Một trong những câu nói gây tranh cãi nhất của Tổng thống vừa đắc cử của nước Mỹ - Donald Trump - là tuyên bố xây một bức tường ngăn cách giữa Mỹ và Mexico để hạn chế người nhập cư trái phép.
Mặc dù câu nói này của Donald Trump đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong giới cử tri Mỹ cũng như người dân Mexico nhưng ý tưởng xây những bức tường và hàng rào để ngăn đường biên giới giữa các quốc gia không phải là điều mới lạ.
Trên thực tế, hiện nay đã có rất nhiều bức tường biên giới được xây dựng để ngăn cách giữa các quốc gia trên thế giới và nhiều dự án đang trong giai đoạn quy hoạch. Những bức tường biên giới này đều được xây dựng nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép qua biên giới các quốc gia.
Và Donald Trump hoàn toàn “không cô đơn”!
Dưới đây là danh sách 6 bức tường biên giới đang trong giai đoạn xây dựng hoặc chuẩn bị được xây dựng để hạn chế nhập cư bất hợp pháp giữa các quốc gia trên thế giới.
1. Bức tường biên giới Na Uy – Nga
Na Uy dự định sẽ xây dựng một hàng rào bằng thép ở biên giới Bắc Cực với Nga sau khi một đoàn người tị nạn nhập cư vào đất nước này, làm dấy lên lo ngại về làn sóng phản đối người tị nạn cũng như đe dọa các mối quan hệ xuyên biên giới từ thời Chiến tranh lạnh sẽ bị ảnh hưởng.
Chính phủ Na Uy cho biết, bức tường biên giới này sẽ có chiều dài khoảng 660 feet và cao 11 feet, kéo dài từ cực biên Storskog để thắt chặt an ninh. Bởi trong suốt nhiều thập kỷ nay, các nước Bắc Âu luôn được xem là “hầm trú ẩn” an toàn cho người tị nạn. Năm ngoái đã có khoảng 5.500 người di cư chủ yếu từ Syria sang Na Uy.
2. Bức tường biên giới Kenya và Somalia
Chính phủ Kenya đang lên kế hoạch xây dựng một bức tường an ninh dài khoảng 700 kilomet dọc biên giới phía Đông Bắc với Somalia nhằm kiềm chế các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới của nhóm khủng bố al-Shabab. Kể từ năm 2012, các cuộc tấn công khủng bố đã giết chết hơn 400 người tại nước này.
“Bức tường biên giới này sẽ giúp chúng tôi kiểm soát tất cả những người có nguy cơ là nhóm khủng bố al-Shabab đến và đi khỏi Somalia. Chúng tôi sẽ không gây cản trở đến việc nhập cư của những nhóm người khác. Đây là thỏa thuận hợp tác chung giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia nhằm đối phó với tình trạng khủng bố” – Đại diện phía Kenya cho biết.
3. Bức tường biên giới Hungary – Serbia
Hungary dự định sẽ xây một “bức tường khổng lồ” thứ hai trên biên giới với Serbia nhằm hạn chế tình trạng di cư đến đất nước này. Trong một phát biểu chính thức mới đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, hàng rào mới sẽ ngăn chặn hàng trăm nghìn người tị nạn đến đất nước này.
“Chúng tôi đã có một hàng rào biên giới với Serbia và hiện nay chúng tôi đang tiếp tục xây dựng một bức tường thứ hai bằng công nghệ hiện đại nhất. Số lượng nhân viên bảo vệ bức tường biên giới này cũng sẽ tăng từ 44.000 lên 47.000 người” – ông Orban cho biết.
4. Bức tường biên giới Nga – Ukraine
Ukraine dự định xây dựng một bức tường biên giới phía Đông với Nga. Kể từ năm 2014, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã tuyên bố kế hoạch dành ra 517 triệu USD để củng cố đường biên giới với Nga nhằm cắt giảm sự hỗ trợ của lực lượng ủng hộ Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên, dự án này đang tạm bị trì hoãn do chưa hoàn thành báo cáo khả thi vào tháng 8 năm 2015. Ông Yatsenyuk đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt vì những thiếu sót trong tiến trình thực hiện dự án. Thậm chí, dù chưa hoàn thành nhưng bức tường này đã được ví von là “Great Wall” của Ukraine.
5. Bức tường biên giới Israel – Gaza
Israel hiện đang xây dựng một bức tường bê tông ngầm khổng lồ dài khoảng 60 kilomet kéo dài toàn bộ biên giới giữa Israel với Gaza nhằm ngăn chặn các chiến binh Hamas đào đường hầm vào lãnh thổ Israel và sử dụng chúng trong các cuộc tấn công. Dự kiến toàn bộ kinh phí cho dự án này lên tới 530 triệu USD.
Bên cạnh đó, giới chức Israel cũng tiết lộ, bức tường bê tông này sẽ sâu hàng chục mét dưới lòng đất và chạy dọc theo các thị trấn biên giới với Gaza. Đồng thời, đây sẽ là bức tường biên giới đầu tiên được trang bị cảm biến để phát hiện đào bới.
6. Bức tường biên giới Thái Lan – Malaysia
Chính phủ Thái Lan và Malaysia đã thỏa thuận xây dựng một bức tường biên giới dọc đất liền hai nước nhằm dập tắt các cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo ở miền Nam Thái Lan. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2015, quân ly khai tại 4 tỉnh miền Nam Thái Lan đã giết chết 6.500 người và làm bị thương 12.000 người.
“Việc xây dựng bức tường biên giới sẽ giúp cho chính quyền hai nước kiểm soát các luồng di cư tốt hơn. Bức tường này sẽ có lợi cho Thái Lan nhiều hơn và Thái Lan sẽ phải trả tiền cho việc xây dựng bức tường để ngăn chặn lực lượng phản động ở phía Nam” – một chuyên gia cho biết.
http://ttvn.vn/kinh-doanh/donald-trump-khong-co-don--420162111231243748.htm