Truyện Ngắn & Phóng Sự

ĐỜI LÍNH THỦY *

Cầm tờ công điện thuyên-chuyển về Hải-Đội 5 Duyên-Phòng, một thoáng nghĩ-ngợi, suy tư. Đời lính thủy hết biển vào sông, nay lại ra biển vào sông, trong lúc Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chặn

Kính tặng Gia Đình và tưởng nhớ đến Mợ, em Bình.
Thân tặng Hải Sư 17.

Nguyễn Trần Lê

Cầm tờ công điện thuyên-chuyển về Hải-Đội 5 Duyên-Phòng, một thoáng nghĩ-ngợi, suy tư. Đời lính thủy hết biển vào sông, nay lại ra biển vào sông, trong lúc Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chặn đang chuẩn bị hành-quân phối hơp cùng Giang-Đoàn 59 Tuần-Thám và Tiểu-Khu Châu-Đốc.

Trình công-điện lên Chỉ Huy Trưởng GĐ 42 NC, ông nói:

“Mừng tôi thoát khỏi vùng giởi tuyến Việt- Miên”, bắt tay và chúc tôi về đơn vị mới thành công. Đồng thời ông ra lệnh bàn giao hành quân cho Thiếu Úy Sơn, cùng làm Sự Vụ Lệnh nghỉ phép một tuần trước khi đáo nhậm đơn vị mới.

Trình diện Hải Quân Đại Úy Phạm Văn Ty, trưởng toán huấn luyện/Phân Đội 1/HĐ 5 DP tại Cát Lở, Vũng Tầu, nay đang tạm trú và thực tập với các PCF của Hải Quân Hoa Kỳ trong chương trình ACTOV, chuyến giao các chiến hạm, chiến đỉnh cho Hải Quân Viêt Nam Cộng Hòa. Tôi đã có ngay một lịch trình huấn luyện trong 3 tháng trên các PCF, sau đó sẽ nhận lãnh ngay tại Cát Lở.

Đời lính chưa được bao năm, hồi tưởng đến những ngày tháng xa xưa, những hình ảnh của Hà Nội, Hồ Guơm, Hồ Ha-le, những mùa hè về thăm quê cũ Hải Dương, Nam Định mà lòng còn bồi hồi, luyến nhớ. Lần đầu tiên bước chân lên chiếc máy bay DC3 của Hàng Không Việt Nam từ Hà Nội vào Sài Gòn, trước khi đất nước chia đôi, ngồi trong lòng máy bay nhìn qua cửa sổ, tâm trí miên man sung sướng, cuộc đời nay như đã thay đổi trôi nổi”.

Sinh ra ở miền Bắc và lớn lên trưởng thành ở miền Nam, cuộc đời cứ thế trôi, dưới vòng tay âu yếm chăm sóc của cha mẹ. Đời có lo nghĩ gì, cứ thế ăn, học và chơi. Rồi những ngày tháng trẻ dại qua dần, bước vào ngưỡng cửa Đại Học tôi đã được cha mẹ cho ghi danh học khóa 1 Chính Trị Kinh Doanh của Đại Học Dalạt. Tưởng thế đã xong, hy vọng ra trường cũng sẽ có ngày tươi đẹp. Mải mê với những hoạt động Thanh Niên Thiên Chí nay Dalat, mai Vũng Tầu, mốt Mỹ Tho, tôi đã sao lãng đi nhiệm vụ học tập mà cha mẹ đã gầy dựng cho tôi.

Tình hình đất nước ngày một sôi động, lệnh Tổng Động Viên ban hành, đã có những người bạn dứt áo học trò khóac áo chiến binh, cố gắng học thêm một năm, nhưng tới hạn tuổi, không thể nào hoãn dịch được nữa, trường Bộ binh Thủ Đức gọi trình diện, biết tránh không khỏi quãng đường chiến binh, nộp đơn thi vào khóa 17 Sĩ Quan Hải Quân. Quả thật gay go, hơn 1000 người khắp 4 Vùng chiến thuật để dự tranh 136 chỗ. May mắn sao mà tôi lại lọt vào vòng đầu. Thôi thế là thoát kiếp Bộ Binh Thủ Đức. Sau kết quả thi Văn Hóa, trở vào Bệnh Viên Hải Quân để khám sức khỏe, rồi điều tra an ninh, lãnh quân trang… Hết tất cả thủ tục cũng gần 4 tháng, nhập trại Bạch Đằng 2, Saigon để chờ tầu chuẩn bị nhập khóa học 2 năm tại Trung Tâm Huấn Luyên Hải Quân Nha Trang.

Mặc bộ đồ kaki vàng, đầu đội nón kết, tóc hớt ngắn, trông như một anh ngố. Cả nhà cười rộ lên khi tôi mặc bộ quân phục, không lon lá, không cầu vai, chỉ trừ một bảng tên… Bố mẹ tôi cũng rưng rưng nước mắt, vì biết rằng cuộc đời tôi nay đã đổi chiều ‘thân trai nam nhi chi chí, đất nước cần thanh niên có.’ Lòng tôi thì háo hức. Nhưng đâu biết rằng Bố Mẹ tôi cũng đã buồn không ít, vì với những kinh nghiệm của một Sĩ Quan thâm niên trong quân ngũ, nên ông đã biết rõ đời lính là như thế nào. Biết sao bây giờ? Tình hình sôi động. Đất nước đã bước vào cuộc chiến. Dầu sao thì Hải Quân cuộc sống cũng khá ổn định hơn những binh chủng khác như Bộ Binh, Biệt Động Quân… và ít ra vẫn có một cái nghề sau này nếu như được giải ngũ.

Duong Van Ham Da Nang HQ.501 .jpg
Trên boong Dương Vận Hạm Đà Nẵng HQ501, gần 100 anh em vui vẻ đùa giỡn, những câu chuyện của những ngày học trò, những cuộc tình đầu, những hẹn hò, những cuộc vui chơi, nay chỉ còn thoang thoảng, cảnh trời nước mênh mông, con tầu cứ lầm lũi đi, đám thanh niên đầy nhiệt huyết đang say sưa vói những kỷ niệm, với những vật vã của sóng nước, đâu đó kẻ đứng người nằm trải dài trên boong chiến hạm. Tới được bãi ủi trước Quân Trường thì mặt trời cũng đã lên cao, nhân viên chiến hạm vào nhiệm sở vận chuyển, trong khi các anh lính mới tò te, mặt mũi còn phờ phạc sau 2 đêm hải hành, nhưng vẫn phải balô chuẩn bị cho một cuôc lên bờ chưa biết như thế nào?

Bước khỏi cửa đổ bộ của DVH, vai khiêng balô, khóa đàn anh đã đứng chờ sẵn trên bãi cát, anh em sắp hàng theo lệnh của Sinh Viên Cán Bộ. Những tiếng nghiêm nghỉ dõng dạc, đàn anh thăm hỏi tận tình, thấy thật vui vẻ, rồi hàng hai bước đều theo sự hướng dẫn của các Sinh Viên Cán Bộ.

Qua khỏi cổng quân trường là cột cờ chính sừng sững, lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong gió, tôi lấy sức hít một hơi thở thật dài để che dấu cái bỡ ngỡ của buổi ban đầu. Xếp hàng trên sân thao diễn trường, các Sinh Viên Cán Bộ đàn anh dàn chào trước mặt, những lời huấn thị của các SVCB còn oang oang:

Trước mặt các anh là biển cả mênh mông,
Sau lưng là núi đồi trùng điệp, ,
Các anh đã lấy biển làm nhà, lấy tầu làm bạn
Lấy mầu nước biển làm mầu mắt người yêu….”

Đang loáng thoáng nghe những lời của các SVCB, một lệnh dõng dạc:

“Balô lên vai đàng trước bước”.

Lại một màn thử sức, vai mang balô, chúng tôi làm một cuộc chạy vòng quanh quân trường, ôi những chàng thanh niên sức trói gà không chặt đang ngả nghiêng theo nhịp chạy, có những chàng vừa chạy vừa ói mửa, rên la, nước mắt mồ hôi nhễ nhại, muốn gập người xuống nhưng vẫn phải cố gắng lết theo anh em, SVSQ Cán Bộ chạy song song với những tiếng hô dõng dạc, vào tới khu vực sinh họat của SVSQ, hầu hết các SVSQ khóa đàn anh đang đứng sẵn chờ đón chúng tôi.

Những ly nước tiếp tế sau màn chạy việt dã, những luật lệ đã được các đàn anh thông báo một cách cặn kẽ. Sau khi được đọc tên và chỉ định khu vực ăn ở, chúng tôi chuẩn bị cho buổi cơm đầu tiên ở quân trường. Buổi tối lại được tập họp lên giảng đường nghe hiệu lệnh.

Một tháng huấn nhục, 30 ngày làm nòng nọc, những ngày đầu đời của nghề lính biển, ngày ngày phải lên giảng đường học về những lý thuyết căn bản đời sống của một quân nhân, ngoài ra còn thêm những buổi học về cơ bản thao diển…, nhưng có lẽ mệt nhất và khó quên là những buổi huấn nhục truyền thống cốt để anh em làm quen với đời sống mới và tâp chiu đựng, tâp tính kiên nhẫn, thi hành mệnh lệnh; nào thì lái xe la mã, lăn thùng phi, nhất dương chỉ, đá dế, trăng lên hoa nở, đàn anh bắt ăn những trái ớt cay xé lưỡi nhưng vẫn phải khen ngon ngot, ngậm những chiếc bí tất hôi hám nhưng vẫn phải vui vẻ, tươi cười, đang mệt thở không ra hơi lệnh phải uống cho hết ly nước muối, nhắm mắt uống cạn nhưng đó cũng chỉ là ly nước đường lấy sức ,chống đối thì lại được đi tầu ngầm, quá mệt thì được ngồi đếm lá me. Trong khi trời nắng chang chang của mùa hè thì đàn anh lại bắt chúng tôi mặc hết tất cả quần áo trong vòng 10 phút. Lúng túng, vất vả mãi vẫn không xong, nghe tiếng còi là phải ra tập họp ngay, không thì lại bị phạt bằng những màn hít đất. Quả thật tôi chưa bao giờ lai thấy có những trò chơi ngược đời, khôi hài như vậy trong đời…. Mỗi đêm nhìn lên báng đen con số cứ được đánh từ 1/30 rồi 2/30…. cứ thế ngày lại ngày, sức con người dường như đã chịu được thách đố. Nhưng cũng buồn thay một người bạn đã ra đi trong những ngày đầu của đời lính, và một đã phải xuất ngũ vì không chịu nổi cái luật lệ khắt khe, đời sống khuôn phép của quân trường.

Thời kỳ huấn nhục, giai đoạn một cũng qua đi để rồi chúng tôi làm lễ đứt đuôi con nòng nọc và trở thành Sinh Viên Sĩ Quan Tầu Ngầm, với cặp bát đen trên vai, nhưng trông vẫn có oai hơn một tí. Buổi lễ ‘Bố Con” đươc tổ chức và mỗi tân SVSQ đàn em đươc một SVSQ đàn anh nhận làm Bố, cốt để theo dõi và giúp đỡ đàn em trong thời gian học. Lúc đó Bố con thật thân mật và chúng tôi đã được hưởng, lần đầu tiên từ ngày nhâp khóa bằng những món ăn thật đơn giản caphe sữa đá, thuốc lá Pall Mall, bánh mì patê Chụt nổi tiếng của Nha Trang.

Ngô nghê giữa lòng phố Độc Lập, Nha Trang, các cô nữ sinh trông thấy chúng tôi cười mỉm chi, vì biêt đây chỉ là những anh lính mới tò te. Ngày đầu tiên đi bờ sau một tháng huấn nhục, lòng chúng tôi như mở hội, đi dọc suốt phố phường Nha Trang, vòng xuống bãi biển, chiều tối trước khi hết hạn đi bờ cũng không quên ghé vào Chụt làm một ổ bánh mì thịt.

Toán, Hàng hải thiên văn, điện kỹ nghệ, vân chuyển chiến thuật, cờ đèn, nghệ thuật chỉ huy, xã giao Hải Quân, vũ khí, Anh ngữ… cơ bản thao diễn….bên cạnh những buổi tập Thái Cực Đạo đổ mồ hôi bầm tím thân thể, những buổi sáng giá lạnh vùng vẫy với sóng biển qua chương trình đặc biệt để lấy bằng bơi lội, những môn hoc tới tấp, ngày lên giảng đường, chiều tối sau cơm chiều cũng phải tập họp lên giảng đường ôn bài. Để sáu tháng sau lại một màn thi cử lên giai đoạn hai của chương trình hai năm.

Năm thứ nhất qua đi, khóa đàn anh mãn khóa, quân trường rợp cờ xí, quan chức, thân nhân tham dự ngồi chật khán đài, Sinh viên Sĩ quan, Tân binh, quân nhân các cấp, ngay hàng thẳng lối, những tân sĩ quan trong bộ đại lễ trắng nghiêm chỉnh xắp hàng chờ hiệu lệnh. Bước theo điêu nhạc quân hành. Toán quân quốc kỳ dẫn đầu khóa đàn anh đã vào vị trí hành lễ, với những lễ nghi trang nghiêm quân cách, lời nhắn nhủ hùng hồn của vi TổngTư Lệnh QLVNCH còn âm vang, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn lon Thiếu Úy cho Sĩ Quan Thủ Khoa, lời thề của các Tân Sĩ Quan vẫn còn vang trong gió, và các Tân Thiếu úy đã sẵn sàng ra khơi, đáp lời sông núi.

Bao người con trai kiêu hùng cùng nhau tách bến,
Ra khơi mênh mông sóng to gió mưa không sờn…..
Ta là chiến sĩ của trùng dương muôn sức sống
Đêm thân nam nhi giữ vững cõi bờ Việt Nam…

Để rồi hơn tháng sau, mầu áo chưa đủ phong sương, HQ Thiếu Úy Võ Hương đã vĩnh viễn ra đi khi Giang Pháo Ham bị phục kich bằng những quả đạn pháo B 57 trong lúc tuần tiễu trên giòng sông Cổ Chiên , Bến Tre.

Hai tuần phép ở Saigòn quả thật thần tiên, chững chạc trong bộ Tiểu lễ vai óng ánh với cặp lon SVSQ Chuẩn Úy, tôi như là một người mới, vui chơi với bạn bè, gia đình, caphê quán xá khắp Saigòn, hơn một tuần trôi qua, Tổng công kích Mậu Thân, Công Sản đã tỏa những cuộc tấn công, đột kích các căn cứ quân sự và bắn phá bừa bãi vào khu vực dân chúng, lệnh tập họp vào trại Bạch Đằng 2 để ứng chiến, chúng tôi đã phải tiếp ứng cùng các anh em Hải Quân cơ hữu. Những cuộc tảo thanh quy mô, vòng vây xiết chặt VC đã thất bại trong cuộc tổng công kích Mậu Thân. Để rổi chúng tôi phải trở lại Quân trường tiếp tục thụ huấn, miệt mài với bài vở, thi cử, và tiếp đón khóa đàn em.

Về lại Sàigon 10 ngày tham dự diễn hành Quốc Khánh cùng với các quân binh chủng, cầm chắc lá quốc kỳ, theo nhịp bước quân hành mà lòng tôi thấy hãnh diện. Và rồi những buổi di hành vai đeo balo, súng Garant cầm tay, những chuyến thực tập hành quân đổ bộ với các ghe duyên đoàn, huấn luyện hải hành trên Huấn Luyện Hạm xuôi dọc theo bờ biển, hải đảo miền trung, mồ hôi, sóng gió, con tầu đã làm tôi quen dần với đời lính thủy. Hai năm miệt mài, học hành thi cử, rồi cũng tới ngày mãn khóa, một chu kỳ mới bắt đầu.

May mắn tôi đã được chọn đi thực tập trên chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội.
Chuyến phi cơ của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ Tân Sân Nhất đáp xuống phi trường Clark PhiLuật Tân khi nắng vừa tắt, chuyến xe Buýt đưa chúng tôi về căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ ỏ Subic thì cũng đã quá nửa đêm. Buổi sáng cảnh trí Subic Bay thật tuyệt vời, đứng nhìn toàn vịnh trên đồi cao, trước mặt là biển xanh quanh đó là những hải đảo với những hàng dừa cao vút, hải cảng đầy tầu bè, cảng Subic như là một thành phố nhỏ, có đầy đủ tất cả các phương tiện sinh hoạt, ăn uống, giải trí, thể thao, thương xá, các công viên rợp mát như một biểu tượng Made in USA.

https://i2.wp.com/www.navsource.org/archives/05/pix2/0578135.jpg
Trong thời gian nằm chờ Khu Truc Hạm DD 781 và các chiến hạm khác trở về Subic sửa chữa, nghỉ bến, chúng tôi đã làm một vòng thăm Subic, Olongapo, với những đêm nghiêng ngửa dưới ánh đèn mầu và San Miguel cùng quấn quit bên các nàng vũ nữ gợi tình nóng bỏng, rồi cùng nhau đáp chuyến xe Buyt đi thăm thủ đô Manila, thành phổ nhộn nhịp, huyên náo, những chiếc Jeepney mầu mè xanh đỏ xuôi dọc, ghé qua những lâu đài, nhà thờ cổ kính, kiến trúc đượm nét Tây ban Nha, dọc phố phường những nàng kiều nữ Phi da ngăm đen mượt mà đang líu lo Tagalog.

Xuống trình diên Hạm Trưởng tôi đã có ngay công việc. Bỡ ngỡ với những sinh hoạt trên chiến ham, với mớ sinh ngữ hạn chế tôi đã phải vất vả để theo kịp đời sống trên tầu. Chuyến hải hành đầu tiên như đã có vẻ thuận lợi. Ra khơi trực chỉ biển Đông để cùng các chiến hạm khác của Đệ Thất hạm đội đang làm nhiệm vụ tuần tra biển Đông từ khu vực Trung Hoa tới Phi Luật Tân.

Những chiếc ghe đánh cá quen thuộc lờ mờ ở trước mắt, hàng dương cát trắng, mùi biển mặn, tầu đang trong vùng biển Việt Nam. Ngày cũng như đêm, lên phiên rồi lại xuống phiên, nếu không thì cũng có những công việc khác để làm, theo dõi những công việc trong CIC, trung tâm chiến báo, quan sát Helo lên xuống tiếp tế thư từ, vật dụng cần thiết cho chiến hạm, hoặc được chỉ dẫn xử dụng và điều khiển những dàn phóng Torpedo, Hedge Hog, pháo tháp tác xạ bằng Radar. Quan sát các chiến hạm hải hành tập đội, tiếp tế ngoài khơi, chuyển người vật dụng bằng hight line giữa biển khơi… Bốn Khu Trục Hạm, một tầu ngầm hải hành tập đội hộ tống Hàng không mẫu hạm, trong lúc những chiếc phản lực cơ rầm rộ cất, hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm, công việc hầu như không lúc nào ngưng nghỉ, cuộc chiến đang vào giai đoạn gay go, quân đội Mỹ đã bắt đầu tham dự vào cuộc chiến ở Việt Nam. Hơn hai tháng trời ròng rã ngoài khơi, lên xuống, bất chấp mọi thời tiết, con tầu như đã mệt mỏi. Được lệnh trực chỉ Yokosuka, Nhật bản, thủy thủ đòan reo mừng, ngày nghỉ đã tới.

Đường vào vịnh mờ nhạt, sương mù dầy đặc, con tầu chầm chậm lướt, radar hoạt động liên tục, thỉnh thoảng những hồi còi dài lại vang lên… Trời mùa Đông xứ Phù Tang sao thấy buồn và ảm đạm. Những cơn gió buốt lạnh mà tôi không quen nó như vuốt vào mặt. Mây trời xám xịt mưa lất phất, đường phố lạ người lạ tên, nghĩ đến những tháng ngày xưa lang thang Hồ Xuân Hương, Caphê Tùng, Đồi cù, Đalạt ….

Chiến hạm vào ụ sủa chữa phần dưới lườn tầu, chúng tôi được phép đi chơi thăm thành phố cảng Yoko, nơi tầu bè ra vào nghỉ bến sửa chữa. Lại được thăm một xứ sở mới, người Nhật với tinh cần cù nhẫn nại và một tinh thần dân tộc cao độ đã làm cho chúng tôi không khỏi khâm phục, hàng quán đầy dẫy, trong các thương xá nhân viên mặc đồng phục tiếp khách lễ độ, vui vẻ, cho nên dù không thích mua sắm mọi người ra về cũng có một chút cầm tay. Khu giải trí không xa, nằm riêng biệt với khu thương mại, những tấm bảng chào mừng USS 781, USS Midway, DD 790… giăng ngang dọc phố. Những quán rượu đèn mầu mờ ảo, nhạc nhộn nhịp, những nàng Geisha tươi cười tình tứ, vui chào đón khách, bình rượu sake hâm nóng đang chờ đón những chàng thủy thủ thiếu hơi nồng.

Lên thăm một chiến hạm Nhật tôi đã được ăn một bữa cơm thuần túy Nhật với súp Miso, cơm, rong biển, cá… vòng quanh thăm chiến ham, không nhiều vũ khí, đời sống của họ thật tươm tất, ngăn nắp. Đáp xe lửa lên Ginza Tokyo khi thành phố đã lên đèn, cái nhộn nhịp nó như đập vào ngay mắt tôi, hàng hàng, lớp lớp, người cùng xe cộ lũ lượt, đường xá như không có chỗ chen chân, nhà ga thành phố xe lửa đầy nghẹt người, họ im lặng lên xuống nhanh chóng lẹ làng, quy củ, các chuyến xe chạy đúng giờ, mặc dù hành khách vẫn xắp hàng dài. Thành phố như không có ngày đêm. Đèn mầu lấp lánh, các building ngất ngưởng, Hotel sang trọng, khu thương xá nhiều tầng đày hàng hóa đủ loại, quán xá tiệm ăn nghẹt người đang xì xụp Sukiyaki, các Bar, quán rượu vũ trường, những cô gái hờ hững, mát mẻ trong những kiếu áo quần nửa kín nửa hở đang uốn éo trong cứa sổ kiếng mời chào. Cái náo nhiệt, và sôi động như đã thúc đẩy nhịp độ sinh hoạt của cả nước. Mặt trái của xứ sở Phù Tang sau lưng vẫn im lặng với những công viên rợp mát, thanh thoát, trau chuốt, các đền đài, lăng tẩm, chùa chiền cổ kính đày mầu sắc văn hóa. Hoàng cung uy nghi và lặng lẽ đứng riêng lẻ trên đồi cao như đang dang tay và vươn mình che chở cho con dân xứ Mặt trời mọc.

Để sau 3 tuần, đáp chuyến máy bay từ phi trường Tachikawa trở lại Việt Nam vào nửa đêm, lòng vẫn còn như luyến tiếc một cuộc thăm viếng quá ngắn ngủi, chưa thỏa lòng người.

Cái nóng của Sàigòn vào dịp Noel đã làm tôi ngột ngạt hết mấy ngày vì thay đổi khí hậu. Nhưng cũng chỉ vừa đủ để tôi có thể lấy lại tinh thần chuẩn bị đáo nhậm nhiêm vụ trên HQ 615 thuộc Hạm đội tuần duyên.

tuan-duyen-ham-tay-sa-hq-615

Chuyến hải hành đầu tiên, Vùng 4 duyên hải Phú Quốc. Quần áo tiểu lễ sạch trắng đứng dọc chiến hạm dàn chào khi ngang Bộ Tư Lệnh Hải Quân, qua khỏi Nhà Bè chúng tôi đã phải vào ngay nhiệm sở tác chiến cho suốt chặng đường tới cửa Soài Rạp. Ra khơi lòng chập chùng, mùa gió bấc con tầu nhấp nhô ngang ngửa, bụng dạ đã thấy khác thường, xa biển cả chỉ mới hơn tháng, sức lực đã thấy thay đổi, có ra khơi mới thấy sóng nước, cái chịu đựng cũng chẳng dài được bao lâu, tôi đã làm một màn cho cá ăn chè….Ô la la..

Ôi biển cả giờ đây ta mới biết’
Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta ??

Nhưng có lẽ nào như vậy, đang đương phiên nên dù có ói ra mật xanh mật vàng cũng phải âm thầm chịu đựng. Bốn tiếng chịu trận trên đài chỉ huy rồi cũng qua đi, cho tới khi con tầu đổi hướng xuôi Nam, độ lắc như đã dịu lại. Để Côn Sơn bên phải, con tầu vẫn gầm gừ lướt sóng. Trình diện Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên Hải, chúng tôi tiếp tuc hải trình tuần tra vùng Phú Quốc- Côn Sơn. Ngày lại ngày, đêm qua đêm, mọi người vẫn tiếp tục công việc. Không đi phiên hải hành thì ban ngày vẫn phải tu bổ con tầu, giấy tờ… hoặc làm nhiệm vụ tải thương, tải xác người bạn đồng khóa đã bị sóng biển dập vùi ngoài khơi Tamasou…, kiểm soát bất thường ghe cộ qua lại trong vùng gần bờ, hay giúp đỡ ghe đánh cá bị nạn… và có những buổi đi bờ nghỉ bến tại một hải đảo nào đó trong vùng tuần tiểu cũng làm cho chúng tôi thảnh thơi hơn được đôi chút, lặn ngụp với sóng nước hải đảo, lên bờ có những bóng xanh, bóng hồng dù không bằng thành thị, nhưng nó vẫn có những nét đẹp mộc mạc, mặn nồng, nóng bỏng hoặc là những bữa nhậu”dzô dzô 100% “ không nhớ đường về.

– Tango Lima’ đây Alpha Bravo’’ nghe rõ trả lời’

Tiếng kêu trên máy truyền tin làm tôi lưu ý, đang đứng ngoài boong quan sát, tôi vôi bốc máy lên nghe;

– Yêu cầu Tango Lima tơi diểm…..X Y….. để theo dõi một echo lạ đang di chuyển theo hướng…. vào bờ.

Tôi vội báo cáo cho Hạm Trưởng đồng thời quay mũi con tầu hướng về phía diểm đó để theo dõi. Vì trong vùng Phú Quốc thường các ghe đánh cá Thailand qua đánh cá lậu, hay các ghe bên miệt hải cảng Miên qua buôn bán, chuyển hàng bất hợp pháp. Đôi khi có những tầu tiếp tế vũ khí của Cộng sản Bắc Việt tìm cách xâm nhập vào khu vực U minh thượng và hạ. Radar vẫn chạy, chấm điểm trên hải đồ đồng thời tắt đèn hải hành, theo dõi con tầu lạ. Khi nó đã vào trong hải phân, chúng tôi đã được lệnh bằng mọi giá phải chận bắt cho bằng được. Nhiều lần đánh đèn để ngăn chặn chíêc tầu nhưng nó vẫn không chịu ngưng, lệnh nhiệm sở tác chiến, những tràng đạn đại liên bắn chặn đầu đã làm cho con tầu lạ phải chịu phục tòng. Tới đúng tiêu chuẩn cho phép chúng tôi đã rọi đèn pha vào chiếc tầu này, một cặp đang kéo lưói dã cào, nhân viên vào nhiệm sở, chuẩn bị mọi bất trắc, ra lệnh cho họ tới gần đi song hành rồi cho cặp vào tầu để kiểm tra, đồng thời mời thuyền trưởng tầu đánh cá cho biết họ đã xâm nhập vào hải phận Việt Nam. Sau khi kiểm tra tất cả mọi việc, báo cáo về Bộ Tư Lệnh V4ZH, chúng tôi đuợc lệnh áp tải tầu này về An Thới để làm thủ tuc giải giao cho Quan thuế. Ba tháng biệt phái vùng 4 duyên hải, tầu lại dược lệnh trở về Saigon tu bổ trước khi nhận nhiệm vụ khác.

Vùng hai duyên hải, quê hương cát trắng nơi tôi đã thụ huấn hai năm, chiến hạm đã phối hợp tuần tiễu với các Duyên tốc đỉnh thuộc hải đội 2 duyên phòng, và các ghe Duyên đoàn trong vùng, cũng đã phần nào ngăn chặn đuợc sự xâm nhập bằng đường thủy của các SL (Suspect trawler, tầu chuyên chở vũ khí của Cộng sản Bắc Việt). Dọc ngang Qui Nhơn, Đại Lãnh, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết vừa làm nhiệm vụ tuần tra cùng hưởng được những nét đẹp của quê hương, biển xanh cát trắng, núi đồi trùng điệp, cảnh đẹp thiên nhiên đã làm cho đời lính thủy thêm nhiều thi vị. Ngoài khơi xa là những Khu Trục Hạm, hay các Tuần Dương Hạm đang hải hành bao vùng. Ba chuyến hải hành là thấy hết năm. Chưa một năm nào tôi lại được ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình từ ngày nhập ngũ.

Đang chuẩn bị cho chuyến tiểu kỳ tôi lại nhận được công điên thuyên chuyển về thực tập trên các chiến đỉnh thuộc Giang Đoàn Ngăn Chặn vùng Châu Đốc, kinh Vĩnh Tế. Hết biển giờ lại vào sông. Đời lính thủy mười hai bến nước mà chưa thấy bến tình… Trình diện Sĩ quan liên lạc tôi đã được giang đĩnh chuyển tiếp vào Bộ chỉ huy Hành Quân RAD 132, nằm chơi vơi giữa cánh đồng lúa nổi, kế cận căn cứ của Biệt Kích Delta, Tịnh Biên, nơi với những người lính không có số quân, dọc ngang vùng đàm lầy nước lụt, bên những cánh đồng lúa xạ, mọc tùy theo con nước. Sống trên những chiếc giang đĩnh chật hẹp, dầm mưa dãi nắng, gạo sấy nước sông, tuy nhiên vẫn còn có một cái giường để nằm. Lên xuống dọc kinh Vĩnh Tế từ Giang Thành nối tiêp tới Châu Đốc, sáng sáng một chiếc tầu rà mìn điều khiển vô tuyến làm nhiệm vụ để thông thương an toàn cho các ghe qua lại. Đêm đêm vẫn phải đi kích, nằm chốt ở một địa điểm nào đó, hay lại phải đi hành quân phối hợp với các đơn vị Bộ binh, Đia Phương Quân… Địch thấy ta chứ ta không thấy địch. Những cuộc chạm súng vẫn thường xẩy ra, nhưng với hỏa lực mạnh của các Giang đỉnh cũng đã làm êm tiếng súng địch một cách nhanh chóng.

Cuộc chiến dường như không dễ dàng, lơ đễnh khinh dịch là chuốc lấy hậu quả ngay. Đơn vị đã bị gài mìn bẫy và bị tấn công trong lúc di chuyển đến điểm kích. Tội nghiệp cho Thủy Thủ Vận Chuyển Hai, chuẩn bi đi phép thì bị tử thương trong trân đột kích đó. Một chiếc trực thăng OV10 đã bốc tôi và xác TT Hai chở về Đại Đội Chung Sự Cần Thơ, để tôi phải về Saigòn làm nhiệm vụ báo cho thân nhân đến nhận xác. Thật khó khăn lắm tôi mới tìm được địa chỉ, gặp thân nhân lúng túng chẳng biết nói sao. Gia đình khóc thương, than vãn vật vã, cuộc chiến nào thì cũng có mất mát, thương đau.

Anh trở về hòm gỗ cài hoa …
Trên trực thăng sơn mầu tang trắng.

Chuyển giao các Giang Đoàn cho Hải Quân Việt Nam, nhiệm vụ dường như đã nới rộng, các trục lộ bằng đường thủy đã được kiểm soát, từ Tịnh Biên,Takeo, An Phú, Hồng Ngự, Đồng Tiến tới Tuyên Nhơn, Mộc Hóa… ngày đêm chúng tôi vẫn lầm lũi dọc ngang. Cùng lúc được tin Nguyễn Đức Khải đã bị B40 xé nát tầu PBR trong khi đang tuần tiễu ở Tuyên Nhơn, Đào Văn Hải đã không chịu được sức ép của mìn khi giang đĩnh đang trên đường tiếp trợ đơn vị bạn vùng Neak Lương. Đào quang Chính, Trần Văn Vấn của Giang Đoàn Tuần Thám cũng đã vì nước hy sinh. Và cũng chính người Thiếu úy tôi bàn giao hành quân cho anh ta, thay thế tôi làm trưởng toán tầu Alpha mở đường cho cuộc hành quân phối hợp ở Takeo, bị địch tấn công quá nặng, cũng đã dể lại một cánh tay trên chiến tuyến và những chiếc Alpha lỗ chỗ đạn cùng những thương binh bê bết máu..

Tình hình Miên Cộng cáp duồn quá nặng nề, dưới áp lực đó chính phủ đã tăng phái các chiến ham, và các Dương vận hạm lên Miên di chuyển kiều bào về Viêt nam, dòng sông như nhuộm đỏ, đây đó những xác người trôi nổi cùng lục bình, xác còn xác mất nửa.

Lại một lần nữa chúng tôi xuất ngoại, an toàn hải trình cho các tầu chuyên chở kiều bào về Viêt Nam. Trú đóng tại Neak Lương, làm tiền trạm và yểm trợ cho các đơn vị bạn, chúng tôi đã thấy được cái dã tâm của Miên Cộng hay Việt Công? Học thuyết Đỏ đã làm con người như bèo bọt, chẳng còn một tí giá trị nào?

Những cuộc hành quân phối hợp, tuần tiểu hầu như liên tục, kinh rạch chằng chịt của miền Nam đã làm cho chúng tôi soải cánh, vùng kiểm soát ngày một nới rộng, họat động của Cộng Sản gia tăng, cùng lúc phải ngăn chặn những hoạt động buôn lậu dọc theo biên giới, lưới trời lồng lộng ,biết sao bỏ lưới mà bắt được hết chim?

Mới 4 năm trong quân ngũ, 3 đơn vị cũng đã làm tôi thức tỉnh, khôn hơn, cái tính học trò nhút nhát nó không còn nữa để thay thế vào là cái ngang tàng, suy tư của người lính. Dọc ngang sông nước Củu Long tưởng như đã đủ, vừa mừng vì nghị định thăng cấp, nhưng lòng tôi lại sao xuyến, bồi hồi khi cầm lệnh thuyên chuyển về Hải Đội 5 Duyên Phòng, một đơn vị tân lập. Mà Bộ chỉ huy tạm thời ở Mỹ Tho, chờ đợi khi căn cứ của Vùng 5 Duyên Hải hòan tất thì tất cả 3 phân đội PCF sẽ dời về Năm Căn, Sông Bồ Đề. Và chịu trách nhiêm vùng cuối cực Nam của đất nước, từ Mật khu U Minh vòng qua mũi Cà Mau lên tới Bạc Liêu, Sóc Trăng, Định An.

PCF hai doi 5 duyen phong.jpg

Phân đội 1 đang chuẩn bị di chuyển về Năm Căn, phân đội 2 sẽ từ Phú Quốc đi xuống, còn một phân đội nữa một nửa sẽ từ Cam Ranh chuyển vào cộng thêm anh em đang thực tập đợt 2 tại Cát Lở.

Mười hai chiếc Duyên Tốc Đỉnh, dưới sự chỉ huy của HQ Trung Tá Phạm Gia Luật, vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của đơn vị đã dẫn dắt đoàn tầu từ Cát Lở xuống Năm Căn, ra khơi đúng lúc biển giao mùa nên thời tiết không được thuận lợi, những cơn sóng bạc đầu, những luồng gió lạnh, đã làm chúng tôi vất vả không ít. Khi tới cửa Bồ Đề trời cũng đã chạng vạng, bắt được đèn phao, liên lạc với 2 PCF Hoa Kỳ đang tuần tiễu trong sông Bồ Đề để tránh ngộ nhận, nhiệm sở tác chiến, mọi người áo giáp nón sắt và vào vị thế, nhìn `giòng sông đen ngòm, nước chẩy lặng lờ, hai bên bờ cây cao san sát chằng chịt, khí lạnh âm u vùng U Minh làm tôi nổi da gà, không một bóng đèn ghe nào lai vãng, cái tĩnh mịch của ban đêm nơi này dễ làm mọi người ngán ngẩm. Tiếng muỗi vo ve nghe mồn một. Đèn hải hành tắt ngúm, radar chạy liên tục. Qua ngã ba Đầm Dơi, rẽ phải đường đi Ca Mau, rẽ trái là đường tới căn cứ nổi Sea Float. Những ánh đèn quanh căn cứ làm chúng tôi thở phào, đã tới nơi. Đêm đó tạm yên cặp tầu vào Ponton chúng tôi nghỉ lấy lại sức, tuy nhiên vẫn phải chia phiên nhau gác, trong khi đó một tầu tuần liên tục lên xuống, thỉnh thoảng lại nghe ầm vì sức nổ của một trái lưụ đạn chống người nhái.

Vùng 5 Duyên Hải nằm chơi vơi, đơn dộc bên bờ Bắc của giòng sông Bồ Đề, mặt Đông là cửa Bồ Đề, Tân An, mặt Tây là cửa Bẩy Hạp vòng lên sông Ông Đốc, những ngôi nhà tiền chế của căn cứ đang được xây dựng, một phi trường dã chiến bằng vỉ sắt có thể chịu đưng được các loại vận tải cơ Caribou, C 123 chung quanh những rừng tràm đã được khai quang, cuối căn cứ là một tiền trạm pháo binh, trước mặt là đồn Địa Phương Quân. Chung quanh tuyệt nhiên không có một nhà dân nào, mọi phương tiện di chuyển đều bằng tầu hay bằng máy bay trực thăng, L19, hay Caribou, hàng tháng đều có các Hải Vận hạm xuống tiếp tế, đời sống nơi đây thật đơn giản, nắng mưa, muỗi mòng, ngày nào cũng thế mà thôi. Sáng mì gói chiều gói mì hay Ration C cứ thế liên tục hay là những bữa ăn bất ngờ với hải sản trời cho, cho tới khi nhận được tiếp tế. Với nhịp độ chuyển giao chóng mặt,tầu bè mỗi lúc một nhiều, hành quân, hộ tống các xà lan, tầu dòng, tuần tiểu không ngưng nghỉ, hết Bồ Đề rồi lại Sông Ông Đốc, Bẩy Hạp, Gành hào, mũi Cà Mau, hòn Đá Bạc, 4 ngày, rồi lại 4 ngày, lên xuống, ra vào, hay lại chở các toán Hải Kích đi vào mật khu… làm tiền trạm.

Làm Thuyền trưởng PCF 3913 chưa được bao lâu mà mầu da đã chai sạm lại, mầu sơn con tầu chưa bạc nhưng Ngô Văn Xinh người bạn cùng khóa đã gục ngã ở nơi đây vì bị phục kích, HQ225 đã nằm vĩnh viễn dưới lòng sông Bồ Đề bởi mìn từ. Hai chiếc PT của Hải Quân Hoa Kỳ, trong một hải vụ tiếp tế cho căn cứ Sea Float, một chiếc đã hứng nguyên viên đạn B57 thổi gần nát đài chỉ huy. Đời lính thủy tưởng rằng như nhàn nhã không ngờ cũng vào sinh ra tử. Ngày nào không đi tuần thì chúng tôi cũng cố gắng xuống làng, thực sự chỉ có gần 20 căn nhà được phép buôn bán cho quân nhân trong khu vực, lai rai với vài chai bia hay vài xị đế, tô mì tôm cho qua ngày rồi chiều cũng phải quay lại căn cứ.

HQ Trung Tá Luật được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng hành Quân hộ tống đã cùng 12 chiếc PCF lại trực chỉ Tân Châu để phối hợp hành quân hộ tống các thương thuyền tiếp tế cho thủ đô Nam Vang đang bị bao vây. Trở lại vùng hành quân trước đây, tôi như lấy lại sự tự tin. Các chiến đỉnh đã được kiểm soát, sửa chữa và tiếp tế đầy đủ trước khi rời Năm Căn.

Bộ Tư Lệnh Hành Quân Trần Hưng Đạo 18, nằm trong căn cứ Tân Châu, ngay ngã ba kinh Châu Đốc và sông Tiền Giang, không xa là xã Vĩnh Xương, đồn biên giới Việt Miên, dòng sông phù sa đỏ đục ngầu, nước chẩy cuồn cuộn, thị xã Tân Châu tương đối trù phú và vì có thêm những nguồn kinh tế khác biệt từ biên giới, dân chúng đời sống khá giả hơn.

HQ Đại Tá Nghiêm Văn Phú, một người tầm thước, nghiêm nghị, Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám, cũng là Tư Lệnh Hành Quân, bên cạnh có HQ Trung Tá Nguyễn Văn May, Tư Lệnh Phó, cùng HQ Trung Tá Luật trưởng Đoàn Convoy, chỉ huy một lực lượng khá hùng hậu, những chiến đỉnh Alpha, Tango, Monitors với những khẩu Boford 40, súng phun lửa, đại bác 105 trực xạ nặng nề của Giang Đoàn Ngăn Chặn, Thủy Bộ, Khinh Tốc Đỉnh PBR, của các Giang Đoàn Tuần Thám, 12 PCF, Giang Pháo Hạm,cùng với Thủy Quân Lục Chiến. Trên không lúc nào cũng có 2 trực thăng võ trang của Hoa Kỳ bao vùng, trên bộ dọc theo hải trình vẫn còn có những đơn vị Bộ Binh Miên yểm trợ, và mỗi thương thuyền đều có Sĩ Quan liên lạc và nhân viên vô tuyến. Một cuộc hành quân có tầm vóc, quy mô phối hợp nhiều binh chủng, nhưng cũng không kém phần phức tạp, trên bờ dưới nước, trên không, Việt Nam, Hoa Kỳ, Miên… cùng lúc phải điều động cả chục thương thuyền,xà lan ngoại quốc trong đoàn convoy,hàng hóa có, nhiên liệu có, đạn dược có… neo dọc từ ngã ba Long Phú, Tân Châu. Giang đĩnh ngày đêm tuần tiễu để giữ an ninh. Chiếc thương thuyền Yellow Dragon, ‘con tầu ma’ như tên đã được đặt, nằm nửa chìm nửa nổi ngang biên giới, 2 lần bị pháo, mìn, chìm nổi, đã không it người hệ lụy với nó, như là cái cột mốc để mỗi lần đi về thấy nó là thấy nhà. Những cuôc họp hành quân luôn được tổ chức trước khi xuất quân. Để đến khi đoàn convoy âm thầm kéo neo, tuần tự lầm lũi trong đêm tối, dòng sông như thức tỉnh cuộn sóng ,giang đỉnh lần lượt bám sát các thương thuyền,những toán TQLC dã sẵn sàng trên các chiếc PCF để chuẩn bị đổ bộ khi đụng trận. Giang pháo hạm cặp kè bên hông, trên không trực thăng võ trang vần vũ. Đoàn tầu tuần tự biến đi trong màn đêm trả lại sự yên tĩnh cho sông nước Tiền Giang.

pcf-hd5dp
Trong đêm tối hình dáng cồng kềnh của các thương thuyền, xà lan vẫn không thoát khỏi tầm nhìn của các tay súng, đó là những mục tiêu hàng đầu, địch thấy ta chứ ta đâu thấy địch, B 57, B40 thổi ra thi đai bác 20, 40 sẵn sàng đáp lễ liền.

TQLC đổ bộ ngay sau những tràng đại pháo dọn bãi, những trận đột kích lúc thì bờ trái,lúc thì bờ phải, địch cũng lựa điểm để tấn công, ở những khúc quẹo, chỗ hẹp của lòng sông nơi tầu bè thường giảm tốc độ và muc tiêu dễ dàng nhắm hơn, đôi lần chúng đã giăng dây cáp để một vài con tầu khi xuôi giòng, vướng dây cáp đã phải dạt sang một bên bờ nơi chúng đã đặt chất nổ, cuộc chiến như tranh nhau từng chỗ, từng trò chơi như cút bắt. Để rồi những chiếc khăn tang, những giot nước mắt đã không khi nào ngưng trên mặt người dân, kẻ mất cha người mất chồng, hay thân thuộc xa lìa. Cuộc chiến càng dài, nghĩa trang càng rộng, cờ vàng phủ nhuộm càng nhiều. Ai được, ai thua, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy chung quanh xóm làng, hàng xóm tan hoang tiêu điều vì đạn pháo, người dân đen vẫn lẵng lẽ chịu đựng giữa hai vòng lửa đạn, chấp nhận rủi may để mà sống.

Ban ngày giòng sông như hiền hòa hơn, những sinh hoạt của người dân vẫn tiếp tục,nhưng địch nào cũng đâu đã tha, qua khỏi nhà máy giấy bên bờ tây mờ xa đã thấy những nóc chùa vượt khỏi bờ sông, nhưng súng lại đì đùng, địch chúng vẫn bất chấp và mở cuộc tấn công sát nhất bên bờ đông khi đoàn xà lan chậm rãi hướng vào ngã ba Tonle sap, bờ sông cao ngất ngưởng, cây cối chi chit, chúng đã thổi những viên đạn B.40 chinh xác, tức thời Giang pháo hạm sối xả đáp lễ, Giang đỉnh đã vào sát bờ để PCF thả các toán TQLC đổ bộ, vừa lùi ra khỏi tầm súng, quan sát qua ống dòm, những người lính TQLC dũng mãnh đang cận chiến với địch.

Ngã ba Tonle Sap, rộng hàng ngàn hec-ta, nước từ hai nguồn sông đổ xuống chảy xiết, hai nhánh chẩy về Tân Châu, Châu Đốc, còn nhánh chẩy nguợc về Biển Hồ nơi thương cảng Nam Vang nằm sát dọc theo bờ tả ngạn của dòng sông, những tòa nhà khiêm tốn dọc theo bờ, các dinh thự, cơ sở hành chính, quán ăn, vẫn còn giũ nét văn hóa Pháp, xa xa là tòa thị chính thành phố, khu Hoàng Cung vàng rực với những mái ngói cao cong vút, nằm im lặng, uy nghiêm và vương giả.

Cặp cầu thương cảng Nam Vang đoàn tầu như đã thở phào một cách nhẹ nhõm, ít ra cũng được vài ngày không căng thẳng, xuống hàng cho kịp chuyến trở lại Việt nam. Trên bờ những con số, những hàng chữ kỷ niệm, vết sơn vội vàng dọc theo bờ sông, chứng tích của các chuyến tầu Việt Nam đã tới đây không lâu. Sau khi nhận thông báo ngày giờ có mặt tại tầu, chúng tôi làm một cuộc dạo chơi thăm thành phố và thưởng thức những hương vị của món ăn xứ chùa Tháp, hoặc đi tìm những hàng hóa mà giá cả tương đối rẻ hơn VN, để rồi khi thành phố đã lên đèn, chúng tôi như những con thiêu thân đi tìm quán rượu, hotel nghỉ qua đêm.

Buổi sáng, ngồi nhâm nhi ly caphe, ăn tô hủ tíu Nam Vang, ngoài hàng hiên của một nhà hàng trong thành phố, cái nét cổ kính Pháp như đã ăn sâu đậm vào văn hóa Miên, bao năm dưới sự bảo hộ của người Pháp, cũng như Việt nam, nhà cửa, dinh thự, quán ăn, kiến trúc, nếp sống Tây phương, ngồi đây mà cứ mường tượng như đang ở Givral hay Continental của Nguyễn Huệ, Tự Do…. Đại lộ Norodom rộng, dài hun hút, hai bên đường với những hàng cây xanh mướt. Khu chợ Mới hai tầng Phsa Thmey, bốn mặt rộng rãi, chiếm cứ một khu rộng không xa thành phố, chung quanh hàng quán, các cửa tiệm san sát khang trang, ở đây chúng tôi xử dụng tiếng Việt thật thoải mái, đi chợ Miên mà mặc cả trả giá cứ như là đang ở Chợ Bến Thành, tiền bạc khỏi cần đổi, tiền Riel hay giấy 500 Trần Hưng Đạo đều dùng được. Vải soir may áo dài la liệt, quần áo đủ kiểu, xe gắn máy Honda đời mới, vật dụng điện, đồ sành sứ Trung Quốc giá cả quá nới, nên ai cũng it nhiều mua làm quà hay thương mại. Thành phố không lớn, xích lô, xe lôi Honda là phương tiên di chuyển phổ thông nhất, xe hơi Pháp Renault, Peugeot cũng đầy xuôi ngược phố phường.

Trong cửa hàng những người đẹp xứ chùa Tháp nước da ngăm ngăm, thân thể đẫy đà, quấn xà rông mầu sặc sỡ, áo ngắn tới bụng để mỗi lần vướn lên lấy đồ cái eo thon đã lồ lộ trước mặt, vẫn tươi cười đon đả mời chào giới thiệu hàng hóa. Không thì chúng tôi cũng vào các quán hàng trong chợ làm vài dĩa bánh xèo, nhâm nhi tí Cognac, nhưng cũng không quên kiếm chút thuốc tăng cường sinh lực.

Ngoài vòng đai thành phố tình hình an ninh không bảo đảm, chúng tôi đã tiếc hùi hụi khi không được đi thăm những ngôi đền cổ Đế Thiên Đế Thích một di tích lịch sử Champa, mà chỉ ghé thăm đươc Hoàng Cung nằm bên đại lộ Samdech Sothearos trước mặt là dòng Tonle Sap, khu ngự trị của Hoàng Gia với Điện Vàng, có ngôi tháp cao 59m nơi làm việc, đăng quang của nhà vua trước đây, được vua Sísowath khánh thành năm 1919, với những ngôi nhà như dát vàng, thờ phượng các vị tiên vương nội thất được trang trí bằng những vật dụng sang trọng, quý báu. Chùa Bạc xây dựng từ năm 1892, mà nền chùa được lót bằng hàng ngàn viên gạch bạc, tượng Phật bằng vàng nặng 90Kg gắn những viên kim cương lấp lánh và xá lợi Phật Thích Ca thỉnh từ Sri Lanca. Trong khuôn viên Hoàng Cung rộng 16 mẫu những ngôi tháp cao, mái uốn cong, hoa văn cầu kỳ, khu vườn ngự uyển đẹp dịu dàng, cây cối bông hoa, vườn tược được chăm sóc một cách chu đáo. Dinh Thủ Tướng Norodom, kiến trúc tựa như Dinh Độc Lập ở Việt Nam, thành phố không nhiều cao ốc, sinh hoạt thương mại tập trung vào hai khu vực chợ cũ nơi trung tâm thành phố và ngôi chợ mới không xa chung quanh với nhiều cửa hiệu khang trang bán đủ các vật dụng, đời sống dân chúng hiền hòa, êm đềm, thương mại hầu như tập trung trong tay người Hoa kiều với những tấm bảng hiệu bằng ba ngôn ngữ, và những chùa chiền rải rác quanh thành phố, nơi Phật Giáo là quốc giáo sang sáng những vị sư sãi đi khất thực, trong khi dân chúng đang đợi chờ để cúng dường.

Như lấy lại sức lực sau vài ngày không căng thẳng và xả hơi, đoàn tầu lũ lượt trở lại Việt Nam, hàng hóa đã thả hết nên vận chuyển nhẹ nhàng, tuy nhiên những hiểm nguy vẫn nằm cận kề, địch không để yên, đã bầy một trò chơi khác, trực thăng võ trang hạ thấp cao độ xuống thả trái khói, đã không tránh khỏi hỏa lực của địch, một chiếc đã bị bằn hạ không xa Neak Luong, chấm được tọa độ, lệnh 2 PCF có nhiệm vụ đổ TQLC với sự yểm trợ của Giang Pháo Hạm bắn dọn bãi, cùng PBR, vội trở lai mục tiêu để cứu thoát 2 phi công, bê bết bùn và máu, rồi được tải thương về USS Benewah.

Đoàn tầu lai tiếp tục cuộc hành trình, gần như thuận buồm xuôi gió, khác hẳn với chuyến đi, ít có bị phục kích. Tưởng như đã gần xong nhiệm vụ, con tầu ma đã thấp thoáng trước mặt, lệnh trở ngược để tải thương, mọi người lại phải vào nhiệm sở tác chiến, thương thuyền đã bị những quả pháo cuối cùng của cuộc hải trình mà ai cũng không thể nào ngờ tới. Chuẩn Úy Việt đã phải nhẩy lên để kiểm soát, báo cáo và tải thương: một nhân viên thương thuyền và Sĩ Quan liên lạc bị thương nặng, trên tầu những vết đạn lỗ chỗ dọc theo hành lang, máu và thức ăn trộn lẫn vương vãi khắp sàn tầu. Mới vài ngày trước đây, người Sĩ Quan Liên Lạc xuống trình diện Bộ Tư Lệnh Hành Quân với sự tự tin và trầm tĩnh, thì giờ đây anh đang nằm bệt trên giường vì những quả đạn pháo oan nghiệt đã lấy mất đôi chân, người nhân viên tầu buôn cũng không hơn cảnh ngộ đang rên siết than van vì đã trở nên tật nguyền với cái chân còn lại. Lòng tôi lại ngậm ngùi, chiến trận những rủi may có thể đến bất cứ lúc nào và đến với bất cứ người nào. Đâu có ai muốn trở về trên đôi nạng gỗ hay trở thành bại tướng cụt chân, hay bằng hòm gỗ cài hoa?…

Giáp Tết chúng tôi vẫn ứng trực, công việc cũng chẳng có gì khác thường hơn và lang thang quán xá, nhưng thường dịp này lại hay xẩy ra những công tác đột xuất, 5 PCF được điều động lên Neak Luong làm tiền trạm, thôi thì không ở Việt Nam thì lên Miên cũng ăn Tết mà thôi, ở đâu thì cũng thế, đời lính thì chỉ có mệnh lệnh. Trực chỉ biên giới, giòng sông vắng lặng, không một thương thuyền nào, PCF xả hết tốc lực để có thể lên sớm khi trời chưa tối, trên không 2 chiếc trực thăng UH1 vần vũ, hơn một giờ hải trình, khi bắt đựoc cù lao đầu tiên nhìn những đám lục bình lững lờ, tầu dạt qua bên vừa tránh khỏi chúng thì hai tiếng nổ phía sau lái nước văng tung tóe, con tầu như bị dở hổng lên cao, nắm chặt tay lái, tôi ngó lại, mìn từ thả trôi, cũng may với tốc độ nhanh, nước chẩy xiết nên mìn kích nổ vài giây sau khi chạm. Thoát chết trong gang tấc. Trên không Tư Lệnh Phó TQLC, chuẩn tướng Bùi Thế Lân, bốc máy liên lạc, chúng tôi báo cáo tình hình, bị mìn từ và đoàn tầu vô sự.

Ủi bãi Neak Lương nằm chờ, ngày dài lên xuống thị xã, lịnh chuẩn bị tầu bè để chở phái đoàn cao cấp dự phiên họp với phái bộ quân sự trên HQ 800. Quan lính lăng xăng o bế tầu bè, chuẩn bị lễ nghi quan cách, để đến khi phái đoàn lên đến tầu, chúng tôi chỉ kịp làm xong nhiệm vụ, đưa phái đoàn Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, những quan chức cao cấp ra HQ 800 họp với các phái đoàn quân sự Miên, mà chúng tôi cũng không còn có kịp thì giờ để mà chiêm ngưỡng long nhan.

Đang công tác đột xuất ở Cần Thơ, lệnh đi hộ tống PCF tại cửa Định An. Ba chiếc PCF một máy lết bết từ Năm Căn về Vũng Tầu sửa chữa, tránh bão không kịp, một chiếc đã bị nhận chìm, đang chới với thì PT Hoa Kỳ tới kịp lúc, chúng tôi lại tiếp ứng từ cửa Định An và hộ tống tới Bình thủy. Những công tác đột xuất vẫn thường xẩy ra, không Tiền Giang, thì cũng Hậu Giang, lúc Cần thơ, khi Châu Đốc, Vàm Nao, Long Xuyên, Sadéc…..cũng nhờ vậy mà chúng tôi đã lê gót hầu hết các tỉnh miền Tây. Những tô canh chua cá bông lau béo ngậy, tô cá rô kho tộ tuyệt vời, món mắm Thái ăn quên thôi, bánh phồng tôm Sagiang…. những đặc sản miền Tây, mà người dân Cửu Long đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm, và cũng chẳng thế nào quên được cái hương vị nhớ đời của cá lóc nướng cuốn bánh tráng, thau rượu đế, với cái ly sây chừng, để mà quân dân đồng lòng say xỉn quên đời.

Trở lại Năm Căn, sống với cái nóng gay gắt, oi bức của mùa hè, những cơn mưa không dứt, đêm đêm đàn muỗi đói hoành hoành sục sạo khắp nơi kiếm máu, khiến chúng tôi phải vội vã đóng cửa giăng mùng. Tiếng đạn pháo hàng đêm vẫn nổ từng đợt, từng đợt, để yểm trợ cho các toán kích đêm. Giang đỉnh của Giang đoàn Thủy Bộ, Ngăn Chặn đã cùng các Đơn vị Đia Phương Quân, Nghĩa quân đang hành quân phối hợp tảo thanh vùng đầm lầy nước mặn U Minh. Các PCF, chiếc trong sông, chiếc ngoài biển đang tuần tra. Ngồi trực phòng hành quân, máy truyền tin vẫn không ngưng nghỉ với những tin tức chuyển nhận, bản đồ hành quân chi chít những điểm chốt của ta và vị trị di chuyển của địch. Năm Căn vùng hoạt động chủ chốt của Cộng Sản, nơi trước đây hầu như là vùng bất khả xâm phạm, những cuộc hành quân bình định, chiến dịch Sóng Tình Thương phối hợp của cả Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, Địa Phương Quân ròng rã năm tháng đã làm giảm được sự hoạt động của chúng, nhưng đất rộng, người thưa, rừng chàm mênh mông, Cộng Sản vẫn kiên trì bám đất dành dân. Nhưng đụng độ vẫn không ngớt, những nồi cơm chưa kịp nguội còn bỏ sót lại trong các địa đạo sau những cuộc tảo thanh, đã chứng tỏ sự quyết tâm trụ điểm, nằm vùng. Chúng như những con lươn trạch luồn lũi trong đàm lầy U minh, và đã làm vất vả không ít cho các đơn vị đồn trú chung quanh.

https://i2.wp.com/www.navsource.org/archives/09/43/09433205.jpg

Trình diện Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, tôi đã có nhiệm vụ mới trên Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ3, con tầu vừa sửa chữa ở Guam trở về sau khi nhận lãnh từ Hải Quân Hoa Kỳ. Nhìn dáng dấp to lớn bề thế của chiến hạm, uy nghi cặp cầu Bộ Tư Lệnh, tôi cảm thấy hãnh diện hơn, thế là đã thoát khỏi những ngày nơi bùn lầy nước đọng, muỗi mòng Ca Mau, rình rập sống chết của U Minh. Người tôi như khởi sắc, ít ra cũng còn thấy văn minh thành phố, áo xanh, áo đỏ, găp gỡ người em gái hậu phương, gia đình…..

Nắm giũ chức vụ Sĩ Quan Trọng Pháo, Sĩ Quan Trưởng Phiên, tôi đã có một công việc không mấy dễ dàng, với một vị Hạm Trưởng khó tính. Sống lang bạt mấy năm trên các vùng hành quân đã quen, nay vào khuôn khổ, con người tôi chân cẳng như bị buộc chặt lại. Làm nghề pháo thủ 127, quả thật khả năng chưa quen xử dụng, nó không bình thường như pháo thủ của các đơn vị pháo binh điền địa. Với những kỹ thuật mới, kết hợp bằng tính toán và điện tử Radar để điều khiển nòng súng 127 ly đã làm cho tôi mất nhiều thời gian học hỏi. Những ngày lênh đênh vùng một duyên hải trong mùa hè đỏ lửa đã là thời gian tôi học hỏi được nhiều, Tam Quan, Sa Huỳnh, hành quân phối hợp với Hạm Đội 7 trong những ngày sôi động đã bắt tôi dính chặt với pháo tháp, những chiếc T54 của Cộng Quân tiến vào Sa huỳnh, đại pháo nã liên tục đã làm ngưng đường tiến quân của chúng, hai chiếc T54 nằm phơi xác trên bờ đất Tam Quan. Ba tháng biệt phái V1DH lúc chiến trường đang vào cao điểm, trong bờ các đơn vị Bộ Binh, những quân chủng Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân đã tung ra những phản công mạnh mẽ. Dọc duyên hải các Hộ Tống Hạm cùng các tầu tuần khác vẫn liên tục tuần tra, yểm trợ, ngoài khơi xa, trục Alpha, Hòn Cọp-Hải Nam, Tuần Dương Hạm HQVN và Khu trục Ham thuộc Đệ Thất hạm đội đang bao vùng cùng ngăn chặn tầu địch di chuyển trục Bắc Nam.

Tiếp nối những ngày dài trên biển, những cơn mưa bất chợt cũng đã làm dịu được đôi chút thời tiết nắng cháy, khô cằn của miền trung sỏi đá, ngày nghỉ bến cũng không dài, sáng vào chiều ra, không thì cũng phải nhận tiếp tế thực phẩm, dầu nước, đạn dược, những viên đạn pháo 127 ly đã lần lượt chuyển xuống kho đạn để mà tiếp tục yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bạn trong bờ. Thì giờ đi phố cũng chẳng có bao lâu, đáp xe Lambro qua Tiên Sa, Sông Hàn để vào thành phố Đà Nẵng, chúng tôi cũng chỉ kịp vui chơi nghỉ ngơi trong một buổi, chưa đủ thì giờ làm quen thì đã vội kéo neo về vùng tuần tiểu.

Côn Đảo, cái tên không hảo mọi người, nơi có nhà tù kiên cố, tù nhân trọng tội, xa cách đất liền. Nó cũng như một cột mốc để mỗi lần tuần dương trông thấy nó là đã hình dung tới đất liền. Tầu SL đang lởn vởn ngoài khơi cách xa hàng chục hải lý, giả dạng tầu đánh cá, nó đã bị phát hiện. Chiến hạm đang tuần tra vùng Cam Ranh được lệnh di chuyển xuôi Nam để theo dõi, và bám sát, radar vẫn đều định vị trí, hướng đi. Đài Kiểm Báo Côn Sơn, Poulo Obi cũng tập trung theo dõi. Những tin tức tình báo, không tuần cùng phối hợp với các chiến hạm, vùng duyên hải đã ngăn chặn được sự xâm nhập và tiếp tế vũ khí của Cộng Sản. Vũng Rô, Hòn Hèo, Ba Động những địa danh đã vùi tên các SL dưới lòng nước biển. Để sau những chuyến công tác tuần dương, tầu lại làm công tác Dân Sự Vụ, đưa đón phái đoàn Tâm Lý Chiến chính phủ ủy lạo chiến sĩ, thăm dân ở những vùng hải đảo xa đất liền.

Trở về Saigòn sau những tháng ngày lênh đênh trên biển, mọi người nhẹ nhõm, thơ thới, cột phao trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân, con tầu sạch sẽ như đã gột rửa được mưa nắng đại dương khoác lên một tấm áo mới, tô điểm bằng những lá cờ hiêu truyền tin đầy mầu sắc, đèn đóm xanh đỏ giăng dọc thành tầu. Buổi dạ vũ Tất niên được tổ chức trên sân tầu, đã đem niềm vui hạnh phúc lại cho thủy thủ đoàn, nối kết tình thương yêu của những người em gái hậu phương hay tô đậm thêm tình yêu của những chàng lính thủy. Những chuyến canô đưa rước mọi người ra tầu tham dự với những tiếng cười đùa giòn dã, những tà áo thướt tha, mầu sắc dịu dàng tung bay trước gió, bên cạnh những chàng lính biển hào hoa trong quân phục tiểu lễ, con tầu như bừng sống, nhạc dồn dập từng cặp, từng cặp quấn quit bên nhau, tay trong tay dìu dặt lướt đi trong điệu nhạc để hưởng hết niềm vui, quên đi những tháng ngày xa cách. Cuộc vui tàn, để rồi mọi người chia tay với những luyến tiếc bịn rịn, hẹn hò, thủy thủ trở lại với con tầu, nhiệm vụ, với những chuyến hải trình xa xôi, mong ngày về bến.

Cơ, rô, chuồn, bích, những quân bài trong bàn xì phé đang tố nhau trên caré phòng ăn Sĩ quan, những ly càphe, khói thuốc ngập phòng, nhưng mọi ngừời vẫn mải mê kéo, nặn, cuộc chơi như không ngưng nghỉ trong lúc nhàn rỗi, những quân cờ Domino, mạt chược xào xạc trên bàn, tiếng la, tới, phỗng vui mừng inh ỏi của người thắng cuộc đã làm giảm bớt phần nào nhàm chán của những ngày dài lênh đênh trên biển.

https://i2.wp.com/www.navsource.org/archives/10/05/1005012902.jpg

Trợ Chiến Hạm Nguyễn Đức Bổng HQ 231, đơn vị mà tôi đã được bổ nhiệm là Hạm Phó, cùng lúc nghị định thăng cấp Đại Úy, một buổi tiệc nhỏ khao lon cùng anh em đã làm tôi không nhớ đường về. Con tầu không quá lớn nhưng nhiệm vụ lại khác hơn HQ3, chuyên về hành quân, yểm trợ, với nhân sự chưa tới 100 người . Nó đã góp mặt hầu hết trong các vùng chiến thuật, nhất là ven biển, sông Tiền, sông Hậu, Nhà bè, Rừng Sát…, hộ tống thương thuyền trên dòng Mekong, mà HQ 226 đã bị đặc công thủy Việt Cộng đánh chìm tại Mỹ tho. Có những ai đã đi qua Bến tre, Đồng Tâm, dinh ông Cậu, mà không phải lo âu, ngày đi phà qua chơi Bến tre nhưng đã mấy ai dám nghỉ lại qua đêm, đuờng bộ từ Đồng tâm về Mỹ tho đâu mấy xa, nhưng mô vẫn đắp, xe vẫn bị mìn, nhà cửa trường học bị pháo kích tan hoang, HQ Đại Úy Dần, lực lượng người nhái cũng đã bị chúng bắn tử thương trên đường về căn cứ. Qua dinh ông Cậu mà không ở nhiệm sở tác chiến không bị đầu thì cũng vào tay. Ngồi trên tầu tuần tiễu sông Tiền, sông Hậu, Cần Thơ, Mỹ Tho mình cứ tưởng như đang rong chơi trên sông nước hữu tình nhưng có biết đâu đó trên bờ quân du kích, đặc công đang rình mò chỉ chờ cơ hội là phát hỏa châm ngòi. Vùng hai Duyên hải, rồi Vũng Tầu, Côn Sơn, Phú Quốc, tầu lại liên tục hải trình, nhiệm vụ nhiều hơn, mỗi con tầu một đặc tính, đôi lần biển động, trên đường tuần tra, tránh bão, nó đã nghiêng ngửa tưởng như chìm, dập vùi trong sóng nước, con tầu đã phải vội vàng trú khuất bên một hải đảo xa xôi, khuất sóng…

Về nghỉ bến ở Cát Lở, Vũng Tầu, mọi người nô nức lên bờ lấy lại hơi đất, bước đi lảo đảo, nghiêng ngả nhưng qua vài tuần bia, khói thuốc, anh em đã lấy được thăng bằng để rồi cũng không chừa được tật ham vui, khi thành phố đã lên đèn cũng đã cùng nhau nhanh chân tới các Bar rượu, vũ trường xập xình giải trí, quấn quit bên các em vũ nữ gợi tình.

Hoàng Sa, cái tên đã đi vào lịch sử, một vùng xa xôi vời vợi, có trận hải chiến để đời, để với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển quê hương, những quả đạn pháo 127, 40, 20 của HQ4, HQ 5, HQ16, HQ10… đã chống trả mãnh liệt với Rocket, đạn pháo của các Chiến Hạm Trung Cộng, cùng đã nhận chìm 2 Kronstat, phá hủy 2 tầu tiếp tế cuả chúng đã đem lại cho Hải Quân niềm hãnh diện nhưng nó cũng đã trả một giá quá đắt, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16 đã bị những đạn pháo làm nghiêng tầu phải khấp khểnh trở về, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10, đã vĩnh viễn nằm dưới lòng đại dương, cùng với sự ra đi của người Ham trưởng Ngụy Văn Thà, Hạm Phó Nguyễn Thành Trí và hơn nửa nhân số thủy thủ đoàn. Những nhân viên trú đóng, người lính Hải kích đột phá trên các đảo san hô cũng đã bị bao vây, tấn công, để người ra đi kẻ bị bắt bởi lực lượng quá hùng hậu của Tầu quân.

Mũi Paradan nhô ra khỏi vịnh, ngọn Hải Đăng sừng sững vươn cao trên nền trời xanh, ban đêm luồng ánh sáng quét xa hàng chục hải lý nó như là một điểm chuẩn để cho tầu bè hải hành định hướng và làm yên lòng hàng ngàn chiếc tầu đánh cá đang thả lưới trong vùng. Xa cách thành phố Phan Rang, Mũi Dinh, nơi tôi được thuyên chuyển làm trưởng đài kiểm báo 204, mà phương tiện di chuyển ra đài chỉ bằng tầu ghe duyên doàn, hoặc bằng đường bộ ngang những khu rừng già, bãi biển hoang vắng dài gần 10 km của xã Sơn Hải. Nằm ở một vị trí có thể hứng cả gió Tây Nam lẫn Đông Bắc nên mùa nào, gió hướng nào khi kéo qua đây cũng lồng lên cấp 4, cấp 7. Gió rít qua các khe cửa hú lên những tràng dài suốt đêm qua những hành lang dài hun hút, tiếng gió hú gợi lên những cảm giác thật lạ, ma quái, ít gặp mà chúng tôi đã đùa gọi đây là đỉnh gió hú. Chơ vơ chiếm ngữ nguyên một đỉnh núi, tòa nhà như một pháo đài cổ Tây phương tường đá dầy nửa thước chắc chắn, hai từng cao, mà người Pháp khi đô hộ Việt nam đã xây dựng để kiểm soát và hướng dẫn tầu bè qua lại, hơn 1 thế kỷ mà kiến trúc còn như nguyên vẹn, giờ đây nó đã được cơ khí hóa thêm với dàn Radar hiện đại để HQVN nhận lãnh và điều hành kiểm soát hải phận. Sinh hoạt cùng với Trung đội Nghĩa Quân của tỉnh biệt phái để giữ an ninh vòng đai Ở đây ngày thường dài và trống vắng không biết làm gì cho hết. Sau những công việc trực nhật, khoảng thời gian còn lại là những khoảng trống được khỏa lấp bằng những buối săn thú hay ngâm mình trong sóng nước. Bốn vùng duyên hải, 16 Đài Kiểm Báo công việc liên tục, ăn khớp, nhịp nhàng 24/24 trên mặt Radar những ghe tầu qua lại đã được chấm trên hải đồ, tầu tuần đều đặn báo cáo vị trí, tin tức khí tượng, các công điện liên tục giải mã. Ngày cũng như đêm, phần nào của biến cả đã nằm gọn lỏn trên màn hình.

Những chuyến tầu bất thường đã lọt trong vòng kiểm soát, không tuần, tin tức tình báo, Bộ tư lệnh Vùng đã có những chỉ thị theo dõi, kiểm soát để bắt giữ một con tầu du lịch nhởn nhơ ngoài khơi như là đang hưởng nắng hè, tin tức đầy đủ chi tiết, loại tầu, hình dáng, mầu sơn cờ hiệu, quốc tịch… hướng đi vận tốc đã được ghi nhận một cách chính xác, những chiếc tầu tuần đã làm nhiệm vụ một cách triệt để và đúng luật hàng hải, khám xét khắp tầu hóa ra nó cũng chỉ là một con tầu tải thuốc phiện, và đã được áp tải về vùng 2 để làm thủ tục giải giao cho các giới chức có thẩm quyền….

Đồn anh đóng bên rừng mai,
Nếu mai chưa nở anh không biết Xuân về hay chưa ?….

Những cành mai rừng nở rộ quanh triền núi, tiếng nhac Xuân ròn rã làm mềm lòng người lính chiến xa nhà, thế là Xuân lại sắp về mà anh vẫn còn đây? Buổi tiệc tất niên được tổ chức để mọi người cùng vui và chuẩn bị đón Xuân, những cành mai rừng cắm trong những vỏ đạn đã tô điểm cho không khí đơn vị thêm phần ấm cúng, quan lính vui chơi khề khà bên cạnh két bia, rượu trắng, món mồi là những hải sản phong phú trong vùng, kèm thêm món thịt rừng của các Nghĩa Quân trú đóng đã săn quanh đài, kỳ đà, sơn dương,…bánh mứt, nhạc tình lính, những bài ca vọng cổ đã làm anh em cười đùa hỉ hả, quên buồn. Tiếng súng ròn rã đón mừng năm mới, hỏa châu rực sáng tỏa chiếu trên bầu trời đã xóa tan đi cái u tịch của đêm Giao thừa, để anh em cùng nhau đón mừng một năm mới an bình, thịnh vượng. Những ngày đầu năm êm ả, nắng ấm, trời nước như hòa dịu. Biển trong xanh, ghe thuyền vắng bóng, công việc vẫn điều hòa.

Nắm giữ đơn vị dù không lớn lắm nhưng cũng đủ để cho tôi thấy có nhiều công việc mình chưa bao giờ làm. Làm việc dưới quyền vị Tư Lệnh Vùng2 Zuyên Hải, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, mà nhiều người nói về ông như một vị tướng của lính, những buổi họp ngắn gọn không lễ nghi quan cách, giải quyết nhanh chóng, tại chỗ, bữa cơm trưa thanh đạm với khẩu phần bánh mì, caphê… đã làm tôi phấn chấn vững tin và thấy gần gũi hơn. Khi ông đáp trực thăng thăm đơn vị, ngồi vui vẻ nói chuyện hòa đồng với lính, trong khi anh em nhân viên lo lắng vì không có một thứ gì khá hơn để tiếp đón ông, ngoài bữa cơm lính, gói thuốc lá Bastos, ly nước trà nội hóa.

Những buổi họp ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân vùng cũng đã cho biết nhiều tin tức không hay, cuộc chiến như đã có phần nào gia tăng, tin tức chiến sự ngày một xấu, tình hình di chuyển bằng đường bộ đã có những nơi bị đắp mô cắt quãng. Những chiếc tầu, xà lan chở đầy người lết bết ngoài khơi, tin tức dồn dập, khó mà phỏng đoán ra sao dưới một tầm nhìn không xa, tôi đã phải vội xuống tỉnh gặp gỡ Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 26 và một vài giới chức quen biết am hiểu tình hình. Tình hình chiến sự thực sự đã đến một giai đoạn không thể nào lường được. Ban Mê Thuột bỏ ngỏ, dân quân di tản, mọi người gồng gánh chạy loạn, Đà Nẵng thất thủ trong tình trạng bỏ trống, ai ai cũng lo liệu đường thoát, sân bay nghẹt người, đây đó cảnh đổ nát tan hoang của đạn pháo, xác người ngổn ngang, người dân hốt hoảng lo sợ, nghe đến Cộng Sản vào là mọi người hoảng vía, kinh hồn, ám ảnh bởi cuộc di cư năm 1954, những mồ chôn tập thể của miền trung trước đây không xa đã làm mọi người thà chết chứ không thể nào sống dưới chế độ cộng sản. Từng tỉnh, từng quận, thị xã nơi nơi người ta gồng gánh bồng bế nhau tránh nạn, xuôi Nam bằng mọi phương tiện. Quốc lộ 1 đã trở thành đại lộ kinh hoàng đầy những xác chết tức tưởi nằm vất vưởng quanh đường, đồ đạc ngổn ngang, những chuyến tầu đầy người và máu đã không thể nào vào để đón đồng bào vì những cảnh giết nhau tranh dành sự sống, mới thấy con ma Cộng Sản nó ám ảnh mọi người đến như thế nào.

Thị Xã Phan Rang đã bắt đầu náo loạn, những cướp bóc, hãm hiếp đã xẩy ra chung quanh thị xã, ngoài đường phố đủ mọi sắc lính, dân chúng ngơ ngác, thất thần, con lạc cha vợ lạc chồng gia đình phân tán chết chóc, không còn một cảnh nào bi thảm tồi tệ hơn. Duyên đoàn 26 đã di chuyển trong âm thầm, mọi việc đã tới lúc phải tự quyết định lấy mình, không còn một phương tiên khả thi nào có thể được, anh em dắt díu vào Xã Sơn Hải, xử dụng xe của xã để tới đồn nghĩa quân, lấy máy truyền tin liên lạc với CHT ZD 26 và TTTT/ĐKB 204, được tin ZD đã tăng phái 2 ghe Yabuta tới đón chúng tôi ở địa điểm đã hẹn, lên tới đài tin tức càng lúc càng tồi tệ hơn, liên lạc khẩn với Bộ Tư lệnh Tiền Phương do Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ huy đang điều hành trên một Tuần dương hạm, ông cho lệnh di tản, chúng tôi đã có ngay quyết định, một anh em nào muốn về nhà thì chỉ bằng đường bộ, anh em nào muốn xuôi Nam về Saigon thì sẽ theo chúng tôi, nhưng vẫn chưa có một con tầu nào di chuyển gần vùng, thời gian chờ đợi lâu như hàng thế kỷ, trong khi các ghe ZD đã chật cứng người, nhưng họ cũng vẫn không thể nào di chuyển hết được, thì giờ chậm rãi trôi qua cho đến khi BTL/TP chỉ thị HQ 12 trên đường về Vũng Tầu sẽ ghé qua và đón chúng tôi, cám ơn trời Phật, mọi người thở phào nhẹ nhõm, hành lý chuẩn bị cũng chẳng còn là gì ngoài chiếc balô đưng giấy tờ và hai bộ quần áo, hai ghe Yabuta chờ dưới chân đài đưa ra HQ 12 đang thả trôi ngoài vịnh, sóng ầm ầm đập vào thân tầu, chiếc ghe trồi lên thụt xuống theo con sóng, khi sóng nhô lên anh em đã cố gắng bám chặt vào thành tầu mà trèo lên boong, nguy hiểm cận kề, mỗi người lên được tầu là một lần hú vía, gần ba tiếng đồng hồ con tầu mới đón hết nhân viên trên đài, một số thân nhân gia đình của ZD 26. Trên tầu lúc đó đã có hàng trăm người nằm trải dài trên sàn chiến hạm. Hạm Phó HQ 12 đã nhường cho tôi cái giường còn lại trong khu Sĩ quan. Chưa hoàn hồn vì những biến chuyển liên tục trong 2 ngày, tôi như người mộng du, nằm chập chờn trên giường mà hồi tưởng lại những hình ảnh sinh hoạt và của mọi người trong thị xã, lòng tôi thầm cám ơn trời Phật đã hộ trì và cho chuyến đi về Vũng Tầu xuôi lọt. Qua gần một ngày hải trình, con tầu cặp bến Cát Lở, thả hết mọi người nó lại chuẩn bị để tiếp tục công tác đón vớt quân lính đang trên đường tránh loạn Cộng Sản. Thành phố Vũng Tầu nay như một trung tâm tạm cư, để nhiều chuyến tầu ở miền trung về cặp bến thả người, không thì nhưng chuyến tầu khác lớn hơn đã phải đi thẳng ra Phú Quốc tránh đi những tấn công của Đặc công trong sông từ Soài Sạp vào tới SàiGòn. Trông thấy những tầu đổ bộ mà cửa ramp xác người còn lủng lẳng, bị kẹp chết cứng vì cố gắng lên tầu tìm tự do rồi cũng bị dập vùi bằng lưụ đan, bằng những viên đạn nghiệt ngã của chính anh em mình giết nhau để mà tranh dành một chỗ an toàn trên đường tránh nạn Cộng Sản. Có những người lính vì lợi lộc ham tiền, vì tính dục của con người đã không kìm hãm được nên xẩy ra cướp bóc hãm hiếp trên tầu, chúng đã bị bắt giữ ngay khi đặt chân lên An Thới, vị Tư Lệnh vùng đã được chỉ thị lập tòa án khẩn ngay tại vùng để tìm rõ nguyên do và những thủ phạm đã bị xử tội ngay tại pháp trường Phú Quốc.

VC phao kich vao khu vuc Cat Lai .jpg
Saigon–Cát Lái chúng tôi cứ phải đi về, quan lính tập trung tại Cát Lái để chờ lệnh và ứng trực trong khi những cơn đạn pháo cứ ì ùng rót vào khắp nơi. Trên truyền hình, tin tức của các đài VOA, BBC…. tràn ngập những tin xấu và tồi tệ nhất, cuộc sống của thủ đô Saigòn đã bắt đầu lung lay thay đổi, sự từ chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nội các mới thành hình với thành phần chính phủ như là cũng không đem lại nhiều điều mới lạ. Đây đó mọi người lại tìm đường thoát, bản đồ ngày một nhuộm đỏ, câu chuyện của mọi người nay chỉ là đi, tìm đường lánh nạn, đi đâu, bằng phương tiện gì… nhà nhà chuẩn bị, mọi người khăn gói, trên bến cảng đầy người, chung quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, hàng rào kẽm gai giăng kín, tầu bè đã đầy người, ra vào khó khăn. Saigon sùng sục vì di tản, những nhuyến máy bay rớt rụng giữa trời vì những đạn pháo, rocket của Cộng Quân, vòng đai thành phố những chạm súng liên tục, người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn ngang nhiên chiến đấu, từng toán Cộng Quân bị ngã gục đây đó khắp nơi, những mảnh cờ đỏ sao vàng, xanh đỏ của quân giải phóng đã lác đác xuất hiện, những kẻ hôi của đã bắt đầu hoành hành, thành phố trở nên náo loạn, con đường đổ về bờ sông Saigon nghẹt người và xe cộ, trên boong những con tầu chật cứng nguời, khuôn mặt người dân lo âu và hốt hoảng, tương lai không biêt ra sao, nhưng cứ tránh được Cộng Sản thì bất kỳ nơi đâu cũng thấy an toàn và hạnh phúc hơn. Đứng chờ gia đình nơi bến cảng, vẫn chưa thấy ai tới, quá lo lắng và mệt mỏi trở lại nhà để hối thúc mọi người, nhưng khi trở lại được bến tầu, định mệnh như đã an bài, những con tầu thân thuộc, những người bạn chờ đợi quá lâu cũng không thể nào hơn được đã phải vội tháo dây tách bến để cũng những con tầu khác ra khơi tìm đường lánh nạn. Bến Bạch Đằng trống vắng, cầu tầu lặng lẽ đơn độc, xe cộ đồ đạc ngổn ngang. Tôi đứng lặng nhìn mà lòng câm nín, tắc nghẹn, giọt nước mắt rơi xuống khi nào mà tôi cũng không hay.

Nguyễn Trần Lê


Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

ĐỜI LÍNH THỦY *

Cầm tờ công điện thuyên-chuyển về Hải-Đội 5 Duyên-Phòng, một thoáng nghĩ-ngợi, suy tư. Đời lính thủy hết biển vào sông, nay lại ra biển vào sông, trong lúc Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chặn

Kính tặng Gia Đình và tưởng nhớ đến Mợ, em Bình.
Thân tặng Hải Sư 17.

Nguyễn Trần Lê

Cầm tờ công điện thuyên-chuyển về Hải-Đội 5 Duyên-Phòng, một thoáng nghĩ-ngợi, suy tư. Đời lính thủy hết biển vào sông, nay lại ra biển vào sông, trong lúc Giang-Đoàn 42 Ngăn-Chặn đang chuẩn bị hành-quân phối hơp cùng Giang-Đoàn 59 Tuần-Thám và Tiểu-Khu Châu-Đốc.

Trình công-điện lên Chỉ Huy Trưởng GĐ 42 NC, ông nói:

“Mừng tôi thoát khỏi vùng giởi tuyến Việt- Miên”, bắt tay và chúc tôi về đơn vị mới thành công. Đồng thời ông ra lệnh bàn giao hành quân cho Thiếu Úy Sơn, cùng làm Sự Vụ Lệnh nghỉ phép một tuần trước khi đáo nhậm đơn vị mới.

Trình diện Hải Quân Đại Úy Phạm Văn Ty, trưởng toán huấn luyện/Phân Đội 1/HĐ 5 DP tại Cát Lở, Vũng Tầu, nay đang tạm trú và thực tập với các PCF của Hải Quân Hoa Kỳ trong chương trình ACTOV, chuyến giao các chiến hạm, chiến đỉnh cho Hải Quân Viêt Nam Cộng Hòa. Tôi đã có ngay một lịch trình huấn luyện trong 3 tháng trên các PCF, sau đó sẽ nhận lãnh ngay tại Cát Lở.

Đời lính chưa được bao năm, hồi tưởng đến những ngày tháng xa xưa, những hình ảnh của Hà Nội, Hồ Guơm, Hồ Ha-le, những mùa hè về thăm quê cũ Hải Dương, Nam Định mà lòng còn bồi hồi, luyến nhớ. Lần đầu tiên bước chân lên chiếc máy bay DC3 của Hàng Không Việt Nam từ Hà Nội vào Sài Gòn, trước khi đất nước chia đôi, ngồi trong lòng máy bay nhìn qua cửa sổ, tâm trí miên man sung sướng, cuộc đời nay như đã thay đổi trôi nổi”.

Sinh ra ở miền Bắc và lớn lên trưởng thành ở miền Nam, cuộc đời cứ thế trôi, dưới vòng tay âu yếm chăm sóc của cha mẹ. Đời có lo nghĩ gì, cứ thế ăn, học và chơi. Rồi những ngày tháng trẻ dại qua dần, bước vào ngưỡng cửa Đại Học tôi đã được cha mẹ cho ghi danh học khóa 1 Chính Trị Kinh Doanh của Đại Học Dalạt. Tưởng thế đã xong, hy vọng ra trường cũng sẽ có ngày tươi đẹp. Mải mê với những hoạt động Thanh Niên Thiên Chí nay Dalat, mai Vũng Tầu, mốt Mỹ Tho, tôi đã sao lãng đi nhiệm vụ học tập mà cha mẹ đã gầy dựng cho tôi.

Tình hình đất nước ngày một sôi động, lệnh Tổng Động Viên ban hành, đã có những người bạn dứt áo học trò khóac áo chiến binh, cố gắng học thêm một năm, nhưng tới hạn tuổi, không thể nào hoãn dịch được nữa, trường Bộ binh Thủ Đức gọi trình diện, biết tránh không khỏi quãng đường chiến binh, nộp đơn thi vào khóa 17 Sĩ Quan Hải Quân. Quả thật gay go, hơn 1000 người khắp 4 Vùng chiến thuật để dự tranh 136 chỗ. May mắn sao mà tôi lại lọt vào vòng đầu. Thôi thế là thoát kiếp Bộ Binh Thủ Đức. Sau kết quả thi Văn Hóa, trở vào Bệnh Viên Hải Quân để khám sức khỏe, rồi điều tra an ninh, lãnh quân trang… Hết tất cả thủ tục cũng gần 4 tháng, nhập trại Bạch Đằng 2, Saigon để chờ tầu chuẩn bị nhập khóa học 2 năm tại Trung Tâm Huấn Luyên Hải Quân Nha Trang.

Mặc bộ đồ kaki vàng, đầu đội nón kết, tóc hớt ngắn, trông như một anh ngố. Cả nhà cười rộ lên khi tôi mặc bộ quân phục, không lon lá, không cầu vai, chỉ trừ một bảng tên… Bố mẹ tôi cũng rưng rưng nước mắt, vì biết rằng cuộc đời tôi nay đã đổi chiều ‘thân trai nam nhi chi chí, đất nước cần thanh niên có.’ Lòng tôi thì háo hức. Nhưng đâu biết rằng Bố Mẹ tôi cũng đã buồn không ít, vì với những kinh nghiệm của một Sĩ Quan thâm niên trong quân ngũ, nên ông đã biết rõ đời lính là như thế nào. Biết sao bây giờ? Tình hình sôi động. Đất nước đã bước vào cuộc chiến. Dầu sao thì Hải Quân cuộc sống cũng khá ổn định hơn những binh chủng khác như Bộ Binh, Biệt Động Quân… và ít ra vẫn có một cái nghề sau này nếu như được giải ngũ.

Duong Van Ham Da Nang HQ.501 .jpg
Trên boong Dương Vận Hạm Đà Nẵng HQ501, gần 100 anh em vui vẻ đùa giỡn, những câu chuyện của những ngày học trò, những cuộc tình đầu, những hẹn hò, những cuộc vui chơi, nay chỉ còn thoang thoảng, cảnh trời nước mênh mông, con tầu cứ lầm lũi đi, đám thanh niên đầy nhiệt huyết đang say sưa vói những kỷ niệm, với những vật vã của sóng nước, đâu đó kẻ đứng người nằm trải dài trên boong chiến hạm. Tới được bãi ủi trước Quân Trường thì mặt trời cũng đã lên cao, nhân viên chiến hạm vào nhiệm sở vận chuyển, trong khi các anh lính mới tò te, mặt mũi còn phờ phạc sau 2 đêm hải hành, nhưng vẫn phải balô chuẩn bị cho một cuôc lên bờ chưa biết như thế nào?

Bước khỏi cửa đổ bộ của DVH, vai khiêng balô, khóa đàn anh đã đứng chờ sẵn trên bãi cát, anh em sắp hàng theo lệnh của Sinh Viên Cán Bộ. Những tiếng nghiêm nghỉ dõng dạc, đàn anh thăm hỏi tận tình, thấy thật vui vẻ, rồi hàng hai bước đều theo sự hướng dẫn của các Sinh Viên Cán Bộ.

Qua khỏi cổng quân trường là cột cờ chính sừng sững, lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới trong gió, tôi lấy sức hít một hơi thở thật dài để che dấu cái bỡ ngỡ của buổi ban đầu. Xếp hàng trên sân thao diễn trường, các Sinh Viên Cán Bộ đàn anh dàn chào trước mặt, những lời huấn thị của các SVCB còn oang oang:

Trước mặt các anh là biển cả mênh mông,
Sau lưng là núi đồi trùng điệp, ,
Các anh đã lấy biển làm nhà, lấy tầu làm bạn
Lấy mầu nước biển làm mầu mắt người yêu….”

Đang loáng thoáng nghe những lời của các SVCB, một lệnh dõng dạc:

“Balô lên vai đàng trước bước”.

Lại một màn thử sức, vai mang balô, chúng tôi làm một cuộc chạy vòng quanh quân trường, ôi những chàng thanh niên sức trói gà không chặt đang ngả nghiêng theo nhịp chạy, có những chàng vừa chạy vừa ói mửa, rên la, nước mắt mồ hôi nhễ nhại, muốn gập người xuống nhưng vẫn phải cố gắng lết theo anh em, SVSQ Cán Bộ chạy song song với những tiếng hô dõng dạc, vào tới khu vực sinh họat của SVSQ, hầu hết các SVSQ khóa đàn anh đang đứng sẵn chờ đón chúng tôi.

Những ly nước tiếp tế sau màn chạy việt dã, những luật lệ đã được các đàn anh thông báo một cách cặn kẽ. Sau khi được đọc tên và chỉ định khu vực ăn ở, chúng tôi chuẩn bị cho buổi cơm đầu tiên ở quân trường. Buổi tối lại được tập họp lên giảng đường nghe hiệu lệnh.

Một tháng huấn nhục, 30 ngày làm nòng nọc, những ngày đầu đời của nghề lính biển, ngày ngày phải lên giảng đường học về những lý thuyết căn bản đời sống của một quân nhân, ngoài ra còn thêm những buổi học về cơ bản thao diển…, nhưng có lẽ mệt nhất và khó quên là những buổi huấn nhục truyền thống cốt để anh em làm quen với đời sống mới và tâp chiu đựng, tâp tính kiên nhẫn, thi hành mệnh lệnh; nào thì lái xe la mã, lăn thùng phi, nhất dương chỉ, đá dế, trăng lên hoa nở, đàn anh bắt ăn những trái ớt cay xé lưỡi nhưng vẫn phải khen ngon ngot, ngậm những chiếc bí tất hôi hám nhưng vẫn phải vui vẻ, tươi cười, đang mệt thở không ra hơi lệnh phải uống cho hết ly nước muối, nhắm mắt uống cạn nhưng đó cũng chỉ là ly nước đường lấy sức ,chống đối thì lại được đi tầu ngầm, quá mệt thì được ngồi đếm lá me. Trong khi trời nắng chang chang của mùa hè thì đàn anh lại bắt chúng tôi mặc hết tất cả quần áo trong vòng 10 phút. Lúng túng, vất vả mãi vẫn không xong, nghe tiếng còi là phải ra tập họp ngay, không thì lại bị phạt bằng những màn hít đất. Quả thật tôi chưa bao giờ lai thấy có những trò chơi ngược đời, khôi hài như vậy trong đời…. Mỗi đêm nhìn lên báng đen con số cứ được đánh từ 1/30 rồi 2/30…. cứ thế ngày lại ngày, sức con người dường như đã chịu được thách đố. Nhưng cũng buồn thay một người bạn đã ra đi trong những ngày đầu của đời lính, và một đã phải xuất ngũ vì không chịu nổi cái luật lệ khắt khe, đời sống khuôn phép của quân trường.

Thời kỳ huấn nhục, giai đoạn một cũng qua đi để rồi chúng tôi làm lễ đứt đuôi con nòng nọc và trở thành Sinh Viên Sĩ Quan Tầu Ngầm, với cặp bát đen trên vai, nhưng trông vẫn có oai hơn một tí. Buổi lễ ‘Bố Con” đươc tổ chức và mỗi tân SVSQ đàn em đươc một SVSQ đàn anh nhận làm Bố, cốt để theo dõi và giúp đỡ đàn em trong thời gian học. Lúc đó Bố con thật thân mật và chúng tôi đã được hưởng, lần đầu tiên từ ngày nhâp khóa bằng những món ăn thật đơn giản caphe sữa đá, thuốc lá Pall Mall, bánh mì patê Chụt nổi tiếng của Nha Trang.

Ngô nghê giữa lòng phố Độc Lập, Nha Trang, các cô nữ sinh trông thấy chúng tôi cười mỉm chi, vì biêt đây chỉ là những anh lính mới tò te. Ngày đầu tiên đi bờ sau một tháng huấn nhục, lòng chúng tôi như mở hội, đi dọc suốt phố phường Nha Trang, vòng xuống bãi biển, chiều tối trước khi hết hạn đi bờ cũng không quên ghé vào Chụt làm một ổ bánh mì thịt.

Toán, Hàng hải thiên văn, điện kỹ nghệ, vân chuyển chiến thuật, cờ đèn, nghệ thuật chỉ huy, xã giao Hải Quân, vũ khí, Anh ngữ… cơ bản thao diễn….bên cạnh những buổi tập Thái Cực Đạo đổ mồ hôi bầm tím thân thể, những buổi sáng giá lạnh vùng vẫy với sóng biển qua chương trình đặc biệt để lấy bằng bơi lội, những môn hoc tới tấp, ngày lên giảng đường, chiều tối sau cơm chiều cũng phải tập họp lên giảng đường ôn bài. Để sáu tháng sau lại một màn thi cử lên giai đoạn hai của chương trình hai năm.

Năm thứ nhất qua đi, khóa đàn anh mãn khóa, quân trường rợp cờ xí, quan chức, thân nhân tham dự ngồi chật khán đài, Sinh viên Sĩ quan, Tân binh, quân nhân các cấp, ngay hàng thẳng lối, những tân sĩ quan trong bộ đại lễ trắng nghiêm chỉnh xắp hàng chờ hiệu lệnh. Bước theo điêu nhạc quân hành. Toán quân quốc kỳ dẫn đầu khóa đàn anh đã vào vị trí hành lễ, với những lễ nghi trang nghiêm quân cách, lời nhắn nhủ hùng hồn của vi TổngTư Lệnh QLVNCH còn âm vang, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn lon Thiếu Úy cho Sĩ Quan Thủ Khoa, lời thề của các Tân Sĩ Quan vẫn còn vang trong gió, và các Tân Thiếu úy đã sẵn sàng ra khơi, đáp lời sông núi.

Bao người con trai kiêu hùng cùng nhau tách bến,
Ra khơi mênh mông sóng to gió mưa không sờn…..
Ta là chiến sĩ của trùng dương muôn sức sống
Đêm thân nam nhi giữ vững cõi bờ Việt Nam…

Để rồi hơn tháng sau, mầu áo chưa đủ phong sương, HQ Thiếu Úy Võ Hương đã vĩnh viễn ra đi khi Giang Pháo Ham bị phục kich bằng những quả đạn pháo B 57 trong lúc tuần tiễu trên giòng sông Cổ Chiên , Bến Tre.

Hai tuần phép ở Saigòn quả thật thần tiên, chững chạc trong bộ Tiểu lễ vai óng ánh với cặp lon SVSQ Chuẩn Úy, tôi như là một người mới, vui chơi với bạn bè, gia đình, caphê quán xá khắp Saigòn, hơn một tuần trôi qua, Tổng công kích Mậu Thân, Công Sản đã tỏa những cuộc tấn công, đột kích các căn cứ quân sự và bắn phá bừa bãi vào khu vực dân chúng, lệnh tập họp vào trại Bạch Đằng 2 để ứng chiến, chúng tôi đã phải tiếp ứng cùng các anh em Hải Quân cơ hữu. Những cuộc tảo thanh quy mô, vòng vây xiết chặt VC đã thất bại trong cuộc tổng công kích Mậu Thân. Để rổi chúng tôi phải trở lại Quân trường tiếp tục thụ huấn, miệt mài với bài vở, thi cử, và tiếp đón khóa đàn em.

Về lại Sàigon 10 ngày tham dự diễn hành Quốc Khánh cùng với các quân binh chủng, cầm chắc lá quốc kỳ, theo nhịp bước quân hành mà lòng tôi thấy hãnh diện. Và rồi những buổi di hành vai đeo balo, súng Garant cầm tay, những chuyến thực tập hành quân đổ bộ với các ghe duyên đoàn, huấn luyện hải hành trên Huấn Luyện Hạm xuôi dọc theo bờ biển, hải đảo miền trung, mồ hôi, sóng gió, con tầu đã làm tôi quen dần với đời lính thủy. Hai năm miệt mài, học hành thi cử, rồi cũng tới ngày mãn khóa, một chu kỳ mới bắt đầu.

May mắn tôi đã được chọn đi thực tập trên chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội.
Chuyến phi cơ của Không lực Hoa Kỳ cất cánh từ Tân Sân Nhất đáp xuống phi trường Clark PhiLuật Tân khi nắng vừa tắt, chuyến xe Buýt đưa chúng tôi về căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ ỏ Subic thì cũng đã quá nửa đêm. Buổi sáng cảnh trí Subic Bay thật tuyệt vời, đứng nhìn toàn vịnh trên đồi cao, trước mặt là biển xanh quanh đó là những hải đảo với những hàng dừa cao vút, hải cảng đầy tầu bè, cảng Subic như là một thành phố nhỏ, có đầy đủ tất cả các phương tiện sinh hoạt, ăn uống, giải trí, thể thao, thương xá, các công viên rợp mát như một biểu tượng Made in USA.

https://i2.wp.com/www.navsource.org/archives/05/pix2/0578135.jpg
Trong thời gian nằm chờ Khu Truc Hạm DD 781 và các chiến hạm khác trở về Subic sửa chữa, nghỉ bến, chúng tôi đã làm một vòng thăm Subic, Olongapo, với những đêm nghiêng ngửa dưới ánh đèn mầu và San Miguel cùng quấn quit bên các nàng vũ nữ gợi tình nóng bỏng, rồi cùng nhau đáp chuyến xe Buyt đi thăm thủ đô Manila, thành phổ nhộn nhịp, huyên náo, những chiếc Jeepney mầu mè xanh đỏ xuôi dọc, ghé qua những lâu đài, nhà thờ cổ kính, kiến trúc đượm nét Tây ban Nha, dọc phố phường những nàng kiều nữ Phi da ngăm đen mượt mà đang líu lo Tagalog.

Xuống trình diên Hạm Trưởng tôi đã có ngay công việc. Bỡ ngỡ với những sinh hoạt trên chiến ham, với mớ sinh ngữ hạn chế tôi đã phải vất vả để theo kịp đời sống trên tầu. Chuyến hải hành đầu tiên như đã có vẻ thuận lợi. Ra khơi trực chỉ biển Đông để cùng các chiến hạm khác của Đệ Thất hạm đội đang làm nhiệm vụ tuần tra biển Đông từ khu vực Trung Hoa tới Phi Luật Tân.

Những chiếc ghe đánh cá quen thuộc lờ mờ ở trước mắt, hàng dương cát trắng, mùi biển mặn, tầu đang trong vùng biển Việt Nam. Ngày cũng như đêm, lên phiên rồi lại xuống phiên, nếu không thì cũng có những công việc khác để làm, theo dõi những công việc trong CIC, trung tâm chiến báo, quan sát Helo lên xuống tiếp tế thư từ, vật dụng cần thiết cho chiến hạm, hoặc được chỉ dẫn xử dụng và điều khiển những dàn phóng Torpedo, Hedge Hog, pháo tháp tác xạ bằng Radar. Quan sát các chiến hạm hải hành tập đội, tiếp tế ngoài khơi, chuyển người vật dụng bằng hight line giữa biển khơi… Bốn Khu Trục Hạm, một tầu ngầm hải hành tập đội hộ tống Hàng không mẫu hạm, trong lúc những chiếc phản lực cơ rầm rộ cất, hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm, công việc hầu như không lúc nào ngưng nghỉ, cuộc chiến đang vào giai đoạn gay go, quân đội Mỹ đã bắt đầu tham dự vào cuộc chiến ở Việt Nam. Hơn hai tháng trời ròng rã ngoài khơi, lên xuống, bất chấp mọi thời tiết, con tầu như đã mệt mỏi. Được lệnh trực chỉ Yokosuka, Nhật bản, thủy thủ đòan reo mừng, ngày nghỉ đã tới.

Đường vào vịnh mờ nhạt, sương mù dầy đặc, con tầu chầm chậm lướt, radar hoạt động liên tục, thỉnh thoảng những hồi còi dài lại vang lên… Trời mùa Đông xứ Phù Tang sao thấy buồn và ảm đạm. Những cơn gió buốt lạnh mà tôi không quen nó như vuốt vào mặt. Mây trời xám xịt mưa lất phất, đường phố lạ người lạ tên, nghĩ đến những tháng ngày xưa lang thang Hồ Xuân Hương, Caphê Tùng, Đồi cù, Đalạt ….

Chiến hạm vào ụ sủa chữa phần dưới lườn tầu, chúng tôi được phép đi chơi thăm thành phố cảng Yoko, nơi tầu bè ra vào nghỉ bến sửa chữa. Lại được thăm một xứ sở mới, người Nhật với tinh cần cù nhẫn nại và một tinh thần dân tộc cao độ đã làm cho chúng tôi không khỏi khâm phục, hàng quán đầy dẫy, trong các thương xá nhân viên mặc đồng phục tiếp khách lễ độ, vui vẻ, cho nên dù không thích mua sắm mọi người ra về cũng có một chút cầm tay. Khu giải trí không xa, nằm riêng biệt với khu thương mại, những tấm bảng chào mừng USS 781, USS Midway, DD 790… giăng ngang dọc phố. Những quán rượu đèn mầu mờ ảo, nhạc nhộn nhịp, những nàng Geisha tươi cười tình tứ, vui chào đón khách, bình rượu sake hâm nóng đang chờ đón những chàng thủy thủ thiếu hơi nồng.

Lên thăm một chiến hạm Nhật tôi đã được ăn một bữa cơm thuần túy Nhật với súp Miso, cơm, rong biển, cá… vòng quanh thăm chiến ham, không nhiều vũ khí, đời sống của họ thật tươm tất, ngăn nắp. Đáp xe lửa lên Ginza Tokyo khi thành phố đã lên đèn, cái nhộn nhịp nó như đập vào ngay mắt tôi, hàng hàng, lớp lớp, người cùng xe cộ lũ lượt, đường xá như không có chỗ chen chân, nhà ga thành phố xe lửa đầy nghẹt người, họ im lặng lên xuống nhanh chóng lẹ làng, quy củ, các chuyến xe chạy đúng giờ, mặc dù hành khách vẫn xắp hàng dài. Thành phố như không có ngày đêm. Đèn mầu lấp lánh, các building ngất ngưởng, Hotel sang trọng, khu thương xá nhiều tầng đày hàng hóa đủ loại, quán xá tiệm ăn nghẹt người đang xì xụp Sukiyaki, các Bar, quán rượu vũ trường, những cô gái hờ hững, mát mẻ trong những kiếu áo quần nửa kín nửa hở đang uốn éo trong cứa sổ kiếng mời chào. Cái náo nhiệt, và sôi động như đã thúc đẩy nhịp độ sinh hoạt của cả nước. Mặt trái của xứ sở Phù Tang sau lưng vẫn im lặng với những công viên rợp mát, thanh thoát, trau chuốt, các đền đài, lăng tẩm, chùa chiền cổ kính đày mầu sắc văn hóa. Hoàng cung uy nghi và lặng lẽ đứng riêng lẻ trên đồi cao như đang dang tay và vươn mình che chở cho con dân xứ Mặt trời mọc.

Để sau 3 tuần, đáp chuyến máy bay từ phi trường Tachikawa trở lại Việt Nam vào nửa đêm, lòng vẫn còn như luyến tiếc một cuộc thăm viếng quá ngắn ngủi, chưa thỏa lòng người.

Cái nóng của Sàigòn vào dịp Noel đã làm tôi ngột ngạt hết mấy ngày vì thay đổi khí hậu. Nhưng cũng chỉ vừa đủ để tôi có thể lấy lại tinh thần chuẩn bị đáo nhậm nhiêm vụ trên HQ 615 thuộc Hạm đội tuần duyên.

tuan-duyen-ham-tay-sa-hq-615

Chuyến hải hành đầu tiên, Vùng 4 duyên hải Phú Quốc. Quần áo tiểu lễ sạch trắng đứng dọc chiến hạm dàn chào khi ngang Bộ Tư Lệnh Hải Quân, qua khỏi Nhà Bè chúng tôi đã phải vào ngay nhiệm sở tác chiến cho suốt chặng đường tới cửa Soài Rạp. Ra khơi lòng chập chùng, mùa gió bấc con tầu nhấp nhô ngang ngửa, bụng dạ đã thấy khác thường, xa biển cả chỉ mới hơn tháng, sức lực đã thấy thay đổi, có ra khơi mới thấy sóng nước, cái chịu đựng cũng chẳng dài được bao lâu, tôi đã làm một màn cho cá ăn chè….Ô la la..

Ôi biển cả giờ đây ta mới biết’
Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta ??

Nhưng có lẽ nào như vậy, đang đương phiên nên dù có ói ra mật xanh mật vàng cũng phải âm thầm chịu đựng. Bốn tiếng chịu trận trên đài chỉ huy rồi cũng qua đi, cho tới khi con tầu đổi hướng xuôi Nam, độ lắc như đã dịu lại. Để Côn Sơn bên phải, con tầu vẫn gầm gừ lướt sóng. Trình diện Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Duyên Hải, chúng tôi tiếp tuc hải trình tuần tra vùng Phú Quốc- Côn Sơn. Ngày lại ngày, đêm qua đêm, mọi người vẫn tiếp tục công việc. Không đi phiên hải hành thì ban ngày vẫn phải tu bổ con tầu, giấy tờ… hoặc làm nhiệm vụ tải thương, tải xác người bạn đồng khóa đã bị sóng biển dập vùi ngoài khơi Tamasou…, kiểm soát bất thường ghe cộ qua lại trong vùng gần bờ, hay giúp đỡ ghe đánh cá bị nạn… và có những buổi đi bờ nghỉ bến tại một hải đảo nào đó trong vùng tuần tiểu cũng làm cho chúng tôi thảnh thơi hơn được đôi chút, lặn ngụp với sóng nước hải đảo, lên bờ có những bóng xanh, bóng hồng dù không bằng thành thị, nhưng nó vẫn có những nét đẹp mộc mạc, mặn nồng, nóng bỏng hoặc là những bữa nhậu”dzô dzô 100% “ không nhớ đường về.

– Tango Lima’ đây Alpha Bravo’’ nghe rõ trả lời’

Tiếng kêu trên máy truyền tin làm tôi lưu ý, đang đứng ngoài boong quan sát, tôi vôi bốc máy lên nghe;

– Yêu cầu Tango Lima tơi diểm…..X Y….. để theo dõi một echo lạ đang di chuyển theo hướng…. vào bờ.

Tôi vội báo cáo cho Hạm Trưởng đồng thời quay mũi con tầu hướng về phía diểm đó để theo dõi. Vì trong vùng Phú Quốc thường các ghe đánh cá Thailand qua đánh cá lậu, hay các ghe bên miệt hải cảng Miên qua buôn bán, chuyển hàng bất hợp pháp. Đôi khi có những tầu tiếp tế vũ khí của Cộng sản Bắc Việt tìm cách xâm nhập vào khu vực U minh thượng và hạ. Radar vẫn chạy, chấm điểm trên hải đồ đồng thời tắt đèn hải hành, theo dõi con tầu lạ. Khi nó đã vào trong hải phân, chúng tôi đã được lệnh bằng mọi giá phải chận bắt cho bằng được. Nhiều lần đánh đèn để ngăn chặn chíêc tầu nhưng nó vẫn không chịu ngưng, lệnh nhiệm sở tác chiến, những tràng đạn đại liên bắn chặn đầu đã làm cho con tầu lạ phải chịu phục tòng. Tới đúng tiêu chuẩn cho phép chúng tôi đã rọi đèn pha vào chiếc tầu này, một cặp đang kéo lưói dã cào, nhân viên vào nhiệm sở, chuẩn bị mọi bất trắc, ra lệnh cho họ tới gần đi song hành rồi cho cặp vào tầu để kiểm tra, đồng thời mời thuyền trưởng tầu đánh cá cho biết họ đã xâm nhập vào hải phận Việt Nam. Sau khi kiểm tra tất cả mọi việc, báo cáo về Bộ Tư Lệnh V4ZH, chúng tôi đuợc lệnh áp tải tầu này về An Thới để làm thủ tuc giải giao cho Quan thuế. Ba tháng biệt phái vùng 4 duyên hải, tầu lại dược lệnh trở về Saigon tu bổ trước khi nhận nhiệm vụ khác.

Vùng hai duyên hải, quê hương cát trắng nơi tôi đã thụ huấn hai năm, chiến hạm đã phối hợp tuần tiễu với các Duyên tốc đỉnh thuộc hải đội 2 duyên phòng, và các ghe Duyên đoàn trong vùng, cũng đã phần nào ngăn chặn đuợc sự xâm nhập bằng đường thủy của các SL (Suspect trawler, tầu chuyên chở vũ khí của Cộng sản Bắc Việt). Dọc ngang Qui Nhơn, Đại Lãnh, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết vừa làm nhiệm vụ tuần tra cùng hưởng được những nét đẹp của quê hương, biển xanh cát trắng, núi đồi trùng điệp, cảnh đẹp thiên nhiên đã làm cho đời lính thủy thêm nhiều thi vị. Ngoài khơi xa là những Khu Trục Hạm, hay các Tuần Dương Hạm đang hải hành bao vùng. Ba chuyến hải hành là thấy hết năm. Chưa một năm nào tôi lại được ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình từ ngày nhập ngũ.

Đang chuẩn bị cho chuyến tiểu kỳ tôi lại nhận được công điên thuyên chuyển về thực tập trên các chiến đỉnh thuộc Giang Đoàn Ngăn Chặn vùng Châu Đốc, kinh Vĩnh Tế. Hết biển giờ lại vào sông. Đời lính thủy mười hai bến nước mà chưa thấy bến tình… Trình diện Sĩ quan liên lạc tôi đã được giang đĩnh chuyển tiếp vào Bộ chỉ huy Hành Quân RAD 132, nằm chơi vơi giữa cánh đồng lúa nổi, kế cận căn cứ của Biệt Kích Delta, Tịnh Biên, nơi với những người lính không có số quân, dọc ngang vùng đàm lầy nước lụt, bên những cánh đồng lúa xạ, mọc tùy theo con nước. Sống trên những chiếc giang đĩnh chật hẹp, dầm mưa dãi nắng, gạo sấy nước sông, tuy nhiên vẫn còn có một cái giường để nằm. Lên xuống dọc kinh Vĩnh Tế từ Giang Thành nối tiêp tới Châu Đốc, sáng sáng một chiếc tầu rà mìn điều khiển vô tuyến làm nhiệm vụ để thông thương an toàn cho các ghe qua lại. Đêm đêm vẫn phải đi kích, nằm chốt ở một địa điểm nào đó, hay lại phải đi hành quân phối hợp với các đơn vị Bộ binh, Đia Phương Quân… Địch thấy ta chứ ta không thấy địch. Những cuộc chạm súng vẫn thường xẩy ra, nhưng với hỏa lực mạnh của các Giang đỉnh cũng đã làm êm tiếng súng địch một cách nhanh chóng.

Cuộc chiến dường như không dễ dàng, lơ đễnh khinh dịch là chuốc lấy hậu quả ngay. Đơn vị đã bị gài mìn bẫy và bị tấn công trong lúc di chuyển đến điểm kích. Tội nghiệp cho Thủy Thủ Vận Chuyển Hai, chuẩn bi đi phép thì bị tử thương trong trân đột kích đó. Một chiếc trực thăng OV10 đã bốc tôi và xác TT Hai chở về Đại Đội Chung Sự Cần Thơ, để tôi phải về Saigòn làm nhiệm vụ báo cho thân nhân đến nhận xác. Thật khó khăn lắm tôi mới tìm được địa chỉ, gặp thân nhân lúng túng chẳng biết nói sao. Gia đình khóc thương, than vãn vật vã, cuộc chiến nào thì cũng có mất mát, thương đau.

Anh trở về hòm gỗ cài hoa …
Trên trực thăng sơn mầu tang trắng.

Chuyển giao các Giang Đoàn cho Hải Quân Việt Nam, nhiệm vụ dường như đã nới rộng, các trục lộ bằng đường thủy đã được kiểm soát, từ Tịnh Biên,Takeo, An Phú, Hồng Ngự, Đồng Tiến tới Tuyên Nhơn, Mộc Hóa… ngày đêm chúng tôi vẫn lầm lũi dọc ngang. Cùng lúc được tin Nguyễn Đức Khải đã bị B40 xé nát tầu PBR trong khi đang tuần tiễu ở Tuyên Nhơn, Đào Văn Hải đã không chịu được sức ép của mìn khi giang đĩnh đang trên đường tiếp trợ đơn vị bạn vùng Neak Lương. Đào quang Chính, Trần Văn Vấn của Giang Đoàn Tuần Thám cũng đã vì nước hy sinh. Và cũng chính người Thiếu úy tôi bàn giao hành quân cho anh ta, thay thế tôi làm trưởng toán tầu Alpha mở đường cho cuộc hành quân phối hợp ở Takeo, bị địch tấn công quá nặng, cũng đã dể lại một cánh tay trên chiến tuyến và những chiếc Alpha lỗ chỗ đạn cùng những thương binh bê bết máu..

Tình hình Miên Cộng cáp duồn quá nặng nề, dưới áp lực đó chính phủ đã tăng phái các chiến ham, và các Dương vận hạm lên Miên di chuyển kiều bào về Viêt nam, dòng sông như nhuộm đỏ, đây đó những xác người trôi nổi cùng lục bình, xác còn xác mất nửa.

Lại một lần nữa chúng tôi xuất ngoại, an toàn hải trình cho các tầu chuyên chở kiều bào về Viêt Nam. Trú đóng tại Neak Lương, làm tiền trạm và yểm trợ cho các đơn vị bạn, chúng tôi đã thấy được cái dã tâm của Miên Cộng hay Việt Công? Học thuyết Đỏ đã làm con người như bèo bọt, chẳng còn một tí giá trị nào?

Những cuộc hành quân phối hợp, tuần tiểu hầu như liên tục, kinh rạch chằng chịt của miền Nam đã làm cho chúng tôi soải cánh, vùng kiểm soát ngày một nới rộng, họat động của Cộng Sản gia tăng, cùng lúc phải ngăn chặn những hoạt động buôn lậu dọc theo biên giới, lưới trời lồng lộng ,biết sao bỏ lưới mà bắt được hết chim?

Mới 4 năm trong quân ngũ, 3 đơn vị cũng đã làm tôi thức tỉnh, khôn hơn, cái tính học trò nhút nhát nó không còn nữa để thay thế vào là cái ngang tàng, suy tư của người lính. Dọc ngang sông nước Củu Long tưởng như đã đủ, vừa mừng vì nghị định thăng cấp, nhưng lòng tôi lại sao xuyến, bồi hồi khi cầm lệnh thuyên chuyển về Hải Đội 5 Duyên Phòng, một đơn vị tân lập. Mà Bộ chỉ huy tạm thời ở Mỹ Tho, chờ đợi khi căn cứ của Vùng 5 Duyên Hải hòan tất thì tất cả 3 phân đội PCF sẽ dời về Năm Căn, Sông Bồ Đề. Và chịu trách nhiêm vùng cuối cực Nam của đất nước, từ Mật khu U Minh vòng qua mũi Cà Mau lên tới Bạc Liêu, Sóc Trăng, Định An.

PCF hai doi 5 duyen phong.jpg

Phân đội 1 đang chuẩn bị di chuyển về Năm Căn, phân đội 2 sẽ từ Phú Quốc đi xuống, còn một phân đội nữa một nửa sẽ từ Cam Ranh chuyển vào cộng thêm anh em đang thực tập đợt 2 tại Cát Lở.

Mười hai chiếc Duyên Tốc Đỉnh, dưới sự chỉ huy của HQ Trung Tá Phạm Gia Luật, vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của đơn vị đã dẫn dắt đoàn tầu từ Cát Lở xuống Năm Căn, ra khơi đúng lúc biển giao mùa nên thời tiết không được thuận lợi, những cơn sóng bạc đầu, những luồng gió lạnh, đã làm chúng tôi vất vả không ít. Khi tới cửa Bồ Đề trời cũng đã chạng vạng, bắt được đèn phao, liên lạc với 2 PCF Hoa Kỳ đang tuần tiễu trong sông Bồ Đề để tránh ngộ nhận, nhiệm sở tác chiến, mọi người áo giáp nón sắt và vào vị thế, nhìn `giòng sông đen ngòm, nước chẩy lặng lờ, hai bên bờ cây cao san sát chằng chịt, khí lạnh âm u vùng U Minh làm tôi nổi da gà, không một bóng đèn ghe nào lai vãng, cái tĩnh mịch của ban đêm nơi này dễ làm mọi người ngán ngẩm. Tiếng muỗi vo ve nghe mồn một. Đèn hải hành tắt ngúm, radar chạy liên tục. Qua ngã ba Đầm Dơi, rẽ phải đường đi Ca Mau, rẽ trái là đường tới căn cứ nổi Sea Float. Những ánh đèn quanh căn cứ làm chúng tôi thở phào, đã tới nơi. Đêm đó tạm yên cặp tầu vào Ponton chúng tôi nghỉ lấy lại sức, tuy nhiên vẫn phải chia phiên nhau gác, trong khi đó một tầu tuần liên tục lên xuống, thỉnh thoảng lại nghe ầm vì sức nổ của một trái lưụ đạn chống người nhái.

Vùng 5 Duyên Hải nằm chơi vơi, đơn dộc bên bờ Bắc của giòng sông Bồ Đề, mặt Đông là cửa Bồ Đề, Tân An, mặt Tây là cửa Bẩy Hạp vòng lên sông Ông Đốc, những ngôi nhà tiền chế của căn cứ đang được xây dựng, một phi trường dã chiến bằng vỉ sắt có thể chịu đưng được các loại vận tải cơ Caribou, C 123 chung quanh những rừng tràm đã được khai quang, cuối căn cứ là một tiền trạm pháo binh, trước mặt là đồn Địa Phương Quân. Chung quanh tuyệt nhiên không có một nhà dân nào, mọi phương tiện di chuyển đều bằng tầu hay bằng máy bay trực thăng, L19, hay Caribou, hàng tháng đều có các Hải Vận hạm xuống tiếp tế, đời sống nơi đây thật đơn giản, nắng mưa, muỗi mòng, ngày nào cũng thế mà thôi. Sáng mì gói chiều gói mì hay Ration C cứ thế liên tục hay là những bữa ăn bất ngờ với hải sản trời cho, cho tới khi nhận được tiếp tế. Với nhịp độ chuyển giao chóng mặt,tầu bè mỗi lúc một nhiều, hành quân, hộ tống các xà lan, tầu dòng, tuần tiểu không ngưng nghỉ, hết Bồ Đề rồi lại Sông Ông Đốc, Bẩy Hạp, Gành hào, mũi Cà Mau, hòn Đá Bạc, 4 ngày, rồi lại 4 ngày, lên xuống, ra vào, hay lại chở các toán Hải Kích đi vào mật khu… làm tiền trạm.

Làm Thuyền trưởng PCF 3913 chưa được bao lâu mà mầu da đã chai sạm lại, mầu sơn con tầu chưa bạc nhưng Ngô Văn Xinh người bạn cùng khóa đã gục ngã ở nơi đây vì bị phục kích, HQ225 đã nằm vĩnh viễn dưới lòng sông Bồ Đề bởi mìn từ. Hai chiếc PT của Hải Quân Hoa Kỳ, trong một hải vụ tiếp tế cho căn cứ Sea Float, một chiếc đã hứng nguyên viên đạn B57 thổi gần nát đài chỉ huy. Đời lính thủy tưởng rằng như nhàn nhã không ngờ cũng vào sinh ra tử. Ngày nào không đi tuần thì chúng tôi cũng cố gắng xuống làng, thực sự chỉ có gần 20 căn nhà được phép buôn bán cho quân nhân trong khu vực, lai rai với vài chai bia hay vài xị đế, tô mì tôm cho qua ngày rồi chiều cũng phải quay lại căn cứ.

HQ Trung Tá Luật được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng hành Quân hộ tống đã cùng 12 chiếc PCF lại trực chỉ Tân Châu để phối hợp hành quân hộ tống các thương thuyền tiếp tế cho thủ đô Nam Vang đang bị bao vây. Trở lại vùng hành quân trước đây, tôi như lấy lại sự tự tin. Các chiến đỉnh đã được kiểm soát, sửa chữa và tiếp tế đầy đủ trước khi rời Năm Căn.

Bộ Tư Lệnh Hành Quân Trần Hưng Đạo 18, nằm trong căn cứ Tân Châu, ngay ngã ba kinh Châu Đốc và sông Tiền Giang, không xa là xã Vĩnh Xương, đồn biên giới Việt Miên, dòng sông phù sa đỏ đục ngầu, nước chẩy cuồn cuộn, thị xã Tân Châu tương đối trù phú và vì có thêm những nguồn kinh tế khác biệt từ biên giới, dân chúng đời sống khá giả hơn.

HQ Đại Tá Nghiêm Văn Phú, một người tầm thước, nghiêm nghị, Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám, cũng là Tư Lệnh Hành Quân, bên cạnh có HQ Trung Tá Nguyễn Văn May, Tư Lệnh Phó, cùng HQ Trung Tá Luật trưởng Đoàn Convoy, chỉ huy một lực lượng khá hùng hậu, những chiến đỉnh Alpha, Tango, Monitors với những khẩu Boford 40, súng phun lửa, đại bác 105 trực xạ nặng nề của Giang Đoàn Ngăn Chặn, Thủy Bộ, Khinh Tốc Đỉnh PBR, của các Giang Đoàn Tuần Thám, 12 PCF, Giang Pháo Hạm,cùng với Thủy Quân Lục Chiến. Trên không lúc nào cũng có 2 trực thăng võ trang của Hoa Kỳ bao vùng, trên bộ dọc theo hải trình vẫn còn có những đơn vị Bộ Binh Miên yểm trợ, và mỗi thương thuyền đều có Sĩ Quan liên lạc và nhân viên vô tuyến. Một cuộc hành quân có tầm vóc, quy mô phối hợp nhiều binh chủng, nhưng cũng không kém phần phức tạp, trên bờ dưới nước, trên không, Việt Nam, Hoa Kỳ, Miên… cùng lúc phải điều động cả chục thương thuyền,xà lan ngoại quốc trong đoàn convoy,hàng hóa có, nhiên liệu có, đạn dược có… neo dọc từ ngã ba Long Phú, Tân Châu. Giang đĩnh ngày đêm tuần tiễu để giữ an ninh. Chiếc thương thuyền Yellow Dragon, ‘con tầu ma’ như tên đã được đặt, nằm nửa chìm nửa nổi ngang biên giới, 2 lần bị pháo, mìn, chìm nổi, đã không it người hệ lụy với nó, như là cái cột mốc để mỗi lần đi về thấy nó là thấy nhà. Những cuôc họp hành quân luôn được tổ chức trước khi xuất quân. Để đến khi đoàn convoy âm thầm kéo neo, tuần tự lầm lũi trong đêm tối, dòng sông như thức tỉnh cuộn sóng ,giang đỉnh lần lượt bám sát các thương thuyền,những toán TQLC dã sẵn sàng trên các chiếc PCF để chuẩn bị đổ bộ khi đụng trận. Giang pháo hạm cặp kè bên hông, trên không trực thăng võ trang vần vũ. Đoàn tầu tuần tự biến đi trong màn đêm trả lại sự yên tĩnh cho sông nước Tiền Giang.

pcf-hd5dp
Trong đêm tối hình dáng cồng kềnh của các thương thuyền, xà lan vẫn không thoát khỏi tầm nhìn của các tay súng, đó là những mục tiêu hàng đầu, địch thấy ta chứ ta đâu thấy địch, B 57, B40 thổi ra thi đai bác 20, 40 sẵn sàng đáp lễ liền.

TQLC đổ bộ ngay sau những tràng đại pháo dọn bãi, những trận đột kích lúc thì bờ trái,lúc thì bờ phải, địch cũng lựa điểm để tấn công, ở những khúc quẹo, chỗ hẹp của lòng sông nơi tầu bè thường giảm tốc độ và muc tiêu dễ dàng nhắm hơn, đôi lần chúng đã giăng dây cáp để một vài con tầu khi xuôi giòng, vướng dây cáp đã phải dạt sang một bên bờ nơi chúng đã đặt chất nổ, cuộc chiến như tranh nhau từng chỗ, từng trò chơi như cút bắt. Để rồi những chiếc khăn tang, những giot nước mắt đã không khi nào ngưng trên mặt người dân, kẻ mất cha người mất chồng, hay thân thuộc xa lìa. Cuộc chiến càng dài, nghĩa trang càng rộng, cờ vàng phủ nhuộm càng nhiều. Ai được, ai thua, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy chung quanh xóm làng, hàng xóm tan hoang tiêu điều vì đạn pháo, người dân đen vẫn lẵng lẽ chịu đựng giữa hai vòng lửa đạn, chấp nhận rủi may để mà sống.

Ban ngày giòng sông như hiền hòa hơn, những sinh hoạt của người dân vẫn tiếp tục,nhưng địch nào cũng đâu đã tha, qua khỏi nhà máy giấy bên bờ tây mờ xa đã thấy những nóc chùa vượt khỏi bờ sông, nhưng súng lại đì đùng, địch chúng vẫn bất chấp và mở cuộc tấn công sát nhất bên bờ đông khi đoàn xà lan chậm rãi hướng vào ngã ba Tonle sap, bờ sông cao ngất ngưởng, cây cối chi chit, chúng đã thổi những viên đạn B.40 chinh xác, tức thời Giang pháo hạm sối xả đáp lễ, Giang đỉnh đã vào sát bờ để PCF thả các toán TQLC đổ bộ, vừa lùi ra khỏi tầm súng, quan sát qua ống dòm, những người lính TQLC dũng mãnh đang cận chiến với địch.

Ngã ba Tonle Sap, rộng hàng ngàn hec-ta, nước từ hai nguồn sông đổ xuống chảy xiết, hai nhánh chẩy về Tân Châu, Châu Đốc, còn nhánh chẩy nguợc về Biển Hồ nơi thương cảng Nam Vang nằm sát dọc theo bờ tả ngạn của dòng sông, những tòa nhà khiêm tốn dọc theo bờ, các dinh thự, cơ sở hành chính, quán ăn, vẫn còn giũ nét văn hóa Pháp, xa xa là tòa thị chính thành phố, khu Hoàng Cung vàng rực với những mái ngói cao cong vút, nằm im lặng, uy nghiêm và vương giả.

Cặp cầu thương cảng Nam Vang đoàn tầu như đã thở phào một cách nhẹ nhõm, ít ra cũng được vài ngày không căng thẳng, xuống hàng cho kịp chuyến trở lại Việt nam. Trên bờ những con số, những hàng chữ kỷ niệm, vết sơn vội vàng dọc theo bờ sông, chứng tích của các chuyến tầu Việt Nam đã tới đây không lâu. Sau khi nhận thông báo ngày giờ có mặt tại tầu, chúng tôi làm một cuộc dạo chơi thăm thành phố và thưởng thức những hương vị của món ăn xứ chùa Tháp, hoặc đi tìm những hàng hóa mà giá cả tương đối rẻ hơn VN, để rồi khi thành phố đã lên đèn, chúng tôi như những con thiêu thân đi tìm quán rượu, hotel nghỉ qua đêm.

Buổi sáng, ngồi nhâm nhi ly caphe, ăn tô hủ tíu Nam Vang, ngoài hàng hiên của một nhà hàng trong thành phố, cái nét cổ kính Pháp như đã ăn sâu đậm vào văn hóa Miên, bao năm dưới sự bảo hộ của người Pháp, cũng như Việt nam, nhà cửa, dinh thự, quán ăn, kiến trúc, nếp sống Tây phương, ngồi đây mà cứ mường tượng như đang ở Givral hay Continental của Nguyễn Huệ, Tự Do…. Đại lộ Norodom rộng, dài hun hút, hai bên đường với những hàng cây xanh mướt. Khu chợ Mới hai tầng Phsa Thmey, bốn mặt rộng rãi, chiếm cứ một khu rộng không xa thành phố, chung quanh hàng quán, các cửa tiệm san sát khang trang, ở đây chúng tôi xử dụng tiếng Việt thật thoải mái, đi chợ Miên mà mặc cả trả giá cứ như là đang ở Chợ Bến Thành, tiền bạc khỏi cần đổi, tiền Riel hay giấy 500 Trần Hưng Đạo đều dùng được. Vải soir may áo dài la liệt, quần áo đủ kiểu, xe gắn máy Honda đời mới, vật dụng điện, đồ sành sứ Trung Quốc giá cả quá nới, nên ai cũng it nhiều mua làm quà hay thương mại. Thành phố không lớn, xích lô, xe lôi Honda là phương tiên di chuyển phổ thông nhất, xe hơi Pháp Renault, Peugeot cũng đầy xuôi ngược phố phường.

Trong cửa hàng những người đẹp xứ chùa Tháp nước da ngăm ngăm, thân thể đẫy đà, quấn xà rông mầu sặc sỡ, áo ngắn tới bụng để mỗi lần vướn lên lấy đồ cái eo thon đã lồ lộ trước mặt, vẫn tươi cười đon đả mời chào giới thiệu hàng hóa. Không thì chúng tôi cũng vào các quán hàng trong chợ làm vài dĩa bánh xèo, nhâm nhi tí Cognac, nhưng cũng không quên kiếm chút thuốc tăng cường sinh lực.

Ngoài vòng đai thành phố tình hình an ninh không bảo đảm, chúng tôi đã tiếc hùi hụi khi không được đi thăm những ngôi đền cổ Đế Thiên Đế Thích một di tích lịch sử Champa, mà chỉ ghé thăm đươc Hoàng Cung nằm bên đại lộ Samdech Sothearos trước mặt là dòng Tonle Sap, khu ngự trị của Hoàng Gia với Điện Vàng, có ngôi tháp cao 59m nơi làm việc, đăng quang của nhà vua trước đây, được vua Sísowath khánh thành năm 1919, với những ngôi nhà như dát vàng, thờ phượng các vị tiên vương nội thất được trang trí bằng những vật dụng sang trọng, quý báu. Chùa Bạc xây dựng từ năm 1892, mà nền chùa được lót bằng hàng ngàn viên gạch bạc, tượng Phật bằng vàng nặng 90Kg gắn những viên kim cương lấp lánh và xá lợi Phật Thích Ca thỉnh từ Sri Lanca. Trong khuôn viên Hoàng Cung rộng 16 mẫu những ngôi tháp cao, mái uốn cong, hoa văn cầu kỳ, khu vườn ngự uyển đẹp dịu dàng, cây cối bông hoa, vườn tược được chăm sóc một cách chu đáo. Dinh Thủ Tướng Norodom, kiến trúc tựa như Dinh Độc Lập ở Việt Nam, thành phố không nhiều cao ốc, sinh hoạt thương mại tập trung vào hai khu vực chợ cũ nơi trung tâm thành phố và ngôi chợ mới không xa chung quanh với nhiều cửa hiệu khang trang bán đủ các vật dụng, đời sống dân chúng hiền hòa, êm đềm, thương mại hầu như tập trung trong tay người Hoa kiều với những tấm bảng hiệu bằng ba ngôn ngữ, và những chùa chiền rải rác quanh thành phố, nơi Phật Giáo là quốc giáo sang sáng những vị sư sãi đi khất thực, trong khi dân chúng đang đợi chờ để cúng dường.

Như lấy lại sức lực sau vài ngày không căng thẳng và xả hơi, đoàn tầu lũ lượt trở lại Việt Nam, hàng hóa đã thả hết nên vận chuyển nhẹ nhàng, tuy nhiên những hiểm nguy vẫn nằm cận kề, địch không để yên, đã bầy một trò chơi khác, trực thăng võ trang hạ thấp cao độ xuống thả trái khói, đã không tránh khỏi hỏa lực của địch, một chiếc đã bị bằn hạ không xa Neak Luong, chấm được tọa độ, lệnh 2 PCF có nhiệm vụ đổ TQLC với sự yểm trợ của Giang Pháo Hạm bắn dọn bãi, cùng PBR, vội trở lai mục tiêu để cứu thoát 2 phi công, bê bết bùn và máu, rồi được tải thương về USS Benewah.

Đoàn tầu lai tiếp tục cuộc hành trình, gần như thuận buồm xuôi gió, khác hẳn với chuyến đi, ít có bị phục kích. Tưởng như đã gần xong nhiệm vụ, con tầu ma đã thấp thoáng trước mặt, lệnh trở ngược để tải thương, mọi người lại phải vào nhiệm sở tác chiến, thương thuyền đã bị những quả pháo cuối cùng của cuộc hải trình mà ai cũng không thể nào ngờ tới. Chuẩn Úy Việt đã phải nhẩy lên để kiểm soát, báo cáo và tải thương: một nhân viên thương thuyền và Sĩ Quan liên lạc bị thương nặng, trên tầu những vết đạn lỗ chỗ dọc theo hành lang, máu và thức ăn trộn lẫn vương vãi khắp sàn tầu. Mới vài ngày trước đây, người Sĩ Quan Liên Lạc xuống trình diện Bộ Tư Lệnh Hành Quân với sự tự tin và trầm tĩnh, thì giờ đây anh đang nằm bệt trên giường vì những quả đạn pháo oan nghiệt đã lấy mất đôi chân, người nhân viên tầu buôn cũng không hơn cảnh ngộ đang rên siết than van vì đã trở nên tật nguyền với cái chân còn lại. Lòng tôi lại ngậm ngùi, chiến trận những rủi may có thể đến bất cứ lúc nào và đến với bất cứ người nào. Đâu có ai muốn trở về trên đôi nạng gỗ hay trở thành bại tướng cụt chân, hay bằng hòm gỗ cài hoa?…

Giáp Tết chúng tôi vẫn ứng trực, công việc cũng chẳng có gì khác thường hơn và lang thang quán xá, nhưng thường dịp này lại hay xẩy ra những công tác đột xuất, 5 PCF được điều động lên Neak Luong làm tiền trạm, thôi thì không ở Việt Nam thì lên Miên cũng ăn Tết mà thôi, ở đâu thì cũng thế, đời lính thì chỉ có mệnh lệnh. Trực chỉ biên giới, giòng sông vắng lặng, không một thương thuyền nào, PCF xả hết tốc lực để có thể lên sớm khi trời chưa tối, trên không 2 chiếc trực thăng UH1 vần vũ, hơn một giờ hải trình, khi bắt đựoc cù lao đầu tiên nhìn những đám lục bình lững lờ, tầu dạt qua bên vừa tránh khỏi chúng thì hai tiếng nổ phía sau lái nước văng tung tóe, con tầu như bị dở hổng lên cao, nắm chặt tay lái, tôi ngó lại, mìn từ thả trôi, cũng may với tốc độ nhanh, nước chẩy xiết nên mìn kích nổ vài giây sau khi chạm. Thoát chết trong gang tấc. Trên không Tư Lệnh Phó TQLC, chuẩn tướng Bùi Thế Lân, bốc máy liên lạc, chúng tôi báo cáo tình hình, bị mìn từ và đoàn tầu vô sự.

Ủi bãi Neak Lương nằm chờ, ngày dài lên xuống thị xã, lịnh chuẩn bị tầu bè để chở phái đoàn cao cấp dự phiên họp với phái bộ quân sự trên HQ 800. Quan lính lăng xăng o bế tầu bè, chuẩn bị lễ nghi quan cách, để đến khi phái đoàn lên đến tầu, chúng tôi chỉ kịp làm xong nhiệm vụ, đưa phái đoàn Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, những quan chức cao cấp ra HQ 800 họp với các phái đoàn quân sự Miên, mà chúng tôi cũng không còn có kịp thì giờ để mà chiêm ngưỡng long nhan.

Đang công tác đột xuất ở Cần Thơ, lệnh đi hộ tống PCF tại cửa Định An. Ba chiếc PCF một máy lết bết từ Năm Căn về Vũng Tầu sửa chữa, tránh bão không kịp, một chiếc đã bị nhận chìm, đang chới với thì PT Hoa Kỳ tới kịp lúc, chúng tôi lại tiếp ứng từ cửa Định An và hộ tống tới Bình thủy. Những công tác đột xuất vẫn thường xẩy ra, không Tiền Giang, thì cũng Hậu Giang, lúc Cần thơ, khi Châu Đốc, Vàm Nao, Long Xuyên, Sadéc…..cũng nhờ vậy mà chúng tôi đã lê gót hầu hết các tỉnh miền Tây. Những tô canh chua cá bông lau béo ngậy, tô cá rô kho tộ tuyệt vời, món mắm Thái ăn quên thôi, bánh phồng tôm Sagiang…. những đặc sản miền Tây, mà người dân Cửu Long đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm, và cũng chẳng thế nào quên được cái hương vị nhớ đời của cá lóc nướng cuốn bánh tráng, thau rượu đế, với cái ly sây chừng, để mà quân dân đồng lòng say xỉn quên đời.

Trở lại Năm Căn, sống với cái nóng gay gắt, oi bức của mùa hè, những cơn mưa không dứt, đêm đêm đàn muỗi đói hoành hoành sục sạo khắp nơi kiếm máu, khiến chúng tôi phải vội vã đóng cửa giăng mùng. Tiếng đạn pháo hàng đêm vẫn nổ từng đợt, từng đợt, để yểm trợ cho các toán kích đêm. Giang đỉnh của Giang đoàn Thủy Bộ, Ngăn Chặn đã cùng các Đơn vị Đia Phương Quân, Nghĩa quân đang hành quân phối hợp tảo thanh vùng đầm lầy nước mặn U Minh. Các PCF, chiếc trong sông, chiếc ngoài biển đang tuần tra. Ngồi trực phòng hành quân, máy truyền tin vẫn không ngưng nghỉ với những tin tức chuyển nhận, bản đồ hành quân chi chít những điểm chốt của ta và vị trị di chuyển của địch. Năm Căn vùng hoạt động chủ chốt của Cộng Sản, nơi trước đây hầu như là vùng bất khả xâm phạm, những cuộc hành quân bình định, chiến dịch Sóng Tình Thương phối hợp của cả Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, Địa Phương Quân ròng rã năm tháng đã làm giảm được sự hoạt động của chúng, nhưng đất rộng, người thưa, rừng chàm mênh mông, Cộng Sản vẫn kiên trì bám đất dành dân. Nhưng đụng độ vẫn không ngớt, những nồi cơm chưa kịp nguội còn bỏ sót lại trong các địa đạo sau những cuộc tảo thanh, đã chứng tỏ sự quyết tâm trụ điểm, nằm vùng. Chúng như những con lươn trạch luồn lũi trong đàm lầy U minh, và đã làm vất vả không ít cho các đơn vị đồn trú chung quanh.

https://i2.wp.com/www.navsource.org/archives/09/43/09433205.jpg

Trình diện Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, tôi đã có nhiệm vụ mới trên Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật HQ3, con tầu vừa sửa chữa ở Guam trở về sau khi nhận lãnh từ Hải Quân Hoa Kỳ. Nhìn dáng dấp to lớn bề thế của chiến hạm, uy nghi cặp cầu Bộ Tư Lệnh, tôi cảm thấy hãnh diện hơn, thế là đã thoát khỏi những ngày nơi bùn lầy nước đọng, muỗi mòng Ca Mau, rình rập sống chết của U Minh. Người tôi như khởi sắc, ít ra cũng còn thấy văn minh thành phố, áo xanh, áo đỏ, găp gỡ người em gái hậu phương, gia đình…..

Nắm giũ chức vụ Sĩ Quan Trọng Pháo, Sĩ Quan Trưởng Phiên, tôi đã có một công việc không mấy dễ dàng, với một vị Hạm Trưởng khó tính. Sống lang bạt mấy năm trên các vùng hành quân đã quen, nay vào khuôn khổ, con người tôi chân cẳng như bị buộc chặt lại. Làm nghề pháo thủ 127, quả thật khả năng chưa quen xử dụng, nó không bình thường như pháo thủ của các đơn vị pháo binh điền địa. Với những kỹ thuật mới, kết hợp bằng tính toán và điện tử Radar để điều khiển nòng súng 127 ly đã làm cho tôi mất nhiều thời gian học hỏi. Những ngày lênh đênh vùng một duyên hải trong mùa hè đỏ lửa đã là thời gian tôi học hỏi được nhiều, Tam Quan, Sa Huỳnh, hành quân phối hợp với Hạm Đội 7 trong những ngày sôi động đã bắt tôi dính chặt với pháo tháp, những chiếc T54 của Cộng Quân tiến vào Sa huỳnh, đại pháo nã liên tục đã làm ngưng đường tiến quân của chúng, hai chiếc T54 nằm phơi xác trên bờ đất Tam Quan. Ba tháng biệt phái V1DH lúc chiến trường đang vào cao điểm, trong bờ các đơn vị Bộ Binh, những quân chủng Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân đã tung ra những phản công mạnh mẽ. Dọc duyên hải các Hộ Tống Hạm cùng các tầu tuần khác vẫn liên tục tuần tra, yểm trợ, ngoài khơi xa, trục Alpha, Hòn Cọp-Hải Nam, Tuần Dương Hạm HQVN và Khu trục Ham thuộc Đệ Thất hạm đội đang bao vùng cùng ngăn chặn tầu địch di chuyển trục Bắc Nam.

Tiếp nối những ngày dài trên biển, những cơn mưa bất chợt cũng đã làm dịu được đôi chút thời tiết nắng cháy, khô cằn của miền trung sỏi đá, ngày nghỉ bến cũng không dài, sáng vào chiều ra, không thì cũng phải nhận tiếp tế thực phẩm, dầu nước, đạn dược, những viên đạn pháo 127 ly đã lần lượt chuyển xuống kho đạn để mà tiếp tục yểm trợ hải pháo cho các đơn vị bạn trong bờ. Thì giờ đi phố cũng chẳng có bao lâu, đáp xe Lambro qua Tiên Sa, Sông Hàn để vào thành phố Đà Nẵng, chúng tôi cũng chỉ kịp vui chơi nghỉ ngơi trong một buổi, chưa đủ thì giờ làm quen thì đã vội kéo neo về vùng tuần tiểu.

Côn Đảo, cái tên không hảo mọi người, nơi có nhà tù kiên cố, tù nhân trọng tội, xa cách đất liền. Nó cũng như một cột mốc để mỗi lần tuần dương trông thấy nó là đã hình dung tới đất liền. Tầu SL đang lởn vởn ngoài khơi cách xa hàng chục hải lý, giả dạng tầu đánh cá, nó đã bị phát hiện. Chiến hạm đang tuần tra vùng Cam Ranh được lệnh di chuyển xuôi Nam để theo dõi, và bám sát, radar vẫn đều định vị trí, hướng đi. Đài Kiểm Báo Côn Sơn, Poulo Obi cũng tập trung theo dõi. Những tin tức tình báo, không tuần cùng phối hợp với các chiến hạm, vùng duyên hải đã ngăn chặn được sự xâm nhập và tiếp tế vũ khí của Cộng Sản. Vũng Rô, Hòn Hèo, Ba Động những địa danh đã vùi tên các SL dưới lòng nước biển. Để sau những chuyến công tác tuần dương, tầu lại làm công tác Dân Sự Vụ, đưa đón phái đoàn Tâm Lý Chiến chính phủ ủy lạo chiến sĩ, thăm dân ở những vùng hải đảo xa đất liền.

Trở về Saigòn sau những tháng ngày lênh đênh trên biển, mọi người nhẹ nhõm, thơ thới, cột phao trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân, con tầu sạch sẽ như đã gột rửa được mưa nắng đại dương khoác lên một tấm áo mới, tô điểm bằng những lá cờ hiêu truyền tin đầy mầu sắc, đèn đóm xanh đỏ giăng dọc thành tầu. Buổi dạ vũ Tất niên được tổ chức trên sân tầu, đã đem niềm vui hạnh phúc lại cho thủy thủ đoàn, nối kết tình thương yêu của những người em gái hậu phương hay tô đậm thêm tình yêu của những chàng lính thủy. Những chuyến canô đưa rước mọi người ra tầu tham dự với những tiếng cười đùa giòn dã, những tà áo thướt tha, mầu sắc dịu dàng tung bay trước gió, bên cạnh những chàng lính biển hào hoa trong quân phục tiểu lễ, con tầu như bừng sống, nhạc dồn dập từng cặp, từng cặp quấn quit bên nhau, tay trong tay dìu dặt lướt đi trong điệu nhạc để hưởng hết niềm vui, quên đi những tháng ngày xa cách. Cuộc vui tàn, để rồi mọi người chia tay với những luyến tiếc bịn rịn, hẹn hò, thủy thủ trở lại với con tầu, nhiệm vụ, với những chuyến hải trình xa xôi, mong ngày về bến.

Cơ, rô, chuồn, bích, những quân bài trong bàn xì phé đang tố nhau trên caré phòng ăn Sĩ quan, những ly càphe, khói thuốc ngập phòng, nhưng mọi ngừời vẫn mải mê kéo, nặn, cuộc chơi như không ngưng nghỉ trong lúc nhàn rỗi, những quân cờ Domino, mạt chược xào xạc trên bàn, tiếng la, tới, phỗng vui mừng inh ỏi của người thắng cuộc đã làm giảm bớt phần nào nhàm chán của những ngày dài lênh đênh trên biển.

https://i2.wp.com/www.navsource.org/archives/10/05/1005012902.jpg

Trợ Chiến Hạm Nguyễn Đức Bổng HQ 231, đơn vị mà tôi đã được bổ nhiệm là Hạm Phó, cùng lúc nghị định thăng cấp Đại Úy, một buổi tiệc nhỏ khao lon cùng anh em đã làm tôi không nhớ đường về. Con tầu không quá lớn nhưng nhiệm vụ lại khác hơn HQ3, chuyên về hành quân, yểm trợ, với nhân sự chưa tới 100 người . Nó đã góp mặt hầu hết trong các vùng chiến thuật, nhất là ven biển, sông Tiền, sông Hậu, Nhà bè, Rừng Sát…, hộ tống thương thuyền trên dòng Mekong, mà HQ 226 đã bị đặc công thủy Việt Cộng đánh chìm tại Mỹ tho. Có những ai đã đi qua Bến tre, Đồng Tâm, dinh ông Cậu, mà không phải lo âu, ngày đi phà qua chơi Bến tre nhưng đã mấy ai dám nghỉ lại qua đêm, đuờng bộ từ Đồng tâm về Mỹ tho đâu mấy xa, nhưng mô vẫn đắp, xe vẫn bị mìn, nhà cửa trường học bị pháo kích tan hoang, HQ Đại Úy Dần, lực lượng người nhái cũng đã bị chúng bắn tử thương trên đường về căn cứ. Qua dinh ông Cậu mà không ở nhiệm sở tác chiến không bị đầu thì cũng vào tay. Ngồi trên tầu tuần tiễu sông Tiền, sông Hậu, Cần Thơ, Mỹ Tho mình cứ tưởng như đang rong chơi trên sông nước hữu tình nhưng có biết đâu đó trên bờ quân du kích, đặc công đang rình mò chỉ chờ cơ hội là phát hỏa châm ngòi. Vùng hai Duyên hải, rồi Vũng Tầu, Côn Sơn, Phú Quốc, tầu lại liên tục hải trình, nhiệm vụ nhiều hơn, mỗi con tầu một đặc tính, đôi lần biển động, trên đường tuần tra, tránh bão, nó đã nghiêng ngửa tưởng như chìm, dập vùi trong sóng nước, con tầu đã phải vội vàng trú khuất bên một hải đảo xa xôi, khuất sóng…

Về nghỉ bến ở Cát Lở, Vũng Tầu, mọi người nô nức lên bờ lấy lại hơi đất, bước đi lảo đảo, nghiêng ngả nhưng qua vài tuần bia, khói thuốc, anh em đã lấy được thăng bằng để rồi cũng không chừa được tật ham vui, khi thành phố đã lên đèn cũng đã cùng nhau nhanh chân tới các Bar rượu, vũ trường xập xình giải trí, quấn quit bên các em vũ nữ gợi tình.

Hoàng Sa, cái tên đã đi vào lịch sử, một vùng xa xôi vời vợi, có trận hải chiến để đời, để với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển quê hương, những quả đạn pháo 127, 40, 20 của HQ4, HQ 5, HQ16, HQ10… đã chống trả mãnh liệt với Rocket, đạn pháo của các Chiến Hạm Trung Cộng, cùng đã nhận chìm 2 Kronstat, phá hủy 2 tầu tiếp tế cuả chúng đã đem lại cho Hải Quân niềm hãnh diện nhưng nó cũng đã trả một giá quá đắt, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16 đã bị những đạn pháo làm nghiêng tầu phải khấp khểnh trở về, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10, đã vĩnh viễn nằm dưới lòng đại dương, cùng với sự ra đi của người Ham trưởng Ngụy Văn Thà, Hạm Phó Nguyễn Thành Trí và hơn nửa nhân số thủy thủ đoàn. Những nhân viên trú đóng, người lính Hải kích đột phá trên các đảo san hô cũng đã bị bao vây, tấn công, để người ra đi kẻ bị bắt bởi lực lượng quá hùng hậu của Tầu quân.

Mũi Paradan nhô ra khỏi vịnh, ngọn Hải Đăng sừng sững vươn cao trên nền trời xanh, ban đêm luồng ánh sáng quét xa hàng chục hải lý nó như là một điểm chuẩn để cho tầu bè hải hành định hướng và làm yên lòng hàng ngàn chiếc tầu đánh cá đang thả lưới trong vùng. Xa cách thành phố Phan Rang, Mũi Dinh, nơi tôi được thuyên chuyển làm trưởng đài kiểm báo 204, mà phương tiện di chuyển ra đài chỉ bằng tầu ghe duyên doàn, hoặc bằng đường bộ ngang những khu rừng già, bãi biển hoang vắng dài gần 10 km của xã Sơn Hải. Nằm ở một vị trí có thể hứng cả gió Tây Nam lẫn Đông Bắc nên mùa nào, gió hướng nào khi kéo qua đây cũng lồng lên cấp 4, cấp 7. Gió rít qua các khe cửa hú lên những tràng dài suốt đêm qua những hành lang dài hun hút, tiếng gió hú gợi lên những cảm giác thật lạ, ma quái, ít gặp mà chúng tôi đã đùa gọi đây là đỉnh gió hú. Chơ vơ chiếm ngữ nguyên một đỉnh núi, tòa nhà như một pháo đài cổ Tây phương tường đá dầy nửa thước chắc chắn, hai từng cao, mà người Pháp khi đô hộ Việt nam đã xây dựng để kiểm soát và hướng dẫn tầu bè qua lại, hơn 1 thế kỷ mà kiến trúc còn như nguyên vẹn, giờ đây nó đã được cơ khí hóa thêm với dàn Radar hiện đại để HQVN nhận lãnh và điều hành kiểm soát hải phận. Sinh hoạt cùng với Trung đội Nghĩa Quân của tỉnh biệt phái để giữ an ninh vòng đai Ở đây ngày thường dài và trống vắng không biết làm gì cho hết. Sau những công việc trực nhật, khoảng thời gian còn lại là những khoảng trống được khỏa lấp bằng những buối săn thú hay ngâm mình trong sóng nước. Bốn vùng duyên hải, 16 Đài Kiểm Báo công việc liên tục, ăn khớp, nhịp nhàng 24/24 trên mặt Radar những ghe tầu qua lại đã được chấm trên hải đồ, tầu tuần đều đặn báo cáo vị trí, tin tức khí tượng, các công điện liên tục giải mã. Ngày cũng như đêm, phần nào của biến cả đã nằm gọn lỏn trên màn hình.

Những chuyến tầu bất thường đã lọt trong vòng kiểm soát, không tuần, tin tức tình báo, Bộ tư lệnh Vùng đã có những chỉ thị theo dõi, kiểm soát để bắt giữ một con tầu du lịch nhởn nhơ ngoài khơi như là đang hưởng nắng hè, tin tức đầy đủ chi tiết, loại tầu, hình dáng, mầu sơn cờ hiệu, quốc tịch… hướng đi vận tốc đã được ghi nhận một cách chính xác, những chiếc tầu tuần đã làm nhiệm vụ một cách triệt để và đúng luật hàng hải, khám xét khắp tầu hóa ra nó cũng chỉ là một con tầu tải thuốc phiện, và đã được áp tải về vùng 2 để làm thủ tục giải giao cho các giới chức có thẩm quyền….

Đồn anh đóng bên rừng mai,
Nếu mai chưa nở anh không biết Xuân về hay chưa ?….

Những cành mai rừng nở rộ quanh triền núi, tiếng nhac Xuân ròn rã làm mềm lòng người lính chiến xa nhà, thế là Xuân lại sắp về mà anh vẫn còn đây? Buổi tiệc tất niên được tổ chức để mọi người cùng vui và chuẩn bị đón Xuân, những cành mai rừng cắm trong những vỏ đạn đã tô điểm cho không khí đơn vị thêm phần ấm cúng, quan lính vui chơi khề khà bên cạnh két bia, rượu trắng, món mồi là những hải sản phong phú trong vùng, kèm thêm món thịt rừng của các Nghĩa Quân trú đóng đã săn quanh đài, kỳ đà, sơn dương,…bánh mứt, nhạc tình lính, những bài ca vọng cổ đã làm anh em cười đùa hỉ hả, quên buồn. Tiếng súng ròn rã đón mừng năm mới, hỏa châu rực sáng tỏa chiếu trên bầu trời đã xóa tan đi cái u tịch của đêm Giao thừa, để anh em cùng nhau đón mừng một năm mới an bình, thịnh vượng. Những ngày đầu năm êm ả, nắng ấm, trời nước như hòa dịu. Biển trong xanh, ghe thuyền vắng bóng, công việc vẫn điều hòa.

Nắm giữ đơn vị dù không lớn lắm nhưng cũng đủ để cho tôi thấy có nhiều công việc mình chưa bao giờ làm. Làm việc dưới quyền vị Tư Lệnh Vùng2 Zuyên Hải, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, mà nhiều người nói về ông như một vị tướng của lính, những buổi họp ngắn gọn không lễ nghi quan cách, giải quyết nhanh chóng, tại chỗ, bữa cơm trưa thanh đạm với khẩu phần bánh mì, caphê… đã làm tôi phấn chấn vững tin và thấy gần gũi hơn. Khi ông đáp trực thăng thăm đơn vị, ngồi vui vẻ nói chuyện hòa đồng với lính, trong khi anh em nhân viên lo lắng vì không có một thứ gì khá hơn để tiếp đón ông, ngoài bữa cơm lính, gói thuốc lá Bastos, ly nước trà nội hóa.

Những buổi họp ở Bộ Tư Lệnh Hành Quân vùng cũng đã cho biết nhiều tin tức không hay, cuộc chiến như đã có phần nào gia tăng, tin tức chiến sự ngày một xấu, tình hình di chuyển bằng đường bộ đã có những nơi bị đắp mô cắt quãng. Những chiếc tầu, xà lan chở đầy người lết bết ngoài khơi, tin tức dồn dập, khó mà phỏng đoán ra sao dưới một tầm nhìn không xa, tôi đã phải vội xuống tỉnh gặp gỡ Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 26 và một vài giới chức quen biết am hiểu tình hình. Tình hình chiến sự thực sự đã đến một giai đoạn không thể nào lường được. Ban Mê Thuột bỏ ngỏ, dân quân di tản, mọi người gồng gánh chạy loạn, Đà Nẵng thất thủ trong tình trạng bỏ trống, ai ai cũng lo liệu đường thoát, sân bay nghẹt người, đây đó cảnh đổ nát tan hoang của đạn pháo, xác người ngổn ngang, người dân hốt hoảng lo sợ, nghe đến Cộng Sản vào là mọi người hoảng vía, kinh hồn, ám ảnh bởi cuộc di cư năm 1954, những mồ chôn tập thể của miền trung trước đây không xa đã làm mọi người thà chết chứ không thể nào sống dưới chế độ cộng sản. Từng tỉnh, từng quận, thị xã nơi nơi người ta gồng gánh bồng bế nhau tránh nạn, xuôi Nam bằng mọi phương tiện. Quốc lộ 1 đã trở thành đại lộ kinh hoàng đầy những xác chết tức tưởi nằm vất vưởng quanh đường, đồ đạc ngổn ngang, những chuyến tầu đầy người và máu đã không thể nào vào để đón đồng bào vì những cảnh giết nhau tranh dành sự sống, mới thấy con ma Cộng Sản nó ám ảnh mọi người đến như thế nào.

Thị Xã Phan Rang đã bắt đầu náo loạn, những cướp bóc, hãm hiếp đã xẩy ra chung quanh thị xã, ngoài đường phố đủ mọi sắc lính, dân chúng ngơ ngác, thất thần, con lạc cha vợ lạc chồng gia đình phân tán chết chóc, không còn một cảnh nào bi thảm tồi tệ hơn. Duyên đoàn 26 đã di chuyển trong âm thầm, mọi việc đã tới lúc phải tự quyết định lấy mình, không còn một phương tiên khả thi nào có thể được, anh em dắt díu vào Xã Sơn Hải, xử dụng xe của xã để tới đồn nghĩa quân, lấy máy truyền tin liên lạc với CHT ZD 26 và TTTT/ĐKB 204, được tin ZD đã tăng phái 2 ghe Yabuta tới đón chúng tôi ở địa điểm đã hẹn, lên tới đài tin tức càng lúc càng tồi tệ hơn, liên lạc khẩn với Bộ Tư lệnh Tiền Phương do Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ huy đang điều hành trên một Tuần dương hạm, ông cho lệnh di tản, chúng tôi đã có ngay quyết định, một anh em nào muốn về nhà thì chỉ bằng đường bộ, anh em nào muốn xuôi Nam về Saigon thì sẽ theo chúng tôi, nhưng vẫn chưa có một con tầu nào di chuyển gần vùng, thời gian chờ đợi lâu như hàng thế kỷ, trong khi các ghe ZD đã chật cứng người, nhưng họ cũng vẫn không thể nào di chuyển hết được, thì giờ chậm rãi trôi qua cho đến khi BTL/TP chỉ thị HQ 12 trên đường về Vũng Tầu sẽ ghé qua và đón chúng tôi, cám ơn trời Phật, mọi người thở phào nhẹ nhõm, hành lý chuẩn bị cũng chẳng còn là gì ngoài chiếc balô đưng giấy tờ và hai bộ quần áo, hai ghe Yabuta chờ dưới chân đài đưa ra HQ 12 đang thả trôi ngoài vịnh, sóng ầm ầm đập vào thân tầu, chiếc ghe trồi lên thụt xuống theo con sóng, khi sóng nhô lên anh em đã cố gắng bám chặt vào thành tầu mà trèo lên boong, nguy hiểm cận kề, mỗi người lên được tầu là một lần hú vía, gần ba tiếng đồng hồ con tầu mới đón hết nhân viên trên đài, một số thân nhân gia đình của ZD 26. Trên tầu lúc đó đã có hàng trăm người nằm trải dài trên sàn chiến hạm. Hạm Phó HQ 12 đã nhường cho tôi cái giường còn lại trong khu Sĩ quan. Chưa hoàn hồn vì những biến chuyển liên tục trong 2 ngày, tôi như người mộng du, nằm chập chờn trên giường mà hồi tưởng lại những hình ảnh sinh hoạt và của mọi người trong thị xã, lòng tôi thầm cám ơn trời Phật đã hộ trì và cho chuyến đi về Vũng Tầu xuôi lọt. Qua gần một ngày hải trình, con tầu cặp bến Cát Lở, thả hết mọi người nó lại chuẩn bị để tiếp tục công tác đón vớt quân lính đang trên đường tránh loạn Cộng Sản. Thành phố Vũng Tầu nay như một trung tâm tạm cư, để nhiều chuyến tầu ở miền trung về cặp bến thả người, không thì nhưng chuyến tầu khác lớn hơn đã phải đi thẳng ra Phú Quốc tránh đi những tấn công của Đặc công trong sông từ Soài Sạp vào tới SàiGòn. Trông thấy những tầu đổ bộ mà cửa ramp xác người còn lủng lẳng, bị kẹp chết cứng vì cố gắng lên tầu tìm tự do rồi cũng bị dập vùi bằng lưụ đan, bằng những viên đạn nghiệt ngã của chính anh em mình giết nhau để mà tranh dành một chỗ an toàn trên đường tránh nạn Cộng Sản. Có những người lính vì lợi lộc ham tiền, vì tính dục của con người đã không kìm hãm được nên xẩy ra cướp bóc hãm hiếp trên tầu, chúng đã bị bắt giữ ngay khi đặt chân lên An Thới, vị Tư Lệnh vùng đã được chỉ thị lập tòa án khẩn ngay tại vùng để tìm rõ nguyên do và những thủ phạm đã bị xử tội ngay tại pháp trường Phú Quốc.

VC phao kich vao khu vuc Cat Lai .jpg
Saigon–Cát Lái chúng tôi cứ phải đi về, quan lính tập trung tại Cát Lái để chờ lệnh và ứng trực trong khi những cơn đạn pháo cứ ì ùng rót vào khắp nơi. Trên truyền hình, tin tức của các đài VOA, BBC…. tràn ngập những tin xấu và tồi tệ nhất, cuộc sống của thủ đô Saigòn đã bắt đầu lung lay thay đổi, sự từ chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nội các mới thành hình với thành phần chính phủ như là cũng không đem lại nhiều điều mới lạ. Đây đó mọi người lại tìm đường thoát, bản đồ ngày một nhuộm đỏ, câu chuyện của mọi người nay chỉ là đi, tìm đường lánh nạn, đi đâu, bằng phương tiện gì… nhà nhà chuẩn bị, mọi người khăn gói, trên bến cảng đầy người, chung quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, hàng rào kẽm gai giăng kín, tầu bè đã đầy người, ra vào khó khăn. Saigon sùng sục vì di tản, những nhuyến máy bay rớt rụng giữa trời vì những đạn pháo, rocket của Cộng Quân, vòng đai thành phố những chạm súng liên tục, người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn ngang nhiên chiến đấu, từng toán Cộng Quân bị ngã gục đây đó khắp nơi, những mảnh cờ đỏ sao vàng, xanh đỏ của quân giải phóng đã lác đác xuất hiện, những kẻ hôi của đã bắt đầu hoành hành, thành phố trở nên náo loạn, con đường đổ về bờ sông Saigon nghẹt người và xe cộ, trên boong những con tầu chật cứng nguời, khuôn mặt người dân lo âu và hốt hoảng, tương lai không biêt ra sao, nhưng cứ tránh được Cộng Sản thì bất kỳ nơi đâu cũng thấy an toàn và hạnh phúc hơn. Đứng chờ gia đình nơi bến cảng, vẫn chưa thấy ai tới, quá lo lắng và mệt mỏi trở lại nhà để hối thúc mọi người, nhưng khi trở lại được bến tầu, định mệnh như đã an bài, những con tầu thân thuộc, những người bạn chờ đợi quá lâu cũng không thể nào hơn được đã phải vội tháo dây tách bến để cũng những con tầu khác ra khơi tìm đường lánh nạn. Bến Bạch Đằng trống vắng, cầu tầu lặng lẽ đơn độc, xe cộ đồ đạc ngổn ngang. Tôi đứng lặng nhìn mà lòng câm nín, tắc nghẹn, giọt nước mắt rơi xuống khi nào mà tôi cũng không hay.

Nguyễn Trần Lê


BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm