Truyện Ngắn & Phóng Sự
Chuyện Con Dế -Phạm Tín An Ninh
C H U Y Ệ N C O N D Ế
Nhờ có bạn bè lưu lạc khắp năm châu nên tôi được đi đây đi đó hơi nhiều, "tham quan" một số danh lam thắng cảnh của nhân gian. Nhưng tôi phải thành thật mà khoe rằng, có lẽ không có mùa hè ở nơi nào đẹp và khí hậu dễ thương cho bằng mùa hè ở mấy xứ Bắc Âu này. Khi tuyết vừa tan, mùa đông chưa kịp hẹn lời tái ngộ, thì ngàn cây nội cỏ đã đua nhau đâm chồi nẩy lộc để chào đón ánh mặt trời. Trong núi rừng, dưới thung lũng, trên những cánh đồng lúa mì, hai bên đường, các bãi cỏ trong công viên, khắp mọi nơi, những cánh hoa loovetann vàng (trông như hoa cúc quê mình) nở rộ. Ở đâu cũng bát ngát một màu vàng. Cái nắng đầu hè lại dịu mát như mùa thu trên những cao nguyên bên quê nhà mà ngày xưa tôi đã có dịp đi qua trong những lần hành quân. Mùa hè ở đây gợi nhớ da diết đến quê hương và kỷ niệm. Đặc biệt tôi nhớ đến cha tôi và cả một thời thơ ấu mà tôi lớn lên không có mẹ. Tôi thường đứng yên lặng một mình trên bao lơn trong sở làm hoặc trước hiên nhà, nhìn ra những cánh đồng cỏ và rừng núi xa xa phía trước để trải hết lòng mình. Nhưng rồi dường như cũng không tránh khỏi định luật bù trừ của trời đất, mùa hè ở đây cũng như một cô con gái đẹp, lúc nào cũng muốn làm khốn khổ những chàng trai mê muội, mà người ta đã ví von là "cánh hoa hồng nào mà lại không có gai "
Chính cái phấn hoa từ rừng hoa bát ngát một màu làm vàng cả không gian kia, lại là mầm móng gây nên chứng bệnh dị ứng (allergi) để cho những thằng lười biếng chích ngừa kinh niên như tôi khổ sở không ít, khi cả ngày cứ ngứa ngáy mắt mũi.
Mà cũng nhờ vậy nên tôi phải nằm nhà để có dư thì giờ vào đọc mấy tờ báo điện tử bên quê nhà xem thế sự ra sao. Tôi cũng "hồ hởi" thấy báo chí bên nhà, thời kinh tế thị trường, đã "có vẽ" như trăm hoa đua nở trên mạng, trình bày cũng khá hấp dẫn, nên tôi lần lượt đọc qua một loạt các tin tức từ chính trị, kinh tế, văn hóa, đến pháp luật:
-Mừng 30 năm đánh thắng giặc Mỹ, đất nước thống nhất, thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta-/ Có thực sự chống được quốc nạn tham nhũng, khi mà tình trạng tham nhũng đã lên đến cấp Bộ: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Dầu Khí rồi đến Bộ Thương Mại ? /- Thủ Tướng Phan văn Khải chính thức sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 6, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền bang giao của hai nước /- Một loạt các cô ca sĩ và ngưới mẫu bị bắt tại trận khi đang bán cái trời cho trong một đường giây sex / -. Diễn viên nỗi tiếng Yến Vi chưa hết xôn xao vì những đoạn phim quay cảnh cô làm tình, lại vừa bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm vì tội bán dâm-/. Sau vụ Phó CT/UBTDTT Lương Quốc Dũng vào tù vì tội hiếp dâm một em gái 13 tuổi có một thống kê cho biết có thể tới 80% cán bộ, viên chức nhà nước đã mua dâm- /-. Em Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11 A18 trường THPT Việt Đức Hà Nội, thí sinh giỏi môn văn, từ chối trả lời đề thi và viết ngay trong bài thi để phản đối hệ thống và cách giảng dạy lỗi thời "cứng ngắt", "không cho phép tư duy" của cơ quan giáo dục nhà nước /-. Ông Trịnh Vĩnh Bình, một Việt kiều ở Hà Lan kiện chính phủ Việt nam trước toà án quốc tế, đòi bồi thường 100 triệu đô la vì bị oan sai khi cho rằng chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tìm cách bỏ tù ông để tịch thu toàn bộ tài sản mà ông đem về Việt nam đầu tư từ năm 1990 -/. Hạm phó chiến hạm USS Gary của Hoa Kỳ vừa được mời ghé tham quan cảng Sàigon là một người Mỹ gốc Việt: Hãi quân trung Tá Trần Quốc Bảo, rời khỏi Việt nam khi mới lên 7 tuổi -/ Truy tố nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND Huyện Phú Quốc, tội ăn cắp đất của nhà nước để làm giàu phi pháp /-. Bắt một cán bộ tòa án liên quan đến vụ vận chuyễn ma túy với quy mô lớn /. HLV Đoàn Đình Lân, cựu tuyển thủ karate cấp quốc gia bị bắt khi đang cướp giật/ Hai TGĐ công ty PJICO bị bắt về tội hối lộ 1, 9 tỷ đồng./ Thu hồi danh hiệu giải Nhất và Cúp vàng Trí Tuệ Việt Nam 2003 của nhóm ICMS vì đã ăn cắp bản quyền của một tác giả người Mỹ /-.Ngân Hàng Thế Giới vừa viện trợ không hoàn lại cho VN 35 triệu USD cho chương trình phòng chống bệnh AIDS /. Cà Mau phát hiện 111 trường hợp xử dụng bằng cấp giả mà đối tượng hầu hết là cán bộ, quan chức nhà nước / Tình trạng khốn cùng của những cô dâu Việt nam tại Đài Loan và Singapore/….
Thú thật, tôi rất "bức xúc" và thấy buồn hơn là vui sau khi đọc qua một loạt tin tức trên báo chí quê nhà. Tôi đành tìm sang trang quảng cáo hy vọng thay đổi không khí, biết đâu lại tìm được đôi điều thú vị. Nhưng tôi bỗng giật mình, khi bất ngờ đọc tới cái đoạn quảng cáo nhỏ sau đây trên đầu một tờ báo: "Thịt Dế. Món ăn của người sành điệu nhất hiện nay" và phía dưới mô tả thêm: " Dân nhậu sành điệu rất khoái món dế, bởi thịt dế béo như tôm sú, ngọt như thịt cua, vừa thơm ngon bổ dưỡng lại vừa chửa được nhiều thứ bệnh như đau nhức, tê thắp, béo phì. Giá một con dế trong nhà hàng là 10.000 đồng. Dế có thể chế biến được nhiều món như chiên xù, xào lăn, kho tiêu, ram mặn, nướng kẹp bánh mì, lẩu, gỏi...Hiện ở thành phố Hồ chí Minh, 1 kg dế có thể bán tới 250.000đồng. Ở một số nước, dế được coi là món ăn "cao lương mỹ vị" và chỉ dùng để đãi khách quí, nên ở Thái Lan, giá 1kg dế lên tới 40 đôla, ở Mỹ là 60 đôla. Vốn là một loại thức ăn bổ dưỡng, dế rất hấp dẫn các du khách Việt kiều, Nhật Bản, Đài Loan, Australia... đến Việt nam.. Cũng như bất cứ loại động vật hoang dã nào, dế đã trở thành món đặc sản trong các nhà hàng hay các quán nhậu, nhất là ở TP/HCM." Một cậu bé chăn bò ở miền đồng bằng Nam Bộ, nhờ kinh nghiệm đá dế và bắt dế, vừa trở thành nhà tỷ phú vì lập ra một công ty nuôi và xuất cảng Dế mà cậu ta đang làm giám đốc, với sự trơ giúp của gia đình và chính quyền địa phương...".
Tôi rất "phẫn nộ" với cái đoạn quảng cáo này. Và đây là chuyện chẳng liên quan gì tới "chính chị chính em", nên tôi xin được bày tỏ lập trường:
Trước hết trong mẫu tin quảng cáo trên có hai sự kiện cần xét lại: thứ nhất, ông nhà báo trong nước nói thịt dế bổ dưỡng và chửa được nhiều thứ bệnh, Chẳng hiểu ông đã dựa theo tài liệu y học nào, hay chỉ phịa ra để cổ vũ một việc không lương thiện (ít nhất là đối với tôi): ăn thịt dế ? Thứ hai là dựa theo nguồn tin nào mà " cha nội " dám nói bừa là ở Mỹ giá 1kg thịt dế 60 đôla ? Tôi có một đám con ở Cali và vài trăm ông bạn HO ở khắp các tiểu bang bên Mỹ, kể cả Alaska, một nơi đèo heo hút gió, không ai từng thấy hay nghe nói có nơi nào ở Mỹ ăn và bán thịt dế ?
Nhưng chuyện nói láo là nghề của mấy ông nhà báo rồi. " Nhà báo nói láo ăn tiền " mà. Thắc mắc làm chi. Điều đã làm tôi đau đớn và phẫn uất nhất là tại sao thiên hạ đã bày ra cái cảnh đoạn trường này để cướp mất phần tuổi thơ đẹp đẽ, thơ mộng nhất của tôi và đám bạn bè tôi. Trời ơi, bộ mấy cha tư bản mới bên Việt Nam hết cái gì nhậu nhẹt rồi sao, mà bây giờ đẻ ra cái phong trào nhậu thịt Dế. Những con Dế thân thương của bất cứ một thằng con trai nào trong thời thơ ấu. Tiếng gáy của Dế và tiếng hát của Ve Sầu nó gắn liền với suốt một thời cắp sách tới trường, mà dư âm của nó vẫn theo đuổi mọi người cho tới giờ xuôi tay nhắm mắt. Chắc các bạn đã từng say mê cuốn " Dế mèn Phiêu Lưu Ký " của nhà văn Tô Hoài ? Lớn lên một chút, chắc các bạn cũng đã từng nghe hay thuộc lòng bài hát "Thằng Cuội" của Lê Thương:" Có con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền nên nghèo xơ xác...". Như vậy trong tuổi thơ của mỗi người đều có hình ảnh con Dế. Không chỉ ở Việt nam ta mà những xứ châu Á gió mùa, và cả ở châu Âu, châu Mỹ cũng vậy thôi. Hồi còn học trung học tôi đã đọc được ở đâu đó một đoạn văn của Charles Dickens, viết rất hay về những chú dế crickets bu lại dưới ánh đèn khuya. Mới đây một bà mẹ Mỹ, khi nhắc tới tuổi thơ của con trai mình cũng nói thật nhiều tới con Dế. Như vậy, Dế đã có mặt khắp nơi, tham dự vào những tuổi thơ diễm phúc cũng như tủi cực. Hơn thế nữa, Dế còn có mặt trong văn chương, không những nói về tuổi thơ, mà còn biểu tượng cho quê hương, cho bè bạn và cho cả những niềm đau, nỗi nhớ. Lúc nhỏ tôi say mê Dế. Lớn lên và ngay cả lúc sắp già như bây giờ, tôi lại càng say mê những bài thơ có bóng hình và tiếng Dế. Vì vậy với riêng tôi, con Dế phải được viết hoa. Cho dù tôi biết viết như thế là sai chính tả.
Như bao đứa bé khác, tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với con Dế. Tôi đã từng say mê bắt Dế, nuôi Dế, đá Dế, và thức cả đêm để nghe Dế hát. Con Dế cũng đã cho tôi nhiều cơ hội làm quen khi xin mấy sợi tóc của mấy cô bạn gái cùng lớp, cột vào đầu con Dế quay quay cho nó "hứng " lên trước khi vào trận đấu. Con Dế cũng đã cho tôi và đám bạn bè tuổi nhỏ có đủ niềm vui trong những mùa hè ở một vùng quê nghèo nhưng rất đỗi dễ thương. Một con Dế, sau một trận đấu, chỉ cần mất một sợi râu là tôi muốn khóc. Quê tôi ở tận ngoài Vạn Giã. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên hai, ba tôi bận dạy học ở trường Pháp-Việt, nên hai anh em tôi được ở với ông bà nội. Tôi có bà cô út, rất thương yêu lo lắng cho anh em tôi, Mỗi lần tôi làm nũng, là bà nội tôi sai cô tôi dắt tôi ra ao sen trước nhà tìm bắt mấy con Dế "mun". Tôi còn nhớ một đoạn thơ của ai đó có tâm sự giống tôi:
" Bao giờ cho đến ngày xưa
Để nghe tiếng võng đong đưa của bà
Để dầm nắng dưới đầm hoa
Rình con dế cụ thò ra thụt vào.."
Con Dế, còn để lại trong tôi một kỷ niệm xót xa, mà cứ mỗi lần nhớ tới, tôi không làm sao ngăn được dòng nước mắt. Ba tôi rất cưng tôi, một phần tôi không có mẹ. Có những ngày đi dạy học, ông chở tôi theo trên chiếc xe đạp. Đến trường ông giao tôi cho mấy chú học trò lớn của ông vừa chơi vừa dạy tôi học. Lúc ba tuổi, tôi đã biết được con ngựa cheval nhảy qua hòn núi montagne, ăn cỏ herbe, uống nước de l'eau. Một buổi trưa trời nắng gay gắt, trên đường về nhà nội tôi, khi qua một khu nghĩa địa, nghe tiếng mấy con Dế gáy trong mấy bụi cây bàn chải (loại cây mọc thành lùm và có đầy gai), tôi lấy tay đập sau lưng ông và bảo ông dừng xe lại bắt cho tôi mấy con Dế. Tội nghiệp, ông cũng chìu thằng con ngu ngốc, xuống lục lọi trong mấy bụi bàn chải gai góc cả nửa giờ, mà vẫn không thấy tăm hơi con Dế nào. Dế thuộc loại tinh khôn, khi nghe có tiếng động, nó im bặt. Nhưng khi Ba tôi vừa leo lên xe thì chúng lại tiếp tục chơi màn hòa tấu. Màn hòa tấu này lúc ấy còn hấp dẫn tôi hơn là một dàn nhạc hòa tấu mà tôi vừa được may mắn tham dự tại một nhạc viện nổi tiếng của thành phố
Tháng 6 năm 1976 ông chết trong trại tù cải tạo Đá Bàn, khi tôi đang bị tù ở vùng Việt Bắc. Hơn hai năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Tôi đã khóc đến không còn nước mắt. Từ hôm ấy, đêm nào ngủ tôi cũng mơ màng tưởng mình đang nghe tiếng Dế.
Sau hơn 15 năm phải bỏ quê lưu lạc xứ người, lần đầu tiên tôi về thăm quê hương và ngôi mộ của ba tôi. Cũng vào một buổi trưa hè, gay gắt nắng, khi đang quỳ trước mộ ông, tôi lại nghe tiếng một con Dế gáy vang trong lùm cây trước mộ. Kỷ niệm ngày xưa bỗng dưng oà tới, tôi xót xa ngồi khóc sụt sùi.
Ông anh tôi, lớn hơn tôi hai tuổi, hiền như cục đất. Lúc nhỏ hai thằng chơi với nhau, tôi thường ăn hiếp anh tôi. Tội nghiệp, anh theo tôi bắt Dế suốt ngày, Có lần một con Dế chết, hai đứa bày ra chuyện tổ chức đám ma cho Dế. Cái này ông anh rành hơn tôi. Chúng tôi dùng một cái hộp dầu nhị thiên đường tô màu đỏ làm chiếc quan tài rồi làm lễ " tiễn đưa con Dế đến nơi an nghỉ cuối cùng", dưới một gốc cây xoài. Bây giờ hai anh em cũng đã sắp già, có cuộc sống riêng. Nhưng mỗi lần nhớ tới anh là tôi nhớ tới con Dế và trong lòng cứ thấy rưng rưng.
Lớn lên, trải qua bao nhiêu thăng trầm, con Dế vẫn không rời xa tôi. Tôi say mê và dễ bị xúc cảm khi đọc những bài thơ về Dế. Đến nỗi tôi nghĩ dại rằng, đấng làm thơ nào mà chưa hề viết về con Dế thì chưa phải là thi sĩ. Ôn Như Hầu tiên sinh viết:" Đâu ngờ tiếng dế than ri rỉ / Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng." Nguyễn Khuyến tả cảnh đêm hè cũng có tiếng Dế kêu tha thiết. Nhiều thi sĩ thời nay viết về Dế như một lời tự tình bi thảm. Du Tử Lê viết: "Con dế mèn tự tử giữa đêm khuya..". Nhà thơ Tô thùy Yên, người bạn cùng tù với tôi đã viết: "Đây rồi chú dế giang hồ ấy / vẫn hát say sưa dưới cỏ buồn..". Đặc biệt anh đã trút hết nỗi lòng của một người tù trở về sau 17 năm cải tạo trong "Ta Về" Bài thơ khá dài và thật cảm động, được phổ biến rộng rải ở hải ngoại. Một đoạn trong bài thơ có bóng dáng tội nghiệp của con Dế :
"...Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi
Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống đương đầu với lãng quên
Con dế, vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen..."
Lưu lạc xứ người bao nhiêu năm, lần đầu tiên trở về thăm làng cũ, chạnh lòng khi nghe tiếng Dế, tôi cứ tưởng như nó nói lên giùm tâm sự của chính mình:
... Hỏi thăm bụi chuối bên đường đó
Chú dế nào kêu giọng xót xa
Bao nhiêu oan khổ trăm năm cũ
Vẫn cứ ngân đều điệu xót xa..
Nhà thơ Trần Hoài Thư, cùng học với tôi ở Võ Tánh. Thời đi học ở cùng một nơi với tôi: Rộc Rau Muống, Nhatrang. Sang Mỹ sớm và công thành danh toại, đã viết về con Dế ngày xưa của anh. Bài thơ đã làm tôi xúc động nên thuộc lòng:
"Con dế nào của tuổi dại u mê / Cứ than vãn giữa trưa hè xứ Mỹ/ Hay chú dế của một thời ủy mị/ Đang gọi những mùa hè đã mất trong ta/ Đang gọi những cánh đồng xưa bao la/ Những cánh đồng ngập tràn rau muống/ Oâi những ruộng đường, Những bước chân luống cuống / Giữa một vùng đầy nhạc dế xênh xang/ Biết chú nào núp ẩn giữa rộc non/ Nô giởn cùng cộng rau tươi mát / Gậm nhấm những chồi non xanh ngát/ Đôi cánh thổi kèn thả nhạc đêm xanh
Đứa nhỏ nào của xứ Nhatrang / Của thời Sinh Trung chưa bồi chưa lở / Của mỗi năm, những trái xoài trái ổi/ Rủ nhau xum xuê dưới bóng mát thiên đường / Của những ngày loạn lạc nhiễu nhương/ Của những đêm trăng, Sân nhà Sâm trắng như bánh tráng/ Chú dế của ta cũng theo mùa trăng để lớn/ Gọi cô nàng bạn gái trong hang /Thằng bé cũng lớn lên theo những mùa trăng/ Nhớ Sâm đi tìm cho Sâm chú dế / Chú dế có đôi càng vương đế /Râu vút lên trời, đầu bóng như mun / Chú dế giữa đồng xanh thẩm chơi rong / Cứ khuyến dụ ai một thời dại nhỏ
Một thời ai tắm truồng không mắc cỡ/ Hái trộm xoài vẫn nhớ tới Sâm/ Nhớ chú dế nào to nhỏ trong đêm/ Khiến ta cứ xôn xao hoài phải thức/ Chú dế của ta, cánh màu hung đất/ Trước bạn trước thù râu cũng vênh vang/ Chú cũng như ta- tóc hạ Nhatrang/ Hồn xanh mướt mây Hà Ra Xóm Bóng/ Da đồng đen của mặt trời dưới Chụt /Tóc hung hung của nắng lửa Hòn Chồng/ Chú theo ta, lên Rù Rì mênh mông/Du thủ cùng ta xóm trên xóm dưới/ Ta thương chú hơn trái xoài trái khế/ Trên đầu giường, bên cạnh chú, hồn ta.
Nhà thơ Quan Dương, gốc Ninh Hòa chính hiệu, người bạn trẻ dễ thương của tôi, đã từng gởi hồn mình qua Tiếng Dế xót xa. Bài thơ thật hay đã làm tôi vô cùng cảm động:
" Gió xô chiều ngã xuống hướng Tây, vài chiếc lá khô đang ấp vòm cỏ dại / Sợ lạnh nên lá vàng trước tuổi / Mùa thu đang khoát lá màu chàm, phủ trùm lên giọt nắng chưa tan / Chiều đang bước dần vào bóng tối / Con dế ru thều thào yếu đuối / Lâu lắm rồi mới nghe lại tiếng dế than / Đây là xứ Mỹ chứ đâu phải Việt Nam / Sao lại có tiếng dế buồn thảm thiết ?
Tiếng dế dìu hồn tôi về thuở trước / Thuở nằm rừng với thằng bạn lính tuổi thư sinh / Trung đội hai thằng bố trí hình mũi tên / Bờ ruộng, sình lầy ngập lên tới bụng / Phía sau lưng đêm lầm lũi rụng, trước mặt là tiếng dế như sẫm chiều nay / Trong đầu mỗi thằng dệt sẳn vài câu thơ / Để dành lại nếu ngày mai còn sống, sẽ xớt chia từng ly thơ để uống / Để gọi là mừng sau một đêm qua truông.
Tuổi trẻ của bọn tôi giữa thời buổi chiến tranh, tàn thuốc hút chung nặng đầy tình nghĩa / Ngụm rượu đế sau lần tiếp tế, nồng say hơn rượu X.O nhiều / Thời khổ nạn dám chết cho nhau, những thằng bạn khác gì Lương Sơn Bạc ?
Chiều nay xứ người nghe con dế khóc / Thấy đất cựa mình theo bước quân đi / chinh chiến lụi tàn trên đất nước từ lâu / Con dế khóc ? Hà cớ gì cháy lại?/ Hay là lửa dấu trong lòng âm ỉ? / Chỉ đợi hơi xăng là bốc khói ra ngoài?
Thằng bạn tôi ở lại chiến trường xưa, thân xác giờ này cũng đã tan theo gió bụi / Lâu lắm rồi tôi giả đò không còn nhớ / Có phải bạn trách tôi theo tiếng dế đến nơi này ?/ Nơi tôi sống bây giờ toàn xa lộ freeway / Hỏi bạn ? Tôi tìm đâu ra vùng sình lầy ngập nước / Để hai đứa ngâm mình hút chung điếu thuốc, để bạn dạy tôi hai tiếng đồng bào / Để bạn giải thích cho tôi hiểu tại sao, tuổi trẻ bỏ quên mà không hề hối hận.
Thu khoác lên vai chiếc áo lạnh / Tôi mở cửa vào nhà có máy sưởi vặn lên / Nhìn qua khung cửa kiếng ngoài hiên / Con dế núp nơi nào trong đám cỏ?/ Chú dế bé con ơi, thôi đừng khóc nữa / Tôi đã ươn hèn từ lúc bỏ nước ra đi /
Đó là con Dế ngày xưa của những người bây giờ đã già, qua bao nhiêu thăng trầm, vẫn mãi mang theo, vẫn còn da diết nặng tình với Dế. Bây giờ ta hãy nghe con Dế trong thơ của những người rất trẻ, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Bài thơ của Barbara Trần là một điển hình. Cô sinh và lớn lên ở New York, tốt nghiệp cao học nghệ thuật tại đại học Columbia, cùng với ba người bạn đồng lứa, chủ biên tuyển tập Ngấn Nước, gồm toàn văn thơ của những người Mỹ trẻ gốc Việt. Con Dế của cô không còn là biểu tượng của tuổi thơ hay nỗi niềm da diết, tình tự ở quê nhà, mà chỉ còn là một cuộc ái ân.
"Đêm tôi nằm
dụi vào người chồng
hy vọng trốn chạy chính mình
gắn chặt thân thể chàng
như thể khi mơ
chàng có thể nghĩ rằng tôi
như con dế
trên lá cỏ
của mảng lưng chàng.
Dế và cỏ cùng
đu đưa
trong gió,
nhẹ như hơi thở
chúng tìm ra một vùng đất
Tôi bỗng thấy mình cô độc
Trên cánh đồng này.
Mặc dù đây lại là một con Dế khác, hoàn toàn khác. Nhưng mà con Dế cũng dể thương và chắc chắn trong đám đàn ông chúng ta, ai lại không muốn có một con Dế như vậy. Phải không ? thưa các bạn ?
Đọc tới đây, chắc bà con thiên hạ không nỡ nào còn nhẫn tâm bắt con Dế của tôi mà làm thịt nhậu chơi. Oan hồn của nó sẽ theo kẻ nào giết nó mà rên rỉ than khóc suốt đời. Vậy thì không một ai được phép phạm tới con Dế, để bắt nó trở thành một thứ gì đó rất tầm thường, đến phàm phu tục tử: thịt dế. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ thêm một điều khoản đặc biệt trong hiến pháp nước CHXHCNVN: Tuyệt đối cấm mọi hành vi làm bách hại tới con Dế. Hình phạt tử hình cho những ai ăn thịt Dế và buôn bán Dế để làm thịt.
Từ ngày rời khỏi quê hương đến nay, đã hơn 20 năm, tôi rất xa lạ và chưa hề được hô khẩu hiệu. Trước khi chấm dứt mấy dòng cà kê nhưng đầy tâm huyết này, tôi xin khóa cửa lại để hô to khẩu hiệu:
- Con Dế muôn năm. Con Dế sẽ sống mãi trong lòng và trong sự nghiệp văn chương của chúng ta.
Phạm Tín An Ninh
Chuyện Con Dế -Phạm Tín An Ninh
C H U Y Ệ N C O N D Ế
Nhờ có bạn bè lưu lạc khắp năm châu nên tôi được đi đây đi đó hơi nhiều, "tham quan" một số danh lam thắng cảnh của nhân gian. Nhưng tôi phải thành thật mà khoe rằng, có lẽ không có mùa hè ở nơi nào đẹp và khí hậu dễ thương cho bằng mùa hè ở mấy xứ Bắc Âu này. Khi tuyết vừa tan, mùa đông chưa kịp hẹn lời tái ngộ, thì ngàn cây nội cỏ đã đua nhau đâm chồi nẩy lộc để chào đón ánh mặt trời. Trong núi rừng, dưới thung lũng, trên những cánh đồng lúa mì, hai bên đường, các bãi cỏ trong công viên, khắp mọi nơi, những cánh hoa loovetann vàng (trông như hoa cúc quê mình) nở rộ. Ở đâu cũng bát ngát một màu vàng. Cái nắng đầu hè lại dịu mát như mùa thu trên những cao nguyên bên quê nhà mà ngày xưa tôi đã có dịp đi qua trong những lần hành quân. Mùa hè ở đây gợi nhớ da diết đến quê hương và kỷ niệm. Đặc biệt tôi nhớ đến cha tôi và cả một thời thơ ấu mà tôi lớn lên không có mẹ. Tôi thường đứng yên lặng một mình trên bao lơn trong sở làm hoặc trước hiên nhà, nhìn ra những cánh đồng cỏ và rừng núi xa xa phía trước để trải hết lòng mình. Nhưng rồi dường như cũng không tránh khỏi định luật bù trừ của trời đất, mùa hè ở đây cũng như một cô con gái đẹp, lúc nào cũng muốn làm khốn khổ những chàng trai mê muội, mà người ta đã ví von là "cánh hoa hồng nào mà lại không có gai "
Chính cái phấn hoa từ rừng hoa bát ngát một màu làm vàng cả không gian kia, lại là mầm móng gây nên chứng bệnh dị ứng (allergi) để cho những thằng lười biếng chích ngừa kinh niên như tôi khổ sở không ít, khi cả ngày cứ ngứa ngáy mắt mũi.
Mà cũng nhờ vậy nên tôi phải nằm nhà để có dư thì giờ vào đọc mấy tờ báo điện tử bên quê nhà xem thế sự ra sao. Tôi cũng "hồ hởi" thấy báo chí bên nhà, thời kinh tế thị trường, đã "có vẽ" như trăm hoa đua nở trên mạng, trình bày cũng khá hấp dẫn, nên tôi lần lượt đọc qua một loạt các tin tức từ chính trị, kinh tế, văn hóa, đến pháp luật:
-Mừng 30 năm đánh thắng giặc Mỹ, đất nước thống nhất, thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta-/ Có thực sự chống được quốc nạn tham nhũng, khi mà tình trạng tham nhũng đã lên đến cấp Bộ: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Dầu Khí rồi đến Bộ Thương Mại ? /- Thủ Tướng Phan văn Khải chính thức sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 6, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền bang giao của hai nước /- Một loạt các cô ca sĩ và ngưới mẫu bị bắt tại trận khi đang bán cái trời cho trong một đường giây sex / -. Diễn viên nỗi tiếng Yến Vi chưa hết xôn xao vì những đoạn phim quay cảnh cô làm tình, lại vừa bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm vì tội bán dâm-/. Sau vụ Phó CT/UBTDTT Lương Quốc Dũng vào tù vì tội hiếp dâm một em gái 13 tuổi có một thống kê cho biết có thể tới 80% cán bộ, viên chức nhà nước đã mua dâm- /-. Em Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11 A18 trường THPT Việt Đức Hà Nội, thí sinh giỏi môn văn, từ chối trả lời đề thi và viết ngay trong bài thi để phản đối hệ thống và cách giảng dạy lỗi thời "cứng ngắt", "không cho phép tư duy" của cơ quan giáo dục nhà nước /-. Ông Trịnh Vĩnh Bình, một Việt kiều ở Hà Lan kiện chính phủ Việt nam trước toà án quốc tế, đòi bồi thường 100 triệu đô la vì bị oan sai khi cho rằng chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tìm cách bỏ tù ông để tịch thu toàn bộ tài sản mà ông đem về Việt nam đầu tư từ năm 1990 -/. Hạm phó chiến hạm USS Gary của Hoa Kỳ vừa được mời ghé tham quan cảng Sàigon là một người Mỹ gốc Việt: Hãi quân trung Tá Trần Quốc Bảo, rời khỏi Việt nam khi mới lên 7 tuổi -/ Truy tố nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND Huyện Phú Quốc, tội ăn cắp đất của nhà nước để làm giàu phi pháp /-. Bắt một cán bộ tòa án liên quan đến vụ vận chuyễn ma túy với quy mô lớn /. HLV Đoàn Đình Lân, cựu tuyển thủ karate cấp quốc gia bị bắt khi đang cướp giật/ Hai TGĐ công ty PJICO bị bắt về tội hối lộ 1, 9 tỷ đồng./ Thu hồi danh hiệu giải Nhất và Cúp vàng Trí Tuệ Việt Nam 2003 của nhóm ICMS vì đã ăn cắp bản quyền của một tác giả người Mỹ /-.Ngân Hàng Thế Giới vừa viện trợ không hoàn lại cho VN 35 triệu USD cho chương trình phòng chống bệnh AIDS /. Cà Mau phát hiện 111 trường hợp xử dụng bằng cấp giả mà đối tượng hầu hết là cán bộ, quan chức nhà nước / Tình trạng khốn cùng của những cô dâu Việt nam tại Đài Loan và Singapore/….
Thú thật, tôi rất "bức xúc" và thấy buồn hơn là vui sau khi đọc qua một loạt tin tức trên báo chí quê nhà. Tôi đành tìm sang trang quảng cáo hy vọng thay đổi không khí, biết đâu lại tìm được đôi điều thú vị. Nhưng tôi bỗng giật mình, khi bất ngờ đọc tới cái đoạn quảng cáo nhỏ sau đây trên đầu một tờ báo: "Thịt Dế. Món ăn của người sành điệu nhất hiện nay" và phía dưới mô tả thêm: " Dân nhậu sành điệu rất khoái món dế, bởi thịt dế béo như tôm sú, ngọt như thịt cua, vừa thơm ngon bổ dưỡng lại vừa chửa được nhiều thứ bệnh như đau nhức, tê thắp, béo phì. Giá một con dế trong nhà hàng là 10.000 đồng. Dế có thể chế biến được nhiều món như chiên xù, xào lăn, kho tiêu, ram mặn, nướng kẹp bánh mì, lẩu, gỏi...Hiện ở thành phố Hồ chí Minh, 1 kg dế có thể bán tới 250.000đồng. Ở một số nước, dế được coi là món ăn "cao lương mỹ vị" và chỉ dùng để đãi khách quí, nên ở Thái Lan, giá 1kg dế lên tới 40 đôla, ở Mỹ là 60 đôla. Vốn là một loại thức ăn bổ dưỡng, dế rất hấp dẫn các du khách Việt kiều, Nhật Bản, Đài Loan, Australia... đến Việt nam.. Cũng như bất cứ loại động vật hoang dã nào, dế đã trở thành món đặc sản trong các nhà hàng hay các quán nhậu, nhất là ở TP/HCM." Một cậu bé chăn bò ở miền đồng bằng Nam Bộ, nhờ kinh nghiệm đá dế và bắt dế, vừa trở thành nhà tỷ phú vì lập ra một công ty nuôi và xuất cảng Dế mà cậu ta đang làm giám đốc, với sự trơ giúp của gia đình và chính quyền địa phương...".
Tôi rất "phẫn nộ" với cái đoạn quảng cáo này. Và đây là chuyện chẳng liên quan gì tới "chính chị chính em", nên tôi xin được bày tỏ lập trường:
Trước hết trong mẫu tin quảng cáo trên có hai sự kiện cần xét lại: thứ nhất, ông nhà báo trong nước nói thịt dế bổ dưỡng và chửa được nhiều thứ bệnh, Chẳng hiểu ông đã dựa theo tài liệu y học nào, hay chỉ phịa ra để cổ vũ một việc không lương thiện (ít nhất là đối với tôi): ăn thịt dế ? Thứ hai là dựa theo nguồn tin nào mà " cha nội " dám nói bừa là ở Mỹ giá 1kg thịt dế 60 đôla ? Tôi có một đám con ở Cali và vài trăm ông bạn HO ở khắp các tiểu bang bên Mỹ, kể cả Alaska, một nơi đèo heo hút gió, không ai từng thấy hay nghe nói có nơi nào ở Mỹ ăn và bán thịt dế ?
Nhưng chuyện nói láo là nghề của mấy ông nhà báo rồi. " Nhà báo nói láo ăn tiền " mà. Thắc mắc làm chi. Điều đã làm tôi đau đớn và phẫn uất nhất là tại sao thiên hạ đã bày ra cái cảnh đoạn trường này để cướp mất phần tuổi thơ đẹp đẽ, thơ mộng nhất của tôi và đám bạn bè tôi. Trời ơi, bộ mấy cha tư bản mới bên Việt Nam hết cái gì nhậu nhẹt rồi sao, mà bây giờ đẻ ra cái phong trào nhậu thịt Dế. Những con Dế thân thương của bất cứ một thằng con trai nào trong thời thơ ấu. Tiếng gáy của Dế và tiếng hát của Ve Sầu nó gắn liền với suốt một thời cắp sách tới trường, mà dư âm của nó vẫn theo đuổi mọi người cho tới giờ xuôi tay nhắm mắt. Chắc các bạn đã từng say mê cuốn " Dế mèn Phiêu Lưu Ký " của nhà văn Tô Hoài ? Lớn lên một chút, chắc các bạn cũng đã từng nghe hay thuộc lòng bài hát "Thằng Cuội" của Lê Thương:" Có con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền nên nghèo xơ xác...". Như vậy trong tuổi thơ của mỗi người đều có hình ảnh con Dế. Không chỉ ở Việt nam ta mà những xứ châu Á gió mùa, và cả ở châu Âu, châu Mỹ cũng vậy thôi. Hồi còn học trung học tôi đã đọc được ở đâu đó một đoạn văn của Charles Dickens, viết rất hay về những chú dế crickets bu lại dưới ánh đèn khuya. Mới đây một bà mẹ Mỹ, khi nhắc tới tuổi thơ của con trai mình cũng nói thật nhiều tới con Dế. Như vậy, Dế đã có mặt khắp nơi, tham dự vào những tuổi thơ diễm phúc cũng như tủi cực. Hơn thế nữa, Dế còn có mặt trong văn chương, không những nói về tuổi thơ, mà còn biểu tượng cho quê hương, cho bè bạn và cho cả những niềm đau, nỗi nhớ. Lúc nhỏ tôi say mê Dế. Lớn lên và ngay cả lúc sắp già như bây giờ, tôi lại càng say mê những bài thơ có bóng hình và tiếng Dế. Vì vậy với riêng tôi, con Dế phải được viết hoa. Cho dù tôi biết viết như thế là sai chính tả.
Như bao đứa bé khác, tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với con Dế. Tôi đã từng say mê bắt Dế, nuôi Dế, đá Dế, và thức cả đêm để nghe Dế hát. Con Dế cũng đã cho tôi nhiều cơ hội làm quen khi xin mấy sợi tóc của mấy cô bạn gái cùng lớp, cột vào đầu con Dế quay quay cho nó "hứng " lên trước khi vào trận đấu. Con Dế cũng đã cho tôi và đám bạn bè tuổi nhỏ có đủ niềm vui trong những mùa hè ở một vùng quê nghèo nhưng rất đỗi dễ thương. Một con Dế, sau một trận đấu, chỉ cần mất một sợi râu là tôi muốn khóc. Quê tôi ở tận ngoài Vạn Giã. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên hai, ba tôi bận dạy học ở trường Pháp-Việt, nên hai anh em tôi được ở với ông bà nội. Tôi có bà cô út, rất thương yêu lo lắng cho anh em tôi, Mỗi lần tôi làm nũng, là bà nội tôi sai cô tôi dắt tôi ra ao sen trước nhà tìm bắt mấy con Dế "mun". Tôi còn nhớ một đoạn thơ của ai đó có tâm sự giống tôi:
" Bao giờ cho đến ngày xưa
Để nghe tiếng võng đong đưa của bà
Để dầm nắng dưới đầm hoa
Rình con dế cụ thò ra thụt vào.."
Con Dế, còn để lại trong tôi một kỷ niệm xót xa, mà cứ mỗi lần nhớ tới, tôi không làm sao ngăn được dòng nước mắt. Ba tôi rất cưng tôi, một phần tôi không có mẹ. Có những ngày đi dạy học, ông chở tôi theo trên chiếc xe đạp. Đến trường ông giao tôi cho mấy chú học trò lớn của ông vừa chơi vừa dạy tôi học. Lúc ba tuổi, tôi đã biết được con ngựa cheval nhảy qua hòn núi montagne, ăn cỏ herbe, uống nước de l'eau. Một buổi trưa trời nắng gay gắt, trên đường về nhà nội tôi, khi qua một khu nghĩa địa, nghe tiếng mấy con Dế gáy trong mấy bụi cây bàn chải (loại cây mọc thành lùm và có đầy gai), tôi lấy tay đập sau lưng ông và bảo ông dừng xe lại bắt cho tôi mấy con Dế. Tội nghiệp, ông cũng chìu thằng con ngu ngốc, xuống lục lọi trong mấy bụi bàn chải gai góc cả nửa giờ, mà vẫn không thấy tăm hơi con Dế nào. Dế thuộc loại tinh khôn, khi nghe có tiếng động, nó im bặt. Nhưng khi Ba tôi vừa leo lên xe thì chúng lại tiếp tục chơi màn hòa tấu. Màn hòa tấu này lúc ấy còn hấp dẫn tôi hơn là một dàn nhạc hòa tấu mà tôi vừa được may mắn tham dự tại một nhạc viện nổi tiếng của thành phố
Tháng 6 năm 1976 ông chết trong trại tù cải tạo Đá Bàn, khi tôi đang bị tù ở vùng Việt Bắc. Hơn hai năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Tôi đã khóc đến không còn nước mắt. Từ hôm ấy, đêm nào ngủ tôi cũng mơ màng tưởng mình đang nghe tiếng Dế.
Sau hơn 15 năm phải bỏ quê lưu lạc xứ người, lần đầu tiên tôi về thăm quê hương và ngôi mộ của ba tôi. Cũng vào một buổi trưa hè, gay gắt nắng, khi đang quỳ trước mộ ông, tôi lại nghe tiếng một con Dế gáy vang trong lùm cây trước mộ. Kỷ niệm ngày xưa bỗng dưng oà tới, tôi xót xa ngồi khóc sụt sùi.
Ông anh tôi, lớn hơn tôi hai tuổi, hiền như cục đất. Lúc nhỏ hai thằng chơi với nhau, tôi thường ăn hiếp anh tôi. Tội nghiệp, anh theo tôi bắt Dế suốt ngày, Có lần một con Dế chết, hai đứa bày ra chuyện tổ chức đám ma cho Dế. Cái này ông anh rành hơn tôi. Chúng tôi dùng một cái hộp dầu nhị thiên đường tô màu đỏ làm chiếc quan tài rồi làm lễ " tiễn đưa con Dế đến nơi an nghỉ cuối cùng", dưới một gốc cây xoài. Bây giờ hai anh em cũng đã sắp già, có cuộc sống riêng. Nhưng mỗi lần nhớ tới anh là tôi nhớ tới con Dế và trong lòng cứ thấy rưng rưng.
Lớn lên, trải qua bao nhiêu thăng trầm, con Dế vẫn không rời xa tôi. Tôi say mê và dễ bị xúc cảm khi đọc những bài thơ về Dế. Đến nỗi tôi nghĩ dại rằng, đấng làm thơ nào mà chưa hề viết về con Dế thì chưa phải là thi sĩ. Ôn Như Hầu tiên sinh viết:" Đâu ngờ tiếng dế than ri rỉ / Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng." Nguyễn Khuyến tả cảnh đêm hè cũng có tiếng Dế kêu tha thiết. Nhiều thi sĩ thời nay viết về Dế như một lời tự tình bi thảm. Du Tử Lê viết: "Con dế mèn tự tử giữa đêm khuya..". Nhà thơ Tô thùy Yên, người bạn cùng tù với tôi đã viết: "Đây rồi chú dế giang hồ ấy / vẫn hát say sưa dưới cỏ buồn..". Đặc biệt anh đã trút hết nỗi lòng của một người tù trở về sau 17 năm cải tạo trong "Ta Về" Bài thơ khá dài và thật cảm động, được phổ biến rộng rải ở hải ngoại. Một đoạn trong bài thơ có bóng dáng tội nghiệp của con Dế :
"...Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi
Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống đương đầu với lãng quên
Con dế, vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen..."
Lưu lạc xứ người bao nhiêu năm, lần đầu tiên trở về thăm làng cũ, chạnh lòng khi nghe tiếng Dế, tôi cứ tưởng như nó nói lên giùm tâm sự của chính mình:
... Hỏi thăm bụi chuối bên đường đó
Chú dế nào kêu giọng xót xa
Bao nhiêu oan khổ trăm năm cũ
Vẫn cứ ngân đều điệu xót xa..
Nhà thơ Trần Hoài Thư, cùng học với tôi ở Võ Tánh. Thời đi học ở cùng một nơi với tôi: Rộc Rau Muống, Nhatrang. Sang Mỹ sớm và công thành danh toại, đã viết về con Dế ngày xưa của anh. Bài thơ đã làm tôi xúc động nên thuộc lòng:
"Con dế nào của tuổi dại u mê / Cứ than vãn giữa trưa hè xứ Mỹ/ Hay chú dế của một thời ủy mị/ Đang gọi những mùa hè đã mất trong ta/ Đang gọi những cánh đồng xưa bao la/ Những cánh đồng ngập tràn rau muống/ Oâi những ruộng đường, Những bước chân luống cuống / Giữa một vùng đầy nhạc dế xênh xang/ Biết chú nào núp ẩn giữa rộc non/ Nô giởn cùng cộng rau tươi mát / Gậm nhấm những chồi non xanh ngát/ Đôi cánh thổi kèn thả nhạc đêm xanh
Đứa nhỏ nào của xứ Nhatrang / Của thời Sinh Trung chưa bồi chưa lở / Của mỗi năm, những trái xoài trái ổi/ Rủ nhau xum xuê dưới bóng mát thiên đường / Của những ngày loạn lạc nhiễu nhương/ Của những đêm trăng, Sân nhà Sâm trắng như bánh tráng/ Chú dế của ta cũng theo mùa trăng để lớn/ Gọi cô nàng bạn gái trong hang /Thằng bé cũng lớn lên theo những mùa trăng/ Nhớ Sâm đi tìm cho Sâm chú dế / Chú dế có đôi càng vương đế /Râu vút lên trời, đầu bóng như mun / Chú dế giữa đồng xanh thẩm chơi rong / Cứ khuyến dụ ai một thời dại nhỏ
Một thời ai tắm truồng không mắc cỡ/ Hái trộm xoài vẫn nhớ tới Sâm/ Nhớ chú dế nào to nhỏ trong đêm/ Khiến ta cứ xôn xao hoài phải thức/ Chú dế của ta, cánh màu hung đất/ Trước bạn trước thù râu cũng vênh vang/ Chú cũng như ta- tóc hạ Nhatrang/ Hồn xanh mướt mây Hà Ra Xóm Bóng/ Da đồng đen của mặt trời dưới Chụt /Tóc hung hung của nắng lửa Hòn Chồng/ Chú theo ta, lên Rù Rì mênh mông/Du thủ cùng ta xóm trên xóm dưới/ Ta thương chú hơn trái xoài trái khế/ Trên đầu giường, bên cạnh chú, hồn ta.
Nhà thơ Quan Dương, gốc Ninh Hòa chính hiệu, người bạn trẻ dễ thương của tôi, đã từng gởi hồn mình qua Tiếng Dế xót xa. Bài thơ thật hay đã làm tôi vô cùng cảm động:
" Gió xô chiều ngã xuống hướng Tây, vài chiếc lá khô đang ấp vòm cỏ dại / Sợ lạnh nên lá vàng trước tuổi / Mùa thu đang khoát lá màu chàm, phủ trùm lên giọt nắng chưa tan / Chiều đang bước dần vào bóng tối / Con dế ru thều thào yếu đuối / Lâu lắm rồi mới nghe lại tiếng dế than / Đây là xứ Mỹ chứ đâu phải Việt Nam / Sao lại có tiếng dế buồn thảm thiết ?
Tiếng dế dìu hồn tôi về thuở trước / Thuở nằm rừng với thằng bạn lính tuổi thư sinh / Trung đội hai thằng bố trí hình mũi tên / Bờ ruộng, sình lầy ngập lên tới bụng / Phía sau lưng đêm lầm lũi rụng, trước mặt là tiếng dế như sẫm chiều nay / Trong đầu mỗi thằng dệt sẳn vài câu thơ / Để dành lại nếu ngày mai còn sống, sẽ xớt chia từng ly thơ để uống / Để gọi là mừng sau một đêm qua truông.
Tuổi trẻ của bọn tôi giữa thời buổi chiến tranh, tàn thuốc hút chung nặng đầy tình nghĩa / Ngụm rượu đế sau lần tiếp tế, nồng say hơn rượu X.O nhiều / Thời khổ nạn dám chết cho nhau, những thằng bạn khác gì Lương Sơn Bạc ?
Chiều nay xứ người nghe con dế khóc / Thấy đất cựa mình theo bước quân đi / chinh chiến lụi tàn trên đất nước từ lâu / Con dế khóc ? Hà cớ gì cháy lại?/ Hay là lửa dấu trong lòng âm ỉ? / Chỉ đợi hơi xăng là bốc khói ra ngoài?
Thằng bạn tôi ở lại chiến trường xưa, thân xác giờ này cũng đã tan theo gió bụi / Lâu lắm rồi tôi giả đò không còn nhớ / Có phải bạn trách tôi theo tiếng dế đến nơi này ?/ Nơi tôi sống bây giờ toàn xa lộ freeway / Hỏi bạn ? Tôi tìm đâu ra vùng sình lầy ngập nước / Để hai đứa ngâm mình hút chung điếu thuốc, để bạn dạy tôi hai tiếng đồng bào / Để bạn giải thích cho tôi hiểu tại sao, tuổi trẻ bỏ quên mà không hề hối hận.
Thu khoác lên vai chiếc áo lạnh / Tôi mở cửa vào nhà có máy sưởi vặn lên / Nhìn qua khung cửa kiếng ngoài hiên / Con dế núp nơi nào trong đám cỏ?/ Chú dế bé con ơi, thôi đừng khóc nữa / Tôi đã ươn hèn từ lúc bỏ nước ra đi /
Đó là con Dế ngày xưa của những người bây giờ đã già, qua bao nhiêu thăng trầm, vẫn mãi mang theo, vẫn còn da diết nặng tình với Dế. Bây giờ ta hãy nghe con Dế trong thơ của những người rất trẻ, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Bài thơ của Barbara Trần là một điển hình. Cô sinh và lớn lên ở New York, tốt nghiệp cao học nghệ thuật tại đại học Columbia, cùng với ba người bạn đồng lứa, chủ biên tuyển tập Ngấn Nước, gồm toàn văn thơ của những người Mỹ trẻ gốc Việt. Con Dế của cô không còn là biểu tượng của tuổi thơ hay nỗi niềm da diết, tình tự ở quê nhà, mà chỉ còn là một cuộc ái ân.
"Đêm tôi nằm
dụi vào người chồng
hy vọng trốn chạy chính mình
gắn chặt thân thể chàng
như thể khi mơ
chàng có thể nghĩ rằng tôi
như con dế
trên lá cỏ
của mảng lưng chàng.
Dế và cỏ cùng
đu đưa
trong gió,
nhẹ như hơi thở
chúng tìm ra một vùng đất
Tôi bỗng thấy mình cô độc
Trên cánh đồng này.
Mặc dù đây lại là một con Dế khác, hoàn toàn khác. Nhưng mà con Dế cũng dể thương và chắc chắn trong đám đàn ông chúng ta, ai lại không muốn có một con Dế như vậy. Phải không ? thưa các bạn ?
Đọc tới đây, chắc bà con thiên hạ không nỡ nào còn nhẫn tâm bắt con Dế của tôi mà làm thịt nhậu chơi. Oan hồn của nó sẽ theo kẻ nào giết nó mà rên rỉ than khóc suốt đời. Vậy thì không một ai được phép phạm tới con Dế, để bắt nó trở thành một thứ gì đó rất tầm thường, đến phàm phu tục tử: thịt dế. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ thêm một điều khoản đặc biệt trong hiến pháp nước CHXHCNVN: Tuyệt đối cấm mọi hành vi làm bách hại tới con Dế. Hình phạt tử hình cho những ai ăn thịt Dế và buôn bán Dế để làm thịt.
Từ ngày rời khỏi quê hương đến nay, đã hơn 20 năm, tôi rất xa lạ và chưa hề được hô khẩu hiệu. Trước khi chấm dứt mấy dòng cà kê nhưng đầy tâm huyết này, tôi xin khóa cửa lại để hô to khẩu hiệu:
- Con Dế muôn năm. Con Dế sẽ sống mãi trong lòng và trong sự nghiệp văn chương của chúng ta.
Phạm Tín An Ninh