Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ), định chế tư pháp của Liên Hiệp Quốc, chuyên giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, hôm qua 03/02/2021 cho rằng có đủ thẩm quyền phân xử vụ khiếu kiện của chính quyền Teheran hồi năm 2018 về việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Iran sau khi tổng thống Trump rút Mỹ hỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Quyết định của Tòa Công lý Quốc tế được Iran coi là một chiến thắng nhưng lại gây thất vọng cho Hoa Kỳ. Trước đây, Washington đã phản bác, cho rằng các yêu cầu của Iran nằm ngoài thẩm quyền xét xử của Tòa Công lý Quốc tế.
Từ La Haye, thông tín viên RFI Stéphanie Maupas cho biết thêm chi tiết :
« Liên quan đến Iran và Hoa Kỳ, nói đến tình bạn hữu là một điều không phù hợp. Thế nhưng, vào năm 2018, Iran đã quyết định đệ đơn kiện Hoa Kỳ trên cơ sở một hiệp ước hữu nghị cũ có từ hồi năm 1955. Chính quyền Teheran đã quyết định kiện sau khi chính quyền Mỹ thời Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran rồi áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Teheran. Đó là lý do khiến Teheran lấy lại hiệp ước hữu nghị cũ này làm cơ sở để đưa vấn đề về trừng phạt ra Tòa án Công lý Quốc tế. Washington ngay lập tức tuyên bố đó là một hiệp ước "lỗi thời" và phản bác thẩm quyền của các thẩm phán. Nhưng nỗ lực của Mỹ không thành công. Bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ, các thẩm phán cho rằng họ có thẩm quyền.
Phần tiếp theo của vụ án, tức là xem xét nội dung hồ sơ, sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể được quyết định. Phán quyết sẽ không bao giờ được đưa ra nếu Teheran quyết định rút khiếu nại, hoặc nếu Mỹ và Iran hướng tới một dạng bình thường hóa quan hệ. Chính quyền Biden cho biết muốn Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận mà Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga, Đức và tất nhiên là cả Iran đang tham gia.
Nhưng đó là một sự quay trở lại có điều kiện, nhất là về việc cho phép các quan sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran. »