Đêm 20 tháng 3/1967, cuộc chiến tại vùng giới tuyến đã bùng nổ trở lại khi Bắc Việt pháo kích dữ dội vào một căn cứ hỏa lực Hoa Kỳ gần quận lỵ Gio Linh, cách cầu Hiền Lương khoảng 6 km đường chim bay. Cũng trong đêm này, họ mở trận hỏa công vào vị trí đóng quân của các tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ và đơn vị thuộc Trung Đoàn 2 Bộ Binh (BB) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chung quanh Cồn Tiên và Gio Linh.
Đến ngày 6 tháng 4/1967, toàn khu giới tuyến trở thành điểm nóng, Bắc Việt điều động Sư Đoàn 324B (đã từng xâm nhập vào phía Nam sông Bến Hải trong tháng 7/1966) phối hợp cùng Sư Đoàn 341 tổng trừ bị vượt vĩ tuyến 17 tấn công cường tập vào khu vực tuyến phòng ngự dọc bờ Nam sông Bến Hải, đồng thời đánh chiếm một đồn Cảnh Sát Quốc Gia ở phía Nam của cầu Hiền Lương, và một số xã thuộc quận Trung Lương.
Trước đó vào tối ngày 5 tháng 4/1967, Cộng quân đã tấn công vào yếu khu La Vang ở phía Tây thị xã Quảng Trị, đồng thời pháo kích dữ dội vào tỉnh lỵ làm nhiều doanh trại quân sự bị hư hại nặng. Đặc công Việt Cộng đã yểm trợ để các tù binh Cộng Sản phá trại giam vượt thoát. Tại phía Nam sông Bến Hải khi trận chiến xảy ra, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH đã kịp thời khai triểm đội hình, chận đứng được các đợt xung phong của quân Cộng Sản Bắc Việt.
Ngày 7 tháng 4/1967, được sự yểm trợ về phi pháo và hải pháo, Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH và các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Cộng Sản và giữ vững cụm tuyến Cồn Tiên và Gio Linh, làm cho lực lượng địch phải tạt lên phía Tây Bắc để tránh tổn thất.
Theo phân tích của Đại Tướng Williams Westmoreland, Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam vào thời gian này, thì trận tấn công của 2 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt vào khu giới tuyến mang tính cách chiến lược. Cộng quân muốn chọc thủng cụm tuyến phòng ngự của liên quân Việt-Mỹ tại vùng Phi Quân Sự (DMZ), để đánh chiếm Quảng Trị, nhưng kế hoạch của Cộng quân đã bị liên quân Việt-Mỹ vô hiệu hóa.
Các trận giao tranh kéo dài đến giữa tháng 4/1967, trong suốt thời gian này, quân trú phòng tại các tiền cứ đã phải “đội mưa pháo hàng ngày.” Cứ vào rạng sáng, khi tầm quan sát của phi cơ còn bị hạn chế, Cộng quân đã pháo như mưa vào các hào tuyến của quân trú phòng. Nhờ có hệ thống công sự chiến đấu kiên cố, các đơn vị Bộ Binh VNCH và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã chịu đựng được các trận hỏa pháo của Cộng quân. Khi vừa dứt đợt pháo, Không Quân Hoa Kỳ xuất trận oanh tạc vào các mục tiêu được ghi nhận là có địch tập trung. Theo ước định của các chuyên viên tình báo, Sư Đoàn 324B CSBV bị thiệt hại gần 1/3 quân số.
Từ 15 tháng 4 đến 30/4/1967, Cộng quân vẫn tiếp tục pháo kích vào các đơn vị trú phòng. Riêng trong ngày 27 tháng 4/1967, Cộng quân đã pháo kích dữ dội vào các tiền cứ của liên quân Việt-Mỹ quanh khu vực Gio Linh bằng đại bác 105 ly do Hoa Kỳ chế tạo (đây là các đại bác bị Cộng quân lấy được trong vài trận tấn công vào căn cứ của liên quân Việt-Mỹ ở Vùng 1 Chiến Thuật).
Vào thượng tuần tháng 5/1967, quân Cộng Sản Bắc Việt lại khởi động một đợt tấn công mới vào các căn cứ của liên quân Việt-Mỹ, bắt đầu bằng cuộc tấn công vào căn cứ Cồn Tiên vào rạng sáng ngày 7 tháng 5/1967. Lực lượng Cộng quân tham gia cuộc tấn công này là Tiểu Đoàn K2 và Tiểu Đoàn K4 thuộc Trung Đoàn 80 CSBV.
Sau một giờ giao tranh, đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trú phòng đánh bật cuộc tấn công. Địch quân rút đi và để lại quanh căn cứ 238 xác bộ đội. Ngoài ra, 7 cán binh Cộng Sản bị bắt sống, 212 súng bị tịch thu cùng nhiều đạn dược. Song song với cuộc tấn công bằng bộ binh vào Cồn Tiên, Cộng quân cũng pháo kích dữ dội vào khu vực Gio Linh và Đông Hà gây tử thương cho 36 binh sĩ Hoa Kỳ và 99 người bị thương.
Ngày 18 tháng 5/1967, để truy lùng và tấn công 3 trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt, liên quân Việt-Mỹ đã khởi động 3 cuộc hành quân sau đây: 1) Cuộc hành quân Hickory của TQLC Hoa Kỳ đổ bộ từ các chiến hạm của Hạm đội 7, 2) cuộc hành quân Bean Charger của Bộ Binh Mỹ, 3) và cuộc hành quân Lam Sơn 54 của Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 54, Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH được tăng cường với 4 tiểu đoàn Nhảy Dù. Quân số của liên quân Việt-Mỹ tham dự các cuộc hành quân gồm có 15 ngàn chiến binh.
Tuần lễ cuối cùng của tháng 5, trận chiến tiếp tục quanh căn cứ Cồn Tiên và các tiền cứ ở phía Tây căn cứ này, trong đó có trận kịch chiến suốt ngày 25/5 trên Đồi 117 cách Cồn Tiên 5 km đường chim bay. Đầu tháng 6/1967, một đại đội TQLC Hoa Kỳ bị Cộng quân tấn kích tại một vị trí cách Cồn Tiên 6 km, phía Hoa Kỳ có 13 tử thương, 63 bị thương. Trong tháng 6/1967, liên quân Việt-Mỹ tiếp tục khai triển ba cuộc hành quân nói trên, các đơn vị được bung rộng để truy kích địch. Trong thời gian này, hoạt động quấy rối của các đơn vị bộ đội Cộng quân đã bị lực lượng Việt Mỹ chận đứng, nhưng các trận pháo kích của đối phương vẫn tiếp diễn.
Dù bị tổn thất nặng trong các trận tấn công vào Cồn Tiên, nhưng Cộng quân vẫn không từ bỏ mưu tính đánh chiếm căn cứ này. Rạng sáng ngày 2 tháng 7/1967, quân Cộng Sản Bắc Việt điều động một trung đoàn tấn công vào các vị trí tiền đồn quanh Cồn Tiên. Giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt khi Cộng quân cố chọc thủng tuyến phòng thủ của các đại đội TQLC Hoa Kỳ quanh căn cứ. Hỏa lực của Không quân đã yểm trợ mạnh mẽ làm cho lực lượng tấn công phải rút lui. Quân Cộng Sản 65 xác chết, phía Hoa Kỳ có 51 người tử thương, 70 bị thương, và 34 mất tích. Cũng trong ngày này, Cộng quân pháo kích dữ dội vào các căn cứ của Hoa Kỳ tại Gio Linh và Đông Hà.
Ngày 17 tháng 7/1967, sau hai tháng liên tục truy lùng địch, liên quân Việt-Mỹ đã kết thúc ba cuộc hành quân tại giới tuyến. Tuy nhiên, để triệt tiêu áp lực của quân Cộng Sản tại phía Nam Bến Hải, ngày 17 tháng 7/1967, Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ phối hợp với Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH tổ chức cuộc hành quân Hickory 2 để truy quét Cộng quân quanh Cồn Tiên. Từ ngày khai diễn cuộc hành quân cho đến cuối tháng 7, nhiều trận giao tranh đã diễn ra giữa các đơn vị Việt Mỹ và các tiểu đoàn Cộng Sản Bắc Việt, trong đó có trận kịch chiến kéo dài suốt ngày giữa TQLC Hoa Kỳ và Cộng quân cách Cồn Tiên 5 km về phía tây bắc.
Trong thời gian trận chiến ở vùng Phi Quân Sự diễn ra ác liệt, Đại
Tướng Westmoreland đã nhiều lần bay ra Quảng Trị để thị sát tình hình.
Ông cũng đã đáp xuống Cồn Tiên để thăm viếng đơn vị Thủy Quân Lục Chiến
tại đây. Theo vị tư lệnh này, vì Cồn Tiên là mục tiêu trọng điểm nên
liên quân Việt Mỹ đã tạo mọi nổ lực để bảo vệ. Nhận định tổng lược về
trận chiến Cồn Tiên, Đại Tướng Westmoreland đã ghi lại như sau:
Bây giờ Cồn Tiên trở thành mục tiêu số một. Các nhà bình luận trên
truyền hình và báo chí bắt đầu gọi nơi này là điểm chờ Điện Biên Phủ.
Thật vậy, Cồn Tiên rất hẻo lánh, binh sĩ suốt ngày sống trong các hầm
làm bằng bao cát, nhìn ra qua lỗ châu mai.
Thời tiết tại đây cũng khắc nghiệt, thường xuyên có mưa to. Sau mỗi cơn mưa, thì đất ngập cả bùn lầy, trời vẫn ảm đạm. Có lần tôi đi trực thăng thăm. Phi công vừa cho trực thăng chạm đất thì đạn pháo kích ùa tới. Tôi không làm sao ra được. Một binh sĩ TQLC nói với tôi, “Thưa đại tướng, Việt Cộng nó biết ông đến đó.” Thật vậy, sau nhiều lần bị áp lực chiến trường đè nặng, tinh thần của binh sĩ tại Cồn Tiên đã gan lì khiến họ có bộ óc khôi hài, chấp nhận gian khổ và chỉ còn biết hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với nỗ lực chận địch, một thành phần của Trung Đoàn 2 Bộ Binh VNCH đã phối hợp cùng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Quảng Trị đã đưa được hơn 13 ngàn ngàn đồng bào tại hai quận Trung Lương và Gio Linh về tạm cư tại Cam Lộ. Để phối hợp các hoạt động cứu trợ, Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm (lên trung tướng tháng 7/1967) –Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật– đã cử Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu trực tiếp điều hợp và giám sát trại tạm cư. (Tháng 6 năm 1968 Đại Tá Nhiễu được cử làm đô trưởng Saigon. Hai năm sau ông được thăng cấp chuẩn tướng).
Cuộc tấn công của 2 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt ở khu giới tuyến đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Ngay sau khi cuộc chiến xảy ra, trong dịp chủ tọa lễ mãn Khóa 23 Sĩ Quan Trừ Bị Trường Bộ Binh, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu –lúc ấy là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia– đã lên tiếng tố cáo Cộng Sản Bắc Việt trắng trợn vi phạm Hiệp định Genève khi họ xua quân vượt sông Bến Hải.
Vương Hồng Anhhttp://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?156717
https://dongsongcu.wordpress.com/
Tân Sơn Hòa chuyển