Những mộ phần thai nhi trên nghĩa trang online. Ảnh: tuoitre.vn |
Thao là trưởng nhóm tình nguyện viên chuyên thu thập các bào thai từ những phòng khám trong thủ đô để đem chôn tại một nghĩa trang ở huyện Sóc Sơn. Nếu không có những người như Thao, các bào thai sẽ bị vất bỏ như những rác thải y tế khác. Một tình nguyện viên khác, bà Nguyen Thi Quy, nói với AFP: "Khó mà nhớ nổi chúng tôi đã chôn bao nhiêu bào thai".
Một báo cáo của Bệnh viện phụ sản Trung ương (Hà Nội) cho biết khoảng 40% phụ nữ mang thai đã chọn giải pháp cuối cùng là phá bỏ thai nhi. Viện Guttmacher Alan ước tính cứ khoảng 1.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh nở tại Việt Nam thì có 83 ca phá thai, so với khu vực Tây Âu hoặc Mỹ là 10 - 23 trường hợp.
Phá thai, giải pháp cho "sự cố" ngoài ý muốn
Phá thai không bị xem là một điều cấm kỵ trong văn hóa Việt Nam. Nhưng sinh con ngoài giá thú là điều bị xã hội dè bỉu. "Do vậy, nếu những cô gái có thai ngoài ý muốn thì giải pháp duy nhất là phá thai", ông Le Ngoc Bao, đại diện tổ chức kế hoạch hóa gia đình Pathfinder International, nhận định. Tỷ lệ nạo phá thai chính thức theo ghi nhận từ các bệnh viện công vào khoảng 500.000 trường hợp trong số 2,4 triệu thai phụ.
Ông Le Ngoc Bao cũng cảnh báo: "Nhiều thanh niên không nhận thức đầy đủ hậu quả của việc phá thai. Họ tiếc tiền hoặc ngại mua bao cao su, thuốc tránh thai hơn là suy nghĩ đến những rủi ro nếu không đề phòng". Đáng quan ngại hơn, một số phòng khám, dù là tư nhân hay thuộc nhà nước, không chú trọng quá trình tư vấn hậu phá thai nên nhiều phụ nữ trẻ đã thực hiện điều này nhiều lần.
Hoa, cô gái 20 tuổi với vẻ ngoài thời thượng, đã phá thai 3 lần. "Lần đầu tôi có chút sợ hãi, nhưng dần rồi tôi cũng quen", Hoa nói. Tuy nhiên, Hoa rất thắc mắc vì sao cô liên tục mang thai dù bạn trai luôn áp dụng biện pháp phòng tránh mỗi lần quan hệ.
Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Arthur Erken, cho rằng Erken cho rằng tỷ lệ nạo phá thai thực tế có thể cao hơn thống kê chính thức, do chúng diễn ra ở những phòng khám tư nhân và thiếu sự kiểm soát. Thậm chí, một số nơi còn nhận phá thai dù đã 22 tuần tuổi.
Các chuyên gia nêu lên những nguyên nhân chính cho tình trạng phá thai như chương trình giáo dục giới tính sơ sài trong trường học, giới trẻ thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản, họ cũng không được tiếp cận miễn phí các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Do vậy, bác sĩ Tran Ninh (Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam) nhấn mạnh Việt Nam cần khẩn trương cải thiện chương trình giáo dục giới tính và phổ cập kiến thức tránh thai cho những phụ nữ trẻ chưa lập gia đình.
Bên cạnh đó, nguyên nhân phá thai còn xuất phát từ truyền thống xưa vốn trọng nam, khinh nữ, nên một số cặp vợ chồng chỉ muốn sinh con trai. Để ngăn chặn điều này, chính phủ đã cấm các đơn vị y tế tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia nói lệnh cấm khó thực thi nghiêm túc.
MM chuyển