"84
m2" đặt câu hỏi cho người trẻ, rằng làm lụng cật lực để chạm tới giấc
mơ chung cư - thứ nhiều người cho là cột mốc đánh dấu việc được công
nhận trong xã hội - liệu có xứng đáng.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
84 m2,
đúng như nhan đề của nó, là diện tích của một căn hộ chung cư tiêu
chuẩn tại Hàn Quốc. Với nhiều người dân xứ kim chi, đó không chỉ là ước
mơ, mà là thước đo thành công sau nhiều năm trời vật lộn với công việc
và cuộc sống.
Bộ phim của đạo diễn Kim Tae Joon theo đó tiếp cận
một chủ đề khá đặc biệt: giấc mộng an cư của nhiều dân văn phòng xứ Hàn.
Họ tin rằng mua được chung cư thì sẽ an tâm lập nghiệp.
Đó là một giấc mộng đẹp, cho đến khi những rắc rối đầu tiên xuất hiện.
'Giấc mơ an cư' của người Hàn
Câu chuyện của 84 m2 (tựa tiếng Anh: Wall to Wall)
mở ra khi Noh Woo Sung (Kang Ha Neul) - một nhân viên văn phòng ngoài
tuổi 30, bằng mọi giá mua một căn hộ chung cư tiêu chuẩn ở thành phố
Seoul. Anh phải dốc toàn bộ vốn liếng, vay nợ, thậm chí bán cả mảnh đất
của mẹ già ở quê.
Woo Sung không phải một kẻ mộng mơ viển vông.
Anh đại diện cho tầng lớp trung lưu mới nổi tại Hàn Quốc, những người
làm công ăn lương, cặm cụi tích góp cả đời chỉ để có cơ hội mua tấm vé
đặt chân vào “giấc mơ an cư”. Với anh, tậu được căn hộ rộng 84 m2 không
chỉ là niềm hãnh diện, mà còn là cột mốc đánh dấu việc được công nhận
trong xã hội.
Thế mà chỉ 3 năm sau, thực tế đã tát vào mặt Woo
Sung một cú đau điếng. Anh kiệt sức vì khoản tiền lãi vay, phải làm thêm
công việc giao hàng để đủ tiền trang trải. Cuộc sống tù túng tới mức
chàng nhân viên văn phòng còn không dám thoải mái sử dụng điện nước,
điều hòa trong căn hộ. Thế nhưng, cơn ác mộng đâu dừng lại ở đó. Sau
những ngày làm việc rã rời, Woo Sung tiếp tục bị "tra tấn" bởi những
tiếng ồn khó chịu không rõ nguồn gốc.
Quá sức chịu đựng, Woo Sung
phải lần theo từng tầng để kiểm tra, để rồi nhận ra hộ gia đình nào cũng
chịu cảnh tương tự và nghi ngờ tầng trên mình bày trò quấy phá. Tới lúc
này, Woo Sung mới lờ mờ nhận ra khu chung cư có điều gì đó kỳ lạ và bất
ổn.
 |
Kang Ha Neul vào vai nhân viên văn phòng khủng hoảng sau khi mua chung cư. |
Đỉnh
điểm căng thẳng xảy ra khi hàng xóm đồng loạt nghi ngờ và tin rằng
chính Woo Sung là kẻ gây ra tiếng ồn. Bị cô lập, nghi ngờ, anh bắt đầu
hành trình đi tìm “thủ phạm thật” để tự minh oan cho bản thân. Từ đây, 84 m2
dần chuyển hướng sang câu chuyện giật gân, kéo theo chuỗi bí ẩn rợn
người bị che giấu dưới lớp vỏ hào nhoáng của cuộc sống đô thị.
Nhân
vật phản diện thực sự là Yeong Jin Ho (Seo Hyeon Woo), một phóng viên
tự do từng bị cựu công tố viên Eun Hwa (Yeom Hye Ran) - nay là là chủ
tịch hội cư dân - dập tắt phóng sự điều tra về xây dựng chung cư chất
lượng kém. Jin Ho âm thầm vạch kế hoạch trả thù, bằng cách biến toàn bộ
khu chung cư thành sân khấu cho một màn kịch đẫm máu.
Woo Sung bị
lựa chọn trở thành con cờ trong trò chơi báo thù vì dường như đã mất hết
tất cả, từ nhà, tiền, cho đến cả cơ hội đầu tư tiền ảo để thoát nợ...
Theo lời Jin Ho, Woo Sung "tượng trưng cho sự đau khổ của thanh niên
trong thời đại mới", tức theo đuổi giấc mơ tới sức cùng lực kiệt rồi trở
nên tuyệt vọng khi vỡ mộng.
Trong hồi kết cao trào tại căn
penthouse, nơi sang trọng nhất và cũng là tầng cao nhất của tòa chung
cư, mọi giả dối, lừa lọc và tội ác đẫm máu bùng nổ. Đạo diễn Kim Tae Jun
cho thấy phát hiện độc đáo ở chủ đề, cho tới cách tiếp cận những nỗi
uất nghẹn nhức nhối trong xã hội.
Câu chuyện 84 m2 không
dừng lại ở một vụ trả thù cá nhân, mà đào sâu vào tâm lý tập thể, nơi
con người phải sống chen chúc, mất dần ranh giới riêng tư, thậm chí bị
giam cầm, bóp nghẹt trong chính chốn “thiên đường” mà xã hội thi nhau ca
tụng.
Táo bạo nhưng cũng lắm tranh cãi
Kang Ha Neul, từng gây tiếng vang sau When the Camellia Blooms hay Squid Game,
nay trở lại "lột xác" với vai Woo Sung, một dân văn phòng trượt dài
trong chuỗi cảm xúc từ vui mừng cho tới đau khổ, tuyệt vọng vì lựa chọn
liều lĩnh.
Tài tử sinh năm 1990 tái hiện thuyết phục những diễn
biến tâm lý của một người trẻ vật lộn giữa các lựa chọn và kỳ vọng xã
hội. Căn nhà, "tài sản" mà Woo Sung cố chấp giữ bằng mọi giá, cũng là
thứ đã đẩy anh vào vòng xoáy bi kịch không lối thoát.
 |
Phim quy tụ dàn cast thực lực của điện ảnh Hàn. |
Trong
khi Yeom Hye Ran khắc họa một Eun Hwa bí ẩn và khó đoán. Cách nhân vật
kiểm soát, chơi đùa với tâm lý các nạn nhân rồi trở mặt vào phút chót
khiến người xem không khỏi rùng mình. Trong trò chơi nhập vai đó, Eun
Hwa không chỉ là người giàu, mà còn đại diện cho cả một tầng lớp thao
túng cuộc chơi bất động sản.
Phản diện Jin Ho cũng được Seo Hyun
Woo thể hiện khá thuyết phục. Gã một mặt là nạn nhân của quyền lực, mặt
khác cũng là kẻ thủ ác sẵn sàng bóp méo sự thật vì mục tiêu riêng. Mối
quan hệ giữa Jin Ho và Woo Sung không đơn giản là kẻ thao túng - nạn
nhân, mà biểu hiện cho hai hình mẫu con người cùng bị hệ thống xã hội
giày xéo, nhưng lại lựa chọn những cách phản ứng khác biệt.
Ở cao
trào, diễn xuất của bộ ba tạo nên nhiều khoảnh khắc khiến khán giả ớn
lạnh. Chỉ có điều, những nỗ lực đó là chưa đủ để che lấp kịch bản lỏng
tay, kém thuyết phục ở hồi sau.
84 m2 lộ rõ sự loay hoay
trong cách gỡ rối, lý giải các khúc mắc đặt ra ở đầu phim. Chuyển hẳn
sang màu sắc giật gân, phim dần lạc lối với loạt tình tiết bị cường
điệu, trở nên phi lý và thiếu logic. Các nhân vật đôi khi cũng có xu
hướng hành xử bất thường. Nạn nhân - vốn ban đầu được khắc họa với nỗi
sợ rất thật về cuộc sống cô độc, áp lực sở hữu nhà và kỳ vọng xã hội -
dần dà lại bị ép tiến vào chuỗi hành vi cực đoan một cách khá vội vàng.
Những
cú twist giật cục vô tình làm lạc hướng cảm xúc người xem, khiến tiết
tấu phim được đẩy nhanh nhưng đánh mất dần sức nặng về mặt tâm lý.
 |
84 m2 rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột" khi hồi cuối xử lý kém thuyết phục. |
Woo
Sung, sau chuỗi bi kịch, tỉnh lại trong bệnh viện và được mẹ đón về quê
- một làng chài bình yên ven biển. Ở đây chẳng có tiếng ồn. Chỉ có mái
nhà nhỏ đơn sơ đón gió biển thổi qua, ngày qua ngày chứng kiến ánh hoàng
hôn chảy xuống.
Nhưng Woo Sung lựa chọn quay lại Seoul. Cảnh kết
phim đầy tính ẩn dụ khi anh chàng dân văn phòng đứng trong căn hộ trống
rỗng, lại nghe thấy tiếng ồn rồi bất chợt cười lớn. Jin Ho và Eun Hwa đã
chết, nhưng tiếng ồn thì vẫn còn. Đó là tiếng ồn dân cư bị ép sống
chung trong một khoảng không gian chật chội...
Kim Tae Jun không
khuyên răn hay định hướng khán giả. Ông để lại một cái kết mở, khó đồng
cảm, cũng lắm tranh cãi. Nhưng đó cũng là ý đồ đạo diễn khi câu trả lời
không nằm ở “ai đúng, ai sai”, mà là lựa chọn của con người trước cuộc
sống đô thị hiện đại.
Cuốn sách Lược sử âm nhạc của nhà
nghiên cứu âm nhạc bậc thầy thế giới Robert Philip, dẫn dắt độc giả trên
hành trình khám phá cực kỳ lôi cuốn mọi hình thái âm nhạc. 40 chương
sách đưa người đọc đi từ dạng thức sơ khai của âm nhạc đến khi con người
sử dụng âm nhạc, qua giai đoạn sự lên ngôi của các nhạc cụ, dàn nhạc,
đến khi âm nhạc tạo ra những cơn bão trong tâm trí con người thời cách
mạng, cuối cùng là âm nhạc trong nhịp sống hiện đại và âm nhạc hướng về
tương lai.
Cuốn sách làm nổi bật rằng, âm nhạc không chỉ là một
hình thức nghệ thuật mà còn là một hiện tượng xã hội phức tạp. Nó phản
ánh cấu trúc xã hội, các mối quan hệ quyền lực và những thay đổi trong
xã hội. Âm nhạc phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau trong các
nền văn hóa.