Mỗi Ngày Một Chuyện
TẢN MẠN
TẢN MẠN
Như thông lệ đôi khi cuối tuần rảnh rỗi cô vẫn ngồi xếp lại những đồ vật của mình, như hầu hết những người phụ nữ khác mua sắm thật nhiều nhưng chẳng bao giờ sử dụng tất cả những thứ đã mua.
Biết rằng các đồ vật vô tri vô giác kia chẳng có “cảm giác” gì nhưng cô luôn có ý nghĩ rằng nếu bị bỏ quên không được đụng đến chắc hẳn chúng sẽ rất buồn. Vì ý nghĩ đó, cho dù bị nhiều người chê là vớ vẩn, cô vẫn cố gắng sử dụng chúng một cách luân phiên.
Cô lên danh sách giày dép, nữ trang, đồ bơi, đồ tập yoga, xách tay để nhìn vào đó mà sử dụng chúng từ từ. Khi kể cho lũ bạn nghe chúng vẫn lên án “mày rảnh quá!” và cô chỉ cười khì. Tính cô thích mua sắm và là người rất rành rẽ trong việc mua sắm nên luôn mua được những mặt hàng “sale” nhưng tốt, hợp thời trang với giá rẻ, chưa kể còn thừa hưởng từ con gái bao nhiêu là đồ “dư” mà nó bỏ đi. Vì lẽ đó các bạn và các đồng nghiệp của cô khi đi mua sắm luôn muốn cô đi cùng vì họ cứ nghĩ với cái “taste” của cô họ sẽ không mua đồ một cách bốc đồng để lại không dùng được.
Ngôi nhà của cô dù còn vài phòng bỏ trống nhưng hầu như cũng chưa đủ để cất giữ đồ đạc. Đôi lúc cô cũng bực mình vì cái tính của mình, cứ thương tiếc những món đồ cũ mà không chịu rời xa vì với cô hầu như món đồ nào cũng chất chứa một kỷ niệm gì đó. Kìa là chiếc áo trắng mặc đi làm ngày đầu tiên cho một công ty ngoại quốc sau những tháng ngày lăn lóc khổ sở ngoài chợ trời vì tình hình chung của đất nước, rồi đến chiếc váy mầu thiên thanh đã từng cùng cô tận hưởng những buổi hẹn hò thơ mộng ở một chân trời khác….
Cô giành hẳn một chiếc tủ để cất giữ những kỷ vật và thư từ từ thời con gái tới giờ, bức thư tỏ tình đầu tiên từ một người bạn trai gởi từ xứ Đà Lạt mộng mơ, ở tuổi mới lớn anh ta đã không dám nói gì cho tới khi dời đi Đà Lạt học mới dám viết thư tỏ tình. Lời viết ngây ngô trẻ con dễ thương đến nỗi bây giờ mỗi khi đọc lại cô vẫn không khỏi buồn cười “nếu em không thích thì cứ coi đây như là một cơn gió thoảng qua hãy bỏ đi và đừng nên giữ lại làm gì…” hay một bức thư giận dỗi của một người yêu cũ thời cô đang học bậc cuối trung học “kể từ ngày hôm nay tôi không còn cảm thấy yêu em nữa…” và còn biết bao thư từ hình ảnh ngày xưa ghi dấu một thời con gái mộng mơ vẫn còn đây.
Cô hồi tưởng lại những ngày mới lớn, ngày đó cuối tuần nếu người yêu không rủ đi chơi là lòng thật buồn, suy nghĩ lung tung chẳng biết giờ này chàng đang làm gì, ở nhà với gia đình hay lại đang hẹn hò với người khác. Thời của cô, các cô gái chẳng dám ghé nhà bạn trai chơi vì sợ bị đánh giá là bạo dạn, mỗi khi nhớ người yêu, cô lén lút đi Honda ngang nhà và lấm lét ngó vào nhưng chỉ mong đừng gặp người ấy. Có một lần, đang cong đít lên nhìn cái bảng đồng trước cửa nhà người yêu thì anh về, không biết trốn ở đâu và cũng chẳng trả lời được khi anh hỏi “em làm gì ở đây thế này?” đành phải trớ đi “em đang kiếm nhà bạn của bố em để đưa thư cho bố” mà người cứ run lên bần bật vì nói dối.
Người đó sau này trở thành chồng cô và cô đã thú thật rằng là con gái mới lớn cô luôn ở tư thế “phòng thủ” như lời mẹ dặn dò nên khi anh nói nhà anh ở đó cô đã ghé lại xem cái bảng đồng ghi tên chủ nhân tòa nhà đó có cùng họ với anh không? Cũng với mục đích “phòng thủ” mỗi khi đi “bal de famille” cô luôn đi cùng một nhóm bạn mà không bao giờ dám đi riêng với bồ mình, ngày đó bọn cô được bố mẹ và xã hội giáo dục rằng cái quý nhất của đời con gái là sự trinh trắng nên lúc nào cô cũng nơm nớp lo sợ bị kẻ xấu “hãm hại” nên đi đâu thường cũng phải có “chaperon”, khi thì cô bạn khi thì đứa em gái. Khi đến tiệc, bao giờ nhóm cô cũng cử một người bạn uống nước trước, nếu người đó OK thì cả đám mới dám uống.
Những lúc nhảy đầm cũng thế, cô luôn giữ một khoảng cách không cho bọn con trai ôm chặt để lợi dụng. Lúc ấy thật hạnh phúc nếu được nhảy với người mình thích, người con trai lịch sự với bờ vai rộng đàn ông và miệng cười thật tươi tắn duyên dáng. Trái lại khi nhận lời nhẩy nhằm những anh chàng không lấy gì làm “tử tế” cứ cố ghì sát mình vào người, cô chỉ ráng cương người lên để đẩy ra mà chẳng dám nói gì, bây giờ nghĩ lại phải chi bây giờ chuyện ấy xảy ra thì mình đã nói thẳng vào mặt “anh vui lòng đứng đắn một tí”.
Cô nhớ lúc mới lớn khi bắt đầu biết rung động bởi người khác phái, đối diện nhà cô có một anh rất là to cao và đẹp trai, mỗi ngày khi cô mặc áo dài trắng đi học về anh luôn cố tình bắc ghế ngồi trước cửa nhà để hai người nhìn thấy nhau, lúc ấy cô đâu có dám nhìn mà cứ cắm cúi bước đi chỉ sợ chân vướng vào chiếc quần trắng mà ngã. Tuy nhiên vào đến nhà mình, cô đã núp sau một khe hở ở khung cửa sổ để theo dõi anh, mẹ có lúc bắt gặp đã hỏi “rình ai thế con? vào ăn cơm đi còn đi học thêm” làm cô giật mình nhưng cô cũng kịp thông mình để trả lời mẹ “con rình con chó hàng xóm cứ sang làm bậy ngay nhà mình”. Nhưng rồi bố hết làm bộ Canh Nông và gia đình cô dời nhà đi chỗ khác mà cả hai người chưa nói được với nhau điều gì và mối tình bằng mắt đó rốt cuộc chỉ là mối tình “câm”.
Lớn hơn chút nữa, những lần giận hờn với người yêu, tự ái con gái không cho phép cô làm lành trước, cô đã từng bốc máy điện thoại lên gọi đến nhà chàng và chỉ đợi nghe được hai tiếng A LÔ của chàng là cúp máy, cảm giác hồi hộp sợ chàng biết nhưng thật là thích thú.
Ngày xưa khi mới lớn cô vẫn nghĩ chắc khi lấy chồng có con là coi như xong, như hết cuộc đời, hết mơ mộng.. trước ngày lên xe hoa về nhà chồng cô đã phải đem bao nhiêu là hình ảnh và kỷ vật gởi cho một người bạn gái thân thiết nhờ cất giữ hộ với lời dặn dò phải hết sức cẩn thận giùm cô. Tuy nhiên sau khi cuộc hôn nhân đầu đời và duy nhất đổ vỡ, cô đã mang tất cả về nhà cất giữ và ấp ủ chúng cho đến bây giờ.
Đến tuổi này cô thật sự muốn có một cuộc sống thanh thản yên bình và trái tim thôi không thổn thức, như một người bạn đã nói “sướng nhất là khi mình không còn yêu ai và không còn bị tình cảm chi phối làm cho mình hờn ghen, giận dỗi… mệt lắm.” nhưng có thế thật không, cô tự hỏi và “típ” người như cô liệu có chấp nhận một cuộc sống yên bình không gợn sóng, hay sẽ cảm thấy nó hết sức đơn điệu?
Những mối tình ở tuổi gần cuối đời sao vẫn luôn ám ảnh cô, làm cô ray rứt khôn nguôi. Bức thư từ Canada với chiếc lá “maple” khô vàng, kỷ niệm một mối tình thơ mộng nhưng đầy sóng gió đã qua. Cho dù ngày nay công nghệ phát triển, cô vẫn thích và vẫn có thói quen gởi thư viết tay cho người yêu dù điều đó có thể mất thời gian tính khi người bên kia nhận được, nhưng chẳng sao trong tình cảm có gì phải hối hả đâu, cô luôn tự nhủ như thế.
Càng già người ta hình như lại càng sống với những kỷ niệm của thời xưa cũ, chẳng những trân quý những vật kỷ niệm của riêng mình, cô còn giành hẳn một ngăn để cất những kỷ vật một thời của cô con gái mình. Cô dự định một ngày nào đó sẽ đưa cho con gái và chắc hẳn nó sẽ ngạc nhiên và thích thú lắm với sự việc này. Cô đã tỉ mỉ xếp lại từng con búp bê một thời đã là những kỷ niệm dấu yêu của con gái mình thuở học trò, vẫn thích nhất cái khung hình cô con gái mặc áo dài trắng e lệ đứng núp sau lưng một tên bạn học trong đồng phục quần xanh áo trắng sao mà ngây thơ, thánh thiện đến đáng yêu.
Cô vẫn thường nói với con gái mình “con ơi, nếu có chia tay thì cũng đã có một thời yêu thương quấn quít, con đừng vứt bỏ những đồ vật kỷ niệm vì đến một lúc nào đó con sẽ thấy chúng rất quý”. Mặc cho cô thuyết phục, giảng giải, cô con gái, với tình bồng bột nóng vội của tuổi trẻ, vẫn sẵn sàng vứt bỏ những gì mà nó cho rằng đã trở thành “quá khứ”. Đã có lúc cô còn phải lén lút nhặt trong thùng rác ra một con búp bê lem luốc bị vứt bỏ , đem vào tắm gội cho trắng trẻo sạch sẽ và lại lụi hụi cất đi. Khi nghe cô người làm kể chuyện lại, cô con gái đã càu nhàu “mẹ ơi, mẹ lẩm cẩm quá, con đã vứt đi mẹ nhặt lại làm gì cho mất công?”. Cứ thế, các kỷ vật của con gái cũng được cô cất giữ cẩn thận như chính những kỷ vật của cô vậy.
Cuộc đời cứ thế lặng lẽ trôi, tóc trên đầu ngày càng bạc hơn, kỷ niệm thì chất chồng theo những nếp nhăn trên khóe mắt. Những buổi chiều mưa Saigon, ngồi trong quán café một mình, đôi khi cô giật bắn mình như bắt gặp một hình bóng quen thuộc, nhưng định thần lại thì đó chỉ là một người hoàn toàn xa lạ. Cô ngồi đó hồi tưởng lại bao nhiêu sự việc đã qua thấy lòng lâng lâng buồn, như đa số những người con gái khác, cô đã đi qua chiếc cầu định mệnh của thân phận đàn bà, lấy chồng, sinh con, chia tay, cô đơn….
Nơi chốn cũ này chỉ còn mình ta ngồi đây, ôn lại những gì đã xảy ra trên mảnh đất này, cảnh cũ mà người xưa đâu mất cả rồi? bạn bè đã tản đi khắp bốn phương trời, người vui vẻ hạnh phúc khỏe mạnh, người không may mắn gia đình tan vỡ giờ sống lẻ loi một mình, người giờ đã thành thiên cổ chẳng còn gặp lại.
Mưa đã bớt nặng hạt, cô gọi tính tiền rồi ra khỏi tiệm café, đi trong những giọt mưa nhẹ nhàng của Saigon, cái thú đi dưới mưa từ ngày xưa cô vẫn giữ mãi đến tận bây giờ, lòng chợt tự hỏi bao giờ thì đến lượt ta?
PL chuyen
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
TẢN MẠN
TẢN MẠN
Như thông lệ đôi khi cuối tuần rảnh rỗi cô vẫn ngồi xếp lại những đồ vật của mình, như hầu hết những người phụ nữ khác mua sắm thật nhiều nhưng chẳng bao giờ sử dụng tất cả những thứ đã mua.
Biết rằng các đồ vật vô tri vô giác kia chẳng có “cảm giác” gì nhưng cô luôn có ý nghĩ rằng nếu bị bỏ quên không được đụng đến chắc hẳn chúng sẽ rất buồn. Vì ý nghĩ đó, cho dù bị nhiều người chê là vớ vẩn, cô vẫn cố gắng sử dụng chúng một cách luân phiên.
Cô lên danh sách giày dép, nữ trang, đồ bơi, đồ tập yoga, xách tay để nhìn vào đó mà sử dụng chúng từ từ. Khi kể cho lũ bạn nghe chúng vẫn lên án “mày rảnh quá!” và cô chỉ cười khì. Tính cô thích mua sắm và là người rất rành rẽ trong việc mua sắm nên luôn mua được những mặt hàng “sale” nhưng tốt, hợp thời trang với giá rẻ, chưa kể còn thừa hưởng từ con gái bao nhiêu là đồ “dư” mà nó bỏ đi. Vì lẽ đó các bạn và các đồng nghiệp của cô khi đi mua sắm luôn muốn cô đi cùng vì họ cứ nghĩ với cái “taste” của cô họ sẽ không mua đồ một cách bốc đồng để lại không dùng được.
Ngôi nhà của cô dù còn vài phòng bỏ trống nhưng hầu như cũng chưa đủ để cất giữ đồ đạc. Đôi lúc cô cũng bực mình vì cái tính của mình, cứ thương tiếc những món đồ cũ mà không chịu rời xa vì với cô hầu như món đồ nào cũng chất chứa một kỷ niệm gì đó. Kìa là chiếc áo trắng mặc đi làm ngày đầu tiên cho một công ty ngoại quốc sau những tháng ngày lăn lóc khổ sở ngoài chợ trời vì tình hình chung của đất nước, rồi đến chiếc váy mầu thiên thanh đã từng cùng cô tận hưởng những buổi hẹn hò thơ mộng ở một chân trời khác….
Cô giành hẳn một chiếc tủ để cất giữ những kỷ vật và thư từ từ thời con gái tới giờ, bức thư tỏ tình đầu tiên từ một người bạn trai gởi từ xứ Đà Lạt mộng mơ, ở tuổi mới lớn anh ta đã không dám nói gì cho tới khi dời đi Đà Lạt học mới dám viết thư tỏ tình. Lời viết ngây ngô trẻ con dễ thương đến nỗi bây giờ mỗi khi đọc lại cô vẫn không khỏi buồn cười “nếu em không thích thì cứ coi đây như là một cơn gió thoảng qua hãy bỏ đi và đừng nên giữ lại làm gì…” hay một bức thư giận dỗi của một người yêu cũ thời cô đang học bậc cuối trung học “kể từ ngày hôm nay tôi không còn cảm thấy yêu em nữa…” và còn biết bao thư từ hình ảnh ngày xưa ghi dấu một thời con gái mộng mơ vẫn còn đây.
Cô hồi tưởng lại những ngày mới lớn, ngày đó cuối tuần nếu người yêu không rủ đi chơi là lòng thật buồn, suy nghĩ lung tung chẳng biết giờ này chàng đang làm gì, ở nhà với gia đình hay lại đang hẹn hò với người khác. Thời của cô, các cô gái chẳng dám ghé nhà bạn trai chơi vì sợ bị đánh giá là bạo dạn, mỗi khi nhớ người yêu, cô lén lút đi Honda ngang nhà và lấm lét ngó vào nhưng chỉ mong đừng gặp người ấy. Có một lần, đang cong đít lên nhìn cái bảng đồng trước cửa nhà người yêu thì anh về, không biết trốn ở đâu và cũng chẳng trả lời được khi anh hỏi “em làm gì ở đây thế này?” đành phải trớ đi “em đang kiếm nhà bạn của bố em để đưa thư cho bố” mà người cứ run lên bần bật vì nói dối.
Người đó sau này trở thành chồng cô và cô đã thú thật rằng là con gái mới lớn cô luôn ở tư thế “phòng thủ” như lời mẹ dặn dò nên khi anh nói nhà anh ở đó cô đã ghé lại xem cái bảng đồng ghi tên chủ nhân tòa nhà đó có cùng họ với anh không? Cũng với mục đích “phòng thủ” mỗi khi đi “bal de famille” cô luôn đi cùng một nhóm bạn mà không bao giờ dám đi riêng với bồ mình, ngày đó bọn cô được bố mẹ và xã hội giáo dục rằng cái quý nhất của đời con gái là sự trinh trắng nên lúc nào cô cũng nơm nớp lo sợ bị kẻ xấu “hãm hại” nên đi đâu thường cũng phải có “chaperon”, khi thì cô bạn khi thì đứa em gái. Khi đến tiệc, bao giờ nhóm cô cũng cử một người bạn uống nước trước, nếu người đó OK thì cả đám mới dám uống.
Những lúc nhảy đầm cũng thế, cô luôn giữ một khoảng cách không cho bọn con trai ôm chặt để lợi dụng. Lúc ấy thật hạnh phúc nếu được nhảy với người mình thích, người con trai lịch sự với bờ vai rộng đàn ông và miệng cười thật tươi tắn duyên dáng. Trái lại khi nhận lời nhẩy nhằm những anh chàng không lấy gì làm “tử tế” cứ cố ghì sát mình vào người, cô chỉ ráng cương người lên để đẩy ra mà chẳng dám nói gì, bây giờ nghĩ lại phải chi bây giờ chuyện ấy xảy ra thì mình đã nói thẳng vào mặt “anh vui lòng đứng đắn một tí”.
Cô nhớ lúc mới lớn khi bắt đầu biết rung động bởi người khác phái, đối diện nhà cô có một anh rất là to cao và đẹp trai, mỗi ngày khi cô mặc áo dài trắng đi học về anh luôn cố tình bắc ghế ngồi trước cửa nhà để hai người nhìn thấy nhau, lúc ấy cô đâu có dám nhìn mà cứ cắm cúi bước đi chỉ sợ chân vướng vào chiếc quần trắng mà ngã. Tuy nhiên vào đến nhà mình, cô đã núp sau một khe hở ở khung cửa sổ để theo dõi anh, mẹ có lúc bắt gặp đã hỏi “rình ai thế con? vào ăn cơm đi còn đi học thêm” làm cô giật mình nhưng cô cũng kịp thông mình để trả lời mẹ “con rình con chó hàng xóm cứ sang làm bậy ngay nhà mình”. Nhưng rồi bố hết làm bộ Canh Nông và gia đình cô dời nhà đi chỗ khác mà cả hai người chưa nói được với nhau điều gì và mối tình bằng mắt đó rốt cuộc chỉ là mối tình “câm”.
Lớn hơn chút nữa, những lần giận hờn với người yêu, tự ái con gái không cho phép cô làm lành trước, cô đã từng bốc máy điện thoại lên gọi đến nhà chàng và chỉ đợi nghe được hai tiếng A LÔ của chàng là cúp máy, cảm giác hồi hộp sợ chàng biết nhưng thật là thích thú.
Ngày xưa khi mới lớn cô vẫn nghĩ chắc khi lấy chồng có con là coi như xong, như hết cuộc đời, hết mơ mộng.. trước ngày lên xe hoa về nhà chồng cô đã phải đem bao nhiêu là hình ảnh và kỷ vật gởi cho một người bạn gái thân thiết nhờ cất giữ hộ với lời dặn dò phải hết sức cẩn thận giùm cô. Tuy nhiên sau khi cuộc hôn nhân đầu đời và duy nhất đổ vỡ, cô đã mang tất cả về nhà cất giữ và ấp ủ chúng cho đến bây giờ.
Đến tuổi này cô thật sự muốn có một cuộc sống thanh thản yên bình và trái tim thôi không thổn thức, như một người bạn đã nói “sướng nhất là khi mình không còn yêu ai và không còn bị tình cảm chi phối làm cho mình hờn ghen, giận dỗi… mệt lắm.” nhưng có thế thật không, cô tự hỏi và “típ” người như cô liệu có chấp nhận một cuộc sống yên bình không gợn sóng, hay sẽ cảm thấy nó hết sức đơn điệu?
Những mối tình ở tuổi gần cuối đời sao vẫn luôn ám ảnh cô, làm cô ray rứt khôn nguôi. Bức thư từ Canada với chiếc lá “maple” khô vàng, kỷ niệm một mối tình thơ mộng nhưng đầy sóng gió đã qua. Cho dù ngày nay công nghệ phát triển, cô vẫn thích và vẫn có thói quen gởi thư viết tay cho người yêu dù điều đó có thể mất thời gian tính khi người bên kia nhận được, nhưng chẳng sao trong tình cảm có gì phải hối hả đâu, cô luôn tự nhủ như thế.
Càng già người ta hình như lại càng sống với những kỷ niệm của thời xưa cũ, chẳng những trân quý những vật kỷ niệm của riêng mình, cô còn giành hẳn một ngăn để cất những kỷ vật một thời của cô con gái mình. Cô dự định một ngày nào đó sẽ đưa cho con gái và chắc hẳn nó sẽ ngạc nhiên và thích thú lắm với sự việc này. Cô đã tỉ mỉ xếp lại từng con búp bê một thời đã là những kỷ niệm dấu yêu của con gái mình thuở học trò, vẫn thích nhất cái khung hình cô con gái mặc áo dài trắng e lệ đứng núp sau lưng một tên bạn học trong đồng phục quần xanh áo trắng sao mà ngây thơ, thánh thiện đến đáng yêu.
Cô vẫn thường nói với con gái mình “con ơi, nếu có chia tay thì cũng đã có một thời yêu thương quấn quít, con đừng vứt bỏ những đồ vật kỷ niệm vì đến một lúc nào đó con sẽ thấy chúng rất quý”. Mặc cho cô thuyết phục, giảng giải, cô con gái, với tình bồng bột nóng vội của tuổi trẻ, vẫn sẵn sàng vứt bỏ những gì mà nó cho rằng đã trở thành “quá khứ”. Đã có lúc cô còn phải lén lút nhặt trong thùng rác ra một con búp bê lem luốc bị vứt bỏ , đem vào tắm gội cho trắng trẻo sạch sẽ và lại lụi hụi cất đi. Khi nghe cô người làm kể chuyện lại, cô con gái đã càu nhàu “mẹ ơi, mẹ lẩm cẩm quá, con đã vứt đi mẹ nhặt lại làm gì cho mất công?”. Cứ thế, các kỷ vật của con gái cũng được cô cất giữ cẩn thận như chính những kỷ vật của cô vậy.
Cuộc đời cứ thế lặng lẽ trôi, tóc trên đầu ngày càng bạc hơn, kỷ niệm thì chất chồng theo những nếp nhăn trên khóe mắt. Những buổi chiều mưa Saigon, ngồi trong quán café một mình, đôi khi cô giật bắn mình như bắt gặp một hình bóng quen thuộc, nhưng định thần lại thì đó chỉ là một người hoàn toàn xa lạ. Cô ngồi đó hồi tưởng lại bao nhiêu sự việc đã qua thấy lòng lâng lâng buồn, như đa số những người con gái khác, cô đã đi qua chiếc cầu định mệnh của thân phận đàn bà, lấy chồng, sinh con, chia tay, cô đơn….
Nơi chốn cũ này chỉ còn mình ta ngồi đây, ôn lại những gì đã xảy ra trên mảnh đất này, cảnh cũ mà người xưa đâu mất cả rồi? bạn bè đã tản đi khắp bốn phương trời, người vui vẻ hạnh phúc khỏe mạnh, người không may mắn gia đình tan vỡ giờ sống lẻ loi một mình, người giờ đã thành thiên cổ chẳng còn gặp lại.
Mưa đã bớt nặng hạt, cô gọi tính tiền rồi ra khỏi tiệm café, đi trong những giọt mưa nhẹ nhàng của Saigon, cái thú đi dưới mưa từ ngày xưa cô vẫn giữ mãi đến tận bây giờ, lòng chợt tự hỏi bao giờ thì đến lượt ta?
PL chuyen