Tòa soạn Tiền Tuyến những năm ấy có: Phan Lạc Phúc (Ký giả Lô Răng), Huy Vân, Dương Ngọc Hoán, Viêm Hồng, anh Vũ Uẩn
Hoàng Hải Thủy
Ngày xưa ấy là những năm 1966, 1967, tôi làm nhân viên tòa soạn nhật báo
Tiền Tuyến. Nhật báo Tiền Tuyến do Cục Tâm Lý Chiến xuất bản, phát
hành như nhật báo tư nhân, nhân viên 50% là quân nhân, 50% là ký giả
thường dân. Thời gian đầu tòa soạn Tiền Tuyến ở nhà in Hợp Châu, đường
Cống Quỳnh; rồi vào trong khuôn viên Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập
Tự.
Tòa soạn Tiền Tuyến những năm ấy có: Phan Lạc Phúc (Ký giả Lô Răng), Huy
Vân, Dương Ngọc Hoán, Viêm Hồng, anh Vũ Uẩn (cựu võ sĩ quyền Anh Làng
Bốc-sơ Bắc Kỳ những năm 1935-1940), họa sĩ Hĩm (Đinh Hiển).
Khi tòa soạn ở nhà in Hợp Châu, nhật báo Tiền Tuyến có Hoàng Anh Tuấn;
khi tòa soạn vào Cục Tâm Lý Chiến; Hoàng Anh Tuấn lên Đalat làm quản đốc
đài Phát thanh Đalat.
Những năm ấy, tôi hút một ngày khoảng 50 điếu thuốc lá. Ra khỏi giường
lúc 5 giờ sáng; vợ tôi dậy từ 4 giờ, đun nước, pha cho tôi ly cà phê đen
— để đó — nàng vào giường ngủ tiếp với các con; tôi rửa mặt, bận y
phục, hút khoảng 3 điếu thuốc đầu tiên trong ngày, uống ly cà phê đen vợ
tôi pha, ra khỏi nhà; đến tòa báo lúc 6 giờ sáng.
Những sáng cuối năm trời lạnh, trời Sài Gòn, lúc 5 giờ sáng có khi còn
trăng sao. Từ 6 giờ đến 9 giờ; ngồi làm việc trong tòa sọan, tôi hút
khoảng 5, đến 6 điếu thuốc. Thuốc Mỹ: Lucky, Pall Mall, Philip Morris
Vàng. Đến 9 giờ sáng; bụng tôi cồn cào, dạ dày tôi chỉ có chất cà- phê
đen, trong phổi tôi chỉ có khói thuốc và ni-cô-tin — tôi phải ăn sáng để
hoá giải chất khói và cà phê trong tôi.
Cục Tâm Lý Chiến những năm ấy chưa có căng-tin. Cục cho phép chị vợ
một hạ sĩ quan mở một quán cà-phê, nước ngọt, hủ tíu, cơm; cho binh sĩ
có nơi ăn uống, mà không phải ra ngoài trại. Quán ăn ở góc trại, mái
tôn, vách tôn, có chừng 4, 5 cái bàn nhỏ. Gần như sáng nào trong tuần,
vào khoảng 9 giờ; tôi cũng vào quán này ăn sáng; để khỏi phải đi xa; và,
ăn xong, còn phải trở vào tòa soạn làm việc tiếp.
Tôi chỉ ăn sáng một trong 2 món: bánh mì ốp-la, hay bánh mì ra-gu. Mỗi
sáng, chị chủ quán thường bảo con trai chị, trạc 11, 12 tuổi:
“Ra hỏi Đại úy, sáng nay ăn gì?”
Ăn xong, tôi uống ly cà-phê đen; và, chỉ uống cà-phê đen; nên thấy tôi ăn sáng xong, không cần hỏi tôi uống gì, chị bảo con:
“Bưng cà- phê, Đại úy”.
Năm 1952, khi tôi làm lính Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền, đơn vị
thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, Thiếu Tá Trần Tử Oai là Trưởng Phòng 5;
tôi mang lon Trung sĩ (Sergent)
15 năm sau tôi trở lại Cục Tâm lý chiến; và, được chị chủ quán gọi là
Đại úy. Ấy là, dù tôi chỉ mặc đồ ‘si-dzin’ (civil) thường dân; nhưng vì
tôi hay ngồi ăn sáng trong quán với ông Đại úy Nguyễn Quang Tuyến – nhà
văn Văn Quang — và ông Đại úy Phạm Huấn, 2 ông Đại úy, vào năm 1966- 67
làm việc trong tòa soạn Chiến sĩ Cộng hòa, tòa báo này ở ngay cạnh tòa
soạn báo Tiền Tuyến — nên, gần như ngày nào tôi cũng được gặp, hay nhìn
thấy 2 ông.
Hai ông cũng hay ăn sáng, cà-phê ở quán trong Cục. Chị chủ quán biết
tôi làm trong tòa báo Tiền Tuyến, chị không thấy tôi mặc quân phục, mang
lon Đại úy; có thể chị không biết tên tôi; song, chị thấy tôi thuờng
ngồi ăn sáng với 2 ông Đại úy quân phục, lon lá đàng hoàng; là Đại úy
Văn Quang, Đại úy Phạm Huấn, chị thấy tôi trạc tuổi hai ông; tôi có thái
độ ngang hàng với hai ông; và, hai ông cũng có thái độ ngang hàng với
tôi, hai ông mày tao với tôi, tôi mày tao với hai ông — chị nghĩ tôi
cũng là Đại úy, chị gọi tôi là Đại úy.
Cho đến một sáng, tôi ngồi ăn một mình. Ăn xong, tôi nghe chị chủ quán bảo con:
“Bưng cà- phê, Thiếu tá ”
Tôi hơi lấy làm lạ. Chị chủ thường ngày gọi tôi là Đại úy; sao hôm nay
chị lại gọi tôi là Thiếu tá. Tôi ‘théc méc’ tí chút, rồi quên ngay —
đang là Đại úy, có bị người ta gọi là Trung úy mới ‘théc méc’, là Đại úy
được gọi là Thiếu tá, ‘théc méc’ cái gì?
Về tòa soạn làm việc tiếp; tôi thấy 3, 4 ông sĩ quan vào phòng, chúc
mừng Đại úy Phan Lạc Phúc vừa lên Thiếu tá. Và tôi biết tại sao hôm nay
chị chủ quán lại gọi tôi là Thiếu tá; chị được biết trong Cục, có mấy
ông Đại úy vừa được lên Thiếu tá, trong đó có ông Đại úy báo Tiền Tuyến;
nên chị nghĩ cấp bậc mới của tôi là Thiếu tá; chị gọi tôi là Thiếu tá.
Trong số sĩ quan đến chúc mừng Thiếu tá Phan Lạc Phúc sáng hôm ấy, có
Đại úy Nguyễn đình Phúc, ông Đại úy này còn có tên là ‘Phúc Khàn’; và,
ông cũng vừa lên Thiếu tá hôm qua. Thấy 2 ông Thiếu tá Phúc trong
phòng; tôi tức cảnh làm câu đối:
Phúc Lạt, Phúc Khàn, hai Phúc thiếu
Quang Văn, Quang Vũ, một Quang thừa
Hai ông sĩ quan tên Đình Phúc, Lạc Phúc cùng là Thiếu tá. (Lạc, nói theo giọng Nam, đôi khi nghe như Lạt.)
Năm ấy Cục trưởng Cục Tâm Lý Chiến là Đại tá Vũ Quang; Cục lại có ông Đại úy Văn Quang (Nguyễn quang Tuyến.)
Quân tử Tàu nói: “… Quốc gia, triều đại mà có ‘vũ quang’, tức ‘vũ sáng’;
hay, có ‘văn quang’ là ‘văn sáng’– là nước được trị.” Cục Tâm Lý Chiến
những năm 1966, 67; có cả hai Vũ: ‘vũ quang, văn quang.”
Năm 1988, đi tù CS về; ông Văn Quang trên răng, dưới dép’; căn nhà trong
Cư xá Chu Mạnh Trinh của ông bị bọn Bắc Cộng chiếm, ông không có nhà ở;
cả 4 bà vợ ông đều đã ‘sang sông’, nôm na và huỵch tẹt là đã vượt biên,
vượt biển sang Huê Kỳ. Viết các bà “sang sông” là không đúng; đúng ra
phải viết là các bà “qua biển.”
Sống độc thân giữa thành phố Sài Gòn cờ đỏ; ông Văn Quang viết tiểu
thuyết tình vô thưởng vô phạt, ký tên ‘tác giả dzởm’ bán cho nhà xuất
bản.
Những năm ấy các ông lái sách Sài Gòn đặt mua tiểu thuyết mới của các ông văn sĩ Sài Gòn cũ, yêu cầu tác giả để bút hiệu khác.
* Thập niên 80, (thế kỷ trước ) có điều luật không thành văn là ‘Không
cho nhà văn Sài Gòn trước 1975 được tái bản sách xuất bản trước 1975, và
không được viết truyện mới.’ Những tiểu thuyết các ông nhà văn Sài Gòn
viết sau năm 1980 không được để tên đúng của tác giả.
Văn Quang là nhà văn thứ nhất — có thể là nhà văn Sài Gòn duy nhất — đi
học ‘khoá sử dzụng computer’ ở nhà trường hẳn hoi; học có bài bản, bí
kíp đàng hoàng; ông cũng là người ‘sử dzụng computer’ thứ nhất, nhuần
nhuyễn nhất, trong số những ông nhà văn Sài Gòn cũ nay còn viết lách ở
Sài Gòn cờ đỏ.
Vì những lý do riêng, không phải vì ghét Mỹ; nhà văn Văn Quang, Trung tá
Nguyễn Quang Tuyến (1933- ) không đi H.O sang Huê Kỳ. Từ năm 2000, ông
viết loạt bài ‘Thiên hạ sự’ gửi qua Internet, sang các nước Âu Mỹ — loạt
bài thời sự viết về Sài Gòn, được người Việt hải ngoại theo dõi, tìm
đọc.
Khoảng tháng 2/ 2009, Công an Tp.HCM
đến nhà riêng của Văn Quang; lấy đi tất cả dàn máy computer; nhà văn bị
gọi đến cơ quan để khai báo, về những bài ông viết gửi ra nước ngoài.
Khi ấy ông nhắn những ông bạn viết của ông ở hải ngoại ‘đừng làm ồn ào
vụ ông’ vì ông được đối xử hòa nhã, lịch sự v.v … — ông cũng muốn tỏ ra
hòa nhã đối xử lại…’
Đã 5, 6 tháng qua, ‘Lẩm cẩm Sài gòn thiên hạ sự’ hết còn xuất hiện trên
một số báo Việt ở hải ngoại; và, 300 bài ‘Lẩm cẩm…’ trữ trong máy, mất
luôn — đôi khi tôi thấy tôi – CTHĐ — không viết gì về Văn Quang cũng
kỳ, bạn đọc người Việt ở hải ngoại có thể, nghĩ:
” … Những người khác bị CACS cấm viết; thì, ông chửi ‘loạn cào cào’; đến
khi bạn của ông bị nó sờ đít; ông im thin thít, như gái ngồi phải cọc.”
Những năm 1991, 92 có lần tôi nói với Văn Quang: “Tao chỉ được ‘mày,
tao’ với mấy thằng mày, toàn là Trung tá. Nếu không có gì thay đổi, Quốc
gia mình, Quân đội mình còn đến hôm nay thì mày thấy: những thằng nào
trong số bọn mày có thể lên được ‘Tướng’ để,tao được ‘mày, tao với
‘Tướng’?”
Văn Quang trả lời ” …Nhiều thằng lắm chứ.”
oOo
Rừng Phong, Virginia, January 2016
Tôi viết bài trên khoảng năm 2000. Hôm nay, Ngày Một Tháng Giêng 2016, tôi viết thêm:
Đại Tá Vũ Quang những năm 2000 sống ở Minnesota, Kỳ Hoa. Tôi không biết năm nay – 2016 – ông ra sao.
Trung Tá Phan Lạc Phúc hiện sống ở Sydney, Úc.
Hoàng Anh Tuấn, Phạm Huấn qua đời ở Cali, Kỳ Hoa.
Anh Vũ Công Uẩn qua đời ở Sài Gòn.
Văn Quang hiện sống ở Sài Gòn. Hĩm Đinh Hiển ở Cali.
Đại Úy Phạm Huấn là sĩ quan Quân Lực Quốc Gia VNCH duy nhất bận quân
phục đúng chụp ảnh giữa thành phố Hà Nội. Năm 1973 ông ở trong Ban Kiểm
Xoát Đình Chiến Quốc Tế nên ông có dịp về Hà Nội.
Hôm nay – Ngày Một January 2016 – tôi biết trọn đời tôi, tôi không được mày tao với một ông Tướng nào.
o O o
Thơ Xuân Đất Khách (Thanh Nam)
Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
Trôi giạt từ đông sang cõi bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữ sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bời
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa .
Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư !
Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Học làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn nước đánh phải đành thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do !
Bằng hữu qua đây dăm bẩy kẻ
Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
Đứa nằm yên phận vui êm ấm
Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa .
Mây nước có phen còn hội ngộ
Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục
Đối bóng mình ta say với ta .
Seattle, mùa xuân 1977 .
Hoàng Hải Thủy