Truyện Ngắn & Phóng Sự
Trần Mộng Tú - Những bức tường
Chúng ta ở trước mặt, ở sau lưng những bức tường, ở trong những bức tường mỗi ngày. Có bao giờ chúng ta nhìn vào những bức tường nghĩ đến sự liên hệ giữa ta và tấm vách vô tri đó?
Chúng ta ở trước mặt, ở sau lưng những bức tường, ở trong những bức
tường mỗi ngày. Có bao giờ chúng ta nhìn vào những bức tường nghĩ đến sự
liên hệ giữa ta và tấm vách vô tri đó? Bức tường, bức vách, bức mành,
hàng rào, bờ giậu, chấn song,v.v. Là những rào cản, ngăn cách, hay che
chở giữa người với người, người với vật. Những tiếng đó, tưởng như khi
đọc lên chẳng để lại một âm thanh nào, nhưng thật sự những “bức tường”
đã giữ biết bao nhiêu dấu tích của kỷ niệm vui, buồn, thăng trầm của
lịch sử, lãng mạn của văn thơ .
Trong một bài thơ viết về chiến tranh, một nhà thơ Ý, có nhắc đến những bức tường:
“Không còn gì cả
trong những ngôi nhà
những bức tường bị bào nát ra, ở lại.”(1)
Tưởng tượng hình ảnh một ngôi làng sau chiến tranh, đồng hoang, nhà
trống, tất cả tan tác sụp đổ, không có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa,
tiếng chân trẻ em và tiếng ho của người già. Một ngôi làng bỏ trống chỉ
còn lại những bức tường đã sụp đổ tơi tả, rơi ra từng mảnh.
Khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc nước Việt, một “Bức Màn Tre”
được dựng lên, đã thấm bao nhiêu máu và nước mắt của người Việt cả hai
miền. Bức màn tre đã hạ xuống nhưng trong lòng người Việt cho đến bây
giờ một bức tường vô hình vẫn rơi ra từng mảnh.
Bức tường ngăn đôi ở Đông, Tây Đức sụp đổ, cả thế giới hân hoan và nhỏ
lệ. Những người dân hiền lành chẳng hề nghĩ xa xôi gì về “chính trị”
chôn dưới chân tường. Được gặp lại những người thân yêu, được đi lại tự
do một phần nào trên chính đất nước mình, đó là hạnh phúc thật sự mà họ
chạm được tay vào, như khi nhặt mảnh tường đập vỡ cất đi. Nhưng du khách
đến đây, ai cũng muốn mua một miếng gạch vỡ để làm chứng tích mình đã
đến bức tường lịch sử:
“Lịch sử bán hạ giá
Một mảnh chỉ có 20 mỹ kim” (2)
Một bức tường đá đen được dựng lên cận kề tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn
ghi ơn hơn năm mươi ngàn quân nhân đã chết cho chiến tranh Việt Nam.
Biết bao du khách đã đến đây đặt những vòng hoa dưới chân bức tường.
Người ta còn đem những bài diễn văn về hòa bình, về chiến tranh đọc
trước bức tường cho vong hồn tử sĩ khỏi quên, và có những bà mẹ, từ
những tiểu bang thật là xa, đã chân thấp, chân cao, lòng đau như cắt đến
đặt bàn tay run rẩy trên một hàng chữ mang tên con như đặt tay lên vừng
trán thân yêu của con mình. Chao ôi, sao lạnh quá!
…và với đôi mắt nhắm chặt
vết thương của nỗi chết dâng lên trong lòng
bà đặt những ngón tay run rẩy
trên vừng trán lạnh như nước đá của con trai.(3)
Đàng sau những chấn song sắt của một bức tường trong nhà tù, một buổi tối người ta nghe thấy tiếng thỏ thẻ:
“Mẹ đến nằm cạnh con và đọc sách cho con.”
Đó là giọng nói của một cậu bé 6 tuổi, cậu ở trong tù cùng với mẹ và em
gái của cậu, mới 3 tháng tuổi. Mẹ cậu bị bắt vào đây (đang lúc có mang
đứa con thứ tư)vì tội dùng ma túy nhiều lần. Ở chung sau bức tường với
những chấn song này có những bà mẹ và những đứa trẻ khác, trong một hoàn
cảnh tương tự như mẹ con cậu bé. Ai đó đã nhân đạo tạo một không khí
cho những bà mẹ quên đi việc xử dụng ma túy và chú tâm vào săn sóc con
cái sau những bức tường.(4)
Ngồi nhìn đăm đăm vào bức tường trước mặt, năm này sang tháng khác, thậm
chí không ăn, không ngủ, như vậy được gọi là “diện bích” là tham thiền
nhập định. Vị thiền sư nọ, một ngày bỗng “ngộ” ra:
Sự thức tỉnh thật là giản dị. “Khi tôi bước, tôi bước. Khi tôi ăn, tôi
ăn. Khi tôi ngủ, tôi ngủ.”(5) Suy nghĩ nữa làm gì, để rơi lại vào chỗ
tối tăm.
Các phi hành gia chụp hình từ trên cao xuống mặt đất, không nhìn thấy
gì, ngoài một vệt dài cong queo, xám ngắt như những âm hồn lặng lẽ dắt
nhau đi trong sương khói. Không đoán được là cái gì, khi về lại mặt đất
mới biết đó là: Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, là những bức tường
nối tiếp nhau, một kỳ quan của thế giới, một bức tường dài đã chôn vùi
biết bao nhiêu sinh mạng mới hòan thành.
“Có người lên mặt trăng nhìn xuống
Xa lắc nhân gian chẳng thấy gì
Chỉ thấy Trường Thành ngơ ngác dắt
Một dải linh hồn lặng lẽ đi” (6)
Không phải bức tường nào cũng đem đến những buồn bã như thế .Có rất
nhiều bức tường cũng đem đến mơ mộng nữa chứ. Nếu mở lại những trang
sách cũ, ta thấy biết bao nhiêu câu thơ óng ả, trữ tình nói về “bức
tường”:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn.” (7)
Bức tường này thơ biết bao, loang xanh vào cả hồn thi sĩ, chắc thi sĩ
muốn cái hàng dậu xanh rờn này ở mãi đây để chàng còn tưởng tượng, viết
thêm cả trăm câu thơ khác. Nếu cắt đi bức tường tòan bằng lá xanh này
là cắt đi mất cái bí mật ở bên kia bức tường, làm sao thi sĩ còn “đoán”
được là “Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi”
“ Em ngồi trong khung cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa”(8)
Là những câu thơ đẹp dành cho những bức tường, dành cho những người yêu
nhau. Người ta mong mỏi cho thi sĩ và giai nhân cứ cách nhau một bức
tường để bài thơ kéo dài vô tận.
Thử đọc câu thơ:
“Trải vách quế gió lùa hiu hắt
Mảnh xiêm y lạnh ngắt như đồng”
Vách quế là bức tường trong phòng của các cung nữ ngày xưa có dát quế
cho ấm mùa đông. Những bức tường quế thơm tho này đã giam giữ bao nhiêu
trái tim bi lụy, bao nhiêu giấc mộng, và thấm bao nhiêu giọt lệ của các
nàng cung nữ. Ngay cả những âm mưu thầm kín để được lọt vào sổ của quân
vương cũng được toan tính sau những bức tường này.
Trong Kiều của Nguyễn Du, bức tường cũng được đem vào rất nhiều lần. Hai
lần được chú ý nhất, là tả tâm trạng của Kim Trọng bắt đầu tương tư đi
tìm Kiều, thuê được một căn nhà ngay cạnh nhà Kiều, để:
“Song hồ nửa khép cánh mây
Tường đông ghé mắt ngày ngày trông sang”
Và Nguyễn Du cũng dùng “bức tường” để tả tình yêu sôi nổi của Thúy Kiều
dành cho Kim Trọng, khi Kiều lợi dụng cha mẹ vắng nhà, sửa sọan thức ăn
mang sang nhà Kim Trọng để cùng thù tạc, bức tường bỗng nhiên thành nhân
chứng:
“Thời trân thức thức sẵn bầy
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.”
Có những tình yêu đằm thắm như thế này rơi ngay ở chân tường:
“Hoa vàng hoa rụng quanh tường
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.”
Những bông hoa vàng rụng trong đêm sương, gợi lòng nhớ mong của người
vợ có chồng đi vào nơi gió cát của trận mạc. Làm sao mà đếm được hoa
rụng mấy lần!
Nếu đem so sánh những bức tường nổi tiếng làm nên dấu tích lịch sử và
làm đẹp cho những áng văn đó với những bức tường ta sống đằng sau nó mỗi
ngày ta có thấy khác biệt gì không?
Những tiếng rì rầm của các con trong phòng ngủ bên cạnh, lọt qua bức
tường đến tai cha mẹ, cha mẹ nhắm mắt lại yên tâm các con còn ở chung
dưới một mái nhà; những tiếng ho yếu ớt của cha mẹ giữa đêm khuya bên
kia bức tường cho con hiểu cha mẹ đã thực sự già yếu. Bốn tường bỗng trở
thành vòng tay thân yêu của căn nhà để ta gọi là “gia đình.”
Bức tường ngăn cách ta với nhà hàng xóm, ta vẫn thân yêu gọi là “sát
vách” đó, đôi khi nó phải nghe hết những bất bình của cả hai phía. Bức
tường vô hình được dựng lên giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, các
cháu với ông bà làm cho chúng ta ngộp thở ngay trong một căn buồng cửa
mở. Phần nhiều những bức tường có đôi tai rất thính, nó có thể mang sự
bí mật của ta sang tận một nước khác, ta nên cẩn thận khi nói thầm.
Bức tường đáng yêu nhất là tấm lòng của ta mà người bạn nào cũng có thể dựa vào trong lúc cần một chỗ an ủi.
Trần Mộng Tú
9/07
* Ghi Chú: 1.Giuseppe Ungarette ; 2-3.William Marr; 4.California’s
Family Foundation; 5.Thiền Sư khuyết danh; 6. Trần Mộng Tú; 7. Nguyễn
Bính; 8.Lưu Trọng Lư; và Cung Oán Ngâm Khúc, Kiều, Chinh Phụ ngâm.
Trần Mộng Tú - Những bức tường
Chúng ta ở trước mặt, ở sau lưng những bức tường, ở trong những bức tường mỗi ngày. Có bao giờ chúng ta nhìn vào những bức tường nghĩ đến sự liên hệ giữa ta và tấm vách vô tri đó?
Chúng ta ở trước mặt, ở sau lưng những bức tường, ở trong những bức
tường mỗi ngày. Có bao giờ chúng ta nhìn vào những bức tường nghĩ đến sự
liên hệ giữa ta và tấm vách vô tri đó? Bức tường, bức vách, bức mành,
hàng rào, bờ giậu, chấn song,v.v. Là những rào cản, ngăn cách, hay che
chở giữa người với người, người với vật. Những tiếng đó, tưởng như khi
đọc lên chẳng để lại một âm thanh nào, nhưng thật sự những “bức tường”
đã giữ biết bao nhiêu dấu tích của kỷ niệm vui, buồn, thăng trầm của
lịch sử, lãng mạn của văn thơ .
Trong một bài thơ viết về chiến tranh, một nhà thơ Ý, có nhắc đến những bức tường:
“Không còn gì cả
trong những ngôi nhà
những bức tường bị bào nát ra, ở lại.”(1)
Tưởng tượng hình ảnh một ngôi làng sau chiến tranh, đồng hoang, nhà
trống, tất cả tan tác sụp đổ, không có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa,
tiếng chân trẻ em và tiếng ho của người già. Một ngôi làng bỏ trống chỉ
còn lại những bức tường đã sụp đổ tơi tả, rơi ra từng mảnh.
Khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc nước Việt, một “Bức Màn Tre”
được dựng lên, đã thấm bao nhiêu máu và nước mắt của người Việt cả hai
miền. Bức màn tre đã hạ xuống nhưng trong lòng người Việt cho đến bây
giờ một bức tường vô hình vẫn rơi ra từng mảnh.
Bức tường ngăn đôi ở Đông, Tây Đức sụp đổ, cả thế giới hân hoan và nhỏ
lệ. Những người dân hiền lành chẳng hề nghĩ xa xôi gì về “chính trị”
chôn dưới chân tường. Được gặp lại những người thân yêu, được đi lại tự
do một phần nào trên chính đất nước mình, đó là hạnh phúc thật sự mà họ
chạm được tay vào, như khi nhặt mảnh tường đập vỡ cất đi. Nhưng du khách
đến đây, ai cũng muốn mua một miếng gạch vỡ để làm chứng tích mình đã
đến bức tường lịch sử:
“Lịch sử bán hạ giá
Một mảnh chỉ có 20 mỹ kim” (2)
Một bức tường đá đen được dựng lên cận kề tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn
ghi ơn hơn năm mươi ngàn quân nhân đã chết cho chiến tranh Việt Nam.
Biết bao du khách đã đến đây đặt những vòng hoa dưới chân bức tường.
Người ta còn đem những bài diễn văn về hòa bình, về chiến tranh đọc
trước bức tường cho vong hồn tử sĩ khỏi quên, và có những bà mẹ, từ
những tiểu bang thật là xa, đã chân thấp, chân cao, lòng đau như cắt đến
đặt bàn tay run rẩy trên một hàng chữ mang tên con như đặt tay lên vừng
trán thân yêu của con mình. Chao ôi, sao lạnh quá!
…và với đôi mắt nhắm chặt
vết thương của nỗi chết dâng lên trong lòng
bà đặt những ngón tay run rẩy
trên vừng trán lạnh như nước đá của con trai.(3)
Đàng sau những chấn song sắt của một bức tường trong nhà tù, một buổi tối người ta nghe thấy tiếng thỏ thẻ:
“Mẹ đến nằm cạnh con và đọc sách cho con.”
Đó là giọng nói của một cậu bé 6 tuổi, cậu ở trong tù cùng với mẹ và em
gái của cậu, mới 3 tháng tuổi. Mẹ cậu bị bắt vào đây (đang lúc có mang
đứa con thứ tư)vì tội dùng ma túy nhiều lần. Ở chung sau bức tường với
những chấn song này có những bà mẹ và những đứa trẻ khác, trong một hoàn
cảnh tương tự như mẹ con cậu bé. Ai đó đã nhân đạo tạo một không khí
cho những bà mẹ quên đi việc xử dụng ma túy và chú tâm vào săn sóc con
cái sau những bức tường.(4)
Ngồi nhìn đăm đăm vào bức tường trước mặt, năm này sang tháng khác, thậm
chí không ăn, không ngủ, như vậy được gọi là “diện bích” là tham thiền
nhập định. Vị thiền sư nọ, một ngày bỗng “ngộ” ra:
Sự thức tỉnh thật là giản dị. “Khi tôi bước, tôi bước. Khi tôi ăn, tôi
ăn. Khi tôi ngủ, tôi ngủ.”(5) Suy nghĩ nữa làm gì, để rơi lại vào chỗ
tối tăm.
Các phi hành gia chụp hình từ trên cao xuống mặt đất, không nhìn thấy
gì, ngoài một vệt dài cong queo, xám ngắt như những âm hồn lặng lẽ dắt
nhau đi trong sương khói. Không đoán được là cái gì, khi về lại mặt đất
mới biết đó là: Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, là những bức tường
nối tiếp nhau, một kỳ quan của thế giới, một bức tường dài đã chôn vùi
biết bao nhiêu sinh mạng mới hòan thành.
“Có người lên mặt trăng nhìn xuống
Xa lắc nhân gian chẳng thấy gì
Chỉ thấy Trường Thành ngơ ngác dắt
Một dải linh hồn lặng lẽ đi” (6)
Không phải bức tường nào cũng đem đến những buồn bã như thế .Có rất
nhiều bức tường cũng đem đến mơ mộng nữa chứ. Nếu mở lại những trang
sách cũ, ta thấy biết bao nhiêu câu thơ óng ả, trữ tình nói về “bức
tường”:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn.” (7)
Bức tường này thơ biết bao, loang xanh vào cả hồn thi sĩ, chắc thi sĩ
muốn cái hàng dậu xanh rờn này ở mãi đây để chàng còn tưởng tượng, viết
thêm cả trăm câu thơ khác. Nếu cắt đi bức tường tòan bằng lá xanh này
là cắt đi mất cái bí mật ở bên kia bức tường, làm sao thi sĩ còn “đoán”
được là “Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi”
“ Em ngồi trong khung cửa
Anh đứng dựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa”(8)
Là những câu thơ đẹp dành cho những bức tường, dành cho những người yêu
nhau. Người ta mong mỏi cho thi sĩ và giai nhân cứ cách nhau một bức
tường để bài thơ kéo dài vô tận.
Thử đọc câu thơ:
“Trải vách quế gió lùa hiu hắt
Mảnh xiêm y lạnh ngắt như đồng”
Vách quế là bức tường trong phòng của các cung nữ ngày xưa có dát quế
cho ấm mùa đông. Những bức tường quế thơm tho này đã giam giữ bao nhiêu
trái tim bi lụy, bao nhiêu giấc mộng, và thấm bao nhiêu giọt lệ của các
nàng cung nữ. Ngay cả những âm mưu thầm kín để được lọt vào sổ của quân
vương cũng được toan tính sau những bức tường này.
Trong Kiều của Nguyễn Du, bức tường cũng được đem vào rất nhiều lần. Hai
lần được chú ý nhất, là tả tâm trạng của Kim Trọng bắt đầu tương tư đi
tìm Kiều, thuê được một căn nhà ngay cạnh nhà Kiều, để:
“Song hồ nửa khép cánh mây
Tường đông ghé mắt ngày ngày trông sang”
Và Nguyễn Du cũng dùng “bức tường” để tả tình yêu sôi nổi của Thúy Kiều
dành cho Kim Trọng, khi Kiều lợi dụng cha mẹ vắng nhà, sửa sọan thức ăn
mang sang nhà Kim Trọng để cùng thù tạc, bức tường bỗng nhiên thành nhân
chứng:
“Thời trân thức thức sẵn bầy
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.”
Có những tình yêu đằm thắm như thế này rơi ngay ở chân tường:
“Hoa vàng hoa rụng quanh tường
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.”
Những bông hoa vàng rụng trong đêm sương, gợi lòng nhớ mong của người
vợ có chồng đi vào nơi gió cát của trận mạc. Làm sao mà đếm được hoa
rụng mấy lần!
Nếu đem so sánh những bức tường nổi tiếng làm nên dấu tích lịch sử và
làm đẹp cho những áng văn đó với những bức tường ta sống đằng sau nó mỗi
ngày ta có thấy khác biệt gì không?
Những tiếng rì rầm của các con trong phòng ngủ bên cạnh, lọt qua bức
tường đến tai cha mẹ, cha mẹ nhắm mắt lại yên tâm các con còn ở chung
dưới một mái nhà; những tiếng ho yếu ớt của cha mẹ giữa đêm khuya bên
kia bức tường cho con hiểu cha mẹ đã thực sự già yếu. Bốn tường bỗng trở
thành vòng tay thân yêu của căn nhà để ta gọi là “gia đình.”
Bức tường ngăn cách ta với nhà hàng xóm, ta vẫn thân yêu gọi là “sát
vách” đó, đôi khi nó phải nghe hết những bất bình của cả hai phía. Bức
tường vô hình được dựng lên giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, các
cháu với ông bà làm cho chúng ta ngộp thở ngay trong một căn buồng cửa
mở. Phần nhiều những bức tường có đôi tai rất thính, nó có thể mang sự
bí mật của ta sang tận một nước khác, ta nên cẩn thận khi nói thầm.
Bức tường đáng yêu nhất là tấm lòng của ta mà người bạn nào cũng có thể dựa vào trong lúc cần một chỗ an ủi.
Trần Mộng Tú
9/07
* Ghi Chú: 1.Giuseppe Ungarette ; 2-3.William Marr; 4.California’s
Family Foundation; 5.Thiền Sư khuyết danh; 6. Trần Mộng Tú; 7. Nguyễn
Bính; 8.Lưu Trọng Lư; và Cung Oán Ngâm Khúc, Kiều, Chinh Phụ ngâm.