(NCTG) “Cái đám đàn ông học ở đâu cái thói “nói xấu đàn bà là thú vui thần thánh” cóc biết gì hùa nhau viết về bà Nhu cứ như hàng xóm. Không ai nhớ một điều vô cùng đẹp từ cô tiểu thư xuân thì 15 tuổi trở thành phu nhân quí phái: Bà Nhu mặc hàng nội hóa nhiều hơn là hàng lụa nhập cảng từ Ý, Thái, Ấn Độ, Ba Tư”.
Một cuốn sách về Bà Nhu vừa xuất bản ở Sài Gòn với tựa đề dịch không sát nhưng rất ngang xương là “Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng” (nguyên tác “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu”, tác giả Monique B Demery do Nhà xuất bản Public Affairs phát hành tháng 5-2013). Theo một bạn nhà báo người Sài Gòn xưa, Vũ Ngọc Nhạ nói ông Diệm là Bạch Long – ông Nhu là Thanh Long – nếu đúng vậy thì bà Nhu phải là Thanh Long Đại Công Nương … Cho có mùi kiếm hiệp. Đã vậy, không phải Long thường mà là “Hỏa Long Đại Công Nương”.
Tôi vừa đặt mua qua amazon.com xem Demery viết gì. Nếu dịch, tôi sẽ dịch ý “Đì tìm Bà Nhu, Phu Nhân Bão Tố Việt Nam” hơn là sát xà bông là “Bà Rồng”. Biết dịch giả ở đâu tôi sẽ hẹn so gươm hay đấu súng sau một chầu cà phê Liégeois ai thua phải trả tiền.
Bài viết ngắn này như lời chào gương mặt hoa trong áo lụa không chỉ xinh đẹp mà còn rất giỏi, một cái giỏi định mệnh như cụ Nguyễn Du tiên tri: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đó là bà Ngô Đình Nhu tên tiểu thơ là Trần Lệ Xuân, 15 tuổi “thay áo xanh theo chồng sang sông quên mái tranh quên con đò xưa”.
Gia đình tôi vào Nam năm 1954. Mẹ tôi mới đầu may áo dài hàng phin nõn của Pháp. Khi có hàng “Vân nội hóa” thì mừng lắm nhớ khi “Em là con gái trong khung cửi” mà thời tao loạn ở ngoài Bắc đi tới đâu Mẹ cho hai chị học nghề tới đó, nhỡ lạc bầy có nghề mà sống khỏi đi ăn mày. Tôi chưa sinh ra nên không may mắn như hai chị, không biết làm hàng vàng chẳng biết nuôi tằm dệt tơ. Khi trong chợ Bến Thành tha thướt những miếng vải nội hóa đủ mầu, Mẹ và các chị mỗi tuần lượn vòng trong vòng ngoài ngắm lên ngắm xuống tôi đi theo mỏi cả chân phụng phịu đòi uống nước dừa. Vào học trường Trưng Vương mới hay gia đình bạn có xưởng dệt ở đường Chi Lăng Phú Nhuận. Hóa ra người Bắc di cư giấu trong tay nải may quàng cả tình yêu Hà Nội lẫn nghề dệt của tổ tiên. Xưởng mua tơ sống Tân Châu dệt thành hàng Vân nội hóa pha mầu hoa cúc hoa lan đẹp nõn đẹp nường gọi là Lụa Nội Hóa. Làng Tân Châu (tỉnh An Giang) sản xuất lụa Mỹ A đen tuyền và láng bóng như satin tuyết nhung Pháp nhưng bền hơn satin hợp cho phụ nữ miền Nam đi ghe đi xuồng. Trước 1975, một buổi sáng tơ vàng ở Tân Châu tôi mê mải lạc giữa vườn dâu ràn rụa nhớ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm “Ngàn dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.
Nguời mở đầu trang sử áo dài Lụa chính là bà Ngô Đình Nhu vào thời miền Nam hớn hở đón thế hệ học sinh sinh viên vừa lớn sau những năm dài chinh chiến. Lụa Hà Đông, cơn sốt mát rượi cháy bỏng thân hình xử nữ thanh tân nữ sinh Sài Gòn. Đúng ra phải gọi là Lụa Sài Gòn hay Lụa Tân Châu vì sau 1954 hai miền Nam-Bắc tuyệt đối không hề liên lạc ngoại trừ vài tấm card thăm hỏi gia đình một năm một lần do Ủy Hội Quốc Tế chuyển. Ông ngoại mất ở Hưng Yên năm sau mới nhận được tin, Mẹ tôi mắt đỏ cay xé vội đôi vành khăn trắng muộn màng vọng về Bắc. Sông Bến Hải chia đôi nhưng Lụa nối không gian hai miền Nam Bắc. Từ tơ tằm, Hà Đông dệt nhiều loại lượt, là, lĩnh, lụa, xuyến, lương, đoạn, vân, gấm, vóc, sa… Chị Cả Hà Đông không ngờ cô Út Sài Gòn nhớ mình dệt Lụa Hà Đông.
Trần Bích Lan tức thi sĩ Nguyên Sa học Triết ở Đại học Sorbonne bên Pháp về Sài Gòn năm 1955. Với ông mục tiêu của triết học là thông cảm là tìm ra ý nghĩa cuộc đời hơn là reo hò “giết giết nữa đi” nên thơ có nắng Sài Gòn mát anh mát ả có sông Seine bỡ ngỡ vui ả vui anh. Năm 1957 Nguyên Sa Trần Bích Lan làm bài thơ “Áo Lụa Hà Đông”:
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.
Nữ sinh Sài Gòn sợ thơ Nguyên Sa bay mất nên rủ nhau may áo Lụa Sài Gòn nhưng nhất định gọi là Lụa Hà Đông. Nam sinh níu áo nàng thơ giữa sân trường dúi vào tay câu thơ Nguyên Sa:
Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh.
Hàng Vân hoa to như áo Hồng Vỏ Đỗ này rất hiếm, hai chị tôi bắt chước nhịn ăn sáng có tiền may áo mặc rón rén chỉ sợ áo nhàu đi đứng khoan thai điều điệu cứ tưởng mình là Giáng Kiều trong tranh tố nữ.
Nói vậy cho ngon chứ kiếm đâu mà tuốt! Tuốt làm gì cho phí cho hoài! Nếu ngộ ra trong thơ Nguyên Sa rằng:
Ở trong mây nổi có phần thiên thu.
Trần Thị Vĩnh-Tường, từ California – Ngày 15-2-2016