ơi, con thương mẹ quá!
Bà hộc tốc chạy vào thăm con, ngất ngay tại chỗ. Người ta tiến hành cấp cứu bà ngay bên giường người con trai hấp hối.
Thái chết đúng vào đêm trước ngày anh cưới vợ. Cô dâu và họ nhà gái ngồi
chật một xe ca từ Hải Phòng về để tổ chức đám cưới thì lại phải dự đám
ma. Cô dâu chưa kịp mặc áo cưới đã phải mặc áo tang.
Nga dẫn tôi ra thăm mộ Thái. Trên ngôi mộ mới cỏ bắt đầu mọc lưa thưa. Rải rác bên những búi cỏ là những viên sỏi trắng.
Tôi thắp nhang cho Thái, trong khi Nga tỉ mẩn ngồi xếp lại những viên sỏi.
- Trẻ trâu chúng nó phá quá! Chị Hương, vợ anh Thái, không quay lại Hải
Phòng cùng với nhà gái mà ở lại đây cả tháng với mẹ em. Không biết chị
ấy đi kiếm sỏi ở đâu tha về để xếp thành tên hai người, nhưng chỉ được
vài bữa là trẻ trâu lại xoá sạch. Chẳng hiểu chúng nó lấy sỏi để làm gì,
đánh rải gianh hay để ném nhau?
Tôi nghĩ: không phải trẻ trâu, thời gian sẽ xoá đi tất cả.
Cuộc đời là vậy. Tất cả rồi như vậy. Như vậy trong sự hiện hữu của ta,
như vậy trong sự lãng quên những người khác, từng hiện hữu như ta.
- Tại sao hôm sau đã cưới mà Thái còn đi với ông giám đốc làm gì?
- Em cũng không hiểu. Ở nhà đã lo đủ cả: trang hoàng phòng cô dâu chú
rể, tiệc mặn, tiệc ngọt mẹ em đã nhờ người ta, đâu vào đấy rồi. Nói vậy,
chứ cũng còn khối việc phải để mắt đến, phải kiểm tra lại...Lẽ ra, anh
em nên có mặt.
- Anh ấy cả nể?
- Cũng không hẳn thế. Anh còn nhớ vụ mẹ em bị bắt trói không?
- Nhớ.
- Từ hồi ấy tính tình anh em thay đổi hẳn. Thỉnh thoảng anh ấy lại nổi
cơn bướng, cả với mẹ em anh ấy cũng thế...Anh ấy hay tư lự, ít nói lắm,
nhưng em rất sợ khi anh ấy nổi khùng. Người hiền thì hay cục.
- Anh ấy có nổi khùng lần nào ở bệnh viện không?
- Không. Anh Thái em có tiếng là hiền lành.
- Anh ấy nể ông giám đốc lắm à?
- Cũng phải nể chứ. Với lại tính anh ấy thế - không muốn mất lòng một ai.
Ở mọi nơi, tôi đều gặp cái sợ, được che giấu bằng một từ dễ nghe hơn - nể nang.
- Ông giám đốc rồi sau có việc gì không?
- Ông ấy được chuyển lên Hà Nội, làm phó giám đốc một bệnh viện lớn.
- Tại sao lại như thế nhỉ? Ít nhất thì ông ta cũng phải chịu một hình thức kỷ luật nào chứ? Cứ thế mà xong được à?
Nga nhìn ra xa, thở dài:
- Ông ta, nói cho công bằng, đâu có cố ý...
- Thì cũng là khuyết điểm nặng chứ? Phải có hình thức kỷ luật nào chứ?
- Tai nạn thôi, anh ạ. Gia đình em cũng không khiếu nại. Ông ta không
phải người xấu. Anh Thái em mất rồi, người ta mới biết bằng lái ông ấy
cũng chẳng có, được cậu tài xế dạy cho mấy bữa là ngồi lên lái bừa.
Người như ông ấy, vừa làm giám đốc bệnh viện, vừa có chân trong tỉnh uỷ,
lấy bằng lúc nào mà chẳng được, không cần thi cũng có bằng. Nhưng ông
ấy chủ quan, cho rằng chẳng công an nào hỏi mình.
- Không ai đặt vấn đề kỷ luật với ông ta cả?
- Không. Trong tỉnh uỷ cũng có người khuyên mẹ em khởi tố đấy, mẹ em
không nghe. Đàng nào thì anh Thái cũng mất rồi...Mình thiệt, còn với
người khác thì đây lại là cơ hội để hất cẳng nhau.
Mặt trời xuống, đỏ như máu. Mấy con chuồn chuồn lửa bay lượn trên đầu
chúng tôi. Cái nóng ban ngày được gom lại vào cuối ngày dường như cố
bùng lên lần chót làm không khí loãng hẳn ra.
- Cô được mấy cháu rồi? - tôi hỏi Nga.
- Ba. Hai trai, một gái.
- Chú ấy làm nghề gì?
- Thợ chữa máy, anh ạ.
- Lương lậu khá không?
- Lương thì nói làm gì, anh! Bổng mới là chính. Sống cũng tạm được. Anh có biết câu: "trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà không"?
- Biết.
- Nhưng dễ hư hỏng lắm, anh ơi. Nông dân có cái máy cày, họ sợ hỏng lắm,
họ có biết máy móc gì đâu...Họ chiều thợ máy như chiều vong. Không phải
chỉ có gà, còn rượu nữa. Nghiện chẳng mấy chốc đâu.
Nga ở lại nhà mẹ làm cơm đãi tôi. Người chồng dắt con đến, mặt đỏ phừng
phừng. Thị xã nhỏ, nhà có khách thì hàng xóm cũng biết. Trong bữa, anh
ta uống như hũ chìm. Lại còn luôn miệng giục tôi:
- Kìa, ông anh, đưa cay nữa đi chứ! Mấy khi anh lại nhà...
Nga cúi mặt xuống, thở dài.
Ba đứa trẻ gắp luôn tay, chúng không để lỡ dịp được ăn những món ngon trong bữa cơm thịnh soạn, không phải ngày nào cũng có.
Mẹ Thái ăn chậm chạp trong im lặng. Bà lão nhai trệu trạo bằng mấy cái
răng hàm còn lại, răng cửa đã mất hết. Tôi có cảm giác bà lão nghe thấy
tất cả, hiểu rõ tất cả những gì đang diễn ra quanh mình, và tất cả những
cái đó không còn làm bà buồn hay vui nữa, tất cả chỉ là nguyên liệu cho
bộ máy suy ngẫm câm nín vẫn tiếp tục làm việc theo quán tính. Ngoài sự
suy ngẫm, bà không còn sức để làm gì hết, kể cả đưa ra một lời khuyên
ông con rể đang trôi tuột vào biển say.
Đêm đến, bà lão buông màn cho tôi trên cái giường của người con trai
không còn nữa. Từ bộ giát, manh chiếu, cho tới cái màn, bốc lên mùi ẩm
mốc lưu cữu. Tôi nghe tiếng bà lão thổn thức trong mơ, bên kia vách.
Sáng ngày ra bà thì thầm bảo tôi:
- Này, cái Nga nhà tôi ăn tiền của lão giám đốc đấy. Lão ấy lén lút đưa
tiền cho cái Nga để ỉm vụ này đi. Con Nga thẽ thọt với tôi: "Thôi, mẹ ạ.
Đàng nào thì người nhà mình cũng chết rồi. Người ta có đi tù thì anh
con cũng chẳng sống lại được nào". Thời buổi bây giờ thế đấy. Nó thương
anh chẳng bằng thương tiền...
- Thế bác bảo sao?
- Thì còn bảo sao nữa? Nó nói phải. Nhà nó nghèo. Người ta lại có nhiều tay chân. Cũng phải giữ cho chồng nó thí.
Trở về Hà Nội ngày hôm sau, tôi viết quàng quấy cho xong, như cách rũ
nợ, bài báo về nghề chạm bạc cổ truyền. Những nhân vật thú vị ở Đồng Sâm
nằm liệt trong sổ tay của tôi.
Tôi hoàn toàn không hài lòng về bài báo. Nó chỉ là cái để lấp chỗ trống.
Nhưng thư ký toà soạn hài lòng: bài báo không chê vào đâu được, đứng về
mặt lập trường. Chắc chắn nó sẽ không bị "trên" gạt bỏ. Số báo của
chúng tôi sẽ ra đúng hạn.
Cái chết của Thái trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Tôi không nghĩ được về
điều gì khác. Tôi nghĩ thể nào tôi cũng phải viết về cái chết của bạn.
Câu chuyện tôi vừa kể là một sự việc. Tuỳ theo cách ta nhìn, sự việc
mang hình dạng này hoặc hình dạng khác. Và cách lý giải nó cũng khác. Rõ
ràng có một tai nạn đã xảy ra. Nhưng có một cái gì hơn là một tai nạn
nằm ở đó. Một cái gì không ngẫu nhiên, hoặc không hoàn toàn ngẫu nhiên.
Nửa năm sau, tôi bắt đầu viết truyện ngắn về cái chết của bạn mình. Có
vẻ đó là một truyện dễ viết - chất liệu đã có sẵn, đầy đủ, mà là chất
liệu không tồi. Ấy thế mà cặm cụi viết tới lần thứ ba rồi, truyện vẫn cứ
tẻ ngắt. Tôi vứt đấy cả năm, rồi viết lại. Không phải một lần. Truyện
ngắn vẫn không thành. Cho đến lúc tôi hiểu ra rằng nó không thể thành
được chừng nào tôi còn có mưu toan giải thích cái chết của bạn mình.
Đàng sau cái chết định mệnh thấp thoáng bóng dáng của một cái gì đó tồi tệ hơn. Cái gì đó ấy đã gây ra bi kịch.
Thái sợ, tôi nghĩ. Nếu không sợ, bạn tôi đã dám từ chối chuyến đi định
mệnh. Tôi biết tính bạn. Anh chỉ bắt đầu biết sợ từ khi nhìn thấy sức
mạnh vô tình của bạo lực bắt nguồn từ ngu xuẩn.
Nhưng không phải nguyên nhân chỉ có thế. Không đơn thuần là thế.
Tôi tìm cách giải thích cội nguồn những bi kịch tương tự, chúng rất
nhiều trong những năm ấy, nhưng không tìm ra. Hoặc tìm ra quá nhiều.
Không có cách giải thích nào làm tôi thoả mãn. Tôi mơ hồ cảm thấy mình
sai lầm ở chỗ nào đó, trong cả cách nhìn lẫn trong cách lý giải sự việc.
Cái chết của Thái là một sự việc thoạt trông thì đơn giản, nhưng quan
sát kỹ thì thấy nó là một sự kiện đa diện, đa tầng, và không thể có một
kết luận đơn giản.
Rốt cuộc, tôi quyết định chỉ kể lại câu chuyện. Như là một ghi chép về
một chuyến đi đáng nhớ trong đời làm báo. Rất có thể nó sẽ có ích cho ai
đó với tư cách chất liệu. Hoặc một bức tranh ghép vụng về, trong đó
người ta có thể thấy thấp thoáng bóng dáng một thời đại.
Tôi cảm thấy mình bất lực. Tôi không thể làm kỹ sư tâm hồn, như các vị
làm công tác tuyên giáo thường tâng bốc những người làm nghề cầm bút. Mà
nói gì kỹ sư, đến thợ tâm hồn cũng không xong.
Tôi không nghĩ rằng câu chuyện được viết ra lần này sẽ tốt hơn. Nhưng không viết thì tiếc.
Vì không biết cách viết tốt hơn, tôi viết đúng những gì tôi đã thấy.
Vũ Thư Hiên
(FB Vũ Thư Hiên)