Tối hôm qua có một bạn trao đổi riêng qua tin nhắn với tôi, bày tỏ dự định sẽ tưởng niệm các chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa 43 năm về trước. Bạn ấy còn nói rằng, vì chưa vượt được qua sự sợ hãi nên sẽ không tham gia các cuộc tưởng niệm do các hội/nhóm dân sự độc lập kêu gọi, mà làm theo cách riêng của mình.
Bạn ấy nói về ý định sẽ viết khẩu hiệu rồi treo tại một địa điểm nào đó thích hợp để người đi đường có thể đọc được, như một cách mang sự thật đến với người dân. Hoặc thả hoa đăng, thắp nến rồi chụp hình đưa lên mạng.
Sau đó, người bạn này có chuyển cho tôi xem hình chụp khẩu hiệu mà bạn ấy tự tay viết: “Tưởng niệm các tử sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974”. Tôi hỏi, sao không nêu đích danh những người hy sinh ngày ấy là các chiến sĩ VNCH, mà phải ghi chung chung là “tử sĩ”?
Người bạn giải thích rằng, chỉ cần ghi như thế người dân cũng tự hiểu là
đang nói đến ai. Hơn nữa, bạn này không muốn bị rắc rối với bốn chữ
“Việt Nam Cộng Hòa” nếu không may bị nhà cầm quyền phát hiện.
Ý muốn tưởng niệm các chiến sĩ VNCH đã hy sinh bảo vệ biển đảo của quê hương 43 năm trước là một nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng của bạn. Tôi đã nêu ý kiến của mình khi trao đổi riêng với bạn. Câu chuyện này, xin được chia sẻ với bạn bè như một cách bày tỏ ý kiến cá nhân xung quanh đề tài này. Ý kiến của tôi, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với suy nghĩ của người này hay người kia. Nhưng dứt khoát nó không mang tính gợi ý hay chỉ trích liên quan đến việc nhỏ là nội dung khẩu hiệu hoặc chuyện lớn hơn là việc tưởng niệm. Nó cũng chỉ gói gọn trong nội dung ngắn mà tôi và người bạn hôm qua đã trao đổi.
Về ngữ nghĩa, danh từ “tử sĩ” sử dụng trong trường hợp này không sai. “Tử sĩ” có nghĩa là “người chết trận”, hoặc “quân nhân chết khi đang tại ngũ, đang làm nhiệm vụ”. Với định nghĩa như thế và chỉ tính riêng giai đoạn lịch sử Việt Nam vài chục năm trở lại đây, chúng ta không những chỉ có các “tử sĩ VNCH”, mà còn có các “tử sĩ Cộng sản”.
Góp phần chuyển tải sự thật đến cho người khác là hành động đáng trân trọng, hơn nữa còn là một trong những yếu tố quyết định vận mệnh đất nước sau này. Tuy nhiên, nếu cho rằng chỉ cần ghi “các tử sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974” thì “người dân cũng tự hiểu mình đang nói đến ai” là một suy nghĩ thiếu chín chắn. Chưa biết chừng, những người không biết sự kiện lịch sử trên thậm chí sẽ lầm tưởng khẩu hiệu nhắc tới lính Bắc Việt. Khi ấy, ý nghĩa tốt đẹp của hành động tưởng niệm không những không đạt được mà còn tạo tác dụng ngược, hoặc hệ lụy không mong muốn. Dám lắm chứ, vì đối với nhiều người dân, ngoài ngoài lính “bộ đội cụ Hồ”, họ không biết (do bị lừa) đến lực lượng quân đội nào khác.
Nó hoàn toàn mâu thuẫn với mong muốn “mang sự thật đến cho mọi người”. Bởi nếu người dân đã biết rồi, thì việc “mang sự thật đến” không còn cần thiết nữa. Đương nhiên, với những người đã biết thì ai cũng hiểu khẩu hiệu trên nhắc đến 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh năm 1974 trên đảo Hoàng Sa khi chiến đấu với quân Trung cộng xâm lược. Song – như vừa nói, điều cần thiết là nói cho người chưa biết được biết sự thật.
Bốn chữ “Việt Nam Cộng Hòa” cho đến bây giờ vẫn bị coi là “nhạy cảm”, thậm chí “cấm kỵ” đối với không chỉ người dân, mà ngay cả với một số người cổ xướng cho nhân quyền, tự do. Điều này xin không bàn tới. Nhưng nếu tổ chức tưởng niệm hoặc tri ân các anh, tại sao không dám gọi đích danh tên những người được tưởng niệm? Không dám gọi đích danh tên những người được tưởng niệm, lòng biết ơn và sự tôn kính mà ta dành cho những người đã hy sinh vì tổ quốc sẽ không còn được trọn vẹn.
Vì thế, nếu tưởng niệm, xin gọi đúng tên các anh là “74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.”. Để người dân biết rằng, cách đây bốn mươi ba năm, chính những người lính hải quân VNCH, đã chiến đấu để bảo vệ biển đảo quê hương. Cho dù Trung cộng đã cưỡng chiếm được Hoàng Sa, cho dù những người cộng sản muốn chối bỏ sự thật lịch sử thì sự hy sinh cao cả của các anh sẽ là bất tử. “Anh hùng tử khí hùng bất tử”, không có câu nào đẹp hơn để diễn tả về sự hy sinh của người chiến sĩ hải quân VNCH trên quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Phạm Thanh Nghiên
Nguồn: phamthanhnghien.blogspot.com