Văn Học & Nghệ Thuật
Nhà văn Duyên Anh - Nguyễn Vy Khanh
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình (1).
Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ”
Nguyễn Vy Khanh
Duyên Anh sau năm 1975
Nhà văn
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình (1).
Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông là con cả của một gia đình 7 người con. Thân sinh ông làm thầy lang, sau đổi ra buôn bán nhỏ. Ông học các trường tổng, trường tỉnh – tư thục Trần Lãm, rồi lên Hà nội học trung học.
Ở quê nhà, Duyên Anh đã chứng kiến và sống những biến cố lịch sử 1945 và 1954. Duyên Anh di cư vào Nam cuối năm 1954.
Vào Sài Gòn, ban đầu ông sống qua nhiều nghề như giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiệc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia, v.v..
Giữa năm 1955, ông theo Đại Việt Duy Dân lên Ban-mê-thuột làm ‘cách mạng’ được vài tháng rồi sau đó được người của tổ chức đưa xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông đến Mỹ Tho mở trường dạy đàn guitare tại gia. Lên lại Sài Gòn năm 1960 học thi tú tài và lập gia đình tháng 1 năm 1962.
Duyên Anh bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên tờ Chỉ Đạo là cơ quan của Ban chỉ đạo chiến dịch tố cộng thuộc bộ Quốc phòng do Ngô Quân và Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút. Truyện đầu tiên đăng trên tập san này là Hoa Thiên Lý. Những bài thơ đầu tay cũng trên tạp chí Chỉ Đạo như Bà mẹ Tây Ninh, Em tôi. Đồng thời ông viết cho tờ Gió Nam của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Sau đó làm việc tại Tổng nha thanh niên, biệt phái làm tại tòa soạn tờ Chiến Đấu, cơ quan ngôn luận của Thanh niên cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí.
Sau cùng, Duyên Anh trở về Tổng nha thanh niên làm việc ở sở Tuyên huấn. Ông viết bài ca ngợi thanh niên cộng hòa để đọc trên đài phát thanh. Đời công chức của ông cũng chấm dứt ở đấy sau khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị “đồng minh” Hoa kỳ đồng lõa với một số tướng tá lật đổ.
Sau vụ “chỉnh lý” đầu năm 1964, Duyên Anh cộng tác với nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, một tờ báo chống Cộng và chống cả những lực lượng chính trị khuynh đảo miền Nam. Từ nay Duyên Anh sống bằng ngòi bút và viết phiếm luận vì muốn đả phá bất công xã hội.
Năm 1967 chủ bút tuần báo Con Ong của Minh Vồ sau khi đã cộng tác với nhật báo Sống của Chu Tử và từ năm 1968 với nhật báo Công Luận của tướng hồi hưu Tôn Thất Đính. Ông cũng viết cho nhật báo Tin Báo của Nguyễn Mạnh Côn là người đã khuyến khích giúp đỡ Duyên Anh ở bước đầu văn nghiệp.
Năm 1968, Duyên Anh chủ trương tuần báo Búp Bê sau khi đã phụ trách trang Búp Bê cho nhật báo Công Luận. Sau đó, ông chủ trương các tuần báo Tuổi Ngọc (1969-1975) và Người (1970), tuần báo chuyên trào lộng chính trị, cũng như nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Từ sau 1971, ông giã từ nghề nhật báo vì nghĩ không thể trở thành ký giả chuyên nghiệp lý tưởng, rồi phận “con sên già lùi bước” khi cạn vốn đã phải biến tuần báo Tuổi Ngọc thành bán nguyệt san. Trước đó ông đã từng bị chế độ kiểm duyệt không cho viết tiếp các phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt trên báo Sống. Ông muốn trở lại làm nhà văn của tuổi thơ và của tình người trong không khí lãng mạn thuần túy của dân tộc như lời giới thiệu trong Nước Mắt Lưng Tròng. Ông ký Duyên Anh và Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết văn, ký Thương Sinh, Thương Anh, Bếp Nhỏ, Mõ Báo, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên, v.v. khi viết báo và làm chủ báo. Bút hiệu Duyên Anh là tên một bản nhạc của một người bạn cùng lớp, bút hiệu được dùng để nhớ người bạn ở lại miền Bắc sau 1954 (2).
Tác phẩm :
50 cuốn trước 1975, liệt kê theo thứ tự năm xuất bản: Hoa Thiên Lý (1963), Thằng Vũ (1965), Luật Hè Phố (1965), Điệu Ru Nước Mắt (1965), Dấu Chân Sỏi Đá (1966), Dũng Đakao (1966), Ảo Vọng Tuổi Trẻ (1967), Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (1967), Gấu Rừng (1967), Cỏ Non (1967), Bồn Lừa (1967), Nặng Nợ Giang Hồ (1968), Tuyển Truyện Tuổi Thơ (1968), Ngày Xưa Còn Bé (1968), Mây Mùa Thu (1968), Cầu Mơ (1969), Con Suối Ở Miền Đông (1969), Ánh Mắt Trông Theo (1969), Ánh Lửa Đêm Tù (1969), Trường Cũ (1969), Thằng Côn (1969), Tuyển Truyện Duyên Anh (1970), Mơ Thành Người Quang Trung (1970), Nhà Tôi (1970), Lứa Tuổi Thích Ô Mai (1970), Tuổi Mười Ba (1970), Mặt Trời Nhỏ (1970), Rồi Hết Chiến Tranh (1970), Chương Còm (1970), Đàn Bà (1970), Giặc Ô-Kê (1971), Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời (1971), Nước Mắt Lưng Tròng (1971), Châu Kool (sau viết thành truyện phim Trần Thị Diễm Châu, 1971), Áo Tiểu Thư (1971), Hưng Mập Phiêu Lưu (1971), Tên Một Loài Hoa Quê Hương (1971), Ngựa Chứng Trong Sân Trường (1971), Con Thúy (1971), Thằng Khoa (1972), Về Yêu Hoa Cúc (1972), Phượng Vĩ (1972), Thư Tình Trên Cát (1973), Đêm Thánh Vô Cùng (1973), Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (1974), Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy (1974), Sa Mạc Tuổi Trẻ, Hạ Ơi, Hôn Em, Kỷ Niệm, Cây Leo Hạnh Phúc (1974) và Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (1-1975) là tác phẩm cuối cùng xuất bản trước ngày 30-4-1975.
Tất cả là truyện dài ngoại trừ Hoa Thiên Lý, Tuyển Truyện Tuổi Thơ, Tuyển Truyện Duyên Anh là tuyển tập truyện ngắn. Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời có hình thức là một tập nhiều truyện ngắn nhưng thật ra là những đoạn văn trích từ các tiểu thuyết của ông. Trong trường hợp Duyên Anh, truyện dài nhiều khi thật ra chỉ là truyện vừa và thường được in với khổ chữ lớn như sách cho thiếu nhi. Cuốn Luật Hè Phố khi tái bản năm 1969 chia thành phần với 2 tựa mới:
1, Giấc Mơ Một Loài Cỏ,
2, Con Suối Ở Miền Đông.
Duyên Anh từng theo con đường Tô Hoài tiền chiến viết chuyện thú vật nhưng hình như chỉ ra một cuốn về thế giới mèo chuột, Rồi Hết Chiến Tranh. Bốn tiểu thuyết của ông (Điệu Ru Nước Mắt, Nhà Tôi, Trần Thị Diễm Châu,.. ) đã được đưa lên màn ảnh.
Ngoài ra Duyên Anh còn viết Hồi ký Nhà Báo đăng trên báo Tuổi Ngọc (3) về cuộc đời viết báo và làm báo của ông vì “muốn giúp những người đi sau tôi nhìn rõ những đổ vỡ của tôi mười năm làm báo” (4). Ngoài ra ông có viết Hồi ký binh nghiệp và Nói chuyện với lính cho Tôn Thất Đính chủ nhiệm tờ Công Luận.
Sau ngày 30-4-1975, ông bị bắt ngày 8-4-1976 nhốt tù ba năm ở Phan Đăng Lưu và khám Chí Hòa rồi bị đưa đi cải tạo ba năm ở Xuyên Mộc và Hàm Tân. Được thả tự do đầu tháng 9-1981 nhờ các hội Ân xá và Văn bút quốc tế can thiệp nhưng lại không được đi Pháp theo diện chính thức với gia đình tháng 4-1982. Do đó ông vượt biên năm 1983 bằng thuyền và định cư tại Pháp từ 20-10-1983, tiếp tục viết truyện, thơ, làm phim và vidéo (viết dẫn giải và xướng ngôn cho Paris By Night) và làm nhạc. Duyên Anh bị tấn công trên báo chí cộng sản trong nước cũng như của người Việt hải ngoại, và ngày 30-4-1988, ông bị hành hung đến tật nguyền trên đường Bolsa ở Little Saigon, California. Ngày 10-6-1990 ông trở lại đạo Thiên chúa, lấy tên thánh Giu-se và trở lại viết truyện và bút ký từ ngày 11-10-1990.
Ông can đảm vượt qua nhiều nghịch cảnh, bơi ngược dòng theo triết lý mới mà ông đặt tên là triết lý sống của con gọng vó. Cuối đời, Duyên Anh càng bị giới làm văn học và báo chí người Việt hải ngoại cô lập, ít nhắc nhở đến.
Ở hải ngoại, Duyên Anh viết hồi ký (Nhà Tù, Nhìn Lại Những Bến Bờ), in thơ về thời bị tù và học tập, xuất bản truyện chống Cộng (bộ Hồn Say Phấn Lạ, ..) và đề cao tuổi trẻ (Bầy Sư Tử Lãng Mạn, Một Người Tên Là Trần Văn Bá, v.v.). Có lúc ông viết lại phiếm luận với bút hiệu Đồng-Nai Tư-Mã trên tạp chí Ngày Nay (Kansas) và định tái xuất Con Ong, nhưng ông đã sớm bỏ ý định làm báo ở Bắc Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp và người Pháp quay phim, sôi nổi nhất là Un Russe à Saigon (1986). Gần cuối đời, ông đưa người Mỹ vào tiểu thuyết và viết đề cao ca dao và tình tự dân tộc. Ông mất ngày 6-2-1997 tại Pháp vì bệnh ung thư gan, thọ 63 tuổi. Duyên Anh được hỏa thiêu sau tang lễ theo nghi thức công giáo ở nhà thờ Saint Madelaine, Plessis Robinson.
Tác phẩm ”Điệu ru nước mắt” của Duyên Anh viết về du đãng
đã được chuyển thành phim trước năm 75
Tổng quan
Tác phẩm Duyên Anh trước 1975 gồm các chủ đề : tình yêu quê hương, tuổi thơ, tuổi trẻ và xã hội. Những truyện đầu tay Duyên Anh đã viết trong hoàn cảnh xa quê nhà và nghèo khó, ông đã viết với “niềm xúc động thật tình”. Dù không thành công về số lượng sách bán được (Hoa Thiên Lý in 1500 bán được 400, Thằng Vũ in 2500 ế dài, nhà phát hành không bán vì tên truyện không hấp dẫn). Nhưng vài năm sau, tiểu thuyết của ông được tiêu thụ mạnh: Hoa Thiên Lý được tái bản nhiều lần và nhiều cuốn mỗi lần xuất bản in đến 5, 6 ngàn bản. Có lẽ sự thành công khiến ông viết dễ dãi sa đà “để nói những gì muốn nói” do đó đã thiếu chăm sóc, dài dòng và hay trùng điệp. Trong Cây Leo Hạnh Phúc chẳng hạn, ông đã để “thằng Đốm”, một đứa bé, nói:
“Thôi thôi, con nhất định không lấy vợ đâu. Lấy vợ khổ thấy mồ, phải ăn cơm ở nhà hoài hủy. Không lấy vợ đi ăn cơm tiệm đều đều, xem xi nê mỗi ngày…” (tr. 455).
Duyên Anh hay đem chuyện và người thật vào tiểu thuyết – như là nơi để ông nói về bạn bè, điểm thơ văn hay hành cử, nói tốt thì thường, nhưng khi nói xấu thì sao không gây thù chuốc oán. Đọc tiểu thuyết của ông, người đọc dễ đoán được diễn biến và cả kết thúc vì thường tác giả theo một khuôn luân lý hoặc mẫu người. Ông đã dễ dãi kỹ thuật, tình tiết đơn sơ dù ông tràn ngập chi tiết và hợp tan cũng dễ dàng.
Trong hơn hai mươi năm văn học miền Nam, Duyên Anh đã là một trong số những hiện tượng văn học. Hiện tượng trước hết vì ông viết nhiều, sau vì ông có hẳn một chủ trương làm văn học và có đường lối văn chương của ông. Viết nhiều và các tác phẩm về sau có khi hay lập lại, có khi trích dẫn thơ văn quá độ. Nếu trong nhiều tiểu thuyết xã hội ông liên tục tấn công cái Ác và đề cao tình người hay cái Thiện thì trong bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Duyên Anh liên tục làm sống cái xã hội và con người hiền hòa, thơ mộng. Hiện tượng vì sau hết, dù thành công, Duyên Anh vẫn tiếp tục chân thành với người đọc, không huênh hoang, tự cao hay thay đổi lối viết. Ông cũng đã cố gắng tách rời Thương Sinh nhà báo trong văn chương dù có khi yếu ớt. Duyên Anh đã thành công trung thành với người đọc của ông.
Chính cái trung thành hỗ tương này làm nên thành công cho tác giả Thằng Vũ, ông trở thành hiện tượng, đại diện cho một giá trị nào đó, trở thành thân thiết, thành cái không thể thiếu, cái tất yếu, phải đọc; người đọc như đồng hóa với nhân vật và xã hội tiểu thuyết của ông, có khi gần mà như xa vì dù đơn sơ, bình dị, thế giới đó, tỉnh lỵ Trà Lý hay Sài gòn, nhân vật đó – những thằng Vũ, con Thúy, em tôi, Trần Đại, Châu Kool, … vẫn như xa cách, lý tưởng quá chăng, hài hòa quá chăng – là những cái hiếm có trong xã hội thật. Mộng và thực như đời sống, ở nơi đây nhưng mơ mộng cái lý tưởng và xa xôi. Nếu thế giới thằng Côn con Thúy ở tỉnh lỵ quá đẹp, nên thơ, đáng mộng mơ thì thế giới Trần Đại hay Danh Lựa đánh giày,… quá tàn nhẫn; nhưng ở cả hai xã hội đó, cái ước muốn sống Thiện, sống đời bình thường có cha mẹ gia đình vẫn ở đó, vẫn là cái xương sống, cái lõi của những bầy nhầy khốn nạn trên bề mặt.
Khi viết, Duyên Anh đã biết đối tượng của tác phẩm ông: viết cho những người như ông, mơ và sống một cuộc đời bình thường trong đó người đối xử với người với thành tâm, viết cho những người muốn sống bình thường nhưng vì nhiều hoàn cảnh đã không thể được, đã bị bứng ra khỏi thế giới đó. Duyên Anh đã không thuộc vào loại nhà văn viết cho mình hay viết để mà viết hay viết mà không cần người đọc, loại văn nghệ sĩ không tưởng, làm dáng, viễn mơ xa người đọc. Ông cũng không đề ra những câu hỏi nhân sinh hóc búa, những lý thuyết cho tương lai xa tầm với. Ông giới thiệu với người đọc những mảnh đời đẹp, có thể thần tiên, có thể khốn khổ. Tác phẩm của Duyên Anh cũng là những trả lời những gì người đọc có thể muốn biết, về cuộc đời, về con người.
Khác với các nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, v.v., Duyên Anh chưa hề diễn thuyết hay lập ngôn về văn chương của ông. Trong một cuộc gặp gỡ với các sinh viên Văn khoa Sài Gòn ngày 6-3-1972 do linh mục Thanh Lãng trưởng ban Việt văn tổ chức, Duyên Anh đã tâm sự :
“Không ai thấy trong tiểu thuyết của tôi những tiếng thét hãi hùng, cô đơn, thân phận làm người, v.v.. Tiểu thuyết của tôi kết thúc vẫn là tình của con người với con người. Tôi không vô thần nhưng không tin Thượng đế, chỉ tin ở con người. Sự an bình của con người không do Thượng đế mà do con người”. (5).
Trong một phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh (tức Nguyễn Xuân Hoàng) trên tạp chí Văn năm 1972 (6), Duyên Anh xác nhận thêm ông “chỉ ca ngợi Tình Người. Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ, … Tôi không thích theo đuổi hẳn một khuynh hướng nào…”. Đó có thể cắt nghĩa việc Duyên Anh không được giới làm văn chương ở miền Nam trước và sau 1975 xem là nhà văn lớn bên cạnh Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, v.v.. Sách ông xuất bản ít có bài phê bình giới thiệu và hơn 12 năm làm văn học đã chỉ có vài bài phỏng vấn, một số Văn Học đặc biệt về “thế giới tuổi thơ” của ông và một cuốn tiểu luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng Và Thực (1972) của Huỳnh Phan Anh.
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt trong Tác Giả Tác Phẩm Tiêu Biểu Nền Văn Học Nghệ Thuật Thời Chiến Tranh cũng đã ghi nhận chân tình đó của người viết Duyên Anh:
“Truyện của tôi không cầu kỳ, không tối tăm, không ngộp thở. Tôi không chơi văn chương và triết lý. Nó bình thường như một người Việt Nam bình thường mộc mạc. (…) Tôi viết bằng cảm xúc…” (7).
Duyên Anh đã là hiện tượng vì ông thuộc về lớp nhà văn đã ảnh hưởng đến người đọc, những người trẻ, những người mất tuổi trẻ, những người sống bằng hoài niệm, bằng kỷ niệm và quá khứ, của người đô thị nhớ về đồng quê dung dị thời thanh bình. Người đọc ông có thể là người di cư từ phía Bắc vỹ tuyến 17 phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể là người trẻ mới lớn ở miền Nam. Dù sao thì người đọc của ông không ít và ảnh hưởng có thể có của tác phẩm ông đã khiến những người cộng sản đã cấm sách ông và liệt ông vào số những người “biệt kích văn hóa tư tưởng”. Lý do là Duyên Anh đã làm cùng công việc của họ, đã dám ảnh hướng giới trẻ, dám giáo dục giới trẻ như đề cao tình thương yêu, tình người … Duyên Anh đã dám “cạnh tranh” với những huyền thoại của họ. Duyên Anh đã tạo dựng những thần tượng tuổi thơ hiền lành nhưng hiểu biết trong tiểu thuyết, nhưng những thần tượng tuổi thơ này đã vượt thế giới tiểu thuyết để đi vào cuộc đời, đã ảnh hưởng giới trẻ trong Nam. Duyên Anh bị kết án “lừa gạt trẻ con”.
Phải chăng sự kiện đây có thể giải tỏa nghi vấn về việc Duyên Anh bị đả thương thành tật nguyền ở hải ngoại và đã bị liên tục kết án? Duyên Anh đã “cứng đầu”, vẫn tiếp tục sứ mạng ông tự cho – viết cho tuổi trẻ, viết về tuổi trẻ và ước vọng nhân sinh của chúng.
Nếu nói Duyên Anh thì là một thứ chống đối tự nhiên của một người dân bình thường không thích chiến tranh hoặc đã phải sống những đổ nát do chiến tranh gây ra. Ông không đưa ra những lý thuyết lớn như nhà văn các nhóm Quan Điểm, Thái Độ, Sáng Tạo,… Ông chống cái Ác và đòi hỏi sự thật và lẽ phải phải được tôn trọng.
Năm 1971, Duyên Anh đã quyết định bỏ nghề làm báo để chỉ làm xuất bản và ra báo cho tuổi trẻ. Quyết định có thể bắt nguồn từ những đụng chạm lớn trong nghề báo, từ những thành công khiến ông đi quá đà gây nhiều hận thù và bớt bạn, nhưng có thể ông đã hối hận về nghề báo đi sai đường hướng văn nghệ của đời mình. Duyên Anh có quá đáng khi làm báo ngoài những lý do bình thường, có thể cái quá đáng đó thúc đẩy bởi ước muốn công bằng xã hội. Bỏ chốn lụn bại báo chí, Duyên Anh trở lại, sống hết mình với thế giới trong sáng của tuổi thơ và tuổi trẻ. Sau 1971, ông đã viết tiếp bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ và xuất bản những tiểu thuyết về tình yêu. Niềm tin ở chân thiện mỹ, ở đời sống và con người, Duyên Anh tin một cách chân thành không màu mè; thể hiện ở câu chuyện, cách hành văn, không thuyết lý. Duyên Anh đã viết văn như đã sống với một tâm hồn thẳng thắn dù đã có lúc phải làm bất cứ nghề gì để sống còn, phải làm lại cuộc đời từ số không. Duyên Anh không có ý làm mới ngôn ngữ. Nói chung, ông xử dụng một ngôn ngữ bình thường, dung dị hợp với câu chuyện và nhân vật của ông, tất cả như vừa tầm mọi người. Ngay cả khi ông mơ mộng hay viết về cách mạng.
Đời sống tác giả thiếu thời như phần đông người Việt, nghèo thiếu thốn, cố gắng vươn lên và Duyên Anh đã thành công sống tự lập bằng ngòi bút. Do đó ông thương xót cho số phận đa số tức người nghèo, thiếu phương tiện học hành, những đứa trẻ nhà nghèo như ông đã từng, những đứa trẻ mồ côi sống đầu đường xó chợ, ông hiểu chúng, từ chỗ hiểu đưa đến ước muốn giáo dục hay làm cái gì đó cho chúng khá hơn hay ít ra cho mọi người hiểu thân phận chúng. Cái nhìn từ bi, muốn tới gần, lo cho chúng thay vì khinh bỉ, xua đuổi. Những nhân vật mồ côi, du đãng. Hãy nghe Duyên Anh cắt nghĩa lý do ông phẫn nộ :
“Tôi là con một gia đình bần nông ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi đã sống nghèo khổ, chứng kiến cảnh bố mẹ chạy ăn từng bữa mà còn bị bọn cường hào ác bá hành hạ, ức hiếp. Tới khi khôn lớn lên, sống bằng nghề báo thì mỗi khi cầm bút, viết về câu chuyện bất công của thời đại, tự nhiên tôi lại nhớ tới dĩ vãng thù hận. Thành ra giọng văn trở thành phẫn nộ, ác độc” (1)
Duyên Anh đã viết trên 70 cuốn truyện dài, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Trước 1975, ông đã là tác giả của gần 50 tác phẩm, có thể xem là một trong số mười nhà văn có số xuất bản kỷ lục đó. Duyên Anh đã cho biết ông “không viết để đạt một kỷ lục về số lượng. Tôi viết vì sự thôi thúc của dĩ vãng và của sự quằn quại với lịch sử đất nước. Như mọi người trong thế hệ chúng ta, khi mới 10 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Nhật đảo chánh Pháp. Rồi sau đó, tôi đã đi đếm xác những dân làng tôi bị Nhật làm cho chết đói. Rồi thì cách mạng tháng Tám tiêu thổ kháng chiến, dân làng tôi bồng bế chạy loạn. Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi đã mất hết trong cách mạng và chiến tranh”. (1)
Một số đề tài
Tình yêu quê hương, gia đình
Hoa Thiên Lý xuất bản vào một giai đoạn khó khăn của tác giả trước đảo chánh 1-11-1963. Tập gồm 10 truyện, tuy là tác phẩm đầu tay nhưng như đã đánh dấu con đường văn chương của tác giả kể cả ngôn từ sử dụng. Cánh cửa văn chương đã mở với Hoa Thiên Lý và sẽ tiếp tục trong các tác phẩm sau này, văn chương của ký ức, của tuổi thơ đánh mất, của những kiếm tìm quá khứ đời xưa người cũ, của một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm.
Hoa Thiên Lý ngoài nỗi niềm thương nhớ về người mẹ, còn là nỗi lòng yêu thương cần có trên đường đời mà tác giả sẽ tiếp tục dàn trải trên các tác phẩm về sau.
“Tôi đi tìm thương yêu trong màu hoa thiên lý, đi tìm những bà Mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây…” (tr. 23).
Nhớ thương, đi tìm. Và nỗi buồn xa cách.
“Giàn thiên lý quê nhà giờ đây đã héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy, người ta cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi dưới giàn hoa thiên lý mà kể chuyện cho tôi nghe” (tr. 22-23).
“Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào đó người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xơ xác đầy những oán thù” (tr. 23).
Còn hy vọng thì sao mà nhỏ nhoi :
“Bao giờ rừng cây yêu thương đơm trái, người quê hương sẽ về cướp lại đất quê hương và tôi phải gặp cô bé dưới giàn cây bâng khuâng ngồi đếm giọt hoàng hôn rơi” (tr. 23).
Truyện Hoa Thiên Lý là truyện đầu tay của Duyên Anh đã được viết trong hoàn cảnh cùng khốn của đời lưu lạc. Trong hồi ký Nhà Báo, Duyên Anh đã kể :
“Sống buồn thảm như thế, tôi đâm ra nhớ nhà kinh khủng. Nhớ nhà và thương tiếc tuổi thơ của mình. Trước hết, tôi nhớ mẹ tôi. Vào một đêm mưa mù mịt chân cầu Tân Thuận, không ngủ được vì mái nhà dột tứ tung, tôi đã thức suốt đêm hí hoáy viết truyện ngắn đầu tay Hoa Thiên Lý” (8).
”Luật hè phố” viết về trẻ em bụi đời ở Sài gòn
Các
truyện ngắn khác, Con Sáo Của Em Tôi, Em, … tiếp câu chuyện tuổi thơ
của Duyên Anh, hay Vòng Tay Của Một Người về tình yêu như một cái cớ để
mơ để sống về quá vãng, hay Trẻ Thơ và Bụt, Người Có Tội, Khúc Rẽ Cuộc
Đời, … về tuổi thơ như một khung trời với một vài thảm kịch nhân sinh
của người lớn nhưng ảnh hưởng đến tuổi thơ, Khúc Rẽ Cuộc Đời về những
người trẻ đánh mất tuổi thơ vì chiến tranh và cách mạng, về xung đột bi
đát của Mộng và Thực:
“Khoa có bao nhiêu kỷ niệm gửi trong mắt chị Hiền, trong nụ cười Vĩnh, Bảo (…) Trọn đời, Khoa sẽ nhớ những buổi câu cá dưới gốc cây si nghe chị Hiền kể chuyện ma (…) Người mẹ mớm cơm cho con mau lớn như chị Hiền mớm tình cảm cho Khoa biết mơ mộng. Khoa mong ước sau này Khoa bước xuống cuộc đời gặp nhiều chị Hiền” (tr. 191).
Nhưng cách mạng về, đời thơ mộng thành ác mộng:
“Phải chứng kiến lưỡi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dụa trên vũng máu. Phải thấy me Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh” (tr. 194).
Em Dực của tác giả trong truyện Em bị nhuốm đỏ, ngây thơ đã bị vẩn đục với những kêu gọi “trường kỳ kháng chiến”, “tiến bước dưới cờ Ma-len-cốp vinh quang” (tr. 111).
Tập truyện Hoa Thiên Lý đã là cánh cửa đưa Duyên Anh vào văn chương như tác giả đã kể lại trong Nhìn Lại Những Bến Bờ :
“Hoa thiên lý là một cánh cửa sổ đã mở để tôi nhìn tôi khởi sự những truyện ngắn chan chứa tình người. Nó rất quan trọng đối với tôi, bởi vì, nó là hành tinh tư tưởng và trọn đời tôi, tôi xoay quanh cái hành tinh đó để phô diễn văn chương nhân bản của tôi…” (9).
Và tập Hoa Thiên Lý gồm những truyện viết kỹ lưỡng thời nghèo khó đã là những truyện ngắn hay nhất của Duyên Anh như ông đã từng thú nhận trong cùng cuốn hồi ký (10).
Tuổi thơ
“Tuổi ngọc” được Duyên Anh chăm sóc rất kỹ trong văn nghiệp của ông. Trước hết với Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, bộ truyện gồm 6 quyển mà khung cảnh là tỉnh lỵ Thái Bình những năm 1944-1954: Thằng Vũ, Thằng Côn, Thằng Khoa, Con Thúy,… Thằng Vũ được khởi viết vào những năm cuối cùng làm công chức trước cách mạng 1-11-1963. Tuổi thơ lồng trong thảm cảnh của chiến tranh, của tù đày, bạo động, phản trắc, của chia cách, của những vùng tề, vùng tiếp thu. Bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là “lịch sử mười năm được nhìn và suy nghĩ bởi tuổi thơ. Điều tôi định sẽ nói lên trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là con người sẽ xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được” (11), vì xuất phát từ nỗi thất vọng của tác giả về chiến tranh, về cái hoàng hôn xám tình người lạnh lẽo và hờ hững.
“Tất cả cho cách mạng Tháng tám. Còn gì nữa mà cho. Vàng cho hết rồi. Niềm tin cho hết rồi” (Con Thúy, tr. 187).
Cách mạng đã cướp mất tuổi thơ, đã khiến tuổi thơ sống đày đọa trong khói lửa và bạo động. Cách mạng dạy con người đánh mất tính người. Đến các truyện Dzũng Đa-Kao, Chương Còm, Bồn Lừa, Hưng Mập, … một tuổi nhỏ mới của miền Nam phải đương đầu với chiến tranh mới Bắc-Nam. Tuổi thơ này muốn làm anh hùng dân tộc (Mơ Thành Người Quang Trung), thủ quân kiêm trung phong của đội tuyển thiếu niên làm đẹp dân tộc (Bồn Lừa). Đưa trẻ em hư hỏng ở vỉa hè vô trường học (Giặc Ô-Kê). thành thị kết tình với tuổi thơ nông thôn (Hạ Ơi), kinh với thượng (Gấu Rừng). Có khi tuổi thơ chỉ mơ hết nghèo khổ, được bước chân vào lớp học. Giấc mơ của những em bé đánh giày được có ăn, có mái ấm gia đình, được đến trường (Luật Hè Phố).
Một tuổi thơ dù ở Bắc ở Nam, trước hay sau 1954, con nhà giàu (Hoàng Dung, Elvis Dậu, Chương Còm, Đoàn Dự, Thiện Mông Cổ, ..) hay nghèo (Thằng Vũ, Bồn Lừa, Dũng Đa-Kao, Danh Ná, ..) hay con lai rơi rớt (Jimmy, Bill, Jack, ..), tất cả đều là những tia bình minh rực rỡ tình người, rộn ràng tình bạn, những thương yêu trìu mến. Dù ngoại cảnh đầy bạo động, chiến tranh, máu và nước mắt. Duyên Anh viết cho tuổi thơ vì ông “không có tuổi thơ”, “thèm tuổi thơ nên viết để giải tỏa những uẩn ức, những thèm khát” (1) như ông đã từng thú nhận sau này. Viết về tuổi thơ cũng là viết về gia đình, quê hương bỏ lại khi đã di cư vô Nam. Nếu đúng như tiết lộ của nhà văn Đỗ Tiến Đức bạn thân với Duyên Anh từ khi cả hai di cư vô Nam ở chung trại tạm trú, Duyên Anh đã để vợ con lại quê nhà ngoài Bắc, người đọc có thể hiểu thêm nỗi lòng nhớ vợ con của ông. Duyên Anh lập lại cuộc đời mới trong một hoàn cảnh éo le dễ được thông cảm, dù gia đình mới trong Nam ông vẫn chứng tỏ chồng cha gương mẫu. Viết về tuổi thơ là Duyên Anh viết cho ông, với tình thương cho cô con gái ngoài Bắc và với hạnh phúc ba đứa con trong Nam.
Cái tuổi thơ trong tác phẩm của Duyên Anh cũng như trong tác phẩm của Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, v.v. của văn chương Việt Nam là tuổi thơ văn chương, tuổi thơ của mọi người và nhiều người, tuổi thơ đã phổ quát. Tuổi thơ đã qua đã sống của mỗi người đã trở thành một phần đời, phần trời gió có thể đã thoảng trôi mà cũng có thể đã ảnh hưởng đến cả phần đời người lớn, cả sự nghiệp, chí hướng. Đối với nhiều người, tuổi nhỏ trở thành khung trời trú ẩn, thành một vùng tâm thức kỳ diệu ủi an để quay về khi con người phải đương đầu với những thực tế ê chề, khó khăn. Một cõi sống có thể thần linh – người ta vẫn nói thiên đàng tuổi thơ. Một cõi sa mù hay kỳ diệu có giá trị trị liệu. Ngày hôm nay khô cằn hoặc chỉ còn là bã là rác sẽ cần đến khoảng sống thần tiên đó để làm mới lại cuộc đời, chỉnh đốn lại cái sống, làm mạnh cái sống. Và ngược lại, tuổi thơ có thể như một căn bệnh kinh niên bất trị, như một sổ mũi, nhức đầu nhè nhẹ rồi qua đi nhưng sẽ luôn trở lại. Tuổi nhỏ đó còn là tiềm thức hay vô thức sẽ ảnh hưởng hiện tại và ý thức của con người. Duyên Anh sẽ viết về những con đường làng, những chạy nhảy của tuổi nhỏ, những trang sách đầu đời tinh khiết của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, những thầy cô khai tâm tuổi thơ, những người bạn cùng vui chơi chia xẻ cõi sống chưa vẩn đục, một cõi sống hùng dũng, tích cực, đầy niềm tin. Những trang sách khai tâm, những dòng chữ đầu đời:
“Rồi tôi biết đọc bài tập đọc ‘Tôi đi học’ ở cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu của Trần Trọng Kim (…) ‘Năm nay tôi lên bẩy. Tôi lớn rồi, không còn chơi bời lêu lổng như những năm còn bé. Tôi đi học. Tôi tập đọc, tập viết, tập làm tính và nhiều môn học khác nữa. Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho văn hay chữ tốt, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng’…” (Trường Cũ, tr. 9).
Những trang đầu đời sẽ đánh động tâm tư người đọc vì đã đánh động tâm hồn người viết. Dù nghịch phá, lêu lổng, thích ca hát, đánh lộn hơn là học, nhưng khi dĩ vãng xa đó trở về, ngôi trường tư thục Trần Lãm ở thị xã Thái Bình đã là muôn thuở.
“Ngôi trường của tôi không giống ‘con đẹp quá’. Nó ở mãi thị xã, chung tình muôn thuở cùng học trò. Chỉ có học trò phụ bạc trường học. Mỗi người học trò rời trường, đều đem theo ít nhiều tình yêu. Trường cho học trò tình yêu và tương tư. Học trò không cho lại trường gì cả…” (Trường Cũ, tr. 126-127).
Mùa hè, được về quê ngoại là một hạnh phúc.
“Quê ngoại nhà tôi có một vẻ gì đó thật mơ hồ, một ngăn cách nào đó thật diệu vợi. Người con gái đã về nhà chồng là giã từ luôn quê mẹ như giã từ thời son trẻ của mình. (…) Từ nỗi thiết tha của người mẹ, đứa con lớn lên, yêu quê ngoại hơn quê nội. … Xa vời quá, lạ lùng quá khiến ta mơ ước. Và ta ngỡ niềm mơ ước của ta sẽ no đầy nếu ta được sống ở quê ngoại rộn ràng trong ký ức…” (Phượng Vĩ, tr. 14-15).
Trong Hôn Em, Kỷ Niệm ông tiếp tục kể lại thời thơ ấu, cậu bé con nhà nghèo bên cạnh “đoạn đường oan nghiệt” của người cha. Đây cũng là tập đầu của bộ tự truyện Nhìn Lại Mình tác giả đã thông báo ở cuối tập. Cây Leo Hạnh Phúc là thế giới tuổi thơ của những con Ki, thằng Cu Tí, thằng Đốn. Trường Cũ kể chuyện đi học nhưng có hình thức một hối hận gián tiếp đã không là học trò gương mẫu. Ngày Xưa Còn Bé tiếp nối chuyện Trường Cũ khi Long, Côn, Thịnh, … lên Hà Nội trọ học trung học: những tung hoành của tuổi trẻ, những mối tình với con gái chốn văn vật. Trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ sau này, ông sẽ kể đã phí phạm những năm tuổi trẻ như thế nào. Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ nói trên. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt dù không biết Trà Lý ở đâu nhưng đã phải công nhận “Hình ảnh thiên đường và đất hứa của tuổi trẻ trong tác phẩm của Duyên Anh, tuổi trẻ được phục sinh vừa thơ mộng kỳ diệu, vừa phẫn nộ trong lầm than một vùng nhân thế” (11).
Tuổi trẻ
Duyên Anh viết và xuất bản những tác phẩm về tuổi trẻ khi miền Nam đang trên đà xây dựng, tổ chức và các phong trào thanh niên sinh viên học sinh được các chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa phát động cũng như tổ chức. Và kẻ thù cũng đã có những xâm nhập. Tuổi trẻ xuống đường, chống độc tài (hiến chương Vũng Tàu), chống chính khách xôi thịt, chống Mỹ, … và chống cả đi lính, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.
Trong khi đó tuổi trẻ của Duyên Anh lãng mạn nhưng có ý thức và yêu nước. Lãng mạn, theo những tập đoàn cách mạng một cách thành tâm nhưng ngây thơ trước thủ đoạn. Ảo Vọng Tuổi Trẻ kể chuyện những người trẻ tuổi đi làm cách mạng. Tuổi trẻ bị ảo vọng, ‘thua bạc’, mất cả vốn liếng lý tưởng và tuổi trẻ, đâm ra phẫn nộ. Họ “đã ngủ sầu trong đất”, không cần đến những đàn anh thê thảm và khốn nạn.
Duyên Anh trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường tiếp tục ý hướng giáo dục, muốn đề cao tình nghĩa trong một xã hội đầy bạo động và giá trị văn hóa không còn. Rồi trong “tâm bút” Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, Duyên Anh đã mong tạo được những thần tượng thiếu niên nhi đồng và đào tạo được một thế hệ hết mình bảo vệ miền Nam và ngăn chặn đám giải phóng theo chỉ thị của miền Bắc, ngay từ những lứa tuổi 14, 15. Võ Trụ trong Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy “quên thân mình cứu người phi công Mỹ lâm nạn” (tr. 34), Danh Kê cướp xuồng máy và súng của cộng sản ở Kiên Giang để khi lớp “đàn anh chết đi, có thể vững dạ tin tưởng ở thế hệ rường cột xâm mình chiến đấu, chiến thắng cộng sản” (tr. 43).
Nếu các truyện về tuổi thơ là chuyện của Duyên Anh và bạn bè trang lứa thì những tiểu thuyết về tuổi trẻ đã là kết hợp từ những kinh nghiệm cá nhân của tác giả thời mới vô Nam và cả khi làm báo, công chức.
Tuổi trẻ bụi đời và du đãng là hai loại tiểu thuyết và Duyên Anh đã hơn một lần phân biệt hai khuynh hướng đó. Tuổi trẻ bụi đời, trẻ mồ côi có Luật Hè Phố và Dấu Chân Sỏi Đá. Luật Hè Phố là thế giới của Danh, Lựa, Dân, v.v. những đứa trẻ đánh giày, ở viện mồ côi ra, sống bụi đời, không lựa chọn; là thế giới của bọn đầu trâu như Quý Đen, vua đánh giày.
“Bọn đánh giày tứ cố vô thân. Chúng nó sinh sống tại hè phố, chịu đựng mọi kỷ cương của hè phố và hè phố có bổn phận sắp đặt cho chúng nó…” (GMMLC, tr. 54).
Dấu Chân Sỏi Đá là chuyện Tâm và Ngọc, hai đứa trẻ mồ côi thời đảo chánh 1-11-1963: chúng sống tự lập, ở vỉa hè, bán báo, yêu thương đùm bọc nhau.
Đến loại tiểu thuyết gọi là du đãng, Duyên Anh đã cẩn thận nhấn mạnh :
“Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng” (ĐRNM, tr. 107).
Đã hơn một lần, cũng trong Điệu Ru Nước Mắt, Duyên Anh nói về những người trẻ tuổi này là “những thằng trong sạch nhất trong xã hội” (tr. 274), “du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng” (tr. 107) hay “xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả”. Chúng nỗi loạn vì cô đơn, “nổi loạn tâm hồn” vì “bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc”, hoặc thù đời, “khinh miệt cuộc đời, vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng ” (tr.81).
Thất vọng một xã hội không có chỗ đứng, bất mãn trước bất công xã hội, chúng “nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội”, “sống tách riêng ra một xã hội” (tr. 107) . Nổi loạn làm du đãng như không còn lựa chọn. Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang: chuyện Du Chột bắt cóc đòi tiền chuộc nhà buôn giàu không thành vì Hoàng Guitar đàn em của hắn quyết chí trở lại con đường lương thiện làm sai kế hoạch. Chuyện hoàn lương cũng không dễ một khi đã ở lâu với xã hội đó, cuối cùng trở thành thảm kịch. Hoàng Guitar có học, biết điều, giang hồ đã, cuối cùng muốn sống như mọi người có vợ có con và đủ ăn mà cũng không thể được trong một xã hội nhiều mắc lưới đó. Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng yêu gái điếm Alice Hồng muốn “… quên hết mọi tủi nhục mà cuộc đời đã hành hạ chúng ta bao nhiêu năm trời. Rồi chúng ta sẽ có nhiều con, sẽ lo cho chúng nên người. Em biết không, hạnh phúc phải do mình kiếm lấy, không đứa nào kiếm cho mình đâu”. Ý chí lương thiện không thôi không đủ. Hoàng Guitar hay Mừng Lác đều kết thúc cuộc đời trong bi đát và khốn cùng.
Đây là một thế giới bạo động với những thanh toán giữa George Tạo và Tony Phước trong Trần Thị Diễm Châu, giữa hai băng Du Chột và Chín Cùi trong Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, giữa băng Lê Hùng và nhóm Thanh niên quyết tử trong Sa Mạc Tuổi Trẻ, giữa Tám Dao Cạo và Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng.
“… Chúng nó chạy hết tốc độ, chiếu đèn pha và đè nghiến lên đầu Mừng Lác. Chiếc xe mất hút ở con phố khác. Mừng Lác bị vỡ óc nằm cô độc giữa trời đầy sương. Vua giết người đã bị xóa tên khỏi sổ bụi đời một cách tầm thường và thê thảm” (tr. 277).
Xã hội này có luật lệ của nó nhưng cũng có những phẩm tính tốt như chúng yêu thương nhau, biết đùm bọc nhau. Có tuổi trẻ vì hoàn cảnh mà đi du đãng như Trần Đại, Nguyễn Đạm, Trần Long, Trần Thị Diễm Châu, Lê Hùng, v.v. đã học xong trung học, có đứa đậu cả tú tài Pháp. Chúng cũng hào hoa phong nhã và “rất nghệ sĩ”. Một đính chính cho cảm thông. Vì tuổi trẻ đường xá này sẽ chấp nhận hoàn lương, vào trường các nữ tu như trong Trần Thị Diễm Châu “xã hội không cải thiện cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ”. Và tuổi trẻ du đãng cũng sẽ nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chiến. Một nhân vật của Sa mạc tuổi trẻ :
“quân đội là nơi lý tưởng nhất để nó làm lại cuộc đời” và “kỷ luật quân đội dạy người lính trở nên chín chắn, biết yêu biết ghét đúng đắn” (tr. 337).
Trần Đại của Điệu Ru Nước Mắt được đàn em James Dean Hùng khen “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại ‘cừ” nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…” (tr. 274).
Trong bài nói chuyện với nhà văn Đỗ Tiến Đức (1), Duyên Anh cho biết khi viết “cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu Ru Nước Mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết. Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, tôi thấy chẳng còn gì đáng ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi”.
Duyên Anh đã viết về tuổi trẻ du đãng với cái nhìn âu yếm, hiểu biết, có khi ông đã phẫn nộ như trong Ảo Vọng Tuổi Trẻ :
“Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời” (tr. 228)
Tuy vậy, sau cuốn Nước Mắt Lưng Tròng, tức sau khi đã xuất bản Điệu Ru Nước Mắt, Trần Thị Diễm Châu, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Sa Mạc Tuổi Trẻ, Duyên Anh đã bỏ loại truyện du đãng . Ông bỏ du đãng cũng như bỏ làm báo với những bút hiệu Thương Sinh, v.v. để trở về với tuổi thơ và không khí lãng mạn của những tình yêu nhỏ lớn, của Mây Mùa Thu, Cầu Mơ, v.v..
Tình yêu trong tiểu thuyết Duyên Anh có nhiều hình thức, từ tình yêu tuổi thơ, đến lứa tuổi thích ô mai, tình yêu giữa chốn bụi đời, anh chị, rồi tình vợ chồng. Bắt đầu là những mối tình vụng dại, ngây ngô trong Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Côn, Trường Cũ, … giữa các cô cậu tiểu học. Tình thằng Vũ với con Thúy :
“Lúc nó tỉnh ngủ, Vũ thấy bàn tay đặt lên trán nó. Vũ cảm thấy lạ lùng. Nó không muốn mở mắt. (…) Nó đưa tay đặt trên bàn tay đang đặt lên trán nó.
– Vũ…
Tiếng nói như tiếng reo vui của loài chim khuyên mới gặp tia nắng xuân đầu sau những ngày mùa đông u ám.
– Vũ ơi, Vũ sống rồi… Thúy mừng lắm, Vũ ạ !
Vũ đã biết bàn tay nào đang ở dưới bàn tay của nó. Tự nhiên, Vũ khỏe hẳn. Và khỏe hẳn, Vũ muốn trêu Thúy. Nó giả vờ rên hừ hừ.
– Tôi chết, tôi sắp chết đây…Thúy cuống quýt:
– Vũ đừng chết, Vũ nhé! Thúy mang ô mai cho Vũ đây này.
Vũ rên to hơn:
– Tôi ghét ô mai chua, tôi thích ô mai cam thảo cơ, ôi đau ngực quá. Tôi sắp chết…
Thúy nhắc vội tay ở trán Vũ ra, đặt lên ngực Vũ:
– Ô mai cam thảo mà…(…)
Vũ đã đưa bàn tay mình để chờ đợi bàn tay của Thúy. và hai bàn tay gặp nhau, đan lấy nhau. Vũ lặng người. Cảm giác như nuốt vội một viên kẹo quá ngọt…” (Con Thúy, tr. 129, 131)
Tuổi mười ba, trai mới lớn, nghịch ngợm với tình yêu rồi thất tình, những thất tình thường không hậu quả. Con gái tuổi mười ba như bài thơ của Nguyên Sa, là những mối tình của lứa tuổi thích ô mai. Rồi mười sáu tuổi, thiếu nữ vẫn thích ô mai mà tình yêu có khi lạ lùng dù có thể tự nhiên của nữ sinh với thầy giáo hay với nhà văn nhà thơ đã có vợ. Trong Lứa Tuổi Thích Ô Mai, nữ sinh Kim yêu nhà văn Trần Vũ trong khi bạn cô là Quỳnh thì mê nhà thơ họ Hoàng, Chi buồn tưởng chết khi nghe tin nhà văn Thanh Nam cưới nhà văn Túy Hồng, v.v. Các cô sẽ thất vọng, sẽ tự nhủ chỉ nên “đứng nhìn những trái ô mai chua qua lớp thủy tinh trong suốt. Để thích. Để thèm. Cảm giác thích hay hay thèm ô mai chua, sẽ không còn nữa nếu ta muốn biết ô mai làm ê răng ta đến mức nào…” (trong VYHC, tr. 184)
Tình trong trắng của tuổi học trò “thập thò dưới gốc cây gần cổng trường con gái, chờ chuông reo tan học để nghe tim mình rộn rã, bồi hồi. Em không quên chứ, những buổi chiều vàng niên thiếu? Em thường ra sau hết. Anh ngơ ngác nhìn em. Rồi em e thẹn mỉm cười. Và thong thả bước ngược con đường về học. Đã yêu nhau nhưng vẫn ngượng. Anh đi sau em, cách cả mấy thước đường. Tại sao, hồi đó, chúng mình dễ xấu hổ thế, em nhỉ? … Gần đến nhà em, anh vội giúi vào tay em một phong thư và nhận lại của em một phong thư. Chả nói câu nào. Nói hết bằng thư rồi… ” (Áo Tiểu Thư, tr. 10-11)
Những tình yêu buồn, đứt đoạn nhưng đẹp, có thể vô tội vạ. Khi thanh niên thiếu nữ ra, vô tội trở thành “tính toán, khôn ngoan, thủ đoạn với cuộc đời và với cả tình yêu” vì “Hỡi hình ảnh cậu con trai vừa lớn của tôi mười bảy năm cũ, cậu đã thật sự giã từ tôi. Khi tôi biết được cậu giã từ tôi thì cậu đã trở về nằm yên trong kỷ niệm và không bao giờ cậu đến với tôi nữa. Tôi tiếc hình ảnh ấy, tôi muốn đi lại từ đầu, muốn mãi mãi là cậu trai vừa lớn ngượng ngùng, xấu hổ, sợ hãi đứng trước một ngôi trường con gái…” (ATT, tr. 106-107).
Với Duyên Anh, người sống bằng quá vãng, “ngoài tình yêu, không có gì đáng giữ làm kỷ niệm” (Về Yêu Hoa Cúc, tr. 15). Nếu Duyên Anh ít may mắn với tình yêu thì trong tiểu thuyết, tình yêu còn là những chuyện tình rất đẹp. VYHC là chuyện tình yêu cô sinh viên Kiều Nhị, với nhà thơ tên Hoài nhưng rồi lại phải “…vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi”, chuyện những buổi đi dạo ở con đường Tú Xương của những người yêu nhau ở Sài Gòn mà cô đặt tên là ‘đường vào tình yêu’, bên những dòng suối nhỏ ở ngoại ô hay giữa Đà Lạt sương mờ.
Tình yêu sẽ tiếp nối ở những tiểu thuyết khác của Duyên Anh. Cầu Mơ với những chuyện tình dễ dàng của thầy giáo Hoài ở Mỹ Tho, một mẫu người nếu không yếu đuối thì cũng thiếu tình thương trên đời. Hay chuyện thiếu nữ tên Tường Vi yêu Hoài (lại anh chàng vung vít thơ văn tên Hoài) và sống trong nhạc và thơ rồi chết vì tình, để lại những bài thơ dang dở trong Tên Một Loài Hoa Quê Hương. Theo tác giả, cái chết đó có ý nghĩa, vì những ai không biết yêu là “những kẻ không biết mơ màng, những kẻ lê đôi chân xích hai tảng đá thực tại là bất hạnh trọn kiếp người” (in VYHC, tr. 387).
Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, một trong những chuyện tình cuối được xuất bản trước 1975, mang dấu vết thời đại với lối sống hippy và truyện chưởng Kim Dung. Hai nhân vật chính có tên Đoàn Dự khù khờ và Chu Chỉ Nhược quỷ quái.
Khi “định mệnh đã an bài”, nói như Duyên Anh, những “con dế” an phận sẽ tìm an vui bên người tình muôn đời. Trong Nhà Tôi, Nguyễn Văn Lương may mắn lấy được Phượng, con gái ông đìền chủ miền Tây, sẽ hân hoan ký hai tay bản hiệp ước với người chủ mới. Đến Cây Leo Hạnh Phúc, tác giả muốn chứng minh xa hơn rằng mái ấm gia đình cho bốn mùa như nhau và những bổn phận tựu trung là thiên đàng, là bếp lửa nên tìm về và ở lại.
Viết về tình yêu, nói chung Duyên Anh không đi sâu vào tâm lý nhân vật, không tinh tế chuẩn bị người đọc. Người yêu nhau dễ dàng, hay hoàn cảnh có khó khăn thì rồi cũng yêu nhau thôi. Mà những nhân tình trong tiểu thuyết của ông cũng không phức tạp. Xã hội thời đại Duyên Anh viết vì nhu cầu làm báo và mưu sinh. Xã hội của mưu đồ, của kẻ mạnh. Xã hội thời chiến tranh. Tiểu thuyết của Duyên Anh thường là chuyện Thái Bình, Hà Nội trước 1954 và miền Nam những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng cái xã hội thời chiến của miền Nam vẫn được nói đến. Tác giả đã mơ bình minh và đã thất vọng thấy hoàng hôn cách mạng kháng chiến 1946-54, thất vọng về những con người lợi dụng công cuộc kháng chiến đó.
Duyên Anh đã thổ lộ khi viết bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ ngoài chuyện thơ ngây của những thằng Vũ, thằng Côn, con Thúy, ông còn muốn nói lên “thảm cảnh của chiến tranh xâm lược, của tù đày, tra tấn, của vùng tự do, vùng tề, của tiếp thu, phản bội và chia cách. Tây rút, tôi đợi bình minh của Vọng mang tới, nhưng chỉ là hoàng hôn xám tối, chỉ là hững hờ đến tàn nhẫn và lạnh lẽo tình người. Và chia cách ngàn trùng…” (6). Từ đó người đọc sẽ thấy tự nhiên khi ông để người bạn đời của ông phát biểu:
”Nếu cộng sản vô đây, em sẽ không di cư như anh đâu, em sẽ uống thuốc độc tự tử” trong Nhà Tôi (tr. 82). Đến tác phẩm cuối xuất bản trước 30-4-1975, cuốn Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần, ông đã thêm một lần phê phán cách mạng vô sản. Ông cho biết ông dù nghèo nhưng không theo cộng sản để làm cách mạng vô sản. Không theo cộng sản có thể vì ông đã cảm nghiệm.
Xã hội miền Nam thời bình trước khi chiến tranh trở lại và thời chiến tranh hỗn loạn nhất được Duyên Anh trình bày trong các tác phẩm còn lại, khi ông viết về tuổi thơ của những thằng Chương Còm, Bồn Lừa, Dzũng Da-Kao, Hưng Mập,.., khi ông viết về những chuyện tình yêu hay gia đình, hoặc khi ông viết về những đứa bé đánh giày, về thế giới du đãng, anh chị, về những người trẻ tuổi máu nóng làm ‘cách mạng’ bị ảo tưởng, bị đàn anh lừa gạt. Trong Sa Mạc Tuổi Trẻ chẳng hạn, người đọc sẽ thấy lại một Sài Gòn và miền Nam hỗn loạn của những năm 1964-1967: đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, sinh viên, tôn giáo ‘xuống đường’, miền Trung nổi loạn, những ‘nhân vật’ thời thế tạo nên như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Văn Liễu, Trần Văn Hương, Bùi Diễm, v.v. Nhưng miền Nam vẫn quyết tâm chống Cộng kể cả ‘du đãng’:
“Du đãng diệt Vẹm sẽ hăng nhất, không chiến thắng không trở về” (tr. 250). Trong Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, xã hội miền Nam cho thấy nhiều bộ mặt mâu thuẫn: một xã hội dư thừa, phóng đãng trong khi chiến tranh đang bủa vây và cái chết đang chực chờ.
Ngôn ngữ văn-chương
Điểm đầu tiên đáng ghi nhận là Duyên Anh viết rất bình dị, không trừu tượng; một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm :
“Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau đổ nát tan lòng mẹ. Màu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả màu tang tóc như muốn liệm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian” (Hoa Thiên Lý, tr. 18).
Một ngôn ngữ xứng hợp với đa số tác phẩm của Duyên Anh mà toàn bộ có thể xem như một chuyện kể thật dài. Duyên Anh trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ đã kể lại việc ông học cách viết giản dị trong sáng theo cách viết của nhà giáo Trần Trọng Kim trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư. Trong buổi trao đổi với sinh viên vào năm 1972 đã dẫn, khi so sánh với nhà văn Mai Thảo mà ông nhìn nhận “có nghệ thuật viết” tiểu thuyết lôi cuốn, ông đã khiêm tốn nhìn nhận “Tôi chưa phải là một nhà viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đúng nghĩa phải xây dựng nhiều tình tiết. Tôi có vài cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, còn sau này tôi dùng văn chương để nói những gì muốn nói. (…) Người gọi tôi là tiểu thuyết gia : không đúng. Gọi tôi là nhà văn cũng không đúng. Tôi chỉ là người viết văn” (13).
Duyên Anh trong một thời gian dài đã trở thành một hiện tượng văn học vì tác phẩm của ông đã đáp ứng được một phần những nhu cầu của thời đại, những nhu cầu văn hóa, tâm lý, xã hội của đại chúng. Với sự leo thang của chiến tranh, khi xã hội khủng hoảng trầm trọng về văn hóa, đời sống, một số tác phẩm của Duyên Anh với ý hướng giáo dục đã đáp ứng được một số mong đợi. Đừng đòi hỏi ở ông những đáp ứng triết lý siêu hình của thời đại. Duyên Anh chỉ nói tiếng nói của đời sống thường nhật, của những ngừời con, những bậc cha mẹ, những thầy giáo hay những trẻ bụi đời hay thanh niên du đãng. Và ông trung thành với đường hướng đó. Mục đích hay chủ ý trong tiểu thuyết của Duyên Anh cũng dễ nhận ra chứ không phải quanh co, lưỡng nghĩa.
Nhà văn Duyên Anh ngoài gần 50 tác phẩm đã xuất bản trước 1975 còn là tác giả những bài báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau (những phóng sự Đi Tầu Suốt, Đầm Giao Chỉ,…) vẫn khiến hơn một người thắc mắc về cái mâu thuẫn con người hai mặt của ông, một thơ mộng và lý tưởng và một thâm độc, trào phúng. Khởi đi từ thế giới đã mất, từ những mơ mộng, Duyên Anh đã đi đến chỗ hẹn hò thỏa thuận với quá khứ và đã đưa người đọc vào một thực tế hàng ngày không giản đơn trước mắt, đã có những ý tích cực cho giới trẻ. Mất tuổi trẻ, sống ly cách, cuộc đời mới khó khăn khiến Duyên Anh có cái nhìn xoi mói về tha nhân có khi quá đà không cần thiết. Cao Thế Dung trên tạp chí Quần Chúng đã cắt nghĩa rằng nếu Duyên Anh “không cho thoát những uẩn ức chất đầy trong đầu óc (ông) bằng những bài báo ngổ ngáo, cay độc, (ông) sẽ không thanh thản mà viết những trang sách hiền lành lý tưởng” (14). Duyên Anh đã tuyên bố :
“Tôi đập phá và tôi xây dựng một xã hội tốt đẹp. Cho nên, song song với những bài báo trào lộng là những cuốn sách viết về tuổi thơ hay về tình người. (…) ngôn ngữ phóng sự nhảm nhí, pô tanh đểu cáng hiếm có trong những cuốn sách lý tưởng của tôi…” (4).
Dâng văn chương cho tuổi thơ và quá khứ và không nhất thiết làm văn chương để chống cộng, Duyên Anh đã chọn cái nghiệp chống cộng và đã gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời kể cả bị đả thương đến tật nguyền. Những xã hội và tập đoàn nào còn duy trì bất công và bạo động sẽ dễ kết án những người như Duyên Anh, những người đi khêu động những cấm kỵ. Truyện của Duyên Anh dù chỉ là tiểu thuyết đã bị kiểm duyệt miền Nam cắt bỏ (Bò Sữa Gậm Cỏ Cháy bị kiểm duyệt ‘ngâm’ không cấp giấy phép, sau lại cho nhưng cắt 32 trang) và ông đã là một trong số những tên ‘biệt kích văn hóa tư tưởng’ nguy hiểm cho chế độ đối nghịch chế độ thứ nhất. Nghèo, tự lập tự vươn, muốn truyền lại kinh nghiệm, muốn nói với giới trẻ, nhưng cái gốc người đời nghĩ là không sang cả không quý phái và không cả bằng cấp của ông đã khiến ông bị hất hủi. Nhà văn của tuổi thơ cuối đời tật nguyền buồn khổ đã trở lại đạo Thiên Chúa, tìm nước Trời nơi trẻ nhỏ dễ vào vì đứa nhỏ đã chấp nhận nước Trời, nói như người có đức tin. Một niềm tin mà Duyên Anh đã không có khi đang thành công lớn (5).
Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết về du đãng và trẻ bụi đời, toàn bộ tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của Duyên Anh là chính cuộc đời và con người Duyên Anh. Những kỷ niệm, tình tiết, không gian và nhân vật đã được lập lại ở nhiều tác phẩm. Nói như tác giả, ông “bị ám ảnh bởi dĩ vãng, kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của (ông)” (4). Duyên Anh đã nhìn nhận đó là một nhược điểm vì ông “chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm, dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình” (4). Nếu tuổi thơ là dĩ vãng, nếu quê hương xa xôi là kỷ niệm đã làm nền cho tiểu thuyết của Duyên Anh trước 1975 thì sau khi ra được nước ngoài tị nạn, sau 6 năm tù và học tập, sau những chiến dịch xóa bỏ tác phẩm ông hoặc kết án ông, tuổi trẻ đã trở thành ý thức chính trị làm nền cho tiểu thuyết của ông xuất bản ở hải ngoại. Duyên Anh sẽ đề cao tuổi trẻ, một tuổi trẻ có ý thức.
Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ”
Nguyễn Vy Khanh
Duyên Anh sau năm 1975
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình (1).
Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông là con cả của một gia đình 7 người con. Thân sinh ông làm thầy lang, sau đổi ra buôn bán nhỏ. Ông học các trường tổng, trường tỉnh – tư thục Trần Lãm, rồi lên Hà nội học trung học.
Ở quê nhà, Duyên Anh đã chứng kiến và sống những biến cố lịch sử 1945 và 1954. Duyên Anh di cư vào Nam cuối năm 1954.
Vào Sài Gòn, ban đầu ông sống qua nhiều nghề như giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiệc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia, v.v..
Giữa năm 1955, ông theo Đại Việt Duy Dân lên Ban-mê-thuột làm ‘cách mạng’ được vài tháng rồi sau đó được người của tổ chức đưa xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông đến Mỹ Tho mở trường dạy đàn guitare tại gia. Lên lại Sài Gòn năm 1960 học thi tú tài và lập gia đình tháng 1 năm 1962.
Duyên Anh bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên tờ Chỉ Đạo là cơ quan của Ban chỉ đạo chiến dịch tố cộng thuộc bộ Quốc phòng do Ngô Quân và Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút. Truyện đầu tiên đăng trên tập san này là Hoa Thiên Lý. Những bài thơ đầu tay cũng trên tạp chí Chỉ Đạo như Bà mẹ Tây Ninh, Em tôi. Đồng thời ông viết cho tờ Gió Nam của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Sau đó làm việc tại Tổng nha thanh niên, biệt phái làm tại tòa soạn tờ Chiến Đấu, cơ quan ngôn luận của Thanh niên cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí.
Sau cùng, Duyên Anh trở về Tổng nha thanh niên làm việc ở sở Tuyên huấn. Ông viết bài ca ngợi thanh niên cộng hòa để đọc trên đài phát thanh. Đời công chức của ông cũng chấm dứt ở đấy sau khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị “đồng minh” Hoa kỳ đồng lõa với một số tướng tá lật đổ.
Sau vụ “chỉnh lý” đầu năm 1964, Duyên Anh cộng tác với nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, một tờ báo chống Cộng và chống cả những lực lượng chính trị khuynh đảo miền Nam. Từ nay Duyên Anh sống bằng ngòi bút và viết phiếm luận vì muốn đả phá bất công xã hội.
Năm 1967 chủ bút tuần báo Con Ong của Minh Vồ sau khi đã cộng tác với nhật báo Sống của Chu Tử và từ năm 1968 với nhật báo Công Luận của tướng hồi hưu Tôn Thất Đính. Ông cũng viết cho nhật báo Tin Báo của Nguyễn Mạnh Côn là người đã khuyến khích giúp đỡ Duyên Anh ở bước đầu văn nghiệp.
Năm 1968, Duyên Anh chủ trương tuần báo Búp Bê sau khi đã phụ trách trang Búp Bê cho nhật báo Công Luận. Sau đó, ông chủ trương các tuần báo Tuổi Ngọc (1969-1975) và Người (1970), tuần báo chuyên trào lộng chính trị, cũng như nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Từ sau 1971, ông giã từ nghề nhật báo vì nghĩ không thể trở thành ký giả chuyên nghiệp lý tưởng, rồi phận “con sên già lùi bước” khi cạn vốn đã phải biến tuần báo Tuổi Ngọc thành bán nguyệt san. Trước đó ông đã từng bị chế độ kiểm duyệt không cho viết tiếp các phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt trên báo Sống. Ông muốn trở lại làm nhà văn của tuổi thơ và của tình người trong không khí lãng mạn thuần túy của dân tộc như lời giới thiệu trong Nước Mắt Lưng Tròng. Ông ký Duyên Anh và Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết văn, ký Thương Sinh, Thương Anh, Bếp Nhỏ, Mõ Báo, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên, v.v. khi viết báo và làm chủ báo. Bút hiệu Duyên Anh là tên một bản nhạc của một người bạn cùng lớp, bút hiệu được dùng để nhớ người bạn ở lại miền Bắc sau 1954 (2).
Tác phẩm :
50 cuốn trước 1975, liệt kê theo thứ tự năm xuất bản: Hoa Thiên Lý (1963), Thằng Vũ (1965), Luật Hè Phố (1965), Điệu Ru Nước Mắt (1965), Dấu Chân Sỏi Đá (1966), Dũng Đakao (1966), Ảo Vọng Tuổi Trẻ (1967), Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (1967), Gấu Rừng (1967), Cỏ Non (1967), Bồn Lừa (1967), Nặng Nợ Giang Hồ (1968), Tuyển Truyện Tuổi Thơ (1968), Ngày Xưa Còn Bé (1968), Mây Mùa Thu (1968), Cầu Mơ (1969), Con Suối Ở Miền Đông (1969), Ánh Mắt Trông Theo (1969), Ánh Lửa Đêm Tù (1969), Trường Cũ (1969), Thằng Côn (1969), Tuyển Truyện Duyên Anh (1970), Mơ Thành Người Quang Trung (1970), Nhà Tôi (1970), Lứa Tuổi Thích Ô Mai (1970), Tuổi Mười Ba (1970), Mặt Trời Nhỏ (1970), Rồi Hết Chiến Tranh (1970), Chương Còm (1970), Đàn Bà (1970), Giặc Ô-Kê (1971), Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời (1971), Nước Mắt Lưng Tròng (1971), Châu Kool (sau viết thành truyện phim Trần Thị Diễm Châu, 1971), Áo Tiểu Thư (1971), Hưng Mập Phiêu Lưu (1971), Tên Một Loài Hoa Quê Hương (1971), Ngựa Chứng Trong Sân Trường (1971), Con Thúy (1971), Thằng Khoa (1972), Về Yêu Hoa Cúc (1972), Phượng Vĩ (1972), Thư Tình Trên Cát (1973), Đêm Thánh Vô Cùng (1973), Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (1974), Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy (1974), Sa Mạc Tuổi Trẻ, Hạ Ơi, Hôn Em, Kỷ Niệm, Cây Leo Hạnh Phúc (1974) và Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (1-1975) là tác phẩm cuối cùng xuất bản trước ngày 30-4-1975.
Tất cả là truyện dài ngoại trừ Hoa Thiên Lý, Tuyển Truyện Tuổi Thơ, Tuyển Truyện Duyên Anh là tuyển tập truyện ngắn. Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời có hình thức là một tập nhiều truyện ngắn nhưng thật ra là những đoạn văn trích từ các tiểu thuyết của ông. Trong trường hợp Duyên Anh, truyện dài nhiều khi thật ra chỉ là truyện vừa và thường được in với khổ chữ lớn như sách cho thiếu nhi. Cuốn Luật Hè Phố khi tái bản năm 1969 chia thành phần với 2 tựa mới:
1, Giấc Mơ Một Loài Cỏ,
2, Con Suối Ở Miền Đông.
Duyên Anh từng theo con đường Tô Hoài tiền chiến viết chuyện thú vật nhưng hình như chỉ ra một cuốn về thế giới mèo chuột, Rồi Hết Chiến Tranh. Bốn tiểu thuyết của ông (Điệu Ru Nước Mắt, Nhà Tôi, Trần Thị Diễm Châu,.. ) đã được đưa lên màn ảnh.
Ngoài ra Duyên Anh còn viết Hồi ký Nhà Báo đăng trên báo Tuổi Ngọc (3) về cuộc đời viết báo và làm báo của ông vì “muốn giúp những người đi sau tôi nhìn rõ những đổ vỡ của tôi mười năm làm báo” (4). Ngoài ra ông có viết Hồi ký binh nghiệp và Nói chuyện với lính cho Tôn Thất Đính chủ nhiệm tờ Công Luận.
Sau ngày 30-4-1975, ông bị bắt ngày 8-4-1976 nhốt tù ba năm ở Phan Đăng Lưu và khám Chí Hòa rồi bị đưa đi cải tạo ba năm ở Xuyên Mộc và Hàm Tân. Được thả tự do đầu tháng 9-1981 nhờ các hội Ân xá và Văn bút quốc tế can thiệp nhưng lại không được đi Pháp theo diện chính thức với gia đình tháng 4-1982. Do đó ông vượt biên năm 1983 bằng thuyền và định cư tại Pháp từ 20-10-1983, tiếp tục viết truyện, thơ, làm phim và vidéo (viết dẫn giải và xướng ngôn cho Paris By Night) và làm nhạc. Duyên Anh bị tấn công trên báo chí cộng sản trong nước cũng như của người Việt hải ngoại, và ngày 30-4-1988, ông bị hành hung đến tật nguyền trên đường Bolsa ở Little Saigon, California. Ngày 10-6-1990 ông trở lại đạo Thiên chúa, lấy tên thánh Giu-se và trở lại viết truyện và bút ký từ ngày 11-10-1990.
Ông can đảm vượt qua nhiều nghịch cảnh, bơi ngược dòng theo triết lý mới mà ông đặt tên là triết lý sống của con gọng vó. Cuối đời, Duyên Anh càng bị giới làm văn học và báo chí người Việt hải ngoại cô lập, ít nhắc nhở đến.
Ở hải ngoại, Duyên Anh viết hồi ký (Nhà Tù, Nhìn Lại Những Bến Bờ), in thơ về thời bị tù và học tập, xuất bản truyện chống Cộng (bộ Hồn Say Phấn Lạ, ..) và đề cao tuổi trẻ (Bầy Sư Tử Lãng Mạn, Một Người Tên Là Trần Văn Bá, v.v.). Có lúc ông viết lại phiếm luận với bút hiệu Đồng-Nai Tư-Mã trên tạp chí Ngày Nay (Kansas) và định tái xuất Con Ong, nhưng ông đã sớm bỏ ý định làm báo ở Bắc Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp và người Pháp quay phim, sôi nổi nhất là Un Russe à Saigon (1986). Gần cuối đời, ông đưa người Mỹ vào tiểu thuyết và viết đề cao ca dao và tình tự dân tộc. Ông mất ngày 6-2-1997 tại Pháp vì bệnh ung thư gan, thọ 63 tuổi. Duyên Anh được hỏa thiêu sau tang lễ theo nghi thức công giáo ở nhà thờ Saint Madelaine, Plessis Robinson.
Tác phẩm ”Điệu ru nước mắt” của Duyên Anh viết về du đãng
đã được chuyển thành phim trước năm 75
Tổng quan
Tác phẩm Duyên Anh trước 1975 gồm các chủ đề : tình yêu quê hương, tuổi thơ, tuổi trẻ và xã hội. Những truyện đầu tay Duyên Anh đã viết trong hoàn cảnh xa quê nhà và nghèo khó, ông đã viết với “niềm xúc động thật tình”. Dù không thành công về số lượng sách bán được (Hoa Thiên Lý in 1500 bán được 400, Thằng Vũ in 2500 ế dài, nhà phát hành không bán vì tên truyện không hấp dẫn). Nhưng vài năm sau, tiểu thuyết của ông được tiêu thụ mạnh: Hoa Thiên Lý được tái bản nhiều lần và nhiều cuốn mỗi lần xuất bản in đến 5, 6 ngàn bản. Có lẽ sự thành công khiến ông viết dễ dãi sa đà “để nói những gì muốn nói” do đó đã thiếu chăm sóc, dài dòng và hay trùng điệp. Trong Cây Leo Hạnh Phúc chẳng hạn, ông đã để “thằng Đốm”, một đứa bé, nói:
“Thôi thôi, con nhất định không lấy vợ đâu. Lấy vợ khổ thấy mồ, phải ăn cơm ở nhà hoài hủy. Không lấy vợ đi ăn cơm tiệm đều đều, xem xi nê mỗi ngày…” (tr. 455).
Duyên Anh hay đem chuyện và người thật vào tiểu thuyết – như là nơi để ông nói về bạn bè, điểm thơ văn hay hành cử, nói tốt thì thường, nhưng khi nói xấu thì sao không gây thù chuốc oán. Đọc tiểu thuyết của ông, người đọc dễ đoán được diễn biến và cả kết thúc vì thường tác giả theo một khuôn luân lý hoặc mẫu người. Ông đã dễ dãi kỹ thuật, tình tiết đơn sơ dù ông tràn ngập chi tiết và hợp tan cũng dễ dàng.
Trong hơn hai mươi năm văn học miền Nam, Duyên Anh đã là một trong số những hiện tượng văn học. Hiện tượng trước hết vì ông viết nhiều, sau vì ông có hẳn một chủ trương làm văn học và có đường lối văn chương của ông. Viết nhiều và các tác phẩm về sau có khi hay lập lại, có khi trích dẫn thơ văn quá độ. Nếu trong nhiều tiểu thuyết xã hội ông liên tục tấn công cái Ác và đề cao tình người hay cái Thiện thì trong bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Duyên Anh liên tục làm sống cái xã hội và con người hiền hòa, thơ mộng. Hiện tượng vì sau hết, dù thành công, Duyên Anh vẫn tiếp tục chân thành với người đọc, không huênh hoang, tự cao hay thay đổi lối viết. Ông cũng đã cố gắng tách rời Thương Sinh nhà báo trong văn chương dù có khi yếu ớt. Duyên Anh đã thành công trung thành với người đọc của ông.
Chính cái trung thành hỗ tương này làm nên thành công cho tác giả Thằng Vũ, ông trở thành hiện tượng, đại diện cho một giá trị nào đó, trở thành thân thiết, thành cái không thể thiếu, cái tất yếu, phải đọc; người đọc như đồng hóa với nhân vật và xã hội tiểu thuyết của ông, có khi gần mà như xa vì dù đơn sơ, bình dị, thế giới đó, tỉnh lỵ Trà Lý hay Sài gòn, nhân vật đó – những thằng Vũ, con Thúy, em tôi, Trần Đại, Châu Kool, … vẫn như xa cách, lý tưởng quá chăng, hài hòa quá chăng – là những cái hiếm có trong xã hội thật. Mộng và thực như đời sống, ở nơi đây nhưng mơ mộng cái lý tưởng và xa xôi. Nếu thế giới thằng Côn con Thúy ở tỉnh lỵ quá đẹp, nên thơ, đáng mộng mơ thì thế giới Trần Đại hay Danh Lựa đánh giày,… quá tàn nhẫn; nhưng ở cả hai xã hội đó, cái ước muốn sống Thiện, sống đời bình thường có cha mẹ gia đình vẫn ở đó, vẫn là cái xương sống, cái lõi của những bầy nhầy khốn nạn trên bề mặt.
Khi viết, Duyên Anh đã biết đối tượng của tác phẩm ông: viết cho những người như ông, mơ và sống một cuộc đời bình thường trong đó người đối xử với người với thành tâm, viết cho những người muốn sống bình thường nhưng vì nhiều hoàn cảnh đã không thể được, đã bị bứng ra khỏi thế giới đó. Duyên Anh đã không thuộc vào loại nhà văn viết cho mình hay viết để mà viết hay viết mà không cần người đọc, loại văn nghệ sĩ không tưởng, làm dáng, viễn mơ xa người đọc. Ông cũng không đề ra những câu hỏi nhân sinh hóc búa, những lý thuyết cho tương lai xa tầm với. Ông giới thiệu với người đọc những mảnh đời đẹp, có thể thần tiên, có thể khốn khổ. Tác phẩm của Duyên Anh cũng là những trả lời những gì người đọc có thể muốn biết, về cuộc đời, về con người.
Khác với các nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, v.v., Duyên Anh chưa hề diễn thuyết hay lập ngôn về văn chương của ông. Trong một cuộc gặp gỡ với các sinh viên Văn khoa Sài Gòn ngày 6-3-1972 do linh mục Thanh Lãng trưởng ban Việt văn tổ chức, Duyên Anh đã tâm sự :
“Không ai thấy trong tiểu thuyết của tôi những tiếng thét hãi hùng, cô đơn, thân phận làm người, v.v.. Tiểu thuyết của tôi kết thúc vẫn là tình của con người với con người. Tôi không vô thần nhưng không tin Thượng đế, chỉ tin ở con người. Sự an bình của con người không do Thượng đế mà do con người”. (5).
Trong một phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh (tức Nguyễn Xuân Hoàng) trên tạp chí Văn năm 1972 (6), Duyên Anh xác nhận thêm ông “chỉ ca ngợi Tình Người. Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ, … Tôi không thích theo đuổi hẳn một khuynh hướng nào…”. Đó có thể cắt nghĩa việc Duyên Anh không được giới làm văn chương ở miền Nam trước và sau 1975 xem là nhà văn lớn bên cạnh Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, v.v.. Sách ông xuất bản ít có bài phê bình giới thiệu và hơn 12 năm làm văn học đã chỉ có vài bài phỏng vấn, một số Văn Học đặc biệt về “thế giới tuổi thơ” của ông và một cuốn tiểu luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng Và Thực (1972) của Huỳnh Phan Anh.
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt trong Tác Giả Tác Phẩm Tiêu Biểu Nền Văn Học Nghệ Thuật Thời Chiến Tranh cũng đã ghi nhận chân tình đó của người viết Duyên Anh:
“Truyện của tôi không cầu kỳ, không tối tăm, không ngộp thở. Tôi không chơi văn chương và triết lý. Nó bình thường như một người Việt Nam bình thường mộc mạc. (…) Tôi viết bằng cảm xúc…” (7).
Duyên Anh đã là hiện tượng vì ông thuộc về lớp nhà văn đã ảnh hưởng đến người đọc, những người trẻ, những người mất tuổi trẻ, những người sống bằng hoài niệm, bằng kỷ niệm và quá khứ, của người đô thị nhớ về đồng quê dung dị thời thanh bình. Người đọc ông có thể là người di cư từ phía Bắc vỹ tuyến 17 phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể là người trẻ mới lớn ở miền Nam. Dù sao thì người đọc của ông không ít và ảnh hưởng có thể có của tác phẩm ông đã khiến những người cộng sản đã cấm sách ông và liệt ông vào số những người “biệt kích văn hóa tư tưởng”. Lý do là Duyên Anh đã làm cùng công việc của họ, đã dám ảnh hướng giới trẻ, dám giáo dục giới trẻ như đề cao tình thương yêu, tình người … Duyên Anh đã dám “cạnh tranh” với những huyền thoại của họ. Duyên Anh đã tạo dựng những thần tượng tuổi thơ hiền lành nhưng hiểu biết trong tiểu thuyết, nhưng những thần tượng tuổi thơ này đã vượt thế giới tiểu thuyết để đi vào cuộc đời, đã ảnh hưởng giới trẻ trong Nam. Duyên Anh bị kết án “lừa gạt trẻ con”.
Phải chăng sự kiện đây có thể giải tỏa nghi vấn về việc Duyên Anh bị đả thương thành tật nguyền ở hải ngoại và đã bị liên tục kết án? Duyên Anh đã “cứng đầu”, vẫn tiếp tục sứ mạng ông tự cho – viết cho tuổi trẻ, viết về tuổi trẻ và ước vọng nhân sinh của chúng.
Nếu nói Duyên Anh thì là một thứ chống đối tự nhiên của một người dân bình thường không thích chiến tranh hoặc đã phải sống những đổ nát do chiến tranh gây ra. Ông không đưa ra những lý thuyết lớn như nhà văn các nhóm Quan Điểm, Thái Độ, Sáng Tạo,… Ông chống cái Ác và đòi hỏi sự thật và lẽ phải phải được tôn trọng.
Năm 1971, Duyên Anh đã quyết định bỏ nghề làm báo để chỉ làm xuất bản và ra báo cho tuổi trẻ. Quyết định có thể bắt nguồn từ những đụng chạm lớn trong nghề báo, từ những thành công khiến ông đi quá đà gây nhiều hận thù và bớt bạn, nhưng có thể ông đã hối hận về nghề báo đi sai đường hướng văn nghệ của đời mình. Duyên Anh có quá đáng khi làm báo ngoài những lý do bình thường, có thể cái quá đáng đó thúc đẩy bởi ước muốn công bằng xã hội. Bỏ chốn lụn bại báo chí, Duyên Anh trở lại, sống hết mình với thế giới trong sáng của tuổi thơ và tuổi trẻ. Sau 1971, ông đã viết tiếp bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ và xuất bản những tiểu thuyết về tình yêu. Niềm tin ở chân thiện mỹ, ở đời sống và con người, Duyên Anh tin một cách chân thành không màu mè; thể hiện ở câu chuyện, cách hành văn, không thuyết lý. Duyên Anh đã viết văn như đã sống với một tâm hồn thẳng thắn dù đã có lúc phải làm bất cứ nghề gì để sống còn, phải làm lại cuộc đời từ số không. Duyên Anh không có ý làm mới ngôn ngữ. Nói chung, ông xử dụng một ngôn ngữ bình thường, dung dị hợp với câu chuyện và nhân vật của ông, tất cả như vừa tầm mọi người. Ngay cả khi ông mơ mộng hay viết về cách mạng.
Đời sống tác giả thiếu thời như phần đông người Việt, nghèo thiếu thốn, cố gắng vươn lên và Duyên Anh đã thành công sống tự lập bằng ngòi bút. Do đó ông thương xót cho số phận đa số tức người nghèo, thiếu phương tiện học hành, những đứa trẻ nhà nghèo như ông đã từng, những đứa trẻ mồ côi sống đầu đường xó chợ, ông hiểu chúng, từ chỗ hiểu đưa đến ước muốn giáo dục hay làm cái gì đó cho chúng khá hơn hay ít ra cho mọi người hiểu thân phận chúng. Cái nhìn từ bi, muốn tới gần, lo cho chúng thay vì khinh bỉ, xua đuổi. Những nhân vật mồ côi, du đãng. Hãy nghe Duyên Anh cắt nghĩa lý do ông phẫn nộ :
“Tôi là con một gia đình bần nông ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi đã sống nghèo khổ, chứng kiến cảnh bố mẹ chạy ăn từng bữa mà còn bị bọn cường hào ác bá hành hạ, ức hiếp. Tới khi khôn lớn lên, sống bằng nghề báo thì mỗi khi cầm bút, viết về câu chuyện bất công của thời đại, tự nhiên tôi lại nhớ tới dĩ vãng thù hận. Thành ra giọng văn trở thành phẫn nộ, ác độc” (1)
Duyên Anh đã viết trên 70 cuốn truyện dài, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Trước 1975, ông đã là tác giả của gần 50 tác phẩm, có thể xem là một trong số mười nhà văn có số xuất bản kỷ lục đó. Duyên Anh đã cho biết ông “không viết để đạt một kỷ lục về số lượng. Tôi viết vì sự thôi thúc của dĩ vãng và của sự quằn quại với lịch sử đất nước. Như mọi người trong thế hệ chúng ta, khi mới 10 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Nhật đảo chánh Pháp. Rồi sau đó, tôi đã đi đếm xác những dân làng tôi bị Nhật làm cho chết đói. Rồi thì cách mạng tháng Tám tiêu thổ kháng chiến, dân làng tôi bồng bế chạy loạn. Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi đã mất hết trong cách mạng và chiến tranh”. (1)
Một số đề tài
Tình yêu quê hương, gia đình
Hoa Thiên Lý xuất bản vào một giai đoạn khó khăn của tác giả trước đảo chánh 1-11-1963. Tập gồm 10 truyện, tuy là tác phẩm đầu tay nhưng như đã đánh dấu con đường văn chương của tác giả kể cả ngôn từ sử dụng. Cánh cửa văn chương đã mở với Hoa Thiên Lý và sẽ tiếp tục trong các tác phẩm sau này, văn chương của ký ức, của tuổi thơ đánh mất, của những kiếm tìm quá khứ đời xưa người cũ, của một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm.
Hoa Thiên Lý ngoài nỗi niềm thương nhớ về người mẹ, còn là nỗi lòng yêu thương cần có trên đường đời mà tác giả sẽ tiếp tục dàn trải trên các tác phẩm về sau.
“Tôi đi tìm thương yêu trong màu hoa thiên lý, đi tìm những bà Mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây…” (tr. 23).
Nhớ thương, đi tìm. Và nỗi buồn xa cách.
“Giàn thiên lý quê nhà giờ đây đã héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy, người ta cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi dưới giàn hoa thiên lý mà kể chuyện cho tôi nghe” (tr. 22-23).
“Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào đó người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xơ xác đầy những oán thù” (tr. 23).
Còn hy vọng thì sao mà nhỏ nhoi :
“Bao giờ rừng cây yêu thương đơm trái, người quê hương sẽ về cướp lại đất quê hương và tôi phải gặp cô bé dưới giàn cây bâng khuâng ngồi đếm giọt hoàng hôn rơi” (tr. 23).
Truyện Hoa Thiên Lý là truyện đầu tay của Duyên Anh đã được viết trong hoàn cảnh cùng khốn của đời lưu lạc. Trong hồi ký Nhà Báo, Duyên Anh đã kể :
“Sống buồn thảm như thế, tôi đâm ra nhớ nhà kinh khủng. Nhớ nhà và thương tiếc tuổi thơ của mình. Trước hết, tôi nhớ mẹ tôi. Vào một đêm mưa mù mịt chân cầu Tân Thuận, không ngủ được vì mái nhà dột tứ tung, tôi đã thức suốt đêm hí hoáy viết truyện ngắn đầu tay Hoa Thiên Lý” (8).
”Luật hè phố” viết về trẻ em bụi đời ở Sài gòn
“Khoa có bao nhiêu kỷ niệm gửi trong mắt chị Hiền, trong nụ cười Vĩnh, Bảo (…) Trọn đời, Khoa sẽ nhớ những buổi câu cá dưới gốc cây si nghe chị Hiền kể chuyện ma (…) Người mẹ mớm cơm cho con mau lớn như chị Hiền mớm tình cảm cho Khoa biết mơ mộng. Khoa mong ước sau này Khoa bước xuống cuộc đời gặp nhiều chị Hiền” (tr. 191).
Nhưng cách mạng về, đời thơ mộng thành ác mộng:
“Phải chứng kiến lưỡi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dụa trên vũng máu. Phải thấy me Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh” (tr. 194).
Em Dực của tác giả trong truyện Em bị nhuốm đỏ, ngây thơ đã bị vẩn đục với những kêu gọi “trường kỳ kháng chiến”, “tiến bước dưới cờ Ma-len-cốp vinh quang” (tr. 111).
Tập truyện Hoa Thiên Lý đã là cánh cửa đưa Duyên Anh vào văn chương như tác giả đã kể lại trong Nhìn Lại Những Bến Bờ :
“Hoa thiên lý là một cánh cửa sổ đã mở để tôi nhìn tôi khởi sự những truyện ngắn chan chứa tình người. Nó rất quan trọng đối với tôi, bởi vì, nó là hành tinh tư tưởng và trọn đời tôi, tôi xoay quanh cái hành tinh đó để phô diễn văn chương nhân bản của tôi…” (9).
Và tập Hoa Thiên Lý gồm những truyện viết kỹ lưỡng thời nghèo khó đã là những truyện ngắn hay nhất của Duyên Anh như ông đã từng thú nhận trong cùng cuốn hồi ký (10).
Tuổi thơ
“Tuổi ngọc” được Duyên Anh chăm sóc rất kỹ trong văn nghiệp của ông. Trước hết với Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, bộ truyện gồm 6 quyển mà khung cảnh là tỉnh lỵ Thái Bình những năm 1944-1954: Thằng Vũ, Thằng Côn, Thằng Khoa, Con Thúy,… Thằng Vũ được khởi viết vào những năm cuối cùng làm công chức trước cách mạng 1-11-1963. Tuổi thơ lồng trong thảm cảnh của chiến tranh, của tù đày, bạo động, phản trắc, của chia cách, của những vùng tề, vùng tiếp thu. Bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là “lịch sử mười năm được nhìn và suy nghĩ bởi tuổi thơ. Điều tôi định sẽ nói lên trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là con người sẽ xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được” (11), vì xuất phát từ nỗi thất vọng của tác giả về chiến tranh, về cái hoàng hôn xám tình người lạnh lẽo và hờ hững.
“Tất cả cho cách mạng Tháng tám. Còn gì nữa mà cho. Vàng cho hết rồi. Niềm tin cho hết rồi” (Con Thúy, tr. 187).
Cách mạng đã cướp mất tuổi thơ, đã khiến tuổi thơ sống đày đọa trong khói lửa và bạo động. Cách mạng dạy con người đánh mất tính người. Đến các truyện Dzũng Đa-Kao, Chương Còm, Bồn Lừa, Hưng Mập, … một tuổi nhỏ mới của miền Nam phải đương đầu với chiến tranh mới Bắc-Nam. Tuổi thơ này muốn làm anh hùng dân tộc (Mơ Thành Người Quang Trung), thủ quân kiêm trung phong của đội tuyển thiếu niên làm đẹp dân tộc (Bồn Lừa). Đưa trẻ em hư hỏng ở vỉa hè vô trường học (Giặc Ô-Kê). thành thị kết tình với tuổi thơ nông thôn (Hạ Ơi), kinh với thượng (Gấu Rừng). Có khi tuổi thơ chỉ mơ hết nghèo khổ, được bước chân vào lớp học. Giấc mơ của những em bé đánh giày được có ăn, có mái ấm gia đình, được đến trường (Luật Hè Phố).
Một tuổi thơ dù ở Bắc ở Nam, trước hay sau 1954, con nhà giàu (Hoàng Dung, Elvis Dậu, Chương Còm, Đoàn Dự, Thiện Mông Cổ, ..) hay nghèo (Thằng Vũ, Bồn Lừa, Dũng Đa-Kao, Danh Ná, ..) hay con lai rơi rớt (Jimmy, Bill, Jack, ..), tất cả đều là những tia bình minh rực rỡ tình người, rộn ràng tình bạn, những thương yêu trìu mến. Dù ngoại cảnh đầy bạo động, chiến tranh, máu và nước mắt. Duyên Anh viết cho tuổi thơ vì ông “không có tuổi thơ”, “thèm tuổi thơ nên viết để giải tỏa những uẩn ức, những thèm khát” (1) như ông đã từng thú nhận sau này. Viết về tuổi thơ cũng là viết về gia đình, quê hương bỏ lại khi đã di cư vô Nam. Nếu đúng như tiết lộ của nhà văn Đỗ Tiến Đức bạn thân với Duyên Anh từ khi cả hai di cư vô Nam ở chung trại tạm trú, Duyên Anh đã để vợ con lại quê nhà ngoài Bắc, người đọc có thể hiểu thêm nỗi lòng nhớ vợ con của ông. Duyên Anh lập lại cuộc đời mới trong một hoàn cảnh éo le dễ được thông cảm, dù gia đình mới trong Nam ông vẫn chứng tỏ chồng cha gương mẫu. Viết về tuổi thơ là Duyên Anh viết cho ông, với tình thương cho cô con gái ngoài Bắc và với hạnh phúc ba đứa con trong Nam.
Cái tuổi thơ trong tác phẩm của Duyên Anh cũng như trong tác phẩm của Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, v.v. của văn chương Việt Nam là tuổi thơ văn chương, tuổi thơ của mọi người và nhiều người, tuổi thơ đã phổ quát. Tuổi thơ đã qua đã sống của mỗi người đã trở thành một phần đời, phần trời gió có thể đã thoảng trôi mà cũng có thể đã ảnh hưởng đến cả phần đời người lớn, cả sự nghiệp, chí hướng. Đối với nhiều người, tuổi nhỏ trở thành khung trời trú ẩn, thành một vùng tâm thức kỳ diệu ủi an để quay về khi con người phải đương đầu với những thực tế ê chề, khó khăn. Một cõi sống có thể thần linh – người ta vẫn nói thiên đàng tuổi thơ. Một cõi sa mù hay kỳ diệu có giá trị trị liệu. Ngày hôm nay khô cằn hoặc chỉ còn là bã là rác sẽ cần đến khoảng sống thần tiên đó để làm mới lại cuộc đời, chỉnh đốn lại cái sống, làm mạnh cái sống. Và ngược lại, tuổi thơ có thể như một căn bệnh kinh niên bất trị, như một sổ mũi, nhức đầu nhè nhẹ rồi qua đi nhưng sẽ luôn trở lại. Tuổi nhỏ đó còn là tiềm thức hay vô thức sẽ ảnh hưởng hiện tại và ý thức của con người. Duyên Anh sẽ viết về những con đường làng, những chạy nhảy của tuổi nhỏ, những trang sách đầu đời tinh khiết của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, những thầy cô khai tâm tuổi thơ, những người bạn cùng vui chơi chia xẻ cõi sống chưa vẩn đục, một cõi sống hùng dũng, tích cực, đầy niềm tin. Những trang sách khai tâm, những dòng chữ đầu đời:
“Rồi tôi biết đọc bài tập đọc ‘Tôi đi học’ ở cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu của Trần Trọng Kim (…) ‘Năm nay tôi lên bẩy. Tôi lớn rồi, không còn chơi bời lêu lổng như những năm còn bé. Tôi đi học. Tôi tập đọc, tập viết, tập làm tính và nhiều môn học khác nữa. Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho văn hay chữ tốt, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng’…” (Trường Cũ, tr. 9).
Những trang đầu đời sẽ đánh động tâm tư người đọc vì đã đánh động tâm hồn người viết. Dù nghịch phá, lêu lổng, thích ca hát, đánh lộn hơn là học, nhưng khi dĩ vãng xa đó trở về, ngôi trường tư thục Trần Lãm ở thị xã Thái Bình đã là muôn thuở.
“Ngôi trường của tôi không giống ‘con đẹp quá’. Nó ở mãi thị xã, chung tình muôn thuở cùng học trò. Chỉ có học trò phụ bạc trường học. Mỗi người học trò rời trường, đều đem theo ít nhiều tình yêu. Trường cho học trò tình yêu và tương tư. Học trò không cho lại trường gì cả…” (Trường Cũ, tr. 126-127).
Mùa hè, được về quê ngoại là một hạnh phúc.
“Quê ngoại nhà tôi có một vẻ gì đó thật mơ hồ, một ngăn cách nào đó thật diệu vợi. Người con gái đã về nhà chồng là giã từ luôn quê mẹ như giã từ thời son trẻ của mình. (…) Từ nỗi thiết tha của người mẹ, đứa con lớn lên, yêu quê ngoại hơn quê nội. … Xa vời quá, lạ lùng quá khiến ta mơ ước. Và ta ngỡ niềm mơ ước của ta sẽ no đầy nếu ta được sống ở quê ngoại rộn ràng trong ký ức…” (Phượng Vĩ, tr. 14-15).
Trong Hôn Em, Kỷ Niệm ông tiếp tục kể lại thời thơ ấu, cậu bé con nhà nghèo bên cạnh “đoạn đường oan nghiệt” của người cha. Đây cũng là tập đầu của bộ tự truyện Nhìn Lại Mình tác giả đã thông báo ở cuối tập. Cây Leo Hạnh Phúc là thế giới tuổi thơ của những con Ki, thằng Cu Tí, thằng Đốn. Trường Cũ kể chuyện đi học nhưng có hình thức một hối hận gián tiếp đã không là học trò gương mẫu. Ngày Xưa Còn Bé tiếp nối chuyện Trường Cũ khi Long, Côn, Thịnh, … lên Hà Nội trọ học trung học: những tung hoành của tuổi trẻ, những mối tình với con gái chốn văn vật. Trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ sau này, ông sẽ kể đã phí phạm những năm tuổi trẻ như thế nào. Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ nói trên. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt dù không biết Trà Lý ở đâu nhưng đã phải công nhận “Hình ảnh thiên đường và đất hứa của tuổi trẻ trong tác phẩm của Duyên Anh, tuổi trẻ được phục sinh vừa thơ mộng kỳ diệu, vừa phẫn nộ trong lầm than một vùng nhân thế” (11).
Tuổi trẻ
Duyên Anh viết và xuất bản những tác phẩm về tuổi trẻ khi miền Nam đang trên đà xây dựng, tổ chức và các phong trào thanh niên sinh viên học sinh được các chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa phát động cũng như tổ chức. Và kẻ thù cũng đã có những xâm nhập. Tuổi trẻ xuống đường, chống độc tài (hiến chương Vũng Tàu), chống chính khách xôi thịt, chống Mỹ, … và chống cả đi lính, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.
Trong khi đó tuổi trẻ của Duyên Anh lãng mạn nhưng có ý thức và yêu nước. Lãng mạn, theo những tập đoàn cách mạng một cách thành tâm nhưng ngây thơ trước thủ đoạn. Ảo Vọng Tuổi Trẻ kể chuyện những người trẻ tuổi đi làm cách mạng. Tuổi trẻ bị ảo vọng, ‘thua bạc’, mất cả vốn liếng lý tưởng và tuổi trẻ, đâm ra phẫn nộ. Họ “đã ngủ sầu trong đất”, không cần đến những đàn anh thê thảm và khốn nạn.
Duyên Anh trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường tiếp tục ý hướng giáo dục, muốn đề cao tình nghĩa trong một xã hội đầy bạo động và giá trị văn hóa không còn. Rồi trong “tâm bút” Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, Duyên Anh đã mong tạo được những thần tượng thiếu niên nhi đồng và đào tạo được một thế hệ hết mình bảo vệ miền Nam và ngăn chặn đám giải phóng theo chỉ thị của miền Bắc, ngay từ những lứa tuổi 14, 15. Võ Trụ trong Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy “quên thân mình cứu người phi công Mỹ lâm nạn” (tr. 34), Danh Kê cướp xuồng máy và súng của cộng sản ở Kiên Giang để khi lớp “đàn anh chết đi, có thể vững dạ tin tưởng ở thế hệ rường cột xâm mình chiến đấu, chiến thắng cộng sản” (tr. 43).
Nếu các truyện về tuổi thơ là chuyện của Duyên Anh và bạn bè trang lứa thì những tiểu thuyết về tuổi trẻ đã là kết hợp từ những kinh nghiệm cá nhân của tác giả thời mới vô Nam và cả khi làm báo, công chức.
Tuổi trẻ bụi đời và du đãng là hai loại tiểu thuyết và Duyên Anh đã hơn một lần phân biệt hai khuynh hướng đó. Tuổi trẻ bụi đời, trẻ mồ côi có Luật Hè Phố và Dấu Chân Sỏi Đá. Luật Hè Phố là thế giới của Danh, Lựa, Dân, v.v. những đứa trẻ đánh giày, ở viện mồ côi ra, sống bụi đời, không lựa chọn; là thế giới của bọn đầu trâu như Quý Đen, vua đánh giày.
“Bọn đánh giày tứ cố vô thân. Chúng nó sinh sống tại hè phố, chịu đựng mọi kỷ cương của hè phố và hè phố có bổn phận sắp đặt cho chúng nó…” (GMMLC, tr. 54).
Dấu Chân Sỏi Đá là chuyện Tâm và Ngọc, hai đứa trẻ mồ côi thời đảo chánh 1-11-1963: chúng sống tự lập, ở vỉa hè, bán báo, yêu thương đùm bọc nhau.
Đến loại tiểu thuyết gọi là du đãng, Duyên Anh đã cẩn thận nhấn mạnh :
“Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng” (ĐRNM, tr. 107).
Đã hơn một lần, cũng trong Điệu Ru Nước Mắt, Duyên Anh nói về những người trẻ tuổi này là “những thằng trong sạch nhất trong xã hội” (tr. 274), “du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng” (tr. 107) hay “xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả”. Chúng nỗi loạn vì cô đơn, “nổi loạn tâm hồn” vì “bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc”, hoặc thù đời, “khinh miệt cuộc đời, vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng ” (tr.81).
Thất vọng một xã hội không có chỗ đứng, bất mãn trước bất công xã hội, chúng “nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội”, “sống tách riêng ra một xã hội” (tr. 107) . Nổi loạn làm du đãng như không còn lựa chọn. Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang: chuyện Du Chột bắt cóc đòi tiền chuộc nhà buôn giàu không thành vì Hoàng Guitar đàn em của hắn quyết chí trở lại con đường lương thiện làm sai kế hoạch. Chuyện hoàn lương cũng không dễ một khi đã ở lâu với xã hội đó, cuối cùng trở thành thảm kịch. Hoàng Guitar có học, biết điều, giang hồ đã, cuối cùng muốn sống như mọi người có vợ có con và đủ ăn mà cũng không thể được trong một xã hội nhiều mắc lưới đó. Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng yêu gái điếm Alice Hồng muốn “… quên hết mọi tủi nhục mà cuộc đời đã hành hạ chúng ta bao nhiêu năm trời. Rồi chúng ta sẽ có nhiều con, sẽ lo cho chúng nên người. Em biết không, hạnh phúc phải do mình kiếm lấy, không đứa nào kiếm cho mình đâu”. Ý chí lương thiện không thôi không đủ. Hoàng Guitar hay Mừng Lác đều kết thúc cuộc đời trong bi đát và khốn cùng.
Đây là một thế giới bạo động với những thanh toán giữa George Tạo và Tony Phước trong Trần Thị Diễm Châu, giữa hai băng Du Chột và Chín Cùi trong Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, giữa băng Lê Hùng và nhóm Thanh niên quyết tử trong Sa Mạc Tuổi Trẻ, giữa Tám Dao Cạo và Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng.
“… Chúng nó chạy hết tốc độ, chiếu đèn pha và đè nghiến lên đầu Mừng Lác. Chiếc xe mất hút ở con phố khác. Mừng Lác bị vỡ óc nằm cô độc giữa trời đầy sương. Vua giết người đã bị xóa tên khỏi sổ bụi đời một cách tầm thường và thê thảm” (tr. 277).
Xã hội này có luật lệ của nó nhưng cũng có những phẩm tính tốt như chúng yêu thương nhau, biết đùm bọc nhau. Có tuổi trẻ vì hoàn cảnh mà đi du đãng như Trần Đại, Nguyễn Đạm, Trần Long, Trần Thị Diễm Châu, Lê Hùng, v.v. đã học xong trung học, có đứa đậu cả tú tài Pháp. Chúng cũng hào hoa phong nhã và “rất nghệ sĩ”. Một đính chính cho cảm thông. Vì tuổi trẻ đường xá này sẽ chấp nhận hoàn lương, vào trường các nữ tu như trong Trần Thị Diễm Châu “xã hội không cải thiện cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ”. Và tuổi trẻ du đãng cũng sẽ nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chiến. Một nhân vật của Sa mạc tuổi trẻ :
“quân đội là nơi lý tưởng nhất để nó làm lại cuộc đời” và “kỷ luật quân đội dạy người lính trở nên chín chắn, biết yêu biết ghét đúng đắn” (tr. 337).
Trần Đại của Điệu Ru Nước Mắt được đàn em James Dean Hùng khen “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại ‘cừ” nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…” (tr. 274).
Trong bài nói chuyện với nhà văn Đỗ Tiến Đức (1), Duyên Anh cho biết khi viết “cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu Ru Nước Mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết. Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, tôi thấy chẳng còn gì đáng ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi”.
Duyên Anh đã viết về tuổi trẻ du đãng với cái nhìn âu yếm, hiểu biết, có khi ông đã phẫn nộ như trong Ảo Vọng Tuổi Trẻ :
“Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời” (tr. 228)
Tuy vậy, sau cuốn Nước Mắt Lưng Tròng, tức sau khi đã xuất bản Điệu Ru Nước Mắt, Trần Thị Diễm Châu, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Sa Mạc Tuổi Trẻ, Duyên Anh đã bỏ loại truyện du đãng . Ông bỏ du đãng cũng như bỏ làm báo với những bút hiệu Thương Sinh, v.v. để trở về với tuổi thơ và không khí lãng mạn của những tình yêu nhỏ lớn, của Mây Mùa Thu, Cầu Mơ, v.v..
Tình yêu trong tiểu thuyết Duyên Anh có nhiều hình thức, từ tình yêu tuổi thơ, đến lứa tuổi thích ô mai, tình yêu giữa chốn bụi đời, anh chị, rồi tình vợ chồng. Bắt đầu là những mối tình vụng dại, ngây ngô trong Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Côn, Trường Cũ, … giữa các cô cậu tiểu học. Tình thằng Vũ với con Thúy :
“Lúc nó tỉnh ngủ, Vũ thấy bàn tay đặt lên trán nó. Vũ cảm thấy lạ lùng. Nó không muốn mở mắt. (…) Nó đưa tay đặt trên bàn tay đang đặt lên trán nó.
– Vũ…
Tiếng nói như tiếng reo vui của loài chim khuyên mới gặp tia nắng xuân đầu sau những ngày mùa đông u ám.
– Vũ ơi, Vũ sống rồi… Thúy mừng lắm, Vũ ạ !
Vũ đã biết bàn tay nào đang ở dưới bàn tay của nó. Tự nhiên, Vũ khỏe hẳn. Và khỏe hẳn, Vũ muốn trêu Thúy. Nó giả vờ rên hừ hừ.
– Tôi chết, tôi sắp chết đây…Thúy cuống quýt:
– Vũ đừng chết, Vũ nhé! Thúy mang ô mai cho Vũ đây này.
Vũ rên to hơn:
– Tôi ghét ô mai chua, tôi thích ô mai cam thảo cơ, ôi đau ngực quá. Tôi sắp chết…
Thúy nhắc vội tay ở trán Vũ ra, đặt lên ngực Vũ:
– Ô mai cam thảo mà…(…)
Vũ đã đưa bàn tay mình để chờ đợi bàn tay của Thúy. và hai bàn tay gặp nhau, đan lấy nhau. Vũ lặng người. Cảm giác như nuốt vội một viên kẹo quá ngọt…” (Con Thúy, tr. 129, 131)
Tuổi mười ba, trai mới lớn, nghịch ngợm với tình yêu rồi thất tình, những thất tình thường không hậu quả. Con gái tuổi mười ba như bài thơ của Nguyên Sa, là những mối tình của lứa tuổi thích ô mai. Rồi mười sáu tuổi, thiếu nữ vẫn thích ô mai mà tình yêu có khi lạ lùng dù có thể tự nhiên của nữ sinh với thầy giáo hay với nhà văn nhà thơ đã có vợ. Trong Lứa Tuổi Thích Ô Mai, nữ sinh Kim yêu nhà văn Trần Vũ trong khi bạn cô là Quỳnh thì mê nhà thơ họ Hoàng, Chi buồn tưởng chết khi nghe tin nhà văn Thanh Nam cưới nhà văn Túy Hồng, v.v. Các cô sẽ thất vọng, sẽ tự nhủ chỉ nên “đứng nhìn những trái ô mai chua qua lớp thủy tinh trong suốt. Để thích. Để thèm. Cảm giác thích hay hay thèm ô mai chua, sẽ không còn nữa nếu ta muốn biết ô mai làm ê răng ta đến mức nào…” (trong VYHC, tr. 184)
Tình trong trắng của tuổi học trò “thập thò dưới gốc cây gần cổng trường con gái, chờ chuông reo tan học để nghe tim mình rộn rã, bồi hồi. Em không quên chứ, những buổi chiều vàng niên thiếu? Em thường ra sau hết. Anh ngơ ngác nhìn em. Rồi em e thẹn mỉm cười. Và thong thả bước ngược con đường về học. Đã yêu nhau nhưng vẫn ngượng. Anh đi sau em, cách cả mấy thước đường. Tại sao, hồi đó, chúng mình dễ xấu hổ thế, em nhỉ? … Gần đến nhà em, anh vội giúi vào tay em một phong thư và nhận lại của em một phong thư. Chả nói câu nào. Nói hết bằng thư rồi… ” (Áo Tiểu Thư, tr. 10-11)
Những tình yêu buồn, đứt đoạn nhưng đẹp, có thể vô tội vạ. Khi thanh niên thiếu nữ ra, vô tội trở thành “tính toán, khôn ngoan, thủ đoạn với cuộc đời và với cả tình yêu” vì “Hỡi hình ảnh cậu con trai vừa lớn của tôi mười bảy năm cũ, cậu đã thật sự giã từ tôi. Khi tôi biết được cậu giã từ tôi thì cậu đã trở về nằm yên trong kỷ niệm và không bao giờ cậu đến với tôi nữa. Tôi tiếc hình ảnh ấy, tôi muốn đi lại từ đầu, muốn mãi mãi là cậu trai vừa lớn ngượng ngùng, xấu hổ, sợ hãi đứng trước một ngôi trường con gái…” (ATT, tr. 106-107).
Với Duyên Anh, người sống bằng quá vãng, “ngoài tình yêu, không có gì đáng giữ làm kỷ niệm” (Về Yêu Hoa Cúc, tr. 15). Nếu Duyên Anh ít may mắn với tình yêu thì trong tiểu thuyết, tình yêu còn là những chuyện tình rất đẹp. VYHC là chuyện tình yêu cô sinh viên Kiều Nhị, với nhà thơ tên Hoài nhưng rồi lại phải “…vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi”, chuyện những buổi đi dạo ở con đường Tú Xương của những người yêu nhau ở Sài Gòn mà cô đặt tên là ‘đường vào tình yêu’, bên những dòng suối nhỏ ở ngoại ô hay giữa Đà Lạt sương mờ.
Tình yêu sẽ tiếp nối ở những tiểu thuyết khác của Duyên Anh. Cầu Mơ với những chuyện tình dễ dàng của thầy giáo Hoài ở Mỹ Tho, một mẫu người nếu không yếu đuối thì cũng thiếu tình thương trên đời. Hay chuyện thiếu nữ tên Tường Vi yêu Hoài (lại anh chàng vung vít thơ văn tên Hoài) và sống trong nhạc và thơ rồi chết vì tình, để lại những bài thơ dang dở trong Tên Một Loài Hoa Quê Hương. Theo tác giả, cái chết đó có ý nghĩa, vì những ai không biết yêu là “những kẻ không biết mơ màng, những kẻ lê đôi chân xích hai tảng đá thực tại là bất hạnh trọn kiếp người” (in VYHC, tr. 387).
Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, một trong những chuyện tình cuối được xuất bản trước 1975, mang dấu vết thời đại với lối sống hippy và truyện chưởng Kim Dung. Hai nhân vật chính có tên Đoàn Dự khù khờ và Chu Chỉ Nhược quỷ quái.
Khi “định mệnh đã an bài”, nói như Duyên Anh, những “con dế” an phận sẽ tìm an vui bên người tình muôn đời. Trong Nhà Tôi, Nguyễn Văn Lương may mắn lấy được Phượng, con gái ông đìền chủ miền Tây, sẽ hân hoan ký hai tay bản hiệp ước với người chủ mới. Đến Cây Leo Hạnh Phúc, tác giả muốn chứng minh xa hơn rằng mái ấm gia đình cho bốn mùa như nhau và những bổn phận tựu trung là thiên đàng, là bếp lửa nên tìm về và ở lại.
Viết về tình yêu, nói chung Duyên Anh không đi sâu vào tâm lý nhân vật, không tinh tế chuẩn bị người đọc. Người yêu nhau dễ dàng, hay hoàn cảnh có khó khăn thì rồi cũng yêu nhau thôi. Mà những nhân tình trong tiểu thuyết của ông cũng không phức tạp. Xã hội thời đại Duyên Anh viết vì nhu cầu làm báo và mưu sinh. Xã hội của mưu đồ, của kẻ mạnh. Xã hội thời chiến tranh. Tiểu thuyết của Duyên Anh thường là chuyện Thái Bình, Hà Nội trước 1954 và miền Nam những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng cái xã hội thời chiến của miền Nam vẫn được nói đến. Tác giả đã mơ bình minh và đã thất vọng thấy hoàng hôn cách mạng kháng chiến 1946-54, thất vọng về những con người lợi dụng công cuộc kháng chiến đó.
Duyên Anh đã thổ lộ khi viết bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ ngoài chuyện thơ ngây của những thằng Vũ, thằng Côn, con Thúy, ông còn muốn nói lên “thảm cảnh của chiến tranh xâm lược, của tù đày, tra tấn, của vùng tự do, vùng tề, của tiếp thu, phản bội và chia cách. Tây rút, tôi đợi bình minh của Vọng mang tới, nhưng chỉ là hoàng hôn xám tối, chỉ là hững hờ đến tàn nhẫn và lạnh lẽo tình người. Và chia cách ngàn trùng…” (6). Từ đó người đọc sẽ thấy tự nhiên khi ông để người bạn đời của ông phát biểu:
”Nếu cộng sản vô đây, em sẽ không di cư như anh đâu, em sẽ uống thuốc độc tự tử” trong Nhà Tôi (tr. 82). Đến tác phẩm cuối xuất bản trước 30-4-1975, cuốn Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần, ông đã thêm một lần phê phán cách mạng vô sản. Ông cho biết ông dù nghèo nhưng không theo cộng sản để làm cách mạng vô sản. Không theo cộng sản có thể vì ông đã cảm nghiệm.
Xã hội miền Nam thời bình trước khi chiến tranh trở lại và thời chiến tranh hỗn loạn nhất được Duyên Anh trình bày trong các tác phẩm còn lại, khi ông viết về tuổi thơ của những thằng Chương Còm, Bồn Lừa, Dzũng Da-Kao, Hưng Mập,.., khi ông viết về những chuyện tình yêu hay gia đình, hoặc khi ông viết về những đứa bé đánh giày, về thế giới du đãng, anh chị, về những người trẻ tuổi máu nóng làm ‘cách mạng’ bị ảo tưởng, bị đàn anh lừa gạt. Trong Sa Mạc Tuổi Trẻ chẳng hạn, người đọc sẽ thấy lại một Sài Gòn và miền Nam hỗn loạn của những năm 1964-1967: đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, sinh viên, tôn giáo ‘xuống đường’, miền Trung nổi loạn, những ‘nhân vật’ thời thế tạo nên như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Văn Liễu, Trần Văn Hương, Bùi Diễm, v.v. Nhưng miền Nam vẫn quyết tâm chống Cộng kể cả ‘du đãng’:
“Du đãng diệt Vẹm sẽ hăng nhất, không chiến thắng không trở về” (tr. 250). Trong Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, xã hội miền Nam cho thấy nhiều bộ mặt mâu thuẫn: một xã hội dư thừa, phóng đãng trong khi chiến tranh đang bủa vây và cái chết đang chực chờ.
Ngôn ngữ văn-chương
Điểm đầu tiên đáng ghi nhận là Duyên Anh viết rất bình dị, không trừu tượng; một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm :
“Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau đổ nát tan lòng mẹ. Màu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả màu tang tóc như muốn liệm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian” (Hoa Thiên Lý, tr. 18).
Một ngôn ngữ xứng hợp với đa số tác phẩm của Duyên Anh mà toàn bộ có thể xem như một chuyện kể thật dài. Duyên Anh trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ đã kể lại việc ông học cách viết giản dị trong sáng theo cách viết của nhà giáo Trần Trọng Kim trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư. Trong buổi trao đổi với sinh viên vào năm 1972 đã dẫn, khi so sánh với nhà văn Mai Thảo mà ông nhìn nhận “có nghệ thuật viết” tiểu thuyết lôi cuốn, ông đã khiêm tốn nhìn nhận “Tôi chưa phải là một nhà viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đúng nghĩa phải xây dựng nhiều tình tiết. Tôi có vài cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, còn sau này tôi dùng văn chương để nói những gì muốn nói. (…) Người gọi tôi là tiểu thuyết gia : không đúng. Gọi tôi là nhà văn cũng không đúng. Tôi chỉ là người viết văn” (13).
***
Duyên
Anh viết về giới trẻ du đãng, bụi đời có thể đã đáp ứng một thị hiếu
của độc giả; nhưng thiển nghĩ ông không viết về tuổi trẻ này hoàn toàn
vì thị hiếu cao bồi du đãng để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ mà ông còn có
một mục đích giáo dục, đề cao với một cái nhìn khá từ bi, thông cảm. Khi
viết về tuổi thơ, phải công tâm công nhận văn chương tuổi thơ của Duyên
Anh khá trĩu nặng đau buồn của quá khứ, mất mát, có ngụ ý, có cả hối
hận. Trong khi đó những nhà văn sau ông như Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế
Tường, Đinh Tiến Luyện,… viết về tuổi thơ và tuổi trẻ với một tâm hồn
trong sáng hơn. Không khí tiểu thuyết của họ vui và nhẹ nhàng hơn, thực
tế hơn mà tình yêu cũng thật sự mộng mơ gần gũi hơn.Duyên Anh trong một thời gian dài đã trở thành một hiện tượng văn học vì tác phẩm của ông đã đáp ứng được một phần những nhu cầu của thời đại, những nhu cầu văn hóa, tâm lý, xã hội của đại chúng. Với sự leo thang của chiến tranh, khi xã hội khủng hoảng trầm trọng về văn hóa, đời sống, một số tác phẩm của Duyên Anh với ý hướng giáo dục đã đáp ứng được một số mong đợi. Đừng đòi hỏi ở ông những đáp ứng triết lý siêu hình của thời đại. Duyên Anh chỉ nói tiếng nói của đời sống thường nhật, của những ngừời con, những bậc cha mẹ, những thầy giáo hay những trẻ bụi đời hay thanh niên du đãng. Và ông trung thành với đường hướng đó. Mục đích hay chủ ý trong tiểu thuyết của Duyên Anh cũng dễ nhận ra chứ không phải quanh co, lưỡng nghĩa.
Nhà văn Duyên Anh ngoài gần 50 tác phẩm đã xuất bản trước 1975 còn là tác giả những bài báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau (những phóng sự Đi Tầu Suốt, Đầm Giao Chỉ,…) vẫn khiến hơn một người thắc mắc về cái mâu thuẫn con người hai mặt của ông, một thơ mộng và lý tưởng và một thâm độc, trào phúng. Khởi đi từ thế giới đã mất, từ những mơ mộng, Duyên Anh đã đi đến chỗ hẹn hò thỏa thuận với quá khứ và đã đưa người đọc vào một thực tế hàng ngày không giản đơn trước mắt, đã có những ý tích cực cho giới trẻ. Mất tuổi trẻ, sống ly cách, cuộc đời mới khó khăn khiến Duyên Anh có cái nhìn xoi mói về tha nhân có khi quá đà không cần thiết. Cao Thế Dung trên tạp chí Quần Chúng đã cắt nghĩa rằng nếu Duyên Anh “không cho thoát những uẩn ức chất đầy trong đầu óc (ông) bằng những bài báo ngổ ngáo, cay độc, (ông) sẽ không thanh thản mà viết những trang sách hiền lành lý tưởng” (14). Duyên Anh đã tuyên bố :
“Tôi đập phá và tôi xây dựng một xã hội tốt đẹp. Cho nên, song song với những bài báo trào lộng là những cuốn sách viết về tuổi thơ hay về tình người. (…) ngôn ngữ phóng sự nhảm nhí, pô tanh đểu cáng hiếm có trong những cuốn sách lý tưởng của tôi…” (4).
Dâng văn chương cho tuổi thơ và quá khứ và không nhất thiết làm văn chương để chống cộng, Duyên Anh đã chọn cái nghiệp chống cộng và đã gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời kể cả bị đả thương đến tật nguyền. Những xã hội và tập đoàn nào còn duy trì bất công và bạo động sẽ dễ kết án những người như Duyên Anh, những người đi khêu động những cấm kỵ. Truyện của Duyên Anh dù chỉ là tiểu thuyết đã bị kiểm duyệt miền Nam cắt bỏ (Bò Sữa Gậm Cỏ Cháy bị kiểm duyệt ‘ngâm’ không cấp giấy phép, sau lại cho nhưng cắt 32 trang) và ông đã là một trong số những tên ‘biệt kích văn hóa tư tưởng’ nguy hiểm cho chế độ đối nghịch chế độ thứ nhất. Nghèo, tự lập tự vươn, muốn truyền lại kinh nghiệm, muốn nói với giới trẻ, nhưng cái gốc người đời nghĩ là không sang cả không quý phái và không cả bằng cấp của ông đã khiến ông bị hất hủi. Nhà văn của tuổi thơ cuối đời tật nguyền buồn khổ đã trở lại đạo Thiên Chúa, tìm nước Trời nơi trẻ nhỏ dễ vào vì đứa nhỏ đã chấp nhận nước Trời, nói như người có đức tin. Một niềm tin mà Duyên Anh đã không có khi đang thành công lớn (5).
Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết về du đãng và trẻ bụi đời, toàn bộ tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của Duyên Anh là chính cuộc đời và con người Duyên Anh. Những kỷ niệm, tình tiết, không gian và nhân vật đã được lập lại ở nhiều tác phẩm. Nói như tác giả, ông “bị ám ảnh bởi dĩ vãng, kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của (ông)” (4). Duyên Anh đã nhìn nhận đó là một nhược điểm vì ông “chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm, dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình” (4). Nếu tuổi thơ là dĩ vãng, nếu quê hương xa xôi là kỷ niệm đã làm nền cho tiểu thuyết của Duyên Anh trước 1975 thì sau khi ra được nước ngoài tị nạn, sau 6 năm tù và học tập, sau những chiến dịch xóa bỏ tác phẩm ông hoặc kết án ông, tuổi trẻ đã trở thành ý thức chính trị làm nền cho tiểu thuyết của ông xuất bản ở hải ngoại. Duyên Anh sẽ đề cao tuổi trẻ, một tuổi trẻ có ý thức.
Nguyễn Vy Khanh
Posted on26/02/2015
Nguồn: _http://banvannghe.com
Posted on26/02/2015
Nguồn: _http://banvannghe.com
Bàn ra tán vào (0)
Nhà văn Duyên Anh - Nguyễn Vy Khanh
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình (1).
Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ”
Nguyễn Vy Khanh
Duyên Anh sau năm 1975
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh ngày 16-8-1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý nhưng sống thời thơ ấu ở làng Tường An, tổng Ô Mễ mà theo Duyên Anh là một làng nghèo nhất tỉnh Thái Bình (1).
Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông là con cả của một gia đình 7 người con. Thân sinh ông làm thầy lang, sau đổi ra buôn bán nhỏ. Ông học các trường tổng, trường tỉnh – tư thục Trần Lãm, rồi lên Hà nội học trung học.
Ở quê nhà, Duyên Anh đã chứng kiến và sống những biến cố lịch sử 1945 và 1954. Duyên Anh di cư vào Nam cuối năm 1954.
Vào Sài Gòn, ban đầu ông sống qua nhiều nghề như giữ xe đạp, quảng cáo cho gánh xiệc bán thuốc kiểu Sơn Đông mãi võ, kèm trẻ tư gia, v.v..
Giữa năm 1955, ông theo Đại Việt Duy Dân lên Ban-mê-thuột làm ‘cách mạng’ được vài tháng rồi sau đó được người của tổ chức đưa xuống Long Xuyên dạy học ở các trường bán công Hòa Hảo, Kinh Dương, Nguyễn Trung Trực. Sau đó, ông đến Mỹ Tho mở trường dạy đàn guitare tại gia. Lên lại Sài Gòn năm 1960 học thi tú tài và lập gia đình tháng 1 năm 1962.
Duyên Anh bắt đầu viết truyện ngắn và thơ đăng trên tờ Chỉ Đạo là cơ quan của Ban chỉ đạo chiến dịch tố cộng thuộc bộ Quốc phòng do Ngô Quân và Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút. Truyện đầu tiên đăng trên tập san này là Hoa Thiên Lý. Những bài thơ đầu tay cũng trên tạp chí Chỉ Đạo như Bà mẹ Tây Ninh, Em tôi. Đồng thời ông viết cho tờ Gió Nam của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Sau đó làm việc tại Tổng nha thanh niên, biệt phái làm tại tòa soạn tờ Chiến Đấu, cơ quan ngôn luận của Thanh niên cộng hòa của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng với nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí.
Sau cùng, Duyên Anh trở về Tổng nha thanh niên làm việc ở sở Tuyên huấn. Ông viết bài ca ngợi thanh niên cộng hòa để đọc trên đài phát thanh. Đời công chức của ông cũng chấm dứt ở đấy sau khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị “đồng minh” Hoa kỳ đồng lõa với một số tướng tá lật đổ.
Sau vụ “chỉnh lý” đầu năm 1964, Duyên Anh cộng tác với nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, một tờ báo chống Cộng và chống cả những lực lượng chính trị khuynh đảo miền Nam. Từ nay Duyên Anh sống bằng ngòi bút và viết phiếm luận vì muốn đả phá bất công xã hội.
Năm 1967 chủ bút tuần báo Con Ong của Minh Vồ sau khi đã cộng tác với nhật báo Sống của Chu Tử và từ năm 1968 với nhật báo Công Luận của tướng hồi hưu Tôn Thất Đính. Ông cũng viết cho nhật báo Tin Báo của Nguyễn Mạnh Côn là người đã khuyến khích giúp đỡ Duyên Anh ở bước đầu văn nghiệp.
Năm 1968, Duyên Anh chủ trương tuần báo Búp Bê sau khi đã phụ trách trang Búp Bê cho nhật báo Công Luận. Sau đó, ông chủ trương các tuần báo Tuổi Ngọc (1969-1975) và Người (1970), tuần báo chuyên trào lộng chính trị, cũng như nhà xuất bản Tuổi Ngọc. Từ sau 1971, ông giã từ nghề nhật báo vì nghĩ không thể trở thành ký giả chuyên nghiệp lý tưởng, rồi phận “con sên già lùi bước” khi cạn vốn đã phải biến tuần báo Tuổi Ngọc thành bán nguyệt san. Trước đó ông đã từng bị chế độ kiểm duyệt không cho viết tiếp các phóng sự Tiền Mẽo, Sến Việt trên báo Sống. Ông muốn trở lại làm nhà văn của tuổi thơ và của tình người trong không khí lãng mạn thuần túy của dân tộc như lời giới thiệu trong Nước Mắt Lưng Tròng. Ông ký Duyên Anh và Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết văn, ký Thương Sinh, Thương Anh, Bếp Nhỏ, Mõ Báo, Vạn Tóc Mai, Thập Nguyên, v.v. khi viết báo và làm chủ báo. Bút hiệu Duyên Anh là tên một bản nhạc của một người bạn cùng lớp, bút hiệu được dùng để nhớ người bạn ở lại miền Bắc sau 1954 (2).
Tác phẩm :
50 cuốn trước 1975, liệt kê theo thứ tự năm xuất bản: Hoa Thiên Lý (1963), Thằng Vũ (1965), Luật Hè Phố (1965), Điệu Ru Nước Mắt (1965), Dấu Chân Sỏi Đá (1966), Dũng Đakao (1966), Ảo Vọng Tuổi Trẻ (1967), Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang (1967), Gấu Rừng (1967), Cỏ Non (1967), Bồn Lừa (1967), Nặng Nợ Giang Hồ (1968), Tuyển Truyện Tuổi Thơ (1968), Ngày Xưa Còn Bé (1968), Mây Mùa Thu (1968), Cầu Mơ (1969), Con Suối Ở Miền Đông (1969), Ánh Mắt Trông Theo (1969), Ánh Lửa Đêm Tù (1969), Trường Cũ (1969), Thằng Côn (1969), Tuyển Truyện Duyên Anh (1970), Mơ Thành Người Quang Trung (1970), Nhà Tôi (1970), Lứa Tuổi Thích Ô Mai (1970), Tuổi Mười Ba (1970), Mặt Trời Nhỏ (1970), Rồi Hết Chiến Tranh (1970), Chương Còm (1970), Đàn Bà (1970), Giặc Ô-Kê (1971), Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời (1971), Nước Mắt Lưng Tròng (1971), Châu Kool (sau viết thành truyện phim Trần Thị Diễm Châu, 1971), Áo Tiểu Thư (1971), Hưng Mập Phiêu Lưu (1971), Tên Một Loài Hoa Quê Hương (1971), Ngựa Chứng Trong Sân Trường (1971), Con Thúy (1971), Thằng Khoa (1972), Về Yêu Hoa Cúc (1972), Phượng Vĩ (1972), Thư Tình Trên Cát (1973), Đêm Thánh Vô Cùng (1973), Cám Ơn Em Đã Yêu Anh (1974), Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy (1974), Sa Mạc Tuổi Trẻ, Hạ Ơi, Hôn Em, Kỷ Niệm, Cây Leo Hạnh Phúc (1974) và Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần (1-1975) là tác phẩm cuối cùng xuất bản trước ngày 30-4-1975.
Tất cả là truyện dài ngoại trừ Hoa Thiên Lý, Tuyển Truyện Tuổi Thơ, Tuyển Truyện Duyên Anh là tuyển tập truyện ngắn. Kẻ Bị Xóa Tên Trong Sổ Bụi Đời có hình thức là một tập nhiều truyện ngắn nhưng thật ra là những đoạn văn trích từ các tiểu thuyết của ông. Trong trường hợp Duyên Anh, truyện dài nhiều khi thật ra chỉ là truyện vừa và thường được in với khổ chữ lớn như sách cho thiếu nhi. Cuốn Luật Hè Phố khi tái bản năm 1969 chia thành phần với 2 tựa mới:
1, Giấc Mơ Một Loài Cỏ,
2, Con Suối Ở Miền Đông.
Duyên Anh từng theo con đường Tô Hoài tiền chiến viết chuyện thú vật nhưng hình như chỉ ra một cuốn về thế giới mèo chuột, Rồi Hết Chiến Tranh. Bốn tiểu thuyết của ông (Điệu Ru Nước Mắt, Nhà Tôi, Trần Thị Diễm Châu,.. ) đã được đưa lên màn ảnh.
Ngoài ra Duyên Anh còn viết Hồi ký Nhà Báo đăng trên báo Tuổi Ngọc (3) về cuộc đời viết báo và làm báo của ông vì “muốn giúp những người đi sau tôi nhìn rõ những đổ vỡ của tôi mười năm làm báo” (4). Ngoài ra ông có viết Hồi ký binh nghiệp và Nói chuyện với lính cho Tôn Thất Đính chủ nhiệm tờ Công Luận.
Sau ngày 30-4-1975, ông bị bắt ngày 8-4-1976 nhốt tù ba năm ở Phan Đăng Lưu và khám Chí Hòa rồi bị đưa đi cải tạo ba năm ở Xuyên Mộc và Hàm Tân. Được thả tự do đầu tháng 9-1981 nhờ các hội Ân xá và Văn bút quốc tế can thiệp nhưng lại không được đi Pháp theo diện chính thức với gia đình tháng 4-1982. Do đó ông vượt biên năm 1983 bằng thuyền và định cư tại Pháp từ 20-10-1983, tiếp tục viết truyện, thơ, làm phim và vidéo (viết dẫn giải và xướng ngôn cho Paris By Night) và làm nhạc. Duyên Anh bị tấn công trên báo chí cộng sản trong nước cũng như của người Việt hải ngoại, và ngày 30-4-1988, ông bị hành hung đến tật nguyền trên đường Bolsa ở Little Saigon, California. Ngày 10-6-1990 ông trở lại đạo Thiên chúa, lấy tên thánh Giu-se và trở lại viết truyện và bút ký từ ngày 11-10-1990.
Ông can đảm vượt qua nhiều nghịch cảnh, bơi ngược dòng theo triết lý mới mà ông đặt tên là triết lý sống của con gọng vó. Cuối đời, Duyên Anh càng bị giới làm văn học và báo chí người Việt hải ngoại cô lập, ít nhắc nhở đến.
Ở hải ngoại, Duyên Anh viết hồi ký (Nhà Tù, Nhìn Lại Những Bến Bờ), in thơ về thời bị tù và học tập, xuất bản truyện chống Cộng (bộ Hồn Say Phấn Lạ, ..) và đề cao tuổi trẻ (Bầy Sư Tử Lãng Mạn, Một Người Tên Là Trần Văn Bá, v.v.). Có lúc ông viết lại phiếm luận với bút hiệu Đồng-Nai Tư-Mã trên tạp chí Ngày Nay (Kansas) và định tái xuất Con Ong, nhưng ông đã sớm bỏ ý định làm báo ở Bắc Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp và người Pháp quay phim, sôi nổi nhất là Un Russe à Saigon (1986). Gần cuối đời, ông đưa người Mỹ vào tiểu thuyết và viết đề cao ca dao và tình tự dân tộc. Ông mất ngày 6-2-1997 tại Pháp vì bệnh ung thư gan, thọ 63 tuổi. Duyên Anh được hỏa thiêu sau tang lễ theo nghi thức công giáo ở nhà thờ Saint Madelaine, Plessis Robinson.
Tác phẩm ”Điệu ru nước mắt” của Duyên Anh viết về du đãng
đã được chuyển thành phim trước năm 75
Tổng quan
Tác phẩm Duyên Anh trước 1975 gồm các chủ đề : tình yêu quê hương, tuổi thơ, tuổi trẻ và xã hội. Những truyện đầu tay Duyên Anh đã viết trong hoàn cảnh xa quê nhà và nghèo khó, ông đã viết với “niềm xúc động thật tình”. Dù không thành công về số lượng sách bán được (Hoa Thiên Lý in 1500 bán được 400, Thằng Vũ in 2500 ế dài, nhà phát hành không bán vì tên truyện không hấp dẫn). Nhưng vài năm sau, tiểu thuyết của ông được tiêu thụ mạnh: Hoa Thiên Lý được tái bản nhiều lần và nhiều cuốn mỗi lần xuất bản in đến 5, 6 ngàn bản. Có lẽ sự thành công khiến ông viết dễ dãi sa đà “để nói những gì muốn nói” do đó đã thiếu chăm sóc, dài dòng và hay trùng điệp. Trong Cây Leo Hạnh Phúc chẳng hạn, ông đã để “thằng Đốm”, một đứa bé, nói:
“Thôi thôi, con nhất định không lấy vợ đâu. Lấy vợ khổ thấy mồ, phải ăn cơm ở nhà hoài hủy. Không lấy vợ đi ăn cơm tiệm đều đều, xem xi nê mỗi ngày…” (tr. 455).
Duyên Anh hay đem chuyện và người thật vào tiểu thuyết – như là nơi để ông nói về bạn bè, điểm thơ văn hay hành cử, nói tốt thì thường, nhưng khi nói xấu thì sao không gây thù chuốc oán. Đọc tiểu thuyết của ông, người đọc dễ đoán được diễn biến và cả kết thúc vì thường tác giả theo một khuôn luân lý hoặc mẫu người. Ông đã dễ dãi kỹ thuật, tình tiết đơn sơ dù ông tràn ngập chi tiết và hợp tan cũng dễ dàng.
Trong hơn hai mươi năm văn học miền Nam, Duyên Anh đã là một trong số những hiện tượng văn học. Hiện tượng trước hết vì ông viết nhiều, sau vì ông có hẳn một chủ trương làm văn học và có đường lối văn chương của ông. Viết nhiều và các tác phẩm về sau có khi hay lập lại, có khi trích dẫn thơ văn quá độ. Nếu trong nhiều tiểu thuyết xã hội ông liên tục tấn công cái Ác và đề cao tình người hay cái Thiện thì trong bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, Duyên Anh liên tục làm sống cái xã hội và con người hiền hòa, thơ mộng. Hiện tượng vì sau hết, dù thành công, Duyên Anh vẫn tiếp tục chân thành với người đọc, không huênh hoang, tự cao hay thay đổi lối viết. Ông cũng đã cố gắng tách rời Thương Sinh nhà báo trong văn chương dù có khi yếu ớt. Duyên Anh đã thành công trung thành với người đọc của ông.
Chính cái trung thành hỗ tương này làm nên thành công cho tác giả Thằng Vũ, ông trở thành hiện tượng, đại diện cho một giá trị nào đó, trở thành thân thiết, thành cái không thể thiếu, cái tất yếu, phải đọc; người đọc như đồng hóa với nhân vật và xã hội tiểu thuyết của ông, có khi gần mà như xa vì dù đơn sơ, bình dị, thế giới đó, tỉnh lỵ Trà Lý hay Sài gòn, nhân vật đó – những thằng Vũ, con Thúy, em tôi, Trần Đại, Châu Kool, … vẫn như xa cách, lý tưởng quá chăng, hài hòa quá chăng – là những cái hiếm có trong xã hội thật. Mộng và thực như đời sống, ở nơi đây nhưng mơ mộng cái lý tưởng và xa xôi. Nếu thế giới thằng Côn con Thúy ở tỉnh lỵ quá đẹp, nên thơ, đáng mộng mơ thì thế giới Trần Đại hay Danh Lựa đánh giày,… quá tàn nhẫn; nhưng ở cả hai xã hội đó, cái ước muốn sống Thiện, sống đời bình thường có cha mẹ gia đình vẫn ở đó, vẫn là cái xương sống, cái lõi của những bầy nhầy khốn nạn trên bề mặt.
Khi viết, Duyên Anh đã biết đối tượng của tác phẩm ông: viết cho những người như ông, mơ và sống một cuộc đời bình thường trong đó người đối xử với người với thành tâm, viết cho những người muốn sống bình thường nhưng vì nhiều hoàn cảnh đã không thể được, đã bị bứng ra khỏi thế giới đó. Duyên Anh đã không thuộc vào loại nhà văn viết cho mình hay viết để mà viết hay viết mà không cần người đọc, loại văn nghệ sĩ không tưởng, làm dáng, viễn mơ xa người đọc. Ông cũng không đề ra những câu hỏi nhân sinh hóc búa, những lý thuyết cho tương lai xa tầm với. Ông giới thiệu với người đọc những mảnh đời đẹp, có thể thần tiên, có thể khốn khổ. Tác phẩm của Duyên Anh cũng là những trả lời những gì người đọc có thể muốn biết, về cuộc đời, về con người.
Khác với các nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, v.v., Duyên Anh chưa hề diễn thuyết hay lập ngôn về văn chương của ông. Trong một cuộc gặp gỡ với các sinh viên Văn khoa Sài Gòn ngày 6-3-1972 do linh mục Thanh Lãng trưởng ban Việt văn tổ chức, Duyên Anh đã tâm sự :
“Không ai thấy trong tiểu thuyết của tôi những tiếng thét hãi hùng, cô đơn, thân phận làm người, v.v.. Tiểu thuyết của tôi kết thúc vẫn là tình của con người với con người. Tôi không vô thần nhưng không tin Thượng đế, chỉ tin ở con người. Sự an bình của con người không do Thượng đế mà do con người”. (5).
Trong một phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh (tức Nguyễn Xuân Hoàng) trên tạp chí Văn năm 1972 (6), Duyên Anh xác nhận thêm ông “chỉ ca ngợi Tình Người. Tôi không dấn thân, chẳng viễn mơ, … Tôi không thích theo đuổi hẳn một khuynh hướng nào…”. Đó có thể cắt nghĩa việc Duyên Anh không được giới làm văn chương ở miền Nam trước và sau 1975 xem là nhà văn lớn bên cạnh Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, v.v.. Sách ông xuất bản ít có bài phê bình giới thiệu và hơn 12 năm làm văn học đã chỉ có vài bài phỏng vấn, một số Văn Học đặc biệt về “thế giới tuổi thơ” của ông và một cuốn tiểu luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng Và Thực (1972) của Huỳnh Phan Anh.
Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt trong Tác Giả Tác Phẩm Tiêu Biểu Nền Văn Học Nghệ Thuật Thời Chiến Tranh cũng đã ghi nhận chân tình đó của người viết Duyên Anh:
“Truyện của tôi không cầu kỳ, không tối tăm, không ngộp thở. Tôi không chơi văn chương và triết lý. Nó bình thường như một người Việt Nam bình thường mộc mạc. (…) Tôi viết bằng cảm xúc…” (7).
Duyên Anh đã là hiện tượng vì ông thuộc về lớp nhà văn đã ảnh hưởng đến người đọc, những người trẻ, những người mất tuổi trẻ, những người sống bằng hoài niệm, bằng kỷ niệm và quá khứ, của người đô thị nhớ về đồng quê dung dị thời thanh bình. Người đọc ông có thể là người di cư từ phía Bắc vỹ tuyến 17 phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, cũng có thể là người trẻ mới lớn ở miền Nam. Dù sao thì người đọc của ông không ít và ảnh hưởng có thể có của tác phẩm ông đã khiến những người cộng sản đã cấm sách ông và liệt ông vào số những người “biệt kích văn hóa tư tưởng”. Lý do là Duyên Anh đã làm cùng công việc của họ, đã dám ảnh hướng giới trẻ, dám giáo dục giới trẻ như đề cao tình thương yêu, tình người … Duyên Anh đã dám “cạnh tranh” với những huyền thoại của họ. Duyên Anh đã tạo dựng những thần tượng tuổi thơ hiền lành nhưng hiểu biết trong tiểu thuyết, nhưng những thần tượng tuổi thơ này đã vượt thế giới tiểu thuyết để đi vào cuộc đời, đã ảnh hưởng giới trẻ trong Nam. Duyên Anh bị kết án “lừa gạt trẻ con”.
Phải chăng sự kiện đây có thể giải tỏa nghi vấn về việc Duyên Anh bị đả thương thành tật nguyền ở hải ngoại và đã bị liên tục kết án? Duyên Anh đã “cứng đầu”, vẫn tiếp tục sứ mạng ông tự cho – viết cho tuổi trẻ, viết về tuổi trẻ và ước vọng nhân sinh của chúng.
Nếu nói Duyên Anh thì là một thứ chống đối tự nhiên của một người dân bình thường không thích chiến tranh hoặc đã phải sống những đổ nát do chiến tranh gây ra. Ông không đưa ra những lý thuyết lớn như nhà văn các nhóm Quan Điểm, Thái Độ, Sáng Tạo,… Ông chống cái Ác và đòi hỏi sự thật và lẽ phải phải được tôn trọng.
Năm 1971, Duyên Anh đã quyết định bỏ nghề làm báo để chỉ làm xuất bản và ra báo cho tuổi trẻ. Quyết định có thể bắt nguồn từ những đụng chạm lớn trong nghề báo, từ những thành công khiến ông đi quá đà gây nhiều hận thù và bớt bạn, nhưng có thể ông đã hối hận về nghề báo đi sai đường hướng văn nghệ của đời mình. Duyên Anh có quá đáng khi làm báo ngoài những lý do bình thường, có thể cái quá đáng đó thúc đẩy bởi ước muốn công bằng xã hội. Bỏ chốn lụn bại báo chí, Duyên Anh trở lại, sống hết mình với thế giới trong sáng của tuổi thơ và tuổi trẻ. Sau 1971, ông đã viết tiếp bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ và xuất bản những tiểu thuyết về tình yêu. Niềm tin ở chân thiện mỹ, ở đời sống và con người, Duyên Anh tin một cách chân thành không màu mè; thể hiện ở câu chuyện, cách hành văn, không thuyết lý. Duyên Anh đã viết văn như đã sống với một tâm hồn thẳng thắn dù đã có lúc phải làm bất cứ nghề gì để sống còn, phải làm lại cuộc đời từ số không. Duyên Anh không có ý làm mới ngôn ngữ. Nói chung, ông xử dụng một ngôn ngữ bình thường, dung dị hợp với câu chuyện và nhân vật của ông, tất cả như vừa tầm mọi người. Ngay cả khi ông mơ mộng hay viết về cách mạng.
Đời sống tác giả thiếu thời như phần đông người Việt, nghèo thiếu thốn, cố gắng vươn lên và Duyên Anh đã thành công sống tự lập bằng ngòi bút. Do đó ông thương xót cho số phận đa số tức người nghèo, thiếu phương tiện học hành, những đứa trẻ nhà nghèo như ông đã từng, những đứa trẻ mồ côi sống đầu đường xó chợ, ông hiểu chúng, từ chỗ hiểu đưa đến ước muốn giáo dục hay làm cái gì đó cho chúng khá hơn hay ít ra cho mọi người hiểu thân phận chúng. Cái nhìn từ bi, muốn tới gần, lo cho chúng thay vì khinh bỉ, xua đuổi. Những nhân vật mồ côi, du đãng. Hãy nghe Duyên Anh cắt nghĩa lý do ông phẫn nộ :
“Tôi là con một gia đình bần nông ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi đã sống nghèo khổ, chứng kiến cảnh bố mẹ chạy ăn từng bữa mà còn bị bọn cường hào ác bá hành hạ, ức hiếp. Tới khi khôn lớn lên, sống bằng nghề báo thì mỗi khi cầm bút, viết về câu chuyện bất công của thời đại, tự nhiên tôi lại nhớ tới dĩ vãng thù hận. Thành ra giọng văn trở thành phẫn nộ, ác độc” (1)
Duyên Anh đã viết trên 70 cuốn truyện dài, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Trước 1975, ông đã là tác giả của gần 50 tác phẩm, có thể xem là một trong số mười nhà văn có số xuất bản kỷ lục đó. Duyên Anh đã cho biết ông “không viết để đạt một kỷ lục về số lượng. Tôi viết vì sự thôi thúc của dĩ vãng và của sự quằn quại với lịch sử đất nước. Như mọi người trong thế hệ chúng ta, khi mới 10 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Nhật đảo chánh Pháp. Rồi sau đó, tôi đã đi đếm xác những dân làng tôi bị Nhật làm cho chết đói. Rồi thì cách mạng tháng Tám tiêu thổ kháng chiến, dân làng tôi bồng bế chạy loạn. Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi đã mất hết trong cách mạng và chiến tranh”. (1)
Một số đề tài
Tình yêu quê hương, gia đình
Hoa Thiên Lý xuất bản vào một giai đoạn khó khăn của tác giả trước đảo chánh 1-11-1963. Tập gồm 10 truyện, tuy là tác phẩm đầu tay nhưng như đã đánh dấu con đường văn chương của tác giả kể cả ngôn từ sử dụng. Cánh cửa văn chương đã mở với Hoa Thiên Lý và sẽ tiếp tục trong các tác phẩm sau này, văn chương của ký ức, của tuổi thơ đánh mất, của những kiếm tìm quá khứ đời xưa người cũ, của một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm.
Hoa Thiên Lý ngoài nỗi niềm thương nhớ về người mẹ, còn là nỗi lòng yêu thương cần có trên đường đời mà tác giả sẽ tiếp tục dàn trải trên các tác phẩm về sau.
“Tôi đi tìm thương yêu trong màu hoa thiên lý, đi tìm những bà Mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây…” (tr. 23).
Nhớ thương, đi tìm. Và nỗi buồn xa cách.
“Giàn thiên lý quê nhà giờ đây đã héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy, người ta cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi dưới giàn hoa thiên lý mà kể chuyện cho tôi nghe” (tr. 22-23).
“Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào đó người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xơ xác đầy những oán thù” (tr. 23).
Còn hy vọng thì sao mà nhỏ nhoi :
“Bao giờ rừng cây yêu thương đơm trái, người quê hương sẽ về cướp lại đất quê hương và tôi phải gặp cô bé dưới giàn cây bâng khuâng ngồi đếm giọt hoàng hôn rơi” (tr. 23).
Truyện Hoa Thiên Lý là truyện đầu tay của Duyên Anh đã được viết trong hoàn cảnh cùng khốn của đời lưu lạc. Trong hồi ký Nhà Báo, Duyên Anh đã kể :
“Sống buồn thảm như thế, tôi đâm ra nhớ nhà kinh khủng. Nhớ nhà và thương tiếc tuổi thơ của mình. Trước hết, tôi nhớ mẹ tôi. Vào một đêm mưa mù mịt chân cầu Tân Thuận, không ngủ được vì mái nhà dột tứ tung, tôi đã thức suốt đêm hí hoáy viết truyện ngắn đầu tay Hoa Thiên Lý” (8).
”Luật hè phố” viết về trẻ em bụi đời ở Sài gòn
“Khoa có bao nhiêu kỷ niệm gửi trong mắt chị Hiền, trong nụ cười Vĩnh, Bảo (…) Trọn đời, Khoa sẽ nhớ những buổi câu cá dưới gốc cây si nghe chị Hiền kể chuyện ma (…) Người mẹ mớm cơm cho con mau lớn như chị Hiền mớm tình cảm cho Khoa biết mơ mộng. Khoa mong ước sau này Khoa bước xuống cuộc đời gặp nhiều chị Hiền” (tr. 191).
Nhưng cách mạng về, đời thơ mộng thành ác mộng:
“Phải chứng kiến lưỡi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dụa trên vũng máu. Phải thấy me Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh” (tr. 194).
Em Dực của tác giả trong truyện Em bị nhuốm đỏ, ngây thơ đã bị vẩn đục với những kêu gọi “trường kỳ kháng chiến”, “tiến bước dưới cờ Ma-len-cốp vinh quang” (tr. 111).
Tập truyện Hoa Thiên Lý đã là cánh cửa đưa Duyên Anh vào văn chương như tác giả đã kể lại trong Nhìn Lại Những Bến Bờ :
“Hoa thiên lý là một cánh cửa sổ đã mở để tôi nhìn tôi khởi sự những truyện ngắn chan chứa tình người. Nó rất quan trọng đối với tôi, bởi vì, nó là hành tinh tư tưởng và trọn đời tôi, tôi xoay quanh cái hành tinh đó để phô diễn văn chương nhân bản của tôi…” (9).
Và tập Hoa Thiên Lý gồm những truyện viết kỹ lưỡng thời nghèo khó đã là những truyện ngắn hay nhất của Duyên Anh như ông đã từng thú nhận trong cùng cuốn hồi ký (10).
Tuổi thơ
“Tuổi ngọc” được Duyên Anh chăm sóc rất kỹ trong văn nghiệp của ông. Trước hết với Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ, bộ truyện gồm 6 quyển mà khung cảnh là tỉnh lỵ Thái Bình những năm 1944-1954: Thằng Vũ, Thằng Côn, Thằng Khoa, Con Thúy,… Thằng Vũ được khởi viết vào những năm cuối cùng làm công chức trước cách mạng 1-11-1963. Tuổi thơ lồng trong thảm cảnh của chiến tranh, của tù đày, bạo động, phản trắc, của chia cách, của những vùng tề, vùng tiếp thu. Bộ truyện Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là “lịch sử mười năm được nhìn và suy nghĩ bởi tuổi thơ. Điều tôi định sẽ nói lên trong Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ là con người sẽ xây dựng lại tất cả, nhưng sự đổ vỡ về tình người thì không thể xây dựng lại được” (11), vì xuất phát từ nỗi thất vọng của tác giả về chiến tranh, về cái hoàng hôn xám tình người lạnh lẽo và hờ hững.
“Tất cả cho cách mạng Tháng tám. Còn gì nữa mà cho. Vàng cho hết rồi. Niềm tin cho hết rồi” (Con Thúy, tr. 187).
Cách mạng đã cướp mất tuổi thơ, đã khiến tuổi thơ sống đày đọa trong khói lửa và bạo động. Cách mạng dạy con người đánh mất tính người. Đến các truyện Dzũng Đa-Kao, Chương Còm, Bồn Lừa, Hưng Mập, … một tuổi nhỏ mới của miền Nam phải đương đầu với chiến tranh mới Bắc-Nam. Tuổi thơ này muốn làm anh hùng dân tộc (Mơ Thành Người Quang Trung), thủ quân kiêm trung phong của đội tuyển thiếu niên làm đẹp dân tộc (Bồn Lừa). Đưa trẻ em hư hỏng ở vỉa hè vô trường học (Giặc Ô-Kê). thành thị kết tình với tuổi thơ nông thôn (Hạ Ơi), kinh với thượng (Gấu Rừng). Có khi tuổi thơ chỉ mơ hết nghèo khổ, được bước chân vào lớp học. Giấc mơ của những em bé đánh giày được có ăn, có mái ấm gia đình, được đến trường (Luật Hè Phố).
Một tuổi thơ dù ở Bắc ở Nam, trước hay sau 1954, con nhà giàu (Hoàng Dung, Elvis Dậu, Chương Còm, Đoàn Dự, Thiện Mông Cổ, ..) hay nghèo (Thằng Vũ, Bồn Lừa, Dũng Đa-Kao, Danh Ná, ..) hay con lai rơi rớt (Jimmy, Bill, Jack, ..), tất cả đều là những tia bình minh rực rỡ tình người, rộn ràng tình bạn, những thương yêu trìu mến. Dù ngoại cảnh đầy bạo động, chiến tranh, máu và nước mắt. Duyên Anh viết cho tuổi thơ vì ông “không có tuổi thơ”, “thèm tuổi thơ nên viết để giải tỏa những uẩn ức, những thèm khát” (1) như ông đã từng thú nhận sau này. Viết về tuổi thơ cũng là viết về gia đình, quê hương bỏ lại khi đã di cư vô Nam. Nếu đúng như tiết lộ của nhà văn Đỗ Tiến Đức bạn thân với Duyên Anh từ khi cả hai di cư vô Nam ở chung trại tạm trú, Duyên Anh đã để vợ con lại quê nhà ngoài Bắc, người đọc có thể hiểu thêm nỗi lòng nhớ vợ con của ông. Duyên Anh lập lại cuộc đời mới trong một hoàn cảnh éo le dễ được thông cảm, dù gia đình mới trong Nam ông vẫn chứng tỏ chồng cha gương mẫu. Viết về tuổi thơ là Duyên Anh viết cho ông, với tình thương cho cô con gái ngoài Bắc và với hạnh phúc ba đứa con trong Nam.
Cái tuổi thơ trong tác phẩm của Duyên Anh cũng như trong tác phẩm của Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, v.v. của văn chương Việt Nam là tuổi thơ văn chương, tuổi thơ của mọi người và nhiều người, tuổi thơ đã phổ quát. Tuổi thơ đã qua đã sống của mỗi người đã trở thành một phần đời, phần trời gió có thể đã thoảng trôi mà cũng có thể đã ảnh hưởng đến cả phần đời người lớn, cả sự nghiệp, chí hướng. Đối với nhiều người, tuổi nhỏ trở thành khung trời trú ẩn, thành một vùng tâm thức kỳ diệu ủi an để quay về khi con người phải đương đầu với những thực tế ê chề, khó khăn. Một cõi sống có thể thần linh – người ta vẫn nói thiên đàng tuổi thơ. Một cõi sa mù hay kỳ diệu có giá trị trị liệu. Ngày hôm nay khô cằn hoặc chỉ còn là bã là rác sẽ cần đến khoảng sống thần tiên đó để làm mới lại cuộc đời, chỉnh đốn lại cái sống, làm mạnh cái sống. Và ngược lại, tuổi thơ có thể như một căn bệnh kinh niên bất trị, như một sổ mũi, nhức đầu nhè nhẹ rồi qua đi nhưng sẽ luôn trở lại. Tuổi nhỏ đó còn là tiềm thức hay vô thức sẽ ảnh hưởng hiện tại và ý thức của con người. Duyên Anh sẽ viết về những con đường làng, những chạy nhảy của tuổi nhỏ, những trang sách đầu đời tinh khiết của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, những thầy cô khai tâm tuổi thơ, những người bạn cùng vui chơi chia xẻ cõi sống chưa vẩn đục, một cõi sống hùng dũng, tích cực, đầy niềm tin. Những trang sách khai tâm, những dòng chữ đầu đời:
“Rồi tôi biết đọc bài tập đọc ‘Tôi đi học’ ở cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu của Trần Trọng Kim (…) ‘Năm nay tôi lên bẩy. Tôi lớn rồi, không còn chơi bời lêu lổng như những năm còn bé. Tôi đi học. Tôi tập đọc, tập viết, tập làm tính và nhiều môn học khác nữa. Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho văn hay chữ tốt, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng’…” (Trường Cũ, tr. 9).
Những trang đầu đời sẽ đánh động tâm tư người đọc vì đã đánh động tâm hồn người viết. Dù nghịch phá, lêu lổng, thích ca hát, đánh lộn hơn là học, nhưng khi dĩ vãng xa đó trở về, ngôi trường tư thục Trần Lãm ở thị xã Thái Bình đã là muôn thuở.
“Ngôi trường của tôi không giống ‘con đẹp quá’. Nó ở mãi thị xã, chung tình muôn thuở cùng học trò. Chỉ có học trò phụ bạc trường học. Mỗi người học trò rời trường, đều đem theo ít nhiều tình yêu. Trường cho học trò tình yêu và tương tư. Học trò không cho lại trường gì cả…” (Trường Cũ, tr. 126-127).
Mùa hè, được về quê ngoại là một hạnh phúc.
“Quê ngoại nhà tôi có một vẻ gì đó thật mơ hồ, một ngăn cách nào đó thật diệu vợi. Người con gái đã về nhà chồng là giã từ luôn quê mẹ như giã từ thời son trẻ của mình. (…) Từ nỗi thiết tha của người mẹ, đứa con lớn lên, yêu quê ngoại hơn quê nội. … Xa vời quá, lạ lùng quá khiến ta mơ ước. Và ta ngỡ niềm mơ ước của ta sẽ no đầy nếu ta được sống ở quê ngoại rộn ràng trong ký ức…” (Phượng Vĩ, tr. 14-15).
Trong Hôn Em, Kỷ Niệm ông tiếp tục kể lại thời thơ ấu, cậu bé con nhà nghèo bên cạnh “đoạn đường oan nghiệt” của người cha. Đây cũng là tập đầu của bộ tự truyện Nhìn Lại Mình tác giả đã thông báo ở cuối tập. Cây Leo Hạnh Phúc là thế giới tuổi thơ của những con Ki, thằng Cu Tí, thằng Đốn. Trường Cũ kể chuyện đi học nhưng có hình thức một hối hận gián tiếp đã không là học trò gương mẫu. Ngày Xưa Còn Bé tiếp nối chuyện Trường Cũ khi Long, Côn, Thịnh, … lên Hà Nội trọ học trung học: những tung hoành của tuổi trẻ, những mối tình với con gái chốn văn vật. Trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ sau này, ông sẽ kể đã phí phạm những năm tuổi trẻ như thế nào. Đặc điểm của văn chương tuổi nhỏ còn ở nơi ngôn ngữ. Một ngôn ngữ bình dị hồn nhiên mà trong sáng. Thành công của Duyên Anh khiến ông một thời trở thành hiện tượng, phần lớn do ở những tác phẩm về tuổi thơ nói trên. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt dù không biết Trà Lý ở đâu nhưng đã phải công nhận “Hình ảnh thiên đường và đất hứa của tuổi trẻ trong tác phẩm của Duyên Anh, tuổi trẻ được phục sinh vừa thơ mộng kỳ diệu, vừa phẫn nộ trong lầm than một vùng nhân thế” (11).
Tuổi trẻ
Duyên Anh viết và xuất bản những tác phẩm về tuổi trẻ khi miền Nam đang trên đà xây dựng, tổ chức và các phong trào thanh niên sinh viên học sinh được các chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa phát động cũng như tổ chức. Và kẻ thù cũng đã có những xâm nhập. Tuổi trẻ xuống đường, chống độc tài (hiến chương Vũng Tàu), chống chính khách xôi thịt, chống Mỹ, … và chống cả đi lính, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.
Trong khi đó tuổi trẻ của Duyên Anh lãng mạn nhưng có ý thức và yêu nước. Lãng mạn, theo những tập đoàn cách mạng một cách thành tâm nhưng ngây thơ trước thủ đoạn. Ảo Vọng Tuổi Trẻ kể chuyện những người trẻ tuổi đi làm cách mạng. Tuổi trẻ bị ảo vọng, ‘thua bạc’, mất cả vốn liếng lý tưởng và tuổi trẻ, đâm ra phẫn nộ. Họ “đã ngủ sầu trong đất”, không cần đến những đàn anh thê thảm và khốn nạn.
Duyên Anh trong Ngựa Chứng Trong Sân Trường tiếp tục ý hướng giáo dục, muốn đề cao tình nghĩa trong một xã hội đầy bạo động và giá trị văn hóa không còn. Rồi trong “tâm bút” Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy, Duyên Anh đã mong tạo được những thần tượng thiếu niên nhi đồng và đào tạo được một thế hệ hết mình bảo vệ miền Nam và ngăn chặn đám giải phóng theo chỉ thị của miền Bắc, ngay từ những lứa tuổi 14, 15. Võ Trụ trong Bò Sữa Gặm Cỏ Cháy “quên thân mình cứu người phi công Mỹ lâm nạn” (tr. 34), Danh Kê cướp xuồng máy và súng của cộng sản ở Kiên Giang để khi lớp “đàn anh chết đi, có thể vững dạ tin tưởng ở thế hệ rường cột xâm mình chiến đấu, chiến thắng cộng sản” (tr. 43).
Nếu các truyện về tuổi thơ là chuyện của Duyên Anh và bạn bè trang lứa thì những tiểu thuyết về tuổi trẻ đã là kết hợp từ những kinh nghiệm cá nhân của tác giả thời mới vô Nam và cả khi làm báo, công chức.
Tuổi trẻ bụi đời và du đãng là hai loại tiểu thuyết và Duyên Anh đã hơn một lần phân biệt hai khuynh hướng đó. Tuổi trẻ bụi đời, trẻ mồ côi có Luật Hè Phố và Dấu Chân Sỏi Đá. Luật Hè Phố là thế giới của Danh, Lựa, Dân, v.v. những đứa trẻ đánh giày, ở viện mồ côi ra, sống bụi đời, không lựa chọn; là thế giới của bọn đầu trâu như Quý Đen, vua đánh giày.
“Bọn đánh giày tứ cố vô thân. Chúng nó sinh sống tại hè phố, chịu đựng mọi kỷ cương của hè phố và hè phố có bổn phận sắp đặt cho chúng nó…” (GMMLC, tr. 54).
Dấu Chân Sỏi Đá là chuyện Tâm và Ngọc, hai đứa trẻ mồ côi thời đảo chánh 1-11-1963: chúng sống tự lập, ở vỉa hè, bán báo, yêu thương đùm bọc nhau.
Đến loại tiểu thuyết gọi là du đãng, Duyên Anh đã cẩn thận nhấn mạnh :
“Tuổi trẻ bơ vơ, thèm xả thân cứu giúp đời, mà rốt cuộc tinh thần hào hiệp đó biến thành tinh thần du đãng” (ĐRNM, tr. 107).
Đã hơn một lần, cũng trong Điệu Ru Nước Mắt, Duyên Anh nói về những người trẻ tuổi này là “những thằng trong sạch nhất trong xã hội” (tr. 274), “du đãng nhiều thằng lương thiện gấp bội những thằng to tiếng đòi giáo dục du đãng” (tr. 107) hay “xã hội du đãng cũng ăn đứt xã hội đạo đức giả”. Chúng nỗi loạn vì cô đơn, “nổi loạn tâm hồn” vì “bất mãn gia đình, học đường, tổ quốc”, hoặc thù đời, “khinh miệt cuộc đời, vì cuộc đời cứ coi nó là du đãng ” (tr.81).
Thất vọng một xã hội không có chỗ đứng, bất mãn trước bất công xã hội, chúng “nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội”, “sống tách riêng ra một xã hội” (tr. 107) . Nổi loạn làm du đãng như không còn lựa chọn. Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang: chuyện Du Chột bắt cóc đòi tiền chuộc nhà buôn giàu không thành vì Hoàng Guitar đàn em của hắn quyết chí trở lại con đường lương thiện làm sai kế hoạch. Chuyện hoàn lương cũng không dễ một khi đã ở lâu với xã hội đó, cuối cùng trở thành thảm kịch. Hoàng Guitar có học, biết điều, giang hồ đã, cuối cùng muốn sống như mọi người có vợ có con và đủ ăn mà cũng không thể được trong một xã hội nhiều mắc lưới đó. Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng yêu gái điếm Alice Hồng muốn “… quên hết mọi tủi nhục mà cuộc đời đã hành hạ chúng ta bao nhiêu năm trời. Rồi chúng ta sẽ có nhiều con, sẽ lo cho chúng nên người. Em biết không, hạnh phúc phải do mình kiếm lấy, không đứa nào kiếm cho mình đâu”. Ý chí lương thiện không thôi không đủ. Hoàng Guitar hay Mừng Lác đều kết thúc cuộc đời trong bi đát và khốn cùng.
Đây là một thế giới bạo động với những thanh toán giữa George Tạo và Tony Phước trong Trần Thị Diễm Châu, giữa hai băng Du Chột và Chín Cùi trong Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, giữa băng Lê Hùng và nhóm Thanh niên quyết tử trong Sa Mạc Tuổi Trẻ, giữa Tám Dao Cạo và Mừng Lác trong Nước Mắt Lưng Tròng.
“… Chúng nó chạy hết tốc độ, chiếu đèn pha và đè nghiến lên đầu Mừng Lác. Chiếc xe mất hút ở con phố khác. Mừng Lác bị vỡ óc nằm cô độc giữa trời đầy sương. Vua giết người đã bị xóa tên khỏi sổ bụi đời một cách tầm thường và thê thảm” (tr. 277).
Xã hội này có luật lệ của nó nhưng cũng có những phẩm tính tốt như chúng yêu thương nhau, biết đùm bọc nhau. Có tuổi trẻ vì hoàn cảnh mà đi du đãng như Trần Đại, Nguyễn Đạm, Trần Long, Trần Thị Diễm Châu, Lê Hùng, v.v. đã học xong trung học, có đứa đậu cả tú tài Pháp. Chúng cũng hào hoa phong nhã và “rất nghệ sĩ”. Một đính chính cho cảm thông. Vì tuổi trẻ đường xá này sẽ chấp nhận hoàn lương, vào trường các nữ tu như trong Trần Thị Diễm Châu “xã hội không cải thiện cuộc đời của du đãng thì nội trú Hòa Hưng sẽ cải thiện họ”. Và tuổi trẻ du đãng cũng sẽ nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chiến. Một nhân vật của Sa mạc tuổi trẻ :
“quân đội là nơi lý tưởng nhất để nó làm lại cuộc đời” và “kỷ luật quân đội dạy người lính trở nên chín chắn, biết yêu biết ghét đúng đắn” (tr. 337).
Trần Đại của Điệu Ru Nước Mắt được đàn em James Dean Hùng khen “Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại ‘cừ” nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…” (tr. 274).
Trong bài nói chuyện với nhà văn Đỗ Tiến Đức (1), Duyên Anh cho biết khi viết “cuốn tiểu thuyết du đãng đầu tiên là cuốn Điệu Ru Nước Mắt là lúc các tướng lãnh mình đảo chánh nhau, ông tướng này bắt ông tướng kia, nay là tướng anh hùng mai là tướng gian, lung tung hết. Dưới mắt một nhà văn thì tình trạng đó nản quá, tôi thấy chẳng còn gì đáng ca ngợi nữa. Với phản ứng đó, tôi mới đem du đãng ra ca ngợi, thế thôi”.
Duyên Anh đã viết về tuổi trẻ du đãng với cái nhìn âu yếm, hiểu biết, có khi ông đã phẫn nộ như trong Ảo Vọng Tuổi Trẻ :
“Hình phạt nào mới xứng đáng cho một tên lừa gạt tuổi trẻ, cho những tên làm ung thối một thế hệ mới vươn lên để tìm chỗ đứng cho dân tộc dưới ánh mặt trời” (tr. 228)
Tuy vậy, sau cuốn Nước Mắt Lưng Tròng, tức sau khi đã xuất bản Điệu Ru Nước Mắt, Trần Thị Diễm Châu, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Sa Mạc Tuổi Trẻ, Duyên Anh đã bỏ loại truyện du đãng . Ông bỏ du đãng cũng như bỏ làm báo với những bút hiệu Thương Sinh, v.v. để trở về với tuổi thơ và không khí lãng mạn của những tình yêu nhỏ lớn, của Mây Mùa Thu, Cầu Mơ, v.v..
Tình yêu trong tiểu thuyết Duyên Anh có nhiều hình thức, từ tình yêu tuổi thơ, đến lứa tuổi thích ô mai, tình yêu giữa chốn bụi đời, anh chị, rồi tình vợ chồng. Bắt đầu là những mối tình vụng dại, ngây ngô trong Con Thúy, Thằng Vũ, Thằng Côn, Trường Cũ, … giữa các cô cậu tiểu học. Tình thằng Vũ với con Thúy :
“Lúc nó tỉnh ngủ, Vũ thấy bàn tay đặt lên trán nó. Vũ cảm thấy lạ lùng. Nó không muốn mở mắt. (…) Nó đưa tay đặt trên bàn tay đang đặt lên trán nó.
– Vũ…
Tiếng nói như tiếng reo vui của loài chim khuyên mới gặp tia nắng xuân đầu sau những ngày mùa đông u ám.
– Vũ ơi, Vũ sống rồi… Thúy mừng lắm, Vũ ạ !
Vũ đã biết bàn tay nào đang ở dưới bàn tay của nó. Tự nhiên, Vũ khỏe hẳn. Và khỏe hẳn, Vũ muốn trêu Thúy. Nó giả vờ rên hừ hừ.
– Tôi chết, tôi sắp chết đây…Thúy cuống quýt:
– Vũ đừng chết, Vũ nhé! Thúy mang ô mai cho Vũ đây này.
Vũ rên to hơn:
– Tôi ghét ô mai chua, tôi thích ô mai cam thảo cơ, ôi đau ngực quá. Tôi sắp chết…
Thúy nhắc vội tay ở trán Vũ ra, đặt lên ngực Vũ:
– Ô mai cam thảo mà…(…)
Vũ đã đưa bàn tay mình để chờ đợi bàn tay của Thúy. và hai bàn tay gặp nhau, đan lấy nhau. Vũ lặng người. Cảm giác như nuốt vội một viên kẹo quá ngọt…” (Con Thúy, tr. 129, 131)
Tuổi mười ba, trai mới lớn, nghịch ngợm với tình yêu rồi thất tình, những thất tình thường không hậu quả. Con gái tuổi mười ba như bài thơ của Nguyên Sa, là những mối tình của lứa tuổi thích ô mai. Rồi mười sáu tuổi, thiếu nữ vẫn thích ô mai mà tình yêu có khi lạ lùng dù có thể tự nhiên của nữ sinh với thầy giáo hay với nhà văn nhà thơ đã có vợ. Trong Lứa Tuổi Thích Ô Mai, nữ sinh Kim yêu nhà văn Trần Vũ trong khi bạn cô là Quỳnh thì mê nhà thơ họ Hoàng, Chi buồn tưởng chết khi nghe tin nhà văn Thanh Nam cưới nhà văn Túy Hồng, v.v. Các cô sẽ thất vọng, sẽ tự nhủ chỉ nên “đứng nhìn những trái ô mai chua qua lớp thủy tinh trong suốt. Để thích. Để thèm. Cảm giác thích hay hay thèm ô mai chua, sẽ không còn nữa nếu ta muốn biết ô mai làm ê răng ta đến mức nào…” (trong VYHC, tr. 184)
Tình trong trắng của tuổi học trò “thập thò dưới gốc cây gần cổng trường con gái, chờ chuông reo tan học để nghe tim mình rộn rã, bồi hồi. Em không quên chứ, những buổi chiều vàng niên thiếu? Em thường ra sau hết. Anh ngơ ngác nhìn em. Rồi em e thẹn mỉm cười. Và thong thả bước ngược con đường về học. Đã yêu nhau nhưng vẫn ngượng. Anh đi sau em, cách cả mấy thước đường. Tại sao, hồi đó, chúng mình dễ xấu hổ thế, em nhỉ? … Gần đến nhà em, anh vội giúi vào tay em một phong thư và nhận lại của em một phong thư. Chả nói câu nào. Nói hết bằng thư rồi… ” (Áo Tiểu Thư, tr. 10-11)
Những tình yêu buồn, đứt đoạn nhưng đẹp, có thể vô tội vạ. Khi thanh niên thiếu nữ ra, vô tội trở thành “tính toán, khôn ngoan, thủ đoạn với cuộc đời và với cả tình yêu” vì “Hỡi hình ảnh cậu con trai vừa lớn của tôi mười bảy năm cũ, cậu đã thật sự giã từ tôi. Khi tôi biết được cậu giã từ tôi thì cậu đã trở về nằm yên trong kỷ niệm và không bao giờ cậu đến với tôi nữa. Tôi tiếc hình ảnh ấy, tôi muốn đi lại từ đầu, muốn mãi mãi là cậu trai vừa lớn ngượng ngùng, xấu hổ, sợ hãi đứng trước một ngôi trường con gái…” (ATT, tr. 106-107).
Với Duyên Anh, người sống bằng quá vãng, “ngoài tình yêu, không có gì đáng giữ làm kỷ niệm” (Về Yêu Hoa Cúc, tr. 15). Nếu Duyên Anh ít may mắn với tình yêu thì trong tiểu thuyết, tình yêu còn là những chuyện tình rất đẹp. VYHC là chuyện tình yêu cô sinh viên Kiều Nhị, với nhà thơ tên Hoài nhưng rồi lại phải “…vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi”, chuyện những buổi đi dạo ở con đường Tú Xương của những người yêu nhau ở Sài Gòn mà cô đặt tên là ‘đường vào tình yêu’, bên những dòng suối nhỏ ở ngoại ô hay giữa Đà Lạt sương mờ.
Tình yêu sẽ tiếp nối ở những tiểu thuyết khác của Duyên Anh. Cầu Mơ với những chuyện tình dễ dàng của thầy giáo Hoài ở Mỹ Tho, một mẫu người nếu không yếu đuối thì cũng thiếu tình thương trên đời. Hay chuyện thiếu nữ tên Tường Vi yêu Hoài (lại anh chàng vung vít thơ văn tên Hoài) và sống trong nhạc và thơ rồi chết vì tình, để lại những bài thơ dang dở trong Tên Một Loài Hoa Quê Hương. Theo tác giả, cái chết đó có ý nghĩa, vì những ai không biết yêu là “những kẻ không biết mơ màng, những kẻ lê đôi chân xích hai tảng đá thực tại là bất hạnh trọn kiếp người” (in VYHC, tr. 387).
Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, một trong những chuyện tình cuối được xuất bản trước 1975, mang dấu vết thời đại với lối sống hippy và truyện chưởng Kim Dung. Hai nhân vật chính có tên Đoàn Dự khù khờ và Chu Chỉ Nhược quỷ quái.
Khi “định mệnh đã an bài”, nói như Duyên Anh, những “con dế” an phận sẽ tìm an vui bên người tình muôn đời. Trong Nhà Tôi, Nguyễn Văn Lương may mắn lấy được Phượng, con gái ông đìền chủ miền Tây, sẽ hân hoan ký hai tay bản hiệp ước với người chủ mới. Đến Cây Leo Hạnh Phúc, tác giả muốn chứng minh xa hơn rằng mái ấm gia đình cho bốn mùa như nhau và những bổn phận tựu trung là thiên đàng, là bếp lửa nên tìm về và ở lại.
Viết về tình yêu, nói chung Duyên Anh không đi sâu vào tâm lý nhân vật, không tinh tế chuẩn bị người đọc. Người yêu nhau dễ dàng, hay hoàn cảnh có khó khăn thì rồi cũng yêu nhau thôi. Mà những nhân tình trong tiểu thuyết của ông cũng không phức tạp. Xã hội thời đại Duyên Anh viết vì nhu cầu làm báo và mưu sinh. Xã hội của mưu đồ, của kẻ mạnh. Xã hội thời chiến tranh. Tiểu thuyết của Duyên Anh thường là chuyện Thái Bình, Hà Nội trước 1954 và miền Nam những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nhưng cái xã hội thời chiến của miền Nam vẫn được nói đến. Tác giả đã mơ bình minh và đã thất vọng thấy hoàng hôn cách mạng kháng chiến 1946-54, thất vọng về những con người lợi dụng công cuộc kháng chiến đó.
Duyên Anh đã thổ lộ khi viết bộ Vẻ Buồn Tỉnh Lỵ ngoài chuyện thơ ngây của những thằng Vũ, thằng Côn, con Thúy, ông còn muốn nói lên “thảm cảnh của chiến tranh xâm lược, của tù đày, tra tấn, của vùng tự do, vùng tề, của tiếp thu, phản bội và chia cách. Tây rút, tôi đợi bình minh của Vọng mang tới, nhưng chỉ là hoàng hôn xám tối, chỉ là hững hờ đến tàn nhẫn và lạnh lẽo tình người. Và chia cách ngàn trùng…” (6). Từ đó người đọc sẽ thấy tự nhiên khi ông để người bạn đời của ông phát biểu:
”Nếu cộng sản vô đây, em sẽ không di cư như anh đâu, em sẽ uống thuốc độc tự tử” trong Nhà Tôi (tr. 82). Đến tác phẩm cuối xuất bản trước 30-4-1975, cuốn Tháng Giêng Ngon Như Một Cặp Môi Gần, ông đã thêm một lần phê phán cách mạng vô sản. Ông cho biết ông dù nghèo nhưng không theo cộng sản để làm cách mạng vô sản. Không theo cộng sản có thể vì ông đã cảm nghiệm.
Xã hội miền Nam thời bình trước khi chiến tranh trở lại và thời chiến tranh hỗn loạn nhất được Duyên Anh trình bày trong các tác phẩm còn lại, khi ông viết về tuổi thơ của những thằng Chương Còm, Bồn Lừa, Dzũng Da-Kao, Hưng Mập,.., khi ông viết về những chuyện tình yêu hay gia đình, hoặc khi ông viết về những đứa bé đánh giày, về thế giới du đãng, anh chị, về những người trẻ tuổi máu nóng làm ‘cách mạng’ bị ảo tưởng, bị đàn anh lừa gạt. Trong Sa Mạc Tuổi Trẻ chẳng hạn, người đọc sẽ thấy lại một Sài Gòn và miền Nam hỗn loạn của những năm 1964-1967: đảo chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, sinh viên, tôn giáo ‘xuống đường’, miền Trung nổi loạn, những ‘nhân vật’ thời thế tạo nên như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Văn Liễu, Trần Văn Hương, Bùi Diễm, v.v. Nhưng miền Nam vẫn quyết tâm chống Cộng kể cả ‘du đãng’:
“Du đãng diệt Vẹm sẽ hăng nhất, không chiến thắng không trở về” (tr. 250). Trong Cám Ơn Em Đã Yêu Anh, xã hội miền Nam cho thấy nhiều bộ mặt mâu thuẫn: một xã hội dư thừa, phóng đãng trong khi chiến tranh đang bủa vây và cái chết đang chực chờ.
Ngôn ngữ văn-chương
Điểm đầu tiên đáng ghi nhận là Duyên Anh viết rất bình dị, không trừu tượng; một ngôn ngữ nhiều hình ảnh và gợi cảm :
“Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau đổ nát tan lòng mẹ. Màu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả màu tang tóc như muốn liệm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian” (Hoa Thiên Lý, tr. 18).
Một ngôn ngữ xứng hợp với đa số tác phẩm của Duyên Anh mà toàn bộ có thể xem như một chuyện kể thật dài. Duyên Anh trong hồi ký Nhìn Lại Những Bến Bờ đã kể lại việc ông học cách viết giản dị trong sáng theo cách viết của nhà giáo Trần Trọng Kim trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư. Trong buổi trao đổi với sinh viên vào năm 1972 đã dẫn, khi so sánh với nhà văn Mai Thảo mà ông nhìn nhận “có nghệ thuật viết” tiểu thuyết lôi cuốn, ông đã khiêm tốn nhìn nhận “Tôi chưa phải là một nhà viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đúng nghĩa phải xây dựng nhiều tình tiết. Tôi có vài cuốn tạm gọi là tiểu thuyết, còn sau này tôi dùng văn chương để nói những gì muốn nói. (…) Người gọi tôi là tiểu thuyết gia : không đúng. Gọi tôi là nhà văn cũng không đúng. Tôi chỉ là người viết văn” (13).
***
Duyên
Anh viết về giới trẻ du đãng, bụi đời có thể đã đáp ứng một thị hiếu
của độc giả; nhưng thiển nghĩ ông không viết về tuổi trẻ này hoàn toàn
vì thị hiếu cao bồi du đãng để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ mà ông còn có
một mục đích giáo dục, đề cao với một cái nhìn khá từ bi, thông cảm. Khi
viết về tuổi thơ, phải công tâm công nhận văn chương tuổi thơ của Duyên
Anh khá trĩu nặng đau buồn của quá khứ, mất mát, có ngụ ý, có cả hối
hận. Trong khi đó những nhà văn sau ông như Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế
Tường, Đinh Tiến Luyện,… viết về tuổi thơ và tuổi trẻ với một tâm hồn
trong sáng hơn. Không khí tiểu thuyết của họ vui và nhẹ nhàng hơn, thực
tế hơn mà tình yêu cũng thật sự mộng mơ gần gũi hơn.Duyên Anh trong một thời gian dài đã trở thành một hiện tượng văn học vì tác phẩm của ông đã đáp ứng được một phần những nhu cầu của thời đại, những nhu cầu văn hóa, tâm lý, xã hội của đại chúng. Với sự leo thang của chiến tranh, khi xã hội khủng hoảng trầm trọng về văn hóa, đời sống, một số tác phẩm của Duyên Anh với ý hướng giáo dục đã đáp ứng được một số mong đợi. Đừng đòi hỏi ở ông những đáp ứng triết lý siêu hình của thời đại. Duyên Anh chỉ nói tiếng nói của đời sống thường nhật, của những ngừời con, những bậc cha mẹ, những thầy giáo hay những trẻ bụi đời hay thanh niên du đãng. Và ông trung thành với đường hướng đó. Mục đích hay chủ ý trong tiểu thuyết của Duyên Anh cũng dễ nhận ra chứ không phải quanh co, lưỡng nghĩa.
Nhà văn Duyên Anh ngoài gần 50 tác phẩm đã xuất bản trước 1975 còn là tác giả những bài báo dưới nhiều bút hiệu khác nhau (những phóng sự Đi Tầu Suốt, Đầm Giao Chỉ,…) vẫn khiến hơn một người thắc mắc về cái mâu thuẫn con người hai mặt của ông, một thơ mộng và lý tưởng và một thâm độc, trào phúng. Khởi đi từ thế giới đã mất, từ những mơ mộng, Duyên Anh đã đi đến chỗ hẹn hò thỏa thuận với quá khứ và đã đưa người đọc vào một thực tế hàng ngày không giản đơn trước mắt, đã có những ý tích cực cho giới trẻ. Mất tuổi trẻ, sống ly cách, cuộc đời mới khó khăn khiến Duyên Anh có cái nhìn xoi mói về tha nhân có khi quá đà không cần thiết. Cao Thế Dung trên tạp chí Quần Chúng đã cắt nghĩa rằng nếu Duyên Anh “không cho thoát những uẩn ức chất đầy trong đầu óc (ông) bằng những bài báo ngổ ngáo, cay độc, (ông) sẽ không thanh thản mà viết những trang sách hiền lành lý tưởng” (14). Duyên Anh đã tuyên bố :
“Tôi đập phá và tôi xây dựng một xã hội tốt đẹp. Cho nên, song song với những bài báo trào lộng là những cuốn sách viết về tuổi thơ hay về tình người. (…) ngôn ngữ phóng sự nhảm nhí, pô tanh đểu cáng hiếm có trong những cuốn sách lý tưởng của tôi…” (4).
Dâng văn chương cho tuổi thơ và quá khứ và không nhất thiết làm văn chương để chống cộng, Duyên Anh đã chọn cái nghiệp chống cộng và đã gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời kể cả bị đả thương đến tật nguyền. Những xã hội và tập đoàn nào còn duy trì bất công và bạo động sẽ dễ kết án những người như Duyên Anh, những người đi khêu động những cấm kỵ. Truyện của Duyên Anh dù chỉ là tiểu thuyết đã bị kiểm duyệt miền Nam cắt bỏ (Bò Sữa Gậm Cỏ Cháy bị kiểm duyệt ‘ngâm’ không cấp giấy phép, sau lại cho nhưng cắt 32 trang) và ông đã là một trong số những tên ‘biệt kích văn hóa tư tưởng’ nguy hiểm cho chế độ đối nghịch chế độ thứ nhất. Nghèo, tự lập tự vươn, muốn truyền lại kinh nghiệm, muốn nói với giới trẻ, nhưng cái gốc người đời nghĩ là không sang cả không quý phái và không cả bằng cấp của ông đã khiến ông bị hất hủi. Nhà văn của tuổi thơ cuối đời tật nguyền buồn khổ đã trở lại đạo Thiên Chúa, tìm nước Trời nơi trẻ nhỏ dễ vào vì đứa nhỏ đã chấp nhận nước Trời, nói như người có đức tin. Một niềm tin mà Duyên Anh đã không có khi đang thành công lớn (5).
Có thể nói ngoài vài cuốn tiểu thuyết về du đãng và trẻ bụi đời, toàn bộ tác phẩm đã xuất bản trước 1975 của Duyên Anh là chính cuộc đời và con người Duyên Anh. Những kỷ niệm, tình tiết, không gian và nhân vật đã được lập lại ở nhiều tác phẩm. Nói như tác giả, ông “bị ám ảnh bởi dĩ vãng, kỷ niệm và vùng trời quê hương nhỏ bé của (ông)” (4). Duyên Anh đã nhìn nhận đó là một nhược điểm vì ông “chưa đủ tuổi để đi xa, để thoát ly khỏi kỷ niệm, dĩ vãng và vùng trời thân thuộc của mình” (4). Nếu tuổi thơ là dĩ vãng, nếu quê hương xa xôi là kỷ niệm đã làm nền cho tiểu thuyết của Duyên Anh trước 1975 thì sau khi ra được nước ngoài tị nạn, sau 6 năm tù và học tập, sau những chiến dịch xóa bỏ tác phẩm ông hoặc kết án ông, tuổi trẻ đã trở thành ý thức chính trị làm nền cho tiểu thuyết của ông xuất bản ở hải ngoại. Duyên Anh sẽ đề cao tuổi trẻ, một tuổi trẻ có ý thức.
Nguyễn Vy Khanh
Posted on26/02/2015
Nguồn: _http://banvannghe.com
Posted on26/02/2015
Nguồn: _http://banvannghe.com