Truyện Ngắn & Phóng Sự
Những đôi mắt chết (Trần Mộng Tú)
Những đôi mắt chết
Trần Mộng Tú
Chúng tôi đang đi chơi xa nhà 800 dặm, nghỉ lại hai đêm ở Bed & Breakfast của thành phố Polson, Montana. Ðó là một ngôi nhà trung bình, không lớn lắm như khách sạn, bên ngoài, các khung cửa sổ và lối đi phủ kín hoa đỏ, trông như ngôi nhà vẽ trong sách thiếu nhi. Bên trong trưng bày kín đặc những sưu tầm đồ cũ kỹ (không biết đã thuộc đồ cổ chưa?) Từ những kiểu nón mũ của phụ nữ từ thập niên 50, đến 300 cái đĩa treo trên tường, đủ hình ảnh, sinh hoạt của khoảng sáu mươi năm về trước; ly, tách, máy may, gương, lược, đồ chơi trẻ em cách đây vài chục năm, và trong một hộp kính giữa phòng khách, bày khá nhiều nữ trang có mặt đá lấp lánh. Tất cả trưng ra như một cái viện bảo tàng nhỏ. Ngôi nhà nhìn ra hồ có tên là Plathead Lake (người da đỏ đặt tên) một cái hồ trông rộng như sông, chảy ngay giữ lòng thành phố, phía bên kia là những vườn Anh Ðào đang mùa ra trái, ửng đỏ, phản ảnh với mặt nước trong xanh. Dưới mặt trời mùa Hè, phong cảnh trở nên rất ngoạn mục, hấp dẫn du khách phương xa, nhìn hoài không chán mắt.
Tối đầu tiên, sau một ngày lái xe đường trường, hơi mệt, tôi rơi ngay vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ, tôi rơi vào một giấc mơ không có liên quan gì đến những phong cảnh, sự việc của ngày hôm đó.
Tôi mơ thấy một chị bạn thân của gia đình (hiện vẫn ở Việt Nam) chở tôi bằng xe gắn máy đến một buổi chợ chiều, hình như ở miền Trung. Ðó là một cái chợ đã vắng ngắt, không còn ai. Ngay trước cửa chợ, có một người đàn bà khoảng 40 tuổi, ngồi với một mẹt khoai trước mặt, phía sau lưng chị thấy hun hút và tối, im ắng. Bên cạnh chị có ba thằng bé, đứa lớn nhất khoảng 5 tuồi, thằng bé nhất cỡ 2 tuổi.Cả ba đứa trông xanh xao vàng vọt trong buổi chiều tắt nắng. Mẹt khoai chỉ có năm củ. Tôi cúi xuống hỏi mua, chị lựa ba củ lớn nhất đưa cho tôi, nói:
- Cô cho 3 đồng, hai củ nhỏ này để lại cho các cháu ăn.
- 2 đồng thôi.
- Dạ.
Tôi mặc cả 2 đồng, nhưng khi đưa tiền, tôi nhớ rất rõ là trả 3 đồng, và thấy còn tờ 10 đồng trong tay, tôi đưa nốt cho chị. Hình như thấy sự rộng rãi của khách, chị ngước mắt nhìn tôi. Chao ôi! Ðó là đôi mắt buồn rười rượi của một người đã chết (Người đã chết làm sao mà nhìn được, nhưng sao nhìn vào cặp mắt đó, tôi tưởng như người đó đã chết rồi). Cho đến bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn nhớ thật rõ ràng ánh mắt buồn, lạ kỳ đó. Chị nhìn tôi, nói khẽ:
- Cô có muốn buôn cau với em không?
- Buôn cau thì cần bao nhiêu tiền, tôi hỏi.
- 100 đồng cô ạ.
Giấc mơ chỉ đến đó, tôi giật mình tỉnh dậy, bóng đêm vẫn dầy đặc trong phòng, tôi nhìn đồng hồ, thấy 3 giờ sáng. Ðôi mắt người đàn bà đó theo tôi cho đến bây giờ.
Cả ngày hôm sau trong lúc đi gặp người này, người kia, đi ăn, đi chơi, nói đủ mọi thứ chuyện, tôi vẫn bị giấc mơ đó lảng vảng trong đầu. Ðêm đó, trước khi đi ngủ, tôi để hết tâm trí mình vào chuyện người bán khoai của buổi chợ chiều, tôi cứ tâm niệm xin cho được gặp lại chị trong mơ tối nay, xin cho được mơ tiếp giấc mơ, tôi còn ngu ngơ lấy sẵn tờ giấy 100 đồng, kiếm cái áo có túi, bỏ vào, mặc trước khi đi ngủ.Cứ tưởng làm như thế thì sẽ gặp lại chị trong mơ, đưa cho chị tiền để chị buôn cau nuôi ba đứa nhỏ èo uột.
Trong những đêm kế tiếp, tôi chỉ lơ mơ thấy hình như mình đi mua mấy cái nón mùa Hè ở Mỹ, hình như mình đi leo núi, rồi quên ngay. Giấc mơ tỉnh dậy, không nhớ hết.
Ðêm kế tiếp tôi cũng mơ, và tôi vẫn mơ những giấc mơ không thành chuyện, hoặc thành một cái chuyện chẳng có đầu chẳng có kết. Những giấc mơ như trăm ngàn giấc mơ khác của một người nằm ngủ. Tôi không gặp lại người đàn bà với ba thằng con trai èo uột, với cái mẹt khoai có ba củ to, hai củ nhỏ nữa. Người đàn bà có cặp mắt thật lạ kỳ, mà tôi nghĩ chỉ một người âm mới có.
Tôi không tin vào chuyện đốt vàng mã thành tiền cho người chết, mà có tin thì cũng đâu có biết tên của chị mà khấn, nhỡ có ai đó ở dưới âm lấy mất của chị thì sao?
Tôi tự hỏi: Hay là mình gửi một trăm đồng về Việt Nam nhờ người thân ra chợ vào buổi chiều, gặp ai bán khoai thì cho người ta. Nhưng nếu gặp hai, ba người thì biết cho ai? Ở chợ thiếu chi người bán khoai. Thì chọn người nào có ba thằng bé con trai, chọn người nào có cặp mắt âm hồn. Thật là khó, nhưng nếu không cho thì cặp mắt đó cứ ám ảnh tôi hoài, tôi nghĩ như mình đang thiếu ai một món nợ mà không bao giờ trả được.
Tôi trở lại nhà sau một tuần đi xa, sau một tuần không đọc báo, không gọi điện thoại, không đọc điện thư. Mấy hôm nay bắt đầu làm việc lại, đọc báo trước: Báo hàng ngày trên mạng, báo tuần và báo tháng (gửi đến nhà) Báo nào mở ra cũng có mục: Phụ nữ Việt Nam làm gái bán dâm (tự nguyện hoặc bị lừa). Báo Người Việt, ngày 7 Tháng Bảy, 2009 đăng tin 51 phụ nữ Việt lại xếp hàng cho 5 người đàn ông Ðại Hàn lựa vợ. Những cô gái này phần đông thuộc về vùng An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Nơi trước 1975 dù đất nước còn chiến tranh, những phụ nữ sinh ra ở đây là những người phụ nữ nổi tiếng với vẻ đẹp hồn nhiên, chất phác. Những địa phương kể trên kế cận nhau, như: An Giang, có Tây Bắc giáp với Campuchia, Tây Nam giáp với Kiên Giang, phía Nam giáp với Cần Thơ và phía đông giáp với Ðồng Tháp. Ai cũng biết dân ở đây cứ mười người thì tám người sống về nghề nông, nhưng bây giờ người ta than càng ngày công việc đồng áng càng khó khăn. Một là ruộng không còn thuộc về tư nhân, hai là ruộng càng ngày càng ít đi, vì nhà cửa xây cất thêm lên, và đất đai bị những người có quyền chức chiếm hết. Các thôn nữ sinh sau, lớn lên, đời sống rất khó khăn, cứ bỏ làng lên tỉnh, tha phương cầu thực. Ít học (phần đông chỉ biết đọc, biết viết,) cái vốn để sinh sống duy nhất chính là thân xác mình.
Hình ảnh trên báo thấy các cô, có người lấy tay che mặt, có người nhìn rõ mặt. Những cô gái còn rất trẻ, cô nhỏ từ mười sáu, cô lớn chưa đến ba mươi. Tôi nhìn hoài những tấm hình đó, thấy hình như có một điều gì quen quen, ngờ ngợ trên những khuôn mặt họ. Hình như mình đã gặp họ ở đâu? A, tôi nhớ ra rồi: Những đôi mắt, chúng giống hệt đôi mắt của người đàn bà bán khoai trong giấc mơ, đôi mắt của người đã chết. Những cô gái này không có cái mẹt với mấy củ khoai đem đi bán, các cô chỉ có cái món hàng chính là thân thể mình để đem bán, và đang bày ra cho người mua lựa chọn. Những đôi mắt đó rõ ràng là mắt của người còn sống nhưng sao trông như mắt của người đã chết. Những cô trong một vài tấm hình khác, khi in lên báo, hoặc lên mạng, người ta làm nhòe đi một phần mặt, để khỏi bị người quen biết nhận diện, phần nhiều những vệt nhòe đó bôi qua đôi mắt.
Như vậy dù ở tấm hình nào, cũng là những đôi mắt tự chết, hay bị chết. Có phải các cô đã biết mình có thể bị chết ở một vùng đất xa xăm nào đó như chị, em, bạn gái mình đã chết trước đây, hoặc coi như mình chấp nhận một cái chết của số mệnh, cái chết của linh hồn mình thể hiện qua những đôi mắt đó.
Tôi để hoài tiền trong túi mỗi đêm trước khi đi ngủ, vẫn không tìm được lại người đàn bà bán khoai có đôi mắt chết trong giấc mơ, để giúp vốn cho chị buôn cau. Ðiều đó làm tôi buồn bã lắm!
Tôi cũng chẳng biết làm sao mà cứu được những đôi mắt chết của các cô gái trong hình hồi sinh, khi tôi không biết làm cách nào giúp cho những cô gái đó (và thêm bao nhiêu cô nữa) có vốn buôn một cái gì đó thay vì buôn bán chính thân mình.
Ở quê tôi, ai là người chịu trách nhiệm đã làm cho những người đang còn sống mang trên mặt những đôi mắt của người đã chết? Họ có buồn bã như tôi đang buồn bã hay không!
TMT
KhoaiLang Chuyển
Bàn ra tán vào (1)
----------------------------------------------------------------------------------
Những đôi mắt chết (Trần Mộng Tú)
Những đôi mắt chết
Trần Mộng Tú
Chúng tôi đang đi chơi xa nhà 800 dặm, nghỉ lại hai đêm ở Bed & Breakfast của thành phố Polson, Montana. Ðó là một ngôi nhà trung bình, không lớn lắm như khách sạn, bên ngoài, các khung cửa sổ và lối đi phủ kín hoa đỏ, trông như ngôi nhà vẽ trong sách thiếu nhi. Bên trong trưng bày kín đặc những sưu tầm đồ cũ kỹ (không biết đã thuộc đồ cổ chưa?) Từ những kiểu nón mũ của phụ nữ từ thập niên 50, đến 300 cái đĩa treo trên tường, đủ hình ảnh, sinh hoạt của khoảng sáu mươi năm về trước; ly, tách, máy may, gương, lược, đồ chơi trẻ em cách đây vài chục năm, và trong một hộp kính giữa phòng khách, bày khá nhiều nữ trang có mặt đá lấp lánh. Tất cả trưng ra như một cái viện bảo tàng nhỏ. Ngôi nhà nhìn ra hồ có tên là Plathead Lake (người da đỏ đặt tên) một cái hồ trông rộng như sông, chảy ngay giữ lòng thành phố, phía bên kia là những vườn Anh Ðào đang mùa ra trái, ửng đỏ, phản ảnh với mặt nước trong xanh. Dưới mặt trời mùa Hè, phong cảnh trở nên rất ngoạn mục, hấp dẫn du khách phương xa, nhìn hoài không chán mắt.
Tối đầu tiên, sau một ngày lái xe đường trường, hơi mệt, tôi rơi ngay vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ, tôi rơi vào một giấc mơ không có liên quan gì đến những phong cảnh, sự việc của ngày hôm đó.
Tôi mơ thấy một chị bạn thân của gia đình (hiện vẫn ở Việt Nam) chở tôi bằng xe gắn máy đến một buổi chợ chiều, hình như ở miền Trung. Ðó là một cái chợ đã vắng ngắt, không còn ai. Ngay trước cửa chợ, có một người đàn bà khoảng 40 tuổi, ngồi với một mẹt khoai trước mặt, phía sau lưng chị thấy hun hút và tối, im ắng. Bên cạnh chị có ba thằng bé, đứa lớn nhất khoảng 5 tuồi, thằng bé nhất cỡ 2 tuổi.Cả ba đứa trông xanh xao vàng vọt trong buổi chiều tắt nắng. Mẹt khoai chỉ có năm củ. Tôi cúi xuống hỏi mua, chị lựa ba củ lớn nhất đưa cho tôi, nói:
- Cô cho 3 đồng, hai củ nhỏ này để lại cho các cháu ăn.
- 2 đồng thôi.
- Dạ.
Tôi mặc cả 2 đồng, nhưng khi đưa tiền, tôi nhớ rất rõ là trả 3 đồng, và thấy còn tờ 10 đồng trong tay, tôi đưa nốt cho chị. Hình như thấy sự rộng rãi của khách, chị ngước mắt nhìn tôi. Chao ôi! Ðó là đôi mắt buồn rười rượi của một người đã chết (Người đã chết làm sao mà nhìn được, nhưng sao nhìn vào cặp mắt đó, tôi tưởng như người đó đã chết rồi). Cho đến bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi vẫn còn nhớ thật rõ ràng ánh mắt buồn, lạ kỳ đó. Chị nhìn tôi, nói khẽ:
- Cô có muốn buôn cau với em không?
- Buôn cau thì cần bao nhiêu tiền, tôi hỏi.
- 100 đồng cô ạ.
Giấc mơ chỉ đến đó, tôi giật mình tỉnh dậy, bóng đêm vẫn dầy đặc trong phòng, tôi nhìn đồng hồ, thấy 3 giờ sáng. Ðôi mắt người đàn bà đó theo tôi cho đến bây giờ.
Cả ngày hôm sau trong lúc đi gặp người này, người kia, đi ăn, đi chơi, nói đủ mọi thứ chuyện, tôi vẫn bị giấc mơ đó lảng vảng trong đầu. Ðêm đó, trước khi đi ngủ, tôi để hết tâm trí mình vào chuyện người bán khoai của buổi chợ chiều, tôi cứ tâm niệm xin cho được gặp lại chị trong mơ tối nay, xin cho được mơ tiếp giấc mơ, tôi còn ngu ngơ lấy sẵn tờ giấy 100 đồng, kiếm cái áo có túi, bỏ vào, mặc trước khi đi ngủ.Cứ tưởng làm như thế thì sẽ gặp lại chị trong mơ, đưa cho chị tiền để chị buôn cau nuôi ba đứa nhỏ èo uột.
Trong những đêm kế tiếp, tôi chỉ lơ mơ thấy hình như mình đi mua mấy cái nón mùa Hè ở Mỹ, hình như mình đi leo núi, rồi quên ngay. Giấc mơ tỉnh dậy, không nhớ hết.
Ðêm kế tiếp tôi cũng mơ, và tôi vẫn mơ những giấc mơ không thành chuyện, hoặc thành một cái chuyện chẳng có đầu chẳng có kết. Những giấc mơ như trăm ngàn giấc mơ khác của một người nằm ngủ. Tôi không gặp lại người đàn bà với ba thằng con trai èo uột, với cái mẹt khoai có ba củ to, hai củ nhỏ nữa. Người đàn bà có cặp mắt thật lạ kỳ, mà tôi nghĩ chỉ một người âm mới có.
Tôi không tin vào chuyện đốt vàng mã thành tiền cho người chết, mà có tin thì cũng đâu có biết tên của chị mà khấn, nhỡ có ai đó ở dưới âm lấy mất của chị thì sao?
Tôi tự hỏi: Hay là mình gửi một trăm đồng về Việt Nam nhờ người thân ra chợ vào buổi chiều, gặp ai bán khoai thì cho người ta. Nhưng nếu gặp hai, ba người thì biết cho ai? Ở chợ thiếu chi người bán khoai. Thì chọn người nào có ba thằng bé con trai, chọn người nào có cặp mắt âm hồn. Thật là khó, nhưng nếu không cho thì cặp mắt đó cứ ám ảnh tôi hoài, tôi nghĩ như mình đang thiếu ai một món nợ mà không bao giờ trả được.
Tôi trở lại nhà sau một tuần đi xa, sau một tuần không đọc báo, không gọi điện thoại, không đọc điện thư. Mấy hôm nay bắt đầu làm việc lại, đọc báo trước: Báo hàng ngày trên mạng, báo tuần và báo tháng (gửi đến nhà) Báo nào mở ra cũng có mục: Phụ nữ Việt Nam làm gái bán dâm (tự nguyện hoặc bị lừa). Báo Người Việt, ngày 7 Tháng Bảy, 2009 đăng tin 51 phụ nữ Việt lại xếp hàng cho 5 người đàn ông Ðại Hàn lựa vợ. Những cô gái này phần đông thuộc về vùng An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Nơi trước 1975 dù đất nước còn chiến tranh, những phụ nữ sinh ra ở đây là những người phụ nữ nổi tiếng với vẻ đẹp hồn nhiên, chất phác. Những địa phương kể trên kế cận nhau, như: An Giang, có Tây Bắc giáp với Campuchia, Tây Nam giáp với Kiên Giang, phía Nam giáp với Cần Thơ và phía đông giáp với Ðồng Tháp. Ai cũng biết dân ở đây cứ mười người thì tám người sống về nghề nông, nhưng bây giờ người ta than càng ngày công việc đồng áng càng khó khăn. Một là ruộng không còn thuộc về tư nhân, hai là ruộng càng ngày càng ít đi, vì nhà cửa xây cất thêm lên, và đất đai bị những người có quyền chức chiếm hết. Các thôn nữ sinh sau, lớn lên, đời sống rất khó khăn, cứ bỏ làng lên tỉnh, tha phương cầu thực. Ít học (phần đông chỉ biết đọc, biết viết,) cái vốn để sinh sống duy nhất chính là thân xác mình.
Hình ảnh trên báo thấy các cô, có người lấy tay che mặt, có người nhìn rõ mặt. Những cô gái còn rất trẻ, cô nhỏ từ mười sáu, cô lớn chưa đến ba mươi. Tôi nhìn hoài những tấm hình đó, thấy hình như có một điều gì quen quen, ngờ ngợ trên những khuôn mặt họ. Hình như mình đã gặp họ ở đâu? A, tôi nhớ ra rồi: Những đôi mắt, chúng giống hệt đôi mắt của người đàn bà bán khoai trong giấc mơ, đôi mắt của người đã chết. Những cô gái này không có cái mẹt với mấy củ khoai đem đi bán, các cô chỉ có cái món hàng chính là thân thể mình để đem bán, và đang bày ra cho người mua lựa chọn. Những đôi mắt đó rõ ràng là mắt của người còn sống nhưng sao trông như mắt của người đã chết. Những cô trong một vài tấm hình khác, khi in lên báo, hoặc lên mạng, người ta làm nhòe đi một phần mặt, để khỏi bị người quen biết nhận diện, phần nhiều những vệt nhòe đó bôi qua đôi mắt.
Như vậy dù ở tấm hình nào, cũng là những đôi mắt tự chết, hay bị chết. Có phải các cô đã biết mình có thể bị chết ở một vùng đất xa xăm nào đó như chị, em, bạn gái mình đã chết trước đây, hoặc coi như mình chấp nhận một cái chết của số mệnh, cái chết của linh hồn mình thể hiện qua những đôi mắt đó.
Tôi để hoài tiền trong túi mỗi đêm trước khi đi ngủ, vẫn không tìm được lại người đàn bà bán khoai có đôi mắt chết trong giấc mơ, để giúp vốn cho chị buôn cau. Ðiều đó làm tôi buồn bã lắm!
Tôi cũng chẳng biết làm sao mà cứu được những đôi mắt chết của các cô gái trong hình hồi sinh, khi tôi không biết làm cách nào giúp cho những cô gái đó (và thêm bao nhiêu cô nữa) có vốn buôn một cái gì đó thay vì buôn bán chính thân mình.
Ở quê tôi, ai là người chịu trách nhiệm đã làm cho những người đang còn sống mang trên mặt những đôi mắt của người đã chết? Họ có buồn bã như tôi đang buồn bã hay không!
TMT
KhoaiLang Chuyển