Tin tức về tình hình Ukraine
* Thị trưởng Kharkov: Kharkov bị tấn công
Ông Ihor Terekho, thị trưởng Kharkov, cho biết khu trung tâm của Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine, bị tên lửa Nga tấn công hôm 18-9.
Ông viết trên Telegram: "Kharkov một lần nữa lại bị tên lửa Nga tấn công. Theo thông tin ban đầu, các quận trung tâm đang bị tấn công".
Một số kênh Telegram Ukraine khác cũng đưa tin về các vụ nổ trong thành phố.
* Có đột phá quan trọng ở Bakhmut
Ngày 18-9, Ukraine tuyên bố việc chiếm lại hai làng phía đông là Klishchiivka và Andriivka gần đây là đột phá quan trọng.
Tướng Oleksandr Syrskyi - chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine, khẳng định đây là bước đột phá giúp quân đội Kiev chọc thủng phòng tuyến của Nga gần thành phố Bakhmut, Hãng Reuters đưa tin.
"Những khu định cư này, thoạt nhìn thì nhỏ nhưng là những yếu tố quan trọng trong tuyến phòng thủ của Nga trải dài từ Bakhmut đến Horlivka", tướng Syrskyi viết trên Telegram.
Ông nói thêm rằng giao tranh vẫn diễn ra ác liệt quanh hai ngôi làng khi Nga cố gắng chiếm lại các vị trí đã mất. Phía Nga không thừa nhận việc mất quyền kiểm soát 1 trong 2 ngôi làng Ukraine tuyên bố.
Trước đó, Ukraine tuyên bố đã chiếm lại làng Klishchiivka ở sườn phía nam Bakhmut và làng Andriivka gần đó, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt chiến thuật của Klishchiivka. Việc chiếm lại làng này đã làm lộ ra sườn phía nam của Bakhmut và là bàn đạp thuận lợi cho những tiến bộ hơn nữa.
* Ngoại trưởng Nga - Trung: Giải quyết khủng hoảng Ukraine phải tính đến lợi ích của Nga
Ngày 18-9, sau cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bộ Ngoại giao Nga cho biết cả hai ông thống nhất rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đều phải tính đến lợi ích của Nga và có sự tham gia của nước này.
"Các bên đã thảo luận chi tiết về tình hình ở Ukraine và ghi nhận sự vô ích của những nỗ lực giải quyết khủng hoảng mà không tính đến lợi ích của Nga và đặc biệt hơn là sự tham gia của nước này", Bộ Ngoại giao Nga thông báo.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Nga bốn ngày, từ ngày 18 tới 21-9.
Tổng thống Brazil và tổng thống Ukraine gặp nhau ở Mỹ
Ngày 18-9, Văn phòng Tổng thống Brazil cho biết Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 20-9.
Ông Lula ủng hộ việc thành lập một nhóm các quốc gia làm trung gian để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine.
Nhưng vào tháng 5, ông tuyên bố rằng cả Nga và Ukraine đều phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột, quan điểm mà nhiều đồng minh phương Tây của Ukraine không đồng tình.
Tháng trước, nhà lãnh đạo Brazil cũng nói với các phóng viên rằng cả ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều chưa sẵn sàng cho hòa bình.
Ông Lula và ông Zelensky chưa gặp mặt trực tiếp mặc dù hai bên đã nói chuyện qua video sau khi Brazil bỏ phiếu cho một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi hòa bình và yêu cầu Nga rút quân.
Dự kiến cuộc gặp sẽ diễn ra tại khách sạn nơi ông Lula trú ngụ ở Mỹ, nguồn tin của Reuters cho biết.
EU chia rẽ vì lệnh cấm nông sản Ukraine
Ngày 18-9, sau cuộc họp tại Brussels, bộ trưởng nông nghiệp Tây Ban Nha cho biết đa số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất cần duy trì sự đoàn kết của EU trong vấn đề hàng nông nghiệp của Ukraine.
Ukraine và một số nước đồng minh mạnh mẽ nhất của quốc gia này trong EU đã có sự rạn nứt do tranh chấp về việc xuất khẩu nông nghiệp của nước này.
Trước đó, ngày 15-9, Ba Lan, Slovakia và Hungary - ba nước láng giềng của Ukraine - đã áp đặt các biện pháp đơn phương để hạn chế nhập khẩu hàng nông sản từ Ukraine.
Ủy ban châu Âu (EC) cho phép năm nước láng giềng EU của Ukraine, gồm ba quốc gia trên và Romania, Bulgaria, hạn chế nhập khẩu hàng nông sản Ukraine tới ngày 15-9 nhưng không gia hạn lệnh cấm này.
* Ukraine khiếu nại Ba Lan, Slovakia và Hungary lên WTO
Ukraine đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WHO) phản đối lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine của Ba Lan, Slovakia và Hungary.
Bà Yulia Svyrydenko, phó thủ tướng Ukraine, cho biết Ukraine coi những hạn chế này là vi phạm nghĩa vụ quốc tế của các nước EU.
Trang web của Chính phủ Ukraine dẫn lời bà: "Với chúng tôi, điều cực kỳ quan trọng là phải chứng minh rằng từng quốc gia thành viên EU không thể cấm nhập khẩu hàng hóa Ukraine. Đó là lý do tại sao chúng tôi đệ đơn kiện lên WTO".
Bà nói thêm Ukraine hy vọng các nước này sẽ thay đổi quyết định và họ không cần phải giải quyết tranh chấp tại tòa.
"Chúng tôi cần đoàn kết với họ (Ba Lan, Slovakia và Hungary) và bảo vệ lợi ích của nông dân (của mình)".
Nga: Lệnh hạn chế đi lại với người Nga của EU là "thậm vô lý"
Ngày 18-9, nói về các hạn chế EU áp đặt với công dân Nga nhập cảnh vào khối này, Nga khẳng định đây là một lệnh cấm "thậm vô lý" nhằm làm tổn hại những công dân Nga bình thường.
Ủy ban châu Âu (EC) đã làm rõ thủ tục nhập cảnh mới cho người Nga vào EU hồi đầu tháng 9. Theo đó, EC cấm ô tô cá nhân nhập cảnh. Điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các sản phẩm mỹ phẩm có nguy cơ bị tịch thu.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các quy định này "thậm vô lý" và nhằm mục đích "gây tổn hại đặc biệt cho người dân Nga bình thường, khiến công dân Nga không thể vào EU".
Tuyên bố nêu: "Mong muốn tuyệt vọng của giới lãnh đạo EU trong việc dựng lên một bức màn sắt mới ở châu Âu là hoàn toàn rõ ràng. Họ muốn hạn chế sự giao lưu nhân dân ở mức tối đa có thể".
Việc đi từ Nga sang phương Tây đã khó hơn nhiều kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
EU đóng cửa không phận của mình với các hãng hàng không Nga năm ngoái.