Truyện Ngắn & Phóng Sự

Cửa việt, những hồi ức

Tôi cũng đã báo cáo tình hình với Đại úy Trung tâm trưởng, Trung Tá Tham Mưu Phó cùng Đại Tá Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải. Vài phút sau các vị này đều có mặt tại CSC. Lệnh cấm trại 100/100 quân số đã được duy trì t
Để nhớ về Cửa Việt và các chiến hữu của tôi.
Nguyễn Đình Hoàng


CSC Danang 280200 H /04/1972.
       Viên Trung úy cố vấn Mỹ từ phòng Truyền Tin Tác Chiến Điện Tử, nơi mà 17:00H mỗi ngày các sĩ quan cố vấn truyền tin phải kiểm tra hoặc ấn định lại tần số liên lạc bằng hộp chứa các thỏi tinh thể thạch anh (crystal) trong suốt, bước sang phòng CSC (Coasttal Surveillance Center – Trung Tâm Kiểm Soát Duyên Hải) cho biết Căn Cứ Cửa Việt đang bị tấn công. Chúng tôi nói với anh ta, các đơn vị tại căn cứ đã báo cáo, và họ đang chống trả. CSC đang chờ các báo cáo mới của họ. Tôi cũng đã báo cáo tình hình với Đại úy Trung tâm trưởng, Trung Tá Tham Mưu Phó cùng Đại Tá Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải. Vài phút sau các vị này đều có mặt tại CSC. Lệnh cấm trại 100/100 quân số đã được duy trì trên toàn Vùng 1 từ cuối tháng 3, nên một vài sĩ quan trực quart khác cũng có mặt để biết tình hình, và phụ giúp nếu cần. Hệ thống âm thoại trong phòng CSC đang rất ồn ào bận rộn. Việc liên lạc liên tục bị gián đoạn, CSC yêu cầu Đài Kiểm Báo 102 trên đỉnh núi Sơn Trà, và một chiến hạm của Hải quân VNCH đang án ngữ ngoài khơi để yểm trợ hải pháo, trực âm thọai với Duyên Đoàn 11 để chuyển tiếp (relay). Tình hình cũng đã được báo cáo với phòng hành quân Quân Đoàn 1 để được biết với tính cách nguyên tắc, và thủ tục vì địch đang mở các đợt tấn công trên toàn Vùng l…

Ngày 301200H/03/1972, các Sư đoàn 304, 308 Bắc Việt cùng hai trung đoàn chiến xa 202, 203 gồm 200 chiến xa và pháo binh vượt qua vùng phi quân sự DMZ (Demilitary Zone), phối hợp với 3 trung đoàn biệt lập thuộc B5 (Bình - Trị - Thiên), và 1 trung đoàn đặc công dùng trận địa chiến tấn công vào các đơn vị bảo vệ phía Bắc và sườn phía Tây tỉnh Quảng Trị. Lực lượng địch xử dụng trận địa pháo, dùng đại pháo 130 ly nòng dài có tầm bắn 27.2 cây số, và các dàn hoả tiễn 122 ly từ bờ Bắc để yểm trợ cho các cuộc tấn công. Sư đoàn 324B của địch từ Nam Lào tiến vào thung lũng Ashau, uy hiếp thành phố Huế, và sư đoàn 711 biệt lập liên tục quấy rối các đơn vị bảo vệ Đà Nẵng. Bản đồ trận liệt của TTKS /DHĐN (Trung Tâm Kiểm Soát/Duyên Hải Đà Nẵng) chi chít những mũi tên đỏ hướng Bắc–Nam và Tây–Đông. Giữa tháng 4, kho xăng Liên Chiểu - Đà Nẵng bị địch pháo trúng, và bốc cháy. Cột lửa sáng rực cả vịnh sông Hàn. Không khí chiến trận đã có thể nhìn thấy từ mỏm Tiên–Sa, nơi yên ả nhất của Đà Nẵng. BTL/HQ/VIDH đã cho xây dựng một công sự chứa lọt một trailer, toa xe lưu động để dùng làm phòng ốc dã chiến của quân đội Mỹ, ngay chân ngọn đồi nhỏ trong CCHQ/Đà Nẵng để sẵn sàng cho bộ chỉ huy quân đoàn xử dụng khi cần thiết.
Những ngày đầu tháng 4, các đơn vị nằm dọc theo đường số 9 kể cả các đơn vị thuộc Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến tăng phái để bảo vệ vùng cận sơn Quảng Trị đã phải di tản sau khi bị địch quân tấn công, và cắt mất đường tiếp tế cho các đơn vị này. Với trận địa pháo áp đảo sau đó dùng chiến thuật biển người có chiến xa mở đường, và bộ binh địch còn được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 dễ dàng bắn cháy chiến xa M48 và trực thăng đã tạo ra những bất ngờ và hoang mang cho các lực lượng tác chiến của ta trên toàn vùng giới tuyến.
Buổi chiều ngày 02-4, sau nửa ngày chống trả các đợt tấn công của địch, từ căn cứ Tân Lâm (Carroll), nằm ở phía Nam thị xã Cam Lộ, Trung Tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn-trưởng Trung đoàn 56/SĐ3BB, và Trung tá Vĩnh Phong, Trung-đoàn-phó, cùng 1500 binh sĩ và sĩ quan đã đầu hàng địch vì không nhận được pháo binh và không quân yểm trợ đúng mức. Năm trăm binh sĩ và sĩ quan còn lại đã theo Thiếu tá Tôn Thất Mân, Tiểu đoàn trưởng TĐ1/56/SĐ3, đã mở đường máu thoát được về Đông Hà. Ngay tại Đà Nẵng đã có nhiều lời đồn cho rằng lực lượng pháo binh chỉ yểm trợ cho lực lượng trú phòng được 08 tràng đạn thì ngừng bắn vì lý do tiết kiệm đạn dược. Cho đến nay, nhiều người trong đó có ký giả Andrew A. Wiest tác giả cuốn “Việt Nam’s Forgotten Army: Heroism and betrayal in the ARVN (NY University Press, December 2007)” đã từng hiện diện bên cạnh Sư Đoàn 1BB đã viết về cuộc đời của Trung tá Phạm văn Đính và Thiếu Tá Trần Ngọc Huế là hai sĩ quan Tiểu-đoàn-trưởng xuất sắc của Vùng 1 với những kết thúc cuộc đời binh nghiệp trái ngược nhau. Thiếu tá Huế tử thủ với đơn vị, bị thương cụt một cánh tay, bị địch bắt, và ở tù 13 năm trước khi sang Mỹ định cư. Ký giả này cũng cho biết trong một lần dự Festival Huế ông có tìm gặp Phạm Văn Đính nhưng ông ta tránh nhắc lại chuyên cũ. Riêng về Trung tá Đính, người viết đã từng gặp trong những lần ghé bến sau khi cùng các tàu rà phá mìn dẫn các đoàn tàu chở đồ tiếp liệu cho Đông Hà, và cũng đã có lần gặp gỡ ông trong nhà một cô bạn gái ở gần Cổ thành Quảng Trị. Phải nói ông là một người có dáng to cao, đẹp trai, nhưng thân hình rất gọn trong bộ quân phục vàng với hình bạch tượng thêu trên ngực áo, huy hiệu của TrĐ56BB, nên mọi người thường gọi trung đoàn bằng tên Bạch Tượng này. Đối với người viết thì cái tên bạch tượng nếu dùng để gọi ông thì cũng khá tương xứng.
Có thể nói những sĩ quan trẻ của các quân binh chủng thuộc Vùng 1 ở cấp Đại Đội đến Trung Đoàn, và các cấp tương đương đều rất xuất sắc trong vai trò và vị trí của mình. Như Đại Tá Võ Toàn, TrĐ trưởng TrĐ1/SĐ1BB, mang lon Đại Tá khi chưa tròn 30 tuổi với chiến thuật “phá kiềng diệt chốt” nổi tiếng, và chiến thuật này từng được nhắc tới trong binh thư Mỹ. Chiến thuật phòng thủ dùng lựu đạn cũng là điểm chính của ông, đã giúp phòng tuyến các đơn vị của trung đoàn gần như chưa bao giờ bị địch tràn ngập. Với hai số 1 trên áo, trung đoàn đã được mệnh danh là “trung đoàn hai ngọn đèn cầy”. Hình ảnh hai ngọn nến trên quan tài tử sĩ cho chúng ta thấy nhiệm vụ đầy gian nan chết chóc của trung đoàn. TrĐ1BB là trung đoàn bộ binh duy nhất được đeo dây biểu chương màu Bảo Quốc Huân Chương, trước cả Sư đoàn Nhẩy dù. Năm 1975 sau khi đưa được Trung Đoàn về Đà Nẵng, ông cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Điềm TL/SĐ1BB khi bay thị sát chiến trường từ Non Nước vào Quảng Ngãi, trực thăng bị bắn rơi. Thiếu tướng Điềm, Đại Tá Toàn và toàn bộ phi hành đoàn đều mất tích. Có phải đây cũng là một kết thúc bi tráng mà Trời đã dành cho cuộc đời binh nghiệp của những người như ông và Thiếu Tướng Điềm chăng!!!???
Năm 1982, khi bị giam ở nhà tù Đông Thạnh huyện Hóc Môn, người viết có gặp anh bạn trẻ Lê Như Tuấn khóa 30 Võ Bị Đà Lạt, gọi Đại Tá Lê Quang Tung và Trung tá Lê Quang Triệu là bác và chú ruột. Trong câu chuyện về Đại Tá Toàn, Tuấn cho biết trong kỷ yếu của khóa 17 lưu lại quân trường ông chỉ viết một vài chữ ngắn ngủi: “Sinh ra nghèo, sống nghèo, hy vọng chết nghèo”. Người viết còn có người hàng xóm gốc Hoa, từng là lính cận vệ của Đại tá Toàn, cho biết thân phụ Đ/Tá Toàn làm nghề buôn củi ở Huế nhưng chưa bao giờ cho GMC chở củi giúp cha. Cho nên, những người đem tâm thức của xã hội làm thước đo cho sự phục vụ thì dù ở tầm mức nào cũng xứng đáng là một nhân tài, và cũng thật xứng đáng với sự ngưỡng vọng của thuộc cấp. Tháng 10-2011 vừa qua, gia đình và bạn bè đã làm lễ cầu siêu cho ông tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, sau khi một nhân viên phi hành còn sống sót và những người dân Quảng Ngãi vớt được xác rồi chôn ông, đã giúp gia đình tìm ra mộ ông cùng Thiếu Tướng Điềm. Đó cũng là niềm an ủi cuối cùng cho gia đình, bạn bè và những người quen biết.
Mất Tân Lâm, căn cứ Mai Lộc của Lữ Đoàn 147 TQLC hoàn toàn bị cô lập, bị tấn công mãnh liệt và được lệnh di tản về căn cứ Phượng Hoàng (Pedro), là bản doanh của Lữ Đoàn 258 để bảo vệ Quảng Trị. Các căn cứ hoả lực của Trung Đoàn 2 (một trung đoàn thiện chiến của Vùng 1 đã được tách ra từ SĐ1 để làm chủ lực cho SĐ3 tân lập), và TrĐ57 trấn giữ phía Tây và Tây Bắc Cam Lộc cùng các căn cứ hoả lực A-1, A-2… dọc theo giới tuyến, Chi khu Gio Linh cũng đã phải triệt thoái về để bảo vệ Đông Hà. Lực lượng công binh cũng được lệnh phá hủy cầu Đông Hà lúc 4giờ chiều ngày 02-4 đề phòng chiến xa địch vượt sông. Dân chúng Kinh, Thượng từ các quận Hưng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, Trung Lương và các làng bản phụ cận cùng những quân nhân rã ngũ, thất lạc đơn vị theo gia đình đã lũ lượt di chuyển bằng đường bộ chạy về Đông Hà và Quảng Trị gây nhiều khó khăn cho quân đội trong việc kiểm tra an ninh tại hai thành phố này cũng như trong các cuộc hành quân. Danh từ “di tản chiến thuật” đã được phát ngôn viên quân đội dùng để chỉ các cuộc triệt thoái cũng bị hệ thống báo chí đưa vào ngoặc kép với hàm ý mỉa mai!
Như vậy chỉ trong vòng 4 ngày, 11 căn cứ hoả lực được trấn giữ từ cấp Đai Đội đến Trung Đoàn đã bị triệt thoái hoặc tràn ngập khiến tinh thần binh sĩ và dân chúng tại Quân khu 1 đều hoang mang lo sợ. Người ta phỏng đoán nếu quân Bắc Việt có thể đưa 1 hoặc 2 Trung Đoàn tiến nhanh về Huế những ngày đầu tháng 4 thì có lẽ Huế cũng không giữ được như nhận xét của trùm CIA, William Colby: “Huế chắc chắn sẽ mất nhưng Đà Nẵng thì không.” Nhưng những gì người viết thấy và biết được tại Vùng I thì địch cũng đã bị đuối sức. Có thể nói các chiến thắng của địch đã ở mức độ và khả năng cao nhất mà họ có thể đạt được trong những ngày này. Từ Cửa Viêt các chiến đỉnh của ta vẫn ngày ngày tuần tiểu và rà phá mìn trên trục thủy lộ Cửa Việt – Đông Hà cho đến những ngày cuối cùng của tháng 4 mà không bị bất cứ cuộc tấn công lớn nhỏ nào của địch, dù rằng, sự triệt thoái các căn cứ hỏa lực cùng các đơn vị địa phương vùng giới tuyến, và Chi khu Gio Linh đã khiến các hành lang xâm nhập vùng Cửa Việt đã hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Ngày 02-4, BTL/SĐ/TQLC cùng Lữ Đoàn 369 từ Sài Gòn đã được không vận ra Huế tăng phái cho Mặt trận Quảng Trị. Lữ đoàn 369 được lệnh lập phòng tuyến dọc theo sông Mỹ Chánh, con sông nhỏ chảy vào phía Bắc Phá Tam Giang, biên giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, cách Quảng Trị 9 cây số về phía Nam. Đoạn đường 9 cây số trên quốc lộ 1 này được giao cho TĐ7TQLC án ngữ.
Ngày 09-4 căn cứ Phượng Hoàng, bị 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 304 có chiến xa mở đường, tiền pháo hậu xung nhiều đợt nhưng nhờ sự can thiệp hữu hiệu của Không quân và Pháo binh cùng sự tiếp viện của hai ĐĐ/TQLC, một chi đoàn thiết giáp M48, và một chi đội thiết vận xa khiến địch phải tháo chạy, bỏ lại hơn 400 xác, 21 chiến xa địch bị bắn cháy, và 03 chiến xa bị bắt sống.
Bị thiệt hại nặng, địch tạm ngưng các cuộc tấn công bằng bộ binh, để bổ sung quân số và tái phối trí lực lượng nhưng vẫn liên tục pháo kích dữ dội vào các vị trí của ta trên toàn tuyến phòng thủ Đông Hà - Quảng Trị.
Ngày 14-4 phấn khởi với chiến thắng ở căn cứ Phượng Hoàng, được sự hứa hẹn yểm trợ hoả lực của người Mỹ, được tăng phái thêm hai liên đoàn Biệt Động Quân, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm cho mở cuộc hành quân Quang Trung 729 tái chiếm các lãnh thổ đã bị mất. Nhưng sự phối hợp của các quân binh chủng không đồng bộ nên các mũi tiến công của ta đều bị đẩy lùi và bị thiệt hại nặng bởi pháo binh địch.
Ngày 18-4, thừa thắng địch đã tập trung lực lượng, và tái tấn công căn cứ Phượng Hoàng nhưng bị LĐ-147/TQLC, vừa được tái trang bị và bổ sung quân số thay thế cho LĐ-258, đẩy lùi. Ngày hôm sau địch quay trở lại và liên tục mở các cuộc tấn công mãnh liệt vào căn cứ. Thiệt hại nặng và không được yểm trợ hữu hiệu, ngày 23-4 Lữ Đoàn 147 đã phải di tản về các phòng tuyến quanh Quảng Trị, cách căn cứ Ái Tử, bản doanh BTL/SĐ3, từ 3 tới 4 cây số. Quảng Trị nguy ngập khiến TĐ7TQLC được đưa ra tăng cường cho căn cứ Ái Tử, bỏ trống đoạn đường từ Hải Lăng đến Mỹ Chánh khiến quân Bắc Việt có cơ hội đưa 2 Trung Đoàn tấn công các đơn vị địa phương và đóng chốt trên đoạn đường này, tạo nên Đại Lộ Kinh Hoàng, mồ chôn của khoảng 20.000 quân và dân trong cuộc di tản khỏi Quảng Trị bởi mưa pháo của quân chính quy Bắc Việt và bộ đội Việt Cộng địa phương hai tuần sau đó.
Ngày 26-4 Tướng Giai cho di tản BTL/SĐ3 về cổ thành Quảng Trị. Lúc này ta chỉ còn giữ được Đông Hà, căn cứ Ái Tử, Thành phố Quảng Trị và các quận lỵ quanh thị xã như Triệu Phong, Hải Lăng, Mai Lĩnh. Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt ở Đông Bắc Quảng Trị và Đông Hà trở thành vị trí xa nhất của ta trên toàn vùng giới tuyến.
Cũng trong ngày 26-4, 2 TrĐ của SĐ324B Bắc Việt đã mở cuộc tấn công và tràn ngập căn cứ Bastogne được trấn giữ bởi một tiểu đoàn của TrĐ3/SĐ1 khiến căn cứ Checkmate gần đó cũng phải rút bỏ, nhưng các đơn vị của SĐ1vẫn giữ vững các tiền đồn phòng thủ Huế.
Trong tháng Tư, dựa trên các tin tức tình báo thu lượm được cũng như thực tế trên chiến trường, việc CCHQ/Cửa Việt có thể bị tấn công bằng trận địa pháo trước khi bộ binh và chiến xa địch xung trận. Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư đoàn 3 BB, trong một ngày giữa tháng Tư đã cùng Đại tá Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh HQ/V1DH, bay đến CCHQ/Cửa Việt. Trong cuộc thăm viếng này tướng Giai với cương vị chỉ huy cao cấp nhất khu vực cho rằng trong tình hình hiện nay, nếu căn cứ bị tấn công, ngay cả pháo binh của sư đoàn 3, của tiểu khu Quảng Trị và Chi Khu Đông Hà cũng khó có đủ khả năng yểm trợ hữu hiệu cho căn cứ!
Để chuẩn bị cho một trận chiến đơn độc, và sự yểm trợ hỏa lực chỉ còn trông chờ vào hải pháo của các chiến hạm Mỹ hiện diện ngoài khơi hoặc thậm chí chỉ có được từ các chiến đỉnh của Hải Đội 1 Duyên Phòng, các hải pháo 40 ly, 76.2 ly và 127 ly của một vài chiến hạm tăng phái. Các đơn vị tại căn cứ gồm Duyên Đoàn 11, Giang Đoàn 92 Trục Lôi, và CCHQ/Cửa Việt suốt trong tháng 4 đã gấp rút kiểm soát lại tàu bè, chấn chỉnh hệ thống phòng thủ, và thường xuyên thực tập nhiệm sở tác chiến để sẵn sàng chờ địch. Tất cả các chiến đỉnh còn khiển dụng dù nghỉ bến cũng duy trì 100/100 quân số để có thể tách bến ngay khi cần thiết. Khi khẩn cấp nếu chiến đỉnh dù chỉ có hai nhân viên, một xạ thủ và một lái tàu, là được phép rời bến. Vũ khí và đạn dược cũng đã được các đơn vị cho kiểm kê và báo cáo. Riêng hoả tiễn chống chiến xa M72, các đơn vị báo cáo chỉ còn 08 cây, BTL/HQ/VIDH đã yêu cầu cố vấn Mỹ xin thêm nhưng chưa được thoả mãn.
Tình hình chiến sự những ngày đầu tháng tư cũng cho thấy sự yểm trợ của Không quân và hải pháo Mỹ cho các lực lượng tác chiến của chúng ta rất giới hạn, và gần như không đáng kể. Trong nhiều tài liệu liên quan đến cuộc chiến mùa hè 1972 ở vùng I nhiều tác giả cho rằng hải pháo Mỹ tầm bắn tối đa chỉ tới Đông Hà và Quảng Trị nên đã không yểm trợ cho các đơn vị vùng cận sơn Tây Bắc Quảng Trị, Đông Hà được. Trong phần sau người viết sẽ chứng minh rằng sự việc không hoàn toàn như thế. Về phía quân đội, chương trình tiết kiệm đạn dược cũng đã khiến cho các đơn vị pháo binh của ta lúng túng khi phải giải quyết các yêu cầu yểm trợ của đơn vị bạn.
Cho đến nay đã có rất nhiều phỏng đoán nguyên nhân dẫn tới quyết định cuộc tấn công mùa hè 1972 của Cộng Sản Bắc Việt, và phần lớn đều cho rằng nó liên quan chặt chẽ tới các quyết định được thoả thuận giữa Washington và Bắc Kinh cho cuộc chiến Việt Nam, và Bắc Việt muốn tìm cách thoát khỏi các quyết định nầy.
Ngày 21-2-1972 Tổng Thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh mở đầu một tuần lễ “làm thay đổi cục diện thế giới” theo cách nói của ông ta. Tuần lễ này được kết thúc bằng thông cáo chung Thượng Hải giữa Mỹ và Trung Quốc thì chỉ vài ngày sau Bắc Việt mở màn cuộc tổng tấn công mùa Hè tại các tỉnh thuộc giới tuyến phía Bắc. Tình hình trên toàn thể miền Nam Việt Nam đã chìm đắm trong khói lửa. Ngày 6-4 Bắc Việt lại tiếp tục điều động ba sư đoàn tấn công quận Lộc Ninh và thị xã An Lộc thuộc tỉnh Bình Long. Chiếm được Lộc Ninh, địch bao vây và mở nhiều đợt tấn công vào các lực lương bạn cố thủ tại An Lộc nhưng không chiếm được thị trấn này. Cũng trong ngày 6-4 địch mở cuộc tấn công vào các đơn vị Nhẩy Dù tăng phái cho Tây Nguyên. Ngày 12-4 căn cứ Charlie của Tiểu Đoàn 11 Dù bị tràn ngập và tan rã trên đường rút lui, Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu-đoàn-trưởng hy sinh. Ngày 23-4 Sư đoàn 2 Bắc Việt với ưu thế về quân số và hỏa lực pháo cũng như chiến xa yểm trợ đã buộc Trung đoàn 42 và Trung đoàn 47/SĐ 23 BB phải rút khỏi Dakto và Tân Cảnh, hai tiền đồn bảo vệ Kontum. Kontum bị vây hãm và hàng ngày chịu đựng mưa pháo của địch. Bộ binh địch đã tiến sát các vị trí phòng thủ của Trung đoàn 45 và 53/SĐ 23, có nhiệm vụ bảo vệ Kontum.
Cũng phải nói, nhờ những cố gắng hết mình của Trưởng đoàn cố vấn Mỹ tại Vùng 2, ông John Paul Vann mà các yểm trợ của pháo đài bay B52 đã đến đúng lúc, chặn đứng các cuộc tiến quân của địch vào Kontum. (Các bạn có thể tìm đọc tài liệu về cuộc chiến 1972 tại vùng 2 chiến thuật và cuộc đời của John Paul Vann trong cuốn “The Bright Shining Lie” (Sự Lừa Dối Sáng Chói) của tác giả Nieil Sheehan.
Phần khác, sau khi cuộc tấn công xẩy ra, để có thể công bố với người dân Mỹ trên truyền hình vào buổi tối 30 tháng 4 kết quả chương trình Việt Nam hóa chiến tranh “Tonight I can report that the Vietnamization has succeded” (Tối nay tôi có thể thông báo rằng việc Việt Nam hóa chiến tranh đã thành công). Tổng Thống Nixon từ giữa tháng 4 đã cho các pháo đài bay B52 và hải pháo yểm trợ mạnh cho quân đội Miền Nam theo đúng mô thức Việt Nam Hóa Chiến Tranh “Quân Đội Việt Nam cộng với hỏa lực yểm trợ của hải và không quân Mỹ” trong cố gắng giữ được các vị trí còn lại, và sau đó chiếm lại một số vị trí đã mất từ giữa tháng 5 đến tháng 9-1972 như ta thấy sau này.
Trở lại với CCHQ/Cửa Việt, ngày 27-4 vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Buổi sáng Thiếu úy Nguyễn Hạt và Hạ sĩ Giám lộ Nguyễn Khánh Hưng của Giang Đoàn 92 Trục Lôi nhận giấy đi phép theo phương thức luân phiên như thường lệ. Hai người chờ skimmer theo đường sông lên Đông Hà, rồi về Quảng Trị bằng xe đò, và sau đó đáp xe đò về Huế. Chuẩn bị quá giang skimmer thì được biết xe GMC của Duyên Đoàn cũng sẽ đi Quảng Trị công tác nên định theo xe vượt đoạn đường 17km giữa Cửa Việt và thành phố Quảng Trị sẽ nhanh và tiện hơn nhiều. Nhưng xe bị hư khiến họ phải ở lại và cùng tham gia chiến đấu.
Để có thể mô tả trận đánh tại Cửa Việt tưởng cũng nên lược qua lịch sử xây dựng căn cứ cùng vị trí địa lý cũng như hệ thống phòng thủ của nó.
Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt cách Đà Nẵng 90 hải lý về phía Bắc, cách vùng phi quân sự khoảng 3 km, được Hải Quân Mỹ xây dựng từ tháng 3-1967 với vai trò là chi nhánh của Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Đà Nẵng (Danang Naval Support Activity Detachment/Cua Viet) và có nhiệm vụ làm cầu nối, vận chuyển quân trang quân dụng cho các đơn vị tác chiến của Mỹ tại Đông Hà và vùng giới tuyến. Khi ấy căn cứ rộng đến sát bờ biển, và cách cửa sông 500m, Hải Quân Mỹ đã xây dựng một bãi ủi ngay bờ sông thuộc căn cứ để các dương vân hạm LST (Landing Ship Tank) có thể ủi bãi được. Nhưng vì lạch vào cửa nhỏ, có nhiều cồn cát ngầm thay đổi vị trí hàng ngày, căn cứ thì thường xuyên bị quấy rối bởi các cuộc pháo kích và tấn công bằng bộ binh của địch nên bãi ủi này ít khi được xử dụng. Dòng sông từ Cửa Việt đến Đông Hà lại thường xuyên bị thả mìn, rất nguy hiểm cho các tàu lớn nên hầu hết các tàu vận chuyển ra vào sông, chở đạn dược và xăng dầu cho Đông Hà chỉ gồm các Giang-vận-hạm LCU (Landing Craft Unit) và các Giang-vận-đỉnh LCM-8 (Landing Craft Medium 8) là chính. Các tàu này luôn đươc các skimmer (loại tiểu đỉnh lướt sóng nhỏ, vỏ composite nhẹ, sức máy 80 HP) chạy trước, ném lựu đạn T4 (chứa 600g thuốc nổ TNT, và nổ sau 9 giây khi ngòi nổ được kích hoả) để phá mìn. Các chiến đỉnh Yabota, LCPL (Landing Craft Patrol Large - các tàu kéo lưới vớt phá mìn, từ loại LCM được cải tiến), MSM (Mines Sweeper Medium) Trục Lôi Đỉnh đi trước dẫn đường và bảo vệ suốt lộ trình.
Môi trường thiên nhiên tại Cửa Việt cũng rất khắc nghiệt với cái lạnh thấu xương vào mùa Đông, và cái nóng kinh người của ngọn gió Lào vào mùa Hè từ tháng 5 cho đến tháng 9. Gió đều và mạnh, thổi cát bay mù mịt suốt ngày đêm. Bạn có thể tưởng tượng được rằng, sau một đêm ngủ trong tiếng gió vi vu buồn bã bên tai, sáng ra cát tụ cao một đến ba tấc ở ngạch cửa và chân tường. Nước đục ngầu từ bờ biển ra xa đến một, hai cây số vì cát. Di chuyển trong căn cứ cát bay rát mặt, và đọng đầy lỗ tai.
Cửa Việt còn có những đêm sương mù trắng như sữa, phủ dầy đặc tầm nhìn không quá vài mét, và kéo dài đến giữa trưa mới tan. Chiến đỉnh khi di chuyển vào thời điểm này phải có nhân viên đứng đầu mũi hướng dẫn.
Vào mùa mưa bão, những cơn lũ từ Trường Sơn đổ về trong vài tiếng có thể nhấn chìm toàn vùng Quảng Trị, kể cả thành phố Quảng Trị, từ 2 đến 3 thước nước. Nước ào đến nhưng cũng rút rất nhanh, nên nếu vận chuyển tàu bè vào sâu trong đất liền để tránh bão có thể bị lũ làm mắc cạn bị mất tàu như chơi. Nghĩa địa xã Triệu Phước nằm trên phần đất thôn Duy Phiên bị một xà lan của quân đội Mỹ nằm đè lên nhiều ngôi mộ cho tới tháng 10-1971 khi người viết rời khỏi Cửa Việt thì vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, và không hiểu sau đó có được giải quyết ra sao ....
Tháng 3-1970 lực lượng Clearwater của Mỹ rút khỏi Cửa Việt, căn cứ được chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam. Duyên Đoàn 11 với Thiếu tá Hy, Chỉ huy trưởng, và Thiếu úy Lê Bá Chư, Chỉ huy phó, được lệnh tạm thời tiếp nhận và quản lý trong khi chờ quyết định thành lập cũng như bổ nhiệm và thuyên chuyển nhân sự. Giang Đoàn 92 trục Lôi cũng được Lực Lượng Đặc Nhiệm Trung Ương 214 (LL/ĐNTƯ) thành lập để tiếp nhận tàu bè và quân dụng rà phá mìn của Mỹ giao lại. Sau khi người Mỹ hoàn toàn rút khỏi Cửa Việt, căn cứ gần như trở lại nguyên trạng đồn binh cũ của Pháp, được xử dụng làm hậu cứ cho Duyên đoàn 11 trước đây và được mở rộng thêm với cầu tàu, và khu vực nghỉ bến dành cho các tàu rà mìn do Hải Quân Mỹ để lại. Một khu gia binh của Duyên Đoàn và Giang Đoàn mới được xây dựng cũng mở rộng căn cứ về hướng Nam.
Về phương diện hành chánh, căn cứ nằm trên đất của thôn Phố Hội xã Triệu Vân quận Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Đi sâu vào đất liền dọc theo bờ phía Nam của sông từ Cửa Việt đến Đông Hà ta có phần đất của các xã Triệu Phước, Triệu Độ, các xã này tình hình an ninh tốt. Bờ bắc có các xã Gio Hải, Gio Mai với các thôn nằm sát bờ sông có tình hình an ninh tốt hơn các thôn nằm sâu phía trong. Phía Bắc xã Gio Mai và dọc theo bờ biển sát vùng Phi Quân Sự là các xã Cát Sơn Thượng và Cát Sơn Hạ, Diêm Hà tình hình an ninh xấu hơn nhiều.
Các thôn nằm sát bờ sông gần cửa đều làm nghề biển với các ghe nhỏ khoảng 3-4 tấn không mui, dạng ghe câu và ghe cào nhỏ sát bờ. Ghe cào có mui, và trọng tải trên 10 tấn rất hiếm. Thôn Mai Xá và Mai Xá Tĩnh của xã Gio Hải nằm về hướng Bắc/Tây Bắc, gần như đối diện với căn cứ là các thôn an ninh, đông dân và khá giả. Khả năng chiến đấu của lực lượng nghĩa quân xã rất tốt. Sau Tết Mậu Thân cho đến cuối năm 1970, tình hình toàn vùng Cửa Việt nói chung khá yên ổn.
Bờ phía Bắc sông dân cư thưa thớt, địa hình bằng phẳng trống trải hiếm có các bụi cây cao. Dòng sông từ ngã ba Gia Độ cách Đông Hà khoảng 1km, nơi sông Thạch Hãn hợp dòng với sông Đông Hà, tạo thành sông Cửa Việt ra đến cửa rộng và sâu có nơi rộng từ 1 đến 2 cây số, bờ sông thấp nên khả năng tấn công bằng bộ binh của địch vào các chiến đỉnh di chuyển trên sông không đáng sợ.
Cuối năm 1970 HQ Chuẩn úy Tôn Long Thạnh, K20, được bổ nhiệm làm Quyền CHP/CCHQ/Cửa Việt. Thực ra HQ Chuẩn Úy Thạnh kiêm nhiệm luôn cả chức vụ CHT vì căn cứ mới chỉ có 2 sĩ quan dưới quyền là Chuẩn uý Lê Quang Ánh và Chuẩn úy Quách An Quang cùng 22 đoàn viên tân đáo đơn vị. HQ Chuẩn Úy Nguyễn Đình Hoàng trình diện DĐ11 đảm nhiệm chức vụ sĩ quan văn phòng kiêm sĩ quan tuần tiểu.
CHT Duyên Đoàn 11 là HQ Đại Uý Nguyễn Văn Hào K15, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Long K3/69 quyền CHP. Khi Ch/úy Long đi học hải nghiệp thì Thiếu Úy Nguyễn văn Duyệt ra thay. Th/úy Duyệt tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và là tác giả huy hiệu Duyên Đoàn 11 Bến Hải với hình ảnh ba ngọn sóng thần trấn ải của Duyên Đoàn. Bốn sĩ quan khác của Duyên Đoàn là Ch/úy Phó Thái Thiêm coi phòng truyền tin kiêm hành quân, Ch/úy Nguyễn Đại Diêu (An ninh), Ch/úy Đỗ Xuân Tịnh (hiện bị ung thư tuyến tiền liệt và đã về Việt Nam trị bệnh), Ch/úy Lê Minh Bạch (đã mất ở Seattle cách đây hai năm). Qua tháng 4-71 có thêm HQ Ch/úy CK Trịnh Xí K21 đáo nhậm đơn vị. Tất cả các sĩ quan duyên đoàn ngoại trừ sĩ quan đặc trách phòng truyền tin, đều phải thay nhau chỉ huy các chiến đỉnh tuần tiểu trên sông là chính, và chỉ thỉnh thoảng mới ra tuần biển. Sau này, khi được phép tổ chức các ghe câu để cải thiện đời sống cho đơn vị thì việc ra biển kết hợp vừa câu cá vừa tuần tiểu trở thành thường xuyên hơn, nhưng mỗi lần tối đa cũng chỉ có hai Yabota làm nhiệm vụ này.
Giang Đoàn 92 TL có cấp số sĩ quan đông hơn. CHT/GĐ là HQ Thiếu Tá Phan Tứ Hải K11, CHP là HQ Tr/úy Huỳnh Văn Quắn K16, HQ Tr/úy Ngô Đức Tựu, K17 là sĩ quan hành quân. Đến năm 72 Tr/úy Tựu được Tr/úy Trần Văn Minh K17 ra thay, HQ Tr/úy CK Nguyễn Tuấn K18 sĩ quan kỹ thuật, HQ Ch/úy Nguyễn Dụng K19 và các Ch/úy Trần Văn Bê, Nguyễn Em, Nguyễn Hạt (đều xuất thân K3/69 hoặc K6/69), và Ch/úy Thương OCS. Mỗi ngày hầu như tất cả các sĩ quan của cả ba đơn vị đều gặp nhau ở nhà ăn sĩ quan Duyên Đoàn do nhà bếp Duyên Đoàn phụ trách, một nền nếp có sẵn từ trước dù rằng so với CHT/GĐ và sau này với cả CHT/CC là HQ Đ/úy Võ Văn Quyền K14 (nhận chức vụ khoảng giữa năm 71). Đ/úy Hào lon lá và thâm niên quân vụ đều thấp hơn là các CHT khác tại Cửa Việt. Là người gốc Bắc di cư, độc thân, gia đình ở Sài Gòn, nên ông đã trở thành người giữ chùa, thường xuyên có mặt tại đơn vị nên gần gũi với đám sĩ quan trẻ chúng tôi nhiều nhất. Có thể bảo đảm rằng một vài sĩ quan khi khi rời đơn vị vẫn còn nợ tiền phòng ăn sĩ quan, và có khi đến nay vẫn còn quên chưa trả, và cũng bảo đảm trong những trường hợp như thế ông cũng không bao giờ nỡ nhắc họ. Chiếc xe Jeep của ông luôn sẵn sàng dành cho các sĩ quan xử dụng khi cần đi chơi Quảng Trị hoặc do chính ông lái, hoặc do các sĩ quan khác lái. Lúc ấy bọn chúng tôi chẳng ai có bằng lái nhưng ở Quảng Trị quân cảnh ít khi chặn các xe Jeep do các sĩ quan cầm lái để xét hỏi nên lũ chúng tôi thỉnh thoảng lại mượn xe, xin ông ký sự vụ lệnh, kéo nhau đi Quảng Trị hoặc đôi khi ra cả Đông Hà, và hai tài xế chính là Tr/u Quắn và Ch/úy Tôn Long Thạnh.
Cửa Việt là đơn vị đầu tiên của tôi và anh bạn cùng khóa Tôn Long Thạnh, nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Buổi sáng ngày đầu tiên gặp nhau tại BCH, Thạnh cười cười chỉ vào ngực mình và bảo tôi:
-Ê Hoàng, chào Chỉ huy phó căn cứ đi mày.
Tôi khựng lại mất vài giây vì hắn nói cũng đúng, tôi phải chào chức vụ của hắn. May qúa tôi chợt nhớ ra trong kỳ thi ra trường tôi đậu cao hơn hắn vài bậc, thế là có ngõ thoát. Tôi bảo Thạnh:
-Thôi đi ông nội, ông đậu dưới tôi, và theo Hải Quy thì tôi là sĩ quan thâm niên hơn ông, “Ông nội” phải chào tôi mới đúng.
Hai chúng tôi cùng cười xoà.
Năm 2008 vừa gặp Thạnh khi đến Mỹ tôi cũng nhắc với hắn chuyện vui này. Một năm ở Cửa Việt, nơi đi đầy của một vài quân nhân Hải Quân, đối với Thạnh và tôi cũng không có gì gọi là vất vả. Tôi ngoài nhiệm vụ ký vài giấy tờ của đơn vị thuộc phần trách nhiệm, thì sau ba ngày theo chiến đỉnh đi tuần hoặc hộ tống tàu rà mìn sẽ về nghỉ tại căn cứ một tuần chờ chuyến tuần tiểu tiếp theo. Thỉnh thoảng tôi cũng nắm toán quân báo của đơn vị đi kích đêm.
Thạnh tương đối nhàn hơn trong giai đoạn đầu, nhưng khi nhiệm vụ trực gác căn cứ được chính thức giao lại cho đơn vị của Thạnh, hắn bắt đầu cực hơn đôi chút trong việc đốc thúc các sĩ quan kiểm tra lịch trực gác, và tu sửa các hệ thống phòng thủ. Phụ tá cho Thạnh lo việc giấy tờ là HS1/Bí Thư Nguyễn Văn Hoàng, tên cúng cơm là Bốn. Nhiều lúc chứng kiến cảnh hai thầy trò Thạnh nằm bò trên giường nệm cá nhân để viết báo cáo vì chưa có văn phòng mà thấy tội nghiệp cho ông CHP. Thời gian Thạnh phải đảm nhiệm vai trò quyền CHP kiêm nhiệm luôn công việc CHT kéo dài cả nửa năm mới được Tr/u Vũ Văn Tình K17 và Đ/u Quyền đến tiếp nhận. Để bạn Tôn Long Thạnh thêm nhiều thời gian dẫn các thủy thủ dưới quyền ra Phố Hội, hoặc đi với tôi theo toán dân sự vụ của Duyên Đoàn để có dịp tán nhảm với các cô gái hương đồng gió nội mà thanh sắc cũng khiến con tim của vài chàng thủy thủ trong ba đơn vị tính chuyện neo tàu ở lại.
Diện tích căn cứ và cũng là hậu cứ của DĐ-11 cùng GD-92 vào khi Thạnh và tôi đáo nhậm, không kể diện tích hàng rào phòng thủ, thì có lẽ chỉ rộng hơn 3 mẫu tây, nằm ngay góc ngã ba sông Cửa Việt và con lạch nhỏ chảy vào thôn Phố Hội. Con lạch này trở thành hàng rào phòng thủ thiên nhiên phía tây của căn cứ. Thôn Phố Hội nằm sát hàng rào phía Nam. Những căn nhà bìa thôn chỉ cách vị trí ngoài cùng của hàng rào phòng thủ khoảng 10m. Tình trạng an ninh của thôn rất tốt. Nhiều nhân viên Duyên Đoàn hoặc vợ con của họ là người của thôn.
Khu phía Bắc sát bờ sông là khu vực dành cho bộ chỉ huy của các đơn vị. Ngôi nhà gạch ba gian khá lớn nằm gần như ở vị trí trung tâm, đối diện sân bóng chuyền, vừa là văn phòng vừa là nhà ở của CHT/GĐ và của CHT/CC khi ông đáo nhậm đơn vị. Văn phòng bộ chỉ huy DĐ nằm gần bờ sông hơn cũng gồm ba phòng: văn phòng CHT, phòng thuyết trình với một bản đồ lớn gắn trên tường nằm bên phải và một phòng chứa dụng cụ phía bên trái. Cách phòng thuyết trình không xa là gian nhà gỗ nhỏ của phòng y tế, và sau lưng BCH là căn nhà tiền chế của bốn cố vấn Mỹ gồm hai sĩ quan và hai đoàn viên. Cố vấn của DĐ là Đ/úy Duminiac tốt nghiệp OCS, và của GĐ là Tr/úy Brown tốt nghiệp Anapolis. Hai HSQ phụ tá thì tôi chỉ còn nhớ tên một người là Tr/sĩ Taylor vì có sự việc liên quan tới anh này. Căn nhà tiền chế có một quầy rượu có lẽ tồn tại từ lúc quân nhân Mỹ còn nhiều.
Trong một lần Đ/úy Duminiac mời CHT Hào và một vài sĩ quan qua uống rượu. Rượu ngà say Tr/s Taylor dở trò sàm sỡ, ôm vợ của Trung sĩ y tá Ý phụ trách phòng Y Tế DĐ. Chị được đám cố vấn Mỹ thuê coi việc bán bia rượu cho họ. CHT Hào lên tiếng phản đối với Đ/úy Duminiac, đồng thời cũng yêu cầu Taylor phải xin lỗi chị Ý và các sĩ quan Việt Nam hiện diện. Tr/s Taylor không đồng ý và bỏ ra ngoài. CHT Hào cũng ra lệnh cho tất cả các sĩ quan bỏ về. Sau đó ông báo cáo sự việc về Vùng và yêu cầu Ban Chỉ Huy cố vấn Mỹ thay Tr/sĩ Taylor bằng một người khác. Một tuần sau đích thân Đaị Tá Mountfort, Cố vấn trưởng HQ/VIDH đáp trực thăng ra đơn vị gặp Đ/úy Hào ngỏ ý tiếc về sự việc đã xảy ra, và cho biết sẽ đổi Trung sĩ Taylor đi nơi khác với một yêu cầu Đ/úy Hào hủy bỏ phiếu trình. Lý do ông Đại Tá đưa ra là nếu quân bạ của trung sĩ Taylor có ghi sự việc này thì sẽ rất là không tốt cho anh ta ngay cả khi trở về đời sống dân sự. Đ/úy Hào đã đồng ý với yêu cầu này.
Cạnh barrack của các cố vấn là phòng ăn sĩ quan Duyên Đoàn với một bàn ăn dài đủ chỗ ngồi cho trên 20 người cùng ăn. Từ cửa trước phòng ăn ở đầu hồi là khoảng trống có thể nhìn suốt tới dẫy nhà của các sĩ quan độc thân. Nhà bếp sĩ quan do Hạ sĩ Tân, nhân viên Duyên Đoàn phụ trách. Phần lớn sĩ quan của ba đơn vị đều ăn tại phòng ăn này ngoại trừ những sĩ quan có mang theo vợ con.
Từ cửa sau phòng ăn mở ra bên hông, chỉ cần đi vài bước là đến đầu hồi nhà ở của CHT/DĐ có gác gỗ cho vài sĩ quan DĐ. Nhà hướng ra bờ lạch sát ngã ba sông. Con đường từ cổng chính vào căn cứ chạy tới sân BCH/DĐ và cũng là sân cờ của căn cứ, hướng thẳng tới cầu tầu ở bờ lạch với các pontoon dành cho các chiến đỉnh nhỏ Yabota, LCVP (Landing Craft Vehicle Personel), LCPL (landing Craft Patrol Large) của giang, duyên đoàn nghỉ bến. Một trong các pontoon này có nhà tiền chế cuả 03 nhân viên EOD (Tháo gỡ đạn dược). Bến đậu chiếm phần lớn diện tích mặt nước cửa lạch.
Dọc theo sân BCH/DĐ, sát cột cờ còn một đoạn giao thông hào sâu khoảng 1m kè vách gỗ. Trong giao thông hào còn có một Dynamo điện quay tay dành cho các máy truyền tin trong trường hợp mất điện. Một đoạn khác chạy từ hông trái nhà BCH ra tới bờ sông. Sát bờ sông là trung tâm truyền tin nửa ngầm, nửa lộ thiên, nóc bê tông với nhiều lớp bao cát xếp dầy bên trên. Ụ súng cối 81 nằm ngay góc ngã ba sông, với một vòng vành khăn rộng 0.1m bằng xi măng bao quanh súng, trên có các vạch sơn ghi rõ hướng độ địa lý với các vùng chung quanh cùng số lượng thuốc bồi và độ nghiêng nòng súng đối với các vị trí tác xạ. Ụ súng cối, nóc hầm truyền tin, và một đoạn ụ đất đắp cao lên kéo dài đến vị trí cuối của đường hào có tường bao ngang ngực là những vị trí có tầm nhìn bao quát toàn bộ mặt sông và khu vực chung quanh cho thấy đây chính là khu trung tâm đồn binh cũ của người Pháp. Bên ngoài giao thông hào thấp hơn 1m là đoạn đường dẫn đến cầu tàu hình thước thợ rộng khoảng 3m, chiều dài tổng cộng có lẽ đến hơn 150m được Hải quân Mỹ xây dựng lại trước khi diễn ra chiến dịch Hạ Lào (Hành quân Lam Sơn 719 - tháng 2-1971). Trong thời gian diễn ra chiến dịch này, nhiều LCU, LCM8 đã cặp cầu chờ được chiến đỉnh cùng tàu rà mìn dẫn đường và hộ tống đi Đông Hà. Phía trong cầu tàu là khu vực của các giang đỉnh nghỉ bến. Trên bờ có vài xưởng sửa chữa nhỏ của giang đoàn. Phía sau các xưởng này là bãi đáp trực thăng với ụ che thấp phía Đông nằm cách cổng chính khoảng 50-70m. Nhà máy điện của căn cứ có hai máy phát 60 kw với hai đầu máy kéo GM 671, và garage cho 2 xe GMC và 2 xe Jeep nằm đối diện với bãi đáp qua con đường dẫn vào căn cứ.
Khu phía Nam nhỏ hơn là trại gia binh với 5-6 dãy nhà nền xi măng, mái tôn, tường gạch block láng bóng do Công Binh Kiến Tạo Sea Bee của Hải Quân Mỹ xây dựng. Mỗi dãy gồm năm căn, mỗi căn có đủ phòng ở, nhà bếp, nhà tắm. Nước được cung cấp bởi một giếng khoan với hệ thống ống dẫn đến từng nhà theo thời điểm được ấn định. Giữa nhà ở và nhà bếp có khoảng sân lộ thiên khiến căn nhà trông rất thoáng, sạch sẽ và khang trang. Dãy nhà nằm sát hàng rào hướng ra con lạch, đầu hồi chỉ cách hàng rào phòng thủ 2m, và biệt lập hẳn với khu gia binh được dành cho các sĩ quan, phần lớn là độc thân của cả ba đơn vị. Từ BCH Duyên Đoàn đi xuống ta gặp một vọng gác cao hơn 4m tồn tại từ thời các đơn vị Mỹ còn trú đóng với tầm quan sát rất rộng và xa. Thỉnh thoảng nhiều người nhìn thấy dáng một người lính Mỹ da đen đội nón sắt vai đeo súng đi qua đi lại trên vọng gác. Những người lính lão làng ở Cửa Việt cho biết đó là hồn ma người lính bị bắn tỉa chết khi đang đứng gác trong năm 1967. Dãy nhà của các sĩ quan nằm cách vọng gác khoảng 4m. Căn đầu tiên của Tr/u Quắn và Ch/úy Thạnh, căn thứ hai của vợ chồng Ch/úy Dụng, căn thứ ba gồm Ch/úy Hoàng, Bạch, Xí, căn thứ tư của Ch/úy Em, Bê, Hạt, Thương, và căn cuối cùng dành cho thủy thủ đoàn HQ 116 tạm trú khi tàu bị mắc cạn tại Cửa Việt. Vọng gác góc Tây Nam căn cứ nằm ngay tại vị trí này cùng với vọng gác góc Đông Nam, vọng gác ở cổng chính hướng Đông và vọng gác hướng Đông Bắc sát bờ sông đều thiết trí một ụ đại liên 50 (12 ly 7) với các chốt hàn chết hai bên trụ quay của súng để góc tác xạ luôn hướng ra ngoài hàng rào dù địch có chiếm được ụ súng. Xạ trường của bốn ụ súng phủ kín các hướng tấn công quan trọng của địch, và các hướng này đều có hàng rào phòng thủ rộng cả 100m với các hàng rào kẽm gai giăng sát mặt đất và nhiều lớp concertina bên trên. Trong cùng còn có một lớp rào lưới chống B40 cao 2m4 bao quanh căn cứ. Dưới chân hàng rào lưới B40 là đường giao thông hào hai bên thành kè gỗ thông, nhiều đoạn bị cát phủ chỉ còn sâu vài tấc. Riêng hàng rào phòng thủ hướng Tây có con lạch chảy qua tương đối sơ sài hơn với khoảng 10m dây kẽm gai căng sát đáy sông với đầu cọc sắt chìm dưới mặt nước khi nước lớn và hai lớp concertina chồng lên nhau sát rào lưới B40. Bên kia lạch là cánh đồng của thôn Tường Vân, một xạ trường trống trải không thuận lợi cho các cuộc tấn công của bộ binh địch.
Khoảng đất trống từ hàng rào căn cứ trải dài đến bờ biển rộng khoảng hơn 4 km, đã được dọn sạch và đầy những hố sâu nham nhở, dấu vết của sự đào bới để lượm rác Mỹ. Cách cổng chính căn cứ khoảng 400 đến 500m là hương lộ 560 dài khoảng hơn 17km nối từ Cửa Việt đến ngã ba Sải, giao lộ của hương lộ 560 và hương lộ 555 mà phần sát bờ biển của hương lộ này nằm giữa Triệu Phong và Hải Lăng đã nổi tiếng với tên “Street without joy - Khu phố buồn thiu” được ký giả Bernard B. Fall (26/11/1926-21/2/1967) đặt tên khi ông theo quân đội Pháp hành quân qua nơi này. Năm 1961 cuốn sách mang tên này ra đời, được Collin Powell nhận xét: “I recently reread Bernard B Fall’s book on Viet Nam, Street Without Joy; Fall make painfully clear that we had almost understandly of what we had gotten mistake into” (Gần đây tôi đọc lại cuốn “Con đường buồn thiu” của Bernard B Fall (đài BBC trước đây dịch là Dãy Phố Buồn Thiu). Fall đã làm sáng tỏ một cách đầy đau đớn rằng chúng ta hoàn toàn không biết vì điều gì chúng ta phạm nhiều sai lầm trong đó). Noam Chomsky, giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ, từng coi Fall là một nhà phân tích và bình luận đáng chú ý nhất về chiến tranh Việt Nam: “Has called Fall the most respected analysist and commentator on the Viet Nam war”. Fall từng được mời đến Bắc Việt để phỏng vấn Hồ Chí Minh. Ngày 21/2/1967 khi theo TĐ1/SĐ9/TQLC Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Chinook 2 tại chính khu vực “Street without joy”, ông đạp phải mìn và tử nạn cùng trung sĩ Byron G Higtland, nhiếp ảnh viên chiến trường của TQLC Mỹ.
Từ ngã ba Sải, hai hương lộ nhập làm một trở thành con đường chính từ Triệu Phong chạy vào Quảng Trị từ phía Đông. Triệu Phong được đánh giá là đất Văn Nho của tỉnh Quảng Trị. Một vài địa danh như Thôn Bích La gồm năm thôn (Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc) với câu hát Cải Lương “em là cô gái Bích La thôn” được nhiều người trong chúng ta từng biết. Triệu Phong cũng là quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, của ca sĩ Duy Khánh, của tướng Hoàng Xuân Lãm có thời bị coi là lãnh chúa vùng 1, của dược sĩ Nguyễn CaoThăng nhà tư bản có nhiều ảnh hưởng với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và của cả Lê Duẩn một thời nắm quyền sinh sát trên đất nước khốn khổ của chúng ta.
Ngã Ba Sải chỉ cách toà hành chánh quận Triệu Phong không quá 1km và cách trung tâm thành phố Quảng Trị gần 2km. Quận đường Triệu Phong cách thành phố Quảng Trị một đập nước, Đập Đá, như cách gọi các đập nước ở nhiều tỉnh miền Trung nước ta. Đường Đập Đá trên mặt đập trở thành một phần đường Gia Long (đường Bờ Sông theo cách gọi của người dân Quảng Trị) rộng và khá đẹp. Vào mùa khô, sông Thạch Hãn đoạn này chỉ như một dòng suối nhỏ chảy qua những khe đá dưới đáy sông. Bên kia bờ sông thoai thoải một triền đồi rộng trồng thông, thấp thoáng những bãi cỏ xanh mát mắt tạo cảm giác êm đềm bất chợt giữa không khí bụi bặm, ồn ào, vội vã của một tỉnh lỵ đầy xe nhà binh và những người lính giầy ‘saut’ áo trận.
Từ đường Gia Long có những đoạn đường ngắn thông sang đường Trưng Trắc trước mặt chợ nhà lồng, chợ Quảng Trị. Nhà thờ Tri Bưu góc Đông Nam thành phố khá lớn với con đường Duy Tân trước mặt rộng và đẹp như một quảng trường. Sau nhà thờ La Vang thuộc quận Mai Lĩnh, nhà thờ Tri Bưu có thể được coi là nhà thờ lớn của tỉnh và được chọn làm vị trí đầu cầu trong trận tái chiếm Cổ thành Đinh Công Tráng gần đó. Cổ thành trước năm 1972 còn nguyên vẹn với tường đất, theo các tài liệu còn ghi lại, dầy đến 5m, chân rộng đến 12m, cao 9m4 với hào nước bao quanh, nơi đặt BCH Tiểu Khu Quảng Trị. HQ Tr/u Trần văn Khoát, K17, làm sĩ quan liên lạc hải pháo tại đây. Cổng chính Cổ thành đã đặt cống để xe cộ dễ dàng ra vào. Thành phố cũng có trường trung học công lập Nguyễn Hoàng với những nữ sinh không trắng bằng các cô gái Huế nhưng khuôn mặt có những nét cực kỳ thanh tú.
Trên một trong những đoạn đường ngắn từ đường Trưng Trắc thông sang đường Bờ Sông, Duyên Đoàn đặt một tiền trạm để các quân nhân tân đáo đơn vị hoặc trả phép đến tìm phương tiện về đơn vị. Tuy nhiên vì xe GMC của đơn vị chỉ nửa tháng, đôi khi cả tháng mới có công tác nhận đồ tiếp liệu và các nhu yếu phẩm cho đơn vị, hoặc chở thân nhân trong trại gia binh đi chợ, cho nên cách tốt nhất thường là đáp xe đò vượt đoạn đường 13 km về Đông Hà trước 1 giờ chiều để theo tàu tuần và tàu rà mìn về căn cứ.
Từ Quảng Trị chỉ có xe đò loại nhỏ về tới chợ xã Vĩnh Lại cách Quảng Trị 5 - 6km. Từ đây muốn về Cửa Việt phải đi bộ theo hương lộ 560 hoặc đi tắt theo các đường nối liền các thôn. Tôi và niên trưởng Lê Rĩnh, K19, đã có lần đi theo cách này. Trở ngại duy nhất là cầu Lệ Xuyên, cầu sắt do công binh xây dựng nối thôn Lệ Xuyên với thôn Tường Vân đã bị Việt Cộng giật mìn sập. Dòng sông đoạn này khá lớn dù ở đoạn cắt ngang hương lộ 560 chỉ còn là con lạch nhỏ, nơi người ta đặt hai cặp cống đôi để vượt qua lạch. Cống Lệ Xuyên cách căn cứ khoảng 4 tới 5 cây số. Cầu Lệ Xuyên cách cống này gần 2 cây số
Chúng tôi đến chân cầu Lệ Xuyên đã hơn 4 giờ chiều. Với trang bị súng M16 và một cấp số đạn, không nón sắt nặng nề, đội mũ đi biển nhẹ tênh, nhưng không có poncho thì chúng tôi cũng không thể áp dụng bài học vượt sông học ở quân trường Quang Trung được. Nhà dân gần đó có thuyền đi câu hết cả chưa về. Chiều đang xuống rất mau. Dù các thôn này tình hình tương đối an ninh nhưng cũng đâu có chắc 100 phần 100; Tuy thế, chúng tôi vẫn cố chờ vì vượt qua sông thì chỉ còn khoảng 2 cây số nữa là về tới trại. Mãi đến 5 giờ chiều mới có một thuyền câu về ngang ghé lại giúp chúng tôi qua sông, chúng tôi ngỏ ý trả tiền nhưng chủ ghe nhất định không nhận.
Ra khỏi thôn Tường Vân bằng chiếc cổng nhỏ của lũy tre làng, chúng tôi ngồi lại bờ lũy của thôn nhìn cảnh chiều tà in bóng hàng tre phía sau mình trên những khoảnh ruộng sâm sấp nước và con rạch nhỏ trước mặt ngăn cách hai thôn tận hưởng không khí chiều tà với tiếng gà gáy, tiếng chó sủa và những sợi khói thổi cơm chiều bốc lên từ những xóm nhà của thôn Phố Hội như một khoảnh khắc thanh bình chợt thấy. Chúng tôi cảm thấy thật thoải mái, và chỉ muốn nhắm mắt ngủ một giấc giữa cảnh chiều êm đềm này khi nghĩ chỉ cần vượt qua đoạn đường ngắn trong thôn là đã đặt chân lên hương lộ 560 gần ngã rẽ vào căn cứ. Thôn Phố Hội là thôn khá giả nhất trong những xóm làng quanh căn cứ với nhiều nhà gạch ba gian nền cao bó gạch tráng xi măng. Nhiều nhà xây hồ chứa nước mưa. Có lẽ sự trù phú của thôn mang tính phố hơn tính làng nên được gọi là Phố Hội chăng?
Khi vượt qua các con đường sạch sẽ trong thôn trở về căn cứ, những người dân trong làng gặp chúng tôi đều cất tiếng: “chào eng” rất vui vẻ, còn trẻ em thì khoanh tay cúi đầu lễ phép nói “thưa ôn”, chữ ông gần như thiếu chữ “g”, khẩu âm đặc biệt và dễ thương của người miền Quảng Trị. Có lẽ đó là những hình ảnh và kỷ niệm khó quên của người dân vùng này đối với tôi. Và cho đến giờ này, lòng tôi khi nghĩ về Cửa Việt vẫn thường tự hỏi không hiểu những người dân trong các thôn làng nơi ấy có ai thoát được về phía Nam khi chúng ta rút đi và những người ở lại sẽ ra sao?
Xa hơn về phía Nam thì có thôn Hà Tây, nghèo hơn nhiều vì phần lớn là dân chiến nạn mới về ngụ cư với những căn nhà vách đất thấp nhỏ như một túp lều. Cách không xa cuối thôn này có một đường mòn nhỏ đi giữa các khu rừng dương ven biển đến tận thôn Gia Đẳng nằm sát biển cách Cửa Việt hơn 10km về phía Nam. Khi thử đi thám sát đường này vào sâu khoảng 3 km từ hương lộ 560, tôi đã từng gặp những đàn bò khoảng 3 đến 40 chục con, nhưng nói chung bò cũng như người đều không được béo tốt.
Đối với bạn Tôn Long Thạnh và tôi, Cửa Việt là đơn vị đầu tiên nên có nhiều kỷ niệm và nhiều điều đáng nhớ. Đến đơn vị vào tháng 11, nên năm 1970 chúng tôi đương nhiên chưa được đi phép, chúng tôi phải đón Giáng Sinh và ăn Tết tại đơn vị. Sáng mồng 4 Tết năm Tân Hợi, 1971, với quân số trên 40 người gồm cả sĩ quan, hạ sĩ quan, và đoàn viên của cả ba đơn vị, chúng tôi tập trung trước sân BCH làm lễ chào cờ ra quân trước khi xuất phát cuộc hành quân lục soát an ninh khu vực hoang vắng thuộc xã Gio Hải, phía Tây hai thôn Mai Xá, với trục hành quân cách bờ sông khoảng 1km kéo dài đến ngã ba Gia Độ. Lá cờ kéo lên cách đỉnh ba tấc thì dây cờ đứt, và cờ rơi xuống đất. Mọi người có lẽ đều giật mình, nhưng hàng quân vẫn im phăng phắc trong khi hai thủy thủ kéo cờ vội vã và luống cuống cột lại dây cờ. Cuối cùng cờ cũng đươc kéo lên và Đ/úy Hào, CHT cuộc hành quân ra lệnh tất cả lên hai Yabota xuất phát. Sau khi đổ quân, hai Yabota này sẽ cùng 4 chiến đỉnh khác (2 Yabota và 2 LCPL) di chuyển và án ngữ dọc theo bờ sông, song song với lộ trình của quân trên bộ.
Dĩ nhiên hiện tượng đứt dây cờ ngay trong lễ xuất quân hẳn khiến mọi người lo lắng, tuy thế cuộc hành quân đã diễn ra tốt đẹp, an toàn và nhiều may mắn là khác. Gần trưa, khi toán chúng tôi với khoảng hai tiểu đội đang di chuyển theo hai hàng ngang, vượt qua những thửa ruộng còn trơ gốc rạ để tiến đến một con đường đất liên xã khá lớn, còn nguyên dấu vết những con đường cái quan ngày xưa. Toán đi trước gồm CHT Hào, Thạnh, Thượng sĩ Liệu trưởng toán quân báo, tôi, một thủy thủ mang máy truyền tin và một vài anh em khác. Toán đi sau cách toán trước khoảng 30m cũng gồm 7-8 người trong đó có Tr/úy Quắn, Đ/úy Duminiac. Bước chân lên mặt đường, chúng tôi liền tản ra hai bên đường đứng chờ toán sau, cũng vừa tiến đến sát bờ ruộng ngay trước mặt. Thình lình một con trâu hiện ra, cổ vươn thẳng về phía trước, cặp sừng áp gáy lao thẳng vào phía sau đội hình của toán quân. Mọi người đều nhanh chân vượt đến chỗ chúng tôi. Riêng anh bạn Duminiac chậm chân nên vừa nhẩy lên bờ ruộng thì bị trâu ủi trúng và ngã nhào sang bên này bờ ruộng. Thửa ruộng bên này thấp hơn, bờ ruông lại khá cao nên thân hình to lớn của Duminiac cũng gần như được che khuất. Con trâu đang hăng máu, liên tiếp húc vào bờ ruộng. Th/sĩ Liệu bắn một loạt M16 ngang trên đầu con trâu, nhưng nó vẫn không sợ và tiếp tục húc mạnh. Nhiều người đề nghị bắn hạ trâu để cứu Duminiac. CHT Hào không đồng ý, ra lệnh viên HSQ cầm M79 đưa súng cho ông và bắn một trái sau lưng trâu. Nghe tiếng nổ lớn phía sau nó mới ngửng lên và bỏ chạy. Chạy một đoạn con trâu còn nghếch mõm nhìn về phía đoàn quân. Phải thêm vài viên M16 nữa nó mới thong thả rời đi. Chúng tôi cùng tiến đến mừng Duminiac. Anh ta không bị chút thương tích nào. Anh nói “No problem” và “thank you” mọi người. Tôi thầm nghĩ, điểm đứt dây cờ lễ xuất quân mà chỉ như thế thì hên quá rồi còn gì. Trên đường trở về căn cứ, CHT Hào hỏi chúng tôi “Các cậu biết tại sao tôi không cho bắn hạ con trâu không?” Rồi ông trả lời với giọng châm biếm: “Vì chưa cần thiết, và còn vì ở vùng Quảng Trị này mà bắn chết trâu bò “dân của lãnh chúa Lãm” là phải đền nặng, và nếu không thì ra tòa. Các cậu nhớ đấy”.
Nhưng điềm đứt dây không chỉ có thế. Cầu tàu Cửa Việt đột nhiên được Sea Bea xây dựng lại lớn hơn từ những ngày trước Giáng Sinh 70 cho đến sau Tết Tân Hợi thì hoàn tất. Ngày 28- 2 -1971, các đơn vị Cửa Việt nhận được lệnh hướng dẫn và hộ tống convoi gồm nhiều LCU và LCM 8 của Quân Vận chở đạn dược xăng dầu và chiến cụ vào Đông Hà, và ngày 6-3-1971 hành quân Hạ Lào, Lam Sơn 719, khai diễn. Đ/úy Duminiac nói với chúng tôi “Cuộc hành quân chỉ kéo dài tới tháng tư là chấm dứt”. Tôi cũng không hiểu vì sao anh ta có thể khẳng định điều này vì thực tế sau đó đúng như vậy.
Và đêm đêm khi những tiếng hải pháo của hải quân Mỹ ầm ì ngoài khơi, chúng tôi ngước nhìn lên trời thấy những viên đạn bay ngang bắt đầu cháy đỏ rực lên như những hoả tiễn, và tiếp tục bay thật xa về vùng biên giới phía Tây. Duminiac cho biết những viên đạn này có thể bắn tới Lào để yểm trợ cho cuộc hành quân. Điều này có thể đúng, vì mỗi đêm trọng pháo địch bắn vào các căn cứ Sarge, Ba Hồ, Khe Gió… là vùng biên giới phía Tây Quảng Trị, và từ Cửa Việt mọi người đều nhìn thấy lửa bùng lên khi pháo nổ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy vị trí nổ của những trái hải pháo này. Vì thế nếu cho rằng hải pháo Mỹ chỉ có tầm bắn tới Đông Hà và Quảng Trị có lẽ cần phải xét lại.
Hành quân Hạ Lào khai diễn thì tin tức tình báo cũng cho biết tiểu đoàn 126 đặc công thủy vẫn hoạt động tại Cửa Việt đã được tăng cường thêm nhiều bộ phận của tiểu đoàn 125 để tăng cường áp lực đánh mìn trên sông.
Chúng tôi cũng được các chuyên viên đạn dược của Hải quân Mỹ/Việt trình bày về hai loại mìn chính đang được địch xử dụng. Loại mìn từ thì không nhiều và thường được các đặc công thủy lợi dụng đêm tối bơi đến gắn vào các tàu sắt hoặc bánh lái các Yabota và các chiến đỉnh vỏ composite. Cách đề phòng là thường xuyên ném khối nổ T4 hoặc lựu đạn MK2 mà các chiến đỉnh sẽ được cung cấp thêm. Đa phần là mìn kích nổ do buồng hơi của mìn bị tăng áp lực dưới tác động luồng nước chân vịt hoặc của tàu khi di chuyển. Có thể mô tả lọai mìn này và cơ hành của nó như sau: Mìn gồm một lồng tròn nan sắt nhỏ rất thưa gắn với khối thuốc nổ bên dưới.Trong lồng có một bong bóng bằng cao su giống hệt ruột một quả banh tròn bơm hơi vừa phải. Vòi bong bóng nối vào một buồng giãn hơi nhỏ kín nước với một van giãn hơi với lưỡi gà bằng đồng. Khi bong bóng bị sức ép vào mặt ngoài, áp lực hơi bên trong bong bóng gia tăng đẩy lưỡi gà lên đóng mạch điện của 4 cục pin kích hỏa cháy ngòi nổ của khối thuốc nổ làm mìn nổ. Loại mìn này nguy hiểm vì nhờ bong bóng nên nó trôi lơ lửng trong nước, và có thể dùng lượng chất nổ lớn tùy độ lớn của bong bóng lại dễ di chuyển vì có thể đẩy hoặc kéo trên sông rạch hoặc dọc theo bờ biển. Một lần chúng tôi đang dùng cơm thì nghe tiếng nổ khá lớn từ hướng cửa biển. Chúng tôi chạy ra ngoài còn thấy cột nước chưa rơi xuống hết. Mọi người đoán trái mìn có thể có sức mạnh bằng trái bom 250 cân Anh. Một trái mìn khác đẩy chiếc LCU nằm ghếch một nửa thân lên một cù lao nhỏ nên đã không chìm nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn đều bị thương. Tàu phải bơm hết dầu cho các chiến đỉnh của Giang, Duyên đoàn để gỡ cạn!!!
Sau khi nghiên cứu các chuyên viên khuyến cáo các chiến đỉnh khi di chuyển chân vịt không được chạy quá 500vòng/phút, tác động luống nước chân vịt sẽ không đủ áp lực làm mìn nổ. Tôi cũng có một kinh nghiệm sống về lời khuyến cáo này: Chạng vạng một ngày tháng 4-1971, khi chiến đỉnh đang vượt đầu doi ngã ba Dương Xuân về căn cứ thì cách tôi khoảng 500m là một LCVP đang di chuyển rất nhanh theo hướng ngược lại. Tôi chụp ống liên hợp gọi về TTHQ hỏi xem con cá nào của GĐ, bộ muốn chết sao mà chạy mau dữ vậy? Nhưng không kịp nữa! Trước mắt tôi một cột nước hất tung chiếc LCVP lên cao, sau đó nghe tiếng mìn nổ, và tiếp theo là một khoảnh khắc chết lặng trên mặt sông mờ nhạt. Tôi báo cáo về TTHQ, và hướng mũi chiến đỉnh đến gần vị trí mìn nổ. Tất cả 5 nhân viên trên tàu đều tử nạn. Buổi chiều CHT/GĐ thanh tra quân phong, quân kỷ. Năm quân nhân này đều tóc dài, và được lệnh phải cắt tóc trình diện vào sáng mai. Họ vội vàng cùng nhau đi Đông Hà, và tai nạn xẩy ra. Có lẽ đây là thiệt hai lớn nhất về nhân mạng của chúng ta trong suốt chiến dịch. Nhưng đài phát thanh Hà Nội ngày nào cũng loan tin đánh chìm vài tàu địch. Đến cuối chiến dịch, số lượng tàu do quân và dân Quảng Trị đánh chìm được đài Hà Nội loan báo đã lên tới 400 chiếc, một con số ngoài mọi sức tưởng tượng. Chúng tôi cho lính đơn vị nghe đài Việt Cộng và đài Hà Nội thoải mái. Nghe xong họ cười hô hố.
Tình trạng đánh mìn gia tăng. Ngày nào cũng có mìn nổ do Skimmer ném T4 gây nổ hoặc nổ ngay trong lưới vớt mìn, gây hư hại lưới và hư hại nhẹ cho các tàu kéo. Nhiều nhân viên GĐ bị thương do sức chấn động của mìn.
Mỗi buổi sáng, các chị em trong trại gia binh xuống tận cầu tàu lưu luyến tiễn đưa các chiến binh của Giang Duyên Đoàn ra trận biểu lộ nỗi âu lo của họ.
Dòng sông dày đặc mìn trôi
Tàu đem nỗi chết gọi mời tàu đi
Bến sông nuốt lệ thầm thì
Người đi … chẳng biết người đi có về?

Cửa Việt tháng 3-1971

Nạn nhân nhiều nhất của mìn lại là dân thường di chuyển trên các con đò dọc chở khách đi chợ hoặc đi lễ. Những đò này mảnh và dài giúp đò chạy nhanh với lượng khách khá cao. Có một chiếc đò sau khi bị mìn, nhân viên địa phương kiểm tra cả số xác chết và người còn sống là 67 người. Trong vòng nửa đầu năm 71 có tất cả 4 lần đò chở khách bị chìm do mìn, số nạn nhân không dưới 30 người mỗi khi đò chìm, vì khi đò bị đắm thì dù không chết ngay vì mìn thì cũng bị người khác hoảng sợ ôm chặt và chết đuối theo nhau. Một lần đò bị mìn đang được các chiến đỉnh và địa phương tập trung tiếp cứu thì thêm một chiếc đò khác ghé vào bến gần đó thì cũng bị mìn lại nổ. Trong số trên hơn 60 người tử nạn có cả một vị linh mục trên đường đến làm lễ ở xã Gio Hải. Ch/uý Bạch đang là sĩ quan tuần tiểu phải huy động các chiến đỉnh tới yểm trợ, nói với tôi “Phụ kéo xác các nạn nhân, tay tao dính mỡ người vàng nghế, rửa hoài không hết mùi gây gây, khiếp quá!”
Sự gia tăng đánh mìn của địch, và sự thiệt hại về nhân mạng quá lớn của dân chúng khiến toán người nhái được biệt phái ra Cửa Việt, trong đó có HQ Ch/úy Nguyễn Minh Cảnh, K 20, và vài người nhái Mỹ. Sau một tuần, toán nhái này đã diệt được 02 đặc công thủy khi họ đang kéo mìn trên một con rạch, xác được kéo về bãi ủi cũ của Mỹ, và sau đó được chôn trên bãi cát gần đó. Nhịp độ đánh mìn vẫn gia tăng và chỉ vài ngày sau chiếc LCU bị nổ như đã nói, để trả thù việc giết hai đặc công thủy kiểu “Biến đau thương thành sức mạnh, nhân dân ta quyết tâm diệt nhiều địch để trả thù cho những người đã hy sinh” như Việt Cộng xưa nay vẫn làm. Tôi nghĩ đến những thường dân chết trên dòng sông Cửa Việt và tự hỏi ai sẽ trả thù cho họ, và ai sẽ bồi thường cho họ!!!???
Tình hình căng thẳng và đơn vị phải thường xuyên thực tập nhiệm sở tác chiến đề phòng địch có thể tấn công. Một đêm đứng trên vị trí cao nhất của đơn vị khi đang thực tập nhiệm sở, CHT Hào chỉ ra mặt sông cùng nói với tôi và vài sĩ quan khác: “Nếu bọn chúng dùng những thuyền nhỏ chạy nhanh bất ngờ cướp chiến đỉnh hoặc tấn công đơn vị thì việc bảo vệ căn cứ lúc ấy sẽ không dễ dàng!”. Ngày hôm sau trong bữa ăn có sự hiện diện của CHT/GĐ ông nhắc lại chuyện này, và đề nghị các skimmer sẽ gắn một đại liên M60 trước buồng lái để có thể ngay tức khắc chế ngự một cuộc tấn công như vậy.
Do nhu cầu tăng cường an ninh cho Đông Hà, các chiến đỉnh DĐ còn được yêu cầu hoạt động xa hơn cầu Đông Hà về phía Tây. Tôi lãnh nhiệm vụ chỉ huy hai Yabota đi thám sát. Dòng sông khu vực này chỉ còn như con kinh rộng 20 đến 30m, và bờ sông cao hơn mặt nước từ 3 tới 4m. Địch chỉ cần đứng trên bờ ném lựu đạn cũng đủ gây thiệt hại nặng cho các chiến đỉnh mà tàu của ta không làm gì được họ. Lên tới ngang ngã ba từ quốc lộ 9 rẽ về Khe Sanh thì độ sâu mực nước không cho phép chiến đỉnh vào sâu hơn. Chúng tôi nằm án ngữ tại đây một ngày, gần bãi ủi do công binh xây dựng để các xe bồn xuống lấy nước về cho đơn vị. Nước sông đoạn này ngọt như nước mưa, có lẽ vì thế nơi nó đi qua trên đầu nguồn được người xưa đặt tên là Cam Lộ (Sương Ngọt), và anh em của nó là dòng chảy mồ hôi của đá (Thạch Hãn) chăng? Mặc dù lần đầu tiên hiện diện ở khu vực này nhưng đêm đến chúng tôi cũng phải nhiều lần di chuyển để tránh bị tập kích. Sau đó đơn vị báo cáo về BTL/V1DH và được chấp thuận trở lại với vùng trách nhiệm trước đây.
Sau khi toán người nhái rút về Sài Gòn, DĐ trong một cơ may còn bắt được 02 đặc công thủy khi họ kéo mìn dọc theo bờ biển, bị nước cuốn trôi sang bờ Nam, phải lẩn trốn trong bụi rậm. Một ngư dân phát hiện và báo cho DĐ vây bắt. Đây là bộ đội đặc công chính quy vì họ nói hoàn toàn tiếng Bắc. Giam giữ một tuần tại duyên đoàn, tù binh được an ninh Tiểu Khu đến nhận. Tôi nhớ không lầm thì trong cách nói của họ, họ muốn hưởng quy chế hồi chánh. Riêng với các chàng lính Hải Quân trong đơn vị, các cậu ngày nào cũng gặp sĩ quan an ninh và sĩ quan trực để xin đón hai chàng đặc công đi ăn và nói chuyện. Và đương nhiên chúng tôi, sau khi thỉnh ý CHT liền cho phép các cậu đến phòng giam nhận tù binh với lời dặn dò phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh. Suốt cả tuần như thế, hết cậu này tới cậu khác thay nhau kéo tù binh xuống câu lạc bộ rồi tụ nhau ăn uống tán dóc với họ như những người bạn. Có lẽ đây chính là sự khác biệt giữa người lính miền Nam và người lính miền Bắc chăng?
Địch đang tìm cách pháo kích và tấn công CCHQ/Cửa Việt để chứng tỏ dù chủ lực đang phải quần thảo với lực lượng của ta trên chiến trường Hạ Lào, nhưng vẫn đủ sức để tấn công bất cứ nơi nào chúng muốn. Rất may ta bất ngờ đoán ra ý đồ của địch khi những chiến đỉnh báo cáo, trong nhiều ngày kiểm soát ghe cộ di chuyển thấy dân mua nhiều cover dùng làm công sự phòng thủ của quân đội Mỹ. CHT Hào đích thân cùng nhân viên an ninh và quân báo xuống đi theo chiến đỉnh để quan sát. Ông cho rằng dân vùng quanh căn cứ mua cover chắc chắn dùng làm hầm trú ẩn để tránh đạn phản pháo của ta khi địch tấn công hoặc pháo kích, và ông phỏng đoán rằng, dân biết địch sắp thực hiện các ý đồ này nên họ cũng chuẩn bị. Ông cùng CHT/GĐ đề nghị V1DH và Tiểu Khu Quảng Trị cho mở cuộc hành quân phối hợp cấp đại đội vào khu vực xã Cát Sơn. Kết quả thật bất ngờ, ta khám phá nhiều hầm chôn dấu vũ khí, và tịch thu trên 300 trái đạn súng cối gồm cả 60 và 82 ly nằm xếp lớp trên sân BCH/Duyên Đoàn. Lần đầu tiên chúng tôi được thấy đầu nổ hình chóp cụt bằng sứ, sơn màu nâu của các trái đạn chế tạo tại Trung Cộng.
Thắng lợi này đã giúp tránh được một trận tấn công và pháo kích quy mô của địch vào căn cứ.
Năm 71 chúng tôi không chỉ chiến đấu chống Việt Cộng mà còn phải chống chọi với cả những thiên tai. Chiến dịch Hạ Lào chấm dứt không lâu thì bão Hester thổi đến. Trận bão có cường độ gió lớn nhất từ trước đến nay trên đất nước ta ập vào ba tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, và còn kéo theo trận lụt được mô tả là lớn hơn cả trận lụt năm Thìn, 1952 tại Huế. Trước khi bão tới, các chiến đỉnh đựợc lệnh ngược dòng lên Đông Hà tránh bão. Buổi chiều cùng ngày gió bắt đầu mạnh với mưa rất lớn, nước tràn đồng, và không còn biết đâu là bờ bến. Chúng tôi, các sĩ quan trưởng toán chiến đỉnh của hai đơn vị, cố gắng tập trung toàn bộ chiến đỉnh vào một khu vực có những trảng cây cao ngập nước để cột giữ các chiến đỉnh trước khi trời sập tối. Cuối cùng chúng tôi vào trong một khu vực rừng bạch đàn thưa. Các chiến đỉnh đều phải chặt một cành dương khắc vạch dùng đo mực nước và mỗi đầu giờ đều phải báo cáo tình hình cho sĩ quan trưởng toán. Hệ thống âm thoại thường trực 24/24.
Gần sáng gió giảm dần, mưa nhẹ hạt, và nước bắt đầu rút. Chúng tôi ra lệnh cho các chiến đỉnh rời vị trí sau khi báo cáo tình hình về căn cứ. Toàn bộ chiến đỉnh của Giang, Duyên Đoàn đều an toàn. Nước rút nhanh, các hàng cây ven sông dần hiện ra giúp chúng tôi dễ dàng nhận ra thủy lộ của sông Thạch Hãn mà bình thường chúng tôi chỉ nhìn thấy nó với một khoảng ngắn từ ngã ba Gia Độ. Buổi sáng sau cơn bão, trời thật đẹp trên những cánh đồng mênh mông nước, nhưng chỉ đến 9 giờ là dòng sông Cửa Việt đã gần như trở lại nguyên dạng của nó, đầy nước ồn ào, hối hả chảy về xuôi. Biến cố đã đi qua với may mắn lớn cho cả ba đơn vị. Người và nhà cửa trong căn cứ cũng đều an toàn vì các mái tôn đã được dằn bao cát, nhà được tăng cường dây chằng rất kỹ. Phải nói trước cơn bão, bạn Tôn Long Thạnh đã rất vất vả trong các công việc này. Cũng cần nhắc lại, cơn bão này đã nhận chìm và làm hư hại nặng 13 chiến đỉnh gồm cả PCF (Patrol Fast Craft - Khinh Tốc Đỉnh) và Duyên Đỉnh Coast Guard WPB (Whale Patrol Craft) ngay tại bến của Hải Đội 1 Duyên Phòng trong quân cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Trận bão cũng đã đưa chiếc tàu rà phá mìn ven bờ biển MSC (Mines Sweft Coastal) Trục Lôi Hạm Bạch Đằng II HQ-116 lên bờ cách Cửa Việt 1 hải lý về phía Nam. Đây cũng là một may mắn, vì chỉ cần mắc cạn ngay bờ phía Bắc của cửa sông thì vấn đề phối hợp với thủy thủ đoàn của chiến hạm để bảo vệ an ninh cho nó trong hơn ba tháng chờ thiêu hủy, sẽ gây rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho các đơn vị. Nhiệm vụ này được niên trưởng Lê Rĩnh và bạn Tôn Long Thạnh thay nhau đảm nhiệm. Còn Ch/úy Nguyễn Công Phương, K20, nhờ có niên trưởng Rĩnh giữ chùa nên chỉ thấp thoáng ở Cửa Việt, rồi biến về Quảng Ngãi thăm gia đình.
Lan man qua chuyện HQ-116, để không quên cảnh chiều chiều CHP Thạnh, NT Rĩnh cùng gần tiểu đội quân, đi dạ hội trên con tàu được coi là đắt gía nhất của Hạm Đội. Vui chơi như thế nhưng bạn Tôn Long Thạnh cũng lập được đại công, bắn ngã một con chim đại bàng đến đậu trên tháp súng sân mũi chiến hạm, mưu toan xâm nhập và phá hoại. Sáng hôm sau “ngài” còn được đóng vai ông CHP căn cứ, ngồi ở phòng nội vụ của Duyên Đoàn chứng kiến cảnh chia thịt cho các quan và binh lính. Bạn ta oai qúa đi chứ!!!
Thạnh kể nửa đêm khi đại bàng bay đến, nó đập cánh gây tiếng động rất lớn khiến mọi người đều giật mình. Những người đang ngủ cũng được đánh thức tập trung trước cửa kiếng nhìn ra ngoài. Mọi người đầu óc căng thẳng vì chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, vùng chiến sự mà. Sân mũi HQ-116 rất ngắn nên mọi người chỉ thấy phía trước một khối đen ngòm. Rọi Fanal và nghe tiếng nó kêu mới biết đó là con chim rất lớn, Thạnh bèn ra lệnh bắn hạ nó. Cũng may nếu ở trên đất Mỹ thời điểm này chắc CHP Thạnh bị ghép tội ngược đãi loài vật, sát hại thú quý hiếm trong sách đỏ, phá hoại môi trường thì nguy to!!! Đó là chuyện sau nhưng xin kể trước cho “thuận buồm xuôi chuyện.”
Trở lại với thời điểm ngày sau cơn bão, khoảng 11 giờ trưa, tôi thoải mái ngồi trên đầu mui chiếc Alfa (Ghe chủ lực) nói chuyện với Trung sĩ Sáu biệt danh “Sáu Lửa”,
thuyền trưởng, và thuyền trưởng chiếc LCPL hư máy, cột cặp mạn chiếc Alfa xuôi dòng trở về căn cứ. Khi chiếc Alfa vừa chếch mũi từ giữa dòng hướng về căn cứ chúng tôi cùng lúc nhận ra một sai lầm chết người, sức nước chảy quá mạnh đẩy hai chiến đỉnh quay mũi về hướng ngược chiều dòng nước. Tôi ra lệnh cho Sáu Lửa tăng vận tốc máy chống sức cuốn trôi của dòng nước. Chiếc LCPL tách khỏi mạn chiếc Alfa khoảng nửa thước. Sức nước quá mạnh khiến hai sợi dây cột căng thẳng muốn giật tung hai trụ cột dây hình chữ T bằng gỗ của chiếc Alfa. Thuyền trưởng LCPL nhẩy vội về tàu. Tôi bảo anh ta dùng xích neo vòng một vòng vào chân ụ súng trên mũi chiếc LCPL và đưa xích neo sang cột vào chân ụ súng khẩu đại liên 30 sau lái chiếc Alfa. Hai dây cột được mở ra, và chiếc LCPL trôi tuột ra sau khoảng 2m đến 3m tạo nên sức giật rất mạnh cùng tiếng xiết ken két của các mắt xích. Tạm an tâm, tôi cùng Sáu Lửa cho tăng thêm sức máy. Lúc này tàu đã trôi qua khỏi cửa vào căn cứ. Hai chiến đỉnh nằm theo hàng dọc nên sức đẩy của nước có giảm bớt nhưng tàu vẫn trôi dần ra cửa biển. Tôi đã báo cáo tình hình về căn cứ, và đề nghị cho chiếc Ferro Cement (Duyên Kích Đĩnh) ra trợ giúp. Chiếc Alpha có máy GM 671 chạy phun khói đen nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Từ vị trí cao nhất và trên cầu tàu các sĩ quan và nhân viên của cả ba đơn vị nhìn cảnh chúng tôi chống chọi với hiểm nguy một cách vô vọng nhưng không giúp gì được. Khi tàu trôi khỏi địa phận của căn cứ, Sáu Lửa đã thực sự hốt hoảng và đòi chặt dây xích. Tôi cười nói “Anh lấy gì để chặt dây xích neo bằng thép này. Thôi dẹp đi. Ra phụ thằng em lái ghe cho tôi.” Bốn nhân viên trên LCPL đứng tập trung cả trong buồng lái. Nỗi lo sợ khiến họ không còn bụng dạ nào la ó nữa. Tàu trôi ngang bãi ủi của Mỹ, những ngọn sóng dội vào dòng nước chẩy xiết ra cửa tung bọt trắng xóa đã rất gần chúng tôi. Lúc này chiếc Ferro Cement do Trung sĩ nhất Kiệm, thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm của duyên đoàn cũng vừa ra tới. Anh vòng trở lại, cặp vào mạn chiếc LCPL, và cột nó vào tàu mình. Dây xích lập tức chùng lại, Tôi và Sáu Lửa gỡ dây xích, tàu bắt đầu tiến được về phía trước. Chạy được khoảng hơn cây số, Sáu Lửa hốt hoảng chạy sát vào bờ và tàu bị mắc cạn! Nước vào nhiều trong hầm máy, hắn nhẩy lên nhẩy xuống như gà mắc đẻ. Tôi la:” Đừng có cuống. Đã chết đâu mà sợ. Bây giờ cho máy về số 0, giữ máy chạy thật tốt, chờ nước đạp vào bờ sẽ đẩy ghe ra khỏi cạn. Chờ tàu ra giữa dòng hãy cho chân vịt chạy lại”. Cuối cùng mọi sự đều diễn ra tốt đẹp, và tàu về tới bến trong sự vui mừng của mọi người. Thạnh nắm tay tôi nói: “Mọi người đều nghĩ mày chắc tiêu! Mừng cho mày”. Tôi nắm chặt tay hắn không nói gì vì biết nói gì thì cũng rất thừa trong lúc này.
Cũng trong năm 71 đã diễn ra màn bầu cử độc diễn của Tổng Thống Thiệu. Năm giờ sáng cả vùng vang động tiếng mõ gọi dân đi bầu, như mõ báo động. Bẩy giờ sáng CHT Hào cùng một số sĩ quan quân phục gọn gàng, người đồ tím, người đồ trận lon lá trên vai trên cổ, một vài người đeo súng leo lên đầy xe Jeep chạy ra phòng Hội đồng thôn Phố Hội làm nhiệm vụ công dân. Tôi vào bầu trước. Đứng trong phòng phiếu hoàn toàn sạch sẽ, chưa có một lá phiếu nào trong thùng chứa các lá phiếu không bầu, dù người dân đã đi bầu từ rất sớm. Tôi vò nát lá phiếu quăng xuống đất cố ý để nhân viên coi phòng phiếu nhìn thấy sự bất mãn của mình. Khi cầm bì thư trống bước ra ngoài thì thấy một nhân viên gác phòng phiếu mặc đồ trận, không đeo lon, đến bàn tổ bầu cử lấy căn cước quân nhân của tôi để ghi số thẻ. Đại úy Hào và Thạnh tiến về phía anh ta. CHT Hào nói: “Này cậu! Ghi cái gì vậy? Đưa tay cho tụi này coi!” Gã bèn chùi tay nhiều lần vào quần trước khi chìa bàn tay ra. Anh Hào còn yêu cầu gã phải chùi cho hết những gì ghi trên bàn tay mới thôi. Lúc về Thạnh cằn nhằn: “Thằng Hoàng ‘mát’ ẩu thấy mẹ. Nó mà giữ được tên và số thẻ của mày hôm nay thì tiêu đời nghe con”. Tôi mỉm cười: “Tại tao chán màn độc diễn của Tông Tông quá! Cũng may nhờ ông Hào và mày nên mọi sự mới êm xuôi.”
Cuối tháng 10-71 Thạnh và tôi được gọi về vùng VIDH cùng Th/u Trần Văn Hải, K19, để tiếp nhận Đài Kiểm báo 102 được Hải Quân Mỹ giao lại. Chúng tôi ở ĐKB đến tháng 1-72 thì Thạnh được về phòng 3, và tôi về TTKS/DH Đà nẵng. Thời gian thành lập và ổn định nền nếp sinh hoạt của đài tuy rất ngắn nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm, tuy nhiên bài viết này mục đích ghi lại những sự việc liên quan đến Cửa Việt nên xin gác lại cho một bài viết khác.
Ngày 9-12-2011 vừa qua, Thạnh, Ánh và tôi có dịp gặp lại CHT Hào nhân dịp anh qua Cali dự đám cưới con gái HQ Trung tá Phạm Mạnh Tuân. Nói về cuộc đời binh nghiệp của mình, anh luôn cho rằng mình là một người có nhiều may mắn. Nhưng tôi cho rằng anh thành công vì anh có đầy đủ phẩm chất của một chiến binh: gan dạ, nhanh nhẹn và bén nhậy khi phải đối phó với các tình huống khó khăn. Tôi còn nhớ có một lần khi vừa ra ngoài về, xe Jeep mới đậu trước BCH thì lính chạy lên báo hạ sĩ Hồng, biệt hiệu Hồng Dao, gốc du đãng Khánh Hội, đang cầm M16 quậy dưới cầu tàu. Anh nhẩy xuống xe, tay cầm khẩu Carbine M2 tiến xuống cầu tàu. Cầu dẫn xuống bến nhỏ chỉ vừa cho hai người đi, hai bên có tay vịn. Tên Hồng đứng gần mé nước hò hét đòi bắn. Khi tiến đến cách hắn khoảng hơn hai thước anh quăng khẩu carbine sang một bên la lớn “Mày ngon thì quăng súng! Tao với mày chơi tay đôi.” Như một phản ứng tự nhiên, gã cũng dơ súng lên định quăng đi thì bị anh bay tới đạp ngã xuống nước.
Anh cũng kể về những may mắn kỳ lạ trong trận Cửa Việt. Trước giờ nổ súng, một số nghĩa quân bị thương được đưa sang căn cứ xin trực thăng tải thương. Xe Jeep và xe GMC của DĐ, được điều động tới để pha đèn rọi sáng bãi đáp để trực thăng đáp “lá rơi” xuống bãi. Lúc này chung quanh căn cứ, một sự im lặng kỳ lạ rờn rợn tạo cho anh cảm giác rất bất an. Anh đề nghị với Thiếu Tá Giang CHT/GĐ, sĩ quan thâm niên hiện diện, cho anh được bắn vài trái 81 vào khu vực trống trải phía trước căn cứ. Thấy đèn đột nhiên bật sáng rực gần cổng căn cứ, lại bị đạn cối pháo rót vào vị trí ém quân nên địch nghĩ đã bị ta phát hiện và phát lệnh tấn công. Nhờ thế ta kịp thời chống trả và đẩy lùi các đợt tấn công bằng bộ binh của địch, thoát khỏi cuộc tập kích tiền pháo hậu xung gây bất ngờ và nguy hiểm cho quân trú phòng.
Khoảng 5-10 phút sau giờ nổ súng, địch bắt đầu pháo tới tấp vào căn cứ. Các chiến đỉnh cuả Giang/Duyên Đoàn còn đang nghỉ bến cũng đã tách bến tập trung bắn vào đội hình tấn công của địch. Hạ sĩ 1 Giám lộ Hưng lẽ ra rời đơn vị đi phép từ sáng sớm cũng lên chiếc LCM của mình ôm khẩu đại liên 50 nhả đạn về phía địch. Súng hết đạn, Hưng gọi Trung sĩ Trọng pháo Đời đang lái tàu: “Ông thầy ơi súng hết đạn rồi em không lên đạn được!” Trung sĩ Đời bảo Hưng: “Mày vô lái để tao ra bắn”. Hưng vừa vào buồng lái thay anh Đời thì một trái pháo hay B 40 rơi vào buồng lái khiến Hạ sĩ Hưng trở thành người lính đầu tiên hy sinh tại Cửa Việt trong mùa Hè đỏ lửa, 1972. Chiếc LCM được một chiến đỉnh khác kéo về bến giữa tiếng đạn pháo của địch.
Khoảng 4 giờ sáng đạn pháo của địch đột nhiên trở nên dữ dội hơn với nhiều tiếng nổ của trọng pháo. Chúng tôi yêu cầu căn cứ tìm cách liên lạc với chi khu Đông Hà xem có phải đó là pháo từ chi khu Đông Hà hay không? Căn cứ báo cáo hệ thống truyền tin của căn cứ không thể liên lạc được với chi khu Đông Hà. Khi đội siêu tần số của quân đoàn trú đóng tại Cửa Việt tìm cách liên lạc được với đội truyền tin đang di tản của chi khu, thì được biết Đông Hà đã rơi vào tay địch trong đêm, lực lượng của chi khu đã rút về Quảng Trị. Địch có lẽ đã dùng trọng pháo của chi khu bắn về Cửa Việt.
Rạng sáng tiếng pháo địch và tiếng súng tấn công của bộ binh địch tạm ngừng. Ta bắt được 01 đặc công địch nằm cách hàng rào phòng thủ cuối cùng gần cổng chính chỉ vài mét. Tên đặc công này khai, cùng tên chỉ huy mang cấp bậc chuẩn úy chưa lọt được vào căn cứ thì tiếng súng tấn công nổ sớm hơn dự định. Gã chuẩn úy yêu cầu anh ta nằm lại để gã quay lại tuyến sau lấy thêm người. Súng bắn khiếp quá khiến anh ta không dám chạy, và bị bắt. Nếu cuộc tấn công diễn ra đúng theo dự tính của địch, tiền pháo hậu xung với đặc công mở mũi thọc sâu vào căn cứ tạo cảnh hỗn loạn và hoang mang cho quân trú phòng, thì tình hình sẽ rất khó khăn cho ta trong việc chống trả.
Buổi sáng ngày 28, Đ/úy Quắn chỉ huy đội quân báo của DĐ có tăng cường một số nhân viên tình nguyện được các chiến đỉnh đổ bộ lên chỗ bãi ủi cũ của Mỹ, tiến vào khu vực địch xuất hiện trong đêm để lục soát. Ta thu được hơn 40 ba lô cá nhân cùng quần áo, lương khô, thuốc men và một số súng cá nhân địch bỏ lại trên bãi chiến trường, tuy nhiên không phát hiện xác địch cùng dấu máu. Trung sĩ Nguyễn Văn Tây và Tr/sĩ Sáu Lửa thu lượm được nhiều chiến lợi phẩm nhất trong ngày này nên được Đại Tá TL/V1DH khen tặng và tưởng thưởng huy chương khi ông bay ra thị sát vào buổi trưa.
Theo đề nghị của các CHT tại chiến trường, BTL/VIDH đã đồng ý khi 2 LCM-8 chở đạn dược và một số lương khô tiếp tế sẽ đến căn cứ vào sáng sớm ngày 29; Chuyến về sẽ di tản toàn bộ gia đình và thân nhân các binh sĩ của cả ba đơn vị, đang sống tại trại gia binh về Thuận An. Mỗi đơn vị sẽ đề cử 1 sĩ quan và 1 hạ sĩ quan để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho họ. Các sĩ quan của Giang Đoàn khi nghe phổ biến công điện cùng cười phá lên và đồng thanh nói: “Thằng Hạt đương nhiên ưu tiên. Nó đang cầm giấy phép, ở đây giờ nào với tụi mình nó sẽ thêm lo giờ ấy.” Giữa chiến trường còn đang mịt mù lửa đạn, cái chết đang hiện ra trước mắt, người lính Cửa Việt lòng vẫn phơi phới thanh xuân, lời nói vẫn chan hòa tình chiến hữu khiến ai nghe cũng cảm thấy ấm lòng, và kẻ địch trước mặt dù có mạnh cũng chẳng có gì đáng sợ.
Buổi chiều ngày 28, địch lại bắt đầu pháo kích mạnh vào căn cứ và bộ binh vẫn tiếp tục bắn quấy rối mục đích tạo áp lực gây căng thẳng cho các binh sĩ. Các báo cáo từ căn cứ cho biết xe của địch di chuyển bên bờ Bắc trong đêm mở đèn sáng trưng dù hải pháo từ các chiến hạm Mỹ cũng như của Việt Nam vẫn liên tục tác xạ vào khu vực này. Dường như địch cố ý cho thấy chúng đang chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô vào căn cứ CửaViệt. Tuy nhiên, cho tới buổi sáng ngày 29 địch vẫn chưa đưa được bộ binh vào trận sau cuộc tấn công ngày 28 bị thất bại.
Cũng trong buổi sáng ngày 29, đơn vị quân báo của căn cứ lại được đổ bộ vào khu vực trước mặt căn cứ để thám sát tình hình. Lực lượng địch bám trụ tại đây đã tấn công toán thám sát gây tử thương cho Trung sĩ Tây, và Trung sĩ Sáu Lửa. Đ/úy Quắn bị một viên AK bắn ngay nón sắt, và chiếc nón sắt xoay tròn, viên đạn trượt ra ngoài để lại dấu móp trên nón. Khi đơn vị triệt thoái về Thuân An, anh vẫn giữ chiếc nón sắt như một kỷ vật khó quên trong cuộc đời người lính.
Toán thám sát bị tấn công và thiệt hại về nhân mạng, nhưng địch cũng không dám xuất hiện. Trên bãi chiến trường hoàn toàn trống trải, vì đang là một xạ trường thích hợp cho các dàn đại liên từ các chiến đỉnh và các vọng gác bắn yểm trợ cho toán thám sát đem các nhân viên tử thương rút lui.
Cuộc đụng độ cho thấy bộ binh địch đang tìm cách cầm chân chúng ta chờ tăng cường lực lượng và hướng tấn công chính vào căn cứ vẫn là từ hướng Đông, vì cho đến giờ phút này hướng Tây và hướng Nam căn cứ địch vẫn chưa có khả năng tập trung lực lượng, và hoàn toàn yên tĩnh.
Hướng tấn công của địch vào căn cứ không khác cuộc tấn công của Trung đoàn 95 biệt lập nổi tiếng Khu 5 của địch thời Pháp. Trung đoàn 95 biệt lập này đã đánh tan một Đại Đội quân đồn trú, chiếm được đồn, mở tiệc ăn mừng ngay trong đêm trên bãi trống này. Hai chiếc FOOM của căn cứ tăng phái cho Đông Hà nhận được tin căn cứ bị tấn công và tràn ngập nên quay trở về ứng cứu. Mùa Đông trên vùng Cửa Việt đã khiến trung đội nằm phục kích (để đánh chặn hai chiến đỉnh này tại đầu doi cù lao Dương Xuân, nơi tàu thuyền có thể trở về căn cứ bằng hai ngã) đã ngủ quên. Theo các lão binh Hải thuyền cùng người dân trong vùng thì nhờ thế hai chiến đỉnh này đã về được căn cứ, và gần như xóa sổ trung đoàn của địch ngay trên bãi chiến hiện nay. Mãi cho đến nay các thủy thủ của ta khi gác đêm trên vọng gác cổng chính lâu lâu vẫn nghe tiếng còi và tiếng hò reo của các hồn ma chiến trận ngày trước trong những đêm tối trời hay mưa gió, và các thủy thủ các ca gác trong đêm thường gác chung nhau cho đỡ sợ.
Tình hình hiện tại và kinh nghiệm quá khứ khiến địch đang chờ đợi giải quyết dứt điểm chiến trường Quảng Trị trước khi tiến đánh Cửa Việt. Tình hình chiến trận tại Quảng Trị những ngày này diễn biến rất nhanh. Sau khi bỏ Đông Hà toàn bộ lực lượng ta tập trung quanh và trong Quảng Trị. Ngày 30-4 căn cứ Ái Tử và các lực lượng bờ Bắc sông Thạch Hãn triệt thoái về Quảng Trị sau khi giật sập cầu Sắt, và cầu Ga bắc ngang sông. Ngày 1-5 không chỉ trong công điện của BTL/SĐ3 loan báo cho các đơn vị phối thuộc, mà ngay trên báo chí cũng đưa ra dự đoán địch có thể bắn vào thành phố Quảng Trị 10.000 quả đạn pháo binh và hỏa tiễn trong buổi chiều và tối ngày 1-5. Công điện của Sư đoàn cũng yêu cầu các đơn vị dời ra ngoài thành phố tránh pháo. Công điện này đã khiến một số đơn vị tự ý rút lui trong hoảng loạn. Tin buổi tối ngày 1-5 của đài BBC loan tin tướng Giai cùng một số cố vấn Mỹ dùng trực thăng thị sát mặt trận phía Nam tỉnh Quảng Trị thì tin buổi sáng ngày hôm sau của đài cho biết Tướng Giai tuyên bố rút bỏ Quảng Trị. Tướng Giai cùng các cố vấn Mỹ và một số sĩ quan thân cận được trưc thăng bốc về Đà Nẵng buổi trưa cùng ngày. Tin tức dồn dập khiến mọi người đều âu lo cho căn cứ Cửa Việt. Cho đến buổi chiều ngày 2-5, trên toàn vùng địa đầu giới tuyến chỉ còn lại căn cứ Cửa Việt là vẫn đứng vững chốn đầu sóng ngọn gió.
Buổi sáng ngày 3-5 phát ngôn viên đài Quân Đội giọng xúc động đưa tin: Trong cuộc họp của các tướng lãnh tại Tổng Tham Mưu sáng nay, các tướng lãnh đã đồng loạt đứng lên chào tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Hải Quân khi Đề Đốc Trần Văn Chơn thông báo: “Căn cứ Hải Quân Cửa Việt vẫn đứng vững trên tuyến đầu của Tổ Quốc”. Sự kiện này chỉ xảy ra hai lần trong Quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Một lần, khi cuộc hành quân giải toả An Lộc đã nằm trong tầm tay, các tướng lãnh cũng đứng lên chào binh chủng Nhẩy Dù khi Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, TLP/SĐ Dù, thông báo: “Thằng 6 (TĐ/6 Dù) đã bắt tay với thằng 8 (TĐ/8 Dù)”, và một lần đối với Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt.
Tại Căn cứ Cửa Việt từ ngày 30-4 đến ngày 2-5, các sĩ quan và binh lính đều ăn ngủ tại vị trí tác chiến chờ địch. Đèn xe vào ban đêm của địch hướng về phía bờ biển ngày càng nhiều hơn. Từ Đà Nẵng tới Cửa Việt chúng tôi đều biết rằng sau khi thanh toán xong các ổ kháng cự cuối cùng của ta tại Triêu Phong, chúng sẽ mở đường cho thiết giáp tiến về Cửa Việt thì cuộc tấn công sẽ lập tức diễn ra. Mấy ngày vừa qua thêm vài người bị thương nhẹ vì pháo địch. Th/úy Nguyễn Đại Diêu bị thương ngay của qúy. Mọi người tưởng đã không còn gì cho Diêu nữa, nhưng ngày 9-12 -2011 vừa qua, Thạnh và tôi được biết Diêu đã có một cháu. Qua bài này xin gởi lời chúc mừng đến bạn. Th/úy Côn sĩ quan căn cứ bị thương nhẹ.
Bốn giờ chiều ngày 3-5 khi các quân nhân đơn vị đang chuẩn bị bữa ăn chiều thì mọi người cùng hò reo nhìn chiếc Phantom F4 bay gầm rú trên bầu trời. Dấu hiệu có sự yểm trợ của máy bay Mỹ khiến mọi người đều phấn khởi. Nhưng đột nhiên chiếc phi cơ chuyển hướng bay, lao về phía căn cứ làm mọi người đều hốt hoảng nhẩy xuống giao thông hào. Th/u Côn bị thương chạy chậm chưa xuống kịp, Hạ sĩ Hoàng đã nhẩy lên để đẩy anh xuống. Đúng lúc này trái bom từ chiếc Phantom thả ngay hàng rào phòng thủ căn cứ phía trại gia binh, phát lên tiếng nổ dữ dội. Một mảnh trái bom oan nghiệt đã cắt đứt đầu Hạ sĩ Hoàng. Hoàng trở thành người lính thứ tư, và cũng là người lính cuối cùng hy sinh tại Cửa Việt. Cái tên cúng cơm mang số Bốn của Hoàng phải chăng là định mạng, và tiếc thay mọi người đã không tìm thấy đầu của Hoàng.
Trái bom cuốn sạch đến 90% hệ thống hàng rào phòng thủ, CHT Hào mô tả tôn của trại gia binh bay như giấy thả truyền đơn. Diễn biến này thực không thể ngờ đươc, và được báo cáo ngay về TTHQ/Vùng. Việc phục hồi hoặc tái thiết trí lại hệ thống phòng thủ là việc không thể thực hiện trong lúc này. Tình hình trở nên nguy hiểm cho lực lượng tại Cửa Việt nếu không kịp di tản. Quyết định rút lui khỏi Cửa Việt lập tức được thi hành vào buổi tối cùng ngày. Tất cả quân nhân của ba đơn vị đều tuần tự lên các chiến đỉnh của Giang/Duyên Đoàn và ra khỏi cửa khi trời chưa sáng. Tr/u Minh, K17, cho biết, ngay cả chiếc LCM bị pháo hư vô lăng của trung sĩ Đời cũng được nhân viên Giang Đoàn dùng mỏ lết lớn kẹp vào trục bánh lái kéo về tới Thuận An. Điều này cho thấy cuộc rút đã diễn ra thật hoàn hảo, dù rằng cũng theo Tr/u Minh, trước khi người lính cuối cùng rời khỏi căn cứ thì nhiệm vụ của toán EOD sẽ cho nổ kho đạn, nhưng lúc ấy đã không tìm được các nhân viên này.
Nói về trật tự được duy trì trong lúc di tản của những người lính ở Cửa Việt đều cho rằng anh Hào đã dùng khẩu Colt 45 bắn cụt ngón tay trái của mình để lính tráng giữ trật tự khi di tản. Tôn Long Thạnh hỏi. Anh cười và nói với chúng tôi: “Tôi nói sự thật là tôi bị cướp cò súng, nhưng không ai tin cả!”
Ngày chúng ta di tản khỏi căn cứ Cửa Việt là ngày 4-5-72, cũng chính là ngày tướng Ngô Quang Trưởng được chỉ định thay tướng Hoàng Xuân Lãm làm TL/V1CT. Sau khi vãn hồi tình hình an ninh tại Huế, có lẽ để nâng dậy tinh thần binh sĩ ông quyết định tặng thưởng huy chương và thăng cấp cho một số sĩ quan và binh sĩ của các quân binh chủng trong các trận đánh vừa qua. Vì việc thăng cấp mang tính cách đặc cách tại mặt trận nên nếu được đề nghị, đương sự sẽ được thăng một cấp đối với cấp bâc cũ dù ở bất cứ cấp bậc nào. Thí dụ nếu đang mang cấp Đại Tá thì sẽ lên Tướng v v… Về sĩ quan Hải Quân/VIDH được đề cử 2 người. Trung Tá Xuân lên Đại Tá. Riêng CHT/DĐ11 Nguyễn Văn Hào không chịu nhận lon Thiếu Tá với lý do: “Tôi thất trận làm hao quân tổn tướng, bỏ chạy nên không xứng đáng nhận danh dự ấy”… Nói như thế thì cũng khó bắt bẻ thật, BTL/HQ/VIDH đành phải xin với Quân Đoàn được gắn lon Thiếu Tá cho đương sự tại đơn vị mình vì những lý do bất khả kháng. Chúng tôi hỏi: Cuối cùng việc đựợc giải quyết ra sao? Anh nói: “Đ/u Nẫm (Mai Quang Nẫm, trưởng phòng 1/V1DH) gặp riêng, và khuyên tôi nên nhận. Tôi đồng ý với điều kiện cho tôi thuyên chuyển khỏi vùng 1. Ông Nẫm nói cứ nhận đi rồi sẽ có lệnh thuyên chuyển. Tôi yêu cầu có lệnh thuyên chuyển trước nhận lon sau.” Anh dứt khoát như thế là phải vì có chuyện này rồi, còn ở lại Vùng 1 anh sẽ vướng rất nhiều khó khăn khi làm việc. Tôi còn nghĩ, anh được dễ dãi trong việc này có lẽ phần nào trong thâm tâm Đại Tá Thoại cũng có cảm tình với thái độ của anh theo cảm nhận và ức đoán của riêng tôi qua các sự kiện diễn ra lúc ấy.
Sau khi nhận lon, Thiếu tá Hào được chỉ định làm CHT Giang Đoàn 52 Tuần Thám đóng tại Năm Căn nơi đầu trời cuối đất thứ hai sau Cửa Việt.
Trở lại với những sự kiện cuối cùng của cuộc di tản khỏi Cửa Việt là việc đưa xác Hạ sĩ Hoàng về nhà mẹ ở Đà nẵng để chôn cất. Hạ sĩ Hoàng tử nạn làm tôi thực sự sững sờ. Hoàng phụ giúp Tôn Long Thạnh làm giấy tờ ngay từ những ngày đầu khi thành lập căn cứ, nên tôi thỉnh thoảng cũng cùng thầy trò Thạnh ăn chung, khi thì mì gói hay các đồ ăn nhờ Hoàng đi mua từ các quán của chị em gia đình binh sĩ trong trại gia binh, mà các sĩ quan xuống đó không tiện. Hoàng người xã Mỹ Khê, có bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng của Đà Nẵng. Khi Hoàng được 2-3 tuổi thì cha tập kết ra Bắc. Vài năm sau mẹ đi lấy chồng và Hoàng có thêm một em gái. Khi Hoàng chết, cô em gái mới tròn 15 tuổi. Hoàng đã có lần thoát chết một cách cực kỳ lạ lùng trong tai nạn nổ khối T4 trên tay người bạn, khi cậu này tinh nghịch cầm trái T4 rút kíp, đếm giây chờ gần nổ mới quăng xuống nước. Hoàng đứng ngay sau lưng anh bạn này. Bạn của Hoàng bị hơi nổ xé nát phần da mặt, da bụng phía trước, cụt cánh tay phải. Trực thăng tải thương đưa về bệnh viện nhưng không cứu được, riêng Hoàng áo quần hai bên hông đều rách nát nhưng không bị vết thương nào. Tôi cứ nghĩ khi Hoàng thoát được tai nạn ghê gớm như thế thì phải có cái số lớn lắm. Hóa ra Hoàng thoát được cuộc đùa chơi với súng đạn, nhưng đã không thoát khỏi trò chơi của chiến tranh, cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thạnh và tôi đều đi đưa tang Hạ sĩ Hoàng vì những liên hệ tình cảm lúc còn ở Cửa Việt. Câu chuyện về cuộc đời Hạ sĩ Hoàng cùng những người lính Hải Quân cuối cùng chết tại trận chiến mà tôi cố gắng ghi trong bài thơ sau đây để có thể coi như lời kết luận cho câu chuyện của tôi. Dĩ nhiên từ một góc nhìn mang đầy tính chủ quan, bài viết hẳn có nhiều thiếu sót và có thể cũng không hợp với cảm quan của nhiều người thì cũng xin tha cho cái tội “Lấy ống dòm trời, lấy ngao lường bể.” Mong lắm thay!!!

NHỮNG GIỌT MƯA TAN

Xe tang đi giữa buổi chiều buồn
Nắng mùa Xuân úa cuối ngàn dương
Hắt hiu cồn cát hồn dâu bể
Hun hút sầu lên - gió ngập đường

Bên những nỗi buồn rầu ta yên lặng
Nghe chuyện đời ngươi lắm nỗi gian nan
Cha một tối mù sương đi biền biệt
Có khi nào nhớ tới chuyện chia tan

Rồi người mẹ cánh hoa sầu héo hắt
Cũng tươi dần khi năm tháng trôi
Xuôi nhánh lạ để quên người xa tắp
Bến mơ nào lau nốt giọt tình chia

Khi mẹ đi ngươi mới tròn năm tuổi
Đôi chân còn chập chững bước chim non
Ngươi lớn lên bằng tình thương họ nội
Với hàng cây xanh lá ủ quê hương

Kịp đến khi cha xuôi quân Nam tiến
Ngươi cũng tròn tuổi lớn lên đường
Hai cha con đối đầu hai trận tuyến
Nhưng cũng cùng mang nghĩa giữ quê hương

Tình ruột thịt cháy theo từng trận pháo
Sông tình con héo quắt trận mưa bom
Vết thù hận trên quê nghèo ứa máu
Chưa một lần kịp mọc da non

Và trận chiến mỗi ngày thêm tồi tệ
Loài chim rừng cũng hót khúc bi thương
Nào còn lại những gì trên đất hứa
Với từng ngày bom đạn phá tan hoang.
Và một buổi cuối Xuân hồng rực nắng
Tin xôn xao từ Cửa Việt bay về
Ngươi đã chết trước giờ quân di tản
Cánh chim buồn theo gió đã bay đi

Đứa em gái quấn lên đầu vội vã
Mảnh khăn sầu cho trọn kiếp lênh đênh
Đường về thôn gió chiều lên buốt giá
Đưa anh về tiếng bước đã mù tênh

Khi trở lại ngôi nhà thân yêu cũ
Xe tang dừng bên khóm lá cổng ngoài (*)
Một lễ nhỏ báo ngươi về cố xứ
Tiếng khóc oà vang vọng ánh chiều rơi

Xe lại đi mang ngươi về vĩnh viễn
Nơi đáy mồ ngươi ngủ đến thiên thu
Thôi ngươi nhé! Ngủ yên đi nhé
Cố quên đi trận chiến oan thù

Rồi nếu một lần hiện hồn về cõi thế
Và hồn con người quả thật anh linh
Xin hãy đến thăm em ngươi với nhé
Hai anh em giờ còn lại riêng mình.

Thôi vĩnh biệt! Ta chào ngươi ở lại
Có khổ đau thì cũng số phận mình
Chỉ đáng trách ông trời xui khiến mãi
Cho dân mình ham thích chuyện đao binh

Khi trở lại xe tang đi biền biệt
Nấm mồ ngươi mai kín bụi thời gian
Ta đã thấy mùa xuân chừng đang tắt
Với nỗi buồn của những giọt mưa tan.


Đà Nẵng 06-5-1972


Nguyễn Đình Hoàng


Chú Thích: (*) Theo phong tục Việt Nam, người chết ngoài đường quan tài không được đưa vào trong nhà.
Tài liệu tham khảo:
1- Binh chủng Nhẩy Dù 20 năm chiến trận của Võ Trung Tín, Đ/úy TĐ/TT/ Dù, và Nguyễn Hữu Viên, TĐ/3 Dù.
2- Bernard B. Fall Biography
3- Những chi tiết về trận Cửa Việt dựa theo lời kể của Th/tá Nguyễn Văn Hào, CHT/DĐ 11, và Tr/úy Minh, Trưởng ban 3 HQ/GĐ 92 TL.
Sinh Tồn chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Cửa việt, những hồi ức

Tôi cũng đã báo cáo tình hình với Đại úy Trung tâm trưởng, Trung Tá Tham Mưu Phó cùng Đại Tá Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải. Vài phút sau các vị này đều có mặt tại CSC. Lệnh cấm trại 100/100 quân số đã được duy trì t
Để nhớ về Cửa Việt và các chiến hữu của tôi.
Nguyễn Đình Hoàng


CSC Danang 280200 H /04/1972.
       Viên Trung úy cố vấn Mỹ từ phòng Truyền Tin Tác Chiến Điện Tử, nơi mà 17:00H mỗi ngày các sĩ quan cố vấn truyền tin phải kiểm tra hoặc ấn định lại tần số liên lạc bằng hộp chứa các thỏi tinh thể thạch anh (crystal) trong suốt, bước sang phòng CSC (Coasttal Surveillance Center – Trung Tâm Kiểm Soát Duyên Hải) cho biết Căn Cứ Cửa Việt đang bị tấn công. Chúng tôi nói với anh ta, các đơn vị tại căn cứ đã báo cáo, và họ đang chống trả. CSC đang chờ các báo cáo mới của họ. Tôi cũng đã báo cáo tình hình với Đại úy Trung tâm trưởng, Trung Tá Tham Mưu Phó cùng Đại Tá Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải. Vài phút sau các vị này đều có mặt tại CSC. Lệnh cấm trại 100/100 quân số đã được duy trì trên toàn Vùng 1 từ cuối tháng 3, nên một vài sĩ quan trực quart khác cũng có mặt để biết tình hình, và phụ giúp nếu cần. Hệ thống âm thoại trong phòng CSC đang rất ồn ào bận rộn. Việc liên lạc liên tục bị gián đoạn, CSC yêu cầu Đài Kiểm Báo 102 trên đỉnh núi Sơn Trà, và một chiến hạm của Hải quân VNCH đang án ngữ ngoài khơi để yểm trợ hải pháo, trực âm thọai với Duyên Đoàn 11 để chuyển tiếp (relay). Tình hình cũng đã được báo cáo với phòng hành quân Quân Đoàn 1 để được biết với tính cách nguyên tắc, và thủ tục vì địch đang mở các đợt tấn công trên toàn Vùng l…

Ngày 301200H/03/1972, các Sư đoàn 304, 308 Bắc Việt cùng hai trung đoàn chiến xa 202, 203 gồm 200 chiến xa và pháo binh vượt qua vùng phi quân sự DMZ (Demilitary Zone), phối hợp với 3 trung đoàn biệt lập thuộc B5 (Bình - Trị - Thiên), và 1 trung đoàn đặc công dùng trận địa chiến tấn công vào các đơn vị bảo vệ phía Bắc và sườn phía Tây tỉnh Quảng Trị. Lực lượng địch xử dụng trận địa pháo, dùng đại pháo 130 ly nòng dài có tầm bắn 27.2 cây số, và các dàn hoả tiễn 122 ly từ bờ Bắc để yểm trợ cho các cuộc tấn công. Sư đoàn 324B của địch từ Nam Lào tiến vào thung lũng Ashau, uy hiếp thành phố Huế, và sư đoàn 711 biệt lập liên tục quấy rối các đơn vị bảo vệ Đà Nẵng. Bản đồ trận liệt của TTKS /DHĐN (Trung Tâm Kiểm Soát/Duyên Hải Đà Nẵng) chi chít những mũi tên đỏ hướng Bắc–Nam và Tây–Đông. Giữa tháng 4, kho xăng Liên Chiểu - Đà Nẵng bị địch pháo trúng, và bốc cháy. Cột lửa sáng rực cả vịnh sông Hàn. Không khí chiến trận đã có thể nhìn thấy từ mỏm Tiên–Sa, nơi yên ả nhất của Đà Nẵng. BTL/HQ/VIDH đã cho xây dựng một công sự chứa lọt một trailer, toa xe lưu động để dùng làm phòng ốc dã chiến của quân đội Mỹ, ngay chân ngọn đồi nhỏ trong CCHQ/Đà Nẵng để sẵn sàng cho bộ chỉ huy quân đoàn xử dụng khi cần thiết.
Những ngày đầu tháng 4, các đơn vị nằm dọc theo đường số 9 kể cả các đơn vị thuộc Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến tăng phái để bảo vệ vùng cận sơn Quảng Trị đã phải di tản sau khi bị địch quân tấn công, và cắt mất đường tiếp tế cho các đơn vị này. Với trận địa pháo áp đảo sau đó dùng chiến thuật biển người có chiến xa mở đường, và bộ binh địch còn được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 dễ dàng bắn cháy chiến xa M48 và trực thăng đã tạo ra những bất ngờ và hoang mang cho các lực lượng tác chiến của ta trên toàn vùng giới tuyến.
Buổi chiều ngày 02-4, sau nửa ngày chống trả các đợt tấn công của địch, từ căn cứ Tân Lâm (Carroll), nằm ở phía Nam thị xã Cam Lộ, Trung Tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn-trưởng Trung đoàn 56/SĐ3BB, và Trung tá Vĩnh Phong, Trung-đoàn-phó, cùng 1500 binh sĩ và sĩ quan đã đầu hàng địch vì không nhận được pháo binh và không quân yểm trợ đúng mức. Năm trăm binh sĩ và sĩ quan còn lại đã theo Thiếu tá Tôn Thất Mân, Tiểu đoàn trưởng TĐ1/56/SĐ3, đã mở đường máu thoát được về Đông Hà. Ngay tại Đà Nẵng đã có nhiều lời đồn cho rằng lực lượng pháo binh chỉ yểm trợ cho lực lượng trú phòng được 08 tràng đạn thì ngừng bắn vì lý do tiết kiệm đạn dược. Cho đến nay, nhiều người trong đó có ký giả Andrew A. Wiest tác giả cuốn “Việt Nam’s Forgotten Army: Heroism and betrayal in the ARVN (NY University Press, December 2007)” đã từng hiện diện bên cạnh Sư Đoàn 1BB đã viết về cuộc đời của Trung tá Phạm văn Đính và Thiếu Tá Trần Ngọc Huế là hai sĩ quan Tiểu-đoàn-trưởng xuất sắc của Vùng 1 với những kết thúc cuộc đời binh nghiệp trái ngược nhau. Thiếu tá Huế tử thủ với đơn vị, bị thương cụt một cánh tay, bị địch bắt, và ở tù 13 năm trước khi sang Mỹ định cư. Ký giả này cũng cho biết trong một lần dự Festival Huế ông có tìm gặp Phạm Văn Đính nhưng ông ta tránh nhắc lại chuyên cũ. Riêng về Trung tá Đính, người viết đã từng gặp trong những lần ghé bến sau khi cùng các tàu rà phá mìn dẫn các đoàn tàu chở đồ tiếp liệu cho Đông Hà, và cũng đã có lần gặp gỡ ông trong nhà một cô bạn gái ở gần Cổ thành Quảng Trị. Phải nói ông là một người có dáng to cao, đẹp trai, nhưng thân hình rất gọn trong bộ quân phục vàng với hình bạch tượng thêu trên ngực áo, huy hiệu của TrĐ56BB, nên mọi người thường gọi trung đoàn bằng tên Bạch Tượng này. Đối với người viết thì cái tên bạch tượng nếu dùng để gọi ông thì cũng khá tương xứng.
Có thể nói những sĩ quan trẻ của các quân binh chủng thuộc Vùng 1 ở cấp Đại Đội đến Trung Đoàn, và các cấp tương đương đều rất xuất sắc trong vai trò và vị trí của mình. Như Đại Tá Võ Toàn, TrĐ trưởng TrĐ1/SĐ1BB, mang lon Đại Tá khi chưa tròn 30 tuổi với chiến thuật “phá kiềng diệt chốt” nổi tiếng, và chiến thuật này từng được nhắc tới trong binh thư Mỹ. Chiến thuật phòng thủ dùng lựu đạn cũng là điểm chính của ông, đã giúp phòng tuyến các đơn vị của trung đoàn gần như chưa bao giờ bị địch tràn ngập. Với hai số 1 trên áo, trung đoàn đã được mệnh danh là “trung đoàn hai ngọn đèn cầy”. Hình ảnh hai ngọn nến trên quan tài tử sĩ cho chúng ta thấy nhiệm vụ đầy gian nan chết chóc của trung đoàn. TrĐ1BB là trung đoàn bộ binh duy nhất được đeo dây biểu chương màu Bảo Quốc Huân Chương, trước cả Sư đoàn Nhẩy dù. Năm 1975 sau khi đưa được Trung Đoàn về Đà Nẵng, ông cùng Thiếu tướng Nguyễn Văn Điềm TL/SĐ1BB khi bay thị sát chiến trường từ Non Nước vào Quảng Ngãi, trực thăng bị bắn rơi. Thiếu tướng Điềm, Đại Tá Toàn và toàn bộ phi hành đoàn đều mất tích. Có phải đây cũng là một kết thúc bi tráng mà Trời đã dành cho cuộc đời binh nghiệp của những người như ông và Thiếu Tướng Điềm chăng!!!???
Năm 1982, khi bị giam ở nhà tù Đông Thạnh huyện Hóc Môn, người viết có gặp anh bạn trẻ Lê Như Tuấn khóa 30 Võ Bị Đà Lạt, gọi Đại Tá Lê Quang Tung và Trung tá Lê Quang Triệu là bác và chú ruột. Trong câu chuyện về Đại Tá Toàn, Tuấn cho biết trong kỷ yếu của khóa 17 lưu lại quân trường ông chỉ viết một vài chữ ngắn ngủi: “Sinh ra nghèo, sống nghèo, hy vọng chết nghèo”. Người viết còn có người hàng xóm gốc Hoa, từng là lính cận vệ của Đại tá Toàn, cho biết thân phụ Đ/Tá Toàn làm nghề buôn củi ở Huế nhưng chưa bao giờ cho GMC chở củi giúp cha. Cho nên, những người đem tâm thức của xã hội làm thước đo cho sự phục vụ thì dù ở tầm mức nào cũng xứng đáng là một nhân tài, và cũng thật xứng đáng với sự ngưỡng vọng của thuộc cấp. Tháng 10-2011 vừa qua, gia đình và bạn bè đã làm lễ cầu siêu cho ông tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, sau khi một nhân viên phi hành còn sống sót và những người dân Quảng Ngãi vớt được xác rồi chôn ông, đã giúp gia đình tìm ra mộ ông cùng Thiếu Tướng Điềm. Đó cũng là niềm an ủi cuối cùng cho gia đình, bạn bè và những người quen biết.
Mất Tân Lâm, căn cứ Mai Lộc của Lữ Đoàn 147 TQLC hoàn toàn bị cô lập, bị tấn công mãnh liệt và được lệnh di tản về căn cứ Phượng Hoàng (Pedro), là bản doanh của Lữ Đoàn 258 để bảo vệ Quảng Trị. Các căn cứ hoả lực của Trung Đoàn 2 (một trung đoàn thiện chiến của Vùng 1 đã được tách ra từ SĐ1 để làm chủ lực cho SĐ3 tân lập), và TrĐ57 trấn giữ phía Tây và Tây Bắc Cam Lộc cùng các căn cứ hoả lực A-1, A-2… dọc theo giới tuyến, Chi khu Gio Linh cũng đã phải triệt thoái về để bảo vệ Đông Hà. Lực lượng công binh cũng được lệnh phá hủy cầu Đông Hà lúc 4giờ chiều ngày 02-4 đề phòng chiến xa địch vượt sông. Dân chúng Kinh, Thượng từ các quận Hưng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, Trung Lương và các làng bản phụ cận cùng những quân nhân rã ngũ, thất lạc đơn vị theo gia đình đã lũ lượt di chuyển bằng đường bộ chạy về Đông Hà và Quảng Trị gây nhiều khó khăn cho quân đội trong việc kiểm tra an ninh tại hai thành phố này cũng như trong các cuộc hành quân. Danh từ “di tản chiến thuật” đã được phát ngôn viên quân đội dùng để chỉ các cuộc triệt thoái cũng bị hệ thống báo chí đưa vào ngoặc kép với hàm ý mỉa mai!
Như vậy chỉ trong vòng 4 ngày, 11 căn cứ hoả lực được trấn giữ từ cấp Đai Đội đến Trung Đoàn đã bị triệt thoái hoặc tràn ngập khiến tinh thần binh sĩ và dân chúng tại Quân khu 1 đều hoang mang lo sợ. Người ta phỏng đoán nếu quân Bắc Việt có thể đưa 1 hoặc 2 Trung Đoàn tiến nhanh về Huế những ngày đầu tháng 4 thì có lẽ Huế cũng không giữ được như nhận xét của trùm CIA, William Colby: “Huế chắc chắn sẽ mất nhưng Đà Nẵng thì không.” Nhưng những gì người viết thấy và biết được tại Vùng I thì địch cũng đã bị đuối sức. Có thể nói các chiến thắng của địch đã ở mức độ và khả năng cao nhất mà họ có thể đạt được trong những ngày này. Từ Cửa Viêt các chiến đỉnh của ta vẫn ngày ngày tuần tiểu và rà phá mìn trên trục thủy lộ Cửa Việt – Đông Hà cho đến những ngày cuối cùng của tháng 4 mà không bị bất cứ cuộc tấn công lớn nhỏ nào của địch, dù rằng, sự triệt thoái các căn cứ hỏa lực cùng các đơn vị địa phương vùng giới tuyến, và Chi khu Gio Linh đã khiến các hành lang xâm nhập vùng Cửa Việt đã hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Ngày 02-4, BTL/SĐ/TQLC cùng Lữ Đoàn 369 từ Sài Gòn đã được không vận ra Huế tăng phái cho Mặt trận Quảng Trị. Lữ đoàn 369 được lệnh lập phòng tuyến dọc theo sông Mỹ Chánh, con sông nhỏ chảy vào phía Bắc Phá Tam Giang, biên giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, cách Quảng Trị 9 cây số về phía Nam. Đoạn đường 9 cây số trên quốc lộ 1 này được giao cho TĐ7TQLC án ngữ.
Ngày 09-4 căn cứ Phượng Hoàng, bị 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 304 có chiến xa mở đường, tiền pháo hậu xung nhiều đợt nhưng nhờ sự can thiệp hữu hiệu của Không quân và Pháo binh cùng sự tiếp viện của hai ĐĐ/TQLC, một chi đoàn thiết giáp M48, và một chi đội thiết vận xa khiến địch phải tháo chạy, bỏ lại hơn 400 xác, 21 chiến xa địch bị bắn cháy, và 03 chiến xa bị bắt sống.
Bị thiệt hại nặng, địch tạm ngưng các cuộc tấn công bằng bộ binh, để bổ sung quân số và tái phối trí lực lượng nhưng vẫn liên tục pháo kích dữ dội vào các vị trí của ta trên toàn tuyến phòng thủ Đông Hà - Quảng Trị.
Ngày 14-4 phấn khởi với chiến thắng ở căn cứ Phượng Hoàng, được sự hứa hẹn yểm trợ hoả lực của người Mỹ, được tăng phái thêm hai liên đoàn Biệt Động Quân, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm cho mở cuộc hành quân Quang Trung 729 tái chiếm các lãnh thổ đã bị mất. Nhưng sự phối hợp của các quân binh chủng không đồng bộ nên các mũi tiến công của ta đều bị đẩy lùi và bị thiệt hại nặng bởi pháo binh địch.
Ngày 18-4, thừa thắng địch đã tập trung lực lượng, và tái tấn công căn cứ Phượng Hoàng nhưng bị LĐ-147/TQLC, vừa được tái trang bị và bổ sung quân số thay thế cho LĐ-258, đẩy lùi. Ngày hôm sau địch quay trở lại và liên tục mở các cuộc tấn công mãnh liệt vào căn cứ. Thiệt hại nặng và không được yểm trợ hữu hiệu, ngày 23-4 Lữ Đoàn 147 đã phải di tản về các phòng tuyến quanh Quảng Trị, cách căn cứ Ái Tử, bản doanh BTL/SĐ3, từ 3 tới 4 cây số. Quảng Trị nguy ngập khiến TĐ7TQLC được đưa ra tăng cường cho căn cứ Ái Tử, bỏ trống đoạn đường từ Hải Lăng đến Mỹ Chánh khiến quân Bắc Việt có cơ hội đưa 2 Trung Đoàn tấn công các đơn vị địa phương và đóng chốt trên đoạn đường này, tạo nên Đại Lộ Kinh Hoàng, mồ chôn của khoảng 20.000 quân và dân trong cuộc di tản khỏi Quảng Trị bởi mưa pháo của quân chính quy Bắc Việt và bộ đội Việt Cộng địa phương hai tuần sau đó.
Ngày 26-4 Tướng Giai cho di tản BTL/SĐ3 về cổ thành Quảng Trị. Lúc này ta chỉ còn giữ được Đông Hà, căn cứ Ái Tử, Thành phố Quảng Trị và các quận lỵ quanh thị xã như Triệu Phong, Hải Lăng, Mai Lĩnh. Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt ở Đông Bắc Quảng Trị và Đông Hà trở thành vị trí xa nhất của ta trên toàn vùng giới tuyến.
Cũng trong ngày 26-4, 2 TrĐ của SĐ324B Bắc Việt đã mở cuộc tấn công và tràn ngập căn cứ Bastogne được trấn giữ bởi một tiểu đoàn của TrĐ3/SĐ1 khiến căn cứ Checkmate gần đó cũng phải rút bỏ, nhưng các đơn vị của SĐ1vẫn giữ vững các tiền đồn phòng thủ Huế.
Trong tháng Tư, dựa trên các tin tức tình báo thu lượm được cũng như thực tế trên chiến trường, việc CCHQ/Cửa Việt có thể bị tấn công bằng trận địa pháo trước khi bộ binh và chiến xa địch xung trận. Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư đoàn 3 BB, trong một ngày giữa tháng Tư đã cùng Đại tá Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh HQ/V1DH, bay đến CCHQ/Cửa Việt. Trong cuộc thăm viếng này tướng Giai với cương vị chỉ huy cao cấp nhất khu vực cho rằng trong tình hình hiện nay, nếu căn cứ bị tấn công, ngay cả pháo binh của sư đoàn 3, của tiểu khu Quảng Trị và Chi Khu Đông Hà cũng khó có đủ khả năng yểm trợ hữu hiệu cho căn cứ!
Để chuẩn bị cho một trận chiến đơn độc, và sự yểm trợ hỏa lực chỉ còn trông chờ vào hải pháo của các chiến hạm Mỹ hiện diện ngoài khơi hoặc thậm chí chỉ có được từ các chiến đỉnh của Hải Đội 1 Duyên Phòng, các hải pháo 40 ly, 76.2 ly và 127 ly của một vài chiến hạm tăng phái. Các đơn vị tại căn cứ gồm Duyên Đoàn 11, Giang Đoàn 92 Trục Lôi, và CCHQ/Cửa Việt suốt trong tháng 4 đã gấp rút kiểm soát lại tàu bè, chấn chỉnh hệ thống phòng thủ, và thường xuyên thực tập nhiệm sở tác chiến để sẵn sàng chờ địch. Tất cả các chiến đỉnh còn khiển dụng dù nghỉ bến cũng duy trì 100/100 quân số để có thể tách bến ngay khi cần thiết. Khi khẩn cấp nếu chiến đỉnh dù chỉ có hai nhân viên, một xạ thủ và một lái tàu, là được phép rời bến. Vũ khí và đạn dược cũng đã được các đơn vị cho kiểm kê và báo cáo. Riêng hoả tiễn chống chiến xa M72, các đơn vị báo cáo chỉ còn 08 cây, BTL/HQ/VIDH đã yêu cầu cố vấn Mỹ xin thêm nhưng chưa được thoả mãn.
Tình hình chiến sự những ngày đầu tháng tư cũng cho thấy sự yểm trợ của Không quân và hải pháo Mỹ cho các lực lượng tác chiến của chúng ta rất giới hạn, và gần như không đáng kể. Trong nhiều tài liệu liên quan đến cuộc chiến mùa hè 1972 ở vùng I nhiều tác giả cho rằng hải pháo Mỹ tầm bắn tối đa chỉ tới Đông Hà và Quảng Trị nên đã không yểm trợ cho các đơn vị vùng cận sơn Tây Bắc Quảng Trị, Đông Hà được. Trong phần sau người viết sẽ chứng minh rằng sự việc không hoàn toàn như thế. Về phía quân đội, chương trình tiết kiệm đạn dược cũng đã khiến cho các đơn vị pháo binh của ta lúng túng khi phải giải quyết các yêu cầu yểm trợ của đơn vị bạn.
Cho đến nay đã có rất nhiều phỏng đoán nguyên nhân dẫn tới quyết định cuộc tấn công mùa hè 1972 của Cộng Sản Bắc Việt, và phần lớn đều cho rằng nó liên quan chặt chẽ tới các quyết định được thoả thuận giữa Washington và Bắc Kinh cho cuộc chiến Việt Nam, và Bắc Việt muốn tìm cách thoát khỏi các quyết định nầy.
Ngày 21-2-1972 Tổng Thống Mỹ Nixon tới Bắc Kinh mở đầu một tuần lễ “làm thay đổi cục diện thế giới” theo cách nói của ông ta. Tuần lễ này được kết thúc bằng thông cáo chung Thượng Hải giữa Mỹ và Trung Quốc thì chỉ vài ngày sau Bắc Việt mở màn cuộc tổng tấn công mùa Hè tại các tỉnh thuộc giới tuyến phía Bắc. Tình hình trên toàn thể miền Nam Việt Nam đã chìm đắm trong khói lửa. Ngày 6-4 Bắc Việt lại tiếp tục điều động ba sư đoàn tấn công quận Lộc Ninh và thị xã An Lộc thuộc tỉnh Bình Long. Chiếm được Lộc Ninh, địch bao vây và mở nhiều đợt tấn công vào các lực lương bạn cố thủ tại An Lộc nhưng không chiếm được thị trấn này. Cũng trong ngày 6-4 địch mở cuộc tấn công vào các đơn vị Nhẩy Dù tăng phái cho Tây Nguyên. Ngày 12-4 căn cứ Charlie của Tiểu Đoàn 11 Dù bị tràn ngập và tan rã trên đường rút lui, Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu-đoàn-trưởng hy sinh. Ngày 23-4 Sư đoàn 2 Bắc Việt với ưu thế về quân số và hỏa lực pháo cũng như chiến xa yểm trợ đã buộc Trung đoàn 42 và Trung đoàn 47/SĐ 23 BB phải rút khỏi Dakto và Tân Cảnh, hai tiền đồn bảo vệ Kontum. Kontum bị vây hãm và hàng ngày chịu đựng mưa pháo của địch. Bộ binh địch đã tiến sát các vị trí phòng thủ của Trung đoàn 45 và 53/SĐ 23, có nhiệm vụ bảo vệ Kontum.
Cũng phải nói, nhờ những cố gắng hết mình của Trưởng đoàn cố vấn Mỹ tại Vùng 2, ông John Paul Vann mà các yểm trợ của pháo đài bay B52 đã đến đúng lúc, chặn đứng các cuộc tiến quân của địch vào Kontum. (Các bạn có thể tìm đọc tài liệu về cuộc chiến 1972 tại vùng 2 chiến thuật và cuộc đời của John Paul Vann trong cuốn “The Bright Shining Lie” (Sự Lừa Dối Sáng Chói) của tác giả Nieil Sheehan.
Phần khác, sau khi cuộc tấn công xẩy ra, để có thể công bố với người dân Mỹ trên truyền hình vào buổi tối 30 tháng 4 kết quả chương trình Việt Nam hóa chiến tranh “Tonight I can report that the Vietnamization has succeded” (Tối nay tôi có thể thông báo rằng việc Việt Nam hóa chiến tranh đã thành công). Tổng Thống Nixon từ giữa tháng 4 đã cho các pháo đài bay B52 và hải pháo yểm trợ mạnh cho quân đội Miền Nam theo đúng mô thức Việt Nam Hóa Chiến Tranh “Quân Đội Việt Nam cộng với hỏa lực yểm trợ của hải và không quân Mỹ” trong cố gắng giữ được các vị trí còn lại, và sau đó chiếm lại một số vị trí đã mất từ giữa tháng 5 đến tháng 9-1972 như ta thấy sau này.
Trở lại với CCHQ/Cửa Việt, ngày 27-4 vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Buổi sáng Thiếu úy Nguyễn Hạt và Hạ sĩ Giám lộ Nguyễn Khánh Hưng của Giang Đoàn 92 Trục Lôi nhận giấy đi phép theo phương thức luân phiên như thường lệ. Hai người chờ skimmer theo đường sông lên Đông Hà, rồi về Quảng Trị bằng xe đò, và sau đó đáp xe đò về Huế. Chuẩn bị quá giang skimmer thì được biết xe GMC của Duyên Đoàn cũng sẽ đi Quảng Trị công tác nên định theo xe vượt đoạn đường 17km giữa Cửa Việt và thành phố Quảng Trị sẽ nhanh và tiện hơn nhiều. Nhưng xe bị hư khiến họ phải ở lại và cùng tham gia chiến đấu.
Để có thể mô tả trận đánh tại Cửa Việt tưởng cũng nên lược qua lịch sử xây dựng căn cứ cùng vị trí địa lý cũng như hệ thống phòng thủ của nó.
Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt cách Đà Nẵng 90 hải lý về phía Bắc, cách vùng phi quân sự khoảng 3 km, được Hải Quân Mỹ xây dựng từ tháng 3-1967 với vai trò là chi nhánh của Căn Cứ Yểm Trợ Tiếp Vận Đà Nẵng (Danang Naval Support Activity Detachment/Cua Viet) và có nhiệm vụ làm cầu nối, vận chuyển quân trang quân dụng cho các đơn vị tác chiến của Mỹ tại Đông Hà và vùng giới tuyến. Khi ấy căn cứ rộng đến sát bờ biển, và cách cửa sông 500m, Hải Quân Mỹ đã xây dựng một bãi ủi ngay bờ sông thuộc căn cứ để các dương vân hạm LST (Landing Ship Tank) có thể ủi bãi được. Nhưng vì lạch vào cửa nhỏ, có nhiều cồn cát ngầm thay đổi vị trí hàng ngày, căn cứ thì thường xuyên bị quấy rối bởi các cuộc pháo kích và tấn công bằng bộ binh của địch nên bãi ủi này ít khi được xử dụng. Dòng sông từ Cửa Việt đến Đông Hà lại thường xuyên bị thả mìn, rất nguy hiểm cho các tàu lớn nên hầu hết các tàu vận chuyển ra vào sông, chở đạn dược và xăng dầu cho Đông Hà chỉ gồm các Giang-vận-hạm LCU (Landing Craft Unit) và các Giang-vận-đỉnh LCM-8 (Landing Craft Medium 8) là chính. Các tàu này luôn đươc các skimmer (loại tiểu đỉnh lướt sóng nhỏ, vỏ composite nhẹ, sức máy 80 HP) chạy trước, ném lựu đạn T4 (chứa 600g thuốc nổ TNT, và nổ sau 9 giây khi ngòi nổ được kích hoả) để phá mìn. Các chiến đỉnh Yabota, LCPL (Landing Craft Patrol Large - các tàu kéo lưới vớt phá mìn, từ loại LCM được cải tiến), MSM (Mines Sweeper Medium) Trục Lôi Đỉnh đi trước dẫn đường và bảo vệ suốt lộ trình.
Môi trường thiên nhiên tại Cửa Việt cũng rất khắc nghiệt với cái lạnh thấu xương vào mùa Đông, và cái nóng kinh người của ngọn gió Lào vào mùa Hè từ tháng 5 cho đến tháng 9. Gió đều và mạnh, thổi cát bay mù mịt suốt ngày đêm. Bạn có thể tưởng tượng được rằng, sau một đêm ngủ trong tiếng gió vi vu buồn bã bên tai, sáng ra cát tụ cao một đến ba tấc ở ngạch cửa và chân tường. Nước đục ngầu từ bờ biển ra xa đến một, hai cây số vì cát. Di chuyển trong căn cứ cát bay rát mặt, và đọng đầy lỗ tai.
Cửa Việt còn có những đêm sương mù trắng như sữa, phủ dầy đặc tầm nhìn không quá vài mét, và kéo dài đến giữa trưa mới tan. Chiến đỉnh khi di chuyển vào thời điểm này phải có nhân viên đứng đầu mũi hướng dẫn.
Vào mùa mưa bão, những cơn lũ từ Trường Sơn đổ về trong vài tiếng có thể nhấn chìm toàn vùng Quảng Trị, kể cả thành phố Quảng Trị, từ 2 đến 3 thước nước. Nước ào đến nhưng cũng rút rất nhanh, nên nếu vận chuyển tàu bè vào sâu trong đất liền để tránh bão có thể bị lũ làm mắc cạn bị mất tàu như chơi. Nghĩa địa xã Triệu Phước nằm trên phần đất thôn Duy Phiên bị một xà lan của quân đội Mỹ nằm đè lên nhiều ngôi mộ cho tới tháng 10-1971 khi người viết rời khỏi Cửa Việt thì vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, và không hiểu sau đó có được giải quyết ra sao ....
Tháng 3-1970 lực lượng Clearwater của Mỹ rút khỏi Cửa Việt, căn cứ được chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam. Duyên Đoàn 11 với Thiếu tá Hy, Chỉ huy trưởng, và Thiếu úy Lê Bá Chư, Chỉ huy phó, được lệnh tạm thời tiếp nhận và quản lý trong khi chờ quyết định thành lập cũng như bổ nhiệm và thuyên chuyển nhân sự. Giang Đoàn 92 trục Lôi cũng được Lực Lượng Đặc Nhiệm Trung Ương 214 (LL/ĐNTƯ) thành lập để tiếp nhận tàu bè và quân dụng rà phá mìn của Mỹ giao lại. Sau khi người Mỹ hoàn toàn rút khỏi Cửa Việt, căn cứ gần như trở lại nguyên trạng đồn binh cũ của Pháp, được xử dụng làm hậu cứ cho Duyên đoàn 11 trước đây và được mở rộng thêm với cầu tàu, và khu vực nghỉ bến dành cho các tàu rà mìn do Hải Quân Mỹ để lại. Một khu gia binh của Duyên Đoàn và Giang Đoàn mới được xây dựng cũng mở rộng căn cứ về hướng Nam.
Về phương diện hành chánh, căn cứ nằm trên đất của thôn Phố Hội xã Triệu Vân quận Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Đi sâu vào đất liền dọc theo bờ phía Nam của sông từ Cửa Việt đến Đông Hà ta có phần đất của các xã Triệu Phước, Triệu Độ, các xã này tình hình an ninh tốt. Bờ bắc có các xã Gio Hải, Gio Mai với các thôn nằm sát bờ sông có tình hình an ninh tốt hơn các thôn nằm sâu phía trong. Phía Bắc xã Gio Mai và dọc theo bờ biển sát vùng Phi Quân Sự là các xã Cát Sơn Thượng và Cát Sơn Hạ, Diêm Hà tình hình an ninh xấu hơn nhiều.
Các thôn nằm sát bờ sông gần cửa đều làm nghề biển với các ghe nhỏ khoảng 3-4 tấn không mui, dạng ghe câu và ghe cào nhỏ sát bờ. Ghe cào có mui, và trọng tải trên 10 tấn rất hiếm. Thôn Mai Xá và Mai Xá Tĩnh của xã Gio Hải nằm về hướng Bắc/Tây Bắc, gần như đối diện với căn cứ là các thôn an ninh, đông dân và khá giả. Khả năng chiến đấu của lực lượng nghĩa quân xã rất tốt. Sau Tết Mậu Thân cho đến cuối năm 1970, tình hình toàn vùng Cửa Việt nói chung khá yên ổn.
Bờ phía Bắc sông dân cư thưa thớt, địa hình bằng phẳng trống trải hiếm có các bụi cây cao. Dòng sông từ ngã ba Gia Độ cách Đông Hà khoảng 1km, nơi sông Thạch Hãn hợp dòng với sông Đông Hà, tạo thành sông Cửa Việt ra đến cửa rộng và sâu có nơi rộng từ 1 đến 2 cây số, bờ sông thấp nên khả năng tấn công bằng bộ binh của địch vào các chiến đỉnh di chuyển trên sông không đáng sợ.
Cuối năm 1970 HQ Chuẩn úy Tôn Long Thạnh, K20, được bổ nhiệm làm Quyền CHP/CCHQ/Cửa Việt. Thực ra HQ Chuẩn Úy Thạnh kiêm nhiệm luôn cả chức vụ CHT vì căn cứ mới chỉ có 2 sĩ quan dưới quyền là Chuẩn uý Lê Quang Ánh và Chuẩn úy Quách An Quang cùng 22 đoàn viên tân đáo đơn vị. HQ Chuẩn Úy Nguyễn Đình Hoàng trình diện DĐ11 đảm nhiệm chức vụ sĩ quan văn phòng kiêm sĩ quan tuần tiểu.
CHT Duyên Đoàn 11 là HQ Đại Uý Nguyễn Văn Hào K15, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Long K3/69 quyền CHP. Khi Ch/úy Long đi học hải nghiệp thì Thiếu Úy Nguyễn văn Duyệt ra thay. Th/úy Duyệt tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và là tác giả huy hiệu Duyên Đoàn 11 Bến Hải với hình ảnh ba ngọn sóng thần trấn ải của Duyên Đoàn. Bốn sĩ quan khác của Duyên Đoàn là Ch/úy Phó Thái Thiêm coi phòng truyền tin kiêm hành quân, Ch/úy Nguyễn Đại Diêu (An ninh), Ch/úy Đỗ Xuân Tịnh (hiện bị ung thư tuyến tiền liệt và đã về Việt Nam trị bệnh), Ch/úy Lê Minh Bạch (đã mất ở Seattle cách đây hai năm). Qua tháng 4-71 có thêm HQ Ch/úy CK Trịnh Xí K21 đáo nhậm đơn vị. Tất cả các sĩ quan duyên đoàn ngoại trừ sĩ quan đặc trách phòng truyền tin, đều phải thay nhau chỉ huy các chiến đỉnh tuần tiểu trên sông là chính, và chỉ thỉnh thoảng mới ra tuần biển. Sau này, khi được phép tổ chức các ghe câu để cải thiện đời sống cho đơn vị thì việc ra biển kết hợp vừa câu cá vừa tuần tiểu trở thành thường xuyên hơn, nhưng mỗi lần tối đa cũng chỉ có hai Yabota làm nhiệm vụ này.
Giang Đoàn 92 TL có cấp số sĩ quan đông hơn. CHT/GĐ là HQ Thiếu Tá Phan Tứ Hải K11, CHP là HQ Tr/úy Huỳnh Văn Quắn K16, HQ Tr/úy Ngô Đức Tựu, K17 là sĩ quan hành quân. Đến năm 72 Tr/úy Tựu được Tr/úy Trần Văn Minh K17 ra thay, HQ Tr/úy CK Nguyễn Tuấn K18 sĩ quan kỹ thuật, HQ Ch/úy Nguyễn Dụng K19 và các Ch/úy Trần Văn Bê, Nguyễn Em, Nguyễn Hạt (đều xuất thân K3/69 hoặc K6/69), và Ch/úy Thương OCS. Mỗi ngày hầu như tất cả các sĩ quan của cả ba đơn vị đều gặp nhau ở nhà ăn sĩ quan Duyên Đoàn do nhà bếp Duyên Đoàn phụ trách, một nền nếp có sẵn từ trước dù rằng so với CHT/GĐ và sau này với cả CHT/CC là HQ Đ/úy Võ Văn Quyền K14 (nhận chức vụ khoảng giữa năm 71). Đ/úy Hào lon lá và thâm niên quân vụ đều thấp hơn là các CHT khác tại Cửa Việt. Là người gốc Bắc di cư, độc thân, gia đình ở Sài Gòn, nên ông đã trở thành người giữ chùa, thường xuyên có mặt tại đơn vị nên gần gũi với đám sĩ quan trẻ chúng tôi nhiều nhất. Có thể bảo đảm rằng một vài sĩ quan khi khi rời đơn vị vẫn còn nợ tiền phòng ăn sĩ quan, và có khi đến nay vẫn còn quên chưa trả, và cũng bảo đảm trong những trường hợp như thế ông cũng không bao giờ nỡ nhắc họ. Chiếc xe Jeep của ông luôn sẵn sàng dành cho các sĩ quan xử dụng khi cần đi chơi Quảng Trị hoặc do chính ông lái, hoặc do các sĩ quan khác lái. Lúc ấy bọn chúng tôi chẳng ai có bằng lái nhưng ở Quảng Trị quân cảnh ít khi chặn các xe Jeep do các sĩ quan cầm lái để xét hỏi nên lũ chúng tôi thỉnh thoảng lại mượn xe, xin ông ký sự vụ lệnh, kéo nhau đi Quảng Trị hoặc đôi khi ra cả Đông Hà, và hai tài xế chính là Tr/u Quắn và Ch/úy Tôn Long Thạnh.
Cửa Việt là đơn vị đầu tiên của tôi và anh bạn cùng khóa Tôn Long Thạnh, nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Buổi sáng ngày đầu tiên gặp nhau tại BCH, Thạnh cười cười chỉ vào ngực mình và bảo tôi:
-Ê Hoàng, chào Chỉ huy phó căn cứ đi mày.
Tôi khựng lại mất vài giây vì hắn nói cũng đúng, tôi phải chào chức vụ của hắn. May qúa tôi chợt nhớ ra trong kỳ thi ra trường tôi đậu cao hơn hắn vài bậc, thế là có ngõ thoát. Tôi bảo Thạnh:
-Thôi đi ông nội, ông đậu dưới tôi, và theo Hải Quy thì tôi là sĩ quan thâm niên hơn ông, “Ông nội” phải chào tôi mới đúng.
Hai chúng tôi cùng cười xoà.
Năm 2008 vừa gặp Thạnh khi đến Mỹ tôi cũng nhắc với hắn chuyện vui này. Một năm ở Cửa Việt, nơi đi đầy của một vài quân nhân Hải Quân, đối với Thạnh và tôi cũng không có gì gọi là vất vả. Tôi ngoài nhiệm vụ ký vài giấy tờ của đơn vị thuộc phần trách nhiệm, thì sau ba ngày theo chiến đỉnh đi tuần hoặc hộ tống tàu rà mìn sẽ về nghỉ tại căn cứ một tuần chờ chuyến tuần tiểu tiếp theo. Thỉnh thoảng tôi cũng nắm toán quân báo của đơn vị đi kích đêm.
Thạnh tương đối nhàn hơn trong giai đoạn đầu, nhưng khi nhiệm vụ trực gác căn cứ được chính thức giao lại cho đơn vị của Thạnh, hắn bắt đầu cực hơn đôi chút trong việc đốc thúc các sĩ quan kiểm tra lịch trực gác, và tu sửa các hệ thống phòng thủ. Phụ tá cho Thạnh lo việc giấy tờ là HS1/Bí Thư Nguyễn Văn Hoàng, tên cúng cơm là Bốn. Nhiều lúc chứng kiến cảnh hai thầy trò Thạnh nằm bò trên giường nệm cá nhân để viết báo cáo vì chưa có văn phòng mà thấy tội nghiệp cho ông CHP. Thời gian Thạnh phải đảm nhiệm vai trò quyền CHP kiêm nhiệm luôn công việc CHT kéo dài cả nửa năm mới được Tr/u Vũ Văn Tình K17 và Đ/u Quyền đến tiếp nhận. Để bạn Tôn Long Thạnh thêm nhiều thời gian dẫn các thủy thủ dưới quyền ra Phố Hội, hoặc đi với tôi theo toán dân sự vụ của Duyên Đoàn để có dịp tán nhảm với các cô gái hương đồng gió nội mà thanh sắc cũng khiến con tim của vài chàng thủy thủ trong ba đơn vị tính chuyện neo tàu ở lại.
Diện tích căn cứ và cũng là hậu cứ của DĐ-11 cùng GD-92 vào khi Thạnh và tôi đáo nhậm, không kể diện tích hàng rào phòng thủ, thì có lẽ chỉ rộng hơn 3 mẫu tây, nằm ngay góc ngã ba sông Cửa Việt và con lạch nhỏ chảy vào thôn Phố Hội. Con lạch này trở thành hàng rào phòng thủ thiên nhiên phía tây của căn cứ. Thôn Phố Hội nằm sát hàng rào phía Nam. Những căn nhà bìa thôn chỉ cách vị trí ngoài cùng của hàng rào phòng thủ khoảng 10m. Tình trạng an ninh của thôn rất tốt. Nhiều nhân viên Duyên Đoàn hoặc vợ con của họ là người của thôn.
Khu phía Bắc sát bờ sông là khu vực dành cho bộ chỉ huy của các đơn vị. Ngôi nhà gạch ba gian khá lớn nằm gần như ở vị trí trung tâm, đối diện sân bóng chuyền, vừa là văn phòng vừa là nhà ở của CHT/GĐ và của CHT/CC khi ông đáo nhậm đơn vị. Văn phòng bộ chỉ huy DĐ nằm gần bờ sông hơn cũng gồm ba phòng: văn phòng CHT, phòng thuyết trình với một bản đồ lớn gắn trên tường nằm bên phải và một phòng chứa dụng cụ phía bên trái. Cách phòng thuyết trình không xa là gian nhà gỗ nhỏ của phòng y tế, và sau lưng BCH là căn nhà tiền chế của bốn cố vấn Mỹ gồm hai sĩ quan và hai đoàn viên. Cố vấn của DĐ là Đ/úy Duminiac tốt nghiệp OCS, và của GĐ là Tr/úy Brown tốt nghiệp Anapolis. Hai HSQ phụ tá thì tôi chỉ còn nhớ tên một người là Tr/sĩ Taylor vì có sự việc liên quan tới anh này. Căn nhà tiền chế có một quầy rượu có lẽ tồn tại từ lúc quân nhân Mỹ còn nhiều.
Trong một lần Đ/úy Duminiac mời CHT Hào và một vài sĩ quan qua uống rượu. Rượu ngà say Tr/s Taylor dở trò sàm sỡ, ôm vợ của Trung sĩ y tá Ý phụ trách phòng Y Tế DĐ. Chị được đám cố vấn Mỹ thuê coi việc bán bia rượu cho họ. CHT Hào lên tiếng phản đối với Đ/úy Duminiac, đồng thời cũng yêu cầu Taylor phải xin lỗi chị Ý và các sĩ quan Việt Nam hiện diện. Tr/s Taylor không đồng ý và bỏ ra ngoài. CHT Hào cũng ra lệnh cho tất cả các sĩ quan bỏ về. Sau đó ông báo cáo sự việc về Vùng và yêu cầu Ban Chỉ Huy cố vấn Mỹ thay Tr/sĩ Taylor bằng một người khác. Một tuần sau đích thân Đaị Tá Mountfort, Cố vấn trưởng HQ/VIDH đáp trực thăng ra đơn vị gặp Đ/úy Hào ngỏ ý tiếc về sự việc đã xảy ra, và cho biết sẽ đổi Trung sĩ Taylor đi nơi khác với một yêu cầu Đ/úy Hào hủy bỏ phiếu trình. Lý do ông Đại Tá đưa ra là nếu quân bạ của trung sĩ Taylor có ghi sự việc này thì sẽ rất là không tốt cho anh ta ngay cả khi trở về đời sống dân sự. Đ/úy Hào đã đồng ý với yêu cầu này.
Cạnh barrack của các cố vấn là phòng ăn sĩ quan Duyên Đoàn với một bàn ăn dài đủ chỗ ngồi cho trên 20 người cùng ăn. Từ cửa trước phòng ăn ở đầu hồi là khoảng trống có thể nhìn suốt tới dẫy nhà của các sĩ quan độc thân. Nhà bếp sĩ quan do Hạ sĩ Tân, nhân viên Duyên Đoàn phụ trách. Phần lớn sĩ quan của ba đơn vị đều ăn tại phòng ăn này ngoại trừ những sĩ quan có mang theo vợ con.
Từ cửa sau phòng ăn mở ra bên hông, chỉ cần đi vài bước là đến đầu hồi nhà ở của CHT/DĐ có gác gỗ cho vài sĩ quan DĐ. Nhà hướng ra bờ lạch sát ngã ba sông. Con đường từ cổng chính vào căn cứ chạy tới sân BCH/DĐ và cũng là sân cờ của căn cứ, hướng thẳng tới cầu tầu ở bờ lạch với các pontoon dành cho các chiến đỉnh nhỏ Yabota, LCVP (Landing Craft Vehicle Personel), LCPL (landing Craft Patrol Large) của giang, duyên đoàn nghỉ bến. Một trong các pontoon này có nhà tiền chế cuả 03 nhân viên EOD (Tháo gỡ đạn dược). Bến đậu chiếm phần lớn diện tích mặt nước cửa lạch.
Dọc theo sân BCH/DĐ, sát cột cờ còn một đoạn giao thông hào sâu khoảng 1m kè vách gỗ. Trong giao thông hào còn có một Dynamo điện quay tay dành cho các máy truyền tin trong trường hợp mất điện. Một đoạn khác chạy từ hông trái nhà BCH ra tới bờ sông. Sát bờ sông là trung tâm truyền tin nửa ngầm, nửa lộ thiên, nóc bê tông với nhiều lớp bao cát xếp dầy bên trên. Ụ súng cối 81 nằm ngay góc ngã ba sông, với một vòng vành khăn rộng 0.1m bằng xi măng bao quanh súng, trên có các vạch sơn ghi rõ hướng độ địa lý với các vùng chung quanh cùng số lượng thuốc bồi và độ nghiêng nòng súng đối với các vị trí tác xạ. Ụ súng cối, nóc hầm truyền tin, và một đoạn ụ đất đắp cao lên kéo dài đến vị trí cuối của đường hào có tường bao ngang ngực là những vị trí có tầm nhìn bao quát toàn bộ mặt sông và khu vực chung quanh cho thấy đây chính là khu trung tâm đồn binh cũ của người Pháp. Bên ngoài giao thông hào thấp hơn 1m là đoạn đường dẫn đến cầu tàu hình thước thợ rộng khoảng 3m, chiều dài tổng cộng có lẽ đến hơn 150m được Hải quân Mỹ xây dựng lại trước khi diễn ra chiến dịch Hạ Lào (Hành quân Lam Sơn 719 - tháng 2-1971). Trong thời gian diễn ra chiến dịch này, nhiều LCU, LCM8 đã cặp cầu chờ được chiến đỉnh cùng tàu rà mìn dẫn đường và hộ tống đi Đông Hà. Phía trong cầu tàu là khu vực của các giang đỉnh nghỉ bến. Trên bờ có vài xưởng sửa chữa nhỏ của giang đoàn. Phía sau các xưởng này là bãi đáp trực thăng với ụ che thấp phía Đông nằm cách cổng chính khoảng 50-70m. Nhà máy điện của căn cứ có hai máy phát 60 kw với hai đầu máy kéo GM 671, và garage cho 2 xe GMC và 2 xe Jeep nằm đối diện với bãi đáp qua con đường dẫn vào căn cứ.
Khu phía Nam nhỏ hơn là trại gia binh với 5-6 dãy nhà nền xi măng, mái tôn, tường gạch block láng bóng do Công Binh Kiến Tạo Sea Bee của Hải Quân Mỹ xây dựng. Mỗi dãy gồm năm căn, mỗi căn có đủ phòng ở, nhà bếp, nhà tắm. Nước được cung cấp bởi một giếng khoan với hệ thống ống dẫn đến từng nhà theo thời điểm được ấn định. Giữa nhà ở và nhà bếp có khoảng sân lộ thiên khiến căn nhà trông rất thoáng, sạch sẽ và khang trang. Dãy nhà nằm sát hàng rào hướng ra con lạch, đầu hồi chỉ cách hàng rào phòng thủ 2m, và biệt lập hẳn với khu gia binh được dành cho các sĩ quan, phần lớn là độc thân của cả ba đơn vị. Từ BCH Duyên Đoàn đi xuống ta gặp một vọng gác cao hơn 4m tồn tại từ thời các đơn vị Mỹ còn trú đóng với tầm quan sát rất rộng và xa. Thỉnh thoảng nhiều người nhìn thấy dáng một người lính Mỹ da đen đội nón sắt vai đeo súng đi qua đi lại trên vọng gác. Những người lính lão làng ở Cửa Việt cho biết đó là hồn ma người lính bị bắn tỉa chết khi đang đứng gác trong năm 1967. Dãy nhà của các sĩ quan nằm cách vọng gác khoảng 4m. Căn đầu tiên của Tr/u Quắn và Ch/úy Thạnh, căn thứ hai của vợ chồng Ch/úy Dụng, căn thứ ba gồm Ch/úy Hoàng, Bạch, Xí, căn thứ tư của Ch/úy Em, Bê, Hạt, Thương, và căn cuối cùng dành cho thủy thủ đoàn HQ 116 tạm trú khi tàu bị mắc cạn tại Cửa Việt. Vọng gác góc Tây Nam căn cứ nằm ngay tại vị trí này cùng với vọng gác góc Đông Nam, vọng gác ở cổng chính hướng Đông và vọng gác hướng Đông Bắc sát bờ sông đều thiết trí một ụ đại liên 50 (12 ly 7) với các chốt hàn chết hai bên trụ quay của súng để góc tác xạ luôn hướng ra ngoài hàng rào dù địch có chiếm được ụ súng. Xạ trường của bốn ụ súng phủ kín các hướng tấn công quan trọng của địch, và các hướng này đều có hàng rào phòng thủ rộng cả 100m với các hàng rào kẽm gai giăng sát mặt đất và nhiều lớp concertina bên trên. Trong cùng còn có một lớp rào lưới chống B40 cao 2m4 bao quanh căn cứ. Dưới chân hàng rào lưới B40 là đường giao thông hào hai bên thành kè gỗ thông, nhiều đoạn bị cát phủ chỉ còn sâu vài tấc. Riêng hàng rào phòng thủ hướng Tây có con lạch chảy qua tương đối sơ sài hơn với khoảng 10m dây kẽm gai căng sát đáy sông với đầu cọc sắt chìm dưới mặt nước khi nước lớn và hai lớp concertina chồng lên nhau sát rào lưới B40. Bên kia lạch là cánh đồng của thôn Tường Vân, một xạ trường trống trải không thuận lợi cho các cuộc tấn công của bộ binh địch.
Khoảng đất trống từ hàng rào căn cứ trải dài đến bờ biển rộng khoảng hơn 4 km, đã được dọn sạch và đầy những hố sâu nham nhở, dấu vết của sự đào bới để lượm rác Mỹ. Cách cổng chính căn cứ khoảng 400 đến 500m là hương lộ 560 dài khoảng hơn 17km nối từ Cửa Việt đến ngã ba Sải, giao lộ của hương lộ 560 và hương lộ 555 mà phần sát bờ biển của hương lộ này nằm giữa Triệu Phong và Hải Lăng đã nổi tiếng với tên “Street without joy - Khu phố buồn thiu” được ký giả Bernard B. Fall (26/11/1926-21/2/1967) đặt tên khi ông theo quân đội Pháp hành quân qua nơi này. Năm 1961 cuốn sách mang tên này ra đời, được Collin Powell nhận xét: “I recently reread Bernard B Fall’s book on Viet Nam, Street Without Joy; Fall make painfully clear that we had almost understandly of what we had gotten mistake into” (Gần đây tôi đọc lại cuốn “Con đường buồn thiu” của Bernard B Fall (đài BBC trước đây dịch là Dãy Phố Buồn Thiu). Fall đã làm sáng tỏ một cách đầy đau đớn rằng chúng ta hoàn toàn không biết vì điều gì chúng ta phạm nhiều sai lầm trong đó). Noam Chomsky, giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ, từng coi Fall là một nhà phân tích và bình luận đáng chú ý nhất về chiến tranh Việt Nam: “Has called Fall the most respected analysist and commentator on the Viet Nam war”. Fall từng được mời đến Bắc Việt để phỏng vấn Hồ Chí Minh. Ngày 21/2/1967 khi theo TĐ1/SĐ9/TQLC Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Chinook 2 tại chính khu vực “Street without joy”, ông đạp phải mìn và tử nạn cùng trung sĩ Byron G Higtland, nhiếp ảnh viên chiến trường của TQLC Mỹ.
Từ ngã ba Sải, hai hương lộ nhập làm một trở thành con đường chính từ Triệu Phong chạy vào Quảng Trị từ phía Đông. Triệu Phong được đánh giá là đất Văn Nho của tỉnh Quảng Trị. Một vài địa danh như Thôn Bích La gồm năm thôn (Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc) với câu hát Cải Lương “em là cô gái Bích La thôn” được nhiều người trong chúng ta từng biết. Triệu Phong cũng là quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, của ca sĩ Duy Khánh, của tướng Hoàng Xuân Lãm có thời bị coi là lãnh chúa vùng 1, của dược sĩ Nguyễn CaoThăng nhà tư bản có nhiều ảnh hưởng với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và của cả Lê Duẩn một thời nắm quyền sinh sát trên đất nước khốn khổ của chúng ta.
Ngã Ba Sải chỉ cách toà hành chánh quận Triệu Phong không quá 1km và cách trung tâm thành phố Quảng Trị gần 2km. Quận đường Triệu Phong cách thành phố Quảng Trị một đập nước, Đập Đá, như cách gọi các đập nước ở nhiều tỉnh miền Trung nước ta. Đường Đập Đá trên mặt đập trở thành một phần đường Gia Long (đường Bờ Sông theo cách gọi của người dân Quảng Trị) rộng và khá đẹp. Vào mùa khô, sông Thạch Hãn đoạn này chỉ như một dòng suối nhỏ chảy qua những khe đá dưới đáy sông. Bên kia bờ sông thoai thoải một triền đồi rộng trồng thông, thấp thoáng những bãi cỏ xanh mát mắt tạo cảm giác êm đềm bất chợt giữa không khí bụi bặm, ồn ào, vội vã của một tỉnh lỵ đầy xe nhà binh và những người lính giầy ‘saut’ áo trận.
Từ đường Gia Long có những đoạn đường ngắn thông sang đường Trưng Trắc trước mặt chợ nhà lồng, chợ Quảng Trị. Nhà thờ Tri Bưu góc Đông Nam thành phố khá lớn với con đường Duy Tân trước mặt rộng và đẹp như một quảng trường. Sau nhà thờ La Vang thuộc quận Mai Lĩnh, nhà thờ Tri Bưu có thể được coi là nhà thờ lớn của tỉnh và được chọn làm vị trí đầu cầu trong trận tái chiếm Cổ thành Đinh Công Tráng gần đó. Cổ thành trước năm 1972 còn nguyên vẹn với tường đất, theo các tài liệu còn ghi lại, dầy đến 5m, chân rộng đến 12m, cao 9m4 với hào nước bao quanh, nơi đặt BCH Tiểu Khu Quảng Trị. HQ Tr/u Trần văn Khoát, K17, làm sĩ quan liên lạc hải pháo tại đây. Cổng chính Cổ thành đã đặt cống để xe cộ dễ dàng ra vào. Thành phố cũng có trường trung học công lập Nguyễn Hoàng với những nữ sinh không trắng bằng các cô gái Huế nhưng khuôn mặt có những nét cực kỳ thanh tú.
Trên một trong những đoạn đường ngắn từ đường Trưng Trắc thông sang đường Bờ Sông, Duyên Đoàn đặt một tiền trạm để các quân nhân tân đáo đơn vị hoặc trả phép đến tìm phương tiện về đơn vị. Tuy nhiên vì xe GMC của đơn vị chỉ nửa tháng, đôi khi cả tháng mới có công tác nhận đồ tiếp liệu và các nhu yếu phẩm cho đơn vị, hoặc chở thân nhân trong trại gia binh đi chợ, cho nên cách tốt nhất thường là đáp xe đò vượt đoạn đường 13 km về Đông Hà trước 1 giờ chiều để theo tàu tuần và tàu rà mìn về căn cứ.
Từ Quảng Trị chỉ có xe đò loại nhỏ về tới chợ xã Vĩnh Lại cách Quảng Trị 5 - 6km. Từ đây muốn về Cửa Việt phải đi bộ theo hương lộ 560 hoặc đi tắt theo các đường nối liền các thôn. Tôi và niên trưởng Lê Rĩnh, K19, đã có lần đi theo cách này. Trở ngại duy nhất là cầu Lệ Xuyên, cầu sắt do công binh xây dựng nối thôn Lệ Xuyên với thôn Tường Vân đã bị Việt Cộng giật mìn sập. Dòng sông đoạn này khá lớn dù ở đoạn cắt ngang hương lộ 560 chỉ còn là con lạch nhỏ, nơi người ta đặt hai cặp cống đôi để vượt qua lạch. Cống Lệ Xuyên cách căn cứ khoảng 4 tới 5 cây số. Cầu Lệ Xuyên cách cống này gần 2 cây số
Chúng tôi đến chân cầu Lệ Xuyên đã hơn 4 giờ chiều. Với trang bị súng M16 và một cấp số đạn, không nón sắt nặng nề, đội mũ đi biển nhẹ tênh, nhưng không có poncho thì chúng tôi cũng không thể áp dụng bài học vượt sông học ở quân trường Quang Trung được. Nhà dân gần đó có thuyền đi câu hết cả chưa về. Chiều đang xuống rất mau. Dù các thôn này tình hình tương đối an ninh nhưng cũng đâu có chắc 100 phần 100; Tuy thế, chúng tôi vẫn cố chờ vì vượt qua sông thì chỉ còn khoảng 2 cây số nữa là về tới trại. Mãi đến 5 giờ chiều mới có một thuyền câu về ngang ghé lại giúp chúng tôi qua sông, chúng tôi ngỏ ý trả tiền nhưng chủ ghe nhất định không nhận.
Ra khỏi thôn Tường Vân bằng chiếc cổng nhỏ của lũy tre làng, chúng tôi ngồi lại bờ lũy của thôn nhìn cảnh chiều tà in bóng hàng tre phía sau mình trên những khoảnh ruộng sâm sấp nước và con rạch nhỏ trước mặt ngăn cách hai thôn tận hưởng không khí chiều tà với tiếng gà gáy, tiếng chó sủa và những sợi khói thổi cơm chiều bốc lên từ những xóm nhà của thôn Phố Hội như một khoảnh khắc thanh bình chợt thấy. Chúng tôi cảm thấy thật thoải mái, và chỉ muốn nhắm mắt ngủ một giấc giữa cảnh chiều êm đềm này khi nghĩ chỉ cần vượt qua đoạn đường ngắn trong thôn là đã đặt chân lên hương lộ 560 gần ngã rẽ vào căn cứ. Thôn Phố Hội là thôn khá giả nhất trong những xóm làng quanh căn cứ với nhiều nhà gạch ba gian nền cao bó gạch tráng xi măng. Nhiều nhà xây hồ chứa nước mưa. Có lẽ sự trù phú của thôn mang tính phố hơn tính làng nên được gọi là Phố Hội chăng?
Khi vượt qua các con đường sạch sẽ trong thôn trở về căn cứ, những người dân trong làng gặp chúng tôi đều cất tiếng: “chào eng” rất vui vẻ, còn trẻ em thì khoanh tay cúi đầu lễ phép nói “thưa ôn”, chữ ông gần như thiếu chữ “g”, khẩu âm đặc biệt và dễ thương của người miền Quảng Trị. Có lẽ đó là những hình ảnh và kỷ niệm khó quên của người dân vùng này đối với tôi. Và cho đến giờ này, lòng tôi khi nghĩ về Cửa Việt vẫn thường tự hỏi không hiểu những người dân trong các thôn làng nơi ấy có ai thoát được về phía Nam khi chúng ta rút đi và những người ở lại sẽ ra sao?
Xa hơn về phía Nam thì có thôn Hà Tây, nghèo hơn nhiều vì phần lớn là dân chiến nạn mới về ngụ cư với những căn nhà vách đất thấp nhỏ như một túp lều. Cách không xa cuối thôn này có một đường mòn nhỏ đi giữa các khu rừng dương ven biển đến tận thôn Gia Đẳng nằm sát biển cách Cửa Việt hơn 10km về phía Nam. Khi thử đi thám sát đường này vào sâu khoảng 3 km từ hương lộ 560, tôi đã từng gặp những đàn bò khoảng 3 đến 40 chục con, nhưng nói chung bò cũng như người đều không được béo tốt.
Đối với bạn Tôn Long Thạnh và tôi, Cửa Việt là đơn vị đầu tiên nên có nhiều kỷ niệm và nhiều điều đáng nhớ. Đến đơn vị vào tháng 11, nên năm 1970 chúng tôi đương nhiên chưa được đi phép, chúng tôi phải đón Giáng Sinh và ăn Tết tại đơn vị. Sáng mồng 4 Tết năm Tân Hợi, 1971, với quân số trên 40 người gồm cả sĩ quan, hạ sĩ quan, và đoàn viên của cả ba đơn vị, chúng tôi tập trung trước sân BCH làm lễ chào cờ ra quân trước khi xuất phát cuộc hành quân lục soát an ninh khu vực hoang vắng thuộc xã Gio Hải, phía Tây hai thôn Mai Xá, với trục hành quân cách bờ sông khoảng 1km kéo dài đến ngã ba Gia Độ. Lá cờ kéo lên cách đỉnh ba tấc thì dây cờ đứt, và cờ rơi xuống đất. Mọi người có lẽ đều giật mình, nhưng hàng quân vẫn im phăng phắc trong khi hai thủy thủ kéo cờ vội vã và luống cuống cột lại dây cờ. Cuối cùng cờ cũng đươc kéo lên và Đ/úy Hào, CHT cuộc hành quân ra lệnh tất cả lên hai Yabota xuất phát. Sau khi đổ quân, hai Yabota này sẽ cùng 4 chiến đỉnh khác (2 Yabota và 2 LCPL) di chuyển và án ngữ dọc theo bờ sông, song song với lộ trình của quân trên bộ.
Dĩ nhiên hiện tượng đứt dây cờ ngay trong lễ xuất quân hẳn khiến mọi người lo lắng, tuy thế cuộc hành quân đã diễn ra tốt đẹp, an toàn và nhiều may mắn là khác. Gần trưa, khi toán chúng tôi với khoảng hai tiểu đội đang di chuyển theo hai hàng ngang, vượt qua những thửa ruộng còn trơ gốc rạ để tiến đến một con đường đất liên xã khá lớn, còn nguyên dấu vết những con đường cái quan ngày xưa. Toán đi trước gồm CHT Hào, Thạnh, Thượng sĩ Liệu trưởng toán quân báo, tôi, một thủy thủ mang máy truyền tin và một vài anh em khác. Toán đi sau cách toán trước khoảng 30m cũng gồm 7-8 người trong đó có Tr/úy Quắn, Đ/úy Duminiac. Bước chân lên mặt đường, chúng tôi liền tản ra hai bên đường đứng chờ toán sau, cũng vừa tiến đến sát bờ ruộng ngay trước mặt. Thình lình một con trâu hiện ra, cổ vươn thẳng về phía trước, cặp sừng áp gáy lao thẳng vào phía sau đội hình của toán quân. Mọi người đều nhanh chân vượt đến chỗ chúng tôi. Riêng anh bạn Duminiac chậm chân nên vừa nhẩy lên bờ ruộng thì bị trâu ủi trúng và ngã nhào sang bên này bờ ruộng. Thửa ruộng bên này thấp hơn, bờ ruông lại khá cao nên thân hình to lớn của Duminiac cũng gần như được che khuất. Con trâu đang hăng máu, liên tiếp húc vào bờ ruộng. Th/sĩ Liệu bắn một loạt M16 ngang trên đầu con trâu, nhưng nó vẫn không sợ và tiếp tục húc mạnh. Nhiều người đề nghị bắn hạ trâu để cứu Duminiac. CHT Hào không đồng ý, ra lệnh viên HSQ cầm M79 đưa súng cho ông và bắn một trái sau lưng trâu. Nghe tiếng nổ lớn phía sau nó mới ngửng lên và bỏ chạy. Chạy một đoạn con trâu còn nghếch mõm nhìn về phía đoàn quân. Phải thêm vài viên M16 nữa nó mới thong thả rời đi. Chúng tôi cùng tiến đến mừng Duminiac. Anh ta không bị chút thương tích nào. Anh nói “No problem” và “thank you” mọi người. Tôi thầm nghĩ, điểm đứt dây cờ lễ xuất quân mà chỉ như thế thì hên quá rồi còn gì. Trên đường trở về căn cứ, CHT Hào hỏi chúng tôi “Các cậu biết tại sao tôi không cho bắn hạ con trâu không?” Rồi ông trả lời với giọng châm biếm: “Vì chưa cần thiết, và còn vì ở vùng Quảng Trị này mà bắn chết trâu bò “dân của lãnh chúa Lãm” là phải đền nặng, và nếu không thì ra tòa. Các cậu nhớ đấy”.
Nhưng điềm đứt dây không chỉ có thế. Cầu tàu Cửa Việt đột nhiên được Sea Bea xây dựng lại lớn hơn từ những ngày trước Giáng Sinh 70 cho đến sau Tết Tân Hợi thì hoàn tất. Ngày 28- 2 -1971, các đơn vị Cửa Việt nhận được lệnh hướng dẫn và hộ tống convoi gồm nhiều LCU và LCM 8 của Quân Vận chở đạn dược xăng dầu và chiến cụ vào Đông Hà, và ngày 6-3-1971 hành quân Hạ Lào, Lam Sơn 719, khai diễn. Đ/úy Duminiac nói với chúng tôi “Cuộc hành quân chỉ kéo dài tới tháng tư là chấm dứt”. Tôi cũng không hiểu vì sao anh ta có thể khẳng định điều này vì thực tế sau đó đúng như vậy.
Và đêm đêm khi những tiếng hải pháo của hải quân Mỹ ầm ì ngoài khơi, chúng tôi ngước nhìn lên trời thấy những viên đạn bay ngang bắt đầu cháy đỏ rực lên như những hoả tiễn, và tiếp tục bay thật xa về vùng biên giới phía Tây. Duminiac cho biết những viên đạn này có thể bắn tới Lào để yểm trợ cho cuộc hành quân. Điều này có thể đúng, vì mỗi đêm trọng pháo địch bắn vào các căn cứ Sarge, Ba Hồ, Khe Gió… là vùng biên giới phía Tây Quảng Trị, và từ Cửa Việt mọi người đều nhìn thấy lửa bùng lên khi pháo nổ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy vị trí nổ của những trái hải pháo này. Vì thế nếu cho rằng hải pháo Mỹ chỉ có tầm bắn tới Đông Hà và Quảng Trị có lẽ cần phải xét lại.
Hành quân Hạ Lào khai diễn thì tin tức tình báo cũng cho biết tiểu đoàn 126 đặc công thủy vẫn hoạt động tại Cửa Việt đã được tăng cường thêm nhiều bộ phận của tiểu đoàn 125 để tăng cường áp lực đánh mìn trên sông.
Chúng tôi cũng được các chuyên viên đạn dược của Hải quân Mỹ/Việt trình bày về hai loại mìn chính đang được địch xử dụng. Loại mìn từ thì không nhiều và thường được các đặc công thủy lợi dụng đêm tối bơi đến gắn vào các tàu sắt hoặc bánh lái các Yabota và các chiến đỉnh vỏ composite. Cách đề phòng là thường xuyên ném khối nổ T4 hoặc lựu đạn MK2 mà các chiến đỉnh sẽ được cung cấp thêm. Đa phần là mìn kích nổ do buồng hơi của mìn bị tăng áp lực dưới tác động luồng nước chân vịt hoặc của tàu khi di chuyển. Có thể mô tả lọai mìn này và cơ hành của nó như sau: Mìn gồm một lồng tròn nan sắt nhỏ rất thưa gắn với khối thuốc nổ bên dưới.Trong lồng có một bong bóng bằng cao su giống hệt ruột một quả banh tròn bơm hơi vừa phải. Vòi bong bóng nối vào một buồng giãn hơi nhỏ kín nước với một van giãn hơi với lưỡi gà bằng đồng. Khi bong bóng bị sức ép vào mặt ngoài, áp lực hơi bên trong bong bóng gia tăng đẩy lưỡi gà lên đóng mạch điện của 4 cục pin kích hỏa cháy ngòi nổ của khối thuốc nổ làm mìn nổ. Loại mìn này nguy hiểm vì nhờ bong bóng nên nó trôi lơ lửng trong nước, và có thể dùng lượng chất nổ lớn tùy độ lớn của bong bóng lại dễ di chuyển vì có thể đẩy hoặc kéo trên sông rạch hoặc dọc theo bờ biển. Một lần chúng tôi đang dùng cơm thì nghe tiếng nổ khá lớn từ hướng cửa biển. Chúng tôi chạy ra ngoài còn thấy cột nước chưa rơi xuống hết. Mọi người đoán trái mìn có thể có sức mạnh bằng trái bom 250 cân Anh. Một trái mìn khác đẩy chiếc LCU nằm ghếch một nửa thân lên một cù lao nhỏ nên đã không chìm nhưng toàn bộ thủy thủ đoàn đều bị thương. Tàu phải bơm hết dầu cho các chiến đỉnh của Giang, Duyên đoàn để gỡ cạn!!!
Sau khi nghiên cứu các chuyên viên khuyến cáo các chiến đỉnh khi di chuyển chân vịt không được chạy quá 500vòng/phút, tác động luống nước chân vịt sẽ không đủ áp lực làm mìn nổ. Tôi cũng có một kinh nghiệm sống về lời khuyến cáo này: Chạng vạng một ngày tháng 4-1971, khi chiến đỉnh đang vượt đầu doi ngã ba Dương Xuân về căn cứ thì cách tôi khoảng 500m là một LCVP đang di chuyển rất nhanh theo hướng ngược lại. Tôi chụp ống liên hợp gọi về TTHQ hỏi xem con cá nào của GĐ, bộ muốn chết sao mà chạy mau dữ vậy? Nhưng không kịp nữa! Trước mắt tôi một cột nước hất tung chiếc LCVP lên cao, sau đó nghe tiếng mìn nổ, và tiếp theo là một khoảnh khắc chết lặng trên mặt sông mờ nhạt. Tôi báo cáo về TTHQ, và hướng mũi chiến đỉnh đến gần vị trí mìn nổ. Tất cả 5 nhân viên trên tàu đều tử nạn. Buổi chiều CHT/GĐ thanh tra quân phong, quân kỷ. Năm quân nhân này đều tóc dài, và được lệnh phải cắt tóc trình diện vào sáng mai. Họ vội vàng cùng nhau đi Đông Hà, và tai nạn xẩy ra. Có lẽ đây là thiệt hai lớn nhất về nhân mạng của chúng ta trong suốt chiến dịch. Nhưng đài phát thanh Hà Nội ngày nào cũng loan tin đánh chìm vài tàu địch. Đến cuối chiến dịch, số lượng tàu do quân và dân Quảng Trị đánh chìm được đài Hà Nội loan báo đã lên tới 400 chiếc, một con số ngoài mọi sức tưởng tượng. Chúng tôi cho lính đơn vị nghe đài Việt Cộng và đài Hà Nội thoải mái. Nghe xong họ cười hô hố.
Tình trạng đánh mìn gia tăng. Ngày nào cũng có mìn nổ do Skimmer ném T4 gây nổ hoặc nổ ngay trong lưới vớt mìn, gây hư hại lưới và hư hại nhẹ cho các tàu kéo. Nhiều nhân viên GĐ bị thương do sức chấn động của mìn.
Mỗi buổi sáng, các chị em trong trại gia binh xuống tận cầu tàu lưu luyến tiễn đưa các chiến binh của Giang Duyên Đoàn ra trận biểu lộ nỗi âu lo của họ.
Dòng sông dày đặc mìn trôi
Tàu đem nỗi chết gọi mời tàu đi
Bến sông nuốt lệ thầm thì
Người đi … chẳng biết người đi có về?

Cửa Việt tháng 3-1971

Nạn nhân nhiều nhất của mìn lại là dân thường di chuyển trên các con đò dọc chở khách đi chợ hoặc đi lễ. Những đò này mảnh và dài giúp đò chạy nhanh với lượng khách khá cao. Có một chiếc đò sau khi bị mìn, nhân viên địa phương kiểm tra cả số xác chết và người còn sống là 67 người. Trong vòng nửa đầu năm 71 có tất cả 4 lần đò chở khách bị chìm do mìn, số nạn nhân không dưới 30 người mỗi khi đò chìm, vì khi đò bị đắm thì dù không chết ngay vì mìn thì cũng bị người khác hoảng sợ ôm chặt và chết đuối theo nhau. Một lần đò bị mìn đang được các chiến đỉnh và địa phương tập trung tiếp cứu thì thêm một chiếc đò khác ghé vào bến gần đó thì cũng bị mìn lại nổ. Trong số trên hơn 60 người tử nạn có cả một vị linh mục trên đường đến làm lễ ở xã Gio Hải. Ch/uý Bạch đang là sĩ quan tuần tiểu phải huy động các chiến đỉnh tới yểm trợ, nói với tôi “Phụ kéo xác các nạn nhân, tay tao dính mỡ người vàng nghế, rửa hoài không hết mùi gây gây, khiếp quá!”
Sự gia tăng đánh mìn của địch, và sự thiệt hại về nhân mạng quá lớn của dân chúng khiến toán người nhái được biệt phái ra Cửa Việt, trong đó có HQ Ch/úy Nguyễn Minh Cảnh, K 20, và vài người nhái Mỹ. Sau một tuần, toán nhái này đã diệt được 02 đặc công thủy khi họ đang kéo mìn trên một con rạch, xác được kéo về bãi ủi cũ của Mỹ, và sau đó được chôn trên bãi cát gần đó. Nhịp độ đánh mìn vẫn gia tăng và chỉ vài ngày sau chiếc LCU bị nổ như đã nói, để trả thù việc giết hai đặc công thủy kiểu “Biến đau thương thành sức mạnh, nhân dân ta quyết tâm diệt nhiều địch để trả thù cho những người đã hy sinh” như Việt Cộng xưa nay vẫn làm. Tôi nghĩ đến những thường dân chết trên dòng sông Cửa Việt và tự hỏi ai sẽ trả thù cho họ, và ai sẽ bồi thường cho họ!!!???
Tình hình căng thẳng và đơn vị phải thường xuyên thực tập nhiệm sở tác chiến đề phòng địch có thể tấn công. Một đêm đứng trên vị trí cao nhất của đơn vị khi đang thực tập nhiệm sở, CHT Hào chỉ ra mặt sông cùng nói với tôi và vài sĩ quan khác: “Nếu bọn chúng dùng những thuyền nhỏ chạy nhanh bất ngờ cướp chiến đỉnh hoặc tấn công đơn vị thì việc bảo vệ căn cứ lúc ấy sẽ không dễ dàng!”. Ngày hôm sau trong bữa ăn có sự hiện diện của CHT/GĐ ông nhắc lại chuyện này, và đề nghị các skimmer sẽ gắn một đại liên M60 trước buồng lái để có thể ngay tức khắc chế ngự một cuộc tấn công như vậy.
Do nhu cầu tăng cường an ninh cho Đông Hà, các chiến đỉnh DĐ còn được yêu cầu hoạt động xa hơn cầu Đông Hà về phía Tây. Tôi lãnh nhiệm vụ chỉ huy hai Yabota đi thám sát. Dòng sông khu vực này chỉ còn như con kinh rộng 20 đến 30m, và bờ sông cao hơn mặt nước từ 3 tới 4m. Địch chỉ cần đứng trên bờ ném lựu đạn cũng đủ gây thiệt hại nặng cho các chiến đỉnh mà tàu của ta không làm gì được họ. Lên tới ngang ngã ba từ quốc lộ 9 rẽ về Khe Sanh thì độ sâu mực nước không cho phép chiến đỉnh vào sâu hơn. Chúng tôi nằm án ngữ tại đây một ngày, gần bãi ủi do công binh xây dựng để các xe bồn xuống lấy nước về cho đơn vị. Nước sông đoạn này ngọt như nước mưa, có lẽ vì thế nơi nó đi qua trên đầu nguồn được người xưa đặt tên là Cam Lộ (Sương Ngọt), và anh em của nó là dòng chảy mồ hôi của đá (Thạch Hãn) chăng? Mặc dù lần đầu tiên hiện diện ở khu vực này nhưng đêm đến chúng tôi cũng phải nhiều lần di chuyển để tránh bị tập kích. Sau đó đơn vị báo cáo về BTL/V1DH và được chấp thuận trở lại với vùng trách nhiệm trước đây.
Sau khi toán người nhái rút về Sài Gòn, DĐ trong một cơ may còn bắt được 02 đặc công thủy khi họ kéo mìn dọc theo bờ biển, bị nước cuốn trôi sang bờ Nam, phải lẩn trốn trong bụi rậm. Một ngư dân phát hiện và báo cho DĐ vây bắt. Đây là bộ đội đặc công chính quy vì họ nói hoàn toàn tiếng Bắc. Giam giữ một tuần tại duyên đoàn, tù binh được an ninh Tiểu Khu đến nhận. Tôi nhớ không lầm thì trong cách nói của họ, họ muốn hưởng quy chế hồi chánh. Riêng với các chàng lính Hải Quân trong đơn vị, các cậu ngày nào cũng gặp sĩ quan an ninh và sĩ quan trực để xin đón hai chàng đặc công đi ăn và nói chuyện. Và đương nhiên chúng tôi, sau khi thỉnh ý CHT liền cho phép các cậu đến phòng giam nhận tù binh với lời dặn dò phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh. Suốt cả tuần như thế, hết cậu này tới cậu khác thay nhau kéo tù binh xuống câu lạc bộ rồi tụ nhau ăn uống tán dóc với họ như những người bạn. Có lẽ đây chính là sự khác biệt giữa người lính miền Nam và người lính miền Bắc chăng?
Địch đang tìm cách pháo kích và tấn công CCHQ/Cửa Việt để chứng tỏ dù chủ lực đang phải quần thảo với lực lượng của ta trên chiến trường Hạ Lào, nhưng vẫn đủ sức để tấn công bất cứ nơi nào chúng muốn. Rất may ta bất ngờ đoán ra ý đồ của địch khi những chiến đỉnh báo cáo, trong nhiều ngày kiểm soát ghe cộ di chuyển thấy dân mua nhiều cover dùng làm công sự phòng thủ của quân đội Mỹ. CHT Hào đích thân cùng nhân viên an ninh và quân báo xuống đi theo chiến đỉnh để quan sát. Ông cho rằng dân vùng quanh căn cứ mua cover chắc chắn dùng làm hầm trú ẩn để tránh đạn phản pháo của ta khi địch tấn công hoặc pháo kích, và ông phỏng đoán rằng, dân biết địch sắp thực hiện các ý đồ này nên họ cũng chuẩn bị. Ông cùng CHT/GĐ đề nghị V1DH và Tiểu Khu Quảng Trị cho mở cuộc hành quân phối hợp cấp đại đội vào khu vực xã Cát Sơn. Kết quả thật bất ngờ, ta khám phá nhiều hầm chôn dấu vũ khí, và tịch thu trên 300 trái đạn súng cối gồm cả 60 và 82 ly nằm xếp lớp trên sân BCH/Duyên Đoàn. Lần đầu tiên chúng tôi được thấy đầu nổ hình chóp cụt bằng sứ, sơn màu nâu của các trái đạn chế tạo tại Trung Cộng.
Thắng lợi này đã giúp tránh được một trận tấn công và pháo kích quy mô của địch vào căn cứ.
Năm 71 chúng tôi không chỉ chiến đấu chống Việt Cộng mà còn phải chống chọi với cả những thiên tai. Chiến dịch Hạ Lào chấm dứt không lâu thì bão Hester thổi đến. Trận bão có cường độ gió lớn nhất từ trước đến nay trên đất nước ta ập vào ba tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, và còn kéo theo trận lụt được mô tả là lớn hơn cả trận lụt năm Thìn, 1952 tại Huế. Trước khi bão tới, các chiến đỉnh đựợc lệnh ngược dòng lên Đông Hà tránh bão. Buổi chiều cùng ngày gió bắt đầu mạnh với mưa rất lớn, nước tràn đồng, và không còn biết đâu là bờ bến. Chúng tôi, các sĩ quan trưởng toán chiến đỉnh của hai đơn vị, cố gắng tập trung toàn bộ chiến đỉnh vào một khu vực có những trảng cây cao ngập nước để cột giữ các chiến đỉnh trước khi trời sập tối. Cuối cùng chúng tôi vào trong một khu vực rừng bạch đàn thưa. Các chiến đỉnh đều phải chặt một cành dương khắc vạch dùng đo mực nước và mỗi đầu giờ đều phải báo cáo tình hình cho sĩ quan trưởng toán. Hệ thống âm thoại thường trực 24/24.
Gần sáng gió giảm dần, mưa nhẹ hạt, và nước bắt đầu rút. Chúng tôi ra lệnh cho các chiến đỉnh rời vị trí sau khi báo cáo tình hình về căn cứ. Toàn bộ chiến đỉnh của Giang, Duyên Đoàn đều an toàn. Nước rút nhanh, các hàng cây ven sông dần hiện ra giúp chúng tôi dễ dàng nhận ra thủy lộ của sông Thạch Hãn mà bình thường chúng tôi chỉ nhìn thấy nó với một khoảng ngắn từ ngã ba Gia Độ. Buổi sáng sau cơn bão, trời thật đẹp trên những cánh đồng mênh mông nước, nhưng chỉ đến 9 giờ là dòng sông Cửa Việt đã gần như trở lại nguyên dạng của nó, đầy nước ồn ào, hối hả chảy về xuôi. Biến cố đã đi qua với may mắn lớn cho cả ba đơn vị. Người và nhà cửa trong căn cứ cũng đều an toàn vì các mái tôn đã được dằn bao cát, nhà được tăng cường dây chằng rất kỹ. Phải nói trước cơn bão, bạn Tôn Long Thạnh đã rất vất vả trong các công việc này. Cũng cần nhắc lại, cơn bão này đã nhận chìm và làm hư hại nặng 13 chiến đỉnh gồm cả PCF (Patrol Fast Craft - Khinh Tốc Đỉnh) và Duyên Đỉnh Coast Guard WPB (Whale Patrol Craft) ngay tại bến của Hải Đội 1 Duyên Phòng trong quân cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Trận bão cũng đã đưa chiếc tàu rà phá mìn ven bờ biển MSC (Mines Sweft Coastal) Trục Lôi Hạm Bạch Đằng II HQ-116 lên bờ cách Cửa Việt 1 hải lý về phía Nam. Đây cũng là một may mắn, vì chỉ cần mắc cạn ngay bờ phía Bắc của cửa sông thì vấn đề phối hợp với thủy thủ đoàn của chiến hạm để bảo vệ an ninh cho nó trong hơn ba tháng chờ thiêu hủy, sẽ gây rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho các đơn vị. Nhiệm vụ này được niên trưởng Lê Rĩnh và bạn Tôn Long Thạnh thay nhau đảm nhiệm. Còn Ch/úy Nguyễn Công Phương, K20, nhờ có niên trưởng Rĩnh giữ chùa nên chỉ thấp thoáng ở Cửa Việt, rồi biến về Quảng Ngãi thăm gia đình.
Lan man qua chuyện HQ-116, để không quên cảnh chiều chiều CHP Thạnh, NT Rĩnh cùng gần tiểu đội quân, đi dạ hội trên con tàu được coi là đắt gía nhất của Hạm Đội. Vui chơi như thế nhưng bạn Tôn Long Thạnh cũng lập được đại công, bắn ngã một con chim đại bàng đến đậu trên tháp súng sân mũi chiến hạm, mưu toan xâm nhập và phá hoại. Sáng hôm sau “ngài” còn được đóng vai ông CHP căn cứ, ngồi ở phòng nội vụ của Duyên Đoàn chứng kiến cảnh chia thịt cho các quan và binh lính. Bạn ta oai qúa đi chứ!!!
Thạnh kể nửa đêm khi đại bàng bay đến, nó đập cánh gây tiếng động rất lớn khiến mọi người đều giật mình. Những người đang ngủ cũng được đánh thức tập trung trước cửa kiếng nhìn ra ngoài. Mọi người đầu óc căng thẳng vì chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, vùng chiến sự mà. Sân mũi HQ-116 rất ngắn nên mọi người chỉ thấy phía trước một khối đen ngòm. Rọi Fanal và nghe tiếng nó kêu mới biết đó là con chim rất lớn, Thạnh bèn ra lệnh bắn hạ nó. Cũng may nếu ở trên đất Mỹ thời điểm này chắc CHP Thạnh bị ghép tội ngược đãi loài vật, sát hại thú quý hiếm trong sách đỏ, phá hoại môi trường thì nguy to!!! Đó là chuyện sau nhưng xin kể trước cho “thuận buồm xuôi chuyện.”
Trở lại với thời điểm ngày sau cơn bão, khoảng 11 giờ trưa, tôi thoải mái ngồi trên đầu mui chiếc Alfa (Ghe chủ lực) nói chuyện với Trung sĩ Sáu biệt danh “Sáu Lửa”,
thuyền trưởng, và thuyền trưởng chiếc LCPL hư máy, cột cặp mạn chiếc Alfa xuôi dòng trở về căn cứ. Khi chiếc Alfa vừa chếch mũi từ giữa dòng hướng về căn cứ chúng tôi cùng lúc nhận ra một sai lầm chết người, sức nước chảy quá mạnh đẩy hai chiến đỉnh quay mũi về hướng ngược chiều dòng nước. Tôi ra lệnh cho Sáu Lửa tăng vận tốc máy chống sức cuốn trôi của dòng nước. Chiếc LCPL tách khỏi mạn chiếc Alfa khoảng nửa thước. Sức nước quá mạnh khiến hai sợi dây cột căng thẳng muốn giật tung hai trụ cột dây hình chữ T bằng gỗ của chiếc Alfa. Thuyền trưởng LCPL nhẩy vội về tàu. Tôi bảo anh ta dùng xích neo vòng một vòng vào chân ụ súng trên mũi chiếc LCPL và đưa xích neo sang cột vào chân ụ súng khẩu đại liên 30 sau lái chiếc Alfa. Hai dây cột được mở ra, và chiếc LCPL trôi tuột ra sau khoảng 2m đến 3m tạo nên sức giật rất mạnh cùng tiếng xiết ken két của các mắt xích. Tạm an tâm, tôi cùng Sáu Lửa cho tăng thêm sức máy. Lúc này tàu đã trôi qua khỏi cửa vào căn cứ. Hai chiến đỉnh nằm theo hàng dọc nên sức đẩy của nước có giảm bớt nhưng tàu vẫn trôi dần ra cửa biển. Tôi đã báo cáo tình hình về căn cứ, và đề nghị cho chiếc Ferro Cement (Duyên Kích Đĩnh) ra trợ giúp. Chiếc Alpha có máy GM 671 chạy phun khói đen nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Từ vị trí cao nhất và trên cầu tàu các sĩ quan và nhân viên của cả ba đơn vị nhìn cảnh chúng tôi chống chọi với hiểm nguy một cách vô vọng nhưng không giúp gì được. Khi tàu trôi khỏi địa phận của căn cứ, Sáu Lửa đã thực sự hốt hoảng và đòi chặt dây xích. Tôi cười nói “Anh lấy gì để chặt dây xích neo bằng thép này. Thôi dẹp đi. Ra phụ thằng em lái ghe cho tôi.” Bốn nhân viên trên LCPL đứng tập trung cả trong buồng lái. Nỗi lo sợ khiến họ không còn bụng dạ nào la ó nữa. Tàu trôi ngang bãi ủi của Mỹ, những ngọn sóng dội vào dòng nước chẩy xiết ra cửa tung bọt trắng xóa đã rất gần chúng tôi. Lúc này chiếc Ferro Cement do Trung sĩ nhất Kiệm, thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm của duyên đoàn cũng vừa ra tới. Anh vòng trở lại, cặp vào mạn chiếc LCPL, và cột nó vào tàu mình. Dây xích lập tức chùng lại, Tôi và Sáu Lửa gỡ dây xích, tàu bắt đầu tiến được về phía trước. Chạy được khoảng hơn cây số, Sáu Lửa hốt hoảng chạy sát vào bờ và tàu bị mắc cạn! Nước vào nhiều trong hầm máy, hắn nhẩy lên nhẩy xuống như gà mắc đẻ. Tôi la:” Đừng có cuống. Đã chết đâu mà sợ. Bây giờ cho máy về số 0, giữ máy chạy thật tốt, chờ nước đạp vào bờ sẽ đẩy ghe ra khỏi cạn. Chờ tàu ra giữa dòng hãy cho chân vịt chạy lại”. Cuối cùng mọi sự đều diễn ra tốt đẹp, và tàu về tới bến trong sự vui mừng của mọi người. Thạnh nắm tay tôi nói: “Mọi người đều nghĩ mày chắc tiêu! Mừng cho mày”. Tôi nắm chặt tay hắn không nói gì vì biết nói gì thì cũng rất thừa trong lúc này.
Cũng trong năm 71 đã diễn ra màn bầu cử độc diễn của Tổng Thống Thiệu. Năm giờ sáng cả vùng vang động tiếng mõ gọi dân đi bầu, như mõ báo động. Bẩy giờ sáng CHT Hào cùng một số sĩ quan quân phục gọn gàng, người đồ tím, người đồ trận lon lá trên vai trên cổ, một vài người đeo súng leo lên đầy xe Jeep chạy ra phòng Hội đồng thôn Phố Hội làm nhiệm vụ công dân. Tôi vào bầu trước. Đứng trong phòng phiếu hoàn toàn sạch sẽ, chưa có một lá phiếu nào trong thùng chứa các lá phiếu không bầu, dù người dân đã đi bầu từ rất sớm. Tôi vò nát lá phiếu quăng xuống đất cố ý để nhân viên coi phòng phiếu nhìn thấy sự bất mãn của mình. Khi cầm bì thư trống bước ra ngoài thì thấy một nhân viên gác phòng phiếu mặc đồ trận, không đeo lon, đến bàn tổ bầu cử lấy căn cước quân nhân của tôi để ghi số thẻ. Đại úy Hào và Thạnh tiến về phía anh ta. CHT Hào nói: “Này cậu! Ghi cái gì vậy? Đưa tay cho tụi này coi!” Gã bèn chùi tay nhiều lần vào quần trước khi chìa bàn tay ra. Anh Hào còn yêu cầu gã phải chùi cho hết những gì ghi trên bàn tay mới thôi. Lúc về Thạnh cằn nhằn: “Thằng Hoàng ‘mát’ ẩu thấy mẹ. Nó mà giữ được tên và số thẻ của mày hôm nay thì tiêu đời nghe con”. Tôi mỉm cười: “Tại tao chán màn độc diễn của Tông Tông quá! Cũng may nhờ ông Hào và mày nên mọi sự mới êm xuôi.”
Cuối tháng 10-71 Thạnh và tôi được gọi về vùng VIDH cùng Th/u Trần Văn Hải, K19, để tiếp nhận Đài Kiểm báo 102 được Hải Quân Mỹ giao lại. Chúng tôi ở ĐKB đến tháng 1-72 thì Thạnh được về phòng 3, và tôi về TTKS/DH Đà nẵng. Thời gian thành lập và ổn định nền nếp sinh hoạt của đài tuy rất ngắn nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm, tuy nhiên bài viết này mục đích ghi lại những sự việc liên quan đến Cửa Việt nên xin gác lại cho một bài viết khác.
Ngày 9-12-2011 vừa qua, Thạnh, Ánh và tôi có dịp gặp lại CHT Hào nhân dịp anh qua Cali dự đám cưới con gái HQ Trung tá Phạm Mạnh Tuân. Nói về cuộc đời binh nghiệp của mình, anh luôn cho rằng mình là một người có nhiều may mắn. Nhưng tôi cho rằng anh thành công vì anh có đầy đủ phẩm chất của một chiến binh: gan dạ, nhanh nhẹn và bén nhậy khi phải đối phó với các tình huống khó khăn. Tôi còn nhớ có một lần khi vừa ra ngoài về, xe Jeep mới đậu trước BCH thì lính chạy lên báo hạ sĩ Hồng, biệt hiệu Hồng Dao, gốc du đãng Khánh Hội, đang cầm M16 quậy dưới cầu tàu. Anh nhẩy xuống xe, tay cầm khẩu Carbine M2 tiến xuống cầu tàu. Cầu dẫn xuống bến nhỏ chỉ vừa cho hai người đi, hai bên có tay vịn. Tên Hồng đứng gần mé nước hò hét đòi bắn. Khi tiến đến cách hắn khoảng hơn hai thước anh quăng khẩu carbine sang một bên la lớn “Mày ngon thì quăng súng! Tao với mày chơi tay đôi.” Như một phản ứng tự nhiên, gã cũng dơ súng lên định quăng đi thì bị anh bay tới đạp ngã xuống nước.
Anh cũng kể về những may mắn kỳ lạ trong trận Cửa Việt. Trước giờ nổ súng, một số nghĩa quân bị thương được đưa sang căn cứ xin trực thăng tải thương. Xe Jeep và xe GMC của DĐ, được điều động tới để pha đèn rọi sáng bãi đáp để trực thăng đáp “lá rơi” xuống bãi. Lúc này chung quanh căn cứ, một sự im lặng kỳ lạ rờn rợn tạo cho anh cảm giác rất bất an. Anh đề nghị với Thiếu Tá Giang CHT/GĐ, sĩ quan thâm niên hiện diện, cho anh được bắn vài trái 81 vào khu vực trống trải phía trước căn cứ. Thấy đèn đột nhiên bật sáng rực gần cổng căn cứ, lại bị đạn cối pháo rót vào vị trí ém quân nên địch nghĩ đã bị ta phát hiện và phát lệnh tấn công. Nhờ thế ta kịp thời chống trả và đẩy lùi các đợt tấn công bằng bộ binh của địch, thoát khỏi cuộc tập kích tiền pháo hậu xung gây bất ngờ và nguy hiểm cho quân trú phòng.
Khoảng 5-10 phút sau giờ nổ súng, địch bắt đầu pháo tới tấp vào căn cứ. Các chiến đỉnh cuả Giang/Duyên Đoàn còn đang nghỉ bến cũng đã tách bến tập trung bắn vào đội hình tấn công của địch. Hạ sĩ 1 Giám lộ Hưng lẽ ra rời đơn vị đi phép từ sáng sớm cũng lên chiếc LCM của mình ôm khẩu đại liên 50 nhả đạn về phía địch. Súng hết đạn, Hưng gọi Trung sĩ Trọng pháo Đời đang lái tàu: “Ông thầy ơi súng hết đạn rồi em không lên đạn được!” Trung sĩ Đời bảo Hưng: “Mày vô lái để tao ra bắn”. Hưng vừa vào buồng lái thay anh Đời thì một trái pháo hay B 40 rơi vào buồng lái khiến Hạ sĩ Hưng trở thành người lính đầu tiên hy sinh tại Cửa Việt trong mùa Hè đỏ lửa, 1972. Chiếc LCM được một chiến đỉnh khác kéo về bến giữa tiếng đạn pháo của địch.
Khoảng 4 giờ sáng đạn pháo của địch đột nhiên trở nên dữ dội hơn với nhiều tiếng nổ của trọng pháo. Chúng tôi yêu cầu căn cứ tìm cách liên lạc với chi khu Đông Hà xem có phải đó là pháo từ chi khu Đông Hà hay không? Căn cứ báo cáo hệ thống truyền tin của căn cứ không thể liên lạc được với chi khu Đông Hà. Khi đội siêu tần số của quân đoàn trú đóng tại Cửa Việt tìm cách liên lạc được với đội truyền tin đang di tản của chi khu, thì được biết Đông Hà đã rơi vào tay địch trong đêm, lực lượng của chi khu đã rút về Quảng Trị. Địch có lẽ đã dùng trọng pháo của chi khu bắn về Cửa Việt.
Rạng sáng tiếng pháo địch và tiếng súng tấn công của bộ binh địch tạm ngừng. Ta bắt được 01 đặc công địch nằm cách hàng rào phòng thủ cuối cùng gần cổng chính chỉ vài mét. Tên đặc công này khai, cùng tên chỉ huy mang cấp bậc chuẩn úy chưa lọt được vào căn cứ thì tiếng súng tấn công nổ sớm hơn dự định. Gã chuẩn úy yêu cầu anh ta nằm lại để gã quay lại tuyến sau lấy thêm người. Súng bắn khiếp quá khiến anh ta không dám chạy, và bị bắt. Nếu cuộc tấn công diễn ra đúng theo dự tính của địch, tiền pháo hậu xung với đặc công mở mũi thọc sâu vào căn cứ tạo cảnh hỗn loạn và hoang mang cho quân trú phòng, thì tình hình sẽ rất khó khăn cho ta trong việc chống trả.
Buổi sáng ngày 28, Đ/úy Quắn chỉ huy đội quân báo của DĐ có tăng cường một số nhân viên tình nguyện được các chiến đỉnh đổ bộ lên chỗ bãi ủi cũ của Mỹ, tiến vào khu vực địch xuất hiện trong đêm để lục soát. Ta thu được hơn 40 ba lô cá nhân cùng quần áo, lương khô, thuốc men và một số súng cá nhân địch bỏ lại trên bãi chiến trường, tuy nhiên không phát hiện xác địch cùng dấu máu. Trung sĩ Nguyễn Văn Tây và Tr/sĩ Sáu Lửa thu lượm được nhiều chiến lợi phẩm nhất trong ngày này nên được Đại Tá TL/V1DH khen tặng và tưởng thưởng huy chương khi ông bay ra thị sát vào buổi trưa.
Theo đề nghị của các CHT tại chiến trường, BTL/VIDH đã đồng ý khi 2 LCM-8 chở đạn dược và một số lương khô tiếp tế sẽ đến căn cứ vào sáng sớm ngày 29; Chuyến về sẽ di tản toàn bộ gia đình và thân nhân các binh sĩ của cả ba đơn vị, đang sống tại trại gia binh về Thuận An. Mỗi đơn vị sẽ đề cử 1 sĩ quan và 1 hạ sĩ quan để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho họ. Các sĩ quan của Giang Đoàn khi nghe phổ biến công điện cùng cười phá lên và đồng thanh nói: “Thằng Hạt đương nhiên ưu tiên. Nó đang cầm giấy phép, ở đây giờ nào với tụi mình nó sẽ thêm lo giờ ấy.” Giữa chiến trường còn đang mịt mù lửa đạn, cái chết đang hiện ra trước mắt, người lính Cửa Việt lòng vẫn phơi phới thanh xuân, lời nói vẫn chan hòa tình chiến hữu khiến ai nghe cũng cảm thấy ấm lòng, và kẻ địch trước mặt dù có mạnh cũng chẳng có gì đáng sợ.
Buổi chiều ngày 28, địch lại bắt đầu pháo kích mạnh vào căn cứ và bộ binh vẫn tiếp tục bắn quấy rối mục đích tạo áp lực gây căng thẳng cho các binh sĩ. Các báo cáo từ căn cứ cho biết xe của địch di chuyển bên bờ Bắc trong đêm mở đèn sáng trưng dù hải pháo từ các chiến hạm Mỹ cũng như của Việt Nam vẫn liên tục tác xạ vào khu vực này. Dường như địch cố ý cho thấy chúng đang chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô vào căn cứ CửaViệt. Tuy nhiên, cho tới buổi sáng ngày 29 địch vẫn chưa đưa được bộ binh vào trận sau cuộc tấn công ngày 28 bị thất bại.
Cũng trong buổi sáng ngày 29, đơn vị quân báo của căn cứ lại được đổ bộ vào khu vực trước mặt căn cứ để thám sát tình hình. Lực lượng địch bám trụ tại đây đã tấn công toán thám sát gây tử thương cho Trung sĩ Tây, và Trung sĩ Sáu Lửa. Đ/úy Quắn bị một viên AK bắn ngay nón sắt, và chiếc nón sắt xoay tròn, viên đạn trượt ra ngoài để lại dấu móp trên nón. Khi đơn vị triệt thoái về Thuân An, anh vẫn giữ chiếc nón sắt như một kỷ vật khó quên trong cuộc đời người lính.
Toán thám sát bị tấn công và thiệt hại về nhân mạng, nhưng địch cũng không dám xuất hiện. Trên bãi chiến trường hoàn toàn trống trải, vì đang là một xạ trường thích hợp cho các dàn đại liên từ các chiến đỉnh và các vọng gác bắn yểm trợ cho toán thám sát đem các nhân viên tử thương rút lui.
Cuộc đụng độ cho thấy bộ binh địch đang tìm cách cầm chân chúng ta chờ tăng cường lực lượng và hướng tấn công chính vào căn cứ vẫn là từ hướng Đông, vì cho đến giờ phút này hướng Tây và hướng Nam căn cứ địch vẫn chưa có khả năng tập trung lực lượng, và hoàn toàn yên tĩnh.
Hướng tấn công của địch vào căn cứ không khác cuộc tấn công của Trung đoàn 95 biệt lập nổi tiếng Khu 5 của địch thời Pháp. Trung đoàn 95 biệt lập này đã đánh tan một Đại Đội quân đồn trú, chiếm được đồn, mở tiệc ăn mừng ngay trong đêm trên bãi trống này. Hai chiếc FOOM của căn cứ tăng phái cho Đông Hà nhận được tin căn cứ bị tấn công và tràn ngập nên quay trở về ứng cứu. Mùa Đông trên vùng Cửa Việt đã khiến trung đội nằm phục kích (để đánh chặn hai chiến đỉnh này tại đầu doi cù lao Dương Xuân, nơi tàu thuyền có thể trở về căn cứ bằng hai ngã) đã ngủ quên. Theo các lão binh Hải thuyền cùng người dân trong vùng thì nhờ thế hai chiến đỉnh này đã về được căn cứ, và gần như xóa sổ trung đoàn của địch ngay trên bãi chiến hiện nay. Mãi cho đến nay các thủy thủ của ta khi gác đêm trên vọng gác cổng chính lâu lâu vẫn nghe tiếng còi và tiếng hò reo của các hồn ma chiến trận ngày trước trong những đêm tối trời hay mưa gió, và các thủy thủ các ca gác trong đêm thường gác chung nhau cho đỡ sợ.
Tình hình hiện tại và kinh nghiệm quá khứ khiến địch đang chờ đợi giải quyết dứt điểm chiến trường Quảng Trị trước khi tiến đánh Cửa Việt. Tình hình chiến trận tại Quảng Trị những ngày này diễn biến rất nhanh. Sau khi bỏ Đông Hà toàn bộ lực lượng ta tập trung quanh và trong Quảng Trị. Ngày 30-4 căn cứ Ái Tử và các lực lượng bờ Bắc sông Thạch Hãn triệt thoái về Quảng Trị sau khi giật sập cầu Sắt, và cầu Ga bắc ngang sông. Ngày 1-5 không chỉ trong công điện của BTL/SĐ3 loan báo cho các đơn vị phối thuộc, mà ngay trên báo chí cũng đưa ra dự đoán địch có thể bắn vào thành phố Quảng Trị 10.000 quả đạn pháo binh và hỏa tiễn trong buổi chiều và tối ngày 1-5. Công điện của Sư đoàn cũng yêu cầu các đơn vị dời ra ngoài thành phố tránh pháo. Công điện này đã khiến một số đơn vị tự ý rút lui trong hoảng loạn. Tin buổi tối ngày 1-5 của đài BBC loan tin tướng Giai cùng một số cố vấn Mỹ dùng trực thăng thị sát mặt trận phía Nam tỉnh Quảng Trị thì tin buổi sáng ngày hôm sau của đài cho biết Tướng Giai tuyên bố rút bỏ Quảng Trị. Tướng Giai cùng các cố vấn Mỹ và một số sĩ quan thân cận được trưc thăng bốc về Đà Nẵng buổi trưa cùng ngày. Tin tức dồn dập khiến mọi người đều âu lo cho căn cứ Cửa Việt. Cho đến buổi chiều ngày 2-5, trên toàn vùng địa đầu giới tuyến chỉ còn lại căn cứ Cửa Việt là vẫn đứng vững chốn đầu sóng ngọn gió.
Buổi sáng ngày 3-5 phát ngôn viên đài Quân Đội giọng xúc động đưa tin: Trong cuộc họp của các tướng lãnh tại Tổng Tham Mưu sáng nay, các tướng lãnh đã đồng loạt đứng lên chào tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Hải Quân khi Đề Đốc Trần Văn Chơn thông báo: “Căn cứ Hải Quân Cửa Việt vẫn đứng vững trên tuyến đầu của Tổ Quốc”. Sự kiện này chỉ xảy ra hai lần trong Quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Một lần, khi cuộc hành quân giải toả An Lộc đã nằm trong tầm tay, các tướng lãnh cũng đứng lên chào binh chủng Nhẩy Dù khi Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, TLP/SĐ Dù, thông báo: “Thằng 6 (TĐ/6 Dù) đã bắt tay với thằng 8 (TĐ/8 Dù)”, và một lần đối với Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt.
Tại Căn cứ Cửa Việt từ ngày 30-4 đến ngày 2-5, các sĩ quan và binh lính đều ăn ngủ tại vị trí tác chiến chờ địch. Đèn xe vào ban đêm của địch hướng về phía bờ biển ngày càng nhiều hơn. Từ Đà Nẵng tới Cửa Việt chúng tôi đều biết rằng sau khi thanh toán xong các ổ kháng cự cuối cùng của ta tại Triêu Phong, chúng sẽ mở đường cho thiết giáp tiến về Cửa Việt thì cuộc tấn công sẽ lập tức diễn ra. Mấy ngày vừa qua thêm vài người bị thương nhẹ vì pháo địch. Th/úy Nguyễn Đại Diêu bị thương ngay của qúy. Mọi người tưởng đã không còn gì cho Diêu nữa, nhưng ngày 9-12 -2011 vừa qua, Thạnh và tôi được biết Diêu đã có một cháu. Qua bài này xin gởi lời chúc mừng đến bạn. Th/úy Côn sĩ quan căn cứ bị thương nhẹ.
Bốn giờ chiều ngày 3-5 khi các quân nhân đơn vị đang chuẩn bị bữa ăn chiều thì mọi người cùng hò reo nhìn chiếc Phantom F4 bay gầm rú trên bầu trời. Dấu hiệu có sự yểm trợ của máy bay Mỹ khiến mọi người đều phấn khởi. Nhưng đột nhiên chiếc phi cơ chuyển hướng bay, lao về phía căn cứ làm mọi người đều hốt hoảng nhẩy xuống giao thông hào. Th/u Côn bị thương chạy chậm chưa xuống kịp, Hạ sĩ Hoàng đã nhẩy lên để đẩy anh xuống. Đúng lúc này trái bom từ chiếc Phantom thả ngay hàng rào phòng thủ căn cứ phía trại gia binh, phát lên tiếng nổ dữ dội. Một mảnh trái bom oan nghiệt đã cắt đứt đầu Hạ sĩ Hoàng. Hoàng trở thành người lính thứ tư, và cũng là người lính cuối cùng hy sinh tại Cửa Việt. Cái tên cúng cơm mang số Bốn của Hoàng phải chăng là định mạng, và tiếc thay mọi người đã không tìm thấy đầu của Hoàng.
Trái bom cuốn sạch đến 90% hệ thống hàng rào phòng thủ, CHT Hào mô tả tôn của trại gia binh bay như giấy thả truyền đơn. Diễn biến này thực không thể ngờ đươc, và được báo cáo ngay về TTHQ/Vùng. Việc phục hồi hoặc tái thiết trí lại hệ thống phòng thủ là việc không thể thực hiện trong lúc này. Tình hình trở nên nguy hiểm cho lực lượng tại Cửa Việt nếu không kịp di tản. Quyết định rút lui khỏi Cửa Việt lập tức được thi hành vào buổi tối cùng ngày. Tất cả quân nhân của ba đơn vị đều tuần tự lên các chiến đỉnh của Giang/Duyên Đoàn và ra khỏi cửa khi trời chưa sáng. Tr/u Minh, K17, cho biết, ngay cả chiếc LCM bị pháo hư vô lăng của trung sĩ Đời cũng được nhân viên Giang Đoàn dùng mỏ lết lớn kẹp vào trục bánh lái kéo về tới Thuận An. Điều này cho thấy cuộc rút đã diễn ra thật hoàn hảo, dù rằng cũng theo Tr/u Minh, trước khi người lính cuối cùng rời khỏi căn cứ thì nhiệm vụ của toán EOD sẽ cho nổ kho đạn, nhưng lúc ấy đã không tìm được các nhân viên này.
Nói về trật tự được duy trì trong lúc di tản của những người lính ở Cửa Việt đều cho rằng anh Hào đã dùng khẩu Colt 45 bắn cụt ngón tay trái của mình để lính tráng giữ trật tự khi di tản. Tôn Long Thạnh hỏi. Anh cười và nói với chúng tôi: “Tôi nói sự thật là tôi bị cướp cò súng, nhưng không ai tin cả!”
Ngày chúng ta di tản khỏi căn cứ Cửa Việt là ngày 4-5-72, cũng chính là ngày tướng Ngô Quang Trưởng được chỉ định thay tướng Hoàng Xuân Lãm làm TL/V1CT. Sau khi vãn hồi tình hình an ninh tại Huế, có lẽ để nâng dậy tinh thần binh sĩ ông quyết định tặng thưởng huy chương và thăng cấp cho một số sĩ quan và binh sĩ của các quân binh chủng trong các trận đánh vừa qua. Vì việc thăng cấp mang tính cách đặc cách tại mặt trận nên nếu được đề nghị, đương sự sẽ được thăng một cấp đối với cấp bâc cũ dù ở bất cứ cấp bậc nào. Thí dụ nếu đang mang cấp Đại Tá thì sẽ lên Tướng v v… Về sĩ quan Hải Quân/VIDH được đề cử 2 người. Trung Tá Xuân lên Đại Tá. Riêng CHT/DĐ11 Nguyễn Văn Hào không chịu nhận lon Thiếu Tá với lý do: “Tôi thất trận làm hao quân tổn tướng, bỏ chạy nên không xứng đáng nhận danh dự ấy”… Nói như thế thì cũng khó bắt bẻ thật, BTL/HQ/VIDH đành phải xin với Quân Đoàn được gắn lon Thiếu Tá cho đương sự tại đơn vị mình vì những lý do bất khả kháng. Chúng tôi hỏi: Cuối cùng việc đựợc giải quyết ra sao? Anh nói: “Đ/u Nẫm (Mai Quang Nẫm, trưởng phòng 1/V1DH) gặp riêng, và khuyên tôi nên nhận. Tôi đồng ý với điều kiện cho tôi thuyên chuyển khỏi vùng 1. Ông Nẫm nói cứ nhận đi rồi sẽ có lệnh thuyên chuyển. Tôi yêu cầu có lệnh thuyên chuyển trước nhận lon sau.” Anh dứt khoát như thế là phải vì có chuyện này rồi, còn ở lại Vùng 1 anh sẽ vướng rất nhiều khó khăn khi làm việc. Tôi còn nghĩ, anh được dễ dãi trong việc này có lẽ phần nào trong thâm tâm Đại Tá Thoại cũng có cảm tình với thái độ của anh theo cảm nhận và ức đoán của riêng tôi qua các sự kiện diễn ra lúc ấy.
Sau khi nhận lon, Thiếu tá Hào được chỉ định làm CHT Giang Đoàn 52 Tuần Thám đóng tại Năm Căn nơi đầu trời cuối đất thứ hai sau Cửa Việt.
Trở lại với những sự kiện cuối cùng của cuộc di tản khỏi Cửa Việt là việc đưa xác Hạ sĩ Hoàng về nhà mẹ ở Đà nẵng để chôn cất. Hạ sĩ Hoàng tử nạn làm tôi thực sự sững sờ. Hoàng phụ giúp Tôn Long Thạnh làm giấy tờ ngay từ những ngày đầu khi thành lập căn cứ, nên tôi thỉnh thoảng cũng cùng thầy trò Thạnh ăn chung, khi thì mì gói hay các đồ ăn nhờ Hoàng đi mua từ các quán của chị em gia đình binh sĩ trong trại gia binh, mà các sĩ quan xuống đó không tiện. Hoàng người xã Mỹ Khê, có bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng của Đà Nẵng. Khi Hoàng được 2-3 tuổi thì cha tập kết ra Bắc. Vài năm sau mẹ đi lấy chồng và Hoàng có thêm một em gái. Khi Hoàng chết, cô em gái mới tròn 15 tuổi. Hoàng đã có lần thoát chết một cách cực kỳ lạ lùng trong tai nạn nổ khối T4 trên tay người bạn, khi cậu này tinh nghịch cầm trái T4 rút kíp, đếm giây chờ gần nổ mới quăng xuống nước. Hoàng đứng ngay sau lưng anh bạn này. Bạn của Hoàng bị hơi nổ xé nát phần da mặt, da bụng phía trước, cụt cánh tay phải. Trực thăng tải thương đưa về bệnh viện nhưng không cứu được, riêng Hoàng áo quần hai bên hông đều rách nát nhưng không bị vết thương nào. Tôi cứ nghĩ khi Hoàng thoát được tai nạn ghê gớm như thế thì phải có cái số lớn lắm. Hóa ra Hoàng thoát được cuộc đùa chơi với súng đạn, nhưng đã không thoát khỏi trò chơi của chiến tranh, cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thạnh và tôi đều đi đưa tang Hạ sĩ Hoàng vì những liên hệ tình cảm lúc còn ở Cửa Việt. Câu chuyện về cuộc đời Hạ sĩ Hoàng cùng những người lính Hải Quân cuối cùng chết tại trận chiến mà tôi cố gắng ghi trong bài thơ sau đây để có thể coi như lời kết luận cho câu chuyện của tôi. Dĩ nhiên từ một góc nhìn mang đầy tính chủ quan, bài viết hẳn có nhiều thiếu sót và có thể cũng không hợp với cảm quan của nhiều người thì cũng xin tha cho cái tội “Lấy ống dòm trời, lấy ngao lường bể.” Mong lắm thay!!!

NHỮNG GIỌT MƯA TAN

Xe tang đi giữa buổi chiều buồn
Nắng mùa Xuân úa cuối ngàn dương
Hắt hiu cồn cát hồn dâu bể
Hun hút sầu lên - gió ngập đường

Bên những nỗi buồn rầu ta yên lặng
Nghe chuyện đời ngươi lắm nỗi gian nan
Cha một tối mù sương đi biền biệt
Có khi nào nhớ tới chuyện chia tan

Rồi người mẹ cánh hoa sầu héo hắt
Cũng tươi dần khi năm tháng trôi
Xuôi nhánh lạ để quên người xa tắp
Bến mơ nào lau nốt giọt tình chia

Khi mẹ đi ngươi mới tròn năm tuổi
Đôi chân còn chập chững bước chim non
Ngươi lớn lên bằng tình thương họ nội
Với hàng cây xanh lá ủ quê hương

Kịp đến khi cha xuôi quân Nam tiến
Ngươi cũng tròn tuổi lớn lên đường
Hai cha con đối đầu hai trận tuyến
Nhưng cũng cùng mang nghĩa giữ quê hương

Tình ruột thịt cháy theo từng trận pháo
Sông tình con héo quắt trận mưa bom
Vết thù hận trên quê nghèo ứa máu
Chưa một lần kịp mọc da non

Và trận chiến mỗi ngày thêm tồi tệ
Loài chim rừng cũng hót khúc bi thương
Nào còn lại những gì trên đất hứa
Với từng ngày bom đạn phá tan hoang.
Và một buổi cuối Xuân hồng rực nắng
Tin xôn xao từ Cửa Việt bay về
Ngươi đã chết trước giờ quân di tản
Cánh chim buồn theo gió đã bay đi

Đứa em gái quấn lên đầu vội vã
Mảnh khăn sầu cho trọn kiếp lênh đênh
Đường về thôn gió chiều lên buốt giá
Đưa anh về tiếng bước đã mù tênh

Khi trở lại ngôi nhà thân yêu cũ
Xe tang dừng bên khóm lá cổng ngoài (*)
Một lễ nhỏ báo ngươi về cố xứ
Tiếng khóc oà vang vọng ánh chiều rơi

Xe lại đi mang ngươi về vĩnh viễn
Nơi đáy mồ ngươi ngủ đến thiên thu
Thôi ngươi nhé! Ngủ yên đi nhé
Cố quên đi trận chiến oan thù

Rồi nếu một lần hiện hồn về cõi thế
Và hồn con người quả thật anh linh
Xin hãy đến thăm em ngươi với nhé
Hai anh em giờ còn lại riêng mình.

Thôi vĩnh biệt! Ta chào ngươi ở lại
Có khổ đau thì cũng số phận mình
Chỉ đáng trách ông trời xui khiến mãi
Cho dân mình ham thích chuyện đao binh

Khi trở lại xe tang đi biền biệt
Nấm mồ ngươi mai kín bụi thời gian
Ta đã thấy mùa xuân chừng đang tắt
Với nỗi buồn của những giọt mưa tan.


Đà Nẵng 06-5-1972


Nguyễn Đình Hoàng


Chú Thích: (*) Theo phong tục Việt Nam, người chết ngoài đường quan tài không được đưa vào trong nhà.
Tài liệu tham khảo:
1- Binh chủng Nhẩy Dù 20 năm chiến trận của Võ Trung Tín, Đ/úy TĐ/TT/ Dù, và Nguyễn Hữu Viên, TĐ/3 Dù.
2- Bernard B. Fall Biography
3- Những chi tiết về trận Cửa Việt dựa theo lời kể của Th/tá Nguyễn Văn Hào, CHT/DĐ 11, và Tr/úy Minh, Trưởng ban 3 HQ/GĐ 92 TL.
Sinh Tồn chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm